Một số địa danh gốc khmer ở sóc trăng khoa nam

Page 1


MỘT SỐ ĐỊA DANH GỐC KHMER Ở SÓC TRĂNG Tác giả: Khoa Nam Nguồn: Website SoctrangOnline Sưu tầm hình ảnh và thực hiện ebook: Goldfish Ngày hoàn thành: 16/11/2007 http://www.thuvien-ebook.com Trong bài Sóc Trăng ngay nay, tác giả Nguyễn Đức Hiệp viết: “Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội tập, nơi đất lành chim đậu, của các dân di cư đến khẩn hoang lập nghiệp từ đầu thế kỷ 17. Người Việt từ miền Trung (chủ yếu là vùng ngũ Quảng), miền Bắc cùng với người Hoa Minh hương đến vùng đồng bằng còn hoang vu, sông ngòi chằng chịt, cây cối um tùm để định cư. Họ bỏ quê hương vì hoàn cảnh nghèo khó, loạn lạc hay tị nạn chính trị để lập lại một cuộc sống mới. Họ sống chung với dân bản xứ Khmer và sau bao nhiêu năm chung sống, môt sắc thái Nam bộ đặc biệt được tạo ra từ ba nguồn văn hóa chủ yếu: Việt–Hoa–Khmer, trong hoàn cảnh ưu đãi với môi trường thiên nhiên rộng lớn, đất đai trù phú. Tượng trưng cho sự hòa trộn đó thì không có nơi nào được thể hiện rõ hơn là ở khu vực bao gồm tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu”. (Nguồn: website Vietsciences) Ở Sóc Trăng, người Khmer, đông nhất trong số các địa phương có người Khmer sinh sống, chiếm khoảng 29%; người Hoa chiếm khoảng 5% dân số toàn tỉnh. Vì Người Khmer có mặt từ trước nên số địa danh gốc Khmer rất nhiều. Trong bài MỘT SỐ ĐỊA DANH GỐC KHMER Ở SÓC TRĂNG được chép lại dưới đây, tác giả Khoa Nam đã nêu ra trên 40 và trong số đó còn nhiều địa danh tác giả chưa tìm được lời giải thích. Số còn lại này, “Nếu ai biết thêm xin chỉ dạy cho tôi. Cảm ơn”. Tác giả Khoa Nam tên thật là Lý Phước Khoa Nam, quê Sóc Trăng, là người đã cùng vài người bạn đồng hương ở Úc lập ra trang web web www.soctrangonline.net Để tiện tham khảo, ngoài các chú thích tôi còn đưa vào phần Phụ lục các bài sau: Truyền thuyết về địa danh Nhu Gia của Khoa Nam Truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng của Khoa Nam Truyền thuyết về địa danh Bãi Xàu của Vương Khánh Hưng Truyền thuyết địa danh trong văn học dân gian Khơme Nam Bộ của Phạm Tiết Khánh. * * *


(Chùa Khleng, một trong những chùa Khmer cổ nhất ở Sóc Trăng) Hơn 3 thế kỷ sống cạnh nhau, người Việt vẫn dùng nhiều tên địa phương bằng tiếng Khmer do đồng bào Khmer đặt ra từ xưa. Nhiều tiếng bị đọc trại thành ra tiếng Việt, viết y như tiếng Việt nhưng dĩ nhiên là không có ý nghĩa gì cả nếu người đọc không biết tiếng Khmer. Nói thí dụ như Ksach (cát) đọc thành Kẻ Sách, Cải Sách, Kế Sách; Salôn, Xà Lôn đọc thành Trà Tâm; Bassac đọc thành Ba Thắc; Srok Khl'eang đọc thành Sóc Trăng... Dưới triều Vua Minh Mạng, triều đình có ý đổi tên những dịa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer ở Nam Kỳ thành ra chữ cho Nho có vẻ văn hoa hơn như Sóc Trăng gọi là Sông Trăng và chữ Nho là Nguyệt Giang. Xã Phnô hay là Phnor thì đổi lại là Phú Nổ... nhưng đồng bào không dùng. Khi người Pháp đô hộ thì lại dùng tên địa phương y như cũ nhưng lại âm trại ra một cách buồn cười. Ví dụ như cửa biển Trần Đề ngày ấy là Tran Di, Tran Đi, Tranh Đề... Cù Lao Dung lại viết là Cù Lao Giung, Cù Lao Huình Giun Châu... Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa ở Miền Nam, chính phủ lại đổi hẳn những tên ấy ra tiếng Việt, nhưng đối với người Việt gốc Khmer, họ vẫn dùng tên cũ như thuở trước. Trải qua những lần đổi thay và địa danh tiếng Khmer bị Việt hóa hầu hết nhưng người Việt gốc Khmer vẫn giữ tên địa phương theo tiếng nói của mình trong khi trò chuyện với nhau vì thế tên ấy vẫn tồn tại mãi. Về ý nghĩa thì mỗi địa danh đều có một hoặc nhiều sự tích để lý giải cho tại sao lại có tên ấy. Nhưng cũng có địa danh mà hỏi đến là tại làm sao mà có thì cũng đành chịu. Trong bài viết này, tôi chỉ xin sưu tầm các địa danh đã được các học giả tiền bối sưu tập sẵn trong các tập sách của họ và đem vào bài viết này phục vụ cho người Sóc trăng và cả những ai quan tâm tìm hiểu về Sóc Trăng. * Dưới đây là một số địa danh do tôi góp nhặt lại từ nhiều nguồn khác nhau xin trình bày ra để chúng ta cùng nhau tìm hiểu. Trước tiên tôi xin trình bày một số thuật ngữ liên quan trước khi vào nội dung chính để bài viết dễ hiểu hơn. * Bưng: tiếng Pháp viết là “Beng” (đây là một lối phiên âm giọng người Khmer


trong tự điển tiếng Pháp). - Bưng: là đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ. Bưng là do tiếng Khmer là là “trapéang” đổi ra “péang”, bâng, bưng nói dồn lại. (Theo Vương Hồng Sển). - Bưng biền: do “bưng” (tiếng Khmer) ráp với “biền” (Chữ Hán) biên, bờ dọc mé sông. - Beng: một danh từ tìm thấy trong quyển “Monographie de la province de KompongCham”, có nghĩa là ao lấp xấp nước. Đây là một lối viết theo giọng người Khmer, mà cái ta gọi là “bưng”. Ví dụ: Beng Thom: bưng lớn, Beng Kok: bưng Cót, Beng Trop: bưng Tróp... Nói tóm lại: beng, trapéang, prha-bang... chưa được thống nhứt về các viết, cách phiên âm nhưng hiểu đó là vũng sâu, sâu cấy lúa được, lội đi bắt cá tôm được không sợ chết đuối, vì nước tới bụng tới ngực là cùng. Bưng Trấp: đất bưng cỏ (trấp là cỏ). (Huỳnh Tịnh Của). * Giồng: gò, cuộc đất cao do sóng đánh và gió thổi làm nên. Ở miền Nam có nhiều cát hợp thành đụn, thành giồng, rất ít nước nhưng khi đào được giếng thì nước rất tốt, trong và ngọt: đất giồng, ruộng giồng, giếng giồng. Ở Sóc Trăng có giồng Lình Kía (giồng Long Tử, tiếng Triều Châu lình là long, kía là tử, là con). Ca dao có câu: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang...” * Sóc: ngày xưa “sóc” được viết là “sốc” tức là xứ sở, là thôn xóm của người Khmer ở. * Vàm: tiếng này ngoài Bắc trước đây không có nên không có trong nhiều cuốn tự điển in ở Hà Nội. Vì dùng thường quá tưởng đâu đó là tiếng Việt, khảo ra mới biết nó vốn là tiếng Khmer, ta đã Viêth hóa từ hồi Nam Tiến. Péam là cửa biển, cửa sông. Người trước trong Nam dịch là “Vàm”. Ông Nguyễn Tạo không thấy chữ “vàm” đã dịch “Péam” là “phiếm” Ông Chưởng thay vì Vàm Ông Chưởng. (Vương Hồng Sển) *

(Viện Mỹ thuật Khmer)


1. Ba Thắc: Tên một địa danh thuộc vùng Sóc Trăng cũ. - Ba Thắc: tiếng Khmer là Păm prek Bàsàk (di cảo của Trương Vĩnh Ký trong Le Cisbassac). - Ba Thắc: tên gọi tiếng Khmer của một vị thần hay còn gọi là nặc tà, ông tà của người Khmer, có miếu thờ ở Bãi Xàu cũ. Đại danh Ba Thắc bên Campuchia cũng có. Tương truyền ông Ba Thắc là một vị hoàng tử người Lào đến sống vùng đất trên đường đi Tham Đôn, Mỹ Xuyên ngày nay. - Ba Thắc: trong sách Pháp có 3 nghĩa: a. Vùng đất liền từ mé Hậu Giang, giáp vịnh Xiêm La (Thái Lan) từ Châu Đốc xuống Bạc Liêu. Người Khmer gọi là Srok Bàsàk, người Pháp gọi là Transbassac; năm 1836 đặt làm phủ Ba Xuyên gồm 3 huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định. Thời Pháp thuộc gọi là Sóc Trăng. (Vương Hồng Sển). b. Tên của chi nhánh Cửu Long Giang là Sông Hậu (tên chữ là Hậu Giang - hậu là sau, giang là sông, Hậu Giang là sông ở phía sau, đối với Tiền Giang là sông trước). Sông Ba Thắc chảy từ biên giới Campuchia ra biển Đông qua các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng. c. Tên một trong 3 cửa sông Hậu Giang gồm Định An (mé Trà vinh), Ba Thắc và Trần Đề. (1) 2. Ba Xuyên: - Ba Xuyên là tên địa danh Sóc Trăng xưa. - Ba Xuyên là tên chữ Nho của một con sông tiếng Khmer là “BàSàk”, tên nôm là Ba Thắc. 3. Bãi Xàu: - Bãi Xàu là tên Nôm của huyện Phong Nhiêu thời đàng cựu ở Sóc Trăng ngày xưa, nay là thị trấn Mỹ Xuyên. Đây là một thị trấn buôn bán lúa gạo lớn vào bậc nhất thời Nam Kỳ Lục Tỉnh. - Địa danh Bãi Xàu là do chữ “Bai chau” có nghĩa là “cơm sống” trong tiếng Khmer đọc trại ra. (Xin xem thêm phần Truyền thuyết địa danh Bãi Xàu). (2) 4. Bố Thảo: - Bố Thảo là tên Nôm của làng Thuận Hòa, tên chữ là “Phụ Đầu Giang” còn tiếng gốc Khmer là “păm (péam) prêk Tumnup. Păm là vàm, prêk là sông, kinh, rạch. Còn Tumnup trong tự điển Pháp Khmer thì cũng viết là tămnup, tâmnop: barrage có nghĩa là chặn lại, rào chắn, đập chắn. Người Khmer địa phương đọc là “tà Nóp” vì không nói được đúng chữ, đúng giọng như sách viết. Người Triều Châu ở đó dịch ra là “ Pâu Tháo” rồi biến lần ra là “Phụ Đầu”. Trong sổ bộ ngày xưa viết là Bố Thảo, sau đổi thành làng Thuận Hòa. Theo cụ Vương Hồng Sển thì nơi vàm kinh này ngày xưa quả là có bị người Khmer chặn lai.


- Địa danh Bố Thảo người Triều Châu (người Tiều) gọi là Pâu Tháo, nghĩa là đầu rạch (“tháo” là đầu). Năm 1827, Chauvai Lim là quan Chân Lạp nổi loạn chống lại triều đình nhà Nguyễn. Lim đóng quân tại Bưng Tróp, sai đắp một cái đập để chận đường thủy của quan trên Châu Đốc xuống tiếp viện binh Nam. Đập ở ngay ngọn rạch nên người Triều Châu gọi là “Pâu Tháo”, và nơi đóng quân gọi là “Xin Xụ” (tức là Tân Trụ). 5. Bưng Samo: thuộc làng Hòa Tú xưa, nay là xã Hòa Tú. Bưng Samo là đọc từ chữ Khmer là “Bưng Thmo” có nghĩa là ruộng có lộn đá. Bưng Samo là vùng ruộng điền của Bà Phủ An (người giàu nhất Sóc Trăng thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, có câu thiệu để nói về 4 người giàu nhất Sóc Trăng xưa như sau:” Nhất An, Nhì Phát, Tam Chánh, Tứ Định”). Bưng Samo trước đây có sản xuất một loại lúa ngon cơm nổi tiếng là lúa “samo”. 6. Bưng Cóc: Tên một là Khmer, nay là Xã Phú Mỹ (3) 7. Bưng Snor: nay là xã Viên An. 8. Bưng Tróp: Kompong Tróp. 9. Cần Giờ: “Phnor Cần Chơ” tức là “giồng cát chân đèn” (phnor là giồng cát, cần chơ là chân đèn). 10. Mã Tộc: Ma Ha Tup. 11. Giồng Có: Kompong Ko (chữ này chỉ dịch lấy âm chứ không lấy nghĩa, nếu dịch ra là Vũng Bò hay Vũng Gù). 12. Sóc Vồ: Srok Pou (srok là sóc, Pou là cây Lâm Vồ, cây Bồ Đề) 13. Phú Nổ: phnor, phnaur là mồ mả, đất nổi cao. - Theo ông Đào Văn Hội là do chữ Phorokar (giồng cây rokar) mà ra. - Ông Vương Hồng Sển lại cho chữ Phú Nổ là từ chữ “Pho-phkar” (giồng hoa) mà ra. Tiếng Khmer “phkar” là hoa. - Theo một người bạn tôi ở Phú Tâm thì bảo “Phú Nổ” là “Phật Nổi” vì ở Phú Tâm có chùa “Phật Nổi” nhưng tiếng Khmer “phật nổi” nói như thế nào và âm vị có liên quan hay không tôi chưa có dịp xác định. 14. Giồng Văn Trạch: Kompong Trach 15. Giồng Trường Kế: phnor sângke (sầu ke). Trường Kế là ký âm tiếng Hoa từ tiếng Khmer. Sângke là cây Trâm Bầu, người ta có thể lấy lá Trâm Bầu vấn thuốc hút. Vùng này có nhiều cây Trâm Bầu (Sângke) nên gọi là giồng Sângke. 16. Long Phú: Bang long (giếng nước). 17. Tát Giồng : Prassat Kong (tháp nhà Phật). 18. Tham Đôn: Kompong Đôn (dịch lấy âm chứ không lấy nghĩa là “vũng dừa”). 19. Nhu Gia: Sampou Thleai (xin xem thêm phần truyền thuyết về địa danh Nhu Gia).


20. Tài Sum: Xoài Cả Nả là tên xưa của xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng. Khi trước tên gọi này rất được trọng dụng, ngày sau ít dùng và ít ai biết. Nguyên gốc chữ “Xoài Cả Nả hay Xoài Ca Nả là do mượn từ tiếng Khmer là “Xoài Chrum”, ta việt hóa thành “Tài Sum”, người Hoa lai Việt lại gọi là “Xoài Cả Nả” lấy ý rằng lúc xưa làng ấy là một rừng xoài, người nào đến đó, khi trở về nhà đều mang về cả một giỏ xách - “cả Nả” xoài (Nả - một loại giỏ xách bằng tre có nắp đậy của người Hoa thường dùng. Ngày nay ta vẫn còn thấy người Hoa dùng giỏ này dựng đồ đi cúng chùa, cúng Thanh Minh, Khoa Nam). Phong tục cổ thời, người đi đường đều mang theo cái Nả đương bằng Tre để dựng thập vật từ áo quần, trầu thuốc, đến thức ăn... Từ danh từ “Xoài Chrum” rồi phiên âm lại thành “Tài Sum” sau lại sáp nhập với làng “Trà Tâm” kế cận nên biến nên xã Đại Tâm , vì chữ “Tài” sau đổi lại thành chữ “Đại” và “Trà Tâm” sót lại chữ “Tâm”. Làng Trà Tâm là do tiếng Khmer là “Xà Tim” có lúc được dịch là “Trà Tim” mà có. 21. An Tập: Kompong top (Vũng Tọp??? Địa danh này ở đâu???) 22. Chung Đôn: Kompong Đôn (cũng là có nghĩa là vũng dừa và được dịch lấy âm, nhưng đây là một địa danh trên phường 8, Sóc Trăng ngày nay, khác với Tham Đôn bên Mỹ Xuyên). 23. Văn Trật sau viết là Văn Trạch: kompong Trach. Nơi đây có chùa Khmer có tượng phật cổ “4 mặt” cùng thời với Đế Thiên - Đế Thích bên Campuchia. 24. Lịch Trà: Prêk Trâkuon (tâkon, tra coun) còn được gọi là Trà Cuôn có nghĩa là rạch rau muống. 25. Tuân Tức: Pong Tuk có nghĩa là trứng nước (bọt nước, người Khmer gọi bọt nước là trứng nước).(4) 26. Bưng Xa Mau: beng smau (bưng cỏ). 27. Cù Lao Dung: ngày xưa còn được gọi là Cù Lao Giung, Cù lao Giun, Cù lao Cọp (vì có nhiều cọp), Cù Lao Hổ Châu (tên chữ nho của Cù Lao Cọp), Cù Lao Huình Dung Châu tiếng Khmer là “kòh Tum”. (Kòh Tum là chim Bồ Nông còn gọi là chim “Thằng Bè, chim Chàng Bè” nên người Khmer gọi đây là Cù Lao Thằng Bè). 28. Chác Văn: Chak To Tưng có nghĩa là “lá dừa đâm ngang”, sau đổi thành Chắc Tưng, rồi Chác Văn sau nhập với một làng khác thành Tài Văn. 29. Vũng Thơm: Kompong Thom (dịch lấy âm không lấy nghĩa). Kompong Thom có nghĩa là “Vũng Lớn” ở Campuchia cũng có Kompong Thom (5). 30. Chắc Đốt: tên một làng ở Sóc Trăng xưa, nay là Gia Hòa. Ở đây có một con sông cũng gọi là sông Chắc Đốt do tiếng Khmer là “mo chap, mo đott” nghĩa là một tay bắt cá (mo chap) một tay xỏ cá vô dây “lạt cà bắp” (mo đott), đủ hiểu cá ở sông này nhiều không biết cơ man nào mà kể, bắt không kịp xỏ vào dây. (Vương Hồng Sển).


- Làng Chắc Đốt (chánh danh trong bộ là làng Gia Hòa thuộc tỉnh Sóc Trăng (năm 1946), tục danh là làng “Lá Banh”. Người Khmer gọi là làng “Chắc Đốt”, giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu. Như đã nói ở trên, địa danh Chắc Đốt có nguồn gốc từ tiếng Khmer có nghĩa là tay bắt cá, tay xỏ cá tươi vào dây “lạt cà bắp”. 31. Cái Quanh: Giếng Nước. 32. Văn Cơ: tên một làng Khmer trên đường đi Đại Ngãi, sau dịch là Trường Kế và cũng gọi là Văn Cơ, người Hoa gọi là Sầu Ke. 33. Tham Đôn: Kompong Đôn (Vũng Dừa). (địa danh này ở Mỹ Xuyên). 34. Cổ Cò: kòh Co (tiếng Khmer Kòh có nghĩa là con Cò). 35. Sóc Trăng: Srok Khl'eang có nghĩa là “xứ kho bạc”.(6) Trên đây là một số địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer mà ra do tôi góp nhặt được từ nhiều nguồn, nhiều nhà khảo cứu, nhà sử học như Vương Hồng Sển, Trương Vĩnh Ký, Trịnh Hoài Đức, Lê Hương.... Dĩ nhiên là Sóc Trăng vẫn còn nhiều địa danh Khmer khác mà tôi chưa hiểu nghĩa như Tổng Cán, Dù Tho, Tam Sóc, Trà Canh, Ba Rinh... nếu hiểu ra chắc là thú vị lắm. Nếu ai biết thêm xin chỉ dạy cho tôi. Cảm ơn. Melbourne 23/06/2004 Tài Liệu Tham Khảo Chính: - Trương Vĩnh Ký (1997). Petit Cours De Géographie De La Basse-Cochinchine. Nhà Xuất Bản Trẻ. Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải. - Vương Hồng Sển (1993) Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam. Nhà Xuất Bản Văn Hóa.

Các Tài Liệu Khác: - Lê Hương (1969). Người Việt Gốc Miên. Hồng Anh thư Xã Australia phát hành lại. - Trịnh Hoài Đức (1998). Gia Định Thành Thông Chí. Nhà Xuất Bản Giáo Dục. Đỗ Mộng Khương & Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch. Đào Duy Anh hiệu đính. - Vương Hồng Sển (1994). Thú Chơi Sách. Nhà Xuất Bản Mỹ Thuật. - Vương Hồng Sển (1996) Hơn Nữa Đời Hư. Nhà Xuất bản Văn Hóa. - Vương Hồng Sển (1998) Phong Lưu Cũ Mới. Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh.


(Chùa Mahatúp – Mã tộc, tục gọi chùa Dơi) -------------------------Chú thích của Goldfish: (1) Theo tác giả Hoàng Xuân Phương trong bài Lục bình trôi, tạp chí Kiến thức ngày nay số 621 ngày 10.11.2007, 3 cửa đó là Định An, Bát Xắc và Tranh Đề. Trên Diễn đàn trường Đại học Cần Thơ ghi: “Tương truyền ông (Ba Thắc) là một Hoàng Tử người Lào, không biết vì lý do gì ông đến ngụ tại nơi có ngôi chùa thờ ông trên đường đi Tham Đôn, Mỹ Xuyên và mất ở đấy nay vẫn còn miếu thờ và đề là “Ba Thắc Cổ Miếu” tiếng Khmer gọi là “Vat Luong Bassac”. Miếu này lúc đầu cất bằng cây theo kiến trúc Khmer. Năm 1927, ông Lê Văn Quạnh là người gốc Tàu và một số thân hào trong vùng quyên tiền cho cất lại miếu theo kiến trúc Trung Hoa dạng “bán cổ - bán kim” làm mất đi di tích xưa. (theo SocTrangOnline)”. (2) Tôi không thấy truyền thuyết này trong bài viết của tác giả nên Truyền thuyết về địa danh Bãi Xàu được chép ở phần phụ lục, trích từ bài Bãi Xàu xưa và nay của Vương Khánh Hưng. (3) Câu này tối nghĩa, đánh máy sai chăng? Trên Diễn đàn Trường Đại học Cần Thơ ghi: “Lâu ngày viên (quan) Chauvai Srok lấn quyền Snet Phubal. ChauVai Srok có danh xưng là Lâm, tục gọi là Lim, cai trị vùng Sóc Trăng và cho đào nhiều kinh như rạch Beng Kok (rạch Bưng Cóc) ở làng Phú Mỹ và kinh Tà Lim. (theo SocTrangOnline)”. Như vậy tên Bưng Cóc là do tiếng Khmer là Beng Kok mà ra). (4) “(…) những mãng trứng nước màu xanh nở ven bờ làm cho dòng sông Cửu long trở thành bức tranh ấn tượng” (Hoàng Xuân Phương, bài báo đã dẫn). Trứng nước này, có lẽ là loài thực vật thuỷ sinh, chỉ xuất hiện khoảng một tháng vào đầu mùa nước nổi. Nhiều người vớt về bán cho các hộ nuôi cá giống. Con bo bo, màu đỏ, thường thấy ở nơi ao tù, nước đọng cũng được gọi là trứng nước. Ngày nay nhiều nuôi con vật li ti này bán cho các cửa hàng cá cảnh hoặc các hộ nuôi cá giống. Pong Tuk có lẽ là trứng nước “xanh” vì có người cũng gọi là bọt nước. (5) Thom là lớn, không biết đọc là “thơm” hay “thum”. Tiếng Khmer “thum” là lớn. Ở vùng Châu Đốc (An Giang), nhiều người Khmer gọi bò lai Sind là bò lai Thum vì giống bò này lớn hơn giống bò địa phương. (6) Theo Dohamique trong bài Người Chăm nơi đồng bằng Cửu Long: Sóc Trăng là do chữ Srok có nghĩa là khu vực làng xã; còn Trăng là do chữ Tlăng có nghĩa kho vàng: Xứ kho vàng.

(Chùa Đất Sét còn gọi là Bửu Sơn Tự) PHỤ LỤC


Truyền thuyết về địa danh Nhu Gia Tác giả: Khoa Nam Nguồn: Website SoctrangOnline Nhu Gia là tên Nôm của huyện Phong Thạnh thời đàng cựu nay thuộc tỉnh Sóc Trăng, nằm trên Quốc Lộ 1 đi Bạc Liêu - Cà Mau. Địa danh Nhu Gia là địa danh được sử dụng chính thức hiện nay nhưng Nhu Gia vẫn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như Giu Gia, Nho Gia. Tên địa danh này có nguồn gốc từ tiếng Khmer nhưng có nhiều giả thuyết để giải thích. Địa danh Nhu Gia, mà tôi tìm hiểu được, có bốn truyền thuyết. Nay xin kể ra một vài truyền thuyết để chúng ta tham khảo cùng nhau. 1. Nhu Gia có nghĩa là Bồ Đề Tiếng Khmer thì cây Bồ Đề là “Sampu thleai” từ chữ sampu thleai đọc trại ra là Nhu Gia hay là Nho Gia, ở đây tên địa danh chỉ được dịch lấy âm chứ không lấy nghĩa. Nói thêm về cây Bồ Đề, nguyên cây Bồ Đề là cây mà người Khmer trọng nhất trên đời vì trong satra (kinh Phật) của họ, ngày xưa Đức Phật thành chánh quả dưới cội Bồ Đề nên họ quý trọng. Bình sanh biểu họ giết người có khi họ còn dám làm chứ biểu họ chặt, đốn cây Bồ Đề thì họ chối ngay vì tội này nặng gấp mấy lần tội sát nhơn. (Cây Bồ Đề gọi là đơm-po hay săm-pou cũng đúng) (Vương Hồng Sển). Vậy Nhu Gia là xứ Bồ Đề. Ngày trước, trường trung học cơ sở Phường 6, nằm cạnh nhà máy nước, nay là Cung Thiếu Nhi có tên là trường Bồ Đề. Cách đó không xa, có trường Pô Thi nằm trong khuôn viên chùa Khl'eang. Trường này vốn là trường học của tôi năm lớp chín. Pô Thi là phiên âm tiếng Khmer ra tiếng Việt từ chữ “Sampou Thleai” (Bồ Đề) mà ra. Tuy nhiên, đồng bào Khmer và cả những người Kinh Sóc Trăng chỉ dịch âm mà không dich nghĩa ra chữ Quốc Ngữ để làm công tác hành chính nhưng vẫn giữ bản sắc Khmer. (Khoa Nam) 2. Nhu Gia có nghĩa là “Ghe Chài” Ghe Chài là chiếc ghe lớn để chở lúa ở Miền Nam. Ghe Chài là do người Hoa đọc theo người Khmer là “pok-chai” còn người Khmer gọi là “tuk pok chay” vậy chữ “pok” đọc trại trại gần giống như “po hay pou” nên đọc ra là “Nhu” còn “chai hay chay” đọc thành “Gia” vậy nên “pok chai” đọc thành “Nhu Gia” - Xứ “Ghe Chài” vì sông Nhu Gia xưa có rất nhiều ghe chài tới đây đậu “ăn lúa”. Ghe Chài là do nói trại ra. Nói đủ chữ là “Ghe Bốc Chài” do “tuk pokchay” là tiếng Khmer. Còn “pok chai” là tiếng Hoa, đọc theo giọng Triều Châu, chữ Hán là “Bá Tai” có nghĩa là chở được trăm thứ rồi mình Việt Hóa ra thành Ghe Chài. (Vương Hồng Sển). 3. Nhu Gia là Xứ Thuyền Lủng


Như đã nói ở trên, Nhu Gia được phiên âm ra từ chữ “sampou” tức là Bồ Đề, nhưng trong tiếng Khmer cũng có nghĩa là chiếc thuyền to. Tích kể rằng có một ông Tiên đang đêm làm phép lạ. Độ hết một gia đình nọ đi qua xứ khác thuở xưa. Tiên dạy cả nhà người nọ phải nhắm mắt lại cho Tiên làm phép, không ngờ trong đám người có một người không đủ đức tin nên khi nghe gió thổi vù vù bên tai và lén hí hí con mắt ra nhìn, khi biết mình đang ngồi trên một chiếc thuyền đi trên Mây thì sợ quá bỗng la lên và tức khắc chiếc thuyền ngừng lại không đi nữa. Có sách nói là thuyền mắc kẹt trên chóp núi và lủng lổ (sampou thleai), có sách nói là vướng trên ngọn cây cao vì xứ Nhu Gia không có núi, nhưng có sông Cổ Cò (đây cũng là tên một con sông có nguồn gốc Khmer được Việt Hóa) ngày xưa có chùa người Khmer và đua ghe vui tấp nập. Nay đua ghe được dời ra Sóc Trăng. Tích thuyền lủng (sampou thleai) này được chấp nhận nhiều hơn và nên thơ cả vì ở gần Nhu Gia có làng Tầm Lật mà theo ông Vương Hồng Sển tra cứu trong tự điển Panetier thì có chữ “krălăp”: chavirer, “phluk krălăpl”: thuyền lật úp, do đó krălăp dịch ra là Tầm Lật, cho ta thêm một tích nữa về thuyền ngộ nạn ở xứ này. 4. Nhu Gia là xứ “ Nhánh Bần Gie” Theo ông Đào Văn Hội trong Văn Hóa Nguyệt San, số 13, tháng 7, năm 1956 thì Nhu Gia bắt nguồn từ chữ “Ompou Yéai” tức là “nhánh Bần gie” vì ngày xưa người ta đi thuyền trên sông Nhu Gia thấy có nhiều cây Bần (còn gọi là cây Thủy Liễu) mọc gie ra mé sông nên đặt tên là Nhu Gia. Hầu hết những truyền thuyết về dịa danh Nhu Gia là có từ xưa và được dân gian kể lại nên không tránh khỏi “tam sao thất bổn”. Tuy nhiên, có càng nhiều giả thuyết thì kho tàng văn hóa dân gian Sóc Trăng càng thêm phong phú, xét cho cùng là có lợi chứ không có hại. Dẫu sao thì vùng đất này vẫn là Nhu Gia. *** Trong các tài liệu trước đây của cụ Vương Hồng Sển thì cụ cũng có đề cập đến địa danh Nhu Gia do 2 giả thuyết mà ra. Một là địa danh bắt nguồn từ tích “Chiếc Thuyền Lủng”. Hai là là Nhu Gia là cách đọc trại ra của chữ “Ompu Yea - Nhánh Bần Gie”. Theo học giả Vương Hồng Sển thì tích “Chiếc Thuyền Lủng” được chấp nhận nhiều hơn cả. Nhưng cụ Đào Văn Hội thì cho là “Nhánh Bần Gie” mới chính xác vì trước đây ở sông Nhu Gia có rất nhiều Bần mà tiếng Hán gọi là cây Thủy Liễu mọc gie ra sông. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Thanh Bình hiện đang làm việc tại Sóc Trăng cho bết là cụ Đào Văn Hội là người Khmer và qua việc xác minh thực tế của ông Nguyễn Thanh Bình tại địa phương, hỏi ý kiến của một số vị cao niên, sư sãi thì nhận thấy rằng thuyết “Nhánh Bần Gie” là chính xác hơn. Tuy nhiên, theo suy luận của tôi thì cũng khó mà nói là cụ Sển đúng hay cụ Hội đúng vì cụ Hội là người Khmer thì cụ Sển cũng có gốc Khmer và cũng biết tiếng Khmer. Cụ Sển thường bảo rằng: “việc gì tôi không chắc thì tôi không dám nói hoặc


