BẢN ĐỌC THỬ “THƯỞNG VĂN 12” (TẬP 3)
Tựa sách: Thưởng Văn 12 Tác giả: Võ Phạm Trúc Linh Chứng nhận đăng ký độc quyền Sở hữu trí tuệ, Quyền tác giả tại Cục Bản quyền Tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Số: 9111/2020/QTG. Cấp cho Tác giả đồng thời là Chủ sở hữu: Võ Phạm Trúc Linh. Bản quyền tác phẩm thuộc về Tác giả Võ Phạm Trúc Linh, 2020. Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ. Mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phân phối dưới dạng văn bản in ấn, văn bản điện tử hay chế bản điện tử, đặc biệt là hành vi phát tán hơn 10% nội dung ấn phẩm trên mạng Internet mà không có sự cho phép bằng văn bản của Tác giả Võ Phạm Trúc Linh và Chuyên trang ôn Văn - Thưởng Thức Sách (TTS) đều bị coi là xâm phạm bản quyền. Nghiêm cấm và truy tố mọi biểu hiện in sao bất hợp pháp.
Mọi ý kiến đóng góp về nội dung và bản thảo xin liên hệ:
TTS chân thành cảm ơn.
MỤC LỤC PHẦN I. 30 ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CỦA NHÀ TTS <3 1. TTS - Giá trị của tình yêu thương và sự thấu hiểu. 2. TTS - Cách nuôi dưỡng hạnh phúc từ những điều nhỏ bé. 3. TTS - Sức mạnh tinh thần đoàn kết của dân tộc. 4. TTS - Hạnh phúc là gì? 5. TTS - Tầm quan trọng của thái độ trước nghịch cảnh. 6. TTS - Lòng nhân ái của con người trong cuộc sống . 7. TTS - Sức mạnh của những nỗ lực. 8. TTS - Giá trị của những rạn vỡ và thất bại trong cuộc sống. 9. TTS - Ý nghĩa của việc bình tĩnh trong cuộc sống . 10. TTS - Suy nghĩ về cái riêng, cái độc đáo trong bản thân mỗi người. 11. TTS - Vì sao ta phải có đam mê trong những việc mình làm?. 12. TTS - Ý thức tự giác của mỗi người trong cuộc sống.
13. TTS - Trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. 14. TTS - Ý nghĩa của việc yêu thương, hiếu kính cha mẹ. 15. TTS - Sự trưởng thành trong thế giới nội tâm. 16. TTS - Sức mạnh của ngôn từ. 17. TTS - Ý nghĩa của việc biết tạo ra cơ hội cho bản thân đối với mỗi người trong cuộc sống. 18. TTS - Tầm quan trọng của việc xác lập mục tiêu trong cuộc sống. 19. TTS - Suy nghĩ về việc “chọn trở thành ai” của bản thân. 20. TTS - Ý nghĩa của việc vượt qua “ranh giới” bản thân. 21. TTS - Sự cần thiết phải sống có trách nhiệm với cuộc đời của mình. 22. TTS - Suy nghĩ về hậu quả của “Ô nhiễm trắng” trong đời sống hiện nay. 23. TTS - Ý nghĩa của việc sáng tạo, bước khỏi khuôn mẫu sáo mòn, khô cứng. 24. TTS - Vai trò của việc giữ vững lập trường. 25. TTS - Sự cần thiết của việc sống có ý nghĩa. 26. TTS - Trân quý bình an. 27. TTS - Cách để lan tỏa lời nói và những hành động tử tế.
28. TTS - Thảm hoạ văn hoá làm nhục trên mạng xã hội. 29. TTS - Sức mạnh của niềm hy vọng. 30. TTS - Sức mạnh của lòng kiên trì.
PHẦN 2. 15 BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC CỦA NHÀ TTS <3 1. TTS - Đề 1 - Tác phẩm “Việt Bắc” - Tố Hữu. 2. TTS - Đề 2 - Tác phẩm “Việt Bắc” - Tố Hữu. 3. TTS - Đề 3 - Tác phẩm “Việt Bắc” - Tố Hữu. 4. TTS - Đề 4 - “Tuyên ngôn Độc lập” - Hồ Chính Minh. 5. TTS - Đề 5 - “Đất Nước” - Nguyễn Khoa Điềm. 6. TTS - Đề 6 - Tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” và bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” - Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. 7. TTS - Đề 7 - Tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” Nguyễn Tuân. 8. TTS - Đề 8 - Tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” Nguyễn Tuân. 9. TTS - Đề 9 - Bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” - Hoàng Phủ Ngọc Tường.
10. TTS - Đề 10 - Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài. 11. TTS - Đề 11 - Truyện ngắn “Vợ nhặt” - Kim Lân . 12. TTS - Đề 12 - Truyện ngắn “Vợ nhặt” - Kim Lân . 13. TTS - Đề 13 - Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu. 14. TTS - Đề 14 - “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Lưu Quang Vũ. 15. TTS - Đề 15 - “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Lưu Quang Vũ.
LỜI NÓI ĐẦU TTS-ER ơi… Trong Bộ sách “Thưởng Văn 12” tập 01 và tập 02, chị đã từng viết: “Không có cỗ máy nào có thể khứ hồi những kí ức đã qua của tuổi mười tám, vì vậy, hãy cùng TTS khẽ khàng nâng niu từng trang sách, từng mảnh ghép của hiện tại mà ta đã có cùng nhau, đã kiên trì và mạnh mẽ giữa vạn vạn thăng trầm, em nhé!”, để giờ đây, chị một lần nữa lại cùng các em tiếp nối từng trang sách đã qua, thưởng thức quyển sách thứ ba của Nhà TTS. “Thưởng Văn 12” tập 03 tiếp nối những dạng đề nổi bật trong các năm gần đây, dành cho các em những đoạn văn, bài văn “tham khảo” theo một cách mới mẻ, đặc biệt và trọn vẹn từ chị và các TTS-ER 9+ trong Bảng vàng thế hệ 2k3. Chị mong rằng trong những trang sách này, các em sẽ tìm thấy một “điểm chạm” 9+ nào đó phù hợp với văn phong của bản thân, không còn lạc lối giữa dải thảo nguyên rộng lớn của câu chữ, nồng nhiệt và chu đáo hơn cho trang văn của mình, các em nhé.
Quyển sách này bao gồm 30 đoạn văn Nghị luận xã hội (vượt hơn 200 chữ, chủ yếu để các em tham khảo cách dẫn dắt, diễn đạt và dẫn chứng, kết nối cảm xúc trong một đoạn văn Nghị luận xã hội) và 15 bài văn Nghị luận văn học của Nhà TTS cùng TTS-ER 9+ (bài viết trọn vẹn sau khi TTS-ER đã thi TN THPT và biết kết quả 9+ chính thức) trọng tâm vào các dạng đề phân tích/cảm nhận đoạn trích theo xu hướng ra đề qua các năm. Mỗi đoạn văn, bài văn trong “Thưởng Văn 12” tập 03 đều là tâm huyết và lòng thành chỉn chu từ Nhà Thưởng Thức Sách, mong lưu giữ cùng các em chút phong vị như ý và hợp lòng. Luôn hướng về em - TTS-ER của chị. Ký tên,
Chị Linh TTS - Nhà Thưởng Thức Sách <3
TTS - VÌ MỘT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI SÂU SẮC VÀ SÁNG TẠO HƠN... Xin chào các em! <3 Đó là câu nói quen thuộc của chị mỗi lần livestream trong Khoá học, bắt đầu một bài giảng không kể thời gian cùng TTS-ER. Bây giờ lại thật may mắn khi được gửi lời chào đến các em - vừa là TTS-ER, cũng vừa là học sinh sở hữu quyển sách “Thưởng Văn 12” tập 03 này. Ở Phần I của sách, chị dành cho các em 30 đoạn văn Nghị luận xã hội về 30 chủ đề, đề tài khác nhau, từ hiện tượng đời sống đến tư tưởng đạo lí, giúp các em tham khảo thêm về cấu trúc, diễn đạt, lập luận, dẫn chứng, cách dẫn dắt, truyền tải thông điệp, cảm xúc của mình trong một đoạn văn Nghị luận xã hội. Vì thế, trong những đoạn văn này, ngoài việc dao động từ ⅔ - 1 trang giấy thi, còn có một số đoạn văn vượt một chút dung lượng yêu cầu, vậy nên các em có thể chọn lọc, chắt lọc những ý tưởng, lập luận phù hợp với yêu cầu của
mình để trau dồi, áp dụng một cách hiệu quả nhất, các em nhé. Khi làm một đoạn văn Nghị luận xã hội theo yêu cầu thông thường, sẽ không tránh khỏi có những lúc các em cảm thấy “bí ý” - từ ý dẫn dắt, ý lập luận đến ý tưởng triển khai, thế nên chị cũng chú trọng thay đổi nhiều lối lập luận, diễn đạt khác nhau để các em lựa chọn cách diễn đạt mà mình thích nhất. Song song đó, một đoạn văn Nghị luận xã hội có dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận, làm bật lên quan điểm của các em sẽ giúp đoạn văn thêm thuyết phục, “Nói có sách, mách có chứng” và tạo nên điểm nhấn riêng. Ngoài ra, các em cũng cần chú trọng mạch cảm xúc mà mình gửi gắm vào chủ đề, vấn đề đang nghị luận, bởi đôi khi, các em không chỉ viết đoạn văn để nộp bài, hoàn thành một kì thi, mà các em còn đang đối diện và nghị luận cho bản thân mình. Đã có những lúc, TTS-ER tâm sự rằng bản thân các em ấy cũng mở mang, học hỏi và cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống sau khi luyện các đề Nghị luận xã hội, cùng trao đổi về những vấn đề xã hội với các bạn trong Khoá học. Đôi khi, chúng ta ngày đêm học miệt mài không chỉ bởi vì một kì thi, mà chúng
ta còn đang hoàn thiện tư tưởng, lối sống, sự kỷ luật với mục tiêu của bản thân xuyên suốt một hành trình dài cố gắng. Vì thế, sẽ thật trọn vẹn biết bao nếu các em không chỉ đọc 30 đoạn văn này để tham khảo, mà hãy bắt đầu hành động bằng cách tập áp dụng những điều mình thấy mới mẻ, những điều phù hợp với mình, những cái mình chưa bao giờ thử. Đó cũng là cách các em cùng chị hết lòng với mỗi bước đi của mình, trong từng việc chúng ta làm. Mỗi quyển sách trao đi, mỗi câu chữ được viết ra, mỗi bài văn được nộp đều chứa trong đó một lòng thành tuổi trẻ, một hành trình phấn đấu, một niềm hy vọng ủi an… Chị mong rằng, các em sẽ thật nỗ lực trên hành trình này, cùng Nhà TTS chinh phục và thưởng thức văn chương theo cách trọn vẹn nhất. <3
TTS - TRÍCH LƯỢC 3 ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CÓ TRONG “THƯỞNG VĂN 12” TẬP 03 <3
“Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật quá mong manh, nó khiến mọi người cần sống tử tế và mạnh mẽ hơn”, đó là câu nói của một nữ hộ sinh đã quanh quẩn mãi trong đầu tôi khi xem xong bộ phim VTV Đặc biệt “Ranh giới”. Cuộc đời dẫu là một cuộc đua hay một cuộc thi marathon cần nhiều sức bền, ta đều cần phải vượt qua những mệt nhoài hiện tại để về đích trong vinh quang, vượt ra ranh giới của bản thân để hướng về tương lai rạng rỡ. Ranh giới của mỗi người không giống nhau, đó có thể là những hạn định mà ta giới hạn, kìm nén bản thân mình; đó có thể là khoảng cách mong manh giữa bỏ cuộc và đứng dậy đi tiếp trong
những vấp váp đắng cay; đó còn có thể là khoảnh khắc ngắn ngủi giữa sự sống và cái chết. Dường như, tất cả vui buồn, khổ đau - hạnh phúc trên thế giới này đều cách nhau một lằn ranh vô hình, mà chỉ cần ta yếu đuối, không đủ mạnh mẽ để đi tiếp thì ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Vượt qua ranh giới khiến ta ngày càng vững chãi, kiên cường hơn; trong giây phút ấy, ta thấu hiểu được - mất ở đời, ta can đảm hơn bản thân ngày hôm qua. Giữa những ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành, con người đứng giữa vô số ranh giới, đôi khi mỏi mệt não nề vây kín tâm can, nhưng rồi rất nhiều người đã vượt qua ranh giới ấy, tiếp tục sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng và tiếp tục một cuộc đời đáng sống. Trên con đường theo đuổi và chinh phục ước mơ của bản thân, khi đứng giữa ranh giới của khó khăn, thử thách và lý tưởng, ta nghĩ đến lý do mình bắt đầu, nghĩ đến mọi thứ sẽ tốt đẹp ở phía trước để vượt qua mọi chùng lòng ở hiện tại. Dù là con người hay tất cả mảnh ghép trên Trái đất này đều phải vượt qua từ những ranh giới nhỏ nhất trong cuộc sống để trưởng thành, lớn mạnh, thực hiện và trao đi những giá trị cao đẹp cho đời. Vượt qua ranh giới của bản thân khiến ta chiêm nghiệm về chính mình nhiều hơn, hoàn thiện bản thân từng ngày và không vội vã chạy theo guồng quay của cuộc sống. Giống như Helen Keller từng nói: “Thời khắc lên tới đỉnh núi sẽ chẳng
tuyệt vời được bằng một nửa nếu không phải đi qua những thung lũng tối tăm”, khi nhìn nhận và thấu hiểu được ý nghĩa của ranh giới, tôi càng trân trọng cuộc sống của mình hơn, thôi thúc bản thân phải không ngừng vững lòng tiến về phía trước, mạnh mẽ vượt qua những “thung lũng tối tăm” để hướng về ánh dương tươi đẹp của ngày mai đang đến.
Đã bao giờ ai trong số chúng ta nghĩ rằng mình giống như một con cá tuế, “di chuyển theo bầy đàn từ bên này sang bên kia” như Hae Min Đại Đức từng viết trong quyển sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” hay chưa? Khi ta nhận ra, bản thân từng ít hay nhiều lần chỉ đi theo khuôn mẫu sáo mòn, khô cứng, thì ta càng thấu hiểu được giá trị và ý nghĩa của việc sáng tạo không ngừng nghỉ. Tạo hóa cho con người môi
trường sống mênh mông nhưng chưa bao giờ vạch ra những lối đi sẵn, vì thế, mỗi người luôn phải tự mình khai phá, tìm kiếm, tạo lập thế giới riêng của mỗi cá nhân. Sáng tạo, bước ra khỏi khuôn mẫu chính là hoạt động tìm thấy, làm nên giá trị vật chất và tinh thần mới mẻ mà trước đó chưa từng có. Sáng tạo, dám bứt phá như chiếc chìa khóa khám phá tư duy con người, tạo ra chân lý khoa học cùng kho tàng tri thức vô hạn. Mỗi cá nhân mang trong mình đam mê sáng tạo sẽ luôn có suy nghĩ tích cực, định hình được mình là ai trong cuộc sống để có những hướng đi rõ ràng, những ý tưởng độc đáo, đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, sự sáng tạo, bước ra khỏi khuôn mẫu còn là động lực khơi gợi niềm đam mê tìm kiếm, phát triển thế giới tươi đẹp hơn trong mỗi người. Là một “Quý bà” kiêu sa và tạo ra “chuẩn mực” cho ngành Báo trong hơn 170 mùa xuân đã rộ, nhưng mỗi năm, The New York Times (NYT) lại có một bản báo cáo nội bộ, đề cập đến những sáng tạo của tập đoàn báo chí hùng mạnh này, đồng thời đưa ra hướng đi trong thời gian tới. Ban biên tập NYT từng tuyên bố: “Để tiếp tục thành công, để tiếp tục tạo ra những sản phẩm báo chí khác biệt và tạo ra một điểm đến hấp dẫn hơn nữa chúng ta cần phải thay đổi, phải thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết”. Không thủ cựu mình trong những khuôn mẫu, NYT luôn đi đầu trong chiến lược
“Our Path Forward” - Hướng về phía trước, không ngừng đổi mới và liên tục tạo ra những trào lưu và đi đầu trong nhiều phong cách báo chí, ứng dụng trí thông minh nhân tạo AI và luôn dành cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới mẻ. Câu chuyện ấy cho ta nhìn nhận sâu sắc về ý nghĩa của việc sáng tạo, để từ đó càng thêm hiểu rằng, người không tự rập khuôn, biết tiến lên phía trước và đổi mới bản thân sẽ dễ dàng nhận được thành công, được mọi người quý mến và kính trọng hơn. Tuy nhiên bứt phá, sáng tạo không có nghĩa rằng sẽ bỏ quên đi những chuẩn mực vốn có của đạo đức cũng như thuần phong mỹ tục. Vì vậy, mỗi cá nhân hãy cố gắng rèn luyện, tìm tòi khám phá, có định hướng cho lối đi của riêng mình một cách đúng đắn. “Hãy xây dựng ý kiến chủ quan của mình/ Và trở thành người sáng tạo, tạo nên xu hướng mới/ Hãy phá vỡ những hình mẫu quen thuộc cứng nhắc đi”, đó là thông điệp của Hae Min Đại Đức mà tôi vô cùng trân trọng trên hành trình sáng tạo của mình.
“Rau muống miễn phí... 1kg theo mẫu... Xoài chua lè chua lét 5.000 (đồng)/ kg, ai mua thì bán, ai sin (xin) thì cho” - Đó là nguyên văn những dòng chữ vừa vui nhộn vừa đậm nghĩa tình của anh “Minh Râu” - ông chủ một sạp rau nổi tiếng ở tỉnh Đồng Nai. Cái tên thân thuộc ấy luôn được mọi người nhắc về bằng lòng yêu mến và trân trọng, khiến ta càng thêm hiểu được sự cần thiết của việc sống có ý nghĩa trong cuộc đời này. Cổ ngữ có nói: “Trăm sự do tâm khởi, nụ cười giải ngàn sầu”, sống một cách có ý nghĩa chính là luôn lạc quan, giữ thái độ tích cực tiến về phía trước, nỗ lực không ngừng vì tương lai của bản thân, biết cho đi, sẻ chia với những người bên cạnh. Không cần phải buộc mình trở thành người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội thì mới có thể sống ý nghĩa, mà việc sống có ích ngay từ những hành động đơn giản nhất cũng khiến ta toả sáng và nhận lại niềm vui trong đường đời của mình. Sống một cách có ý nghĩa còn giúp ta ngày càng được mọi người yêu quý, sống giữa
tình yêu thương chân thành, từ đó, ta càng có động lực để không ngừng hoàn thiện chính mình, phát triển năng lực, chinh phục những lý tưởng, ước mơ để đóng góp giá trị bản thân cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là lối sống cần thiết để mỗi người cùng biết trân trọng cuộc sống, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, làm những việc tốt trong khả năng của bản thân, tựa như câu chuyện về ông chủ sạp rau “Minh Râu” suốt tám năm trích thu nhập hằng ngày để có những phần rau miễn phí tặng sinh viên, công nhân nghèo hoặc bất cứ ai cần nó. Trong chương trình Sài Gòn ta thương, anh Minh mộc mạc tâm sự về quan điểm sống của mình rằng: “Cách tốt nhất để trị bệnh chán đời là hãy đứng lên và làm điều gì đó cho cuộc sống xung quanh”. Lời chia sẻ giản dị, hài hước nhưng đã cho ta hiểu về giá trị và sự cần thiết của một lối sống có ý nghĩa, điểm tô cho đời bằng chính sắc màu quý giá của bản thân, đi ngược lại với cuộc sống vô danh, vô tri trong sự tẻ nhạt, khép kín, không dám khẳng định mình, không dám ước mơ mà một số người đã từng không thể thoát ra. Trong dòng đời vội vã ấy, câu thơ của Lê Trà My lại văng vẳng vọng lại từ sâu thẳm trái tim, như nhắc tôi về tấm lòng dành cho cuộc sống này: “Và nếu trăm năm là hữu hạn/ Thì ta hãy sống đẹp cho đời/ Nếu không thể là một vì sao sáng/ Cũng
xin đừng như hạt cát vô tri” (Nếu biết trăm năm là hữu hạn).
TTS - TRÍCH LƯỢC MỘT SỐ ĐOẠN TRONG BÀI PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU CỦA TTS-ER 9.75 ĐIỂM MÔN VĂN CỦA NHÀ TTS <3
[...]
TTS - ĐỀ 07 - TUỲ BÚT “NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ” (NGUYỄN TUÂN) <3 “… Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện. Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm lược qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ đòi lật ngửa bụng thuyền ra. Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên
mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. (Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 186 - 187) Anh/chị hãy phân tích hình tượng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò Sông Đà.
BÀI LÀM: “
Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm
nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ” (Thạch Lam). Người nghệ sĩ chân chính là người luôn muốn khám phá, quan sát, tìm tòi để sự sáng tạo được cất cánh và bay xa cùng vẻ đẹp của con người, của cuộc đời. Và trên con đường đi tìm cái đẹp của mình, ta bắt gặp một Nguyễn Tuân với sự tài hoa, sự uyên bác cùng
một tấm lòng hướng về cái đẹp của nhân dân lao động, cuộc sống đang nảy nở sinh sôi. Khi đến với mảnh đất Tây Bắc xa xôi - nơi “heo hút cồn mây” vắng lặng, nhà văn đã tìm được cho mình ánh vàng đẹp đẽ có trong màu sắc sông núi miền Tây, làm nên tùy bút “Người lái đò Sông Đà” mang đậm nét đẹp vừa hùng vĩ, vừa trữ tình của thiên nhiên tạo hóa. Nổi bật hơn cả trong thiên tùy bút là nét đẹp hung bạo của thác đá sông Đà gầm gào như mãnh thú, đồng thời phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn cũng được đẩy lên thành nét chạm khắc đặc biệt cho toàn bộ tác phẩm qua đoạn trích: “Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá…ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Đuổi theo những chuyến hành trình vạn dặm, người lữ khách gói ghém cho mình một balo chứa đựng những gì là đẹp đẽ, óng ả nhất của cuộc sống, của thiên nhiên đất trời. Nếu như xưa kia Mary Anne Radmacher đã “hoàn toàn thay đổi sau khi nhìn thấy ánh trăng chiếu soi ở nửa bên kia thế giới” khi bà đắm mình trong tư thế của một người lữ khách thì ngày ấy trên văn đàn đất Việt cũng có một bóng hình lăn dài trên mọi triền dốc nở hoa, trên những cung đường ngào ngạt hương sắc, ấy là “người lữ khách” Nguyễn Tuân với niềm đam mê cái đẹp mãnh liệt. Nguyễn Tuân được xem là một trong chín tác gia lớn của văn
học Việt Nam, bậc thầy trong việc sử dụng và sáng tạo tiếng Việt. Là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, một con người dành cả cuộc đời của mình để sáng tạo ra những tác phẩm mang tính duy mỹ và hoàn thiện, ông quan niệm văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo. Nhưng với Nguyễn Tuân, tài phải đi đôi với tâm, ấy là “thiên lương” trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục. Tất cả tài hoa đều được hiện lên trên từng trang tùy bút Sông Đà. Tác phẩm là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi của Tổ quốc trong những năm 1958 - 1960, nơi ông đã khám phá ra chất vàng của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn con người lao động. Thiên tùy bút là khúc tráng ca về thiên nhiên và con người Tây Bắc mà bật là tinh thần sắc nhạy, tinh tế, tài năng của người nghệ sĩ cùng cái phi thường, dữ dội của sóng - gió - nước thác - đá sông Đà hung bạo. Nét hung bạo của Đà giang hiện lên thật rõ ràng ngay từ lời đề từ “Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu”. Khởi sinh từ mảnh đất Vân Nam, Trung
Quốc, qua trăm lần uốn lượn, dòng nước ấy đã “xin được nhập quốc tịch” vào đất nước Việt Nam ta. Như nằm tách biệt khỏi mọi dòng chảy “giai đông tẩu”, sông Đà mang cho mình một sự ngang bướng, ngông nghênh mà bẻ ngược dòng “độc bắc lưu”. Chính từ ấy, hun đúc cho con sông một bản tính gân guốc, hằn học, hung dữ vô cùng như muốn hút lấy, nhấn chìm, nuốt chửng hết thảy tàu thuyền xâm phạm vào lãnh địa của nó. Như Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nói: “… Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả nói “hung bạo và trữ tình”. Từ những tài hoa, uyên bác, tinh tế, Nguyễn Tuân đã thành công vẽ nên hình tượng con sông Đà hung bạo, dữ dằn nơi thượng nguồn con nước. Ánh mắt người nghệ sĩ bao rộng khắp thiên nhiên để bắt trọn những gầm réo dữ dội của dòng sông Đà qua từng thành vách, từng hình ảnh, âm thành sống động. Cảnh đá bờ sông dựng vách thành đã ghi một dấu ấn tượng trong lăng kính của người lữ khách về sự sắp xếp đồ sộ và kỳ vĩ. Hai bên bờ sông hoang hoải và rộng lớn, những phiến đá xếp tầng tạo nên một bức tường thành uy nghi, cao vút như thể chạm tới từng
