TẾT LÀ TẾT LÀ TẾT LÀ
Lời tựa Lý do chọn đề tài
Bạn đọc thân mến!
Khi đất trời sắp đến thời khắc giao hòa, khi những hạt mưa xuân lại được dịp giăng mắc khắp nẻo trên giải đất nhiều niềm vui và không ít nhọc nhằn của người dân Việt Nam, cũng là lúc mà mọi thứ ồn ào, xô bồ, bon chen của đời thường tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những cảm xúc sâu lắng, những giờ phút thiêng liêng khi con người rũ bỏ được mọi quá khứ, phiền muộn, khổ đau và thất vọng trong năm cũ để đón chờ cái Tết bình an, khởi đầu cho một tương lai tốt đẹp phía trước. Tết mà chúng ta đang nhắc đến là Tết Nguyên Đán, một trong những dịp Tết cổ truyền lâu đời nhất và cũng là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc, mang trong mình một khả năng diệu kì cho sự đoàn tụ, gắn kết tình thân, cho sự hòa giải những bất hòa và cho sự tha thứ những lầm lạc. Tết là trở về, là trở lại với những giá trị tận cùng trong tâm khảm của mỗi con người. Tuy nhiên, những năm gần đây, có một số người lại kêu gọi bỏ Tết. Họ chẳng thể nhận ra hay nhìn thấy những vẻ đẹp văn hóa kì vĩ trong mọi cách thức đón nhận Tết của người Việt ta mà chỉ muốn rũ bỏ đi hết sảy những phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thực chất, những suy nghĩ ấy sinh ra từ thái độ sống của những người lấy Tết như là một lí do để thực thi những công việc khác chứ không phải là một sự kiện của văn hóa nữa. Chính bởi vậy, trong ấn phẩm đầu tiên của Giêng, Ban Biên tập tạp chí muốn đem đến cho quý vị bạn đọc những bài viết dưới đề tài “Tết là” - một ấn phẩm xuân đặc biệt tràn ngập màu sắc tươi mới mà cũng dường như là lời tâm tình, thủ thỉ với những hoài niệm thao thiết, đượm phong vị Tết xưa nay. Qua mọi cung bậc thời gian và cảm xúc, qua mọi khoảng cách địa lí và rào cản, “Tết là” sẽ hóa thân thành một cỗ máy thời gian đưa người đọc trở về với những vẻ đẹp và sự thiêng liêng của thời khắc kì vĩ nhất trong năm nhưng lại đang rời xa dần theo năm tháng. Chúng tôi hi vọng rằng ấn phẩm này sẽ là món quà giản dị, tích cực, gửi tặng những tâm hồn đồng điệu, để ngâm ngợi, thường thức trong những ngày nhàn nhã đượm vị xuân.
Kính chúc Quý độc giả một năm mới thịnh vượng, an khang và ngập tràn hạnh phúc. Trân trọng!
Đặng Trần Thiên Phúc
Tổng Biên tập
Mục lục
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Hương bánh chưng xưa
Trong cái thời tiết ấm dần của những ngày giáp Tết, hít hà hương bánh chưng quen thuộc trên phố, lòng tôi bỗng da diết nhớ Tết xưa đến lạ.
Truyền thống gói bánh chưng ngày Tết như một sợi chỉ đỏ chạy dài xuyên suốt lịch sử, ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam. Và một người con “máu đỏ, da vàng” như tôi cũng lớn lên cùng nét đẹp truyền thống đó.
Nhớ ngày xưa khi còn bé, cứ 27 28 Tết, cả nhà ai cũng tất bật chuẩn bị mọi thứ cho sự xuất hiện có phần cồng kềnh của những chiếc bánh chưng. Những việc làm cứ lặp đi lặp lại qua các năm và theo cách tôi hay đùa với mọi người, chúng như các sự kiện thường niên trong “lễ hội” gói bánh chưng của gia đình.
Một chiếc bánh chưng đâu chỉ là sự sắp xếp các nguyên liệu trong lớp lá xanh, gói bánh là gói trọn cả những mong ước của người người, nhà nhà cho một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc. Những mẻ bánh vuông vức buộc lạt được xếp ngay ngắn vào nồi và công đoạn luộc bánh, chờ bánh chín là khoảnh khắc thú vị nhất. Cả nhà quây quần bên nhau, bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, nói những câu chuyện mà kỳ lạ là chỉ những ngày cuối năm mới đem ra nói.
Điều khiến tôi nhớ mãi không thôi trong những buổi tối ngồi trông nồi bánh chưng như thế, có lẽ là cái mùi hương đặc biệt tỏa ra khắp khoảng không khi ông bắt đầu vớt bánh. Một mùi hương không thể miêu tả bằng ngôn từ, cũng không giống bất kỳ mùi hương nào khác, nhưng tôi biết hòa quyện trong đó là mùi của lá dong bà chọn, của nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh mẹ mua và cả mùi khói bếp từ những thanh củi ông chẻ sẵn chỉ chờ luộc bánh. Chẳng phải thiên vị, cũng chẳng phải định kiến nhưng với tôi, hương bánh chưng nhà mình luôn là thơm nhất. Không phải nó thật đặc biệt và xứng đáng được ta nhớ mãi không quên hay sao?
Ai cũng sẽ thế thôi, sẽ phải lòng với việc quây quần bên gia đình gói bánh chưng, sẽ yêu say đắm khoảnh khắc bánh chín hay hương thơm diệu kỳ tỏa ra khi ấy. Nhiều năm liên tiếp như vậy mang đến cho tôi suy nghĩ: quây quần gói bánh chưng là một điều không thể thiếu trong ngày Tết, giống như không điều gì có thể tước đi sự tồn tại vĩnh hằng đó. Cho đến một năm, nhà tôi đặt bánh chưng làm sẵn. Chẳng còn hương thơm nồng nàn của bánh chưng luộc chín bên bếp lửa đêm muộn, cái hiện hữu trước mắt tôi lúc ấy là đôi cặp bánh với hình thức đẹp đẽ, vuông vức nhưng lạnh ngắt.
Chẳng phải người Việt đang dần lãng quên đi truyền thống gói bánh chưng ngày Tết, cũng chẳng phải thế hệ trẻ ngày nay, không ai còn hứng thú với nét đẹp văn hóa nghìn đời đó. Chỉ là, trong cái thời đại toàn cầu hóa này, nhịp sống nhanh và xô bồ, đến mức đôi khi dành thời gian quây quần gói bánh chưng vào những ngày cận Tết trở thành thứ gì đó có phần hơi xa xỉ. Chiếc bánh chưng nào ngoài kia cũng đầy đủ lá, gạo, đỗ, thịt, nhưng liệu nó có mang đến “hương vị gia đình”? Bánh chưng biểu tượng cho Tết nhưng hơn tất cả, thấy gia đình mới chính là thấy Tết.
Sự thay đổi của Tết năm đó khiến tôi nhận ra khoảnh khắc quây quần bên gia đình, cùng nhau làm những chiếc bánh chưng trở nên quý giá như thế nào. Nhiều năm trở lại đây, gói bánh chưng lại trở thành hoạt động thường niên những ngày giáp Tết của gia đình tôi. Từng chiếc bánh gói trọn “hương vị gia đình”, nhắc chúng ta nhớ về cội nguồn, về những ký ức ngày xưa cũ. Không riêng bất kì công đoạn nào, tôi trân quý cả quá trình tạo nên chiếc bánh chưng thành phẩm. Chẳng ồn ào hay phô trương, quây quần gói bánh chưng cứ dần trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong bất kỳ gia đình Việt Nam nào vào dịp Tết Nguyên đán. Dù ở nơi đâu, bất kể trên mảnh đất hình chữ S hay khắp năm châu bốn bể, có lẽ điều tất cả chúng ta hướng đến mỗi dịp Tết đến xuân về là sự sum họp bên gia đình. Nơi đó có mâm ngũ quả mẹ bày; có cành đào cây quất bố mua; có cây nêu, tràng pháo cả nhà cùng nhau treo; và hơn tất cả, có những chiếc bánh chưng thơm nức bên bếp lửa ấm hồng. Sau cùng thì, hương bánh chưng, thứ mà ta
cảm nhận bằng mũi, lại để lại trong ta những dấu ấn sâu đậm nhất, hơn tất cả những gì được nghe hay thấy. Hương bánh chưng, hương vị Tết, không thể hòa lẫn vào đâu được.
Câu hỏi này có thể khiến một số người hơi nặng lòng, nhưng tôi vẫn quyết định viết ra.
Bao lâu rồi, bạn chưa được ngửi mùi hương nồng nàn của bánh chưng luộc chín?
Phạm Mai thực hiện
CHẠP HỌ Nét đẹp truyền thống trong những ngày giáp Tết
Chạp họ - Nét đẹp truyền thống trong những ngày giáp
Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 12 âm lịch, các dòng họ ở làng Văn Đông lại nô nức tổ chức ngày “Chạp họ”. Đây được xem là một phong tục truyền thống không thể thiếu của người dân nơi đây mỗi dịp Tết Nguyên Đán cận kề.
Tìm hiểu về phong tục thú vị này, chúng tôi tìm về làng văn hóa Văn Đông (theo cách gọi của người dân địa phương) ở xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Người dân nơi đây cho biết cứ theo thông lệ vào khoảng tháng Chạp hàng năm (tức tháng 12 âm lịch), các dòng họ trong vùng lại bắt đầu tổ chức ăn chạp họ với sự quây quần của con cháu xa gần, tạo nên bầu không khí rộn ràng trong làng xã vào dịp cuối năm.
Cụ Trần Văn Hậu, trưởng tộc họ Trần ở làng Văn Đông cho biết trong xã có nhiều dòng họ (Trần, Đặng, Phan, Hồ Văn, Hồ Diên…), mỗi dòng họ lại tự quy ước với nhau một ngày cố định để tổ chức lễ Chạp họ, thường là từ ngày 12 đến hết 22 tháng Chạp vì sau đó là đến lễ đưa ông Táo lên trời và chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán.
Theo lệ xưa, Chạp họ thường được tổ chức ở nhà trưởng họ hoặc nhà thờ tổ và chỉ có thành phần suất “đinh” (nam giới) mới được tham dự. Mục đích của lễ Chạp họ là để mọi người trong họ nhận biết ngôi thứ bậc các chi, các nhánh trên dưới và các anh em trai trong họ. Đây là dịp để những người con ở tại làng hay đi làm xa trong họ có cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi họ hàng, cùng nhau làm lễ cúng tổ tiên, đóng góp tu bổ từ đường (nhà thờ họ), sửa sang lại mồ mả…
Ngày diễn ra Chạp họ, ngay từ sáng sớm, tất cả các suất “đinh” (đàn ông, con trai) trong họ sẽ tề tựu đông đủ tại từ đường (nhà thờ tổ) rồi cùng nhau đi tảo mộ tổ tiên. Thời trước, phần đa các ngôi mộ chủ yếu đắp bằng đất nên mỗi người thường sẽ mang theo cuốc, xẻng để nhổ cỏ, làm sạch và sửa sang lại mộ. Ngày nay, do kinh tế phát triển, nhiều ngôi mộ được xây bằng các chất liệu gạch, đá ốp nên mọi người thường mang theo vôi hoặc sơn để đắp lại cho mới. Đây được gọi là tục lệ chạp mả và được xem là một trong những việc con cháu phải làm trong ngày chạp họ để bày tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên.
Sau lễ tảo mộ, các đinh tập trung tại nhà trưởng họ để thực hiện lễ cúng bái. Trưởng họ và các bậc cao niên trong họ đội khăn đóng, áo dài the chắp tay khấn vái, trịnh trọng đặt mâm cỗ cúng lên bàn thờ, rót rượu rồi đến thắp hương khấn mời tổ tiên về chứng giám. Những người sau đó cứ tuân theo thứ bậc trong họ lần lượt thắp nhang, khấn vái tổ tiên.
Trong thời gian đợi hương tàn, trưởng tộc sẽ tiến hành họp họ, công khai các khoản thu, chi của họ trong năm vừa qua, đồng thời thông báo các kế hoạch, dự định sẽ thực hiện trong năm mới. Sau khi thống kê tài chính, mỗi đinh được quy định là một suất và tổng chi tiêu sẽ được phân bổ đều trên đầu người, đó là phí bắt buộc mà các đinh có trách nhiệm phải đóng. Ngoài ra, các khoản công tiến, tự nguyện đóng góp cho quỹ họ luôn được hưởng ứng và đề cao, ai góp được bao nhiêu là tùy tâm.
Sau khi kết thúc lễ cúng bái, cỗ được dọn ra, con cháu quây quần bên mâm cỗ. Mâm cỗ ngày chạp họ thông thường sẽ là một mâm xôi trắng và một đĩa thịt luộc. Căn cứ theo thứ bậc, vai vế, trưởng họ, trưởng các chi, các nhánh ngồi mâm trên, con cháu kế đến sẽ ngồi mâm dưới. Tất cả diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ.
Ngày nay, xã hội phát triển, phong tục “Chạp họ” vẫn tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi nhưng đã có nhiều sự điều chỉnh đề phù hợp với thời đại. Nét đổi thay trong thành phần tham gia ngày Chạp họ giờ đây không còn phân biệt nam, nữ như xưa mà tất cả con cháu trong họ nếu có lòng đều có thể đóng góp và tham gia.
Ngoài ra, hầu hết các dòng họ ở làng Văn Đông hiện nay đều đã lập quỹ khuyến học. Đây là một trong số các điểm nổi bật mới xuất hiện trong những năm gần đây. Quỹ này được lập ra như một lời động viên đến lớp trẻ cố gắng phấn đấu học hành giỏi giang, đỗ đạt, làm rạng danh dòng họ, gia tộc. Các cháu nhận được phần thưởng này thường là các cá nhân đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp, đỗ đại học…
Có thể thấy, Chạp họ được bảo tồn và phát huy rất tốt, trở thành một nét đẹp văn hóa làng xã thú vị mỗi dịp Tết đến xuân về. Là người con của làng Văn Đông, dù đang sinh sống ở quê hay đi làm công tác xa nhà, có lẽ ai ai cũng mong muốn thu xếp được thời gian, trở về tham gia buổi đoàn viên toàn dòng họ. Nhờ có ngày lễ này, anh em trong họ có dịp gặp gỡ, thăm hỏi nhau những ngày cuối năm, quan hệ họ hàng, dòng tộc cũng vì vậy mà thêm gắn bó. Hơn nữa, chạp họ giờ đây không chỉ mang tính chất xây dựng tinh thần đoàn kết trong cá nhân các dòng họ mà còn góp phần tạo ra nhiều nét đẹp mới cho xã hội, hình thành truyền thống gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, góp phần nâng cao dân trí cho địa phương, đất nước.
Cẩm Tú thực hiện
Tết Ảnh: Đặng Toàn
Tết xa xứ
Mỗi dịp Tết Nguyên đán cận kề, những người con Việt Nam xa quê đều mang chung một nỗi niềm nhớ nhà da diết. Ai cũng có chút chạnh lòng khi nhìn thấy hình ảnh gia đình sum vầy bên nhau dịp Tết cổ truyền.
Thời điểm hiện tại đã là tầm giữa tháng Chạp. Khi viết những dòng này, tôi cũng đang rục rịch chuẩn bị hành lý khăn gói về quê ăn Tết cùng gia đình. Là dân tỉnh lẻ, từ nhà ra Hà Nội đã ngót nghét cả buổi ngồi xe khách, gần 5 tháng nay tôi không về. Đối với tôi, đó đã là một khoảng thời gian quá dài, khiến tôi ngày ngày mong ngóng được quây quần bên bữa cơm gia đình, được sà vào vòng tay ấm áp của bà nội, được ngồi bên bếp lửa khói nghi ngút, và hơn cả, là được đón Tết bên người thân.
Với những sinh viên tầm tuổi tôi, chuyện xa nhà là điều hiển nhiên. Có người như tôi, nhà cách xa trường cả trăm cây, cũng có người chỉ tốn vỏn vẹn 1-2 tiếng về nhà. Chung quy lại, dù xa hay gần, mọi người đều muốn có mặt trước chiều 30 để đón Tất niên cùng
gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều có thể làm được điều này. Với những du học sinh sống xa gia đình cả nửa vòng Trái đất, Tết như cách xa ngàn cây số. Một bữa cơm ngày Tết nghe chừng thật khó khăn với những tâm hồn Việt ở nơi xứ người.
Tôi có một người bạn tên Như (tên nhân vật đã được thay đổi vì lý do bảo mật thông tin), là du học sinh Hàn Quốc. Tính đến nay, Như đã sinh sống và học tập tại thủ đô Seoul được hơn một năm. Ở độ tuổi 20 xuân sắc tươi trẻ như chúng tôi, ai mà chẳng “cuồng chân” muốn đi đó đây, khám phá mọi nơi trên thế giới. Cô bạn của tôi cũng vậy, quyết định đến một đất nước mới để trải nghiệm và học tập. Tuy nhiên,
để làm được điều đó, Như đã phải đánh đổi nhiều thứ mà đến khi đặt chân đến Hàn Quốc mới nhận ra. 20 tuổi, sống xa gia đình, một mình ở nơi đất khách quê người, chắc hẳn cô bạn ấy phải dần dần học cách tự lập, tuy có khó khăn nhưng đã giúp Như phần nào trưởng thành hơn.
Như tâm sự với tôi: “Tớ sang Hàn Quốc từ cuối năm 2021.
Giờ đã là đầu 2023, vậy là đã xa nhà 2 cái Tết. Vì chênh lệch lịch học so với Việt Nam, tớ chẳng thể kịp về đón giao thừa với bố mẹ”. Tranh thủ nghỉ giữa giờ làm thêm, tôi và Như cùng nói
chuyện với nhau qua điện thoại. Giọng của Như có chút gấp gáp, dường như cô bạn sợ thời gian nghỉ không đủ để “trải” hết tâm tư. Càng nói chuyện, tôi vừa có chút ngưỡng mộ, lại có phần hơi thương cảm cho người bạn của tôi. Ngưỡng mộ vì Như đã dám biến ước mơ của mình thành sự thật, còn thương cảm vì những điều mà Như đã và đang và trải qua, nhất là sự thiếu đi hơi ấm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán cận kề.
Tôi tò mò hỏi Như rằng cảm giác lần đầu tiên đón Tết tại Hàn Quốc thế nào. Suy nghĩ một hồi, Như ngập ngừng kể lại trải nghiệm lần
Đại học Soongsil tại có khá nhiều sinh viên Việt Nam và Trung Quốc, họ đều đón Tết Nguyên đán như nước mình, vì vậy Như cùng mọi người đã tổ chức một bữa tất niên nho nhỏ chào đón năm mới ngay trong khu ký túc xá. Đúng “chất” Tết Việt, Như và những người bạn Việt Nam quây quần bên nhau chiều 30 âm, rồi như thông lệ, cùng nhau bật Chương trình Táo quân và chờ đến thời khắc chuyển giao đầy thiêng liêng. Cảm giác nghe sao mà khó tả. Ngày đón năm mới xa vòng tay bố mẹ, Như có chút buồn, nhưng trái tim của cô gái nhỏ như được sưởi ấm phần nào khi vẫn cảm nhận được tinh thần đoàn kết của đồng bào Việt Nam nơi xứ lạ.
Như đến thăm các địa danh nổi tiếng ở Seoul, Hàn Quốc Ảnh: Nhân vật cung cấp
So sánh với bản thân, tôi lại càng thấy Như mới độc lập và mạnh mẽ làm sao. Tôi mới chỉ xa nhà có 5 tháng, khoảng cách từ trường về quê so với Như vẫn còn là rất gần. Tôi còn được ở với chị gái, ấy thế mà những ngày mới ra Hà Nội, tôi đã rơi những giọt nước mắt đầu tiên vì cảm thấy không bắt kịp được với nhịp sống thủ đô. Đối với tôi của thời điểm ấy, thứ gì cũng rất lạ lẫm, làm gì cũng nhớ đến gia đình.
Thời điểm giáp Tết thế này, những sinh viên đi học xa nhà như tôi lại càng nhớ nhà hơn nữa. Còn Như, cô bạn của tôi đã phải tự ép bản thân mình để thích nghi với cuộc sống ở một đất nước mới, một nền văn hóa mới, nếm qua đủ điều để trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn sau 1 năm trở thành du học sinh Hàn Quốc. Như có lẽ giờ đây lại thiệt thòi hơn tôi, vì nhiều lý do, Như không thể đoàn viên cùng gia đình vào Tết Quý Mão tới đây.
Ngoài Như, tôi còn quen một người chị tên Ngọc Hà đang làm việc ở Đức. Sang nước ngoài từ năm 2020, hiện tại chị đã đón Tết Nguyên đán ở Đức được ba lần. Tuy nhiên, chị Hà lại có đôi phần may mắn hơn Như khi vẫn có họ hàng tại nơi đất khách quê người, vì thế trong những dịp lễ Tết, chị cũng cảm thấy vơi đi phần nào nỗi cô đơn. Giống như bao du học sinh, chị Hà có ước mong được trải nghiệm cuộc sống tại một đất nước khác và cùng với đó là trau dồi, phát triển những kỹ năng của bản thân. Chính vì vậy, chị đã chọn Đức, một quốc gia Châu Âu cách Việt Nam gần nửa vòng bán cầu, nơi người ta chỉ đón Tết Dương, hay như nhiều người gọi là Tết Tây. Chị chia sẻ với tôi lý do đặt chân tới “xứ sở của những tòa lâu đài” này, phần vì muốn
“thử” sống trong một nền văn hóa mới mẻ, khác biệt hoàn toàn với những gì chị đã làm trong suốt 20 năm ở Việt Nam, phần vì nơi này vẫn có gia đình họ hàng để chị thi thoảng vẫn còn “nơi chốn tới lui”.
Dẫu biết có người quen tại một đất nước xa lạ là cả một đặc ân, tuy nhiên, những lúc ốm đau bệnh tật, người ta lại thường chỉ nghĩ đến gia đình. Chị Ngọc Hà cũng vậy. Bồi hồi nhớ lại hồi mới sang, chị kể cho tôi nghe về kỷ niệm ăn Tết xa nhà lần đầu tiên đầy điều đáng nhớ. “Chị sang Đức tầm cuối tháng 10. Lúc đấy dịch bệnh đang hoành hành, sau 2 tháng ở đây thì chị bị COVID, đúng thời điểm ở Việt Nam đang là Tết Âm. Nghĩ mà vừa buồn vừa tủi”. Chị Hà tâm sự rằng lúc đấy bệnh nặng mà chỉ có một mình lủi thủi. Qua màn hình điện thoại nhỏ, nhìn mọi người quây quần bên nhau ăn bữa cơm chiều Tất niên, chị không cầm được nước mắt. Đó là giọt nước mắt của sự nhớ nhà, sự tủi thân và mang theo một chút hối hận vì đã không nán lại ăn Tết cùng gia đình. Chỉ nghe qua lời kể, người ngoài như tôi dường như cũng đã phần nào thấm được những nỗi cô đơn mà chị đã từng phải trải qua. Có ai biết được rằng, dưới lớp vỏ bọc hào nhoáng với cái tên “du học sinh” mỹ miều, tự hào được tiếp thu nền văn hóa mới, những sinh viên ngoại quốc như chị Hà hay Như phải trải qua những khó khăn thế nào?
Những người như Như và chị Hà, tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau, ấy vậy mà lại tồn tại nhiều điểm tương đồng. Họ đều là du học sinh, sống xa gia đình, đều là những cô gái trẻ tự lập sớm và dám can đảm theo đuổi đến cùng ước mơ của mình. Điểm
khác biệt duy nhất có lẽ là quốc gia mà họ lựa chọn sinh sống và học tập. Một người chọn Hàn Quốc, là nước trong khu vực châu Á, còn người kia ở Đức, một quốc gia Châu Âu. Dù có ở đất nước nào, châu lục nào hay nền văn hóa nào, theo cảm nhận của cả hai người, chỉ cần người Việt ở đâu thì ở đó sẽ có Tết Nguyên đán. Chị Hà không giấu nổi sự tự hào khi trả lời tôi: “Đồng bào Việt Nam ở đây cũng ăn Tết âm to chẳng kém ở nhà đâu em ạ. Mọi người đoàn kết lắm. Cứ rục rịch Tết về là ăn uống linh đình, mở tiệc rộn ràng, khiến cho những năm về sau chị chẳng còn cảm giác trống vắng nữa”. Thật vậy, dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay sống mãi với tinh thần đoàn kết đáng quý. Chỉ cần dòng máu cội nguồn ấm nóng luôn chảy, thì dù ở xa tận phương trời nào, người Việt vẫn sẽ luôn gìn giữ và phát triển bản sắc dân tộc mình với anh em bạn bè năm châu bốn bể.
Chị Ngọc Hà, du học sinh Đức đón Tết Nguyên đán đầu tiên xa quê. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Ngọc Hà đón Tết Nguyên đán cùng bạn bè người Việt tại Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tinh thần đoàn kết là vậy, tuy nhiên điều kiện đón Tết ở nước ngoài cũng có chút thiệt thòi hơn so với ăn Tết Nguyên đán ở chính quê nhà. Như chia sẻ với tôi: “Bọn tớ ở đây cũng mua đồ về nấu những món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán. Đây là lần đầu tiên tớ tự tay chuẩn bị mọi thứ mà không có trợ giúp của mẹ. Thế nhưng nguyên liệu ở đây khá khan hiếm, khó tìm và còn rất đắt, nên chúng tớ chỉ có thể chuẩn bị Tết ở trong khả năng của mình thôi” Còn chị Hà thì kể: “Dù ở Đức có họ hàng, cũng tổ chức Tết hệt như ở nhà, nhưng chị nghĩ rằng tất cả các du học sinh Việt Nam trên toàn thế giới đều có một mong ước chung, đó là được ăn Tết âm ngay tại mảnh đất Việt Nam. Về nhà ăn Tết là cái Tết trọn vẹn nhất”. Thật vậy, không nơi nào bằng nhà. Không chỉ riêng bản thân tôi, với tất cả mọi người, ai cũng đều coi Tết là dịp sum vầy, là biểu trưng cho sự ấm áp, quây quần bên gia đình. Chẳng cần mâm cao cỗ đầy, những ngày chuyển giao đầu năm mới, được ở bên gia đình mình mới chính là cái Tết đúng nghĩa. Bởi vậy, du học sinh trong những dịp giáp Tết thế này thật cô đơn biết bao.
Lang thang trên con phố Hàng Mã đã kịp khoác lên màu áo mới đón Tết Quý Mão, sau khi nghe những lời tâm sự từ Như, từ chị Hà, tôi thầm tự hỏi “Tết là gì nhỉ?”. Đúng vậy, Tết là gì mà những đứa con đi xa quê hương lại mong mỏi chờ ngày Tết đến để về đoàn tụ cùng gia đình, Tết là gì mà khiến lòng người bồi hồi khó tả. Loay hoay tìm cho mình câu trả lời thích hợp nhất, đầu tôi chợt lóe lên câu nói của người chị nhà bên nói với đứa con gái nhỏ của mình khi con bé hỏi “Tết là gì hả mẹ?” - “Tết là sum vầy con ạ.”, chị đáp. Chị hơn tôi chừng 10 tuổi, 5 năm rồi tôi mới gặp lại chị, bởi 5 năm qua chị bươn chải kiếm sống ở Đài Loan, cũng là 5 năm chị không về quê đón Tết một lần nào. Tôi thấy mắt chị rưng rưng, có lẽ là tủi thân vì những năm tháng bôn ba vất vả, nhưng cũng có lẽ là bởi năm nay, chị được đón Tết cùng những người mà chị yêu thương nhất, tại nơi thực sự là ngôi nhà, là quê hương của chị. Đối với tôi, Tết có thể là một dịp lễ, là thời điểm để người người nhà nhà nô nức kéo nhau đi lễ chùa, đi chơi với bạn bè, đi chúc tụng… Nhưng đối với chị, hay nói cách khác là đối với những người con rời xa đất nước của mình đến xứ người sinh sống và học tập, làm việc, trải qua thời khắc chuyển giao đất trời linh thiêng nhất nhưng buồn tủi nhất, cô đơn nhất, và nhớ nhà nhất, Tết, đơn giản là sum vầy. Tôi cũng là một đứa con xa quê đi tìm con chữ, nhưng tôi may mắn hơn khi được tìm con chữ ngay trên dải đất hình chữ S nhỏ xinh này. Thật đáng trân quý biết nhường nào khi từng khoảnh khắc muốn là có thể về nhà ngay. Nhưng cuộc đời mà, những điều dường như được xem là bình thường của người này lại là điều hằng mơ ước của người khác.
Những người con đất Việt, những con người cần cù, siêng năng, chịu khó vẫn luôn không ngừng nghỉ trên hành tri đi tìm tri thức, đi tìm những bến đỗ mới cho sự nghiệp. Năm 2019, theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Việt Nam có đến 147.387 người xuất khẩu lao động. Tính đến năm 2022, theo thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, điều tra và nghiên cứu tại quốc tế. Trong vòng một vài năm ngắn ngủi thôi, số người xa quê lại lên đến hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người. Nói đi là đi. Nhưng nói về lại khó. Nhiều lý do lắm. Có thể là vì công việc đang dang dở, do tài chính chưa cho phép, hay vài năm qua dịch bệnh hoành hành khiến con đường trở về quê hương càng thêm trắc trở. Tôi không rõ. Nhưng có một điều mà tôi có thể tự tin cho rằng mình đúng, từ những lời tâm sự tôi đã nghe, từ những cảm xúc nghẹn ngào khi kể về kỉ niệm đón Tết xa quê tôi đã chứng kiến, Tết xa xứ buồn và lạnh lẽo lắm. Chẳng thể cùng bố dán câu đối đỏ, treo cây nêu đầu ngõ; chẳng thể cùng mẹ đi phiên chợ Tết cuối năm; chẳng thể đến nhà ông bà, nhà các bác, các cô xông đất đầu năm mới; chẳng có không khí nhộn nhịp đến nhà họ hàng chúc Tết; chẳng ngửi thấy mùi hương trầm với những món ăn thân quen. Chẳng thể bên gia đình. Đêm giao thừa ở Việt Nam thật ấm cúng, đêm giao thừa trên tuyết nơi phương xa lạnh lẽo vô cùng. Hi sinh một cái Tết, vài cái Tết, hay thậm chí là nhiều cái Tết bên người thân để đổi lấy tương lai, một sự đánh đổi mà tôi cho là lớn.
Trên khắp các nẻo đường dẫn bước những người con về nhà sum họp, có những người buộc phải lựa chọn đón Tết nơi xứ người. Người chị hàng xóm của tôi rồi sẽ không đi Đài Loan nữa, nhưng chị lại đi Mã Lai, rồi không biết chị lại sẽ có mấy lần 5 năm nơi xứ lạ. Người bạn của tôi sẽ tiếp tục du học tại đất nước Hàn Quốc xa xôi, người chị du học sinh Đức tôi quen sẽ ở lại Đức làm việc nhiều năm nữa. Nhưng tôi tin rằng, là người con đất Việt, dù đi đâu, về đâu, dù làm gì, mỗi dịp Tết đến Xuân về, họ vẫn sẽ luôn hướng về nơi gọi là quê hương. Ở những phương trời xa, những người con xa xứ đang nỗ lực theo đuổi ước mơ của mình để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hà Nhi, Xuyến Nguyễn thực hiện
Lời
Tết là gì?
kết
Rút ra bài học kinh nghiệm
Chắc hẳn đọc đến đây quý vị độc giả cũng đã có cho mình những ý niệm riêng biệt về Tết. Tết là gì mà mỗi khi Tết đến, người người nhà nhà, dù già dù trẻ, dù gần dù xa đều tụ họp, quây quần bên nhau. Tết chính là sự sum họp gia đình, sự xích lại gần nhau giữa các thành viên trong dòng tộc để tưởng nhớ tổ tiên ông bà, thăm viếng quê hương và gần gũi với thiên nhiên. Tết là dịp quay lại, nhìn lại gia đình, con cái, đoạn đời đã qua, và để nghỉ ngơi, chiêm nghiệm, duy dưỡng lại tinh thần qua một năm thăng trầm. Tết gắn với những phong tục và nét văn hóa đẹp đẽ của đất nước Việt Nam. Tết để lại trong ký ức nhiều người tiếng pháo nổ đón Giao thừa còn vang vọng mãi. Tết lóe lên trong trí nhớ chúng ta hình bóng căn nhà chập chờn ánh lửa từ đám củi cháy dưới nồi bánh chưng sôi sục. Tết thì thầm bên tai những câu chuyện xưa cũ mà ta thường hay kể nhau nghe bên bếp lửa rồi cùng hít hà hương bánh chưng thơm lừng hòa quyện cùng đất trời. Đích thị là hương vị Tết, không thể lẫn vào đâu được. Không có di sản tinh thần nào bền bỉ và lớn hơn Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Tuy là Tết từng thời, từng hoàn cảnh có những biến đổi khác đi nhưng Tết vẫn là một nét đẹp thiêng liêng cần được lưu giữ mãi, đặc biệt ở một thế giới ngày càng hiện đại và phát triển, con người ngày càng sống xa rời với những giá trị tốt đẹp mà ông cha ta để lại. Suy đến cùng, tất cả những cố gắng thường ngày của chúng ta, âu cũng là vì niềm vui, niềm hạnh phúc được đoàn viên, được trở lại với những giá trị tận cùng trong tâm khảm. Cảm ơn quý vị đã đón đọc “Tết là”. Có lẽ, mong mỏi lớn nhất của đội ngũ Ban Biên tập chúng tôi là góp phần mang những vẻ đẹp ngày Tết tưởng chừng như đã chìm vào quên lãng lại một lần nữa quay trở lại với người đọc Việt trong một hình hài mới, qua những trang viết độc đáo, đượm phong vị Tết. Chúng tôi hi vọng có thể mang Tết đến gần hơn với những người con tha phương, xa xứ luôn muốn trở về nơi cố hương để tận hưởng niềm vui đoàn tụ, đồng thời góp phần lưu giữ và truyền bá di sản tiêu biểu đáng tự hào của người Việt đến bè bạn bốn phương.
Ban Biên tập