Hành Trình Yêu Thương

Page 1

Tặng tất cả SV và cựu sinh viên Khoa Ngoại Ngữ ĐH SPKT, đặc biệt là sinh viên Khóa 2008. Tặng các em của tôi- những người đã và đang gọi tôi là chị. Chúc các em không ngừng mơ ước, luôn tin vào chính mình, tin vào những điều tốt đẹp, kiên định bước vững chắc trên con đường lập thân lập nghiệp!

HÀNH TRÌNH YÊU THƯƠNG Cách đây 5 năm Sau 6 tháng đầu tiên làm cô giáo, tôi lại trở thành kẻ thất nghiệp, lại tiếp tục công cuộc rải hồ sơ và chờ đợi thi tuyển, phỏng vấn. Một hôm vô tình tôi xem 1chương trình truyền hình có một người phát biểu “Con người được đánh giá bằng những gì người ta làm trong cuộc đời chứ không phải bằng danh vị” sau buổi nói chuyện rất thuyết phục đó tôi tìm hiểu thêm và học được câu nói đáng nhớ sau: “Thước đo sự trưởng thành của một con người là trình độ tư duy nhận thức thức và sự trải nghiệm chứ không phải tuổi tác”. Đối với tôi lúc đó mà nói, những lời nói đó như những giọt mưa ngọt ngào mát mẻ rơi trên cánh đồng khô cằn trong mùa hạn hán. Không biết tại sao nước mắt cứ thi nhau rơi . Thì ra ở đâu đó trong cái thành phố xô bồ, vàng thau lẫn lộn này cũng có những người đang đấu tranh cho những giá trị thật của cuộc sống. Nó giúp cho tôi cảm thấy mình không còn lạc lõng như 7 tháng trước….. 7 tháng trước Sau những ngày mòn mỏi đợi việc, tôi- một cô sinh viên tốt nghiệp ngành SPTA của một trường ĐH ở một tỉnh miền Trung khăn gói vào TP.HCM với “vé thông hành” (để được sự đồng ý của 2 bậc phụ huynh) là cú điện thoại gọi phỏng vấn vào vị trí “trợ lý ”… gì đó của một “trường’ ..nào đó rất gần nhà người bà con. Chào đón cô là sự ngạc nhiên của những những người bà con thuộc giới trí thức với sự quan tâm chân thành: Cô : Ủa sao cái Trường đó ở sát nhà mà cô với dượng đều không biết gì hết? Coi chừng con bị lừa? Ở trong này công ty, trường học mọc lên như nấm nhưng mà cũng đủ loại, đủ thành phần hết.” Tôi: “Dạ, con cũng không biết, chỉ nghe họ gọi điện vào phỏng vấn. Con định nếu không xin được chỗ đó sẽ đi xin chỗ khác. Cô với Dượng đừng nói lại cho ba má con để họ đỡ lo.” Cô: “Vậy con định sẽ xin việc gì?” Tôi: “Chắc đầu tiên con định xin dạy Tiếng Anh ở các Trung tâm trước.”


Tròn xoe mắt, cô tôi nói: “Trời đất, con có biết ở đây người ta giỏi Tiếng Anh đến mức nào không? Sinh viên được đào tạo ở TP này đi xin dạy Tiềng Anh còn khó huống hồ gì con học T.A ở quê. Ai người ta lại đi tuyển một đứa học Tiếng Anh ở quê trong khi bọn sinh viên Ngoại Ngữ các trường nổi tiếng trong TP này thừa đầy cả ra đấy. ” Quá bất ngờ với thông tin mà cô cung cấp, tôi đứng ngây ra như phỗng, tự trách mình sao không nghĩ đến điều này trước khi khăn gói lên đường. Thấy tôi có vẻ mất tinh thần, dượng tôi an ủi: “Cô nói thì nói thế nhưng cháu cứ thử sức xem sao. Biết đâu đấy.” Đúng như dự đoán của cô và dượng tôi, cái trường có mặt tiền vô cùng khiêm tốn đến nỗi khó nhận thấy được sau khi hỏi han tôi vài ba câu về kinh nghiệm đã quyết định bảo tôi bổ sung hồ sơ thế nọ thế kia rồi…im bặt. Hơi thất vọng nhưng không nằm ngoài dự đoán, tôi lại lên mạng tìm các trung tâm, và các trường học tuyển GV Tiếng Anh để nộp hồ sơ. Mục tiêu của tôi rất là rõ ràng: đi dạy Tiếng Anh. Không làm gì khác. Tôi cũng thật may mắn vì những chuỗi ngày rong ruổi xin việc đều được luân phiên “hộ tống” bởi 2 ông tài xế anh họ. Nếu không có sự hộ tống đó, một đứa chưa bao giờ đặt chân vào TP này như tôi làm sao có đủ can đảm đương đầu với sự đe dọa sống còn thường trực của xe cộ và đường xá nơi đây. Nơi đầu tiên gọi tôi thi tuyển vào vị trí giáo viên là một trung tâm khá lớn. Tôi cũng không nhận ra nó lớn đến mức nào cho đến khi đặt chân vào. Từ nhỏ đến lớn những trung tâm ngoại ngữ “hoành tráng” nhất mà tôi biết bao gồm vài căn phòng học vuông vắn, màu sắc bắt mắt, có trang bị máy cassette, một cái bục giảng có bàn và bảng dành cho GV và một quầy ghi danh nhỏ nhỏ đặt ở phía trước các phòng học. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra được một tòa nhà hoành tráng sáng bóng với những cửa kính trang trí nhiều hình ảnh, poster… vô cùng hiện đại và đẹp mắt mà chỉ để dành cho việc… giảng dạy T.A không thôi như thế. Bước chân vào “trường” đó tự nhiên tôi thấy mình trở nên nhỏ bé, quê kệt. Nhất là cái bộ đồ tôi đang mặc chẳng hợp với khung cảnh xung quanh tẹo nào. Lòng vòng hỏi han các chị tiếp tân vô cùng lịch sự nhã nhặn để tìm thang máy lên phòng thi, tôi gặp một số thí sinh khác và lại trải qua cú sốc tiếp theo. Họ ăn vận rất “thời trang”, nói chuyện với nhau về cái chị làm ở phòng nhân sự như thể đã biết rất rõ quy trình và mọi thứ ở đây. Họ còn so sánh trường này với trường kia yêu cầu, lương bổng, đãi ngộ thế này thế nọ như thể họ đã hiểu biết rất kỹ về việc giảng dạy ở những trung tâm như thế này. Tình thần của tôi lúc đó “tuột dốc” đến thảm hại. Câu nói của cô tôi bắt đầu xuất hiện và nhảy nhót mãi trong đầu không chịu biến đi. Khi bạn nghĩ bạn bị bao quanh bởi những con người mà bạn nghĩ rằng “đẳng cấp” hơn bạn, môi trường “chuyên nghiệp” trong khi bạn chỉ là một đứa quê mùa, chưa “hiểu chuyện”, bạn thường có xu hướng gây áp lực cho mình rằng mình phải cực kỳ thận trọng, cực kỳ cẩn thận, không được để xảy ra sai sót. Mà càng tập trung vào sự thận trọng quá mức thì bạn càng trở nên căng thẳng và mất kiểm soát. Đó là những gì tôi đã trải qua trong phòng thi. Phần nghe,tôi nhận ra


các từ quen thuộc nhưng không làm sao lưu nó vào bộ nhớ tạm để xử lý ra nghĩa vì lúc đò bộ nhớ tôi còn đang bận chứa “báo động cực kỳ cẩn thận”. Càng không xử lý ra tôi lại càng cuống lên. Cái vòng lẩn quẩn ấy cứ ám tôi cho đến khi tôi kết thúc phần thi nghe trong sự thất vọng. Nhưng cuộc đời là thế, đôi khi bạn phải biết sợ, biết cảm giác thiếu tự tin và nhận được hậu quả thì bạn mới có động lực tìm cách cách vượt qua chúng. Nó cũng giống như khi chúng ta biết mình còn ngu, còn yếu kém thì chúng ta mới nảy ra cái ý tưởng là mình cần phải cố gắng học hỏi để trở nên bớt ngu, bớt yếu kém đi. Nhưng sẽ có một số người hỏi tôi rằng tại sao họ đã cố gắng rất nhiều mà vẫn không vượt qua được nỗi sợ hay sự thiếu tự tin, hay thậm chí sự ngu đốt của mình. Tôi sẽ tiếp tục rằng đôi khi có những cản trở quá lớn mà bạn cần phải có thêm một vài yếu tố khác để giúp bản thân vượt qua. Trong số các yếu tố đó, yếu tố tin tưởng vào mục tiêu, giá trị, và năng lực của chính mình là điều quan trong nhất. Những người bạn tốt là những người có thể giúp ta nhận ra giá trị và tin tưởng hơn vào chính mình. Nếu bạn có niềm tin vào chính mình và có những người bạn tốt trong những thời điểm phải đương đầu với thử thách, cơ hội chiến thắng của bạn sẽ rất cao. Dù bị thất bại ngay lần” ra quân” đầu tiên tôi vẫn tin rằng đó chưa phải là kết quả cuối cùng dành cho tôi. Từ nhỏ tôi đã học được từ ba tôi răng nếu bạn yêu lao động và có ước mơ bạn sẽ làm chủ cuộc đời của mình. Tôi biết tôi là người yêu lao động và có ước mơ. Khoảng 2 tuần sau, tôi lại tham dự kỳ thi tuyển giáo viên của một trường khác. Đây không phải là trung tâm ngoại ngữ mà là một trường trung học quốc tế. Sau vòng thi Toefl và dạy thử, cuối cùng tôi cũng được “giáp mặt” với thầy hiệu trưởng. Cuộc “trò chuyện” diễn ra bằng Tiếng Anh với nội dung như sau: Thầy :“Em tốt nghiệp từ Đại học QN. Em phải người B Đ không?” Tôi: Dạ đúng. Ba mẹ em đều là người BĐ. Em sinh ra và lớn lên ở đó. Thầy: Tôi là người NB – Ngày xưa là bao gồm QN và BĐ. Vậy là đồng hương rồi. Tôi: (Mở cờ trong bụng) Dạ vậy ạ? Em rất vui khi biết được điều này. Thầy: Tại sao ở tận BĐ mà lại vào đây xin việc? Tôi: Dạ, tại vì em muốn làm một số việc và thành phố này có thể cho em cơ hội để thực hiện chúng. (I have something to do. HCM city is the centre of the country. I think it can give me good opportunities to learn, to grow, and to realize my dream) Thầy: Vậy à, theo em nghĩ điều gì là quan trọng nhất đối với một giáo viên? Tôi:

Dạ em nghĩ là lòng yêu trẻ và tinh thần ham học hỏi.

Thầy:

Tại sao?

Tôi: (Bồi hồi nhớ lại những ngày đi thực tập ở trường trung học) Nếu yêu học sinh, giáo viên sẽ có động lực làm mọi thứ vì chúng bao gồm cả việc tìm hiểu suy nghĩ, cảm xúc và có thái độ kiên


nhẫn đối với chúng. GV cũng sẽ học cách thay đổi phương pháp của mình cho phù hợp với học sinh và thậm chí phải luôn cập nhật kiến thức để đáp ứng nhu cầu hiểu biết của học sinh. Nếu không yêu trẻ, một người khó có đủ động lực để làm những việc đó. Thầy: Điểm mạnh và điểm yếu của em là gì? Tôi: Dạ điểm mạnh của em là em còn trẻ và có khát khao và đầy nhiệt huyết muốn cống hiến. Em cũng là yêu trẻ và là người có tinh thần học hỏi cầu tiến cao. Còn điểm yếu của em là em thiếu kinh nghiệm và đôi khi em quá tập trung nên quên mất thời gian. Thầy: Em nghĩ giáo viên có cần phải biết hát, múa, kể chuyện… không? Tôi:

Dạ đương nhiên là rất cần ạ.

