BÀI LUẬN:
LÀM RÕ TÍNH DÂN TỘC TRONG CÁC TÁC PHẨM TRANH CỦA HỌA
SĨ NGUYỄN TƯ NGHIÊM
SV: Nguyễn Trần Đăng Khoa
GVHD: Đặng Việt Linh
Nguyễn Tư Nghiêm sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học tại Nam
Đàn, Nghệ An. Ông đã học tập và nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông
Dương. Khi còn là sinh viên năm thứ 3, bức sơn dầu “Người gác Văn Miếu” của
ông đã làm chấn động dư luận trong giới mỹ thuật vì sự táo bạo và mới lạ của nó.
Bức tranh đã thuyết phục tuyệt đối các thầy cô trong Hội đồng giám khảo Salon
Unique (Triển lãm Duy nhất) năm 1944 và được chấm giải nhất. Cũng trong năm
đó, bức “Cổng làng Mông Phụ”, “Đánh cờ dưới bóng tre” của ông được đánh giá cao.
Nguyễn Tư Nghiêm vẽ nhiều nhưng tập trung vào một số đề tài nhất định: “Điệu
múa cổ”, “Kiều”, “Mười hai con giáp”… nhưng luôn luôn thay đổi cách vẽ, tạo sự mới lạ. Những tác phẩm “Trạm gác” (1948), “Con nghé” (1957), “Giao thừa bên Hồ Gươm” (1957), “Nông dân đấu tranh chống thuế” (1960)… đều có sự kết hợp sâu sắc của tình cảm và lý trí, truyền thống và hiện đại, thấm đượm tinh thần dân tộc trong từng tác phẩm của mình. Ông được xếp vào “Tứ trụ” của thế hệ thứ hai của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Cùng với nhóm “Tứ Trụ” đầu tiên (Nguyễn Gia
Trí – Tô Ngọc Vân – Nguyễn Tường Lân – Trần Văn Cẩn), bộ tứ là gương mặt thành tựu tiêu biểu và là phong cách tiêu biểu của hội họa Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Năm 70 tuổi, ông chính thức kết hôn với họa sĩ Nguyễn Thu Giang, cũng là con gái của nhà văn Nguyễn Tuân.
Sau khi tìm hiểu về tiểu sử và chứng kiến trực tiếp những tác phẩm ấn tượng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi đã nhận ra sự hiện diện rõ ràng của tinh thần dân tộc trong các bức tranh ông vẽ. Bởi vì từng nét vẽ, từng hình dáng và màu sắc đều phản ánh tình yêu của ông dành cho văn hóa và truyền thống Việt Nam, mang đến cho người xem một cái nhìn sâu sắc và phong phú về đất nước và con người Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ
thuật đặc sắc. Mặc dù phong cách vẽ của ông thay đổi theo thời gian, tuy nhiên
tính dân tộc luôn là nét đặc trưng của từng tác phẩm. Trong số những tác phẩm nổi bật như "Con nghé", "Xuân hồ Gươm", "Nông dân đấu tranh chống thuế", được
sáng tác trong thời kỳ đất nước đang bị đô hộ bởi thực dân Pháp, khi văn hóa và
nghệ thuật phương Tây ảnh hưởng rất nhiều đến các họa sĩ Việt Nam. Nguyễn Tư
Nghiêm, người đã học tập và nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông
Dương, cũng không phải là ngoại lệ. Phong cách vẽ của ông trong những tác phẩm
trên hướng tới tả thực từ tỉ lệ không gian, tỉ lệ con người và động vật được nghiên
cứu và vẽ lại rất kỹ càng. Tuy nhiên, tính dân tộc trong tác phẩm của ông không bị
mất đi do ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật phương Tây. Hầu hết những bức
vẽ của ông đều liên quan đến người dân và đời sống của họ tại Việt Nam. Theo lời
ông: “Tôi không gắn bó với bất kỳ nghệ thuật nước ngoài nào, tôi chỉ tìm kiếm nơi
dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”. Trong thời kỳ đó, tuy ông
đã sử dụng màu sắc, chất liệu và bố cục phóng khoáng, nhưng hầu hết các nhân vật trong các bức tranh của ông vẫn được vẽ sao cho giống với nhiều chi tiết thực tế nhất, đó là những hình tượng con người và động vật được khắc họa trong phong cách tả thực.
Tuy vậy, trong những năm tiếp theo, cụ thể là bắt đầu từ những năm 1970, phong cách của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã chuyển hướng sang một hướng mới, thiên về cảm xúc cá nhân và phóng khoáng hơn. Các tác phẩm của ông, chẳng hạn như
Điệu múa cổ, trẻ em vui chơi, Gióng,.. được trưng bày trong bảo tàng mỹ thuật
Việt Nam mang đậm dấu ấn của trường phái lập thể, biểu hiện, trừu tượng. tuy
thiên về sự sáng tạo và cảm xúc của họa sĩ trường phái này không tập trung vào
việc tái hiện cấu trúc hình thể của sự vật mà thay vào đó trừu tượng hóa chủ đề dân
tộc. Tuy nhiên, tính dân tộc trong các tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm trong thời
kỳ này được thể hiện rất rõ.
Để làm rõ tính dân tộc của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, một số tác phẩm tiêu biểu
nhất của ông sẽ được lựa chọn để phân tích, đó là bức họa "Xuân Hồ Gươm" và
"Gióng". Những tác phẩm này không chỉ thu hút sự chú ý bởi hình thức đẹp mắt và
tài hoa của họa sĩ, mà còn thể hiện rõ ràng tinh thần và nhân cách dân tộc Việt Nam
thông qua những chi tiết cụ thể được vẽ một cách kỹ lưỡng và tỉ mỉ.
Tác phẩm “Xuân Hồ Gươm” được vẽ vào năm 1957, với những chi tiết vô cùng
tinh tế và chân thực, ông đã miêu tả lại bức tranh về thời khắc đất nước chào đón
năm mới tại hồ Hoàn Kiếm với sự sống động và sinh động. Phía xa là tháp Rùa
đứng cao trên mặt nước, tạo nên một không gian thanh bình và yên tĩnh, trong khi
đó, bên bờ hồ, những người dân đang cùng nhau vui vẻ, hạnh phúc chào đón năm mới. Những hình ảnh của anh bộ đội, quân nhân, công an, các thiếu nữ, các em nhỏ cùng cha mẹ...được tái hiện chân thật trong tác phẩm. Đặc biệt, màu sắc trong
tranh được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện tinh tế và phong phú. Những hệ
màu sơn ta truyền thống như vàng, bạc, đỏ son đã kết hợp với các gam màu mới như lam, lục, hồng để tạo nét xuân tươi mới cho tác phẩm. Màu sắc này đã tạo nên
một bức tranh rực rỡ, đầy sức sống, giúp người xem cảm nhận được tinh thần của
mùa xuân trong không khí rộn ràng và phấn khởi của người dân Việt Nam. Nó là
một minh chứng rõ ràng cho tài năng và khả năng sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Tư
Nghiêm, cũng như tinh thần dân tộc và tình yêu với con người Việt Nam của ông.
Bên cạnh đó là tác phẩm “Gióng” được vẽ vào năm 1990 hiện đang là bảo vật của
quốc và đang được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh Gióng đã
đạt giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc lần thứ 14 tổ chức cùng năm và được Bảo tàng tuyển chọn ngay trong sự kiện. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến phân tích “bức tranh được tái hiện trong không gian Đông Sơn, mang yếu tố thần thoại và hiện đại song hành. Những nét vẽ đều được lắp dựng từ hình kỷ hà (các hình, nét cơ bản thẳng, cong, vuông, tròn...) gãy gọn, khúc chiết. Những bước chân ngựa, y phục của nhân vật được khắc họa từ những mô típ tiêu biểu trên trống đồng Đông Sơn gồm vòng tròn tiếp tuyến, hình răng cưa, chữ S gấp khúc”. Theo như các nghiên cứu, những chi tiết này có trên hầu hết trống đồng Đông Sơn, là hoa văn đại diện cho nền văn hóa rực rỡ của dân tộc ta thuộc thời đại kim khí hơn 2.000 năm trước. Phần lưỡi rìu trong tranh tượng trưng cho công cụ lao động của
người xưa. Chi tiết này được cho là đã có sự gạn lọc, mang dụng ý nói về hoạt
động lao động sản xuất, mưu cầu cuộc sống ấm no sau khi chiến tranh qua đi thay
vì biểu hiện những vũ khí như dao găm, mũi giáo. Cùng với đó là các họa tiết tiêu
biểu thời Đông Sơn trên miếng hộ tâm (giáp ngực) của chiến binh, hình giao long
kết đôi biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Ở bức tranh này, Nguyễn Tư Nghiêm đã phủ đầy cơ thể nhân vật Gióng cả một
nền văn hóa Đông Sơn thay vì tập trung mô tả thân hình chàng thanh niên lực
lưỡng, lớn nhanh như thổi trước khi ra trận dẹp giặc ngoại xâm. Trong tất cả tranh
Gióng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, không phải ngẫu nhiên mà nhân vật chính luôn hướng về bên phải. Một phần lý do được cho là mô phỏng hướng quay ngược chiều kim đồng hồ trên tất cả mặt trống đồng Đông Sơn. Bên cạnh đó, theo các
nghiên cứu thị giác, hướng nhìn của nhân vật trong một bức tranh, ảnh hay cảnh quay tạo nên những phản ứng trái chiều trong tâm lý người xem. Đây cũng là một loại "từ vựng" trong ngôn ngữ nghệ thuật. Theo đó, nhân vật quay về bên phải tạo nên những cảm xúc an toàn, bình yên, được chở che... Trong khi hướng ngược lại thường mang đến cảm giác chông chênh, bất trắc.
Trong lần nói chuyện với đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và GS. TS. Susan
Bayly, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chia sẻ rằng tác phẩm Gióng nói về một nhân vật còn ít tuổi những đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ông vẽ nhân vật như một người trưởng thành khi đã giành chiến thắng, với các chi tiết được thần thánh hóa. Điều này cũng giống Việt Nam - một đất nước nhỏ bé nhưng lại có lịch sử dựng nước, giữ nước lâu dài. Thánh Gióng được nói đến nhiều nhưng chỉ là truyền thuyết. Vì không có tài liệu ghi chép chính xác nên họa sĩ đã
khắc họa nhân vật theo nhận thức của chính ông. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mong muốn giới trẻ nhìn vào tấm gương Thánh Gióng để có được tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử và anh
hùng. Bức tranh Gióng đã về lại Việt Nam ngày 29/10/2013, sau khi thu hút hơn
2.200 lượt khách tham quan trong 10 ngày trưng bày tại Anh và sự quan tâm của báo chí, truyền thông nước này. Đến 2017, bức tranh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. "Tác phẩm đánh dấu sự cách tân của nghệ thuật sơn mài Việt Nam và là hình mẫu để các thế hệ sau học tập. Bức tranh đã đạt đến tính độc đáo trong tạo hình, kết hợp giữa trang trí dân gian với trường phái lập thể hiện đại, cũng là minh chứng cho khả năng diễn tả phong phú của loại hình sơn mài. Đây là tác phẩm thành công nhất trong loạt tranh Gióng của Nguyễn Tư
Nghiêm, đánh dấu phong cách tạo hình riêng biệt của họa sĩ", PGS. TS. Trang
Thanh Hiền bình luận trong đợt đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2017.
Nội dung và hình thức trong những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm phối
hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, địa phương từ đó ông đã tạo nên bản
sắc riêng cho những tác phẩm của mình. Từng đường nét, màu sắc, nhịp điệu, không khí luôn luôn được phong cách hóa, dựa theo họa tiết trống đồng Đông Sơn,
hoa văn đồ gốm Lý Trần, tranh tượng dân gian, kiến trúc đình chùa, nhịp điệu chèo tuồng, múa hát truyền thống. Kỹ thuật tạo hình, cho dù hiện đại và cách điệu, vẫn
gợi lên được tinh thần và bản sắc của dân tộc
Chất liệu mạnh nhất của Nguyễn Tư Nghiêm là sơn mài truyền thống. Từ nhựa
sơn nguyên chất chắt lọc từ cây sơn vùng trung du Phú Thọ, giáo sư người Pháp
cùng một số sinh viên trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và nghệ nhân nghề
sơn đã chế tác thành một loại chất liệu quý dùng trong hội họa. Vẽ sơn mài trải qua
nhiều công đoạn: vẽ, ủ, mài cho đến khi đạt đúng ý tưởng tạo hình mong muốn.
Sơn Then, sơn cánh gián pha trộn với các loại son và các loại bột màu chuyên dụng
kết hợp dát vàng, bạc gắn vỏ trứng, vỏ trai, tạo ra bảng màu đặc trưng cho tranh
sơn mài như màu: đỏ son, đen then, màu của vàng, bạc, trắng vỏ trứng,… ngôn
ngữ tạo hình bộc lộ yếu tố cảm quan trong gợi tả hình, mảng vừa có yếu tố hiên thực, vừa mang tính tượng trưng,…
Bức tranh Gióng được tạo nên bởi kỹ thuật, chất liệu sơn mài riêng biệt của Việt Nam. Loại hình này thừa hưởng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn. Ban đầu, sơn mài chỉ có vài màu cơ bản như đen, đỏ, xanh, nâu cánh gián, vàng (làm từ vàng thếp), trắng (từ bạc, vỏ trứng)... Sơn công nghiệp sau này làm phong phú bảng màu của sơn mài nhưng bị họa sĩ coi là "kém hơn về độ sâu".
Khi thực hiện tác phẩm này, Nguyễn Tư Nghiêm hoàn toàn có điều kiện dùng nhiều màu sắc mới. Tuy nhiên, ông chỉ chọn các tông màu truyền thống để truyền tải những chiêm nghiệm của bản thân. "Trên nền son của tầm vóc truyền thống, Nguyễn Tư Nghiêm đã chắt lọc đến cùng ngôn ngữ lập thể và trừu tượng của phương Tây nhuần nhuyễn đến bất ngờ", bà Yến nhận xét. Chính vì cách suy nghĩ chỉ dùng sơn mài truyền thống để vẽ thôi cũng đã cho thấy tính dân tộc và tình yêu
dành cho đất nước của họa sĩ lớn tới mức nào.
Do chất liệu chủ yếu được dung trong những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tư
Khiêm là sơn mài truyền thống nên những màu sắc ta được thấy nhiều nhất trong
những tác phẩm đó là: đỏ, vàng, nâu,… không phải ngẫu nhiên mà ông lại dùng
những gam màu ấy để thể hiện tác phẩm của mình, màu đỏ và vàng tượng trưng
cho màu cờ của quốc kỳ Việt Nam và cũng là màu máu đỏ da vàng của dân tộc, màu nâu chính là biểu hiện cho màu áo của người nông dân Việt Nam, nhờ vậy mà
đến cách dùng màu sắc trong tranh của ông cũng đã nói lên rất nhiều về tinh thầ
dân tộc. Điển hình nhất là trong bức họa “trẻ em vui chơi” khi tông màu đỏ của nền
đất được nổi bật lên giữa tranh, thêm vào đó là hình ảnh đứa trẻ đang đứng chơi
đùa ở giữa và cầm chiếc đèn ông sao vàng chói trên tay, đứa trẻ được vây quanh
bởi những người bạn mặc áo màu nâu, qua đó ta có thể thấy tính dân tộc được thể
hiện mạnh mẽ khi nền đất màu đỏ chính là nền cờ Việt Nam đứa trẻ cầm đèn ông sao được đặt chính giữa tác phẩm tạo nên hình quốc kỳ nước ta, thêm vào đó là hình ảnh xung quang là những đứa trẻ mặc áo nâu đứng sát cạnh nhau, tuy mỗi đứa trẻ làm một việc khác nhau nhưng luôn hướng về ngôi sao vàng sáng chói đại diện
cho dân tộc ta dù có làm bất cứ công việc gì nhưng chúng ta luôn hướng về một
mục tiêu duy nhất đó chính là phát triển đất nước.
Đến nay chưa có một khẳng định chắc chắn nào về bố cục của những tác phẩm.
Bản thân họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm khi còn sống cũng không tiết lộ về điều này.
Chỉ có lần duy nhất ông tâm sự với nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến rằng, "cái bí
mật nhất nằm ở kích thước tranh". Họa sĩ muốn cô đọng hình tượng của mọi vật trong thành một khối thống nhất khoẻ khoắn, dữ dội qua đó thể hiện được sự đồng lòng, tính đoàn kết của dân tộc. Để làm được như vậy, ông đã lựa chọn cách điệu hóa nhân vật bằng các họa tiết và hình khối cơ bản rồi làm đầy khung hình bằng các mảng trang trí xung quanh.
"Con đường của Tư Nghiêm là đi từ hiện thực đến trừu tượng, lập thể. Ông đã lựa chọn lĩnh vực khó là trừu tượng hóa đề tài dân tộc", nhà nghiên cứu bình luận. Sau những bức tranh Gióng ban đầu, ông cảm thấy việc phô diễn thân thể như cơ bắp, biểu cảm là điều bình thường. Suốt 25 năm tìm tòi không ngừng nghỉ hình tượng Gióng, Nguyễn Tư Nghiêm dần chuyển sang dùng những đường khối và hoa văn thừa hưởng từ thời Đông Sơn để đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác. Nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm được nhận xét có tính bác học, tiếp thu đầy đủ vẻ đẹp truyền thống từ cổ đại đến "uyển nhã sang trọng" của cung đình phong kiến, điêu khắc đình làng dân dã, thô mộc và chuyển thành ngôn ngữ hiện đại. Sinh thời, ông từng chia sẻ quan điểm: "Khai thác, đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại". Ông nhìn thấy vốn cổ đã có sẵn các trường phái hiện thực, lập thể, biểu hiện, trừu tượng.
Tóm lại, Nguyễn Tư Nghiêm, một trong những họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, đã
để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử nghệ thuật của đất nước. Với tài năng khác biệt và những thành công sáng giá trong và ngoài nước, ông đã trở thành một biểu
tượng của sự đam mê và tinh thần kiên trì trong lĩnh vực mỹ thuật. Không chỉ vậy, sức bền sáng và ảnh hưởng của ông đã vượt xa quỹ thời gian của mình, trở thành niềm ngưỡng mộ và thống nhất của các thế hệ nghệ sĩ. Với bảo tàng riêng và sự hiếm có trong nghề, Nguyễn Tư Nghiêm đã chinh phục không chỉ những người yêu nghệ thuật mà cả những người không quan tâm đến lĩnh vực này. Ngay với những nghệ sĩ lớn của thế giới, không phải ai cũng nhận được sự tâm phục khẩu phục thống nhất của các thế hệ, các đồng nghiệp cùng thời và lớp hậu bối. Nhưng
Nguyễn Tư Nghiêm có được sự kính trọng toàn vẹn của mọi người về nhân cách
nghệ thuật. Họa sỹ Đặng Xuân Hòa đầy cảm phục khi nhắc đến Nguyễn Tư
Nghiêm: “Nguyễn Tư Nghiêm với bút pháp chủ nghĩa biểu hiện đã tạo nên con
đường nghệ thuật lớn lao đích thực, ai nói về già ông vẽ lặp lại là nhận xét hời hợt.
Ông càng vẽ càng phong phú, thanh thoát hơn, Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ chăm chỉ phong độ trong nhiều bối cảnh xã hội, chỉ có nghệ sĩ lớn mới có phong độ như
thế”. Bên cạnh đó, ông cũng là một ví dụ sống động cho việc duy trì phong độ sáng
tác bền bỉ, đặc biệt trong 23 năm sống bên bạn đời trẻ hơn gần 30 tuổi, đẹp và tận tâm. Với tâm hồn vàng và chất giọng khác thường, Nguyễn Tư Nghiêm ít nói
nhưng đã để lại một lời khuyên quý giá trong một hội nghị về nghệ thuật của mình:
“Khai thác, đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại”.