Vietnam-Amsterdam Historische Banden Boek

Page 1

Quan hệ lịch sử

VIỆT NAMAMSTERDAM


Mục lục Lời nói đầu Tiền thân Công ty Đông Ấn Quinam Tonkin Samuel Baron Phan Huy Chú Nhiếp ảnh Biểu tình Ủy ban Y tế Amsterdam trợ giúp Hà Nội Âm nhạc Đại học

04 06 10 14 16 18 22 24 26 28 30 34

Người Việt ở Hà Lan

36

Heineken

38

Viện bảo tàng

40

Viếng thăm chính thức

44

Hợp tác

46

Nhà bưu điện Weltevreden ở thành phố Batavia trong Bataviaasch Album của Charles Theodore Deeleman vào năm 1859. Bộ sưu tập Viện bảo tàng Nhiệt đới.


Lời nói đầu Vào năm 1637 đã có cuộc gặp gỡ hy hữu giữa doanh gia Hà Lan Carel Hartsinck và nhà vua Tonkin, là vương quốc ở đàng ngoài của Việt Nam. Việt Nam lúc ấy còn khá xa lạ với Hà Lan – một xứ sở xa xăm lại có sức lôi cuốn các thương nhân Hà Lan đến đặt quan hệ thương mại. Cuộc diện kiến của Carel với nhà vua đã đem lại thành quả tốt đẹp, họ đã thỏa thuận về việc sẽ thành lập những thương điếm trong tương lai. Sau lần diện kiến nhà vua, Carel được nhà vua nhận làm con nuôi theo đúng phong tục và truyền thống Việt Nam. Việc nhà vua nhận làm con nuôi cũng thường xảy ra, nhưng đối với Hà Lan thì sự kiện này quả là đặc biệt. Nhờ những bài viết của Samuel Baron mà ngày nay chúng ta đã biết được

nhiều về Việt Nam vào thế kỷ thứ mười bảy. Là con trai của một thương nhân Hà Lan, lại có mẹ là một thương nhân Việt Nam, nên Baron có điều kiện tiếp xúc với cả người Việt lẫn người Hà Lan. Ông đã viết một quyển sách về nơi ông sinh trưởng với nhiều tranh minh họa rất đẹp để đem bán ở thị trường châu Âu. Khi viết quyển này, ông có niềm hãnh diện muốn miêu tả thật đúng về đất nước Việt Nam ‘của ông’. Ông không những viết về lịch sử Việt Nam, mà còn cả về hệ thống giáo dục ở đây. Giáo dục và kiến thức cũng là những chủ đề quan trọng trong ấn bản mang tên Quan hệ lịch sử, Việt Nam – Amsterdam này, để trình bày mối quan hệ giữa Amsterdam với Việt Nam. Vào lúc Việt Nam đang trong giai đoạn

Thắng cảnh Hội An ngày nay, xưa kia gọi là Faifo, nhìn từ sông Thu Bồn. Công ty Đông Ấn (VOC) thiết lập thương điếm tại đây vào năm 1637.

04


dầu xôi lửa bỏng ở thế kỷ thứ hai mươi, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, cư dân Amsterdam đã tỏ ra quan tâm đến nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến. Chương trình ‘Amsterdam trợ giúp Hà Nội’ đã đứng ra quyên góp tiền. Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam vào thời gian đầu đã gửi nhiều thuốc men sang Việt Nam. Về sau, những hoạt động này chuyển sang lãnh vực chuyển giao kiến thức và huấn luyện kỹ năng y khoa. Còn Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật cũng có quan tâm đến mặt trao đổi kiến thức. Hoạt động của Ủy ban này đã hình thành nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Đại học Amsterdam (UvA) và Đại học Hà Nội. Đại học Amsterdam và Đại học Hà Nội đã trao đổi sách vở và thiết bị, từ hoạt động này đã dẫn đến những quan hệ trao đổi khác. Quan hệ này vẫn

tồn tại bền bỉ cho đến nay. Tôi hy vọng là quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Khu đô thị Amsterdam về phương diện hữu nghị, thương mại, kiến thức và hợp tác sẽ là nền tảng cho những quan hệ mới trong tương lai, một mối quan hệ hợp tác và đối tác. Quan hệ này sẽ là điển hình cho một tương lai đầy lạc quan và năng động. Một tương lai trong đó Việt Nam sẽ hiếu khách tiếp đón Khu đô thị Amsterdam trong quan hệ kinh tế và văn hóa cũng như nhà vua Tonkin trước kia đã tiếp đón Carel Hartsinck như một người con trong gia đình. Mr. E.E. van der Laan Thị trưởng Amsterdam

05


Tiền thân Công ty Đông Ấn Vào năm 1601, người Hà Lan đã đặt chân đến bờ biển Việt Nam. Cuối thế kỷ thứ mười sáu đã có nhiều đoàn viễn chinh xuất phát từ Amsterdam để sang châu Á thăm dò khả năng thương mại. Vào năm 1600, một đoàn gồm sáu thuyền thuộc một công ty ở Amsterdam, là tiền thân của Công ty Đông Ấn, xuất phát về hướng đông. Hai thuyền trong đoàn này mang tên là Haarlem và Leiden đã đến bờ biển Quinam vào năm 1601, Quinam là địa danh mà người Hà Lan gọi Đàng Trong, nay là miền trung Việt Nam. Những thuyền này đặt dưới quyền chỉ huy của phó đô đốc Gaspar van Groesbergen, đang trên đường từ đảo Ternate thuộc Inđônêxia sang Trung Quốc. Vì Hà Lan cũng quan tâm đến tơ lụa và vàng ở Việt Nam, nên họ đã quyết định dừng chân ở Việt Nam. Phía Việt Nam không đồng ý, nên đã hạ sát 23 thủy thủ của đoàn và bắt đi viên chỉ huy Gaspar van Groesbergen. Về sau, nhờ đổi lấy hai khẩu thần công mà ông này được tha. Tuy thế, phía Hà Lan vẫn không từ bỏ ý định của mình. Họ chuyển hướng thuyền về phía bắc, đến một thành

phố mà người Bồ Đào Nha gọi là Faifo, hiện nay là Hội An. Tại đây, họ cẩn thận hơn. Thuyền Haarlem có thương nhân Jeronimus Wonderaer đi vào cảng, trong khi đó thuyền Leiden có viên chỉ huy là Van Groesbergen đỗ ở

ngoài khơi. Ở Faifo, Wonderaer được tiếp đón hết sức thân thiện. Ông được tạm trú ở nhà một thương nhân địa phương và đã nhờ một thông dịch viên nữ xin cho ông được diện kiến nhà vua. Nhà vua hứa là sẽ trừng phạt những ai quấy rối người Hà Lan

Đoàn thương thuyền trở lại cảng Amsterdam sau chuyến viễn chinh sang Đông Ấn lần thứ hai.

Một năm sau đó (1600), đã có nhiều thương thuyền xuất phát sang Việt Nam lần đầu tiên. Tranh

06

của Cornelis Vroom năm 1599. Bộ sưu tập Viện bảo tàng quốc gia Amsterdam.


và còn hứa là sẽ tạo điều kiện tối đa trong những thương lượng về thương mại. Năm tháng sau đó, Jeronimus Wonderaer ở lại Faifo để tổ chức việc thu mua tơ lụa. Đồng thời, ông cũng viết thư báo cho chỉ huy trưởng

Gaspar van Groesbergen, lúc ấy vẫn còn đỗ ngoài khơi, biết về những hoạt động trên bờ. Thương nhân Wonderaer và đoàn tùy tùng còn được nhà vua mời dùng bữa tối. Khi thấy người Việt ăn bằng đũa,

Wonderaer giải thích cho nhà vua là người Hà Lan chỉ biết ăn bốc. Ông được mời ăn nhiều loại hoa quả mà ông chưa bao giờ biết đến và ông thích uống rượu đế nhất. Wonderaer không dám uống nhiều, vì sợ say: “Tôi nói là tôi quen uống rượu vang, nên tôi biết uống đến mức nào là vừa, nhưng rượu của nhà vua thì tôi không lượng được khả năng của mình. Thấy thế, nhà vua cười và bảo là ngài sẽ đưa tôi về nhà, nếu tôi vì say rượu mà lăn ra ngủ. Nhưng cũng đừng giật mình, khi tỉnh dậy mà thấy một thiếu nữ đẹp nằm bên cạnh.” Wonderaer thưa là, việc ấy trước kia thì không sao, nhưng bây giờ ông đã già rồi, vả lại cũng còn có vợ con ở Hà Lan. Sự thương lượng của Jeronimus Wonderaer không đem lại kết quả gì. Về sau, Van Groesbergen biết là có một nhóm người Việt toan tính đột kích lên thuyền Hà Lan. Tuy phải vội vã bỏ chạy, nhưng những người Hà Lan này vẫn cố nhanh chân vơ vét của cải trong một ngôi làng. Phải đến ba mươi năm sau, Hà Lan mới tìm cách nối lại quan hệ thương mại với Việt Nam.

07


Họa sĩ Hendrick Goltzius lấy nguồn cảm hứng từ ngành hàng hải Hà Lan. Tranh vẽ vào năm 1605-1620. Bộ sưu tập Viện bảo tàng Quốc gia Amsterdam.

08


09


Quinam Cho dù những tiếp xúc ban đầu có khó khăn, nhưng Hà Lan vẫn quan tâm đến Việt Nam. Từ năm 1602, Công ty Đông Ấn (VOC) đã chiếm vai trò độc quyền kinh doanh tại châu Á, chỉ trong một thời gian ngắn công ty đã mở rộng mạng lưới kinh doanh và Việt Nam là một quốc gia có vị trí chiến lược. Vào năm 1632, một nhóm người Hà Lan đã chiếm đoạt thuyền của đối thủ cạnh tranh là Bồ Đào Nha. Về sau, thuyền này bị đắm ở vùng biển gần miền trung Việt Nam, còn gọi là Quinam (Đàng Trong). Nhà vua bắt những người Hà Lan bị đắm thuyền và tịch thu hàng hóa của họ. Một thương nhân Trung Quốc đề xuất với chúa là đem trả những người này về trụ sở chính của công ty Đông Ấn ở Batavia, hiện nay là thành phố Jakarta trên đảo Java, để mớm lời cho VOC đến đặt quan hệ thương mại với Quinam. Phía Hà Lan tỏ ra rất quan tâm đến lời mời này. Công ty Đông Ấn liền cử nhiều thuyền sang và đến năm 1637 đã mở một thương điếm ở cảng Faifo, hiện nay là Hội An. Ở Faifo, người Hà Lan gặp được các thương nhân từ nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á đến đây giao thương. Một trong những món hàng mà Công ty Đông Ấn đem giao cho thương nhân Trung Quốc là hạt tiêu, ngoài ra còn đem ngọc trai thô, tơ lụa và bông vải từ Coromandel, một thành

10

phố ở phía đông nam Ấn Độ, và len từ châu Âu. Hà Lan mua chủ yếu là tơ lụa để giao thương với Nhật, nhưng cũng mua cả gỗ đàn hương, đinh hương, các loại hạt, chì và vàng. Cùng lúc đó, thì Hà Lan cũng có quan hệ giao thương với Tonkin (Đàng Ngoài), là vùng lãnh thổ phía bắc Việt Nam hiện nay, lúc ấy đang có tranh chấp với Quinam. Quan hệ giao thương với Tonkin mang lại kết quả tốt hơn là ở Faifo. Điều này gây căng thẳng cho phía Hà Lan với Chúa Nguyễn ở Quinam. Mối căng thẳng này lại càng gia tăng, khi Công ty Đông Ấn đặt liên minh quân sự với Tonkin. Vì có nguy cơ cho nhân sự và tài sản cho Công ty Đông Ấn ở Faifo, nên vào năm 1638 Công ty này chấm dứt quan hệ thương mại với Quinam. Những năm sau đó xảy ra chiến tranh, với cả một trận hải chiến giữa Công ty Đông Ấn và Quinam – trong trận hải chiến này phía Hà Lan đã thua thậm tệ. Mãi đến năm 1651 mới tạo được hòa hoãn và hai bên ký một thỏa ước mậu dịch mới. Tuy thế, Chúa Nguyễn vẫn có mối nghi ngờ. Chúa cho bắt năm người Hà Lan làm việc ở thương điếm và dọa sẽ chặt đầu họ tại chợ Faifo. Đến phút cuối, Chúa mới ra lệnh tha. Từ đó, Hà Lan quyết định chỉ giao thương với Tonkin và thương điếm ở Faifo phải đóng của vào năm 1652. Đúng một trăm năm sau, Công ty


Đông Ấn mới cố đặt lại quan hệ giao thương với Faifo, vì nơi này vẫn là điểm quan trọng trên tuyến đường từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Công ty gửi biếu chúa Nguyễn một cỗ xe ngựa kiểu Hà Lan, nhiều tấm gương, tranh và các loại chim, trị giá lên đến 5500

gulder. Sau đó, Hà Lan lại được phép mở thương điếm ở Faifo, trong một thời gian ngắn Hà Lan đã thu mua nhiều vàng và đường mía để bán sang Tích Lan và Surat ở Ấn Độ. Đến năm 1756, Công ty Đông Ấn vĩnh viễn rút khỏi Faifo.

Bản đồ Tonkin vào năm 1681. Đoàn thương thuyền Hà Lan đỗ gần bờ biển. Bộ sưu tập Viện bảo tàng

Quốc gia Amsterdam.

11


Tonkin và Quinam trên bản đồ thực hiện vào thế kỷ 17. Ở vùng vịnh phía bên dưới bản đồ là thành phố mang tên Faifou (Hội An) được viết theo lối thư pháp.

12


13


Tonkin Vào năm 1637, Công ty Đông Ấn cử thuyền đến Tonkin, miền bắc Việt Nam, để thăm dò khả năng thiết lập quan hệ mậu dịch. Tonkin tỏ ra quan tâm đến giao dịch thương mại với Hà Lan. Chẳng bao lâu sau, Carel Hartsinck từ thương điếm Hà Lan ở Đài Loan đã sang Tonkin để thiết lập một thương điếm. Sau một tháng thương lượng, Hartsinck được diện kiến chúa Trịnh Tráng. Chúa Trịnh không những đón tiếp Hartsick nồng hậu mà còn nhận làm con nuôi. Hartsinck hứa với Chúa Trịnh là VOC chỉ lo việc mậu dịch, chứ không có mục đích chiếm lãnh thổ.

Những năm đầu, Hà Lan kinh doanh ở Phố Hiến, thuộc tỉnh Hưng Yên. Sau đó, chuyển về kinh thành Thăng Long, nay là Hà Nội. Công ty Đông Ấn nhập khẩu bạc, tiền đồng và vũ khí như súng thần công và đạn dược. Công ty chủ yếu lo mua vào tơ lụa sản xuất tại địa phương, rồi xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc xuất khẩu tơ lụa từ Tonkin sang Nhật gia tăng mạnh từ năm 1641 đến năm 1654. Trong thời gian này, VOC vận chuyển từ Tonkin sang Nhật một số lượng tơ lụa trị giá 3 triệu rưỡi gulder, chiếm hơn bảy mươi phần trăm lợi nhuận của thương điếm Hà Lan ở Deshima, Nhật Bản. Sự hiện diện của Hà Lan là một động lực quan trọng thúc đẩy mậu dịch và tạo công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa ở Việt Nam. Số người Hà Lan làm việc ở thương điếm Thăng Long có từ chín cho đến mười bốn người. Người đứng đầu thương điếm thường là cư dân Amsterdam. Như Cornelis Valckenier, sinh trưởng trong một gia đình danh tiếng ở Amsterdam, đã đứng đầu thương điếm từ năm 1667 đến năm 1672. Vào năm 1660, lúc mới hai mươi tuổi, Cornelis đã bắt đầu làm kế toán trên một thuyền của Công ty, nhưng khi ông sang châu Á thì đà thăng tiến rất nhanh.

Quyết định đề bạt Cornelis Valconier làm trưởng thương điếm ở Tonkin. Làm ngày 4 tháng 5 năm 1667. Bộ sưu tập Viện bảo tàng Nhiệt đới.

14


Lúc trở về Hà Lan vào năm 1675, ông đã lên đến chức đô đốc. Ông mua một dinh thư trong khu phố sang trọng Kloveniersburgwal tại Amsterdam. Ít lâu sau, thì vào ban lãnh đạo thành phố, Cornelis Valckenier làm thị trưởng Amsterdam trong những năm 1696 và 1699. Hàng năm, thuyền Hà Lan đến Tonkin vào cảng Đò Mè, ở huyện Tiên Lãng gần thành phố Hải Phòng hiện nay. Mùa thương mại kéo cho đến tháng bảy. Theo như nhà mạo hiểm người Anh William Dampier thì những thủy thủ Hà Lan có quan hệ tốt với người Việt: “Họ cảm thấy như ở nhà, vì người Đàng Ngoài nói chung rất là thân thiện”. Thuyền của người Việt vận chuyển

hàng hóa vào đồng bằng sông Hồng, giữa Đò Mè và Thăng Long. Khi ở Tonkin, Công ty Đông Ấn cũng có khi bị thất bại. Lúc đầu, Hà Lan trợ giúp Chúa Trịnh trong cuộc chiến dai dẳng với Quinam, nhưng khi liên minh quân sự này chấm dứt, thì quan hệ trở nên tồi tệ. Vào năm 1693, Chúa Trịnh bắt giam người đứng đầu thương điếm Hà Lan, vì ông này đã không đem được phẩm vật như Chúa yêu cầu. Một trong những món ấy là hổ phách. Ngoài ra, sự thất bại cũng có nguyên nhân là vì thiên tai, tình trạng khan hiếm tiền đồng và vì mậu dịch tơ lụa với Nhật Bản bị kiệt quệ. Vào năm 1699, VOC đã đóng cửa thương điếm ở Tonkin.

Chân dung Carel Hartsinck trên bản khắc của Jacob Houbraken vào năm 1747-1759. Bộ sưu tập

Viện bảo tàng Quốc gia Amsterdam.

15


Samuel Baron Một trong những người đầu tiên đem kiến thức sâu sắc về Việt Nam sang châu Âu là Samuel Baron. Ông có mẹ là người Việt và cha là người Hà Lan mang tên Hendrik Baron, là viên chức của Công ty Đông Ấn ở Việt Nam. Theo tư liệu của công ty, thì ông này “cư trú đã lâu ở Tonkin và nói thạo tiếng Việt”. Khi ở Tonkin, Hendrik Baron có quan hệ với một phụ nữ và trong quan hệ này đã sinh ra Samuel. Thời gian ấy, những phụ nữ là thương nhân thường có quan hệ riêng tư với thương nhân Hà Lan, để đảm bảo quyền lợi của mình. Sau thời gian ở Tonkin, Hendrik Baron vào năm 1651 đã có một thời gian ngắn làm trưởng thương điếm Hà Lan ở Faifo, nay là Hội An, thuộc Quinam. Năm 1660, ông làm trưởng thương điếm ở Tonkin cho đến năm 1664 thì ông mất. Trước khi ra Hà

Nội lần cuối, ông đưa con trai mình lên thuyền về Hà Lan vào năm 1659. Năm 1672, Samuel Baron trở lại Tonkin, nhưng lại làm việc cho người Anh, là đối thủ của Hà Lan. Năm 1680, ông có khắc tên mình trên những phiến đá bên bờ sông Đáy, là một nhánh của sông Hồng. Dấu khắc này vẫn còn thấy được đến tận thế kỷ thứ mười chín. Cũng trong năm ấy, xuất hiện bản dịch tiếng Anh của một quyển sách viết về Việt Nam của tác giả người Pháp tên là JeanBaptiste Tavernier. Khi ấy một số bạn bè của Samuel Baron ở Luân Đôn có hỏi ý kiến ông. Vì Tavernier chưa bao giờ đến Việt Nam, nên chỉ dựa vào những câu chuyện do người khác kể lại, nên quyển này có rất nhiều điều bất cập. Thay vì đi sửa lỗi của người khác, Samuel Baron quyết định tự tay

Tranh miêu tả Hà Nội (còn gọi là Cha-Cho hay Kẻ Chợ), theo sách của Samuel Baron năm 1732.

16


viết một tác phẩm về Việt Nam, ông bảo tốt nhất nên viết một tác phẩm mới để miêu tả về Tonkin – “không những là nơi tôi chào đời, mà còn là nơi mà tôi đã giao du với nhiều hạng người trong xã hội”. Không những Samuel Baron có nhiều kiến thức về Việt Nam, ông còn biết học hỏi cả kiến thức của các trí thức người Việt. Ông có thể kể rành rọt về lịch sử và về hệ thống giáo dục ở Việt Nam, cũng như về thực vật và động vật – ông bảo là người Việt rất ham học. Baron miêu tả là cam ở Việt Nam là ngon nhất và điều Tavernier viết là người Tonkin thích ăn rùa và bữa tiệc nào cũng không thiếu món rùa là sai, cũng không hề có việc Việt Nam và Xiêm La đánh nhau vì dành bắt rùa. Ông miêu tả cả về tổ chức hành chính và chính

trị của Việt Nam, cũng như về nghi lễ cung đình. Vào năm 1682, Baron chứng kiến lễ tang Chúa Trịnh Tạc, nhờ vậy mà ông có thể miêu tả về điều này rất chi tiết. Ngoài ra, ông còn tả lại những sinh hoạt thường ngày, về Nho giáo và Phật giáo, cũng như về bùa chú và tâm linh. Samuel Baron viết một phần của quyển sách ngay tại Việt Nam, nhưng hoàn tất vào năm 1685 tại Madras, Ấn Độ, nơi ông công tác khi ấy. Đó là lý do tại sao ông gửi quyển ‘Description of the Kingdom of Tonqueen’ về Luân Đôn, để mãi đến năm 1732 mới được Atwnsham and John Churchill xuất bản trong bộ ‘A Collection of Voyages and Travels’. Nhờ vậy mà người châu Âu lúc ấy mới biết được chính xác về Việt Nam.

17


Phan Huy Chú Vào thế kỷ thứ mười tám và đầu thế kỷ thứ mười chín, các vua chúa Việt Nam thường gửi các sứ giả sang các thương điếm của người Âu ở châu Á. Các sứ giả này không những phải lo mua vũ khí và các hàng hóa khác, mà còn phải điều trần lên nhà vua về những người Âu. Vào mùa đông năm 1833, một sứ bộ khởi hành trên ba thuyền buồm lớn từ Việt Nam sang Tân Gia Ba (Singapore) và Giang Lưu Ba (Batavia) là tổng hành dinh của Hà Lan ở phương Đông. Một trong các sứ giả hiện diện tên thuyền là nhà bác học nổi tiếng Phan Huy Chú. Ông đã ghi lại về chuyến công cán này trong tập Hải Trình Chí Lược, trong đó ông miêu tả một hình ảnh sống động về người Hà Lan. Phan Huy Chú đánh giá rất cao Batavia:

“Từ bến cảng trở lên, nhà ngói chen chúc ước tới vài mươi dặm. Hai bên đường thì nhà lầu đối nhau, hàng hóa la liệt. Dọc theo phố có những con kinh thông với cảng; thuyền bè qua lại, trên bộ xe ngựa nối nhau đi như giòng nước chảy; có những ông mặc áo trắng như tuyết ngồi trên xe có nệm hoa.” Phan Huy Chú để ý đến quần áo trắng hơn cả. Vì ở Việt Nam màu trắng là màu của tang chế. Còn về cách giao tiếp của người Hà Lan cũng khác hẳn phong tục người Việt chịu ảnh hưởng Nho giáo và tôn ty đẳng cấp trong xã hội. Phan Huy Chú quan sát thấy là người Hà Lan ở Batavia quý phụ nữ, coi trọng quần áo và đồ trang sức của nữ giới. “Mỗi

Xe cộ trên quảng trường Waterloo ở Batavia. Tranh thạch bản năm 1842. Bộ sưu tập Viện Hoàng gia Hà Lan Nghiên cứu về Đông Nam Á và Caribbe (KITLV).

18


khi đi ra ngoài, lúc lên xe thì chồng đỡ vợ lên trước. Khi có khách đến nhà chơi, thì phụ nữ tiếp chuyện cười nói thân mật; không có thói phải lánh mặt trong buồng riêng, đó cũng là do tập tục vậy.” Còn phụ nữ ở Việt Nam thì phải phục tùng chồng. Người Hà Lan còn có quan hệ rất giản dị, Phan Huy Chú nhận xét: “Họ không chuộng đẳng cấp, quyền uy. Khi lên xe, khi ngồi ghế thì quan và dân đều ngang hàng nhau. Lúc chào nhau thì chỉ bắt tay nhau bằng tay phải để tỏ lòng kính trọng. Người dưới yết kiến người trên, không có khúm núm.” Phan Huy Chú tỏ ra ngưỡng mộ những sản phẩm công nghiệp của người Hà Lan. Ông miêu tả máy cưa gỗ, còn về tàu thủy chạy bằng hơi

nước ông kể như sau: “Không cần nhờ gió thổi vào cánh buồm: chỉ trong khoảnh khắc tàu chạy về hướng nào cũng được. Từ bờ biển trông ra xa, đã thấy thần kỳ”. Ông muốn giải thích hoạt động của nhiều máy móc kỳ diệu, nhưng không thể nào kể hết được: “Đồ dùng của Hà Lan đại khái đều tinh xảo. Ví như đồng hồ và tàu chạy bằng hơi nước đều gần như đoạt cái khéo léo của tạo hóa. Máy móc bên trong tinh vi, bí mật khó hình dung được”. Vào thế kỷ thứ mười tám, đã có một người Việt sang Hà Lan để học nghề làm đồng hồ. Phan Huy Chú chỉ có một băn khoăn là người Hà Lan không biết đến lễ giáo của Nho học, nên “tuy họ tài khéo trăm thứ, cuối cùng cũng bị liệt vào hàng Man Di”.

19


20


Hai đoàn diễu hành ở Tonkin theo tranh vẽ trong sách của Samuel Baron. Bên trên là cảnh nhà vua ngồi trên kiệu có voi, nhã nhạc và 'thân binh' theo hầu. Bên dưới là cảnh một đám tang. 1732.

Bộ sưu tập Thư viện Anh.

21


Nhiếp ảnh Vào năm 1904, Jan George Mulder, lúc ấy 35 tuổi, đã từ thành phố Haarlem, nằm ở phía tây Amsterdam, sang Việt Nam. Vì ông của Mulder là một nhà nhiếp ảnh, nên Mulder cũng đem theo một máy ảnh. Khi đến Đông Nam Á, ông đã chụp được hàng nghìn bức ảnh. Những ảnh chụp ở Việt Nam miêu tả hình ảnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ hai mươi. Lúc ấy, Việt Nam là một phần lãnh thổ trong khối Đông Dương thuộc Pháp. Sang Việt Nam, Jan George Mulder làm cho một đại công ty Đức mang tên là Speidel & Co. Người sáng lập công ty là Carl Theodorff Speidel, cũng là lãnh sự cho Hà Lan tại Việt Nam. Speidel buôn bán gạo, hàng gia dụng và được

nhượng quyền phân phối dầu hỏa. Jan George Mulder làm tại công ty này trong vai trò là đại diện công ty liên doanh Anh-Hà Lan Asiatic Petroleum Company (APC). Một trong những sản phẩm của công ty này là đèn dầu mang thương hiệu Crown Oil. Dầu hỏa bán rất chạy, những thùng thiết đựng dầu sau đó được dùng vào việc khác trong nhà bếp. Mulder ăn nên làm ra ở Việt Nam. Jan George Mulder cư ngụ ở thành phố cảng Hải Phòng, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Trong thời kỳ này, Hải Phòng giống như một tỉnh lẻ lặng lẽ ở Pháp. Vào năm mà Mulder đến, thì Hải Phòng có khoảng mười tám nghìn người Việt, sáu nghìn người Hoa và khoảng một

Jan George Mulder ngồi trên kiệu, ảnh chụp khoảng năm 1904 - 1908. Bộ sưu tập Lưu trữ Quốc gia Hà Lan.

22


nghìn người Âu, chủ yếu là người Pháp. Mỗi sắc dân ở một khu riêng. Jan George Mulder sống trong khu phố tây của Hải Phòng. Trong thời gian bốn năm ở đó, ông đã chụp nhiều ảnh về những sinh hoạt trong nhà, cũng như ở chung quanh nhà. Có bức ảnh bà quản gia, mặc áo lụa và đeo kiềng bạc, đứng bên thềm nhà, cho thấy vai trò quan trọng của bà trong gia đình. Ông còn chụp phòng làm việc và tự chụp ảnh mình lúc ngồi ở bàn với những chủ thuyền người Trung Hoa đảm trách việc chuyên chở đèn dầu đến khắp vùng đồng bằng, rồi ông còn chụp kho chứa những thùng dầu và đèn dầu ở bến cảng. Mulder thường đi chơi về vùng nông thôn, thăm những đền chùa và đi

săn vịt. Ông rất thích ra vịnh Hạ Long và bãi biển Đồ Sơn, lúc ấy chỉ là một bãi tắm nhỏ, cách Hải Phòng hai mươi cây số, tại đây ông chụp ảnh mình đội nón cối ngồi trên kiệu tre có các phụ nữ khênh; những phụ nữ này được chủ khách sạn thuê để khênh cáng cho khách du lịch người Âu và những người Việt giàu có đi chơi biển, gọi là ‘phu cáng Đồ Sơn’. Từ Hải Phòng, Jan George Mulder cũng có vài lần lấy thuyền ra Hà Nội và một lần đi thăm đền Angkor Wat danh tiếng ở Cam Bốt. Khi Mulder trở về Hà Lan vào năm 1908, thì đất nước mà ông đã ghi lại bằng hình ảnh đang có sự chuyển mình và đang bắt đầu có những dấu hiệu của phong trào nổi dậy chống thực dân Pháp.

Mulder chụp ảnh bà quản gia đứng bên thềm nhà. Bộ sưu tập Lưu trữ Quốc gia Hà Lan.

23


Biểu tình Cuộc chiến có sự tham gia của người Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên mà người Hà Lan có thể theo dõi thường xuyên trên truyền hình. Cuộc chiến này đã thâm nhập vào phòng khách của từng gia đình và do đó ai cũng có nhận định riêng. Dư luận xã hội lúc đầu còn khác biệt. Vì thực chất, Hà Lan là đồng minh của Mỹ, nên Hà Lan hậu thuẫn cuộc chiến nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Nhưng khi bạo lực ngày một gia tăng ở Việt Nam, thì Hà Lan tỏ ra bức xúc đối với sự can thiệp của Mỹ ngày một nhiều. Amsterdam là một trong những thành phố đầu tiên có những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1965, hầu như tuần nào cũng có hoạt động của giới trẻ và của các tổ chức cánh tả chống chiến tranh. Có một nhóm nhỏ thường xuyên biểu tình trước lãnh sự quán Mỹ tại Amsterdam. Vì xỉ nhục một lãnh đạo nước bạn có thể bị phạt tiền nặng và ngay cả bị bỏ

tù, nên những người biểu tình không thể hô khẩu hiệu gọi tổng thống Mỹ là kẻ sát nhân (Johnson moordenaar); nên họ gọi nhại ra là ‘Johnson molenaar’ (chủ cối xay). Càng về sau, thì số người tham gia ngày một đông, đa số là nghệ sĩ và giới trí thức, có cả các nhà thần học và mục sư. Vào tháng 12 năm 1966, hàng trăm linh mục và mục sư đi biểu tình ở Amsterdam với khẩu hiệu ‘Vâng lời Chúa, hãy dừng tay ở Việt Nam’. Từ năm 1967 thì phong trào chống chiến tranh rộng khắp hơn. Thông qua phương tiện truyền thông, ai cũng có thể biết được về tình trạng tuyệt vọng của cuộc chiến ở Việt Nam và về sức hủy hoại kinh khủng của các trận dội bom của Mỹ xuống miền bắc Việt Nam. Một cư dân thành phố Amsterdam là ông Piet Nak, trong thế chiến thứ hai ông là một trong những người đứng ra tổ chức cuộc Đình Công Tháng Hai để chống lại việc Đức Quốc xã bức hại người Do Thái. Nay ông đứng ra thành lập Ủy ban Việt Nam và tổ chức hai

Một bức tường chắn bị vẽ khẩu hiệu vào lúc đang xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Amsterdam. Tranh của F. Müller năm 1972. Lưu trữ thành phố Amsterdam.

24


cuộc biểu tình rộng lớn vào tháng 5 và tháng 10 năm 1967. Cuộc biểu tình lần thứ nhất có sự tham gia của mười nghìn người, còn cuộc biểu tình lần thứ hai có đến mười lăm nghìn người tham gia. Họ thuộc mọi lứa tuổi và mọi thành phần trong xã hội. Từ đó, các chính trị gia cũng bắt đầu có cái nhìn phê phán về cuộc chiến và hoài nghi về sự ủng hộ Mỹ của chính phủ Hà Lan. Khi chiến cuộc trở nên khốc liệt hơn, thì càng ngày càng có nhiều người chống lại sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam. Một số cuộc biểu tình lớn được tổ chức tại Amsterdamse Bos, là một khu rừng nhân tạo ở phía tây nam Amsterdam. Cuối tháng 4 năm 1972, Ủy ban Thanh Niên Vì Việt Nam tổ chức tại đây một cuộc biểu dương lớn để phản đối chính phủ Hà Lan tiếp tục ủng hộ Mỹ. Dù trời mưa tầm tã, nhưng vẫn có đến hơn mười hai nghìn người tham dự, có mấy mươi ban nhạc và các đoàn kịch đến trình diễn, có phát biểu của nhiều chính trị gia cánh tả nổi tiếng. Về sau,

địa điểm tổ chức ở bìa rừng này được gọi là Cánh đồng Việt Nam và tiếp tục có nhiều cuộc biểu dương chống chiến tranh Việt Nam. Nơi này hiện nay là sân chơi quần vợt. Sau khi Hà Nội và Hải Phòng bị đánh bom khốc liệt vào tháng 12 năm 1972 – có tên gọi là ‘Noel trong bom đạn’ – thì ở Hà Lan lại dấy lên một làn sóng chống chiến tranh. Đầu năm 1973, có một trăm nghìn người tham gia biểu tình chống chiến tranh ở Amsterdam. Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Norbert Schmelzer đã phản đối hành động của Mỹ. Trận đánh bom này mở màn cho sự tàn lụi của cuộc chiến. Hiệp định Paris về Hòa bình được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973.

1. Tiểu thuyết gia nổi tiếng Jan Wolkers biểu tình đòi quyền tự chủ cho Việt Nam vào năm 1968.

Ảnh J. Klok. Lưu trữ Spaarnestad.

2. Piet Nak trương khẩu hiệu kêu gọi biểu tình. Ảnh năm 1967. Lưu trữ Spaarnestad.

25


Ủy ban Y tế Vào tháng 11 năm 1968, có ba bác sĩ Hà Lan đứng ra thành lập ra Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam. Phẫn nộ về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, các bác sĩ này cho là ngoài những cuộc biểu tình cũng cần có sự trợ giúp trực tiếp đến người Việt Nam. Thoạt tiên chỉ định quyên góp thuốc men và thức ăn cho trẻ em, nhưng có rất nhiều người muốn đóng góp tiền cho Ủy ban để tỏ tình đoàn kết tương trợ với Việt Nam. Trong những năm đầu, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã nhận được 120.000 đồng Hà Lan. Về sau, số tiền đóng góp hàng năm tăng lên gấp bội. Số hội viên cũng gia tăng: trong vòng năm năm số hội viên đã lên đến năm nghìn người. Một tàu chở thuốc men, dụng cụ y tế và

sữa đã đến cảng Hải Phòng lần đầu tiên vào năm 1969. Những năm sau đó có những chuyến đi tương tự, thể theo yêu cầu của Bộ Y tế Việt Nam. Vào năm 1973, Ủy ban Y tế quyết định gửi cả một bệnh viện sang Việt Nam. Những cấu kiện được sản xuất vào mùa hè năm 1974 và được gửi bằng tàu trong 380 thùng gỗ to. Bệnh viện được lắp ráp ở Đông Hà, là thành phố chính của tỉnh Quảng Trị, ở miền trung, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Bệnh Viện Hà Lan chính thức hoạt động vào năm 1977 và là bệnh viện duy nhất của tỉnh trong hơn hai mươi năm. Khi Đông Hà có được một bệnh viện mới vào thập niên chín mươi, thì bệnh Viện Hà Lan trở thành Trường Trung cấp Y tế. Vào năm 2004, bệnh viện phần lớn được tháo gỡ. Phần còn lại được lưu trữ trong Viện bảo tàng Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam.

1. Những kiện thuốc men nhận từ Hà Lan vào năm 1970. Lưu trữ Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam. 2. Tải những kiện thuốc men khẩn cấp lên máy bay để gửi sang Việt Nam vào năm 1967. Lưu

26

trữ Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam.


Sau chiến tranh, Ủy ban Y tế tiếp tục trợ giúp Việt Nam, trong lúc Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt hại do hậu quả của chiến tranh và nhiều năm bị cô lập. Hơn nữa trong thời gian ấy, Việt Nam còn bị tàn phá bởi thiên tai. Nhiều người Hà Lan ngưỡng mộ lòng kiên trì của người Việt trong quá trình xây dựng lại đất nước và tỏ tình đoàn kết bằng cách tiếp tục đóng góp. Trong một thời gian dài, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã đặt trọng tâm vào chương trình bài trừ lao và sốt rét, sau đó tham gia chương trình bài trừ sốt xuất huyết. Hiện nay, Ủy ban thực hiện những dự án về y tế và xã hội cho những người Việt không được hưởng những thành tựu phát triển của đất nước và do đó rất cần sự trợ giúp hơn ai hết. Ủy ban cũng quan tâm đến cung cấp thông tin, đào tạo và tư vấn cho những cán bộ y tế địa phương: thêm nhiều bác sĩ, y tá và thêm

nhiều trạm y tế ở những vùng sâu và vùng xa. Ủy ban Y tế hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế tại Việt Nam và tiếp xúc trực tiếp với dân. Vì thế, ba trụ sở của Ủy ban tại Việt Nam: Hà Nội, Đông Hà và Nha Trang có các nhân viên người Việt và các chuyên gia Hà Lan. Trụ sở chính của Ủy ban Y tế đặt tại Amsterdam.

1. Áp phích quyên góp xây dựng một bệnh viện ở Việt Nam vào năm 1973. Lưu trữ Ủy ban Y tế Hà

Lan-Việt Nam.

2. Toàn cảnh bệnh viện của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam vào năm 1977. Lưu trữ Ủy ban Y tế

Hà Lan-Việt Nam.

27


Amsterdam trợ giúp Hà Nội Sau hiệp định hòa bình vào tháng giêng năm 1973, quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Ngay sau đó, nhiều thành phố ở Hà Lan đã tổ chức những hoạt động nhằm trợ giúp tái thiết miền bắc. Vì cũng là thủ đô, nên Amsterdam đã chọn trợ giúp cho Hà Nội. Vào tháng tư năm ấy, Ủy ban thành phố Amsterdam đã gửi thư đến Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết là cư dân thành phố Amsterdam muốn tỏ tình đoàn kết với nhân dân Hà Nội đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề trong chiến tranh. Amsterdam sẵn lòng trợ giúp tái thiết Hà Nội. Ủy ban ‘Amsterdam trợ giúp Hà Nội’ đã đi quyên góp tiền bạc. Trong lúc thị trưởng Ivo Samkalden đến Paris để thảo luận với phái đoàn Việt Nam, xem hình thức trợ giúp nào thì đáp ứng đúng với tình hình thực tế, thì phó thị trưởng Amsterdam Han Lammers khai mạc tuần lễ quyên góp với lời phát biểu kêu gọi cư dân Amsterdam đoàn kết với nhân dân Hà Nội và kêu gọi mọi người đóng góp hào phóng “để nhân dân Hà Nội có thể khẳng định ý nguyện hòa bình, mà họ đã nhiều năm anh dũng chiến đấu cho mình và cho các thế hệ mai sau”. Ông Lammers cho rằng người Mỹ muốn sử dụng bom đạn để khuất phục, ngăn chặn và ngay cả dập tắt phong trào giải phóng tại Việt Nam. Nhưng họ đã không thành công. “Cuối cùng thì Việt Nam, sau mấy mươi năm bị áp bức và đã vùng

28

dậy, nay có quyền tự quyết của một quốc gia độc lập”. Bây giờ thì cư dân của Amsterdam có thể đóng góp để tái thiết thành phố Hà Nội đã bị chiến tranh tàn phá. Hoạt động ‘Amsterdam trợ giúp Hà Nội’ đã quyên góp được hai trăm nghìn đồng Hà Lan. Ngoài ra, thành phố Amsterdam còn trợ giúp chuyên gia kỹ thuật cho Hà Nội. Amsterdam muốn giúp đỡ xây dựng cầu đường, hệ thống thoát nước và dẫn nước, hay khảo sát đất đai. Đất đai ở Amsterdam cũng giống như ở Hà Nội, nên Amsterdam cũng đã có kinh nghiệm. Đại học Amsterdam cũng muốn hợp tác với Đại học Hà Nội. Hà Nội tỏ ra phấn khởi đối với sự trợ giúp này, nhất là vì sự trợ giúp này mang ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần lẫn chính trị cho thành phố. Kết quả lớn nhất của hoạt động ‘Amsterdam trợ giúp Hà Nội’ là sự thành lập trường Hà Nội-Amsterdam vào tháng 9 năm 1985. Trường này nhanh chóng trở thành một trong những trường công lập quan trọng nhất ở thành phố Hà Nội và nổi tiếng nhờ có chương trình giảng dậy với chất lượng tốt, có tỷ số học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc cao và được vào những trường đại học lớn ở Việt Nam và nước ngoài. Vào năm 2010, khi Hà Nội kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long và nhà trường kỷ


niệm 25 năm, thì nhà trường có được địa điểm mới cho khoảng 2500 học sinh. Trong năm ấy, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội cũng đã có sáng kiến hợp tác giao lưu giữa trường Hà Nội-Amsterdam với trường Barlaeus Gymnasium, là một trong những trường giỏi nhất tại Amsterdam. Một phái đoàn trường ở Amsterdam đã đến thăm trường ở Hà Nội. Một năm sau, đã có một số học sinh Việt Nam sang thăm Amsterdam. Nhờ vậy đã có được một truyền thống mới. Năm 2013 lại có một số học sinh trường Barlaeus Gymnasium đến thăm trường Hà Nội-Amsterdam, để thổi lên một luồng gió mới trong quan hệ giữa Amsterdam và Hà Nội.

1. Áp phích chương trình "Amsterdam trợ giúp Hà Nội" vào năm 1973. Bộ sưu tập Viện Nghiên cứu

Quốc tế về Lịch sử Xã hội.

2. Ảnh các học sinh và giáo viên của trường Hà Nội-Amsterdam trong chuyến tham quan Amsterdam.

29


Âm nhạc Vào năm 1974, nhạc sĩ nổi tiếng Trần Văn Khê đã cùng với con trai và con gái sang Hà Lan để giao lưu âm nhạc. Đây là sáng kiến của nhà soạn nhạc Hà Lan Ton de Leeuw, công tác tại Nhạc viện Sweelinck ở Amsterdam. Nhà soạn nhạc này rất quan tâm đến âm nhạc phương đông. Do đó, ông tổ chức liên hoan Musicultura với hàng loạt những buổi giao lưu âm nhạc Đông

Trần văn Khê (bên phải) tấu đàn cò hay đàn nhị.

30

Tây. Chương trình giao lưu âm nhạc vào năm 1974 được tổ chức từ ngày 20 tháng 10 cho đến ngày 16 tháng 11, là chương trình đầu tiên về âm nhạc Đông Á, trong đó có Việt Nam. Chương trình được tổ chức bởi Hội Eduard van Beinum, mang tên nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng Hý viện Amsterdam đã qua đời vào năm 1959. Hội này muốn tạo điều kiện để những nhạc sĩ khắp nơi trên thế giới có thể thưởng thức âm nhạc và học hỏi lẫn nhau. Trong chiều hướng đó, Musicultura là một chương trình đi tiên phong. Suốt bốn tuần sinh hoạt trong khu đất của Hội mang tên Queekhoven aan de Vecht ở gần thành phố Breukelen, các nhạc sĩ, các nhà soạn nhạc và các nhà âm nhạc học Đông Tây đã cùng nhau đánh giá cách tiếp cận và cảm nhận âm nhạc dân tộc, thông qua biểu diễn và thưởng thức âm nhạc. Nhạc sĩ Trần Văn Khê ca ngợi Musicultura đã tạo điều kiện cho những nhà soạn nhạc truyền thống và hiện đại cùng nhau thưởng thức âm nhạc và trao đổi về chuyên môn. Nhạc sĩ Trần Văn Khê vẫn còn là bậc đại thụ của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Lúc ấy ông đang ở Paris và


giảng dạy tại đại học Sorbonne. Với những bài thuyết giảng và trình tấu, ông đã có công lớn trong việc đem âm nhạc Việt đến gần với thính giả phương Tây. Trong tuần lễ thứ hai của Musicultura, nhạc sĩ Trần Văn Khê đã khai mạc chương trình âm nhạc Việt Nam bằng bài thuyết giảng tổng quan về văn hóa Việt Nam, ngay sau đó ông đã trình tấu nhạc truyền thống Việt Nam, với sự đóng góp của con gái là Trần Thị Thúy Ngọc và con trai là Trần Quang Hải. Ông Hải cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng và là một nhà nghiên cứu nhạc học. Chương trình có biểu diễn cả khí nhạc lẫn thanh nhạc. Ngoài những bài trình tấu đã soạn sẵn như ‘Biệt ly’ hay ‘Yến tước tranh ngôn’, cũng có cả những bài được sáng tác tại chỗ. Sau đó, nhạc sĩ Trần Văn Khê hát dân ca, có lúc hát riêng, nhưng cũng có lúc hát với con trai. Ngày hôm sau, ông lại thuyết giảng về nhạc truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của nhà

soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo. Ông đã giới thiệu những tác phẩm của mình trong liên hoan Musicultura này và biểu diễn hai bản tân nhạc có âm hưởng nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng lại có những yếu tố âm nhạc phương tây hiện đại. Nguyễn Thiện Đạo tốt nghiệp Nhạc viện Paris, tuy sinh sống ở đó, nhưng tình cảm dành cho Việt Nam vẫn vang vọng trong những tấu khúc của mình. Bản Gió Đông, do chính ông trình bày, là một tác phẩm tổng hợp phong cách nhạc truyền thống và khẩu thuật Việt Nam theo âm hưởng hiện đại. Những lời trong bài hát như “Mẹ ơi, con đói” nói lên thực trạng Việt Nam khi ấy. Những cảm xúc được diễn tả bằng âm nhạc rõ ràng dễ tiếp cận với thính giả phương tây. Theo như Trần Văn Khê thì vì là người Việt nên ông có xúc động mạnh hơn. Âm nhạc dễ đi vào lòng người nhờ tạo được những ấn tượng về lịch sử và thực trạng ở Việt Nam.

31


Cư dân Amsterdam biểu tình chống chiến tranh Việt Nam vào năm 1972. Ảnh Maya Pejic. Lưu trữ Thành phố Amsterdam.

32


33


Đại học Sau hoạt động trợ giúp vào năm 1973, quan hệ giữa Amsterdam và Hà Nội vẫn bền vững, nhờ có sự hợp tác giữa các đại học tại hai thành phố, ngay cả khi quan hệ ngoại giao giữa Hà Lan và Việt Nam bớt thắm thiết. Vào năm 1971, nhiều nhà khoa học và sinh viên Hà Lan đứng ra thành lập Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Lào và Cam Bốt, tuy mang danh xưng như thế, nhưng Ủy ban này chủ yếu chỉ làm việc với Việt Nam. Ủy ban sản xuất đèn giải phẫu, máy đo huyết áp và xây dựng một phòng thí nghiệm phim ảnh cho Việt Nam. Lúc đầu, thật tình không biết là Việt Nam có cần những thứ này hay không. Đến năm 1973, có một phái đoàn thuộc Ủy ban sang thăm Việt Nam. Chuyến viếng thăm này đã tạo cơ sở cho quan hệ hợp tác giữa các đại học của Hà Lan và Việt Nam trong những năm kế tiếp. Cũng trong năm 1973, Đại học Amsterdam đã bắt đầu tổ chức nhiều dự án để giúp Đại học Hà Nội tái thiết sau chiến tranh.

Ngoài những thiệt hại về mặt vật chất, các nhà khoa học Việt Nam do chiến tranh và hậu quả chiến tranh đã hầu như không có điều kiện để tiếp xúc với những đồng nghiệp bên ngoài. Do đó, những dự án không những chỉ cung cấp thiết bị và sách vở, mà còn xây dựng mối quan hệ khoa học thông qua những chương trình hợp tác nghiên cứu và giảng dạy. Chính phủ Hà Lan hỗ trợ cho những dự án này bằng ngân sách viện trợ. Hai năm sau đó, dự án hợp tác đại học đầu tiên được hình thành là dự án vật lý chất rắn của Đại học Amsterdam, Leiden và Hà Nội. Một năm sau, Đại học Amsterdam cùng Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương Hà Nội bắt đầu dự án về miễn dịch. Tổng cộng có 26 dự án trong chương trình Việt Nam–Hà Lan, viết tắt là VH, có liên quan đến nhiều mặt, cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và lịch sử. Khởi sự là một hoạt động trợ giúp đơn thuần, nhưng đến năm 1979 đã xây dựng được một quan

Áp phích chương trình "Phẩm vật cho Việt Nam" vào năm 1972, do Opland thực hiện. Bộ sưu tập Viện Nghiên cứu Quốc tế về Lịch sử Xã hội.

34


hệ hợp tác lâu dài và có kết quả giữa những đại học ở Hà Lan, cụ thể là Đại học Amsterdam, với Đại học Hà Nội, trường Bách khoa Hà Nội, Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương và hai trường Cao đẳng Nông nghiệp ở Việt Nam. Đại học Amsterdam đóng vai trò điều phối những dự án. Đến năm 1983, quan hệ hợp tác bước sang giai đoạn hai. Đầu năm 1985, viện trợ của Hà Lan cho Việt Nam bị đình chỉ, mở đầu một giai đoạn chứng kiến những dị biệt giữa hai nước, tuy thế chương trình hợp tác đại học vẫn được tiến hành, tuy chỉ ở mức độ hạn chế. Đại học Amsterdam tham gia bằng nguồn tài chính

riêng. Từ năm 1973 cho đến đầu thập niên chín mươi đã có hàng trăm nhà nghiên cứu Việt Nam đến học tại Hà Lan và một số lượng lớn các nhà khoa học và các chuyên gia kỹ thuật Hà Lan đã sang Việt Nam để xây dựng một số phòng thí nghiệm có tài trợ từ Hà Lan. Quan hệ hợp tác này đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam có chỗ đứng trong giới học thuật quốc tế. Nhà miễn dịch học Vũ Tân Trào, là người đã được đào tạo tại Hà Lan, đã phát biểu: “Quan hệ hợp tác với Hà Lan đã giúp cho chúng tôi có được độc lập.”

Nhà vật lý Nguyễn Văn Hiệu đến thăm nhóm Indochina, hợp tác với Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật.

Ảnh Ad Volker (1973).

35


Người Việt ở Hà Lan Hiện nay có khoảng mười chín nghìn người Việt cư ngụ ở Hà Lan. Phần đông đã sang Hà Lan tỵ nạn từ năm 1977 đến năm 1991. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1976, nhiều người Việt đã ra đi, đa số đi bằng thuyền. Làn sóng thuyền nhân này kéo dài cho đến hết thập niên tám mươi. Thành phần người Việt đầu tiên đến Hà Lan là những người bất đồng với chế độ cộng sản và những người gốc Hoa đã ra đi vì những biện pháp siết chặt của nhà nước. Trong thập niên tám mươi có nhiều ngư dân, đa số từ miền trung, và nhiều thanh niên đến Hà Lan do bất đồng với chính sách của nhà nước hoặc không muốn tham chiến ở Cam Bốt. Nửa sau của thập niên tám mươi có nhiều người Việt sang Hà Lan để đoàn tụ với thân nhân đã sang từ những năm trước. Vào năm 1991, lại có thêm khoảng ba nghìn người Việt sang Hà Lan từ những quốc gia Đông Âu. Phần lớn những thuyền nhân Việt Nam lúc mới sang Hà Lan được tiếp nhận ở những trung tâm tỵ nạn. Những người bạn Hà Lan hướng dẫn họ làm quen với cuộc sống ở Hà Lan và giúp họ cảm thấy thân thuộc với quê hương mới. Chính phủ Hà Lan trợ giúp tài chính và nhà ở. Người Việt không tập trung ở một nơi, mà được chia thành nhiều nhóm ở rải rác khắp nước. Do đó, ở Amsterdam

36

không tập trung đông người Việt. Thay vì thế, người Việt ở những thị trấn và thành phố cỡ trung, ở quanh Amsterdam – như Almere và Purmerend – cũng như ở tỉnh Noord-Holland và những vùng khác ở Hà Lan. Người Việt hội nhập nhanh và có vẻ sống thoải mái trong xã hội Hà Lan. Những người có học vấn sau khi học tiếng Hà Lan đã nhanh chóng tìm được việc làm. Có khi họ cũng giới thiệu việc làm cho nhau. Người Việt ở Hà Lan nổi tiếng là cần cù và lanh lẹ. Tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người Việt tương đối thấp. Nhiều người mở doanh nghiệp ở Hà Lan, như mở nhà hàng; ở Amsterdam hiện có nhiều nhà hàng Việt Nam đông khách. Cũng có khi họ mở quán bán chả giò (nem rán). Món chả giò Việt Nam rất được người Hà Lan ưa chuộng và nhanh chóng trở thành một hình ảnh quen thuộc trên đường phố Hà Lan. Một mặt người Việt hội nhập tốt vào xã hội Hà Lan, nhưng mặt khác họ cũng giữ nếp sinh hoạt truyền thống với ngôn ngữ, văn hóa và tập tục riêng, cho nên đối với người Hà Lan thì cộng đồng người Việt còn khá khép kín. Hầu hết những người Việt cao tuổi thường tìm đến nhau và muốn tự giải quyết những vấn đề của mình hơn là tìm sự trợ giúp


của các cơ quan Hà Lan. Ở Hà Lan có nhiều hội người Việt, là nơi để họ gặp gỡ lẫn nhau. Những người Việt trẻ – thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba ở Hà Lan – thì lại khác: giới trẻ nói chung là biết tìm được một thế đứng vững chãi giữa hai nền văn hóa Hà

Lan và Việt Nam. Giới trẻ học rất giỏi và thường tìm được việc làm tốt ở Hà Lan. Những năm gần đây, càng ngày càng có nhiều người Việt ở Hà Lan trở về Việt Nam, thường là về ngắn hạn, làm cho các doanh nghiệp Hà Lan hoặc là đi du lịch.

Thuyền nhân Việt Nam trong một bữa ăn ở Amsterdam. Ảnh Hannes Wallrafen (1982). Lưu trữ thành

phố Amsterdam.

37


Heineken Việt Nam được xếp hạng thứ hai trên danh sách những quốc gia uống bia Heineken nhiều nhất, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và hơn hẳn Hà Lan. Ngay từ khi được thành lập vào năm 1864, hãng sản xuất bia Heineken ở Amsterdam đã không ngừng tìm đến thị trường bia ở nước ngoài, bằng cách xuất khẩu hoặc đầu tư vào những hãng sản xuất bia tại chỗ. Vào năm 1938, Heineken đã mua cổ phần của hãng sản xuất bia Pháp tại Việt Nam là Brasseries et Glacières de l’Indochine (BGI). Sau Thế chiến thứ hai, khi phong trào đấu tranh dành độc lập ở Việt Nam lên đến đỉnh cao, vào năm 1950 Heineken đã quyết định từ bỏ cổ phần ở Việt Nam. Vào thập niên tám mươi, Heineken đã bắt đầu xuất khẩu bia sang thị trường ở Việt Nam. Lượng xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, nhưng bị giới hạn vì quy định nhập khẩu của Việt Nam. Đến cuối thập niên tám mươi, khi Việt Nam có chính sách đổi mới về kinh tế, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan được mời sang đầu tư. Vì ở trong một khu vực kinh tế đang trổi dậy, nên Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển. Trong giai đoạn ấy, nhu cầu của thị trường bia ở Việt Nam tăng cao, dẫn đến nguy cơ khan hiếm. Vì thế, chính phủ Việt Nam quyết định cho ưu tiên xây dựng một nhà máy bia. Heineken đã không bỏ lỡ thời cơ. Vào năm 1990, hãng sản xuất bia có trụ sở ở

38

Amsterdam này đã khởi sự thăm dò khả năng xây dựng một nhà máy bia tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến cuối năm 1991, hãng sản xuất bia Asia Pacific Breweries, là một liên doanh trong đó Heineken có cổ phần là 42,5 phần trăm, đã ký hợp đồng với chính phủ Việt Nam để xây dựng và khai thác một nhà máy bia. Asia Pacific Breweries có sáu mươi phần trăm cổ phần trong nhà máy bia này; số cổ phần còn lại thuộc về Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh. Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà máy được tổ chức vào ngày 5 tháng 12 năm 1991. Hai năm sau, Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam được khánh thành vào ngày 19 tháng 11 năm 1993. Ban đầu, cơ sở này chỉ sản xuất bia Tiger, nhưng chẳng bao lâu sau cũng sản xuất bia Heineken ở Việt Nam. Vào tháng 7 năm 1994, một phái đoàn của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và ngài đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã đến tham quan nhà máy và thưởng thức bia Heineken sản xuất lần đầu tại Việt Nam. Từ đó, Heineken nhanh chóng trở thành một thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam và càng ngày càng được nhiều người biết đến, nhất là khi Heineken trở thành nhà tài trợ chính cho giải cầu lông nổi tiếng được tổ chức vào mỗi tháng tám tại thành phố Hồ Chí Minh. Giải Vô địch Cầu lông Quốc tế Heineken là sinh hoạt thể thao hàng năm được


nhiều người quan tâm. Một năm sau đó, nhà máy bia phải khuyếch trương hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng. Nhà máy bia này đã trở thành một trong những nhà máy bia to nhất thế giới của Heineken. Do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, nên Heineken cũng có cơ hội để tăng trưởng theo. Vào năm 2003, một nhà

máy bia thứ hai được khánh thành ở miền bắc, thuộc địa phận làng Vân Tảo trong tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội không xa. Trong lúc xây dựng Công ty TNHH Nhà máy Bia Hà Tây, nhiều hộ dân được đền bù để dời đi nơi khác. Nhiều người hiện nay làm việc cho nhà máy hoặc chăm sóc cho khu vườn chung quanh nhà máy.

Vận chuyển bia Heineken ở Việt Nam, 2003. Ảnh Heineken Collection Foundation.

39


Viện bảo tàng Từ tháng 5 năm 1996 cho đến tháng 3 năm 1997, ở Viện bảo tàng Nhiệt đới Amsterdam có một cuộc triển lãm về ‘Đời sống nông thôn ở đồng bằng sông Hồng, miền bắc Việt Nam. Trong đại sảnh của viện bảo tàng có mô hình của một làng ở Việt Nam với cả đình làng và chùa. Cuộc triển lãm giới thiệu đời sống nông thôn truyền thống ở Việt Nam, thông qua những hiện vật và tranh ảnh. Những vật triển lãm được làm mô phỏng lại, vì luật lệ ở Việt Nam không cho phép đem những hiện vật của viện bảo tàng ra nước ngoài. Ngoài ra, cũng làm được vài tượng Phật cho ngôi chùa trong chương trình triển lãm. Viện bảo tàng còn chiếu nhiều phim truyện và phim tài liệu Việt Nam. Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, các nhân viên của viện bảo tàng đã tìm hiểu về Việt Nam và có sự hợp tác với các nhà nghiên cứu và những cơ quan ở Việt Nam. Cùng lúc đó, Viện bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội cũng sắp được khánh thành, đây là nơi bảo tồn văn hóa của 54 dân tộc ở Việt Nam. Viện bảo tàng này sẽ là một trung tâm nghiên cứu, sưu tập, lưu trữ, bảo tàng và triển lãm di sản văn hóa và lịch sử của những nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tài trợ cho việc xây dựng và hình thành bộ sưu tập. Viện bảo tàng Con Người của Pháp (Musée de l’Homme) trợ giúp về thiết kế nội thất. Lúc ấy ở Việt Nam chưa có nghành bảo tàng học và trong số nhân viên của viện bảo tàng

40

mới thành lập hầu như không có ai được đào tạo về nghành này. Nên Viện bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tìm đến Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội để xin trợ giúp trong việc đào tạo nhân viên. Đầu năm 1997, đại sứ quán Hà Lan đã nhờ Viện Hoàng gia về Nhiệt đới cùng với Viện bảo tàng Nhiệt Đới mở khóa huấn luyện cho Viện bảo tàng ở Việt Nam về nghành bảo tàng học và về cách quản lý bộ sưu tập và hình thức trưng bày. Dự án này có hai giai đoạn, được thực hiện trong năm 1997. Chuyến đi đầu tiên kéo dài hai tuần được thực hiện trong tháng 4 và tháng 5 để lên kế hoạch tổng thể cho việc xây dựng kho lưu trữ và cách bảo tồn bộ sưu tập. Ngoài ra, còn có chương trình huấn luyện cho nhân viên của viện bảo tàng về bảo tồn, đăng ký và lưu trữ bộ sưu tập. Chuyến đi thứ hai được thực hiện vào tháng 12. Lần này, chủ yếu là tổ chức tập huấn về bảo tồn, cả về lý thuyết lẫn thực hành, ngay tại nơi triển lãm và trong kho lưu trữ. Nhân viên của Viện bảo tàng Nhiệt đới đã đem từ Hà Lan những dụng cụ bảo tồn mà ở Việt Nam không có, như thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, các bao bì bảo quản không axít và đèn diệt côn trùng. Trong thời gian ngắn như thế chỉ có thể thực hiện về cơ bản, để rồi đem kiến thức áp dụng ngay vào thực tế, nhưng cả phía Việt Nam lẫn Hà Lan đều hài lòng về chương trình huấn luyện này.


Viện bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở cửa cho công chúng từ ngày 12 tháng 11 năm 1997. Đây được xem là viện bảo tàng hiện đại và đẹp nhất Việt Nam và là nơi thu hút nhiều du khách đến Hà

Nội. Nhà triển lãm có hình thù của một trống đồng thời tiền sử thuộc văn hóa Đông Sơn. Ngoài ra, còn có khu triển lãm ngoài trời với nhiều kiểu nhà ở Việt Nam.

Mẫu đình chùa gửi từ Việt Nam trong triển lãm về Việt Nam vào năm 1996-1997. Bộ sưu tập Viện bảo tàng Nhiệt đới, số sưu tập 20041321.

41


Cảnh hoàng hôn ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh McKay Savage (2008).

42


43


Viếng thăm chính thức Vào năm 2013, Hà Lan và Việt Nam kỷ niệm bốn mươi năm quan hệ hữu nghị. Từ ngày 3 tháng 4 năm 1973 Hà Lan đã – là một trong những quốc gia phương tây đầu tiên – thiết lập quan hệ ngoại giao với miền bắc Việt Nam. Từ khi Việt Nam thống nhất vào năm 1976 thì quan hệ này có giá trị cho cả nước. Cũng trong năm ấy, Hà Lan thiết lập đại sứ quán tại Hà Nội. Từ năm 1988 cho đến năm 1993 tuy Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đóng cửa, nhưng quan hệ ngoại giao giữa hai nước vẫn liên tục. Đến năm 1997, Hà Lan lại thiết lập thêm một Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm sau đó, Việt Nam thiết lập Đại sứ quán tại La Hay. Trong những năm qua, nhiều chuyến viếng thăm chính thức của các viên chức chính phủ cũng như của Hoàng tộc Hà Lan, có sự tháp tùng của những phái đoàn thương mại, đã đóng góp tích cực vào quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Năm 2011, thái tử kế vị WillemAlexander và phu nhân là công chúa Máxima có sự tháp tùng của hai bộ trưởng và một phái đoàn hùng hậu của các doanh nghiệp Hà Lan đã viếng thăm Việt Nam trong bốn ngày. Trong hai ngày ở Hà Nội và hai ngày ở thành phố Hồ Chí Minh, phái đoàn đã tham quan nhiều nơi và đã tiếp xúc với các bộ trưởng và các quan chức Việt Nam. Hai bên đã thỏa thuận hợp tác sâu rộng hơn nữa, nhất là về quản

44

lý nước và biến đổi khí hậu. Là một quốc gia có nhiều sông biển, Hà Lan nổi tiếng về quản lý nước, mặt khác thái tử kế vị Willem-Alexander là chuyên gia về quản lý nước. Cũng như Hà Lan, Việt Nam là một quốc gia có mật độ dân số cao và có vùng châu thổ với nhiều nhánh sông lớn chảy ra biển. Thái tử WillemAlexander đã phát biểu trong lần viếng thăm Việt Nam vào năm 2005 là “tại đây, nước ở khắp nơi và có tác động đến mọi việc”. Cả hai nước cùng thừa nhận hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời xác định nhu cầu cấp bách bảo vệ bờ biển cũng như xây dựng đê điều. Lúc đầu, chính phủ Hà Lan muốn trợ giúp Việt Nam về mặt quản lý nước, cả về trữ nước và lọc nước. Quan hệ này cho đến nay đã phát triển thành quan hệ song phương, trong đó Hà Lan và Việt Nam cùng đi tìm một giải pháp bền vững đối với những thách thức điển hình mà cả hai quốc gia đã cùng xác định là phải chung sống với nước. Thái tử kế vị Willem-Alexander đã tham dự một hội nghị về bảo vệ bờ biển ở Việt Nam. Ngoài ra, thái tử còn tham quan vùng đồng bằng sông Cửu Long gần thành phố Hồ Chí Minh, là nơi thường xuyên bị lụt lội. Hà Lan và Việt Nam hợp tác trong một dự án quản lý nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, thái tử còn tham quan cảng trung chuyển mới


ở khu Tân Cảng Sài Gòn. Hà Lan trợ giúp thành phố Hồ Chí Minh đối phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu. Việc di dời cảng biển trong nội thành ra ngoài hướng biển là một bộ phận quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó đã viếng thăm Hà Lan vào năm 2011. Ông đã hội kiến nữ hoàng Beatrix và đã gặp gỡ thủ tướng Mark Rutte và một số bộ trưởng Hà Lan. Những lần

hội kiến đã bàn thảo về quan hệ kinh tế và đương nhiên cũng bàn về hợp tác trong lĩnh vực nước và biến đổi khí hậu. Dưới sự hướng dẫn của thái tử Willem-Alexander, thủ tướng Việt Nam đã tham quan công trình trình trị thủy của Hà Lan mang tên ‘deltawerk’. Trong chuyến viếng thăm này hai bên đã ký kết nhiều thỏa ước, một trong những thỏa ước là về hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước và biến đổi khí hậu.

Quốc vương Willem-Alexander và hoàng hậu Máxima tham quan Văn Miếu Hà Nội, nhân chuyến thăm viếng chính thức bốn ngày tại Việt Nam vào năm 2011. Mục tiêu của chuyến đi là để tăng

cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hà Lan. Ảnh: ANP.

45


Hợp tác Cho đến đầu thế kỷ này, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đảm bảo cho nhiều người có được cuộc sống ấm no. Quan hệ với Hà Lan cũng phát triển theo chiều hướng đó: thay vì quan hệ viện trợ phát triển, kể từ năm 2008 Hà Lan chủ yếu quan tâm đến xây dựng một quan hệ thương mại tốt đẹp với Việt Nam và một quan hệ hợp tác kinh tế trên cơ sở bình đẳng. Chương trình hợp tác đặt trọng tâm trong lĩnh vực quản lý nước và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, vận chuyển, năng lượng và hàng hải. Vào năm 2012, Hà Lan và Việt Nam đã chấm dứt chương trình viện trợ phát triển, để trở thành đối tác thương mại. Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và khuyến khích giao thương và đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam là một trong mười lăm quốc gia mà Hà Lan có ưu tiên về kinh doanh. Là một ‘quốc gia trong quá trình chuyển đổi’, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ để phát triển môi trường doanh nghiệp địa phương. Bên cạnh

đó cũng có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu Hà Lan muốn hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực quản lý nước và biến đổi khí hậu. Một khi quan hệ được phát triển và bền vững, thì các phía có thể hưởng lợi tối đa từ một thị trường phát triển nhanh ở Việt Nam. Vào mùa thu năm 2010, Thủ tướng Hà Lan và Việt Nam đã ký thỏa ước hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam có thể đóng góp vào sự hợp tác giữa hai chính phủ bằng những dịch vụ của mình. Đặc biệt là hiện nay ở Việt Nam đã đi vào tiến trình địa phương hóa lĩnh vực quản lý nước, vì không còn vai trò thống lĩnh của trung ương, nên các doanh nghiệp Hà Lan có được nhiều cơ hội hơn. Nhiều doanh nghiệp Hà Lan hiện đang tham gia vào Kế hoạch Đồng bằng sông Mê kông. Cho đến nay, Hà Lan là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào

Trục Zuidas là trung tâm kinh doanh quan trọng của Amsterdam, nơi đặt trụ sở của hơn 450 công ty, đa phần là các công ty nước ngoài. Ảnh Edwin van Eis (2013). Thành phố Amsterdam.

46


Việt Nam. Những doanh nghiệp nổi tiếng của Hà Lan như Heineken, Shell, Unilever và AkzoNobel đã hoạt động tại đây. Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hà Lan, kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nối gót nhau vào Việt Nam. Hà Lan xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam thực thẩm, phương tiện vận chuyển, thiết bị và sản phẩm hóa học kể cả dược phẩm. Hàng nhập khẩu từ Việt Nam vượt xa hàng xuất khẩu. Hà Lan nhập của Việt Nam chủ yếu là thực phẩm như gạo, cà phê, hạt điều và cá. Ngoài ra Hà Lan cũng nhập vào quần áo, giày dép, đồ nội thất, cao su và thiết bị điện tử. Hà Lan nói chung – và thủ đô và trung tâm thương mại Amsterdam nói riêng – kỳ vọng là quan hệ thương mại với Việt Nam trong tương lai gần sẽ phát triển hơn nữa. Trong đó sẽ quan tâm đến lĩnh vực đầu tư phát triển bền vững, xuất khẩu và dịch vụ, cũng như tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực đặc thù như quản lý nước và biến đổi khí hậu.

Huy hiệu Amsterdam trong cửa sổ kính màu ở Beurs van Berlage, Amsterdam. Ảnh Edwin van Eis

(2012). Thành phố Amsterdam.

47


48


Tranh miêu tả Hà Nội do một họa sĩ vô danh ở địa phương đem tặng Samuel Baron.

49


Trách nhiệm xuất bản

Ấn bản của Lưu trữ thành phố Amsterdam với sự cộng tác của amsterdam inbusiness và Amsterdam Marketing © 2013. Biên soạn: Mariëlle Hageman Biên tập ảnh: Anne Beeksma Biên dịch: Ngô Thụy Trúc Lâm (Vertaalbureau Vietnam) Cảm ơn các tác giả đã cho phép tham khảo những ấn bản như dưới đây: Sư tử và rồng. Bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan-Việt Nam. Biên tập: John Kleinen, Bert van der Zwan, Hans Moors và Ton van Zeeland (Amsterdam 2007). Cảm ơn sự đóng góp của Inez Weyermans, Zlatka Siljdedic, Peter de Goeje, Ab Stokvis, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam, Viện bảo tàng thành phố Amsterdam, Hội Iviet.nl, Viện bảo tàng Nhiệt đới Amsterdam. Chân thành cảm ơn giáo sư tiến sĩ John Kleinen, Đại học Amsterdam. Ảnh bìa: Voi, nhã nhạc và 'thân binh' theo hầu nhà vua ở Tonkin. Tranh minh họa trong sách của Samuel Baron vào năm 1732. Bộ sưu tập Thư viện Anh



Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.