CUỘC SỐNG GIỮA NHỮNG CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC
1
2
GS-TS-KTS Jan Gehl
CUỘC SỐNG GIỮA NHỮNG CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC Sử dụng không gian công cộng
Người dịch: KTS Lê Phục Quốc (Qua bản dịch sang tiếng Anh của Jo Koch)
HEALTHBRIDGE CANADA IN VIETNAM NHÀ XUẤT BẢN XÂY DỰNG HÀ NỘI - 2009 3
Jan Gehl LIFE BETWEEN BUILDINGS Sixth edition. © Arkitektens Forlag. The Danish Architectural Press and Jan Gehl 2006. Printed: Arco Grafisk A/S, Skive. ISBN 87-7407-360-5 All Rights reserved. 4
Mục lục
Lời nói đầu ............................................................................... 6 CHƯƠNG I: CUỘC SỐNG GIỮA NHỮNG CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC
I.1. Ba loại hoạt động ngoài trời............................................ 9 I.2. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc................... 15 I.3. Các hoạt động ngoài trời và chất lượng của không gian ngoài trời..................................................... 31 I.4. Những hoạt động ngoài trời và các xu hướng kiến trúc......................................................................... 39 I.5. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc trong tình trạng xã hội hiện nay..................................... 50 CHƯƠNG II: NHỮNG ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CỦA QUY HOẠCH
II.1. Các quá trình và những dự án....................................... 55 II.2. Các giác quan, thông tin liên lạc và các kích thước...... 65 II.3. Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc là một quá trình............................................................. 75 CHƯƠNG III: TẬP HỢP HAY PHÂN TÁN Quy hoạch thành phố và Quy hoạch địa điểm
III.1. III.2. III.3. III.4.
Tập hợp hay phân tán................................................... 83 Hoà nhập hay cô lập................................................... 103 Hút vào hay đẩy ra..................................................... 117 Mở rộng hay che kín.................................................. 125
CHƯƠNG IV: KHÔNG GIAN ĐI DẠO, CHỖ Ở LẠI Quy hoạch chi tiết
IV.1. Không gian đi dạo. Chỗ ở lại...................................... 133 IV.2. Đi bộ........................................................................... 137 IV.3. Đứng........................................................................... 151 IV.4. Ngồi............................................................................ 159 IV.5. Nhìn, nghe và trò chuyện............................................ 167 IV.6. Nơi thú vị về mọi mặt................................................. 175 IV.7. Lề mềm....................................................................... 187 Tài liệu tham khảo................................................................ 202 Minh hoạ được sử dụng........................................................ 204 5
Lời Nhà xuất bản
Không gian công cộng trong đô thị là chủ đề rộng, cần thiết, nhưng khó bởi sự liên quan trực tiếp đến cuộc sống đô thị, vì thế luôn được các nhà nghiên cứu ở nước ngoài quan tâm, trong đó có GS.TS.KTS Jan Gehl, Trường kiến trúc, Học viện mỹ thuật hoàng gia Đan Mạch. Bằng cách đặt vấn đề đơn giản, có thể nói là dung dị dưới cái tên “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc”, cuốn sách của GS Jan Gehl đã giải thích dễ hiểu một vấn đề khó: không gian công cộng với con người và cuộc sống trong đô thị. Đó là những không gian công cộng quen thuộc ở bất cứ đô thị nào, là những con phố, các quảng trường, những không gian công cộng khác, nói đúng hơn, là những không gian mở với cây xanh ở nhiều quy mô khác nhau, từ mảnh sân xinh xắn trước ngôi nhà đến những công viên thênh thang. Ở đó diễn ra các hoạt động hết sức đa dạng của người đô thị, từ những hoạt động thuần túy cá nhân nhỏ nhất đến những hoạt động của từng nhóm xã hội và của cả cộng đồng rộng lớn. Hiểu được “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc” quả thật là rất quan trọng. Đối với người dân, chắc chắn sẽ có thêm tình cảm gắn bó với nơi mình cư trú, đối với các nhà chuyên môn, những kiến trúc sư, người thiết kế không gian, càng sâu sắc thêm sứ mệnh góp phần nâng cao chất lượng thẩm mỹ của không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Và thành phố, như thế sẽ là môi trường sống tốt và có bản sắc. Đó là nội hàm của cuốn sách và cũng chính là mục đích của tất cả chúng ta. Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chủ trương dịch cuốn sách này sang tiếng Việt là đã nói lên tất cả. Đó là quảng bá thông tin khoa học về không gian công cộng và cuộc sống đô thị, một lĩnh vực mà ở nước ta chưa phải là đã được nghiên cứu nhiều với mong muốn góp phần thúc đẩy việc xây dựng các thành phố sống tốt cho mọi người. Về phần mình, Nhà xuất bản Xây dựng xin cảm ơn dịch giả, KTS Lê Phục Quốc, đã tin cậy giao bản thảo, cảm ơn các nhà khoa học đã quan tâm, đóng góp ý kiến hoàn thiện bản dịch. Đặc biệt xin trân trọng cảm ơn Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Đan Mạch (CDEF), Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Trung tâm Kiến trúc Đan Mạch (DAC) về ý tưởng xuất bản, trách nhiệm bảo trợ và sự tin cậy đối với nhà xuất bản để quyển sách ra đời. Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng cuốn sách có vị trí xứng đáng trong bộ sách về đô thị học ở nước ta và chắc chắn là tài liệu tham khảo bổ ích, đáp ứng nhu cầu của độc giả, nhất là các kiến trúc sư, nhà quy hoạch, sinh viên kiến trúc và những người quan tâm đến đô thị. Nhà xuất bản Xây dựng Giám đốc Bùi Hữu Hạnh 6
Lời nói đầu
Cuốn sách này đã được xuất bản lần đầu tiên vào thập niên 1970 với mục đích vạch ra những khiếm khuyết của quy hoạch thành phố và kiến trúc theo chủ nghĩa Chức năng (công năng) đã thống trị trong thời kì đó. Nó đòi hỏi sự quan tâm đến những người di chuyển đây đó trong không gian giữa các công trình kiến trúc, nhấn mạnh sự thông cảm về những đặc tính tinh tế mà trong suốt cả lịch sử định cư của loài người đã có liên quan đến sự hội họp của nhân dân trong các không gian công cộng và lưu ý đến cuộc sống giữa những công trình kiến trúc như một khía cạnh của kiến trúc, của thiết kế đô thị và quy hoạch thành phố cần được nghiên cứu kĩ càng. Đến nay, khoảng 35 năm trôi qua. Nhiều phong cách kiến trúc và các hệ tư tưởng đã diễn ra cho thấy rằng sức sống của các thành phố và các khu dân cư vẫn sẽ là một vấn đề quan trọng. Cường độ cùng chất lượng cao của các không gian công cộng được sử dụng khắp nơi trên thế giới, cùng sự quan tâm chung đã tăng lên đối với chất lượng của các thành phố và của những không gian công cộng đang nhấn mạnh điểm này. Đặc điểm của cuộc sống giữa những công trình kiến trúc thay đổi cùng với sự thay đổi của tình hình xã hội, nhưng các nguyên tắc cơ bản và những tiêu chuẩn chất lượng phải được áp dụng trong lĩnh vực công cộng được chú ý thường xuyên. Trong những năm qua cuốn sách này đã được cập nhật hoá, sửa lại và dịch sang 16 ngoại ngữ (*). Bản tiếng Anh in lần thứ 6 này ít giống các bản in của những lần xuất bản trước đây. Tư liệu mới và các minh hoạ mới đã được bổ sung, song hoàn toàn không có lí do gì để thay đổi bức thông điệp ban đầu mà đến nay vẫn có tầm quan trọng cơ bản là quan tâm đầy đủ đến cư dân và cuộc sống quý giá giữa những công trình kiến trúc. Vào thời điểm khi các thành phố trên toàn thế giới đang trải qua những thay đổi lớn trong quá trình phát triển và hiện đại hoá, tôi hi vọng rằng những nguyên tắc nhân đạo được trình bày trong cuốn sách này có thể là nguồn cảm hứng cho các quá trình quan trọng đó. Copenhagen, tháng 01-2006. Jan Gehl
(*) Bản tiếng Việt xuất bản năm 2009 tại Hà Nội là bản ngoại ngữ thứ 17 được dịch qua bản tiếng Anh in lần thứ 6 năm 2006 tại Copenhagen, Đan Mạch ─ ND.
7
Chương I Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc
I.1. Ba loại hoạt động ngoài trời I.2. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc I.3. Các hoạt động ngoài trời và chất lượng của không gian ngoài trời I.4. Những hoạt động ngoài trời và các xu hướng kiến trúc I.5. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc trong tình trạng xã hội hiện nay 8
I.1. Ba loại hoạt động ngoài trời
Quang cảnh đường phố.
Một ngày bình thường trên một đường phố bình thường. Các khách bộ hành đi trên vỉa hè, trẻ em chơi gần những cửa ra vào mặt trước nhà, một số người khác ngồi trên các ghế băng và bậc thềm, người đưa thư đi loanh quanh để phân phát bưu phẩm, hai khách qua đường chào hỏi nhau trên vỉa hè, hai công nhân cơ khí sửa chữa xe ôtô, các nhóm người tụ tập nhau trò chuyện. Sự hỗn hợp những hoạt động ngoài trời đó đã chịu ảnh hưởng của nhiều điều kiện. Môi trường tự nhiên là một trong những nhân tố có ảnh hưởng đến các hoạt động với mức độ khác nhau và bằng nhiều cách khác nhau. Những hoạt động ngoài trời và nhiều điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng đến các hoạt động đó là chủ đề của cuốn sách này.
Ba loại hoạt động ngoài trời.
Được đơn giản hoá nhiều, những hoạt động ngoài trời trong không gian công cộng có thể được chia thành ba loại (mỗi loại trong đó đề ra các yêu cầu rất khác nhau về môi trường tự nhiên). Đó là những hoạt động thiết yếu, những hoạt động tự chọn và những hoạt động xã hội.
Những hoạt động thiết yếu ─ trong mọi điều kiện.
Những hoạt động thiết yếu bao gồm các hoạt động bắt buộc trong chừng mực nào đó (ít nhiều có tính chất cưỡng bách) như đi học hoặc đi làm việc, đi mua sắm, đợi xe hoặc chờ nhau, chạy việc vặt, đưa thư, v.v. - nói một cách khác là tất cả những hoạt động đòi hỏi phải tham gia với mức độ ít nhiều khác nhau. Nói chung, các trò giải trí tiêu khiển và những nhiệm vụ hằng ngày đều thuộc về nhóm này. Giữa các hoạt động khác, nhóm này bao gồm đại đa số những hoạt động có liên quan đến đi bộ. Vì các hoạt động trong nhóm này là thiết yếu nên phạm vi của chúng chỉ chịu ảnh hưởng không đáng kể của khuôn khổ tự nhiên. Những hoạt động đó sẽ diễn ra trong suốt cả năm hầu như trong mọi điều kiện và ít nhiều độc lập đối với môi trường bên ngoài. Những người tham gia không có sự lựa chọn. 9
Ba loại hoạt động ngoài trời.
Những hoạt động thiết yếu
Những hoạt động tự chọn
Những hoạt động xã hội
10
Các hoạt động tự chọn ─ chỉ diễn ra khi những điều kiện bên ngoài thuận lợi.
Những hoạt động tự chọn là vấn đề hoàn toàn khác, là những việc người ta thích làm nếu thời gian và địa điểm cho phép. Loại hoạt động này bao gồm những việc như đi bộ để hít thở không khí trong lành, đứng xem cảnh sống vui thích hoặc ngồi sưởi nắng. Những hoạt động đó chỉ diễn ra khi các điều kiện bên ngoài thuận lợi, khi thời tiết và địa điểm quyến rũ. Mối quan hệ đó quan trọng đặc biệt về quy hoạch theo quy luật tự nhiên vì đa số những hoạt động giải trí, nhất là những hoạt động vui thích diễn ra ở ngoài trời đều được xếp đúng vào loại này. Các hoạt động đó đặc biệt lệ thuộc vào những điều kiện tự nhiên bên ngoài.
Những hoạt động ngoài trời và chất lượng của không gian ngoài trời.
Khi khu vực ngoài trời có chất lượng không tốt thì chỉ các hoạt động thực sự thiết yếu mới diễn ra. Khi khu vực ngoài trời có chất lượng cao thì những hoạt động thiết yếu diễn ra với tần số gần như nhau - mặc dù chúng có xu hướng rõ ràng là diễn ra trong thời gian lâu hơn vì có các điều kiện tự nhiên tốt hơn. Tuy vậy, thêm vào đó, nhiều hình thức hoạt động tự chọn khác nhau cũng sẽ diễn ra bởi vì địa điểm và không khí hoạt động có sức lôi cuốn người ta dừng chân, ngồi lại, ăn, chơi, v.v. Trên các đường phố và những không gian thành phố có chất lượng thấp thì chỉ có tối thiểu ít ỏi các hoạt động diễn ra. Ai cũng vội vàng về nhà mình. Trong môi trường tốt có thể thực hiện được tất cả những hoạt động hoàn toàn khác nhau của con người. Chất lượng của môi trường tự nhiên Xấu
Mô tả bằng đồ hoạ mối quan hệ giữa chất lượng của không gian ngoài trời và đánh giá sự diễn ra các hoạt động ngoài trời. Khi chất lượng của khu vực ngoài trời tốt thì các hoạt động tự chọn sẽ diễn ra với tần số tăng lên. Hơn nữa, vì mức độ hoạt động tự chọn tăng lên nên số lượng những hoạt động xã hội cũng thường tăng lên đáng kể.
Tốt
Những hoạt động thiết yếu
Những hoạt động tự chọn
Những hoạt động xã hội
11
Những hoạt động xã hội.
Chào hỏi các bạn già ở Bilbao.
12
Các hoạt động xã hội là những hoạt động phụ thuộc vào sự hiện diện của các hoạt động khác ở những không gian công cộng. Các hoạt động xã hội bao gồm trẻ em đùa chơi, chào hỏi nhau và trò chuyện, các dạng khác nhau của những hoạt động cộng đồng và cuối cùng là một hoạt động xã hội phổ biến nhất: những sự tiếp xúc thụ động, nghĩa là chỉ nhìn và nghe người khác. Các dạng khác nhau của những hoạt động xã hội diễn ra ở nhiều nơi: trong nhà ở; ở những không gian ngoài trời của riêng tư, vườn hoa và ban công nhà riêng; ở các toà nhà công cộng; ở nơi làm việc; v.v, nhưng trong bối cảnh đó chỉ có những hoạt động nào diễn ra ở không gian mà công chúng có thể đến sử dụng thì mới được xem xét. Các hoạt động ấy cũng có thể được gọi là những hoạt động “kết quả” bởi vì trong hầu như tất cả các trường hợp chúng tự tiến triển dần từ những hoạt động liên kết với hai loại hoạt động kia. Chúng phát triển trong sự nối tiếp từ các hoạt động khác vì dân chúng ở trong cùng một không gian ấy, gặp nhau, đi ngang qua hoặc chỉ là trong tầm nhìn thấy nhau. Những hoạt động xã hội diễn ra tự phát là kết quả trực tiếp của sự di chuyển đó đây của người dân và ở trong cùng các không gian ấy. Điều đó có hàm ý rằng những hoạt động xã hội được ủng hộ gián tiếp mỗi khi các hoạt động thiết yếu và các hoạt động tự chọn tạo được những điều kiện tốt hơn trong các không gian công cộng.
Dân chúng dành càng nhiều thời gian ở ngoài trời thì họ càng gặp nhau thường xuyên hơn và họ càng trò chuyện với nhau nhiều hơn. Đồ thị vẽ quan hệ giữa số lượng hoạt động ngoài trời và tần số tương tác (Nghiên cứu cuộc sống đường phố ở Melbourne [20]).
110 100 90 80 70 60 50 40 30 20 10 10 20 30 40 50 60 70 80 90 100 110 120 130 140 150 160 170
Đặc tính của những hoạt động xã hội là khác nhau, phụ thuộc vào bối cảnh mà chúng diễn ra trong đó. Ở các đường phố nhà ở, gần trường học, gần những chỗ làm việc, nơi mà dân số có giới hạn với cơ sở hoặc quyền lợi chung thì các hoạt động xã hội ở những không gian công cộng có thể rất toàn diện: việc chào hỏi, trò chuyện, thảo luận và chơi phát sinh từ những quyền lợi chung và vì người ta “biết nhau”, bởi lý do duy nhất là họ thường gặp nhau luôn. Ở đường phố và trung tâm thành phố, hoạt động xã hội nói chung sẽ có tính chất hời hợt bề ngoài, với chủ yếu là sự tiếp xúc thụ động - nhìn và nghe nhiều người không quen biết. Nhưng thậm chí kiểu hoạt động giản dị ấy cũng có thể rất hấp dẫn. Lí giải một cách rất phóng khoáng, hoạt động xã hội được diễn ra khi có hai người ở trong cùng một không gian. Nhìn và nghe nhau, gặp gỡ chính là một hình thức tiếp xúc, một hoạt động xã hội ở trong đó. Sự gặp gỡ thực tế chỉ là sự tồn tại hiện thời, hơn nữa là mầm mống cho những hình thức hoạt động xã hội khác toàn diện hơn. Sự nối tiếp ấy là quan trọng trong quan hệ với quy hoạch tự nhiên. Mặc dù khuôn khổ tự nhiên không có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, nội dung và cường độ của sự tiếp xúc xã hội, các kiến trúc sư và những nhà quy hoạch có thể tác động đến khả năng dân chúng gặp mặt, nhìn và nghe những khả năng, không những bảo đảm chất lượng cho bản thân các hoạt động đó mà còn trở nên quan trọng như bối cảnh và xuất phát điểm cho những hình thức tiếp xúc khác. Đó là bối cảnh cho việc điều tra trong cuốn sách này về những khả năng gặp gỡ và những cơ hội nhìn và nghe những người khác. Một lí do khác để xem xét lại một cách toàn diện các hoạt động, đó là sự hiện diện của những người khác, các hoạt động, những sự kiện, cảm hứng và sự khuyến khích 13
tạo thành một trong những phẩm chất quan trọng nhất của các không gian công cộng nói chung. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc đã được định rõ.
Tiếp xúc ở cấp độ đơn giản nhưng rõ ràng vẫn là tiếp xúc
14
Nếu chúng ta nhìn lại quang cảnh đường phố là điểm xuất phát để định rõ ba loại hoạt động ngoài trời, ta có thể thấy những hoạt động thiết yếu, những hoạt động tự chọn và những hoạt động xã hội diễn ra như thế nào trong cách kết hợp tuyệt vời. Người ta đi bộ, ngồi và trò chuyện. Các hoạt động chức năng, các hoạt động giải trí và các hoạt động xã hội gắn chặt với nhau trong sự kết hợp có thể tưởng tượng ra được. Bởi vậy, việc xem xét vấn đề những hoạt động ngoài trời không bắt đầu từ một loại hoạt động hữu hạn đơn độc. Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc không chỉ có sự đi lại của bộ hành hoặc các hoạt động giải trí, hay những hoạt động xã hội. Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc bao gồm toàn bộ những hoạt động kết hợp với nhau để tạo thành các không gian cộng đồng ở thành phố và các khu dân cư đầy ý nghĩa và có sức hấp dẫn. Cả những hoạt động thiết yếu theo chức năng và các hoạt động tự chọn để giải trí đã được nghiên cứu kĩ trong những bối cảnh khác nhau suốt những năm qua. Các hoạt động xã hội và sự kết hợp của chúng để tạo nên cơ cấu cộng đồng thì nhận được sự quan tâm ít hơn nhiều. Đó là bối cảnh để xem xét tiếp một cách chi tiết hơn những hoạt động xã hội trong các không gian công cộng.
I.2. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc
Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc và nhu cầu tiếp xúc.
Khó mà định nghĩa chính xác cuộc sống giữa những công trình kiến trúc nghĩa là gì trong mối quan hệ với nhu cầu tiếp xúc [14]. Các cơ hội gặp gỡ và những hoạt động hằng ngày ở các không gian công cộng của thành phố hoặc của khu dân cư làm cho người ta có thể ở đó để nhìn và nghe những người khác, rút kinh nghiệm người khác đã hoạt động như thế nào trong các hoàn cảnh khác nhau. Những “tiếp xúc nhìn và nghe” đơn giản này phải được xem xét trong mối tương quan với các hình thức tiếp xúc khác và được coi như một phần của toàn bộ những hoạt động xã hội từ các tiếp xúc rất đơn giản và không tự ràng buộc đến những mối quan hệ phức tạp và có dính líu về tình cảm. Khái niệm về các cấp độ (degrees) thay đổi của cường độ tiếp xúc (contact intensity) là cơ sở của phác thảo đơn giản hoá sau đây của những hình thức tiếp xúc khác nhau. Cường độ cao
Cường độ thấp
Tình bạn thân thiết. Các bạn. Những người quan biết. Những tiếp xúc tình cờ. Những tiếp xúc thụ động (những tiếp xúc “nhìn và nghe”).
Dưới dạng phác thảo này, cuộc sống giữa các công trình kiến trúc mô tả chủ yếu những tiếp xúc cường độ thấp có vị trí ở đáy thang chia độ. So với các hình thức tiếp xúc khác, những tiếp xúc này có vẻ tầm thường, vậy mà chúng có giá trị lớn vì vừa là những hình thức tiếp xúc độc lập, vừa là điều kiện tiên quyết cho những tương tác khác phức tạp hơn. Các cơ hội chỉ liên quan đến khả năng gặp gỡ, nhìn và nghe những người khác bao gồm: - tiếp xúc ở cấp độ đơn giản; - điểm xuất phát có thể có cho tiếp xúc ở các cấp độ khác; - khả năng duy trì những tiếp xúc đã thiết lập; 15
Sự khởi đầu có thể có cho những tiếp xúc ở các cấp độ khác.
16
Tiếp xúc ở cấp độ đơn giản.
- nguồn thông tin về xã hội - thế giới bên ngoài; - nguồn cảm hứng, lời đề nghị về kinh nghiệm lí thú. Một hình thức tiếp xúc.
Những khả năng có liên quan đến các hình thức tiếp xúc có cường độ thấp xuất hiện ở những không gian công cộng có lẽ sẽ được mô tả tốt nhất bởi tình trạng đó có tồn tại dù cho là còn chưa nhiều. Nếu hoạt động giữa những công trình kiến trúc bị bỏ qua, điểm cuối thấp nhất của thang tiếp xúc cũng sẽ biến mất. Các hình thức quá độ đa dạng giữa sự tồn tại đơn độc và sự tồn tại cùng nhau cũng đã biến mất. Ranh giới giữa sự cô lập và sự tiếp xúc trở nên rõ nét hơn - người ta hoặc có mặt một mình, hoặc có mặt cùng với những người khác nữa ở cấp độ tương đối khắt khe và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc tạo cơ hội có mặt cùng với những người khác một cách thoải mái và không khắt khe. Thỉnh thoảng người ta có thể đi bộ, có thể đi đường vòng dọc theo đường phố chính trên đường về nhà hoặc tạm ngưng một lát ở chiếc ghế băng quyến rũ gần cửa ra vào nhà để được ở giữa những người khác trong chốc lát. Hoặc người ta có thể đi mua sắm hằng ngày mặc dù trên thực tế việc đó chỉ cần làm mỗi tuần một lần. Thậm chí thỉnh thoảng nhìn qua cửa sổ, nếu người ta có đủ may mắn trông thấy được một cái gì đó cũng có thể cảm thấy thoả mãn. Ở giữa những người khác, nhìn và nghe họ, tiếp nhận xung lực từ họ hàm ý các trải nghiệm tích cực, các giải pháp có thể chọn để tồn tại một mình. Người ta không nhất thiết phải ở cùng với một người nào đó, nhưng vẫn thấy như đang ở cùng với những người khác. Trái với việc làm người quan sát thụ động những kinh nghiệm của người khác trên máy truyền hình, video hoặc 17
Cơ hội để duy trì sự tiếp xúc đã thiết lập.
18
phim ảnh trong không gian công cộng, bản thân mỗi cá nhân hiện diện là người tham gia một cách đơn giản, nhưng là người tham gia rõ ràng nhất. Phương cách có thể dẫn đến tiếp xúc ở các cấp độ khác.
Tiếp xúc có tần số thấp cũng là tình trạng làm cho các hình thức tiếp xúc khác có thể phát triển. Đó là trung dung của cái không thể đoán trước được, cái tự phát, cái không được hoạch định sẵn. Những cơ hội đó có thể được minh hoạ bằng cách xem các hoạt động vui chơi của bọn trẻ đã bắt đầu như thế nào. Những tình huống như thế có thể được sắp xếp. Trò chơi chính thức hoá (có ghi trong chương trình) được diễn ra ở các buổi liên hoan mừng sinh nhật và những nhóm chơi được sắp xếp ở trường. Tuy nhiên, nói chung thì việc chơi đùa thường không có sắp đặt. Nó phát triển một cách tự nhiên khi bọn trẻ ở cùng nhau, khi chúng nhìn thấy nhau ở chỗ chơi, khi chúng cảm thấy thích chơi và “ra ngoài để chơi” mà thực sự không tin chắc rằng trò chơi sẽ bắt đầu. Điều kiện tiên quyết đầu tiên là sự có mặt trong cùng một không gian. Sự gặp gỡ. Những tiếp xúc phát triển một cách tự phát chỉ kết hợp với sự có mặt ở nơi những người khác thường thoáng qua rất nhanh - trao đổi vài lời ngắn ngủi, một cuộc tranh luận ngắn với người đàn ông bên cạnh ngồi trên ghế băng, nói chuyện phiếm với đứa trẻ trong xe buýt, quan sát một người nào đó làm việc và hỏi vài câu, v.v. Từ cấp độ đơn giản ấy, sự tiếp xúc có thể phát triển sang những cấp độ khác khi những người tham gia mong muốn. Sự gặp gỡ, có mặt trong cùng một không gian ở mỗi trường hợp của những hoàn cảnh đó đều là điều kiện tiên quyết căn bản.
Một cơ hội không phức tạp để duy trì những tiếp xúc đã thiết lập.
Khả năng gặp gỡ những người láng giềng và các bạn đồng nghiệp thường hay nói về những người đến và đi hằng ngày là một cơ hội quý giá để thiết lập và sau đó duy trì sự quen biết một cách bớt căng thẳng và không cần nhiều nỗ lực. Các sự kiện xã hội có thể tiến triển một cách tự phát. Các tình huống được phát triển. Những cuộc thăm viếng và tụ họp có thể được thu xếp ngay khi được thông báo nếu muốn. Rất dễ “tạt vào thăm” hoặc “ghé thăm” hay thoả thuận cái gì sẽ diễn ra ngày mai nếu những người tham gia thường hay đi ngang qua trước cửa nhà nhau và nhất là thường gặp nhau trên đường phố, hoặc nói về các hoạt động hằng ngày ở quanh nhà ở, nơi làm việc, v.v. 19
Thông tin về môi trường xã hội.
20
Nhiều khảo sát đã cho thấy những cuộc gặp gỡ thường xuyên trong các hoạt động hằng ngày làm tăng những cơ hội phát triển sự tiếp xúc với láng giềng. Bằng sự gặp gỡ thường xuyên, tình bạn và mạng lưới tiếp xúc được duy trì đơn giản hơn nhiều và cần ít sự nỗ lực hơn so với tình bạn phải duy trì bằng điện thoại và giấy mời, vì trong trường hợp này thường khá khó duy trì sự tiếp xúc bởi lẽ bao giờ cũng đòi hỏi nhiều hơn đối với những người tham gia khi cuộc gặp gỡ phải được sắp xếp trước. Đây là lí do giải thích tại sao hầu như tất cả trẻ em và một tỉ lệ đáng kể những nhóm tuổi khác duy trì được sự tiếp xúc chặt chẽ hơn và thường xuyên hơn với bạn bè và người quen sống hoặc làm việc gần họ - đó là cách đơn giản nhất để “giữ liên lạc”. Thông tin về môi trường xã hội.
Cơ hội nhìn và nghe người khác trong thành phố hoặc trong khu dân cư cũng tạo điều kiện thu được những thông tin quý giá về môi trường xã hội xung quanh nói chung và về những người cùng sống hoặc làm việc với mình nói riêng. Điều này đặc biệt đúng đối với sự phát triển xã hội của trẻ em - sự phát triển mà chủ yếu là dựa vào sự quan sát môi trường xã hội xung quanh, còn tất cả chúng ta thì cần được cập nhật về thế giới xung quanh để hoạt động trong một bối cảnh xã hội. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được biết về những sự kiện quốc tế lớn, gây náo động dư luận nhiều hơn, nhưng bằng sự có mặt cùng những người khác, chúng ta biết được các chi tiết thông thường hơn, nhưng cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta khám phá ra những người khác làm việc, cư xử và ăn mặc như thế nào, và chúng ta biết rõ về những người cùng làm việc, cùng sống với mình, v.v. Bằng tất cả những thông tin này, chúng ta thiết lập được mối quan hệ đáng tin cậy với thế giới quanh ta. Người mà chúng ta thường gặp trên đường phố sẽ trở thành người mà chúng ta “biết”.
Nguồn cảm hứng.
Ngoài việc phổ biến thông tin về thế giới xã hội bên ngoài, cơ hội nhìn và nghe người khác cũng có thể còn tạo ra ý tưởng và cảm hứng cho hành động. Chúng ta được truyền cảm hứng khi nhìn người khác làm việc. Chẳng hạn như trẻ em nhìn những đứa trẻ khác chơi thì cũng bị thôi thúc nhập cuộc, hoặc nảy ra ý tưởng cho những trò chơi mới khi theo dõi những trẻ em khác hoặc người lớn. 21
Sự trải nghiệm kích thích một cách khác thường.
Chắc chắn, cuộc sống giữa những công trình kiến trúc sẽ phong phú hơn, lí thú hơn và bổ ích hơn so với bất kì sự kết hợp nào của các ý tưởng kiến trúc. Hình trên: Một tổ hợp nhà ở mới tại Paris. Hình dưới: Cảnh tượng hằng ngày.
22
Xu hướng chuyển từ những thành phố và các khu dân cư sinh động thành các thành phố và khu dân cư không có sức sống - mặt trái của công nghiệp hoá, của lối quy hoạch dựa trên mô hình phân tách chức năng và sự nhờ cậy vào ôtô,. .. là nguyên nhân làm cho các thành phố trở nên buồn tẻ và đơn điệu. Điều này cho thấy rất rõ một nhu cầu quan trọng khác, ấy là nhu cầu kích thích [14]. Việc rút kinh nghiệm của người khác thể hiện cơ hội kích thích một cách đặc biệt sinh động và hấp dẫn. So với việc biết được các công trình kiến trúc và những đối tượng vô tri vô giác khác, việc biết được những người nói và di chuyển đó đây sẽ cho ta rất nhiều biến đổi xúc cảm. Không có khoảnh khắc nào giống trước và sau khi những người này đi lại giữa những người khác. Số lượng các tình huống mới và các tác
Các trẻ em, những người công nhân và kiến trúc đương đại (Les Arcades du Lac, Paris 1981. KTS Ricardo Bofill).
nhân kích thích mới là vô hạn. Hơn nữa, nó liên quan đến đối tượng quan trọng nhất trong cuộc sống là con người. Vì thế những thành phố sinh động mà ở đó con người có thể tương tác (với nhau) bao giờ cũng lí thú, bởi vì chúng giàu kinh nghiệm, tương phản với các thành phố không có sức sống - nơi mà chắc chắn là không thể tránh khỏi tình trạng nghèo kinh nghiệm, do đó buồn tẻ, bất kể có bao nhiêu màu sắc và bao nhiêu biến thể hình thù nhà cửa được đưa vào. Nếu chúng ta tạo điều kiện cho cuộc sống giữa những công trình kiến trúc thông qua việc quy hoạch hợp lí các thành phố và các khu dân cư thì có thể không cần đến những nỗ lực tốn kém và căng thẳng, không tự nhiên làm cho các công trình kiến trúc trở nên “thú vị” và phong phú bằng cách sử dụng những tác động kiến trúc gây ấn tượng mạnh. Rút cục, ngắm nhìn cuộc sống giữa những công trình kiến trúc thú vị hơn so với bất cứ sự kết hợp nào của các khối bêtông được tô màu và các hình thức nhà cửa xếp xen kẽ.
Hoạt động là sự hấp dẫn.
Giá trị của nhiều khả năng lớn nhỏ kèm theo cơ hội được có mặt trong cùng một không gian để nhìn và nghe người khác được nhấn mạnh bởi một loạt những quan sát điều tra phản 23
Hoạt động là sự hấp dẫn.
24
Số phút sử dụng ở ngoài trời/ngày (trung bình)
ứng của con người đối với sự hiện diện của người khác ở không gian công cộng [15, 18, 24, 51]. Ở bất cứ chỗ nào có con người - trong các công trình kiến trúc, giữa những người láng giềng, ở các trung tâm công cộng, tại những khu vực giải trí, v.v. - nói chung, đúng là người và hoạt động của con người có sức hấp dẫn những người khác. Con người có sức hấp dẫn người khác. Họ tụ họp, đi lại và tìm chỗ gần những người khác. Các hoạt động mới bắt đầu ở vùng xung quanh những sự kiện đang diễn ra. Ở nhà, chúng ta có thể thấy trẻ em thường ưa thích có mặt ở những nơi có người lớn hoặc những nơi có các đứa trẻ khác thay thế cho những nơi chỉ có đồ chơi thôi chẳng hạn. Ở các khu dân cư và ở những không gian của thành phố cũng có thể thấy cách hoạt động, ứng xử có thể so sánh được giữa những người lớn. Nếu phải lựa chọn giữa việc đi bộ trên một đường phố vắng tanh hoặc trên một đường phố sôi động thì đa số người trong phần lớn các tình huống sẽ chọn đường phố sôi động. Nếu phải chọn giữa việc ngồi trong một sân sau kín đáo hoặc ngồi ở sân trước có không gian mở có thể nhìn thấy cảnh đường phố thì thường người ta sẽ chọn phía trước của ngôi nhà - nơi có nhiều cái để nhìn hơn (xem trang 38).
Công viên Đường đi bộ
Đường vào
Các ngày thường trong tuần
Chủ nhật
Trẻ em đến 6 tuổi
Các ngày thường trong tuần
Chủ nhật
Trẻ em 7-14 tuổi
Ngay cả khi hệ thống công viên và đường đi bộ tốt có thể sử dụng được thì trẻ em mọi lứa tuổi vẫn dùng phần lớn thời gian ở ngoài trời của mình ở trên hoặc sát bên đường (Khảo sát thói quen vui chơi của trẻ em trong khu gồm những nhà cho từng gia đình ở Đan Mạch [29]).
25
Các hoạt động và sở thích ngồi.
Hình dưới: Ghế của các quán cà phê vỉa hè trên toàn thế giới đều hướng về cuộc sống đường phố (Ảnh của Karl Johan, đường phố chính ở Oslo, Norge Na Uy).
26
Ở Scandinavia có một câu tục ngữ xưa mà mọi người đều nói là “người đến nơi có người”. Các hoạt động và thói quen vui chơi.
Một loạt công trình được điều tra đã chứng tỏ một cách chi tiết hơn về sự thích thú được tiếp xúc với những người khác. Điều tra thói quen vui chơi của trẻ em tại các khu dân cư [28, 29] cho thấy chúng ở lại và vui chơi chủ yếu ở nơi đa số các hoạt động diễn ra hoặc ở nơi có nhiều khả năng xảy ra một điều gì đó nhất. Cả ở các khu gồm những nhà cho từng gia đình và cả ở môi trường nhà chung cư nhiều căn hộ, trẻ em đều có xu hướng chơi trên đường phố, ở khu vực đỗ xe và chỗ gần lối vào nhà ở nhiều hơn chơi ở những khu chơi được thiết kế cho mục đích đó nhưng ở trong sân sau của những nhà cho từng gia đình hoặc ở bên phía có nắng của những nhà nhiều tầng - nơi không có xe cộ đi lại mà cũng không có người để ngắm nhìn.
Các hoạt động và sở thích ngồi.
Các xu hướng tương tự có thể tìm thấy ở nơi người ta chọn để ngồi trong không gian công cộng. Những ghế băng cho phép nhìn rõ các hoạt động xung quanh đều được sử dụng nhiều hơn những ghế băng nhìn được ít hơn hoặc không nhìn thấy những người khác.
Khi các ghế băng không quay ra phía có hoạt động thì chúng không có người dùng hoặc sẽ được sử dụng một cách không bình thường.
27
Ghi lại tất cả những người đứng và ngồi ở phần trung tâm của một đường đi bộ chính ở Copenhagen vào buổi trưa ngày thứ ba trong một tuần tháng 7. Mặt bằng tỉ lệ 1:3000 [18].
Cuộc điều tra khảo sát Vườn hoa Tivoli ở Copenhagen [36] do KTS John Lyle thực hiện cho thấy rằng những ghế băng được sử dụng nhiều nhất đều được bố trí dọc theo con đường mòn chính của vườn hoa - nơi dễ nhìn thấy các khu vực đặc biệt năng động, trong khi những ghế băng được sử dụng ít nhất lại ở trong các khu yên tĩnh của công viên. Ở những nơi khác nhau, các ghế băng được bố trí quay lưng vào nhau nên một số ghế nhìn ra đường đi bộ, trong khi một số ghế khác “quay lưng ra”. Trong trường hợp này, những ghế băng quay mặt ra đường bao giờ cũng được sử dụng. Sự điều tra khảo sát chỗ ngồi ở một số quảng trường ở trung tâm Copenhagen cũng cho kết quả như thế. Những ghế băng nhìn ra các đường đi bộ nhộn nhịp nhất thì được sử dụng nhiều nhất, trong khi những ghế băng hướng về khu vực trồng cây của quảng trường thì được sử dụng ít thường xuyên hơn [15, 18, 27]. Cũng như vậy, ở các quán cà phê vỉa hè, cuộc sống trên vỉa hè ở trước quán cà phê là hấp dẫn nhất. Hầu như không có ngoại lệ, những ghế của các quán cà phê trên khắp thế giới đều hướng về khu vực năng động nhất ở bên cạnh. Không có gì đáng ngạc nhiên, vỉa hè chính là lí do của việc tạo ra những quán cà phê vỉa hè.
Những nét hấp dẫn trên đường phố đi bộ
Cơ hội nhìn, nghe và gặp gỡ người khác cũng có thể là một trong những cái hấp dẫn quan trọng nhất trong các trung tâm thành phố và trên những đường phố đi bộ. Điều này được minh hoạ bởi sự phân tích về cái hấp dẫn ở Stroget (một đường phố đi bộ chính ở trung tâm Copenhagen) được nhóm nghiên cứu của Trường Kiến trúc thuộc Học viện Mĩ thuật Hoàng gia Đan Mạch thực hiện [15, 18]. Sự phân tích đã dựa trên cơ sở điều tra khảo sát những nơi các khách bộ hành dừng chân trên đường phố đi bộ và những cái mà họ dừng lại để ngắm.
28
Rất ít trường hợp dừng chân được ghi nhận ở trước các ngân hàng, các văn phòng, những phòng trưng bày và những nơi triển lãm chán ngắt như máy tính tiền (máy điện tử tính tiền dùng ở các cửa hàng, v.v. có một ngăn kéo để đựng tiền và ghi lại số tiền của mỗi lần mua hàng), bàn ghế và tủ văn phòng, đồ sứ hoặc đồ uốn tóc. Trái lại, trường hợp dừng chân nhiều được ghi nhận ở trước các cửa hàng và gian triển lãm có quan hệ trực tiếp với những người khác và với môi trường xã hội xung quanh như các sạp báo, triển lãm ảnh, tranh quảng cáo phim ở ngoài rạp chiếu bóng, các cửa hàng quần áo và các cửa hàng đồ chơi. Thậm chí mối quan tâm lớn nhất được thể hiện ở những hoạt động khác nhau của con người diễn ra trên đường phố. Về điểm này, tất cả các hình thức hoạt động của con người dường như đều là mối quan tâm chính. Không ai dừng chân trước các ngân hàng và những phòng trưng bày có uy tín. Khá nhiều người dừng chân ngắm các đồ chơi của trẻ em, ảnh và những thứ khác có liên quan trực tiếp nhiều hơn đến cuộc sống và những người khác. Rất nhiều người dừng chân để theo dõi những người khác và các sự kiện.
Có sự quan tâm đáng kể đối với những sự kiện thông thường hằng ngày diễn ra trên đường phố (trẻ em chơi, những cặp vợ chồng mới cưới trên đường về từ hiệu ảnh, hoặc chỉ là những người khách bộ hành qua đường) và cả trong trường hợp khác thường hơn (nghệ sĩ bên khung vẽ, nhạc sĩ đường phố với cây đàn ghita, hoạ sĩ đường phố đang sáng tác, và các sự kiện lớn nhỏ khác). Điều hiển nhiên là các hoạt động của con người có thể nhìn thấy những người khác hoạt động đã tạo nên sự hấp dẫn chính của khu vực. Các hoạ sĩ đường phố tập hợp một đám đông người đến xem chừng nào công việc của họ còn đang tiếp diễn, nhưng khi họ rời khu vực đó thì các khách bộ hành sẽ bước qua những bức tranh không chút do dự. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với âm nhạc. Tiếng nhạc lanh lảnh trên đường phố phát ra từ loa phóng thanh ở trước cửa hàng băng đĩa nhạc không tạo ra phản ứng gì, nhưng ngay lúc các nhạc sĩ biểu 29
diễn nhạc sống bắt đầu chơi đàn hoặc hát thì lập tức thu hút được sự chú ý sôi nổi của mọi người. Sự chú ý đến con người và những hoạt động của con người cũng được minh hoạ bởi việc theo dõi về sự mở rộng mạng lưới cửa hàng bách hoá ở trong khu vực. Khi đang tiến hành đào hố móng và đúc nền móng có thể nhìn công trường xây dựng qua hai cổng nhìn ra đường đi bộ. Suốt thời kì đó có nhiều người đã dừng chân để quan sát công việc đang tiến hành ở công trường xây dựng hơn là dừng chân ở trước tất cả mười lăm cửa sổ cùng phô bày của các cửa hàng bách hoá. Trong trường hợp này có cả các công nhân và công việc của họ, chứ không phải chỉ có bản thân công trường xây dựng là đối tượng được quan tâm. Điều này được biểu thị tiếp theo trong thời gian nghỉ ăn trưa và sau khi nghỉ - khi các công nhân không có mặt trên công trường, thực tế là không có ai dừng chân để nhìn xem. Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc là một trong những nét hấp dẫn quan trọng nhất của thành phố.
30
Bản tóm tắt về sự theo dõi và điều tra khảo sát cho thấy rằng con người và hoạt động của con người là đối tượng lớn nhất của sự chú ý và quan tâm. Thậm chí hình thức đơn giản của sự tiếp xúc chỉ có nhìn và nghe hoặc có mặt gần những người khác hình như là bổ ích và cần hơn đa số những cái hấp dẫn khác xuất hiện trong các không gian công cộng của các thành phố và khu ở. Cuộc sống trong các toà nhà và giữa những công trình kiến trúc dường như trong hầu hết các tình huống được xếp vào hàng thiết yếu hơn và thích đáng hơn các không gian bản thân những toà nhà (những công trình kiến trúc).
I.3. Các hoạt động ngoài trời và Chất lượng của không gian ngoài trời
Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc là một khía cạnh của quy hoạch.
Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc được thảo luận ở đây vì việc mở rộng những hoạt động ngoài trời và đặc tính của chúng chịu tác động rất lớn của quy hoạch tự nhiên. Chính vì có thể thông qua sự lựa chọn các vật liệu và màu sắc để tạo ra các sắc thái trong một thành phố, cũng có thể thông qua những quyết định về quy hoạch để tác động đến các mô hình hoạt động, để tạo ra những điều kiện tốt hơn hoặc xấu hơn cho các sự kiện ngoài trời và để tạo ra những thành phố sinh động hoặc thiếu sức sống. Phạm vi những khả năng có thể được mô tả bằng hai thái cực. Một thái cực là thành phố với các toà nhà nhiều tầng, những phương tiện đỗ xe ngầm dưới đất, giao thông tấp nập bằng ôtô, khoảng cách xa giữa các toà nhà và những chức năng. Loại thành phố này có thể được tìm thấy ở một số lớn thành phố và ở nhiều khu vực ngoại ô thành phố của Bắc Mĩ và châu Âu “đã hiện đại hoá”. Ở các thành phố như thế người ta thấy những toà nhà và ôtô, nhưng ít người, vì sự đi lại của bộ hành là hầu như không thể được và vì điều kiện đứng ngoài trời ở khu vực công cộng gần các toà nhà là rất không tốt. Các không gian ngoài trời thì rộng lớn và lạnh lùng vô cảm. Với khoảng cách xa giữa các nhà, không có nhiều trải nghiệm về một ít hoạt động ngoài trời phân tán rải rác trong thời gian và không gian. Trong những điều kiện ấy đa số cư dân thích ở trong nhà xem truyền hình hoặc ở bancông nhà mình hay ở không gian ngoài trời nào đó kín đáo riêng tư. Thái cực khác là thành phố với những ngôi nhà thấp một cách hợp lí, có không gian tạo cảm giác gần gũi nhau, có chỗ ở tiện lợi cho việc đi bộ và những chỗ tốt để đứng chơi ở ngoài trời dọc theo các đường phố và có quan hệ trực tiếp với nhà ở, nhà công cộng, chỗ làm việc v.v. Ở đây có thể thấy những ngôi nhà với nhiều người qua lại, bởi những không gian ngoài nhà ấy đều dễ sử dụng và chào mời người sử dụng. Thành phố như thế là một thành phố sinh động, trong đó các không gian bên trong nhà có tính chất bổ sung 31
Cải thiện chất lượng trên các đường phố. Mỗi sự cải thiện chất lượng ở thành phố Copenhagen làm tăng cường sử dụng không gian công cộng nhiều hơn. Trong khi dân số thành phố không tăng, mối quan tâm đến việc sử dụng các không gian công cộng một cách thụ động và chủ động lại tăng lên.
Số người trung bình tham gia hoạt động tĩnh tại khắp trung tâm thành phố bất cứ lúc nào trong khoảng từ giữa trưa đến 16h những ngày hè năm 1968, 1986 và 1995
1968 cho 20500 m2 cho khu vực đi bộ
1986 55000 m2 cho khu vực đi bộ
1995 71000 m2 cho khu vực đi bộ
32
với những khu vực ngoài trời có thể dùng được và nơi mà các không gian công cộng có nhiều cơ hội tốt hơn cho các hoạt động. Các hoạt động ngoài trời và sự cải thiện chất lượng.
Như trên đã nói, những hoạt động ngoài trời đặc biệt phụ thuộc vào chất lượng của không gian ngoài trời là các hoạt động tự chọn, giải trí và hàm ý là một phần đáng kể của các hoạt động xã hội. Những hoạt động có sức hấp dẫn đặc biệt ấy sẽ biến mất khi điều kiện không tốt và sẽ phát triển mạnh khi có điều kiện thuận lợi. Tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng những hoạt động xã hội hằng ngày ở các thành phố có thể thấy rõ ở nơi những đường phố đi bộ hoặc các khu không có xe cộ qua lại được thiết lập trong những khu vực đô thị hiện có. Qua nhiều ví dụ, những điều kiện tự nhiên được cải thiện đã đem lại kết quả là tăng mạnh số người đi bộ, thời gian trung bình dành cho hoạt động ở ngoài trời tăng lên và phạm vi các hoạt động ở ngoài trời cũng mở rộng đáng kể [17]. Khảo sát hình ảnh ghi lại tất cả các hoạt động diễn ra ở trung tâm thành phố Copenhagen trong mùa xuân và mùa hè năm 1986 cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1986 số đường đi bộ và số quảng trường ở trung tâm thành phố này đã tăng gấp ba. Song song với sự cải thiện những điều kiện tự nhiên ấy, số người đứng và ngồi cũng đã tăng lên ba lần.
SỐ NGƯỜI ĐI QUA/PHÚT
THỜI GIAN NHIỆT ĐỘ THỜI TIẾT ĐƯỜNG PHỐ NGÀY
GIỮA 15 VÀ 21OC NGÀY HÈ ĐẸP TRỜI BJERGGADE, HELSINGØR THỨ TƯ 21/6/1967 - THỨ TƯ 10/7/1968
Đi bộ trước và sau khi đường phố cấm xe cộ qua lại (Bjerggade, Elsinore, Đan Mạch [17].)
33
Khu vực lối vào toà nhà văn phòng New York trước và sau khi cải thiện chất lượng. (Dự án cho Không gian công cộng, New York, 1976 [42]).
Việc khảo sát tiếp theo được hoàn thành năm 1995 ghi nhận vẫn có sự tăng của hoạt động ở những khu vực dành cho cuộc sống công cộng. Ở các thành phố lân cận khi điều kiện dành cho các hoạt động của thành phố thay đổi thì có thể nhận thấy nhiều sự khác nhau. Ở các thành phố Italia có những đường phố đi bộ và những quảng trường không cho xe cộ qua lại thì cuộc sống ngoài trời của thành phố thường hay biểu hiện rõ hơn nhiều so với các thành phố lân cận có xu hướng dùng nhiều ôtô mặc dù khí hậu cũng như thế. Cuộc khảo sát năm 1978 về những hoạt động đường phố ở cả đường phố có xe chạy và đường phố đi bộ ở Sydney, Melbourne và Adelaide (của Australia) do sinh viên kiến trúc Đại học Melbourne và Đại học Công nghệ Hoàng gia Melbourne thực hiện đã cho thấy mối quan hệ trực tiếp giữa chất lượng đường phố và sự hoạt động trên đường phố. Hơn nữa, sự cải thiện thực nghiệm tăng 100% số người ngồi ở trung tâm Melbourne thì các đường phố đem lại kết quả tăng các hoạt động ngồi là 88%. Trong cuốn The Social life of Small urban spaces (Cuộc sống xã hội của các không gian đô thị nhỏ) [51] của mình, William H. Whyte mô tả mối quan hệ chặt chẽ giữa chất lượng của không gian thành phố và các hoạt động của thành phố và có tài liệu chứng minh những sự thay đổi tự nhiên hết sức đơn giản thường có thể cải thiện việc sử dụng không gian thành phố một cách đáng chú ý như thế nào. Những kết quả có thể so sánh đã đạt được trong một số lớn dự án cải thiện do Project for Public space (Dự án cho Không gian công cộng) [41] thực hiện ở New York và các thành phố khác của Mĩ. Ở các khu dân cư cả ở châu Âu và ở Mĩ, các kế hoạch giảm xe cộ, sân trong thoáng đãng, thành lập các công viên và cải thiện ngoài trời đã có hiệu quả nổi bật. 34
Các hoạt động ngoài trời và sự suy giảm chất lượng.
Trái lại, hậu quả suy giảm chất lượng của các hoạt động ở những đường phố nhà ở bình thường đã được minh hoạ bởi công trình nghiên cứu rất nổi tiếng hiện nay về ba đường phố lân cận ở San Fransisco do Appleyard và Lintell [24] thực hiện năm 1970 - 71. Công trình nghiên cứu này cho thấy tác động gây ấn tượng mạnh của sự phát triển giao thông ở hai đường phố trước đây được xếp hạng giao thông đơn giản. Trên một đường phố có xe cộ đi lại không nhiều (chỉ có 2000 xe/ngày), rất nhiều hoạt động ngoài trời đã được ghi nhận. Trẻ em chơi trên các vỉa hè và đường phố. Lối vào cửa nhà và các bậc thềm được sử dụng rộng rãi và những cuộc tiếp xúc liên tục của láng giềng đã diễn ra. Trên một đường phố khác có xe cộ tăng lên nhiều (16000 xe/ngày), các hoạt động ngoài trời hầu như không tồn tại, ít giao tiếp láng giềng trên đường phố. Trên đường phố thứ ba, giao thông ở mức trung bình (8000 xe/ngày), người ta thấy ngạc nhiên vì các hoạt động ngoài trời và các cuộc tiếp xúc láng giềng đã giảm nhiều. Điều này nhấn mạnh rằng cho dù sự suy giảm tương đối nhỏ
GIAO THÔNG ÍT 2000 xe/ngày 200 xe/giờ cao điểm
Ghi nhận tần số diễn ra các hoạt động ngoài trời (các điểm) và sự tiếp xúc giữa bạn bè và người quen, (các đường) trên ba đường phố song song ở San Francisco. Trên: Đường phố giao thông ít;
Người có 3 bạn Người có 6,3 người quen
“Một đường phố chắc chắn là thân thiện.”
“Thường là tốt đẹp. Mọi người đều thân thiện”
(Theo Appleyard và Lintell: Chất lượng môi trường của các đường phố” [4]).
“Bạn trông thấy những người láng giềng, nhưng họ không phải là các bạn thân”
GIAO THÔNG VỪA PHẢI 8000 xe/ngày 350 xe/giờ cao điểm
1,3 bạn/người 4,1 người quen/người
Giữa: Đường phố giao thông vừa phải. Dưới: Đường phố giao thông nhiều. Hầu như không có hoạt động ngoài trời và ít bạn bè và người quen trong cư dân
“Một đường phố thân thiện. Người ta tán gẫu, rửa xe của họ, người trên đường đi đâu đó luôn tạt vào thăm”
“Mọi người đều biết nhau”
“Một đường phố thân thiện, một số gia đình ở đây đã lâu, nhiều người là bà con họ hàng”
“Không cảm thấy chút nào là cộng đồng nữa, nhưng người ta vẫn nói xin chào”
0,9 bạn/người
GIAO THÔNG NHIỀU 16000 xe/ngày 1900 xe/giờ cao điểm
4,1 người quen/người
“Nó không phải là một đường phố thân thiện, không ai ngỏ ý giúp đỡ”
“Nó không phải là một đường phố thân thiện, nhưng cũng không thù địch
“Nó được khách bộ hành sử dụng trên đường họ đi đâu đó
“Người ta sợ đi vào đường phố ấy vì đó là đường xe cộ đi lại
35
Tháo gỡ những khả năng hạn chế.
Công viên
9
Các đường phố và quảng trường Ngõ vào
33 10
Sân trước
62
Sân sau Ngõ sau
28 6
GALGEBAKKEN
9
Công viên
24 8
Các đường phố và quảng trường Ngõ vào
55 9
Sân sau Ngõ sau
HYLDESPJÆLDET
Hai khu vực nhà ở được bố trí khu này tiếp sau khu kia, ở ngay phía nam Copenhagen. Cả hai khu đã được xây dựng năm 1973 - 75 và là nơi các nhóm đối chứng cư trú. Galgebakken (khu G) được thiết kế tốt hơn rõ rệt và có bố trí chi tiết các không gian ngoài trời so với khu vực dưới là Hyldespjældet (khu H). Tất cả nhà ở trong khu G đều có sân sau khép kín cũng như sân trước bán khép kín, trong khi nhà ở trong khu H đều chỉ có sân sau. Nghiên cứu tất cả các hoạt động ngoài trời trong cả hai khu diễn ra vào các ngày thứ 7 của những tháng mùa hè năm 1980 và 1981 cho thấy các hoạt động ngoài trời diễn ra cao hơn 35% ở khu G. Những hoạt động ở sân trước trong khu G là nhân tố quyết định đối với sự khác nhau lớn ấy. Trên: Mặt bằng của hai khu vực. Tỉ lệ 1: 12500. Ảnh trên: Ngõ vào với sân trước ở khu G. Ảnh dưới: Ngõ vào ở khu H
36
của chất lượng môi trường bên ngoài trời cũng có thể có tác động tiêu cực nặng nề đối với việc mở rộng các hoạt động ngoài trời. Hoạt động gì, có bao nhiêu hoạt động và hoạt động kéo dài bao lâu.
Tóm lại, qua các công trình nghiên cứu, mối quan hệ chặt chẽ giữa chất lượng ngoài trời và các hoạt động ngoài trời cần được lưu ý. Trong ít nhất là ba khu vực, trong chừng mực nào đó thông qua thiết kế môi trường tự nhiên, có thể tác động đến các mô hình hoạt động trong những không gian công cộng ở các thành phố và các khu dân cư. Trong những giới hạn nào đó - giới hạn của khu vực, giới hạn về khí hậu, giới hạn về mặt xã hội - có thể ảnh hưởng đến vấn đề có bao nhiêu người và bao nhiêu sự kiện sử dụng các không gian công cộng, các hoạt động cá nhân sẽ diễn ra trong bao lâu và những loại hoạt động nào có thể phát triển.
Tháo gỡ những khả năng bị hạn chế.
Việc tăng đáng kể các hoạt động ngoài trời thường có do sự cải thiện chất lượng nhấn mạnh rằng tình hình ở một khu vực cụ thể vào thời điểm nào đó thường xuyên cho ta thấy phần nào nhu cầu về các không gian công cộng và các hoạt động ngoài trời mà thực sự có thể tồn tại trong khu vực ấy. Việc xác lập một khuôn khổ tự nhiên thích hợp cho những hoạt động xã hội và những hoạt động giải trí đã cho thấy nhu cầu tiểm ẩn của con người mà người ta đã không nhận ra ngay từ đầu. Khi đường phố chính ở Copenhagen được cải tạo thành đường phố đi bộ trong năm 1962 như là đường đi bộ đầu tiên ở Scandinavia thì nhiều nhà phê bình đã dự đoán là đường phố sẽ vắng tanh bởi vì “hoạt động của thành phố đúng là không thuộc truyền thống Bắc Âu”. Ngày nay cái đường phố chính dành cho người đi bộ ấy cộng với nhiều đường phố đi bộ khác về sau được thêm vào thành một hệ thống đang được sử dụng hết chỗ cho người đi bộ, người ngồi, người theo dõi các sự kiện, chơi đàn và trò chuyện với nhau. Rõ ràng, những lo sợ ban đầu là không có cơ sở và cuộc sống của thành phố ở Copenhagen trước đây đã bị hạn chế rất nhiều vì không có khả năng tự nhiên cho sự tồn tại của nó. Nhiều khu dân cư mới của Đan Mạch cũng vậy, nơi mà những khả năng tự nhiên cho hoạt động ngoài trời được thiết lập dưới dạng các không gian công cộng chất lượng cao, những mô hình hoạt động mà trước đây không ai tin là có thể thành công ở các khu dân cư của Đan Mạch đã hình 37
Thời Trung Cổ - khía cạnh tự nhiên và khía cạnh xã hội. Ở các thành phố khắp châu Âu, những không gian đô thị thời Trung Cổ rất phù hợp với các hoạt động ngoài trời vì chất lượng không gian và kích thước đầy đủ. Từ thời xa xưa không gian đô thị lại càng không thành công về mặt này, nói chung có xu hướng làm thật to, thật rộng và thật thẳng. Bên trái: Rothenberg ob der Tauber thành phố Trung Cổ được bảo tồn tốt ở miền Nam nước Đức (Deutschland).
Martina Franca, Apulia ở miền Nam Italia. Thấy rõ sự khác nhau giữa khu phát triển một cách tự phát và khu có quy hoạch. Kiến thức sâu sắc về tỉ lệ con người đặc trưng cho thành phố thời Trung Cổ không thể tìm thấy ở các khu đô thị mới hơn được thiết kế bởi những người chuyên nghiệp.
thành. Đúng như đã lưu ý, xu hướng giao thông bằng ôtô phát triển đồng thời với việc làm những con đường mới, tất cả kinh nghiệm được cập nhật với sự chú ý đến các hoạt động của con người trong thành phố và sự gần gũi các khu dân cư dường như cho ta thấy rằng ở đâu tạo ra được khuôn khổ tự nhiên tốt hơn thì các hoạt động ngoài trời có xu hướng phát triển về số lượng, thời gian hoạt động và phạm vi hoạt động. 38
I.4. Những hoạt động ngoài trời và các xu hướng kiến trúc
Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc và hệ tư tưởng quy hoạch đô thị.
Trong những mục trước đã nêu nhiều điểm tốt có liên quan đến cuộc sống giữa những công trình kiến trúc và chứng minh rằng phạm vi và đặc tính của các hoạt động ngoài trời chịu ảnh hưởng lớn của môi trường tự nhiên. Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét tới mức độ những nguyên tắc quy hoạch đô thị và các xu hướng kiến trúc của những thời kì lịch sử khác nhau đã ảnh hưởng đến các hoạt động ngoài trời và như vậy là ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội ngoài trời. Ở châu Âu, vẫn còn tồn tại những thành phố được bảo tồn tốt từ hầu như tất cả các thời kì trong một nghìn năm qua. Có rất nhiều thành phố Trung Cổ đã tiến hoá một cách tự do. Có rất nhiều những thành phố theo phong cách Phục hưng và Barocco, những thành phố từ giai đoạn đầu của thời kì công nghiệp hoá, các thành phố vườn khởi nguồn từ chủ nghĩa Lãng mạn và nhất là những thành phố do ôtô thống trị theo chủ nghĩa Chức năng (Công năng) của năm mươi năm qua. Ngày nay có thể so sánh và đánh giá các thành phố ấy trên cùng một cơ sở bởi chúng vẫn đang được sử dụng. Về hình thức, có vẻ như có nhiều sự thay đổi tồn tại giữa những mô hình thành phố khác nhau, nhất là trên quan điểm lịch sử nghệ thuật, còn trên thực tế chỉ có hai sự phát triển cấp tiến đáng lưu ý trong các cuộc bàn cãi hiện thời về các hệ tư tưởng quy hoạch đô thị và những hoạt động ngoài trời được diễn ra: một liên quan đến phong cách Phục hưng và một liên quan đến trào lưu chủ nghĩa Chức năng.
Thời Trung Cổ - khía cạnh tự nhiên và khía cạnh xã hội.
Quy hoạch chuyên nghiệp như ngày nay, theo đó các chuyên gia thiết kế thành phố trên giấy và trên mô hình để xây dựng và sau đó phân bố hoàn toàn cho khách hàng, có nguồn gốc ở thời Phục hưng. Sự tồn tại của các thành phố Hy Lạp và La Mã đã chứng tỏ quy hoạch và các nhà quy hoạch đã tồn tại trong một số thời kì trước kia ngoại trừ một nhóm nhỏ các thành phố thuộc địa được quy hoạch cuối thời Trung Cổ, các thành phố đã phát triển trong thời kì từ khoảng năm 500 đến 1500 (thuộc Công nguyên) đã không được quy hoạch theo 39
Piazza del Campo (Quảng trường Campo), Siena, Italia.
Trung tâm thành phố Siena, Italia. Mặt bằng tỉ lệ 1:4000
40
đúng nghĩa của nó. Chúng đã phát triển ở nơi có nhu cầu, được định hình bởi cư dân của thành phố trong quá trình trực tiếp xây dựng thành phố. Đáng lưu ý là những thành phố ấy đã không phát triển trên cơ sở mặt bằng quy hoạch, mà đúng hơn là đã tiến hoá qua quá trình thường diễn ra trong hàng trăm năm bởi vì quá trình chậm chạp ấy đã cho phép liên tục điều chỉnh và làm cho môi trường tự nhiên thích nghi với các chức năng của thành phố. Bản thân thành phố đó không phải là mục tiêu, mà là công cụ đã được hình thành do sử dụng. Kết quả của quá trình này dựa trên cơ sở vô số kinh nghiệm tích luỹ được là các không gian đô thị mà ngay cả ngày nay cũng tạo được những điều kiện cực kì tốt cho cuộc sống giữa các công trình kiến trúc. Nhiều thành phố lớn nhỏ thời Trung Cổ ngày càng được ái mộ trong thời đương đại với tư cách là những nơi hấp dẫn du lịch, là đối tượng nghiên cứu và là thành phố có nơi cư trú đáng mơ ước vì chúng có những phẩm chất quý giá đó. Vì sự phát triển của mình, các thành phố và các không gian thành phố này có những cái được xây dựng để tạo thành bộ phận của một kết cấu mà chỉ ở một ít trường hợp ngoại lệ trong những thành phố từ các thời kì muộn hơn mới có. Hầu như tất cả những thành phố thời Trung Cổ đều minh hoạ điều đó. Không chỉ các đường phố và các quảng trường được bố trí với sự quan tâm đến những người đi lại và đứng ngoài trời, mà những người xây dựng thành phố có sự sáng suốt khác thường liên quan đến những nguyên tắc cơ bản cho quy hoạch này. Quảng trường Campo ở Siena là một ví dụ đẹp khác thường. Thiết kế không gian có chú ý đến Mặt Trời và khí hậu, với mặt cắt hình cái bát và những cọc buộc dây, những vòi phun nước tỉ mỉ, quảng trường được bố trí một cách lí tưởng để hoạt động như là chỗ hội họp và nơi sinh hoạt công cộng cho các công dân của thành phố cả lúc bấy giờ và hiện nay. Thời kì Phục hưng - các khía cạnh thị giác.
Từ thời kì Trung Cổ, cơ sở cho quy hoạch thành phố đã hai lần thay đổi cơ bản. Sự thay đổi cơ bản đầu tiên đã diễn ra trong thời kì Phục hưng và có quan hệ trực tiếp đến sự quá độ từ thành phố phát triển tự do thành thành phố có quy hoạch. Một nhóm đặc biệt những nhà quy hoạch chuyên nghiệp đã đảm đương công việc xây dựng thành phố, đã phát triển lí luận và ý tưởng về các thành phố phải như thế nào. 41
Thời kì Phục hưng - các khía cạnh thị giác.
Bên trái: Palmanova, Italia (1593). Mặt bằng thành phố theo phối cảnh chim bay. Ở dưới: Công viên Hoàng gia thế kỉ XVIII ở Drottningholm, Thuỵ Điển và đường trục trung tâm trong khu mới phát triển nhà ở công cộng tại Đan Mạch, 1965.
42
Thành phố không còn chỉ là công cụ mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật được nghĩ ra, được lĩnh hội và được thực hiện như một vật nguyên vẹn. Không còn là các khu giữa những công trình kiến trúc và các chức năng bao hàm trong đó những điểm lí thú, mà đúng hơn là những hiệu quả về không gian, những toà nhà và những nghệ sĩ đã tạo cho chúng quyền ưu tiên. Trong thời kì này chủ yếu là xuất hiện thành phố và các công trình kiến trúc - những khía cạnh thị giác - đã phát triển và biến đổi thành các tiêu chuẩn của thiết kế đô thị và kiến trúc tốt. Đồng thời, những khía cạnh chức năng nào đó đã được xem xét, đặc biệt các vấn đề liên quan đến quốc phòng, giao thông vận tải, và chính thức hoá những chức năng xã hội như duyệt binh và diễu hành. Tuy nhiên khu phát triển mới quan trọng nhất trên cơ sở của quy hoạch có liên quan đến sự biểu lộ thị giác của các thành phố và các công trình kiến trúc. Ở Palmanova - thành phố hình ngôi sao thời Phục hưng do Scamozzi xây dựng năm 1593 ở phía Bắc Venice - tất cả các đường phố đều có cùng một chiều rộng là 14m (46 ft) bất kể mục đích và sự sắp xếp trên mặt bằng thành phố đó. Trái với các thành phố thời Trung Cổ, kích thước đó được xác định chủ yếu không phải căn cứ vào việc sử dụng, mà do sự suy xét khác, thường là có tính chất hình thức. Điều này đúng với trường hợp về Quảng trường Lớn (Piazza Grande) của thành phố vì về hình học nó có diện tích 30000m2 (325000ft2), tức là lớn gấp hơn hai lần so với Quảng trường Campo ở Siena. Vì thế nó hoàn toàn không thích dụng với tư cách một quảng trường thành phố ở cái thành phố bé nhỏ ấy. Mặt khác, mặt bằng thành phố này là một tác phẩm đồ hoạ lí thú như nhiều mặt bằng đầy cảm hứng Phục hưng khác cũng xác nhận cái được sáng tạo ra trên bản vẽ. Nhận thức về các khía cạnh thị giác của quy hoạch thành phố trong suốt thời kì này và mĩ học hình thành trong bối cảnh đó đã tạo cơ sở vững chắc cho việc xử lí những vấn đề này về mặt kiến trúc trong các thế kỉ kế tiếp. Chủ nghĩa Chức năng - khía cạnh chức năng, chức năng sinh lí.
Sự phát triển mới quan trọng thứ hai cho nền tảng của quy hoạch đã diễn ra vào khoảng năm 1930 với tên gọi là chủ nghĩa Chức năng. Trong thời kì đó, các khía cạnh chức năng - tự nhiên của thành phố và công trình kiến trúc đã phát triển như một khía cạnh của quy hoạch không lệ thuộc vào mĩ học và bổ sung cho mĩ học. Cơ sở của chủ nghĩa Chức năng chủ yếu là kiến thức y khoa đã phát triển trong suốt những năm 1800 và những 43
Chủ nghĩa Chức năng - khía cạnh chức năng, chức năng sinh lí.
Trên: Ý nghĩa quan trọng đặc biệt được đặt vào Mặt Trời, ánh sáng và những không gian thoáng đãng và sự loại bỏ những không gian công cộng của thành phố đã được thể hiện rõ trong các minh hoạ kèm theo tuyên ngôn chức năng chủ nghĩa của Le Corbusier. (“Về Quy hoạch thành phố” [36]). Giữa: Các chung cư mà mỗi căn hộ do người ở trong căn hộ đó làm chủ (Condominiums) ở Toronto, Canada. Dưới: Nhà công cộng ở Berlin.
44
thập niên đầu của thế kỉ XX. Kiến thức y khoa rộng và mới là cơ sở của nhiều tiêu chuẩn cho kiến trúc thích hợp với sức khoẻ và sinh lí học khoảng năm 1930. Nhà ở phải có ánh sáng, không khí, ánh nắng mặt trời, thông hơi thoáng gió và cư dân phải được đảm bảo có thể vào các không gian rộng mở. Những nhu cầu cho các nhà không dính với nhà bên hướng về phía Mặt Trời và không như trước đây, hướng ra đường phố, và những nhu cầu cho việc ngăn cách khu ở và khu làm việc đã được thể hiện trong thời kì ấy để đảm bảo những điều kiện sống lành mạnh cho cá nhân và để phân phối những nguồn lợi tự nhiên một cách công bằng hơn. “Nếu chúng ta yêu cầu các nhà ở có tiêu chuẩn vệ sinh cao như nhau cho tất cả mọi người thì nhu cầu đến thẳng ánh nắng cho tất cả nhà ở sẽ tiến tới cho mỗi khu dân cư mới một tính cách hoàn toàn mới. Vì thế cần có nguyên tắc xây dựng thoáng với những toà nhà song song được bố trí phù hợp với Mặt Trời: Đông - Tây trong trường hợp các căn hộ đi xuyên qua, ngược lại là Bắc - Nam. Tuy nhiên kiểu nhà thứ nhất cũng có ưu thế, nó tạo được sự thông gió ngang và cho nhà ở một bên có nắng thực sự hữu hiệu [2]”. G. Asplund trong Acceptera, 1930. Những đường phố đã biến mất.
Những người theo chủ nghĩa Chức năng không đề cập đến khía cạnh tâm lí và khía cạnh xã hội của việc thiết kế các toà nhà hoặc những không gian công cộng. Đồng thời, rõ ràng thiếu sự quan tâm đối với các không gian công cộng. Ví dụ như đã không xem xét việc thiết kế nhà có thể ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi, mô hình tiếp xúc và khả năng gặp gỡ. Chủ nghĩa Chức năng đã định hướng cho hệ tư tưởng quy hoạch một cách rõ ràng về mặt tự nhiên và vật chất. Một trong những tác động có thể nhận thấy rõ nhất của hệ tư tưởng đó là các đường phố và các quảng trường đã biến khỏi những dự án xây dựng và những thành phố mới. Trong suốt cả lịch sử cư trú của loài người, các đường phố và quảng trường đã tạo thành những tiêu điểm và những nơi tụ họp, song với sự xuất hiện của chủ nghĩa Chức năng, các đường phố và quảng trường không được coi trọng. Thay vào đó, người ta làm những con đường, đường mòn đi bộ và những bãi cỏ vô tận.
Cơ sở quy hoạch của “chủ nghĩa Hiện đại Hậu kì”.
Dưới dạng đơn giản hoá, mĩ học được diễn đạt trong thời Phục hưng và đã phát triển hơn nữa trong các thế kỉ tiếp theo, và những chủ trương của chủ nghĩa Chức năng về các khía cạnh sinh lí học của quy hoạch là hệ tư tưởng để xây 45
dựng các thành phố và nhà ở trong các năm từ 1930 và ngay cả đến tận những thập niên cuối của thế kỉ XX. Các khái niệm này đã được xem xét kĩ trong những năm qua và tạo ra cái riêng trong các quy tắc và bộ luật xây dựng. Đó là những khái niệm mà một bộ phận quan trọng các tác phẩm của các kiến trúc sư và những nhà quy hoạch đã tập trung vào trong suốt phần lớn thời kì quan trọng này khi mà đa số các công trình xây dựng đã được tiến hành ở những nước công nghiệp. Những khả năng xã hội trong quy hoạch hướng về tự nhiên.
46
Trong thập niên 1930 không một ai có thể hình dung nổi sẽ phải sống như thế nào trong các thành phố mới khi những nguyên tắc của cái đẹp và thị hiếu thẩm mĩ của các kiến trúc sư và những lí tưởng theo chủ nghĩa Chức năng về các toà nhà lành mạnh trở thành hiện thực. Thay thế cho khu nhà ở cũ tối tăm, chật chội và không hợp vệ sinh của công nhân thì đương nhiên khu nhà mới nhiều tầng sáng sủa, có nhiều ưu điểm rõ rệt và dễ dàng ủng hộ cho những khu nhà mới. “Vẻ héo hon lãng mạn” ở các thành phố cũ đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong những bản tuyên ngôn của chủ nghĩa Chức năng. Tầm quan trọng của môi trường xã hội không được đưa ra thảo luận, bởi người ta không nhận ra rằng các công trình kiến trúc cũng có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động ngoài trời và do đó có ảnh hưởng lớn đến nhiều khả năng xã hội. Không ai muốn giảm hoặc loại trừ những hoạt động xã hội có giá trị. Trái lại người ta cho rằng các bãi cỏ rộng giữa những công trình kiến trúc rõ ràng sẽ là những chỗ dành cho các hoạt động giải trí và cuộc sống xã hội phong phú. Các bản vẽ phối cảnh có rất nhiều hoạt động và cuộc sống. Những nhìn nhận về chức năng của các không gian xanh như một nhân tố kết hợp trong những dự án xây dựng đúng đến mức độ nào chưa được thử thách hoặc điều tra. Mãi đến tận 20 đến 30 năm sau, trong thập niên 60 và 70 của thế kỉ XX - khi các thành phố dân cư nhà ở nhiều tầng theo chủ nghĩa Chức năng đã được xây dựng - đã có thể đánh giá kết quả của cơ sở quy hoạch theo chủ nghĩa Chức năng tự nhiên. Việc xem xét lại một số những nguyên tắc chung nhất của quy hoạch từ các dự án xây dựng theo chủ nghĩa Chức năng cho thấy hiệu quả của loại quy hoạch này đối với cuộc sống giữa những công trình kiến trúc.
Quy hoạch theo chủ nghĩa Chức năng đối nghịch với cuộc sống giữa những công trình kiến trúc.
Các nhà ở trải rộng ra và xây thưa ra thì bảo đảm được ánh sáng và không khí, nhưng cũng là nguyên nhân của sự thưa thớt dân cư và sự kiện. Sự phân biệt chức năng giữa nhà ở, nhà máy, nhà công cộng, v.v. có thể làm giảm những sự bất lợi về sinh lí học, nhưng nó cũng làm giảm những lợi thế có thể có về sự tiếp xúc gần gũi. Khoảng cách lớn giữa những người ở, các sự kiện và những chức năng là đặc điểm của các khu vực thành phố mới. Những hệ thống giao thông vận tải dựa vào ôtô đã góp phần làm giảm các hoạt động ngoài trời. Hơn nữa, việc thiết kế không gian một cách vô tình và máy móc cho các dự án xây dựng riêng cũng có tác động gây ấn tượng mạnh cho những hoạt động ngoài trời. Thuật ngữ “quy hoạch sa mạc” (desert planning”) do Gordon Cullen đưa vào trong cuốn Townscape (Cảnh quan thành thị) của ông [10] đã mô tả một cách chính xác nhất kết cục của quy hoạch theo chủ nghĩa Chức năng.
Các khu vực nhà ở cho từng gia đình - cuộc sống loanh quanh chứ không phải giữa những công trình kiến trúc.
Song song với sự phát triển các khu vực nhà nhiều tầng theo chủ nghĩa Chức năng, cũng đã xuất hiện các khu vực nhà thấp, rộng mở cho từng gia đình riêng lẻ được xây dựng
Đường phố ngoại ô ở Victoria, Australia.
Đường phố ngoại ô ở Colorado, Mĩ
47
Sự nổi dậy của chủ nghĩa Hậu - Hiện đại chống lại sự cứng nhắc của chủ nghĩa Hiện đại đã sản sinh ra rất nhiều toà nhà gượng ép và cứng nhắc được thiết kế với sự nhấn mạnh nhiều hơn về sự thể hiện nghệ thuật so với về tính hữu ích đối với cư dân. Mặt khác, trong nhiều trường hợp đã chứng tỏ là kiến trúc đương đại có thể phục vụ và nâng cao cuộc sống hằng ngày bên trong và giữa các công trình kiến trúc. Sự quan tâm và suy xét trong quá trình thiết kế làm nên sự khác biệt.
nhiều ở nhiều nước kể cả vùng Scandinavia, Mĩ, Canada và Australia do số người sử dụng ôtô tăng lên. Ở các khu vực ấy có những điều kiện đáng mơ ước như vườn hoa cho các hoạt động ngoài trời riêng tư; đồng thời những hoạt động ngoài trời cộng đồng đã giảm xuống đến mức tối thiểu do thiết kế đường phố, giao thông vận tải bằng ôtô và nhất là do sự phân tán của dân cư và các sự kiện. Ở những khu vực này các phương tiện thông tin đại chúng và các trung tâm mua sắm trở thành những điểm tiếp xúc hầu như duy nhất với thế giới bên ngoài, bởi vì cuộc sống giữa các công trình kiến trúc đã bị huỷ bỏ từng bước. Cuộc sống được thiết lập ở ngoài các khu thành phố mới. 48
Những ví dụ này minh hoạ cho mức độ to lớn mà quy hoạch hậu chiến đã tác động đến cuộc sống giữa các công trình kiến trúc. Cuộc sống thực sự đã được thiết lập ở ngoài những khu vực mới đó, không phải như một phần của khái niệm
Ảnh trang 48: Dự án nhà ở mới Rotterdam, Nederland (Hà Lan). Ảnh trang 49: Trường cao đẳng Kresge, Santa Cruz, California, được xây dựng quanh một đường phố được bố trí cẩn thận. (Các kiến trúc sư: Charles Moore và W. Turnbull).
quy hoạch có căn cứ, mà như sản phẩm phụ của một loạt những cân nhắc khác. Trong khi thành phố thời Trung Cổ với thiết kế và quy mô tập trung dân cư và các sự kiện trên những đường phố và quảng trường, khuyến khích đi bộ và ở lại ngoài trời thì các khu vực ngoại ô và dự án xây dựng theo chủ nghĩa Chức năng lại làm ngược lại hoàn toàn. Những khu vực mới này làm giảm và phân tán các hoạt động ngoài trời mà qua nhiều năm có được do sự thay đổi của sản xuất công nghiệp và do những điều kiện xã hội khác. Nếu vào một lúc nào đó một đội quy hoạch gia được giao nhiệm vụ làm suy giảm cuộc sống giữa các công trình kiến trúc thì họ khó có thể làm tốt hơn điều họ tình cờ đã làm được trong những khu ngoại ô trải rộng cũng như trong rất nhiều kế hoạch tái phát triển theo chủ nghĩa Chức năng.
49
I.5. Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc trong tình trạng xã hội hiện nay
Sự tham gia tích cực hoặc mức sử dụng thụ động.
Sự phản đối.
Các dự án
50
Không phải ngẫu nhiên mà sự phê phán chủ nghĩa Chức năng, phê phán các khu đô thị mới và phê phán các khu ngoại ô mở rộng lộn xộn chủ yếu chủ yếu tập trung vào những không gian công cộng không được quan tâm, bị phá huỷ và đang mất đi. Điện thoại, vô tuyến truyền hình, video, máy tính tại nhà, v.v. đã tạo ra những cách tiếp xúc mới. Sự gặp gỡ trực tiếp ở không gian công cộng ngày nay có thể được thay thế bằng liên lạc điện tử gián tiếp. Sự hiện diện, tham gia trực tiếp và trải nghiệm có thể được thay thế bằng cách xem tranh một cách thụ động, nhìn cái mà những người khác đã trải nghiệm ở nơi khác. Ôtô đã giúp để có thể thay việc tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội tự nguyện ở địa phương bằng cách lái xe đi gặp những người bạn và các điểm hấp dẫn. Những khả năng trên tồn tại để bù lại những gì đã mất. Cũng vì lí do đó, sự phê phán rộng rãi việc không quan tâm đến các không gian công cộng bị cho là mang tính kích động. Cái gì đó đang mất đi. Cái gì đó đang mất đi đã được thể hiện một cách rõ ràng trong những sự phản đối rộng rãi chống lại quy hoạch vật thể vì nó đã từng được đưa ra trong các cuộc tranh luận về thành phố và môi trường cư trú, tổ chức của các cư dân chung quanh những đòi hỏi phải cải thiện môi trường vật chất. Các đòi hỏi điển hình bao gồm những điều kiện tốt hơn cho người đi bộ và cho người đi xe đạp, những điều kiện tốt hơn cho trẻ em và cho người lớn, khuôn khổ tốt hơn nói chung cho chức năng giải trí và chức năng xã hội của cộng đồng. Cái gì đó đang mất đi đã được các kiến trúc sư và quy hoạch gia thế hệ mới diễn đạt trong cuộc tranh cãi kịch liệt với chủ nghĩa Hiện đại về những khu ngoại ô mở rộng lộn xộn [30, 34]. Việc làm sống lại thành phố là mục tiêu kiến
trúc quan trọng bao gồm việc quy hoạch các không gian công cộng như những đường phố, các quảng trường và công viên một cách cẩn thận đã lí giải và tạo kênh cho làn sóng phản đối. Các xu hướng.
Cái gì đó đang mất đi đã được nhấn mạnh hơn nữa trong những năm vừa qua bởi nhiều xu hướng phát triển trong xã hội công nghiệp phương Tây [9]. Các khía cạnh gia đình thay đổi. Quy mô trung bình của gia đình đã giảm xuống. Ở Scandinavia còn 2,2 người/gia đình. Yêu cầu cho những cơ hội hoạt động xã hội ở ngoài trời (ngoài nhà) dễ dàng cũng tăng lên tương ứng. Cơ cấu dân cư cũng thay đổi. Nói chung, trẻ em ít hơn, người lớn nhiều hơn. Trong tình trạng đó 20% dân số là người già khoẻ mạnh sống tới 10, 20 hoặc thậm chí 30 năm sau khi nghỉ hưu trở nên điển hình cho nhiều nước công nghiệp. Ở Scandinavia nhóm dân cư này có nhiều thời gian rỗi nên là những người hay sử dụng không gian của thành phố nhiều nhất. Nếu các không gian đáng được sử dụng thì chúng đều được sử dụng. Cuối cùng, tình trạng ở nơi làm việc cũng thay đổi nhanh. Nhiều công việc không có nội dung xã hội và sáng tạo bởi công nghệ và cách đánh giá tính hiệu quả. Và sự phát triển công nghệ thường có nghĩa là vừa giảm thiểu gánh nặng công việc, vừa giảm bớt tổng số thời gian cần thiết để làm việc đó. Nhiều người có nhiều thời gian hơn nên đồng thời nhiều nhu cầu xã hội và sáng tạo cũng phải được thoả mãn qua cách khác so với chỗ làm việc truyền thống. Khu vực dân cư, thành phố và các không gian công cộng - từ trung tâm cộng đồng đến quảng trường chính - đều tạo nên khuôn khổ vật chất có thể có để đáp ứng nhiều yêu cầu mới này.
Mô hình của cuộc sống đường phố mới.
Những điều kiện đã thay đổi trong các xã hội đô thị được diễn đạt rõ nhất bằng những thay đổi gần đây trong các mô hình của cuộc sống đường phố. Các trung tâm của thành phố có phương tiện giao thông chủ yếu là ôtô trên khắp thế giới đã chuyển thành những hệ thống đường phố đi bộ. Cuộc sống trong các không gian công cộng đã được nâng cao một cách rõ ràng, tràn ngập và vượt xa các hoạt động thương mại mở rộng. Cuộc sống xã hội và giải trí toàn diện ở thành phố đã được phát triển. Copenhagen bắt đầu biến đổi từ 1962, đường phố đi bộ 51
Việc sử dụng mới và tăng cường sử dụng các không gian công cộng phản ánh những thay đổi trong các cộng đồng (xã hội). Những cơ hội của hoạt động xã hội và hoạt động giải trí trong các không gian công cộng là do sự đòi hỏi tăng lên. Nhiều người sử dụng các không gian công cộng hơn và sự thay đổi từ sử dụng có tính chất thụ động sang sử dụng tích cực là điều hiển nhiên (Những ngày hè ở Copenhagen).
Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc - có tính độc lập, và có lẽ là một sự khởi đầu.
52
xuất hiện ngày càng nhiều. Năm này qua năm khác, cuộc sống thành phố đã phát triển về phạm vi, về tính sáng tạo và cả về tính chất thông minh, độc đáo trong việc giải quyết các vấn đề [16]. Những lễ hội dân gian và lễ hội hoá trang phổ biến đã diễn ra. Không ai tin là những sự kiện như thế lại có thể có ở Scandinavia! Bây giờ chúng tồn tại bởi vì người ta cần chúng. Ngay cả những hoạt động hằng ngày cũng phát triển cả phạm vi và số lượng. Khảo sát cuộc sống đường phố ở khu trung tâm Copenhagen năm 1995 cho thấy các hoạt động xã hội và hoạt động giải trí trong quãng hai thập niên vừa qua đã tăng gấp bốn lần. Thành phố không phát triển trong thời kì đó, nhưng cuộc sống đường phố đã phát triển một cách rõ ràng. Những không gian công cộng trong các khu dân cư mới được sử dụng nhiều hơn khi chúng đạt chất lượng cần thiết. Người ta cần có các không gian công cộng. Nhu cầu về tất cả các loại không gian công cộng với kích thước khác nhau là điều rõ ràng - từ đường phố nhỏ trong khu dân cư đến quảng trường thành phố. Những lời phê bình, những phản ứng và các hình ảnh có liên quan đên sự cải thiện những điều kiện sống và các thành phố tạo cơ sở cho việc xem xét tiếp theo khuôn khổ vật chất cho cuộc sống giữa những công trình kiến trúc. Khi bắt đầu, chưa có chương trình tham vọng, toàn diện nào được phác thảo. Trái lại, đó là khái niệm căn bản mà cuộc sống hằng ngày, trạng thái bình thường và không gian trong đó cuộc sống thường ngày vẫn diễn ra, phải trở thành trung tâm của sự chú ý và nỗ lực. Khái niệm này được diễn đạt bằng ba nhu cầu đơn giản mà khá rộng của các không gian cộng cộng: - Những điều kiện mong muốn cho các hoạt động ngoài trời thiết yếu;
- Những điều kiện mong muốn cho các hoạt động giải trí, tự chọn; - Những hoạt động mong muốn cho các hoạt động xã hội. Có thể di chuyển đây đó một cách dễ dàng và tự tin, để có thể nán lại trong thành phố và khu dân cư, có thể thích thú ở các không gian công cộng, trong nhà và trong cuộc sống thành phố và có thể gặp gỡ, tụ họp với những người khác là những điều cơ bản để có các thành phố tốt và những dự án xây dựng tốt ngày nay cũng như trong quá khứ. Tầm quan trọng của những nhu cầu ấy không hề bị phóng đại quá mức. Đó là những nhu cầu khiêm tốn nhất yêu cầu có khuôn khổ vật chất tốt hơn và hữu ích hơn cho các hoạt động hằng ngày. Mặt khác, một khuôn khổ vật chất tốt cho cuộc sống giữa những công trình kiến trúc và cho các hoạt động cộng đồng trong mọi hoàn cảnh là tính độc lập, có giá trị và có lẽ là một sự khởi đầu cho cuộc sống giữa các công trình kiến trúc.
53
Chương II Những điều kiện tiên quyết của quy hoạch
II.1. Các quá trình và những dự án II.2. Các giác quan, thông tin liên lạc và các kích thước II.3. Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc là một quá trình 54
II.1. Các quá trình và những dự án
Các quá trình và những dự án.
Sự tương tác giữa môi trường vật chất và các hoạt động ở những không gian công cộng ngoài trời là đối tượng nghiên cứu của cuốn sách này. Các hoạt động xã hội trong những không gian công cộng hẳn là một bộ phận không thể thiếu được của tác động qua lại đó. Các cơ hội gặp gỡ những người khác để thiết lập và duy trì các cuộc tiếp xúc, để tán gẫu với những người láng giềng qua hàng rào đã được đề cập trong các phần trước. Những ví dụ được lấy từ mối tương quan trực tiếp giữa phạm vi các hoạt động ngoài trời và tần số của sự tương tác giữa những người láng giềng. Các cư dân càng hoạt động nhiều hơn ở ngoài trời thì họ càng gặp nhau nhiều hơn - và càng nhiều lời chào hỏi được trao đổi, trò chuyện càng nhiều. Tuy nhiên không có cơ sở để từ những ví dụ như thế đi đến kết luận trực tiếp là sự tiếp xúc và sự ràng buộc chặt chẽ giữa những người láng giềng phần nào được phát triển tự động, chủ yếu dựa vào các hình dạng nhà cửa. Để các mối tương tác đó phát triển, chúng ta cần nhiều hơn là kiến trúc. Tuy vậy, một thiết kế tạo điều kiện cho sự tương tác như thế sẽ khuyến khích những mối tương tác như vậy.
Những điều kiện tiên quyết của các hoạt động cộng đồng.
Để các cuộc tiếp xúc của những người láng giềng và các hình thức hoạt động cộng đồng khác nhau phát triển vượt qua mức sơ khai, cần những điểm chung như cơ sở chung, sở thích chung hay là những vấn đề chung. Điều đó đặc biệt có liên quan đến những điều kiện cần thiết cho các cuộc tiếp xúc sâu sắc hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Nói cách khác, đối với các cuộc tiếp xúc đơn giản hơn và thường là thực dụng hơn, khuôn khổ vật chất chắc chắn đóng một vai trò trực tiếp và có tính quyết định hơn.
Sự tương tác giữa các quá trình và các dự án.
Sự tương tác giữa những hoạt động xã hội trong các không gian công cộng và quá trình có tính xã hội vì thế trong mọi hoàn cảnh phải được xem xét ở một số mức độ - có tính đến những điều kiện tiên quyết tồn tại trong các khu vực riêng và 55
các sở thích đa dạng cũng như nhu cầu khác nhau của cư dân hoặc của những người sử dụng trong các khu vực ấy. Trong bất cứ trường hợp nào cũng cần ghi nhớ rằng khuôn khổ vật chất để mở rộng ít nhiều có thể có ảnh hưởng đến tình trạng xã hội của cư dân. Bản thân khuôn khổ vật chất có thể được thiết kế khiến các hình thức tiếp xúc mong muốn sẽ bị cản trở hoặc thậm chí không thể thực hiện được. Kiến trúc có thể đứng chắn đường theo nghĩa đen của từ này đối với những mô hình hoạt động mong muốn. Ngược lại, khuôn khổ vật chất cũng có thể được thiết kế để tạo điều kiện mở rộng các khả năng giao tiếp các quá trình và các dự án xây dựng được hỗ trợ lẫn nhau. Hoạt động ở không gian công cộng và cuộc sống giữa những công trình kiến trúc phải được xem xét trong bối cảnh như thế. Các khả năng giao tiếp có thể bị cản trở hoặc có thể được tạo ra dễ dàng.
Khi các lối vào, bancông, mái hiên, sân trước và vườn hoa hướng ra đường phố có thể tiếp cận hoặc đi vào thì người ta có thể quan tâm thực sự đến cuộc sống trong không gian công cộng và sẽ thường gặp nhau trong các hoạt động hằng ngày của họ. Đó có thể là nhân tố quan trọng cho việc xây dựng mạng lưới xã hội. (Sibeliusparken, Copenhagen, Đan Mạch. Các KTS: Fællestegnestuen).