Thầy: Vậy em hát cho tôi nghe 1 bài hát và kể 1 câu chuyện T.A cho trẻ em cho tôi nghe thử xem. Tôi bất ngờ. Tự nhiên thấy mình ngu thật, đi dự tuyển làm giáo viên mà không nghĩ đến việc người ta sẽ yêu cầu hát múa, kể chuyện. Hơi lo lắng một xíu nhưng may là cũng thuộc 1 vài bài tủ…từ thời cấp 3. Lấy bình tĩnh, vượt qua sự ngượng nghịu của một người trình diễn “tài năng” bất đắt dĩ, tôi cất giọng “oanh vàng”: “Roses are red, violets are blue. Glad to know you, my friends ….” Có một số chỗ quên lời, cứ thay đại một vài từ khác nghe hợp lý vào, chắc thầy hiệu trưởng chẳng biết đâu nhỉ. Đến phần kể chuyện thì trong lòng bắt đầu run vì câu chuyện này tôi đọc nhiều lần nhưng chưa từng kể ra bao giờ. Hồi xưa có bị ai bắt kể chuyện cổ tích bằng T.A bao giờ đâu. Thôi cứ liều vậy. Tôi: “Once upon a time, there was a princess. She’s very beautiful and her father loves her very much. She has a ball. Everyday she plays with her ball in the royal garden. One beautiful day…..” May quá đang giả bộ kể cho trẻ con nghe nên tốc độ nói chầm chậm, lên trầm xuống bổng để “câu giờ”… nhờ vậy mà tranh thủ vừa kể vừa nhớ cốt tryện, vừa lục tìm từ vựng. Chẳng để ý là dùng thì hơi …không được thống nhất. May mà Mr. Hiệu trưởng cũng không để ý tỉ mỉ lắm Thầy: Được rồi, em yêu cầu mức lương là bao nhiêu? Tôi: Dạ em cũng không quan tâm lắm về mức lương (nghe có vẻ xạo xạo nhưng lúc đó thật sự tôi chẳng biết năng lực mình xứng đáng với mức lương như thế nào) nhưng em nghĩ em cần một mức lương đủ cho những chi tiêu tối thiểu để sống và làm việc trong thành phố này. Thầy: Tôi cũng biết (em xạo) nhưng em cần phải đưa ra một con số cụ thể. Tôi: …. Thầy: 4.5 triệu thể nào. Nếu hàng tháng em thi Toefl nằm trong top 10 người của toàn bộ hệ thống sẽ được thưởng thêm 300 nghìn…Nếu dạy thêm toán và science bằng T.A thì sẽ được thêm 600


nghin Cứ 6 tháng sẽ tăng lương 1 lần theo hiệu quả làm việc của em. Ở đây mỗi người có 1 mức lương khác nhau. 2 tháng đầu thử việc…. Thầy: Nhưng tôi có 1 yêu cầu thế này: tôi nghĩ là em có tiềm năng lãnh đạo. Chúng tôi cũng đang cần một số người ở vị trí quản lý. Ở đây có 2 vị trí: nếu chỉ làm giaso viên thì 1 tuần em phải đi làm tất cả các buổi chiều còn buổi sáng thì khi nào có tiết mới lên. Con làm giao viên kiêm bộ phận văn phòng thì em sẽ có cơ hôi hỏi và đuộc huấn luyện để thành quản lý nhưng bù lại phải có mặt tại trường từ 6h sáng đến 5h chiều từ t hứ 2 đến thứ 7. Lúc nào không có tiết thì làm việc văn phòng. Lương vẫn như nhau. Em chọn vị trí nào? Tôi: Dạ em muốn thử sức ở vị trí giáo viên Văn phòng Thầy: Vậy hẹn gặp lại em….. Tôi: Dạ em xin cảm ơn…. Và cuộc phỏng vấn đó đánh dấu 6 tháng “nằm gai nếm mật” đầu tiên trong cuộc đời của một giáo viên “đến từ tỉnh lẻ”của tôi. Tôi nhắc hoài cái tính chât “nhà quê” của mình không phải vì tôi thiếu tự tin về điểm xuất phát của mình đâu mà vì tôi thấy mình hoàn toàn lạ lẫm với học sinh và cả cách quản lý của Trường. Chẳng biết có phải nhìn tôi to con lớn xác hay tai thấy tôi dữ dằn, hoặc cũng có thể là thấy gốc gác BĐ giỏi võ của tôi mà chị quản lý xếp cho tôi vào dạy 1 lớp 11 thuộc hạng “bất trị” của điểm trường đó. Ngày đầu tiên, tôi xuống “ra mắt” học trò, chị quản nhiệm lớp tròn xoe mắt hỏi:”Ô hay, em là giáo viên mới à? Giáo viên mới vào mà “được” xếp vào dạy lớp này hay sao?” Tôi cũng tròn xoe mắt nhìn lại chị ấy. “Dạ? Sao ạ?” Không kịp nói gì nhiều tôi phải bước vào lớp vì thấy loáng thoáng bóng chị quản lý đang tiến đến. Tôi bước chân vào lớp. Vừa tiến tới bàn vừa nhìn xuống lớp. Một vài học sinh nằm lăn ra bàn, một vài đứa đang chọc ghẹo nhau, một vài đừa đang ăn uống, một vài đứa đang duổi bắt nhau. Khung cảnh rất giống một cái chợ. Cho đến khi tôi đến được cái bàn giáo viên thì cũng có một vài đứa nhận ra tôi không phải là giáo viên cũ. Nó ngoắc mấy đứa bên cạnh và nói rõ to:”Ê bọn mày, cô giáo mới, cô giáo mới…” Giống như một tín hiệu, các hoạt động trong lớp dừng lại, 25 cặp mắt hướng về phía tôi với vẻ ngạc nhiên, tò mò, lẫn nghi hoặc. Còn tôi lúc này đang ở trong trạng thái “bấn loạn” “Ô hay, mình lạc vào cái nơi nào thế này nhỉ?”. Tôi vừa nghĩ vừa làm mặt lạnh, khoanh tay đứng nhìn bên dưới ra vẻ kiên nhẫn chờ đợi. Và tôi cũng thở nhẹ nhẹ ra (không dám thở phào vì biết chắn cần phải tiết kiệm không khí trong phổi cho những hì sắp chứng kiến) vì cuối cùng “các bé” cũng không đến nỗi không biết đứng dậy chào cô. Buổi đầu tiên không học mà chỉ để làm quen và tôi cung còn là đối tượng thú vị để chúng khám phá nên cũng không có gì là quá căng thẳng. Tôi chỉ cảm thấy rằng mấy nhóc này hơi … chưa lớn đúng với lứa tuổi mà tôi biết. Nhưng đến khi chúng đã biết tôi là người sẽ là người dạy chúng “mãi mãi về sau”, chúng bắt đầu thử thách tôi. Lần thứ hai bước vào lớp, sau khi chào tôi, chúng lại nháo nhào lên: đứa thì quay sang nói chuyện với đứa bên cạnh, đứa thì chọc ghẹo….. lớp ồn như cái chợ. Tôi không thể


nào bắt đầu bài mới với cái không khí họp chợ như thế. Tôi chẳng nể nang nữa, cầm cây thước dập bàn ba cái đánh rầm rầm rầm. Cả lớp im re quay lại nhìn. Trong 1 khoảnh khắc yên ắng đó, tự nhiên tôi có cảm giác chị quản lý đang đứng ở bên ngoài nghe ngóng tình hình trong lớp tôi. Dù vậy tôi vẫn làm như không biết gì. Mặt tôi hầm hầm như sắp đi bắt hổ. Tôi hỏi: “Các bạn không biết nội quy gì khi vào giờ học hết à? Sao vào tiết rồi mà vẫn lộn xộn (định nói thêm “như cái chợ” nhưng sợ đụng chạm tự ái của bọn nhóc mới lớn) như vậy?”. Nếu là một lớp học bình thường khác như trước giờ tôi vẫn biết thì học sinh sẽ tỏ ra có hối hận và in phăng phắc hối lỗi trước những lời nặng nhẹ của giáo viên. Đăng này, những phản ứng mà tôi không hề mong đợi lại xảy ra, đưa tôi đến hết từ cơn giận này đến cục tức khác. Bọn nhóc nhao nhao: Tại thằng A nó đánh em trước, Tại bạn B mượn vở em mà không trả, tại bạn C ngồi mất chỗ của em Bất ngờ hơn còn có đứa bảo “Ở đây đâu có nội quy gì đâu cô” . Trời đất ơi, tôi có đang bị lạc vào một vườn trẻ nào không vậy trời. Nhưng cho dù là học sinh tiểu học nhìn thấy giáo viên đỏ mặt tía tai như vậy chắc cũng không dám đáp lại kiểu như thế. Tôi hỏi: “Các bạn bao nhiêu tuổi rồi?” Có đứa trả lời: bọn em còn nhỏ xíu hà cô….” Vậy là tôi mất 30 phút để làm 1 tràng về việc tuân thủ quy định của những người … sắp trưởng thành. Bla bla bla nào là tại sao phải có nội quy, tại sao phải cư xử đúng mực, tại sao phải tôn trọng bản thân và người khác và cuối cùng tôi mất một tiết để đi đến 1 bảng “nội quy trong giờ học T.A”…. Nhưng hình như tuân thủ quy định không phải là một điều được rèn luyện thường xuyên ở đây nên các “bé” này rất mau quên. Hầu như ngày nào tôi cũng đập bàn, cũng hò hét, cũng “vừa đánh vừa xoa”, hết nặng nhẹ rồi lại tầm tình nhắn nhủ, hết quát mắng rồi lại dịu dàng ngon ngọt. Vậy mà vẫn có một số em vào lớp chỉ có lăn ra ngủ chứ không học một chữ nào và một vài em lại đột nhiên cười giỡn, chọc ghẹo bạn ầm ầm trong lớp! Tôi nói chuyện vơi chị quản nhiệm thì chị phẩy tay: “Giời ơi, học sinh ở đây nó thế đây em ạ. Cứ từ từ rồi em cũng quen thôi. Em trụ được với lớp này được thời gian như thế cũng đã khá lắm rồi đấy. Trước đây có cô chỉ dạy được 2 hôm là xin chuyển lớp.” Nói thế nhưng chị quản nhiệm cũng thể hiện tinh thần “có làm việc” của mình bằng cách có hôm ngồi ở ngoài nghe bên trong lớp ồn ồn, chị mở cửa, tự ý đâm bổ thẳng vào lớp tôi đang dạy và sổ một tràng “A,B,C có im lặng không thì bảo, cô nói với các bạn, các bạn cứ cư xử thế này là không được…..bla bla bla” Tôi bất ngờ quá thể. Không hiểu tại sao cô quản nhiệm lại có cái quyền xông vào lớp giữa giờ học để mắng nhiếc học trò trong khi giáo viên bộ môn đang dạy. Có chị văn phòng còn kể có đứa học sinh nói thẳng với giáo viên là chỉ cần tôi méc ba mẹ tôi là cô sẽ bị mất việc. Mọi sự trên đời này bị đảo lộn hết thì phải? Đây sao có thể gọi là giáo dục. Phải nói là trong tháng đầu tiên trong nghiệp dạy dỗ mình “khủng hoảng” kinh khủng. Cái cụm từ “nằm gai nếm mật” rất đúng với nghĩa đen. Suốt một tháng ấy, cứ mỗi lần đang nghỉ trưa trong phòng giáo viên, nghe tiếng bọn nhóc ăn cơm trưa xong đi ngang qua mình lại thấy sợ rợn cả gai óc, tim giật thon thót. Những viễn cảnh về nghề nghiệp cứ tối mờ tối mịt trước mắt.Làm sao một mình mình có thể thay đổi cái thực trạng này được cơ chứ? Có mất việc mà thay đổi được tình hình thì mình cũng chẳng ngại. Nhưng mà sao mình lại ghét cái cảnh phải làm cô “dỗ” trẻ lớn thế này. Mình cứ thấy mình đang làm việc tội lỗi. Lẽ ra lứa tuổi lớp 11 phải đang hình thành những giá trị, đặc điểm khác chứ không thể lẩn quẩn mãi với việc chấp hành nội quy mà cũng chưa xong.


Nhưng kiểu gì thì cũng nghỉ, cứ cố gắng thử xem mình có thể đi được bao xa. Nhờ những suy nghĩ “hồn nhiên” ấy mà mình lại tiếp trụ lại để đợi kết quả. Nói là nếm mật là vì trong tháng đầu tiên đi dạy mình bị tắt tiếng và sốt hết mấy ngày. Chắc là do cường độ âm thanh phải sử dụng trong lớp (dù lớp nhỏ, số lượng hs it) quá sức và những căng thẳng về tâm lý đây mà. Vậy là phải ngậm mật ong chưng với chanh để phục hồi giọng nói và sức khỏe. Nhưng điều đó cũng không đáng kể bằng “mật đắng” khi phải đương đầu với một vài mối quan hệ với một vài người. Một lần, đang vào thư viện tìm sách cho học sinh đọc, chị quản nhiệm lớp mình dạy đứng ngay đàng sau lưng cùng với một nhóm quản nhiệm khác nói rõ to cố ý cho mình nghe : “Con bé này mới vào, còn non choẹt thế này mà xấc xược với người lớn lắm. Mặt lúc nào cũng kênh kênh không thèm chào hỏi ai trông rất khinh người. Làm giáo viên thì có gì mà phải lên mặt như thế.” Tôi nghe như thế mà thấy điếng. Tôi chưa bao giờ nghĩ ra là chị ấy lại có ý nghĩ như thế về tôi. Lại còn nói oang oang trước mặt mọi người giống như đang tuyên chiến hay là sỉ nhục tôi vậy đó. Phải nói là từ trước tới giờ ngoại trừ cãi nhau nạnh hẹ ti toe với hai đứa em gái tôi chưa từng có kinh nghiệm cãi vã kiểu “giang hồ” như thế kể cả với những đứa bạn tôi không ưa nhất. Đứng như trời trồng trước kệ sách một lúc tôi bước ra đi thẳng một mạch ra cửa để tránh “đụng độ” với chị ấy. Về nhà tôi cứ nghĩ mãi về chuyện ấy và ngẫm lai xem mình có ăn nói bất cẩn thiếu lễ độ gì với chị ấy không mà chị ấy lại nói như thế. Nghĩ không ra tôi đem đi hỏi một chị đồng nghiệp khá thân. Chị bảo rằng tính chị ấy hay “đại ca” như thế may mà em bỏ đi chứ đứng lại mà đôi co thì trúng kế chọc tức của chị ta. Thế là từ ấy tôi để ý hơn đến cái cư xử với chị ta. Chị ta lại càng làm ra vẻ kẻ cả... Trong suốt 6 tháng ròng rã ấy tôi dường như bị “cách ly” với thế giới bên ngoài vì đi làm từ lúc 5h sáng cho đến hơn 6 giờ tối mới về đến nhà. Có hôm phải đi dạy thêm nữa. Cuối tuần phải soạn bài, chấm bài. Bạn bè rủ đi chơi mà tôi từ chối hoài chúng cũng chẳng muốn rủ nữa. Một tháng tôi được ra khỏi trường một lần để thi TOEFL. Có lần đứa bạn đồng nghiệp rủ thi TKT thử xem thế nào. Tôi cũng xin phép đi thi. Cầm cái chứng chỉ đạt được Band 4 và phần thưởng của BTC cho người đạt điểm cao nhất về khoe với chị quản lý, thấy chị hình như không vui thực sự cho lắm. Sau đó chẳng bao giờ tôi dám thông báo thi thố gì nữa. Thật ra thì trong 6 tháng “nằm gai nếm mật” đó cũng có lúc tôi được “nằm giường nệm và nếm sô cô la”. Chẳng hạn như một số hoạt động nhóm (thường là game) mà tôi tổ chức phát huy tính hiệu quả trong việc tuân thủ quy định và tăng cường sự đoàn kết cũng như động lực học tập (động lực bên ngoài – lấy điểm) của bọn nhóc. Nhớ 1 lần trong 1 bài nghe đang tính điểm thi đua giữa các nhóm, có một nhóc chơi ăn gian, lật script ra coi đáp án. Khi tôi phát hiện ra và quyết định hủy game đó, cả lớp nhảy vào “tổng xỉ vả” nhóc đó vì đã làm cô hủy cuộc chơi và làm mất giá trị của trò chơi vì không còn tính công bằng. Nhóc đó có vẻ bất ngờ vì hình như trước giờ nó cũng hay dùng chiêu đó mà chỉ toàn được bạn bè “noi gương” chưa bao giờ bị chúng “rủa sả” như thế. Hay như hoạt động viết theo nhóm rồi “trình chiếu” trên bảng để so sánh nhận xét với nhau cũng làm cho bọn nhóc thích thú vì chúng có thể “thưởng thức” và cho ý kiến (thường là bắt bẻ những điều vô lý trong ý tưởng hoặc “vạch lá tìm sâu” về ngôn ngữ) về các các “tác phẩm” của các nhóm khác. Mỗi lúc như vậy bọn nhóc này lại phát huy thế mạnh gây ồn ào của chúng. Nhưng ồn ào


kiểu này thì giáo viên nào cũng thích. Tôi hay chuẩn bị những cuốn sổ tay nhỏ và viết những câu nói hay vào làm phần thưởng cho chúng và cảm thấy vui khi đứa nào cũng tranh nhau thắng để giành lấy quà. Chúng sử dụng những cuốn sổ tay đó một cách rất trân trọng. Càng ngày tôi càng phát hiện nhiều điều hơn về lũ nhóc. Đa phần những đứa hay gây rắc rối nhất là những đứa có hoàn ảnh gia đình không được êm ấm và thiếu sự yêu thương, quan tâm đúng đắn của người thân . Một số đứa lại có những sở thích, ước mơ rất thú vị. Buổi cuối cùng của học kỳ, tôi phát cho mỗi đứa 1 món quà, tất cả đều là sách. Một nhóc nhìn tôi nói: Ủa sao cô biết em thích kỹ thuật hàng không? Mơ ước của em là sau này sẽ làm việc cho NASA đó cô. Tôi cũng bất ngờ vì thật ra cuốn sách vô tình trùng với sở thích của nhóc ấy, nhưng cũng tỏ vẻ bí ẩn: “Sao cô lại không biết chứ. Cố lên nhé!” Trong tiết speaking có nhóc chia sẻ rằng: My motto is “Nothing is impossible”! Một học kỳ là quá ngắn để tôi hiều hoàn toàn 25 hoàn cảnh trong lớp nhưng cũng đủ dài để tôi xác định rằng tôi không phù hợp và không hiệu quả trong môi trường ở đó. Tôi thấy mình đầu tư công sức mười phần thì sự thay đổi chỉ chỉ ứng với một phần mà lại không có vẻ gì là bền vững. Rồi đến lúc tôi cũng quyết định ra đi. Mọi người ai cũng hỏi đã tìm được chỗ nào chưa mà đã bỏ chỗ cũ. Tôi bảo chưa. Ai cũng bảo là không nên. Nhưng tôi thấy “sứ mệnh” của tôi ở đây đã hết. Điều duy nhất vẫn ám ảnh tôi giống như đã ám ảnh cô thực tập sinh cách đó 2 năm là câu hỏi bao giờ những đứa học trò nhỏ của tôi được yêu thương đúng cách. Hiện tại và tương lai Hành trình theo đuổi sự nghiệp giáo dục của cô sinh viên tỉnh lẻ là tôi vẫn tiếp tục. Có những lúc cuộc hành trình tưởng như phẳng lặng, thẳng tắp, có những lúc phải rẽ qua những khúc ngoặt quanh co để tiến đến một giai đoạn mới. Nhưng đó không chỉ là hành trình đi tìm việc, không chỉ là hành trình tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội mà trên hết là hành thực hiện lời hứa với bản thân, thực hiện khát vọng sống và hực hiện lời hứa với những người đã cho tooi cơ hội được thực hiện ước mơ của mình. Và tôi vẫn tin rằng những con người những người biết biết vào tình yêu thương, biêt ước mơ, biết tận tâm nỗ lực, mang trong mình những sứ mạng tốt đẹp và luôn luôn học hỏi sớm hay muộn cũng sẽ gặt hái được những kết thúc có hậu cho cuộc đời mình.

Hoàng Oanh, Ngày 6 tháng 1 năm 2013



Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.