9 minute read

CÚ SỐC KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH

GLOBAL ECONOMIC IN POST COVID-19

Thập kỷ mới mở ra một chương mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Lệnh đóng cửa toàn cầu trong đợt đại dịch Covid-19 đầu tiên đã làm suy giảm kinh tế nghiêm trọng và tàn phá nhiều ngành nghề kinh doanh. Tầng lớp và giai cấp xã hội có sự phân hóa rõ rệt, các tỉ phú càng giàu thêm, người nghèo càng cùng cực và tầng lớp trung lưu dần biến mất. Hầu hết các nền kinh tế sau này dần phục hồi và tăng trưởng mạnh, nhưng làn sóng đại dịch thứ hai đã đặt nền kinh tế trở lại vạch khởi động lúc ban đầu. Nhiều tập đoàn kinh doanh du lịch và khách sạn trên đà phá sản và đang rao bán, chứng khoán lao dốc và nhiều hệ lụy đã làm đình trệ kế hoạch tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia.

Advertisement

CHIẾN LƯỢC “SỐC VÀ SỢ HÃI”

Khi đại dịch vượt ra khỏi tầm kiểm soát, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã sử dụng chiến thuật “sốc và sợ hãi” để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế từ cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này. Đại dịch đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất theo chu kỳ và kinh tế dịch vụ, dẫn đến các biến động mạnh của hoạt động kinh tế. Điều này là vô cùng hiếm.

Trong đợt suy thoái năm vừa qua, các ngành theo chu kỳ kinh tế chậm lại do sự đóng cửa toàn bộ các quốc gia đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Ở nền kinh tế dịch vụ, một số lĩnh vực đi vào bế tắc trong thời gian cách ly, vì các hoạt động “bình thường” đột nhiên trở nên không an toàn cho khách hàng và nhân viên giữa đại dịch (ví dụ như kinh doanh tiệm làm tóc hay nhà hàng). Điều này cũng giải thích sự phục hồi hoạt động kinh tế mạnh mẽ sau khi các hạn chế về cấm vận được dỡ bỏ, do chuỗi cung ứng được khôi phục và các doanh nghiệp đã đóng cửa trước đây được mở lại với các biện pháp an toàn Covid-19 mới. Các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn đã hỗ trợ thêm cho sự phục hồi.

Một đặc điểm kinh tế vĩ mô bất thường khác của cuộc suy thoái hiện nay là sự gia tăng đồng thời của tỷ lệ tiết kiệm ở Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á. Các chương trình hỗ trợ tài khóa và xã hội đã hỗ trợ thu nhập hộ gia đình trong thời gian đóng cửa, dẫn đến chi tiêu của người tiêu dùng tốt hơn nhiều trong bối cảnh thực tại. Nhưng do chi tiêu cho dịch vụ (trái ngược với chi tiêu hàng hóa vật chất) bị hạn chế bởi khoảng cách xã hội, các hộ gia đình cũng có mức tiết kiệm cao. Việc cải thiện chi tiêu có thể xảy ra nếu số giờ làm việc tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm tiếp diễn, và quá trình chuyển đổi trở lại chi tiêu cho dịch vụ sẽ xảy ra khi đại dịch kết thúc.

PHÁ HỦY SỨC SÁNG TẠO VÀ NĂNG SUẤT

Năng suất lao động, được tính bằng hiệu suất của tăng trưởng GDP và tăng trưởng thực tế tính theo giờ làm việc, cũng bị ảnh hưởng. Trong thời kỳ đại dịch, năng suất lao động tăng vọt khi số giờ làm việc suy giảm. Tuy nhiên, năng suất luôn biến động trong khoảng thời gian ngắn. Về lâu dài, đại dịch có thể nâng cao năng suất, ít nhất là trong một số lĩnh vực.

Việc đóng cửa đã tạo ra nhiều sự gián đoạn, có thể sẽ thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như thuốc trực tuyến và các phương thức làm việc mới. Nếu các công ty và chính phủ đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có thể tạo ra hiệu quả lâu dài.

TRÌ TRỆ NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG

Với áp lực về lương và chiều hướng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tùy khu vực, lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm còn 2,3% vào năm 2021, thấp hơn mức trước đại dịch là 2,5% năm 2019. Tại Hoa Kỳ, kỳ vọng lạm phát là 2,0% vào năm 2021 so với 1,0% ở châu Âu và 2,5% ở Trung Quốc. Tỷ lệ lạm phát thấp có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ không vội vàng tăng lãi suất. Trong thời gian đóng cửa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cùng với các ngân hàng trung ương lớn khác cắt giảm lãi suất về mức 0, và họ đã khởi động lại hoặc mở rộng các chương trình mua tài sản lớn. Mục tiêu của họ là giảm thêm lãi suất thực để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trên thực tế, sức mua tài sản sẽ tăng lên nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát không tăng.

