I. Mở đầu Môn học lịch sử kiến trúc phương Tây nghiên cứu sự phát triển và lịch sử của nền kiến trúc phương tây dưới sự tác động có tính quyết định của các nhân tố tự nhiên như hoàn cảnh địa lý, khí hậu, địa hình, địa chất, vật liệu xây dựng,… và hoàn cảnh xã hội như lịch sử, chế độ chính trị, tôn giáo,… từ thời kỳ tiền sử đến đương đại. Nhìn chung, nhiệm vụ của lịch sử kiến trúc là phải xây dựng được mối quan hệ giữa ý nghĩa biểu cảm vô hình của công trình kiến trúc ( ngữ nghĩa, chức năng, biểu tượng, …) với sự thể hiện hữu hình của các đối tượng kiến trúc ( kích thước, vật liệu, …) và đặt vào trong một nghiên cứu tổng thể của thời điểm lịch sử. Vào TK XIX, kiến trúc Cổ điển được nhìn nhận từ góc độ hình thức. Thời kì này cũng chứng kiến sự xuất hiện các kiến trúc sư riêng lẻ, sự pha trộn các luồng tư tưởng mà sau này sẽ trở thành chủ đề cho các phong trào nghệ thuật. Từ cuối TK XIX, đầu TK XX, trào lưu kiến trúc Hiện đại xuất phát ở châu Âu và đã nhanh chóng phổ biến. Khi các kiến trúc sư cảm thấy trào lưu kiến trúc Cổ điển không còn đủ sức sống, vay mượn và lệ thuộc quá nhiều vào những gì có trong quá khứ, không phản ánh trung thực lại bối cảnh của thời đại công nghiệp. Kiến trúc cổ điển còn trở thành vật cản, trói buộc con người với quá khứ hoặc đánh lừa thị hiếu kiến trúc bằng những yếu tố trang trí diêm dúa và vô nghĩa. Vào thập kỉ 20 của thế kỉ 20, những gương mặt chính của kiến trúc Hiện đại đã xác định được danh tiếng cũng như vị trí của họ. Ở châu Âu, ba khuôn mặt nổi tiếng nhất là Ludwig Mies van der Rohe, Walter Gropius ở Đức và Le Corbusier ở Pháp.
Le Corbusier (6/10/1887 – 27/8/1965) là kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Thụy Sĩ, là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của trào lưu kiến trúc hiện đại của TK XX. Ông còn là nhà thiết kế đồ nội thất, quy hoạch đô thị, họa sĩ, nhà văn và thậm chí là chính trị gia lỗi lạc. Hứng thú trong nghiên cứu về cấu trúc hình học của các đối tượng cũng như việc ứng dụng kĩ thuật vào nghệ thuật. II. Le Corbusier – Biểu tượng của chủ nghĩa hiện đại Vào đầu TK XXI, trào lưu kiến trúc hiện đại dần trở nên phức tạp. Trào lưu kiến trúc hiện đại không được quan niệm như là một phong cách kiến trúc mà đúng hơn là một bộ sưu tập các ý tưởng có đặc điểm tương đồng về sự đơn giản trong bố cục hình khối không gian, tổ chức mặt bằng tự do phi đối xứng, hoặc mặt đứng loại bỏ việc sử dụng các họa tiết trang trí phức tạp tinh xảo, … Hiện tại, phần lớn những tòa nhà, những đồ nội thất, thiết kế đồ họa bao quanh chúng ta đều chịu ảnh hưởng của tính thẩm mỹ và hệ tư tưởng của thiết kế hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại là một thuật ngữ chỉ chung các trường phái : - Loại bỏ được cái bóng của quá khứ - Loại bỏ các họa tiết trang trí của trường phái cổ điển - Trừu tượng
Đối với Le Corbusier, những công trình đầu tiên do ông thiết kế từ thời xưa đã sử dụng tài tình những ngôn ngữ của kiến trúc bản địa vùng núi Alps. Các công trình này dần dần đã thể hiện bước tiến trong tư duy về không gian kiến trúc, với việc đơn giản hóa hình khối trong kiến trúc.
(Villa Fallet Switzerland, Le Corbusier - 1906) Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Le Corbusier giảng dạy tại trường học cũ của ông tại La-Chaux-de-Fonds. Thời kì này, ông tiến hành các nghiên cứu về lý thuyết kiến trúc với kỹ thuật hiện đại. Một trong số đó là hệ thống nhà Dom-ino trong giai đoạn 1914-1915 với hy vọng đáp ứng cho việc xây dựng công nghiệp sau chiến tranh. Đồ án này đề xuất một hệ thống sàn bê tông lắp ghép với các cột xung quanh, với các nút giao thông đứng được bố trí bên cạnh. Đây là một hệ thống không gian mở và linh hoạt. Đồ án này trở thành nền tảng cho hầu hết các công trình của ông trong vòng 10 năm sau đó.
(Maison Dom-ino, Le Corbusier, 1915)
Năm 1948, Le Corbusier giới thiệu Hệ Modulor, đây là một hệ tỉ lệ trong kiến trúc được ứng dụng lần đầu tiên trong Đơn vị ở lớn Marseille. Hệ tỉ lệ này, được xây dựng trên tỉ lệ vàng truyền thống của kiến trúc châu Âu cổ đại, được Le Corbusier kết hợp với các số đo của nhân trắc học con người, nhằm mục đích phù hợp với các thiết kế kiến trúc cũng như đạt được vẻ đẹp hài hòa với tự nhiên.
Theo Le Corbusier : “ Tự nhiên là toán học, tất cả các tuyệt tác của nghệ thuật đều hài hòa với tự nhiên, những tác phẩm đó thể hiện những quy luật của tự nhiên và phục vụ những quy luật đó “. Ngoài việc xây dựng một nền kiến trúc mới chống lại phái hàn lâm kinh viện (trào lưu tân cổ điển). Le Corbusier đã coi quy hoạch đô thị là một công việc có tầm quan trọng chiến lược, sống còn đối với văn minh nhân loại. Ông coi “ quy hoạch đô thị là chìa khóa “ để giải quyết mọi vấn đề kiến trúc xây dựng. Le
Corbusier là tác giả của các phương án thành phố ba triệu dân, phương án cải tạo trung tâm Paris và nhiều phương án quy hoạch các đô thị nhiều nước trên thế giới.
(Le Corbusier’s Plan Voisin for Paris, 1925) Le Corbusier so sánh thành phố mà ông quy hoạch như một thực thể sinh học để phân chia thành từng khu vực theo chủ ý của ông: Đầu là Capitol (các công trình đứng đầu Nhà nước), tim là khu trung tâm TP, chi là các khu làm việc của các trụ sở hành chính và các trường học, bên cạnh đó còn có những công viên
nằm trải dài qua mỗi khu vực để tạo cho từng người dân đô thị có cơ hội ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh của đồi núi và bầu trời. Le Corbusier phân biệt bốn chức năng cơ bản của một thành phố: chức năng ở, làm việc, lưu thông và giữ gìn vật thể, cải thiện tinh thần của con người. Mỗi một phân khu được quy hoạch chi tiết gồm các cửa hàng, hạ tầng kỹ thuật và nơi thờ phụng. "Yếu tố lưu thông" được Le Corbusier coi trọng nhất. Bằng việc tạo ra hệ thống lưu thông cấp bậc, Le Corbusier đã tìm ra giải pháp giao thông tiện lợi nhất cho mọi địa điểm của TP đồng thời cũng rất thanh bình và an toàn. Biệt thự Savoye – Công trình có công năng sử dụng hoàn hảo Đó là công trình tiêu biểu của Le Corbusier là nằm ở thành phố Poissy, một thành phố vệ tinh cách Paris khoảng 30km về phía Tây Bắc.
(Villa Savoye, France, Le Corbusier, 1931) Được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1928 đến năm 1931, biệt thự này có chức năng ban đầu là nhà nghỉ cuối tuần của gia đình Savoye. Không giống như hầu hết những ngôi biệt thự được thiết kế trước đó bởi Le Corbusier, vốn nằm
trong các bối cảnh đô thị phức tạp, bịệt thự Savoye toạ lạc trong một khuôn viên rộng và thoáng, với vô số các loại cây và thảm cỏ xanh rì. Điều này chính là tiền đề để Le Corbusier thiết kế một công trình thể hiện được hoàn toàn năm quan điểm thẩm mỹ kiến trúc : - Nhà nhiều cột, giải phóng không gian tầng một - Mặt đứng tự do - Cửa sổ băng ngang - Mặt bằng tự do - Vườn trên mái, sân thượng
III. Năm nguyên tắc thiết kế kiến trúc của Le Corbusier 1. Nhà nhiều cột, giải phóng không gian tầng một ( Pilotis ) Pilotis, là hệ thống cột, trụ chịu lực nhằm nâng đỡ phần nhà trên mặt đất, hay trên mặt nước. Theo truyển thống, chúng có bản chất như các cột, trụ ở các nhà sàn, các căn nhà ở rìa nước, hay các căn nhà truyền thống ở vùng cao thuộc tiểu bang Queensland ( Úc ), … Vật liệu sử dụng cho các cột, trụ này có thể là bê tông, gỗ, thép, …
( Phong cách kiến trúc bản địa vùng Queensland, Úc ) Trong kiến trúc hiện đại, Pilotis giúp giải phóng không gian tầng trệt, bao gồm các cột, trụ chịu lực được sắp xếp theo mô hình lưới cột. Hệ cột này tách khối lượng kiến trúc lên trên khỏi mặt đất, làm rõ kết cấu của chúng và tạo không gian lưu thông dưới công trình. Các cột này kết nối công trình với mặt đất bằng việc sử dụng không gian được giải phóng cho đỗ xe, làm vườn và đi lại bên dưới, … Bằng cách này kiến trúc của công trình trở nên nhẹ nhàng, sống động hơn. (Chung cư Cité Radieuse Marseille, Pháp, Le Corbusier, 1947 -1952)
( phòng tập trên sân thượng chung cư Cité Radieuse – 1953 ) Ngay cả khối nhà trên sân thượng cũng xuất hiện hình thức Pilotis. Không gian này được sử dụng cho bể bơi trẻ em, đi lại, các hoạt động công cộng, … Các cột bê tông mảnh này giúp không gian trở nên thông thoáng hơn, tạo sự đặc – rỗng cho thẩm mỹ kiến trúc. Đồng thời, đối với không gian công cộng này thì con người còn có thể tự do thay đổi các hoạt động sử dụng ở đây. KTS Le Corbusier là người tiên phong cho hệ Pilotis hiện đại. Ông đã sử dụng được cả hai chức năng cho hệ cột như là các cột đỡ ở tầng trệt, và về mặt triết học chúng như là công cụ để giải phóng không gian thay cho sự cứng nhắc trong cách tổ chức mặt bằng truyền thống. Lúc này, công trình kiến trúc mới thật sự được sử dụng hiệu quả như trong tuyên ngôn năm 1927 ( Toward An Architecture ) bởi Le Corbusier : “ A house is a machine for living in “
(Villa Savoye, France, Le Corbusier, 1931) Hệ Pilotis điển hình sử dụng nhiều nhất ở biệt thự Savoye, nơi mà khối lượng kiến trúc được đưa lên trên, cho phép lưu thông không gian bên dưới. Tạo sự nhẹ nhàng cho vẻ ngoài của công trình và khiến chúng thật nổi bật trên cảnh quan. Hệ Pilotis một mặt để nâng đỡ các sàn tầng, một mặt để thay thế các tường ngăn. Việc này giúp tổ chức nội thất trong không gian trở nên tự do, linh hoạt hơn.
Như vậy, KTS Le Corbusier đã sử dụng nhiều loại Pilotis trong các thiết kế của mình. Từ những cây cột thanh mảnh cho đến các hình thức Brutalist ( một phong cách kiến trúc với vẻ ngoài đồ sộ, nguyên khối, cứng nhắc, … )
2. Mặt đứng tự do ( Free Facade ) và Mặt bằng tự do ( Free Plan ) “ Free facade “ và “ Free plan “ là những thứ mà Le Corbusier tập trung nghiên cứu vào đầu thế kỉ 20. Là người tiên phong của chủ nghĩa hiện đại, ông muốn phá vỡ các quy ước cũ và mang đến cái mới. Đối với ông sự tự do không phải là đối tượng ông hướng tới, mà phá vỡ các thành phần của đối tượng thiết kế mới là ý tưởng chính. Lúc này, ông muốn các thành phần của công trình được tồn tại độc lập và mối liên hệ giữa chúng sẽ trở nên tự do. Giải thích cho việc này là thành quả nghiên cứu của ông trong nhà Dom-ino.
Cùng với thời đại công nghiệp hóa, hệ thống cột và sàn bê tông cốt thép được đưa vào sử dụng. Điều này giúp cột và sàn trở nên thanh mảnh hơn, giảm tải trọng đáng kể cho công trình. Giải pháp là cột sẽ được lùi nhẹ vào bên trong, mặt tiền không còn bị hạn chế bởi các yếu tố tác động khác. Người thiết kế có thể tự do sáng tạo tường chắn, khung cửa, … bằng mọi vật liệu và hình dạng bất kỳ bởi chúng không còn bị phụ thuộc vào việc chịu tải cho các sàn tầng trên, …
( Pavillon Le Corbusier, 1967 ) Mặt đứng sử dụng các khung thép, cửa kính và các tấm tráng men với nhiều màu sắc được sắp xếp tự do và có nhịp điệu rõ ràng.
( Tu viện La Tourette, Le Corbusier, Pháp, 1960 ) Lam chắn nắng được thiết kế đa dạng với cái kiểu lam dọc, lam ô vuông tạo ra các khoảng rỗng khác nhau. Giải pháp mặt đứng này gây ra hiệu ứng bóng đổ đặc biệt cho hành lang trong công trình.
( Sketch of “ the free plant “ Le Corbusier, 1926 )
Trong kiến trúc, mặt bằng tự do (Free plan) là một không gian mở (Open floor plan) với các bức tường độc lập không chịu lực ngăn chia không gian bên trong công trình. Trong hệ thống kết cấu này, kết cấu tòa nhà tách biệt với các phân vùng bên trong. Điều này được thực hiện bằng cách thay thế các bức tường chịu tải bên trong bằng việc di chuyển kết cấu chịu tải ra bên ngoài, hay các cột chịu lực chính là thành phần để phân chia không gian. Free plan trong kiến trúc hiện đại đề cập đến khả năng có một mặt bằng tầng với tường và sàn không chịu tải bằng cách sử dụng khung xương chịu lực như là hệ thống kết cấu giữ trọng lượng cho công trình. Lúc này, công trình chỉ mang các cột hay khung xương, các trần tương ứng. Mặt bằng tự do cho phép tạo ra các công trình mà không bị giới hạn bởi vị trí của các bức tường chịu tải và giúp kiến trúc sư có thể tự do thiết kế cả trong lẫn ngoài công trình.
( Mặt bằng các tầng biệt thự Savoye ) Nội thất trong công trình không bị giới hạn cách sắp xếp bởi các tường chịu tải, có thể thay đổi linh hoạt theo nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, Le Corbusier còn nghiên cứu một hệ thống cầu thang kết nối các tầng với nhau và cũng là để phân chia các tầng. Hệ thang này được tổ chức theo chiều thẳng đứng xuyên suốt công trình từ tầng trệt cho đến tầng mái. Tổ chức hệ thang theo trục cũng là một cách để tiết kiệm không gian. Trên thực tế, nhiều nhân vật quan trọng của phong trào hiện đại cũng đã nảy ra ý tưởng “Open plan“ ( Frank Lloyd Wright ) hay “tính liên tục của không gian” ( Mies van der Rohe ). Cho rằng kiến trúc ở mức tốt nhất của nó không phải ngăn chia hoàn toàn không gian với nhau, mà là cho phép không gian chảy suốt giữa chúng một cách trừu tượng.
3. Cửa sổ băng ngang ( Ribbon Window ) Cửa sổ băng ngang là kết quả của giải pháp mặt bằng tiền tự do và mặt bằng từ do. Nó như là tuyên ngôn của Le Corbusier hướng tới kiến trúc mới, loại bỏ hình thức mặt đứng kiến trúc cổ hủ và ràng buộc.
( Hình thức cửa sổ Villa Savoye ) Sau khi mặt tiền được giải phóng bằng hệ cột chịu tải và không gian bên trong không còn bị ngăn chia quá nhiều bởi các tường ngăn. Lúc này cửa sổ băng ngang được bố trí dễ dàng, mang một lượng ánh sáng tự nhiên đáng kể vào trong công trình và phân bố đều lên các bề mặt nội thất. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng mang đến khung nhìn tối ưu ra bên ngoài. Từ bên ngoài cũng có thể nhìn thấy không gian nội thất bên trong.
( phòng khách villa savoye )
Hình thức cửa sổ này cũng đem tới lượng nhiệt đáng kể cho công trình. Và cũng có thể là nguyên do mà người thiết kế không mở cửa sổ lớn mà chỉ là một dải cửa sổ hẹp băng ngang. Nhưng với sự tính toán tài tình về tỉ lệ đặc rỗng, KTS Le Corbusier đã đem tới hiệu quả thẩm mỹ kiến trúc cao cho các công trình của ông.
( Tu viện La Tourette - Pháp và Weissenhof-Siedlung Houses – Đức ) 4. Vườn trên mái, sân thượng ( Roof Terrace )
( sân thượng chung cư Cité Radieuse ) Vườn trên mái hay sân thượng là một phương tiện mang thiên nhiên, hoạt động sống lên trên công trình.
Khi nhắc đến không gian sống trên mái, chúng ta thường nghĩ tới những khu vườn treo nổi tiếng Babylon.
( The hanging garden of Babylon ) Nhưng thực sự khu vườn treo này không đại diện cho phong cách đi trước. Để tìm ra nơi thật sự đã sinh ra chúng thì chúng ta cần quan sát kỹ hơn vào những mái nhà cỏ ( sod roof – loại mái nhà được phủ bằng cỏ khô ở Scandinavia )
( Scandinavia house )
Vào thời tiền sử, mái nhà cỏ được sử dụng trên những ngôi nhà trú ẩn giống như gò đất đơn giản, bắt trước các hang động tự nhiên. Sau đó chúng được sử dụng qua nhiều thế kỉ để điều tiết mùa đông lạnh và đôi khi là mùa hè rất nóng. Một trong những nhà thiết kế quan trọng nhất của phong trào mái nhà xanh trong kiến trúc hiện đại là KTS Le Corbusier. Không chỉ nằm trong năm quan điểm kiến trúc của ông mà vườn trên mái còn là một chủ đề không gian hoàn toàn mới khám phá mối quan hệ giữa kiến trúc và thiên nhiên.
( Tu viện La Tourette, Le Corbusier, Pháp, 1960 )
KTS Le Corbusier được lấy cảm hứng từ tàu hơi nước, kiến trúc thượng tầng được nâng lên cao so với mặt đất nhằm có cái nhìn thông thoáng hơn ở bề mặt tầng trệt. Cũng như cách Le Corbusier mở mái tòa nhà qua những góc nhìn này, đồng thời tạo ra một môi trường có thể lưu thông trên đó. Hầu hết các thiết kế của ông đều là mái bằng nên hệ thống chống thấm và thoát nước đã được bổ sung vào đó. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên sau khi xây dựng, Villa Savoye đã bắt đầu rò rỉ và bên trong công trình luôn ẩm ướt, lạnh lẽo.
( Vườn trên mái Villa Savoye ) Le Corbusier sử dụng mái bằng để chứa sân vườn. Do đó thiên nhiên được sử dụng hiệu quả mà không tác động đến kết cấu của công trình. Vườn trên mái là giải pháp hiệu quả cho các công trình nằm trong khu đô thị có mật độ lớn, không gian công cộng, công viên, cây xanh bị hạn chế. Thay vào đó con người có thể tận hưởng thiên nhiên ngay trong chính căn nhà của mình.
( các khoảng đồi bê tông cho trẻ em vui chơi trên sân thượng )
( tự do tổ chức các hoạt động ngoài trời sân thượng chung cư Cité Radieuse)
IV.
Kết luận
Như vậy, môn học Lịch sử kiến trúc phương Tây là môn học lý thuyết giúp em hiểu biết rõ hơn về các hình thức kiến trúc từ khi loài người mới xuất hiện trên trái đất, các phương thức xây dựng, giải pháp kiến trúc cổ xưa. Thực ra ở trên tất cả các lĩnh vực, các phát minh, ý tưởng mới luôn tôn trọng, phát huy những thành tựu cũ. Kiến trúc cũng vậy, những nền kiến trúc tiên tiến trên thế giới đều kế thừa những bản sắc kiến trúc vốn có để phù hợp nhất với điều kiện thiên nhiên, con người từ ngàn xưa hay chính từ kiến trúc bản địa ở địa phương đó. Do đó mà ta hãy học, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu kiến trúc của người đi trước theo cách phù hợp nhất cho thiết kế của chúng ta sau này. Chẳng hạn như việc sử dụng lam chắn nắng hay vườn trên mái điển hình trong các thiết kế của KTS Le Corbusier. Các giải pháp này rất phù hợp và phổ biến cho kiến trúc nhiệt đới ở đất nước ta. Hay xa hơn nữa, nếu có cơ hội làm việc ở nước ngoài thì vận dụng lịch sử kiến trúc ở địa phương đó là rất hữu ích cho các thiết kế, bởi chúng ta không thể tùy tiện vận dụng các giải pháp thiết kế cho các vùng khác nhau về đặc điểm khí hậu, địa hình, con người, … Thật sự, thông qua tìm hiểu các thiết kế của KTS Le Corbusier đã khiến em nhận thức rõ ràng hơn về nguồn gốc các giải pháp kiến trúc để phù hợp với điều kiện tự nhiên, làm cho công trình kiến trúc được sử dụng tối ưu các chức năng của chúng. Và lúc này, công trình kiến trúc mới thật sự là công cụ phục vụ con người, cảnh quan tự nhiên, … như trong Toward An Architecture bởi Le Corbusier :
“ A house is a machine for living in “
Tài liệu tham khảo : https://www.facebook.com/KienTrucSuNoiTiengTheGioi/posts/71477602524 3069:0 https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kts-le-corbusier-can-nhanho-giac-mo-lon.html https://baoxaydung.com.vn/le-corbusier-kien-truc-su-cua-moi-thoi-dai193926.html http://bmktcn.com/index.php?option=com_content&task=view&id=8351&Ite mid=153 https://ltlskt-dhxd.com/2018/09/27/su-phan-bo-co-the-con-nguoi-trong-kientruc-truong-hop-modulor-cua-le-corbusier/ https://www.elledecoration.vn/trends/le-corbusier https://blog.urbanscape-architecture.com/green-roofs-are-changing-the-waywe-design-buildings-an-architectural-overview https://www.treehugger.com/lessons-le-corbusier-sustainable-design-4856879 https://daanico.wordpress.com/2013/12/23/5-points-of-modern-architecture/ https://www.archdaily.com https://vi.wikipedia.org Toward An Architecture – Le Corbusier Và nhiều nguồn tài liệu hình ảnh khác , …