là tôi sẽ chú thích để em cháu sau này tìm hiểu thêm cho tường tận. Nhược bằng tôi đã khẳng định thì các em cháu cứ yên tâm mà dùng không sợ sai...” như thế chứng tỏ trước khi cụ Sển đưa ra kết luận thì chắc chắn cụ Sển cũng phải xác minh thông tin rồi mới nói và cũng không thể loại bỏ trường hợp cụ Sển đã từng tham vấn các cụ cao niên thời đó và kể cả các sư sãi trong chùa. Như vậy theo tôi thì trường hợp địa danh Nhu Gia do đâu mà có ta nên để ngỏ chứ đừng vội kết luận là ai chính xác hơn ai vì cách giải thích nguồn gốc địa danh cũng giống như văn hóa dân gian (có tính tam sao thất bổn), khó lòng mà xác định trừ phi người ta tiến hành nghiên cứu vấn đề dựa trên các phương pháp khoa học kỹ lưỡng. Cuối cùng tôi lại biết thêm một cách lý giải khác về địa danh Nhu Gia do ông Nguyễn Thanh Bình trình bày trong bài viết của mình về “Nguồn Gốc Địa Danh Hành Chánh Tỉnh Sóc Trăng” như sau: Các cụ già kể lại rằng khi vùng đất Sóc Trăng chưa được khai phá, những lưu dân từ Thuận-Quảng đị vào vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Họ chọn nơi đây làm điểm dừng chân bởi có nhiều điều kiện thuận lợi (nhị cận giang) cho công cuộc mưu sinh. Sau ngày lao động cật lực, buổi chiều về họ lại đắm chìm trong nổi nhớ quê. Dù cuộc sống tự do tự tại, không bị ràng buộc bởi những luậ lệ hà khắc, lễ nghi phong kiến nhưng hình ảnh quên cha đất tổ, trong đó có con sông Vu Gia hiền hòa đã làm cho họ mang nỗi day dứt, thương nhớ khôn nguôi. Để ghi dấu ấn về quê hương, họ đặt tên con sông này là Vu Gia nhưng bởi cách phát âm của người địa phương nên từ Vu Gia biến thành Giu Gia, Nhu Gia, Nho Gia. Làng Nhu Gia từ năm 1835 là nơi đặt huyện lỵ Phong Thạnh thuộc phủ Ba Xuyên. Nhu Gia chính thức thành lập làng vào năm Tự Đức thứ 13 năm 1860. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế kết hợp với tham khảo ý kiến của một số vị cao niên sinh sống lâu đời ở vùng đất này thì cho rằng nơi đây trên 70 năm trước (mốc thời gian là năm 2000) khúc sông Nhu Gia - Dù Thoa hầu hết đều đầy rẫy những dãy Bần cổ thụ mọc san sát 2 bên mé sông. Chính vì vậy việc đặt tên Nhu Gia (Ompu Yea: Nhánh Bần Gie) là chính xác. Melbourne 22/08/2004

(Cầu Bon xưa - nay được san lấp thành một phần của khu công viên Bạch Đằng) Truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng


Tác giả: Khoa Nam Nguồn: Website SoctrangOnline Nói về địa danh Sóc Trăng khì không ai biết rõ cái tên này ra đời khi nào. Nhưng dựa theo những bộ lịch sử Viêt Nam như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Địa Bạ Nam Kỳ Lục Tỉnh hay những quyển sách khảo cứu của Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Lê Hương, Hứa Hoành....trước khi có tên Sóc Trăng thì “xứ Sóc Trăng” ngày xưa có tên là xứ Ba Thắc tức là ông “Bassac”[1] (tên một vị thần người Khmer). Người ta cũng dùng tên này để để nói về nhiều địa danh, thổ sản khác của Đồng Bằng Sông Cửu Long như cửa Ba Thắc, gạo Ba Thắc... Sau đó Sóc Trăng còn có tên là Ba Xuyên do vua Minh Mạng đặt nhưng lúc đó cái tên Sóc Trăng mà theo truyền thuyết vẫn người Khmer sử dụng. Nói về các mốc thời gian mà địa danh Sóc Trăng thay đổi qua từng thời kỳ như Ba Thắc, Ba Xuyên, Sóc Trăng.... thì tôi sẽ nói chi tiết hơn trong nhưng bài khác liên quan đến lịch sử tỉnh Sóc Trăng. Trong phạm vi bài này tôi chỉ nói về ý nghĩa của địa danh “ Sóc Trăng” mà thôi. Nói về địa danh Sóc Trăng thì có vài truyền thuyết chứ không phải có một. Sau đây là các truyền thuyết về nguồn gốc của địa danh này. 1. Sóc Trăng là do tiếng Khmer đọc trại ra từ chữ “Srok Tréang có nghĩa là “Bãi Sậy” vì ngày xưa đất Sóc Trăng có nhiều lau sậy hoang vu. (Lê Hương). 2. Sóc Trăng là do tiếng Khmer là “Srok Kh'leang” mà ra. “Srok” tức là xứ, là cõi, “Kh'leang” là kho, vựa, chỗ chứa bạc. Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt âm ra là “Sốc-Kha-Lang” rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng Sóc Trăng bị đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang. (Lê Hương) - Theo quyển Petit Cours de Géographie de la Basse Cochinchine par Trương Vĩnh Ký thì “Sốc Trăng” (Sóc Trăng) là tên dân gian của một tỉnh hạt ở Nam Việt gọi là Nguyệt Giang tỉnh (tỉnh Sông Trăng). Tên này có nguồn gốc “Cơ Me” (Khmer) là Péam prêk sròk khlẵn (di cảo Trương Vĩnh Ký trong le Cisbassac). “Péam” là vàm, “prêk” là sông, “sròk” là sốc, “khlẵn (kh'leang) là kho bạc. Nguyên đời vua “Cơ Me” có đặt một kho chứa bạc nơi đây. Đến đời vua Minh Mạng, đổi tên chữ ra Nguyệt Giang tỉnh vì triều đình đã ép chữ “sốc” biến ra chữ “sông”, chữ “kh'leang” ra “trăng” và đổi thành “nguyệt”. (Vương Hồng Sển).


Nhân ông Trương Vĩnh Ký có nói chữ “Péam” trong tiếng Khmer có nghĩa là “vàm” thì theo ông Vương Hồng Sển, “trong sách của ông Baurac (La Cochichine et ses habitants) trang 362 thuật lại rằng trào đàng cựu, cho đến lối 1858, vàm Đại Ngãi còn được gọi là Vàm Tấn, là một bến nước quan trọng tiếp đủ các thuyền đi biển đủ hạng từ Trung Quốc, Tân Gia Ba, Xiêm La, Cam Bốt.... tụ tập rất náo nhiệt để trao đổi, mua chác lúa gạo, tơ lụa, hàng vải, cá mắm, mắm muối, đồ gốm, chén bát, sừng trâu, ngà voi, lông chim, sáp, mật ong.... Mà chữ “Vàm Đại Ngãi” cũng có nguồn gốc từ chữ “Péam Mosénn” mà ra. Như đã nói ở trên, “Péam” là “vàm” còn “Mosénn” là “muôn ngã” tức là vàm Đại Ngãi ngày nay. 3. Trở lại chuyện Sóc Trăng, cũng theo ông Lê Hương thì địa danh Sóc Trăng cũng có một truyền thuyết khác, cũng nói về kho bạc nhưng không phải là kho bạc của vua mà là kho bạc, kho chứa vũ khí, kho chứa lương thực của giặc Xà Na Téa và Xà Na Tua đóng quân ở Sóc Trăng dưới triều Nguyễn, tại ấp “Sóc Vồ” ngày nay. Do đó Sóc Trăng là do chữ “Srok Kh'leang” đọc trại mà ra. Đấy là một vài truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng mà các vị tiền nhân ghi lại. Trong đó thuyết “Sóc Trăng” là kho bạc được chấp nhận nhiều hơn cả cho dù kho bạc của vua thời xưa hay là kho bạc của giặc thì xứ Sóc Trăng cũng là “Xứ Kho Bạc”. Melbourne 16/06/2004 Chú thích (của tác giả): [1] Thần Bassac là một vi thần người Khmer, nguyên ông là một Hoàng tử người Lào đến ngụ ở đất Mỹ Xuyên ngày nay, trên đường đi Tham Đôn rồi mất. Nay vẫn còn miếu thờ ông Ba Thắc nơi này.

