DUNG KEIL
Cuộc sống có gì
24 tuổi?
năm bạn
fb/ gocnhocuacay
CAN ĐẢM THÌ KHÔNG CÓ NHIỀU
Năm 20 tuổi, bạn được lựa chọn là một trong ba đại biểu của Việt Nam sang Hàn Quốc tham dự Đại nghị về vấn đề Nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Người ta tài trợ tiền vé máy bay và toàn bộ chi phí ăn ở. Nhưng phải đề xuất mới được. Ban đầu bạn đầu biết. Cuốn sổ tiết kiệm vỏn vẹn 10 triệu đồng trong đó có 1 triệu đồng là vốn góp của nhỏ em là tất cả những gì bạn có khi ấy. Bạn rút ra. Chị giao dịch viên còn hỏi lại, em thực sự muốn rút hết tiền ra? 10 triệu là một con số nhỏ. Nhưng với một đứa sinh viên như bạn, đó lại là con số lớn. Cắn nhẹ môi, đáng không. Cũng chẳng cần câu trả lời. Chỉ chờ người ta thông báo đậu visa là đặt vé máy bay. Mệt nhọc trong nhiều năm trời mới gom đủ tiền cho một cuốn sổ. Nhưng có thể chờ đợi cả đời cũng không có được cơ hội Bộ Môi trường Hàn Quốc mời tham gia sự kiện như thế này. Can đảm được dốc sạch. Nửa háo hức nửa lo âu. Nhưng nhất quyết không thay đổi ý định. Vào phút cuối, hòm mail của bạn nhận được vé máy bay khứ hồi mà Ban Tổ Chức đã tài trợ. Năm 21 tuổi, bạn dẫn đứa em gái nhỏ đi du lịch Sài Gòn, qua Campuchia rồi quay về Nha Trang. Con số hai lăm triệu đồng chênh vênh như một thách thức. Đủ không. Bạn cứ đi. Mua tấm vé xe bus qua Phnom Penh cho hai chị em. Chuyến xe lắc lư trên đoạn đường xấu. Cứ tưởng tượng như mình đang ngồi trên ít nhất năm bài từng viết cho báo. Bán chừng đó câu chữ mới được một chút phiêu lưu như thế này. Qua tới Siem Riep cũng không dám ở khách sạn hạng sang. Hai đứa ở một nhà nghỉ hạng xoàng nhưng an toàn, nằm gần chợ và khá ồn ào. Sáng sớm có đi Angkor Wat. Tốn không ít tiền. Lúc về đến Sài Gòn đón tàu đi
Nha Trang, bạn không dám nhẩm tính trong đầu số tiền còn lại có đủ cho ba ngày ở Nha Trang hay không. Ngồi ở sân bay Cam Ranh chờ máy bay về Hà Nội, bạn chỉ có thể mua cho đứa em một chai nước nhỏ. Không còn xu nào. Thực sự rỗng túi. Bạn cười. Sẽ lại đi làm và kiếm lại. Sao đâu. Can đảm luôn là điều bạn tự hào nhất ở bản thân mình. Năm 22 tuổi, bạn chính thức đi làm. Tài khoản ngân hàng có thêm một khoản tiền đều đặn mỗi tháng. Bạn nghĩ về những điều to lớn. Mua một căn nhà. Hẳn phải trả góp. Rồi mua chiếc xe. Chẳng ai muốn chịu ướt những ngày trời đổ mưa ào ào. Bạn cũng muốn đi châu Âu. Rất nhiều người đã tới đó. Quầy check-in ở sân bay cho những chuyến bay tới châu Âu luôn rất đông người. Không ít người trong số đó không phải là tỷ phú. Họ tới nhiều nước châu Âu chỉ với số tiền chưa tới trăm triệu. Bạn dè xẻn từng đồng. Lúc có thể tới châu Âu, bạn nghĩ, chắc để lúc khác. Đến tận bây giờ, ngoài trừ những ngày học tại Ireland, bạn vẫn chưa quay lại châu Âu thêm một lần nào nữa. Sẽ thế nào nếu bạn trở về và đột nhiên bị sa thải? Sẽ thế nào nếu bạn bất ngờ cần dùng đến khoản tiền đó cho một việc khác? Bạn thích đi châu Âu.
Trong đầu giờ có nhiều thứ để bận tâm hơn là một chữ “thích”. Tiền không nhiều, nhưng không phải không có. Can đảm không ít, nhưng đã không thể can đảm như trước nữa rồi.
LÀM AI ĐÓ THẤT VỌNG
Công ty nhận một dự án mới từ khách hàng. Một dòng điện thoại mới sắp được tung ra thị trường. Những ngôn từ khoa mỹ từ bên khách hàng chuyển qua dễ khiến người ta tin rằng đó là chiếc điện thoại thần kỳ nhất của thế giới. Chiếc điện thoại duy nhất có thể hoạt động như một chiếc máy vi tính. Sếp nói nhiệm vụ của mình đơn giản lắm. Chẳng cần biết sản phẩm của khách hàng đưa ra có tốt như họ kỳ vọng hay không. Nhưng nhiệm vụ của mình là truyền thông và quảng bá cho sản phẩm của họ một cách tuyệt vời như họ kỳ vọng. Đầu tiên là kiếm người làm thiết kế 3D. Bạn được sếp giao việc này. Trước giờ bạn chỉ làm việc ở mảng Nội dung, cùng lắm cũng chỉ là trao đổi và phân chia công việc giữa người này người khác trong nhóm thiết kế đồ họa. Giờ sếp kêu bạn làm việc với thiết kế 3D. Truyền tải ý kiến giữa người này người kia dễ xảy ra hiện tượng tam sao thất bản. Đó là một vấn đề. Chưa kể đến việc sếp bạn thay đổi ý như chong chóng và bạn phải nghĩ cách nói khéo với anh thiết kế 3D để anh không nổi khùng mà đùng đùng bỏ đi. Lần thứ ba sếp đổi ý, thay đổi toàn bộ ý tưởng sắp xếp căn phòng trải nghiệm sản phẩm, anh 3D nói nửa đùa nửa thật, giờ anh tính bên em thêm tiền nhé. Thế là lặng im, rồi bảo, anh ơi anh có biết những lúc anh nhắc đến tiền, là em lại phải im thin thít và lặn mất tăm không. Anh cười. Làm việc tự do như anh quan trọng nhất là gặp khách hàng hợp tính và dễ thương. Anh không bỏ đi, cũng không tính thêm tiền. Thế là bạn biết bạn đã học được cách dễ thương rồi. Buổi tối, sếp quẳng cho bạn hàng tá email. Đưa ra những ý tưởng minh họa sếp thấy trên Internet. Sếp muốn ý tưởng của mình hay hơn ý tưởng này, rồi hay hơn ý tưởng khác nữa. Bạn cảm thấy sợ hãi. Bạn không thể sáng tạo hơn nữa. Bạn thậm chí không dám cầm điện thoại để đọc email của sếp. Giữa đêm, bạn tỉnh giấc và không thể ngủ được nữa. Đây là một dự án lớn. Sếp đặt vào đó rất nhiều kỳ vọng. Bạn sẽ làm sếp thất vọng mất thôi. Lúc đó, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là bỏ cuộc? Hay là mình cứ bỏ đi thôi! Nhưng mà không được. Bạn biết sếp kỳ vọng rất nhiều ở bạn. Thật tệ hại làm sao nếu bạn khiến người nào đó thất vọng. Đặc biệt khi họ đã kỳ vọng rất nhiều ở bạn. Yêu một người cũng thế. Buồn làm sao cảm giác bạn không đủ cảm thông như họ mong muốn, bạn không đủ quan tâm như họ đợi chờ. Những lúc như thế, đầu muốn nghỉ và tim muốn ngừng yêu. Tự hỏi tại sao mình phải vì người khác mà cố gắng? Tại sao mình phải sống theo sự kỳ vọng của người khác và nài ép chính bản thân mình? Sẽ không nói tới những sự kỳ vọng tiêu cực ở đây. Bởi tự bản thân chúng ta đều biết đâu là điều tốt điều xấu. Tuổi trẻ này, hãy chỉ nói nhau nghe về những kỳ vọng tốt. Những người đã đặt lòng tin ở ta. Những người mà vì họ, ta cố gắng, và nhận ra mình hoàn toàn có thể.
CỬA ĐÓNG, CỬA MỞ
22 tuổi. Tốt nghiệp ngành Ngân hàng. Bạn làm việc cho một công ty xuất bản. Nhận về bản thảo của người này. Bỏ công sức vào giấc mơ được cho ra đời một cuốn sách của vài người khác. Năm 23 tuổi, bạn bỏ lại tất cả. Và lên đường. Những chặng bay nhiều giờ, những lần ngủ nhờ nhà người xa lạ, những cuốn nhật ký hành trình viết trên giấy nâu cổ điển chất đống trong vali… Bạn bước đi. Có những bữa ăn là tiền công vài giờ làm việc bạn nhẫn nại ngồi chỉnh từ ngữ cho bản thảo của người khác. Có những tấm vé vào bảo tàng là tiền nhuận bút cộng lại của hai bài báo bạn đã nhảy cẫng lên khi được đăng. Có vết sẹo dài trên mu bàn tay trong một lần bạn đi nhờ xe và gặp tai nạn giống như lời tạm biệt dõng dạc cho những đỏng đảnh và điệu đà của những gói mỹ phẩm chăm sóc da lỉnh kỉnh mà cô gái nào cũng thường mang theo. Tiền trong túi dần cạn. Tiền trong tài khoản cũng chẳng tăng lên. Bạn đã không làm việc trong chừng đó thời gian. Nhưng bạn cũng không tiếc nuối.
Bạn quay lại vị trí vẫn thường nghĩ mình nên thuộc về. Bạn xin việc. CV chỏng chơ vài ba dòng kinh nghiệm khiến mọi thứ trở thành một thử thách. Bản thảo bạn chắc mẩm sẽ có người hứng thú rốt cuộc lại chẳng được nhà xuất bản nào bận tâm. Ngó ngoài kia xem, bao nhiêu người trẻ đang lững thững bước đi như thế. Điểm chung giữa bạn và những người đó là gì. Sự mất phương hướng, sự thất vọng vào những điều cuộc sống đã quẳng vô số phận của mình trong thời gian qua, và nỗi kỳ vọng không dám để lộ ra ngoài về những điều tuyệt vời có thể sẽ đến trong hoặc sau những hành trình như thế… Điểm khác biệt giữa bạn và họ là gì nhỉ? Hình như không có. Lúc đó, bạn giống như đi trong đoạn đường hầm tối. Bạn cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ hối hận về quyết định lên đường ấy. Thế mà bây giờ bạn thấy ý chí của mình bị lung lay. Giống như mọi cánh cửa đều đã đóng lại.
Bạn sống dựa vào những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng còn sót lại. Bạn bắt đầu vay mượn bạn bè. Chờ đợi. Bạn kiếm vài việc lặt vặt để làm. Rốt cuộc cũng có người gọi bạn tới phỏng vấn. Cánh cửa đầu tiên mở ra như thế. Rồi tới cánh cửa thứ hai. Nhà xuất bản nọ đột nhiên gọi hỏi bạn về bản thảo nhật ký hành trình bạn đã viết. Cần thêm chỉnh sửa. Nhưng không phải vấn đề gì đó quá lớn. Sau này bạn nhận ra, giữa kỳ vọng của bạn và thực tế cuộc sống tồn tại một độ trễ nhất định. Không thể nào xóa bỏ. Không thể nào đẩy nhanh. Quả ngọt chỉ dành cho người nào đó biết chờ đợi. Chúa giúp bạn vượt qua chừng đó khó khăn không phải để bỏ rơi bạn ở thời điểm này hay thời điểm khác. Ý nghĩ đó khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Khi nghe tin trượt học bổng ra nước ngoài du học. Bạn không tuyệt vọng. Bạn đã tranh thủ khoảng thời gian chờ đợi để học thêm những kỹ năng mới. Người ta nhắn tin nói hợp đồng làm việc bán thời gian của bạn tại công ty của họ đã đến lúc dừng lại. Bạn không mất hết hy vọng. Bạn đã làm việc đủ chăm chỉ và tận tâm để sau đó người ta tình nguyện giới thiệu cho bạn một công việc khác. Lúc bạn lênh đênh trên đường, những người bạn đồng trang lứa đều đã tiến thân, lương nhiều con số. Bạn trở về. Như một người đi sau. Như một người bị bỏ lại. Nhưng bạn hài lòng. Vì những trải nghiệm đó chưa bao giờ ngưng khiến bạn tự hào về bản thân. Cho dù là hôm nay, ngày mai hay nhiều ngày nữa. Chẳng ai hứng thú đến những gì bạn viết trước đây. Chẳng sao cả. Bạn có cơ hội để đặt những viên gạch đầu tiên, lần thứ hai, lần thứ ba hay lần thứ n bạn muốn. Rất nhiều cánh cửa đã đóng lại. Nhưng cũng có rất nhiều cánh cửa khác mở ra. Bạn còn trẻ. Đó là một đặc ân. Nhưng chớ cho rằng mọi điều tốt đẹp đều ngẫu nhiên xảy đến. Cuộc đời mở ra cánh cửa. Nhưng bạn phải là người bước tới. Bạn nghĩ thế. Khi bạn bắt đầu gõ những dòng đầu tiên trong cuốn sách này.
BƯỚC QUA NHỮNG GIỚI HẠN
Giữa tháng 12, đất trời miền Bắc rét căm căm. Chạy xe máy trên đườg, tay chân chóng đến mức không muốn cử động. Những lời nói ra đột nhiên nghe cũng khác, như thể... méo miệng nói năng cũng chẳng được bình thường. Dự báo thời tiết trên điện thoại cho biết ngoài trời khoảng 16 độ C. 16 độ C, Hà Nội chẳng phải từng lạnh hơn thế? Tháng 3 năm ngoái, tôi lên máy bay tới một thành phố yên bình thuộc miền Tây Nam Ireland. Các anh chị ở Đại sứ quán nhắc nhở tôi mang thêm áo khoác dày, cuối xuân bên đó không có tuyết nhưng trời cũng khá lạnh do mưa nhiều. Thời gian tôi ở đó, thảng hoặc trời đổ mưa, thi thoảng còn lãng đãng những cơn tuyết chợt đến chợt đi. Điện thoại mang từ Việt Nam sang khi nào cũng báo “Ngoài trời đang dưới 0 độ C. Kiểu thời tiết nguy hiểm, đề nghị cẩn thận”. Bức hình nào có mặt tôi cũng thấy hai cánh mũi đỏ phập phồng và miệng thở ra khói vì lạnh, tưởng đâu có thể đóng băng mỗi buổi sáng bước ra ngoài. Thế mà tôi vẫn sống, vẫn lang thang, vẫn đi chơi, mua sắm đủ cả. Ở Việt Nam thì cứ nghĩ 7 độ C là ghê gớm lắm, sang đây rồi mới thấy âm độ vẫn sống ngon ơ. Khả năng thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ của con người rõ ràng là điều không bao giờ có thể đoán trước.
Trước đây, tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó bài viết của mình được đăng trên những tờ báo được phát hành toàn quốc, càng chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó có thể xuất bản cuốn sách của riêng mình. Thế mà, tới thời điểm này tôi đã cho ra đời hai cuốn sách và chuẩn bị xuất bản cuốn thứ ba. Hơn thế nữa, bên phía công ty sách vừa gửi mail hỏi tôi có ý tưởng thế nào về cuốn tuyển tập truyện ngắn sắp tới (sẽ là cuốn thứ tư ạ!). Tiền nhuận bút rõ ràng không phải nhiều, nhưng cảm giác của một tác giả có sách được xuất bản là một trải nghiệm không phải ai cũng có được. Trước đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản cuộc đời của mình là đỗ đại học, lết xác qua bốn năm tẻ nhạt rồi kiếm một công việc nào đó, nhận lương cuối tháng để chi tiêu n h ữ n g k h o ả n không thể nào liệt kê hết. Tôi từng nghĩ tất cả những gì mình có chỉ là một cuộc đời cố định. Thế mà bây giờ, tôi đã đi qua bốn năm đại học với vài ba lần xuất ngoại đáng giá, vài công việc part time và những mối quan hệ tuyệt vời.
Trước đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản khả năng tiếng Anh của mình chỉ nằm ở ngưỡng trên giấy tờ, nghĩa là viết và đọc thì tốt chứ nói và nghe thì dở ẹc. Thế mà cuối cùng, tôi cũng có thể thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, đang trong tiến trình học tiếng Bahasa để có thể chém cả với dân Indonesia và dân Malaysia. Trước đây, tôi chưa từng nghĩ mình có thể xuất ngoại, càng chẳng bao giờ tưởng tượng được mình có thể cho ra đời một cuốn sách kể khổ kể sở về quá trình xuất-khẩu-lao-động như thế này. Trong cuộc đời mình, chúng ta đã đặt không biết bao nhiêu giới hạn cho chính mình, khiến bản thân bạn lầm tưởng rằng bạn không thể bước qua ranh giới này, không thể làm được những điều kia. Thế nhưng cuộc sống với đầy rẫy những bất ngờ sẽ khiến bạn nhận ra bạn hoàn toàn có thể phá vỡ những giới hạn của mình, để chạm tới những điều lớn lao chính bạn không lường hết. Khi tất cả những điều tuyệt vời còn đang ở phía trước, chỉ cần cố gắng hết mình, thành công nhất định sẽ rộng cửa với bạn. Vài năm sau nhìn lại, có thể bạn sẽ mỉm cười với chính mình và lặp lại điệp khúc của tôi ngày hôm nay: Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ..., thế mà cuối cùng...
Không ai muốn làm việc vào cuối tuần. Người chăm chỉ nhất cũng không muốn phải đọc thư điện tử và trả lời những cuộc gọi của khách hàng vào cuối tuần. Mệt mỏi của những ngày làm việc nên chấm dứt vào thứ Sáu và chớ nên kéo tràn sang thứ Bảy, Chủ nhật. Không được mong đợi nhất là bị làm phiền vào ngày nghỉ bởi những công việc không thuộc về trách nhiệm của mình.
PHẬN SỰ CỦA AI?
Chiều Chủ nhật chị sếp gửi thư đòi thứ Ba xong bản thiết kế 3D cho một dự án của khách hàng. Công ty trước giờ không có 3D. Các dự án cần tới thì đều thuê người bên ngoài cả. Người thường cộng tác thì làm rất chậm. Khỏi áng chừng cũng biết không kịp thời hạn đã hứa với khách hàng. Biết kiếm người làm thiết kế 3D ở đâu bây giờ nhỉ? Trước giờ việc này đều thuộc trách nhiệm của bên Tổ chức sự kiện cơ mà? Tính bỏ đó. Nhưng lại thôi. Lật đật nhắn tin, gọi điện cho người này người kia để xin liên hệ của những người phù hợp với dự án. Rồi lại lật đật gọi điện và gửi email đến từng người để trình bày công việc. Không phải việc của mình. Làm có chút ấm ức. Nhưng không chối từ? Không ngừng dặn mình có gắng. Tại sao?