“cồn mây” xa thẳm. “Mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời” là một sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế nhạy bén của nhà văn. Ánh sáng có sức mạnh to lớn có thể xuyên qua những tán rừng già bạt ngàn, có thể soi tận đáy sông qua mặt nước lóng lánh, vậy mà nơi thành quách uy kia, chỉ giữa trưa đúng ngọ mới có thể cảm nhận được nguồn ánh sáng chói lòa chiếu vuông góc xuống mặt sông lấp lánh. “Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Liên tiếp là những hình ảnh miêu tả sự hun hút, chật hẹp của thành vách sông Đà được Nguyễn Tuân sáng tạo, liên tưởng một cách thu hút. Phép so sánh “thành chẹt lòng sông như một yết hầu” càng nhấn mạnh hình ảnh vách đá hẹp đến nghẹt thở, kiểm soát bất kì điều gì, bất cứ thứ gì đi qua. Hai bên vách gần nhau đến độ có thể nhẹ tay “ném hòn đá” từ bên này sang bờ kia, thậm chí cả nai, hổ cũng có thể bật nhảy qua vách một cách dễ dàng. Tính chất nhỏ hẹp của thành đá được Nguyễn Tuân ưu ái sử dụng liên tiếp ba hình ảnh chân thực sống động để miêu tả và chỉ duy một mục đích đó là giúp độc giả có thể hình dung tường tận cảnh đá bờ sông dựng vách thành chật hẹp, nghẹt thở ra sao. Không chỉ đơn giản dừng lại ở thị giác, Nguyễn Tuân đã đưa bạn đọc trải qua mọi cung bậc cảm nhận
của xúc giác và ánh mắt ngập tràn vẻ hùng vĩ, cao hun hút của thành quách sông Đà. Một phép so sánh tài tình nữa được nhà văn hạ bút khiến ta càng thêm ngỡ ngàng, bất ngờ trước vẻ uy nghi rộng lớn của thiên nhiên Tây Bắc. “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào từ cái tầng nhà thứ mấy nào vừa phụt tắt đèn điện”. Câu văn so sánh mang một hình dung, cảm nhận độc đáo. Giữa oi bức, gắt gỏng của cái nóng mùa hè, thế nhưng khi con đò nhỏ bé kia đi sâu vào giữa hai bên vách núi, cảm giác mát lạnh đột ngột ập ào khiến cho con người như vừa đi vào một thế giới khác, thế giới của sự lạnh lẽo, hoang vu, heo hút. Không chỉ nhiệt độ bị thay đổi đột ngột mà đến ánh sáng cũng đột ngột vụt tắt. Liên tưởng so sánh của nhà văn mang dư vị riêng mà chỉ có ông mới có thể hạ được những câu từ mang đậm chất “Nguyễn Tuân” đến như vậy. Không gian mênh mang, lạnh lẽo, im ắng, thành vách chật hẹp, ngột ngạt như đang giấu giếm một điều gì bất ngờ đang chờ đón con người - những kẻ đã dám xâm phạm vào lãnh địa riêng của thủ lĩnh Đà giang hung ác.
[ĐỌC CHI TIẾT TRONG “THƯỞNG VĂN 12” TẬP 03] <3
[...] Và cũng thật tình cờ, những con sông Việt Nam có lẽ mang một “ma lực” nào đó, thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của vô số người làm văn để rồi từng con sông đi vào trang viết một cách rất đẹp, vô cùng tự nhiên sống động. Nhà nghiên cứu Buyphông từng nói: “Phong cách chính là người”. Đúng như vậy, xuất phát từ nét chung tài hoa - uyên bác nhưng được thể hiện rất riêng trong tác phẩm của mình, điều đó đã làm nên nét độc đáo riêng nhất của mỗi nhà văn. Cùng viết về dòng sông với bao niềm say mê xúc cảm nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về sông Hương như người con gái Digan man dại nơi rừng già xanh thẳm, còn Nguyễn Tuân xây dựng hình tượng con sông Đà như loài thủy quái, như “kẻ thù số một” của con người lao động Tây Bắc. Nhưng suy cho cùng, dù là ai, dù là dòng sông nào cũng đều chan hòa trong văn hóa xứ sở và đậm đặc cái nhìn tin yêu ca ngợi cuộc đời, ca ngợi quê hương đất nước của người nghệ sĩ. Nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ ngay đến sự tài hoa uyên bác, cái ngông trong lối văn đặc sắc cùng phong cách nghệ thuật độc đáo của ông. Như Nguyễn Đăng Mạnh từng khẳng định: “Khi thi
trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như vứt ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa”. Nguyễn Tuân để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc bởi khi tri thức uyên bác của nhiều ngành nghề phô diễn trên từng trang viết như thể thao, quân sự, địa lí, lịch sử…để lột tả tất thảy hình tượng con sông Đà đa nét tính cách, đa hình dạng, màu sắc, âm thanh. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân đặc sắc còn bởi sự chuyển mình đầy “ngoạn mục” của nhà văn trước và sau Cách mạng thành công. Nếu trước kia, Nguyễn Tuân như một người thu lượm những cánh hoa tàn của thời quá khứ, mang niềm mong mỏi về những vẻ đẹp “Vang bóng một thời” thì giờ đây, mang theo đam mê khai phá khắp miền xứ sở để tìm kiếm “gấm hoa thêu chữ vàng”, Nguyễn Tuân đã thoát mình khỏi khát khao níu giữ vẻ đẹp “Vang bóng một thời” và ẩn đi “Chiếc lư đồng mắt cua” đầy u uất trước cuộc đời tù đong, thác loạn để hòa nhập vào cuộc sống nhân dân, phát hiện và nâng niu vẻ đẹp bình dị, óng ả của thiên nhiên và con người lao động. Nguyễn Tuân luôn quan sát, khám phá và diễn tả sự vật ở góc độ thẩm mĩ và được soi rọi dưới ánh sáng của nghệ thuật; quan sát, khám phá con người nghiêng về phương diện tài hoa nghệ sĩ. Tô đậm cái phi thường gây cảm giác mãnh liệt dữ
dội, Nguyễn Tuân lựa chọn sử dụng biệt tài miêu tả tài hoa, tả đến “Sơn cùng thủy tận”, uống rượu cả cấn “Dĩ tận vĩ độ”, cùng tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc đậm đà qua những trang văn; vận dụng thể tùy bút linh hoạt, sáng tạo làm nên giá trị lâu bền của thiên tùy bút “Người lái đò Sông Đà”. “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình”. Nguyễn Tuân đã tạo lập cho mình một phong cách nghệ thuật độc đáo, văn chương tài hoa, uyên bác, là một định nghĩa về người sĩ. Khi đọc thiên tùy bút về Đà giang, ta thấy được cảm hứng nghệ thuật mạnh mẽ cùng tình yêu con người thời đại mới của đất nước trong Nguyễn Tuân. Với ngôn ngữ tùy bút đầy chất thơ kết hợp với những câu văn ngắn, dài tạo nhịp khúc khuỷu và hình ảnh nhân hóa đầy ấn tượng của Đà giang xuyên suốt thiên tùy bút, nhà văn thành công đưa người đọc du ngoạn khắp các triền đồi nở hoa thơm ngát, khắp các ngọn dốc, non cao, sông nước dạt dào. Trong kho ngôn từ Việt, ngôn ngữ mang sắc thái nguyên thủy tĩnh, lạnh. Tài năng của người nghệ sĩ là biến ngôn từ thành những chất liệu có sự chuyển động trên từng trang viết và phả vào câu chữ dòng nhiệt huyết căng tràn. Nguyễn Tuân đã
khiến cho con chữ dạt dào sự sống, khiến con sông Đà hiện lên như một sinh thể hoàn thiện từ hình dáng tới tính cách đặc sắc. Trên dòng sông chữ nghĩa của thiên tùy bút, nhà văn đã trở thành “người lái đò” chèo lái con đò văn chương của mình đến bến bờ của cái đẹp, ngợi ca vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên, đất nước và con người lao động ở Tây Bắc - mảnh đất vùng rẻo cao khoác lên mình một màu áo tràn đầy sức sống. Một “Sông Đà”, một Nguyễn Tuân, một thiên nhiên dữ dội, một người nghệ sĩ tài hoa. Tùy bút của Nguyễn Tuân chân thực mà hấp dẫn là vậy. Hơn sáu mươi năm tập tùy bút Sông Đà ra đời và đã hơn ba mươi năm văn đàn Việt Nam vắng bóng Nguyễn Tuân - một con người suốt đời kiếm tìm cái đẹp ấy, một nhà văn của “hình dung từ” ấy sẽ nở một nụ cười kiêu bạc, tâm đắc với những gì đất nước đã nỗ lực từng ngày đến hôm nay. Ngày ấy, Tây Bắc hoang sơ có chú hươu đầu nhung thơ ngộ nhìn bác Nguyễn như muốn hỏi sự thực thà. Ngày nay Tây Bắc đã có nhiều bước khởi sắc mới nhưng nét cổ điển và thanh khiết của núi rừng và nụ cười chân chất của người lao động miền Tây vẫn còn nồng đượm trang đời. Văn chương của Nguyễn Tuân mang đến cho chúng ta một chân trời rộng lớn riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo, một áng văn đẹp làm
nên từ tình yêu đất nước thiết tha của người nghệ sĩ tài hoa ấy. (TTS-ER Đinh Thị Bích Hậu Văn 9.75+ trong kì thi TN THPT - THPT QG 2021 - 2022, TTS-ER Khoá học Văn Chuyên sâu Kiến thức và Chuyên sâu Luyện đề của Nhà TTS, Thủ khoa C00 tỉnh Quảng Ninh năm 2021 Tổng điểm 29; Ngữ Văn: 9.75, Lịch sử: 9.75, Địa lí: 9.5, Á khoa toàn quốc khối C năm 2021).
🌿 Các em có thể nhắn cho page 𝐓𝐓𝐒 hoặc chị Linh 𝐓𝐓𝐒
(https://www.facebook.com/LinhinTTS/) để liên hệ đặt sách nhé. <3