6 minute read
CÂU CHU YỆN TỪ THIỆN TRONG ĐẠI DỊCH
HOW COVID-19 INSPIRED PHILANTHROPISTS TO GIVE MORE
Hàng loạt sự kiện chấn động trên toàn cầu đã mang đến sự thay đổi lớn trong hoạt động từ thiện. Chưa bao giờ thế giới cần đến sự chung tay giúp sức của giới siêu giàu hay những người có tầm ảnh hưởng xã hội khi mà tiếng nói của họ lại tác động tích cực đến sự sinh tồn của một cộng đồng. Tuy nhiên, liệu rằng tầng lớp giàu có và thịnh vượng này có sẵn lòng tiếp tục đóng góp nhiều hơn trong năm nay và cả năm sau?
Advertisement
Gần hai năm cả thế giới chiến đấu với cơn đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi lớn trong hoạt động từ thiện của các cá nhân giàu có, phản ánh chính xác bản chất của các sự kiện gây chấn động trên toàn cầu. Không chỉ có đại dịch, thế giới còn vừa trải qua một cuộc bầu cử tổng thống lịch sử của Hoa Kỳ cùng rất nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến bình đẳng chủng tộc và xã hội. Trong bối cảnh ấy, liệu chúng ta có thể chứng kiến các nhà từ thiện tạo ra những thay đổi lâu dài và tích cực hay không?
Vào năm 2019, các cá nhân có giá trị ròng cực cao (UHNW) đã chiếm một tỷ lệ đáng kể trong hoạt động từ thiện toàn cầu so với số lượng cá nhân không thuộc UHNW và các tổ chức công, ước tính chiếm 23% tổng số tiền quyên góp toàn cầu (theo nghiên cứu của Wealth-X). Khi được hỏi về sở thích và mối quan tâm hàng đầu của tầng lớp này, Wealth-X cho biết đó chính là hoạt động từ thiện. Vào năm 2020, hoạt động từ thiện không chỉ tiếp tục tăng mà còn tăng một cách nhanh chóng, minh chứng qua việc những người giàu nhất thế giới đã quyên góp hàng tỷ đô la trong vài tháng đầu tiên của đại dịch.
Nick Tedesco, chủ tịch và giám đốc điều hành của Trung tâm Từ thiện Quốc gia về Gia đình ở Washington DC, từng hợp tác cùng Quỹ Bill & Melinda Gates, cho biết: “Những gì chúng tôi đang chứng kiến là một sự huy động các nguồn lực mang tính lịch sử”.
Trò chuyện cùng với hàng trăm chủ ngân hàng tư nhân và các nhà quản lý tài sản trên khắp thế giới, Knight Frank nhận thấy rằng trên tất cả các lục địa, các cá nhân giàu có đã tặng rất nhiều tiền cho hoạt động từ thiện, với mức tăng tổng thể cao nhất ở là ở Bắc Mỹ.
Không có gì ngạc nhiên khi 83% các nhà quản lý tài sản cho biết khách hàng của họ đã tích cực hơn trong việc đóng góp cho các mục đích liên quan đến sức khỏe. Vương quốc Anh là quốc gia duy nhất mà chăm sóc sức khỏe không phải là hoạt động từ thiện phát triển nhất.
Nghiên cứu do UBS công bố cho thấy chỉ dưới 100 tỷ phú Hoa Kỳ đã cùng nhau đóng góp tổng cộng hơn 4,5 tỷ đô la trong các khoản quyên góp công khai ứng phó đại dịch từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020. Tổng số thực, bao gồm cả các khoản đóng góp do tư nhân thực hiện, có thể còn cao hơn nhiều. Tiếp theo chính là Trung Quốc với 12 tỷ phú chi ra khoảng 680 triệu USD, sau đó là Ấn Độ, với 12 tỷ phú đóng góp 540 triệu USD.
