Giảm Cân: Chớ Có Vội! Nguồn: http://www.lic-ecogreen.com.vn/vn/news/thong-tin-y-khoa/giam-can-cho-co-voi/ Vì nôn nóng giảm cân thật nhanh để có được vóc dáng cân đối, nhiều phụ nữ đã phải chịu hậu quả nặng nề Mới đây, một cô gái 18 tuổi, nặng 80 kg, đã tử vong do giảm cân theo cách phản khoa học. Do mặc cảm với trọng lượng quá cỡ của mình nên trước ngày thi đại học, nữ sinh này thực hiện chế độ “tuyệt thực” và chỉ cầm hơi bằng nước chanh đường. Sau hơn 1 tuần nhịn ăn, giảm được 4 kg nhưng đến ngày thứ 10 thì cô gái suy sụp, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, mạch và huyết áp không đo được và điều đáng tiếc đã xảy ra. Mang họa vì “hành xác” Bệnh nhân nói trên đã áp dụng “phương pháp nhịn ăn 12 ngày” để giảm béo, thanh lọc cơ thể đang lan truyền trên các diễn đàn mạng. Được truyền tai rằng “phương pháp” này sẽ giúp cơ thể loại bỏ độc tố, giảm cân mà không ảnh hưởng đến sức khỏe nên nhiều chị em “nhắm mắt” làm theo.
Cần thường xuyên kiểm soát cân nặng để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân suy nhược cơ thể do giảm cân theo lối “hành xác” tăng nhanh tại các bệnh viện. Phong trào nhịn ăn, thanh lọc cơ thể lan ra khắp nơi, đặc biệt trong giới nhân viên văn phòng, bất chấp sự nguy hại khôn lường. Ghi nhận từ các bệnh viện cho thấy tình trạng suy kiệt, tụt đường huyết, rối loạn tiêu hóa, thậm chí hôn mê… là những hậu quả mà nhiều người gặp phải khi giảm cân nhanh theo cách phản khoa học. Đã có nhiều trường hợp tụt canxi, ngã quỵ trong thang máy hoặc đang làm việc bỗng xây xẩm rồi bất tỉnh tại cơ quan. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết việc giảm cân không đúng cách xảy ra nhiều trong giới trẻ hiện nay, như uống giấm, hút mỡ bụng... Chuyện ăn chay, nhịn ăn là bình thường nhưng chỉ nên nhịn một bữa, nhiều lắm từ một đến hai ngày chứ nhịn liên tục hàng chục ngày thì không thể! Với người có tiền sử huyết áp thấp, mắc các bệnh mạn tính, bệnh tiểu đường hoặc thể trạng yếu thì việc nhịn ăn càng nguy hiểm đến tính mạng. Theo TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, phải hết sức thận trọng với việc nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, chữa bệnh vì chưa có nghiên cứu khoa học chính thức về vấn đề này. Vì thế, tùy thể trạng từng người mà điều chỉnh cách ăn uống và dinh dưỡng một cách hợp lý. Ba nguyên tắc vàng Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho rằng nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì là do ăn uống dư thừa năng lượng so với năng lượng mà cơ thể cần cho hoạt động chuyển hóa và vận động hằng ngày. Chất béo là thủ phạm gây béo phì, vì vậy hấp
thu càng ít chất béo có trong thức ăn thì nguy cơ thừa cân càng ít. PGS-TS Lê Bạch Mai, Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia, chỉ ra “3 nguyên tắc vàng” để giảm cân an toàn, khoa học và bền vững. Đó là một chế độ dinh dưỡng hợp lý; tăng cường hoạt động thể lực; kết hợp sử dụng các hoạt chất sinh học thiên nhiên được chứng minh là có tác dụng giảm cân. Yếu tố quan trọng hàng đầu trong giảm cân là chế độ ăn uống. Nên áp dụng chế độ ăn “giàu dinh dưỡng nhưng nghèo năng lượng”. Theo nguyên tắc này, người muốn kiểm soát cân nặng hay giảm cân không cần ăn uống quá kiêng khem nhưng cũng không được ăn uống vô độ. Nên duy trì năng lượng đầu vào ở mức 1.400 - 1.600 Kcal/ngày. Các chuyên gia khuyến cáo giới hạn an toàn trong việc giảm cân là dưới 1 kg/tuần. Chỉ với tốc độ giảm này, cơ thể mới thích ứng tốt với những thay đổi trong quá trình chuyển hóa năng lượng, tránh bị mất nước, hạ huyết áp, rối loạn trao đổi chất, suy nhược cơ thể. Nên ăn uống đa dạng, cân đối dinh dưỡng, không nên nhịn ăn hay ăn kiêng quá mức. Vận động thường xuyên bằng nhiều hình thức như đi bộ, đi cầu thang, luyện tập thể dục (ít nhất 5 lần trong tuần, mỗi lần trên 30 phút). Có thể uống nhiều nước, mỗi tháng có vài ngày hạn chế ăn các loại thịt, đặc biệt là thịt đỏ, nên ăn nhiều rau quả... Nhiều chứng cứ khoa học chỉ ra rằng nhịn ăn khiến các cơ quan tiêu hóa không có nguyên liệu để hoạt động, lâu dần các chức năng này sẽ hỏng, dẫn đến việc chán ăn, gầy yếu và suy giảm hệ miễn dịch. Nhịn ăn “tuyệt đối” không chỉ khiến cơ thể tiêu mỡ mà còn tiêu cơ, tiêu xương, gây thiếu máu, loãng xương, thậm chí là tử vong. Theo Người Lao Động Online