người hậu hiện đại n7

Page 1

người hậu hiện đại

n°7 - 08/2013


lời tòa soạn

Sau một tháng trời suy nghĩ ý tưởng cho số thứ 7, ban biên tập lâm vào bế tắc. Vì vậy mà bìa trước của ấn phẩm được để trắng hoàn toàn ngoại trừ tựa đề. Tuy nhiên, một tháng trời suy tư cũng là một tháng trời đầy trăn trở. Ban biên tập quyết định chia sẻ trăn trở đó với bạn đọc trong số này. Những trăn trở hầu hết là về tình trạng văn hóa nghệ thuật Việt Nam ngày hôm nay, vốn thua xa quốc tế nhưng đang dần mạnh dạn vươn đến một tầm cao mới. Số thứ 7 là số đầu tiên chỉ đăng những bài viết lý luận dài và không giới thiệu tác phẩm mới. Có bốn bài viết trong số này. Bài viết thứ nhất lý luận về nguyên nhân vì sao nền nghệ thuật Việt Nam phát triển chậm hơn các nước khác và làm sao để phát triển nó một cách bền vững hơn. Bài viết thứ hai phân tích về kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan truyền thống Việt Nam, đặc biệt tại miền Bắc. Tác giả bài viết này nhận thấy người Việt xưa đã có những tư duy thiết kế vô cùng thông minh nhưng chúng đang bị quên lãng theo thời gian và thế hệ của chúng ta nên kết hợp những tư duy đó trong thiết kế hiện đại. Bài viết thứ tư khái quát về một số hiện tượng âm nhạc phi thị trường (nhạc rock, nhạc indie, nhạc thể nghiệm, vv.) của Việt Nam trong những năm gần đây và tiềm năng của những phong trào này trong những năm tới. Bài viết cuối cùng phân tích về chất lượng sống trong các đô thị Việt Nam ngày hôm nay và biện pháp để cải thiện nó. Qua bốn bài viết này, ban biên tập và các tác giả mong bạn đọc thấu hiểu các trăn trở của chúng tôi và tiếp tục chia sẻ chúng với bạn bè, người thân của mình. _le cerveau droit


nghệ thuật hiện đại việt nam le cerveau droit

sự tiến hóa trong kiến trúc kiến trúc không cần kiến trúc sư alessandro machioni

rock việt đương đại bút chì xanh

thành phố đáng sống nhất việt nam le cerveau droit

mục lục


nghệ thuật hiện đại việt nam le cerveau droit Một thực trạng đáng xấu hổ là Việt Nam ngày nay thua xa quốc tế về mọi lĩnh vực trong nghệ thuật. Từ điện ảnh, âm nhạc, văn học, sân khấu, kiến trúc, mỹ thuật đương đại đến ngay cả phục chế nghệ thuật truyền thống, chúng ta đều khiêm tốn về cả số lượng lẫn chất lượng. Ấy vậy mà rất nhiều nhà phê bình trong nước nhìn nhận ‘như thế là khá so với điều kiện của nước ta rồi’. Một khi đã đánh giá vị trí của nền nghệ thuật quốc gia trong tầm vóc quốc tế thì không thế nào tự mãn như vậy được. Để nghệ thuật nước nhà phát triển, giới phê bình Việt Nam cần phải thẳng thắn và trung thực hơn với sự yếu kém của mình. Nếu trò dở mà thầy không nhận ra trò dở thì bản thân thầy cũng chẳng ra gì.


Thật khó so sánh Việt Nam với những nước giàu có về tài chính và dân trí như một số ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Thậm chí với những nước thu nhập trung bình như Chile và Iran, chúng ta cũng chưa đủ tương đồng để so sánh, mặc dù hai quốc gia này sẽ là những tấm gương sáng cho sự phát triển của nền nghệ thuật nước ta trong tương lai. Hãy so sánh với Philippines, một nước Đông Nam Á có điều kiện địa lý, dân số, kinh tế, dân trí, vv. tương tự với Việt Nam. Tuy giống nước ta đến cả tình trạng tham nhũng và tệ nạn xã hội, Philippines lại sản sinh ra hàng loạt những nhà làm nghệ thuật được thế giới công nhận. Phim của Philippines luôn được chọn tranh giải tại các liên hoan phim danh giá. Các ban nhạc của nước này tạo được tiếng vang tại nhiều liên hoan âm nhạc quốc tế. Điều này làm chúng ta tự hỏi vì sao Việt Nam lại chưa thể cạnh tranh được với Philippines.

Tranh châm biếm trên báo ‘Người cùng khổ’ do Nguyễn Ái Quốc vẽ, 1920-1924

Tuy nhiên, nghệ thuật Việt Nam không phải lúc nào cũng thua kém thế giới như ngày nay. Trước năm 1945 có lẽ là thời kỳ hưng thịnh nhất của nghệ thuật nước ta, đặc biệt là văn học. Nền giáo dục kiểu thuộc địa Pháp đã sản sinh ra một thế hệ các văn sĩ, thi sĩ tài năng như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, vv. Tuy các nhà văn ít nhiều chịu ảnh hưởng của các tư tưởng cấp tiến của người Pháp, nhưng vẫn mang một tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm mãnh liệt. Các tác phẩm của họ trở thành bất hủ và định hình cho nhiều thế hệ sau. Từ 1945 đến 1975, đặc biệt là thời kỳ nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam, nền nghệ thuật Việt Nam bắt đầu suy tàn. Hệ thống chính trị của cả hai miền nỗ lực sản xuất những tác phẩm tuyên truyền phục vụ cho lợi ích của nhà cầm quyền. Miền Nam tuyên truyền chống Cộng Sản. Miền Bắc tuyên truyền chống Mỹ-Ngụy. Rất nhiều bộ phim, bài hát về chiến tranh và đời sống người lính ra đời. Hơn nữa, các trường phái nghệ thuật của hai miền chịu ảnh hưởng lớn từ quốc tế như miền Bắc từ Liên Xô và miền Nam từ Mỹ. Phim ảnh tuyên truyền thường thấy những kịch bản hình sự hành động, tình cảm lãng mạn bị lồng ghép một cách gượng gạo những thông điệp sặc mùi chính trị.


Sau năm 1975 là sự tàn lụi của nền nghệ thuật Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ tài năng của miền Nam lo sợ sự tiếp quản của chính quyền miền Bắc đã đến nước ngoài sinh sống. Nghệ thuật tuyên truyền phát triển mạnh mẽ và nghệ thuật thị trường dần biến mất. Đất nước đóng cửa ngoại giao với hầu như cả thế giới dẫn đến việc tiếp cận với nghệ thuật nước ngoài khó khăn hơn. Ngoài tiềm năng là công cụ tuyên truyền, nghệ thuật còn bị xem là một công cụ phản cách mạng. Việc sáng tạo nghệ thuật vì thế bị kiềm hãm, dẫn đến số lượng tác phẩm nghệ thuật trong thời kỳ này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đầu những năm 1990, khi nước ta bắt đầu quay lại nền kinh tế thị trường, việc phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu. Do đó, các ngành nghệ thuật bị xem là xa xỉ và phi thực tế. Các bộ môn như Âm Nhạc và Mỹ Thuật trong nền giáo dục phổ thông bị cắt bỏ để chú trọng vào các môn ‘thực tiễn’ như khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. Lúc này, nghệ thuật tuyên truyền vẫn phát triển nhưng dần bị giới trẻ tẩy chay vì sự bảo thủ, giáo điều và thiếu ‘sành điệu’. Nghệ thuật thị trường quay trở lại dưới sự sản xuất của hàng loạt các công ty nhà nước. Radio và truyền hình phát triển hưng thịnh dựa trên doanh thu ngày càng tăng từ quảng cáo. Giải trí nước ngoài cũng ồ ạt đổ vào Việt Nam, nhờ sự phổ biến rộng rãi của băng VHS, đĩa CD, DVD, truyền hình cáp và sau đó là internet. Nghệ thuật Việt Nam cũng từ đó bắt chước phong cách nước ngoài trở lại.

Đồ họa tuyên truyền về chính sách của nhà nước


Cuối thập kỷ 1990 và sang những năm đầu thế kỷ 21, nhờ internet, các boyband, girlband ồ ạt thành lập dựa trên cảm hứng từ các nhóm nhạc nổi tiếng của Anh và Mỹ. Các ca sĩ solo như Lam Trường, Đan Trường bán chạy nhờ chất giọng và thời trang ăn theo các ca sĩ nhạc pop quốc tế thời đó. Các ban nhạc rock hiếm hoi xuất hiện nhưng đều chạy theo những khuôn mẫu thị trường trên thế giới chứ không đầu tư vào chất lượng âm nhạc. Phim, hầu hết là phim truyền hình, ăn theo phong cách của Hong Kong và Đài Loan, trở thành bạn thân thiết của các bà nội trợ. Phim điện ảnh hầu như không phát triển trong giai đoạn này. Các hãng phim tư nhân không được phép hoạt động và phim nước ngoài cũng bị hạn chế vào thị trường làm các rạp phim trì trệ về công nghệ lẫn tiện nghi. Sân khấu cũng ế ẩm do thị hiếu của công chúng đã chuyển sang giải trí quốc tế và những dòng sản phẩm mang tính sành điệu hơn như ‘nhạc trẻ’. Các trường mỹ thuật và kiến trúc đều chuyển sang đào tạo cho nhu cầu của thị trường. Một thế hệ các kiến trúc sư, nhà thiết kế thời trang, họa sĩ đồ họa và những nghệ sĩ sáng tạo khác được khuyến khích xem nhẹ tính nghệ thuật và cái tôi trong tác phẩm của mình để phục vụ hoàn toàn thị hiếu của khách hàng. Một girlband với phong cách Anh-Mỹ lúc bấy giờ


Phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di


Sau năm 2000 đánh dấu sự quay trở lại của phim điện ảnh nhờ chủ trương tư nhân hóa nền kinh tế của nhà nước. Lúc này, điện ảnh đã không còn bị xem là công cụ tuyên truyền mà được nhìn nhận như một ngành công nghiệp tạo lợi nhuận. Phim Hollywood cũng được bật đèn xanh, ồ ạt đổ vào các rạp chiếu phim hiếm hoi ở các thành phố lớn, thay đổi hẳn gu thưởng thức điện ảnh của người Việt Nam. Và trong thập kỷ 2010, chủ trương phát triển kinh tế vẫn được ưu tiên, nhưng nhờ cuộc Đại Suy Thoái của kinh tế toàn thế giới từ năm 2009, chủ trương này đã được sửa chữa thành “phát triển bền vững”. Tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, sự phát triển của các trường đại học công lập lẫn dân lập và sự bùng nổ số lượng du học sinh nước ngoài, đặc biệt ở các nước phương Tây, trở về Việt Nam tạo ra một thế hệ thị dân tri thức trẻ đông đảo. Họ đòi hỏi một cuộc cách mạng trong nghệ thuật Việt Nam. Họ đòi hỏi những tác phẩm có chất lượng và không bị ràng buộc bởi thị trường hay chính trị. Phan Đăng Di, Lê Cát Trọng Lý, Võ Trọng Nghĩa hay Hồng Việt Dũng là những tài năng hiếm hoi từng bước giúp nền nghệ thuật Việt Nam vượt ra khỏi biên giới nước nhà và thu hút khán giả quốc tế. Bí quyết của nền nghệ thuật Philippines hàng chục năm qua cũng chính là bài học của chúng ta từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Nền kinh tế của Philippines luôn là nền kinh tế thị trường. Nghệ thuật tuyên truyền không phát triển mạnh ở đây, mọi hạn chế của hệ thống kiểm duyệt đều xuất phát từ thị hiếu của xã hội chứ không từ chính trị. Điều đó không có nghĩa là nghệ thuật nên phát triển theo nhu cầu của thị trường. Nhưng nền kinh tế thị trường tạo ra sự tách biệt giữa chính trị và nghệ thuật, mở đường cho sự tự do sáng tạo cho nghệ sĩ và sự độc lập cho các nhà phê bình nghệ thuật. Trong nền kinh tế thị trường, các tác phẩm thị trường trở thành cơ sở để phê bình, để cải thiện, để phá cách cho những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, có giá trị phi vật chất cao.

Album đầu tay của Lê Cát Trọng Lý


Những tác phẩm thị trường luôn thay đổi và bị lỗi thời, nhưng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật lại trường tồn và mãi mãi không bị lãng quên. Giống như văn học của nước ta trước năm 1945, đều là những tác phẩm ngầm, phi lợi nhuận nhưng được sáng tác vì lợi ích dân tộc, lợi ích nhân loại, lợi ích của chính nghệ thuật. Nghệ thuật không thể bị kiềm nén bởi chính trị và định nghĩa đâu là đúng, đâu là sai. Vì vậy chỉ có sự tự do sáng tạo mới có thể tạo cơ hội thuận lợi nhất cho nghệ thuật phát triển. Lúc đó, doanh thu từ một tác phẩm không còn nghĩa lý gì, trong khi giá trị nhân đạo và thẩm mỹ của tác phẩm được tôn vinh. Đó chính là mục đích duy nhất của mọi tác phẩm nghệ thuật. Gần đây có một bộ phim tên Bụi đời Chợ Lớn gây nên tiếng vang do bị hệ thống kiểm duyệt của nhà nước cấm phát hành vì lý do quá bạo lực. Dẫu biết bộ phim này có tiềm năng là một tác phẩm tệ hại và nỗi nhục khó phai của dân tộc ta, nhưng câu hỏi cần đặt ra là liệu có thực sự cần thiết để cấm bạo lực trong điện ảnh. Nếu ta cấm phim này hôm nay, nó sẽ đặt ra tiền lệ cho hôm sau, khi mà những bộ phim chất lượng đòi hỏi người xem nhìn nhận bạo lực trong một con mắt nhân đạo hay triết lý hơn. Nếu Bụi đời Chợ Lớn không bị cấm, một điều chắc chắn là nó sẽ không tồn tại được lâu trong trí nhớ của khán giả dù có bạo lực đến thế nào, dù có kiếm được bao nhiêu lợi nhuận. Điều nực cười là không nhà nước nào trên thời giới này có thể cấm được internet, cuối cùng Bụi đời Chợ Lớn cũng đã đến được với khán giả và nhận được những phản hồi tiêu cực thích đáng. Điều này khiến ta tự hỏi tính hiệu quả của hệ thống kiểm duyệt của Việt Nam. .

Công trình Kontum Indochine Café của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa


Tác phẩm Con đường dài của họa sĩ Hồng Việt Dũng


sự tiến hóa trong kiến trúc kiến trúc không cần kiến trúc sư

alessandro machioni Kiến trúc đương đại trong vài thập kỷ nay đang tỏ rõ sự bế tắc, những cuộc chạy đua trong vô vọng của chủ nghĩa biểu hiện (phụ thuộc vào quá nhiều vào cá tính của kiến trúc sư hay của một nhóm kiến trúc sư), trong khi phong cách quốc tế (không cần quan tâm đến tính địa phương) vẫn còn dư âm mạnh mẽ. Nền kiến trúc đang rất cần những tác phẩm để tưới mát và làm sống lại những cánh đồng kiến trúc khô cằn trên khắp thế giới. Trong khi chờ đợi những tác phẩm trên ra đời chúng ta hãy thử đi tìm lời giải từ những tác phẩm cổ xưa.


Trong khi những đồng nghiệp đang hăng say bên bản vẽ trong những ngày hè nóng nực, thì tác giả bài viết này lại có một niềm vui nho nhỏ là được đắm mình trong những không gian kiến trúc thuần Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Những không gian thật đẹp, dễ đi vào lòng người, nhưng vẫn thật khó lý giải. Mãnh lực của công trình khiến cho tất cả những phân tích, đánh giá theo lối kinh viện đều trở nên ấu trĩ và nông cạn. Chỉ cần một thứ duy nhất là hãy cảm nhận như một kiến trúc sư chân đất và chúng ta sẽ bất ngờ khi có thế nhìn thấu được mọi thứ từ mảnh đất cội này. Làng cổ Đường Lâm

Đường xá trong làng cổ Đường Lâm

Bỏ qua tất cả những sự phát triển kinh tế kéo theo sự phát triển không gian một cách thiếu nhạy cảm để trả lại cho Đường Lâm nét thuần khiết, được nghe và thử tưởng tượng những hoạt động mà người dân ở nơi này đã có từ hàng trăm năm trước mới thấy không gian này và chỉ có không gian này mới dành cho họ. Chúng ta, những con người của cuộc sống đô thị hiện đại sẽ nhận thấy rằng không đâu trên đất nước này lại có một cấu trúc không gian làng (đơn vị ở) sinh động, hấp dẫn, đầy chất cảm như nơi này. Những không gian bộc phát đến bất ngờ như ao, sân làng, sân đình, sân chùa, giếng nước, … Nối toàn bộ những không gian ấy là những con đường làng nho nhỏ, quanh co, khó đoán và đầy rẫy những thực thể kiến trúc như được một bàn tay vô hình nào đấy làm vương vãi. Sự hài hòa một cách khó hiểu giữa những nốt chất liệu thô ráp, trầm lắng, được phủ đầy hoa và dây leo như lưới nhện khiến cho bản nhạc không gian này dường như không có sự tồn tại của thời gian. Ngày mùa đã đến, tất cả những con đường làng được phủ đầy rơm vàng ươm, trẻ con đùa nghịch và nằm lên cả đấy!


Chùa Tây Phương Công trình chùa Tây Phương cho thấy Phật giáo Đại thừa đã cắm rễ và thăng hoa ở Việt Nam. Một không gian kiến trúc mà con người được thực sự gần gũi với Phật và các đồ đệ của ngài. Không gian ở công trình này vẫn thường thấy ở bao công trình chùa chiền khác trên khắp Bắc bộ nhưng biểu hiện kỳ lạ của tỉ lệ và vật liệu khiến cho không gian trong chính điện là một thế giới hoàn toàn khác, nó tạo ra được tính vô lượng trong cái không gian nhỏ bé, những bức tượng điêu khắc 17 vị La Hán như đang bay bổng trong cõi u tịch của chính không gian nhỏ nhắn ấy. Ở đây tất cả đều thấp, gần gũi và chắc nịch, vẻ đẹp tinh tế thuần khiết được ẩn mình trong chiếc vỏ thô mộc, vĩnh cửu lột tả được triết lý của kiến trúc Việt Nam là vẻ đẹp tự thân từ trong tỏa ra. Ngoài ra điêu khắc tượng của chùa Tây Phương cũng là một đỉnh cao. Những vị La Hán đươc thể hiện theo lối hiện thực sinh động, nhưng những nét biểu cảm từ khuôn mặt cho đến cử chỉ vẫn khiến cho người đời phải tò mò và phỏng đoán xem các ngài thật sự đang nghĩ gì!

Điêu khắc trong chùa Tây Phương


Đình Đình Bảng ‘Hoàn hảo về kiến trúc’. Chỉ có thể nói ngắn gọn như thế về Đình Đình Bảng. Với một cấu trúc kiến trúc khó có thể đơn giản hơn, nhưng bên trong công trình thì lại cực kỳ biến ảo về chi tiết. Đấy cũng là một thành tựu về nghệ thuật xây dựng của người Việt hơn 300 năm trước, khi công trình chỉ là một hình chữ nhật dài (20m, rộng 14m, cao 8m) nhưng lại có đến 2 đội thợ giỏi nhất vùng Kinh Bắc lên ý tưởng và thi công, mỗi đội thi công nửa bên và hoàn thành cùng một khoảng thời gian. Chính vậy làm cho chi tiết ở 2 bên không bên nào giống bên nào nhưng lại thống nhất trong một khối công trình liền mạch. Tất cả những bài tính về điều kiện khí hậu khắc nghiệt Bắc bộ đến kết cấu gỗ phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đa dạng trong công trình đã được giải quyết một cách thông minh ngay cả khi các bộ môn vật lý kiến trúc hay cơ - kết cấu còn chưa ra đời. Đấy là thành quả, là cây ‘thước thần’ của cả một chặng đường làm kiến trúc từ hàng ngàn năm trước của người Việt xưa, mà các nghệ nhân của Đình Đình Bảng chỉ việc lấy ra và hiện thực hóa ý đồ của mình. Nếu chùa Tây Phương là một đỉnh cao về điêu khắc tượng thì Đình Đình Bảng lại là tuyệt đỉnh về chạm khắc, trong khi các chi tiết như muốn bay ra khỏi những tấm bản gỗ, thì các đầu dầm như được hóa kiếp thành những đầu rồng vô cùng tinh xảo, đến nay các chuyên gia vẫn còn chưa hiểu được các nghệ nhân làm cách nào để có thể chạm khắc được bên trong lõi của đầu rồng để tạo được hiệu ứng chạm khắc trong chạm khắc như vậy.

Kết cấu hoành tráng và trạm khắc tinh xảo của Đình Đình Bảng


Tam quan chùa Kim Liên Khi đứng dưới cánh cổng tam quan của chùa Kim Liên mới cảm nhận được đầy đủ về sự thể nghiệm về hình thể và kết cấu này. Ba bộ mái sừng sững, vút cong kiêu hãnh mà chỉ được đặt trên 4 cây cột xếp thẳng hàng bằng gỗ lim hàng trăm tuổi cứng hơn cả bê tông. Một chi tiết khiến tất cả phải sửng sốt khi thấy rằng 4 cây cột này cũng chỉ được kê trên 4 trụ đá được đặt âm xuống mặt đất khoảng nửa mét. Không cần một con đường để điều tiết và chuyển hóa cảm xúc, mà chỉ cần là một chiếc cổng nhưng sự thu hút từ xa bằng những khoảng tối do bộ mái tạo ra cũng có thể làm cho lòng người lắng dịu. Nắng đã tắt hẳn, những chiếc đèn lồng treo cao trên cổng làm cho ba bộ mái cứ như đang trôi nổi, bồng bềnh trong một khoảng đêm đen mờ ảo, ngoài kia mưa bắt đầu rơi! Chùa Thầy Ấn tượng ban đầu khi vừa mới thoát khỏi con đường làng nắng gắt vào buổi trưa, để được chứng kiến không gian chùa Thầy, không ai không bị cuốn hút bởi điều kỳ diệu của bàn tay con người khi có thể sắp kiến trúc đặt không gian một cách mầu nhiệm đến vậy. Quả thực, thiết kế cảnh quan của chùa Thầy cực kỳ xuất sắc khi tận dụng được vẻ đẹp của núi non, hồ nước. Và khi được vào trong không gian ấy, ngồi trên bậc gỗ chung với người dân đang tránh nắng và câu cá trên hai cầu Nhật tiên và Nguyệt tiên ở 2 bên sân chùa mới thấy hết sự tĩnh lặng ở nơi đây. Nhưng không gian này còn tuyệt hơn khi nó được phá vỡ vào buổi chiều. Nếu vô tình được thả bộ trên con đường quanh hồ phía trước của chùa Thầy, chúng ta sẽ được tận hưởng cảm giác mát lây từ những đứa trẻ làng Thầy đang nô đùa vui vẻ dưới nước xung quanh Thủy đình. Có thể dễ dàng nhận ra rằng đây đích thực là không gian kiến trúc chung đẹp nhất của làng Bắc bộ. Tổng mặt bằng với điểm nhấn rất Việt, Thủy đình như một chiếc thuyền cô độc được neo đậu giữa mặt hồ rộng lớn. Vượt qua mọi sự tưởng tượng, dân làng và không gian kiến trúc ở đây gần gũi với nhau đến độ mọi người sử dụng chúng một cách ngẫu hứng nhưng lại tự nhiên đến kinh ngạc. Điều thú vị là tất cả các công trình này đều được tạo nên bởi những người thợ lành nghề của các làng bản Bắc bộ. Khái niệm kiến trúc sư chỉ áp dụng trong các công trình dành cho vua chúa ở kinh đô. Tuy thua kém kinh đô về kích cỡ lẫn vật liệu quý hiếm, các công trình ở nông thôn lại sáng tạo hơn và mang chất đậm dân tộc hơn.


Vẻ uy nghi của tam quan chùa Kim Liên

Cảnh quan sông núi thơ mộng của chùa Thầy


rock việt đương đại bút chì xanh ‘Dưới ánh mặt trời, mọi người nên có một cái tên’. Một câu nói nổi tiếng đã khẳng định sự tồn tại của một cá nhân được nhận biết dựa trên tên của cá nhân đó. Ở một khía cạnh xa hơn như trong âm nhạc, khái niệm mà gần đây thường hay được nhắc tới nhất là ở Việt Nam ‘underground’ và ‘mainstream’. Nếu bạn hiểu ‘thị trường’ hay ‘mainstream’ trong âm nhạc Việt Nam là nhạc nhẹ, nhạc trẻ, V-pop hay thậm chí là nhạc vàng, nhạc tiền chiến thì có nghĩa là chúng đã có một cái tên ‘dưới ánh mặt trời’. Theo nghĩa ngược lại, ‘underground’ mặt dù xuất hiện le lói dưới ánh sáng mặt trời hoặc khuất lấp hẳn sau màn đêm cũng sẽ sản sinh ra những đứa con mà ở những quốc gia có nền âm nhạc phát triển. Chúng đã trở thành những dòng nhạc chính thống được vinh danh trên các giải thưởng âm nhạc có uy tín. Điển hình là nhạc rock, alternative, metal, punk, shoegaze, post-rock, psychedelic, vv. Tuy nhiên, ở Việt Nam các dòng nhạc ‘underground’ trên từ lâu đã bị ngộ nhận và gọi chung là nhạc rock.


Đối với những người am hiểu hoặc có thâm niên tìm hiểu và thẩm thấu về dòng nhạc rock Việt đương đại thì có lẽ những ban nhạc như Da Vàng, Atomega, vv. là những đại diện đầu tiên mở ra một trào lưu ngầm trong nền âm nhạc cấp tiến của Việt Nam sau thời kỳ Đổi Mới. Giai đoạn giữa thập nên 90 của thế kỉ trước, album Đất Mẹ của Atomega cùng những sáng tác của Da Vàng là những viên gạch đầu tiên cho phong trào nhạc nặng tại Việt Nam. Đặc điểm của các ban nhạc rock Việt ở giai đoạn này là các sáng tác ảnh hưởng bởi các rock band kì cựu của thế giới như Metallica, Nirvana,Bon Jovi, vv. Các ca khúc rock Việt được sáng tác ở thời kì này đa số bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh, ban nhạc cover hầu hết các tác phẩm rock nổi tiếng thế giới. Và điểu đáng trân trọng của rock Việt thời kì này là sự ngây ngô, nhiệt huyết và đam mê của các rocker. Hầu hết các thành viên trong các ban nhạc đều có nghề nghiệp riêng và tìm đến âm nhạc như một nơi khỏa lấp đam mê và phiền muộn. Cũng chính vì thế hầu hết các rock band không tồn tại được lâu do phải cuốn theo chiều lốc của công cuộc mưu sinh.

Atomega, rock band đầu tiên của Việt Nam phát hành album.

Thập niên đầu tiên của thiên niên kỉ mới thật sự là giai đoạn đầy biến chuyển và sôi nổi của các dòng nhạc ‘underground’ nói chung và metal nói riêng. Cùng với sự bùng nổ của mạng internet, cách thức tiếp cận âm nhạc của giới trẻ cũng đần thay thổi. Internet đã mở ra một thế giới âm nhạc đầy màu sắc với giới tri thức và sinh viên đang theo học tại các đô thị lớn. Sinh viên các trường mỹ thuật, kiến trúc ở các thành phố lớn tìm được tiếng nói chung trong phong cách nổi loạn và sáng tạo ở những dòng metal đầy kích động và bùng nổ. Các rock band thời kì này cũng đa dạng về phong cách âm nhạc hơn.


Trước tiên phải nói đến sự phổ biến của Bức Tường với những sáng tác đều đặn đi cùng với phong trào sinh viên từ thế kỉ trước và bùng nổ ở giai đoạn này với dòng pop metal hợp với tai nghe của hầu hết tầng lớp sinh viên học sinh. Modern rock mà đại biểu là Korn, Limp Bizkit, LinKin Park, Red Hot Chilli Peppers là những band thời thượng ảnh hưởng lớn đến phong cách của những band rock Việt được yêu thích như Small Fire, Gạt Tàn Đầy và đặc biệt là Microwave. Bên cạnh đó là dòng chảy mạnh mẽ của death metal, melodic metal, thras metal với các đại diện tiêu biểu như Atmosphere và UnLimiteD. UnLimiteD về sau chuyển hướng sang dòng nhạc anh hùng ca power metal, hay Ice Queen với gothic metal, vv. Ngoài ra dòng alternative rock tạo ra những dòng chảy âm ỉ và mạnh mẽ tại những ‘thánh đường’ bar nhạc sống tại Sài Gòn như Yoko, Acoustic, Saigon Rock Club, RFC, vv., hay tại Hà Nội như Hanoi Rock City. Đây là những nơi nuôi dưỡng sự đam mê của những band alternative đặc sắc như Little Wing, Khoai Lang Tây, Salon Coca, vv. Cuối giai đoạn này đánh ấu sự nổi trội của hai band Microwave và Black Infinity về mặt truyền thông. Sự khác biệt thấy rõ ở đây là hai band này đã có những hoạt động quảng bá chưa hề xuất hiện ở những band khác trước đó, thể hiện một tư duy mới cho cách tiếp cận nhạc ‘underground’ cho đại đa số khán giả.

Lê Cát Trọng Lý, ca sĩ solo được khán giả gọi là nghệ sĩ indie đầu tiên của Việt Nam.


Trong thập kỷ 2010 mới này, mặc dù vẫn phát triển ồ ạt, các rock band dần trở nên thị trường hóa và thụt lùi về mặt sáng tạo. Một số band có tên tuổi đã ngừng việc sáng tác để đi hát cover các ca khúc rock bất hủ của thế giới tại các bar và club. Ngoài ra, một số band nghiệp dư cũng học theo việc cover nhưng lại cover những band tệ hại của nhạc thị trường Bắc Mỹ như Nickelback, Maroon 5, Simple Plan, vv. Các chương trình như RockStorm hay Battle of the Bands sau nhiều năm thực hiện cũng không có nhiều phá cách bất ngờ, phong cách tổ chức hầu như đã lạc hậu so với thế giới. Trong khi đó ngày càng nhiều ban nhạc nghiệp dư ra đời hơn, với chất lượng kém hơn hẳn cả về chất giọng, kỹ thuật chơi nhạc cụ lẫn sáng tác nhạc. Điều quan trọng hơn là các band này không hề có một sự khác biệt rõ rệt nào so với các đồng nghiệp khác của mình. Các band metal thì luôn phô trương phong cách sao chép từ những rập khuôn của thể loại này, như kẻ mắt đen, áo đen hình đầu lâu, trang sức xương xẩu, vv. Trong khi các band metal đương đại ở Bắc Âu, thiên đường của nhạc metal, lại ngày càng trở nên đơn giản hơn về phong cách, khiến cho các khán giả xa lạ thật ngỡ ngàng khi biết họ hát metal. Và cũng chính metal đã làm cho các ban nhạc Việt Nam bị bế tắc về sáng tạo. Hầu như các band nhạc mới nều phải biết hát một bài metal mới được khán giả chấp nhận là nhạc rock chính thống.

Chính khán giả cũng đã bắt đầu chán ngấy với sự bế tắc này của rock Việt và đã chuyển hướng sang nhạc ‘underground’ quốc tế đương đại, hay còn gọi là nhạc indie. Ra đời từ những năm 80, hầu hết các ban nhạc indie nổi tiếng hiện nay đều hoạt động ở các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Anh, Úc, vv. Tuy vậy, rất nhiều nước châu Âu và Nam Mỹ cũng hưởng ứng vào phong trào này. Nhạc indie không bị gò bó bởi những rập khuôn của nhạc rock dù bị ảnh hưởng nặng bởi lịch sử phát triển của rock ‘n’ roll. Nhạc indie có thể là pop, hip hop, folk, electronic, jazz, classical, vv. hay thậm chí là sự kết hợp của nhiều thể loại cùng lúc. Nhiều band indie của nước ngoài cũng bắt đầu đến Việt Nam lưu diễn và được đón nhận nồng nhiệt. Một số ban nhạc indie trong nước đã xuất hiện và thể nghiệm hướng đi riêng cho mình, như Lê Cát Trọng Lý, Gỗ Lim, Time Keeper, vv. Một số cafe và bar chơi nhạc indie tại Sài Gòn và Hà Nội dần mọc lên như DeciBel, Saigon Outcast, Panacea, vv. Mặc dù vẫn chưa được đón nhận một cách nghiêm túc từ fan rock Việt vốn đang dần bảo thủ hơn, các band indie hứa hẹn một cuộc cách mạng trong gu thưởng thức âm nhạc của người Việt. Trong một vài năm nữa, có lẽ đây chính là xu hướng phổ biến của nhạc ‘underground’ Việt Nam. Lúc đó liệu ta có còn gọi nó là rock Việt nữa?


thành phố đáng sống nhất việt nam le cerveau droit Một điều đáng chú ý từ các bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới là các thành phố trong Top 10 chỉ nằm ở một số nước nhất định: Canada, Úc, Thụy Sĩ và một số nước châu Âu khác. Các bảng xếp hạng này được đánh giá dựa trên các tiêu chí như đời sống kinh tế, tỉ lệ tội phạm, phúc lợi xã hội, giao thông công cộng, kiến trúc và môi trường. Nhiều người nhầm lẫn mục đích của những bảng xếp hạng này với những bảng xếp hạng về điểm đến của khách du lịch hay của nhà đầu tư. Những thành phố đáng sống nhất không nhất thiết phải thu hút một số lượng lớn những người tạm trú từ vài ngày đến vài tuần như du khách hay thương gia quốc tế. Nhưng mục tiêu những thành phố này chính là giữ chân những công dân đã thường trú lâu năm tại đó và mời gọi những người nhập cư mới với mong muốn về một cuộc sống bền vững hơn.


Các thành phố ở các nước đang phát triển chưa bao giờ lọt vào các bảng xếp hạng này. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là GPD đầu người giữa nước giàu và nước nghèo, mà chính là sự cân bằng kinh tế xã hội trong các quốc gia này. Sự chênh lệch về thu nhập đầu người giữa một thành phố đáng sống và phần còn lại của đất nước của nó không đáng kể như tại các nước đang phát triển. Còn người dân nhập cư vào các thành phố lớn của các nước đang phát triển vì lý do kinh tế chứ không phải vì lý do đi tìm một cuộc sống chất lượng. Chính bởi gánh nặng phát triển kinh tế quốc gia mà các thành phố này chưa đoái hoài đến việc cải thiện đời sống của thị dân. Trong khi ở các thành phố phát triển, nền kinh tế đã ổn định và việc nâng cao chất lượng sống đô thị được ưu tiên.

Vancouver, Canada là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, với mật độ dân số sinh sống trong khu trung tâm rất cao.

Điểm quan trọng thứ hai là sự chênh lệch giàu nghèo ngay chính bên trong mỗi thành phố. Các thành phố đáng sống thường thấy khoảng cách giữa tầng lớp thượng lưu và hạ lưu gần hơn, đồng thời có tỉ lệ trung lưu rất cao. Trong khi ở các thành phố khác, sự chênh lệch về thu nhập quá rõ rệt. Đây chính là tiền đề cho những mâu thuẫn và định kiến xã hội. Hệ lụy là đạo đức sống và tỉ lệ tội phạm không kiểm soát được. Các thành phố lớn ở Mỹ, ngay cả New York vĩ đại, luôn không lọt được vào Top 10 chính là vì thế. Phúc lợi xã hội ở các thành phố đáng sống nhất thế giới rất cao, đặc biệt là giao thông công cộng. Mục đích chính của phúc lợi xã hội là chia sẻ sự sung túc của giới thượng lưu lại cho tất cả mọi người, để những cá nhân khó khăn nhất có một bàn đạp để vươn lên.


Ở Việt Nam, hai đầu tàu kinh tế Sài Gòn và Hà Nội đang gặp phải những vấn nạn trên. Có lẽ thị dân nơi đây cũng nhận ra rằng đây là hai thành phố khó sống nhất thế giới. Nếu bỏ qua hai yếu tố khách quan là thu nhập đầu người và tỉ lệ tội phạm thì hai thành phố này vẫn nằm gần cuối các bảng xếp hạng. Hệ thống giáo dục và y tế vô cùng yếu kém do quá tải và cơ sở hạ tầng xuống cấp. Tình trạng tham nhũng và quan liêu ở những nơi này lan tràn và ngày càng trầm trọng. Người nghèo bị kỳ thị và bị đuổi khỏi nơi sinh sống để dọn đường cho việc xây dựng các khu biệt thự của giới lãnh đạo và thượng lưu. Nhà ở xã hội và tái định cư được xây dựng kém chất lượng, thiếu nhân đạo. Giao thông công cộng, vốn là phương tiện đi lại chính của người nghèo, ngày càng xuống cấp và không được cải tạo, mở rộng trong khi người nghèo ngày càng bị đẩy xa trung tâm thành phố hơn. Cảnh quan và không gian công cộng ở những nơi đông đúc người nước ngoài được chăm lo chu đáo, trong khi những nơi cần nâng cấp thì bị sao nhãng. Cơ chế quy hoạch mới thiên vị người giàu và phá hoại thiên nhiên lẫn cảnh quan chung. Thành phố ngày càng mở rộng về chiều ngang trong khi cần thiết mở rộng về chiều đứng. Nhà biệt thự và các phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhất như ô tô được khuyến khích gia tăng về số lượng. Vỉa hè không được nâng cấp và bảo vệ, ngăn cản thói quen đi bộ của thị dân, khiến họ sử dụng các phương tiện gây ô nhiễm thường xuyên hơn. Giao thông công cộng kém chất lượng cũng góp phần ngăn cản thói quen đi bộ và đóng góp vào lượng khí thải nhà kính trong đô thị. Diện tích công viên và cây xanh vỉa hè ngày càng bị thu hẹp dẫn đến hiện tượng đảo nhiệt, gia tăng nhiệt độ trong nội thành một cách đột ngột. Nhiệt độ cao cũng khiến bụi bẩn và các chất ô nhiễm lan tỏa trong không khí lâu hơn. Đặc biệt ở Sài Gòn, nơi có độ ẩm cao, sự dơ bẩn của không khí càng rõ rệt hơn.


Tuy nhiên với chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, Sài Gòn và Hà Nội sẽ khó có thể quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sống của thị dân. Trong tương lai, nếu hai thành phố này vẫn không điều chỉnh các mục tiêu ưu tiên thì e rằng khó có thể tìm một chỗ đứng trong các bảng xếp hạng của thế giới. Trong khi đó, có một số địa phương ở nước ta dám liều lĩnh đi tìm chất lượng sống tốt trong thời buổi chạy đua GDP này. Đó chính là miền Trung, nơi hội tụ các danh lam thắng cảnh đẹp nhất đất nước. Với quan niệm sống dung hòa với thiên nhiên và sống chậm rãi, giản dị về vật chất, các tỉnh thành miền Trung đã xem nhẹ việc cạnh tranh với Sài Gòn và Hà Nội từ lâu. Họ luôn giữ niềm tin rằng phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển xã hội. Được lợi thế là những thành phố trẻ, các khu đô thị miền Trung nghiệm được tính quan trọng của quy hoạch đô thị. Không chỉ là quy hoạch phục vụ cho kinh tế, tiêu biểu là du lịch, người miền Trung còn hiểu được rằng quy hoạch phải phục vụ cho đời sống tinh thần con người và sự kết nối giữa con người và mẹ thiên nhiên. Đà Nẵng, trung tâm kinh tế của cả miền Trung, cảm thấy vai trò tiên phong của mình và đã từng bước độc lập hóa chiến lược phát triển của địa phương so với Sài Gòn và Hà Nội. Các đô thị tiêu biểu khác của miền Trung như Vinh, Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, vv. dần theo bước Đà Nẵng để phát triển theo hướng nhân bản và bền vững hơn.

Medellin, Columbia là thành phố đầu tiên trên thế giới xây dựng thang cuốn công cộng cho người nghèo khu ổ chuột.


Một khi quy hoạch tạo điều kiện cho thị dân phát huy mọi tiềm năng của cuộc sống, họ sẽ được gợi cảm hứng để sống khỏe, sống đạo đức, tự tin sáng tạo và lãnh đạo. Khi con người nơi đây có những tố chất trên, họ sẽ dễ dàng thành công trong nền kinh tế và nâng cao GDP cho xã hội. Đầu tư vào con người là đầu tư bền vững và ít rủi ro nhất. Tác giả bài viết này ấn tượng nhất với Qui Nhơn, nơi mà công viên và cây xanh phủ kín thành phố 280.000 dân này, tạo ra những không gian cộng đồng hiệu quả hiếm thấy. Thị dân Qui Nhơn từ trẻ em đến thanh niên, trung niên lẫn người già đều có động lực luyện tập thể dục thể thao. Ngoài công viên, các phòng tập thể hình và thể dục dụng cụ luôn đặt ở các vị trí đông đúc, phô trương tính sành điệu của việc rèn luyện thể lực. Cảnh quan bờ biển thơ mộng còn khuyến khích người dân lựa chọn đi bộ thay vì sử dụng xe gắn máy hay ô tô. Ngoài ra, xe đạp là một trong những phương tiện thông dụng nhất ở đây. Các thanh thiếu niên đua nhau sắm những chiếc xe đạp thể thao nhất. Một số người đàn ông sắm cả xe xích lô để chở gia đình đi dạo.

Amsterdam, Hà Lan, là thủ đô của xe đạp thế giới, nơi mà người dân chọn phương tiện xanh và sạch này thay cho những cỗ máy di động gây ô nhiễm.


Nội thành Hà Nội và Sài Gòn phần nào vẫn còn nhiều cảnh quan thiên nhiên, làm chất lượng không khí trong lành hơn. Nhưng chính vì thế mà giá bất động sản và sinh hoạt phí bị đẩy lên quá cao, chỉ có người giàu mới đủ điều kiện kinh tế để sống ở đây. Trong khi ở vùng ngoại thành, người nghèo bị nhồi nhét vào các khu nhà ở tập thể kém chất lượng nhưng lại không được tận hưởng một chút phúc lợi xã hội nào (chỉ tính đến công viên và giao thông công cộng). Hậu quả là người nghèo sử dụng xe máy cá nhân nhiều hơn, gây ra ô nhiễm không khí trầm trọng hơn ngay tại chính nơi ở của mình. Không những tốn nhiều chi phí đi lại, họ còn phải bỏ ra nhiều tiền để chữa trị các bệnh do khí ô nhiễm gây ra. Mới đây, lãnh đạo Sài Gòn còn chủ trương dời hết nhà ở ra khỏi trung tâm thành phố, để nhường đất phát triển cao ốc văn phòng. Đây không chỉ là một tư duy ngu xuẩn mà còn là một nhiệm vụ bất khả thi cho các nhà quản lý đô thị. Kinh nghiệm quy hoạch đô thị của các nước đã phát triển cho thấy tăng mật độ dân số ngay trong nội thành chính là cách phát triển bền vững nhất. Các chung cư cao tầng sẽ thay thế cho nhà phố và biệt thự vốn không hiệu quả về hệ số sử dụng đất. Trong khi đó, không gian nội thành sẽ được tận dụng 24/24 do người dân không rời trung tâm sau giờ làm việc hành chính. Nhu cầu sử dụng xe cá nhân cũng giảm do khoảng cách đi lại ngắn hơn, kéo theo giảm thiểu về ùn tắc giao thông, khí ô nhiễm và stress cho thị dân. Trong khi nếu kế hoạch dời khu dân cư ra khỏi trung tâm Sài Gòn trở thành hiện thực, văn hóa hàng quán, ẩm thực bình dân đặc sắc của nơi này sẽ bị biến mất hoàn toàn. Người giàu, văn hóa ngoại quốc và tham nhũng sẽ càng được chính quyền dung dưỡng, và người nghèo thiệt thòi hơn. Chẳng mấy chốc, hỗn loạn chính trị lẫn xã hội sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát.


Những bài học về quy hoạch và quản lý đô thị khá rõ ràng và dễ hiểu. Chính giới lãnh đạo của Sài Gòn và Hà Nội cũng biết điều đấy, nhưng họ bị mù quáng bởi những phép toán GDP lạnh lùng mà không đoái hoài đến những con người nằm phía dưới đáy của nền kinh tế. Nếu như chúng ta là những thị dân có lương tri, chúng ta phải hành động ngay vì lợi ích của cộng đồng mình. Điều đầu tiên và đơn giản nhất chính là hãy bỏ xe máy, sử dụng xe đạp để đi lại trong thành phố. Ngày cuối tuần, đạp xe thư giãn dọc kênh, ven hồ. Ngày thường đạp xe đi làm, đi học. Tận dụng xe buýt để giảm chi phí xăng dầu, giảm ô nhiễm cho không khí, giảm gánh nặng cho giao thông và hơn hết giảm stress. Tập luyện thể thao ngoài trời và kêu gọi bạn bè, người thân tham gia thể thao nhằm tạo ra một văn hóa ưu tiên sống khỏe, chứ không phải sống vì kinh tế. Gây áp lực cho chính quyền địa phương về việc bảo tồn và mở rộng không gian cây xanh ngay tại nơi đó, khuyến khích sống chậm và sống chất lượng. Từ đó, chúng ta sẽ tạo được một nếp sống đô thị gương mẫu như ở các thành phố miền Trung. .

The High Line ở thành phố New York là một công viên trên không, được cải tạo từ một đường ray xe lửa cũ.



tác giả thiết kế đồ họa biên tập tổng biên tập

le cerveau droit + alessandro machioni + bút chì xanh

le cerveau droit

an du

le cerveau droit


facebook.com/lepostmoderniste lepostmoderniste.tumblr.com issuu.com/lepostmoderniste orehnid@gmail.com



Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.