[LRAC] Chuyên san Sinh viên & Pháp luật số 01 - 12/2016

Page 1

Sinh viên & Pháp luật (số 01) | 1


LỜI NÓI ĐẦU Câu lạc bộ Nghiên cứu và Tư vấn pháp luật (LRAC) luôn nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng một môi trường hoạt động với ba không gian nền tảng: Nghiên cứu – Thực hành – Phản biện thông qua các hoạt động chủ đạo phù hợp với năng lực của sinh viên. Để thực hiện những mục tiêu này, LRAC đã và đang ấp ủ những dự án đầy tham vọng dành cho tất cả các bạn sinh viên đam mê với ngành luật – những bạn trẻ luôn hết mình vì sự nghiệp học tập và sáng tạo. Là những người cũng đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi phần nào hiểu được rằng: Sinh viên, đặc biệt là sinh viên luật, muốn gì và cần gì. Sinh viên luật phải được rèn luyện kĩ năng viết, rộng hơn là khả năng nghiên cứu. Vì lẽ này, chuyên san Sinh viên & Pháp luật đã ra đời. Đây là nơi sinh viên có cơ hội vận dụng những kiến thức đã được học và tiếp tục phát triển các kĩ năng cần thiết thông qua việc nghiên cứu và thực hành viết các bài luận, các bài nghiên cứu khoa học ngắn về các vấn đề liên quan đến luật pháp đang diễn ra ngoài xã hội. Việc được các thầy cô nhận xét về khả năng viết của cá nhân ở ngoài khuôn khổ lớp học là một cơ hội hiếm có; Không chỉ vậy, những góp ý, phản biện bài viết từ các anh chị khóa trên cũng tạo ra những góc nhìn đa chiều và gần gũi. LRAC luôn muốn tạo điều kiện cho sinh viên được thử sức với nghiên cứu pháp luật thông qua quá trình nghiên cứu - viết - phản biện nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh về sau. Bằng những cố gắng, chúng tôi luôn mong muốn đóng góp công sức của mình vào công cuộc tạo động lực thúc đẩy sinh viên phát triển các kĩ năng cần thiết cho việc nghiên cứu và tư vấn pháp luật. Song, kiến thức là vô tận và hiểu biết của chúng tôi còn hạn chế nên những khiếm khuyết cũng như thiếu sót trong các bài viết của chuyên san số 01 này là không thể tránh khỏi. Chúng tôi luôn sẵn lòng đón nhận những ý kiến phê bình từ các bạn độc giả để những số phát hành sau được tốt hơn. Cảm ơn các thầy cô khoa Luật Kinh tế đã theo dõi và giúp đỡ chúng em trong quá trình thực hiện chuyên san, cảm ơn các anh chị K12, K13 đã giúp chúng em duyệt bài, sửa bài và cảm ơn tất cả các bạn sinh viên đang dõi theo và ủng hộ chuyên san cũng như LRAC. Câu lạc bộ Nghiên cứu & Tư vấn Pháp luật


Mục lục 1. Kính đa tròng Ô nhiễm thực phẩm - Nguyên nhân do đâu? Hoàn thiện khung pháp lý - Sự cần thiết cho mọi thương vụ M&A Phiếm luận về “Hợp đồng tình ái” Việt Nam: Quyền im lặng - Nên hay không nên? 2. Có thể bạn chưa biết EVFTA: Hiệp định thương mại thế hệ mới & Bữa ăn không miễn phí 3. Nhận vật & Sự kiện Phan Văn Trường - Luật sư đầu tiên của Việt Nam 4. Legalese Corner International Moot Court 5. Trải - Nghiệm Chương trình Ngày hội pháp luật thiếu nhi 2016 Nhật kí tân thành viên: Buổi sinh hoạt chuyên môn đầu tiên 6. Cơ hội - Tiền năng 3 hãng luật hàng đầu của Việt Nam 7. Góc kết nối Hãy theo đuổi đam mê 8. Giải trí The Lincoln Lawyer 9. Hiểu luật không khó Tình huống gây rối trật tự công cộng 10. Kết nối toàn cầu Donald Trump & Dự đoán chính sách Vụ kiện Phillipines & Phán quyết của PCA

1 4 7 11 14 15 16 20 22 24 25 28 29 30 30


Kính đa tròng

Ô NHIỄM THỰC PHẨM – NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Vũ Thị Ngọc Huyền, Sinh viên K14502C, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.HCM.

Thời gian gần đây, “ô nhiễm thực phẩm” đang dần trở thành chủ đề nóng bỏng trong xã hội. Chỉ trong khoảng 0,38 giây, Google đã có thể cung cấp khoảng 862.000 kết quả cho từ khóa “ô nhiễm thực phẩm”. Như vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này, và hậu quả của nó có phải chỉ dừng lại ở vấn đề sức khỏe người tiêu dùng? 1. Thực trạng ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam Trước hết, ta cần hiểu ô nhiễm thực phẩm là gì. Theo khoản 12 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 “Ô nhiễm thực phẩm là sự xuất hiện tác nhân làm ô nhiễm thực phẩm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”. Tác nhân làm ô nhiễm thực phẩm có thể do tự thân thực phẩm đó sản sinh ra, có tác nhân lại do con người đưa đến. Chẳng hạn, hạt lạc để lâu ngày bị mốc có chứa chất độc aflatoxin. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ chỉ đề cập đến vấn đề ô nhiễm thực phẩm mà tác nhân làm ô nhiễm là do con người gây ra. Hằng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp các bài báo với tựa đề như “Dừa tươi được ‘tắm trắng’ bằng axit cực độc”, “Rau muống, bắp chuối ‘ngậm’ hóa chất”, “TP. HCM phát hiện nhiều mẫu rau, thịt, thủy sản chứa chất cấm”… Số liệu thống kê từ đợt cao điểm kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm (10/2015-2/2016) cho thấy, có trên 5% mẫu rau kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép; 2%-6% mẫu thịt có chứa chất cấm, 7% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt

giới hạn; trên 20% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Thực phẩm kém an toàn đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới nhiều mặt của xã hội. Đầu tiên, hậu quả dễ thấy nhất của vấn nạn này chính là sức khỏe người tiêu dùng. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2010 - 2014, cả nước có khoảng 850 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 181 người chết¹. Tại Việt Nam, các ca mắc ung thư ngày càng có xu hướng tăng lên. Từ con số 68.000 ca mắc ung thư năm năm 2000 đã tăng lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020². Một trong các nguyên nhân chính gây ung thư chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của thực phẩm Việt. Điển hình như thủy sản xuất sang Nhật Bản gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép. Do đó, Nhật Bản đã nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm đối với Việt Nam. Những vụ việc như trên cũng ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu quốc gia và cơ hội xuất khẩu, thương mại của nước ta. Các FTA

cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, song đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm (Sanitary and Phytosanitary Standard - SPS) như dư lượng kháng sinh trong tôm và thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong chè, yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch... Nếu không đáp ứng được những yêu cầu đó, nông sản Việt Nam sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu. Mặt khác, theo tác giả, vấn nạn ô nhiễm thực phẩm cũng đang xâm phạm đến quyền con người, mà cụ thể là quyền sống, quyền được bảo vệ sức khỏe – các quyền được quy định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ô nhiễm thực phẩm 2.1. Xuất phát từ cơ quan quản lý Bà Võ Ngân Giang - Đại diện cho Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết ở Mỹ, hàng hoá muốn nhập khẩu cần phải duy trì hồ sơ xác định nguồn gốc thực phẩm. Với Nhật Bản, các thực phẩm tươi sống buộc phải ghi nhãn nơi sản xuất để truy xuất nguồn gốc³. Trong khi đó, tại Việt Nam, các sản phẩm được tiêu thụ tràn lan nên người tiêu dùng Việt

¹ Bộ Y tế, Niên giám Thống kê y tế 2014, Nxb Y học, tr. 178. ² Phạm Huyền, Ăn gì cũng chết, người Việt mắc ung thư nhanh nhất thế giới, Báo điện tử Vietnamnet.vn, 2016, http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/antoan-thuc-pham/an-gi-cung-chet-nguoi-viet-mac-ung-thu-nhanh-nhat-the-gioi-319268.html, [ngày truy cập 20/11/2016].

1 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


hiện có xu hướng sử dụng các loại thực phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến. Có thể nói, nước ta đang “thua” ngay tại “sân nhà” mình. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt của nước ta chưa đủ sức răn đe. Việc thiếu sự phối hợp trong quản lý của các cơ quan cũng dẫn đến tình trạng khi xảy ra vụ việc, ai cũng cho rằng mình làm đúng thủ tục, quy trình, và sau cùng là “đá bóng trách nhiệm”. Khung pháp lý trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đã rất nhiều, có thể nói là khá đầy đủ, gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Hóa chất, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh về quản lý thị trường; về chế tài xử lý có Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Dân sự… Luật An toàn thực phẩm 2010 ra đời đánh dấu sự đổi mới tư duy từ quản lý trực tiếp sản phẩm sang quản lý cả quá trình sản xuất ra sản phẩm. Điều này có nghĩa là thay vì chứng nhận sản phẩm, sẽ thực hiện chứng nhận quy trình như quy trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến; bảo quản và phân phối. Tại Điều 3 của Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định: “Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, hệ thống các quy định về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đồng bộ, còn thiếu và chồng chéo. Mặt khác, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa cao.

Bên cạnh đó, các vi phạm nếu bị phát hiện thì đa phần chỉ bị xử phạt hành chính, mức xử phạt cũng không đủ mạnh để quán triệt các sai phạm này. Chẳng hạn như vụ ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ, có qui mô bán cho hàng vạn người ăn, khi cơ quan chức năng đến phát hiện, bắt thì chỉ bị phạt 6,5 triệu đồng, trong khi đây là một hành vi dã man, đầu độc rất nhiều người. Bên cạnh việc “phạt chưa tới” thì chính sách khen thưởng, khuyến khích những người làm tốt cũng còn thiếu. Ví dụ như trồng rau theo quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp (tiêu chuẩn Vietgap), cần có chính sách khuyến khích nông dân để họ áp dụng qui trình đó và hình thành các chuỗi cung cấp rau sạch, an toàn vệ sinh. Như vậy, chính công tác kiểm tra, giám sát yếu kém và những thiếu sót trong việc tổ chức thực thi pháp luật đã góp phần gây ra vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm đáng ngại ở nước ta hiện nay. 2.2. Xuất phát từ người sản xuất, kinh doanh Trong bất cứ ngành nghề kinh doanh nào, lợi nhuận luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc chạy theo lợi nhuận, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu mà bỏ quên đạo đức kinh doanh không phải là điều đáng khuyến khích. Hiện nay, có không ít người sản xuất do thiếu hiểu biết, bị hấp dẫn bởi lợi nhuận cao mà bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng; thậm chí vô cảm, bán rẻ lương tâm khi trục lợi trên sự sống của đồng bào mình. Khi có một, hai hay ba người thực hiện được các “mánh khóe” thì những người khác – những người có thể không bao giờ nghĩ đến việc vi phạm pháp luật – sẽ làm theo

và vấn đề lại gia tăng theo cấp số nhân. Nếu trong một xã hội, ai cũng làm theo thì điều đó sẽ trở thành điều hết sức bình thường, dễ chấp nhận. Trong nhiều trường hợp, do thiếu kiến thức, họ cho rằng thực phẩm kém an toàn có khả năng gây bệnh, thậm chí ung thư là điều mơ hồ và xa xôi. Hoặc đôi lúc họ có nghĩ đến, nhưng rồi sau đó lại bị cuốn vào guồng quay công việc, vì miếng cơm manh áo. Do đó, gần đây có một câu nói rất nặng nề được sử dụng khá phổ biến: “Chính người Việt đang giết lẫn nhau”. Vậy, suy cho cùng, là thực phẩm bẩn hay chính con người “bẩn”? 2.3. Xuất phát từ người tiêu dùng Trong khi hầu như cả xã hội đều lên án người sản xuất cũng như cơ quan chức năng khi nói đến vấn đề chất lượng thực phẩm xuống cấp thì một phần lỗi là do chính người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam là người thu nhập thấp nên họ chỉ có thể lựa chọn thực phẩm có giá thành thấp, và đa phần có chất lượng không cao. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng còn thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn thực phẩm. Chẳng hạn, thời gian gần đây, một số chợ trên địa bàn Hà Nội bày bán khá nhiều loại bưởi quả to, vỏ vàng và nhẵn bóng. Loại bưởi này khá lạ mắt, khác hoàn toàn với các giống bưởi phổ biến tại Việt Nam. Khi được hỏi về xuất xứ của giống bưởi này, các tiểu thương không trả lời rõ ràng mà chỉ quanh co và phủ nhận bưởi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loại bưởi này có giá rất rẻ4. Hằng ngày, có rất nhiều người tiêu dùng mua loại bưởi này về ăn mà chính họ cũng không biết nguồn gốc thực sự của nó. Câu hỏi được đặt ra là, nếu không phải thực phẩm không

³ Bạch Dương, Nghịch lý hàng ngon thì xuất khẩu, thực phẩm bẩn "cho" người Việt, Báo điện tử Người lao động, 2016, http://nld.com.vn/kinh-te/nghichly-hang-ngon-thi-xuat-khau-thuc-pham-ban-cho-nguoi-viet-20160716103308759.htm, [ngày truy cập 20/11/2016]. 4 Như Băng, Bưởi lạ vàng bóng: Tò mò ăn thử, lo sợ nguồn gốc, Báo điện tử Vietnamnet.vn, 2016, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/buoila-vang-bong-to-mo-an-thu-lo-so-nguon-goc-337742.html, [ngày truy cập 20/11/2016].

Practice Makes Perfect | 2


rõ nguồn gốc thì tại sao người bán không dám nói về xuất xứ của nó? Một ví dụ khác, gần đây giới trẻ rộ lên trào lưu uống trà sữa Thái, có mùi vị vừa miệng, giá thành rẻ. Nhưng ẩn đằng sau những chai trà Thái tự làm tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh do nguyên liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, quy trình pha chế không đảm bảo vệ sinh dẫn đến rối loạn các hormone, tăng nguy cơ ung thư… Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng đã có ý thức nâng cao nhận thức lựa chọn thực phẩm an toàn nhưng chính vì thực phẩm kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường nên họ khó có cơ hội được trở thành “người tiêu dùng thông minh”. Thật vậy, bằng cách thông thường, khó có thể nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng dù muốn nhưng cũng không dễ để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. 3. Kiến nghị - Giải pháp Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp quản lý nhà nước, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chuỗi, ban hành qui định, qui chuẩn kỹ thuật, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Người sản xuất, kinh doanh nên nghĩ đến lợi ích của cộng đồng, có thể là của chính người thân mình, không vì lợi nhuận mà bất chấp thực hiện những việc làm trái đạo đức và đáng lên án. Đối với người tiêu dùng, nên tỉnh táo và thận trọng trước khi lựa chọn thực phẩm để sử dụng, không nên dễ dãi và gián tiếp tạo điều kiện cho vấn nạn này phát triển. Về vấn đề khắc phục các hạn chế trong thực thi pháp luật, trước hết cần rà soát và bổ sung quy chế quản lý nhập khẩu hoá chất và loại bỏ những điểm chồng chéo giữa các văn bản và những quy định kém khả thi; bổ sung, điều chỉnh

các quy định phù hợp với điều kiện thực tế và chuẩn quốc tế. Thứ hai, phải xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, phương tiện vận chuyển, công nghệ bảo quản đối với từng nhóm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao. Thứ ba, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế tại các cửa khẩu để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh, dịch hại; đẩy mạnh việc ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ cần có một vụ việc xảy ra nhưng không được xử lý triệt để và hiệu quả thì càng ngày sẽ có càng nhiều vụ việc tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn xảy ra. Điều này tương tự như thuyết “Cửa sổ vỡ”: Nếu một chiếc cửa sổ bị phá hỏng mà cứ để vậy không sửa chữa thì những người đi ngang qua sẽ kết luận rằng không ai quan tâm và không ai chịu trách nhiệm trước hiện trạng này. Rồi không lâu sau, nhiều cánh cửa sổ khác sẽ bị đập vỡ, dần dà ý thức về sự vô chủ, hỗn loạn sẽ lan rộng…5. Thực phẩm bẩn có thể hủy diệt tương lai của cả một dân tộc. Tác giả hy vọng những quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng hiệu quả hơn và thêm vào đó, ý thức của người sản xuất, người tiêu dùng sẽ nâng cao, tạo ra sự ổn định, lành mạnh cho lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm nước nhà./. Nhận xét của sinh viên: Đề tài của tác giả là thực sự nóng bỏng nhưng không mang nhiều tính mới mẻ, khi bàn về thực phẩm thì nó là câu chuyện hàng ngày, tuy nhiên có thể nói là đề tài tốt vì nó mang tính khái quát được vấn đề và có thể nói để tình trạng như hiện này là “lỗi” từ nhiều phía không chỉ cơ quan quản lý, doanh

nghiệp (nhà sản xuất) mà cả người tiêu dùng. Tôi nghĩ sẽ hay hơn nếu tác giả có một phần nói về thực trạng hiện nay nó như thế nào vì theo tôi biết Bộ luật Hình sự 2015 có chế tài hình sự rất nặng với tội phạm về tội phạm thực phẩm bẩn, quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng nâng cao chế tài. Đặc biệt Bộ luật Hình sự 2015 có quy đinh Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, như vậy từ đây không chỉ các cá nhân mà các công ty gây nên thực phẩm bẩn cũng chịu chế tài hình sự, đó sẽ là đòn giáng xuống các công ty làm ăn bất chính, điều tôi muốn nói là từ khi có luật ban hành mới thì liệu tội phạm về thực phẩm bẩn đã thuyên giảm chưa, nếu chưa thì lỗi ở khâu nào do cơ quan quản lý hay do luật pháp? Nhận xét của giảng viên: Chủ đề: Đây đang là chủ đề mang tính thời sự và rất cần thiết nghiên cứu để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này. Phương pháp phân tích: Đã có sự liên kết giữa các phần, tuy nhiên còn rời rạc. Có những vấn đề nêu ra nhưng không phân tích. Ví dụ như việc không có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là như thế nào? Tác giả cần phân tích thêm để tăng tính thuyết phục cho nhận định của mình. Phần kiến nghị không đi liền với thực trạng khiến cho bài viết không liền mạch. Các kiến nghị hầu hết không nhằm giải quyết các thực trạng ở trên. Để bài viết được hoàn chỉnh, tác giả nên chỉnh sửa một trong hai phần: Thực trạng hoặc kiến nghị để bài viết mang tính logic hơn. Trích dẫn nguồn: Nhiều thông tin và số liệu trong bài chưa trích dẫn nguồn./.

5 Thuyết “Cửa sổ vỡ” do nhà tội phạm học George Kelling và nhà xã hội học James Q. Willson đưa ra vào những năm 1980. Thuyết này sau đó được chứng minh và ủng hộ thông qua nhiều thí nghiệm của các nhà nghiên cứu khác.

3 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


Kính đa tròng

HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ SỰ CẦN THIẾT CHO MỌI THƯƠNG VỤ M&A Lê Thị Thuỷ Tiên, Sinh viên K15502C, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.HCM. Phép toán 1+1=3¹ ra đời trong môi trường doanh nghiệp như một hình thức minh chứng cho những ích lợi mà hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) mang lại. Đằng sau mỗi thương vụ M&A thành công, doanh nghiệp lại được tăng thêm giá trị nhiều lần so với khi chúng hoạt động một cách riêng rẻ: Đạt được hiệu quả dựa vào quy mô, trang bị công nghệ mới, tăng cường thị phần và danh tiếng trong ngành…²Người ta gọi phần gia tăng ấy là giá trị cộng hưởng, đó cũng là lý do M&A trở nên rầm rộ và phát triển hơn. Pháp luật - công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội đã hình thành các quy tắc xử sự chung cho M&A, đã có sự thay đổi tốt hơn trong mỗi lần sửa đổi song khung pháp lý điều chỉnh hình thức “kết hôn” trong doanh nghiệp này vẫn tồn tại những bất cập không mong muốn và việc hoàn thiện là một điều tất yếu. 1. Thực trạng hoạt động M&A ở Việt Nam M&A là tên gọi viết tắt của hai từ Tiếng Anh Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại), là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phân doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Khác với hình thức đầu tư thông thường, khi một tổ chức, cá nhân có đủ thẩm quyền sở hữu chi phối để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì mới được coi là hoạt động M&A. Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm định nghĩa rõ ràng về M&A. Đối với Luật Đầu tư 2014, pháp luật quy định hình thức đầu tư liên quan đến M&A trong đó có hình thức mua lại (Điều 24, 25, 26). Đối với Luật Cạnh tranh 2004, M&A được nhìn nhận dưới góc độ các hình

thức tập trung kinh tế: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh giữa hai doanh nghiệp trở lên (Điều 16, 17), vấn đề này lại mâu thuẫn với hình thức tổ chức lại doanh nghiệp nhìn theo khía cạnh M&A của Luật Doanh nghiệp 2015 (chương IX) M&A có thể chỉ xảy ra trong bản thân doanh nghiệp. Bài viết này ghi nhận khía cạnh thương vụ M&A trên cơ sở thoả thuận giữa hai chủ thể khác nhau để đi sâu về vấn đề cải thiện pháp lý. Có thể kể tới một số thương vụ M&A nổi bật về quy mô, số vốn cũng như mức độ tác động đến ngành bán lẻ như: Tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC) bỏ ra 880 triệu USD mua lại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (bán buôn); Công ty Power Buy thuộc Tập đoàn Central Group cũng của Thái Lan hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần Công

ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim³. Ông Christopher Kummer - Chủ tịch của Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) cho hay, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ đạt một kỷ lục mới trong thời gian tới. Thực tế năm 2015 tổng số các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt mốc khoảng 5,2 tỷ USD và trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 3,5 tỷ USD. Viện Mua lại, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) Thụy Sỹ dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD, phá kỷ lục năm 20154. Như vậy, có thể nhận thấy, hoạt động M&A có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam, việc cần có sự hoàn thiện khung pháp lý mang điều kiện cần trong sự thành công của các giao dịch M&A.

¹ BVL Law Company, Nguyên lý của M&A, http://www.sanduan.vn/help.php?self=detail&id=28 , [truy cập ngày 21/11/2016] ² BVL Law Company, Nguyên lý của M&A, http://www.sanduan.vn/help.php?self=detail&id=28 , [truy cập ngày 21/11/2016] ³ Song Thanh, Các thương vụ M&A đình đám của Việt Nam, Báo điện tử Thanh Niên, 2016, http://thanhnien.vn/kinh-doanh/cac-thuong-vu-ma-dinh-damcua-viet-nam-695492.html [truy cập ngày 21/11/2016] 4 Minh Long- Mai Ca, Giá trị M&A tại Việt Nam năm 2016 có thể đạt 6 tỷ USD, Báo Công thương, 2016, http://baocongthuong.com.vn/gia-tri-ma-tai-vietnam-nam-2016-co-the-dat-6-ty-usd.html [truy cập ngày 21/11/2016]

Practice Makes Perfect | 4


2. Một số ý kiến về hoàn thiện khung pháp lý M&A của Việt Nam Đến nay, M&A vẫn chưa có một khung pháp lý riêng biệt và hoàn chỉnh, những quy định điều chỉnh chúng lại phân bố rải rác ở các văn bản quy phạm khác nhau: Luật doanh nghiệp, Luật cạnh tranh, Luật đầu tư,… tạo cho người sử dụng cảm giác mơ hồ, không thống nhất khi tìm hiểu về chúng, nó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khó nắm bắt về các quy định M&A, tỉ lệ thành công trong thương vụ không cao. Dẫn đến ba luồng ý kiến khác nhau: (i) phải có một bộ luật riêng, tổng hợp chuyên biệt điều chỉnh M&A5. Điều này là giúp hình thành một “không gian” cho M&A rõ ràng hơn trong “môi trường” luật pháp nhưng lại dẫn đến việc cần một lượng lớn công sức, của cải bỏ vào trước và sau khi Bộ luật ban hành. Bộ luật là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành nhằm để điều chỉnh các mối quan hệ có phạm vi rộng trong một lĩnh vực nào đó (Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự,..), khái niệm này nếu áp vào M&A có thể thấy được rằng: M&A chỉ là một phương thức, cách hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp, nó chưa thể lớn lao đến mức tốn kém để làm ra một Bộ Luật; (ii) trích câu dân gian “cái quái gì cũng có thể xảy ra”, M&A không phải chỉ là những hình thức ta thường thấy ở tầm vĩ mô như: mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần, sáp nhập doanh nghiệp,…mà nó còn là những thứ tưởng chừng ta không nghĩ đến như: mua bán ki-

ốt trên chợ hay cửa hàng của một tiểu thương nhưng luật không mấy quan tâm đến, đơn giản, về cơ bản, quyền mua bán thuộc tự do khế ước; thuận mua vừa bán, miễn là không có những dấu hiệu làm cho việc mua bán có nguy cơ trở nên vô hiệu, ý kiến này cho rằng: về cơ bản khung pháp lý điều chỉnh đã triển khai cơ bản đầy đủ, không Nhà nước nào có thể thông thái hơn giới doanh nhân, việc tính toán mua bán bằng cách nào là tự do của họ nên việc phải có luật riêng theo luồng ý kiến này là thiếu cơ sở6; (iii) đây là luồng ý kiến dung hoà, và họ đồng ý với (ii) nhưng họ lại nhắm vào công dụng, giá trị mà pháp luật tồn tại: “Pháp luật vẫn là động lực để M&A phát triển đúng hướng”, không cần có Bộ luật riêng điều chỉnh nhưng vẫn nên có một văn bản pháp lý để tập trung hướng dẫn thủ tục và trình tự M&A ở mức Nghị định chính phủ7. Cách này dường như trở nên hiệu quả nhất, vừa giúp hạn chế sự tốn kém vừa tạo được “nhãn quan” rõ ràng hơn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp lí khi tiến hành các thương vụ M&A. Việc mua bán, sáp nhập giống như việc mua bán một tài sản, các thông tin các bên nhận về thương vụ được phải rõ ràng, minh bạch, nếu không sự cộng hưởng sẽ mang hệ quả ngược lại. Đơn cử như trường hợp sáp nhập, trong nhiều trường hợp, phép bất đẳng thức 1+1<2 là đúng, họ cố vẽ ra một bức tranh sinh động về cộng hưởng nhằm trục lợi trong việc

định giá thương vụ8, vì thế, những cổ đông công ty, người tiêu dùng, chủ nợ đôi khi là người gánh chịu rủi ro nhiều nhất, pháp luật cần có những quy định về việc công khai hoá các thương vụ M&A đã xảy ra nhằm giúp các nhà đầu tư, chuyên gia có cái nhìn đầy đủ hơn để phân tích, chức năng “hậu kiểm”- kiểm tra các báo cáo về M&A của các doanh nghiệp về tính xác thực, kèm theo các chế tài đủ mạnh răn đe để tạo môi trường trung thực, minh bạch ngay cả khi không có luật riêng điều chỉnh. Trong thời đại toàn cầu hoá, hoạt động giao thương diễn ra toàn cầu với tính chất “phẳng” ngày càng gia tăng, đó cũng là lý do, nếu doanh nghiệp trong nước không cố gắng thay đổi mình, hậu quả bị đào thải là một sớm một chiều, thông qua hoạt động mua bán M&A các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia có thể ”nuốt chửng” các doanh nghiệp có tầm nhỏ hơn, về lâu về dài, có thể gây nên tình trạng độc quyền, làm giảm động lực phát triển của nền kinh tế, cần có sự điều chỉnh, bổ sung các điều luật quản lý cạnh tranh hướng tới cả các vụ M&A xuyên quốc gia bởi đây là xu hướng tất yếu của thị trường9, nếu hoạt động này không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ gây lũng đoạn thị trường và khống chế thị trường ở mức độ cao10. Pháp luật về M&A nhiều lúc lại có tật: “Học mà không hành”, cụ thể điều 20 Luật cạnh tranh 2004: “Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì

Nguyễn Thị Mai Hương, Khía cạnh pháp lý của hoạt động sáp nhập và mua lại các tổ chức tài chính ở Việt Nam, Tài nguyên số- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010. 6 PGS,TS. Phạm Duy Nghĩa, Luật về mua bán doanh nghiệp:Bình luận ngắn từ góc nhìn quản trị công ty,Tạp chí nghiên cứu lập pháp , Tháng 5/2010, số 10 (171) 5/2010, tr.46-49. 5

7

Nguyễn Thị Mai Hương, Khía cạnh pháp lý của hoạt động sáp nhập và mua lại các tổ chức tài chính ở Việt Nam, Tài nguyên số- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010. 8 Đề án Tái cấu trúc và định giá doanh nghiệp của nhóm sinh viên trường Đại học Hoa Sen, 2012 9 Mỹ Châu, Cần hạn chế những vụ M&A hướng tới độc quyền, Tạp chí Vietnam Business Forum, 2012, http://vccinews.vn/news/7139/.html [truy cập ngày 21/11/2016] 10 Những gợi ý cho khung pháp lý M&A ở Việt Nam, Báo Mới, 2015, http://www.baomoi.com/nhung-goi-y-cho-khung-phap-ly-m-a-o-viet-nam/c/8728058. epi [truy cập ngày 04/12/2016]

5 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế”. Thứ nhất, hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam một thiếu hai không đồng bộ hệ thống. Thứ hai, doanh nghiệp phải mất thời gian, chi phí để nghiên cứu, đánh giá thị phần, nhằm xác định xem thương vụ của họ thuộc diện trên không11. Đối với một doanh nghiệp, một nhà doanh nhân, một nhà đầu tư, thời gian là tiền đối với họ, mỗi giây qua đi số tiền giao dịch trên sàn chứng khoán lại biến thiên theo cấp số nhân, pháp luật quy định như vậy chẳng khác nào tác dụng ngược lại, doanh nghiệp mất đi cơ hội của họ. Việc ra pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, ngay cả khi dự liệu cũng phải đong đo đếm các trường hợp khả năng, nếu không tất cả văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ là “mảnh giấy trắng có chữ”. Một trong những lĩnh vực không chỉ riêng hoạt động M&A mà tất cả hoạt động có mặt tài sản làm đối tượng giao dịch điều trăn trở, đó là pháp luật về hợp đồng- một trong những nguyên nhân quyết định sự thành bại của thương vụ. Pháp luật hợp đồng cần phải mềm dẻo; sự cứng nhắc theo kiểu “ bút sa gà chết” ban đầu có thể hiệu quả vì chúng hạn chế, ngăn chặn được sự không thiện chí, trung thực của các bên trong hợp đồng và tạo sự ổn định trong lưu thông các hoạt động kinh doanh thương mại nhưng với tính chất phẳng, nhiều biến của thế giới hiện nay, nó lại không phù hợp, không thay đổi kịp để “hoà” mình, tự nó phá vỡ trật tự do nó tạo nên. Vì thế, “lạt mềm buộc chặt” lại hiệu quả vào lúc này, các quy định nên có tính khái quát cao, độ mở đủ rộng để có thể giải thích khi áp dụng; hạn chế sử dụng

các quy phạm mệnh lệnh, gia tăng sử dụng các quy phạm tuỳ nghi; tôn trọng hợp đồng đúng chỗ và giới hạn tự do hợp đồng cũng đúng chỗ; phù hợp với thông lệ quốc tế và tương thích với pháp luật quốc tế phù hợp với giao dịch tự do hiện nay trên thế giới12. Phép toán 1+1=3 là nền tảng để phép toán 1+1=n xảy ra trong tương lai, từ đó có thể thấy được, con người làm nên những điều không tưởng. Hoàn thiện khung pháp lý cho M&A là việc cấp thiết, tạo nên sự phồn vinh và vững mạnh cho nên kinh tế, đó cũng là một minh chứng thành quả mà “công cụ” pháp luật mang lại./.

tế tạo nên những con cá khổng lồ để bót nghẹt đối thủ cạnh tranh, nhằm thống lĩnh thị trường và hệ quả là độc quyền. Có lẽ tác giả chưa học môn luật cạnh tranh nên chưa hiểu hết được bản chất. Tôi nghĩ cái thiếu trong bài viết là mua bán sáp nhập nó có sự nguy hiểm cho nền kinh tế ở góc độ nào và cái tốt của nó ở góc độ nào./.

Nhận xét của sinh viên: Bài viết tương đối tốt, chứng tỏ người viết chịu khó tìm tòi vì thực tế là trong chương trình đào tạo trước kia không có môn học về mua bán sáp nhập mà nó chỉ phất phảng trong các sách tham khảo, chuyên khảo và có để cập ở luật cạnh tranh. Mua bán sáp nhập không phải lĩnh vực mới trong nền kinh tế thị trường, mua bán sáp nhập là một hoạt đồng bình thường của các doanh nghiệp. Khi con cá chết hoặc yếu đến mức ko thể vực dậy được để cứu vãn nó (tạo ra công việc cho người lao động tránh những tổn hại và tác động đến an sinh xã hội) thì người ta có thể mua lại (bởi 1 ông chú có tiềm lực kinh tế ví dụ như Nguyễn Kim, Metro bị người Thái mua) hoặc sáp nhập vào 1 doanh nghiệp của nó (EVN TLC bị Viettel sáp nhập và trở thành công ty con). Trong Bộ luật dân sự thì có thể hiểu đây là việc chia tách sáp nhập pháp nhân dưới góc độ dân sự, dưới góc độ kinh tế nó gây hại khi tạo ra sự hạn chế cạnh tranh mà điều điển hình là tập trung kinh

11

Những gợi ý cho khung pháp lý M&A ở Việt Nam, Báo Mới, 2015, http://www.baomoi.com/nhung-goi-y-cho-khung-phap-ly-m-a-o-viet-nam/c/8728058. epi [truy cập ngày 04/12/2016] 12 PGS,TS Dương Anh Sơn, Một số yêu cầu khi xây dựng chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự, Trường ĐH Kinh tế- Luật, ĐHQG TP.HCM

Practice Makes Perfect | 6


Kính đa tròng

PHIẾM LUẬN1 VỀ “HỢP ĐỒNG TÌNH ÁI” Lữ Hoàng Đức (K15502) & Nguyễn Thị Thanh Loan (K15502C) Sinh viên ĐH Kinh tế- Luật, ĐHQG Tp.HCM. Cuộc sống vốn dĩ là một trò chơi, đã là cuộc chơi thi ắt hẳn phải có kẻ thắng người thua và người chiến thắng phải là người nắm rõ luật chơi nhất. Tất cả đều có những nhu cầu thỏa mãn các lợi ích khác nhau, nên để tạo tự công bằng cho các bên thì bắt buộc phải có sự thỏa thuận ban đầu để đi đến sự thống nhất về sau và sự thỏa thuận đó chính là bản chất của mọi giao dịch - Hợp đồng. Trong khoảng thời gian gần đây, có “một loại hợp đồng”, được gọi là “Hợp đồng tính ái” được dư luận quan tâm khá nhiều. Nhưng liệu rằng danh xưng của loại hợp đồng đó có giá trị pháp lý hay không và sinh viên chúng ta nên có cách nhìn nhận như thế nào đối với hiện tượng này? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một vài quan điểm về “Hợp đồng tình ái” dưới góc độ sinh viên, nhìn nhận một cách khách quan về chủ đề trên. 1. Từ các nguyên tắc cơ bản của hợp đồng Khi nhắc đến loại giao dịch “tình - tiền”, thường người ta sẽ nghĩ ngay đến các mối quan hệ giữa chân dài với đại gia và thực tế cũng chứng minh được điều này. Giữa một người có tiền nhưng thiếu tình với một người thừa nhan sắc nhưng cần tiền, thì hiển nhiên mối quan hệ bù trừ như thế sẽ không khó để xảy ra. Nếu mối quan hệ này dựa trên tình cảm trai gái tự nhiên, tin tưởng lẫn nhau thì có lẽ đã không nổi lên loại giao dịch gọi là “hợp đồng tình cảm”, “hợp đồng tình ái”, “hợp đồng tình dục”,... trong thời gian qua. Loại giao dịch này được hai bên tiến hành như một bằng chứng để ràng buộc lẫn nhau và để hạn chế những rủi ro sau khi kết thúc cuộc tình. Tháng 9 vừa rồi, câu chuyện về “hợp đồng tình ái” giữa đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga được dư luận bàn tán sôi nổi. Khi đại gia tố hoa hậu

lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì sau một thời gian bị bắt tạm giam và giữ im lặng, hoa hậu đã khai ra trước Hội đồng xét xử (HĐXX) về sự tồn tại của bản “hợp đồng tình ái”. Chính tình tiết này đã khiến cho HĐXX phải hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. Cũng từ đây mà hàng loạt ý kiến, bình phẩm cũng như các phân tích đánh giá về vụ việc được cư dân mạng thay nhau chia sẻ. Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM chia sẻ trên báo vietnamnet.vn thì “loại hợp đồng” này không phải là hiếm, nó xuất hiện âm thầm từ lâu trong xã hội. Tuy nhiên, sự tình như thế nào thì vẫn chưa ai biết được cho đến khi các cơ quan điều tra làm rõ và tòa án đưa ra phán quyết.Vậy giá trị pháp lý của loại hợp đồng này thế nào và nếu không có giá trị pháp lý thì hậu quả pháp lý khi hợp đồng vô hiệu được giải quyết ra sao? Một khi đã gọi là “Hợp đồng”,

thì để nó có tính pháp lý nhất định phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng. Theo điều 385 Bộ luât Dân sự (BLDS) 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017), hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Ngoài ra, trong tác phẩm Của cải của các dân tộc của Adam Smith thì hợp đồng là công cụ pháp lý được hình thành từ lâu đời, nó là công cụ pháp lý mà thông qua đó sự phân công lao động được thực hiện. Ngay từ khi xã hội loài người có sự phân công lao động và xuất hiện hình thức trao đổi hàng hóa thì hợp đồng đã hình thành và giữ một vị trí quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ tài sản. Để điều tiết các mối quan hệ tài sản trên thì bắt buộc hợp đồng phải được giao kết trên các nguyên tắc: tự do, tự nguyện trong cam kết, thỏa thuận và trung thực, thiện chí. Do đây là 2 trong số các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Việt Nam,

¹ Xem: Mỹ Thạch, Phiếm luận về đại gia và kiều nữ, Thời báo kinh tế Sài Gòn Online, 2016, http://www.thesaigontimes.vn/151931/Phiem-luan-ve-daigia-va-kieu-nu.html, [ngày truy cập 21/11/2016]. Tác giả cho rằng “phiếm luận” phù hợp với bài viết nên đã sử dụng cho tiêu đề, độc giả có thể tìm hiểu qua bài báo ở trên.

7 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


được ghi nhận trong phần thứ nhất Những quy định chung của BLDS nên 2 nguyên tắc này được áp dụng cho toàn bộ quan hệ dân sự, trong đó có quan hệ hợp đồng dân sự. Trong cam kết, thỏa thuận phải có cả tự do và tự nguyện. Tự do tự nguyện trong cam kết, thỏa thuận là khi chủ thể có nhiều lựa sự lựa chọn. Khi có nhiều sự lựa chọn thì “ý chí của chủ thể được thể hiện một cách tự do, không chịu bất kỳ một sự tác động nào, hay nói cách khác là tự do ý chí được thể hiện một cách đầy đủ”². Vấn đề tự do ý chí đã được đề cao trong pháp luật của các quốc gia khác nhau trên thế giới, ví dụ như trong quy định tại Điều 1318 - Bộ luật dân sự Philippines thì đó là “sự ưng thuận giữa các bên” và tự do ý chí của chủ thể là yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong giao kết hợp đồng. Đối với pháp luật Việt Nam thì ngoài đề cập đến tự do, tự nguyện tại khoản 2 Điều 3 BLDS 2015, nhà làm luật cũng gián tiếp nhắc đến tự do ý chí thông qua các trường hợp làm cho giao dịch dân sự (GDDS) vô hiệu. Từ Điều 123 đến Điều 129 BLDS 2015 có quy định GDDS vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giả tạo; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; bị nhầm lẫn; bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; không tuân thủ quy định về hình thức. Như vậy, nếu không thuộc một trong các trường hợp

trên thì chủ thể được coi là tự do, tự nguyện. Trung thực, thiện chí là “thực hiện hành vi với ý định tốt một cách ngay thẳng, chính trực”³. Nguyên tắc này cũng được đề cao trong pháp luật của các nước, ví dụ như tại khoản 1 Điều 2 BLDS Thụy Sỹ có quy định rằng các bên phải trung thực, thiện chí khi thực hiện nghĩa vụ, và sự trung thực, thiện chí mang tính giả định4 và do pháp luật quy định, các bên không được xem là trung thực, thiện chí khi không thực hiện hành vi một cách mẫn cán, cẩn trọng và không đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Trong Dự thảo khung tham chiếu chung - Các nguyên tắc chung của hợp đồng, các nhà nghiên cứu của Pháp đã đề xuất một quy định trong phần chung về pháp luật hợp đồng với nội dung như sau: “Mỗi bên phải ứng xử phù hợp với yêu cầu của thiện chí, từ khi thương lượng hợp đồng đến khi thực hiện toàn bộ hệ quả pháp lý của hợp đồng. Các bên không thể loại bỏ hay giới hạn nghĩa vụ thiện chí này”5. Đề xuất này đã làm rõ phạm vi áp dụng nguyên tắc thiện chí (theo nghĩa bao hàm cả trung thực) từ khi các bên bắt đầu có ý định xác lập hợp đồng đến khi thực hiện xong các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Nhà làm luật Việt Nam cũng có quy định tương tự như vậy tại khoản 3 Điều 3 BLDS 2015: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Sau khi hợp đồng được giao kết trên những nguyên tắc trên thì để hợp đồng có hiệu lực pháp luật

cần thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của GDDS theo điều 117 BLDS 2015 như sau: "- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với GDDS được xác lập; - Chủ thể tham gia GDDS hoàn toàn tự nguyện; - Mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. - Hình thức của GDDS là điều kiện có hiệu lực của GDDS trong trường hợp có quy định". 2. Đến các tranh cãi hiện tại về “hợp đồng tình ái” Trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, bài “Phiếm luận về hợp đồng tình ái” này tác giả sẽ chỉ tập trung bàn tới điều kiện thứ ba là “Mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội” . Trước tiên xét “hợp đồng tình ái” trên phương diện đạo đức xã hội, tại Điều 123 BLDS 2015 có định nghĩa đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Hay có thể hiểu giá trị đạo đức là cái được con người lựa chọn và đánh giá, xem nó như việc làm có ý nghĩa tích cực đối với xã hội, được cộng đồng thừa nhận và biểu dương. Vậy nên những thứ đi ngược lại với những điều nói trên hay vi phạm các điều cấm kỵ làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục thì được xem như trái đạo đức xã hội. Trong vụ án của ông Mỹ và bà Nga thì đối tượng của hợp đồng là tình cảm, tình dục... đây vốn dĩ là những thứ mà con người chúng ta cấm kỵ trong trao đổi mua bán.

² Dương Anh Sơn, Hoàng Vĩnh Long, Thử bàn về bản chất của hơp đồng từ góc độ Kinh tế học, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Viện Nhà nước và Pháp

luật, Số 2/2013, tr. 57 - 65. ³ Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS năm 2005 ,tập I, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 28. 4 Nguyên tắc trung thực, thiện chí về mặt lý luận mang tính giả định, nghĩa là các bên khi tham gia vào giao dịch dân sự mặc nhiên được coi là trung thực, thiện chí, bên nào cho rằng bên kia không hành xử như vậy thì phải chứng minh. Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập I, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.55. 5 Bénédicte Fauvarque-Cosson và Denis Mazeaud ( chủ biên ), Projet de cadre commun de référence-Principes contractuels communs, NXB Société de législation comparée 2008, tr.158

Practice Makes Perfect | 8


Cấm kỵ ở đây không phải do luật cấm, mà là do lương tâm con người không cho phép chúng ta làm vậy. Việc trao đổi mua bán tình cảm, tình dục còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình và việc giáo dục con trẻ. Dư luận cũng không biểu dương loại hợp đồng như trên và điều này có thể thấy được trong mục bình luận của các bài báo mạng đăng tải về vụ án của ông Mỹ và bà Nga. Do đó tác giả cũng đồng tình với quan điểm rằng cần tuyên “hợp đồng tình ái” này vô hiệu do trái đạo đức xã hội. Thứ hai, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định tại khoản 1 Điều 2: "Hôn nhân một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng là những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình". Ngoài ra, luật này còn có quy định cấm “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” 6, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến trong xã hội. Như vụ án của ông Mỹ và bà Nga đã đề cập trước đó, ông Mỹ đã có vợ con và vẫn đang trong thời kì hôn nhân nhưng lại chung sống với hoa hậu Phương Nga trong một thời gian dài và còn nảy sinh các mối quan hệ khác về tình dục, tài sản,… Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLTBTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, thì “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng

minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...” Việc định nghĩa hay xác định như thế nào là “chung sống như vợ chồng” vẫn là những vướng mắc hiện nay. Do đó, việc tuyên “hợp đồng tình ái” vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là không thể vội vàng được mà cơ quan có thẩm quyền cần phải điều tra xác minh việc “chung sống như vợ chồng” của ông Mỹ và bà Nga. Thứ ba, tác giả muốn bàn luận về một vấn đề được đặt ra là liệu rằng mục đích của “hợp đồng tình ái” này có đơn thuần chỉ dừng lại ở việc được “chung sống như vợ chồng” hay nó là một hình thức nhằm che dấu cho hành vi mua bán dâm? Mua bán dâm là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm và có cả một hệ thống văn bản phòng chống và xử lý. Theo Điều 3 về giải thích từ ngữ của Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2013 có quy định: “Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”. Việc trao đổi qua lại giữa hai bên chủ thể - một bên trao tiền và một bên đáp ứng nhu cầu về tình dục, thì có khác gì bên trao tiền là kẻ mua dâm, còn bên kia là kẻ bán dâm, bởi mục đích chính của giao dịch này là đổi tiền để đạt được sự thỏa mãn về tình dục. Đối với hành vi mua dâm, bán dâm sẽ chịu trách nhiệm pháp lý như Điều 22, 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tuy vậy, để xác minh được ông Mỹ có thực hiện hành vi giao cấu với bà Nga và có trả tiền cho bà Nga về hành vi này hay hành vi nào khác thì vẫn cần điều tra làm rõ, do ông

6 Điểm c, Khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

9 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)

Mỹ đã phủ nhận sự tồn tại của hợp đồng này. Như vậy, từ khi bà Nga khai ra trước Hội đồng xét xử về sự tồn tại của bản “hợp đồng tình ái” thì những tranh cãi xung quanh về loại hợp đồng này có rất nhiều, và vẫn chưa có lời giải đáp chính thức nào cho những tranh cãi này. Hợp đồng này vô hiệu hay không phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền trên các phương diện đạo đức xã hội, điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2013. 3. Và góc nhìn của người học luật Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu cung ứng, trao đổi của con người ngày càng tăng cao và diễn ra vô cùng phức tạp. Lẽ tự nhiên, họ có quyền đưa ra thỏa thuận để được đáp ứng nhu cầu thực tế và có quyền tự do lựa chọn cách thức để thỏa mãn nhu cầu đó. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng, họ có quyền tự do một cách tuyệt đối trên mọi phương diện. Ở góc độ đạo đức xã hội, mọi hành vi được xem là trái với đạo đức, trái với “luân thường đạo lý” thì xem như không được xã hội công nhận và điều này cũng một phần nằm trong những điều cấm của luật pháp. Bởi lẽ, pháp luật các nước luôn có những quy định về tôn trọng tự do hợp đồng, nhưng vẫn phải có những điểm hạn chế trong quyền tự do hợp đồng đó. Cần phải nói thêm rằng, mạng xã hội là kênh truyền thông cung cấp thông tin vô cùng nhanh chóng. Khi báo mạng đăng tải về những vấn đề xung quanh “hợp đồng tình ái” thì xuất hiện hàng loạt bình luận của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng thực chất đây là vụ “chia tay đòi lại quà” như một người dùng facebook N.Q.V chia sẻ “Lấy tiền dụ gái đẹp, vợ không dám chia tay,


chà đạp trắng trợn hạnh phúc gia đình, lén lút cặp bồ. Dù hình thức là gì thì ông cũng là người vi phạm pháp luật về luật hôn nhân gia đình. Giờ ông lại vu vạ người ta lừa đảo để đẩy con người ta vào tù. Trong khi chính ông bảo đưa tiền cho cô Nga mua nhà. Vậy mà, tòa hỏi nhà ở đâu? Nhà thế nào? Ông cũng không biết được. Phải chăng ông quyết tâm buộc tội “lừa đảo” cho cô Nga nhằm mục tiêu đòi quà của mình?” Nhìn chung thì tác giả cho rằng, những chia sẻ này mang đậm tư duy cảm tính, cho nên chúng cực đoan, một chiều. Trước khi biết về sự tồn tại của “hợp đồng tình ái” thì người người trách móc hoa hậu lừa đảo, lợi dụng sắc đẹp để lừa dối đại gia; nhưng khi xuất hiện tin tức về “hợp đồng tình ái” thì họ lại quay qua trách móc đại gia đểu cáng và thương xót hoa hậu, hồng nhan bạc phận. Là một sinh viên luật thì đòi hỏi người sinh viên đó phải có tư duy logic. Như vậy thì mới có được cái nhìn khách quan, biết phân biệt đâu là đúng và đâu là chưa đúng và sẽ không có cái nhìn phiến diện, cực đoan như đối tượng nêu trên. Đứng trước vụ án này thì sinh viên luật không chỉ có am hiểu nhất định về luật pháp Việt Nam, mà còn phải biết nhìn nhận, phân tích vụ án ở nhiều góc độ, đặc biệt là góc độ luật học. Hơn thế nữa, một sinh viên học luật tốt thì ngoài xác định được giá trị pháp lý của bản hợp đồng này thì phải biết làm giảm rủi ro nhất khi phân tích vụ án này ở từng góc độ, từng luật khác nhau. Ví dụ với vụ án trên thì khi dựa vào BLDS 2015 thì gặp khó khăn trong việc xác minh mục đích, nội dung của hợp đồng, dựa vào Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì gặp phải vướng mắc trong việc xác minh mục đích “sống như vợ chồng” của ông Mỹ và bà Nga, còn dựa vào Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2013 thì cũng gặp phải những trở ngại trong việc xác định rằng vụ

việc của ông Mỹ và bà Nga có phải là mua bán dâm hay không. Tóm lại, pháp luật Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, việc gặp phải những bất cập hay những sai phạm là không thể tránh khỏi. Do đó, việc điều chỉnh pháp luật để giải quyết các yêu vướng mắc như trên là rất cần thiết, cần phải có những quy định rõ ràng hơn về hợp đồng và cả các xử phạt chặt chẽ hơn về vi phạm hợp đồng, như đối tượng của bài viết này “Hợp đồng tình ái” là một ví dụ điển hình./.

về cơ bản mang tính hệ thống lại. Nguồn trích dẫn: Bài viết viện dẫn, trích nhiều nội dung như còn thiếu rất nhiều nguồn. Bài nghiên cứu học thuật nên hạn chế trích từ Facebook của ai đó (unreliable source). Gợi ý: Tác giả có thể tìm hiểu thêm luật của một số nước cho phép có mà việc mua bán dâm là hợp pháp để có thêm góc nhìn, sự so sánh. Tại sao Việt Nam nên coi đó là bất hợp pháp hay đề xuất vài giải pháp hoàn thiện pháp luật./.

Nhận xét của sinh viên: Bài viết mang tính thời sự và cũng là chủ đề mới mà thực ra trước đó tôi cũng chưa có từng nghiên cứu hay đọc nhiều về nó. Trong khoa học pháp lý Việt Nam đề tài này cũng khá mới, hầu như chưa có tác giả nào đề cập đến trong bài viết của mình, nó chỉ thực sự là chủ đề nghiên cứu bàn luận khi vụ án chân dài - đại gia nổi lên với bản phản cung của hoa hậu là tồn tại hợp đồng tình ái Bài viết đi đến phân tích dưới khung pháp lý là liệu hợp đồng có vô hiệu không dưới góc độ pháp luật, đặc biệt là điều kiện không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Dĩ nhiên dù không tìm thấy một bản án nào tương tự mà trước kia tòa án trước đã xử nhưng tôi nghĩ là nó sẽ bị vô hiệu hoặc ít ra là trái pháp luật. Tuy nhiên cô gái có phạm tội hay không thì đó sẽ là câu hỏi? Tôi và tác giả có chung đồng cảm là liệu 1 vị đại gia có khối tài sản khổng lồ lại nhẹ dạ cả tin bị cô gái lừa hay là đó là sự tự nguyện? Nhận xét của giảng viên: Ngôn ngữ: Sử dụng văn phong học thuật khá tốt Nội dung: Bàn về “Hợp đồng tình ái”, một chủ đề khá hay. Tuy nhiên, không nhiều sáng kiến mới, mà các vấn đề bài viết đưa ra đã được nhiều bài trước đó đưa ra. Bài viết

Practice Makes Perfect | 10


Kính đa tròng

VIỆT NAM: QUYỀN IM LẶNG – NÊN HAY KHÔNG NÊN? Trần Ngọc Phương Minh Sinh viên K15502, Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.HCM “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói đều có thể bị sử dụng làm bằng chứng chống lại anh trước tòa án do luật định. Anh có quyền tham vấn luật sư, và có quyền được có luật sư hiện diện trong quá trình thẩm vấn; nếu anh không đủ tiền chi trả cho luật sư thì sẽ có một luật sư được chỉ định bào chữa cho anh, nếu anh muốn.” – Lời cảnh báo Miranda hẳn là dấu hiệu quen thuộc nhất của Quyền im lặng đối với người Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh của Mỹ. Tuy nhiên, bản thân Quyền im lặng còn chứa đựng nhiều nguyên tắc nội hàm khác của quá trình tố tụng hình sự. Bài viết mong muốn làm sáng tỏ phần nào lí do vì sao Việt Nam cần tôn trọng và áp dụng Quyền im lặng. 1. Nội hàm Quyền im lặng Quyền im lặng là quyền của nghi can, bị can, bị cáo được quyền giữ im lặng trong suốt quá trình thẩm tra, xét xử. Quyền im lặng là hiện thân của quyền suy đoán vô tội, quyền không phải buộc tội chính mình và rộng hơn là quyền được xét xử công minh. Quyền suy đoán vô tội (the right to be presumed innocent) đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải giả định nghi can, bị can, bị cáo không có tội (kể cả khi bản thân những người điều tra có thể tin rằng họ đã phạm tội) cho đến khi các cơ quan này thuyết phục được tòa án là nghi can, bị can, bị cáo có tội. Quyền không phải buộc tội chính mình (the right not to be compelled to testify against oneself or to confess guilt) là quyền của nghi can, bị can, bị cáo không phải khai báo bất cứ thứ gì bất lợi cho mình và giúp các cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội mình trong quá trình điều tra. Hai quyền này giúp việc xét xử

diễn ra khách quan, công bằng và Quyền im lặng sẽ giúp nghi can, bị can, bị cáo sử dụng những quyền trên một cách thuyết phục. Không chỉ vậy, Quyền im lặng chính là một phần của quyền tự nhiên của con người. Đó là quyền được tự bảo vệ trước những thứ có thể đe dọa bản thân, cụ thể ở đây là việc có thể chịu các chế tài hình sự nếu bị kết tội bởi tòa án. Quyền im lặng sẽ giúp một người bảo vệ danh dự, nhân phẩm của họ trước những cơ quan nhà nước dày dặn kinh nghiệm trong việc xét xử, có thông tin về vụ án và có khả năng xâm phạm các quyền cơ bản của một người trong lúc họ bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài. Quyền im lặng có thể được dùng cùng những quyền khác để tạo ra thế cân bằng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và nghi can, bị can, bị cáo. Những biện pháp khác bao gồm hỗ trợ pháp lý hoặc một quan sát viên độc lập trong quá trình thẩm tra, hoặc việc sử dụng thiết bị ghi âm,

ghi hình trong khi lấy lời khai. Jeremy Bentham – cha đẻ của thuyết vị lợi, đã xuất bản một cuốn sách nổi tiếng phê phán Quyền im lặng năm 1827. Trong đó ông khẳng định “Người vô tội sẽ không bao giờ tận dụng nó. Người vô tội sẽ dành quyền nói, như người có tội sử dụng quyền được im lặng”¹. Tuy nhiên, một người hoàn toàn vô tội cũng có thể phải sử dụng tới Quyền im lặng của mình, đặc biệt là khi họ không tin tưởng cảnh sát, sợ sẽ bị lừa trả lời những câu hỏi mang tính dẫn dắt hoặc bị sửa câu trả lời theo hướng bất lợi. Một người có thể sẽ sử dụng Quyền im lặng khi đang cố gắng giấu một điều gì đó xấu hổ về bản thân hoặc bao che một hành động phi pháp khác không liên quan đến tội trạng đang được điều tra. Hay đơn giản là họ đang bị sốc và rối trí sau khi bị bắt, dẫn đến không thể nhớ chi tiết cụ thể của vụ việc nên không thể trả lời ngay. Hoặc có thể có trường hợp những sự kiện đã xảy ra quá

¹ “Innocence never takes advantage of it. Innocent claims to the right of speaking, as guilt invokes the privilege of silence”. Phân tích cụ thể về bài

phê bình của Jeremy Bentham có thể được tìm thấy trong Helmholz, R.H., Gray, C.M., Langbein, J.H., Moglen, E., Smith, H.E., và Alschuler, A.W., The Privilege Against Self- Incrimination: Its Origins and Developments (The University of Chicago Press)

11 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


rắc rối, hoặc vấn đề tình cờ trở nên quá bất lợi nên không muốn trả lời. Những cáo buộc của cảnh sát có thể cũng có thể không rõ ràng, không đủ thông tin để trả lời hoặc không hiểu câu hỏi do giới hạn khả năng trí tuệ hay rào cản ngôn ngữ. Trong những trường hợp được liệt kê ở trên và cả những trưởng hợp khác nữa, Quyền im lặng sẽ là một chiến lược tạm thời, cho tới khi người bị buộc tội đã lấy lại được bình tĩnh, hay có được phiên dịch, trợ giúp pháp lý hay bất cứ sự hỗ trợ cần thiết nào khác. Có vô vàn lí do để một người sử dụng Quyền im lặng của mình, cho dù họ có tội hay không. Mục đích của Quyền im lặng là không để nhà nước lấy mất quyền của người bị buộc tội được chọn nói hay không nói với cơ quan có thẩm quyền. Quyền im lặng là tuyệt đối cần thiết cho việc xét xử công minh và là một trong những điều kiện tiên quyết để cân bằng quyền lợi cá nhân và quyền lợi nhà nước. 2. Việt Nam: Quyền im lặng – Nên hay không nên? Trong những năm vừa qua, nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự tích cực của công tác báo chí, dư luận biết tới và bày tỏ sự bức xúc với số lượng không nhỏ án oan, án sai do nghi phạm bị ép cung, mớm cung để nhận tội, ngồi tù thay cho hung thủ thật sự. Trong báo cáo trước Quốc hội ngày 05/06/2015 về tình hình oan, sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã nêu rõ thực trạng: Trong 219.500 vụ án với hơn 338.000 bị can bị khởi tố, điều tra trong ba năm qua có 71 trường hợp là án oan, bị can là người vô tội². Những vụ án được báo chí gán cho những cái tên “đại án”, “kỳ án”, “án oan chấn động”… có khi đã xảy ra đã cách đây bảy

năm, mười năm, thậm chí tới mười sáu năm nhưng gần đây mới được phát hiện. Việt Nam là một nhà nước pháp quyền và một nhà nước pháp quyền phải đảm bảo được cho công dân của mình quyền được xét xử công minh cũng như nhân quyền tối thiểu trong quá trình tố tụng. Các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm đảm bảo những lời khai của người tạm giữ, bị can, bị cáo là thoải mái và tự nguyện, không có sự sợ hãi hay mua chuộc. Việc tìm ra sự thật phải là nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nghi phạm không thể bị ép để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng hồ sơ vụ án chống lại bản thân, bằng cách đưa ra những lời khai chống lại mình ở giai đoạn điều tra hay là ở trước tòa. Bởi vậy, Việt Nam phải tôn trọng và áp dụng Quyền im lặng của nghi can, bị can, bị cáo. Trong bản Hiến pháp mới nhất, ngay tại Chương 2 quy định về nhân quyền, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã khẳng định tại khoản 1 Điều 31: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Quy định này được ủng hộ nhiệt liệt vì đã đưa nội hàm quyền suy đoán vô tội vào đạo luật gốc của quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 nên việc nội luật hóa những quyền mà Công ước bảo hộ là nghiễm nhiên. Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 đã quy định tại khoản 2 Điều 72: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. BLTTHS 2015 kế thừa tinh thần tiến bộ của điều luật này và tiếp tục nỗ lực “…không làm

oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” (Điều 2) bằng những “dấu hiệu” của Quyền im lặng, thể hiện gián tiếp qua một số điều khoản. Cụ thể, điểm e khoản 1 Điều 58 và khoản 2 của lần lượt các Điều 59/60/61 quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt/người bị tạm giữ/bị can/bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận có tội. Ngoài ra, Quyền im lặng còn được ghi nhận gián tiếp trong việc quy định người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai, có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung (điểm b khoản 1 Điều 73); Khoản 3 Điều 309 cho phép khi bị xét hỏi trong phiên tòa, nếu bị cáo không trả lời câu hỏi thì những người có thẩm quyền liên quan tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án. Tuân thủ theo đạo luật gốc của quốc gia cũng như giữ đúng cam kết đối với quốc tế là biểu hiện của một nhà nước pháp quyền dân chủ, văn minh. Qua việc thể chế hóa Quyền im lặng, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực đáng trân quý trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân./. Tài liệu tham khảo: 1. Eileen Skinnider, Frances Gordon (2001). The right to silence – International norms & domestic realities, Sino Canadian International Conference on the Ratification and Implementation of Human Rights Covenants, Beijing, 16 – 25/10/2001. 2. “Hiểu đúng về Quyền im lặng của bị can, bị cáo: Im lặng là quyền tự nhiên”, Tạp chí Pháp luật Việt

² Hoàng Thùy, Viện trưởng kiểm sát xin lỗi trước Quốc hội về án oan, Báo điện tử VnExpress.net, 2015, http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/vientruong-kiem-sat-xin-loi-truoc-quoc-hoi-ve-an-oan-3229635.html, [ngày truy cập 30/11/2016].

Practice Makes Perfect | 12


Nam, số 36(114)/9-2015, tr.8 – 11. 3. LS. Lương Văn Tuấn, ThS. NCS. Trần Văn Duy, “Quyền im lặng từ Quy tắc Miranda theo án lệ Hoa Kỳ đến vấn đề Quyền im lặng trong Hiến pháp và pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay”, tạp chí Nghề Luật, số 1-2016, tr. 93 – 96. 4. ThS. Bùi Tiến Đạt, “Quyền giả định vô tội và Quyền im lặng: Lý thuyết và thách thức từ thực tiễn”, tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22(302)/ Kỳ 2 – tháng 11/2015, tr.3 – 11. Nhận xét của sinh viên: Bài viết tương đối khá, tuy chưa phải là bài viết khoa học chất lượng nhưng với bạn sinh viên năm 2 kiến thức chưa được trang bị nhiều thì việc bạn chịu khó tìm tòi học hỏi là đáng khích lệ. Bài viết có thể hiện sơ lược được cách hiểu chung chung của quyền im lặng nhưng chưa đi phân tích được nội hàm cơ bản của quyền im lặng , bản chất của quyền im lặng, quyền im lặng và quyền bào chữa có liên quan gì không (vì có quan điểm cho rằng sử dụng quyền im lặng là triệt tiêu quyền bào chữa), hay quyền im lặng có phải quyền con người không (nếu là quyền con người thì cần phải có cơ chế riêng để bảo vệ nó trong lĩnh vực tư pháp hình sự) Quyền im lặng với nội hàm cơ bản đã có trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, nếu hay thì tác giả dành số sau để phân tích rõ về quyền im lặng trong bộ luật này có khác nhau gì so với ở Hoa Kỳ, Anh và đưa ra những kiến nghị kinh nghiệm cho Việt Nam. Nhận xét của giảng viên: "1.Nội hàm quyền im lặng": Phần này tác giả đang giới thiệu khái niệm và hoàn cảnh áp dụng của Quyền im lặng, trong khi “nội hàm” chỉ có nghĩa là ý nghĩa của khái niệm hoặc phạm vi của khái

13 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)

niệm này. Nên bỏ từ “Nội hàm” ra khỏi tiêu đề để tên tiêu đề không rườm ra và làm mất đi ý nghĩa của cả đoạn. Nên có một vài dòng giới thiệu nguồn gốc hoặc lịch sử phát khởi của quyền im lặng cũng như lời cảnh báo Miranda để cho thấy sự công nhận, giá trị bền vững cũng như tầm quan trong của quyền im lặng trong lịch sử phát triển của hệ thống hành pháp. Ngoài ra phần này không có ghi nhận nguồn tham khảo nào khiến cho những lập luận và giới thiệu của tác giả thiếu độ tin cậy. Trường hợp khác là trường hợp nào? Vì sao cần phải bảo vệ tội phạm ngay cả khi công an biết rõ về hành vi nhưng chưa có đầy đủ chứng cứ? Ở đây tác giả phân tích các giả định còn chưa được thuyết phục. Trong trường hợp tội phạm bắt quả tang thì sao? Trong những trường hợp này chỉ nói đến “người vô tội” hoặc “người hoàn toàn vô tội”. Vậy còn những người có hành vi được xem là “có hành vi phạm tội” hoặc phạm tội một phần thì họ có đáng được sử dụng quyền vô tội không? Bất kỳ ai khi chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án đều được coi là không có tội, vậy thì quyền im lặng được ghi nhận ngay khi bắt tội quả tang đối với nghi can thì nên được lý giải như thế nào để bảo về quyền lợi chính đáng của họ? "2. Việt Nam: Quyền im lặng – Nên hay không nên?" Nên nêu một số ví dụ thực tiễn kèm nguồn. Các Hiến pháp trước đây Hay các Bộ luật Tố tụng Hình sự trước đây đã đề cập đến quyền này chưa? Hiến Pháp 2013 có phải Hiến Pháp đầu tiên đề cập đến quyền này không? Như vậy Bộ luật Tố tụng Hình sự đã có ghi nhận một cách gián tiếp có nghĩa là đã có ghi nhận quyền im lặng. Vậy tác giả có đánh giá gì

về việc ghi nhận này không? Đủ hay chưa? Có cần chế định công nhận không? Hiện nay luật mới có động thái gì chưa? Tác giả còn chưa trả lời được câu hỏi tiêu đề của bái báo đó là “Có nên công nhận hay không?” trong khi nội dung đã thể hiện là “có ghi nhận rồi”. Tác giả nhìn chung đã có hướng tiếp cận vấn đề một cách đúng đắn và phù hợp, tuy nhiên cách giải quyết và triển khai chưa được triệt để. Cần giải quyết và trả lời câu hỏi nghiên cứu mà mình nêu ra một cách rõ ràng hơn trong phần 2 của bài viết./.


Có thể bạn chưa biết

Practice Makes Perfect | 14


Nhân vật & Sự kiện

PHAN VĂN TRƯỜNG LUẬT SƯ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

Nghề Luật Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm với những giai đoạn phát triển và hoàn thiện để được như ngày hôm nay. Trong quá trình đó đã có biết bao người không ngại dâng hiến tâm huyết của mình đóng góp vào nghề Luật. Một trong số đó là luật sư Phan Văn Trường, một con người tài ba, kiên trung với Tổ quốc. 1. Vài nét về tiểu sử Luật sư Phan Văn Trường (1876 – 1933) quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị Thực dân Pháp xâm lược, ông đã nuôi trong mình khát khao mang đến hòa bình độc lập cho đất nước. Người con thủ đô, với học thức uyên thâm, nhận thức tiến bộ đã không ngừng học hỏi, phấn đấu theo học ngành luật và trở thành luật sư đầu tiên của đất nước Việt Nam. Con đường học tập của ông đã trải qua một quá trình đầy vất vả, nhưng với sự nỗ lực và không ngừng phấn đấu đã đem đến những thành tựu đáng nể. Năm 1908, sau khi từ biệt quê hương, ông đến Marseille làm chân phụ giảng tiếng Việt tại trường Ngôn ngữ Phương Đông của Pháp. Ông vừa dạy vừa ghi danh học Luật và Văn khoa, rồi thi đỗ cử nhân của hai ngành vài năm sau đó.

15 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)

2. Quá trình hoạt động Năm 1912, ông tham gia đoàn Luật sư Paris và hành nghề ở tòa thượng thẩm, cũng năm đó ông cùng cụ Phan Chu Trinh sáng lập nên “Hội đồng bào thân ái” – Hội người Việt đầu tiên trên thế giới. Ngày 12/9/1994, ông bị Thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao quân đội Cherche Midi rồi bị đưa ra tòa án binh xét xử nhưng rồi được thả tự do vào 7/1915 nhờ sự vận động của hội Nhân quyền và Đảng Xã hội (Pháp) thời bấy giờ. Năm 1918, ông tiếp tục con đường luật học và trở thành tiến sĩ luật hình đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1919, ông cùng các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền viết Bản yêu sách 8 điểm gửi tới hội nghị hòa bình ở Versailles, trong đó Phan Văn Trường được coi là người chắp bút nên văn bản này. Năm 1923, ông từ bỏ tất cả trở về nước tiếp tục đấu tranh vì độc lập nước nhà. Ngày 21/7/1927, ông bị bắt và khám nhà với tội danh “kích động dân bản xứ nổi loạn” tuy nhiên sau đó ông được tại ngoại. Tháng 8/1929, ông bị Tòa thượng thẩm Paris xử y án 2 năm tù giam. Năm 1931, ông được mãn hạn tù rồi trở về Sài Gòn tiếp tục đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam. Thế nhưng, con người đó đã không thể tiếp tục thực hiện lí tưởng cao cả bởi cơn bạo bệnh đã cướp đi mạng sống của ông vào ngày 22/4/1933 tại Hà Nội. 3. Những thành tựu nổi bật + Luật sư Phan Văn Trường được coi là “kiến trúc sư” của Bản yêu sách 8 điểm hay còn gọi là Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam được trình bày tại hội nghị Hòa Bình ở Versailles, năm 1919. + Ông là người sáng lập hội người Việt đầu tiên trên thế giới với tên gọi là “Hội đồng bào thân ái” vào năm 1912. + Năm 1923, ông cùng Nguyễn An Ninh đứng ra tổ chức hội Thanh niên Cao vọng. Thời gian này, hai người còn cho xuất bản báo Chuông rè ( La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L‘Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn. (Xem tiếp trang 18)


Legalese Corner

International Moot Court What Is Moot Court? Moot court is a pedagogical exercise designed to focus students on certain elements of bringing a case before a hypothetical appellate court. The term “moot,” meaning “hypothetical”, is used because the competitions are based on fictitious cases. Moot court provides students with the opportunity to practice their appellate advocacy skills by writing legal briefs and presenting oral arguments. [...] During a moot court competition, students receive an appellate record, which contains facts of a hypothetical case often referred to as a “problem.” Students use the facts presented in the problem, along with additional research, to develop arguments for one or more sides of the issue. These arguments are then refined and presented during the competition in two forms. First, students prepare a written submission, often called a brief, which is mailed to the competition judges ahead of time to be read and graded. Second, students prepare and present oral arguments before a panel of judges, who consider both the quality of the written document and the oral presentation in determining a winner of the competition. […] Basic Moot Court Model […] In all kinds of moot court competitions, participating students receive an appellate record, which contains the hypothetical problem that will form the basis for all arguments. Typically, students will craft arguments surrounding two distinct “issues” set forth by the court. The issues represent the questions that the court must resolve in order to reach a decision in the case. Students will use the information presented in the problem to craft arguments in support of their

Moot Court là gì? Moot Court là một hoạt động thực hành mang tính giáo dục được thiết kế để sinh viên tập trung vào một số yếu tố nhất định trong việc mang một vụ án tới trước một tòa phúc thẩm giả định. Thuật ngữ “moot” có nghĩa là “mang tính giả định”, được sử dụng bởi vì các cuộc thi đều dựa vào các vụ việc giả định. Moot court cung cấp cho sinh viên cơ hội để luyện tập kĩ năng về tranh tụng kháng cáo của họ bằng cách viết tóm tắt hồ sơ vụ án và trình bày những tranh luận. […] Trong một cuộc thi moot court, sinh viên nhận được một hồ sơ phúc thẩm, trong đó chứa các dữ kiện của một vụ việc giả định thường được gọi là “vấn đề”. Sinh viên sử dụng các dữ kiện được trình bày trong vấn đề cùng với những nghiên cứu bổ sung, phát triển các luận điểm cho một hoặc nhiều mặt của vấn đề. Những lập luận này sau đó được sàng lọc và trình bày trong cuộc thi dưới hai hình thức. Thứ nhất, sinh viên chuẩn bị một tài liệu biện hộ, thường được gọi là một bản tóm tắt hồ sơ vụ án, được gửi trước tới ban giám khảo cuộc thi để đọc và chấm điểm. Thứ hai, sinh viên chuẩn bị và trình bày bài tranh biện trước một hội đồng ban giám khảo, những người sẽ xem xét cả về chất lượng tài liệu biện hộ lẫn khả năng tranh biện để xác định người chiến thắng của cuộc thi. [...] Mô hình Moot Court Cơ bản [...] Trong tất cả các loại hình của cuộc thi moot court, sinh viên tham gia nhận được một hồ sơ phúc thẩm, trong đó chứa đựng một vụ việc giả định mà sẽ trở thành cơ sở cho các tranh luận. Thông thường, sinh viên sẽ xây dựng các luận điểm xung quanh hai “vấn đề” riêng biệt do tòa chỉ định. Những vấn đề này đại diện cho các câu hỏi mà Toà án phải giải quyết

Practice Makes Perfect | 16


position on each issue. The problem will consist of a narrative record of the facts, which will read like a story of the persons, places, and events involved in the dispute. The problem may also contain lower court opinions in the same case, which explain how the issues were resolved at the trial level. […] The competition involves two components: written and oral. The written component is the brief, which contains all of the team’s arguments for both issues, in support of one side of the dispute. To prepare for brief writing, students will research relevant legal authorities, craft persuasive arguments, and organize their arguments in a clear structure. […] Students are generally prohibited from using outside assistance during the writing process, but some competitions permit teachers, attorneys, or coaches to comment on, or edit, the brief. […] International Moot Court Model International moot court observes a similar structure to the basic moot court model but is a simulation of legal practice before an international court. As in other competitions, the case is based on a hypothetical set of facts called the “compromis.” Instead of involving two private actors as petitioner and respondent, however, the competition usually involves two state actors. Similarly, preparing for an international moot court competition requires students to research relevant standards of international law and draft a written legal argument known as a “memorial.” As briefs, memorials are submitted weeks before the oral argument rounds, must meet specific requirements of the individual competition rules, and are judged by a panel of professionals. International competitions also have an oral component, where participating students prepare and present oral arguments based on the memorial before a bench of law professors, judges, or practicing attorneys. Basic Vocabulary [...] Factual Record: All moot court competitions are based on a factual record. In the basic moot court model, this document is referred to as the statement of facts or the problem. In the context of international moot court competition, it is called the compromis. Parties: Moot court competitions involve two competing parties that disagree on one or more issues of law. These parties are sometimes referred to as Petitioner (the person making the claim) and Respondent (the person challenging the claim) in the basic moot court model. In international moot courts, the person making the claim is referred to as the Ap-

17 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)

nhằm đưa ra phán quyết. Sinh viên sẽ sử dụng các thông tin lấy từ vấn đề trên để xây dựng các lý lẽ củng cố cho luận điểm của họ trong từng vấn đề. Vụ việc trên sẽ bao gồm một hồ sơ tường thuật về các sự kiện, mà sẽ mà khi đọc sẽ tựa như một câu truyện về những người, những địa điểm, và các sự kiện liên quan đến tranh chấp. Vụ việc trên cũng có thể bao gồm ý kiến của tòa cấp dưới trong cùng vụ án đó, giải thích cách giải quyết vụ việc đó ở cấp sơ thẩm. [...] Cuộc thi bao gồm hai phần: viết và nói. Phần viết bao gồm bản tóm tắt hồ sơ, trong đó chứa tất cả các lý lẽ của đội cho cả hai vấn đề, ủng hộ một bên trong tranh chấp. Để chuẩn bị cho phần tóm tắt hồ sơ, sinh viên sẽ nghiên cứu các thẩm quyền pháp lý liên quan, tạo ra các lý lẽ thuyết phục, và thiết lập lí lẽ của họ trong một cấu trúc rõ ràng. [...] Sinh viên thường bị cấm sử dụng sự hỗ trợ bên ngoài trong quá trình viết, nhưng một số cuộc thi cho phép giáo viên, luật sư, hoặc huấn luyện viên nhận xét, hoặc chỉnh sửa, bản tóm tắt. [...] Mô hình Moot Court quốc tế Mô hình Moot Court quốc tế tuân theo một cấu trúc tương tự như mô hình moot court cơ bản nhưng nó là một mô phỏng thực hành pháp lý trước một tòa án quốc tế. Như trong các cuộc thi khác, vụ án được dựa trên một chuỗi sự kiện giả định được gọi là “compromis”(1). Tuy nhiên, thay vì bao gồm hai chủ thể cá nhân như nguyên đơn và bị đơn, cuộc thi thường bao gồm hai chủ thể quốc gia. Điểm tương đồng là chuẩn bị cho một cuộc thi moot court quốc tế đòi hỏi sinh viên phải nghiên cứu các tiêu chuẩn liên quan của luật pháp quốc tế và soạn thảo một bản tranh luận được gọi là “bản ghi nhớ”. Như bản tóm tắt, bản ghi nhớ được nộp nhiều tuần trước vòng tranh biện, phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể của các cuộc thi cụ thể, và được đánh giá bởi một hội đồng các chuyên gia. Các cuộc thi quốc tế cũng có phần thi nói, nơi sinh viên tham gia chuẩn bị và trình bày phần tranh biện dựa trên các bản ghi nhớ trước quan tòa bao gồm giáo sư luật, các thẩm phán hoặc các luật sư tranh tụng đang hành nghề. Từ vựng cơ bản [...] Bản ghi sự kiện: Tất cả các cuộc thi moot court đều dựa trên một bản ghi sự kiện. Trong mô hình moot court cơ bản, tài liệu này được gọi là bản tường trình các sự kiện hoặc vấn đề. Trong bối cảnh cuộc thi moot court quốc tế, nó được gọi là compromis1. Các bên: cuộc thi moot court bao gồm hai bên tranh chấp, không đồng thuận về một hoặc nhiều vấn đề pháp lý. Trong mô hình moot court cơ bản, các


plicant while the opposing party is still called the Respondent. Written Arguments: Most moot court competitions involve the preparation of written argumentation. (For high school students, this aspect of the competition is often skipped in favor of the oral argument component.) The legal document prepared is often referred to as a brief. In the case of international moot court, this same document is referred to as a memorial. Oral Arguments: Moot court competitions involve appearing before a panel of judges during the rounds of oral arguments. Judges expect respect and deference from the oralist, beginning with addressing each judge by the proper title. In many moot court competitions, it is proper to address each judge as “your honor”. If it is clear that one judge (usually in the middle) is the leader, it may be appropriate to address him or her as “chief justice”. In international moot court competitions, the lead judge is addressed as “president.” Other judges may be addressed as “Madam” or “Mister.” The salutation “your excellency” is also used./. (Extracted from International Moot Court, Meghan Spillane and The International Bar Association, Published by International Debate Education Association).

bên này đôi khi được gọi là Nguyên đơn (người đưa ra lời yêu cầu) và Bị đơn (người phản đối lời yêu cầu). Trong moot court quốc tế, những người đưa ra lời yêu cầu này được gọi là Người nộp đơn trong khi bên đối lập vẫn được gọi là Bị đơn. Tranh luận viết: Hầu hết các cuộc thi moot court đều có việc chuẩn bị bài viết tranh luận. (Đối với học sinh trung học, phần này của cuộc thi thường bị bỏ qua để ưu tiên cho tranh biện.) Các tài liệu pháp lý chuẩn bị sẵn thường được gọi là bản tóm tắt hồ sơ. Trong trường hợp của moot court quốc tế , tài liệu loại này được gọi là một bản ghi nhớ. Tranh biện: Cuộc thi moot court bao gồm sự có mặt trước một hội đồng thẩm phán trong suốt các vòng tranh biện. Các thẩm phán yêu cầu sự tôn trọng và sự thừa nhận từ người thi tranh biện, bắt đầu bằng việc xưng hô với mỗi thẩm phán bằng một danh xưng thích hợp. Trong nhiều cuộc thi moot court, cần phải gọi mỗi thẩm phán là “thưa ngài”. Nếu rõ ràng là một thẩm phán (thường là người ngồi giữa) là chủ tọa, thì phù hợp hơn là gọi ông ấy hoặc bà ấy là “chủ tọa”. Trong các cuộc thi moot court quốc tế, thẩm phán nắm quyền chủ trì được gọi là “president”. Các thẩm phán khác có thể được gọi là “Quý bà” hoặc “Quý ông”. Những lời chào “Thưa quý ngài” cũng được sử dụng./. (Trích từ International Moot Court, Meghan Spillane và Hiệp hội Luật sư Quốc tế, Xuất bản bởi Hiệp hội Giáo dục Tranh luận Quốc tế). 1. Compromis (tiếng Pháp): sự thỏa hiệp, sự đồng tình đặc biệt.

Phan Văn Trường - Luật sư đầu tiên của Việt Nam (Tiếp theo trang 15)

+ Ông đã cho đăng một số bài của các báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Diễn đàn thông tin quốc tế. + Ông còn là người đầu tiên đăng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Karl Marx và Friedrich Engels trên báo. + Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là Pháp luật lược luận, nhà in Xưa – Nay, Sài Gòn, 1926. + Về văn hóa, ông là người đầu tiên chính thức đề xướng việc dùng chữ Quốc ngữ là văn tự cho người Việt.

Trên đây là vài nét về luật sư Phan Văn Trường – vị “tổ nghề”, luật sư đầu tiên của Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong kết hợp nghề luật và nghề báo vào chung một con đường, đó là con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Dù năm tháng có trôi qua, ông vẫn mãi là tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo, đặc biệt là các bạn đã, đang và sẽ đam mê theo đuổi ngành luật./. Bảo Châu

Practice Makes Perfect | 18


Crossword Puzzle International Moot Court 1

2

3

4 5

6

7

8

9

Across

Down

2. Spoken or uttered; not expressed in writing. Được nói ra, không thể hiện bằng văn bản. 5. Person who is sued in a civil lawsuit. Người bị kiện trong vụ án dân sự. 6. Relating to appeals; reviews by superior courts of decisions of inferior courts or administrative agencies and other proceedings. Liên quan đến kháng cáo, sự xem xét của tòa án cấp trên đối với các phán quyết hoặc các thủ tục khác của tòa án cấp dưới hoặc các cơ quan hành chính. 7. A lawyer, especially one practicing in USA, who usually pleads cases. Also called attorney-at-law. Từ này thường được dùng tại Mỹ để gọi luật sư tranh tụng. 8. A document or set of documents containing the details about a court case. Một tài liệu hoặc một bộ tài liệu chứa đựng nội dung chi tiết của một vụ việc trên tòa. 9. A formal and exact presentation of facts. Lời khai, bản tường thuật chính thức của các sự kiện.

1. A conflict or controversy, especially one that has given rise to a particular lawsuit. Mâu thuẫn, tranh chấp có thể dẫn đến kiện tụng. 3. A person in a legal proceeding. Chủ thể trong tiến trình tố tụng. 4. One of the levels of courts in legal system. It is the initial court that a dispute is settled based on jurisdiction. Cấp sơ thẩm 6. Power delegated to a person or body to act in a particular way; A governing body, charged with power and duty to perform certain functions. Can also be understood as a judicial decision or other source of law used as a ground for a legal proposition. Thẩm quyền được ủy thác cho một cá nhân hoặc cơ quan để thực hiện công việc nhất định; Một cơ quan quản lý, có thẩm quyền và nhiệm vụ thực hiện một số chức năng nhất định. Cũng có thể được hiểu là một quyết định tư pháp hoặc các nguồn luật khác được sử dụng làm cơ sở cho một tuyên bố pháp lý.

19 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


Trải - Nghiệm

CHUỖI CHƯƠNG TRÌNH

NGÀY HỘI PHÁP LUẬT THIẾU NHI 2016

Chương trình Ngày hội pháp luật thiếu nhi 2016 là chương trình được tổ chức với sự phối hợp giữa Đoàn khoa Luật kinh tế và Câu lạc bộ Nghiên cứu và tư vấn pháp luật (LRAC). Chương trình được tổ chức tại 5 trường tiểu học trên địa bàn quận 9 và quận Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn xây dựng nền tảng pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho các em thiếu nhi. Nội dung của chương trình gồm 2 phần lớn: Bài giảng pháp luật, cuộc thi Rung chuông vàng và Vẽ tranh cổ động. Phần Bài giảng pháp luật do LRAC phụ trách. Chủ đề chính của Bài giảng pháp luật là An toàn giao thông, cụ thể gồm có 3 phần nhỏ: diễn kịch an toàn giao thông, giảng dạy biển báo và hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng cách. Với phần diễn kịch, chúng tôi diễn một tình huống giao thông dựa trên câu chuyện Tấm Cám - câu chuyện cổ tích vô cùng quen thuộc với các bạn nhỏ. Thông qua vở kịch, chúng tôi truyền tải đến các em nội dung bài giảng bằng việc lồng ghép các tình huống xen kẽ với phần hỏi đáp để giúp các em học sinh có thể hiểu một cách trực quan nhất về những nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông. Nội dung tiếp theo sau khi kết thúc phần kịch là phần giảng dạy biển báo. Trong phần này, chúng tôi giảng dạy về 4 biển báo giao thông thuộc 4 loại hình biển báo chính (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn) mà các em nhỏ thường nhìn thấy trên đường gồm: biển báo cấm rẽ trái, biển báo nguy hiểm phía trước có trẻ em, biển báo đường dành cho xe thô sơ và biển báo nơi đỗ xe. Qua đây, các em sẽ có được những kiến thức cơ bản về biển báo giao thông (như là cách nhận biết loại biển báo và ý nghĩa của chúng) để không còn bỡ ngỡ khi gặp các biển báo đó trên đường. Cuối cùng, chúng tôi hướng dẫn cho các em học sinh cách đội mũ bảo hiểm đúng cách và an toàn khi tham gia giao thông. Tiếp nối phần Bài giảng pháp luật, các em học sinh sẽ được tham gia 2 phần thi: Rung chuông vàng và Vẽ tranh cổ động do Đoàn khoa Luật kinh tế tổ chức. Trong phần thi Vẽ tranh cổ động, các em nhỏ sẽ có cơ hội bộc lộ khả năng, niềm yêu thích hội họa và được thỏa sức sáng tạo để vẽ nên những bức tranh cổ động đầy ý nghĩa về 2 đề tài Bảo vệ môi trường và Quyền trẻ em. Còn phần thi Rung chuông vàng lại là sân chơi bổ ích giúp các em nhỏ học hỏi thêm nhiều kiến thức về pháp luật thông qua các câu hỏi về An toàn giao thông và Quyền trẻ em. Chuỗi chương trình Ngày hội pháp luật với thiếu nhi 2016 được bắt đầu từ giữa tháng 11/2016 và đến nay (đầu tháng 12/2016) đã diễn ra tại 3 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là Trường

Practice Makes Perfect | 20


Tiểu học Hoàng Diệu (Số 33 Lê Văn Chí phường Linh Trung, quận Thủ Đức), Trường Tiểu học Đỗ Tấn Phong (Số 103 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) và Trường Tiểu học Trương Văn Thành (Khu phố 3, Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9). Chương trình diễn ra khá thuận lợi và suôn sẻ nhờ có sự ủng hộ của các thầy cô từ các trường tiểu học và đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh. Chúng tôi đều là sinh viên, nên việc gặp phải những sai sót là không thể tránh, thế nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết mình với mong muốn tương tác với các em nhỏ một cách tốt nhất có thể. Chỉ cần nhìn thấy những khuôn mặt đáng yêu, những nụ cười vui vẻ và những cánh tay nhiệt tình từ các em cũng đủ khiến chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa cho các chương trình tiếp theo. Là những người tổ chức, chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì đã có thể góp phần nào sức lực của mình vào việc tuyên truyền pháp luật đến với các em học sinh - những mầm non tương lai của đất nước. Qua đó, chúng tôi thấy được rằng, những chương trình như thế này là rất cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đưa pháp luật đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là các em thiếu nhi./.

Đáp án Crossword Puzzle: ¹D

6A P

P E

L

U 7

4T

I

5R E

S P O N D E N T p

O

A

U

R

L A T E

A T T O R N E O

E Y

V 8B R

R

I

E

F

L

I 9S T

A T E M E N T

Y 21 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)

C

I

L

H

²O R ³A L


Trải - Nghiệm

Nhật kí tân thành viên:

Buổi Sinh hoạt chuyên môn đầu tiên Sài Gòn, Ngày 22 tháng 10 năm 2016 Hôm nay là buổi Sinh hoạt chuyên môn (SHCM) đầu tiên của LRAC. Ban đầu, mình chỉ đăng kí tham gia buổi SHCM đầu tiên để nghe các anh chị hùng biện để học hỏi. Ngờ đâu, mình lại bị xếp vào nhóm tham gia hùng biện đầu tiên. Không chỉ vậy, mấy anh chị còn bắt mình làm theo cái mô hình Karl Popper nghe lạ lắm. Mình được xếp vào cùng nhóm với chị Xuyến và bạn Thảo. Chúng mình lập thành “team” áo trắng chuẩn bị sẵn sàng mọi chuyện. Đương nhiên phần nội dung phải chuẩn bị kĩ hết sức không sẽ bị đội kia “dập” tơi bời! Sau khi tập trung đầy đủ mọi người, anh Hận - Chủ nhiệm LRAC dành ra ít phút để hướng dẫn một số điều trong CLB và chia sẻ về kĩ năng thuyết trình, phương pháp hùng biện và phổ biến lại Luật hùng biện Karl Popper. Chủ đề phản biện của buổi sáng ngày hôm nay là “Văn hóa chửi - Nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam”. Nhóm mình là nhóm bảo vệ quan điểm nên bạn Thảo lên trình bày định nghĩa và nêu các luận điểm của nhóm mình trước, sau đó chị Loan bên đội phản biện lên tìm sơ hở của đội mình. Tiếp đó là Sơn bên đội phản đối lên phản bác quan điểm của đội mình, và nêu lên quan điểm của nhóm họ. Sau khi Sơn lên trình bày thì chị Xuyến lên hỏi đáp với Sơn. Chị Xuyến mới hỏi có mấy câu thôi mà Sơn đã căng thẳng, mặt hùng hổ tiến tới áp sát vào chị Xuyến nhỏ bé của mình. Sơn cao như bố mình vậy, mà có điều to chắc gấp đôi bố mình. Nhìn cảnh tượng Sơn lấn sân qua chỗ chị Xuyến giống như kiểu con sư tử chuẩn bị ăn thịt con nai vàng ngơ ngác. Cũng may thời gian cho phần phản biện đã hết nên hai người về chỗ, mình không chắc là đứng thêm vài phút thì chị Xuyến sẽ như thế nào nữa. Đến lượt mình. Sau khi mình trình bày xong thì “anh hùng” Sơn lại xuất trận. Lần này cũng hùng hổ như lần trước vậy. Sơn hỏi mình đáp. Mình mới đáp xong có câu một thì Sơn đã lại lấn sân qua chỗ mình. Mình đã lùn rồi thì chớ. Mỗi lần Sơn qua thì mình phải ngước lên nhìn, mỏi cổ chết đi được. Thế là mình lại phải lùi vài bước. Kiểu như “mình càng nhân nhượng thì Sơn lại càng lấn tới”. Cũng may có các anh chị tách ra chứ không không biết mình có bảo toàn được tính mạng mà trở về không nữa. Mình trả lời xong tưởng hết rồi thì Sơn nó lại hỏi tiếp. Lần này mình thấy Sơn cực kì lúng túng, lo sợ khác hẳn với vẻ bề ngoài. Không biết Sơn lo lắng lâu chưa mà giờ mình mới phát hiện ra. Ngược lại với lần trước, lần này sao mình cảm thấy mình ghê gớm quá. Mình nói mà Sơn không nói lại được câu nào

Practice Makes Perfect | 22


cả, chỉ biết đứng đực ra đó nhìn mình. Giờ tự nhiên thấy Sơn tội quá. Chắc lúc đó nhìn mình “đanh đá” lắm. Sau đó xuất hiện một nhân vật bí hiểm, ít nói, là Châu. Châu bước ra với một sự bình thản đến lạ kì khác hẳn với không khí căng thẳng trước đó. Châu trình bày mà mình cảm thấy như cuộc sống này thật đẹp, kiểu như cái thiện sẽ chiến thắng cái ác và công lý sẽ được thực thi trong xã hội này. Nói chung mặc dù Châu nói có hơi buồn ngủ nhưng mà xét kĩ những lời Châu nói hết sức thuyết phục. Vậy đó, sau khi hai đội đã trình bày hết những luận điểm và qua các lượt phản biện qua lại, các anh chị đưa ra nhận xét tổng thể về cả đội và nhận xét riêng về từng người. Khen có, chê có; Hơn hết, mình đã học hỏi rất nhiều điều ở các anh chị và mình cũng nhận ra những thiếu xót của bản thân. Nói chung đối với mình thì buổi SHCM đã diễn ra thành công tốt đẹp. Mình hi vọng sẽ được đồng hành cùng với các anh chị nhiều hơn để học hỏi thêm nữa. Sài Gòn hôm nay đẹp lắm! Thế Kha

Luật Hùng biện Karl Popper 1. Đội thi: Có 2 đội. Đội A (Affirmative) - Đội ủng hộ và Đội N (Negative) - Đội phản đối. Mỗi đội gồm có 3 thành viên. 2. Quá trình phản biện: 2.1. Lượt nói của các đội và vai trò của các thành viên trong đội 1) A1 (6’): Phải đưa ra toàn bộ định nghĩa, giới hạn, cấu trúc của phiên tranh biện và những luận điểm của đội A. 2) N3 hỏi, A1 đáp (3’). 3) N1 (6’): Phải đưa ra toàn bộ hồi đáp của đội N cho những luận điểm của đội kia và những luận điểm riêng của đội mình. Nếu một luận điểm không bị phản đối, điều đó đồng nghĩa với việc đội Phản đối đồng ý với đội A. 4) A3 hỏi, N1 đáp (3’). 5) A2 (5’): Phải vạch ra những phản đối của đội mình cho những luận điểm của đội N và hồi đáp lại những phản đối của họ cho luận điểm của đội mình. 6) N1 hỏi, A2 đáp (3’). 7) N2 (5’): Phải hồi đáp lại những gì đội kia đã phản đối, tiếp tục phản đối họ. Người này có thể bắt đầu chỉ ra những điểm đã bị bỏ lỡ để thu hút sự chú ý của trọng tài. 8) A1 hỏi, N2 đáp (3’). 9) A3 (5’): Tiếp tục phản đối những điểm còn thiếu, và chỉ ra lỗ hổng trong phần phản biện của đối phương. Người này nên thu hút sự chú ý của trọng tài vào những vấn đề chính xảy ra tại trận đấu. 10) N3 (5’): Tóm tắt. Trọng tài sẽ bỏ qua bất kỳ luận điểm mới nào ở lượt này. Lưu ý: Mỗi đội có tổng thời gian 8’ để thảo luận. Sau mỗi phần trình bày, giám khảo sẽ hỏi đội cần bao nhiêu phút. Các đội tự phân bổ, sao cho 3 lần thảo luận gói gọn trong 8’ . 2.2. Vai trò của trọng tài: - Trọng tài nên ghi chép trong suốt trận đấu. - Sau lượt nói cuối, trọng tài có 10’ để đưa ra quyết định xem đội nào thắng, chấm điểm cho 2 đội. - Trọng tài sẽ chấm điểm trên tư duy và lập luận của thí sinh, tối kỵ việc đem quan điểm cá nhân vào việc chấm điểm: + Sự chặt chẽ trong hệ thống luận điểm, luận cứ. + Sự thống nhất trong quan điểm của các thành viên. + Tính khoa học và hợp lý của lập luận.

23 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


Cơ hội - Tiềm năng

3

hãng luật hàng đầu của Việt Nam

(xếp hạng & đánh giá bởi The Legal 500*)

1. LEXCOMM Lexcomm Vietnam LLC là công ty luật thương mại hàng đầu Việt Nam, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ pháp lý đa dạng với đội ngũ các luật sư thành viên chủ chốt làm việc tại văn phòng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Lĩnh vực hoạt động của công ty bao gồm tài chính ngân hàng, thị trường vốn, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, dự án và hạ tầng, bất động sản và xây dựng, tái cơ cấu và phá sản doanh nghiệp, doanh nghiệp, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, rà soát và tuân thủ các quy định trong doanh nghiệp, viễn thông, truyền thông và công nghệ, giải quyết tranh chấp, lao động, thuế, sở hữu trí tuệ. Liên hệ: Văn phòng Tp.HCM: Phòng 2106-07, Tầng 21, Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP. HCM. Tel: (+84) 8 3936 5018 Email: info@lexcommvn.com (Nguồn: lexcommvn.com) 2. RHTLaw Taylor Wessing Vietnam RHTLaw Taylor Wessing Việt Nam là một công ty luật hàng đầu, giúp khách hàng tiếp cận mạng lưới của hơn 1200 chuyên gia pháp lý với 30 văn phòng ở khắp châu Á, Trung Đông, châu Âu và Hoa Kỳ thông qua tư cách thành viên của công ty với Taylor Wessing Group. Lĩnh vực hành nghề của công ty bao gồm tài chính ngân hàng, việc làm, sở hữu trí tuệ, đầu tư trong và ngoài nước, M&A, bất động sản và xây dựng, thuế, viễn thông, kinh doanh và thương mại, giải quyết tranh chấp. Liên hệ: Văn phòng Tp.HCM: Phòng 1101, Tầng 11, Sofitel Central Plaza, 17 Lê Duẩn, Q.1, TP. HCM. Tel: (+84) 8 38206 448 Fax: (+84) 8 38206 450 Email: enquiries@rhtlawtaylorwessing.com.vn (Nguồn: www.rhtlawtaylorwessing.com.vn) 3. VILAF VILAF là một công ty luật với gần 20 năm kinh nghiệm hành nghề tại Việt Nam, với đội ngũ luật sư cao cấp từng làm việc cho Chính phủ. Công ty cũng có các luật sư đủ năng lực hành nghề tại các nước, bao gồm Vương quốc Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippin. VILAF cung cấp đầy đủ các dịch vụ pháp lý, và đã nhiều năm hỗ trợ cho các khách hàng như Ford, Philip Morris, Bunge, Shell, BNP Paribas, Citibank, SMBC, SCB, ANZ, Mizuho, BTMU,… Lĩnh vực hành nghề của công ty bao gồm thị trường vốn, doanh nghiệp và M&A, giải quyết tranh chấp, tài chính, bất động sản, thuế. Cơ hội thực tập: VILAF luôn chào đón các sinh viên luật mong muốn trải nghiệm môi trường thực tế và tương tác với các luật sư của VILAF. Nếu bạn quan tâm, hãy liên hệ với bộ phận tuyển dụng của VILAF theo địa chỉ: Le Thi Hong Hanh (honghanh.le@vilaf.com.vn) Kumho Asiana Plaza, 39 Lê Duẩn, Q.1, Tp.HCM. (Nguồn: www.vilaf.com.vn) *The Legal 500 là một trong những tổ chức uy tín toàn cầu có chức năng đánh giá và xếp hạng các Công ty Luật tại các quốc gia thành viên. Dựa vào các chỉ số của The Legal 500, khách hàng sẽ quyết định lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ pháp lý phù hợp nhất với nhu cầu hoạt động kinh doanh của mình (www.legal500.com).

Practice Makes Perfect | 24


Góc kết nối

Hãy theo đuổi đam mê Ngày tôi còn nhỏ, khi còn chưa biết thế nào là một trường đại học thì điều tôi thắc mắc nhất lúc bấy giờ đã là “Làm sao để học giỏi?”. Theo tôi, đó là một câu hỏi chưa bao giờ cũ cả, kể cả bây giờ khi đã trở thành một cô sinh viên năm nhất, tôi vẫn băn khoăn đi tìm câu trả lời. Bất kì khi nào các bạn có cơ hội gặp một anh/chị khóa trước, có thành tích tốt trong học tập thì có lẽ các bạn sẽ liên tục đặt ra những câu hỏi giống như là “Làm sao để em học giỏi như anh chị?”, “Làm sao khi mà em đã đầu tư thời gian và công sức học tập nhưng thành tích không được như mong muốn?”… Câu chuyện diễn ra tương tự với cô nhóc năm nhất như tôi khi một lần may mắn được gặp chị Trần Thị Như Nguyệt – thủ khoa tốt nghiệp khoa Luật kinh tế khóa 2012-2016. Tôi đã có cơ hội được nói chuyện với chị Nguyệt và trực tiếp lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm học tập, rèn luyện của chị trong khoảng thời gian bốn năm đại học. Thật sự buổi nói chuyện ấy đã cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Chào chị, Em rất tò mò không biết điều gì đã khiến chị chọn theo đuổi ngành luật? Đó có phải là đam mê từ bé của chị không? Mình không biết “từ bé” trong trường hợp này là khi nào. Hồi nhỏ, mình có ước mơ muốn làm kiến trúc sư nhưng dần nhận ra mình không có năng khiếu vẽ hình khối và tưởng tượng không gian lắm (cười). Đến năm cấp hai, mình đọc nhiều truyện trinh thám kinh điển và rất ấn tượng với cách suy luận logic của các nhân vật trong truyện. Bộ truyện trinh thám mà mình thích nhất hồi đó là Thám tử lừng danh Conan, Yuri và Conan là 2 nhân vật mà mình thích nhất. Đặc biệt với nhân vật luật sư Yuri, một nhân vật xuất hiện khá ít trong truyện nhưng để lại cho mình những ấn tượng sâu sắc: sự thông minh, sắc sảo của một luật sư. Từ đó cho mình động lực để theo đuổi ngành luật. Lên cấp ba mình học chuyên về xã hội. Mình cảm thấy yêu thích những công việc thường xuyên phải suy luận, có tính logic và thấy rằng ngành luật sẽ phù hợp với khả năng của mình. Đến khi mình học đại học và đi làm, tiếp xúc với các vấn đề cuộc sống và pháp lý thì càng nhận ra ngành luật có nhiều điểm hay, rất cần thiết cho cuộc sống. Ai cũng có cho mình một thần tượng để làm động lực phấn đấu? Vậy chị có thần tượng ai không ạ? Mình thần tượng Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Mỹ từ khi học cấp ba. Ông từng là một luật sư trước khi tham gia tranh cử Tổng thống ở Mỹ. Mình ngưỡng mộ ông vì ông là một con người luôn nỗ lực trước bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Mặc dù được sinh ra trong một gia đình nghèo, tuổi thơ không có đủ điều kiện đi học nhiều nhưng lớn

25 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


lên ông vừa đi làm vừa học, không ngừng nỗ lực và sau đó trở thành ứng cử viên Tổng thống và rồi Tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa. Ông cũng là người có tư tưởng cấp tiến khi đó, tư tưởng giải phóng người nô lệ ở Mỹ. Ông được xem như một trong những người tiên phong đấu tranh cho tiếng nói của dân chủ ở Mỹ. Mình cũng rất thích các bài diễn thuyết của A. Lincoln. Cách ông dẫn dắt vấn đề rất thẳng thắn, ngắn gọn nhưng đầy thuyết phục. Câu nói của ông mà mình yêu thích nhất là: “Có thể tiến chậm nhưng đừng bao giờ bước lùi”. Theo chị, sinh viên luật cần chú trọng những kĩ năng gì? Thực sự rất khó để trả lời câu hỏi này. Bởi vì các kĩ năng gần như không tách ra mà có sự kết nối, nhiều khi phạm vi của kỹ năng này có thể bao hàm một phần khái niệm của kỹ năng khác. Nhưng theo mình, sinh viên luật trước hết cần thoong thạo 4 kỹ năng cơ bản trong giao tiếp và cuộc sống: nghe, nói, đọc, viết. Sau đó cần phải trau dồi thêm kỹ năng phân tích và phản biện. Chị có nghĩ là sinh viên luật nên chú trọng hơn vào kỹ năng nói và viết hơn là rèn luyện kỹ năng nghe và đọc? Theo mình, việc rèn luyện bốn kỹ năng phải song song với nhau. Về kỹ năng nghe, trước tiên nên rèn luyện “nghe” sao cho không bị mất tập trung, khi nghe phải kiên nhẫn và biết chọn lọc khi có thể có những luồng quan điểm không thống nhất trong cùng một nội dung. Phải tôn trọng người nói và không nên ở tâm thế đánh giá khi chưa nghe hết. Khi nói chuyện bình thường có thể một số người sẽ nói nhiều thông tin bổ sung hoặc ẩn ý, mới nghe có thể thấy không hoàn toàn tập trung chủ đề đang được nói, tuy nhiên có nhiều giá trị hữu ích. Do đó, chúng ta nên lắng nghe

toàn bộ song biết chọn lọc ý và nên lạc bộ, đội CLE, quá trình đi thực ghi chú lại những thông tin quan tập và ngay lúc này, khi đi làm, trọng nhất sau đó. mình cũng hết sức chú ý để rèn Về kỹ năng đọc, vì tài liệu để luyện thêm những kỹ năng này. đọc thì có rất nhiều và có thể mỗi Chị nghĩ học luật khó không và loại có một đặc trưng riêng nhưng dựa vào kinh nghiệm bản thân, chị quan trọng là phải nắm nguyên tắc đã chọn cho mình phương pháp biết mình đang đọc tài liệu gì, chỗ nào để đạt được kết quả tốt nhất? nào nên đọc kỹ, chỗ nào nên đọc Luật, theo mình, là một ngành lướt, để đọc một tài liệu cho hiệu khó. Vì nó là một ngành khoa học quả và tương ứng với thời gian xã hội đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc mình có được. về nhiều mặt của kiến thức, gắn Về kỹ năng nói, các bạn cần liền với đời sống xã hội và cả vấn phải tự rèn luyện đề chính trị của mỗi nhiều. Nói tốt Chị Trần Thị Như Nguyệt: nước. Ngành luật giúp bạn cảm - Đến từ Quy Nhơn - Bình Định; học ở nhiều nước phát thấy tự tin hơn cấp ba tại trường Quốc Học Quy triển là một ngành khi đứng trước Nhơn; giải ba Quốc gia Môn Lịch sử, đào tạo công phu, mọi người và tạo được tuyển thẳng Khoa Sư phạm khá tốn kém và mất Lịch sử - Đại học Quy Nhơn. một lợi thế bề nổi rất nhiều thời gian. - Phó ban Event Câu lạc bộ nghiên cho các bạn sinh cứu khoa học Kinh tế - Luật. (ERCTheo ý kiến của viên học luật nói UEL). mình, việc mà mình chung. Các bạn - Cựu thành viên Đội hình tư vấn, thích ngành luật, có thể tập nói, giảng dạy pháp luật cộng đồng CLE thích môn học của tập thuyết trình – UEL. luật nó gắn liền với trước gương, - Các thành tích đạt được: sự trưởng thành trước các bạn + Giải ba Nghiên cứu khoa học cấp của mình (hay là trong nhóm của trường năm 2015; già đi của mình). mình và nghe + Giải Khuyến khích cuộc thi Olym- Các bạn cần va pic các môn khoa học Mác-Lênin nhận xét từ họ để chạm nhiều, tiếp và tư tưởng Hồ Chí Minh, trường Đại giúp các bạn trau học Kinh tế-Luật năm 2015 xúc nhiều bởi khi dồi kỹ năng nói. + Giải khuyến khích giải thưởng Eu- các bạn hiểu biết Về kỹ năng reka XVII năm 2015; về vấn đề đó các viết thì theo mình + Giải khuyến khích Giải thưởng bạn sẽ nhận ra rất quan trọng NCKH ĐHQG 2015 cách giải quyết của vì thể hiện kiến + Thủ khoa tốt nghiệp khoa Luật nó nhẹ nhàng hơn thức, khả năng kinh tế khóa 2012 – 2016. khi làm các bài tình phân tích, cách huống. Mình nghĩ thức tư duy vấn đề của các bạn ngành luật là ngành cần có thời và qua việc viết có thể kiểm tra gian để chúng ta thêm yêu thích kỹ năng nghe và đọc của các bạn cộng vào đó là va chạm thực tiễn. nữa. Các bạn nên cố gắng tập thói Mình chọn cách học theo cách quen hành văn rõ ràng, xúc tích, mình cảm nhận về từng môn học, chỉn chu cả về nội dung và hình mức độ quan tâm và cân đối thời thức. Thông qua việc viết các bài gian của mình. Thông thường, là tiểu luận và chuẩn bị bài trên lớp, trước khi lên lớp, mình chủ động nếu các bạn có đầu tư, mình nghĩ tìm hiểu chủ đề thầy cô sẽ giảng kỹ năng viết của các bạn sẽ được (bằng cách xem đề cương môn cải thiện rất nhiều. học), đọc tài liệu liên quan hoặc Tất cả điều trên mình rèn luyện chuẩn bị bài theo yêu cầu; biết thông qua quá trình hoạt động học được các vấn đề nổi bật, còn thắc tập trên lớp, trong nhóm, trong câu mắc, quan tâm đến điều gì thì lúc

Practice Makes Perfect | 26


thầy cô giảng bài, mình sẽ tập trung nghe giảng và có thể trao đổi thêm với các bạn, với thầy cô ở một số vấn đề còn thắc mắc. Đặc biệt, môn nào mình yêu thích hơn thì mình sẽ dành nhiều thời gian tìm hiểu và trao đổi với bạn bè và thầy cô về môn đó. Chị đã từng tham gia Nghiên cứu khoa học (NCKH) và đạt giải thưởng cấp trường năm 2015, giải Eureka 2015. Trong quá trình nghiên cứu chắc hẳn chị đã gặp phải những khó khăn nhất định? Chị có thể chia sẻ một tí về nó được không ạ? Khi làm NCKH, mình, Tuấn Anh, Vân và Duyên đều muốn có một công trình NCKH để làm kỷ niệm thời sinh viên và hy vọng sẽ đi tới cùng đề tài. Năm đó thì các nhóm thực hiện NCKH không nhiều, thời gian thì bị rút ngắn nên có một số nhóm làm giữa chừng thì bỏ. Có một vài lần mình và một bạn khác trong nhóm cũng cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc nhưng hai thành viên còn lại trong nhóm luôn động viên nhau để vượt qua. Cũng có lúc đề tài bị bế tắc do nội dung có nhiều phần không thống nhất, lúc đó thì bọn mình cũng họp nhau nhiều lần và cùng tìm hiểu thêm, tìm ra hướng đi thống nhất cho đề tài. Điều quan trọng là các thành viên phải đoàn kết, thẳng thắn với nhau và cùng nỗ lực để đi đến cùng. Chúng em rất ngưỡng mộ bảng thành thích học tập và rèn luyện của chị. Vậy theo chị, đâu là điều mà chị tâm đắc nhất trong bảng thành tích đó? Mình thấy thật sự so với các bạn khác thì thành tích của mình đat được vẫn ở mức khiêm tốn tuy nhiên thành tích nào đạt được thì cũng thấy vui vì nó thể hiện sự cố gắng và mong muốn nhất định của mình. Điều mà mình nghĩ là mình tâm đắc nhất trong bảng thành tích đó là được sống, cố gắng với

27 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)

những đam mê và có thể tạo được niềm vui cho những người xung quanh. Nếu phải chọn điều gì mình thích nhất chắc đó là kết quả thủ khoa tốt nghiệp khoa Luật kinh tế. Đó là kết quả mình đạt được sau nỗ lực sống thật với chính mình, những cố gắng của mình đã được đền đáp, thành tích đó cũng gắn liền với rất nhiều kỷ niệm ở trường Đại học. Tuy nhiên, mình xem đó chỉ là kết quả bước đầu và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Mình luôn nhắc nhở bản thân là không được thỏa mãn và phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vậy thành tích thủ khoa tốt nghiệp Luật kinh tế khóa 2012-2016 có giúp ích gì cho chị trong việc tìm kiếm việc làm sau khi chị ra trường không ạ? Mình bắt đầu quá trình xin việc vào đầu tháng 7 năm 2016, lúc đó vẫn chưa có bảng điểm cuối cùng, chưa có quyết định thủ khoa cũng như công bố bảng điểm chung nên tại thời điểm đó, mình không sử dụng thông tin thủ khoa trong đơn xin việc. Quá trình tìm công việc đầu tiên của mình cũng không quá khó khăn. Mình được nhận và làm công việc hiện nay trong lần phỏng vấn xin việc thứ hai. Công việc hiện tại của chị như thế nào? Và chị có dự định đặc biệt gì cho tương lại không? Mình hiện giờ đang làm trong một Legal Team liên quan chủ yếu đến các vấn đề về hợp đồng, mua bán & sáp nhập và lao động của một công ty kế toán của Nhật. Mình cũng đang theo học khóa đào tạo nghiệp vụ luật sư ở Học viện Tư pháp song song với đi làm. Như đã chia sẻ, mình có định hướng và mong muốn sẽ được làm luật sư trong những năm tới. Mình cũng rất mong muốn có thể đạt được một suất học bổng du học về Luật thương mại ở Châu Âu trong

thời gian tới để có cơ hội trải nghiệm và hoàn thiện thêm một phần kiến thức của mình. Cuối cùng chị có điều gì muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên nói chung, đặt biệt là các bạn sinh viên luật nói riêng không ạ? Mình muốn các bạn sống, làm việc và học tập bằng đam mê, mong muốn của mình trước. Hãy cố gắng học tập thật tốt, nhất là với các môn bạn mong muốn đi chuyên sâu. Ngoài học qua lý thuyết trong giáo trình thì cần phải đọc thêm một số sách chuyên ngành và các sách thường thức khác. Các bạn là sinh viên, các bạn có nhiều cơ hội để học tập, rèn luyện, đây là quãng thời gian các bạn phải tận dụng thật tốt. Ngoài việc học tập kiến thức chuyện môn thì phải trau dồi vốn ngoại ngữ của mình thật tốt. Thật ra mọi người hơn nhau rất nhiều còn ở ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) nên các bạn không thể để thua kém người khác được, đó là lợi thế cạnh tranh cho ta sau này. Ngoài Tiếng Anh, nếu các bạn có thời gian nên học thêm một ngôn ngữ nữa (có thể là tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp,...), nó sẽ giúp ích ta nhiều trong công việc sau này. Đặc biệt, các bạn phải tiếp xúc nhiều với thực tiễn, nên đi thực tập và làm những công việc part-time phù hợp với chuyên môn của mình. Qua những công việc đó, các bạn có cơ hội tiếp xúc, làm quen với nhiều người, tạo nhiều mối quan hệ cho bản thân, cho công việc sau này. Tuy nhiên, đi làm thêm chỉ là phụ. Quan trọng nhất vẫn là việc học trên trường. Đó là những gì mình muốn gửi gắm tới các bạn đọc. Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị./. Thu Sang


Giải trí

The Lincoln Lawyer Nếu bạn là một fan của dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết thì bạn thực sự không nên bỏ qua The Lincoln Lawyer, bộ phim đã được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách cùng tên của Michael Connelly. Với cách kể chuyện thông minh và cuốn hút, The Lincoln Lawyer sẽ cho bạn cái nhìn chân thật về việc hành nghề luật sư. Michael “Mickey” Haller - nhân vật chính của bộ phim, hẳn sẽ để lại trong bạn ấn tượng về một vị luật sư đầy bản lĩnh. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi lẽ, trong phim, ông tự tin với năng lực của mình và có phần hống hách, nhưng cũng có lúc êm đềm ân cần với gia đình, có lúc hối hận, dằn vặt với những lỗi lầm nghề nghiệp của mình trong suốt phim. Haller luôn nhắc tới câu nói của bố mình như một phương châm nghề nghiệp: “Không một thân chủ nào đáng sợ như một người vô tội”1 . Để giảm đi những tình tiết nặng nề trong phim, đạo diễn Brad Furman đã đan xen vào đó những tình cảm gia đình, những xung đột không tránh khỏi khi vợ Haller lại là một công tố viên. Haller nắm tất cả những nguyên tắc của pháp luật và với thực tiễn hành nghề nhiều năm, Haller đã dựa vào chính bản thân những quy định hệ thống pháp luật và lợi dụng nó để bảo vệ cho thân chủ của mình. Những khách hàng của ông đa phần là dân xã hội đen và ông nhận bào chữa cho họ với một cái giá cắt cổ. Vợ ông - một công tố viên, khi nói về công việc của ông đã phải thốt lên: “Em đang cố cho những người này vào tù còn anh thì lại làm việc để họ tự do đi lại ở ngoài phố!” Lần đó, Haller được thuê bởi một nhà môi giới bất động sản giàu có vùng Los Angeles để bào chữa cho con trai của bà là Louis Roulet. Louis bị buộc tội hành hung và hiếp dâm một cô gái hành nghề mại dâm. Trong quá trình tìm hiểu vụ án, Haller còn vô tình tìm được chứng cứ liên quan đến một vụ giết người trước đây mà ông đã từng bào chữa... Mặc dù ở đầu phim ta sẽ chỉ thấy Haller là một vị luật sư làm mọi việc vì tiền, tuy nhiên dần dần theo dòng câu chuyện, ta nhận thấy bên trong Haller sự trăn trở giữa “những gì mình cho là đúng” và “những gì người khác muốn”. Bộ phim xoay quanh việc Haller phải minh oan cho thân chủ của mình với tội trạng hiện tại và đồng thời cũng phải bị bắt với tội danh mà Louis đã phạm phải ở vụ án trước kia. Bộ phim nhận được nhận những đánh giá tích cực, ghi được 83% đánh giá “được chứng nhận” trên Rotten Tomatoes, dựa trên 166 ý kiến với một đánh giá trung bình là 6,6/10 . Nhà phê bình Lisa Moore đã đưa ra lời nhận xét trên trang IMBD: “Nó không cung cấp bất kỳ một công thức phòng xử án ly kỳ nào mà ta có thể dự đoán được, thêm với một Matthew McConaughey quyến rũ với mái tóc lãng tử và một kịch bản hoàn hảo, phim đã thực sự cuốn hút tôi. The Lincoln Lawyer cung cấp tính giải trí rất tốt”. Một bộ phim thú vị và đặc biệt bổ ích với những ai quan tâm đến luật. Thật đáng để cho bạn thưởng thức! Thu Thảo

¹ Khi Chris High phỏng vấn tác giả Michael Connelly, ông giải thích rằng câu nói này là lời của một luật sư tranh tụng. Ý người đó là chỉ có một kết quả được chấp nhận duy nhất khi bào chữa cho một thân chủ vô tội: “Not guilty” (Không có tội). Không có sự thỏa thuận ở đây. Không xin tha tội. Vì vậy nó đặt nhiều áp lực lên luật sư. Nó đáng sợ vì nếu vị luật sư không có được phán quyết không có tội thì họ sẽ luôn dằn vặt bởi một người vô tội đang ở trong tù vì họ đã không cố gắng đủ nhiều.

Practice Makes Perfect | 28


Hiểu luật không khó

TÌNH HUỐNG GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG Nguyễn Văn A, ngụ tại khu phố 9 đường Nguyễn Ái Quốc, tp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nhà anh A cách bệnh viện Thống Nhất 356m. Ngày 07/11/2016, anh A tổ chức tiệc mừng anh mới mua con xe Mercedes mới, sau khi ăn uống, anh mở dàn loa karaoke để giải trí cùng các chiến hữu. A và những người bạn tổ chức “liveshow” với dàn loa công suất lớn đến hơn 1h sáng ngày hôm sau. Tiếng hát cùng những tiếng hò reo cổ vũ ầm ĩ làm inh ỏi cả khu anh đang sống, bà con chòm xóm quanh khu bị quấy rầy nghiêm trọng, ai ai cũng bất bình. Một số người cho rằng, nhà của anh A anh muốn làm gì thì làm, hiếm khi mới có một cuộc vui sao lại cấm cản. Người khác lại cho rằng làm phiền tới hàng xóm như vậy là không nên, phải qua chửi một trận cho bõ ghét. Vậy, việc nên làm trong tình huống trên là gì? Có thể tố cáo việc tụ tập gây ồn ào vào ban đêm được không? Trả lời: Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chồng tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung; c) Bán hàng ăn, uống, hàng giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.” Trường hợp này, A và những chiến hữu của mình đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/ NĐ-CP và còn vi phạm thêm điểm b khoản 1 Điều 6 ở cùng nghị định, vì nhà A ở gần bệnh viên Thống Nhất và không giữ quy định chung về việc giữ yên tĩnh của bệnh viện. Để mở rộng thêm, tại khoản 2 và 3 Điều 6 ở cùng nghị định trên quy định: “2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 2 điều này.” Theo Pháp lệnh công an xã 2008, quy định tại khoản 6 Điều 9 cho phép lực lượng Công an xã có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết sự việc. Như vậy, hành vi tụ tập, gây ồn ào vào ban đêm có thể bị tố cáo, và bị xử phạm theo quy định đã dẫn ở trên. Theo những phân tích ở trên, việc nên làm ở đây chính là báo cho công an phường để họ kịp thời tới xử lí, trả lại sự yên tĩnh cho khu phố để mọi người nghỉ ngơi./.

29 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


Kết nối toàn cầu

Donald Trump & Dự đoán chính sách Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với chiến thắng bất ngờ của Donald Trump, cương vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã rơi vào nhà tỉ phú của nước này trước sự bất ngờ của nhiều cử tri trong nước và các cư dân quốc tế. Thay đổi, tất nhiên, là một yếu tố đặc thù diễn tả nước Mỹ sau mỗi lần xuất hiện chủ nhân Nhà Trắng mới. Sự thay đổi đó có thể là về các chính sách kinh tế,chính trị và cả quốc phòng; quá trình ấy không chỉ tác động đến nước Mỹ mà mặt nào đó nó sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Dự đoán về những biến đổi về chính sách khả dĩ xảy ra dưới thời Trump càng trở nên thiết thực hơn bao giờ hết: bãi bỏ chính sách y tế của ông Obama– ObamaCare; dự kiến trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp cũng như các biện pháp trừng phạt; cắt hàng nghìn tỉ USD thuế; mở rộng quân đội; “kế hoạch 100 ngày” khôi phục sự thinh vượng cho nền kinh tế, an ninh cho cộng đồng và sự trung thực của chính phủ, đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại; xây dựng tường biên giới Mexico với ý tưởng bắt họ phải trả chi phí nguy cơ gây sự tranh chấp giữa hai nước này… Còn có nhiều dự định khác, nhiều sự thay đổi khác mà ta không dự liệu hết được. Dưới thời Trump đương nhiệm, kết quả của những sự thay đổi đó, tốt hay xấu, là lợi ích hay hậu quả, thời gian sẽ trả lời tất cả…

Vụ kiện Philippines - Trung Quốc & Phán quyết của PCA Vào ngày 12/7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration "PCA") ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Một trong các nội dung của phán quyết là bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Phán quyết đã đề cập đầy đủ 7 nội dung mà Tòa Trọng tài đã lựa chọn thuộc thẩm quyền xét xử của mình trong số 15 điểm của đơn khởi kiện. Nội dung Phán quyết của Tòa chỉ tập trung phán xét về việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển, không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về việc phân định các vùng chồng lấn. Hình thành không nhằm có lợi cho riêng một quốc gia nào, không lợi dụng phục vụ cho động cơ chính trị nhằm thỏa mãn cảm xúc thắng thua, cắn xé lẫn nhau trong cuộc cạnh tranh quyền lực đang diễn ra khốc liệt trên phạm vi khu vực và thế giới, phán quyết ẩn chứa trong bản thân nó giá trị của luật pháp, công lý - một công cụ hữu ích để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển vì sự sống còn của nhân loại./.

Practice Makes Perfect | 30


Câu lạc bộ Nghiên cứu & Tư vấn Pháp luật (LRAC) là câu lạc bộ học thuật trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoa Luật Kinh tế, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu: LRAC nỗ lực xây dựng một môi trường hoạt động với ba không gian nền tảng: Nghiên cứu - Thực hành - Phản biện thông qua các hoạt động chủ đạo phù hợp với năng lực sinh viên. Sứ mệnh: Tạo động lực thúc đẩy sinh viên phát triển các kĩ năng cần thiết cho việc nghiên cứu và tư vấn pháp luật thông qua việc kiến tạo một môi trường thực hành hiệu quả và chuyên nghiệp, mà ở đó sinh viên không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể duy trì và phát triển những động lực mạnh mẽ đó. Liên hệ: Website: http://www.lracuel.org/ Fanpage: http://www.fplracuel.facebook.com/ Email: lracuel@gmail.com

31 | Sinh viên & Pháp luật (số 01)


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.