Lịch sử thiết kế đồ hoạ (test T3H)

Page 1



VIỆN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Nguyễn Mạnh Tiền (Chủ biên)

HISTORYof GRAPHIC DESIGN

Tài liệu lưu hành nội bộ


MỤC LỤC

STT

Tên bài giảng

Hình thức học

1

Tổng quan về mỹ thuật, đồ hoạ

Lý thuyết

2

Các trường phái Mỹ thuật

Lý thuyết

3

Thực tế bảo tàng Mỹ thuật VN

Ngoại khoá thực tế

4

Lịch sử thiết kế đồ hoạ

Lý thuyết

5

Các phong cách thiết kế

Lý thuyết

6

Thực hành: các PCTK

Thực hành

7

Thảo luận, thu hoạch

Thực hành

8

Các thuật ngữ chuyên ngành

Phụ lục

Số trang


LỜI NÓI ĐẦU Thiết kế đồ hoạ là một ngành ứng dụng, thực tiễn và có sức ảnh hưởng lớn tới tất cả các ngành nghề, đặc biệt là trong thời đại công nghệ, truyền thông bùng nổ. Tuy vậy, vẫn không ít người hiểu sai hoặc hiểu không đủ ý về Thiết kế đồ hoạ. Họ chỉ đơn thuần nghĩ rằng thiết kế đồ hoạ là biết sử dụng, thành thạo một số phần mềm cơ bản như Photoshop, Illustrator,… thiết kế được một số hình ảnh, banner, poster quảng cáo. Nhưng sự thực thì không phải thế, thiết kế đồ hoạ là một ngành nghề phức tạp, bao gồm trong đó rất nhiều những yêu cầu, và phạm trù của thiết kế đồ hoạ không chỉ dừng lại ở thẩm mỹ, hay công cụ. Trong modul này, sinh viên sẽ được tiếp cận từ tổng quan đến chi tiết, được phân tích cụ thể từ khái niệm, lịch sử, mối quan hệ của thiết kế đồ hoạ trong tổng thể các ngành nghề, tới các trường phái, phong cách thiết kế. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có cái nhìn khách quan hơn về ngành nghề, các tố chất cần có của một người làm thiết kế đồ hoạ, để có thể có được hành trang nền tảng, vững chắc nhất cho các môn học tiếp theo nói riêng, và chặng được học tập, làm việc sau này nói chung. Modul này cũng góp phần giúp em em thực sự hiểu ngành, hiểu nghề, để thêm vững tin, cũng như có những định hướng đúng đắn nhất với chuyên ngành mình đang theo đuổi Chúc các bạn sinh viên sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với môn học này!

----------Thông tin tham khảo liên hệ GV Nguyễn Mạnh Tiền – Chủ biên SĐT: 0865 583 815


BÀI 1

TỔNG QUAN VỀ MỸ THUẬT, ĐỒ HOẠ I. MỘT SỐ ĐỊNH NGHĨA 1. Nghệ thuật là gì? Nghệ thuật là hoạt động sáng tạo ra những sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể mang giá trị tư tưởng - thẩm mỹ. Những sản phẩm này được con người cảm thụ qua các giác quan và lĩnh hội ý nghĩa sâu xa mà chúng mang lại. Nghệ thuật tạo ra cái đẹp bằng cách phô diễn tài năng, kỷ xảo, kỹ năng của người thể hiện. Những tài năng này phải vượt qua khỏi các giá trị phổ biến mà số đông có thể đạt được. Hiện tại có 7 bộ môn nghệ thuật thường được nhắc tới nhiều nhất

7 types

OF ART

- Kiến trúc và trang trí: Đây là loại hình nghệ thuật xuất hiện trước tiên. Bộ môn này tạo ra những công trình kiến trúc độc đáo với nhiều thiết kế phong phú. Ta có thể nhìn thấy chúng ở nhà ở, đền đài, nhà thờ, tòa tháp... - Điêu khắc: Loại hình nghệ thuật này phản ánh hiện thực bằng khối không gian ba chiều có thể tích. Nghệ nhân điêu khắc phải có một đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng vượt trội để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ trên một khối chất liệu cứng thô sơ ban đầu. - Hội họa: Dựa vào việc ghi nhận hình ảnh lên mặt phẳng, hội họa có khả năng phản ánh thế giới thực tế cũng như tưởng tượng. Những đường nét từ mềm mại đến cứng cỏi đều mang ý nghĩa của riêng nó. - Âm nhạc: Loại hình nghệ thuật này được nhiều người yêu thích. Nó chinh phục lòng người thông qua những tiết tấu, nhịp điệu và âm vực. - Văn chương: Loại hình nghệ thuật này là cơ sở để hình thành và phát triển các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh và âm nhạc. Nó có thể được ghi nhận bằng chữ viết hoặc được truyền thụ bằng lời nói. - Sân khấu: Loại hình nghệ thuật này thể hiện qua diễn xuất và hành động của nhân vật trên sân khấu. Kỹ thuật diễn của diễn viên quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng vở diễn. - Điện ảnh: Loại hình nghệ thuật này ra đời sau nhưng đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của thời đại. Hiện tại, đây là loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng nhất.


2. Mỹ thuật là gì Từ lâu, mỹ thuật đã là một danh từ quen thuộc với đa số chúng ta, và các bạn đã được làm quen với nó từ rất sớm, ví dụ như môn Mỹ thuật tiểu học, trung học. Hoặc chúng ta có thể nhìn thấy các bức tranh, bức vẽ đẹp, nổi tiếng, hay các bức phù điêu,… thông thường, chúng đều được gọi là mỹ thuật Mỹ thuật (Art) có thể được hiểu là "nghệ thuật của cái đẹp" (mỹ ~ đẹp). Đây là từ dùng để chỉ các loại nghệ thuật tạo hình chủ yếu là: Hội hoạ, đồ hoạ, kiến trúc, điêu khắc,… Nói một cách khác, mỹ thuật là từ chỉ những cái đẹp do con người hoặc thiên nhiên tạo ra mà có thể nhìn bằng mắt. Chính vì vậy mà mỹ thuật còn được hiểu là Nghệ thuật thị giác (visual art). Hãy kể một số tác phẩm mỹ thuật mà các bạn đã từng biết theo các lĩnh vực khác nhau

Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Musem of Modern Art – MoMA) tại New York

3. Thiết kế đồ hoạ là gì Thiết kế đồ hoạ (graphic design) là một chuyên ngành nằm trong lĩnh vực mỹ thuật, hội hoạ. Trong đó người ta sử dụng các yếu tố thị giác trình bày trên một mặt phẳng nào đó (đa chất liệu) nhằm mục đích trình bày, trang trí, làm đẹp, truyền tải một thông tin, quảng cáo hay phục vụ một mục đích nào đó.

GRAPHIC DESIGN


Thiết kế đồ hoạ được hợp thành từ 2 yếu tố -

Đồ hoạ (Graphic): Danh từ chỉ các yếu tố thị giác (visual elements) hay nói các khác là những thứ mà mình có thể nhìn thấy được. Một số yếu tố thị giác đó là: Đường nét, mảng, khối, không gian, chất liệu,…

Các yếu tố thị giác cơ bản trong thiết kế đồ hoạ

-

Thiết kế (Design): Một hành động sử dụng các nguyên tắc thiết kế để sắp xếp các visual element để tạo thành 1 tác phẩm. Một số các nguyên tắc thiết kế cơ bản như: Căn chỉnh, tiệm cận, cân bằng, tương phản, nhấn mạnh,…

Ngày nay, dưới sự phát triển của công nghệ thông tin, máy tính, các thiết bị kỹ thuật số, thiết kế đồ hoạ đã trở thành một ngành dịch vụ quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hầu hết các ngành nghề khác Hãy kể tên một số sản phẩm của ngành thiết kế đồ hoạ Thiết kế đồ hoạ là một ngành nghệ thuật hay ngành kỹ thuật (công nghệ thông tin)

Nói một cách khác: Thiết kế đồ hoạ là sử dụng các nguyên tắc thiết kế để truyền tải thông tin thông qua các đối tượng thị giác



4. Truyền thông đa phương tiện (Multimedia) Đôi khi, chúng ta thường bị nhầm lẫn 2 thuật ngữ, ngành nghề này với nhau. Khi xét trên góc độ phương tiện truyền tải, hai ngành này cũng có những điểm tương đồng và những điểm khác nhau Graphics: Thường sử dụng các phần mềm xử lý ảnh chuyên dụng, vẽ ảnh, vector, dàn trang thiết kế - dựa trên nền yếu tố mỹ thuật, thẩm mỹ của người làm thiết kế và nhu cầu của khách hàng – để tạo ra dạng files kỹ thuật số, dùng để in trên các chất liệu phẳng như: sách, báo, tạp chí, biển quảng cáo, bao bì sản phẩm, áo phông, túi xách… Multimedia: Mỹ thuật đa phương tiện là lĩnh vực rộng hơn – dựa trên nền tảng của thiết kế đồ họa, sử dụng các phần mềm chuyên dụng khác để thiết kế web tương tác, làm kỹ xảo, dựng phim, diễn hoạt nội thất, làm game, hoạt hình 3D… dưới các dạng đồ họa động, video, âm thanh,… mang tính tương tác cao, được truyền tải đến người dùng qua nhiều dạng thiết bị đầu cuối như: tivi, máy tính, smartphone… Chúng ta có thể hiểu nôm na: Graphic design là dựa vào yếu tố thị giác (Visual element) còn Multimedia thì dựa trên nhiều phương tiện khác nhau (nghe, nhìn,…). Graphic design có thể được coi là một lĩnh vực của truyền thông đa phương tiện

II. CÁC LĨNH VỰC THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ - ĐA TRUYỀN THÔNG (Sinh viên làm việc theo nhóm, tìm hiểu về thuật ngữ và ứng dụng của các ngành dưới đây trong cuộc sống, lấy ví dụ minh hoạ)

III. CÁC YẾU TỐ CẦN THIẾT CỦA MỘT DESIGNER Đã bao giờ bạn tự hỏi mình cần các tố chất gì để trở thành một nhà thiết kế đồ hoạ, mình thực sự có năng khiếu trong ngành này hay không. Thomas Edison từng nói “thiên tài chỉ có 1% là thông minh, 99% là sự nỗ lực rèn luyện”, nghĩa là không có một ai sinh ra có thể giỏi ngay mà không cần tới sự chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu, tài năng thiên bẩm chỉ là là một bàn đạp tốt giúp bạn có bước khởi đầu thuận lợi hơn, còn lại vẫn phụ thuộc vào cả chặng đường bạn cố gắng như thế nào Qua nhiều năm giảng dạy, tiếp xúc với các sinh viên ở nhiều cấp độ khác nhau, tôi khái quát được 4 yếu tố quan trọng, thiết yếu, và cũng là 4 bước để giúp bạn có thể trở thành 1 designer thông qua các giác quan cụ thể như sau


1. Mắt – tiếp nhận Như đã nói ở trên, ngành thiết kế đồ hoạ nói riêng, đa truyền thông nói chung là một ngành làm việc với các yếu tố thị giác (thông qua mắt), chính vì vậy, yếu tố quan trọng tiên quyết là bạn phải có một con mắt, dĩ nhiên rồi, ý tôi ở đây là một con mắt biết cảm thụ nghệ thuật. Qua tiếp xúc với sinh viên, tôi nhận thấy rằng, các bạn sinh viên ở các khu vực thành thị (hoặc những bạn có điều kiện được tiếp xúc sớm hơn với CNTT, truyền thông, quảng cáo) có con mắt nghệ thuật tốt hơn so với các bạn ít được tiếp xúc. Đó là điều dễ hiểu, giả sử tôi yêu cầu các bạn vẽ hình ảnh một chiếc xe hơi, một bạn được tiếp xúc, nhìn nhiều hơn, sẽ có thể nắm bắt được các yếu tố, chi tiết, và có thể vẽ nó một cách chính xác hơn so với 1 bạn chưa từng nhìn hoặc nhìn ít hơn. Mắt ở đây đại diện cho đầu tiếp nhận thông tin (input), mở rộng ra, bạn cần các giác quan khác như thính giác, khứu giác, xúc giác, …

Q: Đâu là bức tranh ấn tượng mặt trời mọc/ Phân biệt một số tác phẩm, quảng cáo 2. Tim – rung động Ai sống cũng đều cần có tim cả, tim giúp chuyển máu nuôi khắp cơ thể, là bộ phận quan trọng giúp duy trì sinh mệnh. Đối với người làm nghệ thuật, tim còn quan trọng hơn thế nhiều. Tim ở đây là đại diện cho phương tiện cảm xúc, là sự rung động của tâm hồn khi tiếp xúc, giao tiếp với các đối tượng thông quan mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân. Một người làm nghệ thuật phải biết thưởng thức cái đẹp và biết rung động, đồng cảm, thấu hiểu. Một mẹo nhỏ cho các bạn, môn văn học chúng ta học cấp 2, cấp 3 khá liên quan đến yếu tố này Q: Hãy cảm nhận bức tranh bên

Tôi đang đi trên đường cùng hai người bạn/ Hoàng hôn, bầu trời chuyển sang màu đỏ như máu/ Bỗng tôi thấy chán nản/ Đứng lại, tôi cảm giác mệt mỏi vô cùng/ Cả thành phố như chìm trong máu và lửa/ Các bạn tôi đã đi trước/ Chỉ còn mình tôi run rẩy, sợ hãi/ Tôi nghe như có tiếng thét lớn trong thiên nhiên - Em


3. Não – phân tích, tư duy Sau khi đã tiếp nhận thông tin và cảm nhận nó, thì việc phân tích và tư duy là công việc tiếp theo chúng ta phải làm. Đã khi nào bạn tự hỏi, tại sao bức tranh kia đẹp, tại sao quảng cáo kia xấu, làm thế nào để có thể làm được thứ này, thứ kia,… Hãy tập cho mình một thói quen luôn phân tích, tư duy với mọi thứ diễn ra trước mắt chúng ta bằng các câu hỏi: Để làm gì, cái gì, như thế nào, tại sao, …

4. Tay – thực hành Và đây có lẽ là điều mà các bạn mong chờ nhất, đến lúc thực hành rồi. Có nhiều sinh viên khi yêu cầu thiết kế đã tiến tới bước này luôn trong khi chưa trả qua 3 bước trên. Tôi hay nói các bạn ấy là như thế không khác gì đi lạc trong khu rừng tối đen vậy. Mắt bạn bị bịt kín, không biết đường, tim bạn không thể cảm nhận nơi đó an toàn, nguy hiểm, thơ mộng hay dữ dội, và não bạn thì không thể phân tích rằng tôi cần làm gì, tôi cần đi đâu, và làm như thế nào. Bạn sẽ mãi mãi bị lạc trong khu rừng đó, cũng giống như thiết kế của bạn sẽ luôn đi vào bế tắc nếu cứ cắm đầu vào làm. Điều này làm tôi nhớ đến một câu nói trong phim thằng Bờm: Tay làm đầu phải nghĩ

Và tất nhiên, bạn không thể chỉ sử dụng tay để thiết kế được, bạn cần các công cụ, đó là các phần mềm, các thiết bị hỗ trợ. Và kể cả việc dùng chúng như thế nào thì cũng cần phải có tư duy, cần có cả 3 yếu tố trên


BÀI TẬP ỨNG DỤNG Bài tập 1: Có loại hình nghệ thuật, đặc điểm của chúng là gì, nêu một số tác phẩm tiêu biểu của mỗi loại hình Bài tập 2: Sự giống và khác nhau của ngành thiết kế đồ hoạ (Graphic design) và ngành thiết kế truyền thông đa phương tiện (Multimedia), các lĩnh vực, ngành nghề trong đó là gì, nêu một số sản phẩm Bài tập 3: Tác phẩm dưới đây được tạo ra bằng cách nào, hãy tạo ra một tác phẩm của riêng mình và đặt tên cho nó


BÀI 2

CÁC TRƯỜNG PHÁI HỘI HOẠ I. CÁC THUẬT NGỮ 1. Hội hoạ là gì Hội họa là một ngành nghệ thuật trong đó con người sử dụng màu vẽ để tô lên một bề mặt như là giấy, hoặc vải, để thể hiện các ý tưởng nghệ thuật. Thông thường, công việc này do họa sĩ thực hiện. (Họa sĩ là từ dùng để chỉ những người coi hội họa là nghề nghiệp của mình). Kết quả của công việc đó là các tác phẩm hội họa hay còn gọi là các tranh vẽ. Hội họa là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng và phổ biến nhất. Nói cách khác, hội họa là một ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng của người nghệ sĩ bằng các tác phẩm hội họa sử dụng kỹ thuật (nghệ) và phương pháp (thuật) của họa sĩ.

Cueva de las Manos, (Hang của những bàn tay) Argentina Cách đây 30000 năm, con người đã phát minh ra các dụng cụ để vẽ tranh và không ngừng cải tiến trong các thế kỷ tiếp theo. Người Ai Cập khoảng 5000 năm trước, đã phát huy kỹ thuật vẽ tranh của riêng mình bằng cách sơn màu nước trên bùn thạch cao hay đá vôi. 2. Trường phái nghệ thuật Song hành cùng quá trình phát triển văn hóa, lịch sử của con người, hội họa cũng sở hữu một tiến trình đặc trưng. Hội họa trải qua những bước đi đầu tiên với các hình vẽ trên vách hang động của người nguyên thủy, là những hình vẽ sơ khai nhất của con người về thế giới quan. Bằng sức mạnh của trí tưởng tượng, loài người tiến đến thời kì hội họa cổ điển (còn gọi là hội họa giá vẽ, hội họa hàn lâm) với quy chuẩn nghiêm ngặt như: phải vẽ trong xưởng, tranh phải dùng màu vẽ và vẽ trên một bề mặt phẳng, tả chi tiết, đúng các tiêu chí về mặt bố cục, nội dung...Qua nhiều diễn biến lịch sử cùng sự phát triển của khoa học, hội họa phát triển đa dạng và không còn "gò bó" trong những giới hạn của hội họa cổ điển. Hội họa phân nhánh qua các "trường phái hội họa". Ở đây, thuật ngữ “trường phái” dùng để chỉ một phong cách mà trong đó phân loại một nhóm các họa sỹ có chung những kỹ thuật vẽ tranh và phương pháp thể hiện. Trong thời gian từ cổ điển đến hiện nay, đã có rất nhiều trường phái hội họa ra đời góp phần làm thay đổi quan điểm về thẩm mỹ của thế giới.


Minh hoạ các trường phái hội hoạ hiện đại


II.

CÁC TRƯỜNG PHÁI HỘI HOẠ HIỆN ĐẠI

1. Trường phái ấn tượng - Impressionism (1874- 1886) Ấn tượng (tiếng Pháp: Impressionnisme; tiếng Anh: Impressionism) là một trào lưu nghệ thuật bắt đầu tại Paris (Pháp) vào cuối thế kỷ 19. Trường phái ấn tượng đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội họa. Cái tên "ấn tượng" do các nhà phê bình gọi theo một bức tranh nổi tiếng của Claude Monet: Impression, soleil levant (Ấn tượng mặt trời mọc) Ở Pháp vào thế kỷ 19, giới hội họa gần như bị bao vây bởi các quy tắc quá cứng nhắc. Một nhóm họa sĩ trẻ đã cố gắng để phá vỡ truyền thống, bằng cách tránh xưởng vẽ và những giá trị cũ của nó, họ thu nhận những hiệu ứng thị giác từ phong cảnh, ánh sáng và những hiện tượng tự nhiên. Năm 1874, một triển lãm ẩn danh gồm 30 người được thành lập tại Paris, họ trưng bày các tác phẩm của mình. Hình thức, chủ đề và kỹ thuật của các tác phẩm trong triển lãm rất mới lạ nhanh chóng gây được tiếng vang khắp Paris. Thuật ngữ “Trường phái Ấn tượng” xuất phát từ cuộc triển lãm này, Trong các cuộc triển lãm tiếp theo, họ chỉ đơn giản ký tên là “Trường phái Ấn tượng”, đó là cách trường phái Ấn tượng ra đời (thông qua việc đặt tên không chính thức).

Đặc điểm: Những bức tranh thuộc trường phái ấn tượng được vẽ bằng những nét cọ mảnh, nhỏ, song vẫn có thể nhìn thấy rõ, bố cục thoáng, kèm theo sự pha trộn không hạn chế giữa các màu với nhau và nhấn mạnh độ miêu tả chính xác về sự thay đổi chất lượng của ánh sáng trong tranh (thường để làm nổi bật rõ ảnh hưởng của dòng thời gian), vật mẫu đời thường, và góc nhìn khác lạ. Hai ý tưởng đáng chú ý trong trường phái này là: bức tranh được vẽ rất nhanh với mục đích là ghi lại một cách chính xác tổng quan của khung cảnh.Tiếp theo sau là thể hiện một cái nhìn mới,nhanh và không định kiến; khác với trường phái hiện thực,tự nhiên.


Một số hoạ sĩ tiêu biểu: Mary Cassatt, Edgar Degas, Max Liebermann, Claude Monet, Berthe Morisot, Camille Pissarro, Pierre-Auguste Renoir, Zinaida Yevgenyevna Serebryakova, Alfred Sisley, Một số hoạ sỹ ảnh hưởng của Ấn tượng và sau này phát triển thành trường phái khác: Vincent van Gogh, Paul Cezanne (tuy sau này đã rời bỏ phong trào), Édouard Manet (tuy Manet không xem mình thuộc phong trào),

Đêm đầy sao trên sông Rhone – Van Gogh Sự phát triển của Trường phái Ấn tượng

Trường phái Ấn tượng đã tạo ra những bước đột phá. Về chủ đề, trường phái Ấn tượng đã phá vỡ những chủ đề tôn giáo và lịch sử truyền thống, họ đã thể hiện những cảnh đẹp của cuộc sống hiện thực. Về màu sắc, họ đã phân tích chính xác hơn những ảnh hưởng của màu sắc và ánh sáng trong tự nhiên, dần dần khám phá ra nguyên tắc bổ sung của màu sắc, bên ngoài là các nét vẽ tự do, không giới hạn các chi tiết của tranh và nhấn mạnh phong cách cá nhân của họ.

Phụ nữ Tahitian bên bờ biển – Paul Gauguin


Ánh sáng và màu sắc của trường phái Ấn tượng trong các tác phẩm

Monet là đại diện tiêu biểu và là thủ lĩnh của trường phái Ấn tượng, ông đã gắn bó với phong cách của nó trong suốt cuộc đời của mình. Mặc dù bị chế giễu và nhạo báng, ông vẫn kiên định con đường mình đã chọn. Ông quan sát, nghiên cứu kỹ hơn, cảm nhận về màu sắc và vẻ đẹp tự nhiên hơn.

Nhà ga – Claude Monet Những bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng được vẽ bằng những nét cọ cụ thể, rõ ràng, sự pha trộn không hạn chế giữa các màu với nhau và nhấn mạnh đến sự thay đổi của độ sáng trong tranh. Do đó cảnh quan, cả trong thị trấn và vùng nông thôn đã trở thành đối tượng tự nhiên và có ảnh hưởng nhất đối với họa sĩ trường phái này.

Camille trước cảnh sông nước Bennecourt – Claude Monet

Phố – Claude Monet

Sự phát triển của trường phái Ấn tượng đã tạo ra một bước đột phá, nó đã thay đổi những chủ đề tôn giáo, văn học và lịch sử nhàm chán. Hiệu suất của ánh sáng và màu sắc là một bước đột phá lớn trong lịch sử hội họa. Các tác phẩm theo trường phái Ấn tượng thể hiện bữa tiệc thị giác độc đáo, mang đến cho người xem trải nghiệm thị giác mới. Tuy không tồn tại mãi mãi nhưng ảnh hưởng của nó đối với các thế hệ mai sau sẽ không bị suy yếu trước những biến động của thời đại.


2. Trường phái hậu ấn tượng Hậu Ấn tượng là tên gọi chung để chỉ tới những nghệ sĩ thuộc thời kỳ sau trường phái Ấn tượng. Bốn họa sĩ nổi bật nhất giai đoạn, Paul Cézanne, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh và Georges Seurat với bốn phong cách khác biệt đã làm phong phú và đa dạng một thời kỳ ngắn ngủi nhưng đầy vang dội của nghệ thuật, báo hiệu cho các trào lưu sẽ nở rộ ở thế kỷ 20. Hậu Ấn tượng thực chất không phải một trường phái nghệ thuật chính thống. Nó là tên gọi chung của một nhóm nhỏ họa sĩ độc lập với mong muốn khắc phục những điểm hạn chế của trường phái Ấn tượng vào cuối thế kỷ 19. Họ hình thành nhiều phong cách hội họa mới, tập trung vào yếu tố cảm xúc, kết cấu cùng tôn giáo còn thiếu sót trong Trường phái Ấn tượng. Những tìm tòi của nghệ sĩ Hậu Ấn tượng là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của hội họa đương đại sau này. Trường phái Ấn tượng là phong trào mở đường cho hội họa đương đại. Như những trào lưu nghệ thuật khác, trường phái Ấn tượng sớm được công chúng đón nhận và trở nên phổ biến, tuy nhiên, thế hệ họa sĩ lâm thời dần nhận ra những yếu điểm của nó. Hàng loạt những gương mặt nổi bật của trường phái Ấn tượng như Vincent Van Gogh, Paul Cézanne, Paul Gauguin và Georges Seurat đã phá bỏ mọi rào cản để tự do sáng tạo, qua đó đặt nền móng cho hội họa thế kỉ 20. Thuật ngữ 'Hậu Ấn tượng' được trích từ tên buổi triển lãm 'Manet và những nghệ sĩ hậu ấn tượng' được tổ chức tại Luân Đôn vào mùa đông năm 1919 bởi họa sĩ kiêm nhà phê bình Roger Fry. Mặc dù tên gọi có điểm tương đồng, bản chất hai trường phái là hoàn toàn đối lập.

VINCENT VAN GOGH (1853-1890) 'View of Arles-Orchard in Bloom with Poplars', 1890 (tranh sơn dầu trên chất liệu canvas


• Paul Gauguin (1848-1903) Cloisonnism, Synthetism và Symbolism là những thuật ngữ được sử dụng bởi các nghệ sĩ theo trường phái Hậu Ấn tượng, trong đó có Paul Gauguin.

Thuật ngữ Cloisonnism được đưa ra bởi nhà phê bình Edouard Dujardin. Nó phản ánh kỹ thuật làm đồ kim hoàn mà cụ thể là kỹ thuật khảm bề mặt đá với lớp men tráng màu 'cloisonné' ('cloinson' trong tiếng pháp mang nghĩa 'khung viền'). Hiệu quả thị giác mà nó đem lại mang nét tương đồng với những bức họa có đường nét sắc sảo cùng màu sắc hài hòa của Gauguin. Với kỹ thuật Synthetism, người nghệ sĩ mong muốn truyền tải cảm xúc của mình qua từng chi tiết bằng cách tối giản hóa các nét vẽ và phóng đại màu sắc được sử dụng trong tranh nhằm nâng cao giá trị biểu cảm của nó, là phương tiện giúp người nghệ sĩ truyền tải tâm tư và tình cảm. Cũng bởi vậy, Gauguin dần được biết tới là họa sĩ theo phong cách 'Symbolism'. 'The Yellow Christ' là một trong những tác phẩm Hậu Ấn tượng tiêu biểu của Gauguin. Xuất hiện trong tranh là khung cảnh những người phụ nữ Brento truyền thống đang cầu nguyện bên đường. Một số nhà phê bình cho rằng bức tranh là tiền thân của chủ nghĩa biểu tượng, đồng thời là nỗ lực của tác giả để thu hút sự chú ý của dân chúng về những vấn đề tôn giáo nhức nhối đang diễn ra lúc bấy giờ. Được truyền cảm hứng từ hình ảnh cây thánh giá bằng gỗ tại một nhà thờ vùng Tremalo, Gauguin đã đưa nó vào như chủ thể của bức họa. Ngoài ra, ông còn sử dụng kỹ thuật tối giản hóa, kết hợp các nét vẽ đậm cùng những gam màu táo bạo nhằm đạt tối đa hiệu quả biểu cảm.

AUL GAUGUIN (1848-1903) 'The Yellow Christ', 1889 (tranh sơn dầu trên chất liệu canvas)


Sự nghiệp hội họa của Gauguin có thể chia làm hai giai đoạn lớn: giai đoạn đầu ông vẽ nhiều về khung cảnh vùng quê Port Aven mộc mạc tại Brittany, giai đoạn sau, ông dành phần lớn thời gian tại hòn đảo nguyên sơ Marquesas thuộc Thái Bình Dương. Thông qua các tác phẩm hội họa thuộc hai giai đoạn trên, Gauguin đã chứng minh năng lực biểu cảm tiềm ẩn của sắc màu, là tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa Dã thú.

PAUL GAUGUIN (1848-1903) 'Tahitian Landscape', 1893 (tranh sơn dầu trên chất liệu canvas)

• Vincent Van Gogh (1853-90) Mắc dù đã thừa nhận giá trị nhất định của trường phái Ấn tượng, Vincent Van Gogh vẫn bác bỏ nhận định của các nghệ sĩ thuộc trường phái về cùng hiệu quả của sắc màu và ánh sáng tự nhiên tới tác phẩm. Những tìm tòi của Van Gough về mặt tôn giáo và xúc cảm trong hội họa có ảnh hưởng tích cực tới chủ nghĩa Biểu Tượng.

VINCENT VAN GOGH (1853-1890) 'Wheatfield with Crows', 1890 (tranh sơn dầu trên chất liệu canvas)


• Paul Cézanne (1839-1906) Paul Cézanne tin rằng nghệ sĩ phái Ấn tượng đã đánh mất một trong những yếu tố căn bản tạo nên thành công của một tác phẩm hội họa. Đó chính là nghệ thuật thanh lọc và dung hòa các yếu tố thị giác. Ông nhận thấy kỹ thuật của nghệ sĩ phái Ấn tượng còn nhiều hạn chế bởi họ luôn trong trạng thái vội vã nắm bắt những khoảnh khắc ngắn ngủi. Cézanne mong muốn thực hiện những bức họa với kết cấu chặt chẽ, ''cô đọng và có giá trị lâu

bền, như những bức họa được trưng bày trong viện bảo tàng''.

PAUL CÉZANNE (1839-1906) 'The Château at Médan', 1880 (tranh sơn dầu trên chất liệu canvas) Ông gọi những tác phẩm của mình là 'những công trình sau tự nhiên', trong đó, thế giới đa chiều được mô phỏng với những đường nét và màu sắc trên giấy vẽ. Cách mà Cézanne sắp xếp và bóc tách từng chi tiết kết hợp sử dụng những sắc màu biến tấu đã truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ Lập thể về sau. • Georges Seurat (1859-1891) Bất mãn với những hạn chế của trường phái Ấn tượng, đặc biệt là việc các tác phẩm thuộc trường phái thiếu độ chuẩn xác trong chi tiết hay nét vẽ, Georges Seurat đã phát triển kỹ thuật vẽ tranh Pointillism hay còn gọi là NeoImpressionism. Đây là phép pha màu xen kẽ cho phép người họa sĩ đem các chất liệu màu đặt cạnh nhau thành những chấm li ti để tạo nên hiệu quả từ xa.

'A Sunday Afternoon on the Île de la Grande Jatte', 1884 (tranh sơn dầu trên chất liệu canvas) Nhìn vào tác phẩm của Seurat, người thưởng thức sẽ thấy chúng mang hơi hướng của trường phái Ấn tượng thay vì Pointillism bởi các tác phẩm của ông thường được vẽ ngoài trời, sử dụng một kỹ thuật thuộc chủ nghĩa Ấn tượng để có thể nhanh chóng nắm bắt được ánh sáng cùng màu sắc tự nhiên.


GEORGES SEURAT(1859-1891) 'A Sunday Afternoon on the Île de la Grande Jatte',1884 (tranh sơn dầu trên chất liệu canvas) Sau đó, Seurat sẽ mang bức vẽ trở lại phòng làm việc và chỉnh sửa nó theo phong cách Pointillism. Phương pháp này cho phép người họa sĩ tiếp cận tác phẩm một cách thận trọng và tỉ mẩn hơn, sử dụng những nét vẽ sắc sảo và tạo hình rõ nét mà vẫn giữ được hiệu quả ánh sáng cùng sắc màu thuộc trường phái Ấn tượng.

Thông tin cần ghi nhớ về trường phái Hậu Ấn tượng

- Hậu Ấn tượng là tên gọi chung của một nhóm nhỏ họa sĩ độc lập với mong muốn khắc phục những điểm hạn chế của trường phái Ấn tượng vào cuối thế kỷ 19. Những tìm tòi của nghệ sĩ Hậu Ấn tượng là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của hội họa đương đại sau này. - Các tác phẩm của Paul Gauguin có ảnh hướng lớn tới sự phát triển của trường phái Dã thú. - Các tác phẩm của Vincent Van Gogh có ảnh hưởng lớn tới trường phái Biểu hiện thế kỷ 20. - Các tác phẩm của Paul Cézanne có ảnh hưởng lớn tới xu hướng Lập thể vào đầu thế kỷ 20. - Kỹ thuật Pointillism của Seurat có tác động tới những nghệ sĩ có bước tiếp cận thận trọng hơn với hội họa, là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của trường phái Trừu tượng.


3. Chủ nghĩa Dã thú là một trào lưu nghệ thuật tiên phong xuất hiện ở Pháp và chỉ tồn tại vào những năm đầu của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phái Dã thú đối với sự phát triển hội họa hiện đại nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung là rất lớn. Những tìm tòi của các họa sĩ phái Dã thú chính là tiền đề cho sự ra đời của nghệ thuật Lập thể và Trừu tượng sau này. Sự xuất hiện của chủ nghĩa Dã thú Các tác phẩm Dã thú xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong triển lãm “Salon mùa thu” lại Paris năm 1905. Những tác phẩm này được sáng tác bởi nhóm họa sĩ trẻ, có cá tính mạnh với quan điểm nghệ thuật táo bạo, mới mẻ chống lại đường lối nghệ thuật kiểu học việc khô cứng. Một số nhà phê bình cho rằng, triển lãm của Van Gogh tại Paris năm 1903 chính là yếu tố thúc đầy sự thay đổi của nhóm họa sĩ trẻ này. Cách biểu hiện dữ dội và có phần thô ráp cùng những tông màu mạnh trong tranh của Van Gogh đã hé lộ con đường sáng tạo cho họ. Ngoài ra còn một danh họa có ảnh hưởng rõ nét đến nhiều họa sĩ phái Dã thú, đó là Paul Gauguin. Ông từng phát biểu: ”Tôi tiến đến một phong cách kết hợp giữa trực cảm và chối bỏ hoàn toàn sự trung thành với tự nhiên bằng việc sử dụng những màu phi biểu tả” Quan điểm đó của Paul Gauguin đã tác động mạnh mẽ đến những sáng tác của các họa sĩ phái Dã thú sau này.

Vincent Van Gogh, "Hoa hướng dương", Sơn dầu, 1888

Vincent Van Gogh, "Chân dung", Sơn dầu, 1887

Paul Gauguin, "Chân dung", Sơn dầu, 1885


Paul Gauguin, "Phụ nữ Tahiti", Sơn dầu, 1891 Đặc điểm nghệ thuật

Đặc trưng hội họa phái Dã thú là ở cách sử dụng màu sắc mạnh bạo và cách tạo hình thoát ly khỏi tư tưởng kinh viện. Về màu sắc, đó là sự nổi loạn với những sắc đỏ, xanh cobalt, xanh lá cây, vàng nguyên chất rực rỡ. Chủ nghĩa Dã thú đẩy mạnh vai trò của màu sắc, dùng màu với cường độ cao nhất để tạo ra sức mạnh biểu cảm. Về tạo hình, hội họa Dã thú không còn lệ thuộc triệt để vào nguyên tắc giải phẫu, vào phối cảnh, vào tỉ lệ thực và tả chân, thậm chí đôi khi cả sự hợp lý của ánh sáng mà chủ trương giải phóng hình thức bằng những nét bút mạnh mẽ, kích động và dữ dằn; đơn giản hóa đường nét để tìm kiếm cá tính, bộc lộ tối đa tình cảm của họa sĩ. Những nhân vật chủ chốt của trường phái này bao gồm Henri Matisse (1869-1954), Maurice Vlaminck (1876-1958), André Deran (1880-1954), George Rouault (1871-1958), Albert Marquet (1875-1947), Kees van Dongen (1877-1968)… những người đã cùng nhau đột phá ở “Salon mùa thu” , cùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Van Gogh và Gauguin.


Họa sĩ và tác phẩm tiêu biểu Thủ lĩnh của chủ nghĩa Dã thú là Henri Matisse (1869-1954). Về hình thức thể hiện, Matisse không tìm cách ghi lại hình ảnh vật thể theo thực tế mà chú trọng đến diễn tả tình cảm bộc phát qua các nét bút mạnh, thô, có cảm tưởng như phá vỡ rào cản hình thức. Tranh của ông chỉ biểu hiện một sự sắp xếp các yếu tố hội họa khác nhau. Matisse sử dụng các diện phẳng và dùng hiệu quả tương phản của các tông màu nóng lạnh, của cường độ ánh sáng mạnh giữa các diện để tạo ra cảm giác về không gian, hình khối. Ông cũng học tập được các kỹ thuật từ nghệ thuật Arab vùng Trung Đông và nghệ thuật thổ dân châu Phi – dùng các tuyến đơn tạo hình lẫn tổ hợp tuyến kết hợp với các mảng màu chia thành module để tạo hoa văn, chất cảm vật liệu. Bút pháp của Matisse cũng khác hoàn toàn cách làm cổ điển khi không giấu nét bút hoặc dùng để vờn khối mà phô diễn hẳn ra nét thô mạnh, lộ rõ trên mặt tranh.

Henri Matisse, "Bà Matisse - chân cung với những vạch xanh lá cây", Sơn dầu, 1905 Trong bức "Bà Matisse - chân dung với những vạch xanh lá cây", họa sĩ đã dùng những màu đối chọi nhau, hầu như chẳng liên quan gì đến thực tế tự nhiên, nổi bật là các màu đỏ, xanh lá cây, vàng trên những mảng lớn, riêng biệt, không có sự chuyển tiếp tan dần. Có cảm giác ở tác phẩm này, Henri Matisse đã bỏ qua hoàn toàn vai trò của sắc độ trong việc tạo nên hiệu quả về khối và không gian mà thay thế bằng chính sự tác động tương phản màu sắc một cách thành công.

Henri Matisse, "Khung cửa sổ", Sơn dầu, 1905

Henri Matisse, "Phong cảnh Collioure", Sơn dầu, 1905


Vlaminck (1876-1958) căm ghét các quy tắc, công thức thẩm mỹ kinh viện. Ông bộc lộ cảm xúc lên mặt tranh thông qua việc giải phóng năng lượng trong chuyển động của nét bút và sự tương phản rất mạnh giữa các màu nguyên thủy. Một trong những tác phẩm đẹp kinh điển của Vlaminck là “Phong cảnh với những cây đỏ”. Ông đã sử dụng tổ hợp những màu nguyên thủy theo phương châm “nhấn mạnh đến tất cả màu sắc, chuyển đạt bản đồng ca của các màu sắc nguyên bản thân có thể nhận biết”. Những màu đỏ, màu vàng, màu đen như được chuyển thẳng từ tuýp màu xuống mặt toan vẽ trên những mảng lớn mà không hề pha trộn. Tương tự, bức “Les Bateaux – Lavoirs”, Vlaminck cũng dùng bộ màu nguyên bản rất kích thích gồm đỏ, vàng, lam làm căn bản cho hòa sắc. Chất “dã thú” còn được đẩy cao bởi nét vẽ phóng túng, để mặc cho cảm xúc chi phối đến độ gần như nguệch ngoạc. Thậm chí tác giả còn không ngần ngại vẽ bằng ngón tay khi cần thiết.

Maurice de Vlaminck, "Phong cảnh với những cây đỏ", Sơn dầu, 1906-1907

Bên cạnh Matisse và Vlaminck còn có Andre Derain (18801954) với chủ đề ưa thích là phong cảnh, với khu vực có mặt nước như cảng, bến sông,… Tuy Derain có hòa sắc khá trữ tình nhưng vẫn sử dụng các màu nguyên rực rỡ. Các màu ông ưa dùng nhất có thể kể đến bao gồm màu lam, xanh lá cây và tím.

Maurice de Vlaminck, "LesBateaux - Lavoirs", Sơn dầu, 1906


Andre Derain, "Những con thuyền ở Coullioure", Sơn dầu, 1905

Andre Derain, "Westminster", Sơn dầu, 1905

Ban đầu Andre Derain dùng kỹ thuật vẽ bằng những mảng màu nhỏ gần như điểm màu, hao hao bút pháp của Signac. Nhưng những điểm màu của ông lớn hơn, đủ kích thước để điểm màu có thể tồn tại tự thân, đúng với ý đồ nhấn mạnh màu sắc và vào sức biểu hiện của màu sắc mà chủ nghĩa Dã thú theo đuổi. Nhưng từ 1906 về sau, cách thể hiện của Derain thay đổi, ông bắt đầu dùng mảng lớn, hình thức tự do ít gò bó vào kỹ thuật nên chất Dã thú bộc lộ rất mạnh. Bảng màu bùng nổ với nhiều mảng đỏ vàng, dù vẫn là khung cảnh quen thuộc trên bến dưới thuyền, không gian trong tranh có một sắc thái khác hẳn, tiềm ẩn một sức mạnh biểu tả qua nét bút mạnh mẽ, phóng khoáng và sắc độ tương phản mạnh.

Andre Derain, "Cầu London", Sơn dầu, 1906


Một nét chấm phá khác trong phái Dã thú chính là Georges Rouault (1871-1958). Tranh của ông mang phong cách khác hẳn, phần nhiều thuộc thể loại chân dung liên quan đến chủ đề sinh hoạt xã hội, tôn giáo và lịch sử. Georges Rouault thường lấy cảm hứng từ Kinh thánh và mỹ thuật nhà thờ để sáng tác. Tranh của ông thường có bố cục chặt chẽ, chính xác, nghiêm trang. Ông cũng không dùng những màu sắc chói gắt như phần lớn nghệ sĩ phái Dã thú khác mà lại ưa chuộng màu đen, một chút đỏ tối và màu lam sẫm.

Georges Rouault, "Gương mặt thần thánh", Sơn dầu, 1933

Georges Rouault, "Vị vua già", Sơn dầu, 1937

Bức chân dung "Vị vua già", bên cạnh "Gương mặt thần thánh" vẽ chúa Jesus, cho thấy thêm về ảnh hưởng của tôn giáo và mỹ thuật Thiên chúa giáo đến quan điểm hội họa của Georges Rouault. Ông dùng nét và phương pháp vẽ như vẽ tranh kính trong các nhà thờ thời Trung cổ, nhất là những màu đỏ trầm và màu lam có ánh tím. Về tạo hình, Rouault miêu tả vị vua già bằng nhiều mảng phẳng chắc khỏe, tĩnh tại, sắp xếp ngay ngắn, tạo ra một không khí cổ kính và nghiêm trang cho bức tranh. Thông tin cần ghi nhớ về trường phái đã thú

Chủ nghĩa Dã thú xuất hiện như một ngôi sao băng trong bầu trời nghệ thuật, hiện lên rực rỡ rồi nhanh chóng lụi tàn trong một khoảng thời gian ngắn. Chủ nghĩa Dã thú ra đời năm 1905, thu hút dư luận để đạt đến đỉnh cao năm 1907, 1908 rồi dần thoái trào và gần như không còn tồn tại từ sau năm 1920. Khi mới xuất hiện và phát triển bước đầu, hội họa Dã thú không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới sưu tập, bị các nhà phê bình và công chúng xa lánh. Nhưng giới họa sĩ lại nhìn thấy ở đó nguồn cảm hứng cho những sáng tạo mới. Hội họa Dã thú chính là một trong những trường phái đầu tiên đưa đến sự tiếp cận hiện đại của nghệ thuật tạo hình. Bằng việc từ bỏ các nguyên tắc cổ điển một cách thành công, chủ nghĩa Dã thú đã góp phần mở ra một con đường mới cho nghệ thuật thế kỷ XX.


4. Chủ nghĩa Biểu hiện

Trường phái biểu hiện là một trào lưu nghệ thuật, bắt đầu với các tác phẩm thơ ca và hội họa, có nguồn gốc từ Đức vào đầu thế kỷ 20. Đặc điểm điển hình của nó là phản ánh thế giới từ một góc nhìn chủ quan, “bóp méo” sự vật một cách triệt để để có hiệu ứng cảm xúc nhằm gợi lên tâm trạng hoặc ý tưởng. Các nghệ sĩ theo trường phái biểu hiện tìm cách thể hiện ý nghĩa của trải nghiệm cảm xúc hơn là thực tế vật lý. Trường phái biểu hiện được phát triển như phong cách avant-garde trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nó khá phổ biến trong thời Cộng hòa Weimar, đặc biệt là ở Berlin. Phong cách này mở rộng sang nhiều lo ại hình nghệ thuật, bao gồm kiến trúc, hội họa, văn học, sân khấu, khiêu vũ, điện ảnh và âm nhạc theo trường phái biểu hiện. Đặc Điểm Trường Phái Biểu Hiện Chủ nghĩa Biểu hiện nhấn mạnh quan điểm, góc nhìn của cá nhân – khác với cách biểu hiện của chủ nghĩa thực chứng positivims (lấy hiện tượng, sự kiện làm cái “thực chứng”, làm căn cứ và đề cao khoa học tự nhiên trong việc lý giải tự nhên, xã hội, con người) và các phong cách nghệ thuật khác như chủ nghĩa Tự nhiên (Naturalism) và Ấn tượng (Impressionism).


Thuật ngữ biểu hiện – Expressionism này đôi khi gợi nhắc đến angst (một dạng cảm xúc tiêu cực như lo lắng hoặc sợ hãi). Đặc trưng ban đầu dễ thấy nhất của Expressionism có lẽ là nỗi khổ đau về cả thể chất và tinh thần. Vào cuối thế kỷ 19, sự nổi danh của 2 danh họa Edvard Munch (1863–1944) và Vincent van Gogh (1853–90) tô đậm hơn quan điểm khác biệt của trường phái Biểu hiện. Thay vì ca ngợi, tôn vinh cái đẹp, cái hài hòa, hài lòng vơi sự ngưỡng mộ hào nhoáng, họ đề cao những suy nghĩ, cảm xúc từ sâu trong nội tâm, thể hiện sự chống đối với thực tại đầy gồ ghề và bấp bênh. Có thể thấy rõ điều này trong các tác phẩm: Sunflowers (Van Gogh), The Scream (Edvard Munch), Crucifixion (Emile Nolde)…

The Scream – Edvard Munch

Trong khi từ “expressionist” – biểu hiện được sử dụng theo nghĩa hiện đại ngay từ những năm 1850, nguồn gốc của nó được cho là có thể bắt nguồn từ các bức tranh tên Expressionismes được trưng bày vào năm 1901 tại Paris của một họa sỹ vô danh Julien – Auguste Hervé. Một ý kiến khác cho rằng thuật ngữ này do nhà sử học nghệ thuật người Séc Antonin Matějček đặt ra vào năm 1910, ngược lại với chủ nghĩa ấn tượng: “Một người theo chủ nghĩa Biểu hiện mong muốn trên hết là được thể hiện bản thân. (Từ chối) những nhận thức trực tiếp của mắt để xây dựng nên các cấu trúc hình ảnh phức tạp của tinh thần… Những ấn tượng và hình ảnh qua tâm hồn con người như qua một bộ lọc, tách nó ra khỏi sự vây bám về vật chất để nhìn rõ hơn bản chất thần túy [và] sau đó được tinh lọc, đúc kết thành những dạng tổng quát hơn, mà có thể chép lại qua các thể thức và ký hiệu ngắn gọn, đơn giản.”


5. Trường phái lập thể Chủ nghĩa Lập thể là một trường phái nghệ thuật thị giác có sức ảnh hưởng rất lớn của thế kỷ XX, được sáng lập bởi Pablo Picasso và Georges Braque tại Paris từ 1907 đến 1920. Phong cách Lập thể nhấn mạnh vào hình phẳng 2D, loại bỏ những kỹ thuật biểu hiện truyền thống về phối cảnh và bác bỏ lý thuyết nghệ thuật bấy lâu vốn đề cao sự bắt chước tự nhiên. Những họa sĩ phái Lập thể không bị ràng buộc vào việc sao chép hình dáng, cấu trúc bề mặt, màu sắc hay không gian mà thay vào đó, họ giới thiệu đến người xem một dạng thức mới của hiện thực qua các tác phẩm miêu tả đối tượng bị phân chia thành nhiều mảng với nhiều diện từ nhiều góc độ được biểu hiện cùng một lúc.

Pablo Picasso, "Girl with a Mandolin," 1910

Đặc trưng của trường phái Lập thể là những mảnh hình rời rạc và cách sắp xếp hỗn loạn. Cubism quay lưng với hội họa có hình cổ điển và bước vào thế giới trừu tượng toàn diện. Những đặc điểm trên cùng với quá trình phát triển thú vị và những ảnh hưởng lâu dài nó để lại - đã đưa Cubism thành một trong những trường phái biểu tượng nhất của thế kỉ XX.

Georges Braque, "Man with a guitar," 1911


Đầu thế kỉ XIX, trường phái Hậu Ấn tượng và Dã thú (Fauvism) - những trường phái lấy cảm hứng từ những thử nghiệm của các nghệ sĩ Ấn tượng đối với tranh vẽ - gần như thống trị nghệ thuật châu Âu. Họa sĩ, nhà điêu khắc, in ấn và soạn bản thảo người Pháp, Georges Braque (1882-1963) cũng cống hiến cho trường phái Dã thú với bức tranh vẽ màu sắc khắc họa phong cảnh cách điệu. Năm 1907, Braque gặp Pablo Picasso (1881-1973). Vào thời điểm này, Picasso đang trong “Thời kì ảnh hưởng châu Phi,” - các tác phẩm của ông chủ yếu lấy cảm hứng từ những tác phẩm điêu khắc và mặt nạ của châu Phi. Cũng như những bức tranh Hậu Ấn tượng của Braque, các tác phẩm của Picasso lúc ấy cũng đang thử nghiệm với những khối hình học (đôi khi là màu sắc), nhưng nhìn chung vẫn có hình tượng rõ ràng. Sau khi họ gặp nhau, Braque và Picasso bắt đầu làm việc với nhau, dần dần tách rời khỏi phong cách trước đây của mình và cùng nhau mở đầu trường phái mới: Cubism. Sự ra đời chính thức của nó, theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, được đánh dấu bằng sự ra đời của tác phẩm “Những cô gái Avignon” (1907). Trường phái hội họa này đạt đến cao trào những năm 1909-1912 và gần như kết thúc cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất. ĐẶC ĐIỂM VÀ PHONG CÁCH Chủ nghĩa Lập thể xuất hiện khi giới họa sĩ muốn tìm kiếm một phương pháp thể hiện thế giới tự nhiên với hình thức mới mẻ, giúp họ phản ánh những điều vượt lên trên vẻ ngoài thông thường của vật chất. Các tác phẩm Lập thể vì thế đã từ bỏ hết các khái niệm truyền thống về hình khối và không gian phối cảnh. Các họa sĩ lập thể thể hiện đối tượng dưới nhiều góc nhìn khác nhau trong cùng một thời điểm. Không hề giống với mắt nhìn thông thường của chúng ta, chỉ nhìn thấy sự vật ở một góc độ duy nhất ngay tại thời điểm ta nhìn thấy chúng. Hình thức của đối tượng cũng vì thế bị phá vỡ thành những diện, mảng và hình mang tính kỷ hà. Có thể nói, những họa sĩ phái Lập thể nhìn sự vật một cách song song về mặt không gian và thời gian.

Pablo Picasso, "Bowl of Fruit, Violin and Bottle," 1914


6. Trường phái tương lai Chủ nghĩa tương lai là trường phái nghệ thuật bộc lộ trần trụi sự bất mãn với xã hội đương thời. Các họa sĩ của trào lưu đã mượn kỹ thuật điểm bàng màu của trường phái ấn tượng mới và trường phái lập thể để chồng chéo lên hình thức, nhịp điệu màu sắc, ánh sáng… Thông qua những điều này để thể hiện cảm giác và tính đồng nhất của tâm hồn và cấu trúc phức tạp của thế giới.

7. Trường phái Dada (Dadaism) Những người theo trường phái này đã cố gắng làm rõ ý tưởng của mình bằng nguyên tắc mới lạ. Dada là phong trào nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực trong đó nổi nhất là hội họa. Phong trào này sinh ra do tâm trạng vỡ mộng vì ảnh hưởng của chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, một số nghệ sĩ đã phản ứng lại một cách sâu cay, thậm chí còn có tư tưởng vô chính phủ. Những họa sĩ nổi bật của trường phái có thể kể đến Modigliani, Kandinsky, Apollinaire, Marinetti, Picasso.


8. Trường phái siêu thực Trường phái siêu thực còn được gọi là surrealissm đã phô bày những tác phẩm nghệ thuật bằng tranh và chữ. Trường phải này nhấn mạnh đến sức mạnh của trí tuệ khi tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa. Chủ thể rất bình dị được đặt trong phông màn bí ẩn, hùng vĩ làm bức tranh có ý nghĩa mới, tồn trạng thái không thực.

9. Trường phái ấn tượng trừu tượng Đây là trường phái nghệ mới, hướng đến kiến trúc hiện đại. Chúng sử dụng những tài năng của các nghệ sĩ để thiết kế công trình, nhà cửa. Đây được xem là bước ngoặt trong kỳ nguyên lịch Mỹ. Xem các sản phẩm tranh trừu tượng


BÀI TẬP ỨNG DỤNG Bài tập 1: Có bao nhiêu trường phái mỹ thuật lớn, hãy lập một bản thu hoạch tổng quan về các trường phái này bao gồm: Thời gian, hoàn cảnh, người khởi xướng, đặc điểm, các tác phẩm tiêu biểu Bài tập 2: Chọn 2 trong số các trường phái và thể hiện lại bằng một số chất liệu trong cuộc sống Bài tập 3: Phân tích 1 tác phẩm mà anh chị thích nhất


BÀI 3

NGOẠI KHOÁ: LỊCH SỬ MỸ THUẬT VIỆT NAM I. SINH VIÊN CHUẨN BỊ - Kiến thức: Ôn tập nội dung kiến thức bài 2, 3, về các trường phái hội hoạ trên thế giới và Việt Nam - Kỹ năng: o Chụp ảnh lấy tư liệu o Ghi chép o Phác hoạ tư liệu - Cách thức làm việc: Theo nhóm (từ 3-5 sinh viên) - Công cụ o Máy ảnh, điện thoại o Máy ghi âm o Sổ ghi chép o Sổ tay ký hoạ II. NỘI DUNG NGOẠI KHOÁ - Lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ thời cổ đại đến hiện đại o Mỹ thuật Tiền sử o Mỹ thuật Phong kiến (theo từng triều đại phong kiến) § Mỹ thuật nhà Lý – Trần § Mỹ thuật nhà Hậu Lê § Mỹ thuật nhà Nguyễn o Mỹ thuật dân gian § Tranh hàng trống § Tranh đông hồ o Mỹ thuật cận – hiện đại § Thời kỳ kháng chiến chống Pháp § Thời kỳ 1945 - 1975 - Chọn lọc tư liệu thiết kế làm thu hoạch III. CÂU HỎI THU HOẠCH Câu 1: Hãy nêu các tổng quan các giai đoạn mỹ thuật, và tác động của lịch sử tới nền mỹ thuật Việt Nam như thế nào? Các tác phẩm tiêu biểu của các giai đoạn đó là gì? Câu 2: Nền mỹ thuật trong giai đoạn lịch sử nào khiến các anh/chị thấy ấn tượng nhất, hãy trình bày cụ thể về giai đoạn đó Câu 3: Chọn ra các nguyên liệu thiết kế mà các anh chị thích, sử dụng kỹ năng chụp/ vẽ phác hoạ, xé, dán để tạo nên một tác phẩm mỹ thuật, đặt tên và thuyết trình cho bản mỹ thuật đó



BÀI 4

LỊCH SỬ THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ

Năm 1922, William Addison Dwiggins, một nhà thiết kế phông chữ, người thực hành thư pháp phương Tây, và nhà thiết kế sách người Mỹ, đặt ra khái niệm “thiết kế đồ họa” (graphic design). Tuy nhiên, khái niệm đó vẫn rất hiếm khi được sử dụng cho đến tới sau Thế chiến II. Trước thời điểm đó, những người làm công việc thiết kế đồ hoạ vẫn được gọi tên là “nghệ sĩ thương mại” (commercial artist).

Tổng quan về lịch sử thiết kế đồ hoạ

Lịch sử thiết kế đồ họa (graphic design) đã có từ xưa, khi con người tự tìm cho mình những hình thức biểu hiện qua thị giác (Visual form) để dẫn dắt đến một ý nghĩa nào đó (Ideas & Concepts), dần dần tạo nên kinh nghiệm quen thuộc bằng hình ảnh (Graphic Form). Từ những hình ảnh đó đã tạo nên các tín hiệu để con người truyền thông tin cho nhau. Danh từ Đồ họa (Graphic Art) được xem là có nguồn gốc từ tiếng Hy-Lạp Graphos hay Graphique (Graphein) có nghĩa là viết; tuy nhiên, trước khi có văn tự, con người đã truyền thông tin bằng phương thức nào? Đi ngược lại dòng lịch sử, từ thời cổ đại, bên những hình vẽ trên các hang động, cho thấy, ở đó cũng đã cấu thành một xã hội nhỏ. Từ đó, những thông tin đơn giản được sử dụng, nhằm đem lại lợi ích cho cuộc sống săn bắt, hái lượm hay đề phòng thú dữ,… Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của ngành thiết kế đồ họa, chữ viết (văn tự) và in ấn là hai yếu tố quan trọng, mỗi giai đoạn lại có những phát minh mới thay thế cho các phát minh cũ. Đó là lý do mà phái Constructivism cho rằng “Không có biên giới giữa nghệ thuật hàn lâm và đồ họa tạo hình”. Bên cạnh đó, sự phát minh của máy ảnh và internet cũng là động lực giúp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thiết kế đồ hoạ


I.

GIAI ĐOẠN MỞ ĐẦU CỦA THIẾT KẾ ĐỒ HỌA:

Những dấu hiệu đầu tiên của việc giao tiếp bằng hình ảnh: Từ thời đồ đá, con người đã có tâm thức về thiết kế đồ họa được thể hiện qua những hình ảnh và dấu vết được khắc lên vách đá nhằm mục đích truyền tin, ghi nhớ hay đánh dấu.

Mãi về sau, thiết kế đồ họa mới được dùng cho mục đích trang trí và trở thành một thành phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Một trong những bức tranh hang động không thể không nhắc đến trong thời kỳ này là tranh hang động Lascaux. Hang động Lascaux là một trong những hang động ở phía Tây Nam nước Pháp với một số bức tranh khắc đá nổi tiếng xuất hiện cách đây 173000 năm TCN. Nổi tiếng nhất phải kể đến “The great hall of the Bulls” (được coi là một trong những bức tranh động vật lớn nhất được phát hiện cho đến nay.)

Ảnh chụp bức tranh The Great Hall of the Bull Tranh hang động thời kỳ này chủ yếu mô tả các loài động vật (ngựa, bò, nai), hoạt động săn bắt và các sinh hoạt cộng đồng của con người. Tranh hang động được vẽ trên các vách đá hoặc trên trần các hang động. Những bức tranh này không những có giá trị về mặt thời gian mà chúng còn có sức hấp dẫn về thẩm mỹ. Những hình ảnh được chắc lọc và khắc họa một cách giàu cảm xúc nhưng cũng đầy bí ẩn về một thế giới đã từng được tồn tại hàng ngàn năm.


II. SỰ KHỞI ĐẦU CỦA NGÔN NGỮ CHỮ VIẾT -

3300 đến 3000 năm TCN: Sự phát triển tiếp theo của thiết kế đồ họa được thể hiện qua bảng chữ cái được phát minh bởi người. Dù ngôn ngữ này rất khó đọc và còn khá sơ khai nó chính là những bước khởi đầu cho Typography về sau.

Những chữ cái đầu tiên được gọi là chữ tượng hình hay chữ hình nêm vì có hình dạng khá giống với những đối tượng được miêu tả.

Ngôn ngữ viết của người Sumer

-

3000 TCN: Chữ hieroglyphics (chữ viết tượng hình) của người Ai Cập được ra đời

-

100 TCN: Chữ latinh ra đời: Văn minh nhân loại bước sang một trang mới với sự ra đời của chữ Latinh (hay cọn gọi là chữ Roma), chính là hệ thống thống chữ mà chúng ta vẫn dùng cho đến ngày nay.

II.

SỰ PHÁT MINH RA MÁY IN

Ngay từ thế kỷ thứ VI sau CN, Trung Quốc đã nổi tiếng với nghệ thuật khắc gỗ, hay còn gọi là phù điêu, dùng các con dấu để đóng dấu lên quần áo, vải lụa và cuối cùng là lên giấy. Vào năm 1040, Bi Sheng đã phát minh ra kỹ thuật in đầu tiên trên thế giới.

Cuốn sách in tiền đề của Kinh Kim Cương từ thời Đường, Trung Quốc, năm 868


Năm 1439, Gutenberg là người châu Âu đầu tiên sử dụng con chữ rời để in. Những đóng góp của ông cho việc in ấn là: phát minh ra quy trình sản xuất hàng loạt bằng việc dùng con chữ rời; sử dụng mực gốc dầu để in sách; khuôn in có khả năng điều chỉnh; con chữ rời cơ học,… Gutenberg cũng đã giới thiệu công nghệ in ép đến châu Âu. Việc giới thiệu cách in với các con chữ rời cơ học tới châu Âu đã bắt đầu cuộc cách mạng in ấn và được coi là một cột mốc của thiên niên kỷ thứ hai, mở ra thời kỳ hiện đại của lịch sử loài người.

Các chữ cái được khắc rời trên kim loại, sau đó sắp xếp lại để thành những bản in Sự phát triển của nghệ thuật in ấn còn được thể hiện qua sự ra đời của những logo đầu tiên trong lịch sử. Những logo này không chỉ để xây dựng thương hiệu mà còn là một phương tiện để thể hiện kỹ năng in ấn của nhà in – logo được in tốt như thế nào sẽ phản ánh chất lượng in ấn của những thứ còn lại tốt như thế đấy trong mắt khách hàng.

Những logo của máy in từ thế kỷ XV


Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, giai đoạn từ khoảng năm 1760 đến năm 1840, những công nghệ mới đã được ra mắt để tăng hiệu quả trong quá trình sản xuất, nổi bật phải kể đến là kỹ thuật in thạch bản.

Một bức tranh in thạch bản từ năm 1835 với mực cam và lục lam và đen

III.

NHỮNG VĂN PHÒNG THIẾT KẾ ĐỒ HỌA ĐẦU TIÊN

Wiener Werkstätte, được thành lập vào năm 1903 bởi nhà thiết kế đồ họa và họa sĩ Koloman Moser, kiến trúc sư Josef Hoffmann và người bảo trợ Fritz Waerndorfer, là một tổ chức hợp tác sản xuất của các nghệ nhân ở Vienna, Áo làm việc trong lĩnh vực gốm sứ, thời trang, bạc, đồ nội thất và nghệ thuật đồ họa. Họ được coi là nhà tiên phong của thiết kế hiện đại và có ảnh hưởng từ sớm trong các phong cách như Bauhaus và Art Deco và có ảnh hưởng to lớn đến các tiêu chuẩn thiết kế cho thế hệ sau.

Phần in tiêu đề thư của Wiener Werkstätte vào năm 1914


IV.

CÁC TRÀO LƯU NGHỆ THUẬT LỚN

1. Art Nouveau

Art Nouveau phát triển mạnh mẽ ở Tây Âu và Hoa Kỳ từ những năm 1880 cho đến Chiến tranh thế giới thứ nhất. Phong trào nổi lên với mục đích từ bỏ các phong cách lịch sử của thế kỷ XIX Những người sáng tạo theo Art Nouveau đã tìm cách phục hồi tay nghề cũng như nâng cao vị thế của nghề thủ công trong xã hội bằng cách tạo ra một thiết kế phản ánh tính tiện ích của những món đồ họ đang tạo ra. Một đặc điểm khác biệt của phong cách này là việc sử dụng các đường thẳng tự nhiên, bất đối xứng thay vì các hình khối đồng nhất, chắc chắn.

Tác phẩm nghệ thuật theo trường phái Art Nouveau của Alphonse Mucha, được sử dụng để quảng cáo cho hãng in F.Champenois Bauhaus 2. Bauhaus

Bauhaus là một phong trào thiết kế và nghệ thuật có ảnh hưởng bắt đầu vào năm 1919 ở Weimar, Đức. Trường Bauhaus do Walter Gropius thành lập đã đưa ra một lối tư duy mới mẻ. Sáu tháng sau khi Thế chiến I kết thúc, trường khuyến khích các nghệ sĩ và nhà thiết kế sử dụng tài năng của mình để giúp xây dựng lại xã hội đã tan vỡ. Nghệ thuật Bauhaus sử dụng các hình tam giác, hình vuông và hình tròn – để gợi lên tâm lý đưa mọi thứ trở lại những điều cơ bản. Nghệ thuật Bauhaus liên tục thách thức mọi thứ, kể cả phương pháp học thông thường. Họ kết hợp nghệ thuật và thủ công, phong cách cổ điển và tiên phong, hình thức và chức năng, chủ nghĩa tối giản, hình dạng hình học với các kiểu chữ đơn giản.


3. Art Deco

Art Deco bắt đầu tại thành phố Paris vào thập niên 1920 và phát triển ra toàn thế giới trong thập niên 1930. Phong trào ra đời cùng 1 thập kỷ vợi sự xuất hiện của The Great Gatsby (một tiểu thuyết của nhà văn F. Scott Fitzgerald người Mỹ), sự ra đời của chiếc xe hơi được cải tiến với giá cả phải chăng và The Jazz Singer (bộ phim có tiếng nói và tiếng nhạc đầu tiên trong lịch sử điện ảnh) Phong cách, sang trọng, tinh tế và hiện đại là những từ khóa của thiết kế Art Deco. Art Deco sử dụng các hình dạng hình học đơn giản để trang trí, cách điệu và kết hợp các vật liệu đắt tiền, cả tự nhiên và tổng hợp.

Trung tâm Rockefeller , Tòa nhà Chrysler và Tòa nhà Empire State đều được thiết kế theo phong cách này.

Áp phích Chicago World’s Fair của Weimer Pursell vào năm 1933

4. Swiss Styless (Phong cách Thụy Sĩ hay còn được gọi là International Typographic Style)

Được xây dựng dựa trên cách tiếp cận của nghệ thuật Bauhaus, phong trào này chủ yếu tập trung vào chức năng và tính phổ quát. Phong trào nổi lên ở Nga, Hà Lan và Đức vào những năm 1920 và được phát triển mạnh ở Thụy Sĩ trong những năm 1950. Một đóng góp quan trọng từ phong trào Thiết kế Thụy Sĩ là việc họ sử dụng lưới (một yếu tố quan trọng trong thiết kế giao diện người dùng ngày nay) để sắp xếp các thành tố trong thiết kế. Với Swiss Style, ảnh chụp thực tế được ưa thích hơn là ảnh minh họa biểu cảm cùng với đó là sự phát triển của các kiểu chữ sansserif trung tính như Helvetica. Thiết kế của Thụy Sĩ mang tính chất tối giản (Một phong cách thiết kế đã có sự trở lại trong xây dựng thương hiệu, thiết kế giao diện người dùng và bao bì những năm gần đây). Đồng thời, xu hướng này cũng truyền cảm hứng đến các công ty có ảnh hưởng như Apple và Google, những thương hiệu ưu tiên trải nghiệm đơn giản và gọn gàng.


Áp phích thiết kể bởi Josef Muller Brockmann 5. Pop Art (Nghệ thuật đại chúng)

Phong trào là một hiện tượng văn hóa đạt được sức hút mạnh mẽ vào cuối những năm 1950 và 1960 của Anh và Mỹ. Sở dĩ nghệ thuật đại chúng (Pop Art) được gọi như vậy là vì cách nó tôn vinh văn hóa đại chúng, nâng tầm các đối tượng bình thường trở thành các biểu tượng. Phong trào Pop Art bắt đầu bằng một cuộc nổi dậy chống lại những quan điểm lỗi thời trong việc tiếp cận nghệ thuật. Nguồn cảm hứng chủ yếu trải dài từ các bộ phim Hollywood, quảng cáo, bao bì sản phẩm, nhạc pop và truyện tranh hướng đến bác bỏ những quan điểm về “High art” (nghệ thuật cao cấp) để chuyển sang ủng hộ mạnh mẽ việc sản xuất và in ấn đồ họa rộng rãi đến quần chúng.

Whaam! thiết kế bởi Roy Lichtenstein năm 1963 (nguồn: Tate)


6. Postmodernism (Chủ nghĩa hậu hiện đại)

Chủ nghĩa hậu hiện đại là một phong trào chống lại chủ nghĩa hiện đại. Trong khi chủ nghĩa hiện đại dựa trên chủ nghĩa duy tâm và lý trí thì chủ nghĩa hậu hiện đại được sinh ra từ sự hoài nghi lý trí. Trong khi những người theo chủ nghĩa hiện đại coi trọng sự rõ ràng và đơn giản thì những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại chấp nhận các lớp ý nghĩa phức tạp và mâu thuẫn. Các nhà thiết kế trẻ của phong trào nghi vấn về triết lý “form follows function” (“hình thức tuân theo chức năng”) gắn liền với Chủ nghĩa Hiện đại bắt nguồn từ Phong cách thiết kế Thụy Sĩ. Họ đã sáng tạo một cách tự do, phá vỡ các quy tắc thiết kế với việc sử dụng ảnh ghép, biến dạng, màu sắc rực rỡ với phong cách trừu tượng. Vào cuối những năm 1970, April Grieman trở nên nổi tiếng với một tác phẩm cắt dán đầy màu sắc mà những kiểu chữ được đổi mới.

Bìa cho tạp chí WET được thiết kế bởi April Greiman năm 1979BÀI 5


BÀI 5

CÁC PHONG CÁCH THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ Giống như trường phái hội hoạ, phong cách thiết kế đồ hoạ là tập hợp chung các tác phẩm, cách thức thiết kế tuân theo 1 nguyên tắc hay đặc điểm nào đó và tạo nên dấu ấn đặc trưng trong mắt độc giả Trên thế giới có rất nhiều phong cách thiết kế khác nhau tuỳ vào từng cách phân loại nhìn nhận và sự thay đổi của thời đại, ở đây, tôi chỉ đề cập đến cho các bạn các phong cách thiết kế tiêu biểu, nổi bật và có sự ảnh hưởng tới thiết kế đồ hoạ nói chung

1. Phong cách vintage, retro Vintage là phong cách thiết kế đã và đang được yêu thích trên toàn thế giới. Từ những nét đẹp trong quá khứ, nó đã đem lại một hơi thở mới cho cuộc sống hiện đại với sự hoài cổ, sang trọng và lãng mạn. Vintage nghĩa nguyên thủy để dùng cho rượu hoặc dầu (oil), sau đó người ta nâng lên để chỉ một chiếc xe cũ, có tuổi đời ít nhất 50 năm - vintage car, và cuối cùng, những người buôn bán quần áo 2nd hand đã dùng từ vintage để chỉ những bộ quần áo cũ - thuộc về thời đại trước - thường rất đẹp và công phu. Sau này, từ vintage được mặc định như một từ có nghĩa “cổ-cũ”, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực: thời trang, nội thất, nhiếp ảnh, đồ họa,... Có thể nói, phong cách vintage là phong cách của kỉ niệm, của dấu ấn thời gian.


Retro là một trào lưu hoài cổ, mặc lại các trang phục theo xu hướng thời trang những thập niên trước, bao gồm đồ vintage (quần áo, phụ kiện của những thập niên 40s đến 80s) và cả đồ không phải vintage (đồ mới, đồ được inspired từ hình dáng đồ vintage). Trào lưu này hiện nay rất thịnh hành đối với giới trẻ phương Tây và cũng là một nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thiết kế nổi tiếng. Vintage thường được hiểu trong giới design là những sản phẩm thiết kế được tạo ra trong quá khứ, còn retro là thuật ngữ chỉ trường phái thiết kế các sản phẩm hiện đại nhưng mang những đặc điểm, phong cách thời quá khứ. Vì vậy, những thiết kế theo trường phái vintage thường “áp nguyên xi” phong cách thiết kế trong quá khứ, còn retro phần nào đó khiến người xem cảm nhận được hơi thở hiện đại trong đó. Các yếu tố đồ họa thường dùng trong các mẫu thiết kế để tạo nên một bầu không khí vintage thường là:

-

Các ảnh minh hoạ (illustration) từ các poster, cine, tạp chí, CDs, vinyls, các quảng cáo cũ. Typography cũ Các font chữ Script và viết tay Các thiết bị radio/ TV cũ Các danh thiếp cũ Các bao bì cũ Những bức ảnh film cũ Màu sắc cầu vồng sống động (tương phản cao, neon-style) Giấy được sử dụng vừa rách, vừa nhòe (thường giấy ố vàng) Màu đậm, dirty (VD: màu nâu, màu đỏ đậm, xanh lam đậm) và các texture (Ví dụ: giấy, tường,..)


Vintage !

!

!


Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi thứ đang phát triển quá nhanh. Nhìn vào những thiết kế vintage khiến ta cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Chẳng phải quá khứ là nơi trú ẩn an toàn, mà những ngày xưa cũ đẹp đẽ ấy luôn để lại trong chúng ta những kỷ niệm đẹp, nhất là với thế giới xô bồ ngoài kia. Những nhà Marketer đại tài luôn biết cách “ghi điểm” trong mắt khách hàng. Và cách tốt nhất để đi đến trái tim của họ chính là những thiết kế vintage. Thoát ly ra khỏi cuộc sống bộn bề vô định, quá khứ bao giờ cũng khiến người ta có một cảm giác an tâm, vì họ biết “cái kết của nó sẽ như thế nào”. Giống như ta xem lại bộ phim yêu thích của mình vậy, dù bạn xem 10 lần, hay 100 lần, bạn cũng cảm thấy thoải mái hơn với những điều thân quen, vì bạn biết chắc “cái kết của nó sẽ như thế nào”. Rõ ràng, sử dụng những điều thân quen, ưa thích trong lòng khách hàng là cách ngắn nhất để thương hiệu của họ có thể kết nối tới họ, tới “tận sâu trong trái tim mỗi con người”.Thêm vào đó, các thiết kế vintage như là một sự lựa chọn mới mẻ, bên cạnh đầy rẫy những thiết kế tối giản, “kỹ thuật số” vô hồn ngoài kia. Một khi sự hoài niệm chạy đến đúng trái tim của khách hàng, sẽ chẳng còn gì ngoài những quãng thời gian tuyệt vời và những kỷ niệm đẹp. Quãng thời gian ấy gợi nhớ trong họ những ngày tháng vô lo vô nghĩ, chẳng phải bận tâm tới cơm áo gạo tiền. Có lẽ đây cũng là lý do để các quán cafe với không gian vintage mọc lên ngày càng nhiều để khách hàng có những giây phút gợi nhớ về khoảng thời Nhưng xin hãy lưu ý, từng trường phái thiết kế vintage chỉ phù hợp với một đối tượng khách hàng nhất định, bởi ký ức trong mỗi thế hệ là khác nhau. Chính vì thế, trước khi lựa chọn trường phái vintage phù hợp, bạn cần tìm hiểu đối tượng khách hàng đặc trưng của mình.



2. Phong cách minimulism Minimalism, hay còn gọi là chủ nghĩa tối giản, là một phong cách thiết kế phát triển mạnh mẽ ở Mĩ trong những năm của thập niên 60 và 70. Dưới góc độ thiết kế, tối giản có nghĩa là giảm thiểu tối đa các chi tiết thừa, mọi chi tiết trong thiết kế từ các hình khối, bảng màu, cho tới typography đều chỉ sử dụng nếu cần thiết.

Chủ nghĩa tối giản lên ngôi và trở thành xu hướng mới trong cuộc sống hiện đại và thiết kế đồ hoạ không phải là ngoại lệ. Bởi lẽ, ánh mắt và não bộ con người chỉ dành sự chú ý cho một số chi tiết nhất định trong bản thiết kế, chính vì vậy, những thiết kế với các chi tiết tối giản dễ dàng thu hút được ánh mắt của người xem và gây ấn tượng trong trí nhớ của họ. Điều này khiến minimalist - phong cách tối giản ngày càng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong thiết kế, từ thiết kế logo, ấn phẩm truyền thông và in ấn đến các bao bì sản phẩm, … Dường như các thiết kế theo chủ nghĩa này luôn giành được những sự yêu thích nhất định từ người xem. Minimalism được biết đến lần đầu tiên trong nghệ thuật Phương Tây từ sau Thế Chiến II, nhưng chỉ đến khoảng những năm 1960 và đầu những năm 1970 tại New York-Mỹ, Minimalism mới trở thành một phong trào nghệ thuật được ưa chuộng. Phong cách tối giản có nguồn gốc từ sự thuần khiết và cô đọng của Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism). Minimalism ảnh hưởng đến hầu hết các loại hình nghệ thuật và công nghệ, tối giản đã trở nên phổ biến đến mức gần như trở thành một triết lý- một phong cách sống. Tối giản giải quyết các vấn đề trong cuộc sống chỉ với những yếu tố thật sự cần thiết, lược bỏ bất cứ điều gì được cho là dư thừa.



* Các đặc trưng của minimulism - Không gian âm lớn (Negative space): hường được gọi là không gian trắng, chỉ bất kì không gian không sử dụng trong thiết kế, các khoảng không gian trắng được tạo ra với kích thước đối ngược với các elements có trên nó để tạo ra khoảng nghỉ cho mắt người dùng - Hạn chế sử dụng màu sắc quá cầu kì: với phong cách này, thiết kế của bạn không nên sử dụng quá 4 màu sắc trong một hình, sao cho thực sự đơn giản và có điểm nhấn. Ngoài ra bạn nên tận dụng những màu trung tính trong logo của mình để tạo cảm giác có khoảng trống kết hợp cùng những gam màu nổi bật để thêm phần nhấn nhá. - Typography: sử dụng typography hay các thiết kế đồ họa dạng chữ giúp việc thể hiện nội dung chính trở nên tập trung và dễ dàng hơn thông những hiệu ứng hấp dẫn thị giác. Việc kết hợp hợp lí phần không gian âm bản với phần typography giúp dễ dàng thu hút sự chú ý và tạo không gian tuyệt vời cho các thiết kế typography hoa mỹ. - Đơn giản: Sử dụng các yếu tố đồ hoạ (visual element) một cách tiết chế, tránh những chi tiết rườm rà, thừa thãi


3. Phong cách Skeuomorphism Thuật ngữ "Skeuomorphism" xuất phát từ tiếng Hy Lạp: "skéuos" (vật chứa hoặc công cụ) và "morphḗ" (hình dạng). Kết hợp lại, nó có nghĩa là một cái gì đó để chứa một hình dạng? Theo Wikipedia, “Skeuomorph” nghĩa là một đối tượng được tạo mới nhưng vẫn giữ cấu trúc, đặc điểm thiết kế cần thiết của bản gốc, ngay cả những chức năng không cần thiết lắm.

Chúng ta hãy nhìn vào nền văn hóa Hy Lạp, nơi mà thuật ngữ "Skeuomorph" bắt nguồn. Chú ý đến những hình khối chiếc “răng” trên cấu trúc công trình này, chúng được trang trí để nhằm mô phỏng những chiếc bè gỗ được sử dụng để chống đỡ mái nhà trong các tòa nhà cũ. Suy đoán này được đưa ra bởi trước khi làm bằng đá cẩm thạch thì các công trình Hy Lạp được làm bằng gỗ, các kiến trúc sư đã mô phỏng hình dạng cũ bằng vật liệu mới để tạo cảm giác thân thuộc và truyền thống cho công trình. Từ Hy Lạp cổ đại đến những năm 1950, khi thân xe hoàn toàn bằng gỗ trở nên đắt đỏ và khó để các hãng duy trì sản xuất. Chevrolet đã thay thế bằng những tấm giả gỗ để có thể ổn định sản xuất và dành nguồn lực, vật liệu vào các bộ phận khác quan trọng hơn. Tương tự với chiếc ấm điện, kiểu dáng của nó dễ làm chúng ta liên tưởng đến một vật dụng truyền thống, đó là chiếc ấm uống trà bằng sứ hoặc kim loại.


Thông qua ví dụ này, chúng ta có thể đi đến một định nghĩa cơ bản: Skeuomorphism là phong cách thiết kế mô phỏng các vật liệu quen thuộc để gợi cảm giác quen thuộc hoặc thoải mái ở người tiêu dùng. Đặc điểm của phong cách Skeuomorphism •

Ưu điểm

- Cảm giác thân thuộc: việc bạn đã sử dụng một giao diện công cụ nào đó trong quá khứ khiến bạn ít cảm thấy lạ lẫm và sử dụng dễ dàng những thiết bị mới (được áp dụng Skeuomorphism) ngay từ lần đầu tiên. - Sự hấp dẫn về trực quan: phong cách này đem lại sự thích thú cho mắt và sự thú vị khi sử dụng, tưởng tượng xem bạn làm việc trên một màn hình cảm ứng nhưng những thao tác - Thiết kế chú trọng vào chi tiết, tỉ mỉ: để mô phỏng một vật liệu quen thuộc thường khá mất thời gian và phải làm tỉ mỉ từng chi tiết để tạo ra hiệu quả về trải nghiệm đúng nhất có thể. - Chất liệu lấy cảm hứng từ thực tế: dù chỉ là mô phỏng về mặt thị giác nhưng yếu tố này vẫn ảnh hưởng tới xúc giác và cảm xúc mạnh mẽ nhất.

Logo của instagram theo phong cách mô phỏng và phong cách phẳng • Nhược điểm - Giao diện theo skeuomorphism được thiết kế chi tiết tỉ mỉ nhưng đôi khi người dùng cảm thấy phức tạp. Đây là cảm giác dễ thấy khi mô phỏng 1 bảng điều khiển có quá nhiều nút hiệu chỉnh. - Nếu chỉ sản xuất các công cụ mới dựa trên thiết kế của các thiết bị cũ thì dần trở thành lối mòn, các nhà phát triển - nhà thiết kế sẽ không còn động lực để tạo ra những đột phá và đổi mới nữa. Như slogan của Apple “Think Different”. - Hạn chế về không gian-bố cục: vì mô phỏng thiết kế đến từng chi tiết nên khó có không gian để bố cục, bố trí, trong khi các thiết bị ngày nay đều hướng đến tối giản.



4. Phong cách Flat design Flat design – Thiết kế phẳng là một phương pháp không sử dụng thêm bất kỳ hiệu ứng nào để tạo ra giao diện hoàn toàn không có yếu tố 3D nào cả. Sẽ không có đổ bóng, góc xiên, dập nổi, độ dốc hay những yếu tố khác để làm tăng lên độ sâu, độ nổi của thiết kế trên màn hình. Thiết kế phẳng- Flat design không hoàn toàn không sử dụng hiệu ứng, nó chỉ thiếu các hiệu ứng tạo ra chiều sâu một cách nhân tạo, kể cả các thiết kế dạng “gần như phẳng”, nhìn chung giao diện vẫn có 1 ít hiệu ứng.

Đặc điểm của thiết kế phẳng

-

Không hiệu ứng

Giống như tên gọi của nó, thế giới phẳng, mọi thứ trong thiết kế này đều phẳng. Không có trang trí hay thêm thắt bất kỳ hiệu ứng (đổ bóng, dập nổi, độ dốc, góc xiên) hay yếu tố nào để tạo độ sâu… tất cả các chi tiết bạn nhìn thấy đều rõ ràng, mạnh mẽ, vững chãi. Không có gì được thêm vào để làm cho những chi tiết này sống động hơn, thật hơn. Sơ đồ thiết kế trong Flat design có sự phân chia rõ ràng, không chồng chéo lên nhau. -

Chi tiết đơn giản

Trong thiết kế phẳng, thường sử dụng nhiều các yếu tố đơn giản như icon và các nút… Nhà thiết kế thường dùng những hình dạng đơn giản như: hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật… tách biệt, những hình này có thể có đường viền hoặc được bo góc. Với những hình dáng đơn giản và tách biệt như vậy Flat design khiến người dùng tương tác dễ dàng, chỉ cần một click. Vì vậy, nhà thiết kế không phải giải thích nhiều trong thiết kế nhưng đòi hỏi họ phải tìm tòi, suy nghĩ và chọn lọc rất nhiều. Do đó, thiết kế phẳng không hề đơn giản và dễ thiết kế.


-

Tập trung vào Typography

Chính vì những chi tiết trong Flat design quá đơn giản nên phần Typography được đặc biệt được chú trọng. Font chữ trong Flat design thường không cầu kỳ, kiểu chữ nên đậm, cần phải phù hợp với toàn thiết kế; chủ yếu là các font Sans Serif (font không chân), nội dung của phần typography sẽ đi thẳng vào vấn đề. -

Tập trung vào màu sắc

Màu sắc là điểm đặc biệt quan trọng trong Flat design, đóng góp không nhỏ cho sự thành công của phong cách thiết kế này. Nếu như với các phong cách thiết kế khác, số lượng màu chỉ tầm 2-3 màu thì với Flat design, số lượng màu sẽ tăng lên thành từ 6 đến 8 màu. Đặc biệt, Flat design thường sử dụng những gam màu sáng, sắc độ sống động. Những màu của xu hướng retro như tím, xanh lá cây, xanh dương, màu hồng cam được sử dụng phổ biến. Mục đích của việc sử dụng nhiều màu sắc như vậy sẽ khiến cho Flat design có thể phân cấp thông tin và phân chia khu vực chứa thông tin rõ ràng.


-

Khắc phục điểm yếu của thiết kế Skeuomorphic

Skeuomorphic là phong cách thiết kế mô phỏng sao cho những chi tiết giống thật nhất có thể bằng cách sử dụng những hình ảnh dễ liên tưởng đến vật thể thực tế và áp dụng các hiệu ứng tạo độ sâu. Tuy nhiên, cách thiết kế này lại tồn tại khá nhiều bất cập khi đưa vào UX/UI: Do có quá nhiều hiệu ứng nên dao diện đôi khi khó quan sát và theo dõi. Mất nhiều không gian cho những chi tiết trang trí không cần thiết. Thiết kế Skeuomorphic thường đặt nặng tính hình ảnh với các trang trí bắt mắt, gây nên nhiều khó khăn cho nhà thiết kế. Sự sáng tạo bị hạn chế vì Skeuomorphic là cách thiết kế mô phỏng lại hình dạng trong thực tế. Vì vậy các nhà thiết kế không cần sáng tạo phá cách ra khỏi khuôn khổ mà tập trung nghĩ cách làm sao cho giống vật thật nhất có thể. Vì vậy các ý tưởng thường dễ trùng lặp.

Nguồn cảm hứng đến từ thiết kế phẳng - Flat design

Có rất nhiều ý kiến bàn luận xung quanh cái tên "Flat design"- thiết kế phẳng. Họ đặt ra rất nhiều cái tên cho nó như “thiết kế chân thực”,"thiết kế tối giản”, “công nghệ số đích thực” nhưng theo tôi, “thiết kế phẳng” sẽ là xu thế và được người dùng yêu thích và sử dụng để thiết kế ra các website chuyên nghiệp.



5.

Phong cách memphis

Phong cách Memphis là một trong những phong cách thiết kế ấn tượng nhất. Nó nổi tiếng với việc ứng dụng các gam màu neon tươi sáng, màu sơ cấp và pastel, dạng hình học và những họa tiết lớn lặp lại. Phong cách này đang cho thấy sự trở lại trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và minh họa bởi xu hướng hồi sinh của yếu tố những năm 80 và phong cách chủ nghĩa tối đa đem lại sự tươi mới và có liên kết. Phong cách Memphis là sự kết hợp của các phong cách thiết kế thịnh hành vào những năm 1980. Nó có thể vừa gây bối rối vừa có nét điên dại! Đây là phong cách thiết kế thật sự rạch ròi – mọi người sẽ rất yêu thích hoặc căm ghét nó.

+Ở Art Deco là những hình khối, hình vẽ cơ bản trong hình học. +Pop Art với những khối màu đối lập. +Cuối cùng 1950’s Kitsch là kết hợp nhiều màu sắc sặc sỡ, rối mắt.


Memphis với một tổng thể sử dụng những mô típ hình học rõ nét, pha trộn các chất liệu khác nhau, phối hợp những khối màu đối lập, tương phản rõ ràng, chúng kết hợp lại một cách ngẫu nhiên, bất quy tắc. Phong cách thiết kế này đã chứng tỏ, từ những cái đã cũ bạn vẫn hoàn toàn tạo ra được điều khác biệt. Đặc điểm của Thiết kế Memphis - Các mảng in đậm : Các mô hình hình học lặp đi lặp lại là một phần khác của phong cách Memphis. Thiết kế đồ họa này chứa nhiều hình dạng nhỏ như hình tam giác, hình vuông và hình tròn với nhiều màu tương phản khác nhau. Một số thiết kế có các hình dạng hình học được đặt một cách lộn xộn, góp phần tạo nên hình ảnh hỗn loạn đáng kể của nó. - Xung đột màu sắc : Thiết kế của Memphis có nhiều màu sắc và thường chứa sự pha trộn của các bảng màu retro, xung đột như neons, pastel và màu phẳng. - Sọc : Thiết kế của Memphis được biết đến với việc sử dụng sọc đen trắng một cách táo bạo. Những đường sọc này trong một biển màu mang đến một thẩm mỹ hoàn toàn tương phản mà vẫn tạo được sự vui nhộn và nhẹ nhàng.



BÀI TẬP ỨNG DỤNG Bài 1: Hệ thống lại các phong cách thiết kế đã được học, bao gồm giai đoạn, bối cảnh, đặc điểm, ưu nhược điểm của từng phong cách Bài 2: Tìm các vị dụ minh hoạ trong thực tiễn về ứng dụng của các phong cách thiết kế trên trong đời sống Bài 3: Ngoài các phong cách trên, còn một số phong cách nổi bật khác, anh chị hãy nghiên cứu và tổng hợp, so sánh các phong cách đó


BÀI 6

THỰC HÀNH TRẢI NGHIỆM CÁC PHONG CÁCH THIẾT KẾ

I.

KỸ NĂNG THỰC HÀNH: COLLAGE ART

Collage (bắt nguồn từ một từ trong tiếng Pháp “coller” có nghĩa là “dán”) là một kỹ thuật sáng tạo nghệ thuật chủ yếu áp dụng trong nghệ thuật thị giác, trong đó các tác phẩm được hình thành từ một tập hợp các thành phần và chất liệu khác nhau. Một tác phẩm collage có thể bao gồm những mẩu cắt ra từ các trang báo, tạp chí, những dải ruy băng, một vài mẩu giấy màu hoặc giấy handmade, một số trích đoạn từ các cuốn sách, vài tấm ảnh, hay bất kể đồ vật nào khác. Tất cả những thành phần trên được dán lên trên cùng một tờ giấy hay một tấm canvas.



II. SINH VIÊN CHUẨN BỊ - Kiến thức: o Ôn tập nội dung kiến thức bài 2, 3 về các trường phái hội hoạ trên thế giới o Ôn tập nội dung kiến thức bài 7, 8 về các phong cách thiết kế - Kỹ năng: o Kỹ năng cắt dán - Cách thức làm việc: Theo nhóm (từ 3-5 sinh viên), mỗi sinh viên 1 sản phẩm - Công cụ o Tạp chí, sách báo, hình ảnh cũ o Dao rọc giấy, kéo, băng dính 2 mặt o Bảng vẽ o Bút màu, bút vẽ các loại III.

NỘI DUNG THỰC HÀNH

Sinh viên sử dụng các hình ảnh thu thập được trong sách, báo, tạp chí, hình ảnh cũ để tạo thành 1 bản thiết kế theo 1 trường phái hoặc phong cách thiết kế đã được học.


BÀI 7

THU HOẠCH MÔN HỌC I. THU HOẠCH NHÓM - Báo cáo thu hoạch sau môn học: Anh/chị hãy tổng hợp kiến thức đã học được, lập 1 bản báo cáo kiến thức khái quát bản thân đã nhận được sau môn học o Hệ thống kiến thức o Các kỹ năng o Cảm xúc đối với môn học o Các sản phẩm của nhóm (ảnh chụp) II. THU HOẠCH CÁ NHÂN - Anh chị hãy thuyết trình về sản phẩm của mình, nêu ý tưởng, cách thức trình bày và đặt tên cho tác phẩm


PHỤ LỤC

BẢNG PHIÊN DỊCH CÁC THUẬT NGỮ STT

Thuật ngữ

Phiên dịch

Ghi chú


STT

Thuật ngữ

Phiên dịch

Ghi chú



Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.