CÁC CÁCH THỨC CHẾ NGỰ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC ĐỖ MINH KHÔI * * ThS. Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh 1. Đặt vấn đề Tìm hiểu về nhà nước chúng ta không thể tách rời vần đề về quyền lực nhà nước. Những vấn đề cơ bản nhất về nhà nước như bản chất, chức năng, bộ máy, hình thức chính thể, thực chất chính là việc xác định quyền lực nhà nước thuộc về ai, được thực hiện như thế nào và nhằm mục đích gì. Về mặt lý thuyết, trong các giáo trình lý luận về nhà nước và pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa có sự quan tâm đúng mức đến khái niệm quyền lực nhà nước và từ đó cũng chưa đặt ra vấn đề chế ngự quyền lực nhà nước[1]. Sự thiếu quan tâm cũng có thể xuất phát từ một nhận định của Lênin là: “Chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản là một chính quyền do giai cấp vô sản giành được và duy trì bằng bạo lực đối với giai cấp tư sản, chính quyền không bị một luật pháp nào hạn chế cả” [2]. Về mặt thực tế, hầu hết các nước đều ghi nhận quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhưng chỉ có 55% nhà nước trên thế giới được coi là dân chủ, tức là vẫn còn gần một nửa số nhà nước trên thế giới vẫn thực hiện chế độ chuyên chế mà ở đó quyền lực nhà nước chưa bị chế ngự bởi nhân dân và vì nhân dân [3]. Trong xã hội hiện đại, dân chủ với ý nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã trở thành một yêu cầu quan trọng nhất. Nhưng trước khi dân thực sự làm chủ, quyền lực nhà nước cần phải bị chế ngự nhằm loại trừ một nghịch lý là quyền lực nhà nước của nhân dân nhưng nó đe dọa chính nhân dân. 2. Sự cần thiết phải chế ngự quyền lực nhà nước Nếu như quyền lực nhà nước được thực hiện bởi những người có đức hạnh và tài năng và với mục đích vì nhân dân thì sự chế ngự quyền lực nhà nước là vô nghĩa và cũng không cần thiết phải xác định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong hiến pháp và các bản tuyên ngôn. Lịch sử đã cho thấy sự tàn bạo của của nền quân chủ chuyên chế và chế độ độc tài phát xít khi quyền lực nhà nước không bị hạn chế. Hơn nữa, nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước không thể thụ động trông chờ vào “sự ban phát” của kẻ nắm quyền lực nhà nước. Trong chế độ chuyên chế thần quyền, những lãnh tụ là người “cõi trên” do vậy quyền lực cai trị không thể bị nghi ngờ. Tuy nhiên, đa số nhân dân không tin là mình được thần thánh cai trị và chính những người cai trị biết rõ nhất mình có là thánh thần hay không. Cũng có quan điểm cho rằng không nên hạn chế quyền lực vì sự tin tưởng vào đạo đức của người cai trị. Nhưng cai trị bằng đạo đức là lý tưởng hơn là một thực tế vì lịch sử cho thấy các vị vua và các lãnh tụ cai trị bằng nhân đức không nhiều. Hơn nữa, chỉ điều chỉnh các quan hệ quyền lực bằng các quy tắc đạo đức, bằng nhân nghĩa trong điều kiện phát triển của chế độ tư hữu và xung đột giai cấp gần như là không thể vì các quy tắc đạo đức rất đa dạng và không thể xác định rõ ràng. Xét về mục đích, mục đích thứ nhất và quan trọng nhất của việc chế ngự quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa sự chuyên chế, lạm dụng quyền lực. Trong hầu hết các chính thể hiện đại, nguồn gốc quyền lực nhà nước được ghi nhận là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nhưng quyền lực này chủ yếu được thực hiện thông qua các đại diện của nhân dân. Vì quyền lực không do dân trực tiếp thực hiện nên không có sự đảm bảo tuyệt đối là quyền lực nhà nước không đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Ở góc độ này, sự chế ngự quyền lực giúp hạn chế sự lạm dụng quyền lực nhà nước và đảm bảo cho việc thực hiện quyền lực nhà nước phải vì lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, sự chế ngự quyền lực nhà nước không chỉ ngăn ngừa sự chuyên chế và lạm dụng mà nó còn có mục đích đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực hiện một cách có hiệu quả và có trách nhiệm. Có quan điểm đối lập tính hiệu qủa với sự chế ngự quyền lực nhà nước, chế ngự sẽ trói buộc nhà nước và do vậy dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong quản lý nhà nước. Vấn đề thực sự là nhân dân trước tiên và cần thiết phải tránh được điều tồi tệ xảy ra do sự chuyên chế và lạm dụng quyền lực
nhà nước trước khi đạt được những điều tích cực khác từ quyền lực nhà nước. Nói một cách ngắn gọn, chuyên chế có thể hiệu quả trong một mặt nào đó nhưng nó chắc chắn dẫn có rủi ro do sự chuyên quyền, sự chế ngự có thể cản trở nhà nước nhưng nó giúp hạn chế sự rủi ro từ chính nhà nước. Tính hiệu quả của quyền lực nhà nước phải được xác định với một tiêu chí quan trọng nhất là ý chí của nhân dân. Hay nói cách khác, việc thực hiện quyền lực nhà nước được coi là hiệu quả nhất khi nó không trái với lợi ích và ý chí của nhân dân. Trên thực tế, sự chuyên chế có thể mang lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế nhưng sự tăng trưởng này không đảm bảo là toàn dân được hưởng lợi như nhau, đặc biệt là người nghèo và những tầng lớp dễ bị tổn thương nhất. Mặt khác, sự chế ngự quyền lực cung cấp cơ chế báo động để “ngăn chặn những thảm họa” mà việc thực hiện quyền lực một cách chuyên chế không thể có được [4]. Quyền lực nhà nước không thể có hiệu quả nếu thảm họa xảy ra, đặc biệt là thảm họa do sự chuyên chế trong việc thực hiện quyền lực nhà nước mang lại. Những mục đích của việc chế ngự quyền lực nhà nước phải trong một chỉnh thể thống nhất và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Không thể chỉ dừng lại ở sự lạm dụng mà cần phải chế ngự nhằm đạt hiệu quả trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Sự thực hiện quyền lực nhà nước phải đạt được hiệu quả cao trong chừng mực nó không bị lạm dụng. Sự cần thiết chế ngự quyền lực nhà nước cũng xuất phát từ ý nghĩa của việc chế ngự. Tuy sự chế ngự quyền lực không thể chỉ bằng các quy tắc đạo đức nhưng nó lại có ý nghĩa đạo lý vì sự lạm dụng quyền lực nhà nước chính là sự vi phạm đạo lý, coi thường quyền lực của nhân dân và góp phần làm suy giảm đạo đức trong xã hội. Sự chế ngự quyền lực có ý nghĩa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước phát huy dân chủ và ý thức chính trị của nhân dân. Một trong những đặc trưng quan trọng nhất của quyền lực nhà nước là tính độc quyền sử dụng sức mạnh vũ lực, hay được coi là là sự độc quyền sử dụng sức mạnh cưỡng chế với toàn thể cư dân. Không một chủ thể nào có thể cạnh tranh với nhà nước trong việc sử dụng sức mạnh cưỡng chế [5]. Hơn nữa, quyền lực nhà nước lại dựa trên nguồn của cải vật chất to lớn và bộ máy đồ sộ cho nên nó trở nên nguy hiểm đối với lợi ích hợp pháp của các cá nhân công dân. Xuất phát từ đặc tính này của quyền lực nhà nước cho thấy sự cần thiết phải chế ngự quyền lực nhà nước. 3. Các phương thức hạn chế quyền lực nhà nước Các phương thức chế ngự quyền lực đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử. Nhưng các phương thức này chỉ hoàn thiện với cách mạng tư sản vì cách mạng tư sản không chỉ chế ngự sự chuyên chế, lạm dụng quyền lực của triều đình phong kiến mà nó còn đấu tranh cho tự do, bình đẳng. Tuy nhiên, chúng chỉ mới mang tính hình thức vì chưa xóa bỏ hoàn toàn chế độ tư hữu, một nguồn gốc cơ bản của sự bất bình đẳng. Theo lịch sử phát triển nhà nước, có những phương thức chế ngự quyền lực nhà nước cơ bản như sau:- Phân quyền: Nhiều học giả đồng ý rằng, quyền lực chỉ có thể hạn chế bởi chính quyền lực mà thôi. Vì thế muốn hạn chế quyền lực phải dùng quyền lực bằng việc phân quyền. Học thuyết phân quyền được hình thành trong cuối thời kỳ phong kiến với những học giả như John Loke, Montexque... nhằm hạn chế quyền lực chuyên chế của triều đình phong kiến. Sự phân quyền không chỉ thành ba nhánh theo chiều ngang mà còn phân quyền theo chiều dọc giữa trung ương và địa phưong, giữa nhà nước liên bang và tiểu bang. Sự phân quyển có thể triệt để hay không triệt để nên có người sử dụng khái niệm phân quyền mềm và cứng. Sự phân quyền không chỉ trong lĩnh vực pháp lý mà trong cả lĩnh vực chính trị vì quyền lực nhà nước nằm trong hệ thống quyền lực xã hội và có mối liên hệ chặt chẽ với quyền lực chính trị. Ví dụ như chế độ đảng đối lập hợp pháp trong nghị viện hoặc có người nói đến sự cân bằng và đối trọng của hai hay nhìều đảng chính trị trong bầu cử. Ở một góc độ nào đó, quá trình phi tập trung các quá trình ra quyết định cũng được coi là một dạng biểu hiện của phân quyền. Có quan điểm cho rằng sự “khinh thường” quyền lực ở phương Tây tỏ ra phù hợp hơn với thuyết phân quyền. Sự tôn kính quyền lực trong các nước mang “giá trị châu Á” sẽ phù hợp hơn với sự tập trung quyền lực[6]. Nhưng cho đến nay những người ủng hộ “giá trị châu Á” buộc phải thừa nhận sự “khinh
thường” quyền lực sẽ góp phần cho chủ nghĩa tự do phát triển và tự do đến lượt nó tỏ ra rất cần thiết trong một nền kinh tế tri thức đòi hỏi tính sáng tạo cao [7]. - Chủ nghĩa lập hiến và nhà nước pháp quyền: Chủ nghĩa lập hiến được định nghĩa là: “Sự cai trị bằng pháp luật. Nó đặt giới hạn cho quyền lực nhà nước, xác định quyền của cá nhân và trù liệu sự lạm quyền của nhà nước”[8]. Chủ nghĩa lập hiến hay sự cai trị của hiến pháp chính là một nội dung cốt lõi của tư tưởng nhà nước pháp quyền và là nền tảng cơ bản của nền dân chủ. Tính ưu trội của hiến pháp với quyền lực nhà nước hay sự hạn chế quyền lực nhà nước bằng hiến pháp cũng là một phương tiện chế ngự quyền lực nhà nước. Như vậy sự hạn chế của hiến pháp thể hiện trong hai nội dung cơ bản nhất của hiến pháp; đó là cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước phải phù hợp với hiến pháp. Đồng thời xác định quyền của cá nhân trong hiến pháp như là một sự bảo vệ trước sự lạm quyền của nhà nước. Bản thân sự ra đời của nhà nước pháp quyền chính là nhằm mục đích chống lại sự chuyên quyền của cả nhà vua cũng như nhà nước. Dấu ấn đầu tiên trong lịch sử là bản Đại hiến chương Magna Carta năm 1215 trong đó buộc nhà vua phải tôn trọng quyền của các thương nhân Anh. Giai cấp tư sản đã mở rộng hơn nữa sự hạn chế quyền lực nhà nước vì lo sợ quyền lực nhà nước sẽ đe dọa sự tư do của giai cấp tư sản. Vì thế trong thời gian này quan điểm coi nhà nước như “người lính gác đêm” hay “nhà nước tốt nhất là cai trị ít nhất” trở nên phổ biến. Đương nhiên pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải thể hiện ý chí của nhân dân và để đảm bảo cho ý chí của nhân dân thông qua đại diện của mình. Vì vậy, có thể cho rằng thuyết phân quyền được coi như là “anh em song sinh” với nhà nước pháp quyền. Như vậy, nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa lập hiến ra đời như là một phương tiện để chế ngự quyền lực chuyên chế của triều đình phong kiến và chế ngự quyền lực chuyên chế của nhà nước. Điều cần lưu ý ở đây là sự phân quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền bắt buộc phải có mục đích dân chủ. Nếu không, sự phân quyền chỉ là cơ chế giải quyết xung đột trong nội bộ giai cấp thống trị trước sự đấu tranh của toàn thể nhân dân lao động và nhà nước pháp quyền sẽ trở nên vô nghĩa khi ý chí của pháp luật không phải là ý chí của toàn thể nhân dân mà là ý chí của chính nhà nước. - Vai trò bảo vệ hiến pháp của tư pháp: Vai trò chế ngự quyền lực của tư pháp chính là quyền xem xét tính hợp hiến trong hoạt động của lập pháp và hành pháp. Thực chất vai trò bảo vệ hiến pháp của tư pháp chính là sự “kéo dài” của thuyết phân quyền và chủ nghĩa lập hiến. Tuy nhiên, gần đây trong lý thuyết cũng như thực tế, vấn đề này được xem như là một nội dung quan trọng để hạn chế quyền lực chuyên quyền. Do yêu cầu bảo vệ tính tối cao của hiến pháp, việc hình thành một cơ quan bảo hiến và ngăn chặn sự vi hiến cũng là hạn chế lạm quyền. Vì vậy, sau thế chiến thứ hai, cùng với xu hướng xây dựng một “nhà nước mạnh”Ở nhiều quốc gia đã hình thành tòa án hiến pháp. Trong điều kiện hiện nay, nếu hiến pháp là một bản văn pháp lý thể hiện ý chí tối cao của nhân dân và quyền lực của nhân dân, hiến pháp đó cần phải được bảo vệ. Nếu hiến pháp chỉ là một đạo luật đặc biệt của nhà nước được sửa đổi với 2/3 quốc hội lập hiến và lập pháp, hiến pháp này cũng cần được bảo vệ nhưng trước hết nó bảo vệ hiến pháp của quốc hội; nó chỉ bảo vệ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân chừng nào quốc hội đó thực sự là đại diện và thể hiện ý chí của nhân dân. Việc thiết kế cơ chế bảo hiến rất đa dạng bởi sự đa dạng của các hình thức chính thể và có hiến pháp thành văn hay không. Với những nước theo mô hình cộng hòa tổng thống, tòa án tối cao đảm nhiệm vai trò bảo hiến. Đối với những nước theo chế độ đại nghị, vai trò bảo hiến của tư pháp góp phần hạn chế chuyên quyền khi nghị viện và chính phủ do một đảng chiếm đa số chi phối. Với những nước không có hiến pháp thành văn và mang hình thức chính thể đại nghị, cơ chế bảo vệ những luật và tập quán pháp pháp lý có tính chất hiến pháp được bảo vệ không chỉ bằng sự độc lập của tòa án mà bằng cả tập quán chính trị pháp lý cũng như chế độ đảng phái.
- Ghi nhận quyền con người và quyền cơ bản: Chống lại sự lạm dụng quyền lực, ta thường hướng đến chủ thể có quyền lực, ràng buộc hành vi, giới hạn hoạt động của chúng, dùng cơ quan khác đối trọng... Nhưng sự hạn chế quyền lực cũng cần hướng đến những chủ thể chịu ảnh hưởng của sự lạm dụng quyền lực, đó chính là các cá nhân. Mục đích cao cả của hạn chế quyền lực là thực hiện dân chủ, mở rộng sự tham gia của nhân dân vào quyền lực nhà nước, đảm bảo quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, điều cần thiết và rất quan trọng trước khi nhân dân có thể thực hiện quyền lực của mình phải có sự bảo vệ cho những quyền tối thiểu để tồn tại thì mới có thể tham gia vào mức độ thứ hai của dân chủ. Không thể có sự hạn chế quyền lực chuyên chế mà không có sự bảo vệ quyền cơ bản của cá nhân. Hạn chế quyền lực chuyên chế không chỉ là phân quyền, đối trọng, ràng buộc nhà nước bằng pháp luật mà cần phải vạch ra những “vùng cấm” cần được tôn trọng và bảo vệ bởi chính nhà nước. Vùng cấm ở đây có thể được hiểu là những quyền con người và quyền cơ bản của công dân mà nhà nước không thể vi phạm và đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ. Nói một cách ngắn gọn, chế ngự quyền lực nhà nước có thể bằng cách ghi nhận quyền con người và quyền công dân ở vị trí “thiêng liêng” nhất trong hiến pháp. - Sự giám sát của nhân dân: Sự hạn chế quyền lực chuyên chế của nhà nước cần phải được mở rộng ra toàn bộ phạm vi xã hội. Sự giám sát này thông qua cơ chế tự do ngôn luận, tự do thông tin, bàn bạc tranh luận. Nhân dân có thể kiểm tra và theo dõi việc thực hiện quyền lực nhà nước và có thể thách thức hoặc “đạp đổ” hoặc “đuổi chính phủ đi” [9]. Sự giám sát của nhân dân sẽ dẫn đến một hệ quả rất quan trọng là nhân dân sẽ chế ngự bằng việc biểu tình phản đối hoặc thay đổi chính phủ một cách hòa bình hoặc phương thức cuối cùng là nổi dậy bằng khởi nghĩa, đấu tranh vũ trang. Tuy nhiên, điều kiện cho sự giám sát của nhân dân phải là sự tự do thông tin, đặc biệt là thông tin về chính nhà nước hay sự cai trị minh bạch. Sự chuyên quyền có thể xảy ra nếu nó được núp trong bóng tối. Sự ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của cử tri có thể thực hiện bằng cách không cung cấp thông tin hoặc thông tin sai lệch. Tóm lại, chỉ có thể phán xét sự chuyên quyền nếu có được thông tin chính xác và đầy đủ, ít nhất là thông tin về chính sự chuyên quyền đó. Mặt khác, tự do thông tin cũng nâng cao nhận thức và kỹ năng phán xét đối với sự lạm dụng quyền lực. Như chúng ta đều biết, không thể chất vấn các quan chức nếu không có thông tin cũng như sự hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên ngành. Nếu không được như vậy, cũng cần phải có kỹ năng đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát của cơ quan đại diện của nhân dân. Để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển hòa bình, tránh bạo lực hỗn loạn, cần thiết kế những cơ chế cho sự chế ngự quyền lực nhà nước bởi nhân dân một cách hòa bình và dự liệu trước được. Với ý nghĩa này, pháp luật về thông tin, ngôn luận, lập hội, biểu tình có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đảm bảo cho quyền lực thuộc về nhân dân mà còn là tạo điều kiện cho việc giải quyết xung đột một cách hòa bình, ổn định cho xã hội và cho chính sự tồn tại của nhà nước. Một trong những cách chế ngự quyền lực nhà nước bởi nhân dân được thực hiện thông qua cơ chế đảng phái. Sự tranh cử của các đảng một cách công khai đã giúp nhân dân có khả năng lựa chọn những đường lối cai trị hiệu quả hơn và hạn chế sự lừa dối cử tri vì các đối thủ tranh cử ngang nhau về phương tiện, bộ máy, động lực và sự chuyên nghiệp. Nói một cách ngắn gọn, sự cạnh tranh giúp nhân dân thực sự lựa chọn, chọn ra người cai trị cho mình. Hơn nữa, đảng đối lập vẫn tiếp tục theo dõi và chỉ trích đảng thắng cử và tiếp tục giúp nhân dân giám sát sau bầu cử. Sự chế ngự quyền lực nhà nước của nhân dân như trên có ý nghĩa rất quan trọng và thể hiện tính chất dân chủ của sự chế ngự quyền lực nhà nước. Đối với những nhà nước không áp dụng triệt để phân quyền, hiến pháp không thành văn như nước Anh, sự chế ngự quyền lực bởi nhân dân sẽ đóng vai trò quan trọng nhất để đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự vì dân. - Giám sát từ bên ngoài: Tuy có rất nhiều phương tiện để hạn chế sự lạm dụng quyền lực như trên nhưng thực tế cho thấy hiện tượng chuyên chế độc tài vẫn còn tồn tại trên thế giới. Ở một số nước, giai cấp thống trị đã đặt lợi ích toàn xã hội lên một canh bạc với con bài mà chắc chắn sẽ thất bại.
Chúng ta không ủng hộ việc lạm dụng can thiệp nhưng chắc chắn không thể chấp nhận sự đàn áp một cách chuyên chế của nhà nước với chính nhân dân của nó. Chính vì vậy, quyền lực nhà nước cũng phải bị chế ngự từ bên ngoài. Sự chế ngự phải chính đáng và thể hiện ý chí tiến bộ của nhân loại nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền con người hoặc thảm họa diệt chủng. Mặc dù còn quá sớm để nói đến một nhà nước toàn cầu nhưng cần có những tổ chức quốc tế hợp pháp, chính đáng nhằm chế ngự một số nhà nước chuyên quyền. Như vậy, sự giám sát và chế ngự quyền lực nhà nước từ bên ngoài rất quan trọng và nó càng có ý nghĩa hơn trong quá trình toàn cầu hóa. Cũng cần phải lưu ý thêm là, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tôn giáo quá khích và chủ nghĩa khủng bố đã giúp hình thành học thuyết “can thiệp nhân đạo”, “vượt trên, ngăn chặn”, “quyền tấn công phủ đầu”... được che đậy bởi lý do dân chủ, nhân quyền. Sự can thiệp nhân đạo theo đúng nghĩa của nó hiện nay dễ bị lạm dụng và nó chính cũng là sự lạm dụng quyền lực. - Sự kết hợp các phương pháp hạn chế quyền lực: Về mặt lý thuyết cũng như thực tế cho thấy, nếu muốn hạn chế quyền lực không thể tách biệt các phương thức hạn chế cơ bản đã nêu ở trên. Các phương thức này đều chia sẻ một mục đích chung là hạn chế sự lạm quyền và bảo vệ quyền tự do của cá nhân, đảm bảo quyền lực tối cao thuộc về nhân dân; vì vậy, chúng cần phải được kết hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một cách nhịp nhàng. Ví dụ, ghi nhận và bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một nội dung của chủ nghĩa lập hiến hoặc sự giám sát của nhân dân phải tương thích với nội dung của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, tức là nhân dân chế ngự quyền lực phải theo pháp luật và trong khuôn khổ pháp luật nhằm đảm bảo trật tự và phát triển. 4. Kết luận chung Quyền lực nhà nước cần phải bị chế ngự nếu như nó không do chính nhân dân trực tiếp thực hiện. Nếu như sự chế ngự quyền lực là cần thiết thì việc xác định mục đích của việc chế ngự quyền lực nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng. Mục đích chế ngự quyền lực nhà nước phải ngăn chặn sự chuyên chế và lạm dụng đồng thời chế ngự cũng phải đảm bảo quyền lực đó phải được thực hiện một cách hiệu quả. Những phương pháp chế ngự quyền lực nhà nước rất đa dạng và với tư cách là một phương thức, chúng phải được đặt trong một điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa... nhất định nhằm đạt được mục đích cuối cùng là thực hiện dân chủ và phát triển. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc tìm hiểu và so sánh những phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước là rất cần thiết. Điều này càng trở nên cần thiết hơn khi tình trạng thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam là: “Nhìn chung, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân vẫn đang phổ biến và nghiêm trọng mà chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được”[10].
[1] Nguyễn Đăng Dung, Sự hạn chế quyền lực nhà nước, 2005. [2] Lênin toàn tập, tập 37, tr. 297 Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978. [3] Báo cáo phát triển con người 2005 UNDP. Nguồn http://www.undp.vn. [4] Theo cách diễn đạt của Armatya Sen: Phát triển là quyền tự do, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2002. [5] Christopher Pierson, The Modern State, Routledge Taylor and Francis Group, 2004, page 6. [6] Harrop, Rod Hague and Martin, Comparative Government and Politics: An Introduction. 5th ed, Basingstoke, New York, Palgrave, 2001. [7] Amartya Sen, Sđd. Farrukh Iqbal và Jong- II You, Dân chủ kinh tế thị trường và phát triển từ góc nhìn châu Á , Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002. [8] Harrop, Rod Hague and Martin, Sđd. [9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr. 192 và tập 4, tr. 283, Nxb Sự thật Hà Nội, 1983. [10] Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.