(Một góc Ba Thắc Cổ Miếu ở Bãi Xàu)


Truyền thuyết về địa danh Bãi Xàu Tác giả: Vương Khánh Hưng Nguồn: Website Người Viễn Xứ Trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của cố học giả Vương Hồng Sển giải thích: Bãi Xàu, địa danh của Sóc Trăng - tên nôm của huyện Phong Nhiêu thời đàng Cựu thị trấn mua bán lúa gạo lớn trên con sông Mỹ Xuyên, nên gọi làng ấy là Mỹ Xuyên thôn. Sở dĩ bà con ta ngày nay quen gọi là Bãi Xàu, do phiên âm từ tiếng Khmer là srok Bày Chau, dịch nghĩa là sóc “ăn cơm sống” của người Khmer. Ở đây do có 3 tích còn được lưu truyền trong nhân dân. Tương truyền ngày xưa người Khmer, nhơn chạy giặc, đang nấu cơm nơi đây, bỗng nghe tin giặc kịp tới , nên hối hả ăn cơm sống để chạy nữa và lấy tich đó làm tên gọi. Một tích khác, xưa có đám người vô rừng làm củi, đến chiều, hốt trứng rắn đem về, bỏ trứng vào nước luộc chưa chín thì cặp rắn thần về rượt cả bọn chạy trối chết. Lúc trở lại, lửa tắt queo, trứng rắn thần đã thâu, còn nồi cơm vẫn còn sống nhăn nên gọi Bãi Xàu. Tích rắn rượt để cướp trứng rắn nghe rùng rợn, khiến nhớ công lao khai khẩn đổ mồ hôi nước mắt vật lộn với tử thần rắn độc của người xưa. Nay trên đường từ chợ Mỹ Xuyên đi về Chợ Cũ Bãi Xàu xóm Phước Kiến, có tòa cổ miếu Ba Thắc, sau miếu còn thấy hang rắn và tương truyền đó là cặp rắn hổ ngựa của thần và dân quê mùa sở tại vẫn tin đó là cặp rắn lưu lai của cặp rắn thần đời xưa nhưng đã đi tu nên không thấy nữa. Một tích nữa, trong vùng có một giống chim, tiếng kêu nghe như “chích chọt, chích chọt” và đặt tên là chim chích chọt. Người tiều ở đó đặt ra câu hát: “chích chọt, chích chọt khứ Bãi Xàu” vừa nhớ quê hương cũ, vừa nên thơ, khiến người ly hương thất thế chạnh lòng nhớ quê nhà. Chim ấy có người gọi là chim chìa vôi, người khác nói chim quyên. (Tựa do Goldfish tạm đặt, trích từ bài Bãi Xàu xưa và nay)

(Chánh điện chùa Dơi bị cháy rụi ngày 15/08/2007) Truyền thuyết địa danh trong văn học dân gian Khơme Nam Bộ Tác giả: Phạm Tiết Khánh Nguồn: Website Văn hoá Nghệ thuật online


Truyền thuyết về địa danh trong văn học dân gian Khơme Nam Bộ rất phong phú, đa dạng, chiếm vị trí đáng kể trong thể loại truyền thuyết Khơme Nam Bộ nói riêng và văn học dân gian Khơme Nam Bộ nói chung. Trong khi kể lại các câu chuyện cổ, người Khơme Nam Bộ đã gọi một loại chuyện là Rươngpờrêng. Trên thực tế, thuật ngữ này có hàm nghĩa rộng bao gồm truyền thuyết và cổ tích. Nói như thế để thấy giữa các thể loại có một vài yếu tố hòa lẫn vào nhau. Điều này thể hiện qua một số truyện cổ tích của người Khơme mang dáng dấp của những truyền thuyết lịch sử đó là những truyện giải thích các địa danh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như những truyện này chỉ giải thích nguồn gốc tên đất, tên sông, tên phum, tên sóc thì được xếp vào thể loại truyền thuyết nhưng hơn thế, truyện còn dựng lên những tình tiết sống động nhằm phản ánh sinh hoạt xã hội của người Khơme. Đó có thể là mảng truyện giải thích tại sao nơi này gọi là Srok Khleang (Sóc Trăng), nơi kia gọi là Pơrặc Tràpeng (Trà Vinh); giồng này gọi là giồng Maha Túp (Mã Tộc, Sóc Trăng), chùa kia gọi là Chùa Bốn Mặt, chùa này gọi là chùa Ông Mẹt hay chùa Giồng Lức..., hay làng này là làng Tà Điếp hoặc vùng đất kia là Tà Lọt. Những truyện này giải thích một cách ngắn gọn đời sống sinh hoạt của người dân. Sở dĩ có làng Tà Điếp là bởi ngày xưa, lúc cha ông còn sống, đời sống hoang sơ chưa có nơi cư trú ổn định, phải du canh du cư kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ sống thành từng đoàn người cùng nhau khai phá thiên nhiên, chống lại thú dữ. Cuộc sống của họ thật gian khó bởi thiên nhiên quá khắc nghiệt nên mùa màng bị thất bát. Do đó họ chuyển đến vùng khác tiếp tục khai hoang sinh sống. Nhưng không được bao lâu, gặp cảnh hạn hán làm mất mùa, họ chán nản định đi tiếp nhưng trong đó có một người đàn ông tên Tà Điếp nhất định ở lại không đi. Ông làm nhà, trồng cây, lập ấp ở đây. Có một vài người ở lại với ông, số còn lại đi tiếp. Dần dần có thêm người mới đến ở, không bao lâu nơi ấy trở thành một cái ấp lớn với nhiều căn nhà cạnh nhau được dựng lên. Sau đó ông Điếp qua đời, dân làng ấp lấy tên ông đặt cho tên làng là Tà Điếp. Cũng với kiểu truyện giải thích địa danh ngắn gọn còn có Sự tích vùng đất Tà Lọt, một câu chuyện có vẻ rất đơn giản nhưng phản ánh được cuộc sống thô sơ giản dị của người bình dân thời xa xưa ấy. Tà Lọt trước kia vốn là vùng đất hoang vu, nhà cửa thưa thớt, đời sống con người còn quá vất vả, khó khăn. Việc trồng ra cây lúa, củ khoai không phải dễ, nên người bình dân phải kiếm rau, bắt cá về ăn hay đổi lấy gạo. Có một cặp vợ chồng ngày ngày đi bắt cá, nhưng bắt không được nhiều bởi dụng cụ còn quá thô sơ, nên họ phải bắt cả ngày, phải mang cơm theo ăn và đựng trong các mu rùa mà người Khơme gọi là Tà Lọt. Một hôm vì mải mê bắt cá đến khi về nhà phát hiện mình làm mất các tà lọt đựng cơm. Thế là câu chuyện bà vợ bắt nhiều cá đến nỗi làm mất tà lọt lan ra khắp nơi. Từ đó người ta gọi làng này là làng Tà Lọt.


Ngoài ra còn có Sự tích chùa Coh Đôn (chùa đảo dừa) kể rằng thời xưa ở vùng đất, nay là tỉnh Bạc Liêu, được khai hoang, cây cối chết dần tạo thành đầm lầy có nhiều chim chóc, rắn rết sinh sống. Người ta đến đây săn bắn rồi lập nghiệp ở đó. Một hôm người ta phát hiện giữa đầm lầy mọc lên một cây dừa xum xuê trái nhưng lại nghe rằng hễ ai trèo lên hái trái đều bị bệnh. Họ cho rằng đây là cây dừa thiêng nên tổ chức nghi thức thờ cúng. Dần dần có nhiều cây dừa khác mọc lên lâu ngày thành một đảo dừa. Người Khơme gọi nơi đây là Coh Đôn (đảo dừa). Càng ngày càng có nhiều người Khơme đến đây sinh sống. Năm 1903, họ lập ra một ngôi chùa và lấy tên là chùa Coh Đôn. Từ đó, chùa trở thành nơi mà người dân trong vùng đến thờ cúng và sinh hoạt văn hóa tinh thần. Đó là một vài câu chuyện tiêu biểu giải thích tên đất, tên chùa của người Khơme Nam Bộ, thuộc thể loại truyền thuyết địa danh, cho thấy cách nghĩ của người Khơme rất đơn giản, mộc mạc. Mỗi một nơi con người đặt chân đến sinh sống đều là những vùng đất mà họ bỏ công khai phá để biến thành quê hương xứ sở, nơi họ gắn bó, tôn thờ thông qua nhiều nghi lễ thiêng liêng, thể hiện sự tín ngưỡng và dần tạo nên nét văn hóa tinh thần đặc trưng sinh động, chẳng khác những dân tộc anh em khác. Bên cạnh đó còn có những truyện giải thích hàng loạt các địa danh rải rác trên một không gian khá rộng như Sự tích chiếc thuyền vỡ. Đằng sau câu chuyện mang tính chất một truyền thuyết lịch sử là nhiều tên sóc, tên giồng, tên chùa ở xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Theo lời kể của cụ Lý Thu, thì: Thuở xưa, ở Vũng Thơm có một doi đất nhô ra bể, thuyền bè thường tập trung chờ thủy triều lên để băng qua sông và nơi ấy lúc đó gọi là Kôm pông thom (Bến lớn). Một hôm, có một thuyền buôn mà người chủ ghe có nhiều phép thuật. Thay vì đợi thủy triều lên để qua sông, ông bảo mọi người ngủ hết để làm phép bay qua sông. Trong lúc ghe đang bay qua doi đất, có một ông đầu bếp không nghe chỉ dẫn, đã thức giấc chuẩn bị nấu cơm sáng, khiến gàu múc nước bị chạm đất, vướng cây cỏ làm chiếc thuyền mất phép thiêng, đứng lại, rơi xuống, rồi vỡ ra tan tành. Từ đó, nơi ấy nổi lên một cồn có hình dạng như chiếc thuyền đang bị mắc cạn được dân chúng gọi là Sờrốc xàmpâu thơlê tức là (sóc thuyền vỡ). Đồ đạc trong thuyền bị sóng đánh trôi giạt khắp nơi. Chiếc đồng hồ tấp vào một giồng đất thì giồng đất ấy được đặt tên Phơ họ ka có nghĩa là (giồng đồng hồ); một chiếc lu đồng trôi về xã An Ninh, dân chúng vớt được đem để trong chùa lấy tên Beng som rạch tức chùa Lu Đồng; một tượng Phật bốn mặt trôi tiếp vào giồng tranh, đám mục đồng tìm thấy đem vào thờ gần chiếc thuyền vỡ. Vì vậy ngôi chùa đó được gọi là chùa Bốn Mặt. Bản khảo dị dựa trên tài liệu viết bằng tiếng Khơme lưu giữ ở chùa Sần ke ghi lại rằng vùng đất Ba Xấc (Ba Xuyên) gồm huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú thuộc Sóc Trăng. Về sau biển cạn, đất nổi lên thành từng giồng: giồng Xòm rong (thị xã Sóc Trăng), giồng Sần ke (Long Phú), giồng Chời rùi Tum (Mỹ Xuyên), giồng Maha Túp


(Mã Tộc, thị xã Sóc Trăng), giồng Krô nhô (huyện Vĩnh Châu)... Cũng vào thuở ấy, một ông vua sùng đạo Phật cho xây một ngôi chùa Kòmpông Thom có tạc tháp Phật Bốn Mặt và cho đào hai cái ao trước chùa đặt tên là Vat Buôn Múc (chùa Bốn Mặt). Một hôm, dân chúng quanh vùng đi thuyền đến viếng chùa không may bị đắm gần chùa. Từ ấy người ta gọi nơi đây là sóc Sampâu Thơlê (sóc thuyền vỡ). Nhà chùa có một chiếc cồng 8 vú bị thất lạc do giặc giã. Một hôm người chủ đất ra vườn nghe tiếng cồng dưới chân và có một phụ nữ mang thai giẫm lên chỗ giấu cồng đó làm cho cồng biến mất. Do vậy người ta gọi nơi ấy là sóc Lét Cuông (sóc Giấu Cồng). Như vậy, cùng là câu chuyện giải thích về vùng đất, địa danh, và tên chùa nhưng có nhiều khảo dị khác nhau, người Khơme kể theo đặc điểm sinh hoạt gắn với những giồng đất cao và đậm nét tín ngưỡng đạo Phật. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cũng khá hợp lý. Còn có một số truyện của các dân tộc khác kể dựa trên những yếu tố mang tính thần kỳ cũng không kém phần hấp dẫn và thuyết phục. Ngoài Sự tích chiếc thuyền vỡ còn có Sự tích địa danh Bãi Xàu - một trong những truyện cổ tích-truyền thuyết mà người Khơme nào cũng biết đến, bởi nó là một bản án tố cáo sự độc ác của một ông vua ngu muội và mưu đồ xúc xiểm vị kỷ của đám quan lại trong triều đình phong kiến, đã đuổi cùng giết tận nàng Chanh, một tỳ nữ vốn rất trung thành với vua. Truyện còn có nhiều chi tiết giải thích tên đất, tên vàm sông và tên nhiều khúc sông. Nàng Chanh bị ghép vào tội khi quân vì dám bỏ chất cáu bẩn trong móng tay của nàng vào nồi canh của vua. Nàng không thể minh oan bèn xuống thuyền chạy trốn khỏi hoàng cung. Vua cho quân lính đuổi theo để giết nàng. Cuộc đuổi bắt đi đến đâu đều để lại dấu vết đến đó. Khi nàng ném ống nhổ - vật được vua ban tặng - thì nơi mà nàng ném gọi là Phiêm Cần Thua (vàm ống nhổ); nơi nàng dừng lại nấu cơm, chưa kịp chín lại bị đuổi bắt nên bỏ chạy tiếp, được gọi là Soc Bai Xau (sóc Cơm sống). Vàm sông nơi nàng bị xử chém được gọi là Piêm Miêng Chanh (Vàm nàng Chanh - Vàm Mỹ Thanh ngày nay). Truyện không chỉ dừng lại việc giải thích những địa danh nơi nàng Chanh đã đi qua mà còn giải thích một số loài cây và thú vật ở quanh vùng này có liên quan đến nàng Chanh như: khi nàng chết đi, máu nàng làm cho nước biển có vị mặn, tóc nàng thành rễ cây gừa, vú nàng thành trái bần, bắp vế nàng gửi vào cây dừa nước (cây mà người Khơme gọi là cây bắp vế nàng), móng tay trở thành loài hến dưới sông... Chính vùng đất Nam Bộ xa xôi, hoang sơ và hiểm địa, thiên nhiên vừa hào phóng, vừa khắc nghiệt này khiến những truyền thuyết về địa danh của người Khơme Nam Bộ thật phong phú và đa dạng. Có thể thấy mật độ dày đặc các truyền thuyết địa danh ở vùng đất người Khơme Nam Bộ. Đó là các truyền thuyết gắn với sông, rạch ao, hồ và núi non như Sự tích Ao Bà Om (Trà Vinh) Sự tích giếng Chị giếng Anh (Sóc Trăng), Sự tích núi Mê Đeng (núi bà Đen - Tây Ninh) Sự tích Vũng Thơm (Sóc


Trăng), Sự tích Bãi Xào (Sóc Trăng- Trà Vinh) Sự tích vùng đất Tà Lọt... Bên cạnh đó, có những truyền thuyết mới xuất hiện sau này nhằm giải thích tên một làng, một ấp như Sự tích Làng Tà Liếp, Sự tích ấp Bờ Đập (Sóc Trăng), Sự tích miếu bà Chúa Xứ (Sóc Trăng)... hay những truyền thuyết nhằm tạo tình đoàn kết cho các dân tộc cùng cộng cư ở Nam Bộ như Kinh và Khơme là hai anh em, Người Khơme và người Hoa là anh em (1). Trong các truyền thuyết về địa danh của người Khơme Nam Bộ, mảng truyền thuyết về địa phương nổi lên như là một trong những tấm gương phản chiếu lịch sử cư trú và những nhận thức sơ khai của họ về vùng đất mới. Đằng sau và trong 3 bản kể Sự tích Ao Bà Om (Bản của Huỳnh Ngọc Trảng, bản của Sơn Phước Hoan, và bản trong Văn học dân gian Sóc Trăng) ta thấy được thiên nhiên khắc nghiệt vùng Trà Vinh: “Ngày xưa, vùng Trà Vinh, hằng năm cứ đến mùa khô nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy, khô cằn, nứt nẻ, cây cỏ xơ xác tiêu điều…” và một phần văn hóa vùng này: “Trong vùng có chuyện tranh chấp kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa phân xử được. Đó là chuyện hai bên nam nữ không bên nào chịu đi cưới bên nào - vì bên đi cưới sẽ chịu hết mọi phí tổn…”(2). Đằng sau chuỗi chuyện Sự tích Vũng Thơm (Vũng Thơm - Sóc Trăng), Đạp chiêng (3) và Sự tích chiếc thuyền vỡ, là cả một quá trình ghi nhận về biến đổi của một vùng đất: “Xưa kia ở xã Phú Tâm này chỉ là một vùng nước rộng. Tuy là cái vũng nhưng nước rất nhiều mỗi khi có gió là nước trong vũng nổi lên thành những đợt sóng lớn rất dữ tợn, hễ thuyền bè đi qua là đều bị sóng đánh chìm...thời gian trôi đi nước trong vũng cạn dần và nổi lên một gò đất trống...”(4) và ghi nhận quá trình tạo lập thành làng xã, quá trình cộng cư đoàn kết giữa ba dân tộc Kinh, Hoa, Khơme. “Người từ nơi khác đến gò nổi này dựng nhà cửa và tạo thành làng xã, họ làm ăn sinh sống. Bản chất của họ hiền lành, lương thiện, mặc dù không cùng một thứ dân, họ là những người tha phương cầu thực với ba dân tộc nhưng sống với nhau rất hoà thuận, đoàn kết thương yêu...”(5), cùng với tín ngưỡng dân gian tin rằng đàn bà có thai có nhiều điều kỳ lạ, đạp lên chiêng thần thì chiêng không kêu nữa, hết linh. Hay đằng sau 3 bản kể về Sự tích địa danh Bãi Xào (Bản của Huỳnh Ngọc Trảng, bản của Sơn Phước Hoan, và bản của chúng tôi sưu tầm được ở ấp Bãi Xào, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), ngoài việc giải thích tên đất, tên sông, tên cây bí, cây bầu, cây dừa nước, người ta còn thấy ở đó hiện lên một xã hội phong kiến thối nát và đáng nguyền rủa, một tên vua mê muội và độc ác, một sự ganh tị, nhỏ nhoi, ích kỷ “rất đàn bà” của các cung phi, đồng thời, các đức tính tốt đẹp của Neang Chanh, một người hầu, một cô gái trung thực, giỏi giang và giàu đức độ như một kết tinh, một mẫu hình của thẩm mỹ dân gian Khơme Nam Bộ thời đó và ngay cả bây giờ. Trong nhiều truyền thuyết địa phương - theo chúng tôi là thần thoại bị truyền thuyết hóa - hình ảnh các giồng đất nổi trong truyện là một điều khá đặc biệt và là một chi tiết thú vị. Chúng ta bắt gặp hình ảnh này trong các truyện như Sự tích chiếc


thuyền vỡ (ở Vũng Thơm - Sóc Trăng), Sự tích Bô-piêl diệt cá sấu ở vàm Long Xuyên, truyền thuyết về Tà Hóc- Dây Chác (ở Hiếu Tử, Tiểu Cần, Trà Vinh) và các truyện kể về sự hình thành các giồng trải dài từ giồng Sần Ke (xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng) đến giồng Còn (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được ghi chép trong một tập sách lá buông ở chùa Sần Ke, hay các truyền thuyết tồn tại dưới dạng địa danh dân gian như Sự tích Prắc Trà Peng (Trà Vinh), Sự tích Giồng Lức (xã Đa Lộc, Châu Thành, Trà Vinh), Sự tích vùng Cos Sala (Trà Cú), Sự tích về vùng chùa Cos (chùa Cù Lao) ở Nguyệt Hóa, Châu Thành, Trà Vinh... đều lặp lại biểu tượng giồng đất nổi (6), là biểu tượng chung cho địa vực cư trú và hoàn cảnh thiên nhiên của người Khơme ở Nam Bộ. Biểu tượng đó không chỉ là kết quả của kinh nghiệm quan sát thiên nhiên lâu dài của người dân ở đây, một thực tế đã được ngành địa chất chứng minh bằng khoa học, mà còn phản ánh quá trình chiếm lĩnh các giồng đất cao nơi hạ lưu sông Cửu Long (thuộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng hiện giờ) ngập nước để lập phum, dựng sóc. Đây là cách thức hình thành vùng cư trú phổ biến của người Khơme Nam Bộ... Tóm lại, về cơ bản, không như truyền thuyết của người Việt có mảng dựng nước, giữ nước và chống ngoại xâm rất rõ, truyền thuyết của người Khơme Nam Bộ chủ yếu chỉ xoay quanh hai chủ đề chính. Một là chủ đề về văn hóa và những sáng tạo văn hóa, thuộc loại này chúng ta có các truyện Pô Pit Xnô Ka, cộng với hai bản mà theo chúng tôi là truyền thuyết Sự tích Chôl Chnam thmây, Sự tích đua ghe Ngo và Sự tích dỡ hàng rào trong ngày cưới; hai là chủ đề địa danh mà nổi bật là các truyền thuyết về địa phương chiếm vị trí rất lớn trong truyền thuyết Khơme Nam Bộ. Ngoài ra, còn có các truyền thuyết mới xuất hiện với mục đích giải thích cho những vùng định cư, khai phá mới của người nông dân Khơme Nam Bộ mà mục đích cố kết cộng đồng, đoàn kết 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khơme cùng cộng cư ở Nam Bộ thể hiện rất rõ. Trong các chủ đề này, thì chủ đề giải thích địa danh địa phương là chủ yếu và phổ biến bởi điều này liên quan đến lịch sử cư trú của họ. Có lẽ những cư dân Khơme đầu tiên đến Nam Bộ đại đa số là những người dân nghèo, cùng khổ, ít học nên chữ viết và các câu chuyện xa xỉ khác về văn hóa là một cái gì xa lạ và khó hình dung, văn hóa bác học lúc đó chỉ có ở sự tiếp thu ít ỏi và thụ động của một số tri thức lớp trên. Còn khi đến vùng đất mới, họ xa lạ, ngỡ ngàng, nên có khát vọng tìm hiểu và giải thích nó như là một du khách thích thú muốn nghiên cứu văn hóa của nơi họ đến vậy. Địa danh gắn liền với cuộc sống của họ, nó ra đời từ khát vọng giải thích tên đất, tên sông, tên bưng biền, tên vàm mà người Khơme gắn bó thiết thân, sinh tử hằng ngày và nó cũng thiết thực như cơm ăn, áo mặc, như bản chất chân thật, chất phác của cư dân nông nghiệp nơi đây. ---------------------------Chú thích (của tác giả):


1, 3, 4, 5. Văn học dân gian Sóc Trăng, sđd tr.24, 25, 33, 27. 2, 6. Huỳnh Ngọc Trảng, Truyện cổ Khơme Nam Bộ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1983, tr.153-154. Ở đây tên các địa danh cũ trong truyện của HNT được người viết đổi lại cho phù hợp với tên gọi hành chính hiện nay - PTK.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.