MỊT MỜ TƯƠNG LAI TÀI CHÍNH

Trong khi những tác động của đại dịch sẽ giữ lạm phát trong tầm kiểm soát vào năm 2021, những hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng đối với lạm phát lại ít rõ ràng hơn. Theo thời gian, thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng có thể xảy ra sẽ dẫn đến lạm phát, nhưng chỉ khi các ngân hàng trung ương không giải quyết hiệu quả áp lực lạm phát trong tương lai. Đây là một trường hợp rủi ro cho giai đoạn hậu đại dịch, cũng không loại trừ khả năng các ngân hàng trung ương bị áp lực phải cấp vốn cho các chương trình tài khóa quá tham vọng.

Vì vậy, các ngân hàng trung ương đã trở nên cởi mở, mong muốn áp dụng các biện pháp chính sách tiền tệ không chính thống như nới lỏng định lượng, lãi suất âm hoặc kiểm soát đường cong lợi suất để tránh giảm phát hơn là thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát gia tăng khi nền kinh tế suy yếu. Hiện tại, còn quá sớm để đánh giá những rủi ro như vậy, nhưng các nhà đầu tư nên chú ý đến tính bền vững của tài chính công.

LẠM PHÁT NẮM GIỮ SỐ PHẬN CÁC TÀI SẢN TÀI CHÍNH

Đối với các tài sản tài chính và nhà đầu tư, điều quan trọng là phải xác định chế độ lạm phát nào sẽ chiếm ưu thế trong những năm tới. Đối với hầu hết các nước phát triển và các thị trường mới nổi, lạm phát toàn phần 0% –4% là một chế độ lạm phát vừa phải. Trong một chế độ như vậy, cổ phiếu có xu hướng tốt hơn trái phiếu. Trong các chế độ lạm phát cao (thường là khi lạm phát toàn phần trên 7,5%), cổ phiếu ngừng tạo ra tổng lợi nhuận dương trong khi trái phiếu có xu hướng hoạt động tiêu cực. Trong chế độ giảm phát (lạm phát tiêu cực), trái phiếu tốt hơn cổ phiếu.

DI SẢN NỢ NẦN

Nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa lên tới 10% GDP hoặc hơn trong thời kỳ khủng hoảng. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ chính phủ của Hoa Kỳ sẽ tăng trên 130% GDP, ở Ý hơn 160% và ở Nhật hơn 260%. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách sẽ ngày càng lo ngại về việc gia tăng nợ, áp

lực cung cấp thêm các biện pháp kích thích tài khóa sẽ gia tăng nếu các nền kinh tế không thể phục hồi hoàn toàn. Dù nền kinh tế toàn cầu phát triển theo quỹ đạo nào, nợ chính phủ cao vẫn sẽ là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách trong tương lai. Chỉ cần lãi suất vẫn bằng hoặc gần với mức thấp hiện tại, nợ vẫn sẽ bền vững. Tuy nhiên, các chính phủ sẽ gặp hạn chế trong việc chống lại bất kỳ cuộc suy thoái nào trong tương lai, quan trọng hơn là tài trợ cho các khoản chi tăng trưởng. Vì thế, nợ cao có khả năng là một trong những di sản nặng nề lâu dài của đại dịch.

BẦU CỬ HOA KỲ: CHÍNH SÁCH HẠN CHẾ CHO TỔNG THỐNG ĐẮC CỬ BIDEN

Trong khi Joe Biden đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, cơ hội điều động của đảng Dân chủ vẫn sẽ gặp trở ngại do không nhận được số đông đồng thuận trong Quốc hội. Hoa Kỳ vì thế khó có thể nhận thấy những thay đổi đáng kể trong chính sách thuế, trong khi vẫn có hạn chế trong chi tiêu bổ sung cho các lĩnh vực như nền kinh tế “xanh” cũng như những thay đổi trong quy định chăm sóc sức khỏe.

HIỆN TRẠNG ĐẰNG ĐẴNG

Sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 đã khiến hầu hết thế giới ngạc nhiên và làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, các cuộc khủng hoảng sức khỏe đã giúp thúc đẩy đổi mới khoa học và xã hội, định hình các con đường phát triển kinh tế trong tương lai. Và tất nhiên, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ không là ngoại lệ.

Thay vì thay đổi toàn bộ cục diện, Covid-19 đã đẩy nhanh các xu hướng hiện có. Số hóa cuộc sống hàng ngày, xu hướng linh hoạt sắp xếp công việc, suy giảm tốc độ toàn cầu hóa, suy yếu của chủ nghĩa đa phương, nhà nước mở rộng và các thành phố dễ bị tổn thương - tất cả những sự phát triển này đều đã được nhen nhóm trước khi đại dịch bùng phát.

Tốc độ tiến triển của những xu hướng này thách thức khả năng thích ứng thời đại của con người. Luật pháp đang bị tụt hậu trong một số lĩnh vực từ bảo vệ dữ liệu đến luật lao động, và các chính phủ cũng như công ty phải tăng cường khả năng phục hồi bằng cách áp dụng những mô hình kinh tế bền vững.

Chính vì thế, hành động ngay bây giờ với tầm nhìn xa trông rộng vào cục diện thế giới hậu đại dịch có thể giúp giảm thiểu khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch khác, đồng thời tạo cơ hội giải quyết các vấn đề đã làm suy yếu sự tăng trưởng và cuộc sống thịnh vượng trong vài thập kỷ qua.

This article is from: