10 minute read
VIHARI SHETH PODDAR Dấn Thân Vào Cuộc Chơi Đá Quý
VIHARI SHETH PODDAR
Dấn Thân Vào Cuộc Chơi Đá Quý
Advertisement
Singapore đang nổi lên như là một thiên đường của những nhà thiết kế trang sức độc lập, đây cũng là nơi Vihari Sheth Poddar – hậu duệ đời thứ 3 trong một gia đình có truyền thống gắn bó cùng kim cương - lựa chọn để xây dựng một đế chế trang sức thiết kế của riêng mình.
THEO MARC ALMAGRO
Vihari Sheth Poddar, nhà sáng lập và chủ sở hữu thương hiệu trang sức mang tên mình cho biết: “Tôi đã thiết kế những tác phẩm đầu tiên của mình khi vừa 15 tuổi. Đó là một chiếc nhận dành tặng cho giáo viên tiếng Anh của tôi tại một trường học ở Mỹ”.
Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Vihara đã tỏ ra say mê kim cương một cách lạ kỳ và dành hàng giờ để nhìn ngắm những viên đá lấp lánh ấy trong văn phòng của cha cô – vốn là một nhà kinh doanh kim cương. Tuy nhiên, cô đã phải đi một chặng đường rất dài trước khi thành công mở cửa hàng Vihari Jewels đầu tiên trên tầng một của Trung tâm mua sắm Paragon – khởi đầu cho 15 năm rực rỡ mà cô đã kinh doanh trang sức tại Orchard Road cho một nhóm khách hàng chủ yếu là bạn bè và những người được giới thiệu. Đồng thời, công việc kinh doanh độc đáo này đã đưa cô vào danh sách ít ỏi những nghệ nhân sáng tạo trang sức riêng cho các nhà sưu tập sành sỏi và những quý cô thượng lưu.
“Rất khó để điều hành một cửa hàng trong khi phải chăm sóc các con” - cô giải thích về tại sao mình không thành lập công ty sớm hơn. “Kinh doanh giống như việc bạn có thêm một đứa con nữa vậy. Và quan điểm của tôi là khi đã bắt tay vào làm một thứ gì đó thì mình phải thật sự nghiêm túc với nó”. Nữ doanh nhân thoáng chút trầm ngâm trước khi thừa nhận rằng “không gian tầng một với kích thước như thế này (1,340sqft) ở Paragon không thường xuyên xuất hiện”.
Vì vậy, khi đại dịch hoành hành, Vihari đã tiến hành công việc cải tạo với sự đồng hành của cô con gái sơ sinh còn đang bú sữa mẹ; trong khi hai đứa con khác của cô - lần lượt là bảy và bốn tuổi - thì ở nhà với ông bà. “Tôi sẽ không bao giờ có thể thành công nếu như không có sự hỗ trợ của gia đình. Chồng và cha tôi xử lý tất cả các công việc hậu trường trong khi tôi quản lý phần còn lại”.
KHỞI ĐẦU HÀNH TRÌNH VỚI ĐÁ QUÝ Cửa hàng của Vihari đi theo concept ưu tiên trưng bày kim cương, hồng ngọc và ngọc lục bảo nhiều hơn là các gian hàng chứa sản phẩm. “Tôi đã phải giải thích với bố rằng đây là nơi mọi người tìm hiểu về trang sức xem chúng đến từ đâu và được chế tác như thế nào. Đây không phải là vấn đề bán sản phẩm mà là truyền tải câu chuyện đằng sau sản phẩm”.
Mỗi món đồ trang sức của Vihari đều được thực hiện tại hai công xưởng ở Florence với tổng số 20 nhân viên, một ở Hồng Kông với tám người, và một xưởng khác ở Geneva. Các mẫu thiết kế được thực hiện ở Florence, những chiếc kích thước lớn ở Hồng Kông và những thiết kế màu sắc sẽ ở Geneva – tất cả là để tận dụng kiến thức chuyên môn của từng xưởng. “Người Ý rất giỏi trong việc chế tác, đặc biệt là thiết kế 3D, trong khi người Thụy Sỹ lại có tay nghề cao trong việc phủ màu. Xưởng Hồng Kông lại có ưu thế về những mẫu thông thường hơn và nạm đá màu. Trong số này, xưởng ở Hồng Kông thuộc sở hữu của Vihari, còn những xưởng khác cung cấp nhân lực độc quyền.
Quá trình thiết kế độc đáo của cô bắt đầu từ những viên đá đầy cảm hứng. “Tôi không bắt đầu với các thiết kế và sau đó tìm những viên đá phù hợp với chúng. Tôi cần phải xem xét những gì mình đang có. Ví dụ, khi nhìn thấy một viên kim cương màu vàng sống động thì tôi đã liên tưởng sự rực rỡ của nó với một con ong”. Từ đó, những viên hồng ngọc hóa thân thành bọ rùa, ngọc bích trở thành hoa lan, và những con gấu trúc được thành hình từ kim cương đen và trắng.
“Mục tiêu của tôi là cung cấp các sản phẩm có thể tiếp cận dễ dàng. Tôi được biết đến với việc tạo ra các tác phẩm có giá từ nửa triệu đến hàng triệu đô la; nhưng lần đầu tiên, tôi đã mang đến những sản phẩm có giá từ 5.000 đô la Singapore đến 50.000 đô la Singapore. Chúng có chất lượng tương đương với những tuyệt tác được bán với giá 5 triệu đô la Singapore”.
SINH RA TRONG MỘT GIA ĐÌNH GIÀU TRUYỀN THỐNG Vihari lớn lên trong một gia đình đã kinh doanh kim cương ít nhất bốn thập kỷ. Ông cố của cô là một nhà buôn kim cương ở Bombay, và ông nội của cô đã tiếp quản cũng như mang sản nghiệp đến Singapore vào những năm 1980 bằng cách đấu giá với một công ty địa phương tại khách sạn Hilton.
Cha cô cũng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, nhưng thông qua lĩnh vực sản xuất. Ông đã mua đá thô từ các mỏ Golconda và Surat khi đó đang còn hoạt động, học cách cắt và đánh bóng chúng trên thiết bị chuyên dụng và rồi đến Singapore khi mới 18 tuổi để bán kim cương cho các nhà bán lẻ ở Lucky Plaza. “Cho đến ngày nay, ông ấy vẫn xem đó mới là một Lucky Plaza thật sự”. Vihari ám chỉ đến việc gia đình cô đã trở thành một nhân tố chính trong lịch sử địa phương.
Cuối cùng, khi người chú của Vihari tiếp quản công việc kinh doanh, cha cô chuyển sang lĩnh vực bán buôn và vận dụng một cách hiệu quả khía cạnh B2B của thương mại.
Vihari nhận xét: “Họ đã phát triển công việc kinh doanh của gia đình thông qua một loạt các tích hợp theo chiều dọc. Họ luôn tập trung vào kim cương, cả trắng và màu, không bao giờ là các loại đá quý khác”. Tuy nhiên, sau khi chế độ quân sự chấm dứt ở Myanmar, gia đình này đã thiết lập mối quan hệ kinh doanh với một số người thân ở đó (bà của Vihari đến từ Myanmar) - những người có quyền tiếp cận các mỏ hồng ngọc. Kể từ đó, các loại đá quý hiếm và được săn lùng nhiều đã được thêm vào danh sách mặt hàng buôn bán của gia đình. MỘT PHONG CÁCH ĐỘC ĐÁO Vihari và anh trai của cô sau đó đã tham gia kinh doanh và trở thành thế hệ thứ tư trong gia đình theo đuổi lĩnh vực thương mại. Mặc dù anh trai cô theo học tài chính ở Boston, thế nhưng anh cũng đã được cha gửi đến Israel để học cách cắt kim cương thô - giống như ông khi còn trẻ. Hiện anh đã thành lập một trụ sở tại Hồng Kông và chuyên cung cấp kim cương cho nhiều thương hiệu khác nhau. Trong khi đó, Vihari cũng được đào tạo và làm việc trong thời gian ngắn với tư cách là một nhà giao dịch nhưng quyết định chuyển hướng. “Việc buôn bán kim cương không dành cho phụ nữ, ít nhất là không dành cho tôi”, - cô giải thích và cho rằng sự thống trị của nam giới là một rào cản.
Thay vào đó, cô đến Florence để học thiết kế trang sức, sau đó theo học tại Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA) ở Carlsbad - nơi cô học những kiến thức cơ bản của ngành này từ tiếp thị đến bán hàng trực quan. Vihari nhớ lại: “Chúng tôi thậm chí còn thực hiện các nghiên cứu điển hình về các thương hiệu xa xỉ như Van Cleef & Arpels và Cartier. Hôn nhân đã khiến các kế hoạch của cô bị đình trệ; cô chuyển đến Bombay cùng chồng nhưng vẫn tiếp
tục theo đuổi niềm tham mê thông qua việc thiết kế dây chuyền đồ trang sức vào thời gian rảnh. Cuối cùng, cô đã thuê một văn phòng ở thành phố Ngee Ann - nơi có một lượng khách hàng là bạn bè và những người được giới thiệu, những người nhìn thấy giá trị và vẻ đẹp trong những món đồ thiết kế riêng của cô - mặc dù giá của chúng rất cao. Không còn nghi ngờ gì nữa, những sáng tạo ấy càng có giá trị hơn khi cô tận dụng được lợi thế dễ dàng tiếp cận được với những viên đá cao cấp nhất mà cha cô cung cấp - mặc dù cô luôn tách bạch rõ ràng rằng thương hiệu Vihari thuộc về pháp nhân kinh doanh riêng mà cô sở hữu. “Họ là nhà cung cấp kim cương duy nhất của tôi. Cha tôi làm công việc tìm nguồn cung ứng, tôi thiết kế và mẹ tôi sản xuất”.
MỘT TƯƠNG LAI ĐẦY HỨA HẸN Cuối cùng, Vihari muốn thu hút khách hàng của mình thông qua các sản phẩm và chất lượng mà cô ấy cung cấp, cùng với việc nhấn mạnh vào sự hiểu biết về đồ trang sức, chất lượng đá quý và đầu tư. Cô chia sẻ rằng “Chúng tôi đi sau Hồng Kông hoặc Đài Loan một chút, nơi kim cương màu và hồng ngọc Miến Điện được nhiều người biết đến và sưu tầm trong mười năm qua. Nhưng người Singapore rất ham học hỏi, đó là lý do tại sao tôi đã tạo ra một không gian để họ có thể đến và hiểu rõ hơn về nguồn gốc những sản phẩm mà họ đang mua”. Bên cạnh một cửa hàng được bài trí và trang bị để hỗ trợ tìm hiểu kiến thức và sở thích về đồ trang sức, Vihari cũng đã đào tạo các thành viên trong nhóm của mình về nguồn gốc của đá, đặc điểm cũng như cách định giá của chúng.
Mặc dù cô ấy là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp, Vihari luôn sẵn sàng tiếp cận một đối tác có thể gia tăng giá trị cho đứa con tinh thần của mình. Gia đình cô có quyền sử dụng các loại đá chất lượng hàng đầu, đặc biệt là kim cương, và cô có kỹ năng thiết kế đáng kinh ngạc. “Nhưng tôi sẽ không cho rằng việc mở rộng và phát triển thương hiệu là thế mạnh của chúng tôi” - cô thẳng thắn thừa nhận. “Nếu tôi tìm kiếm một đối tác thì hẳn người đó sẽ phải giỏi về mảng này.”
Dù không quá mức lạc quan nhưng Vihari dự đoán rằng cô sẽ có thể sẽ tạo nên một thị trường mới ở châu Á, nơi đồ trang sức được đánh giá cao và dễ dàng xuất khẩu, cũng như nơi có chế độ thuế và nền kinh tế ổn định. “Tất cả sẽ phụ thuộc vào cách thị trường phản ứng với ý tưởng cửa hàng của tôi. Tôi không chắc liệu Singapore có đủ lớn để đáp ứng được tham vọng của mình hay không bởi vì đây không phải là một mô hình kinh doanh mà bạn có thể tiếp tục nhân rộng".