Đ I Ể M S Á C H ** T Á C P H Ẩ M : 4 5 B À I C A TÂN CÔ GIAO DUYÊN SOẠN GIẢ :
T R Ư Ờ N G K H A N H – H À N G U Y Ê N D U NGƯỜI ĐIỂM SÁCH:
D Ư Ơ N G T Ử
Hôm ấy là ngày Sept 24, 2017… Họp Mặt của Anh Em Liên Nhóm Nhân Ảnh Tân Văn-Tiếng Thời Gian, mừng Anh Chị Giáo sư Trần Mạnh Chí khai trương Nhà hàng PEARL SAIGON PHỞ tại Newport PlazaCOSTA MESA. Ngồi chung bàn có các Nhà văn Việt Hải, Trưởng nhóm Nhân Ảnh Tân Văn, Nhà văn Quang Nguyễn, Hôn phu cố Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, Nhà văn Quyên Di, Giáo sư Đại học Long Beach, Ca sĩ Huỳnh Anh, Câu lạc bộ Tình Nghệ sĩ, Anthony Lưu Anh Tuấn, Nhà văn và Họa sĩ, Giáo sư Trần Mạnh Chi, Chủ nhân Nhà Hàng. Tôi hân hạnh được Nhà văn Việt Hải giới thiệu cho một người bạn trẻ và, như để làm quà “sơ ngộ” ...
Anh Ban trẻ nầy có nhã ý ký tặng tôi một trong các tác phẩm mà Anh đang mang theo, nhan đề : “45 Bài Ca Tân Cổ Giao Duyên”của Soạn giả TRƯỜNG KHANH - HÀ NGUYÊN DU. Được biết, Anh là người TÂY NINH, đồng hương với các Nhà văn VIỆT HẢI , PHẠM HỒNG THÁI và Tiểu tử VÕ HOÀI NAM, một nhà văn rất nổi tiếng bên kia trời Tây, cùng gốc người Tây Ninh, là nơi sản sinh nhiều nhân tài, đúng là… “Địa linh nhân kiệt” Hai vị giáo sư khả kính, từng dạy tôi tại Trường Trung học lớn nhất Miền Nam PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ, lúc bấy giờ còn dạy chương trình Pháp, đều là người TÂY NINH, đó là các Giáo sư VÕ THÀNH CỨ, dạy môn Sử Địa (HISTOIRE ET GÉOGRAPHIE), thân phụ của Nhà văn Tiểu Tử VÕ HOÀI NAM và GS TRẦN VĂN THỬ dạy môn Toán (MATHÉMETIQUES), về sau là Hiệu trưởng Trường PETRUS KÝ và Giám đốc Nha Trung học, Bộ giáo dục. Cố Thủ Tướng NGUYỄN VĂN TÂM (1895-1990), người TÂY NINH, đã có lúc trở về thăm Tỉnh nhà và gắn huân chương cho thầy dạy của mình với sự hiện diện của Đức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC. Đức Hộ Pháp PHẠM CÔNG TẮC (1890-1959) gốc người TÂY NINH, là Nhân sĩ có công trong việc hình thành, xây dựng, phát triển và khai thông Hệ thống Tôn giáo của ĐẠO CAO ĐÀI
và là nhà Trí thức dấn thân nổi tiếng ở Việt Nam thế kỷ XX. Tổng thống TRẦN VĂN HƯƠNG ( 1902-1982), là một nhà chi sĩ yêu nước, có khí tiết, tuy không phải người TÂY NINH nhưng sau khi tôt nghiệp CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐÔNG DƯƠNG, Cụ được bổ nhiệm về làm Thanh tra Giáo dục tỉnh TÂY NINH (Inspecteur provincial) và khi Phong trào Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Cụ là Chủ tịch UBKCHC Tỉnh (Président Du Commité Administratif Révolutionaire de TAYNINH), sau rút vào Bưng kháng chiến chống Pháp, nhưng sau này Cụ trở về Thành, hợp tác với Chính quyền Quốc gia.Có 2 lần làm Đô trưởng SAIGON-CHỢ LỚN, 2 lần làm Thủ tướng, làm Phó Tổng Thống và Tổng Thống trước ngày mất nước. Xin trở lại vấn đề “văn chương chữ nghĩa”. Hôm nay tôi muốn nói riêng về Trường Khanh - HÀ NGUYÊN DU, một bạn trẻ đầy nhiệt huyết, đa tài, không biết có đa tình không? chắc có lẽ cũng có, trông anh cũng khá đẹp trai, lanh lợi, ăn nói có duyên, ảnh chụp rất “ăn” ( ăn ảnh= photogénique), vừa là Nhà thơ, Ký giả, vừa là nghệ sĩ, ca sĩ, soạn giả và viết ca khúc Tân Nhạc. Anh soạn các bài ca vọng cổ, đặc biệt là Tân Cổ Giao Duyên, tha thiết với cải cách và tiến bộ. Vì với các nhà thơ, Anh thuộc Nhóm các Nhà thơ hiện đại với lối “Cách Tân” hết cả mọi thể loại thi ca...Với các Tác phẩm “Lối Khác, Anh Biết, Em Yêu Dấu, Gene Đại Dương và Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng” (sẽ có dịp giới thiệu các tác phẩm nầy)
Giờ thì xin bàn sơ qua về Tác phẩm : “45 BÀI CA TÂN CỔ GIAO DUYÊN“ mà anh vừa tặng tôi: 1/Tác giả TRƯỜNG KHANH - HÀ NGUYÊN DU, xuất bản sách năm 2005, hình thức trang nhã, không dầy không mỏng (dầy quá đọc dễ ngán, mỏng quá không đáng là một tác phẩm), giấy đặc biệt, màu vàng nhạt, chữ cỡ vừa, dễ đọc, bìa láng, cứng, mặt trước in tên sách, tên Tác giả, năm xuất bản, và ảnh 5 nhạc cụ cổ điển và tân tiến, tương trưng cho nhạc “tân cổ giao duyên”, đó là đàn kìm, đàn bầu, lục huyền cầm, nhịp phách và Tây ban cầm. Mặt sau ảnh tác giả, trẻ trung,bảng liệt kê các tác phẩm đã in, và tóm lược lời BẠT của 2 văn nghệ sĩ NGUYỄN MINH PHƯƠNG và LÂM TƯỜNG DŨ Nội dung bên trong: Tên sách, Lời tựa, mục lục, Lời cảm tạ của tác giả, Bài Tân cổ giao duyên đầu tiên “Bây Giờ Tháng Mấy”, tân nhạc Từ Công Phụng giao duyên bản vọng cổ Trường Khanh, Bài cuối “Một Ngày Việt Nam”, nhạc Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng, vọng cổ. Lời Bạt của Nhà Báo Nhà Văn “Se Phòng Se Tình” Lâm Tường Dũ và Đạo diễn Nguyễn Minh Phương, Phần Chú thích,Danh sách 29 Nhạc sĩ và Thi sĩ mà tác giả “xin phép” được sử dụng thi phẩm, nhạc phẩm và trang chót là địa chỉ liên lạc. 2/ Lướt qua danh sách các Thi Nhạc sĩ mà tác giả đã xin phép sử dụng thi phẩm và nhạc phẩm trong các bản Tân Cổ Giao Duyên, tôi thấy nhà soạn nhạc Trường Khanh đã quá khôn khéo tô điểm cho những bài ca của mình:
: “Đọc bản tân nhạc hay, là muốn hát luôn bản vọng
cổ tiếp theo mà lời lẽ trau chuốt cũng kết hợp với lời của bản tân nhạc, còn gì dễ dàng và thích thú hơn?” Thì đây, chỉ có 45 bản vọng cổ mà có đến 29 Thi nhạc sĩ nổi tiếng, theo danh sách, từ Từ Công Phụng đến Thanh Phương, có vị mà tác phẩm được “mượn” đến 5 lần (Phạm Duy, Trần Thiện Thanh), 4 lần (Trịnh Công Sơn), 3 lần (Ngô Thụy Miên), 2 lần (Từ Công Phụng, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng) và 22 vị 1 lần (xin xem danh sách) Tất cả nhạc thi sĩ nầy đều là những Thi Nhạc sĩ được quần chúng ưa thích, thậm chí còn có “bản nhái”, như trường hợp Bài “Bây Giờ Tháng Mấy” của Từ Công Phụng thì có người nhái theo “Bây Giờ Mấy Tháng”, hay “Đám Cưới Đầu Xuân” của Trần Thiện Thanh “Ngày xưa ngày xưa, đôi ta chung nón, đôi ta chung đường”, nhái “ ...chung gối ...chung giường “, “Bướm Trắng “ của Nguyễn Bính “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn...”, nhái “ Nhà....tôi, cách nhau một cái sào phơi áo quần”, hay “Cát Bụi” của Trịnh Công Sơn ”Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi”, nhái “Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều làm kiếp con trâu”.. .
Tóm lại, ý tôi muốn nói là tác giả “khéo “ chọn các bài hát, bài thơ nổi tiếng để vừa vinh danh các tác giả các thi nhạc phẩm nầy, vừa trang trí, tạo sự hấp dẫn cho các bản vọng cổ của mình. “Xem qua là gần như thuộc rồi, là muốn hát rồi!”, tâm lý của ca sĩ là vậy, không thích hát những bản nhạc lạ, phải tốn công tập dượt , “cầm giấy” khi hát. Nhà văn Lâm Tường Dũ đã nhận xét: “Bao nhiêu tài nguyên chữ nghĩa của các văn thi nhạc sĩ nổi tiếng đã được họ Hà̀ dùng làm nền cho ước mơ “cách tân” của ông”. 3/ Là một nhà thơ “cách tân”, luôn luôn tìm cái hay, cái mới, có nhiều thi phẩm đã xuất bản, Trường Khanh không làm chúng ta ngạc nhiên với những bản vọng cổ “mượt mà” như thơ, được viết theo lối văn xuôi, như trong bài vọng cổ đầu tiên giao duyên cùng bản nhạc “Bây Giờ Tháng Mấy’ của Từ Công Phụng, . mời các bạn đọc phần vọng cổ của Họ Hà: “Bây giờ tháng mấy rồi em / anh mà ngàn cây còn êm đềm trôi dạt, tháng mấy rồi em / anh ta còn khao khát với mong ...chờ... ờ...ờ...(vổ tay) Tháng mấy rồi em / anh mà sương khói lam mờ.., tháng mấy rồi em / anh sao còn hờn dỗi, sao em / ta còn gieo tội cho nhau! Trách làm chi hai trái tim đau, hờn nhau chi để ngọn sầu lên cao ngất..! Nghe đứt ruột không? Ai có trong cảnh ngộ nầy mới thắm thía! Nếu như Cụ Bà thân mẫu Nhà văn LÂM TƯỜNG DŨ, còn sống, đọc đoạn vọng cổ nầy , Cụ bà sẽ phê bình: ”Mầy Tú tài, Cử nhân mà sao mang được chữ nghĩa đến gần gủi với Bà sơ học, lại còn cho cả đám cháu bác sĩ, kỹ sư của tao thích thú nữa, thật là tài tình” (trích lời bạt của LÂM TƯỜNG DŨ).
Xin chọn bất kỳ một bài nào khác: Bài “Diễm xưa” chẳng hạn, giao duyên cùng bài ca cùng tựa của TRỊNH CÔNG SƠN “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Vọng cổ của Hà Nguyên Du : ”Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, em mấy thuở mắt xanh xao mà cánh tay...dài … (vổ tay) Đôi mắt sầu mơ, qua từng nét trang đài... Còn nghe lá thu reo mòn gót nhỏ, nên đường dài hun hút mắt em sâu..! đôi mắt ngàn năm, ơi! Mắt diễm xưa nâu, cho đẹp giấc chiêm bao trên tầng tháp cổ...” Hay không quý Bạn? tôi không biết Hà Nguyên Du tìm đâu ra từng ấy “chữ nghĩa.?” Thú thật , là một nhà giáo dạy văn chương, chữ nghĩa, nhưng tôi không khỏi thán phục các nhà soạn nhạc, viết tuồng, sao quý vị nầy viết hay quá, “văn vẻ” quá, đọc lên , ca lên nghe “mê” luôn, thuở nhỏ vì mê cải lương mà suýt nữa tôi bỏ học. Đến ngày nay, trên tám bó, tôi vẫn còn có thể “diễn xuất” một mình hết vở tuồng LAN VÀ ĐIỆP mà tôi thuộc lòng thuở còn cắp sách đến trường, từ vai Tiểu HUỆ MINH (LAN), HUỆ THÔNG, HUỆ TRÍ, SƯ ÔNG. Tôi mê lời ca trong các tuồng cải lương như “Lan và Điệp”, “Trọng Thủy Mỵ Châu”, “Trương Chi Mỵ Nương”. Sao mà “nó” hay quá. Thí dụ như khi chôn xác bướm và cành lan, “Tiểu Huệ Minh” than khóc:
“Than ôi! Cánh hoa rụng tả tơi vì gió dập, xác bướm khô ôm ấp bởi tình yêu! Như tôi nhìn hoa lan mà ruột quặn thắt trăm chiều, trông hồ điệp lệ sầu tuôn mấy lượt, kìa những kẻ không cầu sao lại được, tủi phận mình mong mõi vậy mà sai. Thôi thôi kể từ đây chốn am mây ngăn lấp mạch cảm hoài, mượn kinh kệ phôi pha cơn khổ não.(ca) Hoa... lan...an..an, xác bướm mảnh tơ lòng, đành vùi chôn, giữa mã bướm hoa, có phải chăng đây là, duyên khởi tự lòng ta...a..a...” (còn tiếp) . Và đây là lời tán thán của Sư Ông: - ” Ôi tu là cội phúc, tình là dây oan, nhưng tình mà chưa trọn thì tu làm sao cho thành! Như ta đây đã đem thân nương chốn thiền môn trót ba mươi năm có lẻ, những tưởng lòng ta đà nguội lạnh như ngọn lửa tàn, bất ngờ vừa nghe Tiểu Huệ Minh than thở mà xúc động mối từ tâm, trông cử chỉ hành vi khiến ta phải bàng hoàng ngơ ngẩn. Đây là nơi Phật tự để chôn lấp nỗi niềm tâm sự, nhưng vết thương lòng e khó nỗi nguôi ngoa, như ta tu đã ba mươi năm mà hận cũ vẫn chưa quên, thì nay dù không tròn luật phép nhà tu, ta cũng rộng lượng thứ tha cho người lầm lỗi” ( các Bạn không stop, tôi kể hết tuồng luôn)
Tôi không kể hết được các tuồng Trọng Thủy Mỵ Châu”, “Trương Chi Mỵ nương, vì sẽ làm mất thì giờ của các bạn. Chỉ nêu lên tâm trạng của Chàng nhạc sĩ Trương Chi đa tình, thất vọng : -“Nhạc sĩ chỉ là một kẻ thường dân, nếu yêu một vị công nương thì có khác nào tự đem thân vào nơi cõi chết, nên nhạc sĩ phải đành lặng lẻ bỏ hoàng thành, ra đi để cố quên người đẹp ở bên lòng!” và tâm trạng của Trọng Thủy, kẻ phản bội, xâm lược: - ”Binh ó vang vầy, một viên tiểu tướng đi đầu tiếp theo vết lông mao tìm người bạn ngọc, nhưng đến nơi chàng Trọng Thủy chỉ thấy xác tình nhơn nằm bên cạnh cha già, quanh vũng máu đào chảy theo dòng bích thủy, dường như khêu gợi cho ai một mối cảm tình, cũng vì chàng mà nàng phải chịu thác oan dưới lưỡi gươm vàng!” Mê luôn. Đấy, xem “Tân Cổ Giao Duyên” của Trường Khanh cũng thế! Cũng mê như thế! Be careful! Các Beautiful Fans! “Gia trung hữu kỳ, nam tử tắc suy, gia trung hữu cầm nữ tử tắc vong!” 4/ Hà Nguyên Du còn đạt đươc kỹ thuật mà Nhà soạn kịch và Đạo diễn Nguyễn Minh Phương đã nêu ra là ”viết những dòng cuối câu bằng thơ để người ca dễ phân nhịp đổ câu” (trích lời Bạt của NGUYỄN MINH PHƯƠNG), tôi không phân tích ưu điểm nầy vì thuộc lãnh vực chuyên môn của nghệ thuật kich nghệ sân khấu. Tôi chỉ xin nêu lên một ưu điểm chót: Hà Nguyên Du là một CA SĨ, MỘT NGHỆ SĨ, ANH CA VỌNG CỔ RẤT MÙI, từng là học trò của các ca nhạc sĩ cổ nhạc lão thành ngay từ khi còn nhỏ và từng là thành viên của các Nhóm ca Tài tử. Anh đã “ca thử” cho tôi nghe, không thua gì CHÍ TÂM đâu!
Khi tôi đề nghị Anh nên tìm một ca sĩ trình diễn các bài ca của Anh để giới thiệu với Khán thính giả trong ngày RMS sắp tới : ( Nov. 19, 2017 tại KINGSTON GARDENS , 9800 BOLSA AVE, từ 11 AM đến 3 PM) thì Anh trả lời rất tự tin:” Nếu không có ai, tôi có thể tự biểu diễn được”! Tôi bảo Anh: “Go on!” Tôi tin chắc Anh có thể làm được và những bài ca Anh viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của ca sĩ trình diễn cũng như khán thính giả thưởng thức. “OK”. Xin chúc Trường Khanh- Hà Nguyên Du thành công và xin cám ơn Anh đã cho các Ca sĩ, những Fans ái mộ nhạc “Tân Cổ Giao Duyên”, trong đó có tôi, 45 Bài ca TÂN CỔ GIAO DUYÊN thật đặc sắc! Chia tay rồi mà tôi vẫn còn nghe lời ca của Anh văng vẳng bên tai: -“Em ơi! chỉ còn gần em phút giây nầy nữa , là mai đây mình hai đứa sẽ xa...rời..! (tôi vổ tay). Theo cánh chim, em vui với cuộc đời.., để lại anh đầy vơi thương nhớ ơ..ơ...” (Vọng cổ của Hà Nguyên Du giao duyên cùng bản Nhạc “PHÚT CUỐI” của Nhạc sĩ tài danh LAM PHƯƠNG. Hình như đây cũng là tâm sự tê tái của CHÀNG..) D Ư Ơ N G T Ử (Oct. 20, 2017)