NHỮNG MÓN BÚN “NGHE LÀ THÈM” Ở BÌNH ĐỊNH Bình Định có nhiều món ăn ngon. Trong số đó phải kể đến bún. Cũng cùng là một cái tên, nhưng sự biến hóa của bún Bình Định lại khiến không ít du khách phải ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Bún xứng đáng được xem là một trong những món ăn đại diện cho ẩm thực Việt Nam. Dọc miền đất nước, mỗi miền lại có những món bún đặc trưng của riêng địa phương mình. Ghé thăm Bình Định, được nhiều người biết đến có ít lá gai, nem chợ Huyện, mắm nhum Mỹ An, bánh hỏi Diêu Trì hay bánh xèo Mỹ Cang… Bên cạnh đó không thể nào bỏ qua các món bún vô cùng đa dạng như bún tôm, bún rạm, bún dây. Đặc điểm chung của bún Bình Định là sợi bún hầu hết đều được chủ quán tự làm và sử dụng nguyên liệu chính là những đặc sản nổi tiếng của địa phương. Cùng Beptruong.edu.vn tìm hiểu nhiều hơn về những loại bún này bạn nhé!
Bún chả cá Quy Nhơn Bún tôm Tôm thì ở đâu cũng có, nhưng tôm để làm bún tôm Bình Định ngon đúng điệu, “rặt” đất Phù Mỹ thì nhất định phải là tôm đất đầm Trà Ô. Ngày nay, vì du khách đến thưởng thức món ăn này nên tôm đôi khi cũng được lấy từ những nơi khác. Song, cách làm thì không thể thay đổi. Trước hết về phần bún tươi. Gạo ngâm đem xay thành bột rồi ép thành bún. Khách kêu đến đâu, chủ quán mới bắt đầu trụng bún qua nước vo gạo, rửa lại với nước sạch rồi cho vào tô. Vậy nên bún rất tươi, ăn mềm chứ không nhũn, mùi thơm và thoang thoảng chút bùi bùi. Sau đó là đến
phần tôm. Tôm mua về bỏ chỉ, rửa sạch, để nguyên vỏ băm nhuyễn và ướp với gia vị. Khi khách dùng, người bán mới lấy tôm băm ra tô, chan nước lèo lên và đánh mạnh cho tôm chín, sau đó mới cho bún vào. Ăn bún tôm phải cho thêm chút ớt, muối ớt bột, rau sống, bẻ thêm miếng bánh đa (bánh tráng nướng) thì không còn gì “thỏa mãn” hơn. Giá một tô bún tôm ở Bình Định hiện nay khoảng 18.000 – 22.000 đồng.
Bún tôm Phù Mỹ Bún rạm Rạm là một cái tên khá xa lạ với nhiều người, nhưng chính món ăn này lại vô cùng nức tiếng tại đất Phù Mỹ, Bình Định cùng với bún tôm. Rạm hay còn gọi là đam, là một loài thuộc họ nhà cua và cũng có hình dáng tương tự như cua. Những người có kinh nghiệm chọn rạm thường lựa về con cái vì rạm cái nhiều gạch, mềm, càng to, thịt chắc. Khi ăn, rạm thường được xay cả vỏ chứ không phải chỉ lấy gạch hoặc lọc thịt như cua. Làm rạm có phần kì công hơn so với làm tôm. Rạm mua về phải ngâm cho sạch bùn đất, sau đó xay nhuyễn và lọc nước rồi đun trên ngon lửa liu riu. Rạm xay nhuyễn được đun cùng với chút hành phi, chút dầu ăn, đến khi sôi sẽ thấy thịt rạm vàng nâu với những váng mỡ nổi lên trên bề mặt, quyện cùng mùi hành phi thơm phức.
Bún rạm Bình Định Cách làm bún và phục vụ khách đến ăn có phần hơi khác so với bún tôm. Rạm sau khi nấu xong sẽ được chan cùng nước lèo vào một chén riêng, bún để một chén riêng. Ăn đến đâu sẽ chan nước và rạm vào đến đấy và ăn cùng rau, bánh đa, đậu phộng giã nhuyễn. Sợi bún mềm thơm, nước dùng ngọt thanh cùng phần rạm ngọt, hơi béo. Đặc biệt, tô bún rạm Bình Định thường được cho rất nhiều rạm, vì thế nên nước rất ngọt và ăn thực sự rất chất lượng. Bún dây Cùng với bún tôm, bún rạm Phù Mỹ, bún dây Hoài Nhơn cũng là món ăn khiến du khách đến nơi đây thổn thức lòng. Gọi là bún dây có lẽ vì sợi bún có phần đặc biệt hơn so với những loại bún tươi khác, sợi dai và cách làm cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Khoan bàn đến vị món ăn ra sao, ăn kèm với những gì, chỉ tính đến phần làm sao để làm ra được sợi bún đã khiến nhiều người trầm trồ vì thích thú. Nguyên liệu sử dụng chính để làm bún dây là gạo gạch. Gạo vo sạch và ngâm với nước tro cho mềm. Tro ở đây chính là tro mịn hoặc tro củi được cời từ bếp củi, cho vào thau nước rồi loại bỏ hết chất bẩn nổi bên trên mặt nước, chỉ lấy phần nước trong phía trên. Nước ấy là nước để ngâm gạo. Khi gạo đã mềm sẽ được đem đi xay rồi hấp chín. Bột gạo lúc này đã mềm mịn sẽ được đem đi ép thành từng sợi bún, lót bằng lá chuối và hấp lại một lần nữa. Sợi bún ra lò có màu trong, mềm
nhưng đặc biệt nhất là có cả độ dai. Khi ăn, thực khách sẽ phết nhẹ lên bún một lớp dầu đậu phộng, chả lụa, tôm rim, cá rim, chan thêm nước mắm chanh, tỏi, ớt. Bún dây ăn nghe sần sật, mằn mặn, chua cay tuy mộc mạc thế nhưng cũng đủ làm thực khách thích thú và nhất định nên thử khi du lịch đến mảnh đất này.
Bún dây sợi dài, dai Những người thích đi du lịch thường nói vui rằng phải ở nhiều ngày mới ăn, chơi hết những thức lạ, món ngon, nơi đẹp của Bình Định. Thật vậy! Những món ăn của đất võ tuy dân giã nhưng hòa quyện đến mê ly, tuy chẳng cầu kì nhưng khiến người ta cứ nhớ mãi. Thưởng thức ẩm thực hóa ra đôi khi lại giản dị như thế đấy, vừa ăn một món ăn, vừa xem và nghe kể về cuộc sống địa phương, ý nghĩa biết bao!