6 minute read

HÀNH TRÌNH NHỮNG CHIẾC RƯƠNG HUYỀN THOẠI

LOUIS VUITTON TRUNK

Là một thương hiệu quen thuộc trong giới hàng hiệu thượng lưu, Louis Vuitton là một trong những bậc thầy chế tác đồ da và cũng là cha đẻ của thương hiệu thời trang mang tên mình. Từ hai bàn tay trắng, ông đã gây dựng nên cả một cơ nghiệp đồ sộ và trở thành biểu tượng xa xỉ của toàn thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Louis Vuitton, nhiều giai thoại đã được hé lộ để tưởng nhớ và tôn vinh cuộc đời người đàn ông phi thường này cũng như dẫn lối khám phá về hành trình những chiếc rương huyền thoại.

Advertisement

Sinh năm 1821 tại Jura, Pháp, Louis Vuitton quyết định rời quê hương từ khi còn rất trẻ, quyết tâm đến Paris để học việc ở xưởng gia công rương gỗ và đóng gói hành lý của nhà chế tác Romain Maréchal thời bấy giờ. Rèn giũa những kỹ năng làm thợ mộc trong nhiều năm, Vuitton nhanh chóng trở thành người đóng rương ưa thích của Hoàng hậu Eugénie. Trải nghiệm sau này cùng mối quan hệ thân thiết với Charles Frederick Worth, người sáng lập Parisian Haute Couture, đã cho Vuitton một cái nhìn sâu sắc về cuộc cách mạng trong ngành vận tải đang diễn ra và chuẩn bị cho những kế hoạch tương lai.

Thành lập xưởng chế tác riêng của mình vào năm 1854, đặt tại số 4 Rue Neuve-des-Capucines, Paris, với hứa hẹn về những chiếc rương có thể bảo vệ mọi hành lý của khách hàng, kể cả món đồ mong manh dễ vỡ nhất. Nhận ra rằng một chiếc rương phẳng sẽ thiết thực và tiện dụng hơn rương hình vòm đang rất phổ biến thời bấy giờ, Vuitton bắt đầu sáng tạo để thay đổi kích thước, hình dáng và cho ra đời mẫu rương mới. Vào cuối những năm 1850, ông đã tạo ra Gris Trianon, một tấm bạt phủ giúp hành lý không thấm nước và chống mùi hiệu quả. Để ngăn chặn những kẻ làm giả và các đối thủ sao chép cải tiến của mình, ông đã thiết kế ra những mẫu họa tiết kẻ sọc và caro Damier trên lớp canvas bọc ngoài rương. Đây chính là mẫu thiết kế đầu tiên mang chữ ký của Vuitton bên ngoài. Mang triết lý “Nghệ Thuật

Du Lịch”, Louis Vuitton còn tích hợp những công năng đặc biệt khác trong những chiếc rương. Cho chuyến đi Congo của nhà thám hiểm Pierre Savorgnan de Brazza, Louis Vuitton đã phát minh ra chiếc giường được tích hợp trong rương một cách tiện lợi. Đây cũng chính là khởi đầu cho những dòng rương bespoke tích hợp sau này của Louis Vuitton như rương đựng đồ nữ trang, đồng hồ hay giày sneaker...

Đối với khung gỗ của mỗi một chiếc rương, Louis Vuitton chủ yếu lựa chọn loại gỗ dương 30 năm tuổi đã được sấy khô tối thiểu bốn năm. Thương hiệu cũng sử dụng gỗ sồi vốn nổi tiếng bởi đặc tính dẻo dai, nhẹ và chịu lực tốt. Người thợ thủ công sẽ khéo léo bọc bên ngoài khung gỗ bằng vải bạt hoặc da sau khi đã “đánh dấu” vào gỗ một con dấu ẩn. Ngoài ra, những người thợ thợ thủ công cũng sử dụng đường khâu yên ngựa khi chế tác tất cả các sản phẩm da của hãng trong suốt một thế kỷ qua. Có thể nói đây cũng chính là một trong những bí quyết mang đến độ bền bất chấp thời gian cho sản phẩm và được thực hiện bằng cách sử dụng hai kim kết hợp một sợi lanh phủ sáp ong. Các góc và cạnh của rương - những bộ phận dễ bị mài mòn và rách nhất - được hãng lưu tâm bảo vệ bằng một loại sợi lưu hóa mạnh độc quyền của Louis Vuitton, được gọi là Iozine. Tại đây, một người thợ thủ công đóng một chiếc đinh vào Iozine để gia cố nó. Việc sản xuất một chiếc rương có thể cần đến vài nghìn chiếc đinh.

Trong khi máy móc ngày càng trở nên phổ biến thì các công đoạn đòi hỏi sự sáng tạo và tinh tế để tạo nên một chiếc rương Louis Vuitton “đúng chuẩn” đều phải do những người thợ thủ công chính tay đảm nhận. Khóa đồng được thiết kế để vật dụng tư trang của khách hàng trở nên bất khả xâm phạm. Chúng chỉ được mở bằng chìa khóa thủ công được tạo ra riêng cho khách hàng - cho phép họ chỉ sử dụng một chìa khóa cho tất cả các rương của mình.

Để gia tăng tốc độ đóng rương, Vuitton đã mở một xưởng gia công ở Asnières, một ngôi làng nằm ở phía Tây Bắc Paris. Nhờ vị trí đắc địa ngay bên bờ sông Seine, các nguyên liệu thô dùng để sản xuất rương được vận chuyển dễ dàng và thuận tiện. Gần 2 thế kỷ trôi qua, xưởng Asnières vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và cho ra đời những sáng tạo mang tính biểu tượng. Nằm trên tầng cao nhất của xưởng là nhà riêng của gia đình Vuitton. Trước khi bắt tay vào công việc kinh doanh, “những đứa trẻ” nhà Vuitton sẽ được học cách buôn bán ngay trong gia đình, đồng thời vẫn dành thời gian giải trí và chèo thuyền trên sông Sein. Ngôi nhà đã được cải tạo vào cuối thế kỷ 19 theo phong cách Tân nghệ thuật của Pháp và vẫn được gìn giữ cho đến nay.

Những vị khách muốn tìm hiểu thêm về thương hiệu sẽ có cơ hội được trải nghiệm triển lãm Time Capsule nằm trong khuôn khổ La Galerie Louis Vuitton ở Asnières. Tại đây, du khách sẽ được khám phá hành trình lịch sử của thương hiệu từ thuở sơ khai cho đến những bước ngoặt đổi mới trong thiết kế và công nghệ. Khi dạo chơi trong Time Capsule, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vô số thiết kế gia truyền cùng những tác phẩm hiện đại mới nhất, minh chứng cho sự phát triển và đổi mới không ngừng của Louis Vuitton.

Là một thương hiệu kinh doanh có chiến lược, những giá trị truyền thống của Louis Vuitton vẫn luôn được thế hệ hậu bối gìn giữ và kế thừa. Georges-Louis - con trai cả của Vuitton, đã tạo ra họa tiết Monogram hoa bốn cánh huyền thoại vào năm 1896 để vinh danh

người cha quá cố của mình. Nhờ vậy, thương hiệu đã giành được nhiều giải thưởng tại Hội chợ Thế giới ở Paris vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cho các thiết kế mang tính tương lai.

Louis Vuitton qua đời vào năm 1892 nhưng di sản mà ông để lại vẫn còn nguyên vẹn. Niềm đam mê và tinh thần sáng tạo nghệ thuật của ông vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận qua nhiều thế hệ suốt 2 thế kỷ qua. Đế chế Louis Vuitton lớn mạnh ngày nay chính là minh chứng cho cam kết của ông với nghề thủ công tinh xảo và những hứa hẹn về cuộc cách mạng hóa thời trang cao cấp trong tương lai.

This article is from: