7 minute read

ICHAM và Báo chí: “Thông quan điện tử là bước tiến lớn đối với Hải quan Việt Nam”

(TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời Báo Tài Chính Việt Nam, ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) đánh giá cao những cải cách tạo thuận lợi thương mại của cơ quan hải quan gần đây.

Xin ông đánh giá về những cải cách tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan Việt Nam trong thời gian qua? Điều ông hài lòng nhất là gì?

Advertisement

- Ông Phạm Hoàng Hải: Thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã có rất nhiều cải cách nhằm tạo thuận lợi thương mại và chúng tôi đánh giá cao nỗ lực này. Cải thiện quan trọng nhất làm chúng tôi thấy hài lòng với Hải quan Việt Nam đó là quy trình thông quan điện tử đã ứng dụng trong thời gian gần đây. Điều này thực sự là một bước tiến vô cùng quan trọng giúp cho doanh nghiệp (DN) có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đồng thời, cũng làm đơn giản hóa và tăng độ minh bạch trong quá trình thông quan của cơ quan Hải quan Việt Nam.

Trước đây, thời gian và công sức mà DN dành ra cho việc thông quan liên quan đến chuẩn bị giấy tờ, hàng hóa là rất nhiều và lâu. Điều này không chỉ tốn rất nhiều thời gian và công sức cho bên gửi hồ sơ xin thông quan mà còn cả bên làm thủ tục thông quan (cơ quan hải quan). Chúng tôi nghĩ rằng quy trình áp dụng thông quan điện tử này là một bước tiến rất lớn làm chúng tôi cảm thấy hiệu quả nhất, hài lòng nhất. Ngoài ra, với việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 81/2019/ TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và dữ liệu bổ sung cơ quan hải quan đã tổng hợp để đánh giá rủi ro, chúng tôi hy vọng thời gian thông quan hàng hóa sẽ được rút ngắn đáng kể trong thời gian tới.

Hiệp định EVFTA đã được Quốc hội 2 bên thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực vào 1/8 tới. Các DN Ý tại Việt Nam kỳ vọng như thế nào về EVFTA? Ông có cho rằng, điều này sẽ thúc đẩy việc thu hút FDI của Ý sang Việt Nam?

- Ông Phạm Hoàng Hải: Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam là một thị trường nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng DN Ý. Thực chất thì con số hơn 6.000 DN Ý đang có hoạt động giao thương với thị trường Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ý trong khối ASEAN chứng tỏ được điều này. Có thể nói, Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng với các DN Ý. Khi EVFTA đi vào có hiệu lực từ 1/8 tới thì các luồng thương mại của các sản phẩm của Ý nói riêng và EU nói chung vào thị trường Việt Nam sẽ còn tăng mạnh nữa. Đó chính là lý do vì sao các DN Ý đang rất quan tâm và có nhiều động thái tiếp cận với thị trường Việt Nam.

Trong mô hình kinh tế hiện đại thì thương mại và đầu tư luôn luôn song hành với nhau chặt chẽ, nên nếu giá trị thương mại của Ý tại Việt Nam phát triển thì đồng nghĩa với FDI của Ý vào Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, với tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện tại, nhiều DN Ý nhận thấy có một nhược điểm lớn trong việc tập trung toàn bộ chuỗi giá trị nguồn cung tại một điểm (ví dụ như tại Trung Quốc), nên việc đa dạng hóa thị trường nguồn cung sẽ biến Việt Nam trở thành một điểm đến khá lý tưởng cho các DN của Ý.

Vậy, để việc thực thi EVFTA thuận lợi và mang lại hiệu quả cao nhất, ông có đề xuất gì đối với lĩnh vực hải quan?

- Ông Phạm Hoàng Hải: Thực ra, nhiều DN của Ý có băn khoăn là liệu Tổng cục Hải quan (TCHQ) có kịp cập nhật tất cả các cơ sở dữ liệu về hàng hóa và mã hải quan để có thể áp dụng thuế nhập khẩu mới từ 1/8 này hay không? Nhiều DN băn khoăn khi hàng của Ý xuất khẩu vào Việt Nam, đến lúc làm thủ tục thông quan mà vẫn chưa cập nhật biểu thuế mới thì sẽ gây ảnh hưởng về mặt kinh tế cho DN. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn TCHQ cập nhật kịp thời biểu thuế mới cho tất cả các mặt hàng được hưởng thuế quan ưu đãi của EVFTA từ 1/8.

Đề xuất thứ 2 với mục đích nhằm làm đơn giản hóa các công việc của TCHQ trong quá trình thông quan, cũng như giúp các DN Ý có thể chuẩn bị giấy tờ một cách kỹ càng và đầy đủ hơn trước khi hàng của họ đến Việt Nam..., chúng tôi đang muốn mở đường dây nóng đến TCHQ để hỗ trợ cho các DN trong quá trình xuất khẩu. Đồng thời, nếu được TCHQ cho phép thì chúng tôi sẽ công bố trên website của ICHAM Việt Nam một mảng riêng về thủ tục thông quan tại Việt Nam. Ở đó, sẽ có tất cả những mảng ngành nghề mà Ý đang xuất khẩu vào Việt Nam như máy móc, thực phẩm, cơ khí… Tất cả những bộ hồ sơ giấy tờ mà TCHQ yêu cầu DN trong việc thông quan sẽ được cập nhật lên website của ICHAM để các DN Ý khi xuất khẩu hàng Việt Nam có thể lấy đó là một kênh thông tin để họ chuẩn bị sẵn các bộ hồ sơ giấy tờ. Nếu làm được điều này thì việc thực thi EVFTA sẽ rất hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả DN và cơ quan Hải quan trong việc tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa và minh bạch quy trình.

Xin ông cho biết quan điểm của mình về đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…)?

- Ông Phạm Hoàng Hải: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất này, nhất là trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực. Hiện tại, có rất nhiều sản phẩm của 1 DN chịu sự quản lý của 2 hoặc nhiều hơn 2 bộ. Điều này sẽ gây ra rất nhiều lãng phí về mặt thời gian và tiền bạc của DN cũng như cơ quan chức năng. Khi chúng ta cùng đi vào hội nhập hóa toàn cầu và các FTA càng trở nên tích hợp, đa dạng hóa hơn thì việc có quá nhiều cơ quan quản lý trong 1 đầu mục sản phẩm sẽ gây ra sự ỳ trệ trong công việc. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, cơ quan Hải quan là cơ quan đầu tiên kiểm tra một số những mặt hàng nhất định thì cũng nên là cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành, trừ những hạng mục liên quan đến an ninh quốc phòng và những mặt hàng nhạy cảm cần quy trình kiểm tra kỹ hơn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được điều này thì sẽ rất cần sự đồng bộ hóa giữa các cơ quan ban ngành với nhau trong một quy trình kiểm tra nhất định với 1 bộ hồ sơ giấy tờ nhất định để làm sao giúp cho TCHQ có thể là đơn vị đầu mối duy nhất thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành, đồng thời cũng là đầu mối duy nhất để DN có thể làm việc cũng như đơn giản hóa quy trình. Khi chúng ta có sự đồng bộ hóa về quy trình, giấy tờ, hồ sơ cũng như tất cả các yêu cầu kỹ thuật thì đó là bước tiến quan trọng và rất hiệu quả trong việc thúc đẩy thương mại hóa, toàn cầu hóa cũng như đẩy mạnh Chính phủ điện tử.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn bài báo: http://thoibaotaichinhvietnam. vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-07-10/ thong-quan-dien-tu-la-buoc-tien-lon-cua-haiquan-viet-nam-89366.aspx?zarsrc=30

This article is from: