SỬ DỤNG TRÒ CHƠI HỌC TẬP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA VIỆC DẠY HỌC TRỰC TUYẾN MÔN ĐỊA LÍ 12

Page 1

BÁO CÁO SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM MÔN ĐỊA LÍ

vectorstock.com/20159060

Ths Nguyễn Thanh Tú eBook Collection

BÁO CÁO SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM DỰ THI SỬ DỤNG TRÒ CHƠI HỌC TẬP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA VIỆC DẠY HỌC TRỰC TUYẾN MÔN ĐỊA LÍ 12 WORD VERSION | 2022 EDITION ORDER NOW / CHUYỂN GIAO QUA EMAIL TAILIEUCHUANTHAMKHAO@GMAIL.COM

Tài liệu chuẩn tham khảo Phát triển kênh bởi Ths Nguyễn Thanh Tú Đơn vị tài trợ / phát hành / chia sẻ học thuật : Nguyen Thanh Tu Group Hỗ trợ trực tuyến Fb www.facebook.com/DayKemQuyNhon Mobi/Zalo 0905779594


THÔNG TIN CHUNG VỀ SÁNG KIẾN 1. Tên sáng kiến: “ Sử dụng trò chơi học tập nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học trực tuyến môn Địa lí 12” 2. Lĩnh vực (mã)/cấp học: Địa lí (08)/THPT 3. Thời gian áp dụng sáng kiến: Từ ngày 04 tháng 02 năm 2020 đến nay. 4. Tác giả:


1

BÁO CÁO SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM DỰ THI Tên sáng kiến: Sử dụng trò chơi học tập nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học trực tuyến môn Địa lí 12 I. ĐIỀU KIỆN HOÀN CẢNH TẠO RA SÁNG KIẾN Trong những năm gần đây, dạy và học trực tuyến đang trở thành xu hướng lan rộng ra tất cả các trường học bởi tính ưu việt của nó như: linh hoạt, dễ tiếp cận; nội dung phong phú; tiết kiệm chi phí, thời gian; mang tính toàn cầu; đáp ứng tốt nhu cầu học tập đa dạng của người học. Ở Việt Nam, dạy học trực tuyến được biết đến như một phương pháp giáo dục mới, chỉ thực sự bắt đầu phát triển trong vài năm gần đây nhằm kết hợp với phương pháp dạy học truyền thống nên hiệu quả còn chưa cao. Năm học 2019 – 2020, do ảnh hưởng của dịch covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo dục Việt Nam học sinh phải tạm dừng đến trường dài ngày (khoảng hơn 2 tháng với học sinh THPT tỉnh Nam Định). Trong thời gian nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành giáo dục cũng đã có nhiều giải pháp để giúp học sinh “tạm ngừng đến trường, không ngừng học”, trong đó điển hình nhất là giải phá,p dạy và học trực tuyến. Đây cũng là hình thức dạy học mà nhiều giáo viên sử dụng “lần đầu tiên” trong sự nghiệp giáo dục của mình. Chính vì thế nên việc bỡ ngỡ, gặp khó khăn, lúng túng và “cười ra nước mắt” là điều không thể tránh khỏi. Năm học 2020 – 2021, virus SAR-CoV-2 liên tục biến đổi, tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Thực hiện Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 7/5 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiều 7/5, Sở Giáo dục và đào tạo Nam Định cũng đã ban hành Công văn 655/SGDĐT chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện một số nội dung cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các đơn vị hoàn thành chương trình giáo dục, kiểm tra, đánh giá năm học 2020 – 2021 trước ngày 10-5-2021 và cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ hè. Riêng học sinh lớp 9 và 12: Sau khi kết thúc chương trình, tổ chức ôn tập thi tuyển sinh vào 10 THPT cho học sinh lớp 9 theo hình thức trực tuyến; tổ chức cho học sinh lớp 12 ôn tập tại trường, thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống dịch và điều chỉnh kịp thời khi có các văn bản chỉ đạo tiếp theo của các cấp. Ngày 7/5 huyện Trực Ninh – Nam Định xuất hiện ca dương tính đầu tiên với SAR-CoV-2, do đó việc ôn tập cho học sinh lớp 12 được chuyển sang hình thức trực tuyến cho đến ngày 27/5 (theo công văn số 771/SGDĐT). Bước sang năm học 2021 – 2022, sự xuất hiện của biến thể Delta tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến việc quay lại trường, bắt đầu năm học mới của học sinh. Theo tài liệu nội bộ của Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đánh giá biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây nhanh như thủy đậu, mạnh hơn cúm mùa và có độc lực cao hơn chủng ban đầu ở Vũ Hán, Trung


2

Quốc. Vì vậy, số ca mắc COVID-19 tại nước ta trong những ngày gần đây luôn ở mức 5 con số (ngày 30/8/2021, theo bản tin Bộ Y tế về tình hình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam thống kê có thêm 14.224 ca mắc COVID-19. Tổng số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến 30/8 là 445.219 ca, trong đó 226.042 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh). Trước tình hình đó, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 3699 ngày 27/8 Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022. Công văn nhấn mạnh: Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với nội dung mang tính lí thuyết. Chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống, diễn biến của dịch COVID-19 tại địa phương; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, lần đầu tiên trong lịch sử, lễ khai giảng năm học mới ở nhiều tỉnh thành trên cả nước được tổ chức trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến với trực tiếp. Tại Hà Nội, do học sinh chưa thể quay trở lại trường học nên sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội quyết định tổ chức lễ khai giảng chung cho toàn thành phố. Cụ thể, lễ khai giảng được tổ chức và truyền hình trực tiếp tại 1 trường trên địa bàn thành phố; phát trực tiếp trên sóng của Đài phát thanh truyền hình Hà Nội. Nhiều địa phương trên cả nước phải lùi lịch tựu trường do ảnh hưởng của dịch bệnh và triển khai học trực tuyến cho học sinh (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương,…). Tại Nam Định, căn cứ theo công văn số 1205/SGDĐT-VP ngày 18/8/2021 về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2021 – 2022, các trường THPT đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị khai giảng đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và phù hợp với tình hình nhà trường. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, chuẩn bị cho năm học 2021 – 2022, Ủy ban nhân dân huyện Nam Trực và các huyện trong toàn tỉnh đã tiến hành công tác xét nghiệm, sàng lọc nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục. Ngày 01/9/2021 theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, tỉnh Nam Định ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19, theo đó một số huyện trong tỉnh đã phải tạm dừng tựu trường vào ngày 01/9 và chờ đến khi có thông báo mới (huyện Hải Hậu). Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo luôn phải chuẩn bị sẵn các phương án chuyển dạy học trực tiếp sang trực tuyến vào bất kì thời điểm nào nhằm đảm bảo và đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu giáo dục đã đề ra. Bộ giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các cơ quan quản lí giáo dục, nhà trường thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc dạy - học trực tuyến qua mạng Internet. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng chương trình, học liệu, tổ chức giảng dạy, đánh giá công nhận kết quả và huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cần thiết cho việc học online này. Với trường THPT Lý Tự Trọng, ngay sau khi có thông báo nghỉ dịch lần 1 (từ


3

ngày 4/2/2020 đến ngày 1/3/2020), Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ dịch. Tuy nhiên, với lần triển khai này ngoài việc bỡ ngỡ với hình thức dạy học mới, giáo viên khi tham gia dạy học trực tuyến còn gặp rất nhiều khó khăn như sử dụng các phần mềm chưa thành thạo, chưa linh hoạt, một số học sinh nhà không có máy tính, không có mạng internet, hoặc có đầy đủ phương tiện tham gia học trực tuyến nhưng lại không tham gia hoạt động học…. Đến thời điểm ôn tập trực tuyến cho học sinh lớp 12 trong tháng 5 năm 2021, các thầy cô giáo và học sinh đã dần quen với việc dạy và học online. Tuy nhiên, để giờ học trực tuyến luôn sôi nổi, các hoạt động học trực tuyến luôn hấp dẫn, hiệu quả cao là vấn đề mà nhiều thầy cô giáo luôn băn khoăn, trăn trở. Là một giáo viên dạy Địa lí của trường, sau mỗi hoạt động học trực tuyến tôi luôn phân tích, tìm tòi hướng khắc phục những hạn chế của từng bài giảng để mỗi giờ học của tôi đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu đã đề ra. Việc làm thế nào để học sinh chờ đợi đến giờ học môn Địa lí, chủ động tham gia nhiệt tình các hoạt động học trong giờ học; làm thế nào để mỗi bài học địa lí trở thành sự đam mê thích thú, sự mong ước được tìm hiểu khám phá của mỗi học sinh; làm thế nào để việc ôn tập, trang bị kiến thức chuẩn bị cho kì thi Tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học của học sinh lớp 12 được diễn ra thường xuyên, liên tục, đạt kết quả cao … là điều tôi muốn hướng tới. Chính những điều này đã thôi thúc tôi thực hiện sáng kiến Sử dụng trò chơi học tập nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học trực tuyến môn Địa lí 12. Qua sáng kiến này học sinh chắc chắn sẽ thấy thoải mái, hứng thú hơn với các giờ học, với từng hoạt động học trực tuyến; yêu thích học tập môn Địa lí từ đó chủ động học tập và lĩnh hội kiến thức. Các nội dung, chuyên đề ôn tập cũng được diễn ra thường xuyên, liên tục, từ đó giúp học sinh phát triển các nội dung đã được học tập; định hướng ôn tập cho những kì thi lớn. Bản thân tôi cũng vận dụng ngày càng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp dạy học trực tuyến hơn nữa để đạt được mục tiêu giáo dục đã đề ra trong mọi hoàn cảnh của thiên tai, dịch bệnh; góp phần nhỏ bé của mình cho thành công của nhà trường nói riêng và sự nghiệp giáo dục nước nhà nói chung. II. MÔ TẢ GIẢI PHÁP 1. Mô tả giải pháp trước khi tạo ra sáng kiến 1.1. Một số lí luận về trò chơi học tập Trò chơi là hoạt động rất quen thuộc, gần gũi và thích thú đối với học sinh, nhất là học sinh phổ thông. Trò chơi chứa đựng chủ đề, nội dung nhất định mà người tham gia phải tuân thủ. Trò chơi vừa mang tính chất vui chơi, giải trí, đồng thời cũng có ý nghĩa giáo dục cho học sinh. Trò chơi học tập được các nhà lí luận dạy học nghiên cứu và cho rằng: tất cả những trò chơi gắn với việc dạy học (phương pháp, hình thức tổ chức và luyện tập không tính đến nội dung và tính chất của trò chơi) đều được gọi là trò chơi học tập. Trò chơi học tập thực chất là một trò chơi có định hướng đối với sự phát triển trí


4

tuệ của người học. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan niệm khác nhau, như: E.I.Chikhieva quan niệm “trò chơi được gọi là trò chơi học tập hay trò chơi dạy học là vì trò chơi đó gắn liền với một mục đích dạy học nhất định và đòi hỏi phải có tài liệu dạy học phù hợp kèm theo”; P.G.Xamarucova cho rằng, loại trò chơi được xem là trò chơi học tập “là những trò chơi có nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục và phát triển trí tuệ cho người học”; theo Đinh Văn Vang, trò chơi học tập “là loại trò chơi có luật thường do người lớn nghĩ ra cho trẻ chơi. Đó là loại trò chơi đòi hỏi trẻ phải thực hiện một quá trình hoạt động trí tuệ để giải quyết nhiệm vụ học tập được đặt ra như nhiệm vụ chơi, qua đó mà trí tuệ trẻ phát triển” … Phương pháp dạy học tích cực trò chơi là phương pháp giáo viên thông qua việc tổ chức các trò chơi liên quan đến nội dung bài học, có tác dụng phát huy tính tích cực nhận thức, gây hứng thú học tập cho học sinh. Qua trò chơi, học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, đồng thời qua trò chơi phát triển sự tự giác, chủ động của học sinh. Mỗi trò chơi đều có những nét đặc sắc riêng và có tác dụng nhất định đối với sự hình thành, phát triên tâm lí, nhân cách, trí tuệ của người học và mỗi trò chơi lại có những lợi thế riêng trong việc giáo dục học sinh. Tuy có nhiều loại hình trò chơi, nhưng các trò chơi đều có cấu trúc chung đó là: mục đích chơi, hành động chơi, luật chơi, đối tượng chơi, các quá trình, tình huống và quan hệ. Các nhiệm vụ, quy tắc, luật chơi và các mối quan hệ trong trò chơi học tập được tổ chức tương đối chặt chẽ trong khuôn khổ cho phép của các nhiệm vụ dạy học và được định hướng trước ở mục tiêu, nội dung học tập khi triển khai thực hiện. Trò chơi học tập được các giáo viên và người lớn sáng tạo ra, sử dụng dựa trên những yêu cầu của lí luận dạy học, đặc biêt là của lí luận dạy học các môn học cụ thể; chúng là một trong những hoạt động giáo dục không tuân theo bài bản cứng nhắc mà được tổ chức linh hoạt, phù hợp với nội dung bài dạy và góp phần làm cho tiết học thêm sinh động, thu hút học sinh chú tâm vào các hoạt động học. Trò chơi trong dạy học vốn là hoạt động quen thuộc của nhiều giáo viên. Trò chơi học tập được hiểu đơn giản nhất là các hoạt động gây hứng thú cho học sinh bằng các hình thức thi đua giữa các cá nhân hay các tập thể nhằm đạt được hiệu quả về kiến thức hay kĩ năng liên quan đến việc học tập bộ môn. Trò chơi học tập nói chung hay trò chơi địa lí nói riêng rất đa dạng. Trò chơi có thể tiến hành ở đầu giờ với mục đích khởi động, tạo hứng thú và tâm lí sẵn sàng cho tiết học. Tuy nhiên, nội dung trò chơi cần thiết phải hướng đến nội dung bài học, dựa trên những hiểu biết sẵn có của học sinh. Trò chơi cũng được tiến hành trong giờ học, được coi như là một nội dung bài học. Trò chơi được tiến hành nhằm mục đích giúp học sinh hào hứng với việc khám phá kiến thức mới và chính bản thân nội dung trò chơi cũng là những kiến thức mới. Thông qua trò chơi, ngoài ý nghĩa về việc cung cấp kiến thức, trò chơi


5

còn có giá trị to lớn góp phần phát huy sự nhanh nhạy, quyết đoán của người chơi, phát huy tính tập thể của nhóm lớp. Trò chơi còn có ý nghĩa lớn trong việc hình thành các kĩ năng sống, nhân cách của học sinh thông qua biểu hiện đơn giản nhất là tôn trọng người chơi, lắng nghe đáp án và phản biện một cách hợp lí. 1.2. Một số vấn đề chung về dạy và học trực tuyến Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự ra đời của mạng Internet đã đem lại cho con người nhiều ứng dụng tiện ích. Trong đó, dạy và học trực tuyến đang trở thành một giải pháp của giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Dạy học trực tuyến là một hình thức đào tạo qua mạng hoặc qua truyền hình, có nhiều đổi mới hơn so với dạy học truyền thống, cung cấp cho học sinh sự kết hợp hài hòa giữa nhìn, nghe và sự chủ động tích cực trong mọi hoạt động. Chính nhờ những tiện ích đó, dạy học trực tuyến đã mang lại hiệu quả cho việc học tập như: thu hút được nhiều đối tượng học sinh trong và ngoài trường (có thể còn là học sinh trên phạm vi toàn cầu), cắt giảm được nhiều chi phí xuất bản, in ấn tài liệu. Người học trực tuyến có thể chủ động chọn cho mình những kiến thức phù hợp hơn so với hình thức tiếp thu thụ động trên lớp theo lối truyền thống. Ngoài ra, người học còn có khả năng tự kiểm soát tốc độ học của mình sao cho phù hợp với bản thân mà vẫn đảm bảo được chất lượng học tập. Chính vì những ưu điểm trên, học trực tuyến đang là một giải pháp tối ưu nhất với sự thu hút ngày càng đông đảo của học sinh, sinh viên. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về dạy học trực tuyến (dạy học online), nhưng cách hiểu cơ bản đó là một phương thức phân phối các tài liệu, nội dung học tập dựa trên các công cụ điện tử hiện đại như: điện thoại, máy tính, ipad… thông qua mạng internet. Trong đó, nội dung, tài liệu học tập có thể được cung cấp từ các thầy cô giáo, cũng có thể được cập nhật từ các website trường học trực tuyến và các ứng dụng di động khác. Giáo dục trực tuyến là phương thức học ảo thông qua một máy vi tính, điện thoại thông minh nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi/yêu cầu/ra đề cho học sinh học trực tuyến từ xa. Giáo viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (Wifi, WiMax), mạng nội bộ (LAN). Mở rộng ra, các cá nhân hay các tổ chức đề có thể tự lập ra một trường học trực tuyến (E-School) mà nơi đó vẫn nhận đào tạo học sinh, đóng học phí và có các bài kiểm tra như các trường học khác. Khái niệm học trực tuyến cũng được dùng như một thuật ngữ chỉ môi trường học tập mà trong đó, người học có thể tương tác với môi trường học tập thông qua Internet hoặc các phương tiện truyền thông điện tử khác. Đây là môi trường có khả năng chia sẻ cao, vận hành không phụ thuộc vào không gian, thời gian, tạo điều kiện để mọi người trao đổi, tìm kiếm, học tập một cách dễ dàng. Việc học không


6

chỉ bó hẹp cho học sinh, sinh viên ở các trường mà dành cho tất cả mọi người, không kể tuổi tác, hoàn cảnh sống. Việc dạy học trực tuyến đã có từ khá lâu. Khóa học qua mạng đầu tiên được đưa ra vào năm 1986 bởi trường Đại học John F. Kennedy ở California – Hoa Kỳ. Các chuyên gia về đào tạo giáo dục đã có hơn 30 năm nghiên cứu cho thấy kết quả học tập trực tuyến không hề thua kém so với các lớp học truyền thống. Tuy nhiên, việc học trực tuyến có đạt hiệu quả cao hay không cũng còn tùy thuộc vào giáo viên và sự hợp tác của học sinh. Ở Việt Nam, phương thức dạy học trực tuyến đã dần trở nên quen thuộc với đa số các thầy cô giáp nhưng vẫn đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cả người dạy và người học do chưa được triển khai đồng đều, cơ sở hạ tầng của nhiều trường chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu của đào tạo từ xa, cách thực hiện của mỗi trường lại rất khác nhau. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng phương thức dạy học này vẫn đang ngày càng phát triển và lan rộng; các phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến cũng không ngừng được nâng cấp và thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội. Mô hình học tập này không chỉ giúp thầy và trò tiếp tục học tập, bồi dưỡng kiến thức mà còn nâng cao tính tự học và động lực học tập của học sinh, kể cả tính trách nhiệm lẫn kỉ luật, tự giác trong học tập. Có rất nhiều phương thức cho quá trình dạy học trực tuyến như: dạy học bằng các văn bản thuần túy thông qua thư điện tử, qua truyền hình, qua các phần mềm hỗ trợ dạy học như zoom, shub, …. Ngoài ra, với việc học trực tuyến học sinh cũng có thể truy cập các liên kết bên ngoài, những mô phỏng chất lượng cao và các hiệu ứng sinh động. Chính vì thế, tùy thuộc vào yêu cầu, mục đích của từng nội dung học tập mà giáo viên có thể lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến phù hợp, để các hoạt động học đạt hiệu quả cao nhất. E-learning (giáo dục trực tuyến hay dạy học online) có những giá trị, vẻ đẹp riêng, nhưng cũng đang có những hiểu lầm tai hại, nhất là trong thời điểm dịch vius corona, hình thức giảng dạy, học tập này được nói đến nhiều hơn. Để có thể áp dụng dạy và học trực tuyến một cách hiệu quả cần hiểu rõ về hình thức giảng dạy và học tập này. Việc hiểu E-learning là gì, những ứng dụng của nó trong giảng dạy ở Việt Nam còn chưa được hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc. Có thể tạm phân việc ứng dụng E-learning của các trường hiện nay thành 5 bậc: + Bậc 1 gồm 100% lớp học truyền thống. + Bậc 2, E-learning chỉ là nền tảng lưu trữ và chia sẻ một số tài nguyên học tập. + Bậc 3, E-learning được sử dụng rộng rãi hơn, nhiều tài nguyên hơn nhưng lớp học trực tiếp vẫn là chủ đạo. + Bậc 4, E-learning kết hợp trong phương thức và triết lí giáo dục, trở thành một thành phần quan trọng của quá trình tổ chức lớp học với các triết lí như học


7

đảo ngược (flipped classroom). Đây là bậc cao. Ở mức độ này, có sự hiểu biết và đầu tư mạnh của lãnh đạo nhà trường, nhưng E-learning ẫn chỉ là công cụ dạy và học chứ chưa thay đổi cấu trúc và mô hình vận hành của nhà trường. + Ở bậc 5, trường học đã thực sự chuyển đổi số hoàn toàn (digitalization) mô hình hoạt động của mình từ học tập, giảng dạy, quản lí chất lượng. Ở bậc này nó thực sự thay đổi về cách tiếp cận và chất lượng giáo dục. Theo đánh giá của các chuyên gia thì hầu hết các trường ở Việt Nam đang ở bậc 2, số ít ở bậc 3; bậc 4 diễn ra ở một số môn học, một số trường lớn nhưng chưa mang tính hệ thống. Mặc dù đã xuất hiện khá lâu (khoảng 13 đến 15 năm) ở Việt Nam nhưng ứng dụng của E-learning vẫn khá thấp. Lý do cơ bản là do đa số lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo đều quen với cách dạy “truyền thống”, chưa trang bị kĩ năng số và chưa vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Điều cần thiết bây giờ là đào tạo kĩ năng số cho các thầy cô giáo, động viên họ dám dấn thân để ứng dụng E-learning hiệu quả nhất. Dạy học trực tuyến hay tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, với giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đanh giá ở các nhà trường; giáo viên có thể thiết kế học liệu số, bài giảng E-learning giúp học sinh tự học. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện có kho dữ liệu gồm hơn 5000 bài giảng điện tử E-learning đoạt giải trong các cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng E-learning do Bộ tổ chức. Kho dữ liệu này có bài giảng đầy đủ các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với nội dung phong phú của các môn học trải dài các lớp học. Đây là nguồn học liệu chất lượng để các nhà trường lựa chọn và hướng dẫn học sinh tham khảo, cùng với hệ thống bài giảng điện tử mà giáo viên nhà trường chủ động xây dựng để cung cấp kiến thức, kĩ năng cho người học; đặc biệt là trong dịp các em không thể đến trường vì dịch Covid 19. Hiện nay, đa phần các giáo viên dạy học trực tuyến lựa chọn các công cụ như mạng xã hội Facebook, Zalo, qua Email hoặc các phần mềm hệ thống như Zoom, Google Classroom, Microsoft Team… để dạy học. Tuy nhiên, với các nền tảng này, nhiều thầy cô đang tìm cách để làm quen và dạy học trực tuyến với không ít khó khăn. Giáo viên mất nhiều thời gian soạn bài giảng, đọc, chấm bài, báo cáo với nhà trường, khó để quản lí chất lượng học sinh. Để đạt hiệu quả cao trong các hoạt động học, trước mỗi bài học trực tuyến, giáo viên phải cung cấp nội dung học tập, yêu cầu, tài liệu học tập trước cho học sinh. Trong quá trình giảng bài không ôm đồm, sa đà vào phân tích giảng giải nội dung mà chủ yếu quan tâm xem học sinh tiếp thu được đến đâu, lưu ý những điểm học sinh chưa rõ; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, chủ động lĩnh hội kiến thức.


8

Nghị quyết Trung ương II khóa VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các cấp học, bậc học, áp dụng những phương pháp giáo dục hiện đại để bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề. Đổi mới phương pháp giáo dục – đào tạo khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học…”. Một trong những biện pháp quan trọng là chúng ta cần phải nhanh chóng ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin để biên soạn bài giảng điện tử áp dụng trong dạy và học ở Việt Nam nhằm tích cực hóa quá trình học tập của học sinh, sinh viên. Cùng với sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học không thể chỉ dừng lại ở việc kết hợp với phương pháp dạy học truyền thống mà cần chuyển sang một trang mới để phù hợp hơn với mọi yêu cầu của xã hội, giúp người học có thể tham gia bài học mọi lúc, mọi nơi, tránh được các giờ học truyền thụ kiến thức nhàm chán với người học. Để giải quyết những vấn đề này, sử dụng trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến chính là giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất hiện nay. Hơn nữa, cho đến nay dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Bộ Y tế tới 6 giờ ngày 31/8/2021: Thế giới đã có tới 4.539.682 người tử vong, tổng số ca nhiễm là 218.913.594. Số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu. Vùng dịch “nóng nhất” là Châu Á và Châu Âu. Hàng loạt nước tại Châu Á những ngày qua đã quyết định kéo dài hoặc kéo phong tỏa nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng dịch mới. Ngày 31/8, thế giới có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới, 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Ở Việt Nam, số ca nhiễm là 473.530, đang điều trị 212.936, khỏi bệnh là 248.722 và tử vong là 11.868 (Theo https://ncov.moh.gov.vn/). Trong công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 cũng nêu rõ: Tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các tỉnh, thành phố, khu vực phía Nam và một số địa phương tập trung đông dân cư, giao thương lớn. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid 19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch Covid-19, giữ vững thành quả chống dịch đạt được. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, mỗi giáo viên phải luôn có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tích cực bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin; luôn sẵn sàng, chủ động dạy học hiệu quả nhất với mọi điều kiện và hoàn cảnh. Do vậy, việc sử dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật, các thức dạy học trực tuyến càng trở nên cần thiết hơn. Giáo viên cần chủ động hơn trong ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, sử dụng linh hoạt hơn các phương pháp, hình thức dạy học, tiếp cận nhanh chóng các phần mềm,


9

công cụ hỗ trợ dạy học để việc dạy và học trực tuyến không còn là sự lúng túng, ngại dạy của các thầy cô; học sinh cũng không còn những lí do cá nhân, những lí do mà các em cố đưa ra để trốn tránh các giờ học trực tuyến nữa. Với sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và đào tạo Nam Định; sự chỉ đạo, đôn đốc, động viên, hướng dẫn thường xuyên của Lãnh đạo trường THPT Lý Tự Trọng, các thầy cô giáo nhà trường đã mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, các giờ dạy trực tuyến và trực tuyến kết hợp trực tiếp ngày càng được tổ chức nhiều hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự đổi mới đó vẫn còn nhiều hạn chế như một số thầy cô sử dụng chưa linh hoạt, thuần thục các ứng dụng, phần mềm, phương tiện hỗ trợ dạy học bộ môn hoặc các phương pháp, phương tiện, phần mềm sử dụng lại không phù hợp với một số đối tượng học sinh, hoặc dạy học trực tuyến còn mang tính hình thức, nhiều giờ học còn chưa đủ hấp dẫn với học sinh…. Bản thân tôi cũng nhận thấy một số phần mềm, công cụ hỗ trợ dạy học tôi áp dụng còn cứng nhắc, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy tối đa các ứng dụng của từng phần mềm hỗ trợ dạy học. Vì vậy tôi thực hiện sáng kiến kinh nghiệm này vừa để học sinh được tiếp cận với các phương thức học chủ động, phát huy tốt nhất ý thức, nhận thức của học sinh, vận dụng được kiến thức môn học vào thực tiễn, tạo không khí học tập lôi cuốn, sôi nổi; vừa để bản thân tôi hiểu sâu sắc hơn, vận dụng nhuần nhuyễn hơn các phương pháp dạy và học tích cực trong môn Địa Lí, điều quan trọng hơn nữa là để bản thân tôi luôn sẵn sàng tâm thế bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, hướng dẫn học sinh chủ động học tập trong điều kiện, hoàn cảnh phức tạp nhất, đa dạng các hình thức dạy học. Việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kĩ năng tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh học tập; thực hiện dạy học bám sát điều chỉnh nội dung dạy học là những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. 1.3. Một số hiểu lầm hay gặp phải của dạy học online Việc dạy và học trực tuyến hiên nay vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Đầu tiên, nhiều người quan niệm cách giảng dạy này có chất lượng thấp. Ở bậc 1 thì chất lượng thấp là đúng, nhưng nguyên nhân chính là do người dùng, do giáo viên. Nhiều doanh nghiệp đã đi trước các trường học khá xa, họ đã xây dựng được hệ thống riêng của mình. Nhiều người cũng cho rằng dạy học online thì tương tác giữa giáo viên với học sinh sẽ kém. Điều này không hoàn toàn đúng vì hình thức này có khả năng tương tác khá cao vì học sinh, giáo viên có thể trao đổi, trả lời, chia sẻ rất hiệu quả. Các hệ thống Live streaming (giảng dạy thời gian thực) hiện nay cho chất lượng rất tốt, không kém già các lớp học truyền thống mà còn ưu điểm hơn à học sinh và giáo viên không phải di chuyển và có thể xem lại buổi học bất cứ lúc nào. Với học sinh lớp 12, việc ôn tập của các em cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, tránh được việc chen lấn vào các lớp học thêm như trước đây.


10

Các em có thể chủ động hơn trong việc học tập của mình, tránh được những mệt mỏi, căng thẳng không cần thiết, nhất là với học sinh 12, khi các em phải ôn tập, trang bị kiến thức chuẩn bị cho kì thi Tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học trong bối cảnh hiện nay. Có rất nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh còn lo ngại bị mất thông tin cá nhân hay bị kẻ xấu tác động trong quá trình dạy học trực tuyến. Vấn đề này có thể có các cách khắc phục khác nhau tùy theo từng phần mềm, phương tiện mà giáo viên hay học sinh sử dụng. Nhiều ý kiến lầm tưởng rằng dạy học online chi phí đắt nhưng trên thực tế chi phí cho việc dạy và học này lại rất rẻ cho cả giáo viên và học sinh. Giáo viên có thể xem lại bài giảng của mình, hoàn thiện hơn về chuyên môn; học sinh có thể học chủ động hơn với các chủ đề, nội dung học tập. Có ý kiến lại nói rằng giáo viên sẽ mất bản quyền khi dạy học online. Điều này cũng không đúng. Nội dung giảng dạy và học tạp hiện nay rất nhiều và miễn phí khắp nơi nên đây không phải là vấn đề lớn. Mặt khác, các hệ thống E-learning đều có các lớp bảo mật nên cũng không đáng lo ngại. Nếu bài giảng của chúng ta có người muốn tham khảo, muốn lấy là tư liệu cho họ, muốn chia sẻ cho bạn bè của họ thì chúng ta cũng đã được coi như thành công và rất đáng tự hào rồi. Không ít các thầy cô giáo được các em học sinh cả nước, thậm chí quốc tế biết đến nhờ những bài giảng hay, ý nghĩa, hữu ích với các em. Đây chính là những tấm gương sáng về việc tiếp cận công nghệ số, luôn tiên phong đi đầu để thầy cô chúng ta noi theo. 1.4. Những lợi ích của tổ chức trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến Khi dạy học trực tuyến các thầy cô giáo không thể sử dụng thiết kế bài giảng của lớp học trực tiếp. Phương thức giảng bài, lắng nghe, ghi chép đã không còn phù hợp. Với học trực tiếp, giáo viên thường thực hiện một số phương pháp, tổ chức các hoạt động vận động, các trò chơi, thảo luận để học sinh tham gia tích cực vào bài học. Chuyển sang dạy học trực tuyến, nhiệm vụ của giáo viên là game hóa nội dung bài giảng của mình, cần tổ chức các trò chơi tương tác qua các ứng dụng, phần mềm để có một giờ học online thú vị, hấp dẫn và cuốn hút học sinh. Tổ chức trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến đem lại những lợi ích: - Tạo tâm thế chủ động cho học sinh: Giáo viên là người đưa ra nhiệm vụ, hướng dẫn học sinh cách thức giam gia, học sinh sẽ là người tham gia, chủ động tìm tòi kiến thức và giải quyết vấn đề. Từ đó, luyện tập cho học sinh sự tự tin và sự sẵn sàng, tích cực khi đón nhận những kiến thức mới. - Tăng khả năng ghi nhớ: Việc sử dụng trò chơi để thay đổi hình thức học tập làm cho không khí lớp học thoải mái và dễ chịu hơn. Từ đó, tạo tính tự giác, tích cực hơn trọng việc tiếp nhận kiến thức. Thông qua trò chơi, học sinh biết cách nhìn nhận, phân tích, so sánh, khái quát kiến thức một cách thoải mái, thú vị hơn. Điều này giúp học sinh có ấn tượng với kiến thức một cách mạnh mẽ, ghi nhớ


11

thông tin lâu, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn hiệu quả hơn. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng những học sinh được trải nghiệm chương trình học qua chơi sẽ có một nền tảng vững chắc trong tương lai. - Tạo điều kiện để phát triển kiến thức mới: Ngoài việc tiếp nhận kiến thức một cách dễ dàng thông qua trò chơi học tập, học sinh còn có thể phát hiện ra nhiều vấn đề mới khác so với nhiệm vụ ban đầu. Bằng việc vận dụng các kĩ năng, kĩ xảo để chơi trò chơi, học sinh nhanh chóng phát triển những kiến thức nền tảng thành kiến thức mới, thú vị hơn. - Tăng hứng thú học tập: Trò chơi học tập bên cạnh chức năng giải trí còn giúp học sinh tự củng cố kiến thức, kĩ năng, thói quen học tập một cách hứng thú, thói quen làm việc theo nhiều quy mô (cá nhân, nhóm, lớp). Các tiết học có trò chơi sẽ thu hút được mức độ tập trung của học sinh mà không một phương pháp nào sánh được. - Tăng cường năng lượng cho việc học: Học sinh luôn có nhiều năng lượng cho việc giải trí. Phương pháp học qua chơi được xây dựng từ điều cốt lõi này, sử dụng trò chơi để truyền đạt, củng cố, phát triển kiến thức một cách tự nhiên nhất. Nhờ vậy, người học có thể thỏa sức trải nghiệm, khám phá và giải quyết các vấn đề chưa sáng tỏ của bản thân. - Tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh: Khi học online, nếu giáo viên không soạn bài thật cẩn thận, phương pháp dạy học không linh hoạt sẽ dễ dẫn đến những giờ học nhàm chán, từ đó người học không chú tâm, không chủ động trong các hoạt động học. Việc tổ chức trò chơi học tập sẽ khắc phục được những điểm yếu trong học tập online này. Giáo viên đóng vai trò tích cực trong việc hướng dẫn học sinh tương tác trong các hoạt động. Từ đó, học sinh sẽ được giáo viên hỗ trợ nhằm phát triển các kĩ năng xã hội như làm việc nhóm, chia sẻ và tư duy phản biện, đàm phán và giải quyết các mâu thuẫn. - Tăng cường sự tích cực, đầu tư thời gian của người học vào các hoạt động học: Khi người giáo viên khéo léo đưa các hoạt động vui chơi vào trong các hoạt động học sẽ tiếp thêm động lực để học sinh có thêm niềm vui, hứng thú trong quá trình học tập. Giáo viên không phải căng mình bên những tập bài kiểm tra nữa, các ứng dụng trò chơi học tập không chỉ hỗ trợ thầy cô giáo chấm bài mà còn thống kê chi tiết số câu trả lời đúng, sai của học sinh; những câu hỏi trong bài học sinh hay mắc lỗi, tỉ lệ % điểm, phổ điểm toàn bài,… Từ đây, giáo viên sẽ dần hoàn thiện hơn các bài giảng của mình, hỗ trợ kịp thời những khó khăn mà học sinh đang gặp phải, định hướng hình thành nguồn lao động chủ động trong tương lai. 1.5. Một số lưu ý khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực trò chơi học tập Thực tế cho thấy phương pháp dạy học tích cực cùng trò chơi không hề khó. Tuy nhiên giáo viên cần đủ bản lĩnh, kĩ năng và chuyên môn để kiểm soát giờ học. Khi áp dụng phương pháp này cần lưu ý một số điểm sau:


12

 Mục đích của trò chơi phải rõ ràng, thể hiện được mục tiêu của bài học hoặc một phần của chương trình.  Hình thức chơi đa dạng giúp học sinh được thay đổi các hoạt động học tập, học sinh có thể phối hợp các hoạt động trí tuệ với các hoạt động vận động tay chân.  Luật chơi nên đơn giản để học sinh dễ hiểu, dễ thực hiện. Nên đưa ra các hình thức chơi để nhiều học sinh cùng tham gia, từ đó tăng tính tương tác và giao tiếp giữa các học sinh trong lớp học và giữa các học sinh với giáo viên.  Trò chơi học tập trực tuyến phải dễ dàng đăng nhập, thao tác đơn giản, tránh mất thời gian của giờ học.  Trò chơi học tập trực tuyến phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, khoa học và đảm bảo tính giáo dục.  Tổ chức chơi trực tuyến vào thời gian thích hợp của bài học để học sinh vừa hứng thú với giờ học, vừa có thể lĩnh hội được kiến thức một cách tự nhiên, hiệu quả nhất. 2. Mô tả giải pháp sau khi có sáng kiến 2.1. Khái quát phạm vi áp dụng sáng kiến Trường THPT Lý Tự Trọng nằm trên địa bàn xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Tỉnh Nam Định. Năm học 2020 – 2021 khối 12 của trường có 10 lớp (394 HS), theo khảo sát đầu năm học chỉ có 34 học sinh học khối C, 89 học sinh chọn tổ hợp môn Sử - Địa – GDCD là môn điều kiện để xét tốt nghiệp. Học sinh khối 10 và 11 đa số đều theo ban Khoa học tự nhiên. Vì vậy, việc tạo hứng thú cho học sinh đầu tư thời gian tìm hiểu các hoạt động học của môn Địa lí còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đầu vào của học sinh trường THPT Lý Tự Trọng khá cao; đa số các em học sinh đều có tư duy, khả năng tự tìm tòi, học hỏi tốt. Hầu hết các đều có khả năng tiếp nhận thông tin nhạy bén, nhanh nhẹn, tiếp cận nhanh được các hình thức học trực tuyến. Vì vậy, sáng kiến này sẽ tăng cường được sự hứng thú trong các hoạt động học trực tuyến của học sinh, các em sẽ biết cách lựa chọn thông tin chính xác, nâng cao khả năng tự học, tự tìm hiểu, chủ động khám phá kiến thức, có khả năng thích ứng với đời sống xã hội, phát huy được những ưu điểm của bản thân từ đó định hướng nghề nghiệp cho tương lai, phát triển cộng đồng. Đồng thời, sáng kiến cũng tiếp thêm động lực cho học sinh trong mỗi giờ học, giúp các bài học trực tuyến và cả trực tiếp trở nên nhẹ nhàng hơn với cả thầy và trò, giúp các em biết vươn lên trong mọi khó khăn thử thách trong học tập và cuộc sống. 2.2. Phạm vi và phương pháp dạy học trực tuyến sử dụng trò chơi học tập 2.2.1. Phạm vi áp dụng sáng kiến


13

Sáng kiến đã được áp dụng để giảng dạy môn Địa lí cả 3 khối lớp tại trường THPT Lý Tự Trọng; đặc biệt hiệu quả với học sinh 12 ôn thi Tốt nghiệp THPT và ôn thi đại học. Với cách làm tương tự, sáng kiến cũng có thể áp dụng với các môn học khác. 2.2.2. Quy trình thực hiện chung của trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến Để tổ chức một giờ học trực tuyến theo phương pháp dạy học tích cực cùng trò chơi, giáo viên cần thực hiện quy trình 4 bước như sau: Bước 1: Giới thiệu tên và mục đích của trò chơi o Tên trò chơi phải hấp dẫn, dễ hiểu và lôi cuốn. o Mục đích trò chơi là sẽ giúp học sinh định hình được mình tham gia trò chơi để làm gì, mình sẽ tìm thấy kiến thức gì qua trò chơi,… Từ đó, học sinh xác định được nhiệm vụ, vai trò của mình trong trò chơi. Bước 2: Hướng dẫn học sinh tham gia trò chơi o Xác định: Số người tham gia, số đội tham gia, trọng tài. o Cách chơi: từng việc làm cụ thể của người chơi, đội chơi, thời gian trò chơi, những việc không được làm trong trò chơi. o Cách tính kết quả và cách tính điểm chơi, các giải thưởng. Bước 3: Thực hiện trò chơi o Khi học sinh đã hiểu rõ mục đích, luật chơi và cách chơi, học sinh sẽ chủ động tham gia vào trò chơi. Ở bước này, học sinh sẽ là người quyết định cho kết quả của trò chơi, do vậy giáo viên nên tương tác với học sinh để giúp học sinh tham gia tích cực vào trò chơi, hỗ trợ kịp thời với những học sinh không tham gia kịp thời vào trò chơi học tập (như không đăng nhập đúng đường link giáo viên gửi). o Giáo viên sẽ là người quan sát, nhắc nhở, giúp đỡ học sinh nếu học sinh còn lúng túng, chưa thành thạo trong các thao tác tham gia vào trò chơi. Bước 4: Nhận xét sau trò chơi o Giáo viên hoặc trọng tài sẽ nhận xét thái độ tham gia trò chơi của từng cá nhân, từng đội, những yếu điểm của từng đội để đề xuất các giải pháp khắc phục. o Giáo viên công bố kế quả chơi của từng cá nhân, từng đội và phần thưởng cho cá nhân, đội đạt giải. 2.2.3. Một số phần mềm và công cụ tổ chức trò chời trực tuyến miễn phí hiệu quả nhất


14

- Thứ nhất: Ứng dụng tạo trò chơi học tập Quizizz: Là một ứng dụng tạo trò chơi trực tuyến thường được dùng để kiểm tra kiến thức ở các môn học cũng như kiến thức xã hội thông qua hình thức trả lời trắc nghiệm. Các câu hỏi trắc nghiệm trong Quizizz thuộc nhiều danh mục với cấp độ khác nhau để học sinh thử sức, đánh giá trình độ của bản thân. Giáo viên có thể tự soạn câu hỏi theo từng bài, từng chuyên đề, cũng có thể truy cập bộ câu hỏi do người khác chia sẻ để sử dụng sao cho phù hợp với yêu cầu của bài học. Câu hỏi trong Quizizz có 5 dạng là trắc nghiệm, hộp kiểm, bình chọn, điền vào chỗ trống và câu hỏi mở. Ngoài việc nhập câu hỏi, chúng ta có thể chèn thêm hình ảnh (phù hợp với dạng câu hỏi sử dụng biểu đồ, lược đồ, bản đồ trong môn Địa lí) và âm thanh vào phần nội dung câu hỏi, chúng ta chỉ cần tải file từ máy tính lên hoặc dán đường dẫn hợp lệ. Với câu hỏi điền vào chỗ trống, một hình thức của câu hỏi tự luận, người chơi chỉ nhìn thấy câu hỏi và phải tự nhập đáp án (thích hợp với luyện các bài tập trả lời ngắn trong bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh). Quizizz cũng hỗ trợ việc lấy câu hỏi từ file excel, giúp giáo viên chuẩn bị bài giảng đơn giản hơn. Sau khi giáo viên tạo xong bộ câu hỏi, có thể sử dụng Quizizz theo 3 cách tương ứng với 3 chế độ là Play live, Assign HW và Practice. Đầu tiên là chơi trực tuyến, nhiều người cùng chơi 1 lúc. Tiếp theo là giao bài tập về nhà, chúng ta sẽ chọn một mốc thời gian nhất định và yêu cầu học sinh nộp bài theo thời hạn yêu cầu. Cuối cùng là chế độ luyện tập, không giới hạn số lần chơi. Có thể chọn chế độ chơi, bao gồm chơi 1 mình, chơi theo nhóm và làm bài kiểm tra. Sau khi tổ chức trò chơi cho học sinh bằng Quizizz, ở phần Game Highlight bên trên, giáo viên có thể xem phân tích về phần chơi đã tổ chức như tỉ lệ trả lời đúng của cả lớp, câu hỏi nào có nhiều học sinh chọn sai nhất, câu hỏi nào học sinh trả lời lâu nhất hay trung bình thời gian trả lời mỗi câu hỏi. Bên dưới, thầy cô giáo có thể theo dõi tổng quan thống kê tỉ lệ trả lời đúng/sai của học sinh cả lớp hay thống kê theo từng câu hỏi. Giáo viên cũng có thể theo dõi được thông số của toàn bộ bài làm của 1 học sinh bất kì. Ngoài ra, giáo viên còn có thể chọn in hoặc tải bản kết quả về máy, gửi kết quả qua email cho phụ huynh (nếu có địa chỉ email của phụ huynh). Đây là ưu điểm nổi bật khi sử dụng Quizizz so với các hình thức học và kiểm tra trực tiếp. Mục đích chính của Ứng dụng trò chơi trắc nghiệm trực tuyến Quizizz là tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến trên máy tính hoặc các thiết bị thông minh. Với các bài thi trắc nghiệp trực tuyến học sinh được dự thi, được chấm điểm, có quy định thời gian và diễn ra không khác gì so với thi trắc nghiệm trên giấy, thậm chí còn có lợi hơn nhiều cho cả giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, sử dụng hệ thống trắc nghiệm trực tuyến học sinh sẽ được luyện kĩ năng làm quen và sử dụng thành thạo máy tính, làm quen và biết cách khai thác được thông tin trên các website, đây là kĩ năng thiết yếu cho sự phát triển ở thời đại 4.0. Ưu điểm của trò chơi


15

 Giao diện trò chơi đẹp, âm thanh sống động, trò chơi mới lạ. Câu hỏi và đáp án hiển thị trên màn hình thiết bị người chơi mà không phụ thuộc vào máy chủ. Mỗi người chơi có một tiến trình chơi riêng, thứ tự các lựa chọn trả lời khác nhau  khách quan khi sử dụng để kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh.  Khi đang chơi, người chơi có thể nhìn thấy thứ tự của mình ở từng câu. Sau khi kết thúc trò chơi sẽ có bảng xếp thứ hạng người chơi, có các thống kê chi tiết từ đó người học sẽ có động lực hơn để cố gắng trong học tập, nâng cao khả năng tự học; người dạy xác định được nội dung học tập cần hỗ trợ người học, xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp hơn.  Giáo viên có thể sưu tầm các câu hỏi có sẵn trong ngân hàng câu hỏi, giúp đa dạng các tài liệu bồi dưỡng chuyên môn của thầy cô giáo. - Thứ 2: Ứng dụng Kahoot: Là ứng dụng rất nổi tiếng hiện nay được giáo viên và học sinh tin tưởng sử dụng. Đây là một ứng dụng hỗ trợ người sử dụng học tập miễn phí dựa trên hình thức trò chơi và được sử dụng giống như một lớp học có sự tương tác qua lại. Về bản chất thì Kahoot chính là một website vì vậy nó có thể được sử dụng ở bất kì một thiết bị nào như laptop, smartphone, máy tính để bàn,… miễn là thiết bị bạn đang sử dụng được kết nối với internet. Kahoot xây dựng một nền tảng trò chơi hấp dẫn nhằm tạo ra một môi trường học tập vui vẻ, hấp dẫn. Thay vì lối học truyền thống là nhìn vào sách giáo khoa thì người học được nhìn vào thiết bị của mình trong khi chơi và kết nối với các bạn khác trong quá trình học tập. Kahoot mang đến cho học sinh những trải nghiệm tuyệt vời, giúp các em tiến bộ rõ rệt trong học tập Kahoot hỗ trợ soạn và làm bài kiểm tra trắc nghiệm với rất nhiều các lựa chọn, với các tính năng có thể tích hợp được cả hình ảnh và video một cách đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện. Đây là một trang Web giúp giáo viên có thể tạo ra bộ câu hỏi trắc nghiệm một cách dễ dàng, gây được sự hứng thú cho người học. Kahoot giúp nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong mùa dịch. Kahoot giúp tạo ra một hệ thống câu hỏi trắc nghiệm thú vị trong vài phút. Nội dung và hình thức các câu hỏi đa dạng, có thể thêm video, hình ảnh, sơ đồ vào bộ câu hỏi để tăng sự hứng thú cho người sử dụng. Kahoot được tổ chức rất tốt trong một nhóm, giống như một lớp học. Người học sẽ trả lời câu hỏi trên thiết bị, trò chơi được hiển thị trên màn hình phụ kết hợp với các bài học chính. Ngoài việc soạn câu hỏi cho bài học, giáo viên có thể tìm kiếm, tham khảo vô số các trò chơi hiện có; học sinh có thể tham gia chơi các trò chơi trong kho dữ liệu. Với ứng dụng Kahoot, giáo viên có thể chỉ định bài tập về nhà cho học sinh. Các em có thể chơi Kahoot trên chính điện thoại của mình bất cứ lúc nào, bất cứ


16

nơi đâu. Đây là ứng dụng có đầy đủ các tính năng như linh hoạt, đơn giản, đa dạng, hấp dẫn, toàn cầu, miễn phí, là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho giáo viên và học sinh. Ưu điểm của Kahoot:  Tích hợp những hình ảnh, video,… được tải trực tiếp từ máy tính hoặc điện thoại giúp tạo sự chú ý, hấp dẫn hơn với người học.  Giúp người sử dụng có thể chủ động tương tác hơn.  Có thể đặt chế độ cài thời gian cho mỗi câu hỏi.  Trong khi giáo viên chờ học sinh đăng nhập thì giáo viên có thể mở video trên youtube chạy trong nền của ứng dụng Kahoot.  Có thể sử dụng bất kỳ trình duyệt web nào mà không cần phải cài đặt.  Có sẵn bộ câu hỏi hay được chia sẻ trên cộng đồng của Kahoot, do đó chúng ta có thể tìm và sử dụng thêm các câu hỏi khác.  Cuối mỗi bài học, người học có thể phản hồi về bài kiểm tra, giúp giáo viên hoàn thiện hơn kế hoạch bài dạy. Giúp giáo viên tổ chức ôn tập và nắm bắt kết quả nhanh, đặc biệt với hình thức thi trắc nghiệm  Không mất phí. - Thứ 3: Tạo trò chơi Powerpoit: Là một công cụ giúp cho tiết học thêm phần hấp dẫn, tăng sự hứng khởi cho học sinh để các em chủ động học tập, tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Qua trò chơi, các em sẽ ôn lại được bài cũ và tìm hiểu thêm các kiến thức mới một cách thú vị và hấp dẫn, từ đó kích thích trí tưởng tượng phong phú của học sinh, khiến cho giờ học online không còn nhàm chán. Các trò chơi học tập trên Powerpoit rất phong phú, dễ sử dụng như: câu cá, đào vàng, đồng hồ đếm ngược, hái quả, hộp quà bí mật, lật mảnh ghép, ngôi sao may mắn, nhanh như chớp, ô cửa bí mật, tìm mật mã, ai là triệu phú, trò chơi ô chữ, vòng quay may mắn, vượt chướng ngại vật,… Lợi ích của trò chơi Powerpoit trong lớp học trực tuyến:  Làm tăng động lực: Trò chơi Powerpoit trong lớp học trực tuyến giúp tăng cường động lực tổng thể. Bằng cách chơi trò chơi, học sinh trở nên có động lực hơn để học tập, chú ý và tham gia vào các nhiệm vụ đã đặt ra. Trò chơi khuyến khích học sinh trở thành một thành viên của nhóm cũng như phụ trách việc học của mình một cách chủ động nhất.  Khuyến khích tinh thần cạnh tranh: Bằng cách sử dụng các trò chơi trong lớp, học sinh có thể chơi với nhau trên tinh thần cạnh tranh.


17

Điều này sẽ làm tăng tinh thần chiến đấu trong học sinh, từ đó hỗ trợ nhau trong các hoạt động học tập khác.  Làm giảm căng thẳng: Thay thế cho khối lượng kiến thức cần lĩnh hội, thời gian nhìn vào các thiết bị học tập quá lâu, các trò chơi được sử dụng để giảm căng thẳng cho học sinh. Ngoài ra, người học thể hiện được trí thông minh, kỹ năng và hiểu biết về một chủ đề. Các trò chơi Powerpoit sẽ giúp học sinh có cái nhìn tích cực hơn về môi trường học tập của họ, tự đánh giá về tốc độ học tập của chính mình. - Thứ 4: Ứng dụng Educandy: Là một công cụ rất quan trọng để có thể nâng cao kiến thức thực tế mà học sinh tiếp nhận được. Đặc biệt trong dạy học online, khi tương tác bằng ánh mắt, cử chỉ, giao tiếp bị hạn chế nhất định thì thầy cô cần tìm ra phương pháp mới để tăng sự nhận biết và đảm bảo học sinh chủ động học tập, lĩnh hội kiến thức hơn. Giáo viên có thể sử dụng Educandy trong lớp học hoặc thiết kế các bài tập dưới dạng trò chơi hấp dẫn và giao cho học sinh chơi ở nhà. Sau khi thiết kế trò chơi, giáo viên gửi link hoặc code để học sinh thực hành mọi lúc, mọi nơi miễn là có mạng internet. Educandy gồm những trò chơi như: Nối ô chữ, tìm từ, ô chữ dọc – ngang, điền từ vào ô trống, nối từ vào ô, câu hỏi trắc nghiệm, kiểm tra trí nhớ, tìm từ Hangman. Có thể thấy, đây là những trò chơi rất quen thuộc không chỉ với thầy cô mà học sinh nghe qua cũng sẽ hiểu sơ lược về cách chơi. Vì thế thầy cô sẽ không cần tốn nhiều thời gian để phổ biến về cách chơi cho học sinh của mình. Ưu điểm của ứng dụng Educandy:  Educandy còn được gọi với tên khác là ứng dụng trò chơi 8 trong 1. Nghĩa là 8 trò chơi trong 1 ứng dụng. Vì vậy thầy cô có thể lựa chọn thoải mái trò chơi trong ứng dụng này.  Đa dạng các trò chơi ngay trên cùng một nền tảng chính là lợi thế mạnh giúp Educandy trở nên khác biệt với các ứng dụng tạo trò chơi học tập khác. Chúng ta chỉ cần nạp dữ liệu bài giảng vào 1 lần và có thể sử dụng cho cả 8 trò chơi mà không cần phải nạp tài liệu nhiều lần.  Educandy có thể được sử dụng để phục vụ các hoạt động ôn lại bài cũ, nhắc lại kiến thức và đồng thời dùng để tổng hợp lại nội dung bài giảng vừa dạy. Ứng dụng này có thể dạy cả online và offline.  Educandy được sử dụng trong tất cả các môn học. - Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng các ứng dụng tạo trò chơi học tập khác như LIVE WORKSHEETS, MENTIMETER, MICROSOFT FORMS, NEARPOD, PADLET, các công cụ WHIEBOARD ONLINE…. 2.2.4. Về tổ chức trò chơi học tập trong môn Địa lí


18

Trong quá trình thiết kế bài dạy trực tuyến, tùy theo yêu cầu về nội dung kiến thức, mục tiêu ôn tập của từng chủ đề/chuyên đề mà giáo viên vận dụng các trò chơi học tập trực tuyến sao cho phù hợp. Để thu hút sự tương tác của học sinh, giáo viên cần sử dụng kết hợp linh hoạt các trò chơi với các hoạt động học tập. Môn Địa lí ngoài cung cấp kiến thức người giáo viên phải rèn cho học sinh những kĩ năng cần thiết như: Khai thác thông tin kênh chữ, kênh hình, đọc bản đồ, tính toán…. Những kĩ năng này sẽ được các em nắm bắt dễ dàng hơn nếu các em thường xuyên được luyện tập, tham gia vào những phương pháp học tập đổi mới nhằm phát huy năng lực cốt lõi, cơ bản của bản thân. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh covid-19, để đáp ứng yêu cầu của xã hội nói chung và môn Địa lí nói riêng, tôi thấy việc dạy học trực tuyến chủ động sẽ giúp phát huy năng lực học sinh, giúp cho các em được học tập thường xuyên, liên tục; tự mình khám phá, thấy được các mối quan hệ địa lí một cách rất tường minh, các kiến thức cơ bản sẽ trở nên dễ hiểu, đơn giản hơn, các em có thể học mọi lúc, mọi nơi, các em sẽ không còn tâm lí ngại học nữa. Ngoài ra, việc tổ chức trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến còn nhằm phát huy năng lực của học sinh, rèn cho các em thói quen quan sát, suy luận tư duy logic, rèn khả năng nhanh nhạy của đôi tay, trí óc. Việc ghi chép sẽ đơn giản, dễ hiểu, tránh được cách học vẹt, học thuộc lòng một cách máy móc, tạo tâm lý thoải mái khi học tập, kích thích được lòng ham học hỏi, khả năng tư duy sáng tạo của mỗi cá nhân học sinh. Qua nghiên cứu và thực nghiệm giảng dạy trực tuyến bộ môn Địa lí tại trường THPT Lý Tự Trọng, tôi thấy rằng ngoài các hình thức dạy học truyền thống nếu ta biết đổi mới, đa dạng các phương pháp, hình thức dạy học bộ môn nhằm phát huy năng lực của học sinh thì hiệu quả bài dạy cao hơn rất nhiều. Cùng với việc tạo không khí, thời gian chủ động cho học sinh lĩnh hội kiến thức nhanh hơn, dễ dàng phân biệt được các mối quan hệ để phán đoán nhận định đúng về các sự vật, hiện tượng địa lí; phát huy tốt nhất năng lực của học sinh để nâng cao hứng thú, hiệu quả học tập cho học sinh. Đối với dạy Địa lí thì việc sử dụng các ứng dụng tạo trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến sẽ phát huy tốt năng lực của học sinh trong giờ học, là một ưu thế để thu hút sự chú ý với học sinh. Các em sẽ được tự mình bù đắp những nội dung kiến thức còn chưa chắc chắn, các em cũng hiểu được các mối quan hệ địa lí một cách dễ dàng hơn theo cách hiểu của mình, thể hiện khả năng tư duy trước mọi người, được thể hiện khả năng công nghệ thông tin của mình trong quá trình học. Đó cũng là một cách để học sinh tham gia vào các hoạt động học trực tuyến nhiều hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong học tập, tạo không khí sôi nổi, vui vẻ. Hơn nữa, để tham gia được vào những trò chơi học tập trực tuyến trong môn Địa lí, đòi hỏi các em phải nhanh nhạy, tập trung vào các hoạt động học, luôn quan sát mọi sự vật, hiện tượng xung quanh, chăm đọc sách báo, biết sử dụng


19

công nghệ thông tin để tìm hiểu các vấn đề địa lí. Nhờ vậy, sẽ có nhiều cách học thông minh được trò tìm ra và thể hiện, học hỏi lẫn nhau. Do đó, học địa lí sẽ đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, hiệu quả hơn khiến các em yêu thích môn học hơn. Thực tế cho thấy, khi áp dụng phương pháp dạy học này, học sinh tỏ ra rất hào hứng với các hoạt động học, vốn kiến thức của học sinh được bổ sung nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng rất hiệu quả. Quan trọng hơn nữa, với học sinh 12 ôn tập thi học sinh giỏi tỉnh hoặc chuẩn bị thi Tốt nghiệp THPT thì việc ôn tập trực tuyến sẽ giảm bớt căng thẳng cho các em, chủ động hơn trong tiếp nhận kiến thức, ôn tập có hiệu quả hơn trong những ngày thời tiết nóng bức. Với việc ôn tập thường xuyên, chủ động các em chắc chắn sẽ dành điểm cao trong các kì thi, sẵn sàng làm chủ tương lai của mình, định hướng được nghề nghiệp cho bản thân. 2.3. Giải pháp cụ thể Để việc dạy học trực tuyến hiệu quả thì yếu tố quan trọng nhất là tâm huyết của các thầy cô giáo, của Ban giám hiệu và cả những người làm công tác quản trị nhà trường. Làm thế nào để duy trì việc dạy và học trong những ngày chống dịch Covid-19 là vấn đề đặt ra với cả ngành giáo dục. Mỗi nhà trường phải như một sợi dây kết nối đồng bộ với học sinh giúp các em được học tập thường xuyên, luôn chủ động học tập; phải nghĩ cách làm sao cho dạy học hiệu quả, đồng bộ từ nhà trường đến học sinh và phụ huynh. Trong thời gian đầu học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch covid-19, nhiều giáo viên đã triển khai dạy học trực tuyến nhưng họ lại bị quá nhiều thông tin và công cụ dạy học trực tuyến chi phối nên nghĩ là khó thực hiện. Để chuẩn bị cho việc học trực tuyến đạt hiệu quả Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với các thầy cô giáo chủ nhiệm và thầy cô giáo bộ môn khảo sát khả năng tham gia học tập trực tuyến của học sinh.


20

Hình 1: Khảo sát thiết bị tham gia học trực tuyến của học sinh lớp 12A9 trường THPT Lý Tự Trọng; năm học 2019 – 2020


21

Lớp

Sĩ Số

Học sinh có thiết bị tham gia học trực tuyến

Học sinh nhà đã có hệ thống mạng

Học sinh không có thiết bị tham gia học trực tuyến

Học sinh nhà chưa có hệ thống mạng

12A1

39

39

38

0

1

12A2

38

38

36

0

2

12A3

40

40

39

0

1

12A4

38

38

38

0

0

12A5

33

33

33

0

0

12A6

37

36

34

1

2

12A7

33

33

32

0

1

12A8

33

33

31

0

2

12A9

36

36

33

0

3

12A10

37

37

35

0

2

Tổng

364

363

350

1

14

Bảng 1: Kết quả khảo sát thiết bị tham gia học trực tuyến của học sinh lớp 12 trường THPT Lý Tự Trọng, năm học 2019 - 2020

Như vậy với khối 12 năm học 2019 – 2020, gần 100% học sinh có thiết bị tham gia học trực tuyến (điện thoại, Ipad, máy tính); 3,84% học sinh nhà chưa có hệ thống mạng Internet. Để tất cả các học sinh đều có đầy đủ trang thiết bị, hệ thống mạng Internet, giáo viên chủ nhiệm đã liên hệ với phụ huynh học sinh, đồng hành cùng phụ huynh và học sinh khắc phục những khó khăn này. Cùng thời điểm đó, các nhà mạng Việt Nam cũng đã giảm cước, tăng tốc độ đường truyền, nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, tặng dữ liệu, miễn cước sử dụng các nội dung học tập, giải trí, có nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau theo từng đối tượng. Những điều này cũng tạo nhiều thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học trực tuyến. Để tránh tình trạng giáo viên và học sinh băn khoăn, loay hoay lựa chọn phần mềm và hình thức dạy học trực tuyến, Ban giám hiệu nhà trường đã định hướng sử dụng các phần mềm Zoom Meetting, Shub Classroom, kết hợp với thường xuyên thông báo tới học sinh, phụ huynh lịch dạy học trực tuyến trên truyền hình giúp việc dạy và học trực tuyến trở nên hiệu quả, đơn giản hơn với cả thầy và trò. Năm học 2020 – 2021, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp vơi Ban chấp hành đoàn trường, cán bộ và nhân viên văn phòng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn lập sẵn các nhóm zalo, địa chỉ email, địa chỉ liên hệ của học sinh và phụ


22

huynh học sinh, chuẩn bị tốt nhất cơ sở vật chất, phương tiện cho dạy học trực tuyến ở bất kì thời điểm nào.

Hình 2: Nhập thông tin học sinh lớp 12A7 trường THPT Lý Tự Trọng; năm học 2020 – 2021


23

Khi năm học 2021 – 2022 sắp bắt đầu, dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, đa số các thầy cô giáo đã sử dụng khá nhuần nhuyễn các phương tiện dạy học trực tuyến như zoom, zalo, yotube, facebook, Google Meet… và hướng dẫn học sinh học trực tuyến trên truyền hình để củng cố kiến thức. Tuy nhiên, khó khăn mà bản thân tôi và đa số các thầy cô giáo đều gặp phải đó là vấn đề quản lí học sinh, tạo tâm thế tích cực, chủ động, sẵn sàng tham gia các hoạt động học trong mọi thời điểm của giờ học trực tuyến. Vì vậy, tôi đã chọn giải pháp là tổ chức các trò chơi học tập trong giờ học trực tuyến để khắc phục các hạn chế trên. Giải pháp này thực sự đã có hiệu quả rất cao trong quá trình dạy học cũng như ôn tập cho học sinh ở các khối lớp tôi đảm nhận. Trong phạm vi sáng kiến, tôi xin phép trình bày ứng dụng của sáng kiến với môn Địa lí 12. Sáng kiến này cũng có thể áp dụng tương tự đối với các môn học ở các khối lớp khác trong quá trình dạy học online ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Ngoài ra, sáng kiến còn áp dụng được cả với hình thức dạy học trực tiếp thông qua việc chuẩn bị bài, củng cố nội dung các bài và các chuyên đề, ôn tập chuyên đề, làm bài kiểm tra trực tuyến (nghĩa là kết hợp online với off line). 2.3.1. Chuẩn bị bài học với trò chơi học tập trực tuyến Liveworksheets Để tạo hứng thú cho học sinh xuyên suốt trong một buổi học thì việc chuẩn bị bài chu đáo là việc hết sức cần thiết. Hình thức chuẩn bị bài bằng cách yêu cầu học sinh về đọc trước bài học đã không còn phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay, đặc biệt với những học sinh chưa có hứng thú với môn học. Vì vậy, thay vì yêu cầu học sinh đọc bài, giáo viên hãy tạo một trò chơi nhỏ để gợi sự tò mò, muốn được tìm tòi, khám phá kiến thức mới của học sinh. Ví dụ: Để tạo trò chơi chuẩn bị cho các hoạt động học Bài 2: Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ (Địa lí 12) * Quy trình xây dựng: Giáo viên xây dựng hoặc tải bài tập có sẵn trong Liveworksheets. Nếu sử dụng bài trong nguồn của ứng dụng, giáo viên nên kiểm soát chất lượng nguồn bài tập.

Hình 3: Hình ảnh giao nhiệm vụ học tập cho học sinh tìm hiểu trước giờ học


24

* Cách thức tiến hành: - Tên trò chơi: Khám phá vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ Việt Nam - Mục đích: Tìm hiểu các đặc điểm về vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ nước ta - Số người tham gia: Cả lớp (học sinh làm việc cá nhân) - Giáo viên gửi đường link yêu cầu chuẩn bị bài học vào nhóm lớp cho học sinh trước buổi học (nên giao vào ngày hôm trước, hình thức giao nhiệm vụ này phù hợp với cả dạy học trực tiếp). Học sinh tham gia và thực hiện trò chơi theo quy định. Sau khi học sinh hoàn thiện xong bài, ở cuối mục finish giáo viên yêu cầu học sinh chọn chế độ gửi bài cho giáo viên để giáo viên kiểm duyệt. Giáo viên nhận xét kết quả tham gia hoạt động chuẩn bị bài của học sinh trong giờ học tiếp theo, theo dõi hoạt động học trong khi học bài mới trên lớp hoặc online để đánh giá, cho điểm những học sinh tích cực, nhắc nhở và động viên, uốn nắn kịp thời với những học sinh còn chống đối, chưa chủ động trong quá trình chuẩn bị bài. * Ưu điểm: - Nguồn học liệu tham khảo phong phú, sinh động, giao diện bài tập hấp dẫn, các bài tập đa dạng, dễ tiếp cận. - Học sinh được chuẩn bị bài với hình thức mới, sẽ tạo hứng thú tìm hiểu bài học, tiếp thêm động lực học tập cho các em. Khi đã thực hiện nhiệm vụ trước bài học thì những thắc mắc, băn khoăn của các em về nội dung nào đó trong bài sẽ được làm sáng tỏ dễ dàng hơn trong giờ học do các em đã được chủ động tiếp cận với kiến thức mới. - Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tỉnh Nam Định đang triển khai dạy học vào các buổi sáng với học sinh các trường trung học phổ thông, các buổi chiều học sinh tự ôn tập. Việc giao nhiệm vụ học tập này sẽ giúp tận dụng hiệu quả thời gian của học sinh cho việc học, nâng cao hiệu quả rõ rệt hiệu quả của giờ học trực tiếp. * Hạn chế và cách khắc phục: - Hình thức giao nhiệm vụ này học sinh có thể chọn gửi bài cho giáo viên hoặc chọn chế độ tự mình kiểm tra bài mình đã làm. Những câu hỏi sai, ứng dụng sẽ tự động bôi đỏ, học sinh sẽ phát hiện được và sửa lỗi trước khi gửi bài cho giáo viên. Có thể nói đây là hạn chế nhưng cũng có thể coi là điểm mạnh của ứng dụng. Vì khi học sinh đã thực hiện nhiệm vụ 1 lần, phát hiện lỗi sai trong bài của mình, các em sẽ phải xem lại câu hỏi và kiểm tra câu trả lời; việc làm này sẽ giúp các em ghi nhớ kiến thức tự nhiên hơn, chủ động hơn. - Các câu hỏi nên đơn giản, số lượng, thời gian thực hiện phù hợp, không nên gây sự căng thẳng, dồn kiến thức cho học sinh. 2.3.2. Tổ chức các hoạt động tìm hiểu nội dung bài học bằng trò chơi học tập trực tuyến với ứng dụng Quizizz


25

Trong các giờ học trực tiếp, để tổ chức cho học sinh tham gia để làm sáng tỏ nội dung bài học sẽ đơn giản hơn nhiều các giờ học trực tuyến. Việc thực hiện hoạt động học bằng phương pháp đàm thoại dễ gây cho học sinh sự nhàm chán, uể oải, mệt mỏi, lơ là trong giờ học. Để giảm căng thẳng, tạo sự hấp dẫn, chủ cho học sinh trong suốt hoạt động học, giáo viên nên kết hợp linh hoạt các trò chơi để kích thích khả năng muốn được khám phá kiến thức mới của học sinh. Ví dụ 1: Sử dụng ứng dụng Quizizz trong hoạt động hình thành kiến thức mới: Khi tìm hiểu về hoạt động ngoại thương (Bài 31: Vấn đề phát triển thương mại, du lịch – SGK Địa lí 12). Để việc lĩnh hội kiến thức được nhẹ nhàng, tự nhiên nhất, giáo viên có thể tổ chức một trò chơi ngắn cho học sinh cả lớp tham gia. * Quy trình xây dựng: Thay vì lần lượt hỏi các câu hỏi vấn đáp để làm rõ nội dung kiến thức của hoạt động học, giáo viên xây dựng bộ câu hỏi liên quan đến nội dung Ngoại thương mục 1.b, SGk Địa lí 12, trang 137 và 138 (10 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng) và nhập vào Quizizz. Nội dung câu hỏi phải trải hết nội dung kiến thức cần tìm hiểu.


26

Hình 4: Hình ảnh minh họa sau khi đã nhập câu hỏi vào Quizizz * Cách thức tiến hành Bước 1: Giáo viên nêu tên trò chơi “Ai nhanh hơn”. Mục đích tìm hiểu nội dung “hoạt động ngoại thương ở nước ta”. Yêu cầu học sinh trả lời 10 câu hỏi trong trò chơi bằng ứng dụng Quizizz. Bước 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia


27

Số người tham gia: cả lớp. Cách chơi: học sinh bật trình duyệt web, bấm https://quizizz.com/join. Nhập mã code giáo viên gửi, sau đó tham gia trò chơi bằng cách trả lời các câu hỏi đã được lập sẵn. Những học sinh trả lời đúng nhiều câu hỏi nhất và nhanh nhất sẽ được thưởng điểm. Những học sinh trả lời được ít câu hỏi nhất sẽ phải chịu hình phạt do giáo viên hoặc học sinh có câu trả lời cao nhất đưa ra. Tuy nhiên, hình phạt nên nhẹ nhàng, mang tính giải trí, có tính giáo dục. Bước 3: Thực hiện trò chơi: Học sinh tham gia trò chơi, giáo viên quan sát, hỗ trợ kịp thời những khó khăn mà học sinh gặp phải và kết quả thống kê hoạt động tham gia trò chơi của học sinh. Bước 4: Nhận xét sau trò chơi: Giáo viên chiếu kết quả chơi của từng cá nhân, những học sinh có điểm cao nhất, tuyên dương, thưởng điểm. Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn của những học sinh tham gia trò chơi chưa hiệu quả.

Hình 5: Thống kê kết quả thực hiện trò chơi và câu trả lời đúng, sai của học sinh


28

Thông qua kết quả thống kê, học sinh sẽ rút kinh nghiệm quá trình tham gia trò chơi của mình về cả kiến thức, kĩ năng, thao tác. Giáo viên tuyên dương, thưởng điểm cho những học sinh điểm cao. Học sinh trả lời được ít câu hỏi nhất phải thực hiện yêu cầu của giáo viên hoặc học sinh đạt số câu trả lời đúng nhiều nhất (như đã đưa ra ở quy định trước khi tiến hành trò chơi). Hình phạt phải phù hợp, có tính giáo dục. Ví dụ: Yêu cầu tìm câu ca dao, tục ngữ hoặc bài hát nói về hoạt động thương mại (Phi thương bất phú,...). Hoặc kể tên các mặt hàng ở địa phương được bán trên thị trường các nước khác. Thống kê này giúp giáo viên phát hiện được nội dung kiến thức nào cần được làm sáng tỏ, nội dung nào học sinh chưa chắc chắn, các mức độ nhận thức ở bộ câu hỏi đưa ra đã phù hợp chưa,... Qua đây, giáo viên cũng thấy rõ được sự chuẩn bị bài trước khi tham gia giờ học của từng học sinh để có giải pháp uốn nắn kịp thời. Ví dụ 2: Sử dụng Quizizz để củng cố nội dung bài học: Sau khi kết thúc giờ học, giáo viên có thể yêu cầu học sinh thực hiện luôn các trò chơi học tập để củng cố bài học hoặc sử dụng chức năng giao bài tập về nhà, yêu cầu học sinh thực hiện. Ví dụ như để củng cố kiến thức sau khi học xong Bài 2: Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ (Địa lí 12), giáo viên soạn bộ câu hỏi theo các mức độ nhận thức tạo trò chơi học tập để học sinh thi đua làm bài, củng cố kiến thức cho học sinh. Hình thức và cách thức tiến hành như ở ví dụ 1.


29


30

Hình 6: Các hình ảnh phân tích kết quả thực hiện hoạt động củng cố bài học của học sinh trong Quizizz * Ưu điểm của trò chơi - Giáo viên dễ xây dựng, học sinh dễ tham gia trò chơi. Chấm điểm tự động, nhanh, thống kê chi tiết, giáo viên dễ phát hiện những thiếu sót trong việc tự học của học sinh, phát hiện đơn giản những học sinh chuẩn bị bài, chuẩn bị phương tiện và tham gia trò chơi chưa nghiêm túc từ đó các biện pháp khắc phục, uốn nắn kịp thời. Qua đây giáo viên cũng có thể phát hiện nhanh chóng những học sinh có năng khướu bộ môn để tiếp tục bồi dưỡng, đồng thời những học sinh này có thể hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động khác (kiểm tra, hỗ trợ quá trình học, ôn tập của các bạn cùng nhóm, cùng lớp, trao đổi phương pháp học tập với các bạn khác để hoàn thiện khả năng tự học,…) - Sử dụng hiệu quả trong cả hoạt động học, hoạt động ôn tập, kiểm tra. * Hạn chế của trò chơi và giải pháp khắc phục


31

- Chỉ sử dụng hiệu quả với các hoạt động học trực tuyến dùng câu hỏi trắc nghiệm. Câu hỏi tự luận không sử dụng được. Giải pháp: Kết hợp với các ứng dụng khác nếu cần dùng để hỏi câu hỏi trả lời ngắn, câu hỏi điền khuyến (như ứng dụng Google form). - Với những học sinh sử dụng đường truyền mạng yếu, quá trình thực hiện trò chơi để trả lời câu hỏi sẽ chậm hơn các học sinh khác. Giải pháp: Yêu cầu học sinh chọn vị trí ngồi học yên tĩnh, tốc độ đường truyền mạng mạnh nhất. 2.3.3. Tổ chức ôn tập rèn kĩ năng khai thác Atlat Địa lí Việt Nam với việc sử dụng trò chơi học tập trực tuyến bằng ứng dụng Google form. Bản đồ vừa có chức năng minh hoạ, vừa có chức năng cung cấp nguồn tri thức cho học sinh. Vì vậy, trong dạy học Địa lí, giáo viên có thể sử dụng bản đồ để minh hoạ, phân tích nội dung bài học (như chỉ rõ sự phân bố các sự vật, hiện tượng địa lí trên bản đồ, mối liên quan giữa các đối tượng địa lí,….) và để hướng dẫn học sinh tìm tòi, khám phá kiến thức. Qua đó, giáo viên hình thành và rèn luyện cho học sinh kĩ năng đọc, phân tích bản đồ, sử dụng thành thạo bản đồ để khai thác các nội dung cần tìm hiểu, học tập. Qua bản đồ, Atlat học sinh có thể khám phá các mối liên hệ tương hỗ, nhân quả, vạch ra các dấu hiệu không thể hiện trực tiếp trên bản đồ nhưng lại có các dấu hiệu để nhận biết chúng. Môn Địa lí có đặc thù riêng là học sinh được mang quyển Atlat Địa lí Việt Nam vào phòng thi, phục vụ cho làm bài thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, việc thường xuyên ôn tập, rèn các kĩ năng đọc bản đồ, đọc Atlat là hết sức cần thiết, giúp học sinh đạt kết quả cao trong các kì thi quan trọng. Để sử dụng trò chơi học tập trong hoạt động học trực tuyến rèn các kĩ năng sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam trong môn Địa lí cho học sinh, giáo viên cần chuẩn bị: Bài giảng Powerpoit, Atlat Địa lí Việt Nam, câu hỏi về Atlat để nhập vào ứng dụng Google form (mở gmail sau đó chọn ứng dụng Biểu mẫu). Giáo viên thông báo tới học sinh nội dung ôn tập trước giờ học trực tuyến, yêu cầu học sinh chuẩn bị Atlat Địa lí Việt Nam. Trong quá trình ôn tập trực tuyến, giáo viên chiếu bài giảng đã chuẩn bị, chia sẻ màn hình để học sinh cùng theo dõi, tham gia các hoạt động học.


32

Hình 7: Các hình ảnh ôn tập trực tuyến Rèn kĩ năng khai thác Atlat cho học sinh Giáo viên hướng dẫn học sinh khai thác từng trang Atlat để học sinh có khả năng vận dụng tốt nhất từng bản đồ trong Atlat vào các nội dung của bài học, bài thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia. * Quy trình xây dựng: Giáo viên mở gmail, chọn Biểu mẫu sau đó đặt tên cho bài tập, chuyên đề cần ôn tập trực tuyến. Ở ứng dụng này, giáo viên nên soạn các câu hỏi theo đủ 4 mức độ nhận thức, ở câu hỏi nhận biết nên để thời gian chơi và trả lời ngắn, các câu hỏi vận dụng và khai thác Atlat nên cài thời gian dài hơn.


33

* Cách thức tiến hành: Giáo viên gửi đường link cho học sinh đăng nhập để tham gia trò chơi. Học sinh click vào đường link, đăng nhập bằng địa chỉ email cá nhân để tham gia làm bài tập trực tuyến.

Hình 8: Các hình ảnh thống kê kết quả học tập của trò chơi trong Google form * Ưu điểm của trò chơi - Đây là hình thức học và ôn tập tạo không khí thi đua học tập hiệu quả, tính cạnh tranh cao, đơn giản cả cho thầy và trò. Giáo viên tạo bài tập đơn giản, sử dụng được hình ảnh, biểu đồ, bản đồ vào từng câu hỏi; học sinh tham gia dễ dàng, biết điểm ngay sau khi làm bài.


34

- Thông qua việc tham gia làm bài của học sinh, giáo viên nắm bắt được khả năng hoàn thiện kiến thức của học sinh, đề ra giải pháp phù hợp cho các giờ học và ôn tập tiếp theo. * Hạn chế của trò chơi và cách khắc phục So với Quizizz thì giao diện bài tập không hấp dẫn bằng, tuy nhiên để bài học đạt hiệu quả cao, thầy cô giáo phải phối hợp nhiều hình thức tổ chức trò chơi khác nhau, tránh nhàm chán nên đây cũng là giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các thầy cô trong giờ học và ôn tập trực tiếp và trực tuyến. 2.3.4. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, đánh giá bằng trò chơi học tập trực tuyến Shubclassroom Đổi mới kiểm tra đánh giá là nhiệm vụ bắt buộc của giáo dục hiện nay. Để nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá; rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dạy học, giáo viên phải thay đổi cả nội dung và hình thức kiểm tra. Thay vì việc kiểm tra đánh giá trực tiếp trên giấy, kể cả khi học online hay off line, các thầy cô giáo cũng nên sử dụng các ứng dụng kiểm tra trực tuyến vì lợi ích không nhỏ của nó. Nếu thầy cô phải vất vả in, photo, chấm bài sau mỗi lần kiểm tra trực tiếp, thì khi sử dụng ứng dụng trò chơi kiểm tra trực tuyến những công việc này không còn là nỗi lo, không làm thầy cô mất nhiều thời gian nữa. Các bài kiểm tra sẽ được chấm nhanh chóng, thống kê chi tiết lỗi sai, số câu trả lời đúng, sai; thứ tự học sinh trong lớp khi tham gia kiểm tra, không tốn giấy mực, tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức cho cả thầy và trò; học sinh được làm việc với các bài tập, bài kiểm tra đa dạng hơn cả về nội dung và hình thức. Ví dụ: Tổ chức xây dựng đề kiểm tra trực tuyến cho học sinh thi đua học tập. * Quy trình xây dựng: Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo nhằm định hướng cho việc dạy và học môn Địa lí chuẩn bị cho kì thi Tốt nghiệp THPT, tổ chuyên môn đã nhanh chóng xây dựng đề theo cấu trúc đề tham khảo. Sau đó, tôi tải bài, đặt chế độ thời gian hẹn làm bài, giao nhiệm vụ làm đề cho học sinh trên shub classroom như một bài kiểm tra đã được cài sẵn thời gian làm bài. Đây là hình thức kiểm tra dưới dạng tổ chức trò chơi thi đua tập thể vì kết quả đánh giá bài làm của học sinh được cụ thể bằng điểm số và xếp thứ tự theo lớp. Từ đó sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong học tập. * Cách thức tiến hành: Giáo viên thông báo thời gian làm bài cho học sinh, học sinh tham gia làm bài theo tài khoản cá nhân đã được cung cấp trước. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ giải đề, giáo viên chữa đề cho học sinh qua zoom, phân tích chi tiết từng câu (ở mức độ dễ hay khó, nội dung nằm ở chủ đề nào?...). Từ đó, học sinh sẽ định hướng được nội dung, phương pháp ôn tập hiệu quả nhất cho bản thân. Khi ôn tập các chuyên đề giáo viên giao bài tập cho học sinh trước qua phần mềm Shub sau đó tiến hành thảo luận, chữa bài trực tuyến trên Zoom, củng cố bài học bằng câu hỏi


35

trắc nghiệm thông qua trò chơi trực tuyến. Tất cả các hoạt động học này sẽ tạo hứng thú, tránh nhàm chán và chủ động lĩnh hội kiến thức, nhớ và vận dụng kiến thức hiệu quả cho học sinh. Để tăng thêm tính hấp dẫn khi làm bài, giáo viên đưa ra các hình thức khen thưởng cho những học sinh có kết quả làm bài cao.

Hình 9: Một số hình ảnh tổ chức trò chơi nhằm kiểm tra, đánh giá, giao nhiệm vụ học tập và cho điểm học sinh bằng phần mềm Shub Classroom Để củng cố thêm cấu trúc đề tham khảo, định hướng ôn tập hiệu quả cho học sinh, tôi tiếp tục biên soạn 1 đề mẫu, đăng lên Shubclassroom, yêu cầu học sinh thi


36

đua giải đề. Sau khi làm đề xong, yêu cầu mỗi học sinh rút ra định hướng cần ôn tập cho bản thân, cuối cùng giáo viên tổng hợp, định hướng ôn tập chung. Kết luận: Đề tham khảo năm 2020 - 2021 ra theo cấu trúc 50% dễ + 25% trung bình + 15% khó + 10% rất khó. Phần nội dung khó và rất khó vào chủ đề Địa lí tự nhiên, địa lí vùng, kĩ năng biểu đồ và bảng số liệu (trong đó tập trung nhiều nhất vào địa lí vùng với 6 câu). Đề có 15 câu Atlat nhưng chỉ ra ở mức độ dễ. Kiến thức lớp 11 không vào lí thuyết mà chỉ hỏi 2 câu kĩ năng. - Định hướng ôn tập: + Rà soát lại nội dung kiến thức Địa lí tự nhiên + Địa lí dân cư + Địa lí ngành (phần đã học) + kĩ năng địa lí (đặc biệt chú ý kĩ năng đọc Atlat với học sinh chưa chắc kiến thức). + Ôn tập bám sát theo cấu trúc đề. + Cần tự giác ôn tập, sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam thường xuyên. Khi làm bài trắc nghiệm cần đọc kĩ câu dẫn, gạch chân dưới các từ khóa, phân tích kĩ để lựa chọn đáp án chính xác. + Giáo viên củng cố kiến thức bằng câu hỏi trắc nghiệm khách quan với đủ 4 mức độ theo chuyên đề bám sát theo các mức độ ở từng chuyên đề trong đề tham khảo (chú ý các câu hỏi vận dụng cho học sinh khá, giỏi). + Tích cực xây dựng và sưu tầm các đề theo cấu trúc đề minh họạ cho học sinh làm. + Theo dõi, bám sát quá trình ôn tập, giải đáp kịp thời những khó khăn, thắc mắc của học sinh.

 Giải pháp: Tiếp tục tổ chức cho học sinh thi đua giải các bài tập qua phần mềm shub classroom, ôn tập theo chuyên đề cho học sinh khi ôn tập trên lớp. Việc luyện đề được thực hiện kết hợp với phần mềm Shub Classroom. Giáo viên tải đề lên phần mềm, cài đặt các chế độ thời gian, thông tin tới học sinh thời gian làm bài, lần lượt cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ theo từng đề thi mà các nhóm chuyên môn Địa lí ở các trường đã xây dựng. Giải pháp này tôi đã thực hiện và thấy rất hiệu quả, học sinh hứng khởi với các hoạt động học được giao trên từng đề do việc thực hiện nhiệm vụ của học sinh được đánh giá bằng điểm số và thứ tự từ 1 đến hết lớp. Mục tiêu phấn đấu của các em rõ ràng hơn; các em cũng có ý thức ôn tập, nghiêm túc trong học tập hơn. Ngoài ra, thông qua các hoạt động này các em còn biết mình yếu ở những nội dung kiến thức nào để định hướng ôn tập và có biện pháp khắc phục. Giáo viên có thể giải đáp trực tiếp các thắc mắc của học sinh trong quá trình làm bài, theo sát quá trình ôn tập, hỗ trợ kịp thời những vướng mắc của học sinh, đánh giá hiệu quả tiến bộ của từng học sinh khi ôn tập. Việc ôn tập này được thực hiện nhịp nhàng giữa các hoạt động học trên lớp với các hoạt động được giao trên bài tập trực tuyến, học sinh được chủ động làm bài ở mọi địa điểm


37

đã tạo tâm lí thoải mái, nâng cao đáng kể hiệu quả của việc ôn tập, chủ động lĩnh hội kiến thức ở học sinh. Sử dụng tốt nhất nguồn học liệu đã được các thầy cô trong tỉnh biên soạn cho học sinh ôn tập chuẩn bị cho kì thi Tốt nghiệp THPT. 2.3.5. Tổ chức các hoạt động ôn tập trực tuyến bằng cách xây dựng trò chơi học tập theo các game show truyền hình trên powerpoit. Giáo viên sử dụng phần mềm Zoom hoặc Google Meet để tạo lớp học trực tuyến. Chọn chế độ chia sẻ màn hình để học sinh tham gia vào trò chơi được soạn sẵn trong Powerpoit. * Quy trình xây dựng: - Giáo viên cần xác định rõ mục đích trò chơi: Ôn tập, củng cố kiến thức chuyên đề “Địa lí các vùng kinh tế”. - Tên trò chơi: Đường lên đỉnh Olympia. + Giáo viên xây dựng các vòng chơi với các bộ câu hỏi theo từng vòng giống như cuộc thi kiến thức đường lên đỉnh olympia trên truyền hình dành cho học sinh Trung học phổ thông trên powerpoit.Trò chơi gồm 4 vòng: Vòng 1: Khởi động: Gồm 4 gói câu hỏi, mỗi gói có 10 câu, độ khó tương đương nhau với kiến thức về Địa lí các vùng kinh tế (câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu). Thời gian trả lời trong 1 phút. Vòng 2: Vượt chướng ngại vật: Gồm 10 câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng. Vòng 3: Tăng tốc: Có 4 câu hỏi sử dụng hình ảnh, học sinh giải mật mã cho các hình đã cho. Vòng 4: Về đích: Được thiết kế 4 trò chơi gồm CÂU CÁ ĐẠI DƯƠNG, NÉM ỐNG BƠ, ĐUA TỐC ĐỘ, CÓC VÀNG TÀI BA. Mỗi trò chơi đều đòi hỏi học sinh phải khéo léo, tốc độ, chính xác. Kết thúc 4 vòng chơi, để tạo không khí vui nhộn, thư giãn, thoải mái trong giờ ôn tập, giáo viên cho cả lớp nghe bài hát “học địa lí thật vui” phát trên kênh VTV7. * Cách thức tiến hành: Bước 1: Giới thiệu tên và mục đích trò chơi - Tên trò chơi: Đường lên đỉnh Olympia. - Mục đích trò chơi: Ôn tập, củng cố kiến thức chuyên đề “Địa lí các vùng kinh tế”. Học sinh tham gia trò chơi bằng cách lựa chọn và trả lời các câu hỏi trong trò chơi. Tạo không khí thoải mái trong giờ học với tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Bước 2: Hướng dẫn học sinh tham gia trò chơi


38

- Chia lớp học thành 4 nhóm (tương ứng với 4 đội, 8 đến 9 học sinh một nhóm, tùy theo sĩ số lớp). Chia luôn theo 4 tổ trong cơ cấu lớp học đã có sẵn. Các đội cử nhóm trưởng để chỉ đạo quá trình tham gia trò chơi của cả đội. - Cách chơi: Ở vòng 1, khởi động: Gồm 4 gói câu hỏi, mỗi gói có 10 câu. Các đội tự lựa chọn gói câu hỏi của nhóm mình sau đó lần lượt từng thành viên trong đội sẽ tham gia trả lời các câu hỏi. Các học sinh khác trong đội và thành viên đội khác sẽ theo dõi, đánh giá. Thời gian trò chơi là 1 phút. Nhóm trưởng được phép chỉ định người chơi trả lời câu hỏi theo nguyên tắc mỗi người chơi trả lời tối thiểu 1 câu hỏi. Mỗi câu trả lời đúng, đội chơi được thưởng 10 điểm cộng vào điểm tổng cho cả đội. Ở vòng 2, vượt chướng ngại vật: Gồm 10 câu hỏi với mức độ tương đương nhau. Mỗi câu hỏi có thời gian chuẩn bị 30 giây được cài sẵn trong trò chơi. Sau khi kết thúc mỗi câu hỏi, cả 4 đội gửi đáp án vào mục Chat trong ứng dụng Zoom hoặc Google Meet để các đội chơi đánh giá chéo. Giáo viên theo dõi, cho điểm, mỗi câu trả lời đúng đội chơi được 10 điểm cộng vào điểm tổng. Ở vòng 3, tăng tốc: Có 4 câu hỏi sử dụng hình ảnh, học sinh giải mật mã cho các hình đã cho. Mỗi câu hỏi có thời gian quan sát và trả lời trong 30 giây. Cách thức chơi giống như ở vòng 2. Ở vòng 4, về đích: Được thiết kế 4 trò chơi giống như 4 gói câu hỏi (10 câu/1 bộ trò chơi với mức độ tương đương ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao) gồm CÂU CÁ ĐẠI DƯƠNG, NÉM ỐNG BƠ, ĐUA TỐC ĐỘ, CÓC VÀNG TÀI BA. Mỗi đội chơi chọn 1 trò chơi cho đội mình. Đội trưởng chọn người chơi đại diện cho nhóm. Ở vòng này, giáo viên phải gửi bài powerpoit về trò chơi qua nhóm zalo hoặc Messenger của lớp để học sinh trực tiếp tham gia chơi. Người chơi ở đội nào chơi thì sẽ bật chế độ chia sẻ màn hình để các đội và những người chơi khác trong nhóm theo dõi. Kết thúc trò chơi, học sinh trong đội khác sẽ nhận xét, giáo viên sẽ kết luận, cho điểm. Vòng chơi này vừa luyện kĩ năng về công nghệ thông tin, kĩ năng bộ môn với học sinh, luyện cho người học sự nhanh nhạy, khéo léo, tốc độ, cập nhật thông tin. Thời gian toàn trò chơi vòng 4 cho mỗi đội là 3 phút. Bước 3: Thực hiện trò chơi Ở mỗi vòng chơi, sau khi giáo viên phổ biến, học sinh đã hiểu rõ mục đích, luật chơi và cách chơi, học sinh sẽ chủ động tham gia vào trò chơi, giáo viên tương tác, hỗ trợ học sinh để các em tham gia tích cực vào trò chơi. Đội trưởng các đội ghi điểm theo dõi các vòng thi (đội 1 tính điểm đội 2, đội 2 tính điểm đội 3, đội 3 tính điểm đội 4, đội 4 tính điểm đội 1). Kết thúc trò chơi giáo viên cho học sinh nghe bài hát “học địa lí thật vui”. Cùng thời gian này, các đội sẽ kiểm tra kết quả theo dõi của đội bạn với kết quả thi của đội mình. Sau đó giáo viên giải đáp thắc mắc của các đội chơi. Bước 4: Nhận xét sau trò chơi


39

Giáo viên nhận xét thái độ tham gia trò chơi của từng cá nhân, từng đội, những yếu điểm của từng đội  đề xuất giải pháp khắc phục. Giáo viên công bố kết quả chơi của từng cá nhân, từng đội, thưởng điểm cho đội đạt tổng điểm cao nhất và cá nhân tham gia trò chơi tích cực nhất. Với 3 đội còn lại sẽ thực hiện phạt theo quy định

• Đội xếp thứ 2 kể tên những cái “nhất” của một vùng kinh tế bất kì (được lựa chọn) • Đội xếp thứ 3 kể tên những cái “nhất” của hai vùng kinh tế bất kì (được lựa chọn sao cho khác với vùng kinh tế mà đội xếp thứ 2 đã chọn). • Đội xếp thứ 4 kể tên những cái “nhất” của ba vùng kinh tế bất kì (được lựa chọn sao cho khác với vùng kinh tế mà đội xếp thứ 2 và 3 đã chọn). • Đội xếp thứ nhất theo dõi, bổ sung. Vùng kinh tế còn lại, giáo viên tổ chức cho cả lớp tham gia liệt kê. (Ví dụ trả lời: Trung du và miền núi Bắc Bộ: Giàu khoáng sản bậc nhất, diện tích lớn nhất, nhiều đô thị nhất, nuôi nhiều trâu nhất - chiếm ½ cả nước, là vùng trồng chè nhiều nhất. Đồng bằng sông Hồng: Năng suất lúa cao nhất, mật độ dân số cao nhất, dân số đông nhất, mức độ tập trung công nghiệp cao nhất, chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung nhiều nhất ) * Ưu điểm của trò chơi - Tạo không khí ôn tập sôi nổi, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện năng lực của bản thân. - Học sinh chủ động học tập, chủ động lĩnh hội và làm chủ kiến thức. Luyện khả năng nhanh nhạy, chính xác khi tham gia trò chơi, sự tập trung, hiệu quả trong học tập. - Tăng cường tình đoàn kết, hợp tác nhóm, luyện khả năng chỉ đạo của người thủ lĩnh, tạo sự cạnh tranh giữa các đội, nâng cao ý thức trong học tập và các kĩ năng mềm khác. - Có thể tổ chức chơi với câu hỏi đa dạng, gồm cả trắc nghiệm, trả lời ngắn, câu hỏi hỏi sử dụng hình ảnh. - Với việc tổ chức, thực hiện trò chơi, giáo viên có thể ôn tập sâu, rộng theo từng chuyên đề cho học sinh. Việc dạy học sẽ nhẹ nhàng, thoải mái, kiến thức lĩnh hội sẽ tự nhiên, học sinh nhớ lâu, liên hệ hiệu quả kiến thức ôn tập với thực tiễn, chuẩn bị tốt kiến thức cho học sinh tham gia các kì thi.


40

* Hạn chế của trò chơi và giải pháp khắc phục - Ở vòng khởi động, khi 1 đội tham gia trò chơi, học sinh các đội còn lại có thể sẽ có tâm lí “bỏ qua”, không chú ý vào nội dung các câu hỏi trong trò chơi. Giải pháp: Sau khi đội chơi hoàn thành các câu hỏi, giáo viên gọi sắc xuất 1 học sinh bất kì trong đội còn lại chơi lại hoặc yêu cầu 1 số học học sinh nhận xét phần chơi, nhắc lại câu hỏi mà đội chơi vừa trả lời. - Ở vòng chơi vượt chướng ngại vật, các đội chơi cùng trả lời 10 câu hỏi, gửi đáp án vào nội chung Chat. Do học online nên học sinh trong 1 đội khó thảo luận để thống nhất đáp án. Giải pháp: Lập trước các nhóm Zalo nhỏ theo đội để học sinh thảo luận nhóm. Hoặc tất cả học sinh đều gửi kết quả vào nhóm Chat trong phần mềm dạy học trực tuyến mà giáo viên sử dụng. Nếu kết quả đúng giống nhau, cộng 10 điểm/1 câu trả lời đúng cho cả đội. Nếu 1 người chơi trong đội trả lời đáp án khác, không đúng đội chơi bị trừ 1 điểm/1 câu trả lời sai/1 người chơi. Giáo viên thông báo số điểm trừ của mỗi đội để các đội theo dõi chéo. - Ở vòng chơi tăng tốc (cách thức tổ chức giống vòng chơi vượt chướng ngại vật nhưng câu hỏi ở mức độ cao hơn). - Vòng chơi về đích, là vòng hấp dẫn nhất. Khi tổ chức chơi trực tuyến có hạn chế lớn là một số học sinh sử dụng điện thoại, không mở được bài giáo viên gửi, một số học sinh thao tác máy kém, không kịp chơi hết trò chơi. Giải pháp: Học sinh không mở được bài có thể theo dõi phần thể hiện của nhóm đang chơi, sau đó nhận xét, bổ sung nếu có ý kiến trái chiều. Giáo viên gửi bộ câu hỏi cho học sinh để cùng tham gia trả lời. Học sinh ghi đáp án ra nháp hoặc vào mục chat gửi phản hồi cho giáo viên. Kết luận: Trò chơi nào cũng có những ưu, nhược điểm riêng. Nếu thầy cô chúng ta sử dụng thường xuyên, liên tục, rút kinh nghiệm sau mỗi lần triển khai thì chắc chắn trò chơi đó sẽ thể hiện tốt các tính năng của nó, giờ học cũng như giờ ôn tập của các thầy cô sẽ trở nên nhẹ nhàng, học sinh sẽ luôn sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức của bản thân cho môn học, phấn đấu hoàn thiện kiến thức, kĩ năng của mình hơn. Sau đây là một số hình ảnh của hoạt động tổ chức trò chơi “Đường lên đỉnh Olympia”


41


42

Hình 10: Các hình ảnh của trò chơi Đường lên đỉnh Olympia 2.4. Đề xuất một số giải pháp chung nhằm nâng cao hiệu quả của tổ chức trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến - Để tổ chức trò chơi học tập đạt kết quả cao, giáo viên cần chú ý tâm lí, lực học, điều kiện học tập (phương tiện) của học sinh để lựa chọn trò chơi cho phù hợp. Trò chơi không quá khó về cách thức tham gia và câu hỏi trong trò chơi, không vượt qua tầm suy nghĩ của học sinh, tôn trọng ý kiến của học sinh. Kết thúc trò chơi, giáo viên phải tổng kết trước lớp kết quả các nhóm chơi đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục. Động viên, hỗ trợ, khuyến khích các đội chơi kịp thời. Trò chơi phải gây hứng thú và thu hút được nhiều người chơi. Giáo viên nên kết hợp, sử dụng linh hoạt các trò chơi học tập trực tuyến, không lạm dụng quá hình thức này, cũng không nên sử dụng mãi một trò chơi, tránh gây nhàm chán, mệt mỏi cho học sinh khi tham gia các hoạt động học. - Thầy cô giáo cần phải có sự chuẩn bị bài dạy kĩ càng, dự kiến trước các tình huống sẽ xảy ra, tư vấn cho học sinh chuẩn bị tốt nhất vị trí ngồi học và phương tiện học tập trực tuyến. - Việc tổ chức trò chơi học tập trực tuyến góp phần hình thành và phát triển năng lực cho học sinh về các kĩ năng: giao tiếp, hoạt động tương tác giữa cá cá nhân trong đội chơi, kĩ năng trao đổi thông tin, trình bày và tiếp nhận thông tin, kĩ năng tìm kiếm thông tin, kĩ năng làm việc có trách nhiệm trong môi trường hợp tác, khả năng phối hợp với người khác để cùng hoàn thành công việc, biết kết hợp thành quả của người khác để hoàn thành công việc của mình, có ý thức và khả năng tổ chức các bạn khác cùng hợp tác để hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, còn hình thành các thái độ: Ý thức hợp tác trong công việc, ý thức tự chịu trách nhiệm trong nhóm, ý thức tôn trọng thành quả lao động của người khác, ý thức cùng người khác hướng tới một mục đích hoạt động chung. Tổ chức trò chơi hợp lí sẽ làm thay đổi không khí học tập trực tuyến của lớp học, làm cho không khí học tập trở nên dễ chịu, thoải mái. Học sinh sẽ thấy vui hơn, cởi mở hơn, không căng thẳng, mệt mỏi sau thời gian dài tập trung cao với giờ học và với màn hình các thiết bị học tập trực tuyến.


43

- Phối hợp với phụ huynh học sinh để thường xuyên kiểm tra thiết bị, chất lượng học tập trực tuyến của học sinh. - Khắc phục hạn chế về công nghệ là mấu chốt quyết định thành công: Mục đích của dạy học trực tuyến cũng giống như dạy học truyền thống là giúp người học khởi tạo và củng cố kiến thức về một chủ đề nào đó. Điểm khác biệt giữa hai loại hình dạy và học này nằm ở công cụ và môi trường diễn ra sự tương tác giữa người học và người dạy. Tận dụng được sức mạnh của máy tính, mạng Internet cũng như khắc phục được những hạn chế về công nghệ của bản thân chính là mấy chốt quyết định thành công của quá trình dạy học trực tuyến. Khắc phục được hạn chế này thì việc dạy và học trực tuyến sẽ trở nên gần gũi và thân thiện với người học và người dạy hơn. - Lưu trữ lại bài giảng để người học xem khi cần: Do người học chỉ có thể tập trung trong một khoảng thời gian nhất định, việc người dạy nói hoặc trình bày bài giảng trong một khoảng thời gian dài có thể làm cho người học xao nhãng. Do vậy, các bài giảng đã được quay, được thực hiện nên lưu giữ lại để người học có thể xem lại khi cần. Các bài giảng cũng cần được lưu trữ một cách khoa học để dễ tìm kiếm khi cần. Sử dụng các công cụ quản lý học liệu trực tuyến như Google Classroom hay Blackboard có thể giúp việc tổ chức và lưu trữ các học liệu hiệu quả hơn. Ngoài các video bài giảng trực tuyến hoặc lưu trữ trên mạng, các học liệu khác như bài đọc, các đường dẫn tới trò chơi, tài liệu tham khảo trên mạng, các bài ôn tập, bài kiểm tra, các phiếu mô tả hoạt động học tập theo nhóm hoặc giữa học sinh với phụ huynh cũng cần được chuẩn bị và giới thiệu tới người học đúng thời điểm, phù hợp và hiệu quả. - Giáo viên cần chuẩn bị chi tiết nội dung cho từng chủ đề dạy học trực tuyến. Cần chắt lọc kiến thức, lên bố cục video và soạn giáo án kĩ lưỡng; cần chuẩn bị các tư liệu, hình ảnh, video… sẽ sử dụng kèm giáo án; các thiết bị chuẩn bị cho dạy trực tuyến cũng cần chuẩn bị kĩ càng. - Thời gian của trò chơi học tập trong giờ học trực tuyến phải phù hợp, không nên kéo dài lê thê gây cảm giác mệt mỏi, chán nản cho người học. Các trò chơi cũng phải được thay đổi hình thức chơi linh hoạt đảm bảo hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của bài học, tránh sử dụng một trò chơi lặp đi lặp lại trong một tiết học và trong các tiết liên tiếp liền kề nhau gây sự nhàm chán trong học tập . Tùy từng chuyên đề dạy học, giáo viên có thể tổ chức các trò chơi ôn tập trực tuyến nhằm thu hút sự tập trung của học sinh vào bài học, tạo hứng thú, muốn khám phá kiến thức, muốn chinh phục những điểm số cao, tự giác tham gia các hoạt động học trực tuyến do giáo viên đưa ra. Điều này sẽ giúp giờ học trực tuyến thoải mái, nhẹ nhàng mà hiệu quả cao. - Mặc dù các em học sinh THPT đều khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo nhưng trong thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình học sinh sẽ chi phối nhiều đến


44

hoạt động học trực tuyến. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh cho con em mình học tập, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hơn nữa do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nền nếp, ý thức học tập của học sinh không trực tiếp nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Cần nâng cao hiệu quả tương tác giữa giáo viên và học sinh, tránh thực hiện bài giảng một chiều, học sinh tiếp nhận qua mạng, qua các phương tiện, sự tương tác cần liên tục trong giờ học và thông qua cả hệ thống câu hỏi, bài tập sau đó. - Trong quá trình tổ chức trò chơi trong học tập trực tuyến, giáo viên cần tăng cường tương tác với học sinh qua nhiều kênh để nắm bắt ý thức học tập, chất lượng học tập bài học và những khó khăn của học sinh qua bài giảng. Thường xuyên nhắc nhở, động viên học sinh cố gắng học tập, có câu hỏi, bài tập để đánh giá kết quả học tập trực tuyến thường xuyên cho học sinh. - Các sở Giáo dục và đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để các nhà trường triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn, khối lớp. Các nhà trường cần tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Nhà trường, các thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp. Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kĩ thuật thì cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh như soạn bài ôn tập, in và thông báo phụ huynh đến nhận, yêu cầu học sinh học qua truyền hình để việc ôn tập được thường xuyên, liên tục. - Người dạy cần xác định và thống nhất với người học mục tiêu của từng chuyên đề, nội dung ôn tập để xây dựng trò chơi và hình thức chơi cho phù hợp. Cần xác định mục tiêu rõ ràng: Việc học trực tuyến là một thay đổi đáng kể với học sinh, môi trường mạng Internet có nhiều nguồn gây mất tập trung. Do vậy, việc xác định rõ mục tiêu nhằm tạo cho học sinh quyết tâm học tập, bố trí thời gian và tâm trí một cách phù hợp nhất sẽ tạo hiệu quả cao cho quá trình học. Các em cần chủ động phản hồi và tham gia trao đổi với thầy cô, nhà trường và các nhà cung cấp dịch vụ để dần dần cải thiện, nâng cao hiệu quả của học tập trực tuyến. - Lựa chọn hệ thống các ứng dụng, phần mềm phù hợp: Các nhà quản lí, các thầy cô giáo cần chọn hệ thống ứng dụng tạo trò chơi học tập trực tuyến, phần mềm, chọn các nhà cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu và đặc thù của cơ sở giáo dục của mình. Các ứng dụng, phần mềm miễn phí thường khó tùy biến và cần có thời gian để người học và người dạy làm quen. Các giải pháp sử dụng phần mềm có trả phí như Zoom hay Skype; ứng dụng tạo trò chơi học tập có trả phí như Quizizz, Google form, … sẽ giúp các giờ học hiệu quả hơn. Dù dùng giải pháp


45

công nghệ nào, người dùng cũng cần làm quen, tìm hiểu kĩ các ứng dụng, phần mềm hệ thống trước khi đi vào áp dụng. Ban đầu, chúng ta nên lựa chọn các ứng dụng tạo trò chơi trực tuyến đơn giản, dễ thực hiện, với số lượng học sinh tham gia ít, trước khi áp dụng những ứng dụng nâng cao hơn, sử dụng cho học sinh cả lớp, hoặc cho học sinh cả khối. - Mỗi ứng dụng tạo trò chơi học tập, người dạy cần xây dựng một hệ thống những câu hỏi theo từng hoạt động học ở từng bài, từng chuyên đề, từng nội dung. Nguồn tài liệu này có thể được chia sẻ cho các giáo viên khác sử dụng cùng ứng dụng, hoặc để chúng ta sử dụng làm nguồn học liệu cho các năm học tiếp theo. Khi khai thác nguồn học liệu có sẵn cần có sự chắt lọc, lựa chọn, chỉnh sửa cho chính xác về nội dung và hình thức. - Dạy và học trực tuyến là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh cơ sở hạ tầng công nghệ ngày càng được cải thiện và diễn biến phức tạp của các dịch bệnh như Covid-19. Để quá trình chuyển đổi này được diễn ra hiệu quả cần tận dụng tối đa sức mạnh lưu giữ, truyền và xử lý thông tin của công nghệ cũng như sự nỗ lực từ người học, tới sự chuẩn bị của người dạy, cũng như sự sẵn sàng của các nhà quản lý và tinh thần phụng sự của các nhà cung cấp dịch vụ. - Cần vượt trở ngại để không giậm chân tại chỗ: Khi áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến, có rất nhiều trở ngại mà nếu chúng ta không thay đổi mạnh mẽ thì thật khó để triển khai đạt kết quả tốt. Phải suy nghĩ, tìm giải pháp để học sinh được làm việc nhiều hơn, tạo không khí học tập trực tuyến sôi nổi và hứng thú hơn, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Mỗi giáo viên cần thay đổi, cải tiến để việc dạy học đạt được các mục tiêu đề ra. Nếu vì thách thức, trở ngại mà trì hoãn đổi mới thì không những giậm chân tại chỗ mà còn tụt lại rất xa, trong khi công nghệ đã và sẽ còn tiến rất nhanh. - Các thầy cô cần rèn luyện cho học sinh tinh thần tự giác khi tham gia các trò chơi học trực tuyến nói riêng và trong cả giờ học trực tuyến nói chung, tận dụng khả năng ghi nhớ, ghi chép thường xuyên, chia sẻ với người khác khi học tập. Thầy cô cũng cần áp dụng kết hợp nhiều phần mềm, phương pháp dạy học, xây dựng các trò chơi trực tuyến linh hoạt, phù hợp trong các bài học để học sinh hứng thú hơn trong các giờ học. Cần chú ý tới rèn luyện não bộ thường xuyên, rèn luyện khi được thực hiện giúp người học sẵn sàng thu nhận mọi thông tin, có thể sử dụng não bộ để phân tích, đánh giá và ghi nhớ kiến thức trong lĩnh vực mà bản thân đang tìm hiểu được dễ dàng hơn. - Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, bản thân mỗi giáo viên cần có sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc trong tất cả các khâu. Trước khi tham gia học trực tuyến, học sinh phải được phổ biến tất cả các thao tác, phương pháp cũng như mục đích buổi học. Nếu giáo viên dạy trực tuyến theo các bước lên lớp giống như phương pháp dạy học truyền thống hoặc thực hiện kiến thức một cách máy móc qua hình thức quay video clip bài giảng thì sẽ không phát huy hiệu quả. Các thầy


46

cô cần đầu tư những cách dẫn dắt thu hút, mới lạ, kết hợp dạy kiến thức với tổ chức hoạt động nhằm hấp dẫn học sinh mà vẫn đáp ứng được các mục tiêu bài học. Giáo viên cũng cần thiết kế bài dạy sao cho không quá dài, cần có nhiều trò chơi mới, vừa dễ tham gia, vừa hấp dẫn để thu hút học sinh. - Giáo viên cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy trực tuyến. Ngoài việc tìm hiểu, lựa chọn phần mềm học trực tuyến sao cho hiệu quả cao nhất, giáo viên có thể tham gia các lớp học như Tuyệt đỉnh Power poit, tham gia các nhóm giáo viên địa lí trên mạng xã hội như Giáo viên Địa lí trẻ trung yêu nghề, Giáo viên Địa lí THPT,... để trao đổi, học hỏi các phương pháp, kĩ thuật dạy học, nâng cao khả năng vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học trong các giờ học trực tuyến, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. III. HIỆU QUẢ DO SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐEM LẠI Qua quá trình dạy học trong năm học 2019 – 2020 và năm học 2020 – 2021, tôi thấy sáng kiến có tính khả thi cao, cùng với sự hướng dẫn của tổ trưởng chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường nên tôi đã và sẽ tiếp tục áp dụng sáng kiến này vào giảng dạy môn Địa lí ở các năm học tiếp theo tại trường THPT Lý Tự Trọng. Hiện nay, các ứng dụng tạo trò chơi học tập trực tuyến ngày càng đa dạng, nguồn học liệu trực tuyến ngày càng phong phú, phầm mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến liên tục được hoàn thiện, nâng cấp, tốc độ đường truyền mạng ngày càng cao, tạo thuận lợi hơn cho việc dạy và học thường xuyên của thầy và trò . Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu học tập thường xuyên của học sinh ngày càng nâng cao nên việc dạy học trực tuyến thế nào cho hấp dẫn học sinh càng trở thành vấn đề cần quan tâm với các thầy cô giáo.

1. Hiệu quả về kinh tế Qua các bài dạy Địa lí trực tuyến tôi đã thực hiện cho học sinh trường THPT Lý Tự Trọng, tôi thấy rằng việc sử dụng linh hoạt các phần mềm, công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến là việc làm hết sức cần thiết, hữu ích. Điều đó đòi hỏi người giáo viên bộ môn không chỉ nắm chắc kiến thức môn mình dạy mà còn phải không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, kiến thức về công nghệ thông tin để tổ chức, hướng dẫn học sinh giải quyết các tình huống, các vấn đề đặt ra trong các hoạt động học và trong thực tiễn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đồng thời giúp cho quá trình học tập của học sinh được diễn ra thường xuyên, liên tục, hiệu quả cao. Ưu điểm của trò chơi học tập trong lớp học trực tuyến là khả năng giảm thiểu chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian và không gian học tập. Hơn thế nữa, việc xây dựng thiết kế các trò chơi học tập trực tuyến tiết kiệm được chi phí in, photo bài tập, đề, chuyên đề cho học sinh và thầy cô giáo, có thể thực hiện mọi lúc


47

mọi nơi, truyền đạt nhanh chóng thông tin theo yêu cầu của người học; có thể tối ưu nội dung, sinh động và uyển chuyển hơn (học sinh có thể chủ động và linh hoạt trong việc lựa chọn tham gia các hoạt động học tập với sự chỉ dẫn của giáo viên, học sinh cũng có thể tự điều chỉnh tốc độ học tập theo khả năng để nâng cao thêm kiến thức bản thân). Đối với giáo viên, có thể sử dụng hình ảnh, âm thanh và video để truyền đạt nội dung học tập đến người học hấp dẫn và sinh động hơn. Thầy cô giáo cũng sử dụng hiệu quả hơn quỹ thời gian của mình trong việc tạo bài tập, đề và việc chấm, trả bài. Thay vì việc ngồi chấm từng bài, thống kê điểm của học sinh khi sử dụng hình thức ôn tập, kiểm tra trực tiếp thì thầy cô giáo chỉ cần chọn trò chơi trực tuyến phù hợp, tạo bài tập, đề và gửi đường link, hẹn thời gian cho học sinh làm bài. Việc chấm và thống kê điểm, các ứng dụng sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các thầy cô giáo. Việc cần làm lúc này của người dạy là phân tích kết quả, rút kinh nghiệm cho việc lựa chọn trò chơi học tập và việc tạo hoạt động học trong giờ học cả trực tuyến và trực tiếp; nhận xét hoạt động của từng học sinh để có biện pháp động viên, hỗ trợ kịp thời. Từ đó, định hướng cho các hoạt động của các giờ học tiếp theo. Trường THPT Lý Tự Trọng là một trong năm trường THPT đang trong lộ trình xây dựng trung tâm giáo dục chất lượng cao của tỉnh Nam Định, vì vậy việc dạy và học của thầy trò nhà trường luôn được các cấp lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo Nam Định, Huyện Nam Trực quan tâm. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học luôn được chú trọng đầu tư như máy chiếu, bảng thông minh, loa, máy tính nối mạng ở một số lớp học,.... Khi dạy và học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, Ban giám hiệu nhà trường luôn bố trí các phòng học với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy trực tuyến như máy tính, máy chiếu, loa, hệ thống mạng Internet phục vụ cho việc giảng dạy trực tuyến của các thầy cô giáo. Với những thầy cô chưa thành thạo với các phần mềm giảng dạy trực tuyến, Ban giám hiệu đã có sự hỗ trợ kịp thời, giúp cho việc dạy và học luôn được diễn ra thường xuyên, liên tục. Với việc sử dụng ngày càng nhiều các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho việc học, học sinh cũng có thể tự trang bị kiến thức cho bản thân, tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ của công nghệ thông tin, quỹ thời gian của học sinh được sử dụng hiệu quả, ý nghĩa hơn. Việc dạy học trực tuyến thường xuyên ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin cho giáo viên; nâng cao hiệu quả học tập, khả năng tiếp cận công nghệ cho học sinh còn giúp sử dụng các thiết bị máy tính, máy chiếu,... được hiệu quả, thường xuyên hơn, nâng cao tuổi thọ của các thiết bị điện tử của cả cá nhân và nhà trường. Từ việc cho học sinh làm quen đến sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện đại đã tạo điều kiện cho việc đào tạo nguồn lao động mới sáng tạo, chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kĩ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hoá – Công nghiệp 4.0. Hơn nữa, thông qua việc tổ chức trò chơi học tập trực tuyến, giáo viên sẽ gần gũi học sinh hơn, giải quyết kịp thời những khó khăn mà các em gặp phải;


48

thông qua các hoạt động học, học sinh sẽ tự tìm kiếm tri thức, chủ động khám phá để chiếm lĩnh kiến thức, năng động hơn, sớm thích ứng với đời sống xã hội, tự giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Trong mọi diễn biến phức tạp nhất của dịch bệnh Covid-19, việc học tập của học sinh sẽ vẫn được diễn ra thường xuyên, liên tục; học tập trực tuyến kết hợp với việc học trên lớp sẽ đem lại hiệu quả cao, tạo tâm thế chủ động học tập cho học sinh.

2. Hiệu quả về mặt xã hội Tổ chức trò chơi học tập trực tuyến trong các hoạt động học, ôn tập sẽ giúp tiết kiệm được thời gian kiểm diện học sinh trong các giờ học. Các hoạt động tổ chức trò chơi trực tuyến đều thống kê chi tiết số học sinh tham gia, kết quả thực hiện hoạt động của từng học sinh. Tổ chức trò chơi học tập trực tuyến tạo tâm thế chủ động học tập cho học sinh. Trong thời gian nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì dạy học trực tuyến giúp việc thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả hơn, thực hiện tốt nhất lời kêu gọi của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch: “chúng tôi đi làm vì bạn, bạn ở nhà vì chúng tôi” và Khẩu hiệu 5K, Khẩu hiệu 5T của Bộ Y tế. Ngoài ra, áp dụng trò chơi hoc tập trực tuyến còn giúp các em được ôn luyện thường xuyên hơn về kiến thức, giáo viên có thể giải đáp kịp thời nhất thắc mắc của học sinh, rút kinh nghiệm trong quá trình soạn bài và tổ chức hoạt động học. Nhờ áp dụng các ứng dụng trò chơi học tập hiệu quả nên các hoạt động học tập được tổ chức đa dạng hơn, học sinh và giáo viên tương tác với nhau tốt hơn. Khi tham gia trò chơi trực tuyến thì tính chủ động của học sinh được nâng cao rõ rệt, phát huy được tính tự giác, tự học, cạnh tranh ở người học. Học sinh cũng có thể thực hiện nhiệm vụ mà thầy cô giáo giao theo cách trao đổi, thảo luận trực tuyến. Điều này giúp học sinh có thể tự học hỏi lẫn nhau, việc tiếp nhận kiến thức ôn tập sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Học sinh cũng được rèn luyện các kĩ năng làm việc với các thiết bị thông minh, tránh việc sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại,… vào các mục đích không lành mạnh. Khi tham gia các hoạt động học tập trực tuyến các em sẽ giỏi công nghệ thông tin hơn, tự cài đặt và học cách sử dụng các phần mềm thầy cô yêu cầu. Các thầy cô giáo cũng phải tự học hỏi, tự cập nhật và nâng tầm của bản thân đối với công nghệ dạy online. Trò chơi học tập và bài giảng online cũng cần được chuẩn bị chu đáo, kĩ càng hơn giúp rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ và nâng cao trình độ chuyên môn cho người dạy. Khi giáo viên sử dụng các trò chơi thích hợp trong từng hoạt động học sẽ khơi dậy được khả năng thích tìm tòi, khám phá kiến thức của học sinh, giúp bài giảng hấp dẫn hơn. Bước vào năm học mới 2021 - 2022, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã triển khai học tập trực tuyến cho học sinh. Với tỉnh Nam Định, thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở giáo dục và đào tạo, Ban giám hiệu trường THPT Lý Tự Trọng thực hiện cho học sinh học tập trực tiếp tại trường vào các buổi sáng, buổi chiều các em tự ôn tập ở nhà. Với tinh thần không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau,


49

nhà trường đã tổ chức các lớp học trực tiếp kết hợp với trực tuyến (do một số học sinh chưa thể đến lớp học trực tiếp do trong diện cách li (F1, F2) và một số học sinh còn ở Hà Nội). Kết hợp với việc giao bài tập, tổ chức trò chơi học tập cho học sinh sẽ giúp các em chưa trở lại lớp học được động viên, yên tâm, nghiêm túc thực hiện yêu cầu về phòng chống dịch, đồng thời các em sẽ được đồng hành cùng các bạn, thầy cô trong tất cả các buổi học.

Hình 11: Các hình ảnh lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến Lợi ích đối với người dạy: Do việc dạy học trực tuyến không được tiến hành thường xuyên như ở bậc đại học nên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tuyến trở thành yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là với học sinh cuối cấp thì nhiều thầy cô giáo đã bắt tay ngay vào soạn bài, lên kế hoạch cho việc dạy online. Ban đầu, do nhiều nguyên nhân như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo nên việc thực hiện chưa hiệu quả. Việc đưa ra các giải pháp khắc phục sau mỗi giờ học trực tuyến sẽ giúp bản thân giáo viên nâng cao được trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin, kết nối thường xuyên với học sinh và cả phụ huynh học sinh. Khả năng xây dựng kế hoạch của giáo viên cũng được nâng cao rõ rệt. Lợi ích đối với người học: Học sinh ở các trường THPT đa phần đều rất năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo. Khi giáo viên xây


50

dựng được kế hoạch bài giảng rõ ràng, chi tiết, lôi cuốn thì người học sẽ thấy họ được học chứ không bị học. Người học được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình đồng thời với việc bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ người thầy mà còn từ chính các bạn trong lớp. Học sinh hào hứng khi được học, được sáng tạo, được thể hiện, được làm. Nhờ học theo hướng tích cực mà học sinh ghi nhớ sâu kiến thức và tăng khả năng áp dụng vào thực tế lên gấp 3-4 lần so với cách học thụ động một chiều. Tổ chức các trò chơi học tập hợp lí sẽ giúp dạy học trực tuyến hiệu quả, chính là tìm mọi cách giúp người học được chủ động trong việc học, cho họ được làm việc, được khám phá tiềm năng của chính mình. Người dạy cần giúp người học có được sự tự tin, có trách nhiệm với bản thân để từ đó chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. * Kết quả khi thực hiện sáng kiến: Các lớp dạy học trước đây ít sử dụng công nghệ thông tin, ít sự tương tác thường xuyên của giáo viên và học sinh chưa phát huy tốt năng lực của học sinh: Tỷ lệ học sinh trên trung bình đạt 70 đến 75%; trong đó tỉ lệ khá giỏi đạt 25 đến 30%. Giờ học địa lí ở những lớp này thường không sôi nổi. Các em chỉ học và trả lời những kiến thức có sẵn trong sách, khả năng tư duy và tìm tòi hạn chế. Những câu hỏi mở rộng được giáo viên đưa ra các em ít khi trả lời đúng và đầy đủ. Thái độ đối với học tập không hào hứng, không nhiệt tình, mang đậm tính sách vở, nhiều khi còn học vẹt, đối phó nên hiệu quả học tập không cao. Vì vậy, việc học địa lí trở nên nhàm chán, ít cuốn hút các em hơn. Các biện pháp đổi mới nhằm phát huy năng lực của học sinh là hình thức cụ thể hoá thông tin, nó giúp các em được ôn tập, học tập liên tục, việc vận dụng kiến thức trở nên đơn giản hơn. Vì thế, sau khi áp dụng dạy học trực tuyến thường xuyên kể cả khi học sinh đến trường hoặc khi học sinh nghỉ học ở nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh, khắc phục được các hạn chế trong các giờ học trực tuyến bằng một số giải pháp đã đưa ra, tôi thấy: - Ý thức học tập của học sinh tiến bộ rõ rệt, học sinh chăm học, chịu khó tham gia các hoạt động học tập hơn trước đây. Học sinh tự tin khi được trình bày ý kiến, quan điểm trước đám đông. Mối liên hệ giữa nhà trường, thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh học sinh khăng khít hơn. - Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, quan sát sự vật, hiện tượng của học sinh tốt hơn. Các em để ý quan sát những hiện tượng xảy ra xung quanh. Biết dựa vào kiến thức đã học để tự mình giải quyết các vấn đề ngoài thực tiễn như ô nhiễm môi trường, hoạt động kinh tế của gia đình, vấn đề thiên tai, dịch bệnh… Bước đầu hình thành nghề nghiệp trong tương lai… - So với cách dạy trước đây, khi áp dụng trò chơi học tập thường xuyên cho dạy học đại trà và cả bồi dưỡng học sinh giỏi thì kết quả học tập nâng cao rõ


51

rệt. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi nhiều hơn (khoảng 90%); lớp học sôi nổi hơn, các em đã biết đặt ra nhiều câu hỏi nhằm tìm hiểu vấn đề sâu hơn, rõ hơn đặc biệt là các vấn đề ngoài thực tiễn. Nhờ được tham gia các hoạt động học tích cực, chủ động, thường xuyên nên hiệu quả giảng dạy nâng cao rõ rệt. - Về kết quả ôn tập, năm học 2020 – 2021 của 3 lớp khối 12, ban C và D Lớp

Thi khảo sát chất lượng học kì II

Thi thử Tốt nghiệp THPT

%

%

Điểm bình quân

HS Khá

HS Giỏi

(%)

(%)

Điểm bình quân

HS Khá

HS Giỏi

(%)

(%)

12A5

100

7,69

39,4

48,5

100

7,83

45,5

51,5

12A6

100

7,39

48,2

40,5

100

7,77

54,0

43,2

12A7

100

7,48

54,5

28,2

100

7,55

63,6

30,3

Bảng 2: Kết quả thi khảo sát của học sinh, năm học 2020 - 2021 - Về chất lượng giảng dạy 02 năm học; khối 12 STT

Tiêu chí

Năm học 2019-2020

Năm học 2020 - 2021

So sánh tăng/ giảm

1

Tỷ lệ học sinh xếp học lực giỏi

33,03%

35,05%

Tăng 2,02%

2

Tỷ lệ học sinh xếp học lực khá

56,57%

59,42%

Tăng 2,85%

3

Tỷ lệ học sinh xếp học lực trung bình

10,4%

5,53%

Giảm 4,87%

4

Tỷ lệ học sinh xếp học lực yếu, kém

0,0%

0,0%

Không đổi

5

Số học sinh đạt giải trong kì thi Chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh

Sở không tổ chức

03 giải Nhì (Bài KHXH, Môn phụ trách xếp thứ 5 toàn tỉnh)

6

Kết quả thi Tốt nghiệp THPT

7,96 điểm, xếp thứ 6

8,28 điểm, xếp thứ 4

Tăng 0,32 điểm, tăng


52

toàn tỉnh

toàn tỉnh

02 bậc

Bảng 3: Kết quả giảng dạy trong năm học 2019 – 2020 và năm học 2020 2021 (Ghi chú: Tỉ lệ học sinh xếp học lực giỏi, khá, trung bình, yếu, kém thống kê cho cả khối 12) - Với việc tổ chức các trò chơi học tập trực tuyến trong các bài dạy thường xuyên, hợp lí tôi đã phát huy tốt tính tích cực, chủ động học tập của học sinh, các bài dạy của tôi đã thú vị hơn trước, sôi nổi hơn trước và lòng yêu nghề ham học hỏi nhiều hơn, tránh được lối dạy học đọc – chép, gò bó với học sinh; góp phần tạo thêm sự phong phú và đa dạng hoá các hình thức dạy học trong cả giờ học trực tiếp và trực tuyến. Vì vậy việc dạy học trở nên thoải mái, nhẹ nhàng, chất lượng dạy học nâng cao rõ rệt.

3. Khả năng áp dụng và nhân rộng Việc sử dụng các trò chơi học tập trong dạy học môn Địa lí là rất hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông. Khắc phục những yếu điểm của dạy học trực tuyến và trực tiếp trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp khơi dậy ở học sinh sự yêu thích, đam mê với bộ môn, tạo tiền đề đào tạo nguồn lao động mới năng động, sáng tạo, chủ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Những định hướng và giải pháp mà tôi báo cáo trong đề tài là khả thi và có hiệu quả cao. Các phương pháp dạy học rất đa dạng và phong phú, việc tìm hiểu bài, ôn tập, kiểm tra củng cố kiến thức của học sinh nhẹ nhàng, hiệu quả cao. Sử dụng thành công các trò chơi học tập trực tuyến là kĩ thuật và cũng là nghệ thuật. Nghệ thuật sư phạm là sự vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học để đạt hiệu quả cao nhất. Dạy học lấy học sinh làm trung tâm và sử dụng phương pháp tích cực, là phương pháp hướng tới người học, khai thác hết tiềm năng trí tuệ của học sinh; phát huy tối đa tính tích cực và sáng tạo của học sinh. “Người giáo viên trong quá trình dạy học không phải đem chân lí đến cho học sinh mà là người chỉ đường giúp học sinh tự tìm ra chân lí”. Đó chính là con đường nâng cao chất lượng dạy học. Việc sử dụng trò chơi học tập trực tuyến trong dạy học trực tuyến và trực tiếp đã được tôi áp dụng rất hiệu quả trong dạy học môn Địa lí ở trường THPT Lý Tự Trọng với cả 3 khối lớp, đặc biệt hiệu quả rõ rệt với học sinh lớp 12 đang chuẩn bị hành trang cho kì thi Tốt nghiệp THPT và đại học. Với các giải pháp tôi đã đưa ra, sử dụng trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến cũng áp dụng hiệu quả với các bộ môn khác và với tất cả các cấp học; cách thức tổ chức trò chơi này cũng rất hiệu quả khi hết hợp với các lớp học trực tiếp. Chỉ cần thầy cô chúng ta có đam mê, đủ nhiệt huyết chúng ta sẽ làm được tất cả những gì tốt đẹp nhất cho nguồn lao động tương lai của đất nước. Trên đây là sáng kiến kinh nghiệm “Sử dụng trò chơi học tập nhằm nâng


53

cao hiệu quả của việc dạy học trực tuyến môn Địa lí 12” của tôi. Trong quá trình viết và áp dụng sáng kiến trong giảng dạy môn Địa lí tại trường THPT Lý Tự Trọng, tôi thấy các hoạt động dạy học của tôi đã tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu; việc ôn tập, tích lũy kiến thức, kĩ năng của học sinh được diễn ra thường xuyên, liên tục, hiệu quả giáo dục nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, chắc chắn sáng kiến còn cần phải được bổ sung và hoàn chỉnh hơn nữa. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Ban giám khảo và các bạn bè đồng nghiệp. Tôi xin trân trọng cảm ơn! IV. Cam kết không sao chép hoặc vi phạm bản quyền Tôi xin cam kết sáng kiến kinh nghiệm này là do tôi viết, không sao chép hoặc vi phạm bản quyền. TÁC GIẢ SÁNG KIẾN

Bùi Thị Hoa


54

CƠ QUAN ĐƠN VỊ ÁP DỤNG SÁNG KIẾN (ghi rõ nhận xét, phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng có đạt được mức cơ sở hay không, tính mới của sáng kiến là gì?) .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... .................................................................................................................................... ......... (Ký tên, đóng dấu)


55

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên) – Đỗ Hương Trà, Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm. 2. Bộ giáo dục và đào tạo, Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Địa lí lớp 10, 11, 12, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. 3. Bộ giáo dục và đào tạo, Sách giáo viên Địa lí lớp 10, 11, 12, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. 4. Bộ giáo dục và đào tạo, Sách giáo khoa Địa lí lớp 10, 11, 12, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. 5. Sở Giáo dục và đào tạo Nam Định, Địa lí Nam Định (Tài liệu giáo dục địa phương dùng cho các trường trung học phổ thông), Nhà xuất bản đại học Sư Phạm. 6. Trang giaoduc.edu.vn; trang tusach.thuvienkhoahoc.com và tài liệu từ các trang mạng khác.


MỤC LỤC Mục

Nội dung

Trang

I

ĐIỀU KIỆN HOÀN CẢNH TẠO RA SÁNG KIẾN

1

II

MÔ TẢ GIẢI PHÁP

3

1

Mô tả giải pháp trước khi tạo ra sáng kiến

3

1.1

Một số lí luận về trò chơi học tập

3

1.2

Một số vấn đề chung về dạy và học trực tuyến

5

1.3

Một số hiểu lầm hay gặp phải của dạy học online

9

1.4

Những lợi ích của tổ chức trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến

10

1.5

Một số lưu ý khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực trò chơi học tập

11

2

2. Mô tả giải pháp sau khi có sáng kiến

12

2.1

Khái quát phạm vi áp dụng sáng kiến

12

2.2

Phạm vi và phương pháp dạy học trực tuyến sử dụng trò chơi học tập

12

2.3

Giải pháp cụ thể

19

2.4

Đề xuất một số giải pháp chung nhằm nâng cao hiệu 42 quả của tổ chức trò chơi học tập trong dạy học trực tuyến

III

HIỆU QUẢ DO SÁNG KIẾN ĐEM LẠI

46

1

Hiệu quả về kinh tế

46

2

Hiệu quả về mặt xã hội

48

3

Khả năng áp dụng và nhân rộng

52

IV

Cam kết không sao chép hoặc vi phạm bản quyền

53

Tài liệu tham khảo

55


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc *** ĐƠN YÊU CẦU CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN Kính gửi: Hội đồng Khoa học cấp tỉnh Tôi tên là: Bùi Thị Hoa Năm sinh: 1984 Nơi công tác: Trường THPT Lý Tự Trọng Trình độ chuyên môn: Cử nhân Địa lí Tỉ lệ đóng góp tạo ra sáng kiến: 100% Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: “ Sử dụng trò chơi học tập nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học trực tuyến môn Địa lí 12” Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giảng dạy môn Địa lí cho học sinh THPT. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu: 04/02/2020 Mô tả bản chất của sáng kiến: Tổ chức các trò chơi học tập trực tuyến trong dạy học môn Địa lí; đẩy mạnh việc học tập, ôn tập thường xuyên cho học sinh trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng, phần mềm, công cụ hỗ trợ cho dạy học trực tuyến nhằm áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy và học tích cực trong môn Địa lí, phát huy tối đa năng lực của học sinh. Từ đó, khẳng định tính đúng đắn của sáng kiến, tiến tới áp dụng rộng rãi sáng kiến này trong giảng dạy bộ môn Địa lí và các môn học khác. Những thông tin cần được bảo mật nếu có: không Những điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến: Học sinh có các thiết bị để tham gia học trực tuyến (như tivi; điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, …)


Đánh giá về lợi ích của sáng kiến theo ý kiến của tác giả: Sáng kiến này hướng tới tăng cường hiệu quả học và ôn tập thường xuyên cho học sinh; đảm bảo đạt được tất cả mục tiêu giáo dục đã đề ra của cá nhân, của nhà trường cũng như toàn ngành Giáo dục, đặc biệt là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; phối hợp dạy học trên lớp với chuẩn bị bài, ôn tập ở nhà; giáo viên gần gũi học sinh hơn, giải quyết kịp thời những thắc mắc, khó khăn của học sinh trong cuộc sống và trong học tập. Đẩy mạnh sự tham gia tích cực của học sinh, đáp ứng các phong cách học đa dạng, phát huy tối đa khả năng của người học, hình thành các kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin, tìm kiếm, thu thập, xử lí thông tin, hợp tác, giao tiếp, trình bày, giải quyết vấn đề,.... để từ đó học sinh có thể tự tin thể hiện bản thân, chiếm lĩnh kiến thức, đảm bảo cho việc tự học suốt đời của mình, hình thành lực lượng lao động sáng tạo, chủ động trong tương lai. Đánh giá về lợi ích thu được của tổ chức áp dụng sáng kiến: khi áp dụng sáng kiến này tại trường THPT Lý Tự Trọng, tôi thấy học sinh hứng thú, sôi nổi hơn với các hoạt động học của môn Địa lí; tích cực, tự giác học tập, khả năng tự học được nâng cao. Kết quả thi khảo sát, thi Tốt nghiệp THPT Quốc Gia và thi chọn học sinh giỏi Tỉnh cao, luôn trong nhóm các trường đứng đầu của tỉnh Nam Định, đóng góp vào thành tích chung của bộ môn Địa lí tỉnh nhà. Tôi xin cam đoan mọi thông tin trong đơn là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nam Định, ngày 12 tháng 9 năm 2021 Người nộp đơn

Bùi Thị Hoa


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.