KHẢO SÁT CÁC VẤN ĐỀ DỊCH TRONG TRUYỆN “PIPPI LANGSTRUMPF” Sinh viên: Nguyễn Thu Phương Lớp: 061G1 Khoa NN&VH Phương Tây Người hướng dẫn: TS. Nguyễn T. Hồng Vân 1. Lời mở đầu Biên dịch và phiên dịch luôn là công việc khó khăn, người biên, phiên dịch luôn phải làm việc các ngôn ngữ khác nhau và ngôn ngữ nào cũng có những vấn đề về ngữ pháp, ngữ nghĩa, từ vựng... Bên cạnh đó các yếu tố văn hóa khác nhau cũng gây nhiều trở ngại cho người biên, phiên dịch và đòi hỏi hỏi họ luôn phải nỗ lực học hỏi và nắm vững những sự khác biệt đó để có được một sản phẩm dịch chất lượng. Là một sinh viên khoa Ngôn ngữ và văn hóa Phương tây, chuyên ngành biênphiên dịch tiếng Đức tôi rất quan tâm đến chuyên ngành khoa học dịch thuật, nhưng không chỉ mặt lý thuyết mà còn thực hành. Cá nhân tôi rất thấy đề tài nghiên cứu khoa học: Khảo sát các vấn đề dịch trong truyện Pippi Langstrumpf là một đề tài thú vị, thích hợp với chuyên ngành học của mình, chính vì vậy tôi đã lựa chọn làm đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Trong khuôn khổ của bài nghiên cứu khoa học, tôi tập trung nghiên cứu các vấn đề dịch thuật, phần văn bản chứa các vấn đề dịch thuật trong phần nghiên cứu và khảo sát thực tiễn sẽ được lựa chọn từ tác phẩm “Pipi Langstrumpf“. Bản dịch “Pippi tất dài“ của Vũ Hương Giang được coi là một bản dịch tham khảo cũng được tôi nghiên cứu, để rút ra được những nét đặc biệt trong phương pháp dịch thuật và xử lý vấn đề dịch thuật. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý luận Lý thuyết cơ bản về dịch Phần này đề cập các khái niệm về dịch, sự khác biệt giữa biên dịch và phiên dịch: Đã có nhiều nhà nghiên cứu dịch đưa ra các khái niệm về dịch. Qua tham khảo các tài liệu tôi có thể đi đến tổng kết: Dịch được hiểu theo ba nghĩa chính: Quá
1
trình dịch thuật, bài dịch hoặc tác phẩm dịch và chuyên ngành dịch trong các trường học ngoại ngữ . Với ý nghĩa là quá trình dịch thuật, có thể thấy hai hình thức dịch chính là biên dịch và phiên dịch. Trong khi biên dịch được hiểu như là hình thức dịch viết một văn bản, thì phiên dịch là hình thức dịch miệng, trong thời gian ngắn hơn biên dịch. 2.2. Các vấn đề dịch Trong khuôn khổ của bài nghiên cứu tôi tập trung vào các vấn đề dịch nói chung, những vấn đề do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, và ngữ dụng. 2.2.1. Vấn đề dịch do bất đồng về ngôn ngữ Vấn đề về sự khác biệt ngôn ngữ là một mảng rộng. Trong bài làm này, tôi tìm hiểu về các vấn đề về ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Các vấn đề dịch về phi lời chủ yếu xuất hiện với phiên dịch viên khi họ dịch thuật trực tiếp và tiếp cận nhiều cử chỉ phi lời với các ý nghĩa khác nhau từ nhiều vùng miền, quốc gia. Lúc đó việc đưa thêm giải thích trong quá trình dịch cho các hành động khó hiểu cũng vô cùng quan trọng. Các vấn đề về về ngôn ngữ có thể kể đến là vấn đề ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa và phong cách. Ta có thể nhận thấy rõ ràng có nhiều sự khác biệt giữa tiếng Đức và tiếng Việt. Trong khi tiếng Đức có thêm các yếu tố ngôn ngữ như giống, cách thì tiếng Việt không có. Trong khi tiếng Việt có nhiều ngôi nhân xưng , ví dụ cho ngôi thứ ba giống đực ở tiếng Đức chỉ có er thì trong tiếng Việt ta có rất nhiều từ: ông ấy, anh ấy, thằng ấy, lão ấy, gã kia, hắn, y. Điều này khiến cho người dịch luôn phải cân nhắc khi lựa chọn từ phù hợp với tình huống, đối tượng được nhắc đến trong bản dịch. Có thể nhấn mạnh thêm một điều khác biệt rõ được thể hiện rất rõ ở trật tự kết hợp các từ để thành cụm từ và câu. Ví dụ: trật tự của cụm Chủ ngữ-Vị ngữ và các thành phần câu thường là chủ ngữ trước vị ngữ, nhất là vị ngữ động từ, đứng sau rồi mới đến bổ ngữ “Nếu không có nó, có phải mặt tớ đã lao thẳng rồi không.”
2
Trong khi đó động từ của câu tiếng Đức thì lại thường xuyên ở cuối câu, đứng sau cả trạng ngữ và bổ ngữ „Wenn ich die nicht aufgehabt hätte, wäre ich direkt auf dem Gesicht gelandet“ . Trong cụm tính từ, tính từ của tiếng Việt bao giờ cũng đi sau danh từ để bổ sung ý nghĩa trong mối quan hệ giữa sự vật và tính chất của nó, còn trật từ các từ thành phần của cụm tính từ tiếng Đức và các ngôn ngữ Ấn – Âu khác lại ngược với tiếng Việt: kleine Katze ~ Con mèo bé nhỏ. Tiếng Việt là một ngôn ngữ nhiều sắc thái với nhiều lối chơi chữ, từ láy. Chính vì vậy cũng rất khó tìm được tương đương trong tiếng Đức đảm bảo về hình thức và sắc thái ý nghĩa. Ví dụ như các từ láy tư lự, đắn đo, trầm ngâm diễn tả một hành động suy nghĩ kĩ lưỡng, ta chỉ có thể tìm được tương đương không phải là từ láy trong tiếng đức là nachdenklich. Bên cạnh đó khi dịch xuôi và dịch ngược vấn đề ngữ nghĩa về ẩn dụ, hoán dụ, nghĩa đen, nghĩa bóng ta luôn đứng trước các khó khăn khi chọn từ phù hợp với văn cảnh. Đối tượng tiếp nhận văn bản dịch cũng cần được chú ý. Ví dụ khi dịch thuật cho thiếu nhi die Sonne, die Vögel nên được dịch là ông mặt trời, những chú chim để tạo được hứng thú cho trẻ em. 2.2.2. Vấn đề dịch thuật do bất đồng về văn hóa Mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng về địa lý, lịch sử, đời sống vật chất, tinh thần, phong tục tập quán… và đều được phản ánh rõ rệt vào trong ngôn ngữ, đặc biệt trong từ vựng của từng dân tộc. Chính vì vậy dịch thuật các vấn đề về văn hóa như luôn gây nhiều trở ngại cho người dịch. Người Việt thường có thói quen chào bằng lối hỏi thăm như Bác đi đâu đấy, Bác ăn cơm chưa hay lời khen Ai mà xinh thế kia... thì trong tiếng Đức chỉ xuất hiện lời chào thuần túy: Hallo hay chào theo thời gian trong ngày: Guten Morgen... Người Việt có nếp sống cộng đồng cao, gắn bó, coi trọng lễ nghĩa, tổ tiên nên cũng có nhiều các quy ước đặc biệt và nếu gặp những vấn đề này khi dịch thì cũng vô cùng khó khăn. Như các chuẩn mực về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh hay các tập tục Thập ân phụ mẫu, giỗ kỵ, ông bà, tổ tiên, báo hiếu, mừng thọ, „Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Các phong tục tập quán về cưới xin dạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới, nộp cheo…
3
Đặc biệt khó khăn khi dịch các vấn đề văn hóa là dịch thuật các tục ngữ, thành ngữ ca dao. Nếu may mắn người dịch sẽ tìm được các tương đương giữa hai ngôn ngữ như: Wie der Topf, so der Deckel ( Nồi nào, vung đấy), Wie der Vater, so der Sohn (Cha nào con đấy), Vorbeugen ist besser als heilen ( Phòng còn hơn chữa). Nhưng trong nhiều trường hợp do tâm tính và lối suy nghĩ khác nhau giữa hai dân tộc, người dịch cần có những thay đổi nhất định về nội dung để có một văn bản dịch phù hợp. Ví dụ: trong tiếng Đức ta có thành ngữ Einmal sehen ist besser als zehnmal hören (một lần nhìn còn hơn mười lần nghe) nhưng người Việt luôn thích lối nói với các từ ngữ to tát, cường điệu, nên nội dung câu thành ngữ trong tiếng Việt là: Trăm nghe không bằng một thấy. 2.2.3. Vấn đề dịch thuật ngữ dụng Các vấn đề về ngữ dụng cấn được quan tâm là các yếu tố về tình huống trong văn cảnh, mục đích của người viết, thời gian, địa điểm, đối tượng tiếp nhận văn bản, loại hình văn bản. Trong ví dụ sau đây, khi không biết rõ về mục đích của người tạo lập văn bản ta cũng rất khó để đưa ra một bản dịch chuẩn: Kannst du schwimmen? Nếu ta chỉ nhận được một câu như trên mà không có tình huống thì người dịch không thể xác định được câu trên là câu hỏi lấy thông tin Cậu có biết bơi không? hay là một lời đề nghị hành động Cậu có thể bơi không? Một yếu tố đáng quan tâm và bàn luận là dịch tên hệ thống trường học cấp Trung học ở Đức (Mittelschule). Trong khi tại Đức lại có bốn loại hình trường học Hauptschule, Realschule, Gesamtschule, Gymnasium, với cách phân loại học sinh khác nhau thì tại Việt Nam không có hệ thống này, ta chỉ có Trường Trung học cơ sở hay gọi khác là Trường cấp hai. Vậy làm sao tìm được tương đương cho những thuật ngữ không có ở ngôn ngữ khác. Trong trường hợp này một số dịch giả đã lựa chọn phương pháp dịch mượn: Trường cấp hai Hauptschule, Trường cấp hai Realschule, Trường cấp hai Gesamtschule, Trường cấp hai Gymnasium để giải quyết vấn đề này. 2.3. Phương pháp khắc phục vấn đề Để khắc phục vấn đề dịch thuật, về lý thuyết ta có một số thủ pháp như dịch vay mượn (lấy luôn từ ngữ trong ngôn ngữ gốc có phiên âm chú giải và với thời gian chúng sẽ trở thành từ ngữ của ngôn ngữ dịch như vi rút, cao bồi, ban công, ha
4
lo win, xúc xích, vốt ca, giăm bông, mit ting...), dịch từ đối từ (dịch trực tiếp từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ dịch ở đơn vị từ, trật tự từ, giữ nghĩa thông thường, tuy nhiên hình thức này nhiều khi gây khó hiểu cho người đọc), dịch nguyên văn (Bản dịch gần với nguyên bản về hình thức: giữ nguyên cấu trúc, hình thức từ vựng ngôn ngữ đích), dịch chuyển đổi từ loại (hình thức từ ngữ được biến đổi xa rời văn bản gốc, gần gũi văn bản đích) và phỏng dịch (cách dịch tự do nhất, giữ lại chủ điểm, văn hóa ngôn ngữ gốc được chuyển đổi sang ngôn ngữ dịch – Hình thức này được áp dụng nhiều để giải quyết các vấn đề dịch thuật khó khăn) Bên cạnh đó người dịch phải luôn luôn trau dồi cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng nước ngoài. Người dịch giỏi phải thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trước hết là tiếng mẻ đẻ và ngôn ngữ dịch. Người dịch phải luôn luôn trau dồi thêm những kiến thức toàn diện sâu rộng. Ở trường học đã được cung cấp rất nhiều nhưng chưa đủ, cần phải học thêm về văn hoá, văn minh của nước mình và của đất nước mà mình biết tiếng. 2.4. Phần nghiên cứu thực tiễn Trong phần này tôi đi sau tìm hiểu, phân loại, phân tích và thống kê các vấn đề dịch thuật có trong 11 chương truyện “Pippi Langstrumpf“. Các văn bản chứa vấn đề dịch thuật sẽ được tìm phần dịch thuật trong „Pippi Tất dài“, để so sánh và tìm hiểu cách giải quyết vấn đề của dịch giả Vũ Hương Giang. Truyện Pippi Langstrumpf là truyện dành cho thiếu nhi, cấu trúc các câu văn trong truyện không quá khó để hiểu nhưng khi đi vào dịch thuật cũng có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt khi nhà văn có sử dụng nhiều ngôn ngữ trẻ em, không là ngôn ngữ chính thống. Qua thống kê, có thể nhận thấy vấn đề về khác biệt ngôn ngữ xuất hiện nhiều nhất, tiếp đó là vấn đề về khác biệt văn hóa và ngữ dụng. 2.5. Phân tích kết quả câu hỏi khảo sát Để phục vụ phần khảo sát này, tôi có tạo ra 10 câu hỏi trắc nghiệm dành cho sinh viên năm thứ 3 và thứ 4 Đại học Ngoại ngữ quốc gia, khoa tiếng Đức, câu hỏi liên quan đến lý thuyết về vấn đề dịch thuật và lựa chọn các phương án dịch cho một số vấn đề dịch thuật. Phần khảo sát này sẽ phần nào đánh giá được khả năng nắm vững và cách xử lý của sinh viên đối với các vấn đề dịch thuật. 3. Kết luận Sau bài nghiên cứu này, tôi có thể nhận thấy được tầm quan trọng của năng lực ngôn ngữ và các kiến thức văn hóa, đất nước học đối với quá trình dịch thuật.
5
Một trong những mấu chốt giúp người dịch có được bản dịch tốt là nhận ra rõ vấn đề dịch thuật và vận dụng các kiến thức của mình cũng như các thủ pháp dịch thuật một cách hợp lý, linh hoạt, để có thể tạo lên một bản dịch tín, đạt, nhã. Bài nghiên cứu của tôi chỉ các vấn đề dịch thuật trên bình diện tổng quan. Hi vọng nó sẽ hữu ích cho các bài nghiên cứu dịch thuật đi sâu vào từng mảng vấn đề dịch thuật riêng.
6