Vì một trong những khó khăn lớn nhất mà tuổi trẻ thường vấp phải đó là không có cơ hội. Giờ người ta cho mình cơ hội để tìm hiểu điều mình chưa biết, để làm điều mình không chắc mình có thể, tại sao lại bỏ qua? Viết nội dung cho các trang Facebook của khách hàng. Vốn không cần thiết kế hình minh họa, nhưng vẫn thích ngồi mày mò học Photoshop để tự thiết kế, đính kèm theo nội dung gửi tới khách hàng. Đồng nghiệp hỏi thừa thời gian hả. Không thừa, nhưng đủ để làm chừng đó. Đồng nghiệp nói thiệt là dỗi hơi. Bạn không thấy phiền. Khách hàng nhận xét nội dung, nhận xét luôn cả phần thiết kế minh họa. Không ít lần chê xấu. Đa phần đều là chê xấu. Nhưng bạn không thấy nản. Mấy người chịu dành thời gian cho người khác, người ta chịu bỏ thời gian ra chê mình, góp ý cho mình, nói thế nào thì cũng nên cảm kích mới phải. Những bản thiết kế đó được chuyển qua bên thiết kế, để họ có hình dung cụ thể hơn về công việc, và tiến độ công việc sẽ nhanh hơn. Giờ họ đã biết khách hàng muốn gì. Đồng nghiệp nói phận của bạn là ngồi viết nội dung, rảnh rỗi đâu mà lãnh luôn phận sự của người khác. Đó không phải phận sự của bạn. Nhưng nhờ sự “rảnh rỗi” ấy, giờ bạn đã có thể tự tin ghi thêm kỹ năng Thiết kế cơ bản vào CV xin việc. Trong công ty có một anh rất hay nhờ bạn làm việc này việc khác. Khi thì chuẩn bị báo giá để gửi cho khách hàng. Khi thì dịch hợp đồng để kế toán duyệt. Đó không phải phận sự của bạn. Đồng nghiệp nói từ chối đi, cứ để ổng tự làm. Bạn vẫn nhận giúp. Phần vì lúc đó phòng đang ít việc, phần vì bạn muốn học thêm những điều mới bên ngoài phạm vi công việc mà bạn đã biết. Giờ thì bạn có thể làm báo giá một cách thành thạo, đọc hợp đồng và soát lỗi không thua người soạn hợp đồng chuyên nghiệp nào. Vào một ngày nọ, bạn nhờ anh đồng nghiệp nghĩ giúp một câu khẩu hiệu của một thương hiệu quốc tế. Đã có bản tiếng Anh. Giờ cần nghĩ thêm một bản tiếng Việt. Nhưng anh lắc đầu. Lý do là bận họp. Chừng đó là đủ. Anh còn nói thêm: đó đâu phải “scope of work” của anh? Anh này đi du học về. Rất thích sính chữ. “Scope of work” dịch nôm na ra phạm vi công việc. Và vì động não không nằm trong mô tả công việc của anh ấy nên anh ấy nhất quyết không làm. Ngay cả khi anh ta thực sự rất rảnh. Bạn chỉ cười. Sau lần ấy, những việc anh ta nhờ, bạn vẫn giúp đỡ và hỗ trợ hết mình. Đồng nghiệp thắc mắc tại sao. Bạn nói anh ta thật đáng thương. Nếu chỉ làm mọi thứ trong phận sự của mình, biết đến bao giờ con ếch mới ra khỏi đáy giếng và thấy cả bầu trời?
KHÔNG CẦN LÀ NGƯỜI GIỎI NHẤT
Sau khi dịch thuật và công chứng bản giấy khám sức khỏe dài 4 trang (ôi trời), scan hộ chiếu, bảng điểm, CV và ảnh 4x6, bạn bắt đầu dành thời gian để cày cuốc trên bộ hồ sơ học bổng Erasmus Mundus. Theo dự định ban đầu, bạn sẽ nộp hồ sơ vào ngày 10/12 tức là trước deadline tròn 1 tháng. Song, sự đời trớ trêu ở chỗ lúc bạn đến trường xin giấy xác nhận đã hoàn thành xong chương trình học, thầy phụ trách quẳng vào mặt bạn thông tin rằng 2 tuần nữa nhé. Bạn năn nỉ, thầy giúp em đi thầy. Thầy lạnh lùng, không, ai bảo trượt thể dục. Bạn chán không buồn kì kèo nữa, tại sao chúng ta phải để người khác cười nhạo trên điểm yếu của mình, trong khi rõ ràng bạn có thể đợi 2 tuần đó? Ok, bạn quyết định đợi. Trong lúc đợi, bạn nhờ một người bạn Mỹ đọc và chỉnh sửa các lỗi chính tả trong các thư giới thiệu mà mình có được. Cùng lúc đó, bạn gửi Tự thuật bản thân cho thầy Huy (thầy trước đây từng nhận được học bổng của chính phủ Úc và học bổng Fullbright của Mỹ) để nhờ thầy đọc và góp ý. Thầy rất nhiệt tình, đọc và gửi lại nhận xét ngay. “Bài của em rất hay, nhưng thầy lại không thấy được em trong đó. Trái lại, thầy thấy được ngành báo chí. Đó không phải điều mà hội đồng xét học bổng muốn đọc, vì họ đã quá am hiểu điều đó. Điều họ muốn đọc là câu chuyện của em. Hãy nhớ điều đó và sửa lại bài viết!”
Bạn nghĩ thầy nói đúng. Không những thế, thầy còn chia sẻ rằng đa phần những học bổng du học không dành cho người giỏi nhất, mà dành cho người phù hợp với chương trình của họ nhất. Bởi thế nên dù bạn có ra nước ngoài dự hội thảo cả chục lần, kiếm được không biết bao nhiêu thư giới thiệu có giá trị nhưng nếu chúng chẳng có chút liên quan nào đến ngành học và học bổng bạn đang nộp hồ sơ đăng ký thì hãy chuẩn bị tinh thần để... tạch. Ở lần thứ 2, bạn kể về câu chuyện của mình trong lần phỏng vấn trở thành một ứng cử viên trong đội ngũ Adopt A Negotiator Fellows sang Ba Lan tham dự hội thảo COP19 về vấn đề biến đổi khí hậu. Vượt qua những vòng đơn và bài viết, bạn lọt vào vòng phỏng vấn và cũng là vòng cuối cùng. Mọi chuyện diễn ra trôi chảy, trừ một tình tiết khi người phỏng vấn hỏi bạn rằng bạn có dũng cảm không. Trong trường hợp này, dũng cảm nghĩa là bạn dám đứng lên nói và viết về sự thật, điều tra và làm rõ về những vấn đề, chính sách của Chính phủ và mang chúng ra trước ánh sáng của truyền thông. Bạn thành thật, bạn không được phép nói về Chính Phủ, rằng nhà báo không nên bàn về những điểm yếu của Chính phủ. Lần đó, bạn trượt, khá dễ để đoán trước. Nhưng ngay lập tức bạn học được một bài học về văn hóa truyền thông, báo chí của các nước khác nhau như thế nào. Ở một số nước, nhà báo có quyền nói ra sự thật, tất cả sự thật, nhưng ở một số khác, nhà báo phải làm nhiệm vụ hỗ trợ cho Chính phủ và dĩ nhiên, chính sách nào cũng đúng. Nhập gia tùy tục, điều này làm nên sự khác biệt và đa dạng trong ngành báo chí. Bạn chia sẻ câu chuyện ấy trong bài viết, rồi gửi cho thầy. Thầy bảo câu chuyện tốt hơn rồi đấy, qua nó thầy thấy được bản thân bạn. Nhưng vẫn chưa đủ, bố cục bài viết chưa rõ ràng. Bạn cần làm lại. Nên giờ bạn sẽ tạm dừng ở đây để tập trung cho SoP của mình. Ha.
BẢO VỆ
“Hóa ra yêu một người là như vậy. Sẵn sàng chống lại cả thế giới để bảo vệ một người.” Đăng bức ảnh chụp cùng người yêu lên mạng xã hội. Khá nhiều người bấm “Thích”. Một người để lại bình luận “Định làm cái comment, nghĩ lại, à mà thôi”. Không thấy mùi thiện chí. Bạn để lại một dấu “?” bên dưới. Trong đầu đã định sẵn viễn cảnh bạn bấm nút Hủy kết bạn với người này.
Sáng nay có đọc trên tờ tạp chí quen thuộc “Nhớ lời cha dặn, đừng bao giờ bỏ lỡ hai thứ: chuyến xe cuối cùng về nhà, và người mà con rất mực yêu thương”. Chẳng ai biết liệu kiếp sau có tồn tại. Kiếp này có phúc phận gặp nhau, nên ra sức nắm lấy hơn là buông bỏ.
Bạn không thích ai đưa ra bất cứ lời bình luận không tốt nào về người yêu bạn. Bạn sẽ không để bất cứ ai làm tổn thương người mà bạn yêu, ngay cả khi người yêu bạn chẳng hề hay biết về sự tồn tại của những câu nói ác ý ấy. Trong lòng, vốn đã tồn tại khao khát được bảo vệ người mình yêu. Tâm trạng muốn cất giữ người yêu thật kỹ để không ai có thể tìm ra, để chẳng ai có thể nói xấu hay mang ra bàn luận không ít lần đánh nhau với ao ước được cho cả thế giới biết rằng bạn đang yêu. Người yêu bạn rất yêu bạn. Bạn cũng rất yêu cái người đang ở xa ấy. Nhiều lúc nhớ đến đau lòng. Nhưng không thể bỏ cuộc. Không muốn bỏ cuộc. Chưa ai khiến bạn thương nhiều đến vậy. Đi bao nhiêu bước, chịu bao nhiêu đơn côi, tự vượt qua bao nhiêu sóng gió, chỉ cần nghĩ đến người ấy thôi, tự khắc mọi cố gắng đều trở nên xứng đáng.
Bạn luôn sống trong trạng thái bất an. Ra đường luôn chuẩn bị sẵn cảnh ô tô bất ngờ lao tới. Ngồi trong văn phòng cũng không khỏi lo lắng hỏa hoạn xảy ra. Buổi tối đi ngủ còn sợ sáng mai chẳng thể nào tỉnh giấc. Người như vậy không hạnh phúc được. Vì tâm chẳng bao giờ được yên. Nhưng bạn lại thấy ổn. Chính vì cảm giác bồn chồn không biết cuộc đời sẽ chấm dứt đột ngột vào bất cứ lúc nào ấy lại khiến bạn trân trọng từng phút giây ngắn ngủi mà bạn đang có. Không bao giờ giận nhau quá nửa ngày. Buổi tối, dù cãi nhau, cũng luôn nói “I love you” rồi mới chịu ngủ. Người yêu đang ở Mỹ. Chỉ cần nghĩ đến cảnh kẻ điên nào đó bất ngờ xuất hiện và xả súng trong khu vực người yêu đang sống là ở nhà bạn đã co rúm lại. Lúc nào cũng muốn người ấy biết rằng bạn rất yêu. Con gái không nên thổ lộ tình cảm quá nhiều. Người nào yêu nhiều hơn luôn là người thua cuộc. Bạn bằng lòng thua cuộc. Để bảo vệ người yêu bạn yêu, bạn sẵn sàng đi xa hơn, chịu nhiều thiệt thòi hơn… Không sao cả. Chỉ cần người đó được an toàn.
Hóa ra yêu một người là như vậy. Sẵn sàng chống lại cả thế giới để bảo vệ một người.
CẦN GIÚP ĐỠ
Ở một mình. Trong nhóm ở văn phòng cũng còn vài người nữa, nhưng về cơ bản vẫn thích làm việc một mình. Con người không được đám đông ưa cho lắm. Bởi vốn dĩ cũng không ưa đám đông. Không đề cao tinh thần tập thể. Mọi điều trong cuộc sống đều cố gắng tự làm. Cả thở than cũng vô cùng hạn chế. Những điều biết kể ra chẳng ai muốn giúp hoặc chẳng ai giúp được thì tốt hơn hết nên giữ trong lòng thì hơn. Giữa giờ làm buổi chiều, đồng nghiệp rủ ra ngoài đi lòng vòng không. Không. Trả lời rất dứt khoát. Nhiều việc quá. Những việc chẳng phải của mình. Đồng nghiệp này nói chuyện với đồng nghiệp khác. Rồi chị nhân sự gọi bạn vào phòng, hỏi công việc của bạn đang ở mức quá tải đúng không. Bạn không biết phải nói sao. Thấy rất mệt. Hộp khăn giấy trôi về phía bạn. Không được gục ngã. Không sao cả. Ai cũng muốn đẩy việc qua để bạn làm thay. Bạn không từ chối. Vì bạn nghĩ bạn sẽ học được điều gì đó từ nó. Việc tiếp tục được đẩy qua. Bạn không thể thở. Buổi trưa không thể chậm rãi ăn cơm. Ăn ly tàu hũ mua vội cũng không thể từ tốn nhai những viên dai dai được. Nhiều việc. Chẳng ai hiểu. Vài người khác ít việc, nhưng hay than. Thành ra ai cũng biết. Không phải cảm giác mệt mỏi mà là cảm giác tủi thân muốn bạn bật khóc. Năm đó bạn 24 tuổi, mà vẫn yếu đuối như con nít vậy kìa.
Bạn trở về chỗ, hỏi đồng nghiệp tại sao đồng nghiệp kia biết. Bạn không muốn chuyện bị làm to. Mệt mỏi này bạn chịu được. Đồng nghiệp chẳng để ý bạn đang không vui. Vừa gõ máy tính vừa đáp. Em chỉ muốn nếu chị gặp áp lực thì nói, để mọi người cùng nhau tìm cách. Không phải đến giờ mới hiểu chẳng có gì bất thường hay đáng chê, đáng khinh nếu chúng ta cần tới sự giúp đỡ của người khác. Nhưng ở tuổi 24, người ta thường dễ ngông và ngốc nghếch cho rằng mình có thể làm mọi thứ. Trở về chỗ, vẫn lặng lẽ làm công việc của mình. Buổi tối phải ở lại làm khuya. Bỏ thêm một buổi Hoa văn tổng hợp. Hộp cơm tấm ăn vội vàng. Ngồi lên ý tưởng thiết kế cho dự án mới. Vị trí ở công ty chỉ là một người viết nội dung. Bản thân là một đứa ngốc. Thích lo chuyện bao đồng. Có lúc mệt, cốc cà phê nóng cũng không vực dậy nổi. Viễn cảnh về tương lai được tăng lương cũng không vực dậy nổi. Nhưng cũng không mở miệng cần nhờ tới ai. Tuổi 24 này, hiểu có thể giơ tay lên tìm sự giúp đỡ là một chuyện, nhưng bỏ qua lòng tự trọng (hoặc thứ mà bạn vẫn đang gọi nó như thế) và làm được nó lại là một chuyện khác.
KỶ LUẬT Một dạo, tuần nào cũng trích tiền ăn sáng ra mua báo. Mục truyện ngắn bao giờ cũng đăng tác phẩm của một người duy nhất. Cây viết nổi tiếng. Từng xuất bản rất nhiều đầu sách. Giọng văn rất lạ. Hoàn toàn khác biệt. Chẳng bao giờ lẫn vào đám đông. Có thể đều đặn cho ra đời nhiều truyện ngắn đến thế, quả là một chuyện đáng nể. Một đứa bạn bảo như vậy mới là chuyên nghiệp: đến giờ là ngồi vào bàn và viết, chứ không phải đợi tới khi chữ tràn ra đầu ngón tay rồi mới bắt đầu tìm bàn. Bạn thì không làm được như vậy. Cuốn sách này ban đầu còn có tên “Chẳng có gì ngoài tuổi trẻ”, sau đổi thành “Cuộc sống có gì năm bạn 24 tuổi”. Dự tính hoàn thành trước khi bạn bước sang tuổi 25. Mỗi ngày đều đặn vài chữ. Viễn cảnh khá suôn sẻ. Ngồi vào bàn mỗi tối và viết ra thứ gì đó không vô nghĩa lại là chuyện khác. Xe cộ, khách hàng, phàn nàn, khủng hoảng… Biết bao thứ phải lo. Bạn thường trở về nhà với cơ thể đã rệu rã.
Có một ông nhà văn khác, hình như là tiểu thuyết gia. Chưa từng coi tác phẩm nào của ông, nhưng dăm ba lần được nghe kể. Ông thích chạy bộ và bơi lội. Ngày nào cũng đều đặn chạy bộ hoặc bơi lội, hoặc cả hai. Và viết lách hoặc đọc sách, hoặc cả hai. Không ngoại lệ. Nắng mưa không thể là nguyên cớ cho sự lười biếng và vô kỷ luật bên trong con người. Bạn quen một đứa. Còn là sinh viên. Mỗi tháng kiếm chục triệu đồng từ tiền viết cho báo mạng. Nếu có thứ gì đó trên đời rẻ rúng câu chữ ấy, đó ắt hẳn là báo mạng. Mỗi bài cả ngàn chữ được đăng chưa chắc đã đổi được một trăm ngàn đồng. Con bé hương lương mười triệu đồng mỗi tháng. Nó cụ thể hóa số tiền bằng số bài phải viết trong tháng, số bài phải xong trong ngày, gồm cả những bài gửi đi mà không được chọn. Luôn như thế. Không nghĩ lại.
Không nhân nhượng. Không thỏa hiệp với sự nhụt chí của bản thân. Sự linh hoạt nuôi sống sức sáng tạo, nhưng tính kỷ luật mới là pháo cứu sinh cho cuộc sống của mỗi người. Một người luôn sống ngoài khuôn khổ và tìm mọi cớ để tránh xa kỷ luật như bạn rất khó để thành công. Một cuốn sách đọc cả năm chưa hết. Một khóa học đăng ký tốn tiền nhưng buổi đi buổi không. Lời cam kết chạy bộ mỗi sáng thì cùng bạn ngủ nướng. Quyết tâm mỗi tháng tiết kiệm một khoản tiền nhất định cũng vì lý do này lý do khác mà lu mờ đi. Bạn chỉ là một kẻ sống tạm bợ, bấu víu vào cuộc đời này một cách vô định, chênh vênh. Bạn không thể trở thành một người sống chuyên nghiệp, đặt kỷ luật cho bản thân để cuộc sống thêm phần ý nghĩa. Không thể nài ép. Chỉ có thể thất bại.
CHẲNG CÓ GÌ NGOÀI TUỔI TRẺ
Bạn không thích cái tựa đề trên. Dù trước đó từng lựa nó làm tựa cho cuốn sách này. Điểm cua chỉ xảy ra khi bạn chia sẻ ý tưởng này với một người viết khác – người mà bạn từng viết lời giới thiệu sách cho, người mà bạn từng phụ truyền thông sách giúp, và một tuần sau, bạn thấy người đó khoe mới được đăng một bài báo. “Không có gì ngoài tuổi trẻ” Đành rằng chữ “chẳng” và chữ “không” khiến ý nghĩa của hai tựa đề có chút khác biệt. Nhưng rõ ràng sự trùng ý tưởng trong trường hợp này là không thể xảy ra. Khi bạn chia sẻ tựa đề của mình, cô bạn kia chỉ lặng im. Bạn từng cho ra đời nhiều cuốn sách khác nhau. Không phải cuốn nào cũng được nhiều người mến mộ. Thậm chí nhiều cuốn gạch đá còn nhận được nhiều hơn lời khen. Nhưng bạn cũng chưa bao giờ từ chối quảng bá giúp sách cho các tác giả khác. Suy nghĩ rất đơn giản. Rảnh thì làm. Bạn không chờ một lời cảm ơn.
Và tuyệt đối, bạn không chờ đợi người ta “cảm ơn” theo cách này: Ăn cắp tựa đề của bạn và tung ra bài trong khi bạn vẫn đang “ấp trứng”. Lòng người quả thật khó đoán. Mới vài bữa trước thôi, chính người bạn ấy còn chia sẻ trên trang cá nhân về việc nhiều người sao chép lại bài viết của bạn ấy, đăng lên trang của mình mà không trích nguồn. Đó là chuyện lớn. Chẳng ai có thể cảm thấy vui. Bạn đã từng trải qua cảm giác đó. Giờ bạn không tức giận nữa. Người ta trích dẫn văn của bạn mà không để nguồn. Trong lòng bạn hoàn toàn không có cảm giác. Văn viết ra có người trân trọng, theo cách này hay cách khác, cũng là một may mắn. Song riêng việc đạo văn, đạo ý tưởng để kiếm tiền, để đi lên lại là điều khiến bạn băn khoăn.
Người bạn ấy rất hiểu điều này. Người bạn ấy đã luôn muốn được xuất bản cùng bạn. Cũng chỉ là một cái tên xoàng trong làng sách, nhưng bạn thường được người này người kia rủ xuất bản, có thể vì họ xoàng hơn chăng. Trong trường hợp này, người bạn ấy quả xoàng thật. Bạn không trách móc. Cũng không tha thứ. Có giận chi đâu mà cần thứ tha. Bạn chỉ tự nói với chính mình: coi như đó là một bài học về lòng tin người. Dạo gần đây, thường bị lừa như thế. Tin người này người kia để rồi chính mình rước về những nỗi bực mình. Thật khó để không mất lòng tin ở con người. Bạn không đánh đồng tất cả. Nhưng bạn nhận ra người ta nói đúng, càng trưởng thành, số người mà ta có thể tin tưởng càng trở nên ít đi…