My loi

Page 1

Vị trí địa lý:

Làng Mỹ Lợi thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sát bên đường quốc lộ 49B, phía đông giáp Biển Đông, phía bắc giáp làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, phía tây giáp xã Vinh Hưng, phía nam giáp xã Vinh Hải, xã Vinh Giang. Đặc điểm: Theo cuốn Địa chí văn hóa làng Mỹ Lợi (NXB Thuận Hóa, năm 1999), làng Mỹ Lợi trước đây có tên gọi là ấp Mỹ Toàn, thuộc xứ Khe Long - nay là xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc - được thành lập vào năm 1562. Hương phả của làng Mỹ Lợi cũng như gia phả các họ chính và đầu tiên cũng đều khẳng định, các bậc tiền hiền khai làng lập ấp có xuất xứ từ xã Lương Niệm, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, xứ Thanh Hóa (nay là thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), theo đoàn quân Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558. Theo hương phả làng Mỹ Lợi, 8 vị tiền hiền của làng được sắc phong Dực bảo Trung hưng Linh phò, tặng thêm Đoan tức tôn thần (chín đạo sắc phong, trong đó có một đạo hợp phong), gồm: Lê Văn Dài, Trương Văn Trực, Nguyễn Văn Đẩu, Nguyễn Bá Niên, Đỗ Văn Lịch, Sào Văn Liễu, Đoàn Văn Bài và Trần Văn Nghĩa. Nhờ công đức của 8 vị này, Nguyễn Phúc Tần đã ra lệnh cho miễn thuế má tạp dịch... Những ngài khai canh ấy đã chọn mảnh đất nơi đầu sóng đầy gian nan để căm dùi . Có lẽ họ rất tin vào sức lực và trí tuệ của mình. Với một vị thế đặc biệt, Làng Mỹ Lợi nằm phía bên kia sông Vinh Mỹ (thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc), trên một vùng chắn bãi ngang của biển Vinh Mỹ. Đứng


trên cầu Bến Đò nhìn sang làng Mỹ Lợi, những ngôi nhà khang trang “mọc” lô nhô dọc bờ sông hiền hòa, ghi dấu một diện mạo mới của ngôi làng cổ tồn tại gần 500 năm. Đình làng Mỹ Lợi, được xây dựng năm 1808, một trong số ít làng ở miền Trung, ngay từ ngày 1/5/1930, đã treo cao lá cờ Cộng sản của chi bộ Đảng Mỹ Lợi. Đây là lá cờ Đảng đầu tiên được treo lên ở Thừa Thiên Huế. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ dựng nước và giữ nước vừa qua, Mỹ Lợi là một pháo đài cách mạng kiên cố. Xã Vinh Mỹ có 131 liệt sĩ, 32 thương bệnh binh, 128 gia đình có công với nước… Năm 2011, Làng Mỹ Lợi được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bằng Có công với nước. Đình làng là chứng nhân văn hoá lịch sử hung hồn của dân tộc. Đã hơn 200 năm, đình làng vẫn là nơi hội họp, sinh hoạt của bà con nhân dân trong các dịp Tết, Lễ. Đình làng Mỹ Lợi còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, giá trị lịch sử quan trọng của đất nước. Người Mỹ Lợi lưu giữ trong đình làng của mình một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm, tiếp tục khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Văn bản có khuôn dấu và chữ ký rõ ràng, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. "Tuần quan cửa biển biên hải là Thuận Đức hầu phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng... Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy. Ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (6-11-1759)". Văn bản xử lý việc kiện tụng của hai phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An , Phú Vàng và làng Mỹ Lợi) về việc tranh chấp giữa 2 làng liên quan đến một con thuyền và tiền trợ cấp cho đội thuyền phục vụ Hoàng Sa. Nội dung văn bản trên cho thấy cách đây 250 năm, triều đình nhà Nguyễn đã có đội quân làm việc tại quần đảo Hoàng Sa. Văn bản liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở làng Mỹ Lợi đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bàn giao cho Bộ Ngoại giao để bổ sung thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, Đình còn lưu giữ được gần 1.000 trang văn bản Hán - Nôm, 1 bộ biên niên sử làng Mỹ Lợi. Với việc trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử cùng với lối kiến trúc độc đáo, đầy nghệ thuật, Đình làng Mỹ Lợi được Công nhận là Di tích lịch sử văn hóa-kiến trúc cấp quốc gia tháng 6-1996 theo quyết định số 310-QÐ/BT ngày 13-2-1996. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tặng bằng khen cho làng Mỹ Lợi về việc đã lưu giữ văn bản liên quan đến Hoàng Sa.


Tài liệu Hán Nôm lưu giữ nội dung nói về Hoàng Sa

Đình làng Mỹ Lợi


Bia chứng nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia

Làng Mỹ Lợi (Xã Vinh Mỹ) có diện tích tự nhiên 9 km2, tức khoảng 896 ha với 1400 hộ, 6000 nhân khẩu thôi, nhưng đã để lại cho đời những sản phẩm đã thành thương hiệu nổi tiếng khắp nước: nghề vườn có cau Mỹ Lợi, nghề rú có khoai mài Mỹ Lợi, nghề tằm tơ có các sản phẩm đủi, lụa, thao, vải Mỹ Lợi . Nón lá Mỹ Lợi đã có thời cạnh tranh với nón Huế. Nghề biển đầm có các loại cá dìa, cá mú, tôm sú , cá hanh, cá buôi, tôm rằn, cá thu, cá ngừ...nổi tiếng. Theo nhà văn Chu Sơn thì cau Mỹ Lợi nổi tiếng từ hơn trăm năm trước. Muốn trồng cau phải đào vồng trên cát. Mỗi vồng rộng chừng 3 mét, giữa vồng là ao để thoát nước.Mỗi vồng trồng hai hàng cau, trầu trồng leo lên cau. Dưới tán cau trồng xen bao nhiêu loại cây ăn quả như cam, quýt, chuối, dứa, hoàng tinh.v.v..Trồng như thế hiệu quả kinh tế trên một sào đất rất cao. Đất Thừa Thiên có cau Nam Phổ nổi tiếng ( mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh), nhưng cau Nam Phổ trồng trên đất thịt không ngon bằng cau Mỹ Lợi trồng trên cát pha mùn. Cau Mỹ Lợi trái tròn, ruột nhiều, tang mỏng, mềm và ngọt. Khoai mài Mỹ Lợi tiến vua . Người Mỹ Lợi xưa vào rú đào khoai mài tiến cho phủ Chúa, cung vua vào các dịp tế lễ giỗ chạp để được miễn giảm các khoản thuế, sưu dịch. Đào củ mãi cũng cay cực lắm . Củ mài ngon ở phần đuôi, nên phải đào sâu mới lấy được phần ngon đó.


Cánh đồng lúa

Đặc sản thuốc lá Mỹ Lợi

Những năm kinh tế thị trường vừa qua, Vinh Mỹ, Mỹ Lợi có hai sản phẩm độc đáo là xe trâu và cá chình, cá trê nuôi. Cả xã Vinh Mỹ bây giờ có tới 61 hộ làm nghề xe trâu. Nhờ ghề xe trâu Mỹ Lợi mà các gia đình mới có khả năng nuôi con vào đại học. Làng cát thì xe trâu là đắc địa nhất. Xe trâu chở hoa màu, chở vật liệu xây dựng. Đó là sáng tạo mới của người Mỹ Lợi .

Cá trê nuôi

Xe trâu

Về thương mại, Chợ Mỹ Lợi là một chợ lớn ảnh hưởng đến buốn bán đời sống của cả vùng 5 xã Khu III Phú Lộc không thua kém chợ Vinh Thanh, chợ Sịa. Chợ Mỹ Lợi gần bến nước, thuận tiện cho việc buôn bán và vận chuyển hàng hóa qua lại trên phá Cầu Hai.


Chợ là nơi vui xuân đón Tết của dân làng Mỹ Lợi được lưu truyền từ xưa đến giờ với bao trò chơi như lễ tế xuân, đua thuyền thúng, kéo co, hô bài chòi.

Hiện Vinh Mỹ có gần 10 ngôi nhà rường cổ 100-200 năm tập trung ở thôn 3 và 4. Cả làng có 5 thôn đã có đến 45 nhà thờ họ tộc. Phần lớn những nhà thờ là những kiệt tác nghê thuật - trước có sân rộng, cổng tam quan, bình phong. Nội chính điện là ngôi nhà truyền thống ba gian, hai chái, trang trí kiểu “nhất thi nhất hoạ”, “tứ linh”,”long mã”, “lưỡng long chầu nguyệt” đều được chạm trổ long, lân, quy, phụng tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao. Nối tiếp dòng chảy văn hóa của cha ông để lại, Mỹ Lợi tiếp tục xây dựng làng văn hóa bắt đầu từ việc hình thành bộ quy ước làng văn hóa với 5 chương, 30 điều. Điểm nổi bật là ngoài việc chú trọng phát


triển toàn diện kinh tế, xã hội, quy ước đã đề cập cụ thể đến việc nâng cao dân trí gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, xây dựng các chuẩn mực về chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thuần phong mỹ tục... Quy ước cũng tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó lấy con người làm trọng tâm; phấn đấu theo 5 đức tính tốt đẹp là: yêu quê hương, đất nước; sống và làm việc theo pháp luật, tự giác thực hiện tốt các quy định, quy ước của cộng đồng; tôn trọng tình nghĩa và đạo lý, giữ gìn di sản văn hóa, trọng thị, khoan dung, thuần hậu; có ý thức tập thể, đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái; hăng say lao động, học tập vì lợi ích bản thân, gia đình, tập thể và xã hội, kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, các tầng lớp nhân dân trong xã luôn có lối sống lành mạnh, văn minh, cần, kiệm, nhân nghĩa, tôn trọng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, quy ước làng văn hóa. Từ năm 2000, Mỹ Lợi đã được công nhận làng văn hóa điển hình đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện nay, toàn xã có 1.382/1.523 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (trên 90%), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen 20 năm phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Có được văn bản về Hoàng Sa lưu trữ cẩn thận như thế chứng tỏ đời sống văn hoá làng Mỹ Lợi đã ở trình độ cao, rất kỷ cương, nền nếp, có truyền thống học hành tử tế. Một làng như thế tất sinh ra những người giỏi giang, biết kinh bang tế thế. Làng Mỹ Lợi có các họ Trần, Hoàng, Lê, Phan... họ nào cũng có nhiều người tài giỏi, đỗ đạt, làm quan to ở triều Nguyễn và các chính quyền sau này. Họ Hoàng Văn (hay Huỳnh Văn, Hoàng Trọng ) có các ông Hoàng Văn Tuyển (1824-1879), đậu Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851), từng làm Tổng đốc Bình Định và Thượng thư bộ Công; ông Hoàng Trọng Nhu, năm 38 tuổi, đậu Cử nhân Khoa Kỷ Dậu (1909), Huỳnh Văn Tích, đậu Tú Tài, làm Tri huyện Hoà Đa (Bình Định). Đặc biệt , bà Bà Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn là Đoan Huy Hoàng Thái hậu ( tức Đức Từ Cung) , tên thật là Hoàng Thị Cúc, vợ vua Khải Định (1916-1925), mẹ vua Bảo Đại (19261945), con ông Huỳnh Văn Tích, tú tài và bà La Thị Sơn là người họ Hoàng làng Mỹ Lợi. Đến tuổi cập kê bà được tuyển vào cung làm người hầu cận trong phủ Phụng Hóa Công (tức vua Khải Định sau này), sau được Phụng Hóa Công nạp làm thiếp. Ngày 22 tháng 10 năm 1913 bà hạ sinh hoàng nam Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này). Bà đã có rất nhiều công lao trong việc gìn giữ các di tích triều Nguyễn trong Hoàng Thành sau khi Triều Nguyễn bị sụp đổ. Thời kỳ chiến tranh liên miên, bà đã hết sức cố gắng mới giữ được đội Ba Vũ khỏi tan rã. Nhờ thế mà ngày nay Huế bảo tồn được đoàn ca múa Truyền thống. Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến, đền miếu và lăng mộ các vua Nguyễn hư hại nhiều. Chính bà đã đứng ra xây dựng lại Thái Miếu và Hưng Miếu, và sửa chữa nhiều di tích khác nữa. Bà Từ Cung mất năm 1980. Thời bao cấp tem phiếu, theo chính sách nhà của nhà nước, bà được hưởng sổ B, tức sổ cung cấp hàng hoá ngang với Chủ tịch UBND tỉnh. Thời chính quyền cách mạng, có 2 vị bộ trưởng là người làng Mỹ Lợi. Ông Phan Thanh Liêm, bộ trưởng bộ cơ khí luyện kim thời Việt Nam Dân Chủ Công hoà và ông Trần Xuân Giá, bộ trường Bộ Kế hoạch và đầu


tư Cộng hoà XHCN. Chỉ chừng ấy thôi, làng Mỹ Lợi thực sự là một trong những làng quê hàng đầu của Việt Nam, là một trong 3 làng của tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia Hội nghị biểu dương Làng văn hoá tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất.

Những đứa trẻ đang say sưa vui chơi

Truyền thống hiếu học rất đỗi khâm phục

Cổ tích làng Mỹ Lợi còn nhiều chuyện cảm động về văn chương nghệ thuật. Làng Mỹ Lợi nhỏ bé ấy chính là cái nôi sinh thành của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế hôm nay. Trong buổi ra mắt Trại sáng tác Văn học Nghệ Thuật "về nguồn" ở Mỹ Lợi ngày 11/8/2010, anh Hoàng Văn Giải, Bí thư huyện uỷ Phú Lộc, anh Trần Luyến, bí thư-chủ tịch xã Vinh Mỹ và bác Lê Quý Mỹ, 84 tuổi, lão thành cách mạng làng Mỹ Lợi, nguyên Bí thư huyện uỷ Phú Lộc, đã kể rất nhiều chuyện cảm động về cuộc "họp bạn" thành lập Phân hội Văn học nghệ thuật kháng chiến Thừa Thiên Huế tháng 10 năm 1950 ở làng Mỹ Lợi. Bác Mỹ là nhân chứng sống. Bác Mỹ kể rằng, những ngày đầu tháng 10, cách đây 60 năm, giặc Pháp đánh phá rất ác liệt, tiếng đại bác địch nổ bốn phía, Mỹ Lợi lại cách phá trở đò , nhưng cuộc "họp bạn" văn nghệ vẫn được tổ chức tại nhà thơ họ Lê làng Mỹ Lợi. Cố nhà văn Bùi Hiển, lúc ấy là đại diện Đoàn văn hoá kháng chiến Liên Khu 4 được cử vào để giúp đỡ phong trào văn nghệ Thừa Thiên. Có tới hơn 50 người dự họp. Anh Trịnh Xuân An đọc báo cáo tình hình văn nghệ. Bác Lê Quý Mỹ xúc động nhớ lại những tên tuổi văn nghệ thời đó đên hôm nay còn vang vọng như Bùi Hiển, Trần Hoàn, Phạm Duy, Trịnh Xuân An, Hoàng Liên, Hoàng Tuấn Nhã, Phan Nhân.v.v..Ông Hoàng Anh, chú tịch tỉnh , ông Trần Thanh Chữ, trưởng ty văn hoá tỉnh Thừa Thiên lúc đó đã về trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Các ông ở trong nhà ông Phan Sung. Cuộc họp trong hoàn cảnh kháng chiến ngặt nghèo mà kéo dài tới 5 ngày, cuối cùng bầu ra một ban chấp hành phân hội. Nhà văn Hồng Nhu, một người Mỹ Lợi "gộc" nhớ lại, hồi đó anh mới 18 tuổi, là lính Trung đoàn 95, cũng tập tểnh viết văn, làm thơ. Anh đã được mời dự cuộc "họp bạn" ở Mỹ Lợi này, nhưng đột xuất anh được lệnh trên điều động đi dẫn hai hàng binh Pháp lên chiến khu Dương Hoà để họ ra Việt Bắc, thế


là không được dự cuộc họp văn nghệ ở quê mình. Ngoài nhà văn Hồng Nhu, đất Mỹ Lợi còn là nơi sinh ra các văn nghệ sĩ như Chu Sơn, Nguyên Thảo, Lương Hương.v.v..Từ cái nôi Mỹ Lợi ấy, 60 năm qua, lớp lớp văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã trưởng thành, tiếng tăm của họ nổi khắp cả nước, khảm vào lòng người nghe người đọc như Văn Cao, Nguyên Văn Thương, Trần Hoàn, Tố Hữu, Thanh Hải, Phạm Đăng Trí, Trịnh Xuân An, Nguyễn Khoa Lợi, Trịnh Công Sơn, Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Hồng Nhu, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê.v.v..

Bằng khen Làng Mỹ Lợi

Đình làng nơi ghi dấu bao nhiêu biến cố của thời cuộc

Cái giọng nói Mỹ Lợi cũng là một đặc sản văn hoá truyền đời. Ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, người Mỹ Lợi nói là nhận ra ngay, không lẫn. Một chút giọng Huế, một chút giọng Quảng , vừa


mằn mặn muối biển, lại vừa phóng khoáng núi non sông đầm. Theo ông Đoàn Nhã, là người am hiểu khá tường tận về văn hóa, lịch sử làng Mỹ Lợi. Ông Nhã cho biết, nghe cha ông truyền lại rằng, sở dĩ người làng Mỹ Lợi có giọng nói tựa người Quảng Nam là vì trước đây, những vị khai canh lập làng (năm 1562) vốn sinh sống ở vùng đất Quảng Nam. Nhưng sau đó, do cuộc sống khó khăn nên ngược trở ra vùng đất Mỹ Lợi khai đất, lập làng. Do vậy, âm ngữ xứ Quảng được họ “mang theo” và tồn tại cho đến tận ngày nay (?). Ngoài ra, cũng có nhiều cách lý giải về giọng nói của người làng Mỹ Lợi như: ảnh hưởng từ nguồn nước và vùng đất bản xứ; người Quảng Nam đã ra Huế định cư và bảo lưu giọng nói của mình... Còn ông Phan Liêu (người trong làng) khẳng định rằng, tổ tiên của ông trước đây sinh sống ở huyện Điện Bàn. Do vậy, nhiều đời con cháu thuộc dòng họ Phan ai cũng nói “đặc sệt” giọng Quảng Nam. “Mấy đời nay rồi, giọng nói có thay đổi đâu. Mà đã là giọng của mình thì dù hay - dở cũng phải ráng mà giữ lấy. Đây cũng là cách nhắc nhở cháu con nhớ về gốc gác quê hương” - ông Liêu bộc bạch.

Đường ra biển

Trường Lâm Mộng Quang ngày nay

Câu chuyện về làng Mỹ Lợi có thể dựng thành một cuốn phim truyền hình dài tập hấp dẫn... Làng Mỹ Lợi là một di sản sống. Nếu có kế sách, hoạch định thì nơi đây sẽ trở thành một điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách gần xa...


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.