TA ĐÃ Ở KIA

Page 1

TA ĐÃ Ở KIA Nhật Vi Đinh


TA ĐÃ Ở KIA

Tôi đang đi Bao giờ bạn bước qua ngạch cửa Cứ đi đi mà Thả hồn vào từng ô cửa Lắm lúc đầy hoa

2


TA ĐÃ Ở KIA

Đừơng xa mấy nẻo rồi quên, nhớ Một tiếng đàn ngân giữa bụi mờ Lời ca chưa cũ Người chưa dừng bến cuối Rối nhịp theo giờ những múi lắc lư

3


TA ĐÃ Ở KIA

Từng ngụm bia đắng lạnh Giữa phố chật lằn ranh Ngà say như ả lên đồng Chữ lan ra giấy hoá sông bóng mình

4


TA ĐÃ Ở KIA

Một ngày chân mỏi Dạt đến bên người Tóc cười trên gối Quên miền xa xôi

5


TA ĐÃ Ở KIA

MÙI NHÀ Ở BERLIN Nếu có ai hỏi ở Berlin tôi nhớ gì nhất? Tôi sẽ trả lời: bún riêu cua. Sao không là món currywurst nồng nồng cay cay? Sao không là Berlin Cathedral được chạm trổ tinh tế từ ngoài vào trong, nơi được in trên hầu hết các postcard về Berlin? Sao không là Alexanderplatz với chiếc đồng hồ thế giới to đùng phía trước? Sao không là buổi sáng nhiều mây giữa khu chợ thủ công bên bờ sông hay những tảng xi măng vuông góc để tưởng nhớ một thời u tối? Có những chuyện trên đời này mình không giải thích được, chỉ cảm thôi. Buổi chiều đó sau khi vật lộn với mớ hành lý lỉnh kỉnh từ Dresden, rồi Potsdam, bọn tôi cũng đến nơi. Không biết đã leo bao nhiêu bậc thang từ lúc bước ra khỏi xe điện ngầm, khi lên đến mặt đường mưa như xối vào mặt làm tôi tỉnh hẳn. Quên hết cả lạnh. Quên luôn mình đang đứng trên đất lạ, ở một sân ga lạ hoắc. Quên mang dù, mà nếu có cũng không biết làm sao che vì hai tay vừa xách vừa kéo. Bạn đừng hỏi tôi ga tên gì, hướng nào, cách trung tâm bao xa vì nhỏ em họ dẫn đường, kiêm luôn hướng dẫn viên từ sáng; giờ tôi chỉ nhớ ga nằm đâu đó ở Berlin. Bọn tôi đi vòng qua con phố nhỏ, rồi quẹo vào một cái cổng to to. Mưa lớn nên chẳng thấy rõ thứ gì cả. Sau đó đi hết một hành lang dài của khu chung cư. Vừa bước vào nhà hơi ấm phả vào mặt, mùi riêu cua như ôm cả tôi và những thứ cồng kềnh bên tôi. Ấm quá. Hai gương mặt xa lạ đón hai đứa tôi với cái cười ngọt trên môi và những lời hỏi han như đã quen biết từ lâu. Đó là cảm giác ấm cúng của những lần đi xa về, mở cửa bước vào nhà mình. Bạn cũng đừng hỏi tại sao tôi tài quá, đoán ra được mùi cua mà lại là bún riêu. Chẳng có bí quyết gì đâu; chỉ là lúc đó lạnh quá, lại đói, lại thèm một tô gì nóng nóng ăn cho ấm người nên khi đánh hơi được mùi đồ biển tôi đoán đại thôi. Nói thật, đó là tô bún riêu ngon nhất tôi được ăn cho đến bây giờ, khi đang viết mấy dòng này. Hai cô chú nói bọn tôi có lộc ăn, cua tươi vừa mua sáng nay luôn đấy. Giữa tất cả xa lạ mà tôi như đang ở nhà mình, cảm giác nhớ “mùi nhà” trong mười mấy ngày qua tạm thời đi vắng. Đó là hạnh phúc. Chỉ đơn giản vậy.

6


TA ĐÃ Ở KIA

DƯ VỊ OKTOBERFEST Từ trước đến giờ tôi chưa từng uống hết một lon bia mà lần này cố tình đi Oktoberfest để thử bia mới ghê. Và đã uống hết một lít bia chỉ trong vòng vài giờ. Bây giờ nhớ lại vẫn thấy phục mình quá cỡ. Oktoberfest là lễ hội bia lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm ở Munich thuộc bang Bavaria, Đức. Lễ hội kéo dài hai tuần, bắt đầu từ tuần lễ thứ tư của tháng Chín đến Chủ Nhật tuần đầu tiên của tháng Mười. Oktoberfest có lich sử lâu đời bắt đầu từ năm 1810, ban đầu chỉ dành cho những người trong vùng sau mùa gặt hái nhưng ngày càng được nhiều người trên thế giới biết đến và tham gia. Theo thống kê những năm gần đây số người đến tham dự có thể trên sáu triệu người trong vòng hai tuần ngắn ngủi. Đa số là người Đức, chiếm khoảng 70%, phần còn lại đến từ các nước Châu Âu và các lục địa khác. Số lượng bia tiêu thụ trong mùa lễ hội có thể lên đến bảy triệu lít, và chỉ bia được làm ở Munich mới được bán ở đây. Nồng độ cồn ít nhất phải là 6%alc. (source- Wikipedia) Nếu bạn có mặt đâu đó ở Châu Âu trong khoảng thời gian cuối tháng Chín đầu tháng Mười thì nên sắp xếp đi đến Oktoberfest cho biết. Nhất định không hối hận đâu, có thể là một trong những trải nghiệm nhớ đời. Về chỗ ở và vé tàu xe thì khỏi phải nói rồi, rất đắt đỏ vì thời gian này là mùa cao điểm của ngành du lịch ở Munich. Nếu muốn tiết kiệm cả tiền và thời gian trước khi đến nơi, bạn nên book các thứ trước càng sớm càng tốt. Còn nếu tình hình tài chánh của bạn không có vấn đề thì vô tư, cứ từ từ nhưng cũng đừng để cận ngày đi quá vì tất cả các chỗ trọ đều cháy phòng. Nói thêm về chuyện ở, có thể tiết kiệm thêm một chút nếu bạn chọn ở các vùng lân cận ngoài trung tâm Munich, và cách xa khu lễ hội. Khoảng cách trong vòng 1-1:30 giờ di chuyển là chuyện nhỏ, có thể ở chơi đến tối. Dù tôi may mắn có người quen ở Munich nhưng để đi tới nơi tổ chức lễ hội cũng phải hơn 40 phút, đi buýt một chặng rồi đổi qua tàu điện. Chỉ sợ một điều đáng lo khi ở xa, buổi tối sau khi uống say lơ mơ không nhớ đường về, mém chút bị lạc như bọn tôi hôm đó. Tối hù, ra khỏi ga phải hỏi hai ba bận mới ra đúng bến đợi xe buýt. Gió lạnh run. Hôm đó khách chờ xe cũng còn đông nên hai đứa bớt sợ. Xe chạy đến mỗi trạm bác tài xế có thông báo tên trạm nhưng lại bằng tiếng Đức, bọn tôi thua. May thay về gần đến nhà lúc này khách đã xuống xe gần hết nên mới thấy anh chủ nhà, mừng như sắp chết đuối lại vớt được phao. Về đường đi nước bước thì khỏi phải lo, đi là sẽ đến. Đến mùa Oktoberfest ở các trạm xe, ga tàu, ngay cả ngoài đường chỗ nào cũng có bảng chỉ dẫn làm sao để đến địa điểm này. Hoặc bạn có thể hỏi bất kỳ ai trên đường. Tiếng Đức họ gọi Oktoberfest một cách ngắn gọn là “wiesn”. Vì là mùa lễ hội nên nhìn ai cũng tươi rói, rất vui vẻ để giúp nếu mình hỏi. Hoặc là như bọn tôi, chỉ đi theo dòng người, nhất là những người mặc trang phục cổ truyền của Đức, mọi người chỉ đi về một hướng, trước sau gì cũng tới thôi. Nhìn sơ qua không khí và cách bày biện trong khuôn viên Oktoberfest giống như các hội chợ khác. Có nhiều quầy bán đồ ăn, đồ lưu niệm. Có rất nhiều trò chơi dành cho trẻ con. Lúc nào cũng nghe thấy tiếng nhạc, họ chơi nhạc êm dịu trong ngày, buổi tối sẽ nghe nhạc xập xình hơn khi bọn trẻ con đã về hết. Cuối tháng Chín bên này trời bắt đầu tối sớm nên khoảng sau bốn giờ đã thấy đèn đóm lung linh khắp nơi. 7


TA ĐÃ Ở KIA

Ở đây bia chỉ được bán trong các lều (tents). Lều lớn chắc đâu hơn 10 cái, còn lều nhỏ thì khá nhiều. Sự khác biệt giữa hai loại lều là trong mỗi lều lớn sẽ có ban nhạc live, có nhà bếp khá rộng, có bàn ghế ngồi, có nhiều lều có đến hai tầng. Và tiện nghi nhất là có nhiều free toilets. Còn lều nhỏ chỉ là một khung vuông khoảng mười mét vuông trở lại, có mái che, như cái quầy bar nhỏ. Bọn tôi hai đứa bon chen vào được hai cái lều lớn. Một cái bán ly bia 500ml và một cái bán ly 1 lít. Mỗi lều chỉ bán duy nhất ly một cỡ thôi nhé. Vào các lều lớn bạn sẽ thấy không khí lễ hội rõ hơn. Ai đang buồn buồn sầu sầu nên vào đây, bạn sẽ bị cái nhộn nhịp, tiếng hát, tiếng nhạc và những bước nhún nhảy cuốn vào. Hết buồn ngay. Ban nhạc hát những bài hát đồng quê, tôi không hiểu nhưng hỏi những người Đức chung quanh họ nói vậy. Có người biết lời thì hát theo, hoặc nhảy theo điệu nhạc. Mọi người quàng vai nhau nhảy nhót vòng vòng, bất kể là có quen hay không, bất kể già hay trẻ. Có người chỉ đứng im lặng một góc để thưởng thức bia và nhìn những gì đang xảy ra chung quanh. Đó cũng là một cách để hội hè tôi nghĩ. Có người say bí tỉ, té lên té xuống và mấy anh bảo vệ phải đỡ lên lôi ra ngoài. Có mấy ông to con quá vài người phải rủ nhau khiêng ra. Nói chung là không khí này không thể diễn tả hết bằng lời, bạn phải tận mắt chứng kiến, nghe thở trong đó mới cảm nhận hết. Bây giờ nói tới chuyện mua bia nhé. Mặc dù nhìn đâu cũng thấy bia, người uống người cheers nhưng để mua được một ly bia trong các túp lều lớn cũng trần thân trừ phi bạn có book trước chỗ ngồi, họ sẽ phục vụ tận bàn. Nhưng dân đi bụi như bạn và tôi thì chắc không bao giờ có vinh dự được kiểu cơm bưng bia rót này. Nghe nói giá đắt ghê lắm. Thường những cái bàn gỗ với hai dãy ghế hai bên, đồ ăn ly dĩa được bày ê hề chỉ dành cho các công ty hay hội đoàn, hay những người có tên tuổi và họ phải đặt trước cả năm. Vì thế có hai cách để mua bia. Một, chen chúc chờ ở quầy. Hai, gạ gẫm các cô bưng bia, nên nhờ các bác trai lớn tuổi đứng xung quanh làm việc này sẽ có kết quả hơn. Nhưng bạn nên hỏi trước giá tiền và nên chuẩn bị đúng số tiền đó vì các cô không bao giờ có tiền thối lại, tiền dư coi như tip. Vào thời điểm 2013, một ly bia 500ml giá 15eu, 1 lít giá 25-30eu. Để lót dạ trước hay trong lúc uống bia thì có bánh pretzel. Loại bánh rất phổ biến ở các nước Châu Âu, đặc biệt là Đức. Bánh được làm bằng bột mì, có hình xoắn giống như hai bàn tay chụm lại. Bánh được nướng vàng ươm nhìn rất hấp dẫn, phía bên ngoài dính nhiều hạt muối hột to to. Ăn cũng vui miệng nhưng ăn rồi rất khát nước. Đây chắc là chủ ý của họ để bạn uống thêm nhiều beer chăng? Pretzel được bán đầy ở các quầy đồ ăn bên ngoài lều, còn bên trong lều sẽ có các cô mặc đồng phục truyền thống xách giỏ cây đi vòng vòng bán; giỏ được lót vải và những cái bánh được xếp gọn bên trên. Thêm một món khác bạn nên thử là xúc xích trắng, cái sausage màu trắng tròn, ngắn, có thể chọn ăn với nhiều loại sauce khác nhau. Đây cũng là món đặc sản ở Munich. Ngoài ra có rất nhiều món ăn khác để lựa chọn ở các quầy bán đồ ăn còn bên trong lều tôi chỉ thấy có mỗi bánh pretzel. Nhìn những dĩa đồ ăn đầy ắp hấp dẫn ở nhà bếp. Nhìn mấy anh phục vụ bê các đĩa đồ ăn một cách điệu nghệ đã đủ thấy một phần màu sắc của lễ hội. Còn việc bưng bia là việc của các cô. Đứng nhìn mấy nàng đi thoăn thoắt tôi phải công nhận họ thật khỏe. Trung bình một lúc họ ôm năm sáu ly bia, mỗi ly một lít chưa kể cái ly không thôi đã rất dày và nặng. Phải làm liên tục từ sáng tới tối. Không biết buổi sáng các cô có vui cười niềm nở với khách hay không chứ tôi đi buổi chiều thấy cô nào cô nấy mặt rất căng, một hôi rịn bên thái dương, nét mệt mỏi hiện lên mặt. Bạn hỏi ít khi họ trả lời. Nghe đâu vì công việc vất vả nên trong vòng hai tuần có cô kiếm được tới 12000eu, bao gồm tiền công và tip. Một con số không nhỏ tí nào.

8


TA ĐÃ Ở KIA Nhéo một miếng bánh bỏ vào miệng nghe ngòn ngọt, mằn mặn nơi đầu lưỡi rồi uống một ngụm bia mát lạnh và nhìn thiên hạ xung quanh. Tôi vui lây cái vui của họ và mang về một chút vui cho riêng mình.

9


TA ĐÃ Ở KIA MAINZ VÀ TÔ PHỞ BẮC Một buổi chiều ở Mainz, khi đi ngang khu trung tâm thấy đông người vừa đứng vừa ngồi tôi bèn ghé xem thử. Thì ra lúc đó gần có bầu cử nên họ tổ chức hoạt động tranh cử ngoài trời để các ứng viên tiếp xúc với ngừơi dân. Vài cái bàn gỗ dài, một dọc ghế xếp, vài quầy dựng tạm có phủ vải che để bán đồ ăn. Tôi cũng bon chen mua một combo gồm một ly vang trắng, một ổ bánh mì với xúc xích. Họ bán loại bánh mì ngắn, nhỏ như dinner roll và cái xúc xích dài gấp đôi đựng trong dĩa nhựa. Tôi bê phần ăn đến ngồi cùng bàn với mấy bác người Đức đang nói cưới rôm rả, hai bác trai với ba bác gái. Hành trang vắt vai của tôi chỉ duy nhất tiếng ‘cám ơn’ (danke) bằng ngôn ngữ địa phương, ngồi trò chuyện với mấy bác chỉ nói được vài từ tiếng Anh tôi hiểu được vậy mà cũng qua một buổi chiều vui vẻ, ai cũng cười ra dấu nhiều hơn nói. Một bác trai còn mời tôi thêm một ly rượu đỏ mà từ chối hoài không xong nên thôi cứ cạn ly. Uống hết ly đó bác lại ra dấu thôi thêm ly nữa rồi về. Trời nhá nhem tôi mới đứng dậy chào mấy bác để đi về nhà trọ chứ ngồi thêm nữa sợ không biết “đêm nay ai đưa em về”* Hơi lơ mơ, ngà ngà vậy mà trên đường về gần Mainz Hauptbahnhof tôi còn nhìn rõ đường, phát hiện ra một quán ăn Việt. Quán nhỏ, tô đoán chắc quán ăn gia đình. Bên trong quán kê chừng năm chiếc bàn, mỗi bàn hai ba ghế. Nhớ hình như lúc đó gần đến giờ đóng cửa nên quán vắng, chỉ còn một anh tóc vàng ngồi ăn nơi góc trái. Vừa bước vào tôi thấy một bác trai mặc áo trắng kiểu áo của đầu bếp đứng gần cửa tôi liền nói luôn tiếng Việt. - Bác ơi có món gì nóng nóng cho con một tô. Bác cười cười. - Ủa sao biết tôi người Việt? Bảng hiệu đâu có chữ Việt nào. - Hơn hai tuần rồi con không nói tiếng Việt nên thấy bác con đoán 80% người mình nên mừng quá hỏi đại. Rồi bác kêu là tối rồi trời lại lạnh thôi ăn phở đi cháu, bác người Bắc nên chỉ nấu phở Bắc. Tôi xin thêm ly nước chanh trong khi chờ phở. Quán trang trí đơn sơ. Vài tranh vẽ phong cảnh đồng quê Việt Nam treo trên vách trái, vách phải treo menu có hình ảnh, tên món ăn được ghi bằng tiếng Đức và tiếng Anh. Trong một góc khuất gần lối vào bếp có cái bàn thờ nhỏ đặt dưới đất khói đang kéo sợi, kế bên kê cái dĩa đựng hai quả táo màu xanh. Anh tóc vàng ăn xong trên dĩa còn dư chút mì, kêu tính tiền. Một chị đi ra vừa cầm hóa đơn vừa cầm một cái hộp nhựa. Anh chàng trả tiền rồi lấy nĩa đùa phần ăn còn lại vào hộp gọn hơ. Nói lớn tiếng cám ơn rồi tay xốc ba lô tay cầm hộp đi ra cửa. Khách quen, chị nói. Trong lúc phở chưa ra tôi hỏi chị về quán. Đúng là quán này do bác trai làm chủ, kiêm luôn chức bếp chính. Có hai người con ra phụ các việc còn lại, chị và em trai đang phụ trong bếp. Khách vắng đông cũng tuỳ ngày nhưng nói chung cuộc sống của cả nhà khá ổn. Quán chỉ mở năm ngày rưỡi một tuần, đóng cửa ngày chủ Nhật theo quy định ở Đức; hai tháng nữa quán tròn mười năm. Tô phở bác bưng ra to vật vã, nóng hổi, lớp hành xanh mướt trên mặt, thơm mùi rất phở như lâu lắm tôi chưa được ăn. Sau đó bác còn tự đem ra thêm một chén chè (là chè ngọt nhé, không phải trà), nói để cho tôi tráng miệng. Ăn xong khi trả tiền bác cứ từ chối không lấy, nói là lâu lắm mới gặp người Việt từ nước khác ghé nên thôi. Năn nỉ cuối cùng bác lấy 5eu, “cho 10


TA ĐÃ Ở KIA cháu khỏi ngại tối về lại mất ngủ”. Một ngày no say. Tối về lên giường tôi rà nghe bài “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi…” của bác Phạm Duy do Thái Thanh hát cho thêm hợp tình hợp cảnh. Khi ở một chỗ lạ, lúc nào có trăm chuyện lạ, đáng ngạc nhiên xảy ra chung quanh khiến mình quên quên nhớ nhớ nhưng có những buổi chiều, buổi tối như vậy khó có thể mà quên. *Nguyễn Ánh 9

11


TA ĐÃ Ở KIA

HAMBURG THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG CON TÀU Hamburg- một trong những thành phố cảng lớn nhất Châu Âu nằm ở phía Bắc nước Đức. Một nơi làm cho bạn có cảm giác lơi lỏng hơn các thành phố khác trên đất nước này, nơi đi một đoạn ngắn lại qua một cây cầu, nơi có nhiều kiến trúc lạ, ít ra là đối với tôi. Đây cũng là thành phố duy nhất ở Đức tôi đã đi qua mà thấy có khuyến cáo nạn giựt dọc, mất cắp. Vừa bước ra khỏi ga trung tâm đã thấy một khung cảnh khác, không khí khác, nói đúng là hơi có vẻ tạp nhạp. Nơi này không sáng sủa rực rỡ như Frankfurt, không yên ắng như Mainz, không cổ kính như Koblenz, không dễ thương như Bingen mà lại mang một vẻ đẹp khác, như một bức tranh đủ màu hỗn hợp nhiều trường phái khác nhau. Hamburg ít được nhắc đến trong các chuyến đi cũng có lẽ vì thế. Tôi vẫn được khuyên Hamburg chẳng có gì đâu, đừng ghé. Từ Mainz mất sáu tiếng ngồi xe lửa IC (intercity) mới đến Hamburg. Hôm đó xe khởi hành trễ; đường ray hay xe có vấn đề gì đó nên chạy rất chậm, sau đó ngừng hẳn hơn nửa tiếng ở ga Wuppertal. Vậy mà nhìn quanh tôi chẳng thấy ai lo lắng. Có vài cuộc điện thoại xung quanh, một kêu đến rước trễ, một kêu dời cuộc họp đến ngày mai, một kêu đừng chờ chi đói bụng. Chỉ nghe được loáng thoáng bấy nhiêu tiếng Anh, còn phần thông báo chính về chuyện xe trục trặc lại bằng tiếng Đức, tôi phải nhờ anh bạn trẻ ngồi bên dịch giùm. Một trong những toa xe có vấn đề, họ đang sửa. Có nhiều người cười vui vẻ thoái mái vì có cơ hội bước ra hút vội vài điếu thuốc. Khi tôi đến nơi trời đã chạng vạng. Ai nói Hamburg không đẹp, chẳng lãng mạn chút nào thì đừng tin nhé. Bằng chứng là buổi tối đầu tiên đặt chân đến đây tôi đã ngẩn ngơ với những bậc tam cấp dài hướng mặt ra hồ Alster ngay trung tâm, ánh sáng từ các ngọn đèn chung quanh rọi xuống hồ, sáng vừa đủ để thấy vô số các cặp đôi đứng, ngồi vai bên vai. Trên bờ là vậy, bên dưới hồ vô số thiên nga trắng lượn quanh. Yên bình và lãng mạn vừa đủ.lên phim. Về xem lại hình tôi mới thấy mình chụp được một tấm nhìn cứ như trong phim tình cảm, cảnh "happy ending", tôi đoán ai cũng biết cảnh này ra sao nên khỏi cần hình minh hoạ hén. Buổi sáng hôm sau mây thấp. Lạnh tê nhưng tôi cố dậy sớm để đi chợ, một nơi đầy màu sắc và khá quyến rũ ở Hamburg là St Pauli Fish Market. Khu chợ này nằm ngay bến cảng, có lẽ ngày xưa chỉ bán hải sản nên được đặc tên như vậy chứ bây giờ theo tôi họ nên gọi Farmers’ Market thì đúng hơn vì ngoài tôm cá họ bán đầy đủ trái cây, rau cải, thịt, bánh mì…Chợ chỉ họp mỗi tuần một lần vào sáng Chủ Nhật từ năm đến chín giờ sáng. Trong tiếng Anh người dân Hamburg được gọi là Hamburger, ngạc nhiên ha vì xuất xứ của món này có chút liên quan. Họ hãnh diện vì hiếm có nơi nào trên thế giới vừa năm giờ sáng đã có thể vừa xem và nghe nhạc live vừa được uống các thứ nước có cồn. Dĩ nhiên cà phê và các món đồ ăn sáng không thiếu. Tôi đến chợ lúc sáu giờ rưỡi đã thấy đông nghịt người. Buổi sáng còn mờ sương, cầm ly cà phê ấm trong tay, đi dạo một vòng hít thở không khí đủ mùi, rồi nhìn người, nhìn những con tàu ngoài kia. Đó là lần đầu tiên tôi ăn sáng trong một hoàn cảnh như vậy. Và đây cũng là lần đầu tôi ăn thịt bò sống 100% cho bữa sáng. Buổi tối, tôi lân la đi đến khu đèn đỏ. Một trải nghiệm khó quên ở Hamburg. Trời tối mờ mờ, đèn lốm đốm vài ngọn. Vừa ra khỏi metro dưới hầm, nghe hình như chỉ có mình tôi bước xuống. Tiếng giày vang lên trong đêm. Bước đi một đoạn, tôi lại nghe có tiếng bước chân phía sau. Cố bước nhanh hơn, tiếng động phía sau cũng gấp gáp hơn. Tôi không dám quay lại. Vừa đi vừa chạy lên từng bậc thang. Khi lên đến mặt đường, quang cảnh cũng không khá hơn chút nào. Gió lúc mạnh lúc nhẹ, lành lạnh, vài cây đèn đường lờ mờ. Nào rác, nào lá khô 12


TA ĐÃ Ở KIA bay khắp nơi mỗi khi gió quét qua để lại những âm thanh rờn rợn làm tôi có cảm giác như mình đang ở trong một cảnh phim trinh thám, khi sắp có chuyện lớn xảy ra. Đến lúc tôi lấy hết can đảm quay đầu nhìn lại thì chẳng thấy ai. Đi trên đường lâu lâu lại bắt gặp hai ba ông già quần áo nhàu nát, dáng liêu xiêu với chai rượu trong tay. Lâu lâu bước qua một quán rượu, lác đác người. Một vài quán với đèn xanh đèn đỏ chớp tắt, với hình ảnh các cô gái khỏa thân và các lời mời gọi. Đó là quảng đường gần ga Reeperbahn, khu St Pauli buổi tối. Tôi tính đi một vòng cho biết, cứ tưởng ở đây nhộn nhịp như khu đèn đỏ ở Amsterdam ai ngờ. Lòng vòng khoảng mười lăm phút tôi sợ quá chạy trở lại ga đón xe về. Để lấy lại tinh thần, tôi ghé vào cái pub nằm sát bên hostel gọi một ly beer Pilsner. Quán chẳng còn bàn nào trống nên tôi ngồi chung với một nhóm bốn người Đức gồm một bác trai sồn sồn và ba bạn trẻ một gái hai trai. Họ vừa đi xem đá banh về, đội nhà thắng đậm nên đang uống mừng. Vừa uống vừa cười nói lớn để át tiếng ồn chung quanh. Tôi kể về chặng đường vừa qua và những thành phố mình sắp đến, họ nói về Hamburg. Ba bạn trẻ hỏi tôi có muốn đi tăng hai với họ để biết Hamburg về đêm không, tôi tiếc rẻ từ chối với lý do sáng hôm sau phải đón chuyến xe sớm qua Copenhagen. Đường qua đó có đoạn đi bằng phà nên tôi lo không tỉnh táo dễ say sóng, lý do nghe xạo xạo, nghe chicken dễ sợ. Mà thiệt, tôi sợ hangover không dậy sớm nổi lỡ chuyện chứ nếu không tôi đã tháp tùng với họ để cho chẵn một đêm trời ơi đất hỡi. Hamburg là một hỗn hợp như vậy đó. Như món beef tartare ở chợ cá St Pauli với thịt bò sống, tiêu, muối, hành tây, hành lá trên miếng bánh mì giòn. Chưa từng thử qua, dạo vài vòng chợ tôi mới ghé mua nhưng khi ăn thử rồi mới thấy không hối hận vì đã dám, thịt tươi ngọt tan trong miệng, thật thơm và cũng thật đáng nhớ.

13


TA ĐÃ Ở KIA

TA ĐÃ Ở KIA Khu chợ trời một sớm mơ đầy gió Bến cảng đoàn tàu nho chín hành thơm Cô bán hàng mắt nheo cười hỏi nhỏ Em qua đây về đó nhớ gì hơn? Một bữa trưa có bia tươi bánh mới Trên thảm cỏ xanh trước mặt sông dài Tiếng phà tu hu nắng vàng mê mải Thành bữa cao sang dưới tán táo già Hay Cà phê không đường góc phố màu thu Mở điện thoại nhắn tin người nuôi lớn Trời vừa lạnh sáng sương còn lởn vởn Con ổn mà mơ ngày nhỏ tối qua Dạ, trời nắng rồi đổ ào bất chợt Không một bóng người phố vắng như khuya Người chủ quán đưa cây dù khách lạ Hai sớm mai lên đường trả “cám ơn” Ta đã qua ngày mây mù mưa quạnh Đã qua những ngày trong vắt thấu lòng Bao đoạn đường dài ngắn vắng đông Rừng hai mùa đứng trông hồ in bóng Rồi hè sau khi âm vẳng tiếng ve Dội ta về những cung đường xanh lỡ Những bước chân hội ngộ chiều thu nhớ Ta đã ở kia ràng buộc mấy chừng

14


TA ĐÃ Ở KIA

Người từng sợ đoạn đường dài chưa bước Sợ nắng khuya chia bạt đám mây ngàn Sợ màu cải nhạt vàng mưa ngân ngấn Rã thân mình ươm cả cánh đồng xanh Người từng sợ mối ràng buộc sơ thân Trên những ngả đường vô tình dấn bước Cà phê trà chiều bia nồng say khướt Cái ôm biệt từ mấy lượt chưa xuôi Người từng sợ bao ước vọng mình nuôi Sẽ sổ lồng cuốn theo chiều gió biếc Rồi năm tháng lại bày cơn mài miệt Để ru mình mơ giấc thật thay mơ Người đừng sợ trăm đường đời dẫu bạc Vẫn ngát thơm đâu đó những hương mùa Dù ngày kia phát rồ trên triền dốc Có kẻ lạc đường thinh lặng nghe, thưa

15


TA ĐÃ Ở KIA

Chúng mình đâu cần những điều dữ dội Xiên nhói lòng nhau Đôi khi quẹo nhầm đường Một vốc điều nhỏ nhặt Đủ làm vết cắt thêm sâu Chúng mình đâu cần những nhiệm màu Để cùng say như ngày hai mốt Em gọi chuỗi ngày dại dột Làm bướng mà thương Một vốc chuyện bình thường Cũng đủ nối những toa tàu thoảng hương chanh chở nhau đến cuối

16


TA ĐÃ Ở KIA

CHUYỆN NHẶT Ở COPENHAGEN Ở Copenhagen có một nơi gọi là Freetown of Christiania, nằm trong khu Christianshavn, tôi gọi phố của những con kênh (canals). Freetown này là nơi tự trị, họ có luật pháp riêng (hay không theo luật gì cả) và chính phủ ở đây cho họ cái quyền đó. Nghe đâu chính phủ để đó như là một thí nghiệm du lịch trong vòng vài năm xem sao. Phần lớn dân ở đây là dân nhập cư, tôi có hỏi các anh bán hàng thì họ nói có nhiều người đến từ Nepal và các nước phía nam Âu như người Thổ, Hungary. Freetown cũng là một địa điểm nên đến trên tấm bản đồ dành cho khách du lịch nhưng có hơi đặc biệt so với cái ngăn nắp của những nơi khác trong Copenhagen. Tôi giật mình khi đến đây. Chỉ cách một con kênh thôi mà hai bên khác hoàn toàn, như thấy một thế giới khác. Trong khu Freetown này bạn muốn mua quần áo cũng có, nhiều đồ thổ cẩm, đồ lưu niệm cũng có, đồ ăn cũng có, thức uống có cồn cũng tự do, và cả ma túy các loại cũng được bán tự do. Nền đất, đồ được bày bán trên sạp hay trong những căn nhà gạch cũ được bày trí lại thiếu ánh sáng, graffiti khắp nơi. Có điều họ cấm tuyệt đối không được chụp hình. Đây chắc là luật lệ duy nhất từ chính phủ? Họ không muốn hình ảnh của khu này làm ảnh hưởng đến hình tượng của thành phố, của Đan Mạch? Các bản cấm chụp hình để khắp nơi, vừa vào cổng một chút sẽ thấy hai anh chàng ngồi trên ghế giữa đường như security nhắc nhở. Tôi vừa cầm máy lên định…tắt vì nãy giờ chụp từ cổng chụp vào, vừa nhìn thấy bảng cấm thôi đã nghe tiếng hét sau lưng “NO PHOTO”!!! Theo lẽ thường trước khi chụp hình một ai đó hay thứ gì đó của họ mình nên xin phép trước. Nơi này xin phép cũng không được nhé.

17


TA ĐÃ Ở KIA ĐẶC SẢN Ở MALMO Đang xem Eurovision lại nhớ về Malmo. Một thành phố không nhỏ cũng không lớn của Thuỵ Điển nằm giáp ranh với Đan Mạch, nơi đã tổ chức Eurovison năm 2013. Tôi cũng ghé qua đây năm 2013, chỉ vì một thứ đó là Cacao-Porter Beer, Criollo. Nhờ bạn walking tourguide ở Copenhagen mà tôi mới biết ở Malmo có một đặc sản gọi là Cacao-Porter beer (Criollo). Như tên gọi, đây là một loại bia đen, đậm đà, thuộc loại mạnh 8%alc và khi uống vào mùi cacao cứ thoang thoảng. Loại beer này được ủ và bán ngay tại nơi sản xuất, Malmo Brygghus, một building cổ có nhiều tầng. Thật ra nơi này trước kia đã từng làm bia dưới tên gọi Richter’s Brewery, từ năm 1898. Trên các bức tường bên trong quán vẫn còn trưng bày nhiều hình ảnh và lịch sử của nơi này. Ngày xưa họ chỉ sản xuất bia nhưng từ năm 2010, khi đổi tên mới họ cũng đổi cách kinh doanh. Bây giờ vừa là brewery vừa là pub. Họ kê bàn gỗ dài và ghế dài phía trước quán, bên trong tầng trệt có đâu sáu bàn dành cho hai người, loại bàn vuông cao, ghế dựa cao. Tầng trên chỉ mở đèn lờ mờ và những chiếc bàn dài như bên ngoài dành cho nhóm khách. Chiều đó khi tôi vào chỉ còn một chiếc bàn trống ở tầng trệt. Ở đây khách có nhiều lựa chọn bia tươi gồm Pale ale, Pilsner, Wit và đặc biệt là Cacao beer. Tôi không rành lắm về bia nhưng trong lúc ngồi trong quán thấy phần lớn khách hàng vào ai cũng mua ít nhất vài ly khác nhau để nếm thử. Ý tưởng làm bia có mùi vị cacao một phần cũng vì Brygghus nằm sát vách với nơi sản xuất chocolate duy nhất ở Malmo. Cùng một chủ, trong cùng một building. Họ bắt đầu làm chocolate từ lâu nhưng bây giờ họ chỉ làm ra một ít để bán tại đây. Về giá cả thì bia ở đây đắt hơn so với các nơi khác ở Malmo (nghe nói vậy) nhưng có lẽ vì họ tự làm tự bán nên đặc biệt, họ có quyền hét giá. Số lượng sản xuất không nhiều như các hãng bia thị trường nên chất lượng hơn? Chắc là tùy gu của mỗi người thôi. Còn về đồ ăn giá cũng đắc nhưng tôi thấy không ngon lắm, chỉ tầm chất lượng của pub thôi. Tôi gọi một phần burger với một ly criollo. Bia có vị đăng đắng, đậm mùi chocolate làm khách lạ như tôi dễ say, như một buổi chiều tháng Mười đầy gió ở Malmo khiến người ta dễ liêu xiêu.

18


TA ĐÃ Ở KIA

PHỐ LẠ Khoác áo choàng khăn chiều lang thang phố lạ Nơi những dấu chân in lại chỉ một lần Ánh nhìn đó vẽ lại thoáng bâng khuâng Mặc chân trời nhập nhòa pha xanh pha tím Ta khách qua đường sợ tim mình lỗi nhịp Đất lạ quê người nào dám gởi yêu thương Kẻ đi người về ai chờ ai đong đếm Khoảng vắng hoàng hôn dan díu mớ tay đan Chiều phố lạ nháp lại chút lan man Chợt giật mình đã quá một con đường Thôi, rẽ trái.

19


TA ĐÃ Ở KIA

Ở TORCELLO THÈM NGHE VỌNG CỔ Nói thế nào nhỉ? Dấu vết của hiện tại, của thế kỷ 21 vẫn đầy ra đó nhưng quang cảnh trên đảo Torcello làm cho người ta có cảm giác mình đang tuột về hàng bao thế kỷ trước. Chẳng cần nhìn đâu xa, phà cập bến, vừa bước lên bờ khách nhìn sang dòng kênh bên cạnh đã thấy vẻ xưa cũ in trong đó. Trên đất, những nhà rời rạc được xây bằng gạch thô đã bạc màu, nhiều chỗ gạch bể được trám bằng xi măng, cỏ mọc qua đầu gối; dưới kênh, vài chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ đủ hai người ngồi đậu dọc hai bên bờ cũng cháy nắng. Không một bóng người. Thời gian phà cập bến vừa đủ để khách đi một vòng trên đảo Torcello. Từ con kênh lớn nơi bến đậu đi đến cuối dãy đất là con kênh nhỏ buồn thiu, nơi có cây cầu ngắn được bắt bằng hai miếng gỗ chênh nhau, năm sáu cây cột để buộc dây thuyền và cái màu chiều nhờ nhờ bên kia bờ, cái bóng lưng của anh chèo thuyền buổi chiều đó ám ảnh dễ sợ. Đứng sát mé kênh nhìn xa xa tự nhiên tôi thèm nghe vọng cổ gì đâu. Lúc đó mà nghe Út Trà Ôn cất giọng “ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh ngã bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào” chắc buồn đứt ruột. Có lẽ vui nhất trên đảo là những cây ăn trái. Tụi nó xanh um, trái lặc lè. Táo, nho, lê, lựu. Lựu được trồng khắp nơi trên đảo; đầu tháng Chín, những trái vừa hườm đỏ mời gọi. Cây ở ngay bến phà có vẻ non hơn mấy cây to ngay trước quán nước duy nhất trên đảo. Quán nằm trong một căn nhà hai tầng, trang trí đơn giản, bàn tròn ghế gỗ cả trong lẫn ngoài, bên hông có thêm giàn nho treo vài chùm trái xanh bằng đầu ngón tay út. Mấy cánh cửa sổ gỗ màu xanh lá trên gác mở toang, chồm ra gặp ngay hai chậu hoa nở đầy, đỏ li ti tôi biết loại hoa gì. Đoán, chủ nhân chắc sống ở đây. Người hướng dẫn viên trên phà nói số ngừơi sinh sống trên đảo giờ chỉ còn mười một. Vì thế dấu chân ở đây phần nhiều là của du khách và nhân viên sáng đến chiều đi để lại. Nhìn cảnh hiện tại ai ngờ nơi đây từng phồn thịnh và đông dân hơn cả Venice. Ngày xưa, người đông mà đầm lầy cũng nhiều và chung quanh toàn nước nên muỗi cũng vô số. Khi dịch sốt rét lan tràn vào thế kỷ 12, họ tản đi dần hết. Đi vòng hết đảo chỉ hơn một giờ, khi bước lên tàu tôi nghĩ Murano với Burano có ngày tôi sẽ trở lại nhưng Torcello chắc không dám. Ánh mắt là lạ không biết diễn tả làm sao của ông già ngồi bán đồ lưu niệm trước nhà thờ Santa Maria Assunta đã theo tôi gần cả tháng sau đó. Nói đây là hòn đảo dành để viết và quay phim kinh dị tôi chẳng thấy lạ chút nào. Daphne Du Maurier đã chọn Torcello để bắt đầu truyện ngắn “Don’t Look Now”, truyện hơi ma mị kể về hai vợ chồng du khách người Anh và những gặp gỡ bất ngờ trong chuyến đi dẫn đến cái kết giật mình. Torcello cũng là nơi duy nhất trong nhiều năm qua làm tôi nghĩ tới vọng cổ và thèm nghe lại.

20


TA ĐÃ Ở KIA

Bật cười nhớ quán đo đo Lòng người ai ngoảnh mà so rộng dài Xoè tay chỉ kéo miệt mài Chéo chồng ngả tắt đường khai Sao giờ? Bừng cơn ngây ngủ say mơ Tưởng nghe tiếng thở trăng tơ mới là Đường trơn mấy đoạn hải hà Ngón tay đụng ngón Chưa tha duyên này

21


TA ĐÃ Ở KIA

Rồi một ngày sẽ quên Bồ công anh nương gió Thản nhiên dây tình ngỏ Đâu chắc mãi dài sâu Rồi một ngày triền dốc Không giữ nổi cội nho Rối lòng ươn cỏ mục Thánh thiện chút hương tàn

22


TA ĐÃ Ở KIA

Đã nắm tay nhau trong men say khi rồ dại Môi hôn còn thơm mùi hoa bưởi sớm mai Hai đứa cộng lại đã qua vạn nẻo muôn đường Hơn bảy tỉ người ta chọn nhau dừng lại Phía sau lưng Trăm chuyện đã từng Đã mặc định như hạ nắng thu thưa đêm rằm trăng tỏ Không là ẩn dụ chẳng đánh đố gì Một sớm quay đi quẳng vào chân gió Con đường trước mặt rủi may như cánh đồng chưa gặt Ai chẳng nhọc lòng lo mất trắng một mai Ai chẳng cầu may cuối mùa đầy yên ấm Thôi thì lo chi vạn dặm trước sau Đã nắm tay nhau qua lao xao ngày nắng Đã giữ giùm nhau vạt áo khỏi mưa mù Đã dừng lại cùng bày áo gấm rượu hoa Ngày tháng này ta bên người bên ta đã đủ

23


TA ĐÃ Ở KIA

NHỮNG CHÙM GAI Ở EZE Eze là một trạm dừng không định trước. Đơn giản vì thời gian hạn hẹp. Bọn tôi dành cho miền Nam nước Pháp chỉ có ba ngày hai đêm nên định ở loanh quanh Nice thôi. Tham lam và tò mò không phải bệnh lây nhiễm mà hình như ai cũng mắc phải. Thế nên có thêm Eze chen vào. Lỗi một phần do chị chủ nhà ở Paris. Hôm đó, năm giờ sáng tờ mờ, gió đầy phố; chị tiễn bọn tôi trước nhà. Khi quay vào trước khi đóng cửa chị thòng thêm một câu “Ghé làng Eze đi, đẹp mê.” Làng Eze ở đâu? Một làng cổ nằm trên đồi cao bên bờ Địa Trung Hải, giữa Nice và Monaco. Nếu đi xe lửa từ Nice đến ga Eze-sur-Mer nằm sát bờ biển mất khoảng hai lăm phút. Từ đó bắt bus 83 lên đến trung tâm Eze mất thêm nửa giờ hơn và leo lên “làng” mất thêm mười lăm phút. Tối qua do đi chơi về trễ nên sáng cả bọn lề mề, khi bước ra khỏi ga Eze-sur-Mer đã gần mười hai giờ trưa. Ga vắng, ngoài đường cũng vắng, chủ Nhật tourist office đóng cửa. Bọn tôi vừa bước ra ngoài xe bus cũng vừa chạy, chủ Nhật mỗi giờ có một chuyến thôi. Dù gì cũng phải chờ, xung quanh chẳng có gì để ngắm nên bọn tôi băng qua đường định xem căn nhà màu hồng hồng kia có gì trong đó. Một quán ăn. Thế là kéo vào vừa trốn nắng sẵn ăn trưa luôn. Bên trong quán sơn tông trắng từ tường tới bàn ghế. Khi bọn tôi vào quán đã đông người ngồi, chắc là họ cũng như bọn tôi bị trễ xe với lại cũng đang giờ ăn trưa. Hỏi ra quán đã mở mười mấy năm, chủ người gốc Ý. Ông chủ nấu ăn và hai cô con gái bưng bê tính tiền. Tôi kêu một phần cá hồi nướng, ăn kèm với rau cải chua. Cá tươi, rau tươi, nêm vừa ăn, đặc biệt giá rẻ hơn so với Nice và Paris. Tuyến đường từ ga lên đến trung tâm Eze khá dốc, hẹp, với nhiều cua quẹo gắt nên khách dễ bị say xe. Xưa giờ tôi đã ngồi xe qua nhiều đường núi chẳng hề hấn gì nhưng lần này hơi bị ngầy ngật. Cảnh hai bên đường đẹp mê, một bên là núi đá, một bên vực nhìn xuống biển xanh ngắt. Một ngày hoàn hảo để đi cung đường này, để ngắm Địa Trung Hải từ trên cao. Theo tôi, đây cung đường dành cho mùa hè, hoặc trễ lắm là thu, chứ đi vào mùa đông gặp ngày mưa đường đi hơi nguy hiểm. Theo thông tin ngay đầu làng, Eze được xây vào thế kỷ 14, khoảng năm 1388, trên đồi cao cách mặt biển hơn 400m. Những vách đá, những con đường hẹp gồ ghề được xây lên như một bức tường thành để bảo vệ Eze khỏi bị người ngoài tấn công, nhất là khi nơi này khá gần với Nice. Từng thuộc về nhiều nước khác nhau, cho tới ngày nay mặc dù thuộc Pháp nhưng phần đất này là nhịp nối giữa Pháp và Monaco, là của chung. Và đặc biệt cả cái làng không có nguồn nước ngầm hay mạch nước nào nên cho tới năm 1930 người dân ở đây vẫn phải “xuống núi” để mang nước lên xài, và họ cũng từng trữ nước mưa để dành cho mùa khô như nhiều nơi khác. Cũng vì lý do này mà hầu hết các loại cây xanh họ trồng hầu hết thuộc họ nhà xương rồng và các loại cây không cần phải tưới nước thường xuyên như bông giấy. Trên đỉnh đồi có khu vườn Jardin trồng trên 400 loại cây họ xương rồng khác nhau. Quanh làng cây ít, không đa dạng nhưng cách họ trồng, cách uốn éo nhìn khéo lắm. Vài bụi xương rồng trước góc nhà, một chậu bông giấy nở vàng trên góc cao hay cội bông giấy đủ màu xòe trước cửa. Màu của những chậu hoa treo bên ngoài cửa sổ nổi bật trên nền đá vàng nhạt, màu chủ đạo của cả làng. Đang ở xa nhà hàng nghìn cây số mà trong 24


TA ĐÃ Ở KIA đầu cứ văng vẳng lời bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng “hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót sau vườn nhà tôi, giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm”. Ngoài ra những bậc thang, những cánh cổng vòng cung, những bóng đèn đường, phòng trưng bày tranh, shop bán đồ lưu niệm trong những căn nhà đá như hang động cũng là lý do khiến người ta đi chậm lại. Xưa kia ngừơi dân Eze ở trong những căn nhà kín bưng, nhỏ như những cái hang này. Ánh đèn dạ lên những món đồ trang sức thành thứ ánh sáng ấm mà nếu đi nhanh nhìn lướt vào bạn có thể nhầm đó là một bức tranh. Bước đến gần mới ồ, thì ra có cánh cửa. Nhà thờ Eglise Notre Dame de I’Asomption nằm trên vuông đất cao nhất, đây cũng là biểu tượng của làng. Phía trước nhà thờ có khoảng sân rộng, rồi đến khu nghĩa trang nho nhỏ. Bọn tôi đã ở lòng vòng khuôn viên trước nhà thờ khá lâu. Hôm đó trời trong, nắng như lụa. Nhìn xa xa không thấy được lằn ranh mây nước. Thiệt, vốn từ của tôi không đủ để diễn tả hết quang cảnh ở đây nhìn xuống. Và những người nằm xuống trong nghĩa trang kia có lẽ đã góp phần không ít để giữ ngôi làng cổ còn vững chắc, gìn giữ vẻ đẹp quanh làng và từng ngõ ngách để khi khách bước xuống những bậc thang giữa chừng lại muốn quay ngược trở lên ngồi ở một góc nào đó nhìn ngày trôi.

25


TA ĐÃ Ở KIA VIENNA KHÔNG CHỈ CÓ NHẠC CLASSIC Chuyến đi từ Munich đến Vienna tôi được trải nghiệm một cách di chuyển mới. Cả năm người trong chiếc sedan năm chỗ ngồi không ai quen biết ai. Cách đi này tiếng Đức họ gọi là mitfahrgelegenheit, hay trong tiếng Anh là carsharing. Ở đây đang nói chuyện hồi năm 2013 nhe, lúc đó tôi chưa biết Uber, Grab là gì. Người tài xế thay vì lái đi lái về một mình giữa hai thành phố thì họ đăng tin trên trang mạng quảng cáo dành cho việc đi chung xe này là tôi đi từ A tới B vào ngày giờ đó, tôi chạy xe x, số y có bạn nào muốn đi cùng thì liên lạc, giá cả là z chẳng hạn. Những người đã từng đi chung với tài xế này có thể viết review để người xem có thể biết thêm một chút tin tức trước khi quyết định. Tôi nghĩ đi cách này cả hai phía tài xế và người theo xe đều ‘sợ’ lẫn nhau, hên xui theo kiểu 50/50. Và cùng có lợi? Một bên có người bầu bạn lúc lái xe (nếu hiểu được nhau) và có thêm thu nhập còn bên kia thì có thể tiết kiệm được chút tiền nếu so với việc đi các phương tiện khác. Lúc ở nhà tôi không biết về cách đi này (chỉ biết quá giang free) cho đến khi tới Đức, nhờ nhỏ em họ ở Dresden giới thiệu vì nó đã đi qua vài lần. Nói nói đi cách này ở đây khá phổ biến nên chẳng có gì phải sợ. Tôi cũng ngần ngại lúc đầu nhưng thôi thì thử một lần cho biết. Mọi việc từ booking, liên lạc nhỏ em làm hết qua trang mạng tiếng Đức giùm tôi. Thông tin cần thiết: anh tài xế người Áo, gần năm mươi tuổi, lái xe Skoda Octavia, được cho 5 sao từ các reviews trên mạng. Hẹn ở một cổng ra ở Ostbahnhof-Friden street, Munich, gần cây xăng và điểm đến là Westbahnhof-Vienna. Tiền xe 28eu. Mấy hôm trước khi đi nhỏ em gọi tài xế hỏi xem hôm đó có ai đi chung nữa không thì ông bảo có thêm một cô nữa. Vậy yên tâm rồi. Đến ngày đi tôi cầm trên tay mảnh giấy đầy đủ tin tức liên lạc của anh tài xế, đến Ostbahnhof đánh một vòng chưa biết ra cổng nào để đến điểm hẹn. Điện thoại lại không gọi được vì không có wifi. Thế là tôi chọn đại một cổng, bước ra đường nhìn các con đường chung quanh không thấy cây xăng cũng chẳng thấy tên đường mình muốn tìm. Lúc đó khoảng 12 giờ trưa mà đường phố khá vắng. Tôi đang dáo dác thì thấy một anh chàng đang cầm điện thoại tôi liền kéo lại hỏi thăm, anh ta cũng không biết Friden St nằm hướng nào nhưng cũng kiên nhẫn tra Google. Tôi đi theo hướng dẫn của anh cuối cùng cũng đến được chỗ hẹn. Đúng là chỗ này gần cây xăng, nhìn có phần nhếch nhác, phần quê quê. Đứng bên lề đường chiếc xe nào trờ tới tôi cũng nhìn model và nhìn bảng số. Khoảng mười phút sau thấy một chiếc xe chạy chầm chậm qua rồi dừng lại, đúng là em Octavia. Ông tài xế nhìn cũng gọn gàng hiền hậu, chắc khoảng trên bốn lăm tuổi. Thở khì một cái, yên tâm. Tôi hỏi ông chưa đón cô kia sao, ổng nói không chỉ một mà còn ba cô nữa. Vậy sao. Ổng kêu you lên ghế sau xe ngồi chờ, tôi qua bên kia đường đón mấy người còn lại. Coi bộ ông không rành tiếng Anh mấy. Chờ tôi lên xe rồi ổng băng qua bên kia đường, tôi nhìn theo thấy bên đó lố nhố một nhóm người trẻ vừa đứng vừa ngồi bệt với mớ hành lý chung quanh. Ông nói gì đó với họ rồi quay lại xe, theo sau là ba cô gái trẻ tôi đoán họ khoảng hai mấy. Ba cô tóc vàng, mỗi người to chừng gấp rưỡi tôi. Họ đều nhìn tôi có chút kinh ngạc, chắc hiếm khi thấy dân Á Châu đi kiểu này. Thế là tất cả chồng chất lên xe, tôi ngồi giữa ở băng ghế sau. Xuất phát. Đây là lần duy nhất tôi đi xe hơi công cộng trong chuyến đi 7 tuần. Một cảm giác không thoải mái tí nào. Cứ tưởng tượng mình là phần nhân của cặp sandwich trong gần bốn tiếng đồng hồ. Trên đường xe có dừng một lần ở cây xăng nghỉ, đi toilet chừng 10 phút. Trong xe qua màn giới thiệu ban đầu sau đó không ai nói tiếng nào. Tôi hỏi thăm hai cô bên cạnh, một cô là dân Munich dọn qua Vienna đi học, cô còn lại cũng là người Đức nhưng chỉ đi du lịch vì cuối tuần đó được nghỉ long-weekend. Cả hai lại gắn headphone lên tai. Cô ngồi phía trước lúc 26


TA ĐÃ Ở KIA đầu nói vài câu với ông tài xế, bằng tiếng Đức, sau đó lại im lặng. Người đàn ông duy nhất trong xe hôm đó chắc bị cảm, lâu lâu lại buông hai tay khỏi vô lăng để tìm giấy chùi mũi, trên autobahn xe lảo đảo với tốc độ hơn 100km/h. Mấy phen hú hồn. Cuối cùng xe cũng đến Westbahnhof-Vienna bình an. Trả tiền xong mỗi người đi một hướng. Tôi vào bên trong ga tìm đến bàn info để xin bản đồ thì họ nói hết rồi và hỏi về chỗ ở thì cũng bù trất. Có cảm giác người dân ở đây hơi kém thân thiện. Hơi thất vọng, tôi bước ra ngoài nhìn quanh quất không thấy dấu hiệu gì là có chỗ trọ. Tôi trở lại Westbahnhof, mua vé tàu điện đi đến ga trung tâm. Lấy kinh nghiệm từ mấy nơi dừng chân trước, tôi không đặt trước chỗ trọ vì đinh ninh thường gần ga trung tâm rất đông đúc, luôn có nhiều chỗ trọ còn phòng trống nhưng điều này không dành cho Vienna. Sau đó tôi đến Stephansplatz và một ga khác đã quên tên cũng không khả quan. Sau cùng bạn biết tôi ngủ ở đâu đêm đó không? Sát bên điểm đến đầu tiên, ga Westbahnhof, chỉ là bên hướng cổng khác. Thiệt tình. Ngôn ngữ chính ở Áo là tiếng Đức, mặc dù có chữ phát âm khác như khác vùng miền nhưng người của hai nước vẫn có thể trò chuyện và hiểu nhau. Đó là cô tiếp tân ở khách sạn giải thích chứ tôi nào biết u tê gì. Và hầu hết những người tôi gặp qua đều nói thạo tiếng Anh nên nếu cần hỏi thông tin, hỏi đường rất dễ dàng. Không biết bạn thì sao chứ sau khi tiếp xúc với vài người địa phương tôi có cảm giác họ trầm, ngăn nắp và nghiêm khắc hơn người dân của các nước chung quanh. Bằng chứng là cách tô điểm đường phố, cây cỏ trong thành phố được cắt xén kiểu cách mà gọn gàng? Đến Vienna có ba món nên thử: đi nghe hay xem nhạc, uống cà phê và ăn schnitzel. Hôm đó tôi đã bon chen vào xem buổi hòa nhạc ở Musikverein. Weiner Symphoniker- Adam Fischer đã chơi hai tấu khúc, một của Mozart và một của Mahler. Biết có bấy nhiêu, hỏi sâu hơn nữa là tôi mù tịt. Những người ở khách sạn khuyên tôi nên xem các buổi biểu diễn dành cho người địa phương, thuần túy nhạc cổ điển và do các nhạc công chuyên nghiệp. Họ nói mấy anh chàng mặc đồ cổ truyền đứng rao quảng cáo trên đường phố và các buổi diễn dành cho khách du lịch khoe trương quá. Tôi nói không rành lắm nhưng cũng nghe lời họ đi cho biết một lần. Và vì tôi đến trễ nên họ chỉ còn vé đứng. Vào trong khán phòng tôi mới phát hiện số người đứng xem quá đông, vậy mà lúc lấy vé tôi cứ lo đi xem hoà nhạc mà đứng thiệt chẳng giống ai. Đặc biệt buổi biểu diễn hôm đó có thêm tiếng kèn clarinet, nghe lạ tai hơn bình thường, réo rắt hơn. Cũng không ngờ tôi trụ được một tiếng rưỡi, xem đến tiếng ngân nhẹ cuối cùng. Một trải nghiệm đáng nhớ, không hối hận tí nào. Đến cà phê, thường những ngày này tôi hay chọn coffe-on-the-go. Uống lúc nào không nhất định, tùy ngày tùy lúc tùy chỗ đang đi. Mua ly cà phê rồi tùy theo mình đang ở chỗ nào, có thể ra ngồi trên dãy ghế dọc bờ sông, ngồi trên bậc thang lên xuống các bảo tàng, hay ngồi trên thảm cỏ xanh trong một công viên gần đó, vừa uống vừa nhìn thiên hạ chung quanh và nghe những âm thanh quen lạ chen nhau. Ở Vienna quán cà phê ở khắp nơi nhưng đông nhất có lẽ là ngay mấy ngả đường trung tâm Stephansplatz, gần St Stephen’s Cathedral. Tôi chọn đại một quán đông khách, chỉ còn một bàn ngay giữa lối đi bộ còn trống; hai bên là dãy shop với các hiệu quần áo, đồng hồ sang trọng với bề mặt kiếng trong vắt lung linh. Gọi một ly latte và miếng bánh chocolate với mứt cherry trên mặt. Chỗ ngồi thoáng đẹp, view mát mắt nhưng cà phê và bánh của quán này ok thôi. Bởi vậy tôi chỉ nói nhỏ thôi chứ la lớn mình đã uống cà phê ở Vienna mà không tìm hiểu trước, không chọn quán nổi tiếng ai cũng phải ghé khi đặt chân đến đất này chắc mấy tín đồ cà phê chê ê mặt. 27


TA ĐÃ Ở KIA Món thứ ba không thể bỏ qua ở Vienna là Wiener schnitzel. Người dân ở đây họ hãnh diện vì món ăn này. Chỉ là thịt bê giã ra, trộn với bột, gia vị, và áo bên ngoài là bột bánh mình rồi chiên giòn; nên ăn lúc còn nóng, giòn và thơm. Tôi ăn ở một quán nhỏ bên kia sông Danube trong khu bình dân nên chẳng thấy mấy bóng khách du lịch. Có lẽ vì thế mà dòng sông ở đoạn này không thơ mộng như ở nhà vẫn thường nghe trong thơ nhạc. Đã quên xuống trạm metro tên gì, tôi băng qua cây cầu dài là đến dãy phố. Tôi đi qua một nhóm năm bé gái mặc đồng phục xanh vừa tan trường, một bé nhích scooter còn mấy bé còn lại đi bộ cười nói vang cả một đoạn đường. Khi tôi đi ngang cả đám đồng thanh ‘hi’, tôi cũng ‘hi’ lại, cười rồi đi tiếp. Vào quán buổi xế trưa nên vắng khách, chỉ có bốn người khách khác trong quán, và chỉ có một cô phục vụ. Cô dễ thương nhanh nhẹn nhưng không nói được tiếng Anh nhiều. Một bác trai nhỏ người tóc trắng, một bàn. Ba bác trai kia trẻ hơn, thêm một bàn. Tất cả ngồi ba bàn kê sát nhau nên mọi người chào hỏi nhau, họ nói họ sống ở dãy phố bên cạnh nên sang đây ăn thường xuyên. Đây là quá ăn ngon nhất vùng này nhé, chỉ người địa phương biết thôi. Vậy sao, tôi may mắn rồi. Phần ăn bao gồm hai miếng schnitzel to đùng với khoai tây chiên và sauce chua, thêm một chai bia Gosser non-alcohol mà chỉ có 11eu. Cuối bữa còn lại phân nửa cô phục vụ kêu tôi gói về, khuya buồn buồn lấy ra ăn tiếp. Có nhiều ngừơi nói với tôi Vienna hơi nhạt, chẳng có gì đặc biệt. Khi rời đi tôi mới thấy gọi là nhạt thì tội nghiệp cho thành phố này quá, có nhiều điều, nhiều nơi cũng đáng nhìn ngắm, cũng để lại những khoảnh khắc đẹp khi nghĩ lại lắm chứ. Cái nhìn của tôi về Vienna và người dân ở đây sau mấy ngày đã khác hoàn toàn; vẻ kém thân thiện ban đầu đã được thay thế bằng lòng hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ khi mình hỏi và không nghiêm như vẻ bề ngoài của họ. Cái gì cũng cần có thời gian, có va chạm thực tế rồi mình hãy phán xét chứ đừng chỉ dựa vào cái nhìn của ngừơi khác và cái nhìn đầu tiên của chính mình.

Mải rong chơi quên tóc còn bỏ ngỏ 28


TA ĐÃ Ở KIA Quên bóng chân mình gió cát xao nghiêng Người qua đường yên lòng tưởng vẹn nguyên Mình ta biết đã đổ rồi trưa ấy

QUA BA MƯƠI 29


TA ĐÃ Ở KIA

Tôi từng hỏi giữa những cuộc đi về tôi ở đâu Buộc hai đầu dây đế giày mòn vân cát Lửng lơ giữa ngày hè chan chát nắng Ba mươi Tôi từng hỏi vách tường ố có chặn bước đi lui Lỡ đường trước mặt mai hờn vết cắt Thôi vầy đi Xỏ xâu buổi vui Giấu trong túi những hoàng hôn tím lặng Đôi dép lủng lẳng một tay Một tay nắm tròn ram ráp cát Để dành tiêu đôi ngày ngột ngạt Để đắp những chiều tau tác gọi ta ơi Tự nhắc mình vét đồng bạc lẻ cuối cùng bày tiệc lúc cần say Đội nắng cõng mưa rẽ chân trời con dốc cuối Qua trăm lẻ mất còn Bạc thắm Để bao dung người đi tiếp cuộc ba mươi

Nếu có thể 30


TA ĐÃ Ở KIA Trăng ơi đừng sáng quá Hãy làm ngơ Đừng xiên thấu tiếng lòng nơi trần thế Mặc kệ con người những hơi thở lắm so đo Nếu có thể Trăng ơi đừng tròn quá Vào đêm rằm mỗi tháng vẫn như nhau Có khi nào Chỉ một lần trăng khuyết Đêm mười lăm Cho nhân gian lầm Trăng cũng biết đùa chơi

Có những cơn mưa tưởng không bao giờ dứt 31


TA ĐÃ Ở KIA Vậy mà những hạt cuối cùng cũng ngưng rơi Có những bước chân tưởng cả đời không chậm lại Vậy mà đến khúc rẽ đông người lặng lẽ đi lui Có những con đường tưởng sẽ chạm chân trời xa lắc Vậy mà đâu đó giữa chừng quanh quẹo lạc nhau Có những lời khi thốt ra tưởng sẽ không đau Vậy mà vẫn nhói về sau Như vết thương còn hé môi dù đã qua kỳ sưng tấy

32


TA ĐÃ Ở KIA NHỮNG CON ĐƯỜNG PARIS Nếu được hỏi khi nhớ về thành phố nổi tiếng hoa lệ Paris tôi nhớ gì nhất thì đó là những con đường. Đó có thể là con đường trước một ga metro vắng tanh sau mười giờ đêm, hôm đó gió như giành hết không gian về mình. Tên đường là gì ở quận nào thì tôi chịu, không nhớ nổi sau chuyến bus gật gù năm sáu tiếng, rồi thêm một chặng metro; hướng dẫn viên là cô em họ. May là có chị chủ nhà trọ ra rước bằng không chắc thêm một phen vất vả kiếm đường về. Đó có thể là con đường dọc sông Seine thưa người vì hôm đó trời mưa, các ô bán sách màu xanh lá hoặc bỏ trống hoặc được khóa cẩn thận. Cứ tiếc rẻ nếu gặp ngày nắng gặp ngày có phiên chợ sách chắc là tiếng nói tiếng cười rôm rả, mình sẽ rề rà quanh đây cả ngày. Cái cảm giác lành lạnh đầu thu với chút gió thổi lên từ sông làm tôi bước nhanh hơn, kéo khóa áo cao hơn lúc nào cũng quên mất. Đó cũng có thể đó là đại lộ rộng thênh thang dẫn đến Khải Hoàn Môn mà ai ghé Paris cũng đi ít nhất một đoạn. Con đường này tôi chắc chẳng khi nào yên lặng cho dù bạn đến đây vào giờ nào, bất kể nắng mưa. Dãy shop sáng choang hai bên đường, dòng người dòng xe lúc nào cũng tấp nập. Tôi đến đây vào buổi chiều muộn nên cả con đường đã lên đèn sáng lung linh, xe đông và người cũng chật. Lâu lâu lại bắt gặp một nhóm người đứng vây quanh xem các nghệ sĩ đường phố biểu diễn, đàn hát, nhảy múa ảo thuật đều có cả. Tôi đi một lúc lại đứng nhìn, khi thì coi hát, khi thì nhìn vào một chiếc váy sặc sỡ chưng trong cửa kiếng, khi thì chỉ đứng nhìn người qua lại. Sau rẽ vào vài con đường nhỏ cũng đèn đóm lung linh với nhiều quán cà phê, quán ăn khách ngồi bên ngoài đông nghịt. Có đi qua những con đường như thế này mới thấy người Pháp khi rời Việt Nam đã để lại văn hóa uống cà phê và ẩm thực nói chung rất đậm. Rồi những con đường băng qua sông Seine, là những chiếc cầu có tên cả đấy nhưng tôi vẫn thích gọi là đường. Có cái hẹp dành cho người đi bộ. Có cái rộng hơn với một hai lằn xe mỗi chiều dành cho cả xe và người. Hình dáng khác nhau, cách chạm trổ và những cây đèn khác nhau, số lượng và màu sắc các khóa tình yêu đa dạng, quang cảnh hai bên bờ sông cũng khác mặc dù kiến trúc vài chiếc có chút tương tự. Và có khi cảm giác trong tôi cũng khác khi qua đến bờ bên kia. Còn vô số những con đường tôi đã qua, đã để lại trong tôi những hình ảnh khác, đã cười nói với những gương mặt khác nhau. Và vô số những con đường tôi đã muốn đi mà chưa có cơ hội, luôn tự nhủ để dành lần sau, thêm một cái cớ để quay lại. Mấy ngày qua biết bao những ngã đường ở Paris đã bị đóng chặt với những nỗi lo sợ, hoang mang đầy trầy xước. Khi mọi chuyện đã qua, cuộc sống trở lại bình thường theo dòng chảy của thời gian thì dù trên bề mặt vẫn là một Paris kinh thành ánh sáng nhưng bên dưới đã loang lổ những vết thương. Nhớ về Paris. Ta vọng bình yên những phút giây

33


TA ĐÃ Ở KIA Con đường dài sớm hôm Mặt nhìn không thấy mặt Tay không thấy bàn tay Quờ quạng tìm nhau mãi Nghe tiếng nói tròn âm Sao yên bình quá đỗi Câu nửa dạ chưa thề Vội chi về chung lối Ngày hạ kia Một chiều rảnh rỗi Tay nắm được bàn tay Chạm tiếng cười trong vắt Nghe an yên một đời

NHỚ NICE 34


TA ĐÃ Ở KIA

Trên đường đi làm sáng nay tôi đã nghe được chuyện xảy ra ở Nice. 30 người chết. Lúc ăn trưa nhìn lên TV thấy cảnh hỗn loạn người chạy người đứng nhìn người ngồi khóc người ôm người đã lịm đi. 70 người chết. Đến chiều trên đường đi làm về nghe nói số người chết đã trên 80. Chuyện gì đang xảy ra với thế giới này? Có thể nhân danh một tôn giáo, hay vì một lời hứa, một sự căn ghét hay trả thù mà con người ta có những hành động không tưởng. Bất kể thân mình để lấy đi mạng sống của đồng loại và để lại những vết thương sâu hoắm, nỗi đau không biết bao giờ vơi. Sự sống căng tràn ra đó nhưng đôi khi rất mong manh, mỏng đến nỗi chỉ cần một chiếc khăn trắng đã đủ ngăn hai thế giới. Tôi yêu Nice. Thành phố mà tôi chỉ ghé qua có ba ngày nhưng kỷ niệm để lại nhiều hơn năm ngày ở Paris. Bởi vậy mới nói ở lâu chưa chắc sẽ nhớ dài mà ở vài ba ngày lại hoang hoải nhớ khôn nguôi. Nhớ nhiều lâu lâu lại viết ra vài câu. Tuần trước tôi tình cờ coi phim “Anthony Zimmer”, một phim bằng tiếng Pháp có phụ đề Anh ngữ mới biết thì ra đây làm phim gốc mà Mỹ mua lại bản quyền để làm phim “The Tourist”. Phim gốc có rất nhiều cảnh được quay tại miền Nam nước Pháp, phần nhiều ở Nice. Coi phim xong tôi bèn kiếm đọc lại những gì mình đã viết về thành phố nhỏ đầy nắng và gió Địa Trung Hải này. Cả tuần nay đầu óc cứ lảng vảng hình ảnh dãy phố dài dưới hàng cọ sát bờ biển. Cả cảnh cô nàng Chiara đi một đoạn lại ghé vào sạp báo lấy tờ báo quen rồi quay đi qua những dãy nhà, qua hai hàng xe đậu bên đường. Cảnh trời trong gió lất phất này gợi lại nhiều hồi ức khó quên. Một đoạn khác về Nice tôi viết hồi năm rồi. Tự nhiên nhớ đến Nice với bầu trời xanh không gợn chút đục nào, nếu nhìn sơ khó mà phân biệt đâu là lằn ranh mây nước. Tôi đùa, một phần chắc do mắt mờ, tăng độ như đang chạy nước rút. Ở Nice, bãi cát không mịn, nước rất trong, nhiều sỏi to nên đi đau chân có khi muốn hét lên vậy mà vẫn nhớ. Nhớ nơi này vì cả ngày nay nghe tin tức về Mecca, về The Hajj về hàng triệu tín đồ và những bước chân dẫm đạp lên nhau dẫn đến bao nhiêu người mất mạng. Cô bạn người Egypt làm chung nói với tôi những bước chân này không dừng lại giữa chừng được, không ai có lỗi cả vì họ phải tiếp tục bước tới và bước tới. Và nhớ về Nice là vì mấy tháng trước tôi đọc tin tức thấy ông vua của Saudi Arabia khi đến đây đã "khóa" cả bãi biển dài mấy cây số. Không nhớ rõ là ông thăm Nice trong bao lâu nhưng nghe đâu dân địa phương và khách du lịch phẫn nộ ghê lắm. Du lịch đến thành phố đầy hơi hướng Địa Trung Hải này mà bị cấm xuống biển đụng nước, cấm nằm dài phơi nắng lấy vitamin D và lấy chút mầm ung thư da thì coi như thất nghiệp. Giận là phải. Đúng là Mecca và Nice không có bà con, chẳng có chút gì liên quan nhưng với tôi có chút lòng thòng dây nhợ nên lục lại xem lại mớ hình. Nhớ buổi chiều leo lên quả đồi kia tính chờ mặt trời lặn mà cứ lo nhiều chuyện nên khi nhìn lại trời tối đâu mất, khi quay xuống các cổng ra đều bị khoá, một phen đau tim. Nhớ những chuyến xe muộn nhốn nháo khi về đến nhà trọ đã gần nửa đêm mà cái vòi nước chết tiệt lại gây sự, tắm ra bực quá quên cả buồn ngủ. Những ngày quá ngắn mà nhớ dài dài.

35


TA ĐÃ Ở KIA Một lần ta chạm giấc mơ vàng óng Như mộng du giữa rừng cải mênh mông Mây ôm núi ta đứng giữa trời không Cứ lần lựa bước đi hay dừng lại Ước chi thời gian ngưng đây một sải Quên lo toan đời sau núi vẫn trôi

Ta nhớ ta mơ 36


TA ĐÃ Ở KIA miệt mài rong ruổi Tách trà chưa nguội nghe vẳng tiếng ngâm Câu thơ lủi thủi chữ bỏ lưng trời Lời ngâm chợt tắt níu hờ nắng ơi!

Chiều nay một chiều tháng Mười yên ả 37


TA ĐÃ Ở KIA Trời đã thôi nồng nắng vẫn xiên ngang Bóng trên đường bơi ngược hướng thời gian Anh, tôi và bao người còn hơi thở Tìm trở về nơi lần đầu bỡ ngỡ Tìm gót hồng chưa nỡ thấm bụi đau Chiều nay thu chợt ngân tiếng xôn xao Đôi bóng đổ dài trên sân màu lá

PHỐ SÔNG NƯỚC Ở CHÂU ÂU 38


TA ĐÃ Ở KIA

Ở Châu Âu có vài thành phố sông nước mà theo tôi mỗi nơi mang một nét đẹp, nét quyến rũ riêng. Điển hình như là Venice, Amsterdam, Copenhagen và Brugge. Có lẽ những nét đẹp này một phần do bởi vị trí địa lý, khí hậu, cách bày trí và sinh hoạt của mỗi nơi hay cũng có thể do cái nhìn của người thưởng ngoạn. Các dòng kênh ở Amsterdam đẹp một cách gọn gàng, khuôn mẫu, có phần ‘đứng đắn’ nhờ vào kiến trúc và màu sắc của những dãy nhà hai bên. Nhìn thoáng qua cứ tưởng nhà nào nhà nấy chỉ có một kiểu, gạch sậm màu với chóp nhọn bầu nhưng thật ra nhìn kỹ có khác đấy nhé. Độ sậm của gạch chênh nhau một tí thôi, độ cao nhỉn hơn một tí, độ cong của nóc nhà ít hay nhiều, cửa chính và cửa sổ khác màu. Các dòng kênh được trang trí bằng những chiếc cầu đủ kiểu, đa số màu rêu và hầu hết được làm bằng sắt với các song thẳng hay uốn lượn tiện cho việc…dựng và khóa xe đạp. Một nét đặc trưng khác của thành phố mà cũng là đặc sản đó là xe đạp. Nhiều vô kể. Những người chạy xe đạp trên các con đường hẹp dọc bên dòng nước cũng mỗi người một vẻ. Có người áo vest phẳng phiu, có người áo thun quần lửng vừa chạy vừa ăn, có người chở giỏ thong dong như đi chợ. Buổi sáng mua một ly cà phê rồi biếng lười ngồi nhìn người qua kẻ lại tôi thấy là một cái thú ở chốn này. Copenhagen nhìn thoáng hơn. Nếu nhân cách hoá thì thành phố này mang nét kênh kiệu và xa cách hơn. Cái đẹp để nhìn ngắm nhiều hơn là hòa mình vào. Các con kênh ở nơi này nhìn sáng sủa hơn, nhiều đoạn có đủ loại thuyền buồm được sơn đủ màu nổi như cam, đỏ, xanh lá đậu sát hai bên bờ. Nghe phố cổ mà nhìn trẻ trung mới ngược đời. Tôi vẫn đùa nơi nào có hoàng tộc nó vậy. Đến với Brugge như đi ngược lại thời gian, êm đềm và mộc mạc. Thư thả, như kéo ta sống chậm lại vài nhịp, mặc cho bao vội vã ngoài kia. Một căn nhà đá cũ với miếng vườn bé tẹo ngoài sân nằm sát bên dòng nước vừa đủ trồng vài chậu cây có hoa trắng li ti, vậy mà cũng còn chỗ để vừa đủ nhét vừa cái bàn trà với hai cái ghế trắng nhỏ. Lâu lâu lại có vài con vịt, thiên nga bơi qua kêu chí chóe. Đó là nói về các con phố vòng ngoài còn quãng trường chính nơi có cái chóp cao ngất, Belfort vẫn mang nét đẹp riêng nhưng đã được du lịch hóa nhiều. Ngày sẽ chẳng dài thêm thôi thì chớ vội Chậm một chút thôi Coi nhẹ một chút thôi Ơ hay, ta dư giả quá chừng Còn Venice quyến rũ theo kiểu tôi hay gọi đùa là vẻ đẹp Casanova. Lơi lả, trau chuốt mà như không, lại làm dáng một cách bất cần. Venice lãng mạn có phần mời gọi, buông thả hơn khiến người ta thích sà vào. Mà hễ sà vào là say, là đi lạc như lạc vào mê cung của hệ thống kênh chằng chịt, của những chiếc cầu nhỏng cao nhìn tương tự nhau. Đố ai ghé đây mà không bị lạc đường. Nhìn theo bản đồ càng dễ lạc hơn. Các con kênh nhỏ, tiếng mái chèo khua từ sáng sớm đến khuya, tiếng gọi nhau í ới, tiếng hát tiếng đàn đủ cả. Ở Venice đường giao thông chính là các con kênh nên mặt tiền nhà nhà đều hướng ra mặt kênh, kiến trúc đẹp cả kiểu cả màu. Nét đặc biệt nữa là những cây cọc thẳng ngay trước nhà để buộc dây thuyền, có khi nhìn chơ vơ có khi như một rừng trọc. Nhớ hồi coi phim “The Tourist” mê mẩn với những cảnh sáng sớm và cảnh tối mờ. Đã đến Venice, đã lạc vô số lần vậy mà còn toan tính trở lại để lạc tiếp. MONACO ĐẠI GIA VÀ GÁI ĐẸP 39


TA ĐÃ Ở KIA

Một đất nước với nhiều cái nhất. GDP cao nhất. Tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất (2% trở lại). Đắt đỏ nhất. Thành viên nhỏ nhất của khối UN. Mật độ dân số mỗi km2 cao nhất. Diện tích Monaco chỉ có khoảng 2km2 chỉ lớn hơn có mỗi Vatican. Monaco còn được dành cho cái tên đặc biệt là “Tax heaven country”, nơi này được những người đi làm ăn lương thích nhất vì không phải đóng thuế thu nhập, tax free. Kể cả các doanh nghiệp cũng bị tính thuế rất thấp. Nhưng bù lại phải đóng bảo hiểm sức khỏe cũng thuộc hàng cao nhất. Và cái nhất cuối cùng có liên quan tới Monaco thuộc về tôi đó là thời gian dành cho nơi này ngắn nhất, chỉ có 3 tiếng đồng hồ. Chỉ kịp ngắm một chút xíu còn lại của buổi hoàng hôn. Lý do là vì Monaco không nằm trong hành trình, chỉ là phút cuối mới quyết định đi. Đáng lẽ là dành 2 ngày trọn vẹn cho Nice nhưng vì đã đi Eze, và vì Monaco cách Eze có 10 phút nên sẵn tiện đến luôn cho thỏa cái tính tò mò. Tính ghé ngang xem đại gia có dập dìu như lời đồn hay không, biết đâu mình đổi đời từ đó. Tôi cười nói đùa với anh tiếp tân ở khách sạn như thế trước khi ra khỏi cửa. Ảnh cũng cười cười “Biết đâu”. Vì đêm hôm trước ngủ trễ nên buổi sáng xuất phát hơi trễ, đến Eze đã quá trưa. Cà kê ở đó cũng lâu, khi ra khỏi ga Monte Carlo đã gần 7 giờ tối. Bọn tôi chỉ kịp đi bộ dạo quanh Port Hercule. Ga xe lửa nằm trong lòng đất, phải đi lên nhiều tầng thang cuốn mới đến mặt đường. Trên mặt đường úc này hơi vắng, trời nhá nhem. Với tôi con đường trước ga có phần giống nhiều chỗ ở Rome. Mặt phố sờn cũ cũ, chẳng biết diễn tả sao cho đúng thôi chỉ nói mọi thứ nhìn có vẻ lười nhác như buổi chiều muộn. Ngoài cảng, trời có vẻ sáng hơn nhưng cũng chỉ kịp bắt chút ánh hồng còn sót lại. Qua một quán bar nằm chìa ra nước với kiểu trang trí nhẹ nhàng thoải mái. Những chiếc ghế dựa trắng dài, những chiếc bàn dài kẻ dọc trẻ trung, và những ô vuông màu trắng, lóm đóm ánh đèn. Chỉ thấy vài ba người khách đang ngồi nhìn ra biển. Dọc theo bờ nước lúc này đã vắng người, chỉ còn những chiếc du thuyền đủ kiểu đủ kích cỡ yên lặng bập bềnh theo từng đợt gió. Bọn tôi đi đến gần cuối dãy du thuyền, khi quay lại trời đã tối. Tôi chọn đi về đường trong xa bờ nước cho bớt lạnh. Đi ngang khu Fairmont Hotel và Sun casino, nghe tiếng nói tiếng cười từ trong vọng ra từ trên cao. Qua ánh đèn lờ mờ đủ thấy khu vườn phía trước với nhiều bậc thang lên được chăm bón khá kỹ, cắt xén gọn gàng. Bọn tôi bước lên đi dạo quanh vườn một vòng, nhìn lại mình thấy phong trần quá chứ không thôi đã lên thêm mấy bậc thang, vào bên trong kiếm một ly cocktail cầm trên tay rồi quay ra dựa lưng vào cây cột sáng bóng mơ màng nhìn ra biển. Tưởng tượng nhiêu đó đã đủ nổi da gà, ma mị như phim nhỉ. Tiếng nhạc xập xình, văng vẳng theo tôi rời khỏi Monaco, bỏ lại sau lưng câu nói đùa đại gia và gái đẹp. Mà hễ là phụ nữ thì có ai xấu đâu ha.

BUDAPEST ĐÊM CHẬP CHỜN 40


TA ĐÃ Ở KIA

Đêm đầu tiên ở Budapest, một đêm ngủ chập chờn. Chuyện này kể lại chắc phải rate 18+. Chuyện là vầy. Hai cô bạn ở cùng phòng hostel với tôi buổi tối ra ngoài về rất khuya. Tôi đã ngủ được vài tiếng rồi bị giật mình vì tiếng ồn. Họ về được không bao lâu thì tôi nghe có tiếng bước chân nặng nặng vào phòng (hostel hơn trăm năm nên cửa không khóa) qua hướng giường cô đối diện. Vài phút sau, cửa lại mở, lại thêm bước chân nặng vào phòng đi về hướng tôi. Đang lơ mơ nghe tiếng bước chân tôi tỉnh hẳn, may mà nó dừng lại ở cô kế bên. Đây có thể gọi là “a near miss”, trong công việc tôi hay dùng để nói đến những chuyện xảy ra bất thình lình, ngoài ý muốn, mém chút nữa gây hại đến người khác. Không cần đoán cũng biết chuyện gì xảy ra sau đó, chuyện-mà-ai-cũng-biết-là-chuyện-gì. Tự nhiên cứ như họ đang ở chốn không người, ở phòng riêng. Tôi đã đi qua nhiều nơi, ở chung phòng với nhiều người nam có nữ có cũng thường nhưng đây là lần đầu tiên nghe người ta làm tình ở hai giường sát bên, cách mình chưa đến nửa mét. Thường tiếng ồn ít ảnh hưởng tới giấc ngủ của tôi nhưng tôi sợ khuya mấy anh đi toilet vào mắt nhắm mắt mở lại vào nhầm giường, rồi mình bị làm thịt oan uổng. Một phần vì phiền, một phần cũng cảm thấy ngại, tôi liền ôm mền ra băng ghế ở phòng khách nằm im một hồi sau đó ngủ quên lúc nào không hay. Sáng ra tôi báo với cô chủ là tối nay tôi vẫn ở đây và cho phép tôi ngủ ở phòng khách tiếp nhé vì mai phải dậy trước năm giờ để đón bus đến thành phố khác. Phiền nhưng coi như ‘chuyện thường tình thế thôi’. Đi khám phá Buda-Pest bên dòng sông Danube nổi tiếng cái đã. Cuối ngày, ăn tối xong tôi về ngủ cũng hơn 10 giờ. Vừa bước vào phòng cô bạn bên giường phải nhìn tôi cười cười nói nhỏ “Anh chàng tối qua tao gặp ở Night Bath, sau đó mới biết anh ta cũng ở đây”. Đấy là chưa đánh mà khai nhé. Tôi không hề hỏi, cũng không hề thắc mắc, tỉnh bơ như chưa từng nghe thấy gì. Tôi cũng cười cười đáp lại “Không sao, tối nay tao tính ngủ ngoài phòng khách tiếp, tối qua ngủ cũng ngon với lại sáng mai phải thức dậy trước 5 giờ để đón bus đi Prague”. Nói rồi tôi lại kéo hành lý, ôm gối mền ra sô pha phòng khách đánh một giấc tới sáng. Ngủ ngon quá không biết có ngáy to hay không. Đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi đọng lại từ Budapest, cũng như hương vị paprika trong món goulash rất khó phai.

Dệt đường sao 41


TA ĐÃ Ở KIA

Ngày son tóc ngắn lưng son Kẽ chân dép lợt trưa giòn qua mi Bạc chưa lưng túi dợm đi Ngã ba ngã bảy lo chi cụt đường Gặp người duyên ở tứ phương Chút thương rót lại phai sương điểm màu Mấy thì trăng dệt đường sao Mấy thì gió bão non cao giũ mình Về đây cửa mở chân nghinh Ngả lưng nghe ấm tóc thinh mơ chiều

YORK CŨ CHỨ KHÔNG PHẢI NEW YORK 42


TA ĐÃ Ở KIA

Mấy tháng trước khi nói chuyện đi tôi đùa với đám bạn ở chỗ làm là New York chưa từng nằm trong bucket list của tôi nhưng Nuuk-York thì có. Một đứa nói coi chừng mấy thứ looka-like, sound-a-like hay gây chết người. Không chết thì cũng bị...thưa như mấy hãng bảo hiểm nghề nghiệp hay khuyến cáo. Nói hoài mình "gà" nên nhát, lại hay nghe lời. Bỏ Nuuk. Đi York. York lọt vào giữa chuyến đi. York ấm hơn Edinburgh và những nơi tôi đã qua ở phía Bắc nhưng lại lạnh hơn London. Mưa nhiều như cả xứ UK. Hôm qua khi ngồi trên bus từ ga York về nhà tôi nghĩ may mà bữa trước mình không huỷ chỗ airbnb này. Từ đó đến giờ một khi book chỗ nào tôi hiếm khi thay đổi, chẳng hiểu sao mấy bữa trước có ý định. "Nhà" có hai tầng, nằm trên dãy phố cách trung tâm York khoảng 15 phút đi bus. Thiệt, tôi ít khi nói chi tiết chỗ ở mỗi khi đi xa nhưng chỗ này không nói không yên. Cách trưng bày trong nhà rặt kiểu Anh từ cửa bước vào như trong những phim cải trang thời xưa. Những tấm gương với viền kim loại khắc chạm trổ gì gì mà chẳng tấm nào đơn giản hình chữ nhật như vẫn thường thấy ở nhà. Bình lọ văn hoa khắp nơi, chỗ nào có khoảng trống là có kê một chiếc bàn hay một cái ghế bọc vải thêu, có đèn có lọ hoa hay chưng vật trang trí bên trên. Khi tôi khiêng valy lên lầu đã đụng lắc lư một cái bình trắng chạm hoa được đặt ngay chân cầu thang, mém rớt. Các bậc thang được lót thảm, giữa mỗi bậc là thanh kim loại ép sát vào kềm cho thảm khỏi xê dịch. Nhà rộng không biết mấy phòng nhưng bà chủ nhà báo cáo khi đón tôi ở cửa bà có bảy đứa con, họ đã dọn riêng ra gần hết chỉ còn lại một gái một trai chưa đến mười tám ở chung với hai vợ chồng bà. Cửa phòng nhiều vô số. Tôi luôn tự hào trí nhớ của mình chưa tệ lắm nhưng bà vừa dẫn lên phòng vừa chỉ nhà tắm toilet ở đâu, mười phút sau tôi đã lạc. Ở trong ngôi nhà cổ điển kiểu này chẳng ai nhắc tự nhiên mình đi nhẹ bước khẽ dịu dàng hơn bình thường trăm lần. Thường khi vừa đặt chân đến một nơi mới sau khi check-in tôi sẽ đi bộ một vòng những con đường chung quanh. Giờ đã thành thói quen. Như khi dọn về nhà mới đi lòng vòng làm quen với hàng xóm vậy. Hàng xóm của tôi ở York là một dãy phố quê quê chưa tới một cây số. Gọi quê vì người dân ở đây ăn mặc xềnh xoàng, nhìn hơi nghèo vì là xóm lao động. Tôi đoán qua quang cảnh chung quanh thôi. Phố quê có ba cái supermarket nhỏ, tên tôi chưa từng nghe. Một tiệm bán rau cải, mấy tuần rồi mới thấy một loạt các hộp trái cây, giá 1pound một hộp dâu, nho, táo, cà tây. Ba tiệm bán đồ cũ, quần áo cũ. Hai tiệm bánh mì. Một tiệm bán đồ gia dụng. Hai chỗ bán mắt kiếng. Hai tiệm thuốc tây. Ba quán cà phê. Vài tiệm bán đồ linh tinh khác. Còn cắt tóc, beauty salon... đếm sơ sơ gần mười shop. Ngạc nhiên ha. Còn downtown York? Trung tâm York bao gồm ngoài thành và trong thành hay có người gọi là phố cổ được bao bọc bởi một dãy tường thành, City Wall, cao hơn mặt đường mấy mét, được xây từ thời La Mã. Ăn trưa xong cách hay nhất là leo lên những bậc thang rồi đi một vòng City Wall để ngắm thành phố bên dưới và phía xa. Phía bên ngoài tường là những con đường rộng hiện đại đầy xe bus xe tour xe đủ loại, những gallery, bảo tàng, nhà hát. Bên trong vòng thành là chi chít những con đường nhỏ hẹp, hầu hết tên đường có thêm chữ gate. Stonegate, Swinegate, Jubbergate... Tựa như các "Hàng..." ở Hà Nội. Tại sao được gọi là gate, có lẽ vì ngày xưa mỗi con đường dẫn đến một cổng để ra khỏi thành. Còn bây giờ toàn shop là shop, chủ yếu để phục vụ khách du lịch. Quán ăn quán cà phê luxury ice cream shop giày shop quần áo tiệm sách có tên không tên, hiệu lớn hiệu nhỏ đủ cả. Ngặt cái shop không tên người ta lại xếp hàng dài nhất. Đường chen chân để qua cũng có mà vắng một vài người cũng có. Nếu chỉ window shopping, lâu lâu mới ghé vào một shop, 43


TA ĐÃ Ở KIA như ghé Bettys mua hai cái macaroon một mùi blackcurrant và một chanh dây thì chưa đầy ba tiếng đã đi hết các ngõ. À, York có cả chợ. Shambles Market. Chợ nằm ngay giữa trung tâm, ngoài trời và bán đủ thứ như các chợ ngoài trời khác trên thế giới. Sạp thịt cá rau cải, giỏ xách, đồ lưu niệm, vài xe đồ ăn nhanh. Tôi ghé chợ khoảng ba giờ chiều, mọi người đang thu dọn chỉ còn các sạp rau cải còn lưa thưa khách. Đầu chợ có ban nhạc đang chơi, bốn anh trẻ đang đàn hát say mê, nhạc đồng quê. Lời đơn giản dễ thương kiểu "tôi vừa gặp một em gái trên phố rất lạ". York là một trong những nơi khách lạ không cần bản đồ. Chỉ đi theo đám đông. Trước khi bước vào các ngõ nhỏ, khi vừa xuống xe bus tôi đã đi theo dòng người đến York Minster. Đây là lý do chính tôi ghé York, lý do phụ là City Wall. St Peter's ở Vatican hoành tráng hơn nhưng tôi không có ấn tượng bằng nơi này. Tại sao thì để có dịp ghé bạn sẽ hiểu, từ chi tiết nhỏ được chạm khắc đến những cây cột to, những mảnh kiếng màu kể từng câu chuyện. Khi lên xuống 275 bậc thang hẹp té bên trong York Minster tôi lại nhớ câu nói vẫn thường được dặn được nghe, khi bước lên mình luôn hồ hởi dù mệt muốn đứt hơi; xuống tới mặt đất rồi mới biết bước xuống khó hơn nhiều, và đau hơn. Đau theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mỏi chân, tôi ghé vào Costa. Gọi một ly cortado, với hạt cà phê mới từ Brazil do em gái đứng ngay quầy giới thiệu, thử đi, đắt hơn loại cũ 25pence. Được mà. Tôi chọn ngồi ở cái bàn nhìn ra góc đường, lấy ra hai cái macaroon vừa mua ở Bettys lúc nãy. Bánh không còn nguyên dáng như lúc mua nhưng vẫn xốp, vẫn thơm, ngọt vừa. Mid-tea. Nếu bạn có đi lạc ngang vài bận, thấy có đứa mặt áo len xanh lá mặt không đẹp lắm nhưng dễ thương ngồi gần cửa ra vào, cúi đầu type liên tục trên điện thoại hơn một giờ qua cũng đừng ngạc nhiên. Em nó đang nghỉ mệt. Đau đầu...gối. Và đang thưởng thức bánh xốp cà phê thơm cho hợp kiểu Anh, đang ở một nơi rặt Anh mà. Blend in.

Ở XA VÀ NHỮNG MẢNH GIẤY NHỎ 44


TA ĐÃ Ở KIA

"Bài này trong La La Land nè. Mà bạn này hát sai nhịp hoàn toàn. Chẳng giống trong phim tí nào. Dở" Đứa con gái 16 tuổi cất lời khi ba mẹ em đều khen giọng nam này hát được nhất từ nãy giờ. "Họ mix khác, mà đâu nhất thiết phải hát y chang như phim hả con gái", ông ba quay qua cười. Cả nhà đang coi live show đầu tiên của mùa X Facfor UK 2017. Tôi phụ họa "Anh chàng Ryan Gosling hát bài này hay à? Tôi chưa coi phim nhưng nghe ai cũng khen." "Yah. Because it's soooo good. You have to watch it". Giọng con bé kéo dài thiệt dài. Và cứ thế sau mỗi bài hát đều có ai đó cất lời bình. Từ mái tóc phủ trán của anh Ireland đến cô kia 16 tuổi nhìn chừng 25. Một bé khác tự sáng tác tự hát, bữa giờ mỗi lần xuất hiện là một bài mới mà bài nào cũng hay và ấn tượng hơn là mỗi lần mỗi màu tóc. "Too young" nghe hay thật. Bé kia từ Philippines, nhà chẳng có gì nên cả làng gom tiền đưa em đi thi. Ủa vậy tôi cứ tưởng người ở đây mới được tham gia. Con bé vóc người nhỏ mà giọng lớn thật. Một đoạn quảng cáo chạy qua. Lips liquor? Cái này hồi năm tám mấy giờ trở lại à. Bên Úc you có thấy qua chưa? Chưa, chắc lúc đó tui còn ôm bình... nước cơm ở Việt Nam (cười). Bên này có cháo oats, hồi đó cũng một thời. Ông bà hỏi nhau lúc đó mình đang lưu diễn ở đâu nhỉ? Họ gốc Scotland, từng tham gia chung một ban nhạc nổi tiếng trong nước một thời. Ngồi thêm một lúc bà mẹ nhìn quanh mọi người rồi hỏi tôi đi pha trà có ai muốn uống hay muốn ăn gì không? Lâu lâu ông ba bước lại đeo bao tay bỏ thêm củi vào lò sưởi. Tôi ngồi đó cầm ly trà ấm trên tay như mỗi tối ngồi gác chân coi tv ở nhà. Cảm giác quen thuộc lại ùa về. Một thành viên tạm thời trong gia đình, tôi gọi "casual family member". Dù chỉ ở hai đêm, dù khi tôi rời đi họ sẽ mau chóng quên con nhỏ Á Châu tự mang theo cái tách của mình lúc đi xa, đã cùng ngồi coi chung một chương trình TV khi những người ở tạm khác đến rồi đi. Tôi sẽ nhớ họ lâu hơn, tôi chắc thế khi cất miếng giấy tạm biệt bà mẹ ghi mấy dòng dựng bên khay đồ ăn sáng. Tôi rời nhà lúc 7:30, sáng chủ Nhật. Ngày khác. Vừa hí hoáy làm giấy check-in cho tôi anh chàng ở quầy tiếp tân vừa nói “sao con gái lúc nào cũng mang hai cái valy nhỉ. Chi nhiều vậy?" Tôi hỏi "Anh có gia đình chưa?" "Rồi, một con. Tôi cũng hỏi vợ y vậy mỗi lần cả nhà đi xa". Ủa tôi tưởng có vợ rồi phải hiểu tâm lý phụ nữ chứ ha. Lý do anh cằn nhằn là vì phòng tôi được cấp ở tận lầu bốn. Không có thang máy. Nhà này gần trăm năm rồi em. Nhà trọ nhỏ nên nhiệm vụ của anh chàng là mở cửa, làm giấy tờ kiêm luôn mang đồ lên phòng cho khách và mang đồ ăn sáng tới mỗi phòng. May mà tôi chỉ ở đây có một đêm, và anh chỉ cần khiêng valy nhỏ lên thôi vì cái lớn tôi sẽ mang đi gởi sau khi check-in ở đây xong, tuần sau khi quay lại từ Đức tôi sẽ trọ ở đó. -Có bạn ở gần a? -Không, nhà Airbnb tuần sau em tới ở bên Dollis Hill. -À em muốn ăn sáng lúc mấy giờ? 7:30, 8 hay 8:30? -Sớm hơn được không, em phải đón xe chuyến 7:19. -No.

45


TA ĐÃ Ở KIA Vậy mà sáng hôm sau khi xách giỏ ra bên cạnh cái hộp trả chìa khoá tôi thấy một túi giấy có ghi số phòng mình và tờ giấy nhỏ "Đồ ăn sáng nhớ mang theo nhé". Trong giỏ là hai cái bánh croissant nhân chocolate, hai hộp yoghurt dâu, một hộp nước táo và hai cái muỗng nhựa. Ngày khác nữa. Khi hỏi hai bạn host cho gởi hành lý lại để đi ra đảo ba ngày rồi về lấy tôi đã đinh ninh họ không nhận là cái chắc vì ngày tôi dọn ra có người khác dọn vào liền. Thường họ sợ lỡ mất mát gì mình đổ thừa và cũng cẩn thận vì không biết mình gởi gì bên trong hành lý. Vậy mà họ nói không sao để đây đi, sẽ giữ trong phòng tụi này. Ba ngày sau tôi rời đi sớm để bắt kịp chuyến xe 7:15. Hai vợ chồng chưa ngủ dậy. Tôi để xâu chìa khoá nhà và tờ giấy ghi không gặp mặt như mấy bữa sáng rày vì mình phải đón chuyến xe sớm. Cám ơn đã chịu cho gởi lại cái valy nhé. Chỉ có một chuyến xe về đây vào chủ Nhật, 10:30pm nên trễ quá, mình sẽ ghé lấy valy trước 8 giờ sáng thứ Hai tuần tới. Lúc ngồi chờ phà qua Skye tôi nhận được tin nhắn cô vợ gởi tấm hình chụp cái note của tôi để lại thêm dòng chữ "Không sao. Đi vui nhé. Ra đảo nhớ leo Old Man of Storr và ăn nhiều cá". Đó là ngày mà mấy chuyến xe của tôi có vấn đề, vừa đi vừa đợi gần 12 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nhưng đó lại là ngày nhẹ hẫng. Dù tất cả đều là lần đầu gặp mặt và chắc đâu còn cơ hội gặp lại. Dù là cuộc giao dịch bên trả tiền bên nhận chứ chẳng phải " tình cho không biếu không". Dù chỉ giáp mặt trong khoảng thời gian thật ngắn trong đời người, những ân tình thoáng qua chỉ gợn nhẹ chút cảm xúc trong họ, trong tôi. Rồi sẽ quên theo ngày theo tháng nhưng nét mực trên mấy mảnh giấy nhỏ kia chẳng dễ phai. Rồi sẽ nhớ ra khi vô tình nhìn lại, ừ đã từng ở dưới một mái nhà, xài chung phòng tắm toilet, hay cùng ngồi trên cái ghế sô pha uống trà. Trên thế giới gần tám tỉ người, gặp nhau dù chỉ một ngày cũng là duyên vài kiếp. Tôi hay dùng từ ràng buộc, không chính xác lắm vì những gặp gỡ này là sợi dây suôn chẳng có nút thắt nào cả. Người từng sợ những ràng buộc thân sơ Trên những ngả đường vô tình đếm bước Cà phê trà chiều bia nồng say khướt Cái ôm biệt từ mấy lượt chưa xuôi...

46


TA ĐÃ Ở KIA

PORTREE ĐI DĂM PHÚT ĐÃ VỀ CHỐN CŨ Portree mang một chút nét của Manazuru với những ngõ nhỏ lên dốc xuống dốc bất chợt. Với những căn nhà màu sơn đã cũ san sát nhau, nhà được xây sát mặt đường nên người đi bộ phải nhìn trước nhìn sau để tránh xe. Và cuối một con dốc là bến cảng lặng sóng, chạng vạng tàu thuyền về đầy bến nhưng ít thấy bóng người ta. Portree cũng mang một chút nét của Luxembourg với phố cao phố thấp. Hai tầng phố được nối với nhau bằng những bậc thang hẹp, bằng con dốc lài dành cho xe chạy. Phố trên cao có vài quán ăn quán bar nhỏ ven đường với nhiều cửa kiếng nhìn ra Somerled Square hay nhìn ra bến cảng bên dưới, với những anh bartender rất duyên. Phố thấp gần bờ nước bến thuyền nên có vẻ không gọn gàng như tầng trên; cũng có vài quán ăn nhỏ, và dĩ nhiên giá cả rẻ hơn chút đỉnh. Và Portree gợi nhớ một chút Burano với màu sơn bên ngoài của những căn nhà, vàng xanh hồng rồi trắng. Màu nổi bật giữa nền trời xám, cát đen nhưng nhìn không nổi như mấy dãy nhà dọc bờ kênh ở Burano vì ở đây họ sơn một block hay vài căn cùng một màu rồi mới qua tông màu mới. Nếu ở Burano dễ bắt gặp mấy bác lớn tuổi người đứng bên này người đứng bên kia bờ kênh trò chuyện thì ở đây họ ngồi trước nhà thảnh thơi cười nói hay nói với qua hàng rào. Một bác đứng trước nhà thấy tôi đi ngang vẫy tay chào, tôi đứng lại hỏi vài câu, bác nói ở đây xưa nay vẫn vậy. Chẳng có gì vội. Lại đang là mùa thu, mùa hè nhịp sống sẽ nhanh hơn theo thời tiết ấm. Tôi thích nhà trọ tôi ở vì ngồi ở phòng ăn có thể nhìn thẳng xuống bến cảng. Buổi tối hôm tôi vừa đến chỉ thấy mấy bóng đèn xa xa tù mù. Mây thấp. Sáng hôm sau trời trong hơn, mặt trời mọc ửng một góc biển. Lành lạnh nên chắc mọi người còn ngủ, chẳng thấy bóng ai. Tôi nướng hai miếng sandwich ăn với mứt blueberry, pha thêm ly cà phê. Cả khoảng trời rộng trước mặt như chỉ dành riêng cho mình.

47


TA ĐÃ Ở KIA

#NOTE FROM TRANSIT LOUNGE# Mua cuốn sách cũ về tôi thấy rớt ra hai miếng boarding pass, chữ phai gần hết chỉ còn logo hãng máy bay lạ hoắc đậm màu nhất. Sydney-Brisbane khứ hồi. Search. Ansett bị phá sản đóng cửa hồi 2001. Bèn nghĩ giờ đó chắc mình mang mặt bơ bơ đang đứng chờ xe điện…đi học. Có cái phim kia tôi coi đâu bốn năm năm trước, không nhớ hết nội dung chỉ nhớ chuyện nhân vật chính chuyển từ dán sticky note khắp nhà sang để đồng hồ ré cộng thêm tờ giấy bên trên ghi việc cần làm, trí nhớ giảm đến mức bà quên gần hết. Trên góc bếp bà để mười mấy cái đồng hồ, trên mỗi cái dán tờ giấy nhỏ. Bánh nướng, nồi soup, lò sưởi, lấy đồ, hẹn bác sĩ, chích insulin... Tiếng đồng hồ ré lặp đi lặp lại như đánh thức hết mọi thứ xung quanh. Ly nước trên bàn run lên từng chặp. Mỗi lần nghe tiếng ré bà hối hả bước lại tắt đi, làm liền cái việc dán trên đó trước khi quên mất. Hay trước khi tiếng ré kế tiếp vang lên. Trong phim "The girl from the song" có một đoạn anh chàng vai chính hát bài hát do tự mình sáng tác cho người yêu nghe, tiếng ca vang lên giữa sa mạc đầy gió bụi và những con người như không biết có ngày mai - nếu có thể tôi muốn em xây một căn nhà bằng gỗ bên trong do chính tay em chạm khắc, có sàn nhảy thật rộng, tiếng nhạc dội lên từ chân để xoa dịu cái tôi đang cháy. Đường quanh mấy nẻo rồi quên, nhớ Một tiếng đàn ngân giữa bụi mờ Bài ca chưa cũ người chưa dừng bến cuối Rối nhịp theo giờ những múi lắc lư

48


TA ĐÃ Ở KIA Tôi hay nói đời người đâu có mấy cái bốn năm. Không nói mười năm nữa vì mười năm dài quá. Lần trước tôi đi Châu Âu là năm 2013, mới đó đã bốn năm trôi qua. Giờ quên gần hết chi tiết những nơi mình đã qua, may mà lúc đó về tôi có ghi lại sơ sơ. Bốn năm trí nhớ tệ đi thấy rõ, chắc bao nhiêu tế bào thần kinh chết đi mà tế bào mới không đủ lấp vào. Quên. Còn chưa kể bao nhiêu nếp nhăn chưa hiện nguyên hình. Bốn năm mọi thứ đã thay đổi nhiều, abcxyz nhưng có một điều không thay đổi trong tôi, vẫn mê đi. Vẫn trốn khỏi những điều thường nhật khi có thể. Ban đầu tôi định đi Mỹ với Canada nhưng nghe thấy bác Trump thay đổi chính sách bất thường sợ mình đi qua đó lỡ bác không cho nhập cảnh hay xuất cảnh thì kẹt. Mà gần đây chỗ nào cũng lộn xộn nên thôi không lo chuyện lạc đạn như mấy năm trước. Nói như ngôn ngữ kiếm hiệp nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất. Vậy nên tôi chọn đáp xuống London. Vẫn đùa đây là nơi không có ATM chỉ có cash machine, không có chips chỉ có crisps và có tube chứ không phải metro. Tháng Mười ở London thời tiết vẫn còn ấm ấm, bà con vẫn shopping, làm dáng, đi dạo Hyde Park nườm nượp. Phải nói ở London kiếm một chỗ vắng người vắng khách du lịch thật khó.

49


TA ĐÃ Ở KIA NHỮNG ĐOẠN LINH TINH VIẾT Ở UK Có ngày chưa 12 giờ trưa đã uống ba shot whisky rồi tỉnh bơ kéo valy đón xe đến một thành phố khác. Hay nhiều bữa ăn tối ở đâu đó, đến khi bạn phục vụ đặt lên bàn ly beer cao qua mặt tôi mới giật mình. Không chỉ riêng tôi mà đôi khi khách ở mấy bàn bên cạnh cũng giật mình giùm. Nãy biết dặn ly nhỏ hơn. Mà nói thật mỗi lần xa nhà tửu lượng tôi tăng bất ngờ, nhìn chắc ai cũng tưởng tôi bợm. Tôi dám chắc không ai nghĩ khi ở cách nơi đây hai mấy giờ bay, ở múi giờ khác tôi là một người rất khác, nghiêm đúng mực. Chẳng có vẻ gì bợm cả. Sáng chín chiều năm đều đặn mỗi ngày. Làm công việc đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Nhưng con người mà ai dám bảo đảm mình không bao giờ lầm lỗi nên tôi luôn cho rằng tuyệt đối không có nghĩa 100%, cũng chẳng ngại chia sẻ điều này với bạn làm chung. Có một lần tôi phỏng vấn một dược sĩ, khi được hỏi điểm mạnh của bạn là gì bạn trả lời một trong những điểm mạnh của mình là không bao giờ lầm lỗi. Tôi hỏi bạn chắc không đến hai lần. Chắc. Ok, để rồi xem.

50


TA ĐÃ Ở KIA Để đến Portree tôi đã đi qua bốn phương tiện đi chuyển khác nhau. Xe lửa, taxi, phà và bus. Gần 12 tiếng đi và đợi mới về đến nhà trọ. Nghe đuối thiệt đuối nhưng đó là một ngày đặc biệt, đáng nhớ cả đời. Lý do: taxi được ông sếp của ga Glasgow gọi sắp xếp, có người kéo phụ hành lý của tôi ra đến xe taxi Mercedes hẳn hoi, đi qua đoạn đường đẹp nhất cho đến thời điểm hiện tại, với tôi, và đến nơi mình muốn đến an toàn lại không mất thêm xu nào. Nếu tín đồ Hồi Giáo trong đời họ nên ít nhất một lần có mặt ở thánh địa Mecca để tham dự The Hajj thì tôi nghĩ ai có cơ hội cũng nên đi hai đoạn đường A82 từ Glasgow đến Fort William và A830 đến Mallaig vào mùa thu một lần. Tại sao thì bạn đi rồi sẽ thấy, tôi chắc chắn đi về sẽ không ai kiếm tôi mắng vốn. Bởi vậy khi mình tưởng các cửa đã đóng hết thật ra còn một cửa ở đâu đó vẫn mở dành cho riêng mình và con đường sau đó lại thênh thang. Buổi trưa hôm sau ngồi ở quán bar ngay cảng Uig, uống mấy ngụm saltire mát lạnh, cùng xem một phần trận shinty (gần giống hockey) với mấy bác địa phương tôi mới thấy mình may mắn. Con đường thênh thang thật. Do đến Portree tôi ở chung phòng với một bạn người Pháp. Bạn gái này có xe riêng, tự lái tự đi lòng vòng UK trong một tháng. Thế là tôi theo bạn một ngày chứ nhờ vào phương tiện công cộng trên đảo Skye tôi thà tự mình đi bộ. Cũng ở Skye tôi đã leo lên đến chỗ cao nhất từ đó giờ, tay chạm vào cục đá biểu tượng Old Man of Storr mà tự phục mình quá xá.

51


TA ĐÃ Ở KIA Chiều kia tôi đi dọc một đoạn bờ sông Inverness trong lúc chờ xe về Edinburgh. Trời mưa lâm râm, gió lạnh. Chẳng lạ khi ngoài đường năm người hết bốn người hút thuốc. Mỗi lần khói bay ngang nghe thơm lạ. Tôi chưa từng hút thuốc và chưa bao giờ có ý định thử nhưng những chiều như vầy thèm rít một hơi gì đâu. Mồi một điếu thuốc Uống cạn vài ly Ngày tháng ly kỳ Bao phen dời đổi... Là vậy.

52


TA ĐÃ Ở KIA Một xế trưa ở Roslin, khi đứng dưới hầm lành lạnh trong Rosslyn Chapel nơi Tom Hanks và Audrey Tautou từng diễn những cảnh cuối phim The Da Vinci Code tôi mới thấy sau mấy chuyến bus, sau mấy bận đi lạc cuối cùng tôi cũng đã đến được đây. Một nơi vẫn còn nhiều thứ người ta đang trên đường giải mã. Một câu đáng nhớ tôi đọc được nơi đây là "wine is strong, the king is stronger, women are even stronger. But the truth conquers all".

53


TA ĐÃ Ở KIA

Harrogate vào một trưa nhiều nắng. Phố dễ thương, đông vừa phải. Tôi cũng hoà vào xếp hàng với người ta trước tiệm Bettys để vào uống trà xế ăn scone với kem trét thêm mứt dâu. Bởi vậy nếu nói tôi hay bon chen thì tôi cãi mà nói không phải thiên hạ nhìn, chẳng tin.

54


TA ĐÃ Ở KIA Khi đứng trong các Arcade ở Leeds, tôi phải bái phục các kiến trúc sư hoạ sĩ khi nhìn lên mái vòm trang trí màu sắc tinh xảo. Ngạc nhiên vì không ngờ thành phố này rộng lớn và sang quá. Sau mười mấy ngày đi vòng rìa vào đến phố sáng choang thấy mình đầy phèn, chắc phải cần vài ba ngày mới phủi hết nét quê áo từ đầu đến chân. Đi một vòng mỏi chân, tôi ngồi dựa lưng trước Cross Arcade nghe một cậu bé đàn piano đặt ở giữa lối đi, nhớ ra lâu rồi mình không được nghe tiếng đàn trong trẻo vậy.

55


TA ĐÃ Ở KIA Có nhiều buổi tối ngồi xe bus hay đi bộ về nhà trọ tự nhiên nhớ những cuộc trò chuyện trên đường, với những người chỉ giáp mặt một lần, nhiều lắm là hai lần; có lẽ cần nhiều thời gian ngồi xuống để ghi lại hết. Rồi có những mẩu chuyện tôi nghe thấy nhiều hơn là tham gia vào. Ai nói mình nhiều chuyện cũng cãi, và cũng không tò mò đâu vì thấy nghe bên tai trước mắt. Gì chứ không hề có chuyện nghe lén nhé.

56


TA ĐÃ Ở KIA Còn ăn ở UK? Có nơi ở sạch trơn ngăn nắp như ở nhà, có nơi nước vặn hoài không ra, khi ra rồi lại không thoát ngập qua mắt cá chân, có nơi cửa sổ chắc nhỏ hơn cửa sổ tù, có nơi mỗi khi bước vào phòng tắm rộng gần bằng hai phòng ngủ nhà mình và các thứ linh tinh trong đó đủ để chưng trong một căn nhà be bé. Nhưng tất cả những nơi này đều nằm ở vị trí tiện đi về, giường êm ngủ khỏe. Tôi chỉ cần bấy nhiêu sau cả ngày rong ngoài đường. Tóm lại cho đến giờ chưa ở nơi nào có phòng tắm hay toilet của riêng mình. Ngắn gọn, khỏi đếm sao. Ăn thì lại khác. Có vẻ ăn sang hơi thường. Không có nghĩa tôi không mua pizza đông lạnh về tự hâm lại hay ăn tối bằng fish and chips hay mì gói. Nhưng khi muốn được phục vụ, ngồi ghế êm, nghe nhạc đúng điệu thì chi, biết sao giờ vì dù gì mình cũng đang đi chơi mà. Đã đọc được một câu chí lý trên vách một nhà hàng ở ngay cảng Reykjavik "One can not think well, love well, sleep well, if one has not dined well". Tôi đang đi Bao giờ bạn bước qua ngạch cửa Cứ đi đi mà Thả hồn vào từng ô cửa lắm lúc đầy hoa

57


TA ĐÃ Ở KIA

ISLE OF SKYE- Lằng nhằng mà muốn xăn quần quay lại Trước giờ khi chưa sẵn tâm thế để viết về một nơi nào tôi hay chọn ra một điều gì đó chung chung từ chuyến đi của mình để viết lung tung. Dù hay viết không đầu không đuôi, viết nhăng viết cuội nhưng đó cũng là một phần của trải nghiệm. Với tôi, ít khi có chuyện gì đi suôn từ đầu chí cuối. Đâu đó sẽ gặp chuyện chưa định trước, như lỡ chuyến xe, như chuyện bất ngờ theo chiều hướng xấu. Sau đó đi đến cuối đường, khi bước xuống ga kế mới quay lại nhìn thì ra mình được nhiều hơn mất. Nếu suôn sẻ thì chưa chắc đã có những gặp gỡ nhớ đời, chưa chắc đã đi qua cái cua quẹo gắt đẹp trời ơi kia, chưa chắc đã leo tới đoạn giữa trời và chưa chắc ở cuối đường thư thả ngồi dựa lưng tay cầm ly bia lạnh nghỉ ngơi. Isle of Skye. Isle trong tiếng Scotland đồng nghĩa island trong tiếng Anh. Đảo Skye. Tôi đã đi theo tiếng gọi của bộ phim tập Outlander và theo bài hát bắt đầu mỗi tập phim “The Skye boat song” để đến Skye. Nói cho có vần đây là một trong những nơi tôi chẳng ngại quay lại nhiều lần nữa dù con đường tôi chọn để đến đó chẳng dễ dàng, lại tốn nhiều thời gian. Bắt đầu từ Edinburgh. Hành trình đặt ra là đi tàu lửa tới Mallaig, sau đó đi phà qua Armadale bên Skye rồi đón bus về Portree. Ở trên đảo ba ngày rồi về bằng hướng khác, đón bus băng qua Skye Bridge ghé Kyle of Lochalsh, lên tàu lửa quay lại Edinburgh. Chuyến về phải đổi bus ở Inverness; tôi đùa rằng tính ghé thử vận may xem con quái vật năm nào có xuất hiện lần nữa hay không. Gom lại trong một chuyến mà vừa ra đảo vừa đi ngang nhiều nơi được cho là đẹp nhất Highlands ở Scotland. Báo trước tôi sẽ kể lể dài dòng vì thực tế đó là một ngày rất dài nhưng đến cuối ngày ngả lưng xuống giường mới thốt lên một câu tôi hay nói với chính mình trong những dịp trời ơi kiểu này. Ta yêu hôm nay Ngày rất dài màu mắt vẫn lung linh. Sáng đó chuyến tàu lửa 7:15 của tôi từ Edinburgh đi Glasgow bị huỷ vì đường ray có chuyện gì đó. Chuyến kế, 7:30 bị huỷ luôn. Đang giờ cao điểm nên sân ga chật người. Đứng trước bảng hướng dẫn thời gian chuyến đi tôi nghe người hỏi thăm nhân viên xem chuyện gì, người này lo lắng hỏi người bên cạnh, ngừời cúi xuống nhìn vào điện thoại tìm thông tin, người gọi điện thoại báo trễ với sếp, ngừơi nhắn ngừơi quen đến rước muộn…Tôi cũng lo vì đã đặt chỗ khít khao thời gian cho những chặng xe kế, bắt đầu tính plan B plan C nhưng dù gì cũng phải đến được Glasgow mới thực hành các kế hoạch dự bị. Có chuyến xe kế lúc 7:57 nhưng sẽ rẽ hướng khác, sẽ ngừng ở mỗi ga thay vì express như hai chuyến đã bị huỷ, sẽ mất nhiều thời gian hơn dĩ nhiên. Hết lựa chọn, tôi đành lên chuyến này. Cũng có nghĩa tôi sẽ trễ chuyến nối tiếp 8:21 đi Mallaig; phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ mới đến chuyến tiếp theo. Nếu không có thêm trục trặc gì, tôi sẽ bắt kịp chuyến phà cuối cùng qua Armadale nhưng lại trễ chuyến bus cuối cùng lúc 5:10 chiều về Portree. Plan B là đón bus từ Glasgow đi thẳng mười mấy tiếng mới đến Skye nhưng từ đầu đã không sắp xếp được thời gian đi tàu hơi nước Jacobite để bon chen với fan Harry Potter nên tôi nhất định bất cứ giá nào cũng phải đi vòng đến Mallaig rồi đón phà qua đảo. Nghe đồn đây là cung đường đẹp nhất Scot, bỏ qua sao nỡ. Rối ha. Nếu bạn không theo kịp mớ lằng nhằng này cũng không sao. Vì có quới nhân phù trợ 58


TA ĐÃ Ở KIA nên khi tôi đến Glasgow chuyện đã khác. Khi đến ga Glasgow tôi trình bày cớ sự với cô nhân viên đứng ngay chỗ quẹt vé. Chuyện trễ không ai muốn nhưng giờ biết sao. Cô dẫn tôi đi gặp một cô khác ở phòng info. Cô này nhìn màn hình trước mặt một lúc lâu rồi kê ra những tuyến đường khác tôi đã rành sáu câu từ sáng giờ, nói xong cô bèn nhấc điện thoại gọi vài nơi. Sau mười phút, nơi cuối cùng họ đưa tôi đi là lên lầu gặp ông sếp ga. Vừa nghe tôi đã hơi run vì chẳng biết điều gì chờ mình sau hai mấy bậc thang kia. Phòng hẹp chừng sáu mét vuông, ông sếp to ồ ề và cô thư ký ngồi bên cạnh nhìn cũng ngầu không kém. Trước mặt họ là bốn màn hình vi tính, điện thoại bàn điện thoại di động năm sáu chiếc tôi chưa đếm kịp thì hai cái đã reng. Lại thêm chuyến xe bị huỷ, lại đường ray có vấn đề. Dù cao to nhưng giọng ông sếp ga khi trả lời điện thoại nghe dễ chịu, đềm tĩnh nhẹ nhàng. Ổng vừa kêu tôi đưa vé xe, vừa hỏi mày phải đón chuyến phà lúc mấy giờ. 4pm cho kịp chuyến bus cuối ngày. Ổng chỉ hỏi hai câu ngắn gọn với tôi, xong nói một câu ngắn qua điện thoại, tới rước giùm cô này đi Mallaig cho kịp chuyến phà abc. Vậy xong. Tôi có người kéo giùm valy ra con đường bên hông ga Glasgow. Hơn một tiếng trước tôi còn tưởng phải lê lết đến khuya mới đến được nơi mình muốn đến, ai ngờ cuối cùng tôi có chauffeur chở đi Mallaig. Mercedes hẳn hoi. Đây là chuyến taxi duy nhất tôi đi trong 5 tuần ở Châu Âu. Mà kỳ, mỗi lần đi xa không biết xui khiến thế nào cũng lọt vào một lần ngồi taxi không định trước, lựa chọn xa xỉ mà tôi cố tránh nếu có thể. Mà lần này đi gần 200km free, thôi cho là một bonus lớn. Ở đời có những bất ngờ Lật tung bao kẻ thờ ơ như mình. Thế là bon bon lên đường, thẳng tiến hướng Mallaig. Buổi sáng mây còn thấp, sương chưa tan hết, Loch Lomond lãng đãng mê người. Ở đây họ gọi hồ là Loch thay lake. Đang giữa tháng Mười nên cảnh mùa thu dọc hai bên đường không chê vào đâu được, lá vàng lá đỏ khắp nơi. Lần sau ghé lại thế nào tôi cũng dành thời gian cắm trại hoặc nghỉ dưỡng cả tuần ở cái hồ này vì cảnh đẹp dài tới hai mấy dặm, còn rộng thì ôi thôi rộng. Tôi đòi ngồi ghế trước để ngắm cảnh, bác tài kêu thôi, cả buổi sáng vất vả rồi ngồi phía sau nghỉ đi. Ngồi phía trước tui mắc cỡ sợ run tay lái nguy hiểm vì đường hẹp, mấy ngày trước bão tơi bời nên con đường còn ướt rất trơn. May gặp bác tài xế vui tính thích kể chuyện trên trời dưới đất, kể luôn chuyện đời bác, chuyện đã làm bao nhiêu nghề, thích uống thích sưu tầm loại whisky nào. Bác là dân Scotland chính gốc, sống làm việc rồi nghỉ hưu ở Glasgow tôi vô tư hỏi chuyện đất này. Gì chứ đi chung một đoạn đường dài thì người đi cùng mình dù quen lâu quen mau cũng quan trọng lắm. Màu chung của mùa thu Scotland: nhiều mây, nhiều sương lạnh, màu vang ngả đỏ từ mặt cỏ đến cây đến lá. Trên đường tôi thấy nhiều người dừng lại xuống xe ở những chỗ đẹp, lạnh vậy mà các bác ấy vẫn mặc váy sọc khoe chân, váy vớ tươi đủ màu và những cái cười thân thiện rất tươi. Nói điều này với các bạn Anh họ chỉ nhìn lành lạnh, cũng cười cười nhưng không nói gì. Lý do một bạn host người Anh đưa ra là ở đây tụi tao thấy hết nghe hết, chỉ là kiệm lời từ trong máu. Thì ra đi xe cũng chạy ngang Glenfinnan, nơi những người mê Harry Potter dừng lại để leo lên chỗ đất cao cách Glenfinnan info centre chừng nửa tiếng đi bộ để nhìn và chụp hình 59


TA ĐÃ Ở KIA chuyến tàu Jacobite chạy bằng hơi nước huyền thoại băng qua cầu Glenfinnan Viaduct. Đã nói tôi chưa từng đọc qua cuốn Harry Potter nào, chỉ xem một phim đầu tiên nhất đã quên tên vậy mà khi đi ngang cũng bon chen kêu bác tài ghé nhanh chụp tấm hình cho biết mình đã đến đây, và vì đã quá giờ linh nên có leo lên đồi cũng không thấy màu khói xe nên thôi. Tôi chỉ băng qua đường, nhìn thấy được một phần cây cầu, thấy gần cây cột đá biểu tượng của Glenfinnan. Đứng trước cánh đồng cỏ vàng cao qua đầu gối, một màu tối xám êm êm của dãy núi xa và những bóng lưng người chìm trong cỏ làm tôi nhớ những cảnh cuối cùng trong phim “300”, cảnh anh vai chính vẹt cánh đồng lúa mì về nhà trong mỗi giấc mơ. Hôm qua nghe nói tôi sẽ đi hướng này đến Portree P hỏi có tính leo Ben Nevis không, ngọn núi cao nhất Scotland. Tôi trả lời thôi để lần sau, vì biết mình sẽ trở lại vào một mùa xuân hay hè nào đó chứ mùa thu mây nuốt chửng ngọn núi đến gần nửa. Ngày hôm sau gặp J ở hostel, J nói hôm kìa bạn cũng tính chinh phục Ben Nevis nhưng nhân viên ở info office can vì hôm đó gió bão vừa ngưng, thời tiết hơi thất thường nên leo nguy hiểm lắm. Những Glencoe, Fort William, Arisaig, Lochaber..lần sau tôi nhất định sẽ dừng lại mỗi nơi. Sau khi cho tôi xuống xe ở ga Mallaig bác chauffeur vô bãi đậu xe rồi đi ăn trưa. Một lúc sau, tôi đang kéo valy lơn tơn trên phố thì nghe tiếng gọi từ sau lưng. Quay lại thấy bác thò đầu qua cửa xe hỏi sao chưa ra bến phà, tính lên chiếc xe xình xịch kia đi ngược lại à? Tôi cười. Bác cười. Đang chờ phà bác ơi. Bến phà nằm bên phía đối diện ga, đi chừng vài trăm mét. Vé phà. 2.8pound, đi khoảng 40 phút từ Mallaig qua Armadale. Tôi đã đón kịp chuyến phà 2:10pm thay vì 4pm như dự định. Phà lớn, có nhà hàng, phòng ăn…nhưng hôm đó vắng khách, đâu chừng hai mươi người. Mùa thu sang đông thường ít người chọn đi cách này qua Skye vì lạnh lại nhiều mưa. Cũng vì vậy mà sau 22 tháng Mười họ sẽ chạy theo thời khoá biểu mùa đông, một ngày có vài chuyến, có khi không có chuyến nào. Nếu bạn chọn đi phà qua đảo nên coi thời khoá biểu trước thật kỹ vì nếu lỡ đến Mallaig mà không có phà thì coi như mất cả ngày, xe lửa đi tới đây mất nhiều thời gian và chỉ có một hai chuyến một ngày. Phố lại buồn, nếu kẹt lại sẽ chán lắm. Qua đến Armadale tôi ngồi gác chân chờ bus với hai vợ chồng bác đến từ New York. Cả ba nhất quyết chỉ trả 7.7 pounds mỗi người để về trung tâm Portree thay vì 80pounds theo lời kỳ kèo của anh taxi (quê mà vẫn có taxi nhé). Taxi có 8 chỗ ngồi, nếu đủ ngừoi chia tiền vé ra thì không có gì để bàn, chứ có ba người tính ra đắt quá. Đi bus chừa tiền ăn tối, thời gian mình dư mà. Khi đi xa sao có lúc mình keo kiệt với chính mình thết không biết. Trời vẫn còn chút nắng nhưng lạnh dần. Tôi chạy qua quán bán đồ ăn duy nhất cách chỗ tôi ngồi chừng năm mươi mét mua cây kem mùi cà phê. Ăn kem khi trời lạnh là một cái thú, ngon và tỉnh ngừơi khác với cái đã khát lành lạnh ngay cổ họng khi ăn vào mùa hè. Vừa ăn kem tai vừa nghe “Dấu chân địa đàng” mà trong đầu lại nghĩ đến “Tự tình khúc”, mười mấy ngày rồi tôi mới có lúc được ngồi thảnh thơi vầy; tua lại những ngày đủ màu vừa qua, rồi mười tiếng đồng hồ từ sáng giờ như một bức tranh do tay hoạ sĩ amateur ném tung tóe màu lên khung trắng. “Đôi khi một người dường như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi.”

60


TA ĐÃ Ở KIA Armadale nằm ở hướng Nam đảo Skye còn trung tâm Portree nằm khoảng giữa bên hướng Đông. Đi bus mất hơn tiếng đồng hồ mới đến Portree, gần như cả đoạn đường xe chạy dọc bờ biển. Mặt trời lặn nhưng chưa kịp tối, cảnh đẹp làm mình có cảm giác như cả ngày trả thiếu tiền mà còn được thối lại. Về đến chỗ trọ đã gần 7 giờ tối. Đuối thiệt. Check-in, bước ngang phòng ăn tôi dừng lại chừng 2 phút khi thấy được khoảng nước rộng tối lờ mờ bên ngoài. Hình như vì cái view này mà tôi đã đặt phòng ở đây. Mệt nhưng bỏ đồ vô phòng xong tôi lại trở ra, đi một vòng trung tâm Portree coi hàng xóm mình có những gì. Phố nhỏ xíu. Vắng hoe. Ngay giữa trung tâm là một khoảng trống rộng có bãi đậu xe, có bến bus, vài dãy ghế gỗ. Bốn phía chung quanh là shop, quán ăn, quán bar và vài khách sạn. Xoa tay vì lạnh. Tôi mở cửa bước vào một quán ăn nhỏ có chưng cây olive ngay góc trái, kêu tô soup rau cải nóng. Họ cho thêm bánh mì và bơ. Buổi tối đầu tiên ở Skye chỉ nhiêu đó. Ngày thật dài, đêm ngủ li bì.

61


TA ĐÃ Ở KIA Một tin nhắn. Sao biết hay vậy ta. Mình đã thử cả whisky và beer ở Skye (Skye Red) nhưng đúng là trời lạnh âm u, whisky là lựa chọn hợp lý hơn. Uống một shot đã đủ ấm người, không dám uống thêm vì nhậu một mình nơi vắng ngừơi sợ dễ bị say quên đường về.

62


TA ĐÃ Ở KIA Có những cái duyên gặp gỡ trên đường đi khiến mình nhớ hoài, thấy mình may mắn mỗi khi nghĩ lại. Khi ở Portree tôi ở chung phòng dorm với một bạn gái người Pháp. Phòng bốn giường mà chỉ có hai đứa. Bữa đầu tiên vì mệt quá nên chỉ chào nhau rồi đi ngủ. Sáng hôm sau mới có dịp trò chuyện ở bàn ăn sáng. Bạn kia đã ở đây trước tôi một đêm. Khi tôi bận chuyển qua tàu này phà nọ để đến Portree thì bạn đã một mình lái xe vòng qua hướng Tây Bắc Skye. Qua đảo khác, qua vài lâu đài, ghé chỗ làm whisky lâu đời duy nhất ở đấy, Talisker Distillery. Bạn một mình lái xe từ nhà gần Annecy qua đây, sẽ đi vòng quanh Scotland trong vòng một tháng. Đáng ghen tị chưa? Trò chuyện một hồi tôi hỏi vậy hôm nay tính đi đâu? Đông Bắc. Cho đi chung nhé? Ừ. Con đường thênh thang ở Skye của tôi bắt đầu như thế. Cứ hỏi sẽ có câu trả lời. Được dĩ nhiên là vui, còn không cũng chưa hẳn là mất. Để đi vòng quanh Skye, tiện lợi nhất là có xe riêng mình tự lái. Phương tiện công cộng chỉ có bus và bus chỉ đi những con đường chính nối liền mấy phố có đông đông người ở, còn những nơi đáng xem đều nằm khuất trên đường nhỏ chỉ vừa một xe rưỡi qua lọt. May mà dân số trên đảo thưa, ít xe nên tình trạng kẹt xe dường như không có. Chưa nơi nào tôi từng đi qua mà thấy tài xế kiên nhẫn nhường xe chiều như ở Skye, và mỗi lần như thế hai bàn tay đối diện lại đưa lên như để cảm ơn, để nói ngầm không có chi và để chào nhau trên mảnh đất vắng này. Cô bé tiếp tân ở Hostel nói Skye đã đông khách hơn nhiều từ khi cây cầu Skye Bridge được xây nối liền qua bờ Kyle of Lochalsh. Con đường nối đáng lẽ thu phí khách qua lại từ khi mới khánh thành năm 1995 nhưng người dân hai bên phản đối quá, cuối cùng người dân thắng nên khỏi trả phí. Skye nói riêng và Scotland nói chung mang hai màu đặc trưng là xanh rêu và xám. Màu xanh của cỏ của rêu. Màu xám của đá và mây. Chỗ nào có thêm biển vào mùa ấm sẽ thêm màu xanh da trời còn mùa thu trở đi cũng xám nốt. Và Skye có thêm màu trắng của bọt nước, của vô số thác nhỏ thác lớn. Tôi đùa với bạn Pháp hình chụp ở đây khỏi chỉnh sửa chi đã đẹp quá trời. Tôi thì khỏi nói rồi, xưa giờ hình chụp sao để vậy. Con chiến mã của bạn là một em Range Rover nhỏ, màu xám, cụt đuôi có năm chỗ ngồi. Đời hồi thế kỷ trước chắc, méo mó vài chỗ phía đuôi. Vậy mà bạn đã chạy qua bao nhiêu đường núi đường đồi tới đây. Trong xe là bãi chiến trường tôi chưa từng thấy qua. Lều mền quần áo giày đủ loại Harry Potter sách hướng dẫn đồ ăn từ ghế trước đến ghế sau. Bạn phải vẹt một chỗ ghế trước bằng cách quăng tất cả vào băng sau để tôi ngồi. Hổm nay khi giữa đường nếu buổi tối không tìm được chỗ nghỉ bạn ngủ luôn trong xe. Tiếc kiệm nữa, bạn cười. Có những người 26 tuổi máu và gan lì khiến mình phải phục.

63


TA ĐÃ Ở KIA The Old Man of Storr. Cục đá cao mấy chục mét đứng sừng sững giữa trời là icon của Skye. Là nơi được chụp hình nhiều nhất. Và có thể nhìn thấy từ mấy dặm xa. Từ mặt đường leo lên không cao lắm nhưng không phải là con đường thẳng, vòng vèo, hẹp, nhiều đá nên hơi khó đi. Ở đây hay mưa nên đường trơn, gió nhiều. Sáng hôm đó khi bọn tôi bắt đầu leo trời xam xám chứ chưa mưa, leo đến giữa chừng mới bắt đầu rớt hột. Đã đi đến nửa đường chẳng lẽ lại leo xuống, thôi đi tiếp. Bạn đồng hành mang đủ đồ nghề leo núi đi rừng, dân pro mà. Mấy hôm trước đã trek hăm mấy cây số trong đêm. Thấy tôi mang đôi giày vải đen bạn cười “Your shoes will die”. Cứ trò chuyện bập bõm như thế làm tôi bớt sợ vì chưa từng leo cao giữa đồng trống gió mạnh kiểu này. Khi leo xuống đôi giày vẫn sống nhăn, tôi còn lành lặn. Trên đường đi hay bắt gặp những bầy cừa trắng cặm cụi gặm cỏ. Có khi thấy chỉ một chú đứng một mình sát bờ nước hướng mắt ra biển. Xe không dám chạy nhanh vì sợ ảnh giật mình nhảy ra đường. Tôi gọi “một sớm kia đứng giữa trời ngơ ngác” là từ đây. Nhiều khi nghĩ nếu có kiếp sau làm con cừu chắc sướng. Ghé ngang Mealt falls- Kilt rock. Một cái thác ở vị trí lạ nhất tôi chưa từng thấy, nước từ sông đổ ra biển bằng đường dốc khá cao. Và rất đẹp. Gọi Kilt rock vì hình dáng mảng đá sọc sọc giống như cái váy của dân Scotland. Quá trưa tụi tôi tới Uig. Ghé vào quán bar duy nhất ở đây uống mỗi đứa ly bia trước khi lái về. Anh chủ bar kêu uống whisky đi, ở đây vô số loại chứ bia chỉ có vài loại thôi mà không đậm đà mấy. Tôi nói uống bia đã khát hơn, và nhẹ đô hơn để còn tỉnh táo lái xe về.

64


TA ĐÃ Ở KIA Ngày rời Skye. View buổi sáng từ phòng ăn chẳng có vẻ gì sáng sủa hơn mấy ngày trước. Ngồi lâu, ăn sáng từ từ, tôi đọc được một câu chí lý ngay trước mặt “Travel is the only thing you buy that makes you richer”. Chủ Nhật chỉ có một chuyến bus duy nhất lúc mười giờ sáng đi từ Skye qua bên kia bờ để đón xe lửa về Edinburgh. Tôi chọn đi hướng này thay vì đi lại con đường cũ, vì nghe đâu đoạn từ Kyle of Lochalsh qua Inverness cũng được xếp vào những chuyến xe ngắm cảnh đẹp của xứ này. Và vì phải đổi xe ở Inverness, có khoảng một tiếng rưỡi chờ đợi nên có thể đi ra ngoài xem thử cái thành phố lớn miền Bắc nổi tiếng với con quái vật khổng lồ nhìn ra làm sao. Trong lúc ngồi chờ bus tôi coi lại mớ hình chụp mấy ngày ở Skye. Ngừng hơi với tấm hình rực rỡ nhất: ngôi nhà sơn màu xanh lơ nằm trên con đường ra bến phà, không có hàng rào trước, vài bụi hoa đỏ li ti trên mảng cỏ xanh, hai nhánh cẩm tú cầu to ngả hồng ngả tím chìa ra đường. Lời nhạc nho nhỏ vọng ra, một giọng ca nam nhẹ bổng nên không nghe rõ lời. Nghe điệu kèn như nhạc đồng quê. Giữa trưa ở một nơi vắng vẻ nhiều khi cần lắm những âm thanh như vậy để bước chân mình nhẹ hơn. Đã viết vài câu cho người ra đi dù hình chụp hôm vừa tới. Chưa cuối ngày đôi chân mỏi ê a Lạc trong mùi đất hương hoa hơi gió mặn đường Lời ca lén trèo qua ô cửa sổ Nhuộm phố tháng Mười dính áo khách phương xa Người bước lên phà Tay che gió bạt Tay xốc ba lô Ngoái trông vạt áo vương bóng những con đường ven đảo lầy mây Có một bài ca chưa viết Có những ruổi rong tha thiết chở ta nguôi. Xe bus rộng thênh cho mười người khách. Nói là không đi lại đường cũ chỉ đúng với chuyện thay vì đi phà thì đi qua cầu, từ Portree muốn qua Kyle of Lochalsh vẫn phải đi ngược xuống hướng Nam đến Broadford rồi mới rẽ qua trái ngược hướng Armadale. Thấy cảnh vật rõ hơn hôm mới đến, buổi sáng nhiều xe trên đường hơn, mây phủ xuống núi, thấy nước thấy thác đổ khắp nơi. Thấy cây cầu đá ngắn thuộc hàng “đồ cổ” hay được lên hình ở dưới chân Cuillin Hills. Bước xuống xe bus bên kia bờ tôi nhìn đồng hồ mới hơn mười một giờ. Chuyến xe lửa duy nhất đi Inverness chạy lúc 3 giờ chiều. Bốn tiếng. Đi vòng quanh mấy dãy phố hai bận. Gọi Kyle of Lochalsh là phố quê thì đúng hơn, lác đác vài hàng quán thôi. Tôi chỉ đi qua nhìn bên ngoài vì Chủ Nhật hầu hết các shop đều đóng cửa. Hai nơi duy nhất mở cửa là shop đồ lưu niệm và Hector’s Bothy Café Bar. Shop bán đồ thì không có gì nhiều, cũng chẳng mấy khách, lúc tôi vào chỉ có cô đứng tính tiền và một ông khách quen. Tôi cũng đứng trò chuyện một lúc về Úc về Skye với họ. Mua hai con cừu lông đen được làm bằng sành trước khi bước ra.

65


TA ĐÃ Ở KIA Thời gian còn lại tôi ngồi trong Hector’s Bothy trốn lạnh nghỉ chân, nơi đây khang trang nhất phố và cũng đông người nhất. Tôi ăn trưa, uống hết chai bia Skye Red và ngồi xài ké wifi chờ xe. Tôi quay lại ga Kyle of Lochalsh lúc hai rưỡi trưa. Vắng tanh. Xe lửa đã đậu sẵn ở đó. Tôi gặp lại hai bác đến từ New York cùng đi xe bus hôm nọ. Hồi sáng họ bị trễ bus nên đã sang đây bằng taxi. Cách gì cũng phải tốn tiền taxi một lần ở Skye, bác trai cười đùa.

66


TA ĐÃ Ở KIA CORNWALL VÙNG ĐẤT ẤM Vùng biển phía Nam nước Anh có gì đặc biệt không? Còn tuỳ cách nhìn của mỗi người, nhìn cái đẹp, vẻ đặc biệt theo cách nào. Còn vui? Cũng tuỳ. Cả vùng Cornwall thật ra rất rộng, muốn đi khắp tôi nghĩ phải tốn vài tháng là ít. Tôi chỉ kịp đi qua có vài nơi, ở chưa quá một tuần nên còn muốn quay lại. Một phần vì những ngừơi tôi gặp ở đây, làm một thành viên tạm thời trong gia đình họ mà cứ tưởng mình đang ở nhà. Có lẽ đây là nơi ấm nhất nước Anh, từ khí hậu đến tình cảm con người. Rộng nhưng đủ hẹp để người trong vùng ai cũng biết ai. Vừa nói tôi sẽ ở kia ở Penzance, chủ nhà từ Newlyn nhắn lại liền, ở đó gần mà và họ đã chạy xuống đưa chìa khoá để sáng hôm sau tôi tự check-in. Penzance là ga cuối của tuyến xe lửa từ London. Vừa bước ra khỏi ga tôi nghe mùi biển sát bên. Từ đây nếu bạn muốn đi đến các thành phố khác trong vùng chỉ có bus, taxi và đi bộ. Tháng Mười đã qua mùa cao điểm nên nhà trọ chỉ có mình tôi. Bà chủ nhà ở dưới lầu, thêm con mèo chạy tới chạy lui. Buổi sáng bà kêu tôi ngồi ở phòng ăn rồi order như ở nhà hàng; bác ấy vô bếp chiên xào xong mang ra rồi cứ vậy ra vô hỏi thăm tôi cũng chột dạ. Thiệt ngon lắm. Đậu hộp, bacon, trứng chiên, tí cà chua tí bông cải, English breakfast đúng điệu. Vậy mà cái guesthouse đang đăng bảng bán, bác nói già rồi một mình quản lý không xuể, đã đến lúc phải nghỉ ngơi. Buổi sáng đi loanh quanh trung tâm Penzance tôi có cảm giác như mình đang ở một thành phố nhỏ nào đó bên Ý khi bắt gặp cây olive được trồng trong chậu đầy trái xanh, cách họ bày những thùng rau cải tươi giữa đường, cách họ trả giá, cách uống tách cà phê trong tích tắc rồi đi. Hỏi ra tôi mới biết thì ra dân Ý ở đây đông lắm. Chắc do tiết trời ấm dễ chịu, nắng nhiều nên họ có thể trồng trọt rau quả như quê nhà. Có những sáng ở đây cứ tưởng đang ở miền đất khác Đâu đâu cũng pasty Nhớ bánh quai vạc của ngoại quá chừng Pasty là loại bánh nổi tiếng của cả vùng Cornwall. Vỏ bánh được làm bằng bột dày nhiều lớp, nướng vàng ươm, có nhân thịt bò khoai tây, nhân rau cải, nhân ngọt. Có cái nặng cả ký. Ăn dễ ngán nhưng hồi xưa đây là món duy nhất thợ mỏ ở đây mang theo đi làm vì ăn mau no, rẻ, lại lâu hư. Penzance chỉ có bấy nhiêu, chỉ là một trạm chuyển tiếp để đến các nơi khác hấp dẫn hơn, nhiều cảnh đẹp hơn, nhiều trò giải trí hơn.

67


TA ĐÃ Ở KIA

Từ đó giờ tôi chưa từng đi đến nơi trọ nào mà vất vả như ở Newlyn. Dốc ơi là dốc. Xuống xe bus ở ngay phố ngay chân dốc, hỏi lòng vòng tôi mới tìm ra đường lên Chywoone Hill. Ở nhà nhìn hình nhìn bản đồ không đo độ dốc được, đọc review mọi người cũng chỉ nói nhà ở hơi cao; đến nơi tôi mới hỡi ơi. Con đường lên đồi hẹp té, đủ chia mỗi bên một lằn xe còn đường dành cho người đi bộ chỉ gần như phải đi ngang kiểu cua bò. Mấy lần tôi muốn quăng hành lý vì mệt quá, hỏi đường thì ai cũng nói cứ leo tiếp đi khi nào mày leo hết nổi là đến nơi. Tưởng đoạn đường ngắn chứ biết vầy tôi đã gọi taxi từ Penzance. Đến nơi, mở cửa vào nhà rồi tôi mới thở phào, thấy thiệt đáng công đáng đổ mồ hôi. Nhà nằm bên phía dốc của dốc, nắng rọi đầy phòng khách nơi có sáu chiếc guitar được dựng đứng sát cửa sổ trắng, kế bên là cái ghế bọc vải màu vàng có chân gỗ nhìn rất tiểu thơ. Đứng ở vị trí này nhìn ra thấy biển bao la xanh ngắt. Tôi đứng nhìn một lúc lâu, tự hỏi hay mình ở lại lâu hơn để xin học guitar?

68


TA ĐÃ Ở KIA

Mousehole nhỏ như lổ chuột thật. Đường hẹp, dốc, cua gắt, kẹt xe khắp nơi. Tiếng kèn xe inh ỏi. Thiệt nơi này chỉ nên đi bộ. Trên đường từ Newlyn đi bộ đến đây tôi đã ngồi nói chuyện một lúc với một bác gái đến từ London. Đang mùa nghỉ hè nên bác xuống trông cháu cho con đi du lịch. Khi tôi đi ngang bác đang ngồi nhìn ra biển, tay vịn xe đẩy cháu gái. Đáng lẽ tôi im lặng đi tiếp nhưng vừa bước qua chỗ hai bà cháu ngồi tôi nghe bác ta kêu lớn, cá gì đang nhảy kìa cháu thấy không. Tôi giật mình liền nhìn ra biển mà chẳng thấy gì, không biết đứa bé trong xe có bắt được cảnh chớp nhoáng kia không. Thế là ngồi cùng băng ghế một lúc, trò chuyện dăm câu. Buổi trưa thuỷ triều xuống, tôi đứng ngay trung tâm Mousehole nhìn ra thấy đâu bảy tám chiếc thuyền nằm trên cạn chờ nước lên để được nổi. Sau lưng tôi là shop The Mousehole. Bề mặt shop được sơn màu trắng, viền cửa màu xanh da trời được điểm thêm màu xanh lá của một loại dây leo lá li ti. Bên trong chứa đựng một thế giới bước vào dễ bị lạc mặc dù diện tích không lớn; đồ thủ công địa phương, tranh vẻ, đồ lưu niệm, bưu thiếp, sách báo… Tôi bắt gặp một dãy sách của Daphne du Maurier trong đây, một tác giả sống nhiều năm ở Cornwall và qua đời ở một làng nhỏ cách Mousehole không xa. Tôi đã đọc Rebecca, Jamaica Inn và tập truyện Don’t Look Now (lấy bối cảnh ở Torcello). Phần lớn các cốt truyện của bà điều được viết trên vùng đất ấm nhất nước Anh này, tình cảm pha chút trinh thám, có khi hơi ma mị và cách bà dẫn người đọc theo hướng của mình lôi cuốn kiểu lỡ bước vào rồi chẳng muốn bước ra. Nếu nhân cách hoá thì Mousehole là một nơi dễ gần khiến những tay amateur cũng muốn ở chung để vẽ tranh và viết. Đây cũng là một nơi lý tưởng để trốn chốn đông người. Con đường vòng những ngày thưa nắng gió Mỏi gối tôi ngồi nghe bóng dang xa Bờ cát trơ xù xì như ghẻ lở Chờ sóng vào thoa dịu kéo liền da..

69


TA ĐÃ Ở KIA

Nghe bà chủ nhà giới thiệu, tôi đón bus từ Newlyn đi Marazion, nơi có toà lâu đài St Michael’s nằm trên một hòn đảo ngoài biển, một copy của Mont-Saint-Michel ở Normandy, Pháp. Ở đây có đến được nơi mình muốn đến hay không phụ thuộc vào thuỷ triều. Khi thuỷ triều thấp, dãy cát cong dài nổi lên mình có thể đi bộ ra đảo. Nếu muốn đi là đi như tôi đã từng, không tính không coi dự báo trước thì đến nơi phải dạo hai vòng phố Marazion chẳng mấy hấp dẫn, tốn tiền vào quán cà phê uống chậm một ly latte mới có đường qua đảo, lúc đó đã gần năm giờ chiều. Ra đến đảo trời đã nhá nhem, các cổng đã đóng nên tôi chỉ đi dạo vòng ngoài lâu đài. Copy thôi mà đã hoành tráng vầy thì bản chính bên Pháp phải hùng vĩ lắm.

70


TA ĐÃ Ở KIA

Ngày cuối cùng ở Newlyn tôi ăn tối ở Mackerel Sky Seafood bar, một quán ăn có vẻ tươm tất và trẻ nhất ngay sát Newlyn river. Chọn ngồi ngay cái bàn nhìn ra sông, nhìn ra cây cầu đá mà khi bà chủ nhà ở Penzance diễn tả tôi tưởng lớn lắm. May cho tôi vì đó là đêm cuối họ mở cửa trước khi nhà hàng đóng để nghỉ đông. Chef trẻ, mấy bạn nhân viên trẻ cứ nhảy nhót theo nhạc. Nhà bếp mở nên khách có thể nhìn thấy mấy anh chef làm việc. Khách chỉ lác đác đâu chừng mười ngừơi. Cá và mực tươi, ngon, bia Cornish hơi nhạt. Có lẽ do đi đến đây đầu lưỡi tôi đã quen với mấy thức uống nặng đô khác, nhưng gom lại đã có một tối vui, no nê. Ăn xong tôi leo dốc về nhà. Những ngày ở xứ biển nước Anh chỉ đơn giản bấy nhiêu, mà nhớ nhiều. Giằng xé lắm mới không ở lại đòi học guitar nhưng có hứa khi nào quay lại Cornwall tôi sẽ ghé thăm họ.

71


TA ĐÃ Ở KIA

EDINBURGH- làm người dưng cứ tưởng người thừa kế Chuyến bay từ Reykjavik về Edinburgh đã đáp trễ hơn dự định gần hai tiếng đồng hồ. Máy bay lòng vòng trên bầu trời Edinburgh hơn mười lăm phút mà không được phép hạ cánh vì đường băng có vấn đề gì đó. Nhiều máy bay khác cũng đang xếp hàng chờ đáp. Thế là chuyển hướng đáp xuống sân bay Glasgow. Được thông báo trước nên hành khách ngồi yên chờ đợi, chỉ vài bác lớn tuổi đứng lên lo lắng hỏi thăm tiếp viên. Tôi cần ăn để chích insulin, đến giờ rồi. Con tôi đang chờ ở Edinburgh, hay tôi xuống đi về bằng train sẽ nhanh hơn. Hay cho tụi tôi xuống đi lòng vòng cho bớt ngộp rồi lên lại… Đòi hỏi thắc mắc nào cũng được mấy bạn tiếp viên từ tốn giải đáp, câu trả lời chung là nên ngồi chờ vì máy bay chắc chắn sẽ cất cánh lại, bay về điểm đến đầu tiên. Lục kiếm hành lý cho khách là vấn đề. Xáo trộn tên tuổi giấy tờ là vấn đề…Thôi chờ đi. Bác bị tiểu đường được một cô tiếp viên pha cho bịch soup khô cô mới tìm được trong giỏ xách của mình. Đồ ăn thì có nhưng các hộc tủ đồ ăn trên máy bay chỉ khi đang bay mới được quyền mở, chỉ có nước nóng nước lạnh vặn được thôi. Thì ra vậy. Ngồi trên xe chờ tôi đã trải qua nhiều lần, kẹt xe thì liên miên, còn ngồi trên máy bay dưới mặt đất chờ đây là lần đầu. Edinburgh gây ấn tượng đầu tiên với tôi như thế, trước khi chân chạm đất. Khi chạm đất đã xật xừ, tôi mua liền ly latte thêm phần salad gà ăn lấy lại sức trước khi đón bus về trung tâm. Người ta hay nói nhà không phải là bốn bức tường, cái nóc rồi bàn ghế giường ngủ. Nhà là sự cảm nhận. Nhiều khi cần thời gian mười ngày, một tháng hay vài năm mới cảm thấy nơi mình đang ở là nhà. Có khi chỉ cần vừa bước vô cửa cái hơi nhà đã ập cả vào người. Ở Edinburgh tôi đã có cảm giác như vừa đi xa về khi đứng ngay bếp cách cửa cái có mấy bước chân. Déjà vu. Một nơi như quen lắm. Tôi thích đơn giản, gọn và sạch. Nhà bếp thông với phòng khách bé tẹo. Hai cái ghế vuông chân cao bên bệ gỗ, nơi có bếp điện đặt ở giữa. Kia là sô pha xanh navy hai ghế sát tường. Màn hình TV phía đối diện. Đứng ngay bếp nhìn thẳng ra khung cửa sổ cao thấy khu vườn xanh xanh bên ngoài. Mây xám xịt, chuyện tôi đã quen cả tuần qua. Hai bạn chủ nhà chờ tôi lâu quá nên nhắn tin nói có chuyện ra ngoài, tối về gặp. Edinburgh nhìn vẻ ngoài già xụ nhưng lại là thành phố của ngừơi trẻ. Nghe đâu hơn 50% ở độ tuổi giữa mười sáu mừoi bảy tới bốn lăm. Khu tôi ở lại càng trẻ vì ở sát bên đại học Edinburgh, và nét đa văn hoá thấy ở vùng này rõ hơn vì du học sinh đông. Ở đây ngoài đi xe riêng, đi bộ chỉ có xe bus. Rất nhiều tuyến xe bus, không chỉ giờ cao điểm mà lúc nào tôi thấy người chờ, người trên xe cũng đông. Dọc hai bên phố nhiều nhất là quán cà phê với quán ăn. Trước khi đến tôi nghe ở Edinburgh chỗ ăn uống nhiều hơn dân số nơi này, gần năm trăm nghìn dân. Đến rồi mới thấy sự thật là vậy. Đoạn đường từ nhà đi bộ tới Royal Mile khoảng mười lăm phút mà năm sáu quán cà phê, vài quán ăn Nhật, Malay, Tàu, Ý, quán ăn/bar của dân địa phương, Pizza, bakery… Ba siêu thị nhỏ, một Sainsbury’s hai Tesco. Tôi vào Sainsbury’s mua trái cây, vài trái dưa leo, vài loại snack, nước chai đủ cho mấy ngày ở đây. Mua thêm cái pizza đông lạnh về nướng. Ở một nơi quán xá tràn ngập mà bữa tối đầu tiên tôi chọn ăn ở nhà. Tôi nhắn tin nhỏ bạn nó kêu điên vừa thôi, sao không ăn ở ngoài. Còn mấy ngày mấy đêm mà, dư thời gian để thử đồ ăn ở đây, để xài tiền ở cái xứ thứ gì cũng mắc này.

72


TA ĐÃ Ở KIA Nhiều khi sau một ngày dài mỏi mệt bên ngoài, cần lắm những phút yên lặng ăn chậm như những bữa cơm ở nhà. Pha cho mình một ly chanh nóng với mật ong, nghe ngoài trời bắt đầu mưa, vừa uống vừa nghe “đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi.” Sến, I know. Tôi từng viết: Đôi khi ta nép mình im như hến Đôi khi cũng cần sên sến để thương

73


TA ĐÃ Ở KIA Tôi đã ở Edinburgh năm ngày, chưa đủ lâu để gọi là quen nhưng đủ thời gian cho mình theo nhịp sống thử của một người địa phương. Mỗi sáng tôi đều đi bộ từ nhà ở khu Newington ra trung tâm, loanh quanh ở phố cũ hay đi thẳng qua cầu South Bridge sang phố mới. Mỗi ngày mua cà phê ở một quán khác nhau, có khi ngồi lại trong quán đọc tin buổi sáng, nghe âm thanh buổi sáng trong không gian nhỏ và ấm với thứ ngôn ngữ đáng ra mình hiểu được nhưng khi lơ đễnh chẳng hiểu gì. Có khi cầm ly cà phê đi thẳng qua cái công viên xanh bên phố mới, Princes Street Gardens, chọn một chỗ thoáng rồi ngồi xuống băng ghế vừa uống vừa nhìn qua phố cũ xám xịt, cái màu không đổi bất cứ giờ nào trong ngày hay thời tiết ra sao. Chỉ khác khi trời nắng, mây có chút xanh lại vui hơn. Hai bàn tay ấm, uống vào từng hơi ấm nóng, nhìn qua ‘bờ’ bên kia và nghe âm thanh nhộn nhịp đầu ngày sau lưng mình. Đang làm ngừơi dưng cứ tưởng người thừa kế Mấy gió vỗ về Thôi làm kẻ đi thuê..

74


TA ĐÃ Ở KIA LEITH WALK Buổi chiều đi bộ đến cuối Leith Walk, tìm Fishers Bistro ăn tối như Lonly Planet kêu. Con đường đầy…mùi cỏ. Có khi đi ngang quán cà phê nhằm lúc có người mở cửa ra mang theo mùi nồng nặc. Có khi đi ngang vài bạn choai choai nghe thoang thoảng mùi cỏ quyện với mùi thuốc lá, tưởng như mình rời Amsterdam chưa lâu. Leith Walk nghe có vẻ như một đoạn đường ngắn yên tịnh nhưng thực tế đây là con đường chính, rộng thênh nối giữa cảng Leith và trung tâm Edinburgh. Lúc tôi đi đến đây đã hơn ba giờ chiều. Nắng vẫn vàng ươm trên những cánh cửa quán bar đóng im ỉm. Có quán nhìn bụi bụi, có quán nhìn rất…khoa học- tên Lab, hai cánh cửa màu vàng chói, với ký hiệu hoá học bên trên, rất art với nhiều chậu hoa đủ màu trên cửa sổ. Đi gần tới bến cảng gặp dãy nhà bên bờ nước tôi tự nhiên nhớ lại Nyhavn năm nào. Chỉ khác là chỗ kia mỗi nhà mỗi màu, tìm một khoảnh vắng người thật khó. Còn ở đây nhà chỉ mang một màu chung của cả thành phố, xam xám ngả vàng. Chỉ mình nghe bước chân mình. Và có nhiều thứ bữa kia nói chẳng liên quan gì nhưng khi ở chung nhau thiệt khớp. Còn có những thứ khác nhau không biết bao nhiêu dặm khi ở chung nhau thì mình hết lời. No comment!! Như trên một thùng rác dọc đường có dán hai miếng poster sát nhau. Một, “Dog poo spreads disease (thêm hình một chú chó mủm mỉm). Bin it here. Cheers.” Hai, “BLOODY POETRY, the staged reading series”- chữ trên nền xám với một gương mặt nữ gầy guộc. Hôm trước, tôi viết mấy câu dưới đây khi đi ngang một dãy shop ở Oxford, căn phố hai tầng, tầng trên là phòng mạch nha sĩ còn tầng dưới là shop quần áo với bảng hiệu “White stuff”. Ton sur ton, khớp nhau vậy mới được chứ. Sau đó lại bước vào quán cà phê dành cho sinh viên được giấu kỹ dưới hầm nhà thờ nằm trong khuôn viên đại học Oxford. Thử tưởng tưởng đi mỏi chân, bên ngoài trời gió lạnh mình vừa bước xuống mấy bậc thềm đã thấy một thế giới khác. Mùi ấm cúng thơm phức vây lấy mình, chẳng muốn bước trở ra. À còn cái lời ca quen ơi là quen “có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím..” dậy lên trong đầu khi đi ngang một căn nhà ở Lower Slaughter thấy chùm hoa tím cao vừa đủ vượt qua hàng rào đá được xếp một cách tài tình, nét đặc trưng của vùng Cotswold. Có những thứ chẳng liên quan khi gắn liền với nhau thiệp khớp Có những chỗ đứng ngoài cửa chẳng mong gì nhiều Khi bước vào rồi bước ra thiệt khó Có những lời ca quen quá là quen Đến khi mình ở đó…giật mình Còn nếu ở một mình tự nhiên dễ thương như cả ngày gió hù hù, mây âm u mà hoàng hôn thật sắc khi đi qua cây cầu Sandport. Bắt gặp một bài thơ được viết lên xuống như dợn sóng với chữ đủ kích thước, nhiều font khác nhau trên nền xi măng. Đọc chữ được chữ không…mà phải lòng đất lạ. “Masts are thick in the river mouth Step on a smack to kirkalou days Tuesdays or Fridays- a swift packed (or packet) To London. Saturday to Dundee or Perth” 75


TA ĐÃ Ở KIA

Chiều trời Leith Walk đẹp lung linh vậy mà ăn xong bữa tối bước ra đường mới hay nãy giờ mưa lớn, ướt mem, buồn hiu. Hàng quán hai bên đường chỉ có bàn ghế trống chứ chẳng thấy người. Tôi che dù, đi từ từ ra đón bus về Princes St. Chiều mưa dầm đứng lại Nơi gót chân từng qua Ngỡ mười phương khách lạ Rẽ lối bước về nhà Vừa bước lên xe bus lại nhớ hai cái poster trên thùng rác thiệt đúng, ’bloody poetry”.

76


TA ĐÃ Ở KIA Có những ngày mưa ta ngồi tựa cửa Mà mông lung nhớ từng buổi ngông cuồng Răng lược mòn đuôi tóc vẫn chưa suôn Vì nông nỗi lạc trong chiều gió chướng Có những ngày buông mình như thuở đó Trôi bềnh bồng chân chạm đất như không Cho tất cả nhẹ tênh tựa ráng hồng Để dằn vặt chưa kịp trì đã dỗi Có những ngày trông vài giờ rảnh rỗi Để trải lòng gom lại mớ bòng bong Đi rong theo nắng đến mấy mươi vòng Thơm mùi cỏ giữa đồng nghe chiều lặn Rồi có ngày tâm lọc gần hết cặn Nắm tay một người thong thả bước đi Dù đuôi mắt chưa hằn vết chim di Thôi gác lại cuộc ly kỳ đã trải

77


TA ĐÃ Ở KIA Nếu suốt cả buổi sáng cứ xoay quanh những chuyện và những ngừơi chi tiết ơi là chi tiết thì chẳng lạ khi đến gần trưa đầu tôi nhức bưng bưng. Từ ml đến mg đến số điện thoại đến những trục trặc kỹ thuật tứ phía. Gì chứ nói đến IT, rắc rối trên mấy màn hình chữ nhật là mình thua. Đến lúc rảnh ngồi xuống với miếng bánh nhân táo thêm ly cà phê tôi tự nhiên nhớ lại vài điều chi li cũng chẳng kém. Chi li kiểu Mr Holmes nói tôi cần uống thứ gì đó đậm hơn trà ít nhất 7% hay bước vào quán cầm cái ống thuỷ tinh của phòng thí nghiệm đến trước quầy bar nói tôi muốn 447.5ml bia. (Chỉ nhớ mang máng con số, xin đừng bắt coi lại series rồi bắt lỗi tôi nhe) Baker St rộn ràng vừa phải, vừa người đi bộ vừa xe. Tôi đoán phần đông dân tình chỉ ghé qua chơi chốc lát rồi đi. Tôi từng đi ngang 221B Baker St nhưng giờ đừng hỏi tôi chi tiết, chỉ nhớ cảnh cửa sơn màu xanh lá nổi trên nền sơn trắng chung quanh. Dãy phố dọc hai bên đường có đoạn màu sơn lợt nhợt, cũ. Có đoạn mấy căn phố khang trang đều tăm tắp như khu Belgravia. Có nhà chỉ sơn trắng tầng trệt còn các tầng trên màu gạch, có nhà toàn màu trắng, cửa rào sắt đen cao vừa phải, cửa cái bằng gỗ hầu hết được sơn đen. Nhớ mấy con đường trong khu Belgravia lúc nào cũng yên mặc dù có vài quán ăn và quán cà phê nhỏ nằm rải rác. Trước quán nào cũng trồng hoa đỏ hoa vàng, chủ yếu là hoa hồng. Quán nào cũng đầy khách nhưng âm thanh ngừoi qua đường nghe được chẳng có vẻ gì là đông. Cà phê ngon. Nhạc với âm thanh vừa phải. Ở khu này vừa bước ra cửa đã thấy motor show dọc cả con đường và các con đường chung quanh, nên dân ở đây chắc đâu cần gì phải bôn ba rồi đợi đến ngày có show. Tôi đùa Belgravia thuộc City of Westminster nên phải ngăn nắp bóng rẫy vì gần nữ hoàng quá mà. Buổi sáng khi tôi check out anh chàng tiếp tân còn đóng cửa ngủ, khách có thể để chìa khoá vào cái khay bên cửa rồi đi. Khoảng năm giờ rưỡi sáng, tháng Mười nên ngoài trời còn tối. Từ đường Ebury đi đến Victoria Coach Station chỉ mất vài phút thôi. Trên đường tôi gặp hai ngừoi vừa mở cửa dẫn chó đi dạo, chỉ nghe tiếng lách cách vặn chìa khoá và tiếng sắt chạm vào nhau khi họ gài cửa rào. Còn lại là im lặng. Ah còn tiếng bánh xe va ly lăn trên đường. Hình như lâu lắm tôi mới phải dậy sớm cỡ này để đón xe ra sân bay. Gatwick. Đi Reykjavik.

78


TA ĐÃ Ở KIA REYKJAVIK- MÙA CỎ RỐI Nếu chỉ nhìn vào cái tên, bất kể là mùa nào, chưa đặt chân đến nơi đã nổi da gà vì nghe lạnh. Iceland. Đất lạnh. Băng Đảo. Thật ra nhiêu đó cũng đã giảm độ lạnh phần nào vì quốc gia thưa dân nhất Châu Âu này từng được gọi là Snæland, Snow Land. Nhưng đó chỉ nói về bề mặt, bên dưới lòng đất lại là một “thế giới” khác, nơi độ nóng bị dồn nén lúc nào cũng muốn xì ra. Gần chín giờ sáng, trời tháng Mười co ro. Bước ra khỏi sân bay Keflavik tôi nghe hơi lạnh ào vào người, len qua từng lớp áo. Gió muốn bứng tôi khỏi mặt đất ngay tức thì. Bởi vậy khi đọc khi nghe về nơi này người ta không chỉ nhắc đến chuyện nhiệt độ, chuyện tiền điện rẻ như cho, mùi lưu hỳnh, mà còn nhắc nhiều đến gió và gió rất mạnh. Ngoài cái ấn tượng đầu tiên với gió thì đoạn đường từ sân bay về Reykjavik chán lắm. Đồng cỏ vắng..bất tận. Nhà thưa, thấp như những chiếc hộp màu chì. Nếu làm văn tả cảnh thì dễ quá, trên đất Iceland không tươi mát kiểu cây xanh rợp bóng, hoa khoe sắc đủ màu bên đường hay trên sườn đồi mà chỉ có cỏ có rêu rạp sát đất, màu xanh pha vàng đầy hơi ẩm. Và màu trắng của vô số những thác nước, của tuyết trên các đỉnh núi chứ trên đất bằng dù lạnh nhưng tuyết hiếm khi rơi vì Iceland nằm ngay luồng nước ấm chảy quanh và nhiệt độ cao trong lòng đất. Ngạc nhiên thứ hai là nhà trọ Summer Day tôi book có mặt tiền nhưng không mở cửa trước được, có cửa hông mà ngặt nỗi họ kéo dây sắt chung quanh vì chủ nhà đang xây nới rộng ra, đang tráng xi măng. Thấy tôi đi tới đi lui xớ rớ, cô bé trong tiệm cắt tóc kế bên mở cửa ra hỏi muốn vào nhà trọ à, thôi chẳng còn cách nào khác đi thông qua tiệm tôi đi. Cô với tay kéo giùm một cái va ly. Thế đấy, Iceland đón tôi bằng gió, hơi lạnh, mùi thuốc nhuộm, tiếng máy sấy tóc và cái cười rất tươi dẫn vào…cửa hông. Và bình hoa hồng trong căn phòng nhỏ tinh tươm, ấm, thoáng. Chuyến đi Châu Âu lần này tôi chọn đi xe lửa qua biên giới các nước thay vì bay. Iceland là một ngoại lệ, phải bay vì không còn lựa chọn nào khác. À mà có, đi tàu, chắc mất cả tuần. Một ngoại lệ khác là tôi đã đi theo tour một ngày, Golden Circle và một tour buổi tối để ngắm Northern Lights. Nếu đi hai người trở lên hay đi nhóm và có người biết lái xe thì bạn nên mướn xe tự đi sẽ tiện hơn, sẽ đến được thêm nhiều nơi khác trong khung thời gian của mình. Trở về rồi tôi mới nghĩ, lần sau dù đi mấy mình tới xứ này tôi cũng sẽ mướn xe để lái, còn rất nhiều nơi muốn đi mà cứ tour thì tiền nào chịu thấu. Vẫn sẽ chọn mùa thu. Với dân số tương đương Brunei khoảng bốn trăm nghìn, đất rộng hơn nhiều, Iceland không giàu bằng xứ dầu hoả nhưng giàu nhờ chăn nuôi và nhờ biển. Sắp tới sẽ nhờ thêm nguồn năng lượng tái tạo lấy từ lòng đất khi điện được xuất khẩu qua Anh và những nước khác. Số lượng khách du lịch đến đây tăng nhanh trong mười năm trở lại đây. Mấy năm rồi lượng khách mỗi năm đến gấp ba gấp bốn lần dân số của họ. Một số nông phẩm được trồng trong nhà kiếng nhưng phần lớn được nhập vào nên mắc trời ơi. Bởi vậy dân họ chỉ ăn thịt, ăn cá, các món chế ra từ sữa chứ ít ăn rau củ tươi. Mà đâu phải chỉ rau củ, ở đây thứ gì cũng mắc mỏ. Một ly cà phê hay chocolate tính ra gần $10 là biết đau thế nào. Còn ngôn ngữ thì thôi, tôi không dám bàn. Đi về chẳng nhớ nỗi một chữ nào, cả con đường về nhà cũng không nhớ, chỉ nhớ tên vài địa danh như Reykjavik, như Geysir. Có lẽ đây là nơi đầu tiên tôi đi qua mà về mù tịt như vậy, dù vẫn tự tin trí nhớ của mình chưa tệ lắm. Từng nói 79


TA ĐÃ Ở KIA qua tiếng Đan Mạch với tiếng Đức khó ngang ngửa nhưng giờ thấy tiếng Iceland thắng về độ khó. Chỉ thấy có chút thân thuộc vì tiếng họ có chữ đ và dấu sắc. Như Hallgrímskirkja, nhà thờ cao nhất xứ này đứng ở đâu trong thành phố cũng thấy mà mỗi lần nhắc tên chỉ nhớ bắt đầu bằng H. Trừ ngày đi tour, các ngày còn lại tôi chỉ đi lòng vòng Reykjavik. Mỗi sáng ra trước nhà đón xe bus vào trung tâm. Một nơi không dễ lạc, con đường nào cũng đi đến bến cảng, đến biển, và thấy chóp nhà thờ lớn. Tôi đi bộ qua các con đường vắng, qua những căn nhà những shop đủ màu có mặt tiền phẳng trang trí thiệt đơn giản như những cái hộp có cửa sổ. Khi mệt liền ghé vào một quán cà phê hay quán ăn nào đó dọc đường để nghỉ để nạp năng lượng và nghe những âm thanh xa lạ. Có hai chuyện tôi nhất định không làm chuyến này khi đặt chân đến một thành phố mới. Thứ nhất là không đi taxi/uber, chỉ di chuyển bằng xe công cộng và đi bộ. Thứ hai, không mang theo máy chụp hình cồng kềnh, chỉ mang điện thoại. Nên kết quả Northern lights chỉ thu về trong điện thoại vài tấm lờ mờ, nhưng đã thấy mình may mắn vì đã ở đó thấy tận mắt thứ ánh sáng kia ngay trên đầu, dành nhiều thời gian để nhìn thay vì lo chỉnh máy. Nếu bạn hỏi thứ gì khó săn và khó bắt nhất trên đời này có lẽ câu trả lời là thứ ánh sáng kỳ ảo kia. Tuỳ vào rất nhiều thứ. Những người đã đi theo ánh sáng này mấy chục năm vẫn không đoán trước được. Chỉ đi và chờ đợi. Có khi cả một khoảng trời sáng trưng với những sợi ánh sáng đậm lợt khác nhau, có khi chỉ một vệt loé qua trong vài giây. Và phản ứng của những người đứng quanh mình khi đó cũng bất ngờ không kém. Buối sáng kia trong lúc chờ đổi bus tôi đã gặp một anh bạn người Mexico, vác balo to đùng bụi bặm. Anh chàng ở Iceland một tháng, mấy ngày ở Reykjavik tự đi sau đó hẹn bạn mướn xe đi các nơi khác. Thấy rảnh anh chìa máy xịn ra chỉ hình Northern Lights chụp buổi tối trước. Tôi hỏi đã đi tới đâu mà hình lung linh vậy, ảnh nói ngay bến cảng gần Harpa chứ đâu, đi ngược lên hướng Videy Island bớt ánh đèn nên rõ vậy đó. Anh đã canh chờ từ nửa khuya đến 4 giờ sáng. Chẳng uổng công ha. Trước khi bước lên xe bus ảnh chìa cho một cái vé vào bảo tàng, kêu mày không có thời gian ghé museum nào thì cũng nên bỏ ra một hai tiếng ghé vào Kjarvalsstadir Art Museum. Ở đây chưng tranh của nhiều hoạ sĩ gốc Iceland nhưng chủ yếu là tranh của Johannes S. Kjarval. Tôi không rành về tranh ảnh nhưng phải công nhận Kjarval vẽ đẹp vì nhìn như thật, từng vân đá, thác nước, màu cỏ như đem cảnh thật ráp vào. Mượn lời anh Mexico, tôi chuyển lời khuyên tới bạn vì bảo tàng này vừa nhỏ ít tốn thời gian lại do hoạ sĩ địa phương vẽ. Ngày đi nhiều và xa nhất là đi rồi về từ bến phà qua Videy Island. Hôm đó Chủ Nhật, gió mạnh kinh khủng, tuyến xe bus đi hướng đó không chạy chứ tôi cũng chẳng siêng năng gì. Đi dọc bờ biển trong thời tiết lạnh căm, gió rát cả người là một trải nghiệm mà tôi nghĩ mình không có can đảm trải qua lần hai. Nhưng đã làm được một lần, thì lỡ có tái diễn khỏi phải bỡ ngỡ. Bến phà cũng khá xa trung tâm nhưng đã nhất định phải qua đảo đến cái Peace Tower kia nên cứ đi (và về). Khi đến bến phà tôi mừng vì thấy không chỉ mình tôi mà còn thêm mười ngừoi khác trên chiếc phà nhỏ tròng trành qua đảo. Bên kia bờ gió là vậy qua đảo gió càng mạnh hơn, nhưng đến rồi tôi cũng đã đi hết một vòng đảo. Trên đảo bây giờ không còn người ở, cỏ vàng cỏ rối lên ngôi. Có một nhà thờ, một quán ăn/cà phê chỉ mở cửa vào mùa hè, đây cũng là căn nhà bằng gạch đầu tiên của Iceland. Có vài căn nhà gạch nhỏ trống trơ, đã hư hại nhiều, cái không còn cửa cái tróc nóc. Peace Tower như một đài tưởng niệm John Lennon do vợ ông Yoko Ono lập, hình trục được lát gạch trắng xung quanh, trên mỗi viên gạch có khắc tên một quốc gia. Mỗi năm tới tháng 80


TA ĐÃ Ở KIA Mười sinh nhật ông đèn sẽ được thắp lên, nghe đâu vào ngày trời trong từ Reykjavik có thể nhìn thấy. Tôi chỉ mới ghé qua một phần nhỏ xíu của Iceland nhưng khi về đã mang một giỏ đầy những điều mới mẻ, thân thiện dễ mến của con người nơi đây. Cái mắc mỏ, cái lạnh, những thứ tí ti không vừa lòng mấy tôi đổ thừa hết cho gió, cho vị trí xa lắc xa lơ của đất này. Rồi sẽ trở lại vào một mùa thu hay đông khác, sẽ mang theo máy ảnh nặng trịch trì đau cả cổ ,thêm tấm bằng lái xe để rong ruổi ghi lại thứ ánh sáng ỏng eo khó bắt kia và những gam màu khác mà chuyến này chưa tận mắt thấy. “Imagine all the people living life in peace”. “A dream you dream alone is only a dream. A dream you dream together is reality” (John Lennon & Yoko Ono).

81


TA ĐÃ Ở KIA "Tôi yêu xem một cuốn truyện hay Tiếng chim hót đầu ngày Và yêu biển vắng Tôi yêu ly càfé buổi sáng Con đường ngập lá vàng... ... Tôi yêu những gì đến tự nhiên Những câu nói thành thật Và yêu ngày nắng "... Không biết Đức Huy đã ở đâu khi viết bài hát dễ thương này nhưng mấy ngày vừa qua tôi đã có những ngày tương tự. Nhà có shop hoa. Bán sỉ. Phòng nào cũng chưng một bình. Phòng khách mấy chậu lan tím, trắng. Phòng ăn phòng sinh hoạt chung phòng tắm đều chưng hoa hồng, màu hồng. Số lượng tuỳ ở đâu, phòng đông người thì bình to sáu bảy cành, phòng tắm phòng riêng chỉ một cành, chưng trong chai cỡ chai bia. Nhà nằm gần góc đường. Thoáng. Bốn ngày tôi ở đây thời tiết chia đều hay ngày mưa hai ngày nắng. Ngày mưa, sáng nhìn ra ngoài nặng trịch. Mưa nhỏ thôi, hạt hơi to hơn mưa phùn tí. Chín giờ sáng chưa nhìn rõ một trăm mét trước mặt. Mấy ngày này tôi không vội ra đường. Pha ly cà phê, bày thêm dĩa mix đậu, nho khô, cranberry tự mang theo. Ngồi ở phòng khách, mở kênh nhạc. Đọc vài trang "Neither here nor there" của Bill Bryson. Nghe như đang ở phòng khách nhà mình vào những sáng cuối tuần. Ngày nắng. Đang mùa thu nên có sớm lắm hơn tám giờ nắng mới vào cửa sổ. Tia nắng mỏng, nhẹ tênh. Nhìn vậy thôi chứ bước ra ngoài lạnh cóng. Như sáng nay 6 độ, gió nhẹ. Hàng cây bên đường rụng lá gần hết, trải vàng cả một đoạn dài. Bến bus vào trung tâm chẳng có ai chờ. Hôm kìa ăn trưa ở một quán nhỏ ngoài bến cảng. Ngoài cảng tàu đánh cá, tàu du lịch đầy nhưng chẳng thấy mấy bóng người. Bên trong quán khách ngồi chật; có ba dãy bàn dài, ghế được xếp hai bên. Bàn được làm bằng một thớ gỗ mỏng nhấp nhô ở giữa hơi cao hơn hai mép, bề ngang không đều. Lâu lâu khách phải vịn tô soup vì nó trượt từ từ về hướng mình. Còn ghế là mấy cái bình plastic rỗng, màu xanh nước biển, có thể dùng làm phao hay chứa đồ chứa nước. Trong vườn nhà mẹ có mấy thùng to kiểu này để chứa nước mưa. Và để cho êm mông họ kê thêm "cái gối" bọc plastic mỏng sắp rách, món này cũng có việc gì đó trên tàu thì phải. Soup lobster béo ngậy, miếng thịt tôm ngọt mềm. Lâu rồi tôi mới được ăn tôm tươi. Ăn kèm có bánh mì, không giòn nhưng thơm. Ăn vài muỗng đã ấm cả người. Chẳng trách họ tự tin ghi ngoài cửa món soup nơi đây là nhất hạng. Mặc dù đi ngoài đường lâu lắm mới thấy hàng cây cao nhưng trong quán, trong shop hay cả trong nhà họ xài đồ gỗ nhiều và tất cả được thủ công rất khéo. Ông chủ nhà nói mọi thứ khan hiếm và đắt đỏ quá nên họ không bỏ thứ gì cả. Rất nhiều thứ ở đất này được nhập vào trừ nước nóng, điện, gỗ và hải sản. Đến bầy ong để thụ phấn cho mấy nơi trồng rau quả trong nhà kiếng cũng được nhập từ Hà Lan. Và con người, cho đến giờ này tôi đã đi qua rất nhiều nơi nhưng chưa nơi nào họ tử tế và dễ thương như ở Iceland. Tôi chắc họ chưa bị ô nhiễm, cũng như không khí ở nơi này thật sạch thật trong. Dù nhìn họ cao to mặt lạnh nhưng khi bắt đầu mở lời, cái giọng nặng mà thân và 82


TA ĐÃ Ở KIA nghe lo hơn mình tưởng. Mới đầu nghĩ tại mình là khách nên họ đối đãi theo khách nhưng sau vài ngày nhìn cách họ nói chuyện với nhau mới biết, thì ra ai cũng vậy. Tối qua tôi đi xem Bắc Cực Quang về hai giờ sáng, xe bus bỏ xuống bến gần nhà. Khi tôi bước ra còn nghe bác tài gọi với theo qua đường nhớ bấm đèn dành cho người đi bộ nhe. Chắc ông thấy khuya lắc mắt nhắm mắt mở tưởng tôi sẽ băng đại qua đường. Mới đầu đáng lẽ chỉ ở đây một đêm rồi đi Nuuk nhưng canh hoài giá vé bay vẫn cao ngất trời nên thôi. Ở lại. Âu cũng là duyên. #Reykjavik#

83


TA ĐÃ Ở KIA Sau mỗi bận lạc đường tưởng thôi Ngừng dấn bước Lối rẽ khôn lường tim nhảy điệu salsa Trưa vén tóc nhện giăng sào phơi áo Chân cứ buồn muốn vượt núi đồi kia Muốn bất chấp vai run lòng tay lở Muốn theo gió bồng quảy gánh đam mê Sau mưa cuối rừng Nơi biển liền sông đáp từng dấu hỏi Vạt nắng lưng chừng ráp vội tiếng thơ trôi Một lần rồi một lần giữa thảo nguyên căng tràn ngực mỏng Tiếng ngựa hí bầy run mép nước hồ xanh Dụi mắt đi Len đến tận cùng mùa cỏ rối Gió bạt sẽ ngừng Đau rồi sẽ khỏi người ơi (Chân chạm mé rào nghe thơm mùi gạo mới Tiếng đũa khua chiều ta chẳng lỗi gì nhau)

84


TA ĐÃ Ở KIA

CHAMBÉRY- Phố còn ngáy ngủ Chambery có khu phố cổ với những ngõ ngách hẹp, yên lặng. Vẫn có những quán cà phê, những gallery, những shop bán quần áo, đồ lưu niệm nhưng vắng âm thanh của một phố du lịch. Một cô chủ shop bán bưu thiếp cũ nói với tôi khách du lịch chưa lạc đến nơi này nhiều. Mùa hè có một số ghé ngang nhưng qua tháng Chín họ chọn đi nơi khác. Cứ đi, cứ lạc và nghe âm thanh của riêng mình. Chambery có nhiều quán bar được giấu sâu trong hẻm. Tôi đi ngang một quán bên ngoài chỉ kê một cái ghế và một thùng chứa rượu chơ vơ. Mới chín giờ sáng, tô đoán quán đóng cửa ngủ vài giờ trước thôi. Nhìn mời gọi và đơn độc. Chambery có những ô cửa kiếng được lắp thêm hàng song sắt rỉ sét bên ngoài và những vách tường bạc màu làm mình có cảm giác đang lạc về vài thế kỷ trước. Đừng để tiếng điện thoại reo quá lớn, sợ lạc nhịp, sợ đánh thức cả thành phố ngủ nướng này. Chambery có nhiều ngõ zig-zag. Cuối một ngõ là lâu đài sơn màu trắng xám buồn buồn, Chateau des Ducs de Savoie. Nơi có cái cây lá mỏng dỏng cao chỉ chục chiếc lá vàng còn lại đủ điểm tô một góc nghiêng. Leo lên mấy bậc thang ở cổng sau của lâu đài, nhìn xuống, tôi chỉ nghe được tiếng xao nhẹ trên đầu và tiếng thở của chính mình. Bởi vậy cô bán hàng nói cứ đi và nghe âm thanh của riêng mình chẳng sai tí nào. Đứng ngay lâu đài nhìn thẳng ra Rue de Boigne sẽ thấy Fontaine de Elephants. Đài phun nước nằm giữa ngã tư trên đó mỗi tượng voi trông chừng một hướng. Và trên cao là tượng ông de Boigne, ngừơi đã làm giàu ở Châu Á sau đó quyên tiền để xây sửa lại nơi mình sinh ra, Chambery. Chambery có khu người Ý, Italian quarter khá rộng. Đang đi tôi nhìn thấy anh kia đang nói điện thoại trên ban công tự nhiên nhớ đến cảnh cô nàng trong “Under the Tuscan sun” mặc áo đầm trắng hỏi đường tìm đến nhà anh người yêu, anh kia bước ra ban công nhìn thấy có chút bất ngờ. Trời xanh, gió biển đầy cả con phố; hai người đứng đối mặt nhau và trên ban công cất lên tiếng gọi của một cô gái khác. Và Chambery có hiệu bánh ngọt nổi tiếng Pernot Cedric. Những cái bánh ngọt mời gọi, mùi tự nhiên, khéo thiệt khéo và ngon thiệt ngon. Đố ai khi bước ra khỏi hiệu bánh mà không trầm trồ, cầm trên tay ít nhất vài loại để thử.

85


TA ĐÃ Ở KIA Annecy và Tour du Lac d'Annecy Annecy nằm trong bucket list của tôi cũng đã vài năm. Số là xưa giờ tôi ít khi coi đua xe đạp nhưng tự nhiên buổi tối năm đó trong lúc chờ quảng cáo giữa phim, tôi đổi kênh tv thấy Tour de France đang chạy dọc đoạn hồ Annecy. Nước xanh trong vắt, dãy núi dài ngút, cây cối xanh um vì đang mùa hè, những ngôi nhà ngói đỏ sát đường, những cua qụeo dốc với một bên vách núi một bên hồ nước. Thế là từ đó tôi mê luôn Tour de France, không theo dõi mỗi đêm, mỗi mùa nhưng tối nào rảnh đều xem. Nói ra với mấy bạn mê xe đạp ai cũng lăng xăng hỏi thích đội nào, ủng hộ ai. Biết tên vài đội chứ ai chạy nhanh chạy kỹ thuật ra sao thì bạn đã hỏi sai người. Tôi chỉ nhìn những đồng cỏ đồng hoa mút mắt, lâu đài, bờ nước. À còn một thứ hấp dẫn tôi nữa, trước khi chiếu trực tiếp mỗi chặng đua họ chiếu một đoạn ngắn chừng mười phút Taste le Tour. Ông chef Gabriel Gaté ghé vào một vùng mà đoàn xe sẽ chạy qua để giới thiệu về ẩm thực nơi đó, có khi chỉ cách nấu một món đơn giản của họ. Chuyến này đã tính tới tính lui, gạch bỏ rồi thêm vào Annecy vì đường đi tréo ngoeo, vì không biết nhét vào lúc nào, vì vé mắc. Nhưng cuối cùng đã chốt lại, ghé Annecy bốn ngày. May, bốn ngày trời trong xanh biếc, màu thu khấp khởi mọi ngả đường đã đủ làm tôi tiếc giá mình ở được lâu hơn. Nói vậy không có nghĩa đã hối hận đi ba tuần ở cái xứ UK nhiều mưa âm u, mà ước gì cả chuyến đi được kéo dài thêm. Hình như lúc nào trên chuyến xe ra sân bay quay về cũng thấy đôi chân mình còn muốn đi tiếp, mặc dù đã nhớ nhà, thèm nước mắm. Chỉ trừ Iceland phải bay qua, không riêng Annecy mà tất cả những đoạn đường dài lần này tôi đều chọn đi bằng xe lửa. Có nhiều chuyến xe từ London đi Annecy, chuyến nào cũng đổi xe ít nhất một lần. Tôi chọn ghé Lyon thay vì Paris. Ga Lyon giữa trưa thứ Hai đông nghịt người, xoay ngả nào cũng đụng người ta, trong phòng ngồi chờ cũng kín chỗ. Tôi hơi bất ngờ. Có lẽ vì những ga tôi vừa qua đều vắng người, hay rộng hơn nên tự nhiên bị ngộp. Tiếng loa thông báo cứ vang lên liên tục, chẳng hề có câu nào bằng tiếng Anh nên ngồi có chút mà tai lùng bùng. Kéo valy, tôi bèn bước ra ngoài thở không khí Pháp một chút cho tỉnh trong lúc chờ xe. Nắng vàng trời trong, còn cảnh ngay trước ga không có gì bắt mắt cả. Hàng rào, xe tải khắp nơi. Họ đang làm một công trình khá lớn ngay cổng chính. Từ Lyon đi thêm gần hai tiếng đồng hồ mới đến Annecy. Đoạn đường dốc, qua đủ núi hồ phố, cảnh hai bên đẹp hơn đoạn đường dài bốn năm giờ trước. Chưa thấy sắc Ý nhưng đã thấy chút Thụỵ Sĩ len lỏi qua từng ô cửa xe. Ga Annecy nhỏ xíu. Đã giật mình khi bước ra gần khu information vì mấy bạn choai choai đứng ngồi đông nghẹt. Hỏi anh đứng tính tiền trong tiệm cà phê có chuyện gì hay sao, ảnh nói đang nghỉ hè, ở đây có wifi free. Mấy chữ ngắn gọn đủ nghĩa. Thế là tôi hoà vào đám đông, xài wifi ké để liên lạc chủ nhà. Tôi chưa từng mua sim mới khi đi xa, chẳng phải tiết kiệm mà vì khi đặt vé, đặt chỗ ở…đều đưa số điện thoại ở nhà nên giữ cho tiện việc liên lạc. Lại lười thay đổi, lười tự giới thiệu mình với cả người quen và thấy để online bây giờ cũng không khó vì wifi ở khắp nơi kể cả trên các phương tiện công cộng. Nhà airbnb cách ga ba phút đi bộ. Vào phố cổ mất mười phút. Ra đến bờ hồ mất thêm ba phút. Lại một nơi không cần đến bản đồ. Buổi tối đầu tiên sau khi đi một vòng các Rue gần nhà, tôi ra đến bờ nước thấy tối thui, lâu lâu mới gặp một vài người. Chưa lạc vào phố cổ đã quay về. Ghé vào một tiệm bánh mì gần nhà, mua ổ baguette kẹp xà lách, cà tây với thịt nguội. Rồi ghé vào tiệm trái cây gần đó mua vài trái táo, trái hồng, túi nho. Bữa ăn đầu tiên trên đất Pháp thiếu chút rượu vang nhưng tạm 86


TA ĐÃ Ở KIA đầy đủ mùi Pháp. Thêm chuyện bà chủ nhà ngồi trong phòng khách xem TV, lâu lâu lại cất tiếng hỏi vọng vào chen nhiều tiếng bà hiểu hơn tôi hiểu.

87


TA ĐÃ Ở KIA Tôi vẫn hay đùa mình không nói nhiều cũng không nhiều chuyện nhưng thích đi chợ, bất cứ đến nơi nào nếu có chợ thì thế nào tôi cũng ghé qua. Đó là cách tôi nghe ngóng cảm tình của người địa phương đối với khách lạ. Đã viết đoạn trên sau khi đi chợ Salamanca, Tasmania. Buổi sáng đầu tiên ở Annecy tôi dậy sớm. Tôi tính ra đường trước khi cả thành phố thức dậy nhưng khi quẹo qua Rue Royale mới biết mình nằm trong số những người ngủ nướng. 8 giờ sáng. Chợ đã đông. Không rõ họ nhóm từ khi nào nhưng người mua kẻ bán rôm rả lắm. Cũng như những phiên chợ ngoài trời khác, từng ô được dựng tạm bợ che bằng vải dù hay nylon. Không gom lại một khu rộng hay một con đường mà chợ chạy theo từng con ngõ nhỏ trong phố cổ. Hỏi một người đi ngang xem chừng cũng là dân xứ khác, chợ họp đến khoảng một giờ trưa. Mặc dù toàn nghe tiếng Pháp nhưng tôi biết số người Ý bán hàng chiếm tỉ lệ khá cao. Trái cây rau cải tươi rói. Nhiều nhất có lẽ là những chiếc bàn chất đầy các loại salami, xúc xích và cheese. Một vài ô bán mật ong, các loại hạt, đồ lưu niệm. Không khí chợ rất quen với người bán kẻ mua tiếng cười tiếng nói, cách khách đứng lựa đồ. Tôi không hiểu tiếng nói vọng vào tai bất kể khi bước đi hay đứng lại, kể cả khi hỏi mua khi trả tiền chùm nho xanh, cô gái chủ sạp và tôi vẫn trao đổi bằng hai ngôn ngữ khác nhau. Chỉ chung cái cười. Chút sau ghé mua ổ bánh mì kẹp cheese cũng qua một cuộc trò chuyện tương tự. Dọc theo Le Thiou là những quán ăn, quán cà phê kê bàn ghế san sát nhau được kê bên ngoài dọc bờ kênh. Những ngôi nhà đủ màu sắc dính liền nhau như nổi trên mặt nước. Những chiếc cầu nối hai bên bờ. Những cánh cửa gỗ nép sát vào tường. Và những ngõ nhỏ nếu cứ đi cứ bước tới sẽ ít bị lạc hơn nhìn theo bản đồ. Chẳng trách nơi này lại khiến người ta nhớ đến Venice. Có một chút khác là vắng người hơn. Có cả những chiếc xe đạp dựng rải rác bên bờ kênh. Có chiếc được khoá, chiếc không khoá. Đường đi dành cho người đi bộ, cho hàng quán, cho xe đạp rộng không quá hai mét. Buổi sáng ngồi phơi nắng, uống cà phê nghe hơi người đi chạy sát bên. Gởi hình về ai cũng hỏi đang ngồi tréo chân nhớ Amsterdam à? Cứ thong thả đi dọc theo Le Thiou đến Pont de la Halle là thấy một khoảng mênh mông trước mặt. Lac d’Annecy, hồ Annecy. View nhìn từ bờ bên trung tâm nhìn qua ăn tiền hơn vì là bên phẳng hơn nhìn qua bên núi. Sáng mây chưa tan hết, sương vẫn lờ mờ. Ngừơi ra đến hồ chưa đông, chắc họ còn vướng ở chợ. Tôi ghé vào tiệm cho mướn xe đạp nằm dọc bờ hồ hùng hồn dẫn ra một chiếc mà trong bụng cứ lo. Bị ám ảnh năm trước ở Hội An cũng mướn một chiếc, vừa ngồi lên bắt đầu đạp là xe ngã. Mất thăng bằng. Cứ nhích một chút lại ngã, gặp hôm đó trời Hội An nóng ơi là nóng nên đến lần thứ ba tôi đã hết kiên nhẫn bèn dẫn xe vào trả lại rồi đi bộ. Thằng cháu năm tuổi cứ cười miết. Lâu quá rồi, lần cuối cùng chạy bon bon thả dốc đã gần hai mươi năm trước. Hồi nãy thấy bộ tôi lo ra mặt nên anh chủ đã trấn an, chiếc này là comfort bike bánh to dễ chạy lắm, chỉ là em ấy không thể chạy nhanh thôi. Mà dễ thiệt, tôi lảo đảo một hồi đã có thể tiếp tục đạp đi tới. Trời mát nên độ kiên nhẫn của con người ta dài hơn. Thế là Tour du lac d’Annecy bắt đầu. Hồ Annecy thật ra được chia làm hai, bên lớn bên nhỏ, ngăn eo ở Duingt. Ngay Annecy nhìn ra là hồ lớn, Grand Lac, còn đầu kia đi về hướng Albertville là hồ nhỏ, Petit Lac. Hồ Annecy 88


TA ĐÃ Ở KIA nổi tiếng sạch nhất Châu Âu vì luật lệ bảo tồn ở đây rất gắt, đứng chỗ nào nhìn xuống cũng thấy nước trong xanh. Chiều dài hồ là 14km và chu vi 43km. Chung quanh hồ là những ngôi làng lớn nhỏ khác nhau, mỗi nơi có vài nét riêng riêng, chỉ giống ở những cây cầu ngắn để dẫn ra thuyền và hàng cột trơ. Cả buổi sáng tôi đi chợ rồi đi lòng vòng đến khi bắt đầu lên đường đã hơn hai giờ trưa. Bắt đầu chạy từ bên bờ Tây theo lời khuyên của bà chủ nhà, hướng này bằng phẳng hơn. Vì mới chạy chưa vững lắm nên tôi đạp tà tà đến đâu thì đến, mặc mấy tay đạp khác cứ vù vù qua mặt. Con đường dọc bờ hồ có chia ranh cho xe đạp, cho ngừời đi bộ nên dễ chạy. Hôm đó không chỉ người đạp xe mà người đi bộ và đi skating cũng đông. Lâu lâu lại bắt gặp cả gia đình ba mẹ và mấy đứa trẻ chạy chung, tụi nhỏ chắc chưa mười tuổi. Đoạn đầu còn gần đường xe hơi trong phố nên khá ồn. Chạy khoảng ba bốn cây số đã không còn nghe tiếng xe, thỉnh thoảng mới thấy bóng nước. Cảnh yên ả của miền quê hiện ra. Có đoạn là hai thảm cỏ xanh biếc hai bên, có những vườn rau củ đủ loại, có đoạn rợp bóng cây lá đã chuyển vàng, có đoạn gặp đàn bò đeo lục lạc đang cúi gặm cỏ. Cứ thế, tôi chạy rồi ngừng chạy rồi ngừng lại chụp hình khi thấy cảnh đẹp. Nghĩ lại để dành đi Annecy vào chặng cuối của chuyến đi thiệt đúng quá, vừa đẹp vừa yên lại trong lành. Chạy qua Sevrier với St Jorioz tôi không dừng lại vì thả dốc mê quá nên cứ muốn đi tiếp. Cũng có đoạn lên dốc tí, hơi ì ạch nhưng đã cố qua. Bởi vậy con người ta cứ cố leo trèo cho mỏi gối, lâu lâu được buông mình thả dốc mới thấy sướng gì đâu. Lúc gần tới Duingt tôi thấy hai vợ chồng bác kia đang dừng lại chụp hình đàn bò với cảnh làng xung quanh tôi cũng chống xe bấm vài tấm. Trò chuyện vài câu. Họ đến từ Provence, cũng ghé đây bốn ngày như tôi. Bắt đầu chạy từ sáng sớm từ bên bờ Đông nên đến đây họ than đuối quá. Tôi nói tôi từ Melbourne cả hai cười hỏi bên đó là xứ nhiều bò mà, sao vẫn muốn chụp hình? Nhưng bên Úc không nghe tiếng lục lạc, tôi trả lời. Điệu này phải quay phim mới nghe được à. Tôi định quay về vì sợ không về kịp trước năm giờ để trả xe nhưng bác trai kêu chạy thêm chút xíu nữa sẽ đến Duingt, đạp xe qua cái hầm thú lắm. Nhờ họ tôi mới biết thì ra đoạn đường nãy giờ mình chạy xưa kia là đường xe lửa. Tôi nghe lời, đạp tiếp mười phút sau đã đến cổng hầm. Bên phải có dốc đá dựng đứng, bên trái là trung tâm Duingt. Nơi đây nằm dưới chân núi Taillefer và mũi Duingt nơi có lâu đài Ruphy. Đây cũng nơi ngăn ra hai phần hồ lớn nhỏ. Ngoài ra nhà thờ Duingt cũng là biểu tưởng của làng, từ xa đã nhìn thấy thánh giá trên chóp. Tôi chạy qua hầm rồi quay ngược về. Chạy trong bóng tối có nửa cây số mà thú thật, nghe lành lạnh sống lưng. Nhưng xa xa ánh sáng hiện ra ở cuối đường hầm, nắng vẫn óng, là vàng rợp hai bên nhưng chiều rồi, thôi về. Mai chắc sẽ quay lại để đi vào làng. Mỏi chân quá, thôi, mai tính.

89


TA ĐÃ Ở KIA 1st November- Ngày Một tháng Mười Một là ngày lễ Toussaint, All Saints’ Day ở Pháp. Mặc dù lễ thuộc bên đạo Chúa nhưng gần như mọi người được nghỉ làm để tưởng niệm hay đi thăm mộ người thân. Phố vắng tanh. Chỉ một vài quán ăn, quán cà phê mở cửa. Nếu có dịp đi ngang nghĩa trang vào ngày này, nhìn qua cổng bạn sẽ bắt bặp một rừng hoa sặc sỡ và ngừơi ta đông hơn trên phố. Quên ngày lễ nên sáng vừa ra cửa tôi đã lo, nếu chỗ cho mướn xe đạp cũng đóng cửa luôn thì thôi rồi. Đi gần đến nơi thấy đèn chớp nhoáng báo có mở cửa. Mừng. Chín giờ rưỡi sáng, tôi vừa mở cửa bước vào anh chủ đã niềm nở Bonjour. Vừa hí hoáy ghi số passport vào tờ biên nhận anh chàng vừa hỏi hôm qua than mỏi cả người cứ tưởng sáng nay bạn ở nhà ngủ nướng rồi ra quán ngồi gác chân nhìn người ta chứ. Tôi cười trả lời tối qua mệt nên ngủ như chết, sáng nay khoẻ re như chưa từng bị đau hôm qua. Vẫn là chiếc comfort màu cam y như hôm qua. Tôi lấy thêm dây khoá để lỡ muốn dựng xe đi đâu khỏi phải lo. Vậy là bắt đầu ngày thứ hai chạy vòng hồ Annecy. Chạy theo hướng đối diện hôm qua. Đạp được một đoạn tôi mới nhớ ra quên hỏi nón bảo hiểm. Ờ mà đâu biết sẽ chạy đến đâu, chắc chỉ đạp nhởn nhơ xa lắm đến Menthon-Saint-Bernard là cùng. Thôi khỏi. Sáng sớm không khí trong, mát lạnh đâu khoảng 9 độ. Mặt trời đã lên lưng lửng, nắng bắt đầu rọi. Quanh hồ người chạy bộ, tản bộ còn lác đác. Đường xe đạp cũng thỉnh thoảng mới có người chạy qua nên tôi có lạng quạng chạy cán qua hướng ngược chiều cũng không phải lo. Cứ thế đạp tà tà, thấy cảnh đẹp thì dừng lại. Hướng bên này dốc hơn bên kia nên đạp hụt hơi lên dốc không nổi tôi lại xuống dắt bộ. Đi bộ nghỉ mệt một lúc hay qua khỏi dốc lại tót lên thả chân cho xe lao vù vù xuống, gió táp vào mặt lạnh mê. Xuống dốc lại đạp tiếp. Mà loại xe comfort này bánh to, theo tôi chỉ thích hợp chạy trong phố trên những con đừng bằng phẳng, đi khoảng cách gần. Lên dốc kiểu này bánh xe nhỏ leo núi mới trị nổi. Tính ra đường cũng dễ đi, tôi cứ theo đường dành cho xe đạp tiến tới. Dọc đường lâu lâu lại thấy bảng chỉ dẫn, đi đến đây đến kia còn bao xa rồi cứ theo đó mà đi chứ khỏi cần mở bản đồ. Khúc gần đến Menthon đường có hơi rối vì có nhiều con đường nhỏ như chạy vào trong xóm. Nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được ngả rẽ xuống gần hồ. Gặp vài gia đình dẫn mấy đứa nhỏ đạp xe, đi bộ. Dọc hồ ở Menthon là những ngôi nhà có khuôn viên rộng, cây cối hàng rào được cắt tỉa gọn gàng. Từ dãy nhà hướng ra mặt hồ có con đường nhỏ, cây được trồng cách nhau đều đặn, lá vàng rụng gần nửa. Chạy tiếp chừng nửa cây số bắt gặp những cây cầu ngay bến thuyền đều trân, hướng ra mặt nước không bóng ngừời nào cả. Cảnh yên ả nhưng có nét thành thị chứ không quê lắm. Bà chủ nhà tối hôm qua nghe tôi nói sáng nay tính chạy qua hướng này bà kêu đi đi, đẹp và yên lắm. Mà dốc cũng cao lắm à. Gia đình bà từng ở Menthon mười mấy năm, họ có căn nhà khá rộng hướng ra mặt hồ. Giá nhà ở đây đắt hơn nhà ở trung tâm Annecy vì diện tích vì vị trí, vì cảnh quá thơ. Tôi ngừng lại dựng xe rồi ngồi trên băng ghế nhìn ra hồ một lúc lâu. Đẹp thật. Sẵn nạp năng lượng bằng một số loại đậu, nho khô mang theo. Sau đó đi ngược lên đường lớn ra trung tâm Menthon. Tính chạy lên ghé mua chút gì đó mang theo ăn trưa. Đã quá ngọ. Con đường từ hồ lên phố nhìn hai bên giống đường làng hơn, hàng rào hai bên cao qua khỏi đầu người, tỉa bằng trang. Có những chậu cây được đặt giữa đường rất khéo. Nhà kia còn có một cây chuối kiểng thật to, cái bông chuối to đang treo lủng lẳng. Tự nhiên nghe thèm gỏi gà ghê. Tôi ghé vào 8 à Huit- Les Halles de Menthon mua đồ ăn trưa. Đây là siêu thị duy nhất tôi thấy dọc đường, có lẽ vì toàn chạy ngoài vòng đai nhiều hơn vào trong phố. Ở đây họ bán đủ mặt hàng như những siêu thị khác nhưng điểm khác biệt là bánh mì còn rất ấm. Không rõ do 90


TA ĐÃ Ở KIA bánh mới ra lò chưa lâu hay cái giá đựng toả nhiệt. Đạp thêm cả tiếng đồng hồ đến Talloires (đọc là Tai-hoa) tôi bày ra ăn trưa bánh còn chưa nguội hẳn. Những chuyện bé tí chẳng đáng gì đôi khi làm con người ta thích thú, và biết đâu sẽ trở lại làm khách quen. Đoạn đường từ Menthon đến Talloires qua không ít những con đường hẹp như đi trong xóm ở quê. Những căn nhà tường bợt bạt, ngói nâu chẳng có vạch ngăn với đường. Những ô cửa sổ bằng cây đã sờn. Nhiều nhà trồng nho phía trước hay có giàn nho trên sân thượng. Có đoạn tôi đang chạy chầm chậm nghe ai gọi lớn từ phía sau. Nhìn lại chẳng thấy ai sau lưng nên nghĩ thôi chắc là kêu mình nên lùi lại nhìn bên hướng trái thấy một bác trai đứng dưới giàn nho vẫy tay. Tôi cười rồi chỉ vào mình hỏi bác gọi tôi? Bác gật đầu rồi nói một tràng tiếng Pháp, tay thì ra dấu. Tôi nghe được Tour du lac và nationale route trong mấy câu dài ngoằng kia. Thêm cách diễn tả của hai bàn tay tôi đoán phía trước là đường cụt, muốn chạy vòng hồ phải ra quốc lộ. Cảm ơn nhưng tôi vẫn bướng, chạy thêm một đoạn xem sao. Đúng y như rằng, phải quay xe lại ra đường lớn. Đã được bà D cảnh báo là đường đoạn này dốc lắm nên tôi đã chuẩn bị tinh thần…xuống dắt bộ. Dốc cao thật. Và vì sát núi nên nhiều đoạn không có đường dành riêng cho xe đạp. Cong queo, nhiều cua quẹo gắt. Xe hai chiều cứ vùn vụt qua. Nhìn tôi chắc họ nghĩ nhỏ này cũng hơi hơi có vấn đề, đầu trần, xe mini lại chẳng có bodyguard chạy chung. Phần tôi không lo gì ngoài chuyện tuột sên. Nhớ hồi nhỏ mỗi lần xe tuột sên là muốn khóc vì không biết sửa, nhất là khi chẳng thấy bóng chỗ sửa xe. Leo dốc đuối quá nên tôi tính đến Talloires nghỉ ăn trưa xong sẽ quay về. Nhưng sau đó lại xuống dốc vù vù bèn thay đổi ý định. Nghĩ, quay lại lên dốc nữa chắc bỏ cuộc giữa chừng chứ chẳng chơi. Thà đi tới. Bữa trưa thịnh soạn với bánh mì salami dưa leo cheese với cà chua, ngồi ở một chỗ đất bằng, bốn bề đều đẹp. Nhìn thấy Chateau de Duingt bên kia bờ hồ. Ăn xong, dựa lưng nghỉ mệt một lúc tôi lại lên đường. Vì quyết định đi tiếp nên tôi không vào trung tâm Talloires, sợ về trễ giờ trả xe, tôi chỉ đứng phía trên cao nhìn xuống; có nét giống Menthon nhưng trông có vẻ phồn thịnh hơn, bến thuyền tấp nập hơn. Đoạn đường từ Talloires đến cuối hồ đã bớt vui. Cây cỏ hai bên nhiều hơn nhà ở. Lâu lâu mới thấy một xóm nhỏ ở chân núi. Lúc chạy đoạn này tôi càng lo, lỡ xe bị gì không biết làm sao. Khi qua đến bờ bên kia đường rộng hơn, vừa quanh qua một lúc đã thấy con đường dành cho xe đạp nằm riêng biệt song song với đường xe bốn bánh. Con đường thoai thoải, được đắp cao như đường đê nằm cách lộ lớn một khoảng rộng. Thấy được bóng người ta tôi bớt lo. Và cứ thế bon bon chạy về. Băng qua đường hầm đến Duingt tôi dựng xe gần vách đá rồi đi xuống trung tâm. Phố vắng hoe, chỉ thấy một tiệm bánh mở cửa. Château de Duingt hay còn được gọi là Chateau de Ruphy, một biểu tượng khác của Duingt. Lâu đài nằm trên một hòn đảo nhỏ nối với đất liền bằng một đường đi hẹp. Nhìn từ xa như một mũi đất chìa ra làm cái eo thắt giữa hai hồ lớn và hồ nhỏ. Được xây từ thế kỷ 11 nhưng đã được sửa lại vài lần. Lần cuối cùng được tu sửa đâu trước thế kỷ 19 (theo internet và thông tin trong vùng). Là tài sản tư nhân nên họ không mở cửa cho khách vào tham quan. Một chỗ quá lý tưởng để ở. Không khí trong lành, nhìn bốn phương tám hướng cảnh nào cũng đẹp cũng thơ. Bên núi, bên nước, bên thảm cỏ xanh, bên nhìn thấy con đường uốn lượn bên kia bờ hồ. 91


TA ĐÃ Ở KIA

Đi vòng vòng một lúc hết mấy con đường nhỏ trong trung tâm tôi lại leo lên chỗ khoá xe đạp. Mỏi chân nên ngồi ở cổng đường hầm nghỉ mệt, sẵn coi mấy bạn leo lên bờ đá (rock climbing). Toàn các bạn Tây còn trẻ. Ai cũng mang một ba lô đồ nghề và một cuốn sách hướng dẫn dày cộm. Nhìn cách họ chuẩn bị rồi leo lên tôi cũng học hỏi được vài điều, như dốc đá chỗ này đã được đóng móc sẵn, cách họ gài dây vào mình, cách mang các thứ móc lỉnh kỉnh ra sao. Mỗi nhóm có ít nhất hai người, thay phiên người leo người đứng dưới thả dây. Nhìn không nguy hiểm bằng leo núi thật nhưng cũng hơi mạo hiểm, mà hay. Người leo đông mà người chạy xe đạp dừng lại xem cũng đông, chắc do hôm nay ai cũng được nghỉ làm nghỉ học. Hôm qua tôi chạy ngang chẳng thấy bóng nào. Chạy về đến Annecy đã gần bốn giờ rưỡi chiều. Tôi đi nhanh qua trả xe vì sợ ngày lễ anh ấy về sớm. Sáu tiếng rưỡi, 42.8km. Về lành lặn, xe vẫn còn nguyên. Không tệ. Tôi tự phục mình quá cỡ. Tôi vào phố mua cây kem rồi trở ra ngồi nhìn mặt trời xuống dần, nắng nhạt từ từ. Mấy chiếc thuyền được buộc dây cẩn thận, phủ kín vải, tránh sương chắc. Mấy ngày liền ngày nào cũng đi qua lại bờ kè nên nghĩ mai đi chỗ khác sẽ nhớ nơi này nhiều. Mà chờ gì mai, vừa quay lưng đã nhớ. Nghe sến rện ha. Một đêm ngủ sớm không mơ.

NHỮNG ĐOẠN LINH TINH Ở PHÁP 92


TA ĐÃ Ở KIA Đang ngồi trong quán cà phê bar ngay góc đường nhìn qua ga Aix-les-Bains, tôi chờ xe về Annecy. Mùi cà phê thơm, đậm hơn latte vẫn thường uống. Mở hộp bánh vừa mua từ Chambery trong đó có bốn phần bánh nhỏ đủ loại, một macaron mùi chanh dây một bánh kem vuông mùi dâu một cây bánh như lollipop mùi chocolate với cherry một ăn có giống giống cheesecake mùi trà xanh. Nếu không bị delay thì còn gì là Pháp. Xe trễ suốt. Sáng gần 10 giờ các bạn ấy mới dọn hàng. Trưa vừa qua 12 giờ một tí bạn đã đóng cửa nghỉ trưa. 2 giờ chiều lại lục tục mở cửa kéo hàng ra. I wish we have half their luxury at home. Ở đây hiếm khi thấy những bước chân hối hả. Từ từ, tất cả mọi thứ đều từ từ. Trễ, không sao cả. Đền bằng bánh ngọt và với cà phê thơm. Không đâu ngon bằng. Thôi bỏ qua.

93


TA ĐÃ Ở KIA Bây giờ chắc ít người còn nhớ cái bàn ủi sắt nặng trịch, phải đốt than để vào. Cái máy may rườm rà với bánh xe to và cái bàn đạp hình chữ nhật đạp cũng nặng. Còn cái đèn chong đốt bằng dầu lửa. Mấy thứ này mình đã thấy qua vì hồi xưa nhà mẹ may đồ. Nhớ mỗi chiều khoảng năm sáu giờ tiếng máy may cọc cạch, tiếng muỗi kêu vo ve. Lâu lâu nghe thêm tiếng dế. Mấy chị em tôi đi gom lá bạch đàn về đốt đuổi muỗi, khói bay mịt mù, cay cay. Tối qua đi ngang bờ kênh trong phố Annecy thấy tiệm may kia chưng mấy cái máy Singer, mấy bàn ủi cũ. Nhớ nhà. Thèm cơm nóng. Đi tới lúc thấy nhớ thấy them mùi nước mắm là biết sắp về. Almost home time. Tuổi thơ tôi Tiếng dế chiều ngạch cửa Đèn cóc lờ mờ đốt bằng dầu lửa Mẹ tựa lưng đơm nút áo dài

94


TA ĐÃ Ở KIA Ngày phố co ro nhớ câu hò quê ngoại Gió trễ nải cuối đường đong lại lời thương Chờ nhau bao lâu thôi ngoái đầu tròn hẹn Non bể chắc gì đời trăm ngả chắc chi Cứ buông đi đừng khờ quá nắm ghì Tay hằn dấu tay mỏi rồi ta ngần ngại Một bắt đầu Khẽ run lồng ngực trái Khi cắm vào bình bó hoa người chiều mai để lại bên song

AMSTERDAM VÀNG CAM TRONG MÙI CỎ

95


TA ĐÃ Ở KIA Không biết bạn thì sao chứ mỗi lần nghe tên Hà Lan là tôi nghĩ ngay đến rất nhiều thứ nào là hoa tulip, cối xay gió, xe đạp, rồi còn màu cam ngọt mà chói, những dòng kênh và mùi hương đặc trưng cứ thoang thoảng trên các con phố ở Amsterdam. Đính chính là không phải mùi sữa đâu nhé, mặc dù sữa ở nước này nổi tiếng xưa nay đối với người Việt mình. Tôi ghé Amsterdam vào đầu tháng 9 nên trời đã lành lạnh, buổi sáng đầu tiên lại thiếu nắng, gió mạnh nên phải khoát áo choàng khăn. Mọi thứ ‘đặc sản’ của thành phố vẫn đó, chỉ là không đúng mùa để thấy hoa tulip tươi mà toàn hoa gỗ và giấy, nhưng củ tulip được bán vô số ở chợ hoa. Điểm đặc trưng của Amsterdam mà ai cũng biết đó là những con kênh và những chiếc cầu ngắn được bắc qua. Ngoài việc làm cầu nối qua kênh, đây còn là nơi để đậu xe đạp. Bởi vậy không thấy một cây cầu nào có thành xi măng, mà toàn song kim loại, một công cho nhiều việc chăng? Các dãy phố ở hai bên bờ kênh với bề mặt phẳng, thẳng đứng và các chóp nhà cong cong tùy theo thời điểm được xây cất cũng đặc biệt. Màu sơn toàn là màu sẫm, hoặc có thêm viền trắng nên làm gương mặt phố trông như một ông bác đứng tuổi, có phần khó khăn. Nhưng bù lại, phần khó khăn đó như dịu đi bởi cái rộn rịp, nhanh nhẹn của các đoàn xe đạp và rồi tiếng chuông xe, nhất là vào buổi sáng. Cái thú buổi sáng ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng trước một bakery nhỏ bên dòng kênh, nhìn người ta đạp xe qua lại chỉ có ở Amsterdam. Xe đạp cũ mới đủ loại. Và người chạy cũng không ai giống ai, có người mặc đồ lịch sự mặc váy mang boots, rồi có người cà vạt áo vest, có người xềnh xoàng chở thêm một cái giỏ như giỏ đệm bên Việt Nam để đi chợ, có người bận đồng phục đi học, có người lại mặc đồ thể thao…Trông ai cũng có vẻ hối hả, vì thế họ chạy cũng hơi nhanh. Khoảng cách từ dãy phố đến bờ kênh không rộng lắm nên buổi sáng nếu bạn đi bộ thì cũng nên cẩn thận. Một điểm đặc biệt đối với xe tram ở Amsterdam là trên xe có bác tài và một quầy bán vé ở giữa xe (ngay cửa hông) có nhân viên hẳn hoi. Bạn có thể mua vé trước hay lên xe mới mua nhưng đi chui thì hơi khó à nha. Bọn tôi chọn ở guesthouse ngay khu Jordaan, cách ga Amsterdam khoảng 10 phút đi tram. Khu này xưa giờ dành cho giới bình dân, đông nhất là người nhập cư. Với nhiều dãy phố nhỏ, nhiều quán cà phê và quán ăn và gần trung tâm nên rất tiện đi lại. Căn phố tôi ở nằm kế bên quán Lust. Cô chủ trẻ hôm đó phải đến trường nên đã gởi chìa khóa trong quán cà phê này với đầy đủ chi tiết cách vào nhà. Ấn tượng đầu tiên cũng không tệ. Và sau 2 ngày vẫn là cảm giác đó, hài lòng và không tệ tí nào. Cũng nên nói một chút về màu và mùi ở Amsterdam (hay màu của Hà Lan nói chung). Về màu sắc thì màu cam (Orange) là màu của hoàng gia Hà Lan và cũng là niên hiệu qua nhiều đời vua. Lấy nguồn gốc từ một thị trấn nhỏ cùng tên ở miền nam nước Pháp từ việc vua Henrik đệ tam cưới vợ là Claudia vào năm 1515 (nguồn: internet). Đặc biệt người dân nước này cũng rất yêu thích màu cam. Y như rằng mỗi lần đội đá banh Netherlands ra sân là cả một trời cam xuất hiện, từ trên sân cỏ đến phía khán giả ủng hộ, ở nhà tôi vẫn hay đùa là “đẹp rạng ngời mà lại chói lóa nên áp đảo đối phương là vì đó”. Nói về mùi thì cũng rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được. Nếu bạn đã ngửi qua mùi cannabis (cần sa) một lần sẽ nhớ mãi và rất dễ nhận ra mặc dù tôi không thể diễn tả bằng lời. Chắc là do bệnh nghề nghiệp nên khi đi trên các đường phố ở Ams lúc nào tôi cũng nghe thoang thoảng mùi này, nhất là vào buổi tối trong khu đèn đỏ. Trong không khí đặc quánh với dòng người nườm nượp, bên các bờ kênh lung linh, có lúc nghe mùi rất nặng.

96


TA ĐÃ Ở KIA Cùng với màu cam chói chang và cái mùi đặc trưng mà tôi đã nhìn thấy rồi lẫn vào, đôi chân tôi đã in dấu ở thành phố sông nước Amsterdam. Một nơi vừa già vừa trẻ với nhiều điểm riêng biệt chỉ tìm thấy ở nơi này. Một nơi tôi sẽ trở lại, có lẽ vào mùa xuân với hoa thơm và cỏ quen chứ không lạ.

97


TA ĐÃ Ở KIA Một thành phố từng bị lũ lụt triền miên vì thế cho nên cái thành phố mà bạn thấy hiện tại đã được nâng lên ít nhất là 6 feet (khoảng 2m) để tránh tình trạng lâu lâu các tòa nhà/ lâu đài lại bị ngâm trong nước. Trong khoảng nâng 6 feet này là một thành phố khác mà ít ai biết đến, từng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau từ tránh bom đạn, nơi chế/chứa vũ khí, lao tù hay nơi để trị tội các tù nhân một cách bí mật. Ngày nay một số tầng hầm này được sử dụng để mở pub, club, nhà hàng..nhưng còn biết bao nhiêu ngõ vẫn im lìm chưa ai tìm tới. Và cũng vì thế mà đây còn được gọi là “City on top of another city”. Nơi này được chương trình “Cities of the underworld” quay khá nhiều, chỉ sau Moscow, toàn những nơi kiên cố dưới lòng đất nằm ngoài sức tưởng tượng của mình. “Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu. Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào…” (Phạm Duy) Đó là Prague. Một thành phố với những chiếc cầu vắt qua một dòng sông khác, Vlata, cũng thênh thang, cũng tràn ngập màu sắc hai bên bờ mặc dù không nổi tiếng bằng dòng Danube. Hình dáng Charles Bridge biểu tượng cho thành phố có vẻ cổ xưa và uy nghiêm hơn, nghệ sĩ hơn Chain Bridge bên Budapest. Prague là điểm đến cuối cùng của tôi ở các nước Đông Âu nên có phần mệt mỏi nhưng cũng được dịp để so sánh với bốn thành phố khác vừa mới qua. Đặc biệt là so với Budapest. Cả hai điều có dòng sông đẹp chảy qua thành phố, điều có các điểm du lịch nổi tiếng nằm hai bên bờ sông, những chiếc cầu với hình dạng khác nhau và người dân ở hai nơi đã từng thờ cùng một chúa. Điểm khác, Prague có vẻ nổi trội hơn, màu mè hơn một chút nhưng tôi có cảm giác người dân bên Budapest thân thiện hơn, từ ánh nhìn đến cách trò chuyện. Tôi đón bus từ Budapest qua Prague, cũng đi với Orangeways. Khi đến nơi đã chiều, hôm đó lại nhiều mây. Gởi hành lý ở một ga xe lửa gần đó rồi tranh thủ lúc trời chưa tối đi lên một khoảng xanh đầy hoa nằm trên quả đồi cao cao. Rất rộng, có nhiều ngõ leo lên, có đường xe chạy, có cả hệ thống cáp treo để lên nhưng hôm đó không hoạt động nên leo bộ hơi vất vả. Bù lại phong cảnh rất đẹp, với nhiều cây cao lá đã bắt đầu ngả vàng. Càng leo lên cao tầm nhìn xuống thành phố càng rộng ra, trời nhiều mây nên chỉ thấy lờ mờ. Nếu gặp ngày trời trong, ngừơi dân ở đây nói có thể nhìn thấy cả thành phố hai bên bờ sông. Nếu so với các thành phố bên hướng này thì Prague đúng chất lãng mạn. Không thể diễn tả hết bằng lời nhưng một khi đặt chân đến đây bạn sẽ cảm thấy điều đó. Buổi sáng sương chưa vội tan, các ngõ ngách trong phố cổ còn vắng, những cánh cửa gỗ còn đóng im ỉm, những con kênh hẹp len trong phố, những nhánh lá vàng quẹt vào cánh cửa sổ, lá vàng lát một đoạn đường dọc bờ sông…Chẳng trách nhiều người yêu nơi này. Hãy bỏ qua mặt trái của thành phố, của con người và những hành động của họ. Chỉ xin giữ lại sắc đỏ ấm áp của những mái nhà hai bên bờ sông, sắc xanh đang ngã vàng của những hàng cây, tiếng nhạc du dương trên cầu và mùi thơm cùng vị chua ngọt của món giò heo nướng.

98


TA ĐÃ Ở KIA SPLIT Mưa tầm tã từ tối qua, sáng nay thêm gió mạnh. Đi một vòng phố cổ, những con đường đá hẹp, những vách cũ sờn có giàn dây leo rối bung, những quán cà phê được giấu trong góc khuất với vài khách lưa thưa. Mùa thu rồi, qua mùa cao điểm rồi nên thưa khách nhưng mùi cà phê nồng hơn khi lạnh đúng không? Bạn barista vừa đưa mình ly latte vừa hỏi. Ừ, thơm nồng và ấm. Trên đường về tôi ghé ngang chợ, dừng ngay sạp của một bác trai bán đủ thứ, mỗi thứ một ít. Có củ cà rốt, mấy trái cà tím, mấy trái dưa leo, ba củ su hào và một khay trái sung khô được trang điểm bằng nhiều chiếc lá xanh to bằng hai ngón tay. Tôi đưa 5 kuna và vừa nói bằng tiếng Anh vừa chỉ vào mớ sung. Bác nhất định phải gói thêm mấy cái lá xanh, không biết là lá gì vì bác chỉ nói tiếng Croatia. Về ngửi thử mới nghe được mùi thơm rất ngọt, thơm lây mấy trái sung. Bay leaves? Về nhà. Pha tách trà, để vài trái sung khô vào cái dĩa kế bên rồi ngồi trên chiếc sô pha đỏ đọc tiếp quyển sách đã đọc quá nửa. Lâu lâu nhón một miếng sung vừa đủ ngọt vừa đủ thơm cho vào miệng. Một ngày mưa ở Split chỉ thế.

99


TA ĐÃ Ở KIA CHOCOLAT NGÀY THỨ HAI Chuyện hôm trước. Có hai món tôi không là fan nhưng mỗi lần đến một nơi lạ đều ăn thử qua đó là chocolate và McDonald’s. Nguyên liệu chính chỉ bấy nhiêu nhưng ở mỗi một nơi hương vị lại khác. Ở nhà năm khi mười hoạ tôi mới ăn một lần. Có lẽ khi ở nhà bị/được nhiều món ngon khác hấp dẫn, chi phối vị giác thị giác mình hơn. Khi xa nhà ghé McDonald’s mỗi khi ngán khi thèm chips/ketchup, khi thèm kem...rẻ. Sau khi coi “The Founder” đã nhìn những gì ở phía sau cái chữ M cong vàng với cái nhìn khác, xa lắc xa lơ cái liếc mắt xưa giờ. Và nếu hỏi chữ M ở đâu nhìn khiêm tốn nhất, không cờ lộng bay phấp phới thì đó là Kendal, Anh. Vẫn là chữ vàng nhưng size nhỏ bằng nửa bình thường, được đặt trên vách tường của một căn phố thụt vào bên trong; nếu lái xe nhanh qua sẽ không thấy. Còn chocolate? Thử vì mùi vị khác lạ, vì tò mò và vì lạnh. Khác lạ khi có thêm nhân liquorice mằn mặn nồng nồng dai dai. Mấy miếng đầu chưa quen, sau quen ăn liên tục rồi uống nước căng bụng. Lên xe đưa cho bạn vừa quen mười phút trước một viên, bạn hớn hở đưa vô miệng xong nhăn mặt ngồi yên như bị mắc nghẹn. Lần sau thử đưa thêm một bạn khác ở nước khác, phản ứng tương tự. Sau vài lần thử nghiệm, kết luận tôi rút ra là khi kẻ ngồi kế bên nói non-stop mà tai mình mệt thì cứ đưa họ món này. Khác lạ khi bỏ một viên vuông vào miệng không phải là vị ngọt mà là mặn, lại còn rất mặn, vẫn béo. Chocolate vị sea salt. Tò mò khi thấy thỏi chocolate có cái tên nghe như đang ngốn đồ ăn...ngon. Omnom. Khác với hai hiệu mặn khắc trên kia mặc dù đều là sản phẩm của Iceland. Tò mò khi nhìn thấy thiết kế bao bì lạ, bắt mắt với tông màu, các đường kẽ thẳng và nơi xuất xứ của loại cacao. Đăng đắng nhưng không lợn cợn, nuốt vào rồi vẫn thấy mịn trên đầu lưỡi và ngòn ngọt. Tò mò khi thấy những viên chocolate đủ dạng, nhiều loại coating hay topping khác nhau được chưng trong những cái khay cũng kiểu cọ. Loại mà mua một viên bỏ vào miệng ta liền wow chứ chẳng biết diễn tả làm sao. Ngộp khi thấy một hàng các hộp vuông trên kệ đều trân, sang cả. Thêm hai chữ “limited edition” đã nâng mức tò mò lên gấp rưỡi và giá gấp đôi so với các loại khác. Biết bao giờ mới gặp lại, chạm mặt nhau đã là duyên thôi thà đau...túi một lần. Đó là khi chờ xe ở Brussels Midi để về London. Lúc đó quên mất câu nói “life is a box of chocolate, you don’t know what you are gonna get” trong Forrest Gump mà lại nhớ câu chẳng liên quan gì trên vách tường trong quán Nomadic gần nhà “if life gives you lemons, make lemonade”. Trở lại chuyện thử chocolate vì tò mò. Chiều kia trời chuyển mưa, lạnh ơi là lạnh. Đang đi nhanh để trở lại ga vì sợ mắc mưa, tôi nhìn thấy bên tay phải bảng hiệu “Hotel Chocolat”. Theo phản xạ nhà quê, liền ngước lên xem cái “khách sạn’ kia cao cỡ nào, xong rón rén bước vào. Thì ra chỉ là một chocolate boutique trang trí gọn đẹp. Khách đông nghịt. Hỏi ra mới biết bảng hiệu không cố ý gây hiểu lầm vì group này có khách sạn thật nhưng ở đồn điền trồng cacao của họ tận bên Saint Lucia. 100


TA ĐÃ Ở KIA Tôi một ly dark chocolate đặc quánh, nóng hổi. Tay ấm, đóng cửa sau lưng mình và bước tiếp hướng ga. Và hot chocolate trong khi chờ đợi. Xe từ Brussels về đến St. Pancras chỉ vừa qua bốn giờ chiều mà host airbnb bảy giờ mới có nhà. Ga đủ lớn để tiêu thời gian chờ. Sẵn đã mua một cái bánh tàn ong từ Midi nên chỉ cần thêm nước uống đi kèm đã đủ. Tôi chọn một quán đông khách, ngồi ngay cái bàn bên ngoài dễ thấy người qua lại. Tạp chí về Giáng Sinh với nhiều ý tưởng lạ, bánh ngon, còn chocolate? Chỉ 5 điểm vì nhạt, vì không đủ nóng. Chuyện hiện tại. Một buổi sáng thứ Hai bình thường. Đi một vòng các khoa như thường lệ. Trong số mấy người đã thức dậy ngồi ăn sáng, đọc sách có một bác gái vừa gấp quyển “Chocolat” khi tôi vào. Vừa chào xong tôi đã báo cáo liền là mình cũng có cuốn này, vừa mua mấy tuần trước ở một tiệm sách cũ ở York có 50pence. Đã xem phim ba lần, còn sách? Chỉ mới đọc bìa trước với bìa sau. Bác cười lớn nói phần bác không nhớ đã đọc bao nhiêu lần còn phim thì chưa từng xem qua. Thế là chưa kịp nói về những thứ nuốt vào chát miệng đã nói sang chocolate. Theo thói quen tôi lắng nghe nhiều hơn. Phần vì kiến thức có hạn, ăn nhiều hơn biết nên...dựa tường mà nghe. Hồi trẻ bác từng đứng bán hàng cho một tiệm bánh kẹo nhỏ bên Bỉ. Và mê chocolate. Ít caffeine hơn cà phê nhưng dễ ghiền hơn vì đủ thứ mùi vị, vì bắt mắt. Đó là câu cuối bác nói với theo sau khi tôi mở điện thoại chỉ hình mớ dễ ghiền kia tôi vừa tha về tuần trước. Đâu phải thứ Hai nào cũng tệ. Có khi vẫn ngọt, thơm và đáng nhắc như cuối tuần đó thôi.

101


TA ĐÃ Ở KIA Annecy-Lyon-Frankfurt-Dresden, ba chuyến xe. Bước vào ga Annecy lúc trời còn tờ mờ, trước sáu giờ sáng. Chỉ vài người chờ xe nên không khí khác hẳn hôm mới đến, phải lách người để ra ngoài. Việc có thể làm trong thời gian di chuyển không nhiều. Ăn đọc nghe ngủ. Cứ xoay vòng. Ăn mấy bữa. Đọc gần hết cuốn sách mỏng. Tìm lại những thứ mình đã từng nghe, có bài hát lần trước nghe là hồi nào quên mất. Mắt nhìn cảnh vùn vụt bên ngoài cửa xe, tai nghe và nghe rất kỹ. “Giữa hai mùa mưa nắng, chắc em đã quên Những chuỗi ngày thơ ngây, ngồi quán cốc bên hàng cây Giữa hai mùa mưa nắng, anh ngồi đếm tháng ngày qua Nhớ ly cafe đá, đậm màu chia ly Ở bên đó giờ này chắc bụi đầy đường đi…” (Giữa Hai Mùa Mưa Nắng) Từng thích nghe hai vợ chồng Nhật Trung với La Sương Sương nhưng nghe cô vợ hát nhiều hơn. Giọng lạ. Hai người song ca nói hay thì không hay, chỉ dễ thương. Nhật Trung hát một mình tôi chỉ thích nghe duy nhất Như Chiếc Que Diêm. Từ khi La Sương Sương không còn cũng ít nghe ai nhắc đến Nhật Trung. Ở nhà tôi có giữ một CD của họ, chỉ khi nhớ một bài nào đó, đang ở nhà mới lục ra nghe. Có nhiều thứ qua rồi mình ít khi nhìn lại, có khi quên có khi cứ thoái thác vì có nhiều chuyện mới lấp vào cuốn mình đi. Nhiều lúc muốn dừng hay quay lưng một chút cũng khó. Như những phố những đồng cỏ xanh vàng, những cây cầu vụt qua ngoài kia cứ tiếc khi xe chạy qua rồi. Giờ ngĩ lại biết đâu nhìn lướt qua thì đẹp vậy chứ nếu đã dừng lại, đã bước xuống nhìn một lúc biết đâu lại bắt gặp chuyện không mấy đẹp đan xen. Hay ngược lại, thấy đẹp quá xin ở lại làm dân local thì tội chuyến xe kế có thêm một ghế trống. Và khi xe dừng, nhìn cách người ta lên xuống xe, những đón đưa những ánh mắt cũng là một điều thú vị. Ở những ga vắng, lại thấy được những bảng quảng cáo là lạ. Chỉ hình ảnh, còn chữ và tiếng nói thì tôi chịu, cứ cho là đang coi tranh và nghe nhạc rap. Có khi đón đưa chẳng nói gì nhiều, một cái ôm và xoa vào vai đã đủ. Những cuộc đón đưa và cách ngừơi ta bày tỏ với nhau luôn dễ thương và đẹp. Dù bằng cách này hay cách khác. Đằng sau đó là gì không quan trọng. Thì khắc này đây ta ở đây Lo chi sau trước dạ lưng đầy Lo chi áo mỏng mùa trăng goá Quên cỏ bên đường dại đầy hoa

102


TA ĐÃ Ở KIA

Đó giờ tôi đã đi qua và dừng lại không biết bao nhiêu sân ga nhưng ở ga Frankfurt là lần đầu tiên tôi biết cảm giác giữ im lặng khi bị người lạ nói nặng vào mặt là sao. Số là có khoảng hơn tiếng đồng hồ chờ đổi xe ở Frankfurt, tôi bèn đi một vòng rồi mua ly cà phê xong bước ra con đường trước ga một lúc cho thoáng. Đang đứng dựa lưng vào tường nhìn ra ngã tư nhộn nhịp trước mặt thì có bé kia tôi đoán em khoảng hai mấy, tay cầm cái nón đến gần hỏi có tiền lẻ không cho vài đồng đi xe về. Biết là dân nhập cư mà đoán chưa ra người đến từ nước nào. Từng gặp những tình huống tương tự nên tôi im lặng, mắt nhìn qua bên kia đường. Thấy bên hai góc chéo bên kia cũng có cảnh tương tự nhưng là một bà đứng tuổi và một bé trai. Cô bé trước mặt tôi nói tiếng Anh khá sỏi, vẫn nhỏ giọng mặc dù lời chẳng hay lắm. Tôi vẫn im lặng. Cô bỏ đi. Có khi hai bên không cần phải hiểu nhau vẫn có thể có một cuộc trò chuyện vui vẻ. Còn có khi hai bên hiểu nhau từng chữ mà như chẳng hiểu tí nào. Nếu cô bé kia xuất hiện vào một lúc khác, ở một ga khác biết đâu tôi đã phản ứng khác. Chỉ là hôm đó tôi chọn im lặng, đứng yên thay vì mở bóp đưa liền hay bước đến để tiền vào hộp đàn hay cái dĩa nhỏ trước một cuộc trình diễn amateur nào đó trên đường phố như thường làm. Bị quở trách, tôi chịu. Bị cho là abcd, tôi chịu. Nghe lời khó nghe cũng đã nhiều, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, ở ga đây lần đầu. Mà thôi, chọn im lặng vì biết đâu ngừoi đối diện cũng đang bực mình muốn gây với một ai đó. Cứ cho là xui đi. Và hôm đó gặp tôi đang đúng tâm trạng không-muốn-cho-không. Quay vào ga, 5 phút nữa xe rời. Bước lên chuyến xe cuối cùng về Dresden tôi nghĩ không biết các nơi khác ở Frankfurt có thay đổi nhiều hay không chứ trong một tiếng quanh quẩn ở ga tôi thấy nơi này khác nhiều so với lần trước. Tốt hay xấu hơn thì thôi để thời gian sẽ có câu trả lời. Bước ra đường ở Dresden đã hơn chín giờ rưỡi tối. Gió hơi lạnh. Cái cổng ga quen thuộc. Mấy đường ray xe điện quen thuộc. Mấy năm rồi ha, mình thấy mình già đi chút chút mà cảnh cũ sao cứ…trẻ măng.

103


TA ĐÃ Ở KIA Con nghe về mùa thu khi còn trong bụng mẹ Những chiếc lá thay màu Con đường mòn Hàng cây lá đỏ nghiêng nghiêng Mẹ bước đi nhẹ nhàng Mẹ cười trong hạnh phúc Rồi nhẹ nhàng cài hai chiếc cúc áo…lạnh ha Có lẽ mẹ rất yêu mùa thu Có lẽ càng yêu hơn khi con tượng hình theo ngày tháng Mỗi bình minh Mỗi chiều tà Ngày qua Hạ thu qua Tiếng khóc đầu đời một ngày đông lạnh cóng Mẹ đau lắm Có hề chi Bố vụng về bàn tay to vướng víu Có hề gì Bao ánh nhìn hong ấm mùa đông Nét cười kia chứa chan từng li hạnh phúc Thôi nhé Thiên thần của mẹ Bố gọi cục cưng Ta bắt đầu hành trình Tạm gọi cung đường “mùa thu và con gái” Cứ nhớ đã viết những câu kia chưa bao lâu cho đến khi ghé nhà N, T với bé V. Bé con đã chạy khắp nhà, còn biết cười cười hỏi “Thế à?”. Cũng có nghĩa mình già thêm mấy tuổi. Hành trình của cả nhà ba người lớn nhỏ chưa dài mà rất ấm. Cám ơn cả nhà vì đã nuôi mình trong mấy ngày kỹ ơi là kỹ. Chỉ trong vài ngày mà được ăn đồ Việt nhiều hơn cả tháng. Chắc lâu lắm mới quên buổi tối kia trong căn phòng thơm mùi gỏi cuốn với bún bò, mùi bia; một bên tai nghe giọng líu lo phát âm chưa rõ chữ “con cò bé bé nó đậu cành tre…”, bên tai kia nghe Bằng Kiều với Tuấn Ngọc ngân nga “đồng xanh là chốn đây..”. Và bầy cá thong thả bơi trong thế giới trong vắt như chẳng có thứ gọi là thời gian.

104


TA ĐÃ Ở KIA

BÊN KIA CÁNH CỔNG LÀ BỨC TRANH SỐNG Tôi thường mượn vòng cung của một lối vào, hay một cánh cổng bất kể hình dạng để đóng khung hình ảnh phía sau. Như một bức tranh rất nhiều màu, nhiều sắc thái được gom gọn phía trước mặt. Sống mà không động. Vẫn hay đùa ai thích nhìn kiểu này như con ngựa bị che hai bên mắt, chỉ thấy con đường thẳng đằng trước để khỏi phân tâm với những gì đang diễn ra ở những hướng khác mà chạy cho nhanh về đến đích. Stirling - Sau cánh cổng thấp phải khom người mới qua lọt là khu vườn xanh gọn, họ trồng ít hoa vì mùa lạnh, nhìn rất khéo. Nơi đây được gọi là Queen Anne Gardens, coi như vườn thượng uyển. Màu đỏ tím hồng in trên nền xanh của cỏ và nền xám của những vách tường tạo nên một bức tranh sống dù không thấy sự chuyển động, dù gió thổi bần bật trên đầu. Bước thêm vài bước qua khu vườn có thể nhìn thấy toàn cảnh Stirling chìm trong sương phía dưới. York - phía dưới bức tường thành vòng quanh thành phố không ít những cổng dẫn vào từng con hẻm nhỏ, sẽ có nhiều bậc thang khuất phía sau để đi lên. Tối, kín và bí hiểm. Annecy – Phía sau một cánh cổng vòng cung bằng đá, một bóng người thấp thoáng bên cửa sổ. Một quán bar vừa mở cửa buổi trưa. Những bước chân không hối hả và màu sơn ngà ngà nắng dọi cuối sân. St Ives- Ở các phố biển vùng Cornwall hay bắt gặp những vách tường, cảnh cổng shop màu trắng với xanh nước biển trẻ măng. “Quán” làm thuỷ tinh, có người đẽo gọt tại chỗ và trà quán trong kia. Một chỗ để trốn lạnh, để thấy màu hè màu biển cuối tháng Mười lành lạnh. Duingt- Nhà này sát vách nhà kia. Những chậu hoa đỏ, giàn nho bám theo hai bên cửa trước nhà. Những cuốc xẻng, bồ cào chỉ ai đến từ miền quê mới biết. Họ treo họ dán lên vách, một kiểu trang trí đẹp, lạ. Edinburgh- Dọc theo Royal Mile có vô số những hẻm nhỏ như xương cá dẫn vào bóng tối hun hút. Đi đến cuối là quán ăn mờ mờ tối tối, dây leo um tùm phía trước nhìn rất ư là Sherlock, nghe âm khí hơi nặng nên chẳng trách Edinburgh là cái nôi của nhiều tác giả viết truyện trinh thám nổi tiếng, nơi có nhiều ghost tour. Hôm đó sắp Halloween nên có thêm ánh nến vàng vàng từ mấy trái bí trên ghế. Kể cả Harry Potter cũng được bắt đầu khi J.K Rowling ngồi trong quán cà phê nhìn ra cái nghĩa địa lâu đời xám xịt, rêu phủ đầy. Tôi không là fan nhưng ghé đây lại biết thêm tập cuối cùng bà đã viết từ một căn phòng khách sạn nằm trên Princes St bên phố mới nhìn qua phố cũ, nơi có màu chủ đạo là xám đen. Có khi là hẻm cụt. Có khi cuối hẻm là những bậc thang bước xuống một khu phố khác, mang một nét rất khác dù cách nhau trên dưới có mấy mét. Hẻm rộng có cái duyên khác vẻ bí hiểm của những nơi hẹp đầy bóng tối. Chắc cần một post riêng mới treo hết mấy cánh cổng vòng cung ở Oxford. Nhớ nhất khi bước vào một cái cổng hẹp, xuống vài bậc thang bên tay trái là cái cổng đá vòng cung khác để mùi cà phê bên trong ùa ra. Tầng hầm của một nhà thờ cũ. Họ trang trí thành một quán cà phê sinh viên nhưng nhìn đứng tuổi chứ không trẻ lắm và khách cũng không chỉ có sinh viên. Dù cho là đóng khung để nhìn thẳng để đi nhanh nhưng qua những cánh cổng này thật ra tốn rất nhiều thời gian quay lưng nhìn lại. 105


TA ĐÃ Ở KIA NHỮNG CUỘC ĐÓN ĐƯA Chiều ở một ga nhỏ. Ba mẹ tiễn con trai, mỗi người ôm rồi hôn con một cái vào má. Anh con vai đeo đàn guitar nhìn dáng rất nghệ sĩ, bụi bặm và đẹp trai. Bà đón cháu gái ở ga. Lúc đứng chờ đi tới đi lui mình thấy chống gậy nhưng khi cháu đến lại đi rất nhanh, mạnh dạn, miệng luôn nói cười. Cây gậy bị thất nghiệp. Gần khuya nên sân ga vắng người. Tiếng giày vang trên nền gạch nghe rất rõ. Anh bạn trai nhảy lên hai ba bậc thang một lúc, ôm cô gái thật chặt. Cười cười “I thought I’ve lost you”. Ông đón bà ở bến phà. Giơ tay kéo hộ valy rồi hỏi “Phà hôm nay đông người không? Sóng to quá.” Ông bố đón con gái ở sân bay. Vuốt tóc con và nói “Bụi hồng con trồng trước cửa tự nhiên mùa thu lại ra hoa. Nở rồi một bông, còn thêm hai nụ” Bà mẹ lái xe từ bên Skye qua đậu ở bãi đậu xe trước ga. Tay xách nách mang đi thăm ba đứa con gái ở Inverness, cách đó 2 giờ xe. Lớn lên đứa nào cũng qua thành phố lớn học rồi ra đi làm. Những món này ở nhà tự nuôi tự làm, mỗi lần lên thăm bà mẹ đều mang theo. Trên đời này người mẹ bất kể giàu nghèo hay giữ địa vị gì trong xã hội luôn lo cho con mình no bụng cái đã trước khi quan tâm đến chuyện lớn nhỏ khác. Có khi đưa đón chẳng nói gì nhiều, một cái ôm và xoa vào vai đã đủ. Những cuộc đón đưa, cách người ta bày tỏ với nhau luôn dễ thương và đẹp. Dù bằng cách này hay cách khác. Đằng sau đó là gì không quan trọng, nhìn khoảnh khắc ngắn ngủi đầy tình kia đủ thấy cuộc sống này vẫn tươi xinh.

106


TA ĐÃ Ở KIA

LẠC GIỮA PHỐ ĐÔNG Chuyện tôi hay bị phàn nàn mỗi lần gởi hay post hình sau chuyến đi là sao toàn đi xó nào vắng tanh vắng ngắt, kiếm bóng người thiệt khó. Chẳng phải do vô tình mà có phần cố ý vì nhiều lý do. Tôi không thích nơi ồn ào nhất là khi đi xa, mặc dù nhiều lúc cũng bon chen với người ta. Nhưng nói chung vẫn thích tìm nơi nào yên lặng vừa phải. Bởi vậy hay xài lại mấy câu của mình viết hồi nẳm. Nếu sợ chốn thị thành nhiều va chạm Bỏ đi nghen về phố nhỏ vắng người Glasgow- Buchanan St, một trong những con phố đi bộ đông nhất thành phố. Không khác các phố du lịch đông đúc ở những nước tôi đã từng qua, nhiều các shop quần áo hiệu quốc tế hiệu địa phương, shop bán đồ lưu niệm, quán ăn, quán cà phê dọc hai bên đường. Có nhiều nghệ sĩ đường phố biểu diễn như đàn hát, ảo thuật, làm tượng… Đã từng viết một đoạn về cái nơi ngọt nhất trên con đường này. Chiều kia trời chuyển mưa, lạnh ơi là lạnh. Đang đi nhanh để trở lại ga vì sợ mắc mưa thì tôi nhìn thấy bên tay phải bảng hiệu “Hotel Chocolat”. Theo phản xạ nhà quê, liền ngước lên xem cái “khách sạn’ kia cao cỡ nào. Tò mò rón rén bước vào. Thì ra chỉ là một chocolate boutique trang trí gọn đẹp. Khách đông nghịt. Hỏi ra mới biết bảng hiệu không cố ý gây hiểu lầm vì group này có khách sạn thật nhưng ở đồn điền trồng cacao của họ tận bên Saint Lucia. Tôi một ly dark chocolate đặc quánh, nóng hổi. Tay ấm, đóng cửa sau lưng mình và bước tiếp hướng ga. York- Shambles Market. Chợ ngay giữa trung tâm, ngoài trời và bán đủ thứ như các chợ ngoài trời khác trên thế giới. Sạp thịt cá rau cải, giỏ xách, đồ lưu niệm, vài xe đồ ăn nhanh. Tôi ghé chợ khoảng ba giờ chiều, mọi người đang thu dọn chỉ còn các sạp rau cải cố bán nốt mớ còn lại. Đầu chợ có ban nhạc với bốn anh trẻ đang đàn hát say mê, nhạc đồng quê. Lời đơn giản dễ thương kiểu "tôi vừa gặp một em gái trên phố rất lạ". Các con đường quanh York Minster đều hẹp và đông. Con đường đông nhất tôi không nhớ tên nhưng trước cái shop “The Shop that must not be named”, người ta xếp hàng dài đến cuối phố. Lại liên quan đến Harry Potter? Harrogate- nơi nổi tiếng với các hồ tắm nước khoáng nhưng tôi ghé vì Bettys trong khu Montpellier Quarter. Bon chen uống trà chiều. Cái hàng trước shop lúc nào cũng dài dằng dặc. Khi ở York tôi đã định ghé nhưng Bettys ở Harrogate là quán đầu tiên của chuỗi quán trà bánh ngọt bánh đủ loại đình đám này, được mở vào năm 1919. Do Frederick Belmont, ông di dân từ Thuỵ Sĩ và mở quán trà đầu tiên của mình ở Harrogate. Hay ở Harrogate vào một trưa nhiều nắng. Phố dễ thương, đông vừa phải. Tôi cũng hoà vào xếp hàng với người ta trước tiệm Bettys để vào uống trà xế ăn bánh. Bởi vậy nếu nói tôi hay bon chen thì tôi cãi mà nói không phải thiên hạ nhìn, chẳng tin. Dresden- một sáng nhiều mây bên bờ sông Elbe, phía cũ. Cách mấy năm trở lại nơi này vẫn vậy. Đông nhưng không lắm ồn ào từ người ta. Lần này có hơi ồn từ phía công trình trên sông vọng lại, họ đang xây gì đó và đang tu sửa cây cầu băng qua phía mới. 107


TA ĐÃ Ở KIA

Hackney, London- khu phố có nhiều dân nhập cư. Tôi biết đến nơi này từ một tờ báo nhặt được khi ngồi xe từ Bỉ về London. Ghé đây lại nhớ mấy con phố ngay phía trước ga Hamburg, nhìn hơi xô bồ. Ở đây có nhiều quán ăn của nhiều sắc dân khác nhau, giá không rẻ lắm đâu, trong đó có người Việt. Đang đi lơn tơn kiếm chỗ ăn trưa tôi thấy hai quán ăn Việt Nam, đi qua đi lại hai lần rồi cuối cùng quyết định ghé “Món Ngon Việt”. Bún thịt nướng. Cũng tạm. Dễ thương nhất là họ kèm thêm nửa trái cam tráng miệng với mỗi phần ăn. London- Oxford St- người đông, xe cũng chật. Bất kể giờ nào ngày nào, con đường này tôi nghĩ không khi nào vắng người và âm thanh của London tất cả tụ lại nơi này. Giờ nhắc lại tôi như thấy ánh đèn Giáng Sinh đủ màu khắp phố. Tiếng nhạc Giáng Sinh vọng từ mọi ngõ ngách. Tiếng nói tiếng cười, tiếng kèn xe, tiếng taxi thắng lại bên đường. Rồi bất chợt lọt giữa âm thanh của mùa lễ hội là một giọng khàn cất lên bên kia đường. “Hello from the other side. I must have called a thousand times. To tell you I'm sorry for everything that I've done. But when I call you never seem to be home.” Số người đứng quanh giọng hát kia làm tắt nghẽn một đoạn đường. Tôi lại bon chen bước qua vì lâu quá mới nghe lại đoạn điệp khúc này, lại ở một thành phố ồn ào xa lạ nên chẳng buồn bằng khi nghe trong xe mình giữa khuya, trên đoạn đường vắng quen thuộc. Cô gái còn trẻ, chắc khoảng hai mấy. Tôi vẫn đi qua những nơi đông người đó chứ. Nhưng qua rất nhanh, nói những câu ngắn khi ở ngoài đường, hay chọn ngồi ở một cái bàn trong góc ít chộn rộn mà có thể nhìn thấy bên ngoài. Ở những nơi này tôi thường bỏ đi vào sáng sớm khi phố chưa thức dậy bắt đầu một ngày mới.

108


TA ĐÃ Ở KIA Tasmania-mùa thu lành lạnh Đâu cũng là mùa thu nhưng khi đặt chân đến Hobart tôi mới cảm thấy yêu nơi này quá đỗi. Yên và lành. Hơi lành lạnh thấm vào da và ở lại lâu hơn mình vẫn tưởng. Hôm đó trời lại mưa lất phất. Những con đường dốc vắng người. Trời còn lờ mờ, những cánh cửa còn đóng im ỉm. Hai hàng cây bên đường như còn ngáy ngủ mặc dù lá vàng cứ đổ khắp nơi. Đó là một buổi sáng thứ Bảy, ngày đầu tiên Tassie đón tôi bằng những thứ lãng đãng như thế. Với những ai đã đến nước Úc đất rộng thênh thang này thì trong hành trình thường bao gồm Sydney, rồi Melbourne, rồi Queensland hay xa lắm là Perth. Tasmania bị coi như con ghẻ, bị bỏ ra rìa, một phần cũng vì nằm chơ vơ một mình xa đất mẹ. Là một tiểu bang cũng là một hòn đảo lớn nhất của Úc, mà như em út trong nhà nếu nói về diện tích. Nếu so với người ngoài, chỉ lớn hơn bằng rưỡi Đài Loan nhưng dân số Tasmania có nửa triệu, còn Đài Loan nghe đâu tương đương với cả nước Úc, khoảng 24 triệu dân. Người Châu Âu từng biết tới Tasmania với cái tên Van Diemen’s Land. Người đặt ra cái tên này là Abel Tasman, gốc Hà Lan, ông là người Âu Châu đầu tiên đặt chân lên hòn đảo năm 1642. Và ông gọi đây là Van Diemen’s Land như để cảm ơn người đã bảo trợ để ông thực hiện hành trình và đặt chân đến mảnh đất này, Anthony van Diemen. Cho đến cuối thế kỷ 19 người Hà Lan vẫn gọi Úc với cái tên mà ít ai bây giờ nghe đến là New Holland, gọi thế nhưng họ không chiếm giữ lục địa rộng lớn này. (nguồn: wikipedia) Trở lại buổi sáng đầu tiên ở Hobart. Tôi đi bộ dọc theo các con phố để đến chợ Salamanca. Phố vắng. Lâu lâu lại gặp một tốp người cũng co ro bước những bước dài. Chắc đêm qua mưa lớn, đường phố còn ướt đẫm. Băng qua một cái công viên nhỏ gần bên chợ, đám cỏ còn bịn rịn nước mưa. Nếu thời gian bạn ghé Hobart có rơi vào thứ Bảy thì nên đi chợ một lần cho biết. Tôi vẫn hay đùa mình không nói nhiều nhưng thích đi chợ, bất cứ đến nơi nào nếu có chợ thì thế nào cũng ghé qua. Đó là cách tôi nghe ngóng cảm tình của người địa phương đối với khách lạ. Khi tôi đến chợ cũng đông lắm rồi, hỏi quanh thì người dân địa phương đi cũng nhiều họ nói vì đồ ăn tươi và không khí thoáng mà vui, khách du lịch cũng đông. Có nhiều gian hàng nhỏ, họ bán đủ thứ từ rau củ tự trồng, đồ lưu niệm làm từ các chất liệu ở Tasmania chủ yếu là từ gỗ Huon. Cái cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ ở nơi buôn bán đông người cứ quấn lấy tôi khi đi dạo quanh khu chợ nhỏ khá nổi tiếng này. Một bác trai lớn tuổi hề hà đứng giữa hai bồ lớn táo và lê, tiếng bác rao í ới. Vừa rao vừa cân vừa trò chuyện, chỉ nhìn bác thôi đã rất ‘lành’. Bên kia một bác gái bán củ cải, táo, thêm mấy trái hồng cứ luôn miệng nói mấy thứ này tôi mới hái ngoài vườn sáng nay, còn ướt sương đó thấy không? Cứ thế vừa cầm ly cà phê nóng trong tay vừa dạo qua các gian hàng, mua vài thứ linh tinh. Lâu lâu đứng yên một lúc nhìn người qua lại, lâu lâu lại giương cây dù vì trời lắc rắc hột, có ai đứng kế bên mình cho che ké và bắt đầu những cuộc trò chuyện ngăn ngắn. Chuyến đi này chỉ có vài ngày nhưng tôi cho mình thưởng thức các thứ thật chậm, đi nghỉ dưỡng đúng điệu. Buổi sáng đi chợ xong lại thả bộ lòng vòng trong trung tâm các con phố chính của Hobart. Phải nói phố này thưa người quá. Mặc dù là thứ Bảy nhưng buổi trưa đi trên đường cứ có cảm giác đi giữa một thị trấn nhỏ nào đó, người qua lại rất ít. Các quán ăn, quán cà phê cũng vắng. Không phải mùa nghỉ hè, cũng không phải ngày lễ, lạ thật. Ở Melbourne, tôi quen với cái ồn ào nhộp nhịp vào những ngày cuối tuần nên cảm thấy lạ và thích thú. Đi bộ một hồi ra tới cảng. Ở đây cũng vắng. Mấy chiếc tàu nằm chơ vơ. Ghé vào một quán 109


TA ĐÃ Ở KIA nhỏ bên bờ nước gọi một phần fish&chips, vừa ngồi nghỉ sẵn ăn trưa luôn thể. Ai nói ghé Hobart phải ăn món này chứ, tôi thường không thích nhưng đã đến rồi thì thử xem sao. Không tệ, tươi và thơm. Sẵn dịp ngắm thành phố từ hướng cảng cũng thấy dễ thương và yên bình. Chợt nhớ tới lời bài hát “anh thấy em nhỏ xíu nhỏ xíu anh thương…” May mà nắng ánh lên, ấm hơn, mọi thứ lunh linh hơn. RICHMOND VILLAGE và ký ức tuổi thơ Một buổi sáng trời trong mặc dù vẫn se se lạnh. Ăn nhanh hai lát sandwich và cầm theo ly cà phê tôi đi dọc đường Macquarie St để đón xe bus đi Richmond village. Trước khi qua Tasmania đã nghe nhiều người nhắc đến cái làng nhỏ dễ thương này. Ai cũng nói nhất định phải đến đó nếu không khi về lại hối hận. Gì chứ đã ở gần sát bên thì cũng ghé qua cho biết, để phải hối hận thì ai nào muốn nhất là bỏ qua những chỗ đẹp. Một nơi đẹp “hiền”, nét làng quê vẫn trong từng ngỏ ngách. Mặc dù cách trung tâm Hobart chỉ 25 phút đi bus nhưng quang cảnh khác dần khi gần đến nơi. Bạn có bao giờ đến một nơi mà mình cảm thấy như đi ngược về thời tuổi thơ không? Con đường làng, cây cầu bắc ngang con sông nhỏ, những chú vịt bơi lội hay rỉa lông bên mép nước. Tôi đã có cảm giác này trên đường đi và khi bước trên những con đường nhỏ trong làng. Cảnh vật hai bên đường dĩ nhiên không có gì giống như Việt Nam nhưng đã gợi lại trong tôi những ký ức ngày còn nhỏ. Và nhất là khi uống ly nước lạnh xin ở tiệm bánh mì duy nhất trong làng làm tôi nhớ hồi nhỏ mỗi lần đi đâu về liền chạy nhanh ra lu nước mưa, uống liền cả gáo đầy mới đã cơn khát. Cái mát lạnh đọng lại cổ họng y chang nhau. Có lẽ một phần cũng vì nước uống ở Tasmania nổi tiếng mát và ngọt hơn nước ở các tiểu bang khác. Đúng là ngọt, không thể đánh được mùi nằng nặng như Melbourne. Vì ít dân, không khí sạch hơn và nước mát hơn nên người dân ở Tassie cũng nổi tiếng có làn da đẹp. Lần sau chắc phải sắp xếp thời gian nghỉ ở đây lâu hơn để cải tạo da một chuyến. Một điều hay nữa là khi đi từ nhà thờ St John trở lại bến bus thay vì đi con đường chính bằng phẳng thì tôi chọn đi đường tắt. Dọc theo con sông nhỏ trong làng. Nhờ đi đường tắt mà phát hiện ra con đường mòn này đẹp quá, và cũng rất thơ. Cảm ơn nơi này vì đã cho tôi có cảm giác về lại những ngày còn nhỏ. Dù không có tiếng ru ầu ơ giữa trưa, không có tiếng chèo khua nước bên dòng sông cạnh nhà nhưng có được cái thân quen của những lối đi nhỏ và cái cảm giác mát lạnh nơi cổ không lẫn vào đâu được. MT. WELLINGTON Lại là một ngày đẹp trời. Tôi nghĩ thể trạng mình không đủ tốt để đeo ba lô leo lên ngọn núi cao 1200m trên mặt biển này nên đành đu xe bus lên đỉnh. Buổi sáng đi bộ một vòng rồi ghé góc đường Elizabeth với Davey St để đón bus. Đi cùng có một đôi từ Mỹ, hai cô từ HongKong và một bác Hà Lan, còn bác tài chính gốc Tasmania. Bác lại được sinh ra ngay ngôi làng nhỏ Richmond. Một xe đa chủng quốc như bất cứ nơi nào bạn ghé trên đất Úc. Hành trình quang trọng hay là điểm đến? Cũng còn tùy. Nhưng đoạn đường hai mấy cây số từ phố lên núi đúng là đáng để ngắm nhìn đến quên cả chụp hình. Hôm qua tuyết cũng rơi trên 110


TA ĐÃ Ở KIA này thì phải. Hôm kia cũng vậy. Đó là lời của bác tài. Tiếc, hôm có tôi tuyết tan đâu mất, chẳng có một hạt nào chỉ có gió và mây. Trời xanh mà gió cũng lạnh ghê. PORT ARTHUR Nếu nói về Port Arthur vào thế kỷ 18 thì người ta sẽ nghĩ ngay đến những tù nhân Anh bị đày đi biệt xứ tới nơi khỉ ho cò gáy này. Vào thời đó, di chuyển từ Anh qua đây mất cả tháng mà đã bị đày rồi thì coi như không có ngày trở lại. Mà tội có nghiêm trọng gì cho cam, có anh chỉ ăn cắp mấy ổ bánh mì với mấy miếng thịt nguội. Ngày nay con cháu của những tù nhân này vẫn còn sống rác ở Tasmania và trên cả nước Úc và khi được hỏi họ rất tự hào về nguồn gốc của mình chứ không hề xấu hổ. Còn nếu nhắc đến bến cảng này khoảng mười mấy năm trở lại đây thì cuộc thảm sát năm 1996 hiện lên rõ ràng hơn. Chỉ trong vòng một ngày mà một tay súng (Martin Bryant, 28t) đã bắn chết 35 người và làm bị thương hai mấy người khác. Nạn nhân phần lớn là khách du lịch và nhân viên trong quán cà phê và nhân viên phục vụ trong khuôn viên di tích lịch sử này. Cũng từ đó mà luật lệ về sở hữu súng ống ở Úc đã thay đổi nhiều. Hôm tôi ghé Port Arthur trời trong mây xanh, nhưng vắng khách du lịch. Con đường từ trung tâm Hobart đến đây có nhiều đoạn hút hồn, yên bình như hầu hết những nơi khác ở Tasmania. Khu nhà tù xưa giờ chỉ còn lại những vách tường những bậc thang đổ kế bên bờ nước. Cả khu như một bảo tàng mở, thêm nhiều căn nhà trên những con đường đất chung quanh được gìn giữ, tu sửa để khách có thể vào quan. Cảnh đẹp nhưng buồn thiệt buồn.

MELBOURNE- Thành phố đáng sống? 111


TA ĐÃ Ở KIA Melbourne được đứng đầu trong bảng xếp hạng thành phố đáng sống nhất liên tục mấy năm liền. Năm nay hình như danh hiệu này đã dành cho Vienna, Áo. Các thành phố được chọn dựa theo ý kiến của người dân về những gì ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ, như hệ thống chăm sóc y tế, giáo dục, công việc làm có dễ tìm hay không, sự an toàn nói chung… và nhiều thứ khác. Most liveable city!!!! Thành phố nào dễ sống bình bình an an thì thường không hấp dẫn lắm đối với khách du lịch. Ấn tượng đầu tiên không sâu đậm lắm, hay ngôn ngữ của vài năm gần đây là “wow factor”. Melbourne không có điều này. Đó là với tôi. Phố còn quá trẻ. Cái trẻ trung, đa sắc, đa âm thì nơi này có thừa. Còn nếu bạn muốn cổ cổ một tí thì đây có lẽ không phải là lựa chọn đó rồi. Nhưng Melbourne dễ sống, có đủ món ăn chơi cảnh đẹp, nhà cửa không bằng đắt đỏ như Sydney, kinh tế không dựa nhiều vào khách du lịch nước ngoài như Queensland.. Nói chuyện xếp hạng và ngôi vị luôn làm tôi nhớ tới chuyện phim ảnh. Với tôi, những phim đoạt các giải thưởng một là hơi khó hiểu, hai là hơi chán chán hoặc coi ít nhất vài lần mới thấm. Hơi kén người coi hay chỉ đơn giản tại mình hơi chậm hiểu chuyện nghệ thuật. Cả ba nơi đã từng cho tôi cảm giác như xem những cuốn phim này là Copenhagen, Vienna và Melbourne. Nếu ghé Melbourne và ở ngay trung tâm thì bạn có thể đi lại bằng xe tram, đi bộ hoặc kết hợp cả hai. Tôi vẫn thích đi bộ hơn vì tiện là muốn ghé đâu thì ghé, la cà bao lâu cũng không sao. Còn xe tram thì vô số tuyến đường cũng rất tiện nhưng chạy có giờ giấc nên có chờ đợi. Trong trung tâm có chuyến xe tram số 35 (con số dễ nhớ ha) gọi là City Circle, miễn phí, xe đi một vòng city ngừng ở nhiều bến khác nhau chủ yếu là các địa điểm du lịch. Đây là loại xe cổ, kiểu rất cũ và bên ngoài sơn màu đậm như màu đồng. Trên xe có hướng dẫn viên tự động được phát ra từ máy ghi âm mỗi khi đi qua một điểm đặc biệt nào đó. Những tuyến xe khác nếu bạn chỉ đi quanh trung tâm giờ cũng được miễn phí. Nếu ở xa muốn tới trung tâm thì cách tiện nhất là đi xe lửa, vừa rẻ vừa khỏi lo kẹt xe và nhất là khỏi nhức đầu tìm chỗ đậu xe. Tôi nhớ thời còn đi học, mỗi ngày cu ki vừa ngồi xe lửa rồi xe tram một ngày mất ít nhất 2 tiếng vừa đi về. Nhớ các chuyến xe tram số 19 đi từ Melbourne Central station tới trường và chiều quay về cũng trên một tuyến đường nhưng vắng hơn. Sáng nào cũng đông ơi là đông kẻ đứng người ngồi, giờ cao điểm mà. Xe chạy qua mười mấy bến, dọc đường Elizabeth, qua bến xe bus xuyên tiểu bang, qua chợ Queen Victoria rồi quẹo qua con đường đẹp mê, Royal Parade. Đây có lẽ là con đường nhiều cây xanh đẹp nhất city, một hàng dài thẳng tắp đến gần ngã rẽ qua Sydney Rd. Mùa thu càng đẹp. Có lẽ cũng vì cái tên mà con đường phải được trang trí cho xứng chăng. Người đi làm thì hối hả, còn đám trẻ đi học đứa nào cũng nhìn bơ bơ như còn ngáy ngủ. Tôi lại là chúa đi trễ, có mấy ông giảng sư khó tính tới đúng giờ là đóng cửa giảng đường lại, đứa nào đi trễ ở ngoài lang thang ráng chịu. Gõ cửa cách mấy ổng cũng không mở. Bữa nào trời đẹp vui vui thì được len vào, vừa ngồi xuống ổng chỉ ngay mặt giảng cho một mách chuyện đi trễ sau đó mới trở lại giảng bài. Qua mấy năm kinh nghiệm rượt đuổi xe mỗi sáng, tốc độ đi và chạy bộ tiến triển rõ rệt, da mặt dày chai hơn sau mỗi buổi đi trễ. Mà biết đâu vì thế khi ra trường tôi luôn đúng giờ, hay gọi là “on time” hay “sharp” (thí dụ “9 o’clock sharp”) chứ truyền thống giờ giây thun đã có trong máu bao đời nay lơ mơ dễ gì thay đổi được. Bất kể thành phố nào và bất kể bạn đã sống ở đó bao lâu, sẽ có những nơi nằm ở đuôi mắt. Nghĩa là mình không hề biết qua nó tồn tại cho đến một hôm. À há, chỗ này lạ quá mà cũng 112


TA ĐÃ Ở KIA hay hay. Đó có thể là một con hẻm nhỏ với vài quán cà phê boutique. Có thể là một hẻm đầy graffiti, đủ màu sắc vừa chữ vừa hình, đã được cho là một loại nghệ thuật. Một nhà lồng chợ trong toà building xưa xưa, bán các thứ xinh xinh và ngọt. Đó cũng có thể là một khúc sông xa xa, có nhiều anh với cơ bắp cuồn cuộn mỗi chiều ra tập chèo thuyền. Những điều ngạc nhiên như thế đôi khi cần thiết với cuộc sống mỗi ngày đi và về đúng giờ giấc, quy cũ với vô số luật lệ như đốn cái cây sau vườn nhà mình cũng phải xin phép chẳng hạn và cái nhà thuế của chính phủ (ATO- Australian taxation office) nắm rõ từng đồng mình kiếm được để bắt nộp thuế.

FLINDERS- ngày đông nắng ấm Một ngày đầu đông tháng 6. Ngày nắng ấm hiếm hoi trong khoảng thời gian này. 113


TA ĐÃ Ở KIA

Một người bạn làm ở bệnh viện từng nói với tôi về Flinders, một phố biển nhỏ xíu nằm trong vùng Mornington Peninsula. Con đường đến đây bằng phẳng, dễ lái xe, đôi khi có vài cua quẹo hơi gắt nhưng nói chung không đến nỗi nguy hiểm. Con đường rợp bóng cây, toàn là các loại cây dầu gió nên mùa đông vẫn còn xanh mướt. Nhà cửa lưa thưa. Lâu lâu chạy qua vài đồng cỏ rộng, khi thấy từng đàn bò, cừu đang nhởn nhơ gặp cỏ. Khi chạy qua vài luống nho đã được cắt tỉa gọn gàng, chỉ còn thân chẳng thấy lá nào sót lại. Không biết ngày bình thường có đông các tay lái xe hai bánh đi qua vùng này không mà hôm đó họ chạy từng đoàn. Xe nào xe nấy nhìn độ sộ và rất ngầu, kể cả người lái. Cũng đúng thôi, những con đường này có lẽ rất thích hợp để rồ ga. Tôi lái tình tang, đoạn cho 100km/hr thì chạy chừng 95 còn đoạn cho 80km/hr thì chạy chừng 70-75. Vừa đi vừa ngắm cảnh mà. Vậy nên lâu lâu lại có vài ba chiếc hụ ga vượt qua mặt. Kệ. Con phố chính ở Flinders không có gì đặc biệt lắm ngoài những ngôi nhà thấp được giữ theo kiến trúc xưa, phần lớn là nhà gỗ, thấp. Có vài shop đồ cổ, vài tiệm cà phê, một cái chợ nhỏ (supermarket) bác đủ các thứ, vài shop bán đồ linh tinh và hai lò bánh mì. Bánh mì từ Flinders từng rất nổi tiếng, cung cấp cho vùng Mornington peninsula và cho cả Melbourne nhưng họ dời hãng đi nơi khác từ từ bây giờ chỉ còn lại hai lò. Flinders Sourdough là lò bánh mì lâu nhất còn hoạt động tại đây mặc dù đã đổi chủ 5 năm trước, tôi vào mua bánh sẵn hỏi thăm luôn. Chủ mới là một đôi còn rất trẻ, họ chỉ làm từ thứ 6 đến chủ Nhật. Đến bây giờ họ vẫn còn nướng bánh trong lò đá theo kiểu xưa, và các lò, dụng cụ nhà bếp đều có từ trước 1940. Qua trung tâm phố chạy thêm một chút là đến The Esplanade, sẽ có nhiều bãi đậu xe hay điểm dừng để nhìn ra biển. Nơi này cũng rất quen thuộc với dân thích các môn thể thao trên biển đặc biệt là lướt sóng và câu cá (tôi cho đây cũng là một môn thể thao). Đã là mùa đông mà khi ghé các bãi đậu xe gần biển tôi thấy rất đông người mặc đồ bơi và ôm ván trượt đi xuống biển. Còn trên cây cầu cảng thì cũng có vô số người đang câu cá. Và hôm đó số người đi dạo trên cầu và trên các con đường ven biển cũng đông. Tôi cũng đi dạo một vòng. Xưa giờ ít đi ra hướng biển vào mùa thu hay mùa đông, hôm đó là ngoại lệ sau một tuần cày cuốc. Ngày rất đẹp và nắng cũng rất trong. …Vạt nắng sót lại bên hông thu vàng Đông chưa lê thê Đông đến nhẹ nhàng vừa đủ chạm vào đuôi áo Ta dõi theo ngày Ta cũng chạm đông lay Và gió lặng Và mây Chiều tháng Sáu một ngày đủ ấm.

Một chiều rảnh rỗi Một chiều đông gần giữa tháng Sáu. Mới hơn bốn giờ mà nắng đã tắt, gió nhè nhẹ. Hơi lạnh 114


TA ĐÃ Ở KIA bắt đầu thấm vào mấy lớp áo. Tôi tạt vào Royal Arcade để tìm chút hơi ấm. Tôi vẫn thích ghé vào nơi này mỗi lần vào trung tâm Melbourne. Một dãy shop ngắn có mái che, những cánh cửa kiểu cong cong, phần nhiều được làm bằng gỗ, màu sơn nhợt nhợt xưa xưa. Bảng hiệu cũng uốn éo rất chi tiết. Kiểu hoàng gia, tôi vẫn hay đùa. Tôi mua một cái macaron mùi chanh dây (passion fruit) ở kiosk The Little Royal. Và đi đến quán cà phê gần cuối dãy mua thêm ly latte. Cỡ trung, mang đi, không đường. Đó là một tiệm cà phê Ý, tôi quên nhìn bảng hiệu chỉ nhớ họ kê vài cái bàn tròn nhỏ với vài cái ghế sát cửa. Chỗ đứng chờ hẹp, đủ ấm vừa cho khoảng bốn người chen vào. Góc pha cà phê gọn gàng không như nhiều nơi khác nào khăn nào nắp hộp sữa nào tách nào order...Anh chàng pha cà phê còn trẻ, để bộ râu vểnh lên trông đẹp trai và hóm hỉnh. Trong khi chờ lấy cà phê tôi tranh thủ đọc mấy dòng về Capricorn từ một phần trang báo họ cắt ra dán trên bệ. Bắt đầu bằng câu “Chuyện bạn thích uống trà hay cà phê có thể nói lên tính cách của bạn”. Câu này tôi hiểu. Còn thêm năm sáu dòng nữa phía dưới, tôi hiểu từng chữ ấy chứ nhưng đọc hết cả đoạn lại chẳng hiểu có ý gì. Bởi vậy chuyện bói toán xem tướng từ xưa giờ tôi luôn cho rằng không chạm đúng tầng số của mình, với tôi đó là một ngôn ngữ khác. Lắm rắc rối. Liếc thấy tôi chăm chú đọc, anh kia vừa chìa ly cà phê qua tay tôi vừa hỏi “Tuần tới của cô thế nào?” Tôi cười “Tôi không hiểu lắm nhưng mà chắc không tệ. Chỉ biết hiện tại cần uống liền một hớp cho ấm, ngoài kia lạnh quá.” Một chiều đông rảnh rỗi ở Melbourne, có ngọt có ấm.

KHOÁ TÌNH YÊU

115


TA ĐÃ Ở KIA Hôm qua đi ngang cây cầu ở Southbank, Melbourne thấy lác đác mấy cái khóa đủ màu tôi liền nhớ tới chuyện mấy tháng trước. Nghe đâu đống khóa ở Melb đã được nấu để tái chế, còn bên Paris không biết sao. “Và tình hình là những cái khoá tình yêu gần đây người ta phát hiện ra là nguyên nhân làm nhiều cây cầu bị oằn đi. Tệ hơn, có thể làm sập cầu trong tương lại, mà chắc là tương lai không xa. Nghe cứ như đùa nhưng nhiều nơi giờ cấm gắn khoá yêu, thay vào đó họ khuyên nên thay bằng hình ảnh sẽ sinh động, nhẹ nhàng hơn theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chuyện gì cấm được chứ chuyện này hơi khó à nha.” Lúc trước tôi viết đoạn trên khi nghe loáng thoáng chuyện nhiều cây cầu bị mấy cái khóa yêu đàn áp quá sức chịu đựng. Cứ tưởng là còn xa xa vậy mà trong vòng có vài tuần mà tổng cộng bảy tám trăm nghìn chiếc khóa tình yêu trên hai cây cầu nổi tiếng bị ‘thủ tiêu’, một ở xứ Tây bắt qua dòng sông Seine và một ở xứ chuột túi bắt qua dòng sông Yarra, Melbourne. Những chiếc khóa đủ màu đủ kiểu khi được mắc vào thành cầu nhẹ nhàng ngọt ngào bấy nhiêu thì bây giờ bị xử lý một cách quá ư là bạo lực như ý kiến của nhiều người. Số phận của những cái khóa này chưa biết về đâu, có thể được tái chế, được đấu giá hay được lưu giữ trong bảo tàng cũng không chừng. Mà cầu xây lên để nối liền hai bờ sông cho việc giao thông giữa hai bên dễ dàng hơn chứ đâu phải để gắn khóa kỷ niệm đâu nè? Phải gồng mình đeo hơn bốn năm tấn trong một thời gian đâu phải là chuyện dễ, đó là chưa tính thêm sức nặng của dòng người nườm nượp qua lại mỗi ngày. Chịu gì nổi. Lỡ một ngày mấy cây cầu oằn mình gãy cái rụp hay rơi rớt một phần thì người trên cầu hay đúng lúc tàu chạy ngang hậu quả không lường được. Mỗi cái khóa chứa đựng một câu chuyện khác nhau. Chắc chắn mỗi khóa cũng được gắn lên ở những thời điểm khác nhau trong hành trình yêu. Hai người yêu? Đã đính hôn? Đã kết hôn? Hay đã có vài mặt con với nhau? Hai người tóc đã phai màu? Hay hai kẻ đơn phương độc mã từ hai xứ sở khác nhau chu du rồi gặp nhau ở đầu cầu, lằn điện xẹt ngang. Cả hai đi đến giữa cầu đã thành một cặp và sẵn cái khóa ba lô liền ghi tên hai đứa rồi bon chen treo nó tòn teng với bao cái khóa khác. Tiếng sét mà chạy đâu cho khỏi. Khóa còn đó, chìa khóa biết đâu cũng còn đâu đó dưới đáy sông nhưng bao nhiêu cặp đôi trong số gần cả triệu kia còn đi chung một trên một con đường? Bởi vậy nếu bạn đã từng gắn một cái khóa tình yêu vào đâu đó và hiện tại vẫn còn nắm tay người bạn đường lúc ấy thì nên làm một chuyến đi tìm lại kỷ niệm, lấy cái khóa về nếu còn giữ một chìa thứ hai hay dẫn theo ông thợ mở khóa cho chắc ăn. Lấy cớ này vừa du lịch vừa hâm nóng lại tình yêu, biết đâu lấy được cái khóa về ngày ngày nhìn thấy nó tình cảm lại đậm đà hơn hay biết đâu nó lại cứu vãn tình thế khi tiếng sét đã hết lóe sáng từ lâu và tình cảm hai người đang ở bên bờ vực. Hoặc nếu đã chia tay thì biết đâu khi đến đó người kia cũng đang lang thang tìm lại cái thời còn nồng nàn như mình, "là rất dễ thương như 18, ngọt lịm như đường cát trắng tinh” (thơ tui). Hay biết đâu đến đó lại gặp tiếng sét lần thứ hai. “It happened, therefore it can happen again: this is the core of what we have to say” (Primo Levi). Mặc dù câu nói đó ông kia đang nói về một chuyện hoàn toàn khác với chuyện yêu đương nhưng có chút liên quan về ý nghĩa, có thể tạm dịch lệch một chút là lịch sử đã xảy ra thì có thể sẽ xảy ra lần nữa ở cùng địa điểm. Chốt lại là nhanh nhé, trước khi cây cầu bạn từng gởi gắm đồ được cởi bỏ gông xiềng. Biết đâu. MELBOURNE- ĐẦU XUÂN RỒI 116


TA ĐÃ Ở KIA Nhớ tôi đã từng nói đôi ba lần chuyện sống lâu năm ở một nơi nhưng chưa chắc mình biết hết mọi ngõ ngách gần nhà. Mà dù có biết hết, nhớ hết tên các con đường thì lâu lâu vẫn bị bắt bẻ rằng phía sau dãy nhà mặt tiền kia là gì, phía sau những cánh cửa lớn, hàng cột cao ngất có gì? Đôi khi chẳng cần ai hỏi, bản thân tôi nhiều khi đi ngang qua cũng thắc mắc tự hỏi những điều kia nhưng cứ thoái thác chưa có cơ hội, gấp quá thôi để lần sau. Đi mua đồ sale trước đã, chần chừ sẽ hết size. Như cái thư viện lớn lâu đời ngay trung tâm Melbourne hay còn gọi là thư viện của tiểu bang, State Library, mở cửa vào năm 1856. Đó là tòa nhà mang màu vàng sậm nằm trên một vuông đất lớn, có mái vòm nổi lên ở giữa. Mặt tiền có thể nhìn thấy từ đường Swanston và Latrobe, hai phía còn lại là đường Russell và Little Lonsdale. Tôi đã đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ bước vào trong. Chiều nay đi ngang, cũng là những bậc thang ngắn có vài người vừa đứng vừa ngồi, cười cười nói nói. Cũng là thảm cỏ xanh ngắt hai bên với kẻ ngồi người ngả lưng đọc sách, người đang mút kem, người dựa lưng nhau nhìn kẻ qua người lại, nhìn những chuyến xe tram leng keng trước mặt. Mùa hè ở đây còn là nơi lý tưởng để phơi nắng, nhất là với các bạn sinh viên từ đại học RMIT sát bên. Khác với vô số lần trước, lần này tôi leo lên những bậc thang, đi qua khỏi hàng cột và bước vào bên trong. Wow, rộng thênh và sáng sủa không như diện mạo bên ngoài. Đã qua cái tuổi cắp sách từ lâu nhưng khi nhìn quang cảnh trước mắt tự nhiên muốn học…đại (chứ không phải là đi học lại, ngán quá rồi). Còn các con đường chung quanh ga Melbourne Central bất kể ngày nào giờ nào ít khi vắng người. Gần đây mỗi lần đi loanh quanh khu này tôi lại có cảm giác như đang đi trên những con đường ở Mongkok hay Penang, có đoạn lại giống Thượng Hải. Có lẽ vì quang cảnh hai bên đường, vì âm thanh nghe được, vì những gương mặt thoáng qua. Phần đông là người trẻ, chẳng trách vì có đến mấy trường đại học gần bên. Kể ra vài trường được nhiều người biết đến như đại học RMIT ở sát bên, đi tram thêm 10 phút là đại học Melbourne, thêm 10 phút nữa là chi nhánh đại học Monash. Và vì các quán ăn Tàu mọc lên như nấm, các tiệm tạp hóa Á Châu, các quán chè, đồ ngọt các loại ngày càng nhiều. Nói vậy không có nghĩa là các sắc dân khác vắng mặt. Ý, Hy Lạp, Nhật, Ấn Độ, Việt, Thái và gần đây thêm mấy bạn Afghan, Syrian cũng đông nhưng không đông bằng. Và dĩ nhiên ngôn ngữ ngoại quốc bạn nghe nhiều nhất trên đường là tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng. Ngoài ra còn có các con đường đại diện cho một sắc dân. Khi nói đến tên đường là người ta biết ở đó hàng quán của sắc đân nào đông nhất. Little Bourke có China Town. Lonsdale St có nhiều quán ăn Hy Lạp, mỗi năm Greek Festival được tổ chức tại đây. Lygon St là Little Italy. Collins St/Spring St là Tây rặt, hay còn được gọi là Paris/London End vì kiến trúc từ các khu văn phòng đến cách trang trí các quán ăn cũng đa dạng, sang và yên ắng. Bên các nước Á Châu cứ luôn lo chuyện bị Tây hóa, mất hết bản sắc dân tộc còn trung tâm Melbourne nói riêng và cả nước Úc nói chung đã luôn là nơi đa văn hóa, như một nồi lẩu thập cẩm. Hôm trước tôi nghe trên radio nói tính đến hiện tại ở nước Úc ngoài ngôn ngữ chính là tiếng Anh, đang có hơn 200 ngôn ngữ được người dân sử dụng mỗi ngày. Người Melbourne thường nói bất cứ bạn đến từ nơi nào trên thế giới, khi đặt đến đây sẽ không cảm thấy bị lẻ loi, không lạc lõng vì chắc chắn sẽ bắt gặp đâu đó một chút quê nhà. Có thể là một quán ăn, một món ăn, cách bày trí trong quán cà phê, một bảng hiệu, một miếng giấy quảng cáo dán trên cột điện, một nghệ sĩ đường phố, một con hẻm, góc phố, một nhóm người thoáng qua với trang phục truyền thống. Những người vô gia cư ngồi xin tiền hay ngủ 117


TA ĐÃ Ở KIA tỉnh bơ giữa tiếng ồn từ mọi phía. Hay chỉ đơn giản nghe được một đoạn nhạc phát ra từ chiếc xe đang chờ đèn đỏ mà chủ nhân quay kiếng xuống, tay trên vô lăng tay kia vừa tì lên cửa vuốt vuốt mái tóc bóng loáng năm phân. Đèn xanh từ lâu mà anh ta còn lo làm dáng, khi đó bạn lại được nghe tiếng kèn xe hiếm hoi.

118


TA ĐÃ Ở KIA Câu ca vang trong chiều bảng lảng Môi nắng hương mùa dấu chân say Bịt tai nghe lại mình non trẻ Nghe tiếng rèm mi ngóng gió lay FLAMENCO TRONG CHIỀU SASSAFRAS Một cái tên nghe rất Tây Ban Nha hay ít ra cũng có bà con với nơi nào đó ở Nam Mỹ. Sassafras. Vừa nghe tên người quen hỏi ủa bữa trước mới nói chuyện đi Cuba nay đã đến nơi rồi à. Ừa. Mà đến vì GPS dẫn đi lạc, đi đường bộ thay vì lơ lửng trong mây. Đùa chứ đang ở cách nhà chừng bốn mấy cây số theo đường bướm bay. Hễ mỗi lần lên núi bạn GPS lại say, thay vì bị ù tai thì bạn lại chỉ đường sai tùm lum tá lả. Chạy vào mấy con đường núi hẹp cứ tưởng hai chiều xe qua không lọt. Một bên vực, một bên vách núi. Mấy nhánh dương sỉ xòe cả ra đường như vuốt ve mé bên trái, người cầm lái bên phải cứ thót mình, sợ nghe tiếng lẹt rẹt khi có xe ngược chiều chạy tới. Đáng lẽ tôi chỉ định đến Olinda uống cà phê, ăn cái bánh pie rồi về ai ngờ lạc vào một nơi rộn ràng…đa sắc. Sassafras là tên một loài cây ấy ạ. Cây có xuất xứ cũng không liên quan đến Tây Ban Nha mà từ Bắc Mỹ và Châu Á. Vì là loài cây có hương thơm nên lá và rễ có nhiều công dụng như làm trà, ướp bia, lấy tinh dầu làm đèn cầy thơm, làm kẹo… Còn thân cây được dùng để đóng tàu, làm cột nhà, bàn ghế..* Còn phố núi Sassafras tôi qua cũng đầy ắp màu và vị như giống cây cùng tên, từng được tìm thấy rất nhiều ở vùng này. Cái tên vùng được đặt ra từ đó. Chỉ một đoạn đường ngắn mà có đến ba quán trà và một shop bán mấy trăm loại trà cùng những món đồ có liên quan đến chuyện uống trà. Cũng vì thế nên phố này còn được biết đến với nickname là “Phố trà” (Tea town)* Những thị trấn hay phố nhỏ luôn hấp dẫn tôi. Có lẽ do mỗi ngày đối mặt với những building hiện đại bóng loáng, với sự ồn ào của nhịp sống vội vã nên mỗi lần lái xe ngang qua những dãy phố nhỏ ở các vùng xa xa tôi đều ghé lại. Khi chạy ngang thấy căn nhà với mấy chậu hoa trên cửa sổ, mấy đường sơn màu gỗ sậm bên ngoài, cái bảng hiệu cầu kỳ tôi đã giật mình đánh thót. Mấy năm rồi mới được thấy lại kiểu trang trí này. Như thấy lại Mainz với nhiều con hẻm nhỏ bày bán cà phê, đi mà cứ ngước lên nhìn mấy chậu hoa đủ màu treo bên ngoài cửa sổ. Như Den Gamle By ở Aarhus một chiều tắt nắng với những lằn gỗ chéo ngang trên từng căn nhà cổ. Ở Úc bao lâu rồi bây giờ mới bắt gặp, thoáng qua cứ tưởng. Dông dài nãy giờ, cái nơi gợi nhớ bao nhiêu nơi khác kia là Miss Marple’s Tearoom. Điểm nổi bật của Sassafras về cả bên ngoài lẫn thực đơn, và đây cũng là lý do để người ta ghé ngang. Còn tôi, tình cờ mới biết. Chưa từng đọc cuốn sách nào của Agatha Christie nhưng Miss Marple thì có biết qua từ mấy series trên đài ABC. Ấn tượng với vẻ mặt hóm hỉnh, mái tóc xoăn và nhất là cái nón vành mỏng đội hờ. Một thám tử…rất duyên. Còn giọng Anh thì khỏi phải bàn, líu lo và khó hiểu. Vẫn hay đùa cái giọng nghe hơi xà nẹo nên họ có đủ các loại tiệc trà để giãn ra. Một chuyện giật mình khác là khi đang lơn tơn nhìn vào mấy hủ kẹo đủ màu trước Sassafras 119


TA ĐÃ Ở KIA Sweet thì nghe tiếng guitar. Quen quá, nghe như “Moonlight Cafe”. Cứ theo tiếng nhạc mà đi tới. Đằng sau cái cổng không có vẻ gì là khoe khoang lại là những thứ mà chủ nhân nơi đây rất tự hào. Smits&Bits. Một khoảng sân với lỉnh kỉnh các thứ dưới đất, bên gốc cây, treo lơ lửng, treo trên vách, sau mé rào.. Nào tượng Phật, chậu hoa, thùng rượu, cái thùng thiết nơi khói bốc lên thơm mùi marshmallow nướng.. Còn nữa, vô số những tấm bảng treo trên miếng vách cuối vườn với nhiều thông điệp bằng chữ và hình, từ coi chừng chó dữ đến luật lệ trong phòng tắm đến “Wine is not the answer. It just helps you to forget the question”. Nhiều câu đọc xong cười thành tiếng. À mà cái cây ở giữa sân nhìn duyên nhất nơi này. Nhìn thấy giống cây họ anh đào, lá rụng gần hết, phần lá vàng còn lại làm cho cả khu lộn xộn này trẻ lại. Chưa hết, giấu bên phía trái sân là mấy shop đồ cũ đồ cổ từ đĩa than, sách cũ, đèn các loại và nhiều thứ khó kiếm ở nơi nào khác. Bao hết cả không gian chẳng giống ai này là tiếng flamenco rộn ràng của Armik dễ làm bước chân khách muốn nhịp theo. Nếu không nhìn thấy tượng hai mẹ con kangaroo cứ tưởng mình đang lạc ở Nam Mỹ thật. Gần một năm sau trở lại, mặt phố Sassafras vẫn vậy. Vẫn mang nét quyến rũ riêng không tìm thấy ở nơi nào khác. Khu vườn Nhật vẫn đóng cửa sớm vào cuối tuần, lần trước ghé cũng chưa vào. Shop Istanbul vẫn đông khách, lấp lánh đèn màu với những món đồ gốm trang trí cầu kì. Tiếng flamenco vẫn rộn ràng trong chiều thu lạnh. Có một chút khác so với năm rồi là sau bốn giờ chiều phố vẫn rất đông, tìm chỗ đậu xe mỏi cả mắt. Và để băng qua đường phải mất gần mười phút...chờ vì xe xuôi ngược không dứt. Cứ giữ màu cũ, đừng thoa thêm son phấn lên mặt phố nhưng Sassafras cần những lằn trắng dành cho người đi bộ hay ít nhất một cặp đèn xanh đèn đỏ điểm tô để tài xế thả lỏng tay lái dừng lại, để khách đi theo tiếng nhạc khỏi bị tông phải vì say trà. *nguồn internet và dân địa phuơng*

120


TA ĐÃ Ở KIA “Being away is a chance to feel light of foot. But being at home has a humdrum beauty, too." "Going home is like turning down the volume, so I can hear myself again" (from Slow magazine) Còn với tôi mỗi khi bước gần tới nhà dù sau một chuyến đi vài ngày hay cả tháng đều dậy lên cảm giác dễ chịu, nghe thèm đủ thứ. Chân chạm mé rào nghe thơm mùi gạo mới...Viết câu này khi đi ngang nhà kia, buổi chiều kia. Cảnh quen, mùi quen quen nên nhớ nhà. Về. Có khi có người chờ có khi chỉ mớ đồ không hợp tông hợp thời ở vị trí quen thuộc đón nhưng bước vào nhà vẫn thở khì. Bỏ đồ xuống giữa nhà, vươn vai cái đã. Về rồi. Bỏ lại bon chen vội vã ngoài cửa. Phủi bớt mớ rồ mớ "không thuộc nhà" còn dính nơi vạt áo, gấu quần để còn chạm đất. Back to reality. Bắt tay vào việc thực tế đầu tiên là lấy bịch hạt dẻ trong tủ lạnh ra nướng lại. Tí tách thơm...mùa đông. Người nhà nhắc còn miếng salmon muối tuần trước. À há, salmon chà muối với tiêu, mém chút quên. Coi nấu ăn riết rồi lâu lâu cũng phải ra tay làm món gì đó nếu không mang tiếng lo đi thích ăn ngon mà làm biếng. Salmon tươi, sau một tuần muối, cắt lát mỏng màu óng lên như mứt. Lần đầu nhiêu đó cũng không tệ. Ăn kẹp với bánh mì hay cracker với tiêu, gừng chua, wasabi, olive. Ngọt, béo giòn tan trong miệng. Chút chua chút bùi thêm vị nồng nồng, đơn giản đủ để nghe mùi của từng thứ. Chỉ bấy nhiêu, giữa mùi nhà thật ấm. Về đi cửa mở chân nghinh Ngả lưng nghe ấm tóc thinh mơ chiều...

121


TA ĐÃ Ở KIA

NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG MƯỜI HAI Ở MELBOURNE Hiện tượng trái đất nóng dần lên ở các nơi khác ra sao thì tôi không nhìn thấy và không cảm nhận được nhưng ở Melbourne có thay đổi thấy rõ. Với nhiệt độ ở ngưỡng 35-40 độ C mấy ngày liền trong tháng Mười Hai làm cơ thể bải hoải mệt phờ, cây cỏ héo khô. Tôi vẫn đùa ở các nước trên miền Bắc bán cầu có “white Christmas” thì nước Úc muôn năm tự hào với “golden Christmas” vì nắng vàng thật gắt và bạt ngàn các đồng cỏ cháy. Màu mè có khác nhưng không khí mùa Giáng Sinh thì chắc chắc đâu đâu cũng vậy. Rộn ràng, hối hả, đầy ắp sắc màu lung linh. Ở những nước đang vào mùa đông thì trời đã lạnh lắm rồi, có nơi tuyết đã rơi nhiều. Các phiên chợ mùa đông đã nhóm ít nhất mấy tuần trước, bao ly rượu ấm đã trao tay, và những cái nắm tay chặt hơn, nồng nàn hơn. Còn ở Melbourne không khí Giáng Sinh cũng lan tràn khắp nơi đâu từ đầu tháng Mười Một mặc dù các shop đã bắt đầu bán đồ theo mùa đâu từ hồi tháng Tám. Cây Noel rực rỡ khắp nơi. Ai cũng nói mình đang rất rất căng vì bận rộn nhưng toàn là những lời than với nét mặt tươi rói cười vui. Các bãi đậu xe ở các khu shopping luôn đầy kín, bà con đậu xe cả lên cỏ dù biết mùa nầy mấy bác đi tuần phạt xe siêng năng hơn. Mùa nghỉ hè vừa bắt đầu, đường xá thông xe hơn. Đám trẻ con nôn nao mấy ngày nữa thôi là được mở quà Noel, chơi đùa ăn ngủ chẳng còn bị nhắc nhở khắc khe như những ngày đi học. Ba mẹ bận rộn, đau đầu hơn với đám trẻ ở nhà, có nhiều người đã xin nghỉ cuối năm từ tuần trước. Không chỉ Giáng Sinh mà tất cả các ngày lễ trong năm càng ngày càng được thương mại hóa, ý nghĩa từ xưa đã lệch lạc nhiều. Bạn có cảm thấy vậy không? Nói vậy thôi chứ vẫn buông mình hớn hở hòa vào dòng chảy xiết của những ngày cuối tháng Mười Hai. Những ngày này Melbourne được kết lại bằng những góc nhìn khác, lắm mùi vị, lắm sắc màu, và quây quần sum họp.

122


TA ĐÃ Ở KIA Để một sáng mưa thưa ngồi nhìn ra cửa sổ Mây giả vờ lam cuối góc sân Cây đào nhỏ mùa đầu tiên trổ nụ Như hẹn hò e ấp tuổi chưa lo Để một trưa hoà chung tiếng nói cừơi Trời xanh lắm Mặt hồ lặng Bầy vịt trời hong nắng Ngày vẹn nguyên chân mòn dấu thời gian Để một tối vê tách trà chanh ấm Chéo chân ngồi buôn chuyện sao xa Duyên gặp gỡ như đám cỏ vườn nhà Cháy vàng ngày hạ Xơ xác ngày đông Lấm tấm hoa vàng mỗi mùa tháng Chín Để một ngày như nay như mai Mở mắt trở mình Đúng sai khôn dại Hạt gieo hôm kìa vừa nẩy mầm giữa chằng chịt mớ vân tay

123


TA ĐÃ Ở KIA Ngày kia đâu đã muốn dừng Quanh co rồi thẳng rồi chưng hửng nhìn Giữa trời giữa đất lặng thinh Bóng ai chen với bóng mình chẵn đôi Đời mơ chi lắm xa xôi Hai mươi ngón nhớ vành môi đã từng Nhịp này của bốn bàn chân Sao nghe da diết nghe thương quá chừng

124


TA ĐÃ Ở KIA Ngày hôm nay Rồi sẽ thành một ngày của hai mươi năm trước Những điều mất được Sẽ là quá khứ cả thôi Còn chăng mỗi bận ký ức dội về Cơn đau mềm dần theo ngày tháng Rồi một ngày Đâu cần những viên thuốc bọc đường dỗ dành Để kịp nhận dạng cái đẹp từ góc nhìn khác Đã bỏ lỡ Đã thờ ơ Như cuốn sách quăn bìa sau vài lần đọc lại vẫn hay Đoạn ưa thích lại dời qua nhiều trang khác

125


TA ĐÃ Ở KIA Ở đời có những bất ngờ Lật tung bao kẻ thờ ơ như mình May sao những sớm yên bình Dỗ lòng đời mấy chuyên chinh cũng đừng Bên lề mắt dõi dửng dưng Bước vào nhập cuộc đau chơi với người

126


TA ĐÃ Ở KIA Ta yêu người ta yêu tất thảy Từ cái móng tay gãy Cách ngồi buộc dây giày Những lần nắm tay thinh lặng Bất kể ngày nắng ngày giông

127


TA ĐÃ Ở KIA Lạc vào vườn của người ta Nghe thơm ổi chín nhớ xưa vườn nhà Đi qua giồng đậu luống cà Lá kia trái nọ tưởng là đà phiêu Lắm khi mình tưởng rằng yêu Hạ cơn say nắng chết cha mình liều

128


TA ĐÃ Ở KIA Ta đứng yên mà tưởng mình đi lạc Gối mỏi bong da tựa chuyến đi dài Rừng ngát sương tan đẫm lần áo vải Trưa chợt dừng hoa nắng đậu vàng sân

129


TA ĐÃ Ở KIA Những con đường Những hàng cây mùa thiếu nắng Nghe trơ trọi một vệt dài vắng gió hiu Rồi buổi sáng Rồi cà phê Nghe ấm, đắng Nhìn dòng người ra đi Trở lại Vắng bóng theo

130


TA ĐÃ Ở KIA Đêm lặng Tiếng ngáy sọc rằn Trăng dỗi sao

131


TA ĐÃ Ở KIA Em ơi Dẫu mưa thôi xối nước trầy sông Chớ bận lòng kẻ đếm người đong Cỏ xanh ngược dòng Cành hồng phải lối Từ căn gác tối vọng lời trăm năm

132


TA ĐÃ Ở KIA Nếu sợ chốn thị thành nhiều va chạm Bỏ đi nghen Về phố nhỏ vắng người Chỉ có biển Ghe chài Và những ngõ êm ru Cho tóc rối môi run Bước chân hoài chưa mỏi

133


TA ĐÃ Ở KIA

Tiếng kèn trưa đẩy đưa lời gió Ngày rất xanh ngày tròn thật lành Môi chở lời Hơi thở gánh Trĩu vai chiều lồng nhánh tóc trêu em

134


TA ĐÃ Ở KIA Có những điều muốn nói Nghĩ lại chắc là thôi Để chừng lòng ta rỗi Thầm gọi lá hoa cùng

135


TA ĐÃ Ở KIA Ngủ đi Năm cũ vừa khép lại Vườn ngoài lộc ngáy tiếng sương đêm Bụi đường câu thương mình neo mãi Nhen buổi đầu năm hương ấm. Yên

136


TA ĐÃ Ở KIA Thèm một giấc ngủ dài Quên đời nhiều nghi ngại Xoè ngang bàn tay trái Năm ngón chưa trói ràng Chân quen bước lang thang Trắng. Sương rơi đầu núi Thèm như sông như suối Khi lờ lửng trôi. Yên Khi réo siết tận lòng Khi cuối dòng như trẻ Về. Sau giấc mơ trưa Nghe lời thơ thật khẽ Môi, nhạc, bánh, trà thơm Chừng đó thôi. Ừ. Sẽ.

137


TA ĐÃ Ở KIA

Ngày mai là của ngày mai Hôm nay ta gảy cung say điệu nhàng Trời buồn mây chán lang thang Còn ta cười miết trên trang chữ người

138


TA ĐÃ Ở KIA

Rồi em sẽ một mình quay lại Đường không anh căn phố vắng hiên quen Tiếng còi tàu xẻ đôi làn khói thuốc Đành buông tay khi chẳng thể về cùng Rồi anh sẽ ngược dòng giữa đám đông Nhắn về em thôi đừng tìm nhau nữa Đóng giùm anh ngăn tim còn ấm lửa Sưởi trưa mềm chiều tạnh khách tình sau Rồi mình sẽ quên dần bóng vai nhau Khi mỗi đứa đáp tàu dừng ga cuối Khi mỗi đứa lao theo đời cặm cụi Khi quán quen lạc hương Nhánh hoa rừng Rồi anh sẽ khẽ cười nắng đầy lưng Kéo vạt áo em phủi chùm bông tuyết Hai góc đời hai múi giờ xa biệt Ủ trăng xuân thơm lựng đốt tay sần

139


TA ĐÃ Ở KIA Một cốc match bia uống gần nhà Một góc đâu đó ở Yamagata Một nơi chưa qua Một nơi dừng lại Một tiếng đàn chiều âm mãi trên vai

140


TA ĐÃ Ở KIA Tôi chọn sống đơn giản Tôi thà đi một mình Để thấy rõ mình Còn hơn hoà vào đám đông lạc lõng

141


TA ĐÃ Ở KIA Em về như lá cỏ Xanh con đường ta yêu Hong nắng biếc vườn chiều Dãi dầu rơi ngoài ngõ Em về khơi bếp đỏ Tô canh nóng ngò cay Tí tách dẻ trong lò Ấm. Trà thơm mỗi sáng Em về Hay ở lại? Mây gió những cung đường Dây đàn trông người khảy Vẫn chao lòng đôi khi Em về Thì ở lại Qua rồi đường chông gai Hương chanh đùa hương tóc Lem dần ranh đúng sai

142


TA ĐÃ Ở KIA Giữa đêm trở mình Nghe chung quanh tiếng ngáy của côn trùng Nghe sương đọng sương rơi trên tầng lá Ta với rừng từ nay bớt dửng dưng

143


TA ĐÃ Ở KIA Đang nghĩ nên viết gì vào một sáng tháng Bảy nhiều mưa Khi ngoài kia lạnh se gió ì ào từng đợt Ghi nỗi nhớ đầy lên trang giấy trắng phơ Ghi cơn mơ đêm qua ta lạc giữa rừng thông thơ, ngát Nghe tiếng hát du miên Nghe chim trời tỏ tình trên luống dâu vừa chín Ta vịn tay người len bóng nắng lặng thinh Tiếng suối chảy Hay tiếng nói lòng mình Những dấu chân chẳng mong còn in mãi Rồi ngày dài rồi mưa dầu nắng dãi Sẽ phai Chỉ còn lại ánh lửa hồng Trời đầy sao Không tin nhắn Không lời than phố thị Chỉ còn đêm chếnh choáng với trăng cao

144


TA ĐÃ Ở KIA Sớm qua tay bỗng nhớ người Nhớ cong khói thuốc dáng cười trăng nguyên Từng mơ mỗi sớm an yên Dẫu nghìn giông gió ngoài hiên chực vào Sớm nay tay cất tiếng chào Chùm hoa mận trắng nghêu ngao giữa trời Cà phê quên đắng ai ơi Móng tay võng nắng làm rơi viên đường Sớm kia giữa lối mù sương Bóng lưng áo trắng vùi hương tóc bồng Đùa rằng tháng Tám còn đông Tay còn mơ ngủ sao trông ra người

145


TA ĐÃ Ở KIA Chỉ cần một tí nắng Chỉ cần khăn mỏng thôi Chỉ cần một chút lặng Ra dáng đầu đông rồi

146


TA ĐÃ Ở KIA Nghe ram ráp sau từng cơn gió lốc Tựa bao lần chắp vá miên man trên da Đừng làm sóng mỗi bận đánh vào mang đi cả Hãy làm cỏ làm cây trên cát vẫn xanh mà

147


TA ĐÃ Ở KIA Mưa loáng nước Chiếc dù lay Đi Ở lại Tháng Mười Một đo ngày

148


TA ĐÃ Ở KIA Ta đi về hướng núi Em trôi ngược đường sông Sau lưng ngày tháng hạ Khúc quanh rừng thu trong Giấu lại tháng ngày đông Bão đôi lòng Cành hồng dựa một xuân nào ta bỏ ngỏ

149


TA ĐÃ Ở KIA Như lâu lắm tôi chẳng viết được gì Cứ quen cặm cụi theo ngày nắng ối Mùa hạ dỗi lạc giữa áo cơm cơ hội Chợt tháng Ba tràn ra giấy nghẹn lời Như lâu lắm tôi quên gọi tên người Cứ quay lưng đi miết

150


TA ĐÃ Ở KIA Ta chẳng đợi khi say lời nới tỏ Ta ngông nghênh gạt bỏ chuyện hôm rồi Đường muôn ngả tim người ta khách trọ Một đôi lần chung chén cạn rồi thôi

151


TA ĐÃ Ở KIA

Vậy đi em cứ thật tình Đời này quá ngắn cho mình dối nhau Để còn ngọt ấm về sau Quàng vai tay nắm mà đau thì đừng

152


TA ĐÃ Ở KIA Tiếng hát dội mưa Guitar lạc điệu Ngôn từ vo khói thuốc Nửa chiều

153


TA ĐÃ Ở KIA Từng hỏi bao giờ mình bỏ việc Chỉ để lang thang Để mỗi sáng ngáp dài bên ly cà phê muộn Nhìn vẫn vơ những bước chân qua Có người hối hả Có người lê la Có người tà tà trên chiếc xe đạp cũ Và khi mây giăng khi mưa vần vũ Chẳng vội che dù ướt sũng đến gân tay Mà vội gì dù cảm lạnh sáng mai Vẫn ngáp dài bên ly cà phê muộn Chẳng buồn nhắn tin Thêm chi cuộc gọi lằng nhằng

154


TA ĐÃ Ở KIA Những ngày mưa rùng mình Tiếng chuông nhà thờ vang trưa nọ Quên mình đang ở một nẻo xa Quên dấu chân trôi trên đường phố lạ Thoáng lời ca quen Cửa xanh mở hé Quen như âm thanh buổi sáng ở nhà Mùi bánh nướng trong lò Mùi cà phê thoảng nơi góc bếp nắng lem Quen như ngày ta trẻ Chưa lo mất được những ngày

155


TA ĐÃ Ở KIA Tin nhắn Đang ở đây rồi Rảnh không? Cho nhau một tối Mắt đâu nhìn rõ mặt Lời chưa đầy lời Mùi cà phê đêm đặc quánh nghe nhau Rằng Đời chật lắm Pha đôi ngày chậm Một shot biếng lười Tiếng cười nắng mật Lắc đều Sẽ thấy nhau

156


TA ĐÃ Ở KIA Thôi chẳng nói chi nhiều Chiều dán ngoài cửa sổ Bóng nắng tàn trên môi Thôi đừng tính toan nhiều Những cơn mưa bất chợt Ướt dầm rồi lại khô

157


TA ĐÃ Ở KIA Anh ơi ngoài kia mưa buồn rỉ rả Những lúc xa nhà Nhìn mưa đất lạ thương hơn Chiều trợt ướt Những kẻ gật gù Những người tỉnh rụi đạp chân mình lên tất thảy đi lui Một lần hỏi kẻ đang lạc rối gì Hắn đổ thừa những ngày không bóng Đổ thừa cả tiếng mưa câm Từng ô cửa sổ ướt ròng Soi mình trong hơi mờ đục muốn nhoè đi quên đời một lúc Muốn tỉnh táo thâu đêm nối từng ly hạnh phúc rạc rời Kẻ thức dựa lưng trông đêm Người mơ thở đều trăng bạc Những mảng trong không mùi át tiếng đêm di

158


TA ĐÃ Ở KIA Tháng đông về nỗi nhớ không tên Cây trơ bãi vắng hoàng hôn thấp Bờ áo vai người thôi tấp nập Đông về ta tiếc mớ thu qua Rồi tháng Hai những cơn mưa trái mùa tầm tã Ướt mem khoang nhớ Chạy trốn ngày lành thôi vậy Một sớm mù sương chợt nhận ra tim mình run rẩy Vì mưa nghịch mùa vì gió nghịch với mây kia Vì dẫu muộn màng khóc cười bao nhiêu vụn vỡ Máu vẫn ngược xuôi đầy ắp những khoang hồng Và tháng Hai Nỗi nhớ dịu dần nghe bớt long đong Trên phố chiều nay va vào nhau những bờ vai ấm nắng.

159


TA ĐÃ Ở KIA Hôm qua chạy xe lạc vào con đường nhỏ Bên góc chợ lâu đời Quán cà phê góc đường không còn nữa Giờ quán bán linh tinh Tiệm sách bên hông cũng không còn nữa Bên trong tiếng nhạc xập xình Nhớ những ngày đại học Lật tới lật lui ghé đôi ba bận Chẳng đủ tiền mua Tuyến xe tram 19 vẫn leng keng quẹo ở cuối đường Một thời tơ mơ Bốn năm dài tưởng chừng đăng đẳng Mà lại quá ngắn vô lo? Giảng đường đâu dạy tôi tất cả Là những ngày thực tập Là những ngày chạy vắt giò sau giờ học đến làm thêm Là những đôi co Rồi thứ Bảy quẩn quanh tìm Là ba tháng hè lẩn quẩn kéo cày không ngơi nghỉ dạy tôi khôn Vẫn dáng oắt con Mái tóc cua tròn Tôi đời hơn đời tưởng Mười tám hai mươi hai hai Biến tấu từng ngày trôi qua như thế Chân trong giảng đường chân cao thấp nắng mưa Nhớ lại những giờ nghỉ trưa Những hôm nắng thừa Tôi từng trẻ con hơn tôi tưởng

160


TA ĐÃ Ở KIA

Chỉ mới hơn bảy giờ sáng mà nắng đã tràn vào cửa sổ. Nắng trải vàng cả thảm cỏ còn lấp lánh sương. Lạnh chứ chưa ấm, nhìn vậy đừng có tưởng lầm mà phong phanh áo mỏng. Ghé vào đổ xăng khi còn cách chỗ làm chừng 10 phút. Sáng nay ít xe, đường thoáng. Chắc nhờ nắng vàng. Một tay cầm vòi cho xăng vào xe tay kia vẫn giấu trong túi áo dày, mắt nhìn lơ đãng ra trạm xe bus phía trước. Hai cô bé mặc đồng phục vừa cười lớn vừa bước lên xe, váy ngắn lại chẳng thấy mặc áo khoát, tóc tóm cao lắc lư. Phía sau tự nhiên có tiếng nói mà không biết phải nói với mình hay với ai "Sáng nay trời đẹp cứ như bắt đầu xuân". Tôi cũng nói một câu vừa như tự nói với mình vừa trả lời người kia "ừ, nắng nhiều. Còn ba tuần nữa hết mùa đông". Nói về thời tiết cũng là một cách làm quen và bắt đầu câu chuyện. ít nhất là đối với tôi. Hồi mười mấy tuổi cho mấy câu bâng quơ kiểu này nhạt nhẽo nhưng càng lớn hay càng già mình thay đổi lúc nào không hay. Đổ đầy bình xăng, trả tiền rồi lái xe đi tiếp. Nắng vẫn đổ đầy ngoài sân, tôi mở cửa lách vào bên trong để bắt đầu một ngày thứ Hai lắm việc. Ngày duy nhất trong tuần được dân gian ưu ái đặt tên "Mondayitis". Một triệu chứng thì đúng hơn. Sau 5 giờ cuối chân trời còn ưng ửng chút hồng xanh. Trong và sáng. Quẹo vào con đường nhỏ quen thuộc lại giật mình vì hoa mận đã nở hồng một góc vườn kia. Cái cây đó không biết đã bao nhiêu tuổi, năm nào cũng hăng hái nở sớm nhất lại rực rỡ nhất con đường. Trời vẫn lạnh nhưng đã bớt vẻ âm u của buổi chiều mùa đông. Mọi thứ có vẻ hớn hở hơn thứ Hai tuần trước. Nếu những cây đào thôi không chờ xuân nữa Mà nứt mình rạng rỡ giữa đông Và hai ta thả rong trên bãi biển hoang sơ nào đó Ta đã từng mơ Nếu một ngày những điều kia có thật Chúng mình sẽ buộc những vết thương vào nhau Gá hờ đêm trăng khuyết

161


TA ĐÃ Ở KIA Ngày bắt đầu khi nào Có lẽ từ khuya Ta yêu những đôi mắt còn ngáy ngủ Ta yêu những nụ cười lúc méo lúc tươi Ta yêu những đôi tay sống một ngày hơn hai mươi bốn tiếng Ta yêu những gì cho ra vô điều kiện Và yêu hơn lời nói vô duyên mà rất thật lòng Ngày bắt đầu khi nào Ngày thật dài hay quá ngắn Ngày cho đi hay nhận lại nhiều hơn Có tiếng cười trong trẻo Có bao bàn chân nhỏ vô tư Đời nhẹ tênh, hơi thở nhẹ tênh Buồn vui rồi cũng qua Ta yêu hôm nay Ngày rất dài màu mắt vẫn lung linh... Một thứ Sáu chạy vắt giò lên cổ từ sáng sớm đến chiều. Sự sống căng tràn ra đó nhưng đôi khi rất mong manh, mỏng đến nỗi chỉ cần một chiếc khăn trắng đã đủ ngăn hai thế giới.

162


TA ĐÃ Ở KIA

MANAZURU-Những ngõ êm ru Trên đường đi, có những ngả rẽ đưa mình đến những nơi không định trước. Chỉ lỡ một con đường hay quẹo nhầm hướng ở ngã ba cũng đủ để lạc vào một nơi thú vị đầy bất ngờ, ngạc nhiên như có ai đó đặt món quà bên cửa chẳng để lại lời nhắn hay dấu hiệu của chủ nhân. Sau một ngày ngược xuôi, trở về nhà và phát hiện điều bất ngờ kia khi đang loay hoay tìm chìa khóa. Manazuru là một trong vài ngả rẽ tôi may mắn được đặt chân qua. Đã vô tình thấy ảnh ga Manazuru buồn hiu xám xám khi vào google tìm chỗ trọ ở Hakone. Một nơi tôi chưa từng nghe tên, một chấm bé tẹo ngay vịnh Sagami thuộc tỉnh Kanagawa. Nơi này được tạo thành bởi nham thạch của núi lửa, có lẽ đá trong vùng nổi tiếng cũng vì vậy. Từ xưa giờ trưởng giả mới xây nhà và đắp mộ bằng đá Manazuru. Một buổi chiều trời trong im gió. Con đường về nhà hẹp lại không có đường dành cho người đi bộ. Vừa kéo va ly vừa lắng nghe tiếng xe sau lưng, có xe chạy tới phải đứng lại nép sát vào tránh đường. Qua trạm cảnh sát. Qua cái bưu điện. Qua tiệm thịt. Cứ lên dốc, hai bên có nhiều hẻm nhỏ rộng chừng một mét và giấu trong đó là những căn nhà rộng hơn mình tưởng. Những khu vườn nhỏ trên dốc cao chưa hoa, lưa thưa lá, mùa đông chắc lạnh teo. Lâu lâu nghe tiếng chó sủa ăng ẳng, tiếng bước chân sát rào, nắng mềm dọi qua khung cửa gỗ. Hai bạn trẻ chủ nhà làm nghề viết, nghề in. Một đến từ Yokohama và một từ Hiroshima. Họ dọn về đây được gần hai năm. Đây là nơi để sống, để ở lâu dài chứ du lịch lắm người sẽ cho là chán ngấy. Từ ga ra bến cảng cũng có mỗi một con đường chính với năm bảy hẻm nhỏ như cái xương cá. Vì vậy chẳng có dịp mở tấm bản đồ ra, nó nằm yên trong giỏ đến ngày sau. Hai tiệm tạp hóa, một 7-Eleven, vài tiệm ăn, tiệm chụp hình, tiệm bánh mì, một khu sinh hoạt chung, một ngôi chùa trên cao. Nhìn chung có vẻ cũ kỹ, hai mặt phố đều sờn, kiến trúc đơn giản như những chiếc hộp được đặt sát nhau. Hai đứa tôi đi một lúc lại ghé vào hẻm nhỏ, chẳng thấy bóng người hay bóng xe. Đất nhìn khô cằn vậy mà với miếng đất nhỏ phía trước nhiều nhà có khuôn viên rất đẹp, trồng đủ loại cây kiểng có kích thước khá khiêm tốn. Có nhiều nhà trồng được cây bưởi trái vàng ươm nhìn không chán mắt. Biết là chua nhưng nhìn mê quá. Cứ đi như vậy mà gặp bao thứ hay ho. Gia đình kia làm nghề ướp cá, phơi cá bán đã năm đời, họ chỉ bán tại gia. Cá đủ loại, toàn cá được đánh bắt đem về cảng Manazuru. Nhìn cách họ pha muối, pha rượu, đo nồng độ rồi thả từng miếng cá vào, rồi vớt ra, rồi đóng gói cá khô cũng đủ hiểu tại sao nhiều người từ các tỉnh khác lại lặn lội đến đây mua. Tôi mua hai miếng, một ướp bằng rượu và một ướp muối về ăn thử. Chỉ phơi một nắng hay sấy vừa héo nên thịt cá còn mềm, tươi và ngọt. Bỏ vào lò nướng vàng, thêm một cốc rượu sake ấm, nhấm với cải chua, đã đời. Đi ghé chỗ này chỗ kia nên khi đến bến cảng trời cũng vừa sụp tối, mặt trời lặn đâu mất. Nhiều tàu đánh cá đã về, chiếc này đậu sát chiếc kia đủ cỡ đủ màu. Xung quanh vắng lặng, chỉ thấy xa xa vài chiếc bóng nhỏ đang đứng trên bờ đá thả câu. Ngọn hải đăng ngoài xa cũng tối thui, chẳng thấy ánh đèn nào cả. Tôi ngồi nhìn thẳng ra bến, trời bắt đầu có sương. Co ro. Có thể ngồi đó hàng giờ, chẳng nghĩ gì, chẳng nhớ một ai, chỉ nhìn và nghe…yên lặng. Hành trình dù ngắn hay dài đôi lúc tôi nghĩ cũng cần những phút như thế để soi lại chính mình, để “sạc pin” bộ óc và cả tứ chi. Nhưng nhiều người biết đến Manazuru không phải là bến cảng buổi chiều buồn thiu đó, mà là Cape Manazuru. Nơi có ba cục đá lớn hình cánh quạt còn 163


TA ĐÃ Ở KIA được gọi là Mitsuishi, là biểu tượng của vùng này. Đây cũng là nơi để người dân quanh vùng ra đón ánh mặt trời đầu tiên của năm mới. Sáng hôm sau tôi mon men ra cho biết. Từ bến cảng, băng qua một cánh rừng nhỏ là bắt gặp một cái đẹp khác thoáng hơn, bao la hơn. Một dãy các cây đào cao to dẫn ra lối đi xuống biển. Có vài cánh phớt hồng, còn lại là chi chít nụ. Đến khi hoa nở đều thì ở đây tôi chắc là nơi ngắm hoa có một không hai vì thấy được cả màu biển xanh tít mù. Ngày nắng trong còn có thể nhìn thấy mấy hòn đảo chung quanh. Nhìn xuống phía xa là hai cục đá to hình cánh quạt, khoảng giữa có sợi dây nối để người ta buộc vào những lời cầu nguyện. Hỏi ra mới biết cục đá thứ ba đã bị sóng đánh ngã mấy năm rồi. Có lẽ buộc miếng giấy trắng nhỏ ở một nơi xa tít ngoài biển, nơi mà tùy vào con nước, tùy vào sức khỏe đôi chân mới đến được thì lời cầu xin hay khấn nguyện sẽ linh thiêng hơn. Từ trên cao đi xuống bãi biển có rất nhiều bậc thang, dốc hơi đứng. Ở lưng chừng có một quán cà phê sơn toàn màu trắng. Rộng và thoáng với vài chiếc bàn vuông ghế vuông bên ngoài. Trang trí đơn giản bằng mấy chậu bonsai ở bốn góc. Khi tôi đi qua quán chưa mở cửa, hay họ chờ hoa nở rộ hay chờ hè? Ở đây vào ngày nắng ấm tôi nghĩ mình có thể ngồi cả ngày với nắng với gió biển, tạm gác bao xuôi ngược trên kia. Sáng đó thủy triều xuống, bãi biển toàn đá là đá đủ hình đủ kiểu được phơi ra, bên trên rêu bám đầy. Bước trên những cục đá này đi ra được đến nơi treo giấy cũng đủ thành tâm rồi. Tôi đi chừng hai mét phải mở giày ra, vừa đi vừa gồng bấu chân vào đá cố giữ thăng bằng. Đi được chừng nửa đoạn đường chân run quá nên bỏ cuộc quay vào. Chưa ra đến nơi nhưng đã cầu nguyên trên từng bước chân, và lời cầu xin đã được linh nghiệm. Bạn biết tôi xin gì không? Đầu tiên là đi trở vào được an toàn không trợt té bể mông và sau là có một chuyến đi không bị sứt mẻ gì. Đã về bình an, có ốm đi nhưng tâm trí rất nhàn. Manazuru nhỏ như một làng chài thời đại mà tôi chưa từng nghe nhắc đến mặc dù ở gần Odawara và Hakone. Con đường về nhà lên xuống dốc bất chợt, nhà được giấu trong cái hẻm bé xíu lên mấy bậc tam cấp, thêm hàng cây nửa lớn nửa bonsai trước nhà. Vì mấy thứ linh tinh như thế mà tôi đã chọn nơi này. Buổi sáng, kéo vẹt cánh cửa mỏng, cái lạnh thoảng vào nhà mang theo mấy chùm nắng non đầu xuân. Đôi chân dưới bàn được sưởi, tay vân vê ly trà thô ấm. Mùi trà xanh quyện vào với cái trong trẻo sớm mai, ước gì đừng đi nữa.

164


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.