6 minute read

GIẢI MÃ CƠN SỐT "MUA SẮM TRẢ THÙ"

Khoảng thời gian dài ngành đồng hồ và trang sức ru mình say ngủ gây ra quá nhiều tổn thất nghiêm trọng đã khiến cho tất cả chúng ta đều mong đợi một sự bùng nổ doanh số để có thể kích cầu ngành kinh tế cũng như khôi phục thói quen mua sắm của mọi người. Và như dự đoán, xu hướng “mua sắm trả thù” đang nhen nhóm ở rất nhiều thị trường đã góp công rất lớn giúp các nhãn hàng “hồi sinh” đồng thời giúp cho ngành kinh tế khôi phục với tốc độ khả quan nhất.

Laurent Michaud, chủ sở hữu của các cửa hàng mang tên mình ở Neuchâtel và Verbier xác nhận: “Hoạt động mua bán đã bắt đầu tăng lên kể từ tháng 3. Du lịch châu Âu cũng đang sôi động trở lại. Thậm chí, có rất nhiều khách hàng địa phương chưa sẵn sàng cho những chuyến du lịch nước ngoài nhưng vẫn muốn chiều chuộng bản thân ngay lúc này, bằng những món hàng xa xỉ”.

Advertisement

Khái niệm “mua sắm trả thù” dần dần trở thành một thuật ngữ phổ biến đối với mọi người. Giải thích ngắn gọn thì đây là trào lưu mọi người hào hứng tung ra toàn bộ số tiền tiết kiệm đã tích lũy được trong hơn 2 năm qua – mà họ đã không thể chi tiêu cho nhà hàng, du lịch, các buổi hòa nhạc và mua sắm. Ở châu Âu, Crédit Suisse ước tính rằng khoản chi tiêu này chiếm 5% GDP, tương đương 810 tỷ đô la (741 tỷ CHF).

Người dân châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng lao đầu vào làn sóng “mua sắm trả thù” khi mà doanh thu trong ngày mở cửa trở lại của một cửa hàng Hermès tại Quảng Châu đạt đến 2,7 triệu USD. Louis Vuitton, Gucci và Prada cũng là những “ông lớn” bội thu khi các báo cáo doanh số tăng vọt trong những ngày đầu sau khi mở cửa lại. Doanh số của hãng trang sức Tiffany trong tháng 5 thậm chí tăng đến 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này cũng tương tự như thời điểm đầu thập niên 80 với làn sóng “mua sắm trả thù” khi quốc gia tỉ dân mở cửa nền kinh tế sau nhiều năm bao cấp.

“THỜI CƠ VÀNG” CHO CÁC THƯƠNG HIỆU XA XỈ Rolex – hãng đồng hồ sang trọng nổi tiếng từ Thụy Sỹ là một trong những cái tên bứt phá trên đường đua doanh số hậu đại dịch. Đặc biệt là khi hãng bắt đầu đẩy mạnh mua bán trên kênh online cho những mẫu đồng hồ phổ thông, cùng với dịch vụ giao đồng hồ đến tận nhà cũng là một chiến lược vô cùng khôn ngoan để phục vụ các “thượng đế”.

Maximilian Büsser – nhà sáng lập MB&F cho biết lần đầu tiên hãng đã chứng kiến những chiếc đồng hồ “Legacy Machines” cổ điển vượt mặt dòng Horological Machines. MB&F nhận thấy “sự gia tăng đáng kinh ngạc” về số lượng đơn đặt hàng kể từ mùa hè năm 2020, tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

Các nhà sản xuất đồng hồ độc lập cũng được hưởng “quả ngọt” tương tự. Laurent Picciotto, nhà sáng lập và chủ tịch của Chronopassion, cho biết: “Doanh số tháng vừa rồi thật tuyệt vời”. Nhà sáng lập xu hướng người Paris cũng đồng thời là “cha đẻ” của thiết kế Octo Finissimo Tattoo Aria cộng tác cùng thương hiệu Bulgari đình đám. Chiếc đồng hồ này được sản xuất với số lượng giới hạn 10 chiếc. “Tôi đã đăng nó trên Instagram vào buổi sáng và ba hoặc bốn chiếc đã được bán ngay lập tức. Vào giờ ăn trưa, tôi nhận cuộc gọi video với Fabrizio (Buonamassa Stigliani, giám đốc điều hành sáng tạo của Bulgari), và được biết một số chiếc khác đã tìm thấy chủ nhân. Đến 6 giờ chiều, hai hoặc ba chiếc cuối cùng cũng đã được bán hết. Và mặc dù vậy, chúng tôi vẫn nhận được tin nhắn hỏi về mẫu này mỗi ngày”.

Một “chiến mã” khác là Bucherer đang triển khai mạng lưới cửa hàng ngày càng phát triển trên khắp châu Âu với 36 địa điểm bao gồm 17 ở Thụy Sỹ, 10 ở Đức, một cửa hàng ở Vienna, một cửa hàng ở Copenhagen và sáu cửa hàng ở London.

NHỘN NHỊP CÁC PHIÊN ĐẤU GIÁ ĐỒNG HỒ VÀ TRANG SỨC Giai đoạn Covid-19 bùng nổ có vẻ là khoảng thời gian khó quên đối với các nhà đấu giá khi mà những phiên đấu giá liên tục bị hủy bỏ do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại nhiều trung tâm tài chính như Zurich, Geneva, London và Hồng Kông. Tuy nhiên, phiên đấu giá online đầu tiên diễn ra vào tháng 3 năm 2020 đã đạt tổng trị giá 3,34 triệu đô la Mỹ, với ba trong số năm món giá trị nhất là đồng hồ Patek Philippe. Điều này chứng minh hàng xa xỉ vẫn không nằm ngoài khả năng chi trả của người tiêu dùng và họ sẵn sàng đấu giá Patek Philippe trực tuyến – ngay cả khi không thể nhìn thấy. Tương tự, chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều khách hàng sộp khác không chút do dự khi bỏ ra khoản tiền sáu con số cho vòng tay và dây chuyền kim cương.

Giá trung bình của đồng hồ đấu giá cũng đã tăng hơn một phần ba trong hai năm. Trong cuộc đấu giá tại Geneva vào tháng 5 năm 2021, giá trung bình trên 233 lô là gần 180.000 đô la, tăng 34,4% so với năm 2019. Tương tự, tại Hồng Kông, giá trung bình trên 311 lô là gần 80.000 đô la, tăng 55% vào hai năm trước. Vào năm 2020, Phillips đã bán được 15 chiếc đồng hồ với giá hơn 1 triệu đô la, so với chỉ 12 chiếc vào năm 2019.

Trong ba cuộc đấu giá được tổ chức cho đến nay, Phillips đã bán mọi chiếc đồng hồ được chào bán với tổng giá trị 68 triệu đô la. Phiên đấu giá đồng hồ Geneva XIII vào tháng 5 đã chứng kiến mặt số Patek Philippe “Eurasia” từ năm 1953 đã phá kỷ lục về mức giá cao nhất từng có đối với một chiếc đồng hồ đeo tay Patek Philippe có mặt số tráng men ở mức 7,8 triệu đô la.

Doanh số bán hàng trực tuyến gần đây của Sotheby’s dự kiến mang lại 5,7 triệu đô la, tuy nhiên cuối cùng đã vượt mốc và thu về 6,1 triệu đô la thông qua bốn lần mở bán được tổ chức trong tháng 3 cùng tháng 4. Catharine Becket, chuyên trang sức cao cấp của Sotheby’s tại New York, đã đưa ra lý do cho sự tăng trưởng doanh số hàng xa xỉ: “Khách hàng đang mua sắm tại nhà và nhìn chung là có cuộc sống tương đối ảm đạm. Mọi người đều chờ đợi giai đoạn này kết thúc, và tôi cho rằng việc họ biết rằng có một món đồ trang sức trị giá hàng triệu đô la đang chờ đợi được họ đeo lên người trong bối cảnh bình thường mới sẽ là điều hết sức thỏa mãn. Một số khách hàng còn đeo những viên kim cương lớn trong nhà chỉ để mang lại niềm vui."

Một chiếc vòng đeo tay bằng kim cương tráng men thuộc bộ sưu tập Tutti frutti của Cartier đã giúp nhà đấu giá thu về 1,3 triệu đô la, cao hơn 500.000 đô la so với ước tính cao của nó. Đây là kỷ lục đấu giá cho một món trang sức.

This article is from: