11 minute read

Một Kỷ Niệm Về Vũ Hữu Định

Vườn Hoa Văn Học Một Kỷ Niệm Về Vũ Hữu Định

Vĩnh Liêm

Advertisement

LTG: Bài viết này đã 16 năm rồi (tính tới 2016), nhưng Vũ Hữu Định vẫn ở trong lòng anh em văn nghệ sĩ. Tôi được biết Vũ Hữu Định và Trần Kiêu Bạt đều đã qua đời trong lứa tuổi 40 - 50. Dường như Vũ Hữu Định đã qua đời ở quê nhà (Quảng Nam); còn Trần Kiêu Bạt qua đời ở Seattle, WA, Hoa Kỳ. Bài viết nầy khi tôi làm việc ở St. Louis, Missouri năm 2000. Đây cũng là nơi tôi đã từng tạm cư (từ năm 1975-1979), và cũng là người đồng sáng lập Cộng Đồng Người Việt St. Louis năm 1976, đã giữ chức TTK cho đến năm 1979, vì tôi dời về Hoa Thịnh Đốn.

Vũ Hữu Định – hình trên Internet

Nhân đọc bài tạp bút “Nhạc sĩ, Thi sĩ Bị Bỏ Quên” của Nữ văn sĩ Lê Thị Nhị đăng trên Văn Phong số 4, tháng 11 năm 1999, có nhắc tới Thi sĩ Vũ Hữu Ðịnh làm cho tôi nhớ lại một kỷ niệm nhỏ về Ðịnh.

Tôi không nhớ rõ vào tháng và năm nào, chỉ ước chừng vào khoảng mùa Hè năm 1971 hay 1972 gì đó ở Bình Thủy, Cần Thơ. Hôm đó, Thi sĩ Trần Kiêu Bạt (Quân Cảnh), hiện đang ở tại Seattle, tiểu bang Washington, điện thoại báo cho tôi biết có Vũ Hữu Ðịnh từ Sài-Gòn xuống chơi, anh em sẽ họp mặt vào buổi tối tại nhà của Bạt và mời tôi xuống. Tôi bèn rủ ký giả Chu Sinh (Lực Lượng Thủy Bộ 211) cùng đi với tôi.

Khi chúng tôi tới nơi, vào khoảng trời nhá nhem tối, ngoài Trần Kiêu Bạt (gia chủ) và Vũ Hữu Ðịnh (khách) ra, thấy có mặt thật đông đủ các văn thi hữu Tây Ðô (nếu trí nhớ tôi không phai mòn) như Thi sĩ Lộc Vũ (SÐ21/BB), Thi sĩ Phạm Ngũ Yên (SÐ21/BB), Thi sĩ Trần Kiên Thảo (Quân Cụ), Văn sĩ kiêm Phóng viên chiến trường Trần Hoài Thư (SÐIV/QKIV), Ký giả Hải Bằng (SÐ21/BB), Tư tưởng gia Chu Tấn (KQ), Họa sĩ Lê Triều Ðiển (KQ), Nhà thơ Lưu Nhữ Thụy (không rõ đơn vị, từ Châu Đốc xuống), vân vân... Tổng cộng khoảng hai mươi mạng. Vì thời gian quá lâu nên tôi không còn nhớ hết tên, xin thành thật cáo lỗi cùng quý văn thi hữu bị sót tên! Dường như không có phái nữ thì phải, nếu tôi nhớ không lầm?

Ðêm đó, chúng tôi trải chiếu trên nền gạch ở phía trước hiên nhà của Bạt mới có đủ chỗ để ngồi. Lẽ dĩ nhiên là ngồi xếp bằng trên chiếu. Thức ăn thì gồm có rất nhiều món, chẳng hạn như: bò tái chanh, gỏi tôm, cá lóc nuớng, khô mực, tôm khô củ kiệu, bánh phồng tôm, v.v... Nước mát thấm giọng thì có “nước mắt quê hương” (rượu đế pha với xá-xị) và lade con cọp.

Khỏi cần giới thiệu thì ai cũng biết Thi sĩ Vũ Hữu Ðịnh là tác giả của bài thơ “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” mà Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành ca khúc, được hát đi hát lại nhiều lần trên các làn sóng điện ở Miền Nam Việt Nam trước 30 tháng 4 năm 1975. Trần Kiêu Bạt chỉ giới thiệu sơ sơ về Vũ Hữu Ðịnh, cho biết Ðịnh vừa từ Sài Gòn xuống chơi và thăm anh em, trong đó có một người bạn cố tri ở “phố núi cao” là “Anh Pleiku” tức nhà văn Trần Hoài Thư. Nhưng “Anh Pleiku” đã xuống núi cách đó mấy năm rồi, sau khi bị “Mỹ nhân ngư” Yến-Cần-Thơ (Nguyễn Ngọc Yến) hớp hồn lôi về miền đồng bằng sông Hậu. Trần Hoài Thư lúc đó là Phóng viên chiến trường đang ăn khách của QÐIV/QKIV.

Vũ Hữu Ðịnh ăn nói chừng mực và nhỏ nhẹ, chứ không lớn tiếng rổn rảng ồn ào như Trần Kiêu Bạt, vốn là dân Quân Cảnh ăn to nói lớn. Mái tóc của Vũ Hữu Ðịnh để hơi dài gần chấm ót, chứ không cắt ngắn gọn ghẽ gương mẫu như Trần Kiêu Bạt. Màu da của Vũ Hữu Ðịnh cũng sạm nắng pha sương “phố núi cao” đen đúa, chứ không trắng trẻo mềm mại như Lộc Vũ, vốn là dân Phòng Năm của SÐ21/BB.

Sau ba tuần rượu, bốn tuần la-de, ai nấy đều ngất ngưỡng, ngà ngà say, thì tới phần văn nghệ bỏ túi. Ngoài cây nhà lá vườn ra, như Trần Kiêu Bạt, Lộc Vũ, Phạm Ngũ Yên, Chu Sinh..., tới phần chờ đợi thật hứng thú dành cho khách là Vũ Hữu Ðịnh. Ai nấy đều sốt ruột chờ đợi. Vũ Hữu Ðịnh ôm đàn ghi-ta, tay đàn, miệng hát, và ngâm thơ. Vũ Hữu Ðịnh ngâm bài thơ “tủ” của anh – Còn Chút Gì Ðể Nhớ – rồi anh hát luôn. Ðàn đã hay, hát cũng hay, mà ngâm thơ cũng hay tuyệt!

Ðêm đó, Hữu Hữu Ðịnh hát thật tuyệt vời, có thể nói anh hát hay hơn cả Anh Khoa và Duy Quang. Giọng của anh rất truyền cảm và ấm. Ðiểm đặc biệt là bài hát của chính tác giả nên sự diễn đạt mới rung động đến cao độ như thế. Ai nấy đều rung động, tấm tắc khen ngợi.

Tôi cũng thả hồn chìm vào nỗi buồn lâng lâng của tác giả bài thơ “Phố Núi Cao” (tôi vẫn thường gọi như vậy). Tôi thầm hỏi tại sao nhà thơ đa tài như vậy mà vẫn chưa hớp hồn được cô “em Pleiku má đỏ môi hồng” nào đem về kinh đô ánh sáng?

Buổi tiệc tàn vào lúc quá nửa đêm. Chúng tôi phải ra về vì sáng hôm sau phải vào nhiệm sở. Ðược biết Trần Kiêu Bạt xin nghỉ phép mấy hôm để tiếp Vũ Hữu Ðịnh. Lần gặp gỡ đó với Vũ Hữu Ðịnh là lần đầu tiên mà cũng là lần chót. Sau đó, tôi không còn được tin tức gì về Vũ Hữu Ðịnh nữa. Nghe nói anh đã đào ngũ, nhưng tôi không tin vì không có bằng chứng. Hiện nay Vũ Hữu Ðịnh ở đâu và ra sao, tôi cũng không được biết!

Sáng nay, phố núi Kiều Tử (Bridgeton, Missouri) đầy sương và mưa phùn giăng giăng lối. Tôi thức dậy thật sớm (vì nhằm ngày Chủ Nhật buồn) để ghi vội mấy dòng về Vũ Hữu Ðịnh (sau hơn một phần tư thế kỷ xa cách) kẻo quên mất người bạn quý. Nếu Vũ Hữu Ðịnh còn sống, xin có lời mừng cho anh. Còn như anh đã mệnh hệ nào, tôi thành thật thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến anh, một thi hữu đa tài có một thời đã ở “Phố Núi Cao”, nơi có những người đẹp “má đỏ môi hồng” đã làm cho anh phải ngày ngày đi lên đi xuống để ngắm nhìn em cho vơi niềm thương nhớ.

(Kiều Tử, 13-02-2000)

GHI CHÚ: Nay (21/6/2021) tôi tìm thấy tin tức về Vũ Hữu Định trên Internet như sau: Theo Wikipedia tiếng Việt viết về Vũ Hữu Định: Vũ Hữu Định (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung, là một nhà thơ người Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.

Tiểu sử

Lê Quang Trung sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế trong 1 gia đình nghèo. Ông từng sống qua nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sài Gòn, lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng. Ông làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Tên Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến từ khi bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của ông được Phạm Duy đem phổ thành nhạc vào năm 1970. Vũ Hữu Định vào đời sớm, lập gia đình sớm và nghèo nàn trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Ngoài làm thơ, ông từng làm cán bộ xây dựng nông thôn ở Đà Nẵng. Ông từng trốn quân dịch nhưng rồi bị bắt lại. Sau biến cố 1975, ông ở lại Việt Nam và bị đưa đi học tập cải tạo 1 tháng. Ông được biết đến là một người mê rượu, tuy nghèo khó nhưng có máu giang hồ, tính tình phóng khoáng. Ngày 3 tháng 4 năm 1981, sau một chầu nhậu với bạn bè, ông bị té cầu thang (có thông tin cho rằng bị té lầu) và qua đời, hưởng dương 40 tuổi.

Bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ

Thường đi kèm với tên tuổi của Vũ Hữu Định, là bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ. Tác phẩm gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu từ 7-8 chữ, mang theo những hình ảnh nhẹ nhàng, tế nhị của phố núi Pleiku, từ cảnh vật: phố núi cao, phố núi đầy sương phố núi cây xanh trời thấp thật buồn anh khách lạ đi lên đi xuống may mà có em đời còn dễ thương Tới con người: em Pleiku má đỏ môi hồng ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông nên mắt em ướt và tóc em ướt nên em hiền như mây chiều trong Bài thơ này được viết năm 1970, khi nhà thơ sang thăm một người bạn gái ở Pleiku. Cùng năm này, bài thơ được đăng báo Khởi Hành của Viên Linh và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc, rồi trở nên phổ biến với giọng hát Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston, lời thơ vẫn giữ nguyên

Còn Chút Gì Để Nhớ

phố núi cao phố núi đầy sương phố núi cây xanh trời thấp thật buồn anh khách lạ đi lên đi xuống may mà có em đời còn dễ thương phố núi cao phố núi trời gần phố xá không xa nên phố tình thân đi dăm phút đã về chốn cũ một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

em Pleiku má đỏ môi hồng ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông nên mắt em ướt và tóc em ướt da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em xin cảm ơn một mái tóc mềm mai xa lắc bên đồi biên giới còn một chút gì để nhớ để quên.

Vũ Hữu Định

* Vũ Hữu Định sinh năm 1942 (Nhâm Ngọ), tại Huế, nhưng định cư tại Đà Nẵng lâu năm và thường xuyên tham gia trong nhóm sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật Quảng Đà. Trước 1975, với những tên tuổi Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Trần Quang Lộc, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Đinh Hoàng Sạ... anh làm thơ rất nhiều, có thơ đăng trên các tạp chí Văn Học xuất bản tại Sài Gòn. Nhưng đợi đến khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” và qua tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh, mới thực sự chắp đôi cánh tuyệt vời cho ý thơ anh bay. Vũ Hữu Định đã chết vì say rượu té từ căn gác xuống đất tại nhà một người bạn bên bờ sông Đà Nẵng vào một đêm trăng tháng Giêng tuyệt đẹp năm Tân Dậu 1981.

Sau đây là một bài thơ về rượu của Vũ Hữu Định:

Đêm mưa thiếu rượu nhớ Lý Hạ

Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng ta nay say bằng rượu pha cồn cảm đau thân thế người trong sử rượu đắng cay mà sao thấy ngon

Lý Hạ yêu người mà hóa quỷ ta yêu người nên nghèo rớt mồng tơi đêm mưa thiếu rượu thương người cũ ngâm vài câu Lý Hạ, rợn người

cứ tưởng nằm kề bên họ Lý gác chân nhau nói chuyện biển dâu ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu gối chai không mà thương nhớ nhau

thời đại thánh thần đi mất biệt còn lại bơ vơ một giống sầu rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau

mưa nhức, mưa như cuồng, tức thở thịt rồng đâu? nem phượng ở đâu? đũa ngọc, chén vàng đâu mất cả mắm ruốc, me chua cũng cháy hết sầu

mời nhau một chén đêm huyền sử Lý Hạ đâu? - còn ta đâu?

Vũ Hữu Định

(Nguồn: Internet)

Như tôi đã nói ở trên, Vũ Hữu Định là một thiên tài về thơ, mà cũng có giọng hát thật ngọt ngào. Nay đã có rất nhiều bài viết về nhà thơ Vũ Hữu Định, nhưng vì trang báo có hạn nên tôi tạm ngừng ở đây, và không quên cầu chúc hương linh Vũ Hữu Định được tiêu diêu Miền Lạc Cảnh (vì ở đó không có rượu đế nên không say được)!

(Avondale, 21-6-2021)

This article is from: