4 minute read
BIC lần đầu vào Câu lạc bộ 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
BIc lần đầu Vào câu lạc Bộ
500 tỷ ĐồNg lợI NhuậN trước thuế
Advertisement
MạnH Hải Lễ phát động kinh doanh năm 2022 của BIC Năm 2021, lần đầu tiên tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIC vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng trưởng 33,8% so với 2020, hoàn thành 172% kế hoạch năm. Đặc biệt, năm 2021, BIC tiếp tục có lãi cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2022. Báo cáo trước Hội nghị về kết quả kinh doanh năm 2021, ông Trần Hoài An - Tổng Giám đốc BIC - cho biết: Năm qua, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với nỗ lực của toàn hệ thống và những giải pháp hiệu quả, BIC đã có một năm kinh doanh thành công, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch.
Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ đạt 2.885 tỷ đồng, tăng trưởng 12,6% so với năm trước, hoàn thành 102% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.716 tỷ đồng, tăng trưởng 13,4% so với năm 2020, hoàn thành 103% kế hoạch năm. Kiên định với định hướng phát triển bền vững, các chỉ tiêu hiệu quả năm 2021 của BIC cũng tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2021 lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng trưởng 33,8% so với năm trước, hoàn thành 172% kế hoạch năm. Đặc biệt, năm 2021, BIC tiếp tục có lãi cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt, năm 2021, BIC cũng ghi dấu ấn ở các mặt hoạt động khác như: được A.M. Best tái khẳng định xếp hạng tín nhiệm B++; được vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín như: Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Top 100 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam… Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên thương hiệu BIC được Forbes Việt Nam định giá ở mức 10 triệu USD, đứng thứ 3 tại thị trường bảo hiểm Việt Nam (bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ).
Năm 2022, song song với việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu hiệu quả hoạt động, BIC sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm. Theo đó, BIC sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: kiện toàn cơ cấu tổ chức phù hợp hơn với thực tế và định hướng kinh doanh; đầu tư phát triển các sản phẩm, kênh phân phối bán lẻ; nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng; mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các địa bàn trọng điểm… Đặc biệt, với định hướng Chủ tịch HĐQT BIDV đặt ra cho hoạt động của BIC “Đổi mới, Sáng tạo, Phát triển bền vững”, BIC sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện nhằm tạo sự bứt phá cho hoạt động kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV - đánh giá cao những thành tựu mà BIC đã đạt được trong năm 2021. Ông Phan Đức Tú nhấn mạnh: Hoạt động bảo hiểm của BIC là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái BIDV, là hoạt động của BIDV và làm giàu thêm hệ sinh thái BIDV. BIC cần xây dựng chiến lược phát triển tới năm 2025 với tâm thế, tư duy mới cùng khát vọng thay đổi mạnh mẽ hơn; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm sóc, phục vụ khách hàng, đẩy mạnh số hóa toàn diện; xây dựng, khẳng định thương hiệu, hình ảnh, vị thế trong ngành bảo hiểm, thị trường chung, trong hệ thống BIDV cũng như tại từng địa phương,...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú, ông Trần Xuân Hoàng - Ủy viên HĐQT BIDV, Chủ tịch HĐQT BIC - khẳng định: Tập thể BIC sẽ tiếp tục nỗ lực giữ vững vị thế là một trong những trụ cột kinh doanh chính của hệ thống BIDV, phấn đấu lọt vào Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần, tiếp tục đứng trong Top 3 nhà bảo hiểm đứng đầu về tỷ suất sinh lời vào năm 2025. Đối với kế hoạch năm 2022, BIC sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu hiệu quả và phát triển bền vững; tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí kinh doanh, xây dựng đề án quản trị chi phí hiệu quả; phục vụ tốt hơn các khách hàng của BIDV; đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; rà soát cơ chế thu nhập, tạo động lực mạnh hơn nữa cho cán bộ để phát triển hoạt động kinh doanh.