NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
. PHO
NHÀ XUẤT BẢN
x+
sách tặng không bán
PHO
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI Tuyển tập tản văn
từ những người bạn.
LỜI TỰA
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
4
PHO
5
MỤC LỤC
2012
07
2013
11
2014
28
2015
77
2016
91
Những ngày trôi ngược lại
120
NHỮNG NGÀY 2012
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
1 ngày 4 tháng 11 năm 2012 Từ lúc nào thành người không kí ức; những lúc nào thành khoảng kí ức bị lãng quên; đôi khi chẳng phải vì không còn người bạn để tâm tình; đôi khi chỉ bởi vì ta đã khác? Bạn bảo là cuộc sống cần sự cân bằng; ta cũng trân trọng những người đạt được cân bằng hay nỗ lực để được cân bằng trong cuộc sống nhưng rồi ta chợt nhận ra những kí ức bị lãng quên chính là lúc ta quyết định từ bỏ những giây phút trước để được sự cân bằng. Không hẳn, đúng hơn là sự cân bằng và an toàn, để rồi mọi thứ cứ bằng bằng như một kẻ ngủ gật. Tuy rằng bạn không hẳn thành công, nhưng bạn có kí ức nhớ về; đôi khi bạn ngầm ngùi tại sao bạn chợt thay đổi. Cứ như tốc độ đó hẳn giờ bạn đã bước trong ô cờ khác dù là trắng hay đen. Thực ra đó là những lúc tự nhắc phải điều chỉnh mình; chứ không phải ngủ quên khi thời gian vẫn chạy. Và tôi luôn thấy sự lệch cực là hay!
8
PHO
2 ngày 16 thàng 12 năm 2012 Một ngày vàng nắng của đông, hơi nắng ấm áp và không rạn. Trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút và trên những tuyến phố rợp bóng xà cừ; chút hơi lạnh vẩn vít làm tán lá bàng đỏ sần sùi được thổi nhẹ mà ngỡ thu rơi? Người ta đi lờ đờ trên phố, chợt tỉnh giấc bỗng chốc lạc mùa. Trời đất miên man và mỉm cười bởi những giọt mồ hôi trên bắp tay người thợ, hơi thở xăm xăm như cái hối hả của hè. Nét tình tứ của Hà Nội trong một ngày lạc lõng là sự trộn lại của những tương phản thời gian. Ngõ Văn Chương thật lạ; nó đủ rộng để thành đường và cũng đủ hẹp để nhắc lại không khí làng xã. Người ta lờ lững trong con ngõ sôi động, những gốc cây cổ thụ như kể về một thời xưa cũ của tự do; của những người không được ai chấp nhận - mảnh đất sình lầy của những kẻ tứ cố vô thân; mảnh đất ồn ã của ả đào và văn khách. Nhưng cái trật tự của phố xá lại nhắc về sự kiến thiến, vài ngôi nhà Pháp vương vấn là cái trơ trơ cười nhạo đạn bom. Con ngõ nhỏ là kết quả của những thời kỳ; nó trộn lại như mọi nơi khác trong Hà Nội cũ - náo nhiệt và tầng lớp thời gian. Anh Tín đứng chờ trước hàng sách cũ; trông anh mà bất giác thấy lạ; một vẻ gì đó quý tộc lụi thời - cách ăn mặc và dáng đứng của một con hạc 9
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
nhưng gương mặt lỗ chỗ và ánh mắt xa xôi của một con voi. Ngồi trên căn gác treo leo nơi trung tâm Hà Nội; bác Thành với đĩa củ từ và chén rượu con. Ông già khề khà kể truyện tụi sinh viên; xưa chúng đến làm đồ án ngày này qua tháng lại. Giờ tụi nó hay đi xa nên nhớ cơm nhà, ông bà già nấu thừa cơm để đợi chúng nó - bất chợt một ngày về ăn. Củ từ chắc và ngọt, bên ngoài xù xì và râu ria những rễ, nhưng bên trong trắng mịn thanh thanh. Vị của nó trong trẻo, như ánh nắng và bầu trời. Căn gác treo leo xiên chéo một góc; ngồi co ro mà ngỡ xải mình ra bát ngát thanh thiên. Những tiếng xành xạch đục gỗ ở tầng dưới. Căn gác nhỏ với ánh nắng xiên treo. Anh Tín gạn đóng cửa để nắng không hắt vào mắt mấy anh đục gỗ, ánh nắng thu hẹp lại, xiên một cách ngoa ngoắt hơn thành một dải sáng trên nền nhà. Tiếng đục gỗ vẫn xành xạch. Trong căn phòng tối, tiếng xành xạch đều đều, tia nắng cáu gắt cạnh tranh như những nỗi băn khoăn và dứt khoát của một đời lờ lững?! Vườn hoa Lý Tự Trọng lấm tấm hàng hoa dạo. Trong cái nắng vui vẻ của ngày có những điều không được vực dậy. Những người biểu tình vẫn ngồi đó bên bảng biểu vạch tội một ông quan xa xôi. Tôi thường nghĩ tại sao thành phố tạp nhạp này lại cắt được những góc rõ ràng đến vậy?
10
NHỮNG NGÀY 2013
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
3 ngày 7 tháng 2 năm 2013 Đó là những ngày kinh khủng, khi đường phố đông nghịt những người và xe; khi đám dân còn ở lại Hà Nội phi băng băng mà chả quan tâm đến đèn đỏ, khi đường đi dạo bị thu hẹp lại cho những bồn hoa và ánh sáng đèn giàn đều trên không, con người như bị giam trong một căn hầm ánh sáng. Đó là những ngày kinh khủng khi nghĩ về những dịp tất niên, bia rượu và đồ uống. Nhưng may mắn đó chỉ là nghĩ, bởi đó là ngày một vài người bạn ngồi từ từ trên Đinh, nghe giọng hát lè nhè của Kurt và có thể im lặng cả ngày như thế. Đó là ngày ba chị em ngồi trong ánh đèn đỏ lờ mờ, khi cơn gió lồng lộng bên ngoài nhắc nhở, uống một lon bia và nghe Khánh Ly thanh tha cõi đi về, Một người lang thang chốn hồ Gươm, từ 4 giờ đến 7 giờ tối. Từ việc lơ ngơ chả thích gì những bồn hoa kì cục, đến thấy như mình nhìn mình trên con đường vắng lặng; ôm cái túi to đùng ngẩn nga. Hồ Gươm chả phải của mình khi nó đông đúc, hay chả phải của mình khi sự đông đúc chậm chạp đánh tiếng qua loa. Nó là của mình khi dòng người vụt vã vội qua, khi chả ai biết ai và con người từ tã, khi ánh chiều ập xuống - chả còn ai. 12
PHO
Ngõ 1 Hàm Long, chuông nhà thờ vang báo. Con ngõ rồi luồn vào ngách; căn phòng nhỏ của hai ông bà già. Ông ngoại già lắm rồi, nhưng ánh mắt xa xôi vẫn cứ lấp láy. Và rồi những câu truyện của Hà Nội, của Điện Biên, của những vần thơ và câu lịch sử. Tiếng chuông nhà thờ lại ngân vang; gian phòng tồi tàn được phân trong ngôi biệt thự Pháp, cũng đủ cả đào quất, mứt tết và mâm ngũ quả “Cành đào, cây quất - thiếu chúng là không có tết, bởi nó được chắt chiu thành đặc trưng trong không gian văn hóa. Người ta sống trong không gian đó năm này qua năm khác để có thể cảm nhận. Không gây dựng và nuôi trồng nó thì con người ta cũng không cảm nhận được văn hóa dân tộc đang chảy trong mình” - phóng tác từ lời ông ngoại. Những ngày này, và nỗi lo lắng bâng quơ. Một ngày nữa lại qua rồi. Điểm lại cho một điều sẽ khác. Còn thực khác sao đây?
13
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
4 ngày 6 tháng 4 năm 2013 Nàng Bân may áo cho chồng, may xong một áo gió nồng sắp lên Ngày gió lộng của Hà Nội, ngày mái tóc dài bay tứ tung đùa với cơn gió phương xa, ngày người ta nhìn gió và ước gió, một mong ước cội nguồn. Gió này là gió từ đâu? Có phải đã nương theo những cánh cung đổ về xuôi? Gió này lựa cánh cung nào? Nhảy nhót trên Đèo Gió để vi vút cùng Ngân Sơn, quấn quýt rồi vồ vập trên sóng Đông Triều, hay lào xào giữa rừng Bắc Sơn, và chảy bên dòng Sông Gâm? Ngọn nguồn của gió - một dải Đông Bắc xa xôi. Ngày gió lộng là ngày đưa dâu, cơn gió ngàn thổi mùa xuân đi hết; cô gái trẻ bay đi cùng cô gió, về nhà chồng tiễn mẹ và biệt cha. Ngày gió lộng cơn gió đưa men, lúa có thì mùa này đã đến? Ruộng ngàn bắc đã xanh và đã đượm? Mem rượu nồng nhớ hơi gió phương xa! Ngày gió lộng - gặp cỏm khảu đan hoa. Cỏm khảu tươi không ám màu tro bếp, trong đám vui ồn ào tôi không biết. Mắt lần hồn nương rừng về bản Thái xa. Những ngày gió bơ vơ. Ngồi nhà mà nhớ rừng nhớ núi. Những ngày gió ước mong. Ngồi phác họa hành trình. Cứ đi mà chẳng nghĩ, để chạm và để vui. 14
PHO
Mỗi người một nếp nghĩ, từ lớp 12 đến giờ suy nghĩ về thế hệ cứ quẩn quanh trong đầu. Thế hệ này của bạn là gì? Thế hệ này của tôi là xê dịch; thế hệ của một chữ du. Người du hành kẻ du lịch, người du học kẻ lãng du. Họ là những người chọn việc đi để nhận thức và biết mình, đi là để về và rồi đi tiếp, để có những sự thay đổi - có hoắc không. Những điều đó đã xuất hiện và đi qua, để thế hệ này bùng phát. Như một phong trào đi lên đến đỉnh, tôi tự hỏi woodstock của thời kỳ này là đâu? Nhưng cả thế hệ như vậy chính là điều đáng sợ! Nỗi sợ mang về từ những tập truyện của Itou, của những kẻ bị ám ảnh bởi cùng một thứ rồi cùng một cách chuyển hóa. Luồn lách và tìm tòi; đi tìm sự giống và cái khác. Cùng một nét bút du, trăm chữ được viết ra. Woodstock là đỉnh cao nhưng rồi cũng bế tắc, thời gian đi qua, hippie còn và hippie mất.
15
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
5 ngày 26 tháng 6 năm 2013 Vậy là bão đã tan, mưa đã tạnh, mây nhảy nhót xanh trong. Những nấc thang mây dừng đổi màu, những tầng bậc gió ngừng khóc lóc. Chẳng còn tiếng thủ thỉ của đất, chẳng còn ngày lặng thinh nghe mưa thở - xe trôi ào ào trong tiếng rào rào của mưa. Ở Tây Bắc có còn mưa? Mưa của mùa nắng, nắng Lai Châu chịu cho Yên Bái. Suối Lai Châu chờ dòng lũ ông. Mùa nắng mùa mưa, tôi đi Lai Châu mùa trăng khuyết. Trăng khuyết như một tiếng gọi - tiếng gọi về miền Tây Bắc, tiếng gọi xuống Nghệ An, tiếng gọi sang đất Lào - tiếng gọi của vương quốc Bồn Man đã mất. Trăng khuyết như nỗi nhớ, nỗi nhớ chập chờn của câu truyện cổ, về một ngày xa xôi người Thái bỏ bản, bỏ làng, bỏ nơi sinh sống và định đô; chạy loạn về phương Nam mà mắt đau đau nhìn trời, một ngày tối đen với vành trăng ngửa. Cũng chả còn gì trăng khuyết Khau Cút nhớ nhau. Mùa trăng khuyết nào trên nền trời gọi? mùa trăng khuyết nào nối những nhớ nhung? Bầu trời cùng mảnh trăng nối suối thành sông, bầu trời cùng mảnh trăng hạ núi về bằng. Bầu trời cùng mảnh trăng nối thời gian dĩ vãng, nối nghìn năm người Thái cùng trăm năm đời mình.
16
PHO
Tôi đi cùng người Tây Bắc Tôi đi tìm bản Mán ngủ nhờ Tôi đi vào Hoàng Liên mòn mỏi Tôi đi tìm rượu, uống rừng Lai Châu
17
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
5 ngày 12 tháng 9 năm 2013
“Mình muốn viết được một quyển sách như Gỗ Mun (Heban)”
18
PHO
6 ngày 21 tháng 9 năm 2013 Đôi khi mình vẫn bần thần ra vì tiếc, tiếc mảnh đất của những ao hồ, của một đô thị trong sông mà mọi dòng sông đều chết... Đã mấy thế hệ lớn lên không còn ì oạp dưới lòng hồ Tây? Đã mấy đời người chịu dòng sông Tô Lịch hóa cống? Tôi lớn lên không biết bơi, mặc dù ở cạnh mặt nước rộng nhất thành phố, tôi lớn lên mới chỉ xuống hồ có 1 lần. Mặc cảm về một con vịt cạn, cũng buồn cho một cách sống lẽ ra phải có và còn suốt nghìn năm. Hồ Tây từ 23 năm trước đến nay cũng đã thay đổi nhiều, nghe nói diện tích hồ đã giảm 1/5, cảnh quan của hồ cũng đổi thay theo từng bước đi của Hà Nội. Những ngày còn bé, đám trẻ lang thang, có thằng nghiện treo cổ chết ngoài đình, nước hồ giâng tràn lên cửa Tam Quan mới gọi hồn về nước. Có ngày bé nữa, cái Tam Quan cũ đổ nghiêng đổ ngả giữa hồ, cái kè bờ là những viên gạch, cọc tre dựng thẳng, hồ tiêu điều, cảnh tĩnh mịch, sóng vỗ quạnh hiu. Đến một ngày sắp kè lại bờ, cả dải hồ trải cát, cát vàng lóng lánh, tự nhiên ven hồ biến thành bãi biển, tụi trẻ chạy ra xây lâu đài cát, hàng tạm mọc lên xan xát, rồi cái biển cấm tắm được dựng lên. Cấm thì cấm thế, ai ngăn được những đứa con của nước về nguồn. Các cụ ông hồi trẻ bơi 1 vòng hồ vẫn xuống nước hang ngày; người ta cứ đồn là có 19
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
ma có quỉ, thì đáy hồ toàn nghĩa trang, bia mộ và hài cốt, đâu thiếu người bị dắt về cõi âm. Nhưng chuyện ma là chuyện của trời, có phúc có họa, cũng chả ai sợ. Cho đến lúc đường ven hồ hình thành, cái mảnh đất vắng vẻ rùng mình đổi khác; xe lớn xe bé bắt đầu qua, đại gia nhà giàu thi nhau mua đất. Dân làng thay đổi, hồn làng thay đổi và cái hồn nước cũng đục dần. Đục theo hàng ốc hàng trai, đục theo nước thải sinh hoạt cứ ngày ngày đổ xuống. Lúc này thì dân làng cũng sợ rồi, các cụ già bơi một vòng hồ khuất dần, người lớn đi làm, thanh niên đi học, trẻ em sợ nước. Những truyền thuyết về hồ giờ gợi lên như điều chắc chắn, thì chả mấy ai xuống hồ nữa, trừ mấy bác câu cá kiếm cơm và những đoàn canoeing úp ngược. Nhưng một lối sống từ trong gốc rễ chẳng dễ mất đi, mấy năm gần đây bên kia hồ, khu Quảng An, Quáng Bá, Nghi Tàm người ta lại xuống nước, làn nước hồ lại khuây khỏa, mẹ hồ Tây lại ôm những đứa con vào lòng, những đứa con nhiều thế hệ. Lênh bênh trong dòng nước một buổi chiều, mong muốn nối lại nhiều lần tập bơi trước, mong muốn gọi được cái tôi sông nước ra; cứ ngụp rồi ngộp, sặc nước. Mặt trời vàng óng ánh, lan tỏa ấm áp. Các cụ già, thanh niên và trẻ em lác đác trên hồ. Họ ra đây mà như sống lại không khí của làng xã đã mất, như khi gặp nhau bên cây đa giếng nước để trò chuyện: 20
PHO
_”Hôm nay mình bác ra à? Không ai ra cùng hả bác? _Hôm nay tụi trẻ đi chơi rồi.” _”Thằng này, học em Bi kìa, nhiều tuổi hơn em Bi thì phải học bơi nhanh hơn chứ” _”Bố ơi! Ở kia có sâu không mà có người ra kìa” _”Tụi mình oẳn tù tì xem ai là cá sấu” Trời dần tan, mặt trời đỏ oạch từ từ hạ xuống. Đám trẻ chỉ chỏ, người lớn tự nhiên lặng người lại, trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước lặng yên. Những người trẻ khen mặt trời đẹp, những người già bình phẩm lâu lắm rồi mặt trời không có màu như thế. Một cụm từ “lâu lắm” . như thể hằng ngày họ vẫn ra đây bơi và đợi mặt trời lặn, để được lặng yên trong phút giây cuối ngày với từng sắc đỏ ửng; hay là mặt trời của cả đời người đang lặn xuống, lặn cùng bao kỉ niệm đã qua khi lênh đênh trên mặt hồ; từ thuở thơ bé đến ngày ra đi cầm súng, lúc về làng và từng ngày cuộc sống đổi thay. Cũng là với tôi những chiều vàng đã mất, của mặt trời và mặt trăng, một hồ Tây rực rỡ, lửa tràn hồ, sương khói sớm. Tôi hư vô. Và những người già tiếp tục kể truyện, ngày xưa nhà cao đến ngọn cây kia thôi. Ngày xưa đây là đầm Xác Cáo.
21
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
7 ngày 30 tháng 9 năm 2013 Nhạc ở Mù Sang
Một ngày lân la nghe nhạc trong các quán cafe. Ban trưa lặng yên trên Brother đến buổi chiều ồn ã của Đinh. Một ngày lặng lẽ nhìn bâng quơ và để đầu trống rỗng, cảm nhận những âm thanh nhảy múa guitar, của Gilmour, của Joe Satriani và Estatic Fear. Âm thanh trong Brother cafe khiến mọi thứ sau đó đều vô vị. Tiếng loa rè trên Đinh và tạp âm từ các bạn trẻ ồn ã thật kinh khủng. Hay đúng hơn là tiếng đàn của Gilmour đã chiếm lĩnh tất cả, nó bao bọc lấy cảm xúc và tạo nên một vỏ bọc trước mọi loại âm thanh ngược chiều, nó khiến mọi thứ còn lại thật nhạt nhẽo, nó như là ma túy ăn vào cảm giác con người. Một ngày nhởn nha nghe nhạc, một ngày nhởn nha nghe gió. Trong cái cảm xúc lởn vởn đó, cứ nghĩ là phải làm sạch mọi thứ, cần thời gian để nó thoát dần ra rồi mới sẵn sàng để nghe cái khác, gục đầu vào tường trên Đinh, chú ý từng nốt nhạc, giai điệu epic vẫn quen nghe, giọng scream và giọng clean trộn vào nhau, một sự tập trung nhất định mở ra khe hở. Những dòng chảy lại tuôn vào, một cách khó khăn nhưng cũng đủ để say. Và nhận ra rằng phải biết làm chủ cảm nhận của mình, biết điều chỉnh những cảm nhận, cảm nhận chính những cảm xúc đó, nghe nó thừa 22
PHO
nó thiếu, thêm bớt và buông thả, đó mới là cách để gìn giữ vẻ nguyên sơ, để không điều gì thành ám ảnh, và để mọi điều ám ảnh đến quay quắt; để nhớ và để yêu, để quên và lờ lững. "_Mà này, bọn em chơi nhạc lúc nào cũng có tông riêng đúng không?" Mỗi loại nhạc cụ đều có tông của nó. Vậy nếu giọng hát chỉ là một âm thanh như những nhạc cụ khác, chả phải thanh quản là thứ nhạc cụ tuyệt vời nhất sao? Và nếu chúng ta bỏ ra ngoài những lớp ngữ nghĩa bên ngoài, ngôn ngữ nào càng giàu âm điệu thì bản nhạc ngôn từ ở đất nước đó càng đẹp đẽ. Nói chuyện đến đây, tôi chợt nhớ về những bản nhạc trong một bản làng xa tít trên Lai Châu, trên con đường cấp phối nối Ma Lù Thàng với Dào San. Tại ngã ba suối cạn, dốc 10% về phía Nam Đông Nam - vẫn là câu chuyện mùa xuân đầu tiên, bản Mù Sang trong đêm và sáng sớm. Bản nhạc thứ nhất khi mặt trời đã yên ngủ, tôi mệt mỏi leo lên căn gác của gia đình ông trưởng bản người Mông, ngày đầu tiên lang thang một mình đã vắt kiệt sức trong sự bơ vơ không tìm thấy bờ và bến, tôi dừng lại khi ánh chiều đòi núi chở che, căn gác lờ mờ chứa ngô và củi, ám mùi khói từ bếp lửa bốc lên. Nhà chú Khù không ngủ sớm như thế, mọi người vẫn đang thức, mới là mùng 6 Tết, đến khuya vẫn có khách sang nhà chơi và uống rượu.
23
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Âm thanh dạo đầu và làm nền là tiếng lửa lách tách, tiếng lửa trong căn bếp dưới lưng, nó cứ lách tách nhảy nhót khi thưa khi mau, nó dẫn nhịp cho những suy nghĩ, cảm nhận và trí nhớ. Thi thoảng nhợt nhả vài câu nói nhỏ như lời thủ thỉ hay vài nốt dạo đầu làm quen. Rồi khách vào nhà, tiếng nói chuyện râm ran dần và đầy vần điệu, tông chính của bản nhạc đã xuất hiện, những âm điệu của một ngôn ngữ xa xôi, lửa vẫn nhảy lách tách làm nền. Họ nói truyện trong niềm hân hoan và vui vẻ, bà già không còn lặng lẽ nhưng vẫn nói từ từ, nội dung như hướng về sự tưởng nhớ xa xưa... tôi cứ lặng nghe và chìm vào giấc ngủ. Bản nhạc thứ hai vào buổi sáng sớm, mưa lác đác bên ngoài, mưa rì rầm và xột xoạt; vài người dậy sớm bước đi rù rì rong mưa, chó kêu, lợn ụt ịt mở mắt, minsk lầm rầm đi qua. Tiếng lửa lại lách tách như một âm thanh quen thuộc, như tiếng nhạc cụ đặc trưng trong giàn nhạc của căn nhà. Tôi lò dò bước xuống tầng dưới, chỉ có chị con dâu cùng đứa trẻ đã dậy, chị sắp lửa và đang làm bữa sáng, nói điều gì đó với đứa trẻ, nó chạy hết chỗ này đến chỗ khác để ăn, ăn cái bánh bo và uống hớp nước. Hình ảnh đứa trẻ ngồi bên bếp lửa như một khoảng lặng, khoảng lặng để trầm ngâm khi tiếng mưa và tiếng lửa quyện vào nhau run rẩy. Mặt nó lem luốc và khỏe mạnh, mắt nó giương to, khi đứng thì chạy qua chạy lại không ngừng, trước bếp lửa thì lại lặng lẽ chăm chú - có điều gì nơi em, nơi đốm lửa? Hay những linh hồn xa xưa đang tí tách, trào ra từ góc bếp và hiện lên từ đất trong sương, kể truyện và truyền cho em một tâm thức về người Mông mình. Một 24
PHO
quãng sau là âm thanh của bữa ăn gia đình, hai dòng ngôn ngữ từ từ đan xen, tiếng Kinh và tiếng Mông, âm thanh chuyển từ độc tấu sang hòa tấu rồi biến tấu... Đứa trẻ ngã, mì trong bát đổ đầy ra sàn, nó khóc toáng lên, cả nhà cười, sảng khoái. Và rồi tôi đi, dần chìm vào trong làn sương trắng, gió và mây là tiếng đàn tiễn đưa. Như những bản nhạc từng nghe, nó luôn lởn vởn một âm điệu nhất định, trong nhịp nền của tiếng lửa, trong ánh sáng lờ mờ của căn gác, trong cái mơ màng của khói sương. Và giai điệu chính vẫn lặp đi lặp lại sau đó, những bản nhạc trong câu chuyện ngày tết người Mông, tiếng khóc và tiếng cười, ở Mù Sang! “High hopes - Pink Floyd”
25
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
8 ngày 18 tháng 12 năm 2013 “Không cần phải buồn đến thế”
Không cần phải buồn đến thế Không nhất thiết là một đỉnh núi cao Không cần trăng quá sáng Không cần người nhớ ta nhiều Đêm không cần bớt lạnh Ngày không cần nắng lên Tuyết không cần rơi nữa Mây chẳng cần kết nhiều Không cần áo mưa đông nữa Sao ta vẫn cứ khoác vào? Không phải độc hành đi nữa Sao ta vẫn đuổi bạn đi? Không cần ta như thế nữa Không cần đường quá bụi mù Không cần đi quá nhiều chỗ 26
PHO
Không cần vì trốn mà cứ nói là không Không cần đi để quên Không cần về để nhớ Không cần ta lãng đãng Không cần ta mịt mờ Nhiều bình phong quá! Chả biết cái nào là thật cái nào là giả nữa? Lột trần mình bằng cách nào? Ngủ đi.
27
NHỮNG NGÀY 2014
PHO
9 ngày 4 tháng 1 năm 2014 “Những lúc say”
Và bởi vì trong những lúc say Không ai dìu bạn giữa lòng thành phố Bởi vì khi mệt mỏi co ro Không ai đưa bạn ra góc tường ngồi nghỉ Vì trên những cung đường mệt mỏi Không ai dựng dậy những lúc ngã xe Nên giữa thế gian ngập trùng trắc trở Gia đình, bè bạn hay thậm chí người dưng Ta cần nhau Cần một người vực dậy khi xe đổ giữa đường Cần một người kéo lên trên lưng chừng dốc núi Cần một người giữ dây trong con nước suối nguồn Và cũng vì trong một đêm nhạc sôi động Bạn tung bay rồi ngã lên bầu trời Cũng vì trên đỉnh đồi cô độc Lửa đốt lên nhạt nhẽo cùng đêm 29
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Nên giữa thế gian mải miết những điều say Lòng vui sướng vì cô độc không kéo dài mãi Ta cần nhau Cần một người ngồi yên lặng Cần một người bên ta nói thật nhiều Cần một người chơi nhạc bất cần mọi lúc Cần một người ở đó, để nhớ và để yêu Một đêm mải miết cùng đêm Cha ta ngã xõng xoài ven đường quốc lộ Ta nhớ em bảo em không cần ai hết Em sai rồi Ta cần nhau
30
PHO
10 ngày 20 tháng 1 năm 2014 Tầm 5h, chúng tôi bắt đầu đi kiếm củi. Củi lớn, củi nhỏ, củi khô, củi mục. Rừng mùa khô bạt ngàn củi cho những kẻ lang thang, thiên đường cho người đi tìm lửa. Củi đầy dưới đất và lẫn vào trong bụi, vụn ra từ những thân cây đổ ngang đường, củi mục vữa và trộn cùng lá khô. Doanh ôm một bó củi lớn về, cũng có lúc là một thân cây gẫy. Thân cây to bằng bắp chân, cành lá loẹt xoẹt xiên tứ tung; gác lên vai rồi đi lại giữa đường mòn. "A Phủ đi lấy củi về à?". Tôi hỏi. Rừng nghe thấy, cười rào rạc xao xác. Doanh vừa đi vừa lẩm bẩm "A Phủ khỏe, đi được mấy ngọn đồi..." Tôi vẫn nhớ những lần đốt lửa trước, lần đầu hai thằng kiếm mấy vỏ bao thuốc lá, giấy vụn trên cầu Long Biên. Đêm lang thang Hà Nội đầu tiên, lửa thắp từ zippo của chị Hương, lửa ăn ngấu nghiến giấy, được vài phút là tắt nghém, tôi lăn quay ra thành cầu ngủ. Lần khác, sinh nhật chị Hương, cả đám kéo nhau xuống bãi, tìm những thân mía khô đốt lên. Chị Hương cung Bảo Bình, tháng 2 mùa khô, cũng là mùa này sắp cháy. Rồi đêm cắm trại một mình ở Yên Bái, củi hôm đó không cháy, đóm cũng nhen nhóm và tắt lịm; tôi ngồi một mình trong đêm. Từ hôm đó đến nay, mỗi lần nghe Midnight blue - tôi lại thấy cô độc, và cô đơn. 31
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Đêm im bặt, gió thổi từ triền núi xuống. Đốm lửa nhỏ khi không chịu cháy lại tắt ngóm. Ghé đầu gần vào lửa, hít thật sâu và thổi, than hồng rực, những vệt đen lằn sáng. Tê dại. Than gặp nhiệt nhảy múa, củi bắt nhiệt nhảy theo, lửa tung lên vội vã. Tiếng xe máy rình rịch đằng sau. Doanh đi mua đồ về, mang theo một thân cây khác cùng một cành trúc làm đũa ăn. Bó củi xếp gọn và đốm lửa nhỏ, tôi nhớ những bếp lửa trong căn nhà người Mông, người Thái; tôi nhớ những khúc cây ngoằng nghèo, những bó củi lớn trên lưng người đàn bà dân tộc thiểu số. Trong cái lạnh tê dại của vùng cao, ngày ngày gùi củi mang hơi ấm về cho căn nhà nhỏ. Đi lấy củi như đi kiếm tìm sự sống. Đêm nay tôi lại bật Midnight blue, nhưng tôi không thấy cô độc hay cô đơn nữa. “Sainkho Namtchylak - Midnight blue”
32
PHO
11 ngày 2 tháng 2 năm 2014 “Trên đó có người nhắc đến tôi???”
Mùng 3, ngày cuối của một dịp Tết truyền thống. Những chiếc xe chằng đồ đằng sau, theo đường quốc lộ đi về Hà Nội; những chiếc xe chằng đồ đằng sau, theo đường quốc lộ đi khỏi Hà Nội. Thành phố báo hiệu hết yên tĩnh và vắng lặng, nhưng cũng báo hiệu những người chạy chốn sự ồn ào để kiếm cái xuân vùng cao. Mang theo sau đó là một ánh mắt ngóng theo: Họ đi đâu? Họ tới đâu? Có phải nơi mà tôi đã lên? Có phải nơi mà tôi đang nhớ? Đinh "_Mấy ngày nữa anh lên Bát Xát đấy. _Trên đó có lễ cúng thần rừng đấy, của người Dao. _Bao giờ hả em? _Mùng 1/1 và mùng 2/2 Âm Lịch" Bát Sứ "_Anh lên Bát Xát mùng mấy? _Tầm mùng 4 anh đi." Mùng 4? Sớm mùng 4 năm ngoái ngủ nhà Doanh rồi đi từ 5h, chuyến đi đầu của những bước chân liều lĩnh. Rồi đi để lại duyên để lại nợ, những ngày 33
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
này cứ nghĩ - trên đó họ có nhắc tới tôi? Có thể họ có nhắc. Là anh Hiển trên Lũng Phìn vừa gọi điện chúc Tết, năm nào anh cũng gọi. Hai anh em nói chuyện cũng chẳng có gì, lại hỏi chuyện Hà Giang; hỏi các em đi học ngày nào, nghỉ ngày nào. Hỏi chuyện tuyết rơi Lũng Phìn có chịu hại không. Cũng từng đó câu chuyện thôi, một năm vài lần, hai anh em gọi. Ở Mường Lay, anh Chanh sẽ nhắc; nhắc cậu Hải, cậu Doanh, cậu Trung. Ngày kia là giỗ mẹ anh, ngày kia họ hàng anh kéo về, ăn và hát; ngày kia cậu Doanh đánh đàn then bên nhà ông thầy cúng, ngày kia cậu Hải say ngắc ngứ chuếnh choáng trên đường. Các cậu còn nợ anh một ngày đánh cá trên sông Đà, một ngày dong thuyền xem thác. Ven con đường lọc sọc qua Mù Sang, chú Khù nhìn ảnh gửi lại mà nhắc. Qua lễ hội tưng bừng ở Dào San, anh Long ngóng xem có thằng người Kinh nào lên xem hội không. Hội vui mà không có khách, huyện không cho tiền, xã tự lo được mấy năm nữa? Năm nay mùng 6 có Chợ Sừng, các anh của đồn biên phòng Sì Lờ Lầu ngồi cười nói bên vợ con lên thăm; nhắc thằng cu Tết năm ngoái đi lạc. Điện thoại rung 34
PHO
“Gần say bằng những ngày Lai Châu, đang ở Trạm Tấu :))”. Cứ uống rượu là Võ Tuấn Trung nhắn tin, gặp ông bộ đội biên phòng nào từng công tác ở Lai Châu cậu ta cũng nhắn tin. Hoa mận Tây Bắc đang nở, lại nhắn tin. Facebook “Nhà em chuyển sang nhà bé hơn, gần đường đi Phong Thổ ý Lai Châu lên thành phố rồi Hay tốt nghiệp xong anh lên Lai Châu mà làm :)) Ở đây lương cao bỏ xừ” Kaze Trên cao nguyên Tân Uyên, em út cô Lon từ Tam Đường đi học về, con út cô từ Hải Dương đi làm về. Cô Lon từng mời Tết lên chơi ăn mừng nhà mới. Cả nhà sẽ cười kể chuyện anh chồng hụt của cô em gái út. Cứ đi lạc rồi gặp người. Lơ ngơ đi lạc rồi vào chuyện cười thế gian. Ở Mường Cai, nhà anh sửa xe đã bán MINSK làm sắt vụn chưa? Hay vừa ăn Tết vừa chửi đống sắt để bên nhà, chửi cái thằng gửi lại hơn tháng rồi chưa lấy. Ừ, hẳn là họ nhắc. Tiếng khèn vẳng vẳng trên TV, uống chén rượu ngắc ngư cùng mấy người anh em họ. Mắt ngờ ngờ nhìn thấy màu đỏ, tim cũng phập phùng màu đỏ, 35
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
mộc miên nở rực khắp người. Miệng mơ mơ mà nói, mùa này Tây Bắc không còn hoa ban, nhưng rừng Hoàng Liên rực rỡ hoa gạo, mỗi bản một cây, từ xa nhìn ra khắp rừng, hoa gạo nở...
36
PHO
12 ngày 19 tháng 2 năm 2014 "Tháng bảy mưa ngâu. Ai bắt mưa làm gì? Ai bắt chim Ô Thước bắc cầu? Ai bắt nước mắt tình duyên trải trời thấm đất?! Ngày Ngâu 20/8, những con nước lăn dài vệt xám, ngày Ngâu trên đất Thái Bình, đầu óc miên man ám ảnh. Mưa cứ dài, nước nặng trịch; mưa rơi xuống đất. nhão nhoét! Đầu óc nó quẩn quanh, cứ nghĩ đến một vùng đất tối tắm, không khí tanh hôi tởm lởm, mùi của người, mùi của tiếng kêu, mùi của nỗi đau. Trên mảnh đất mưa dầm dề, có những con người đang sống, họ là người nhưng người ta gọi họ là quái vật, người ta trù rằng họ bị nguyền rủa; thế giới hắt hủi, thời gian dày xéo. Họ chạy trốn trong những chiếc áo trùm, họ chạy trong những tấm chăn thô xờn rách. Chân bị ăn mòn, tay cụt lủn; dần dần họ kiệt sức, họ tìm thấy mảnh đất đó; mảnh đất của đồng loại; tất cả cùng nằm xuống. rên rỉ, đau đớn; ánh mắt ngước nhìn thế gian! Ôi ngày tàn! Tên mặt trời leo lét, tên trăng vàng nhợt thệch! Đêm nay trăng tròn, đêm nay trăng đau, đêm nay trăng nhìn trăng óan hận, ngàn con trăng trên đất. bò, đi khấp khiểng, co quắp, rên rỉ; ngàn con trăng nhìn nhau, ngàn con trăng cùng đau, ngàn con trăng gào thét!
37
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Những đứa trẻ truyền về, những cô gái ra đồng tát nước thất thanh, những cụ già miên man xám hối. Ở mảnh đất kia bị nguyền rủa, những cái xác từ dưới đất bò lên, những cái xác đằm mình trong bùn tối! Những cái xác còn sống! Chúng không có tay, chúng không có chân, mắt chúng trừng trừng, mũi chúng mất, đầu chúng trọc! Ai đó gọi tên tôi? Ai đó đi tìm tôi đất này? Vợ tôi? Anh tôi? Con tôi? Hay cha mẹ tôi? Tiếng vọng? Tiếng gọi?! Tiếng thét!!! Họ nhìn thấy tôi?! Ai khóc trong tiếng đau? Ai khóc trong cơn miên man hoang dại? Trời nhìn đất, đất nhìn người, người ngước trời tự hỏi??? Đêm và sáng, ngày và đen; những ánh mắt mở trừng trừng. mắt trắng hếu. mắt nhìn. Đen kịt! Chúng tôi đã chạy! Chúng tôi chạy hàng trăm năm, chạy hàng nghìn năm! Ngàn ánh mắt cầu thương, ngàn ánh mắt lo sợ! Chạy ánh mặt trời, chạy ánh mặt trăng, chạy ánh mắt con người hoảng hốt! Chân đã mòn, tay đã cụt.
38
PHO
Người đỡ tôi lên, Người dắt tôi đến, Người xoa bàn tay lên đôi mắt không còn. Trên mảnh đất bị nguyền rủa. Chúng tôi đã có Nhà!" Note ngày 20/8/2009, sau lần đầu tiên đến làng Phong tại Vũ Thư, Thái Bình. Ám ảnh về một mảnh đất lầy lội bệnh tật, đớn đau của con người. Một vùng lấy của những khóc than và ăn mòn của cái chết.19/2/2014 - đọc xong "Có được là người" - Primo Levi, chương cuối của quyển sách gợi cho mình nhớ về nó, nỗi ám ảnh của vùng đất chết. Nhưng ở đây là nơi con người tạo ra để đầy đọa nhau. Họ xây dựng lên một cái trại - phòng nghiên cứu - nơi những con người đi vào cuộc đấu tranh sinh tồn nhân tạo - để họ không còn là người.Mười ngày cuối - không còn gì nữa, họ không được đảm bảo sự sống - họ trở về đấu tranh sinh tồn tự nhiên - họ lại làm người. Chết chìm hay sống sót, khúc ca Ulysses. Chúng ta đọc không phải để nhớ về và nguyền rủa Đức Quốc Xã hay khóc than cho người Do Thái, chúng ta đọc để nhìn lại cuộc sống hàng ngày của mình. Liệu chúng ta có đang biến nhịp sống của mình giống trong một trại tập trung hay không? Em mang số nhỏ, anh mang số lớn. Chúng ta phải là người, nếu không sẽ vào lò thiêu. 39
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
13 ngày 27 tháng 2 năm 2014 Vừa đi xem chương trình Chiều Qua Vẫn Qua về. Phải nói cụ thể tên chương trình, vì từ khi đi mua vé đến những ngày xát chương trình, cho thằng em vé rồi đòi lại... tên của chương trình nôm na là "đi nghe Giang Trang hát". Đến lúc này thì tên cũ như trên không khiến tôi hấp dẫn nữa, và dùng cái tên đó thì bất công quá, chương trình rất tuyệt, nhưng là tổng hòa của tất cả những người biểu diễn, và ấn tượng với tôi nhất là phần phối khí của anh Trần Đức Minh. Chị Hương từng đi xem Hạ Huyền, có nói là Giang Trang hát nhạc nào thì hát, chứ đừng hát nhạc Trịnh. Thấy bảo Hạ Huyền khác Lênh Đên Nhớ Phố lắm, và Chiều Qua Vẫn Qua là bước tiếp gần của Hạ Huyền. Đúng thì đúng mà sai thì cũng sai, bởi ai cấm được ai hát nhạc gì; nhưng hôm nay đi nghe không ấn tượng giọng Giang Trang lắm; hay là lúc nghe lại thầm nghĩ giá mà được nghe chị Lập Phương hát. Giọng hát của chị khiến tôi thích nhiều và nhớ nhiều, còn các bài hôm nay nếu chỉ có tiếng guitar và hát (do phần đầu âm guitar át các âm khác) tôi chỉ thấy một sự trung bình, không ấn tượng. Nhưng rồi cũng đến lúc phải nhắm nghiền mắt và rung người lên khi nghe. 40
PHO
Đó là khi Giang Trang hát xong giữa chương trình, đi vào sau cánh gà; không gian là của 2 nhạc công - Trần Đức Minh guitar mộc - e-guitar và Ngô Hồng Quang đàn môi - throat singing. Giờ thì đó không phải nhạc Trịnh nữa, hay không phải nhạc Trịnh theo cách tôi hằng nghe nữa. Lần đầu tiên được nghe throat singing thật tuyệt (không tính những lần Doanh tập ở nhà tôi và đấu thanh với Minh Hiền). Ngoài ra Ngô Hồng Quang còn chơi đàn nhị, tính, k'ny, sáo. Bên cạnh đó là tiếng đàn tranh của chị Vân Mai. Có một chút gì đó new age ở đây, âm thanh dân gian quộn lại với nhau. Tiếng đàn môi tè tè và biến ảo, như một nỗi khắc khoải hay nỗi nhớ, hay đơn giản là một không gian huyền hoặc bay trên cao. Nếu đàn môi và throat singing của Hồng Quang làm không gian xoáy lại, thì đàn tranh lại làm giãn không giãn ra. Trần Đức Minh hát giọng gì đó như tụng kinh, căn phòng được dịp vang đều như tiếng chuông chùa. Keyboard mở đầu và chạy suốt từng bản nhạc, chú ý kĩ vào, nó tô màu cho từng bản nhạc ấy. Đến đây, Giang Trang cất giọng lên, lúc đó là trọn vẹn. Bên đời hiu quạnh mang lại cảm giác thật lạ, những âm xắc đều... chúng xăng xắc, xăng xắc... làm tôi nghĩ đến một phiên chợ vùng cao; Đức Minh và Hồng Quang đối thoại, tiếng thủ thỉ của người con đi xa. Cũng có khi Hồng Quang đưa đàn môi lên dạo, Đức Minh dùng tiếng distortion của 41
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
e-guitar, hai âm thanh quyện vào nhau dồn dập, xoắn xít và da diết... Uh! Đây không phải nhạc Trịnh theo kiểu người hát và đệm đàn như thường nghe. Các nhạc cụ được phối khí làm tôi nghĩ tới new age, tiếng keyboard tạo không gian cùng e-guitar lại làm tôi nghĩ tới post rock. Nhắm nghiền mắt lại, thấy một điều gì đó gần, rất gần rồi... Dù sao cũng là nhạc Trịnh theo một cách khác.
42
PHO
14 ngày 28 tháng 2 năm 2014 Nay ngày sinh Trịnh Công Sơn, tính viết thư, nhưng không có người nhận. Nên đành viết thư cho mình. Ngày mai đi lấy Minsk, cả ngày sung sướng, xốn xang; cả ngày lảm nhảm mai rước em rồi... Nhưng biết em còn ở đó không hay là trong một hàng sắt vụn nào đó ở Sơn La? Không biết nữa, cứ đi thôi, đi để kết thúc sự ngu ngốc, liều lĩnh hay là lãng mạn của mình. Dũng bảo sao anh không lấy tiền mua một con rồi độ lên, tốn hơn nhưng ngon hơn là chắc. Có lẽ đó là cách hay, nhưng có lời hứa người ta phải thực hiện. Lời hứa với bản thân và với Minsk. Mai lại đi, trước khi đi thường hay muốn gửi gắm, mà chả lần nào gửi gắm được ai. Biết đi là vẫn về, nhưng phải gửi lại tâm trạng trước khi đi. Vì nhỡ đâu... những cái nhỡ đâu đầy rẫy, hay nhỡ đâu lúc về cảm xúc không còn như thế nữa rồi... Bạn à! Mình muốn nhắc bạn mấy ngày tới mình không có ở Hà Nội để loanh quanh Bách Thảo, Phan Đình Phùng và Lăng Bác thầm thì cùng những cây sưa, nhắc chúng đừng nở vội hộ bạn nữa đâu. Sưa mới ngả lá vàng, chắc tuần sau nữa mới nở, nhưng bạn đến thăm chúng đi, vì sưa ẩn mình cả năm 43
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
chỉ để mùa này thay lá. Bạn bảo lá sưa đổi màu xanh như biết tỏa sáng, nhưng sưa đổ lá vàng cũng rất là thơ. Cái thú của đám học sinh cả thời trẻ trâu lang thang trên Phan Đình Phùng đếm những cây sưa, đã mấy năm rồi mình và bạn đến mùa này lại nhắc về chúng? Sưa luôn làm mình nhớ, làm mình tìm và làm mình mê mải. Ẩn mình cùng các cây khác suốt cả năm, cũng màu sấu, cũng màu xà cừ... để rồi đến mùa thắm đượm mưa xuân, sưa đổi lá và sáng bừng lên mạnh mẽ. Nếu làm một loài cây, mình muốn làm một cây sưa như thế. Nhắc đến đây mình chợt hiểu, mình vẫn muốn đi xa, đi xa nữa... Mai mình lại đi xa.
44
PHO
15 ngày 7 tháng 3 năm 2014 Mai la lễ hội, hôm nay có ra xem đội tổng duyệt; 5 năm rồi kể từ lần đầu được diễn trong lễ hội Nhật Bản. Cảm xúc của một ngày xôn xao, tiếng cười, những giọt nước mắt, mưa, tiếng naruko vẫn lách cách bên đầu... Nhưng nay ra không thấy thân quen nữa, mọi thứ đều xa lạ và lạc lõng... Thời gian, nó đủ để xóa nhòa đi tất cả. Chả tin được vào sự mãi mãi. Những ngày này, chỉ thấy mình như một cục thịt di động, không vui, buồn bã. Hàng ngày trốn sang IP đánh Dota, không thì ra cafe ngồi, lúc lại đi tìm vài chén rượu... Mà vẫn có cả trăm thứ phải làm đấy. Vô dụng từ trong ra ngoài. Thời gian là một tên đáng ghét, hay do cảm xúc của mình kéo giãn thời gian, làm nó đáng ghét? Không còn thấy niềm vui. Facebook là một thứ đáng ghét. Đáng ghét. 45
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
16 ngày 10 tháng 3 năm 2014 Uh! Giờ cậu đã ngủ để thẳng Vũ dọn mâm, còn tôi giờ đang say. Có lúc nào để viết note tốt hơn lúc đang say? Không phải lo âu người khác nghĩ mình như nào, không phải lo âu thế gian làm sao. Ta đang say và ta đang sướng. Đôi khi tôi ước mình ở những năm 70, ở giữa phong trào Hippy, được tham gia woodstock, được đi khắp nơi mà đéo phải nghĩ gì, tự do, tự do cá nhân, đơn giản vậy thôi. Nhưng mấy hôm ngồi uống rượu với cậu, tôi thấy mình khác đek gì hippy đâu, chúng ta nói chuyện về âm nhạc, không phải về rock n roll nữa, rock n roll xưa rồi, chúng ta nói chuyện về black, về viking, về folk. Rồi chúng ta headbang, hay đơn giản ngồi yên nghe một điệu nhạc nào đó. Điều đó chả phải quá sung sướng hay sao? Chúng ta uống chén rượu ngô Phó Bảng, rồi nghe Ngũ Cung, UnlimiteD; chúng ta nói về hôm Nagaroth đến Hà Nội, làm đéo có hôm nào epic đến thế?! Chúng ta nói chuyện về lần chúng ta đi với nhau, cũng đóe có gì cả, chỉ đơn giản là, lần đó là lần sâu đậm nhất! Ừ! Có lẽ chỉ cần vậy thôi.
46
PHO
Quên mẹ nó gái đi! Âm nhạc thông suốt tâm hồn chúng ta, chúng ta được thỏa đầy bởi âm nhạc, những buồn phiền gì quên hết, bởi âm nhạc quá đỉnh cao. Free bird à? Sao có những đoạn solo guitar như vậy? Đấy là thánh chứ đéo phải người. Cậu nhớ tôi bảo tôi đang bị ám ảnh bơi Bên đời hiu quạnh không? Lời hát nó ám ảnh vl ra ý! U thì một lần khăn gói đi xa, tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà. Cậu cũng thế đúng không? Tưởng quên đi mọi thứ đúng không? Ấy vậy mà đéo quên được, tôi với cậu vẫn nói về quê nhà đó. Vì chúng ta đéo dứt ra được. Cậu nhớ cách chúng ta nói chuyện không? Nói toẹt hết ra đi. Ừ đúng đấy! Nói hết ra đi, phụ huynh có tự hào hay thất vọng, cũng là mình. Là mình, là mình quan trọng hơn tất cả cậu ạ! Giờ tôi cũng hơi tỉnh rồi, đm 2 quả ớt chỉ thiên, giải rượu tốt thế? Mai cậu sẽ dậy, cậu sẽ đọc những dòng này.
47
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
17 ngày 10 tháng 3 năm 2014 Dù sao đi nữa đó cũng là những ngày trọng đại; tôi và cậu ấy đã trải qua những ngày đó với nhau. Những thử thách trên đường đi cùng với tình yêu đang nẩy nở. Tôi thì chót tương tư còn cậu đang ngập tràn trong hạnh phúc. Để rồi đến một ngày này tôi thì đang buồn rầu còn cậu thì đang thất vọng; tôi lại nhớ về những ngày đó. Một chuyến đi có thể mang lại bài học ngay lập tức hoặc không, nhưng nó sẽ còn kể với chúng ta những câu chuyện về mình, từ những ngày đó. Từ cách chúng ta chọn đi, cách chúng ta giấu diếm để đi. Từ cách chúng ta vượt qua hoặc cách chúng ta tránh né. Từ khi chúng ta được chào mừng đến khi chúng ta được hắt hủi. Mơ ước gì trong những ngày đó? Có lẽ là không. Mơ ước gì từ những ngày đó? Có lẽ là có. Nước nguồn đã chảy trong tôi và cậu; nước nguồn sẽ nuôi lớn chúng ta. Chảy đi, như con nước mùa lũ.
48
PHO
18 ngày 18 tháng 3 năm 2014
Ensiferum - Unsung Heroes Radio - không có đài nào nghe được Nỗi nhớ - những sợi tóc mai Tình yêu - nghệ thuật ý niệm Ánh sáng - cây sưa
49
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
19 ngày 22 tháng 3 năm 2014 “Sân thượng nhà A”
Tôi từng coi đó là chốn tự do của mình. Đó là chốn tự do, từ khi người anh dắt tôi lên - năm thứ 2. Đó là chốn tự do, vì chả mấy ai biết đường lên. Nó không phải sân thượng nhà B, chỉ cần đạp mạnh cửa là ra, đơn giản quá. Cũng không phải như bây giờ, cửa nhà A đã hỏng, ai cũng lên được nếu tò mò. Nơi tự do, nơi mà trong những ngày buồn, tôi lên nghe nhạc. Nơi mà trong những ngày vui, tôi lên ngồi và viết lách. Một chiếc giường tự do, một chiếc giường lớn - cả một nhà. Trong một ngày đầu xuân, sau những đợt gió lạnh cuối đông; tôi đi học và trốn lên đó. Nằm dưới tán cây, trên những lớp lá khô, lim dim hưởng nắng, những hạt mưa nhẹ, kệ, nằm đã... Hết tiết học rồi, về. _Ông đi đâu mà ướt nhẹp thế? _Lên nóc nhà ngủ. 50
PHO
Tùng Kan kể câu chuyện đó nhiều lần, bảo người đâu như trong truyện tranh bước ra vậy? Tôi cũng muốn thế nhiều lần, như một nhân vật truyện tranh, không giới hạn, không gò bó. Tuy không thể kéo dài tay ra để đấm một thằng mình ghét từ xa, nhưng tôi cũng làm được vài thứ, mà theo tôi là như truyện tranh. Ngủ hết cả buổi sáng, ngủ qua cả buổi trưa, đọc xong một quyển sách, nghe xong một album, không ai, không ai... Chốn tự do của tôi. Chốn tự do? Hay thế giới của riêng mình? Nơi mình không vướng bận? Đến một ngày, tôi đưa vài người bạn lên, họ không có cảm giác gì về nơi đó. Cho đến ngày nỗi buồn giăng xuống cả thế giới, không nơi nào là nỗi buồn không day dắt bám vào. Đó cũng là nơi đầu tiên, tôi đuổi vài người bạn đi, để mình mình cô độc, với naked spirit, với thế giới của tôi. Nhưng không còn nguyên vẹn nữa. 22.03.2014 - Doanh rủ vài người lên, những người thân thiết và tự do nhất, uống rượu, ăn thịt trâu gác bếp, nhai lá sung, nghe nhạc, nhảy múa. Nhưng vẫn không phải chốn tự do cũ nữa rồi. Ngồi trên thành tường, hai người tự do, hai người cô độc, nhưng một người đã không còn trong suốt. Vấn vương? Vẩn vương? 51
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Cho tới lúc, Doanh trèo lên nóc nhà, tôi nhảy xuống tường, trèo theo. Cho tới lúc chúng tôi mỗi người hai tay hai cành cây, đập và gõ om xòm. Tiếng đó chắc gần với tiếng cồng chiêng, Doanh gõ vào nóc bể nước, tôi đánh vào dây sắt và cột thu lôi. Một âm ồm ồm vang vang, một âm lanh lanh đục đục. Chúng tôi chơi theo những giai điệu đột nhiên nghĩ ra; à không, chả có giai điệu nào. Chúng tôi gõ, đập, hò hét; những cành cây làm dùi trống nát bét, đầu tóe tung; Lùm thùm lùm thùm lùm thùm "HAH" thùm thùm thùm khắc khắc khắc "HEY" nhắc nhắc nhắc XÙM. Chúng tôi tự do. Âm thanh đó vang tới đâu? Chúng tôi không biết. Chỉ biết khi trèo xuống thì bảo vệ đã lên đuổi xuống. Cả nhóm kéo xuống, từ từ. Trong ánh mắt của những người cầm quyền với lý lẽ kìm nén, trong ngôi trường mà nhiều năm bức xúc và kìm kẹp, chúng tôi đi, cười nói, kiêu hãnh với những việc mình làm, một chút thôi - như những người chiến thắng. Đó vẫn là chốn tự do, dù nỗi buồn còn vương vẩn..
52
PHO
20 ngày 29 tháng 3 năm 2014 Vẽ và được trăn trở Ở nhà với người điên yêu Đi cafe với bạn thân Ăn bánh sinh nhật của cô bé Đi xem triển lãm của thầy Đi uống rượu với bạn đồng hành Đi show với người nghe nhạc Đánh Dota với IP và trẻ trâu
Thật sang chảnh! 53
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
21 ngày 4 tháng 2 năm 2014 Truyền thông tốt quá thì sao? Thì sợ lắm. Nếu không làm được thì sao? Cứ mang tranh lên cầu trưng. Nếu không ai lên thì sao? Mình mình là được rồi.
54
PHO
22 mùng năm tháng ba năm Giáp Ngọ Mùng 5 tháng 3, trong nhà có đám giỗ - 2 đám giỗ - trùng tang. Giỗ bà và Dũng, cũng là hai lần mà tôi thấy con người lìa bỏ cuộc sống như thế nào. Dũng đi năm 24 tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ. Ngày em đi, là ngày tôi sang thăm em bị ốm. Tiếng thở hốc hốc của em vang lên và âm âm thuốt căn nhà. Tôi chạy vội lên gác hai, em đang nằm trong tay cô Hằng; người thanh niên trong vòng tay mẹ. Cô Hằng chỉ khóc, nói đi nói lại, con ơi, anh Hải sang thăm con này, con ơi… Dũng mặt xanh lợt, môi trắng bệch, miệng mở to, từng tiếng thở hốc hốc, hốc hốc, nhanh, nhanh dần. Mắt em mở to, đồng tử thu hẹp lại, đảo vòng vòng. Những cố gắng níu kéo sự sống của em dần hết, em không thở được nữa, em đi khi mắt vẫn cố mở nhìn đời. Lúc đó tay em có đưa để với tới tôi không? Bà mất năm 2009, năm tôi thi đại học. Ngày đưa tang bà là 1.4 dương lịch, 55
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
mưa như trút từ cổng sau làng Võng cho đến Văn Điển. Bà mất sau những tháng bệnh kéo dài, bụng bà chương to và tím ngặt. Trước khi bà mất, tôi chỉ biết nằm xuống bên bà, như đứa cháu của hơn 10 năm trước. Khi đó tôi nằm bên bà, gối đầu lên cánh tay nhão yếu. Đó là ký ức của âm thanh, của những câu truyện cổ tích cũng như truyện ma; là ký ức của ánh sáng, vào ban trưa nắng xuyên qua ô tường, lấm tấm bụi, là của những câu hát ru. À ơi. Bà đi nhẹ lắm, con cháu ở bên, từ từ, từ từ, bà đi rồi. *** Sáng nay, cùng Ngọc Anh đi xin phim của một bác đạo diễn. Hai vợ chồng già trong căn nhà nhỏ. Ông bác cũng già và chậm. Phim của bác xem gần hết thì lỗi, dừng hình. Bộ phim không mang lại nhiều kiến thức mới, nhưng giọng của ông bác trong phim vang lên như giọng nói tự tình. Cả bộ phim tôi không nghe thấy tiếng thuyết minh, nhưng nghe thấy tiếng cây cầu đang rung rầm rập, nghe tiếng từng nhịp cầu long xong, thi thoảng tiếng còi xe chói tai, thi thoảng tiếng tàu hú đều đều. Cả phim tôi không nhớ hết hình, chỉ đọng lại một ông say, trở đi trở lại, nhìn bâng quơ, vết nhăn chuyển nét. Bâng quơ như tình người đối với Long Biên, chẳng giải nghĩa được mà sâu nặng nên lưng lửng. Hay bâng quơ như tình người đối với Long Biên, lướt 56
PHO
phướt qua để rồi nhung rồi nhớ. Bâng quơ như một tiếng còi tàu, bâng quơ như tiếng cầu rình rịch. Bâng quơ mà yêu, bâng quơ mà nhớ. Nghe bảo, mà cũng như chắc chắn chỉ có thể làm được một Đêm Trắng. Tàu sẽ rình rịch tỏa sáng cho chúng tôi chứ? Để những đứa trẻ ngó ánh sang một lần, để một người điên nghe tiếng cầu tầu hân hoan, tình tứ.
*** “Tuổi trẻ là nhảy dưới mưa” Có những người đã mệt Có những người đã giận Có những người đã khóc Mùa mưa
57
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
23 ngày 16 tháng 4 năm 2014 Hôm nay gặp một linh hồn nhỏ - 14 tuổi. Em chưa bao giờ đi ra ngoài kia Em lớn lên trong căn phòng của mình Không bạn bè, không hàng xóm Em chịu những nỗi đau Nhưng tôi không biết rằng em có từng được nghe những câu truyện kể Về rừng, về núi, về biển Về những lễ hội Và lửa Tôi không biết linh hồn em từng bay ra ngoài kia 58
PHO
Nhìn ngắm thế giới này? Tôi cũng không biết phòng em có một chiếc cửa sổ Để em có thể thấy bầu trời xanh? Tôi không hề biết Nhưng tôi ước mong Rằng những điều đó có thể Để linh hồn em từng được cười vui Em đã sinh ra trong tiếng khóc Liệu khi sống em từng được cười? Em đã đi Linh hồn em đã lìa khỏi xác. Không phải một linh hồn cô độc 59
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Có phải một linh hồn vui tươi? Một linh hồn trơ trọi.
60
PHO
24 ngày 27 tháng 4 năm 2014 Rồi một lúc bạn ngồi yên một chỗ, sáng ra mọi thứ đúng vị trí của mình. Chiếc giường của bạn thấp và cứng, đủ để bạn biết lưng không thẳng và tầm nhìn cao. Nằm là gì? Nằm là được nhìn mọi thứ từ dưới, chiếc giường của bạn cho bạn cảm giác của nằm; như một thảo nguyên nhìn lên bầu trời, như một thảm cỏ nhìn lên tầng lá, như một bãi cát ngước ngược ra biển. Chiếc ghế của bạn không đủ ngang, nhưng đồ vật thì thật sự được cầm từ hướng chéo. Âm thanh tán xạ, âm thanh của mưa, rồi của những con chim chào mưa hết, của những chiếc xe lượt qua ngõ, tắm đẫm lốp chúng trong những vũng nước. Long tong tán xạ, va vào nhau, rồi đi vào căn nhà theo hướng thẳng. Đường hoàng và thẳng thắn, đi từ cửa trước, nhởn nha như ông chủ, nhưng chỉ là khách, để bạn chào. Những lấm chấm nhiều màu trên bức tranh, bạn đứng giữa với những mảng màu loang trộn, bạn là màu loang trộn. Nhưng những lấm chấm nhích ra dần, chạy theo những đường cong hoặc thẳng, đi nơi khác; bạn vẫn là màu loang trộn, nhưng không còn những chấm khác ở bên. Thi thoảng bạn rời khỏi chỗ của mình, tách ra khỏi khoảng màu loang trộn, tìm những lấm chấm đơn sắc kia, được làm màu đơn sắc. Nhưng được một lát thôi, bạn lại tìm về chỗ màu loang trộn kia, vì màu loang trộn là sự đơn sắc của mình. 61
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Quay lại căn phòng của bạn, bạn ghét nó 10 năm cho đến khi bạn thay đổi nó. Nó là của bạn khi bạn đóng cửa lại, cánh cửa kết nối với những phần khác của căn nhà. Bạn khỏa thân ngồi dựa vào tường đọc sách, bạn lấy đồ đặt vung vãi và rồi sắp xếp, bạn nằm bạn ngồi trong sự sung sướng cảm nhận một thứ làm chủ. Cho đến khi bạn buộc phải mở cửa ra để đi ra ngoài. Có những thứ của bạn ở ngoài kia, những thứ sở hữu hoặc nửa sở hữu. Bạn nối với chúng bằng ý nghĩ. Một đường dây thẳng theo hướng chim bay, theo đường xuyên qua mọi vật chất. Như một cái mạng nhện, như những hình tròn, hình vuông, hình đa giác, nối với nhau từ một trung tâm. Lùng bùng, trật tự.
62
25 ngày 10 tháng 7 năm 2014 Trời oi nồng réo tiếng sấm khan; cả ngày mệt mưa lên xuống bức bả, người đỏ chín mưa xiên qua ran rát, hè nằm giữa mưa chia nửa thành hai. Lâu rồi mới đủ mưa, mà mưa này mới là mùa hè, mùa mà nắng và mưa đều cương quyết, thường chẳng nhường nhau. Nay vẽ vời ngoài bãi, người ngoài nghề thì khen, người trong nghề thì chê. Được chụp cái ảnh lại, chả biết có bị đem bêu hay không. Có hay không cũng kệ. Những tiếng gọi của đô thị. Tạm gọi là thế, có giống những điều mình muốn cho chút ít vào các đồ án, mà chưa lần nào cho được rõ ràng. Sau này có làm đô thị cũng chưa chắc đề xuất được những điều như thế. Vậy cứ làm đi. Dạo này đi làm nhiều việc; để phục vụ cho những ước mơ mộng mị. Với một kẻ không ở dưới đất, thì vài thứ trên trời có lẽ dễ kéo nó ra khỏi bế tắc hơn.
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
26 ngày 21 tháng 7 năm 2014 Hình như bụi đỏ đọng dưới chân trời, mưa rơi trong ngày tháng cũ, sấm gọi từ phía bên kia. Và cô gái ấy, lạc vào hôm qua mất rồi. Mùa hè sẽ không rơi, tháng sáu cũng chẳng đến, tôi nằm qua tháng bảy; mà tháng bảy có đến không? Hình như tôi chạy hoài, mà hình như tôi đứng yên. Hình như tôi đã bắt đầu, hình như tôi chưa làm gì cả. Cuộc đời thật đẹp, đẹp đến mức tôi không ngủ được. Nhắm mắt lại thấy mình đang ở đâu đó, đang làm gì đó. Đẹp quá! Không ngủ được.
64
PHO
Có một chỗ nào đó, bão vần vũ quanh năm. Có một chỗ nào đó, hình thành từ nghìn hòn đảo. Ở một nơi khác, nửa năm là đêm, nửa năm là ngày. Đá dựng đứng. Nước nghe lời mặt trăng, đổ từ nửa này sang nửa kia. Người dân ở phía Bắc, chơi metal và đốt nhà thờ. Người dân ở phía Nam, trốn trong rừng đợi mùa quả tới. Gió trên đỉnh núi lớn, có người chạy lên và xuống trong 6 giờ. Những đoàn thuyền chạy vòng quanh, trái đất hình cầu. Nếu nghĩ về thế giới thần thoại, tôi chỉ nghĩ được về nơi mình đang sống. Đất vẫn thở, và nước vẫn hát. Tôi thẫn thờ nghe. Sợi chỉ mong manh, người đi trên chỉ cười nói. Họ trần trụi, nhảy múa, hát ca...
65
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
27 ngày 10 tháng 8 năm 2014
Hà Nội thân thương, sần sùi qua nỗi nhớ. Mùa hè hết, mưa rửa trôi. Mùa này con hến leo cây, con gà đứng gáy, anh say ngồi cười. Nhìn nhầm deadline, sắp chết. Nhìn thấy những thứ đẹp đẽ, thật sự thích thú với nó. Cũng có nhiều thứ như vậy, cũng có ít thứ như vậy. 6h chiều, kẻng rác.
66
PHO
28 ngày 18 tháng 8 năm 2014 “Con đường đói khổ”
Quyển sách mê hoặc bằng giọng văn trôi tuột đi rồi níu lại với các hình tượng, biểu tượng. Chả có miêu tả rõ ràng gì, nhưng hình ảnh lại hiền hiện lên qua hình tượng và tình tiết liên quan. Một thế giới lênh mênh qua con mắt của đứa trẻ; con người và những tinh linh, hiện dập dờn và chạy nhảy. Mỗi chương sách đủ ngắn để miêu tả, đủ ngắn để cách dẫn trôi tuột đó không khiến người đọc mệt mỏi hay lãng quên. Dòng chảy đầy đủ và mơ hồ, tưởng như chỉ dừng lại ở đó, nhưng châu Phi lại hiện lên, con người và thế giới ảo ảnh của họ. Sợ rằng đọc hết sẽ mất đi sự lửng lơ khi đọc lúc này nên phải ghi lại.
67
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Bỗng một ngày như hẹn, không ai tới nữa. Mùa hè biết phận, đóng sụp trời, gọi con nước đổ sang thu. Chúng tôi vào mùa mới, kẻ đi học, người lo dự án cá nhân; những gì đã làm, coi như là hết. Có còn, chăng là sự vất vưởng vui chơi qua ngày!? Một mùa hè trốn đi, loẳng thoẳng hết thu mất? Tôi nghĩ rằng không viết lại gì sẽ quên, hoặc nhớ truyện của mình như bao lần khác. Như thần thoại. Sông Hồng có nhiều câu chuyện, bãi giữa cũng vậy. Tôi cũng có nhiều câu chuyện với nó; nhưng hãy cho tôi nhớ về nó bằng những màu và tiếng động; thêm một chút biểu chất bề mặt; hoặc là lim dim, chả mong cố định bằng gì. Đó là tiếng vọng lên từ màu xanh, giữa dòng phù sa đỏ. Có lúc sần sùi, có khi mườn mượt, hoặc rồi nhũn nhoét. Tiếng vọng từ những em bé lớn lên từ đây, theo những chiếc bè và thuyền phao trôi nổi. Họ không ra bãi tắm, với họ đó là chỗ lõa lồ và dung tục. Những người đầu tiên tới, họ kiếm khoảng nước làm nhà; những người trẻ tới, họ mang đồ thiện nguyện. Tiếng vọng hắt từ đám trẻ, chúng chơi đùa và sinh ra; chúng khỏe khoắn và đen trũi, uống nắng vàng, tắm sông đỏ. Rồi chúng cũng mòn mỏi theo thời gian lướt qua, bám rễ như cây thủy sinh giữ đá. Tiếng vọng của chúng nhỏ dần. Tôi không còn nghe tiếng vọng đó đã 68
PHO
lâu, từ đêm trăng rằm ba năm trước. Vẫn còn tiếng vang trong tiềm thức, khi chúng cười, rước đèn và hò reo. Tiếng vọng từ giữa dòng sông; những người nam với màu da đen trục. Họ vẫy vùng hay thả trôi theo nước; giữa dòng lành họ lớn tiếng hét vang. Cũng có khi một con tàu đi ngang, giai điệu vang, từ dàn loa phát nhạc, đưa đẩy dần theo chiều dòng nước. Tôi ngụp mình, nghe tiếng giữa lòng sâu. Không còn gì, ì ùng và oạp oạp. Chúng tôi tới vào một ngày hè; chúng tôi không nói quá to nên âm thanh để lại cũng nhỏ; chúng tôi lại hiền từ, nên màu sắc để lại không lớn. Chúng tôi không biết mình đã mang lại gì cho dòng sông; nhưng hình chúng tôi sần sùi lẫn nhau trong tiềm thức; đen trắng và thô mộc, như bức vẽ trong hang. Lá mùa này xanh, lớn dần lên ếch ộp. Tôi lại đen dần, và cười nhiều hơn. Cát bãi sần, đất sét trơn, cá rỉa nhột. Lá gai sắc, nét lá trong, bùn nhão. Nắng lên tràn, bóng cột hẹp, vườn chuối mát, kêu te te.
69
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
29 ngày 31 tháng 8 năm 2014 Hôm nay trăng đói, ta cũng đói. Ta với trăng rủ nhau đi uống rượu; rượu vào ta đầy, trăng vẫn đói. Đi về rồi, trăng chết đói trốn tan, ta mất trăng, không còn đói nhưng trống thông. Ta ưa trăng ngửa, trăng ngửa vừa đói vừa khát, vừa thèm. Bụng trăng thì lõm, tâm ta lõm theo trăng. Răng trăng sắc như dao quắm, quặp vào ta không thả. Mấy ngày hồn ta trống, lớp da mỏng, gặp trăng lõm, chưa động vào mà ta như sắp thủng. Ta vẫn mơ con trăng ngoài biển.
70
PHO
30 ngày 11 tháng 9 năm 2014 Mấy hôm nay con trăng nở rộng, mở cái miệng trống hoác hút mình. Mùa này con trăng xa, rủa nắng vàng che con sao ngập ngụa. Mùa này ta không đuổi theo trăng, ta không là ánh trăng và cũng không phải trăng. Mùa này ta là con sao bị nuốt chửng. Bụng ta hổng loang đầy gió, thân ta còn một tấm khung. Những lúc mập mờ, ta sợ hãi. Tùng Kan bảo trước ta tương tư nhưng cứ cao xa thế nào; mà giờ trông ta tương tư, cứ tầm thường, lùy lụy như hắn. Ta chỉ biết cười, vì 5 năm trước và 5 năm sau; ta đâu cùng là một. Thời mà ta có đủ, ta tự tin cười nói và chạy nhảy; thời ta chưa biết gì và chưa biết sợ; hoặc đơn giản vì ta đầy nắng và không cần yêu. Chưa có cơn gió nào thổi qua; giờ ta làm lại như con thiêu thân lần nữa. Nhiều cơn gió đã thổi qua, nhiều đêm sương trò truyện cùng mình; lửa nổi giữa rừng tối. Ta vui chút và lụy chút vì cần người. Những cơn mơ cũ đã đi qua, huyền diệu cho ta điều báo trước; thực thà cho ta lời lẽ nốt; trả nợ người, nợ những chuyến đi xưa. Những cơn mơ đã lập lờ qua, rồi tắt nghỉm không cho ta biết, như phải chọn còn đường nào theo tiếp; chọn đi đâu và sẽ nợ điều gì? Ta biết lay lắt thế nào chỉ để đi xa. Lấy lòng người dưng sưởi ấm lòng lạnh. Lấy tình bạn hữu nhen lên sức mạnh. Để mặc thân trần đục đẽo bởi gió mưa. Con trăng lại nuốt chửng, chai rượu buồn. Bữa nay uống rượu ngồi than, còn tí chút. Vui mừng gửi lại ít duyên. 71
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
31 ngày 06 tháng 10 năm 2014 Duyên cũng đến mà đi. Có khi nối lại trong phấp phỏm vui mừng. Nhưng chả bao giờ rõ rết bằng khi một người sắp khuất. Từ những ngày cõng cháu trên lưng, từ trường mầm non về. Hay những ngày đèo cháu đi sở thú, hay đi xem xe cần cẩu. Rồi kèm cặp cháu học những ngày đầu tiên. Đến giờ ông cũng chỉ hỏi, Cháu đi học à? Cháu học về à? Đêm qua có thức học không? Duyên phận giữa hai người sắp hết. Đọng lại ở thuở đến trường.
72
PHO
32 ngày 6 tháng 11 năm 2014 Đến giờ tôi vẫn không tỉnh, không tỉnh khỏi những giấc mơ Mono. Tháng mười khép lại từ những giấc mơ chập chờn đó. Đến giờ tôi không nhớ, tôi không nhớ những bản nhạc đó như nào. Toàn nghe cả album, tên từng bài còn không biết. Nhưng tôi nhớ những giấc mơ trong buổi tối hôm đó. Chín bản nhạc và tôi nhắm nghiền mắt, là những giấc mơ trôi qua, những giấc mơ của riêng tôi và hình ảnh. Nó lượn lờ và phủ lấy ký ức Sài Gòn. Câu chuyện của những giấc mơ chạy dài theo từng bản nhạc, mở mắt tỉnh giấc là lúc không còn âm thanh, khi tiếng echo giảm dần rồi tắt hẳn, tôi không thấy band nhạc cũng chẳng thấy mình. Chỉ còn một điều vô cùng sạch sẽ và tiếng thở từ không gian. Đêm qua tôi mơ thấy Duy Anh. Hình như nó đã về Hà Nội. Tỉnh giấc trong mơ tôi nhớ, nó đã về Hà Nội. Tỉnh giấc từ giấc mơ tỉnh giấc tôi nhớ, nó đã về Hà Nội. Và tỉnh giấc tôi hỏi, nó về Hà Nội chưa? Lại tỉnh giấc rồi tôi nhớ, là chưa. Mấy ngày này nhiều nắng đêm. Thì ra nắng mọc từ mùa đông chập chững. Mùa đông năm ngoái một thằng Duy Anh hay tới. Đến hoài nằm lặng trong nắng đêm. Những ngày này một tuần trước. Tôi có gửi nhà Mốc chiếc kèn Duy Anh để 73
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
lại. Những ngày một tuần sau, hoặc một tuần sau nữa, hoặc sau nữa. Tôi chờ Duy Anh gặp lại chiếc kèn. Sài Gòn vẫn lãng đãng như một giấc mơ. Một giấc mơ nằm trong nhiều giấc mơ Mono khác. Trong bản nhạc đầu tiên đêm ấy, mọi thứ của hình ảnh là Sài Gòn, là sân bay, một người bạn đã lâu mà như lạnh một chút, phố xá và Trúc Mai, khu cư xá thập thò sáng, ánh sáng rọi, bà hàng nước. Cái ngày này, tôi không thoát khỏi những giấc mơ. Đêm nhạc và nhà Mốc, neo lại tôi Sài Gòn, hay giam lại tôi Sài Gòn? Có phải điều gì ẩn chứa tình cảm cũng là những sợi dây, vừa quyến luyến, vừa ràng buộc? Tôi nhớ ngôi nhà có nhiều cửa sổ, tôi nhớ gờ tường không lan can, tôi nhớ những chiếc bàn cao và ghế cót két. Tôi ngồi thấp như búp bê, tôi ngủ yên như cuộn len, cho con mèo nghịch. Những ngày của Sài Gòn rặt một màu xanh. Khu tập thể Nguyễn Văn Giai xanh. Âm Giai đặt đầu lưỡi lên hàm trên, bè môi mà nói. Ở đây không có Dai Giai, Giai là Giai mà Dai là Dai. Hàng me xanh, ô trống Tôn Thất Đạm xanh. Và tôi xanh. Đêm qua, tôi đi loăng quoăng, loăng quoăng. Chả muốn gặp ai. Chả có ai muốn gặp. Chả gặp được ai. Loăng quoăng, loăng quoăng.
74
PHO
33 ngày 21 tháng 12 năm 2014 Vừa lò dò về nhà bố đã bảo đi đón bạn bố, đồng đội cũ mấy chục năm rồi không gặp. Đồng đội của bố nhiều người như thế, xuất ngũ mấy chục năm rồi vẫn mặc bộ quân phục qua ngày; lúc đến đón ông bác mang theo cái túi nilon đựng đồ cùng chiếc mũ cối. Đợt này kỷ niệm lớn ngày thành lập quân đội nhân dân, C17 Sư đoàn 312 của bố tập hợp lại. Thực năm nào cũng gặp, nhưng từ khi bác Bình mất chẳng mấy khi bố đi đâu. Mẹ con ở nhà cũng lo, ông đi đây đi đó lại nổi máu tung hoành, hay chửi ổng, chẳng hay ho gì. Hồi bác Bình còn sống, nhà giống nơi tập hợp của đơn vị, không đơn vị này thì đơn vị khác. Họ đến ăn uống nhiều, vui vẻ nhiều. Các bác các chú, người từ Hải Phòng, người từ Phú Thọ, người Hòa Bình... cứ về Hà Nội lại qua nhà thằng Toàn ở. Vẫn biết bố có nhiều điều không vui, nhưng như những ngày đó có lẽ bố vui hơn; hay con thấy bố vui hơn; ít nhất có nhiều lý do hơn mà cười; ít nhất có nhiều nốt nhạc hơn trong cuộc sống. Lần này họ lại về, đồng đội và đồng đội... lại về nhà thằng Toàn. Vừa đèo bác Tiếp về nhà bác vừa bảo "quê bác ở Bắc Giang, mấy hôm nữa thằng Thanh ở Hải Phòng ra, thằng Thế, thằng Hải ở Phú Thọ xuống, ông Kiểm ở Xuân Mai về...". Ngày xuất ngũ mỗi người một ngả, chục năm gặp nhau một lần, có người quyển chức, có người thất nghiệp, có ông nông dân, có ông đánh xe 75
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
lam dạo... nhưng ngày đó họ trở lại ngang nhau, là người bộ đội Trường Sơn. Mấy ngày này trên studio Xiao hay bật nhạc Đỏ, mấy ngày này cũng hay nghe nhạc Đỏ vang vọng. Thi thoảng cũng rớt nước mắt. Vì nghĩ tới những chuyện vui, vì nghĩ tới chuyện buồn; hay chỉ vì những người của thời đại phải thế. Bố là bộ đội công binh, mẹ là lính hậu cần; nghĩ ra mình cũng là con nhà lính. Mấy ngày sau lại nhiều lính, nhiều lính vào nhà. Loanh quanh nghĩ gọi họ là gì? Những người vào Sài Gòn ngày 29/4.
76
NHỮNG NGÀY 2015
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
34 ngày 6 tháng 1 năm 2015 Có phải những râm ran, xen trong màu áo đỏ? Kẻ đi nườm nượp, người về lặng thinh. Chợ vang lên thanh âm xăng xắc. Xăng xắc trong chiếc chuông đồng nhỏ cài khuy áo, xăng xắc trên chuỗi tiền treo trước ngực. Xăng xắc hoan ca, xăng xắc dập dìu. Xăng xắc trong tiếng cười, xăng xắc trong điệu múa. Cô gái Mông e thẹn, tay bám nhẹ chàng trai, cô gái váy áo đỏ, chàng trai mũ áo chàm. Quán rượu ì ào, nồi thắng cố nôi nổi, người vào ra, người lặng thinh cười cợt, mặt say miệng nói, môi hồng mặt ửng, thắm cười. Này anh từ đâu tới? Này anh đi về đâu? Này anh thêm chén rượu, mai ta xa nhau rồi. Này anh còn nhớ tôi?
78
PHO
35 ngày 5 tháng 3 năm 2015 Đọc Mushishi. Có những sinh vật ăn tiếng ồn, âm thanh và sự huyên náo, Khi rừng phủ đầy tuyết, tuyết lấp kín tất cả và nuốt hết những âm thanh. Lúc đó những con mushi đói âm thanh và tìm đến con người. Chúng ăn âm thanh của con người, âm thanh của trò truyện, âm thanh của lao động, âm thanh của hát ca... Không phải do tai chúng ta không nghe thấy, mà do mọi rung động đã bị nuốt hết, vào thân thể của những mushi. Cả ngày nay bị ám ảnh với những âm thanh bị nuốt kín. Một khu rừng đầy tuyết nuốt kín âm thanh, một sa mạc đầy cát hay một cơn mưa rợn ngợp của mùa hè, âm thanh nuốt âm thanh. Lộp bộp, lào rào và rộn rã. Nuốt trọn. Nuốt kín của tĩnh mịch, nuốt kín của mênh mông, nuốt kín đến hân hoan. Hét để vang vọng, hét để vảng xa, hét để được nuốt trọn. Nhưng quanh tôi không có tuyết, cũng chẳng có loài mushi nào, mà âm thanh của tôi cũng mất. Âm thanh của tôi với tôi, của tôi với người, cả âm thanh của cây bút trên trang giấy. Rơi vào giữa số 0. 79
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Tĩnh lặng khác với nuốt chửng. Tĩnh lặng là còn có tiếng có âm. Tĩnh lặng là một ngày đầy gió, một đêm lác rác mưa, hay một khu rừng vang tiếng côn trùng. Tĩnh lặng là tôi còn nghe được, là tôi còn nói ra. Nuốt chửng là mất hết. Tôi tự hỏi loài mushi ấy, có ăn cả tiếng đập của nhịp tim? Tiếng máu chảy và hơi thở? Nếu có, chúng hẳn tham lam hơn tuyết, tham lam hơn cát và mưa rào.
80
PHO
36 ngày 19 tháng 3 năm 2015 Trời Hà Nội vẫn đỏ, hoa tháng ba thì trắng. Cửa sổ quán cafe nối liền dải màu. Tôi bảo anh bạn qua Nhật xem hộ bầu trời đêm màu gì, anh bạn trả lời muốn nhìn thấy sắc xanh. Ánh sáng xanh khi mặt trời đã lặn, vùng quang phổ phía cuối hoàng hôn. Tôi nhớ vài lần đã thấy. Nhưng tôi hỏi trời đêm cơ mà, anh bạn trả lời sai rồi. Tôi băn khoăn quán cafe râm ran nói chuyện lên màu gì, nhưng tôi không xác định được. Do quán ai cũng nói nhiều, do anh bạn tôi nói nhiều hay vì chẳng có màu nào cả? Hôm nay trời không mưa, quán không vắng, anh Lân lại đuổi khách như mọi ngày. Hôm trước tôi về lúc 10h, nhưng ngồi nán lại nghe Niệm khúc cuối. Hôm nay 10h kém 10 nhạc Niệm khúc cuối, tôi chờ những bài tiếp theo. List nhạc chạy tới Nửa hồn thương đau là hết. 10 giờ kém 2. Chân trời màu tím ngắt. Anh bạn rủ tôi đi ăn phở, tôi không đi; anh bạn rủ tôi đi ăn nước phở, tôi đi. Quán phở 9 năm của hai thằng lớp 10, ngày 30 Tết đi ăn với 10 đồng xu 5000 tôi trộm của mẹ. Quán phở vẫn ngon, vì 9 năm rồi tôi không ăn ở đó.
81
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
37 ngày 31 tháng 5 năm 2015 Trong những ngôi làng, những gì còn lại là cái cổng, một mạng đường xương cá, ít đình chùa. Giếng làng mất, hàng xóm hiếm khi biết nhau. Trong những ngôi nhà, những ngôi nhà còn sân rộng, một cái cổng hơi vòm. Những ngôi nhà còn vài ông già tóc trắng và bà già còng; có vài đứa cháu ngồi gọn trên góc giường hẹp. Những ngôi nhà còn mái ngói chỉ vì xác xơ. Trong đoạn đường vành đai, cả nghìn năm kẹp giữa sông và hồ, một dải đất hẹp nên chẳng thể phình to. Ngày chợ khởi công, ngày chợ sửa. Đứng đau đáu nhìn tán bồ đề trơ trụi, sợ rễ bị động cây sẽ chết. Cây bồ đề chết đất chẳng còn. Một tuần sau thấy lá non trùm hết ngã ba. Lúc đó thở phào, vẫn hi vọng vào tiếng đất. Những ngôi làng vốn hẹp, đất xẻ thành từng khoanh 100m2, những khoanh ruộng vốn hẹp, đất chia thành từng nhà 40m2. Nhà và người, nở ra như bong bóng, những bong bóng không vỡ, mà nở thêm. Lúc nhúc. Vẫn cứ ước, giá mà nó chậm hơn, nó chậm rãi và từ từ thì người ta sẽ giữ khi còn có thể. Thi thoảng mong, các cụ cứ cổ hủ chả thay đổi gì. 82
PHO
Mạng nhện, ruồi nhặng và chuột. Đom đóm bay, tre hết, ve ngừng.
83
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
38 ngày 6 tháng 7 năm 2015 Thằng Ánh là cách chúng tôi gọi nó. Gọi là thằng vì lúc nào nó cũng cãi lại,thích xấc xược một chút, nói năng bố láo một chút. Cứ một chút vậy vì nó cũng hiền, hiền nên không bố láo hơn được; hiền nên bố láo thế nào vẫn là một thằng em; nên gọi là thằng. Nó luôn cười, hay đúng hơn trong trí nhớ của tôi nó luôn cười, cười tít cả mắt, chắc vì cười nhiều lỗ chân lông co giãn, râu nó mọc rậm. Nó vẫn hay xoa xoa cằm mà tự hào bộ râu đó lắm. Đến giờ tôi vẫn nghĩ "may mà người ta chưa cạo râu nó". Sáng chạy ven hồ, nắng sớm 9h, gió thổi mang hương sen. Nhớ mấy ngày đầu vào trường, cũng nắng như thế, nó chào anh mà cười tít mắt. Ứa nước mắt. Tôi không gặp Ánh nhiều, dù cùng làm ở B. Khi tôi chuyển sang vẽ minh họa,Giang chuyển việc, Doanh bỏ vô Nam, còn mình Ánh với anh Huy làm; hai người vẫn làm như vậy từ ngày anh Huy chưa thành lập studio. Ai cũng biết Ánh làm cùng anh Huy, ai cũng nghĩ Ánh là một phiên bản khác của anh Huy. Và ai cũng nghĩ Ánh với anh Huy là cộng sự. Trong những ngày Ánh không làm nữa; tôi vẫn nghĩ sẽ đến lúc Ánh về. Trong chùm chìa khóa 84
PHO
của Ánh, vẫn còn chìa khóa của B. Tôi có duyên với những chiếc kèn bị bỏ lại. Khi chiếc kèn của tôi hỏng, Doanh cho tôi chiếc tremolo rồi bỏ vào Nam. Ngày vào Nam, tôi tìm Doanh không được, tôi gửi lại chiếc kèn ở nhà Mốc hi vọng có lúc Doanh nhìn thấy nó. Bây giờ Doanh sắp về, tôi sẽ vào Nam lấy lại chiếc kèn đó. Tôi cũng cầm chiếc diatonic của Ánh, rồi Ánh rời B; giờ Ánh đi rồi, tôi không trả lại được. Chắc tôi sẽ dành thời gian tập diatonic.
85
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
39 ngày 12 tháng 7 năm 2015 Người đi từ nhà, nhà đi từ làng, làng sát cạnh làng, làng hợp với phố thành quê. Quê - quê hương - là vùng lãnh thổ mà ta sinh ra và tiếp nhận văn hóa. Văn hóa là sản phẩm từ địa lý và con người; lớp này qua lớp khác, văn hóa tiếp biến và đổi thay. Văn hóa ăn sâu ngược lại vào người, ăn vào người sinh ra từ nó, ăn vào người lớn lên với nó. Cũng vì văn hóa xếp tầng xếp lớp nên người từ cùng một gốc văn hóa cũng nhiều kẻ này kẻ nọ. Ngày trước, khi người ngại đi xa, suốt đời quanh quẩn trong lũy tre làng; những người đi xa mang văn hóa từ vùng này sang vùng khác. Cách cư xử, cách nói năng của họ tạo thành đặc trưng của quê hương. Khi mà ta không thể gặp cả trăm người Hà Nội hay cả trăm người Hải Phòng, ta chỉ có thể biết người Hà Nội như nào qua lời đồn, và qua vài người lẻ tẻ. Hay đơn giản hơn, ta gặp cả trăm người nhưng ta chỉ nhớ tới người Hà Nội qua vài người mà ta thân thiết quý mến thôi? Hai bữa về Hải Phòng, cho lời hẹn từ một năm trước, cho lời hẹn của năm tháng trước... Người Hải Phòng mà tôi biết đem cho tôi một thành phố chậm rãi; một thành phố nằm trong tam giác phát triển kinh tế miền Bắc 86
PHO
nhưng rất từ từ và thư thả. Không quá xô bồ như Hà Nội, cũng không quá long lanh như Quảng Ninh. Hải Phòng chứa trong mình những hình ảnh của Hà Nội hai mươi năm trước, những dãy phố nhà ống của người Hoa, vài căn biệt thự Pháp, vài khu tập thể xã hội chủ nghĩa... cũng tự phát đấy, cũng đủ những chuồng cọp và tổ chim... nhưng nhẹ nhàng hơn. Có phải người dân vẫn muốn để thành phố thở? Một thành phố có lịch sử, tránh được sự tự phát do đường quốc lộ cũ chạy thẳng qua, tránh được những phát triển ầm ào do tham vọng du lịch mà dân trí chưa tới. Người Hải Phòng thế nào thì tôi chưa rõ; nhưng những người Hải Phòng mà tôi biết cũng từ tốn như đất vậy. Tôi thấy họ và thành phố hòa làm một, hay đúng hơn họ chỉ sống được ở thành phố này thôi. Những người thư thả, không lặng thầm và không nổi bật; nhởn nhơ, thuốc và nhạc; như một tầng lớp nào đó đầu thế kỷ 20. Người từ nhà đi ra, nhà sinh ra từ đất, đất tạo thành văn hóa nhuốm vào người. Người mang văn hóa đi muôn nơi. Không còn là một thế giới chật hẹp để văn hóa phát lộ qua những ông tú tài hay người đi buôn, người lữ khách... Thế giới phẳng nên người đi lại nhiều, thế giới phẳng nên văn hóa cũng dần phẳng; cũng vì thế mà người được quyền chọn những lớp văn hóa của mình để mang theo. Văn hóa của cá nhân, văn hóa của đất, hoặc lựa chọn từ cả hai.
87
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
40 ngày 25 tháng 10 năm 2015 Tôi nghĩ người viết nhạc cho Silent Night phải cô độc lắm. Không cô độc sao không gian của bản nhạc sạch sẽ đến vậy được? Hôm nay tôi nghe Pure as Snow. Nghe sau những cơn mê chiều mệt mỏi. Tôi đi ngang Hà Nội trong đêm, tôi nhớ những ánh đèn và đốm sáng. Con trăng gần tròn lửng lơ, con trăng hút hết âm thanh của thành phố. Tôi đi giữa ánh sáng đơn thuần, không có âm thanh. Tôi nhớ những đêm lập lòe khác. Đêm Hà Nội tôi đèo bạn mải miết ven sông. Đêm Sài Gòn tôi đứng đợi Sơn đón về nhà Mốc. Đêm Mộc Châu tôi đuổi theo Doanh hai trăm độ góc bầu trời. Đầu óc chưa hoàn toàn tỉnh táo. Tôi nhớ một ngày ốm nằm trên lưng mẹ. Mẹ cõng tôi sang đường mua thuốc. Mắt tôi lờ đờ thấy muôn vàn ánh sáng ô tô. Là đèn pha lớn choáng mờ mắt đứa trẻ. Ánh đèn pha nuốt hết âm thanh. Tôi sang đường ánh đèn bên trái, tôi về làng ánh đèn bên phải. Tôi nhớ mẹ như thế, đã cõng tôi bao lần. Tôi chợt hiểu những kỷ niệm yêu thương là điều cuối cùng ta cần giữ; khi đã hết cách để đuổi nỗi buồn đi.
88
PHO
41 ngày 2 tháng 11 năm 2015 Trẻ em không cần những đồ chơi chúng cần những thế giới!
Sau khi làm xong ngoại thất Hoa Trạng Nguyên và thấy ảnh các bé sử dụng không gian mình tạo ra, nhóm làm đứa nào cũng hồ hởi phấn khích. Nhưng được vài bữa tôi lại tự hỏi không biết bao giờ chúng chán đống gỗ và dây thừng này. Nguyên nhân vì những đồ chơi nhựa và cổ điển như cầu trượt, thú nhún chúng chán rồi; không chỉ các em ở trường Hoa Trạng Nguyên mà còn ở nhiều nơi khác. Chuỗi vận động này tôi tham khảo trên những trang làm đồ chơi ngoài trời bằng vật liệu cũ như Think Playgrounds. Nhưng ý niệm làm ra chúng thì từ những trò chơi tôi hay tự làm hồi nhỏ. Đứa trẻ nào chả từng lấy dây chun, dây nilon chăng khắp nhà làm bẫy rồi tự vượt qua. Đứa trẻ nào chả từng dùng gầm giường, đệm... tạo thành những căn phòng riêng hay mê cung để luồn lách. Còn những đồ chơi cho trẻ em khác; tôi nhớ lúc 5 tuổi trường mẫu giáo lần đầu có lâu đài bằng nhựa, và những ngày đó tôi cứ tìm cách ở trong đó mãi, coi đó là thế giới riêng của mình. Tôi bắt đầu nghĩ rằng những đứa trẻ tìm một thế giới từ những đồ chơi khi tiếp xúc với một chủ đầu tư vào 2 tuần trước. Anh chị có 1 đứa con nhỏ, ở nhà thì nó chạy sang phòng bố mẹ chứ không ở phòng mình, có lẽ vì phòng 89
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
bố mẹ rộng hơn. Nhưng sang nhà bà thì nó lại muốn ở một phòng nhỏ chứ không phải ra phòng rộng. Bố mẹ bé bảo rằng, bé thích ở đâu bé có thể làm được nhiều thứ. Có lẽ những đứa trẻ mà tôi đang nghĩ thích tạo dựng thế giới hơn là sử dụng những thứ chúng ta gọi là đồ chơi. Trong mỗi thứ chúng tạo ra là một thế giới riêng, những không gian riêng mà chúng thấy phù hợp hay muốn khám phá. Có thể là một mê cung để lần mò tìm kiếm, một mạng nhện để vượt qua, hay đơn giản là một lâu đài để ngồi mà không ai động tới. Một căn phòng cho bé, nên là một thế giới riêng của bé; đừng là căn phòng chứa đồ chơi chỉ để cầm chân trẻ.
90
PHO
NHỮNG NGÀY 2016
91
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
41 ngày 11 tháng 1 năm 2016 Năm thứ hai của thế giới những số không, những số không méo mó. Đêm Hà Nội vẫn rực đỏ một màu ám ảnh. Tôi không biết màu của bầu trời từ bên ngoài chiếu xuống hay do ánh sáng đô thị chiếu lên. Trời đỏ nhuộm những tòa cao ốc sơn trắng thành hồng. Trời đỏ hòa màu cùng mái tôn, phía trước tôi chỉ thấy những màu đỏ chuyển sắc. Có ngày nào bầu trời đó nhão nhoét, tan ra rồi chảy xuống? Ám lên mọi thứ và phủ kín mọi vật. Cây xanh phủ màu, tán tròn xoe cắm trên thân thành kẹo mút. Ô tô bọc lại nhẵn nhụi là mô hình. Con người thì đóng băng trong lớp đỏ, màu đục như sáp nến. Chỉ có đôi mắt là nhìn lên, nhìn lên, một bầu trời đỏ quạch. Hóa ra hơn một năm qua tôi sống dưới một bầu trời bọc sáp?
92
PHO
42 ngày 21 tháng 1 năm 2016 cưới trong vườn
Hôm nay tôi đi ăn cưới, cưới trong vườn. Đó là một hội trưởng nhỏ trong khu vườn lớn, lớn nhất Hà Nội của tôi. Đám cưới hôm nay của gia đình đồng đội của bố. Tôi biết từng người trong các mâm cơm, tôi biết họ và họ biết tôi. Họ đã bế tôi từ khi sinh ra, họ vẫn gọi tôi sang ăn Hàn Thực thuở bé. Họ cúng cháo lá đa ngày rằm tháng bảy; và để mâm bỏng cho tụi trẻ con... Ngày tôi đi ăn cưới, họ mặc những đồ thật diện, họ vận áo dài thanh màu cùng chút phụ kiện. Bà Lý có chiếc mũ bông, chị Thúy khoác lớp áo trắng... Họ bình dị như ký ức. Ông Trường làm chủ lễ, không phải một người MC, ông phát biểu và mời mọi người dùng bữa. Mắt ông vẫn sáng, dáng ông vẫn cao; trong bộ comple bình thường, ông cao quý hơn một vị thượng khách. Đám cưới trong vườn, trong vườn nhiều sương; mù mờ quẩn quanh những tượng điêu khắc. Tôi đi ăn cưới, tôi lạ lùng với mâm cơm giản dị. Giản dị trong cách bưng ra, giản dị bởi người phục vụ hơi luống tuổi. Cũng là từng đó món, từ từ đem ra. Món không quá ngon, nhưng tổng hòa vừa phải. Xôi không quá đậm, nhưng hương rất thơm. Cá làm vừa vặn, ăn với bánh đa và bún bánh. Món 93
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
nào cũng có rau sống, rau đủ cho mâm ăn; món ăn hơi nhạt nên muốn gắp rau thêm vị. Tôi muốn gặp người đã nấu những món ăn đó. Tôi thấy đám cưới này thật lạ; lạ vì không phải một nhà hàng sang trọng; lạ vì không phải ở nhà đơn sơ. Lạ vì một người kiểu cách vào đây sẽ lạc lõng. Ngồi cạnh mẹ, bất giác tôi bảo “Tết này nhà mình cắm hoa thược dược. Con mua.”
94
PHO
43 ngày 18 tháng 1 năm 2016 rừng vàng
Tôi sinh năm 1990, năm nay chưa tới 27 tuổi, các bạn tôi cũng vậy. Tài sản của tôi không có gì, ngoài một tấm bằng đại học chả hiểu dùng làm gì và kỷ niệm từ các chuyến đi. Tôi nhớ, cụm từ “rừng vàng biển bạc” xuất hiện trong một bài văn nào đó, hay một bài học về địa lý đầu tiên, tôi không chắc. Tôi đã được học như thế, các bạn tôi cũng học như thế và có lẽ những người hơn tôi 10 tuổi, 20 tuổi cũng được học như thế. Lũ thị thành như tôi, phải mất hơn 10 năm để hiểu những điều được học trong sách từ nhỏ, khi chúng tôi có thể tự đi. Chúng tôi tự đi theo những phong trào du lịch, đi có lẽ vì thừa tiền, thừa thời gian; đi vì thích thể hiện; đi vì bạn bè rủ nhau, vì buồn đời, vì thất tình, hay vì en nờ những lý do khác. Chúng tôi khác những người của 10 năm trước, khi chuyện đi là sự khám phá hoàn toàn, chúng tôi đi do phong trào, cứ cho là vậy. Chúng tôi là một thế hệ tồi tệ, đi tới đâu phá tới đó, xả rác lung tung, dẫm đạp cây trái mùa màng, những dấu chân và những câu chuyện vô ý thức. Theo vết xe của chúng tôi, đám trẻ dân tộc thiểu số bắt đầu biết xin tiền, xin kẹo; những con đường vắng lặng thành tắc đường áo cờ sao và những cái chết do đi du lịch cũng tăng dần. 95
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Cái thế hệ này chán lắm, cứ cho là thế đi. Nhưng cái thế hệ này cũng là thế hệ đầu tiên được nhìn thấy Việt Nam nhiều đến thế! Thấy rằng rừng vàng biển bạc là giả dối và 3/4 diện tích rừng núi là bịa đặt. Đúng, chúng tôi đã nhìn thấy rừng vàng; đó là những cánh rừng trồng không có sự đa dạng của hệ sinh thái. Vì rừng nguyên sinh đã chết gần hết do chiến tranh và bị chặt gần hết do khai thác. Rừng nguyên sinh giống động vật trong sách đỏ, được bảo vệ trong những khu bảo tồn quốc gia. Hoàng Liên, Phong Nha, Pù Luông, U Minh, những hệ sinh thái từng phủ kín cả miền đất giờ nằm gọn như hiện vật trong bảo tàng. Chúng tôi cũng nhìn thấy sự khác biệt giữa biên giới Việt Nam và Lào, khi một bên xanh rì và một bên nâu đất; chúng tôi thấy sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, một bên đa dạng cây rừng, một bên toàn chuối, chuối và chuối. Những ngày cáp treo lên Fansipan, những ngày cáp treo vào Sơn Đoòng, những ngày chùa trên núi được xây dựng, Chúng tôi kêu gào, chúng tôi la hét. Nhiều người bảo chúng tôi ích kỷ, chỉ muốn giữ thiên nhiên cho mình, chỉ muốn giữ sự hoang sơ để thể hiện bản thân. Có lẽ họ đúng, có lẽ họ sai. Tôi không biết sự ích kỷ đó đến từ đâu. Có lẽ chúng tôi muốn giữ những thứ đó cho mình thật, vì chúng tôi còn trẻ, chúng tôi đã sai, chúng tôi đã thấy và chúng tôi đang sửa. Chúng tôi muốn giữ những điều đẹp đẽ đó cho mình vì chúng tôi có thể còn làm được điều gì đúng đắn hơn. Hay chúng tôi ích kỷ vì chúng tôi sợ hãi; sợ rằng những mảng rừng nguyên sinh ít ỏi cũng sắp không còn, sợ những dấu tích của cụm từ “rừng vàng” cũng sắp biến mất. 96
PHO
Chúng tôi sợ, sợ lắm. Sợ những điều đáng nhẽ mình có lại chẳng còn. Chúng tôi sợ sự tàn phá của thế hệ mình, sợ sự tàn phá của thế hệ trước... Văn hóa dân tộc nhạt phai, thiên nhiên biến mất. Chúng tôi sợ đến mức kêu cứu cho từng cái cây bị chặt giữa thành phố tới một ngọn núi, một cái hang có thể không bao giờ vào. Tôi nghĩ nhiều về cụm từ “rừng vàng”. Có lẽ nếu không được học như thế sẽ tốt hơn; hoặc được học rằng, đất nước ta có rừng vàng biển bạc, và chúng ta phải bảo vệ rừng vàng biển bạc đó. Rừng, là nơi có chim hót vượn kêu, là những loài cây từ cao tầng tới thấp tầng tới cây bụi... Rừng, không phải là nơi chặt 1 cái cây vài trăm năm rồi trồng những cây keo phá đất. Nếu thế, có lẽ chúng tôi cũng không ích kỷ muốn giữ rừng hoang cho mình; và những người kia cũng không ích kỷ xây chùa cho họ.
97
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
44 ngày 20 tháng 2 năm 2016 Thế quái nào, lời bài hát anh Kẹo luôn đeo trên cổ, đeo trên cổ những hai lần, mà tôi không nhớ được. Tôi không nhớ được đó là bài gì. Chỉ nhớ câu cuối thôi “Love is suicide” rồi đoàng một tiếng, chúng ta chết. Ừ love is suicide, có lẽ đó là từ hợp với tôi nhất. Nhưng thôi, quên nó đi. Thi thoảng tôi thấy sung sướng và hạnh phúc bởi những người ở quanh mình. Những người ngu nghê. Có những người chuyên tâm làm việc đến phát điên, có những người bơ vơ quẩn quanh đến phát khùng. Tất cả, chạy tán loạn, vui vẻ, buồn rầu, lo âu... Có người làm việc mười tám tiếng một ngày, có người ngồi chơi mười tám tiếng một ngày... Nhưng tất cả đều sung cmn sướng. Thế là tôi sung sướng, những người ở cạnh tôi. Đơn giản vì họ không phải những người chấp nhận đều đều như một. Có đứa dở hơi theo người yêu đi bán gốm, có ông cắm đầu vào làm việc mặc dù con nhỏ nheo nhéo bên cạnh, có cả đám ngồi hát oang oang trong một quán cà phê vắng khách... Tôi không chấp nhận làm việc theo cảm hứng, có lẽ vì tôi quá nhiều cảm hứng. Tôi nghĩ về những điều quanh tôi, thế là tôi mê mải cuộc sống đáng chết này. Nửa năm trước tôi viết về hoang hoải và ồ ạt. Giờ tôi hết hoang hoải rồi, tôi ồ ạt quá. Cái gì cũng ồ ạt. Công việc tới, việc này đè việc kia. Tôi làm chậm nên việc thì thưa mà tôi thấy gấp. Bạn bè tới, bạn bè cũ, cơ mà tôi bận quá 98
PHO
nên họ tới gấp. Tôi sung sướng mà làm, mà gặp người này người nọ. Thế là tôi ồ ạt mà sống. Đôi khi quên béng mình như nào. Bơ vơ, lại có chút hoang hoải níu lại. Vài cuộc gọi không có người nghe máy, vài tin nhắn không có người trả lời. Thế là tôi hoang hoải. Hoang hoải nhớ người, hoang hoải nhớ việc. Những việc chưa làm và những người chưa gặp. Tôi nghĩ tới những việc sẽ làm và những người sẽ gặp. Vậy là tôi lại sướng. Đầu năm Bính Thân. Uống nhiều rượu mà ít thấy say. Có lẽ do vui nhiều. Vui chán một ngày, về nhà, mệt rũ.
99
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
45 ngày 20 tháng 3 năm 2016 tảo mộ
Người Việt đi Thanh Minh, đốt cả thẻ hương thắp nhiều phần mộ. Mộ chính ba nén, còn lại thắp xung quanh, mộ gia đình, mộ hàng xóm. Người sống quen ra sao thì đối đãi với người khuất ra vậy. Vốn người Việt sống ở làng, cả làng biết nhau. Nhà tôi có khách, mời sang nhà bác chơi. Khách xa lâu ngày tới, qua nhà hàng xóm hỏi. Biết nhau rồi họ giữ tình giữ nghĩa, giữ cả thành tập tục thói quen. Thắp nhang cho ngôi mộ sạch, họ dặn các cụ sống dưới âm vui vẻ; thắp nhang cho nấm mồ um cỏ, họ thương người không ai viếng thăm. Ngày Thanh Minh thăm mộ cả họ. Người Việt không đi vội mà từ từ, mỗi lần thắp hương đợi nửa tuần nhang, một tuần nhang mới lễ, dọn lộc, hóa vàng rồi đi. Ít điều lễ nghi, họ làm vậy vì cần thời gian để nhớ. Theo làn khói chuyện của một đời hiện lên. Lửa lỏn nhọn, lem nhem. Ông Hồng vừa thắp nhang vừa kể. Về người vợ đầu tiên, người yêu dấu nhất của thời thanh xuân, người phụ nữ đi guốc giữa ngày lầy chợ Bưởi. Trong làn khói tôi tìm thân hình mảnh khảnh, đôi guốc cao, quần vãi lĩnh đen, lẩn khuất trong đôi mắt lờ mờ cũ kĩ. Ông hóa vàng từ tốn, từng miếng mã mảnh vàng, cháy hết thành tro, rưới rượu lửa phừng rồi tắt.
100
PHO
46 ngày 23 tháng 3 năm 2016 Những ngôi nhà trong phố cổ, nó có quy luật riêng. Những quy luật khiến chúng tôi mê mẩn. Đó là những cầu thang rất hẹp, rất dốc; những con ngõ rất tối, rất sâu. Tất cả phá vỡ những quy chuẩn chúng tôi được học. Từ những ám ảnh thường ngày, chúng tôi đôi khi muốn tạo ra điều gì giống thế. Có người may mắn làm được, có người thì không. Một dự án lập nên giữa người Nhật và người Việt, nhưng cũng chỉ là một tòa nhà trống, tất cả bịt kín và những kiến trúc sư tiếc hoài, thuê lại làm văn phòng. Những kích thước và tỷ lệ kỳ lạ đó, hoặc do một thú chơi, hoặc do cuộc sống ép buộc mà thành. Họ có thể sống như thế, nhưng khi được chọn, họ sẽ không chọn như thế. Có những người không hài lòng với hiện tại, họ nhìn ngó cuộc sống vời đầy hoài nghi. Họ nghĩ rằng mọi thứ phải đổi thay, mọi thứ phải khác. Rằng một con đường phải khác, một đời người phải khác, một thành phố, thậm chí một khu rừng. cũng phải khác. Tôi từng nghĩ họa sĩ truyện tranh và người viết tiểu thuyết là những kẻ uy quyền nhất. Họ vẽ ra, viết ra những thế giới, sự vận hành, cảnh quan, sự sống cũng như tình yêu, theo cách họ nghĩ phải là. Tuy nhiên, cũng có những con người khác. Những người đi giữa các quy tắc hàng ngày để thay đổi sự thực hiện hữu. Nỗ lực, sáng tạo, lao động, cải tạo, 101
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
chắt chiu, bảo tồn, nghiên cứu. cho những điều họ nghĩ nên là. Luồn lách giữa loài người. Họ sống theo cách họ nghĩ và gây dựng những điều họ cho là phải. Cười như điên dại, khóc lóc khờ khạo. Tôi gọi họ là những người mộng mơ. Thế giới mà họ thấy cũng khác nhau, những kiến trúc sư thấy một thành phố của hình khối và không gian, chiều đứng, rộng và ô trống hiện lên vời vợi. Người xây dựng cộng đồng thấy một thành phố của những hoạt động , những con người trao đổi thông điệp, từ bàn tay hay ánh mắt. Còn nhà kinh tế, thấy một thành phố mang tên quy luật, dòng lưu chuyển cùng những được và hơn. Tất cả các thành phố giống hoặc khác nhau. Những thành phố lơ lửng trên trời, hòa vào nhau hoặc va chạm rồi vỡ vụn. Vì dân số đông lắm, nên những kẻ mộng mơ hay đánh nhau.
102
PHO
47 ngày 27 tháng 4 năm 2016 một túi không khí sạch giá bao nhiêu
Hôm qua, chị tôi kể bạn chị mới ở Bhutan về, kể rằng họ PR quá tốt, họ cho thế giới nghĩ về một thiên đường. Sự thực nó vẫn tốt nhưng nếu đi Ấn Độ hay Nepal rồi thì chi phí đi Bhutan quá đắt đỏ. Tôi lại nghĩ khác. Có nhiều mặt giá trị. Người ta có thể chọn những cách du lịch khác nhau. Ấn Độ hay Nepal là trải nghiệm văn hóa, còn Bhutan khác. Tôi muốn đến Bhutan để làm một người dân sinh sống, chứ không phải để đi du lịch. Còn về chi phí, có lẽ chúng ta đã quen mua nhiều thứ rẻ. Khi đoàn làm phim Kong khảo sát Sơn Đoòng, họ từ chối quay phim trong đó mặc dù đã dự toán kinh phí và chi tiết các cảnh quay. Họ sợ làm ảnh hưởng tới cái hang, sợ cái giá họ đã trả là không đủ.
103
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Chúng ta bỏ bao nhiêu tiền cho một túi không khí sạch? Ở Trung Quốc, họ đang mua 1 chai 7,7 lít không khí từ dãy núi Rocky - Canada với giá 15USD. Ở Việt Nam, chúng ta chưa phải mua không khí. Nhưng chúng ta đang sống trong một đất nước mà mọi khu rừng quốc gia đã và đang bị nhăm nhe mở rộng thành du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cáp treo. Chúng ta đang sống trong một thành phố mà 30% thời gian là tắc đường. Nơi mấy trăm cái hồ đã bị lấp và những con sông đã thành những cái cống. Chúng ta đang sống dưới một bầu không khí mờ đục, và mới xuất hiện thủy ngân! Vậy khi chúng ta đi tới một đất nước, nơi mà các cánh rừng được nối liền với nhau, nơi không sản sinh khí nhà kính và lọc không khí cho một phần đất nước láng giềng. Mỗi phút chúng ta hít thở bầu không khí đó, đáng giá bao nhiêu?
104
PHO
48 ngày 12 tháng 5 năm 2016 tào phớ
Tào phớ là món của mùa hè, của mùa hè thôi. Vì mùa hè hoa nhài nở, tháng tư âm xe nhài lang thang khắp phố, mọi phường. Bánh phớ thì có quanh năm, nhưng nước phớ phải ướp hoa nhài, không có nhài, phớ thiếu vị. Hà Nội giờ thiếu quán phớ ngon. Kí ức của đám trẻ, phớ ngon là phớ bán góc làng góc chợ, cổng đình, hẻm phố. Thiếu những nơi đó phớ bớt ngon rồi. Vì không có phớ ngon nên ăn phớ gì cũng được. Trộn lẫn vị thạch không sao, thêm chút trân châu dai dai sồn sột không sao. Nhiều dừa đến lạc vị cũng không sao nốt. Mùa hè đám trẻ gọi nhau đi ăn phớ, phớ gì cũng được, vì ăn cho đỡ nhớ đỡ thèm. Sáng nay làm việc xong, ra cổng gặp quán phớ già. Đòn gánh để bên đôi thúng cũ, gầy guộc sờn trơn. Tôi nhìn cô lâu lắm, gương mặt cô đầy, da tối và cũ. Cô nói với khách quen, nửa như chào mời, nửa như tự sự. Vừa nói cô vừa hớt phớ từ vỏ trai, bánh phớ của cô hơi trắng ngà. Tôi lướt xe đi, thoáng thấy túi hoa nhài bên nồi phớ, gọi vội anh Huy lại để ăn. Phớ của cô mịn và khó vỡ, ăn vô miệng mát và trơn. Không cần nhiều đá nhưng đã thanh thanh cổ họng. Có lẽ vì vậy trước khi ăn cô hỏi tụi tôi có dùng đá không. Nước phớ pha bằng đường hoa mai, màu vàng hơi nâu, loáng thoáng hương hòa nhài đã ướp. Thấy khách đứng nhìn mãi mới ăn cô hỏi. Biết tôi lựa quán mới vào, cô vui lắm. Cô kể chuyện đi học làm phớ gia 105
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
truyền, kể đã bán ở đây hai mươi năm. Vừa kể cô vừa hớt phớ, rồi cô dạy cách nhìn bánh phớ để biết thế nào là phớ ngon, cô kể nhà cô trồng bao nhiêu cây hoa nhài để hái. Bán xong cô cháu chào nhau, cô đeo đòn gánh lên vai, uyển chuyển và lắc lư, vừa đi vừa rao “Phớ ... đây...” Tiếng vang vọng trong ngõ như câu truyện trong làng cũ, rất cũ. Khách ăn được bát phớ ngon, gặp người bán phớ yêu nghề. Đi đường vị phớ vẫn thanh thanh trong họng, cười tủm tỉm mãi.
106
PHO
49 ngày 12 tháng 5 năm 2016 Timbuktu, vùng đất nghiệt ngã, nơi tiếng người không đến tai nhau?
Tôi ít khi xem phim, và cũng chưa bao giờ viết review về một bộ phim nào. Có thể vì tôi ít khi cảm nhận được cảm xúc từ bộ phim mang lại, hay do tôi chưa xem phim mà không được giới thiệu bao giờ? Tôi thường biết một điều gì đó về logic của bộ phim trước. Vì vậy tôi không có nhu cầu để viết về nó, cũng như nói về nó. Tôi đi xem Timbuktu với tâm thế của người xem phim tài liệu. Tôi không biết đó là phim điện ảnh, vì nó nói về vùng đất mà người Hồi giáo Cực Đoan chiếm đóng. Tôi vẫn nghĩ đó là phim tài liệu cho tới khi vào phòng chiếu. Bộ phim thật rời rạc, không có nhân vật chính và cũng không có nhân vật phụ. Tất cả con người đồng loạt hiện lên, thay nhau xuất hiện từ cảnh này sang cảnh khác, rồi lần lượt xuất hiện lại. Một viên lính đi thông báo luật lệ, một người Ả Rập thánh chiến tới châu Phi, một bà phù thủy ôm con gà trống, một gia đình nuôi bò, một thanh niên chạy xe máy rầm rầm từ chỗ này sang chỗ khác… Rời rạc và ngắt quãng, như một bộ phim tài liệu, tham lam thể hiện con người. Tôi không muốn nói về từng con người đó, vì trong bộ phim này, tôi thấy mọi con người như nhau, không ai hơn ai. Tôi muốn nói về Timbuktu, một thành phố nổi tiếng. Nơi những ngôi nhà 107
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
được xây bằng đất, gồ ghề nhô lên như tổ mối, để loài người tới, sinh sống và cầu nguyện. Timbuktu từng là thủ đô của tinh thần và tri thức, từ Timbuktu đạo Hồi đã lan ra toàn Châu Phi. Như nơi xuất phát, như sự khởi đầu của tôn giáo này tại lục địa Đen. Nơi những con người gần với thánh Allah nhất. Trong Timbuku, những tiếng nói về thánh Allah vang lên từ những con người khác nhau. Giữa những người theo Hồi giáo từ khi sinh ra, nhắc tới Người trong thành kính và tin tưởng. - Người cho con số phận, con sẽ nhận số phận. Nhưng khi chết đi con sẽ hỏi: Người có con không? Người hiểu sự đau đớn của con không? Con đã làm điều sai, con sẽ chết. Nhưng con cầu xin Người, cầu xin những người, cùng thấu hiểu nỗi đau, thấu hiếu cảm xúc duy nhất của con, một bầy tôi của người. - Những con người đó, sống cao quý bằng đạo Hồi, sống với niềm tin về thánh chiến trong tâm tưởng, tự làm mình tốt lên. Sống - là một người phụ nữ cao quý, không cần găng tay và cũng không cần chùm khăn. Sống - là những con người cao quý, chơi đàn và hoan ca Thượng Đế hằng đêm. Tiếng nói thứ hai cũng từ đạo Hồi, từ những người mang đạo Hồi từ nơi khác tới. Những người mang súng đi thánh chiến, coi đoan chính đến từ những chiếc áo và khăn, coi âm nhạc và thể thao là tội lỗi. Ở Timbuktu, họ nhìn nhau trong cát và hơi thở ngột ngạt. Khi những cơn gió mang cát bay lên, những người của vùng đất đó chạy trên sa mạc, truyền cho nhau quả bóng tưởng tượng, sút bóng, bắt gôn quả bóng vô hình. Còn những người của vùng đất khác, chạy xe vòng vòng quanh họ, cấm họ đá bóng - kể cả trong tâm trí. Ở Timbuktu, người mới đến như kẻ đi săn, người 108
PHO
bản địa như những con thú. Những con thú chạy hoài đến mệt mỏi, những kẻ đi săn không bắn, không giết, những kẻ đi săn đưa ra những đạo luật để con thú phải chạy, phải gánh chịu, phải mệt mỏi cho tới khi chết. Mở đầu phim là hình ảnh một con nai chạy miệt mãi dưới làn đạn, kết thúc phim là ba con người chạy mải miết trên sa mạc. Chạy mãi, không gặp được nhau, người chạy trốn lính, người chạy trốn nỗi sợ, người chạy trốn sự mất mát. Chạy mãi không gặp nhau, rồi ngã quị. Chấp nhận. Ở Timbuktu, người ta không hiểu được tiếng loài người. Nhân vật nói nhiều nhất trong phim mang tên “anh phiên dịch”. Anh phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng bản địa, từ tiếng bản địa tiếng Pháp. Anh phiên dịch không biết tiếng bộ lạc, anh phiên dịch đi tìm anh phiên dịch khác để giúp người bản địa nói với nhau. Người Ả Rập không hiểu tiếng Châu Phi, và người Châu Phi cũng không tự hiểu tiếng của mình. Bộ phim kết thúc, tôi ngồi bần thần tự hỏi. Họ có thật sự hiểu nhau nói gì, trong cảm xúc của từng ngữ âm? Và cũng tự hỏi, bao nhiêu khán giả hiểu những diễn viên nói gì, bao nhiêu người biết những người ở Timbuku cũng là người đạo Hồi, như những người cầm súng hướng về phía họ?
109
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
50 ngày 8 tháng 7 năm 2016 Khi tôi kể về những chuyến đi, những người đã gặp và những lần suýt chết, nhiều người bảo, muốn đi như vậy. Tôi thấy đi như vậy dễ lắm, chỉ cần ngây thơ và lắng nghe bản thân mình, không đoàn thể, không hội nhóm, không nhu cầu gì ngoài chuyến đi. Cứ đi thôi, gặp đường khó, gặp đường mòn, trái tim mách thì lao vào, cái đầu mách thì tránh ra. Gặp người thì vui, mời rượu thì uống, không uống thì tỉnh, mà uống thì say. Say rồi người ta có bắt mình đi đâu mình chịu. Không ai chịu trách nhiệm cho và không chịu trách nhiệm cho ai. Điều đó thật dễ. Sống giữa thành phố mới khó, khó khi gặp một người lạ, khó khi gặp một người quen, khó khi nhìn muôn vạn loài người lướt qua mà không biết ai, không ai biết. Ngày lang thang đường rừng mòn mỏi, khi phải dừng xe đêm ở thị xã, chúng tôi đã sợ. Mấy ngày nay tôi trông quán gốm, anh Huy gọi đột xuất tới địa điểm thi công giám sát thì tôi phóng đi, rồi tôi lại về quán ngồi vẽ slide cho chủ đề tôi thích, còn nhiều việc chất chồng lên đầu, những việc cần làm lần lượt, Tôi thấy thoải mái. Như hơn nửa năm trước tôi ở Tròn, sáng làm thợ sắt, chiều đi gặp khách hàng, tối design, đêm làm thiết kế, nhìn chị Loa rất lâu rồi ngủ. Tôi thấy thoải mái khi bận bịu, bận bịu làm, bận bịu yêu thương, bận bịu đi dần vào con đường mình đã chọn. Tôi hoang mang nhiều, hoang 110
PHO
mang vì những điều mình làm không biết là đúng hay sai, hoang mang đi lệch đường quá rồi không cứu được, hoang mang vì những thất bại phía trước. Nhưng nếu gạt sự hoang mang ra, tôi thấy mọi thứ mình có đẹp đẽ đến kì lạ. Như 5 năm trước Tùng Kan bảo tôi như một nhân vật manga, giờ tôi vẫn muốn sống như thế, như một nhân vật với mình là tác giả. Nghĩa là mình có quyền tạo hình, có quyền xây dựng tính cách, có quyền quyết định số phận. Doanh bảo, đường mày dài lắm. Lem lại bảo, mình có cả đời để làm mà ông. Mỗi tháng 7 là tôi lại hoài thai, tôi hoài thai bao nhiêu lần rồi không biết? Chưa có cuộc đời mới nào được sinh ra một cách rõ ràng. Anh Tiến nói: Ai cũng chết ở tuổi 27 em ạ, rồi sống lại như anh. Có những người đã chết thật và chết ảo, ở tuổi 27. Tới tuổi đi và hiểu, chúng ta sinh nhật không phải bằng năm, bằng một ngày cụ thể; mà bằng một thời kỳ, bằng một điểm mốc. Tôi từng sinh nhật trên một phế tích ngày mưa, tôi từng lang thang và rũ bỏ bạn bè trong ngày sinh nhật. Ngày sinh gần nhất và cũng là ngày đáng nhớ nhất, vào 2 năm trước trong mùa hè dựng đứng của mặt trời. Mùa hè bên những người hồn nhiên nhất, tắm sông, vẽ cột, dầm mưa. Giờ tôi cũng biết nhiều rồi, tôi biết đi thẳng và bước cao như tiếng nói duy nhất tôi nhớ mẹ dạy. Tôi biết tôi có làm gì thì cũng ngu ngơ, nên tôi không phải chọn giữa sống khôn và sống dại. Tôi biết người mà tôi hâm mộ cũng như ghen tị. Tôi biết anh Tín cứ vật vờ như thế, vừa hoang mang vừa ổn định; chị Vân Anh hơn 30 rồi vẫn ngủ dậy ở quán cà phê, đầu bù mắt mờ 111
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
như một cô bé trong truyện; biết thằng Tùng Kan chưa chết và cũng biết có lúc Long Đỗ Hùng khiến tôi nhìn thán phục. Tôi có nhiều nhân vật, nhân vật như những Người. Nếu phải viết một điều gì đó, tôi có ưu điểm và cũng là nhược điểm, tôi không phải nghĩ nhiều về những nhân vật, họ ở xung quanh tôi. Rõ ràng mồn một. Tôi chỉ cần lấy họ ra, nghĩ về cuộc đời của họ, nghĩ về ước mơ của tôi. Ngày hôm nay tôi đưa một đứa em học vẽ vội vàng chỗ anh Tuyền. Tôi thấy những người em trong độ tuổi tôi đã cũ, tươi sáng như những mầm cây. Như thời điểm tôi luôn muốn tỉnh dậy sau một cơn mê dài. Tư duy đại học chết tiệt đã làm bao mầm cây như thế cụt chồi? Từ những người tuyệt vời luôn cố gắng và nỗ lực, thành những đứa trẻ chả rõ mình cần gì và bị ném vào cuộc sống. Để tới lúc, chúng tôi nhìn lại nhau mà bảo, giờ mới là lúc cần đi học. Tụi tôi thích ôm nhau thì phải. Chúng tôi ôm nhau nhiều lắm, khi quá buồn hoặc khi quá vui. Mà tụi tôi chỉ quá buồn và quá vui thôi. Chúng tôi ôm nhau khi gặp mặt, ôm nhau khi say, ôm nhau khi đứng cùng nghe nhạc.
112
PHO
51 ngày 23 tháng 1 năm 2016 The Wall và Ngược Dòng
Tôi xem The Wall từ nhỏ, là phim The Wall của Pink Floyd, không phải ban nhạc Bức Tường. Đó là năm 2001, khi nhà tôi bắt đầu có máy vi tính cho người em học Kiến Trúc. Sau này, dù thích Meddle hay Pompeii hơn nhưng nói về Pink Floyd như một Floydian, nói rằng PF thấm trong máu tôi như nào thì vẫn là The Wall. Cũng như những tín đồ của Syd, họ nghe “Người thổi sáo tại cánh cửa bình minh” vì Syd, họ dùng LSD vì muốn hiểu Syd, họ nghĩ tới Syd lúc nghe Sign on. Khi mọi cảm xúc âm nhạc trôi đi, The Wall và cậu bé Pink vẫn chạy, chạy mãi, hoang hoải trong tiềm thức của tôi. Tôi xem The Wall hơn 10 năm. Những ngày đầu, có lẽ để tôi ngồi yên, hay vì muốn tôi nghe thứ âm nhạc đó; người em họ hay bật The Wall, thậm chí để tôi xem một mình. Là một đứa trẻ mồ côi cha, mỗi lần Another brick in the wall p.1 vang lên, hắn lại đọc thầm thì, làm phụ đề cho tôi hay là tiếng vọng từ cảm xúc? “Bố đã bay qua đại dương Chỉ để lại ký ức Tấm ảnh chụp vội trong album ảnh gia đình Bố ơi, điều gì đã đem người rời khỏi con?” 113
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Hình ảnh Pink nhỏ và bố lồng vào nhau, nhập nhoằng, chập choạng làm tôi sợ. Nhưng tôi vẫn xem, xem hết bộ phim, xem ít thôi, một vài lần. Từ lúc đó, có những tiếng vang trong đầu tôi, rằng tôi có giống Pink không? *** Từ khi vào đại học, tôi nghe PF rất nhiều. Tôi xem lại The Wall rất nhiều; tôi lùng tất cả trang web từng viết về bộ phim đó; tôi thức trắng nhiều đêm để đọc và thuộc từng hình ảnh ẩn dụ. Với mỗi trạng thái tồi tệ của mình, tôi tìm một bản nhạc của The Wall để nghe. Thường là Empty space, Is there anybody out there, The thin ice, Comfortably numb... Tôi cũng đợi chờ sự lột xác, tôi nghĩ về những con sâu, những con dòi đục khoét, tôi lo sợ khi bước trên lớp băng mỏng và tôi đợi... Waiting for the worm đều đặn vang lên, nhịp đập dồn, đập dồn. Khi đến cực hạn, Pink và tôi hô lên: STOP! Nhập nhằng những cảm xúc, tôi dễ bị điều khiển bởi cảm xúc, tôi dễ bị lệ thuộc vào cảm xúc. Tôi đã ám thị mình với Pink một lần nữa. Nặng như một con bệnh. Pink đã bọc tôi trong lớp vỏ nhầy nhụa của hắn. Ngày Cường Lạnh solo Comfortable numb tại Rock Fire, tôi đã trụ không vững. Hoa Hana và vài người chạy tới, tôi chỉ lẩm bẩm “Không sao, mình không phải Pink, bạn đừng lo.” Có một ngày, tôi xúc phạm gia đình mình. Tôi đã khóc rất nhiều khi say, rồi tỉnh giấc trong trống rỗng. Tôi hiểu mình không phải thằng nhóc của 10 năm trước. Một phiên tòa giáng xuống đầu tôi, phiên tòa cho Pink, phiên tòa cho một kẻ luôn xoay xở nhưng cũng luôn chạy trốn; một kẻ lệ thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh và cảm xúc. Một kẻ vô trách nhiệm với những 114
PHO
người hắn yêu thương. The trial. Từ đó, tôi không xem The Wall nữa. *** Ngày hôm qua, tôi nghe Ngược Dòng. Tôi đã nghe Ngược Dòng từ những bản thu đầu tiên trong phòng tập, tôi nghe Ngược Dòng nhiều từ một năm nay. Đến giờ tôi vẫn coi đó là album rock Việt hay nhất từng có. Nhưng tôi bắt đầu băn khoăn. Tôi thấy tôi thích album này đến thế vì tôi đang ở 26 tuổi, tôi đã mất những điều từng thành công và tương lai chẳng có gì rõ ràng. Hàng ngày tôi hát hay tự hỏi “vì sao chạy trốn - vì sao chẳng còn ước mơ”; hàng ngày cảm xúc đi giữa hai bờ sáng tối, ngổn ngang chẳng rõ sẽ làm gì; tìm cách tránh lực hút ngược rồi lại tự huyễn một thân ngược dòng. Hôm qua, tôi nghe Ngược Dòng một lần nữa. Nghe “Lời nói thật” thôi. Tôi hẫng người “hóa ra trước đó tụi nó toàn nói dối!?” Có người bảo Ngược Dòng là một album concept. Hẳn là concept của một kẻ trống rỗng, một kẻ bế tắc, một kẻ trái chiều và một kẻ chạy trốn. Khi thấy vô vọng hắn hát lên, những lời lạc quan nửa vời; vừa thỏa hiệp với mình, vừa xoa dịu cơn đau. Đi mãi đi mãi cũng là ngõ cụt. Hắn chấp nhận nói thật với bản thân. Lời nói thật là những cảm xúc đơn giản, mà 8 bài hát trước đó với câu từ ám ảnh không thoát ra được: “ Chợt một ngày ta muốn sống hơn ngày qua Chờ đợi khi người mang niềm tin tới” *** Cả 2 album, lấy một bài cuối để đảo ngược nền tảng xây dựng từ trước. Thực ra mọi thứ không phức tạp nhiều. Thực ra cứ đơn giản, bình tâm mà 115
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
sống. Nói thật với mình và nghĩ cho đúng. Con đường Pink chọn không phải vô lý, những cảm xúc của Ngược Dòng cũng rất thật. Nhưng cuối cùng, đi theo hướng đó, tôi sẽ vui chứ? Phần nhiều là không.
116
PHO
52 ngày 15 tháng 4 năm 2016 quê vợ
26 năm trước, theo quốc lộ 1A, rời Hà Nội 100km, thằng Toàn về làng Đoan Vĩ, ven sông Đáy, làm con rể. Từ ngày là rể họ Vũ, cả họ nhớ tên Toàn hơn cả vợ nó. Đi đâu người ta cũng nhắc anh Toàn, tới đâu người ta cũng tìm anh Toàn. Người dưới quê lên chơi, phải qua nhà anh Toàn trước; người từ nơi xa về, phải qua nhà anh Toàn ngủ. Sinh ra từ ngôi làng gần giữa thủ đô. Thằng Toàn không phải người Hà Nội, cũng chẳng phải nông dân. Nhưng hắn giống nông dân hơn. Trong họ Vũ bên nhà vợ, Toàn tới nhà ai, đói hắn kiếm nồi cơm ăn, khát hắn tìm âu nước uống. Hắn uống bia nhanh say, rồi cười to nói sảng vang 3 căn nhà. Dạo đó hắn hay say, nhưng say vì vui, say để ngủ lại, say để cười vỡ vụn những gian nhà. Bà mẹ vợ ở quê một mình, một năm Toàn về thăm 5 lần. Có lần vài ngày, có lần vài tuần. Hắn về cùng vợ cùng con, có khi cùng năm bảy anh em là đồng đội từ thuở chiến trường Quảng Trị. Những chiếc xe Cub, xe Dream cứ đi đi về về trong chục năm như thế. Bà mẹ ở quê một mình, có thêm nhiều thằng con. Thằng nào cũng gọi bà là mẹ, là bầm; thằng nào cũng thích trải chiếu ngồi đất uống rượu với bà. Dân Hà Nội không có quê, Toàn đã coi Đoan Vĩ là quê, là chốn đi để về. Hắn từng nghĩ lúc già kiếm mảnh đất ven sông Đáy, kiếm con thuyền gỗ, về ở dưới bóng tre, đêm đêm nghe phà chạy, nghe núi 117
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
nổ mìn. Bởi Toàn ghét Hà Nội lắm, ghét giống người giả tạo ở Hà Nội lắm. Được 10 năm, trong một cơn say, Toàn gây xung đột với họ hàng nhà hắn, thành kẻ cô đơn giữa chính quê mình. 3 năm sau, người đồng đội thân thiết nhất ra đi trên đường quốc lộ, xác nát vụn dưới những vết xe. Lo tang ma cho bạn xong, hắn ôm mặt khóc, khóc sướt mướt như một đứa trẻ. Tự nhủ trên đời chỉ có 1 người bạn thật sự duy nhất, hắn cô đơn giữa những bạn bè. Vài năm sau, duyên phận trớ trêu, hắn cũng không về Đoan Vĩ thoải mái được như con, như người xa quê lâu ngày nữa. Từ đó Toàn say, say lướt khướt, say không biết nói chuyện với ai, hắn tìm chiếu bạc, trong chiếu bạc không nói chuyện được với ai, hắn lại tìm say. Say trong câm lặng, Toàn về nhà mặt luôn đỏ phừng phừng, rồi tím tê tái, hắn ngủ. Đằng đẵng mười năm, những chuyện họ hàng, vợ con hắn đi thay. Không có Toàn, bà mẹ ở quê ít con về thăm. Bà già yếu dần, hay khóc một mình, mắt lòa đi rồi chết. Không có Toàn, vợ hắn về quê ít người hỏi, hay lại hỏi, ‘anh Toàn đâu chị? Sao lâu lắm anh không về?!’. Mười năm, mộ phần bà mẹ ở quê đã trọn vẹn. Toàn bỗng rủ vợ về. Vẫn theo quốc lộ 1A, giờ đã là đường cũ, vẫn 100km hai vợ chồng đèo nhau. Xe đã hỏng, về Hà Nội họ kể đủ thứ chuyện. Kể người đi đường than phiền xe khói, kể Hà Nội giờ tắc đường ra sao, kể về tới dốc Bưởi xe chết hẳn. Kể đi rồi kể lại, thằng con vừa nghe vừa mừng. Kể hết rồi mẹ tôi lại kể tiếp: Bố về vui lắm, nhà ai cũng qua chơi. Có cô đi chợ thấy bóng anh Toàn, loan tin cả làng biết. Không mời ai cả, ông bà cô bác kéo sang. Ngồi ăn chật nhà bà để lại. Ai cũng mời anh Toàn mai qua ăn cơm, đừng về Hà Nội vội. 118
PHO
Ông Bên bảo đang ươm mấy cây sưa, được giống đem qua vườn trồng, sau anh Toàn về tháng ba có bóng sưa, có hoa sưa vương đất. Tôi nhớ 20 năm trước tôi theo bố đi ăn, theo những đoàn cựu binh hò hát. Tôi ngưỡng mộ bố lắm. Khi bố không còn ai để nói chuyện, tôi cũng đã không còn ai, thui thủi tự kỷ một mình, tôi ghét bố lắm. Đến giờ, tôi lại thấy may mắn vì gia đình mình. Ở nhà tôi, ai cũng thật thà đến khờ dại; khờ dại để thương mình, khờ dại để yêu nhau.
119
NGÀY TRÔI NGƯỢC LẠI
PHO
53 ngày 7 tháng 12 năm 2015 16.11.2015
Có một ngày mà tôi muốn kể lại, rất muốn kể lại, đã nhiều lần. Đó là ngày 16 tháng 11 năm 2015. Tôi muốn kể lại vì cả ngày hôm đó tôi run sợ. Tôi lo lắng và căng thẳng. Mắt tôi mở trừng trừng nhìn thế giới. Đầu tôi căng ra làm việc. Trong buổi chiều chạy khỏi văn phòng; tai tôi nghe từng đợt gió xé qua lá cây, mắt tôi nhìn từng đốm sáng đèn pha đèn cốt, và dõi theo một mấu giấy bay mãi trên bầu trời. Ngày hôm đó lạnh hơn và nóng hơn, ngày hôm đó xanh và tối hơn. Ngày hôm đó, tôi nghe thấy mọi thứ và nhìn thấy mọi thứ. Nếu đúng như Phương từng tả, ngày hôm đó giống cảm giác khi dùng LSD. Ngày 16 tháng 11 là ngày Pháp ném bom xuống Syria, ngày một giáo viên người Pháp nói với bạn tôi rằng họ ném bom là đúng. Trong một phần trăm của giây, tôi thấy cảnh tượng hỗn loạn ở Châu Âu, tôi thấy lực lượng Hồi Giáo Cực Đoan kêu gọi người theo đạo Hồi trên thế giới nổi dậy, tôi thấy những người trong một tôn giáo hiền lành bị ép vào từng góc của thế giới. Trong một phần trăm của giây, tôi thấy mình đứng giữa những năm 80, đứng trong một trang của Watchmen, những ngày mà thế giới đợi 7 phút để hủy diệt. Và cũng trong một phần trăm của giây, tôi thấy mình là Bartolemeu Dias khi lần đầu nhìn thấy mũi Hảo Vọng. Với tôi đó là biểu tượng 121
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
đẹp nhất của loài người. Một ngày run rẩy. Sợ hãi và Choáng ngợp. Tôi đem theo chai rượu và tìm những người bạn. Tôi tìm thấy họ trong căn vườn của khế và hồng xiêm. Tôi mời mỗi người một chén và hô lên câu nói buồn cười. “Uống vì thế giới bạo tàn và tươi đẹp”. Những ngày như thế, tất cả chúng tôi sẽ cùng nghe một bản nhạc, và trên thế giới cùng vang lên một bản nhạc. Như sớm ngày 16 tháng 11 người nghệ sĩ dương cầm chơi giữa lòng Paris; như tháng 10 năm 2014, người Hồng Kông cùng treo lên khẩu biểu: “You may say I’m a dreamer, but I’m not the only one” Ngày mai là ngày mất của John Lennon. Tôi không nghe The Beatles nhiều và cũng không nghe John. Nhưng trong những thời điểm đẹp đẽ và tệ hại nhất, tôi muốn nghe Imagine, và muốn mọi người cùng hát Imagine. https://www.youtube.com/watch?v=04F...
122
PHO
"Imagine" Imagine there's no heaven It's easy if you try No hell below us Above us only sky Imagine all the people Living for today... Aha-ah... Imagine there's no countries It isn't hard to do Nothing to kill or die for And no religion, too Imagine all the people Living life in peace... You... You may say I'm a dreamer But I'm not the only one I hope someday you'll join us And the world will be as one
123
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Imagine no possessions I wonder if you can No need for greed or hunger A brotherhood of man Imagine all the people Sharing all the world... You... You may say I'm a dreamer But I'm not the only one I hope someday you'll join us And the world will live as one
124
PHO
54 ngày 22 tháng 11 năm 2015 Mùa đông - cảm hứng bất tận cho những kẻ mê rock. Mùa của cái lạnh cắt da và bầu trời ảm đạm. Những con nghiện metal, chúng chui vào từng góc tối tránh ánh sáng xiên, than thở và rền rĩ, nhạc Uaral vang lên trong tiếng guitar lạnh lẽo. Những đứa khác ngồi nghe Saturnus và mông lung nghĩ về bầu trời băng giá Bắc Âu. Trên góc phố vắng ngày chủ nhật, vài kẻ lững thững đi qua trong bộ giắc két dài, cô độc, lẻ loi, điện thoại chạy Forest of shadow mà nghĩ "đây là nhạc trong đám tang của tao"... Nhưng, đó không phải mùa đông ở Việt Nam, càng không phải mùa đông khốn nạn của năm nay, cho tới giờ. Mùa đông của tháng 11; nó đến và đi đã dăm bảy lần, đến trong một ngày rồi đi một tuần, rồi lại sầm sập kéo đến trong cơn mưa đường đột. Lạnh lẽo. Từng đốt ngón chân không ngừng nhức nhối bởi những nốt nhạc mưa. Vinnie Moore. Bầu trời chơi đi chơi lại hai bản nhạc, Bao giờ cho đến mùa đông và November rain. Từ ngày này sang ngày khác, tôi nhẩm đi nhẩm lại câu kết trong bài review cũ, "...như cái ngày tôi thấy Slash bước lên cây đàn piano". Có bao nhiêu kẻ cùng đến với Rock từ ngày đó? Trong tháng này? Dưới nền trời tối tăm và giận dữ của cơn mưa?
125
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Tháng 11 năm nay là tháng của mùa đông khốn nạn. Khốn nạn vì mọi năm không có mưa, mà năm nay mưa như trút. Nên ai bật November Rain tôi cũng không chửi được. Nó khốn nạn vì không lạnh, không một mình, không cô độc. Khốn nạn khi chúng tôi đứng bên nhau, những người của 2 năm trước tôi, những người của 7 năm sau tôi, chúng tôi đứng giật giũ giữa một góc sân hẹp, trong hai đêm trại lấp lóe, giàn loa lộp bộp và nhạc công bập bõm. Thế nào lại vậy được? Tôi đã thắc mắc cả tỉ lần. Band nhạc chơi cùi bắp, âm thanh không tốt; những cái đầu đá khó tính sẽ chả bao giờ thỏa mãn. Tôi đã nghĩ như vậy suốt 3, 4 năm. Nhưng giờ đây, mấy cái đầu đá đứng headbang trong hoàn cảnh đó, mosh pit tùm lum. Chả hề gì cả, mồ hôi nhễ nhại, tóc bết vào từng mảng da, mắt long lanh vui sướng. "Vui nhỉ!" - chỉ câu nói đó được thốt lên. Đúng là tháng 11 khốn nạn, khốn nạn chưa từng thấy, khốn nạn đến tuyệt vời! Trong một tuần, hai lần Tý chơi bản nhạc của ban nhạc chưa từng được diễn. Bản nhạc đơn giản mà lời hát chảy trong óc tôi đã nhiều năm. “Mệt mỏi quá với tháng ngày lông bông, đi về đâu, đến đâu và tới đâu...”. Tôi không rõ tại sao Tý lại hát bài đó, do chúng tôi yêu cầu, do hắn mệt mỏi, hay do chúng tôi vẫn chả rõ sẽ đi đâu? Tôi không rõ tại sao hắn hát bài đó? Vì hắn mệt mỏi hay vì chúng tôi sẽ không thể mệt hơn nữa. Mệt mỏi trong rộn ràng, mệt mỏi để hát ca, mệt mỏi để tưởng nhớ! Trong buổi tối kỳ diệu ở Quả Đất Tròn, tôi biết hắn vui. Có lẽ hắn vui vì tôi vui, có lẽ tôi vui vì hắn vui hoặc chả vì cái gì sất! Tháng 11, có những người sẽ chạy 100km lên Hà Nội để xem một show 126
PHO
diễn. Như một ngày 3 năm trước, tôi chạy 100km về Hải Phòng tìm đại nhạc hội. Có bao nhiêu người như thế? Thấy bóng áo đen trên đường, phóng vù lên mà hỏi, cười với nhau một câu, hẹn trong show, rồi phóng xe đi tiếp? Có bao nhiêu người như thế? Luôn gặp nhau để uống một chén rượu, nghe chung một bản nhạc rồi chả biết bao giờ gặp lại. Chả có nghĩa cụ thể gì cho cuộc đời, ngoài ánh mắt và niềm vui của giây phút duy nhất, của những linh hồn đi lang thang tìm nhau, suốt mảnh đất chữ S này. Cuộc sống sẽ chẳng bao giờ như mơ, nhưng ta đang mơ và cũng đang sống. Tuổi trẻ vẫn quá rực rỡ để tôi thấy rõ ràng.
127
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
55 ngày 31 tháng 10 năm 2015 Khi hàng cây ven đường Nguyễn Trãi bị chặt đi, có một điều cũng sẽ dần mất theo mà ít người để ý - đó là những đàn chim di trú lúc chuyển mùa. Theo lẽ tự nhiên, những loài chim di cứ sẽ bay từ phương Bắc xuống phương Nam để tránh rét; không hiểu do lịch sử của miền đất hồ đầm hay do vô tình mà Hà Nội nằm trên đường di trú của chim. Những loài chim tập trung chủ yếu tại công viên Bách Thảo, các tuyến phố nhiều cây cổ thụ như Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng,... và xung quanh các hồ lớn. Tuy nhiên, hình ảnh cả đàn chim bay tán loạn trên bầu trời tôi mới thấy ở đường Nguyễn Trãi và từng thấy ở hồ Tây. Trong những ngày này, ta vẫn có thể thấy những đàn chim đó vào tầm chiều, nhưng thay vì bay trên những tán cây xà cừ như mọi năm, thì chúng đang tìm chỗ trú trên những nóc nhà cao tầng của đại học Kiến Trúc và học viện An Ninh. Thành phố nói riêng và đô thị nói chung, được xây dựng cho con người sống. Chúng ta đang xây dựng những hệ sinh thái biệt lập chỉ dành cho con người. Chính vì thế mà cụm từ thiên nhiên và nhân tạo ngày càng trở nên cách biệt. Thiên nhiên càng ngày càng bị đẩy dần ra xa hệ sinh thái người. Hệ sinh thái người đó được thấy rõ khi những loài động vật khác còn tồn tại được trong nó nhưng phần lớn bị quy kết thành những loài 128
PHO
có hại: chuột hoang, chó hoang, mèo hoang ... Hệ sinh thái người không chấp nhận những loài cây ăn quả là cây trồng đô thị vì dễ tập trung chim chóc, côn trùng; quả rơi rụng tạo bẩn đường phố. Trong những năm học đại học, tôi đã không nộp đồ án rất nhiều lần vì những câu hỏi chả thể trả lời - tại sao không cải tạo khu vực này cho những loài động vật khác? Làm cách nào để diện tích xanh lét không để làm gì kia có giá trị hơn? Có thể có loài động vật đặc trưng nào ở đây xuất hiện không? Nuôi chim di cư ra sao?... Dù sao thì đó cũng không phải là nhiệm vụ đồ án của tôi cần giải quyết, và dù sao thì tôi cũng chưa một lần hoàn thiện nó để đưa vào 10 tờ đồ án đem nộp. Nhưng những suy nghĩ đó vẫn luẩn quẩn trong đầu như một điều đáng ra phải có. Tại sao một diện tích tự nhiên lớn giữa thành phố như hồ Tây chỉ có giá trị cảnh quan và để nuôi bắt cá? Tại sao không có một hệ sinh thái nào ở đây? Một thành phố sống cùng thiên nhiên là như nào? Có phải đơn giản là ngập tràn cây xanh? Hay là một thành phố mà lúc chuyển mùa người người phải mang ô vì sợ phân chim bắn vào đầu? Thành phố đi đến hoàn hảo - có phải là khi xe cộ chạy ầm ầm mà không sợ tắc, khi những lòng đường rộng 14m mỗi chiều và khi gián cũng chết ngộp bởi mùi người quá rõ?
129
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Nếu vậy, con người thật cô đơn.
130
PHO
56 ngày 24 tháng 10 năm 2015 Tôi nghĩ tụi nghe nhạc nhiều dễ bị điên, rất dễ bị điên. Sáng sớm, chập chùng trong cơn mơ, có một giai điệu ong ong trong đầu chúng. Đó là nhạc nền của giấc mơ đêm trước, là cảm xúc khó chịu đầu ngày tạo thành tiếng, hay là một bản nhạc quá quen vô thức vang lên, lặp lại, lặp lại. Cả ngày hôm đó chúng sẽ lờ đờ đi trên đường, mắt đỏ khoe và họng khát cháy; chúng đi khắp chốn để tìm bản nhạc đó. Chúng không định vị được, nhưng miệng cứ lảm nhảm hát, hát đi hát lại mấy câu; hay ư ử ư ử theo giai điệu những đoạn chưa thuộc. Chúng tìm đồng loại, cất giọng lè nhè mệt mỏi “Này! Bài quái gì mà cứ Ai đang bay cùng ta - ai sẽ đi thật xa?...”. Đồng loại cũng không nhớ chính xác, thế là chúng tìm google - ngu thế đấy, phải tìm đồng loại trước khi hỏi google. Rồi cả lũ như lên cơn bật max volume album Ngược Dòng; nhảy nhót và nghiêng ngả; buông lời ca ngợi album lần thứ n + 100. Đến thời điểm đó thì bài hát mới không ám chúng nữa. Đấy là sự giải thoát khỏi ám ảnh sau cơn mơ, là niềm hạnh phúc khi chia sẻ hay đơn giản một lũ rảnh việc chả biết làm gì khác.
131
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Đến trưa, chúng nghe một bản nhạc nào đó nhẹ nhẹ; chúng nhìn ra khu vườn mùa thu, nắng loang loáng nhảy ô dưới đất. Chúng nghiêng góc này, nghiêng góc khác, cắt một khung hình rồi đờ mặt ra nhìn. Trong giây phút nghĩ rằng mình đang xem phim thì một câu hát khác lại nằm gọn trong đầu chúng. Sâu réo sâu âm thầm bên bờ vực sâu.
132
PHO
57 ngày 01 tháng 7 năm 2015 Bệnh viện, trăng và những giấc mơ. Tôi ghét phòng cấp cứu; luôn là vậy; máu, bông băng và mùi thuốc khử trùng. Tôi chưa bao giờ phải vào phòng cấp cứu và mong là không bao giờ. Tôi cũng không hiểu vì sao. Trung từng bảo "tao thấy nó chết, thấy nó sắp chết, nhưng giờ nó vẫn đứng ở đây". Chuyện bốn ông anh thay nhau kéo thằng em khỏi vực; hay lúc đâm xe rồi ngồi co ro bên đống lửa... Có chuyện gì thì vẫn ngồi đây, đem thân trở về kể như điều hài hước. Sẽ chẳng còn vui vẻ khi mẹ nghe tin con nằm viện hay mất tích ở nơi xa. Nên có ở đâu hay làm gì thì cũng nhớ là ghét bệnh viện, phòng cấp cứu; máu, bông băng và mùi thuốc khử trùng. Người mê man mơ những điều gì? Những điều gì rất khẽ? Như một chú mèo thấy lạnh hơi co; rồi giật mình vì trượt chân vào đâu đó. Trượt vào đâu? Rơi xuống đâu? Bao nhiêu giấc mơ chả thể làm rõ, vì đó là lúc choàng tỉnh. Còn người vẫn mê man, họ không thể tỉnh, họ có biết là chúng ta sẽ rơi đến đâu? Họ đã mê thấy gì? Trong một tiếng, hai tiếng, hai tư tiếng hoặc lâu hơn? Nỗi buồn, ước mơ, tình yêu, tương lai... hay một lucid dream nhìn những người đang đứng bên cạnh lo lắng? Những cơn mê nào đã đến? Những đám 133
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
mây và bầu trời nào đã qua? Trưa nay tôi nghĩ, sắc thái của những giấc mơ có phải do không gian phủ lên chúng? Sạch sẽ và thoáng thì rõ ràng, bùng nhùng thì mờ mịt, còn loang loáng thì nhớ nhớ quên quên... Vậy nếu tôi vẽ ra những màu của cảm giác lên không gian thực, tôi trộn nó trong những biểu chất của riêng mình, thì tôi cũng đang mơ. Những khối nhà bê tông vuông vắn, đổ nắng lên nhau giữa chiều; những con trăng ngày rằm sáng như ánh đèn pha không thực. Tất cả là mơ hoặc sẽ vào giấc mơ. Còn tôi là người đi trên dây ở giữa. Một ngày trăng đã qua, đi ngắm trăng tròn và mong mùa trăng khuyết? Do trăng khuyết là câu truyện về cặp sừng trâu, do một hình âm vừa vặn, hay do tôi thích khuyết? Khuyết để lấp đầy, để đổ dần tới vừa vẹn; để tròn lăng lẳng rồi to hơn, từ mùa trăng này qua mùa trăng khác. Khuyết là bắt đầu, để lớn lên rồi lại khuyết. Hôm nay ngày trăng tháng năm, luẩn quẩn mùi thuốc khử trùng bệnh viện. Ba mươi ngày nữa là trăng tháng sáu, khi chim lạc đánh rơi một bọc tên Xanh. Trăng tháng bảy ở đâu? Phan Thiết và mùa trăng trên cát? Bến sông trăng cho ông lái đò. Nói ra trăng mà cười thành trăng; rồi ai cũng là trăng hết. Lạc giữa mùa trăng? Có người không thể bay, có người không có chân trời để bay. Có người lần kiếm chân trời. Nhưng có thể thì cứ bay đi. 134
PHO
58 ngày 3 tháng 6 năm 2015 Gió của 5h chiều; mây của mưa mùa hè xùm xụp. Loa phường đóng kín không gian của xưởng tầng 5. Bên dưới những đám mây giông, mặt trời vẫn le lói mong được tỏa sáng, tỏa sáng thẳng đứng như chiều hè, tỏa sáng chói chang như trưa hè; quyết liệt như mùa hè phải vậy. Vì mùa hè là quyết liệt, nên cơn giông không nhường mặt trời, không nhường điệu nhảy của mây và ánh sáng, không cho chiếc đĩa quang phổ thắp lên ở góc phía tây. Hôm nay không gian hình hộp, nhét đầy gió và vang vọng âm. Mày nhớ mùa hè là gì không? Với mày mùa hè là mùi hơi nước; là những ngày đầu tiên vào trường đại học, lang thang trong đêm sau những cơn mưa; mùi hơi nước bốc nồng từ đường nhựa. Mùi đất ẩm phả vào phòng tập quân sự; những đêm mất điện chơi đàn. Đám muỗi vo ve, chỉ những Tìm lại hay Về ăn cơm. Hát hết một mùa rong rả. Dạo đó mày hay hát sẩm: Cuộc đời anh sinh viên, hết tiền rồi lại nghèo, nên người yêu nó bỏ. Những dòng sông đổ ra biển, tới biển rồi chúng lại tách dòng; mỗi đứa một nơi. Tao thấy thật kỳ lạ; khi ra trường rồi, tao với mày mới dễ nói chuyện; mày bảo tại mày, tao bảo tại tao; hay cơn giông hôm nay bảo tại những 135
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
điều khác. Không còn những cô gái được nhắc tới, dù họ từng thân với tao hay với mày; họ có phải là điều khiến ta khó gần gũi? Không phải những mối tình riêng, không phải những giấc mơ bỏ lửng, tất cả đều chẳng còn ý nghĩa. Câu lạc bộ thì vẫn còn, nhưng chúng ta đã là những người khác. Mày vẫn bảo tao lập ra mà mày làm tất. Nếu mày làm tất thì những thằng còn lại ngồi không à? Nếu lúc đó mày làm chỉ vì tao ngu ngơ; thì sự ngu ngơ đó cũng từng khiến mày làm, khiến vài lão già họm rồi theo, khiến mấy thằng trẻ chẳng biết gì cũng hóng. Sự ngu ngơ vẫn theo lên Gió Ngàn hay về miền Nam, theo cá nhân hoặc là tập thể. Bây giờ tao có nhắc lại, chúng ta không còn tranh phân, hay buồn tủi vì những gì đã làm, có thể làm hoặc chưa làm. Chúng ta hãy cùng vui vì có những ngày như thế. Như lần đầu quàng vai nhau trong đêm Fes7. Em là Phan Tuấn Bắc, sau đây em xin hát bài Người đàn bà hóa đá. Hát đi, hát, 1 2 3 4, tìm lại đi hãy, lại sai nhạc. Thằng Bắc hát xong ho ra máu rồi.
136
PHO
Chúng ta nhắc lại điều đó hoài, không phải vì chúng ta đã chết, không phải vì chúng ta không còn những ngày khác. Mà vì ta còn gặp lại và ta không quên.
137
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
59 ngày 26 tháng 5 năm 2015 Đó là ngày 31 tháng 7 năm 2009. Có lẽ là 11h30, giấy báo trúng tuyển đại học gửi về. Nếu chính xác là 11h30 là lúc tôi tròn 19 tuổi. 19 kéo dài tới 25, 6 năm cho những giấc mơ tuổi trẻ. Mốc từng viết nếu tuổi trẻ là một giấc mơ thì những giấc mơ rất thường hay bắt đầu ở khoảng giữa, và kết thúc một lúc nào đó mà người mơ thường không thể nhớ rõ... Nếu tuổi trẻ là một giấc mơ, tôi biết đó là những giấc mơ mùa hè. Đó là những mùa hè ồ ạt của mưa và nắng; mùa hè ồ ạt của người tới và đi. Mùa hè ồ ạt trên yên xe và trong đôi giày hơi rộng. Những mùa hè ồ ạt qua, để lại trong mình đầy hoang hoải; những giấc mơ hoang hoải hoang hoải những giấc mơ. Bạn tôi thích Ồ Ạt lắm; em thấy cái gì cũng ồ ạt anh ạ, người ta đi du lịch ồ ạt, người ta sản xuất ồ ạt, rồi chạy theo thời trang ồ ạt... Tôi cũng bước vào tuổi trẻ ồ ạt như thế; tôi chạy theo mọi ước muốn, chạy theo mọi sở thích, chạy đi mọi nơi. Tôi ồ ạt đến nỗi anh Huy bảo, mày như một bức tranh không điểm nhấn; không điểm nhấn vì điểm nào cũng cao lưng lửng. Lướt qua, trải qua rồi mơ qua. Bải hoải ngồi nhìn. Giấc mơ không còn ồ ạt; không hiểu tuổi trẻ đã qua? 138
PHO
Mùa hè là sợi nắng, sợi nắng mỏng hơn tơ, vắt qua 6 năm vừa đan vừa dệt. Mùa hè là song mưa, tan chiều mưa rồi nắng, đọng tơ hè mãi chẳng chịu rơi. Những mùa hè cháy khét, nằm ườn rồi bải hoải. Những mùa hè cười lên rồi mệt mỏi. Những mùa hè trôi từ đất này sang đất khác. Những tia nắng và mặt trời. Mặt trời từ cực Bắc đến giữa miền Nam. Mặt trời theo biển rồi chạy lên núi, vắt lưng chừng Đông Triều lên tới đỉnh Hoàng Liên. Những mặt trời đó có khác nhau? Hay chỉ là một kẻ khát mơ và khát đi lại. Đi quanh mặt trời. Hoang hoải. Hoang hoải từ tiếng gọi dòng sông. Những con trưa giữa cát và nước. Tiếng vọng oa oa giữa dòng. Hoang hoải trong tiếng còi tàu. Nhịp kéo giữa các toa dồn và nén, nhịp lên và xuống với đường. Hoang hoải nhớ con mưa rừng, nhớ thác nguồn gió núi. Dền Sáng, Kin Chu Phìn, Thu Lũm. Dào San, Vàng Ma Chải Sì Lở Lầu. Lũng 139
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Phìn, Tây Côn Lĩnh. Mường Và Mường Vạc Mường Bám Chiềng Sơ Chiềng Khương. Những ngày ồ ạt đã qua. Ồ ạt không còn là tính từ chỉ trạng thái, ồ ạt là danh từ của tiếng vọng. Tiếng vọng những ngày mưa, tiếng vọng của nước đổ từ nguồn. Tiếng vọng đất chảy một mùa Tây Bắc. Tháng 7 năm 2015. Mùa hè vẫn đọng chưa rơi. https://www.youtube.com/watch?v=X24z0ChHFRU
140
PHO
60 ngày 29 tháng 3 năm 2015 Tôi mong một bầy bướm đêm bay lạc. Tôi mong một đàn đom đóm bay lạc. Tôi mong một bầu trời sao rơi lạc. Câu truyện hay vì một tứ hay, tôi tìm đọc tứ mà quên những thứ khác. Rồi tôi mê tứ của ngôi nhà, nhưng tôi không thoát ra khỏi tứ đó để ngôi nhà thành hình lên. Những bản nhạc hay thay nhau nhích chạy, giọng hát tự sự hay tiếng guitar buồn; tôi nghe tiếng sáo của folk, tôi nghe âm lặng của post, tôi nghe nhịp thở viking. Tôi sẵn sàng cho những thể nghiệm hoàn hảo, nhưng một sự vô tình nào làm mất đi sự sẵn sàng, tôi rất khó để tìm trở lại. Tôi hiểu mình đến đó, nhưng tôi chưa biết mình hơn. Bữa trước, tôi lại nhớ vùng cao quay quắt, lại mong làm con gió đi hoang. Bữa trước, tôi lại nhớ người thương, nhưng tôi lại thở dài thôi. Tôi sợ những cơn say như trước, hay như vừa rồi. Nhà người ta buồn thì nhà tôi cũng buồn, anh Huy bảo cứ nhìn nhau mãi 141
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
cũng phải nói chuyện với nhau. Nhưng nhà tôi ăn cơm mỗi người nhìn một hướng, còn không nhìn nhau mà vẫn nói chuyện với nhau. Nhưng vui vẻ gì. Tôi không cười ở nhà. Nếu người ta không nhìn nhau thì cho họ cùng nhìn một thứ, một thứ họ đều yêu. Nhưng như thế họ có ghen với nhau không? Dù thế nào không gian và môi trường có đẹp, nhưng mong con người có thiện tâm thay đổi, mọi thứ mới đổi thay. Du gửi tôi một album nhạc, tôi thích uống rượu và nghe nhạc với Du. Bởi tôi với Du chả biết nói chuyện gì. Nhưng không phiền vì điều đó. Tôi mong một đêm tĩnh lại, không gian đóng băng và ngày mai không tới. Tôi mong góc tường ở quán cafe trống, và tôi có một hình chữ nhật nhỏ tí hin đặt âm vào giữa. Thế thôi, tôi có thể nhìn nó mãi, thế thôi.
142
PHO
61 ngày 11 tháng 3 năm 2015 Vẫn chuyện âm thanh bị nuốt chửng. Những cơn mưa ngày này cũng nuốt trọn âm thanh; thời tiết cũng nuốt hết trong hơi lạnh và ẩm. Nuốt hết cảm giác rồi, nên bạn tôi mới bảo "Hà Nội chán hơn lợn", nhỉ? Tôi cũng bị những cơn mưa ngày này nuốt; nuốt trọn đến tôi không làm gì. Nuốt trọn đến 4h sáng tôi chỉ ngồi nghe mưa, loay hoay vẽ thêm được Raden Gatotkaca hút thuốc lào; còn đàn chuột của tôi vì mưa nên đi trú hết. Có lẽ tôi sẽ có vài anh chuột lột. Một ngày studio vắng hoe, còn tôi ngồi chơi game cùng đám giấy lộn, tôi thèm ngắm mưa trong cái lặng yên. Tôi chợt nhớ Lấp kín một lặng im; vậy lặng im là còn vết lõm, nên tôi đi kiếm sách về để âm thanh của tôi trồi lên; hay để sách lấp kín lại, và để mưa lành lặn phủ kín tai mình. Bởi tôi không hoàn hảo, nên tôi kiếm một người lặng im đi cùng. Tôi mời một người lặng im, vì tôi nhớ người đó nói về khoảnh khắc lặng yên trở thành huyên náo; câu văn làm tôi huyên náo một ngày.
143
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Tôi dầm mưa mua sách. Nhưng sách hết. Cũng đoán sách hết rồi. Nhưng tôi dầm mưa nên mưa nuốt hết tôi, vậy là vết lõm của âm thanh bị nuốt hết. Còn lặng im được lấp kín hay không thì tôi không biết. Người lặng im tôi đi cùng, tôi nhìn chả bao giờ ưng cả. Có lẽ bởi người đó màu xám nhạt, mà tôi không thích màu xám nhạt, có xám cũng gần với đen. Nhưng người này lại lạ lùng, tôi chưa lần nào thấy chút Hà Nội trong đó, không chút trăn trở của nỗi xô bồ, không chút chơi bời cùng những thú cũ, cũng chẳng chán trường sau những chuyến lang thang... Hà Nội là những vệt ngang, vết chéo, những gam màu tranh nhau giữa hiện đại và cổ điển, những con mốc bám rêu trong thú vui cũ hay mới; những người tôi gặp đều mốc đôi chút, tôi chán mốc quá vì tôi mốc nhiều. Vậy mà người này ở lâu rồi tôi vẫn chẳng thấy. Bữa này tôi lên Đinh, quán mưa nên vắng, anh Lân bật tân nhạc; tôi bảo chị Phương hát nhạc này hay lắm; anh Lân bảo bữa nào mời chị lên chơi. Tôi lại nhớ chị Phương, tôi nhớ chị Phương màu nâu, nâu cánh gián, nâu như lá muồng khô Tây Bắc tôi mang về. Màu nâu làm tôi nghĩ tới Lam, tôi thấy Lam màu nâu sần, không sáng lắm và sắc trắng nhiều.
144
PHO
Loanh quanh rồi loanh quanh, luẩn quẩn. Tôi tìm được màu cho Duy Anh nhỏ, xanh thẫm chuyển dần sang tím, C90 M90 Y30 K20. Còn Duy Anh lớn tôi vẫn nghĩ mãi không ra màu. Hôm qua tôi với nó ngồi uống rượu, người bạn lặng yên của tôi. Nó gọi một nậm đắng, rồi để tôi uống một mình. Bạn tôi hút thuốc, tôi uống rượu. Bao 3 số 5 không hết và nậm đắng cũng không cạn.
145
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
62 ngày 24 tháng 9 năm 2015 Vừa vào khu đô thị Mỹ Đình xong, khu đô thị có vài góc cong và điểm nhìn đẹp; gợi một chút gì đó Châu Âu trên đường phố. Một tòa nhà văn phòng mà khi vào muốn ngộp thở vì bí khí và những căn biệt thự liền kề tân cổ điển; tự dưng thấy mệt. Một thành phố với chất lượng kiến trúc thấp? Chất lượng đô thị thấp? Chất lượng cảnh quan thấp? Tôi không có một nghiên cứu nào để nói rõ những điều đó; nhưng khi nhìn vào chúng tôi thấy mệt, và buồn (?). Cao ốc na ná nhau, và của người khác, đường phố na ná nhau, và của người khác. Hà Nội lặn ngụp giữ phần trung tâm cho mình, một phần đã mất mát nhiều. Trong một thoáng chốc lại có khao khát, thứ khao khát tưởng như đã chìm nghỉm. Tôi muốn Hà Nội của nước, tôi muốn một hồ Tây hoang dại. Ở đó vẫn còn làng, vẫn còn những khu phố cổ làng; ở đó có hoàng thành tan hoang, những ngôi nhà Pháp rã nát vì chia sẻ. Rồi những tòa nhà mới mọc lên, là 146
PHO
những khu nhà tập thể tổ ong mới, là những ô phố nhà chung mới. Phía Nam thành phố còn rộng, ao đầm còn nhiều, thi thoảng một nóc nhà vút lên, ô sáng ở giữa,không gian biểu tượng của Bô Ten. Trong những ô phố mới, con đường kiểu chuột của anh Jeet là cách con người di chuyển. Hẳn phải nhiều gió, và tự do. Hẳn phải nhiều thuyền, và nước. Siêu thực một chút, nhưng gần gũi hơn. Trong một giấc mơ loang loáng, bóng nước đổ trên tường.
147
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
63 ngày 14 tháng 9 năm 2015 Ban đầu đó là một cậu bé; thui thủi đến trường cùng chiếc bảng vẽ A4, phía trên là những dòng chữ ghi bằng bút dạ: Guns and Roses, Metallica, Pink Floyd. Nhà là nơi những anh em hơn nó gần 10 tuổi tụ tập, chơi đàn và nghe nhạc trên băng cát xét. Những bản nhạc đầu tiên là của The Beatles, Cinderella, MSG, CCR... Có lần nó tương tư một cô bạn cùng lớp, trốn sang căn nhà cấp 4. anh em đã đi học rồi, nghe what happen to me cả ngày. Show là trên giường, là bàn ăn với đậu rán và rau muống, là những đêm anh em ngồi nghe nhạc trên radio, chương trình "âm nhạc theo yêu cầu tối thứ 6", là một lần tưởng niệm ngày mất John Lennon trên TV. Điện sáng vàng, những con thạch sùng chạy tán loạn vì bị bắn đạn dây chun, nhạc inh ỏi. Guitar thùng, headbang, tay giả bộ như chơi đàn. Bắt đầu có Atomega, Bức Tường, Steal Owl, Da Vàng... Đam mê là nghe nhạc. Trước khi ra khỏi nhà bật Don’t cry, nửa đêm mộng du hát We will rock you. Hồi đó có PC, xem phim The Wall và mê mẩn clip November Rain cùng tay Slash. 148
PHO
Bảng vẽ to ra, khổ A3 buồn; anh em đã đi hết. Nhiều lần đứng giữa sân nhà ngó sang nhà bên, hình như có tiếng Bạch Đằng Giang vang vỏng; vài lần 7h sáng hớt hải chạy xuống gọi anh em đi học cho khỏi muộn rồi không thấy ai. Show giờ là quán net, nhạc của Nightwish, Rhapsody, chơi Dota. *** Âm nhạc luôn là thứ kỳ lạ. Nó khiến vài người nhiều năm không nói chuyện được với nhau vẫn là bạn. Nó khiến một người bỏ show của band nhạc yêu thích nhưng không bỏ được lần đầu em mình lên sân khấu. Nó khiến hai kẻ tưởng như mới gặp giật mình nhận ra đã biết nhau từ lâu. Khiến một tụi lặng yên hoặc hò hét ở quán café vì một bản nhạc. Nó là thứ mộng mị thành hình. Âm nhạc thật vui. Nó đẩy một thằng nhóc kêu gọi được vài chục người theo mình đi show. Nó làm một thời con người được nhớ về như là biểu tượng. Nó tạo cảm giác lâng lâng khi nghĩ rằng sẽ bám show từ Bắc vào Nam. Nhiều đoàn chạy xe về tỉnh khác vì một lão dở hơi mỗi năm đi vay nợ làm show một lần rồi lại trả nợ. Cũng có lần, trong làn khói thơm, vì mong ước một đại nhạc hội nào đó; có thằng một mình phóng xe đi xem; đến nơi vay tiền đổ xăng mà sống. Những bóng xe cùng đường, những chiếc áo đen, nhìn nhau cười và đi tiếp. 149
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
Âm nhạc không có hình, hoặc là có hình của cảm giác. Của những khi nhắm nghiền mắt lại để nghe, band nhạc chìm vào bóng tối; nhưng từ vị trí của họ phát ra âm thanh, rồi tiếng chuyển thành hình. Đội thợ rèn sẽ thích tay trống, hoặc là một cơn mưa đá đủ những khối hình thù. Lúc rơi xuống với khối vuông, lúc tan ra rồi vỡ vụn, khi mưa mau, lúc mưa dồn. Và thường ta gãy cổ. Bass với guitar tôi không thấy hình, như cứ xào xạo, làm nên không gian hoặc âm hưởng vang trong bóng tối, nó làm một bản nhạc rõ hình. Rồi thi thoảng lead chảy vào như một con rắn, luồn lách trong người rồi trườn ra để lại khoái cảm. *** Đó là bài hát của bạn bè; không phải của những show lớn hàng nghìn người đi xem; không phải khi anh em khoác vai những người xa lạ để tạo vòng tròn. Là khi mỗi lần lên sân khấu là bạn ta, mỗi người hát cùng là anh ta và người ta muốn quàng vai giật giũ là em ta. Lần đầu nghe Việt Nam là lúc nào chả nhớ Nhưng người đầu tiên là Tiến Storm, band nhạc cũ vừa tan rã và có lẽ đang buồn. Lần thứ hai có thêm anh Hoàn. Và lần thứ ba khi đèo Kiên Gấu Trắng về Thái Nguyên, anh em hát trong mịt mù bụi, chúng ta quàng vai nhau trong đêm Gió Ngàn. “Bọn Rock Kiến Trúc trâu bỏ mẹ, headbang từ đầu đến cuối” anh Tiến nói thế.
150
PHO
Có lần khác, Rock Fire 2013 thì phải, thằng Khánh cầm cờ đen chạy lên sân khấu, vẫy bên cạnh cờ Việt Nam. Và lần khác, Rock Fire 2014; Võ Tuấn Trung headbang cùng, vì muốn ra show rock một chút. “Anh yên lặng xem đây này, đây mới là âm nhạc” Dũng Ọe từng nhắc vậy. Hôm nay Công hát Việt Nam. Có những bài hát người ta nhắm mắt lại và lặng người để bay. Rồi khi mở mắt ra kỷ niệm ùa về. Bài hát đã thành lời thề hoặc vật làm tin. Là nỗi nhớ và ước mong. https://www.youtube.com/watch?v=FO5Gs1CzTeE
151
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
64 ngày 27 tháng 7 năm 2014
kinh nghiệm nhận diện văn hóa dân tộc miền núi phía Bắc Đối với dân du lịch bụi ở Việt Nam, khu vực miền núi phía Bắc quả là thiên đường cho đam mê và khám phá. Đi theo một vòng cung từ Hòa Bình lên Lào Cai, từ Hà Giang xuống Lạng Sơn, Quảng Ninh. Những cung đường rừng, những cảnh sắc vẫn giữ vẻ hoang sơ đã hút hồn bao kẻ nuôi chí lang thang và trốn tránh đô thị. Trên những con đường đó, điều níu chân ta lại không chỉ là con đường, cảnh quan rừng núi; mà còn là bản làng và những người dân tộc thiểu số, những đứa trẻ, những cô gái mặc váy xòe hoa. Cũng vì thế, mà trước mỗi chuyến đi xa, việc bổ sung kiến thức về dân tộc địa phương rất quan trọng; giúp ta hiểu hơn về đất và người; cũng là một nền tảng kiến thức cho ta lao vào khám phá. Vậy ta phải chuẩn bị những gì và đi ra sao để nhận biết văn hóa bản địa? Có lẽ câu trả lời nằm ở những kiến thức cơ bản về địa văn hóa cũng như dân tộc vùng miền. Về địa văn hóa, vùng núi phía Bắc là khu vực có số lượng các dân tộc đa dạng và đặc trưng nhất ở Việt Nam. Trong đó có những dân tộc chiếm số lượng lớn như người Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao. Chúng ta có thể gặp họ ở khắp nơi, nhưng ở những vùng đất khác nhau, các dân tộc cũng phân bố với 152
PHO
số lượng nhiều ít khác nhau. Ở Tây Bắc, qua những tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu ta sẽ gặp nhiều hơn bản của người Thái, Mông. Theo hướng chính Bắc đi lên, qua những tỉnh Yên Bái, Lào Cai là đất của người Mông, Dao. Trong khi ở vùng Đông Bắc, trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn lại tập trung đông hơn các làng của người Tày, Nùng. Các dân tộc ít người hơn ta thường gặp ở những địa điểm đặc trưng. Người La Chí ở khu vực Hoàng Su Phì - phía Tây Hà Giang, nơi có những ruộng bậc thang nổi tiếng. Người Hà Nhì ở phía Bắc Lào Cai, Lai Châu; dọc biên giới phía Tây là các bản làng người Lào. Khu vực Điện Biên, Lai Châu, nơi có mật độ dân số thấp nhất cả nước lại là một trong những nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số nhất. Lẩn khuất đâu đó, có những bản của người Mảng với tục xăm môi đang mất dần; hay trong rừng rậm Mường Tè - Lai Châu là nơi người La Hủ mới định cư, trước đây họ sống du canh du cư, lợp lều bằng lá cây qua mùa hái quả. Bản đồ phân bố các dân tộc thiểu số khu vực Bắc Bộ. Chia theo 4 hệ ngôn ngữ Tày Thái, Kadai, H'mông - Dao, Tạng Miến.Bản đồ phân bố các dân tộc thiểu số khu vực Bắc Bộ. Chia theo 4 hệ ngôn ngữ Tày Thái, Kadai, H'mông - Dao, Tạng Miến. Về dân tộc học, ta nên chuẩn bị những kiến thức tổng quát liên quan tới dân tộc đặc trưng ở nơi ta sắp tới. Từ những hệ ngôn ngữ đặc trưng, đến 153
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
những câu chuyện của từng dân tộc, thói quen sinh sống, tập quán dân cư. Mỗi dân tộc đều có những câu truyện riêng, tìm hiểu chung về dân tộc đó cho ta biết rằng tại sao họ lại sinh hoạt như vậy hay tại sao họ lại ở chỗ này, chỗ kia. Người Tày - Nùng ở Việt Nam có quan hệ gần gũi với người Choang ở Trung Quốc, nên địa bàn sinh sống của họ vốn là một vùng rộng lớn ở giữa người Hán (Trung Quốc) và người Kinh (Việt Nam). Lịch sử di cư của người Mông - Dao - Thái đều từ phía Bắc xuống theo từng đợt khác nhau, những vùng định cư của họ tạo thành một dải dài như đánh dấu con đường họ đã đi qua. Qua trang phục, ta biết các dân tộc khác nhau ra sao, ta nhận ra con người dễ dàng dù là đi lướt qua hay chăm chú và mê man màu sắc rực rỡ của váy áo nơi phiên chợ. Người Tày, Thái mặc váy dài mà hơi bó, trong khi người Mông mặc váy xòe. Nhưng áo của người Thái tạo thành một dải khuy thẳng còn áo của người Tày dải khuy lại vắt chéo. Cũng qua trang phục, ta nhận sự khác nhau trong chính dân tộc đó; như người Thái Đen đội khăn piêu, còn người Thái Trắng thì không. Người Mông ở mỗi vùng cũng khác, người H’Mông Hoa ở Si Ma Cai thường mặc váy xòe màu hồng, cam trong khi người H’Mông Xanh ở Mù Cang Chải hoa văn lại màu xanh tím. Người Dao nổi tiếng với nghề thêu nên đi đâu ta cũng gặp họ với chiếc quần thêu rất cầu kỳ; ta cũng có thể nhận ra và phân biệt người Dao qua những chiếc khăn/ mũ của người phụ nữ có chồng. Tuy mỗi nơi một khác, nhưng kiểu 154
PHO
tóc của họ đều rất đẹp và lạ. Người Dao Đỏ thường cạo trọc đầu, có nơi đội khăn lớn có nơi đội những chiếc mũ chóp nhọn màu đỏ. Trong khi người Dao Tiền ở Tuyên Quang lại mặc áo đen, đeo những đồng bạc lớn và đội khăn đen. Sau khi nhận diện qua trang phục, ta có thể phân biệt từng dân tộc qua bản làng và nhà cửa mà họ sinh sống. Ta đều biết người Thái ở nhà sàn, người Mông ở nhà trệt, người Hà Nhì ở nhà tường trình. Nhưng ở mỗi nơi một khác. Nhà sàn của người Thái Đen với chiếc khau cút ở trên nóc (nay cũng ít nơi còn giữ), trong khi nhà sàn của người Tày ở Cao Bằng gần thác Bản Giốc lại được đắp bằng đá. Nhà người Mông ở Yên Bái làm bằng gỗ pơ mu, trong khi lên tới Hà Giang các ngôi nhà lại được làm trình tường và có hang rào xếp đá. Với những kiến thức cơ bản về địa lý và văn hóa dân tộc; một chuyến đi của ta sẽ có thêm nhiều trải nghiệm và thu về thêm nhiều kiến thức. Ta sẽ sẵn sàng hơn với những người ta gặp trên đường, cũng như có một cái nhìn rõ rang hơn với sự thay đổi trên vùng đất. Hay đơn giản, những kiến thức đó giúp ta chọn những lịch trình tốt hơn cho chuyến đi của mình, ta sẽ đi lên ăn Tết người Mông đúng dịp có lễ hội Gàu Tào hay đến thăm đất của người Tày vào mùa thanh minh tảo mộ, khi những chiếc phướn trắng lấp lóa trên đồi.
155
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
(Đây là bài viết mình được anh Nhật Huy đặt cho một trang web về du lịch của du học sinh Việt Nam (http://annhoodau.net/news/) về kinh nghiệm nhận diện văn hóa dân tộc miền núi phía Bắc. Chủ đề khá rộng nên bài viết còn sơ sài; mà viết xong mới nhận ra kiến thức của mình vẫn rất sơ sài, chưa đủ chắc chắn và cũng mòn dần rồi. Ngoài kinh nghiệm cá nhân, tài liệu tham khảo chủ yếu từ bài tập lớn môn địa lý dân tộc của nhóm mình làm năm thứ 3 đại học và search trên google. Ai đọc xong có góp ý mình cảm ơn.)
156
PHO
65 ngày 10 tháng 3 năm 2014 dù sao đi nữa
Dù sao đi nữa đó cũng là những ngày trọng đại; tôi và cậu ấy đã trải qua những ngày đó với nhau. Những thử thách trên đường đi cùng với tình yêu đang nảy nở. Tôi thì trót tương tư còn cậu đang ngập tràn trong hạnh phúc. Để rồi đến một ngày này tôi thì đang buồn rầu còn cậu thì đang thất vọng; tôi lại nhớ về những ngày đó. Một chuyến đi có thể mang lại bài học ngay lập tức hoặc không, nhưng nó sẽ còn kể với chúng ta những câu chuyện về mình, từ những ngày đó. Từ cách chúng ta chọn đi, cách chúng ta giấu diếm để đi. Từ cách chúng ta vượt qua hoặc cách chúng ta tránh né. Từ khi chúng ta được chào mừng đến khi chúng ta được hắt hủi. Mơ ước gì trong những ngày đó? Có lẽ là không. Mơ ước gì từ những ngày đó? Có lẽ là có. Nước nguồn đã chảy trong tôi và cậu; nước nguồn sẽ nuôi lớn chúng ta. Chảy đi, như con nước mùa lũ. 157
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI
. PHO
NHỮNG NGÀY LẠC LỐI DỞ HƠI Tuyển tập tản văn Chịu trách nhiệm xuất bản: Crow Dang Viết lời tựa: Minh hoạ: Xuất hiện nhiều trong truyện: Biên tập:
Phạm Thanh Hương Pho Lạc Dở Hơi Anh Tín Xuan Tung
từ những người bạn.
NHÀ XUẤT BẢN
x+
In vài ba cuốn, khổ 148x148 mm In xong nộp lưu chiểu tháng nào năm bao nhiêu không nhớ nữa. 158
PHO 31.07.1990 “Tính trung thực của chúng ta thật rẻ mạt. Nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có” Từng làm Nhân viên lười biếng tại Studio B
“ Là những cái gì rất gì và này nọ, của một tâm hồn rất nọ và rất kia” Phạm Thanh Hương “Nhưng cần nhiều tự tin để dấn thân Thay vì chỉ trốn chạy hay vùng vằng tuổi trẻ” Lại Thành Tín “Pho hay cho em ngủ lại nhà để cười lắm” Người điên yêu