3 minute read
Đọc sách và niềm vui
HươNG MAi
Có người cho rằng, đọc sách là một thú vui sống chậm tao nhã trong thời buổi công nghệ phát triển, thông tin tràn ngập từng phút, giây. Đối với tôi, đọc sách trong khung cảnh thi vị giúp tôi có cảm giác như mình đang sống trong một cuốn tiểu thuyết hoặc trong một bộ phim hay.
Advertisement
Tôi thường chọn một cuốn sách với nội dung mình ưa thích, chọn một chỗ ngồi đủ sáng là đã có thể phiêu du cùng cuốn sách. Sách đối với tôi là một thói quen giải trí ưa thích nhất, tôi khó mà bỏ được.
Tôi cũng không biết chính xác niềm yêu thích với sách trong tôi được hình thành tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi còn rất nhỏ, tôi đã bắt đầu quan sát và được khơi nguồn cảm hứng đọc sách từ ba và ông ngoại tôi. Thuở đi học mẫu giáo, ở trong nhà, vật dụng đồ sộ nhất trong gia đình tôi là tủ sách của ba; tôi thường lén ba mở tủ để lôi những cuốn sách xuống, say mê xem những hình vẽ kỳ lạ bên trong và tự vẽ nên những thứ mà tự tôi nghĩ ra. Khi tôi bắt đầu vào lớp 1, tập ráp chữ, “kho báu” của ba tôi lại trở thành những cuốn tập đọc, ráp vần. Khi đã ráp được chữ, đọc được vần, tôi lại được mẹ – vốn là giáo viên dạy văn rèn thêm về ngôn ngữ, định hướng cho tôi đọc nhiều cuốn sách văn học, khơi niềm đam mê đọc trong tôi.
Niềm đam mê đọc sách theo năm tháng lớn dần trong tôi. Khi hình thành nhu cầu tiếp nhận kiến thức trong từng trang sách thì thể loại sách tôi đọc đa dạng hơn, phù hợp với lứa tuổi và độ tiếp thu của tôi. Về sau này, tôi vẫn đọc thiên về thể loại văn học, văn hoá - xã hội, lịch sử. Khi tủ sách của ông ngoại và ba không còn nhiều sách mới, tôi đọc đi đọc lại đến nhàu nhiều cuốn. Thư viện của trường tiểu học thôn quê nhỏ bé nơi tôi học vốn chỉ có dăm cuốn sách thiếu nhi, một vài cuốn sách khác nên tôi cũng không còn để mượn.
Đam mê đọc sách đã dẫn dắt tôi đến một sở thích khác, đó là du lịch. So với việc đi đến một địa danh cụ thể, qua các con chữ với trình độ miêu tả của các bậc thầy, cùng với sự hiểu biết về giá trị văn hoá lịch sử rất sâu của người viết, rõ ràng “du lịch qua trang sách” chúng ta có cảm xúc hơn nhiều. Tình yêu của tôi với vùng rừng núi Tây Bắc cũng xuất phát từ những trang sách mà ra. Có lần trên đường đi lên Y Tý (Lào Cai), tôi nhớ cảm giác phấn khích khi có dịp được cảm nhận thực tế, so sánh với những gì đã đọc được trong bài “Mùa thảo quả” của nhà văn Ma Văn Kháng. Đi bộ trên con đường xuyên qua rừng, dưới cơn mưa phùn, tôi cứ hít thật sâu không khí lành lạnh của núi rừng và để trí tưởng tượng bay bổng theo những câu văn tuyệt đẹp của ông: “Gió Tây lướt thướt bay qua rừng, quyến hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chin San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rừng thảo quả về, hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn”... Thật sự, đọc sách, tôi được vun bồi những cảm xúc tốt đẹp cho bản thân, làm giàu tri thức và làm giàu chính đời sống tinh thần của mỗi người trong cuộc sống này.
Tôi vẫn giữ thói quen đến nhà sách, ít nhất một lần trong tháng để xem và mua những cuốn sách mới của tác giả mình yêu thích. Tôi cũng có thói quen tìm mua lại những quyển sách mà tôi đã làm thất lạc, hay những tác phẩm văn học có giá trị. Nhìn số sách mà tôi đang có, tôi có cảm tưởng như chính tôi đang ghép lại hình ảnh, bầu trời tuổi thơ của mình, dần thực hiện ước mơ sở hữu tủ sách của riêng tôi, như tủ sách mà ba và ông ngoại tôi đã có.