Tedesco cho rằng tính cấp bách của đại dịch, kết hợp với các vấn đề do phong trào Black Lives Matter phát sinh và cuộc bầu cử đã khiến nhiều UHNW phải suy nghĩ lại về rủi ro trong việc cống hiến tài sản của họ. Tedesco cũng tin rằng, có sự hoài nghi về chính phủ đang thúc đẩy sự phát triển của hoạt động từ thiện - đặc biệt là ở thế hệ trẻ tại Mỹ. Họ huy động và bỏ vốn vào từ thiện vì không hoàn toàn tin tưởng rằng chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề xã hội, hoặc sẽ giải quyết chúng một cách cấp bách và đổi mới.
Nghiên cứu của Wealth-X trong báo cáo đưa ra năm 2020 đã phân loại những nhà từ thiện theo ba cách: Các nhà từ thiện trong mùa Covid-19 (những người đã đóng góp chống Covid-19 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2020); các nhà từ thiện bình đẳng xã hội (những người cam kết thực hiện bình đẳng xã hội và công bằng chủng tộc trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2020); và các nhà từ thiện lớn (những người đã cam kết đóng góp ít nhất 100.000 đô la trong năm năm qua).
Trong số này, ta có thể nhận ra đặc tính nhân khẩu học rất rõ ràng, trong đó các nhà từ thiện chống Covid-19 hầu hết là phụ nữ và dưới 50 tuổi; trong khi các nhà từ thiện bình đẳng xã hội là những đại gia tự thân lập nghiệp. Đồng thời, các nhà từ thiện chống Covid-19 và các nhà từ thiện công bằng xã hội có phần lớn làm việc trong lĩnh vực khách sạn, giải trí, truyền thông hoặc công nghệ.
Cath Dovey, đồng sáng lập Beacon Collaborative, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích phát triển hoạt động quyên góp của cá nhân gia trị ròng cao ở Anh lo ngại là mức tăng của năm 2020 sẽ giảm trong năm nay - trong thời điểm mà các tổ chức từ thiện đang nhìn thấy những sự lựa chọn gây quỹ của họ bị hạn chế. Đặc biệt, các mối lo ngại ấy càng lớn hơn khi Vương quốc Anh không có nền văn hóa từ thiện giống như Hoa Kỳ.
“Các tổ chức từ thiện đã chứng kiến thị trường gây quỹ rơi xuống đáy trong năm ngoái, nhiều tổ chức trong số đó đã phải rút lui trong vài tháng qua. Để có khả năng phục hồi trong tương lai, chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào những món quà lớn của các nhà tài trợ. Chúng tôi cần nhanh chóng tập trung quy tụ một nhóm lớn những cá nhân có giá trị ròng cao”, Cath Dovey cho biết thêm.
Điều quan trọng hơn bao giờ hết là các tổ chức phi lợi nhuận phải nỗ lực tăng cường mối quan hệ với các nhà tài trợ đầy tiềm năng này. Phân tích của Forbes về 400 người Mỹ giàu có nhất cho thấy chỉ 10 người đã cho đi từ 20% tài sản trở lên, bao gồm Warren Buffett và Gordon Moore. Ít hơn một phần tư số tỷ phú này đã cho đi hơn 5% tài sản của họ.
Tuy nhiên, Tedesco vẫn cảm thấy lạc quan về kết quả thu được trong năm nay và hy vọng rằng những kinh nghiệm rút ra từ đó sẽ giúp cho hoạt động từ thiện phát triển hơn trong tương lai. Ông hy vọng rằng các tổ chức phi lợi nhuận, các nhà quản lý tài sản và các tổ chức trung gian khác sẽ tự trang bị nhiều hơn để tham gia và hỗ trợ tích cực cho các nhà từ thiện UHNW đạt được mục tiêu của họ.
“Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ tìm đến các đối tác để có thể giúp họ thực hiện công việc từ thiện này khi họ cảm thấy mình không có thời gian và chuyên môn để làm việc đó. Những vấn đề như khí hậu, sức khỏe và giáo dục sẽ không bao giờ được giải quyết nếu không có sự hỗ trợ của mọi người”.