56
Một phần đồ án nhà ở đã trở nên rất phổ biến ở các khu dân cư mới tại Scandinavia. Đặc biệt người ta nhận thấy nhóm nhà nhỏ gồm 15 - 30 hộ, rất tốt, khuyến khích mạng lưới xã hội. Bên phải: Skaade, Đan Mạch, 1985 (KTS C.F. Mollers Tegnestue). Dưới: Khu lân cận là một đơn vị tổ chức.
Những ví dụ sau đây minh hoạ rất chi tiết những nỗ lực thiết thực để thiết lập sự tương tác giữa các quá trình và những dự án xây dựng. Nhiều nguyên tắc và định nghĩa cũng đã được đưa vào. Cơ cấu xã hội.
Nhu cầu tạo ra các bộ phận và các nhóm để thực hiện chức năng của những quá trình dân chủ rất rõ ở các địa điểm làm việc, các hội, các trường phổ thông và các trường đại học. Ở các trường đại học chẳng hạn, hệ thống thứ bậc bao gồm khoa, viện, ban và cuối cùng là nhóm nghiên cứu - đơn vị nhỏ nhất. Cơ cấu này có cấp ra quyết định và cung cấp cho cá nhân hàng loạt điểm tham khảo về xã hội và về nghề nghiệp.
Cơ cấu xã hội trong bối cảnh cư trú.
Dự án nhà hợp tác xã Tinggården, Đan Mạch [49] bao gồm 80 đơn vị nhà cho thuê ở đã xây dựng năm 1978 là một ví dụ của tổ hợp nhà, trong đó các nhà quy hoạch đã xem xét kĩ cả cơ cấu xã hội và cơ cấu tự nhiên. Mục tiêu là làm cho các quá trình và dự án làm việc với nhau. Quy hoạch là một liên doanh của những cư dân tương lai và các kiến trúc sư, và minh hoạ một quan điểm rõ ràng hướng tới cơ cấu xã hội mong muốn. 57
Tương tác giữa quá trình và dự án: Tinggården, Copenhagen Dự án nhà hợp tác xã Tinggården ở phía Nam Copenhagen xây dựng năm 1977 - 79 được chia thành 6 nhóm nhà (A đến F), mỗi nhóm có trung bình 15 hộ. Mỗi nhóm nhà đều tập trung chung quanh quảng trường công cộng và nhà của cộng đồng (2). Trung tâm cộng đồng (1) là của chung của tất cả các nhóm được bố trí ở đường phố chính. (Các KTS Tegnestuen Vandkusten). Bên phải: Nhóm nhà ở (A) được bố trí quanh hai trung tâm cộng đồng: quảng trường bên ngoài và quảng trường bên trong nhà cộng đồng. Dưới: Mặt bằng tỉ lệ 1: 1750
58
Tổ hợp nhà này được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm có khoảng 15 đơn vị nhà ở cá nhân, một nhà công cộng. Hơn nữa, còn có một trung tâm lớn của cộng đồng cho cả tổ hợp nhà. Sự phân chia thứ bậc này - nhà ở, nhóm nhà ở, tổ hợp nhà, thành phố - do có mong muốn củng cố cộng đồng và các quá trình dân chủ trong những nhóm nhà ở cá nhân cũng như trong việc phát triển nhà ở nói chung. Cơ cấu vật chất trong bối cảnh cư trú.
Cơ cấu vật chất của tổ hợp nhà phản ánh cơ cấu xã hội mong muốn. Sự phân chia thứ bậc của các nhóm xã hội được phản ánh bởi sự phân chia thứ bậc của những không gian công cộng: gia đình có phòng sinh hoạt chung; các nhà ở được tổ chức chung quanh hai không gian công cộng, quảng trường bên ngoài và nhà công cộng bên trong; và cuối cùng, toàn tổ hợp nhà ở được xây dựng chung quanh đường phố công cộng chính mà ở đó một trung tâm lớn của cộng đồng cũng được bố trí. Các thành viên của gia đình gặp nhau ở phòng sinh hoạt chung, những cư dân trong nhóm nhà ở gặp nhau ở quảng trường của nhóm, còn những cư dân của toàn bộ tổ hợp thì gặp nhau trên đường phố chính.
Tương tác giữa quá trình và dự án.
Ý tưởng giải thích điều đó và các dự án xây dựng có thể so sánh được là cơ cấu vật chất - dự án - phản ánh cơ cấu xã hội mong muốn của khu cư trú về mặt thị giác và cả về mặt chức năng. Về thị giác, cơ cấu xã hội được diễn đạt một cách tự nhiên bằng cách bố trí các nhà ở chung quanh những quảng trường của nhóm hoặc các đường phố của nhóm. Về chức năng, cơ cấu xã hội được hỗ trợ bởi việc thiết lập những không gian công cộng bên trong và bên ngoài ở các mức độ khác nhau trong cơ cấu phân chia thứ bậc. Chức năng quan trọng của những không gian công cộng là cung cấp địa điểm cho cuộc sống giữa các công trình kiến trúc, những hoạt động hằng ngày không hoạch định trước như giao thông đi bộ, ở lại chốc lát, chơi và các hoạt động xã hội đơn giản mà từ đó cuộc sống công cộng phụ thêm có thể phát triển vì được cư dân mong muốn
Cơ cấu đan xen.
Bản sao của Tinggården, với những bộ phận xã hội rõ ràng và phần vật chất tương ứng của nó là khu vực nhà cho từng gia đình ở ngoại ô bình thường hoặc khu nhà ở nhiều tầng. Cơ cấu xã hội ở đây thường gồm có những gia đình/hộ với tư cách là đơn vị nhỏ nhất. Giữa đơn vị ấy và đơn vị rất 59
Cơ cấu đan xen. Khu vực ngoại ô, Melbourne, Australi
lớn - trung tâm thành phố hoặc trung tâm mua sắm - chỉ có sự phân chia tương đối. Về mặt vật chất cơ cấu đó hoạt động cũng theo cách như thế, không có sự phân chia rõ ràng. Các khu dân cư có cơ cấu đan xen bên trong nhà và có ranh giới không chính xác. Không rõ nhà ở riêng của cá nhân “thích hợp” ở đâu hoặc khu vực nhà ở “kết thúc” ở đâu. Thiết kế các đường phố dân cư hiếm thấy có tính đến các hoạt động công cộng có thể diễn ra ở đâu và diễn ra như thế nào. Trong những điều kiện đó bản thân cơ cấu vật chất bất định là một trở ngại rõ ràng đối với cuộc sống giữa các công trình kiến trúc. Hai ví dụ về nhà ở minh hoạ cho khả năng làm việc với những khái niệm về cơ cấu xã hội và cơ cấu vật chất trong bối cảnh nhà ở và nhấn mạnh các không gian công cộng và cuộc sống giữa những công trình kiến trúc phải được xem xét trong mối quan hệ với các quá trình và quy mô của nhóm. Những ví dụ ấy cũng nhấn mạnh cuộc sống giữa các công trình kiến trúc, những cơ hội gặp gỡ ở các cấp độ khác nhau để có thể tìm cách phát triển và duy trì các quá trình xã hội ấy như thế nào... Các mức độ riêng tư.
60
Về việc đưa vào sử dụng các hệ thống phân chia thứ bậc những không gian công cộng - từ phòng sinh hoạt chung đến quảng trường trước toà thị chính (của thành phố) - và mối quan hệ của các không gian ấy đến những nhóm xã hội khác nhau, có thể xác định các mức độ thay đổi tương ứng với những không gian khác nhau, có thể là công cộng hoặc riêng tư (chung hay riêng). Ở cấp đầu của hệ thống này là nhà riêng với không gian riêng tư ngoài trời như là vườn hoa hoặc bancông. Các không gian chung trong nhóm nhà ở đúng là công chúng có thể vào được, nhưng - vì sự tiếp xúc chặt chẽ với nhiều nhà ở có giới
Giản đồ cho thấy khu nhà được tổ chức theo sự phân chia thứ bậc với các không gian riêng tư, nửa riêng nửa chung, và công cộng. Cơ cấu rõ ràng ấy tăng cường sự giám sát tự nhiên, giúp cư dân biết người ta “thích hợp” với cái gì và cải thiện khả năng của các quyết định của nhóm được đưa ra có liên quan với những vấn đề đã tham gia (Trích Oscar Newman. Không gian có thể bảo vệ được [40]).
hạn - có tích chất nửa chung. Những không gian chung trong khu ở có tính công cộng hơn, trong khi quảng trường trước toà thị chính là không gian hoàn toàn công cộng. Tỉ lệ giữa chung và riêng cũng có thể được phân biệt rõ. Nó có thể được xác định ít hơn đáng kể như trong trường hợp nhà ở nhiều tầng. Trong nhiều trường hợp như thế, hầu như không tồn tại đất trung gian hay là quá độ giữa đất riêng tư và đất công cộng. Lãnh thổ, sự an toàn, cảm giác thích hợp.
Sự thiết lập cơ cấu xã hội và cơ cấu vật chất phù hợp với các không gian công cộng ở những cấp độ khác nhau cho phép vận động từ các không gian và nhóm nhỏ đến những không gian và nhóm lớn hơn và từ các không gian có tính chất riêng tư nhiều hơn đến những không gian dần dần có tính chất công cộng nhiều hơn cho ta cảm thấy an toàn nhiều hơn và có cảm giác thuộc về không gian bên ngoài nhà ở hơn bên ngoài. Khu vực mà cá nhân hiểu là thuộc về nhà ở, môi trường cư trú có thể mở rộng ra bên ngoài nhà ở thực tế. Chính điều này dẫn đến việc sử dụng nhiều hơn các không gian công cộng - như bố mẹ cho con cái chơi ở ngoài trời từ lúc còn bé hơn so với họ trước đây. Thiết lập các khu vực cư trú sao cho sự phân cấp các không gian ngoài trời với những không gian nửa chung, thân tình và những không gian quen thuộc gần nhà ở nhất cũng có thể làm cho dân cư trong khu ấy tốt hơn, và hoạt động trong các không gian ngoài trời cũng thuộc về khu vực dân cư dẫn đến mức độ giám sát và trách nhiệm tập thể cao hơn đối với không gian công cộng và khu vực dân cư. Các không gian công cộng trở thành một phần của khu dân cư và được bảo vệ 61
Lãnh thổ và cảm giác thích hợp. Tổ chức các khu cư trú theo phân chia thứ bậc với sự chuyển tiếp rõ ràng giữa không gian riêng tư và không gian dùng chung. (Trích: Oscar Newman, Không gian có thể bảo vệ được [40]). Sự xác định rõ ràng ranh giới là một bước quan trọng trong việc làm sáng tỏ tổ chức nội bộ, và giải quyết các vấn đề địa phương. Hình dưới, bên trái: Các lối vào những nhóm nhà được vạch rõ (Byker, Newcastle upon Tyne). Hình dưới, bên phải: Biển hiệu đón chào không chính thức của nhóm cộng đồng ủng hộ sự chia nhỏ thành phố Copenhagen: “24000 cư dân do Copenhagen quản lí”.
62
khỏi chủ nghĩa phá hoại các công trình văn hoá và tội phạm, cũng bằng cách đó, chính nhà ở sẽ được giữ gìn [9, 40]. Tầm quan trọng của việc chia nhỏ khu dân cư thành những đơn vị nhỏ hơn, tốt hơn, như một mắt xích trong những hệ thống phân chia thứ bậc toàn diện hơn được công nhận ngày càng nhiều và thường hay được sử dụng trong các dự án xây dựng mới. Một số ví dụ chứng tỏ rằng các cư dân trong những đơn vị nhỏ ấy có thể tự tổ chức nhanh hơn và có hiệu quả hơn các hoạt động của nhóm và giải quyết những vấn đề liên quan với nhau. Sự phân chia các dự án xây dựng thành những đơn vị nhỏ hơn, được xác định rõ hơn trong một khu khác là để mở rộng hơn nữa khu vực hiện tại. Một trong những vấn đề cấp bách nhất trong các khu vực nhà ở chung cư là quy mô của chúng và những không gian công cộng được xác định gây ấn tượng mạnh mẽ vì chúng quá lớn và thiếu rõ ràng, có tính chất của đất - không - người. Những vùng chuyển tiếp - sự chuyển tiếp êm đềm.
Cuối cùng phải nhắc đến sự chuyển tiếp nhẹ nhàng giữa các loại không gian công cộng. Có sự chuyển tiếp có lợi và thường là quan trọng, chẳng hạn như đường phố và nhóm dân cư, được biểu hiện về mặt vật chất, nhưng đồng thời điều quan trọng là nó đến mức vững chắc như phân ranh giới để ngăn cản những cuộc tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chẳng hạn, mối liên hệ thị giác tốt là điều quan trọng để đứa trẻ có thể trông thấy các bạn cùng chơi có ra khỏi sân chơi lân cận hay không. Những ví dụ tốt về các cơ cấu xã hội và tự nhiên được xem xét kỹ và về những vùng chuyển tiếp được xác định rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ đi ngang qua có thể tìm thấy trong các đồ án thiết kế nhà ở của Ralph Erskine tại Landskrona và Sandvika ở Thuỵ Điển và tại Byker ở thành phố cảng Newcastle của nước Anh [7]. Tổ hợp Byker là một dự án quy hoạch lại đô thị 12000 người, phá dỡ những dãy nhà cũ tồi tàn xây dựng các nhà ở mới tại chỗ cũ. Để dễ chuyển đổi và tạo mối liên kết lôgic giữa các bộ phận khi xây dựng những toà nhà mới, người ta đã chú ý nhiều đến việc phân chia dự án mới thành các đơn vị được xác định rõ ràng - các nhóm nhà và các quận tương ứng với những đường phố và quận cũ. Hơn nữa, việc xác định rõ ràng ranh giới của các vùng chuyển tiếp đã được thực hiện tốt với những cửa chính và cổng nên các nhóm nhà riêng đã được xác định rõ, tuy vậy ranh giới cũng không làm quá mức yêu cầu để việc thăm viếng nhau không trở nên quá khó khăn. 63
Các giác quan và thông tin liên lạc.
Sự sắp xếp tự nhiên có thể thúc đẩy hoặc cản trở sự tiếp xúc bằng nhìn và nghe ít nhất là bằng 5 cách khác nhau.
64
ỨC CHẾ TIẾP XÚC Nhìn và nghe
THÚC ĐẨY TIẾP XÚC Nhìn và nghe
1. Tường
1. Không có tường
2. Cự li xa
2. Cự li gần
3. Tốc độ cao
3. Tốc độ thấp
4. Nhiều bậc
4. Một bậc
5. Quay lưng vào nhau
5. Ngoảnh mặt vào nhau
II.2. Các giác quan, thông tin liên lạc và các kích thước
Các giác quan là xem xét cần thiết trong quy hoạch.
Sự hiểu biết rõ về các giác quan của con người - cách thức và phạm vi hoạt động của chúng - là điều kiện tiên quyết quan trọng cho việc thiết kế và xác định kích thước của tất cả các hình dạng không gian ngoài trời và bố trí toà nhà. Vì nhìn và nghe có quan hệ với tính chất toàn diện nhất của các hoạt động xã hội ngoài trời - những cuộc tiếp xúc nhìn và nghe - tất nhiên, việc chúng hoạt động như thế nào là một nhân tố quy hoạch cơ bản. Hiểu biết về các giác quan là điều kiện tiên quyết thiết yếu cũng có quan hệ với sự am hiểu tất cả các hình thức khác của thông tin liên lạc trực tiếp và nhận thức của con người về những điều kiện không gian và các kích thước.
Bộ máy giác quan theo phương chính diện và nằm ngang.
Sự vận động của con người được giới hạn bởi thiên nhiên chủ yếu là chuyển động theo phương nằm ngang với tốc độ khoảng 5km/h (3 dặm/h) và bộ máy giác quan cũng thích nghi tốt với điều kiện đó. Các giác quan được định hướng về cơ bản về phía trước mặt và một trong những giác quan phát triển tốt nhất và hữu ích nhất là thị giác thì rõ ràng là theo phương nằm ngang. Thị trường (phần không gian mà mắt có thể nhìn bao quát được) theo phương nằm ngang rộng nhiều hơn so với phương thẳng đứng. Nếu người ta nhìn thẳng về phía trước thì có thể thoáng thấy cái đang diễn ra ở cả hai bên trong phạm vi vòng tròn nằm ngang nhiều nhất là 90o ở mỗi bên. Thị trường phía dưới hẹp hơn nhiều so với phương nằm ngang và thị trường phía trên cũng hẹp hơn. Thị trường phía trên lại giảm hơn nữa, bởi vì trục nhìn khi đi bộ có hướng chúc xuống khoảng 10o để nhìn thấy nơi người ta đang đi. Người đang đi xuống thì đường phố chẳng trông thấy gì ngoài tầng trệt của nhà cửa, vỉa hè và những gì đang diễn ra trên không gian đường phố. Vì vậy những sự kiện được nhận thấy phải diễn ra trước mắt khán giả và trên khoảng cùng một độ cao đó, điều này được phản ánh trong thiết kế tất cả các loại không gian của 65
khán giả - nhà hát, rạp chiếu phim, phòng khán giả. Ở nhà hát, vé ngồi trên bancông giá rẻ hơn, bởi vì không thể nhìn thấy các sự kiện diễn ra một cách “chính xác” và sẽ không có một ai chấp nhận ngồi ở mức thấp hơn sàn sân khấu. Một ví dụ khác minh hoạ cho sự hạn chế của phương thẳng đứng của thị trường là sự trưng bày hàng hoá ở các siêu thị. Những hàng bình thường dùng trong gia đình được đặt ở dưới tầm mắt, trên các giá gần sàn nhà nhất, trong khi những giá trên đai hẹp ở ngay tầm mắt thì xếp đầy các hàng hoá không quan trọng, không thiết yếu mà cửa hàng muốn các khách hàng mua một cách hấp tấp. Ở khắp mọi nơi người ta đi lại và tham gia các hoạt động, họ làm như thế trên những mặt phẳng nằm ngang. Thật khó di chuyển lên hoặc xuống, khó giao lưu khi đi lên hoặc đi xuống và khó nhìn ngước lên hoặc chúc xuống. Cảm nhận từ xa và cảm nhận trực tiếp.
Trong cuốn sách The Hidden Dimension (Khía cạnh bị che khuất) [23] của mình, nhà nhân loại học Edward T. Hall đã mô tả những giác quan quan trọng nhất và các chức năng của chúng về những sự tiếp xúc của con người và sự trải nghiệm thế giới bên ngoài. Theo Hall, hai loại cơ quan giác quan, có thể được xác định rõ: cảm nhận từ xa - mắt, tai, mũi - và cảm nhận trực tiếp - da, màng, cơ bắp. Những cảm nhận ấy có các mức độ chuyên biệt khác nhau và có những phạm vi chức năng khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay các cảm nhận từ xa là đặc biệt quan trọng.
Khứu giác (ngửi).
Khứu giác ghi nhận sự thay đổi mùi trong tầm rất hạn chế. Chỉ với khoảng cách nhỏ hơn 1m (39 in) nói chung mới có thể cảm nhận được những mùi tương đối nhẹ toả ra từ tóc, da và áo quần của người khác. Hương thơm và những mùi khác hơi nặng hơn có thể nhận thấy ở khoảng cách từ 2 đến 3m (7 đến 10 ft). Ngoài khoảng cách ấy thì con người chỉ có thể nhận thấy những mùi nặng hơn nhiều.
Thính giác (nghe).
Thính giác có tầm chức năng lớn hơn. Trong khoảng cách đến 7m (23 ft) tai rất có tác dụng. Có thể tiến hành đàm thoại tương đối ít khó khăn trong phạm vi khoảng cách này. Với khoảng cách khoảng 35m (100 ft) vẫn có thể nghe được giảng viên nói, chẳng hạn, và thiết lập trạng thái hỏi - đáp, nhưng không thể tham gia đàm thoại trên thực tế. Xa hơn 35m (100 ft) thì khả năng nghe người khác bị giảm rất nhiều. Có thể nghe người nói to, nhưng khó hiểu
66
được người ấy nói gì. Nếu khoảng cách là 1km (5/8 dặm) hoặc xa hơn thì chỉ có thể nghe được tiếng ồn rất to như tiếng ầm ầm của đại bác hoặc tiếng máy bay phản lực bay cao. Thị giác (nhìn).
Thị giác có phạm vi chức năng thậm chí còn rộng hơn. Có thể trông thấy những ngôi sao và thường có thể thấy rõ các máy bay mà không thể nghe được tiếng máy bay. Tuy nhiên, cũng giống như các giác quan khác, thị giác cũng có những hạn chế.
Thị trường xã hội - 0 đến 100m (0 đến 325 ft).
Người ta có thể nhìn những người khác và nhận thấy họ ở cách xa từ 1/2 đến 2km (1600 đến 3200 ft), phụ thuộc vào các nhân tố như bối cảnh, hệ thống chiếu sáng và đặc biệt là những người đang được nói đến ở đây có chuyển động hay không. Trong khoảng 100m (325 ft) những hình được trông thấy ở cự li xa hơn sẽ trở thành các con người. Tầm đó có thể được gọi là thị trường xã hội. Một ví dụ về tầm nhìn có ảnh hưởng như thế nào đến cách ứng xử là bãi biển thưa thớt người - nơi các nhóm người tắm biển được phân bố cách nhau khoảng 100m (325 ft). Ở khoảng cách này các nhóm có thể nhận thấy những người khác ở xa hơn dọc theo bãi biển, nhưng không thể thấy được họ là ai và họ đang làm gì. Ở khoảng cách từ 70 đến 100m (250 đến 325 ft) thì bắt đầu có thể xác định một cách chắc chắn giới tính, tuổi tác áng chừng của một người và người đó đang làm gì. Ở cự li ấy thường có thể nhận ra những người mà người ta biết rõ dựa trên quần áo của họ và cách họ đi lại. Giới hạn 70 đến 100m (250 đến 325 ft) cũng ảnh hưởng đến tình trạng của khán giả ở những đấu trường thể thao khác nhau như sân bóng đá. Khoảng cách từ chỗ ngồi xa nhất đến giữa sân chẳng hạn thường là 70m (250 ft). Nếu không khán giả không thể thấy cái gì đang diễn ra. Không phải khi cự li ngắn hơn đáng kể mới có thể nhận rõ các chi tiết cho phép người ta nhận biết những người khác. Ở cự li khoảng 30m (100 ft), nét mặt, kiểu để tóc và tuổi có thể thấy được và có thể nhận ra người ta gặp không thường xuyên. Khi cự li giảm còn 20 đến 25m (60 đến 80ft) thì đa số người biết tương đối rõ cảm giác và tâm trạng của người khác. Ở điểm này sự gặp gỡ bắt đầu trở nên thực sự thú vị và thích đáng trong bối cảnh xã hội. Nhà hát là một ví dụ có liên quan. Khoảng cách từ sân khấu đến những chỗ xa nhất của khán phòng trong nhà hát thường là 30 đến 35m (100 đến 115 ft). Ở nhà hát, các cảm giác chủ yếu là có tính chất thông tin nên thậm chí thông qua 67
Nhìn - vấn đề khoảng cách.
80 m (240 ft)
7,5 m (25 ft)
50 m (150 ft)
2 m (6 ft)
20 m (60 ft)
40 cm (14 in.)
68
các diễn viên có thể có những ấn tượng thị giác “phóng đại” bằng cách hoá trang và các động tác cường điệu, cũng có những giới hạn nghiêm ngặt để dù xa đến mấy cử toạ cũng ngồi nếu buổi biểu diễn đạt được một cái gì đó. Ở cự li thậm chí ngắn hơn, khối lượng và cường độ thông tin cũng tăng lên nhiều vì các giác quan khác bây giờ có thể bắt đầu bổ sung cho thị giác. Ở cự li 1 đến 3m (3 đến 10 ft) mà sự trò chuyện bình thường diễn ra, kinh nghiệm đòi hỏi mức độ chi tiết nói chung là cần thiết cho sự tiếp xúc đầy ý nghĩa của con người. Ở cự li còn ngắn hơn thì những ấn tượng và cảm giác sẽ mạnh hơn nữa. Những cự li và sự thông tin liên lạc.
Tác động qua lại giữa cường độ và cự li của các ấn tượng khoái cảm thường có trong thông tin liên lạc của con người. Những cuộc tiếp xúc gây xúc động mạnh được diễn ra rất gần nhau, 0 đến 1/2m (0 đến 2ft), nơi mà các giác quan làm việc cùng nhau và nơi mà tất cả sắc thái và chi tiết có thể được nhận thấy một cách rõ ràng khi những cuộc tiếp xúc ít mạnh mẽ hơn được diễn ra ở cự li lớn hơn, 1/2 đến 7m (2 đến 20 ft). Việc sử dụng cự li một cách có ý thức có trong hầu như tất cả các cuộc tiếp xúc. Cự li giữa những người tham dự được giảm bớt nếu sự quan tâm lẫn nhau và cường độ tăng lên. Người ta cùng đi sát nhau hơn hoặc cúi xuống khi ngồi trên ghế của mình. Trạng thái trở nên “gần gũi” hơn, mạnh mẽ hơn. Trái lại, cự li tăng lên nếu sự quan tâm và cường độ suy yếu. Chẳng hạn, cự li tăng lên khi sự bàn cãi gần đến kết thúc. Nếu một trong số những người tham gia muốn kết thúc cuộc chuyện trò, anh ta sẽ lùi vài bước - “rút khỏi tình thế”. Hơn nữa, ngôn ngữ có rất nhiều nguồn tham khảo và mối liên hệ giữa cự li và cường độ của sự tiếp xúc. Người ta nói về “tình hữu nghị chặt chẽ”, “người bà con gần”, “mối quan hệ xa”, “không để cho mình trở nên quá thân mật với ai” hoặc “để ai lánh xa người nào đó”. Sự thật là cự li thường vừa điều chỉnh sự thân tình và cường độ trong các tình trạng xã hội khác nhau, vừa kiểm tra sự khởi đầu và sự kết thúc những cuộc đàm thoại cá nhân, ngụ ý rằng một không gian nào đó là cần thiết cho đàm thoại. Chẳng hạn như thang máy là không gian thực tế không thể dùng được cho việc đàm thoại bình thường. Sự thật cũng như thế đối với sân trước có độ sâu vào phía trong là 1m (3ft). Trong cả hai trường hợp ấy không có đường tránh các 69
Quy mô (kích thước) nhỏ có nghĩa như những không gian ấm cúng, thân tình.
Cự li thường bao hàm những mối quan hệ khác nhau giữa người với người. Những cụm từ như “người bạn gần gũi” và “để người này lánh xa người nào đó” cho thấy mức độ thân tình đã đạt được. Tương tự như thế, các không gian nhỏ có xu hướng được nhìn nhận như những không gian ấm áp và riêng tư. Kích thước nhỏ cho phép nhìn và nghe được người khác, và trong không gian nhỏ các chi tiết cũng như tổng thể có thể có được niềm vui thích. Trái lại, không gian lớn được coi là không gian lạnh lùng và không có tính riêng tư. Nhà cửa và con người đều có vẻ xa cách.
Bên trái: Toà án London, Perth, miền Tây Australia. Bên dưới: La Défense, Paris.
70
cuộc tiếp xúc không mong muốn hoặc rút lui khỏi những tình trạng không mong muốn. Mặt khác, ở nơi mà sân trước quá sâu vào phía trong thì sự đàm thoại không thể bắt đầu. Các công trình khảo sát ở Australia, Canada và Đan Mạch (xem trang 38 và 197) đã chứng tỏ rằng cự li 3¼ m (10 ft) hoá ra rất hữu ích trong bối cảnh đặc biệt đó. Khoảng cách xã hội.
Trong cuốn The Hidden Dimension (Khía cạnh bị che khuất) [23] Edward T. Hall đã định rõ nhiều khoảng cách xã hội tức là những khoảng cách theo thông lệ cho các hình thức thông tin liên lạc trong lĩnh vực văn hoá của Tây Âu và của Mĩ. Khoảng cách thân tình (0 đến 45cm tức là 0 đến 1½ ft) là khoảng cách mà những cảm giác mãnh liệt được biểu lộ: sự âu yếm dịu dàng, sự thoải mái, yêu thương và cả sự giận dữ mạnh mẽ. Khoảng cách dành riêng cho cá nhân (0,45 đến 1,30m tức là 1½ đến 4½ ft) là cự li đàm thoại giữa những người bạn thân và gia đình. Ví dụ: Khoảng cách giữa những người trong gia đình quanh bàn ăn. Khoảng cách xã hội (1,30 đến 3,75m tức là 4½ đến 12ft) là khoảng cách cho sự đàm thoại bình thường giữa các bạn bè, người quen, hàng xóm láng giềng, người cùng làm việc, v.v. Nhóm Xôfa (sofa) với các ghế bành và bàn cà phê là sự diễn đạt tự nhiên về khoảng cách xã hội. Cuối cùng, khoảng cách công cộng (hơn 3,75m tức là hơn 12ft) được định rõ là khoảng cách được dùng trong những tình huống theo nghi thức hơn - quanh các nhân vật được công chúng biết rõ hoặc trong tình trạng giảng dạy với thông tin liên lạc một chiều hay là có ai đó muốn nghe hoặc nhìn một sự kiện nhưng không muốn trở thành người có dính líu vào.
Kích thước nhỏ và lớn.
Mối quan hệ giữa cự li và cường độ, sự liên quan chặt chẽ và sự ấm cúng trong những tình huống tiếp xúc khác nhau có sự tương tự quan trọng trong nhận thức phổ biến về kích thước kiến trúc. Ở các thành phố và những dự án xây dựng có kích thước đơn giản, các đường phố hẹp và những không gian nhỏ, các toà nhà, những chi tiết xây dựng và những người di chuyển đây đó trong các không gian được trải nghiệm ở mức độ chặt chẽ và với cường độ đáng kể. Những thành phố và các không gian này được coi là thân tình, ấm áp và có tính riêng tư. Ngược lại, những dự án xây dựng với các không gian lớn, các đường phố riêng và các toà nhà cao thường lạnh lùng và vô cảm. 71
Tỉ lệ thành phố giao thông bằng ôtô/tỉ lệ thành phố đi bộ.
Kích thước của xe ôtô và đặc biệt là tốc độ chuyển động tạo ra những sự khác nhau lớn giữa thành phố giao thông bằng ôtô và thành phố đi bộ. Để làm cho nhà và tín hiệu giao thông có thể thấy rõ đối với giao thông bằng xe, cần có thiết kế thô và kí hiệu lớn.
Thời gian để trải nghiệm.
72
Những vật thể và sự kiện phải ở gần tầm mắt để được nhận thấy và thường tầm nhìn bị hạn chế. Một nhân tố quan trọng khác trong việc trải nghiệm là phải có số thời gian hợp lí, trong đó để nhìn và xử lí các ấn tượng thị giác. Các giác quan hầu hết là được huy động để nhận thấy và xử lí những chi tiết và những ấn tượng có được khi đi bộ và chạy tốc độ 5 đến 15 km/h (3 đến 9 dặm/h). Nếu tốc độ vận
Thời gian trải nghiệm.
Tốc độ chậm, kích thước nhỏ và xử lí chi tiết một cách cẩn thận có tương quan chặt chẽ với nhau. Trên: Marken, Nederland. Bên phải: Copenhagen (Đan Mạch)
Tỉ lệ thành phố giao thông bằng ôtô/tỉ lệ thành phố đi bộ.
động tăng lên thì khả năng nhận rõ chi tiết và xử lí thông tin xã hội đầy ý nghĩa sẽ giảm xuống nhanh. Minh hoạ cho hiện tượng này có thể thấy được trên xa lộ ở nơi giao thông thường bị tắc nghẽn trên cả hai làn xe khi xảy ra tai nạn ở một làn xe, vì những người lái xe ở làn xe kia giảm tốc độ còn 5 dặm/h để xem cái gì đã xảy ra. Một ví dụ khác là cuộc biểu diễn trượt tuyết mà trong đó những cuộc trượt tuyết đã thay đổi quá nhanh cho đến khi cử toạ yêu cầu nhịp độ chậm hơn để “thấy cái gì đang diễn ra”. Khi hai người đi bộ theo hướng ngược nhau để gặp nhau trong khoảng 30 giây, đi từ lúc họ trông thấy hoặc nhận ra nhau đến khi họ gặp nhau. Trong suốt cả thời gian đó, khối lượng thông tin và mức độ chi tiết nhận biết được sẽ tăng lên dần dần, cho mỗi người có đủ thời gian để phản ứng tình huống. Nếu thời gian phản ứng ấy giảm tới hạn thì khả năng nhận thấy và đối phó lại tình huống sẽ biến mất như trong trường hợp xe ôtô qua nhanh trên đường. Nếu người ta đi nhanh và có thể nhận thấy cảnh vật và người thì tính đại diện phải được chú ý nhiều. Vì thế thành phố giao thông bằng ôtô và thành phố đi bộ có quy mô và kích thước hoàn toàn khác nhau. Ở thành phố giao thông bằng ôtô, các bảng tín hiệu giao thông và các bảng quảng cáo phải rất to và chữ phải đậm nét để dễ thấy. Các toà nhà tương đối lớn và ít chi tiết. Bộ mặt và sự biểu hiện trên vẻ mặt con người quá nhỏ theo tỉ lệ để nhận thấy tất cả. 73
Cuộc sống diễn ra trên bàn chân.
Điều quan trọng là tất cả các hoạt động xã hội đầy ý nghĩa, những kinh nghiệm lớn, các cuộc trò chuyện và sự vuốt ve đều diễn ra khi người ta đứng, ngồi, lúc ngả lưng hoặc đi bộ. Người ta có thể thoáng nhìn thấy người khác từ xe ôtô hoặc từ cửa sổ tàu hoả, nhưng cuộc sống thì diễn ra trên bàn chân. Chỉ có “trên bàn chân” (đi bộ) mới có tình huống như một cơ hội đầy ý nghĩa cho sự tiếp xúc và thông tin ở nơi mà cá nhân cảm thấy dễ chịu và có thể dành thời gian để trải nghiệm, dừng lại hoặc tham gia.
Quy hoạch theo quy luật tự nhiên để cách li và để tiếp xúc.
Nếu những cơ hội và những hạn chế sự tiếp xúc có liên quan đến các giác quan được tóm tắt lại thì sẽ xuất hiện năm cách thức khác nhau mà kiến trúc sư và quy hoạch gia có thể xúc tiến hoặc ngăn ngừa sự cách li hoặc sự tiếp xúc. Cách li
Tiếp xúc
Tường Cự li dài Tốc độ cao Nhiều bậc Hướng quay lưng về người khác
Không có tường Cự li ngắn Tốc độ thấp Một bậc Hướng ngoảnh mặt về người khác
Bằng cách làm việc với năm nguyên tắc này một cách riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, có thể thiết lập những điều kiện tiên quyết tự nhiên cho việc cách li và cho việc tiếp xúc (riêng cho việc cách li và riêng cho việc tiếp xúc).
Cuộc sống diễn ra trên bàn chân (Đường phố ưu tiên cho người đi bộ ở Copenhagen, Đan Mạch).
74
II.3. Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc là một quá trình
Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc là một quá trình tự tăng cường.
Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc là một quá trình tự tăng cường đầy tiềm năng. Khi người nào đó bắt đầu làm cái gì đó, rõ ràng những người khác có thể vào cuộc tự mình tham gia hoặc chỉ để trải nghiệm xem những người khác đang làm gì. Bằng cách đó các cá nhân và các sự kiện có thể có ảnh hưởng hoặc khuyến khích lẫn nhau. Một khi quá trình ấy bắt đầu, toàn bộ hoạt động hầu như bao giờ cũng lớn hơn và phức tạp hơn so với tổng số những hoạt động bộ phận bị lôi cuốn vào theo. Ở nhà, các hoạt động và các thành viên trong gia đình đi dần từ phòng này đến phòng kia vì trung tâm hoạt động đã thay đổi. Khi công việc diễn ra ở trong bếp thì bọn trẻ chơi trên sàn bếp v.v. Ở các sân chơi có thể lưu ý những hoạt động chơi tự tăng cường có thể so sánh được như thế nào. Nếu một số trẻ em bắt đầu chơi thì các trẻ em khác bị thôi thúc xuất hiện và tham gia cuộc chơi, thế là một nhóm nhỏ có thể lớn lên nhanh chóng. Một quá trình đã được bắt đầu. Trong khu vực công cộng cũng có thể thấy hình ảnh tương tự. Nếu có nhiều người hoặc nếu có điều gì đó đang diễn ra thì có nhiều người hơn và nhiều sự kiện hơn có xu hướng tham gia nên các hoạt động sẽ mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian diễn ra.
Một cộng một ít ra là ba.
Kiến trúc sư Hà Lan F.van Klingeren, người đã làm việc một cách có ý thức với các hoạt động tập hợp và phối hợp khác nhau ở trung tâm của các thành phố Dronten và Eindhoven của Hà Lan [11] đã quan sát thấy trình độ của toàn bộ hoạt động trong các thành phố ấy tăng lên như kết quả của một quá trình tự tăng cường. Van Klingeren đã tổng kết kinh nghiệm của mình về các hoạt động của thành phố trong công thức “một cộng một ít ra là ba”. 75
Cái gì đó xảy ra vì có cái gì đó diễn ra. Một quá trình xác thực: cái gì đó xảy ra vì có cái gì đó diễn ra.
76
Có thể tìm thấy sự minh hoạ nổi bật theo nguyên tắc này bằng những mô hình nghiên cứu sự vui chơi của trẻ em trong các khu vực bao gồm những nhà cho từng gia đình và những nhà phố ở Đan Mạch [28]. Trong khu vực nhà phố, “mật độ” trẻ em trên 1 acre (mẫu Anh bằng khoảng 4050m2) cao gấp
Không có gì xảy ra vì không có gì diễn ra
đôi so với trong khu của những nhà được xây tách xa nhau. Trong khu có số trẻ em nhiều gấp đôi thì ta thấy mức độ hoạt động vui chơi cao gấp bốn lần. Cái gì đó xảy ra vì có cái gì đó diễn ra
Một quá trình phủ định: không có gì xảy ra vì không có gì diễn ra.
Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc là một quá trình tự tăng cường cũng giúp giải thích tại sao nhiều khu vực phát triển nhà mới có và không có sự sống và trống rỗng đến thế. Nhiều cái đang diễn ra, đúng là như thế, nhưng cả người và sự kiện đều giãn ra theo thời gian và không gian nên các hoạt động cá nhân hầu như không bao giờ có cơ hội phát triển thành những chuỗi sự kiện gây cảm hứng và có ý nghĩa lớn hơn. Quá trình này trở thành một quá trình phủ định: không có gì xảy ra vì không có gì diễn ra. Trẻ em thích ở trong nhà xem tivi vì ở ngoài trời quá buồn tẻ. Những người lớn không thấy đặc biệt thú vị khi ngồi trên ghế băng bởi vì hầu như chẳng có gì để xem. Và khi có một số trẻ em chơi, dăm ba người ngồi trên các ghế băng và mấy người đi dạo qua thì không có gì thú vị lắm khi nhìn qua cửa sổ. Ở đây chẳng có gì nhiều để mà xem. Quá trình phủ định này mà trong đó cuộc sống giữa những công trình kiến trúc đã suy giảm một cách nghiêm trọng bởi vì các hoạt động không thể khuyến khích và ủng hộ nhau, như đã nhắc đến ở trên, có thể thấy được trong nhiều khu vực ngoại ô - nơi các sự kiện diễn ra một cách cực kì phân tán. Các quá trình phủ định có thể so sánh được bắt đầu đề cập những quận cũ của thành phố trong đó các gara để xe ôtô, những trạm cung cấp gas, các cơ quan tài chính lớn, v.v. góp phần làm giảm số người và sự kiện. Mức hoạt động tự nhiên trên đường phố, tức là những hoạt động có liên quan đến cuộc sống hằng ngày của các dư dân giảm xuống vì số cư dân giảm sút và môi trường đường phố trở nên xấu đi.
Trang bên: Người ta có xu hướng tụ họp ở nơi những người khác tập hợp. Các khu dân cư ở phía Tây Copenhagen và phía Nam Melbourne.
77
Giao thông chậm có nghĩa là các thành phố sinh động
Đường cao tốc và đường đi bộ có tỉ lệ 85 người/phút. Tuy nhiên ở đường đi bộ có mái che thì gấp hơn 20 lần như nhiều người quan sát vào thời gian đặc trưng bởi vì nhiều người ngồi và đứng và và vì tốc độ chuyển động là 3 dặm/h chứ không phải 60 dặm/h.
Đường phố ấy có tính chất của đất - không - người hoang vắng, nơi mà không một ai muốn ở. Sự tan rã các không gian công cộng sinh động và dần dần biến đổi những khu vực đường phố thành khu vực không phải lợi ích thực sự cho bất cứ ai là một nhân tố quan trọng góp phần cho phá phách và tội phạm trên đường phố. Sự phát triển ấy được phát hiện cho sự mở rộng một cách dễ sợ ở nhiều thành phố lớn của Mĩ và được Jane Jacobs mô tả trong cuốn The Death and Life of Great American Cities (Cái chết và Cuộc sống của Các thành phố lớn ở Mĩ) của bà [24] và sau đó được Oscar Newman nói thêm chi tiết trong cuốn Defensible Space (Không gian có thể bảo vệ được) của ông [40]. Gần như tất cả các thành phố lớn của châu Âu đều trải qua sự phát triển có thể so sánh được. 78
Một khi tội phạm và sự sợ hãi trở thành vấn đề, mọi người đều không ra đường với lí do chính đáng. Cái vòng luẩn quẩn ấy được khép kín. Cuộc sống giữa các công trình kiến trúc là vấn đề số lượng các sự kiện và cả thời gian tiếp diễn các sự kiện.
Về sự cố gắng làm cho các quá trình xác thực biến đổi, điều quan trọng là phải lưu ý rằng cuộc sống giữa những công trình kiến trúc, con người và các sự kiện mà ta có thể quan sát trong không gian nhất định là sản phẩm của số lượng các sự kiện riêng và của thời gian tiếp diễn những sự kiện ấy. Không phải số người hoặc số lượng sự kiện, mà số phút dành cho ngoài trời là quan trọng. Những ví dụ sau đây minh hoạ cho mối quan hệ đó. Nếu có ba người, mỗi người ở lại trước nhà của họ trong 60 phút, trong suốt thời gian đó ba người hiện diện trong không gian. Nếu như 30 người, mỗi người đứng trước nhà của họ trong 6 phút thì mức hoạt động - toàn bộ thời gian dành cho ngoài trời - cũng là bấy nhiêu (30 × 6 = 180 phút). Trong khoảng thời gian đó vấn đề vẫn là con số trung bình của ba người hiện diện trong không gian. Như vậy bản thân số người hoặc số lượng các sự kiện không chỉ rõ mức hoạt động ở trong khu vực, bởi vì hoạt động thực tế, cuộc sống giữa những công trình kiến trúc như đã trải nghiệm cũng như thời gian diễn ra việc đứng ngoài trời. Điều đó nghĩa là mức hoạt động cao ở một khu vực nào đó có thể được khuyến khích bởi sự đảm bảo có nhiều người sử dụng không gian công cộng hơn và bởi sự khích lệ cá nhân ở ngoài trời lâu hơn.
Giao thông chậm có nghĩa là thành phố sinh động.
Nếu như tốc độ chuyển động giảm từ 60 xuống còn 6km/h (35 xuống còn 3,5 dặm/h) thì số người trên các đường phố sẽ xuất hiện nhiều hơn gấp 10 lần, bởi vì mỗi người ở trong tầm nhìn sẽ lâu gấp 10 lần. Đó là lí do cơ bản cho mức hoạt động đáng lưu ý ở các thành phố đi bộ như Dubrovnik (thành phố cảng ở Croatia) và Venice ở Italia. Khi toàn bộ giao thông đều chậm thì cuộc sống trên những đường phố cho một mình lí do đó sẽ tương phản với cái mà ta thấy ở các thành phố giao thông bằng ôtô - nơi mà tốc độ chuyển động sẽ tự động làm giảm mức hoạt động. Liệu cư dân hầu như chỉ đi bộ hay đi bằng ôtô và liệu ôtô khi người ta sử dụng sẽ đỗ cách cửa trước 5m, 100m hay 200mm (15 ft, 330ft hay 660ft) là những nhân tố có tính chất quyết định để đánh giá các hoạt động và các cơ hội cho những người láng giềng gặp gỡ nhau. 79
Ở lại lâu ngoài trời có nghĩa là các thành phố sinh động. Cảnh mùa đông và cảnh mùa hè trên đường phố ở Copenhagen. Về mùa hè đường phố sinh động hơn nhiều bởi vì hầu như mọi người đều dành thời gian nhiều hơn để có mặt trên đường phố. Người ta đứng và ngồi, bước đi bộ cũng chậm hơn 20% so với về mùa đông. Thậm chí với số người đi bộ bằng nhau trong một ngày thì về mùa hè có thể có gấp 5 hoặc 10 lần số người có mặt trên đường phố, bởi vì ở lại lâu ngoài trời làm cho thành phố sinh động.
80
Xe đỗ càng cách xa cửa thì vấn đề đang được nói đến là càng có nhiều điều sẽ xảy ra trong khu vực, bởi vì giao thông chậm có nghĩa là các thành phố sinh động. Ở lại ngoài trời lâu có nghĩa là khu dân cư và không gian thành phố sinh động.
Thời gian diễn ra tất cả các chức năng trong phạm vi công cộng có ảnh hưởng đến mức hoạt động tương ứng. Nếu như người ta bị lôi cuốn ở lại trong không gian công cộng trong một thời gian dài thì một số người và một số sự kiện có thể phát triển đến mức hoạt động đáng kể. Nếu những cơ hội cho các hoạt động ngoài trời trong khu dân cư được cải thiện nhiều đến nỗi số thời gian trung bình ở ngoài trời hằng ngày tăng từ 10 lên đến 20 phút thì mức hoạt động ở trong khu vực sẽ tăng gấp đôi. Khi so sánh với thời gian dùng cho giao thông thì thời gian ở lại ngoài trời là nhân tố quan trọng hơn nhiều. Trong khi sự thay đổi từ giao thông bằng ôtô sang giao thông đi bộ tăng lên thì thời gian trung bình của mỗi “cuộc dạo chơi” trong khu vực có lẽ là 2 phút, một sự tăng thời gian ở lại ngoài trời từ 10 lên đến 20 phút sẽ làm tăng hiệu quả lớn hơn 5 lần. Thậm chí còn đúng hơn là trường hợp cho giao thông chậm mà ở lại ngoài trời lâu có nghĩa là khu dân cư và không gian thành phố sinh động. Việc thời gian diễn ra cũng quan trọng như số lượng các sự kiện, giải thích vì sao có ít hoạt động đến thế trong nhiều dự án nhà ở mới như khu vực nhà nhiều tầng kiểu căn hộ, nơi thực tế có nhiều người ở. Nhiều cư dân đến rồi đi, nhưng thường chỉ có rất ít cơ hội dành nhiều thời gian dài ở ngoài trời. Trên thực tế là không có chỗ nào để tổ chức, không có gì để làm. Vì thế thời gian ở lại ngoài trời trở nên ngắn ngủi và mức hoạt động có thể so sánh được là thấp. Những dãy nhà có sân trước nhỏ có thể có ít cư dân hơn nhiều, nhưng có hoạt động quanh nhà nhiều hơn nhiều, bởi vì thời gian dành cho ngoài trời của mỗi người cư trú nói chung là dài hơn nhiều. Mối liên hệ giữa cuộc sống đường phố, số người, số lượng sự kiện và thời gian dành cho hoạt động ngoài trời cho thấy một trong những điều quan trọng nhất đối với việc cải thiện điều kiện cho cuộc sống giữa những công trình kiến trúc ở các khu dân cư hiện có và các khu dân cư mới - đó là việc cải thiện các điều kiện cho sự ở lại ngoài trời.
81
Chương III tập hợp hay phân tán
Quy hoạch thành phố và Quy hoạch địa điểm
III.1. Tập hợp hay Phân tán III.2. Hoà nhập hay Cô lập III.3. Hút vào hay Đẩy ra III.4. Mở rộng hay Che kín 82
III.1. Tập hợp hay Phân tán
Tập hợp hay phân tán.
Nếu các hoạt động và người được tập hợp lại thì như trên đã nói, các sự kiện riêng lẻ có thể kích thích lẫn nhau. Những người tham gia trong một tình huống đều có cơ hội trải nghiệm và tham gia các sự kiện khác. Quá trình tự tăng cường có thể bắt đầu. Trong mục này và ba mục tiếp theo có lưu ý đến một số quyết định về quy hoạch có ảnh hưởng đến việc tập hợp hoặc phân tán người và các sự kiện. Đây là cuộc tổng kiểm tra những vấn đề phải được xem xét để cung cấp cơ sở cho quy hoạch có ý thức trong các tình huống riêng lẻ, dù mục tiêu là tập hợp hay phân tán. Theo hoàn cảnh, cả hai mục đích đều có thể thích đáng như nhau. Vì thế việc đặt tầm quan trọng đặc biệt vào các vấn đề tập hợp cái trong phần sau đây không có nghĩa là phải cố gắng tập hợp trong mọi hoàn cảnh. Trái lại, trong nhiều trường hợp có những luận cứ tốt để không làm như thế, chẳng hạn như đảm bảo sự phân bố đều hơn về các hoạt động của thành phố trên khắp những phần lớn hơn của thành phố hoặc thiết lập các không gian thanh bình êm ả như những phần bổ sung cho các không gian sinh động hơn. Sự tập trung quá mức những toà nhà tháp, những chức năng và người như ta thấy ở nhiều thành phố lớn là các ví dụ minh hoạ về nhiều mặt sự tập trung bất lợi. Có thể nên làm ít hơn. Tuy vậy, nhấn mạnh những vấn đề về tập hợp, một phần vì thông thường việc tập hợp các sự kiện khó hơn nhiều so với việc phân tán chúng, và một phần nữa vì những xu hướng phát triển trong xã hội và quy hoạch giáo điều đã tạo thành xu hướng chung mạnh mẽ hướng tới sự phân tán dân cư và các sự kiện trong cả những khu đô thị mới và những khu đô thị cũ.
Tập hợp người và tập hợp các sự kiện.
Điều quan trọng nhất là thừa nhận rằng không phải cần tập hợp nhà cửa, mà cần tập hợp người và các sự kiện. Những khái niệm như diện tích sàn/tỉ lệ chỗ xây dựng và mật độ xây dựng không nói lên điều gì có tính quyết định về việc 83
Tập hợp hay phân tán. Nếu như người và các sự kiện được tập hợp một cách hợp lí thì kết quả thường sẽ cải thiện những điều kiện cho các hoạt động công cộng cũng như cho những hoạt động riêng tư. Một phía của nhà ở là đường phố, còn phía kia là chỗ cho rừng thực sự. (Siedlung Halen, Berne, Thuỵ Sĩ).
các hoạt động của con người đã được tập trung thoả đáng hay chưa. Thiết kế nhà trong mối tương quan với kích thước phù hợp của con người là vấn đề rất quan trọng - đi bộ từ một điểm đã cho có thể vươn tới bao nhiêu, có thể nhìn thấy được nhiều như thế nào và được trải nghiệm những gì. Một dự án xây dựng “mật độ thấp” với rất nhiều nhà được bố trí quanh một hệ thống đường đi bộ rắc rối không tự thể hiện sự tập trung hoạt động đáng ghi nhớ dù là ở nơi có mật độ xây dựng cao. 84
Ngược lại, con đường làng với hai dãy nhà liên tục hướng ra mặt phố lại thể hiện sự tập hợp các hoạt động một cách rõ ràng và nhất quán. Sự sắp xếp nhà và hướng của những lối vào liên quan với các đường đi bộ và khu vực ngoài trời là những nhân tố có tính chất quyết định trong mối quan hệ này. Việc bán kính hoạt động thông thường cho đa số người đi bộ nằm trong giới hạn 400 đến 500m (1300 đến 1600ft) cho một chuyến đi [6] và việc khả năng gặp những người khác và tiến trình của sự kiện giới hạn cự li trong khoảng 20 đến 100m (65 đến 330 ft) tuỳ thuộc vào những gì sẽ được trông thấy trong địa điểm thực tế, có yêu cầu rất cao về độ tập trung. Nếu có thể thấy người khác và các sự kiện diễn ra khi ngồi ở nhà hoặc đi bộ một đoạn đường ngắn chưa đến nửa kilomet (1600 ft) và có thể đi bộ đến các dịch vụ quan trọng nhất thì những hoạt động và các chức năng phải được tập hợp theo sự cần thiết một cách rất cẩn thận. Chỉ một vài chức năng ít quan trọng cần ít không gian hoặc cự li hơi quá mức mới cần biến trải nghiệm phong phú trở nên nghèo nàn. Cần phải rất thận trọng với từng centimet mặt tiền của nhà hoặc đường đi bộ. Tỉ lệ lớn, trung bình và nhỏ.
Những vấn đề có liên quan đến sự tập hợp hay phân tán người và các sự kiện phải được xem xét trong bối cảnh quy hoạch rộng rãi. Những quyết định với tỉ lệ lớn trong quy hoạch thành phố và quy hoạch vùng, tỉ lệ trung bình trong quy hoạch địa điểm xây dựng và tỉ lệ nhỏ có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu các điều kiện tiên quyết để những không gian công cộng hoạt động tốt và được sử dụng tốt không được tạo ra qua các quyết định của cấp quy hoạch đầu tiên thì ít có cơ sở để làm việc ở tỉ lệ nhỏ. Sự tương tác này là quan trọng bởi vì trong tất cả các trường hợp, tỉ lệ nhỏ - môi trường trung gian - là nơi bản thân mỗi người nhìn thấy và đánh giá những quyết định được tiến hành ở tất cả các cấp quy hoạch. Cuộc đấu tranh vì chất lượng cao trong các thành phố và những dự án xây dựng phải đạt được ở tỉ lệ rất nhỏ, nhưng sự chuẩn bị cho công việc thành công ở cấp này phải được làm ở tất cả các cấp quy hoạch.
Tập hợp hay phân tán ở tỉ lệ lớn.
Ở tỉ lệ lớn - quy hoạch thành phố - có sự phân tán người và các sự kiện một cách hữu hiệu khi những nhà ở, các dịch vụ công cộng, công nghiệp và chức năng thương mại được bố trí riêng rẽ trên một vùng đất lớn trong cơ cấu thành phố được cách li theo chức năng và phụ thuộc vào 85
Thành phố là một quảng trường.
San Vittorino Romano Mặt bằng tỉ lệ 1: 4000
Telc. Mặt bằng 1:4000.
86
ôtô như phương tiện giao thông giữa các đơn vị. Phân tán người và những sự kiện là hiện tượng chung của hầu như tất cả các khu ngoại ô ở khắp nơi trên thế giới, và ở thành phố Los Angeles nó đạt được tính nhất quán nhất và sự xáo trộn nhất. Ngược lại là cơ cấu thành phố có các sự kiện và người được tập hợp một cách nhất quán trong một mô hình rõ ràng, trong đó những không gian công cộng là các yếu tố quan trọng nhất trong mặt bằng thành phố và nơi mà tất cả các chức năng khác đều được bố trí một cách có hiệu quả dọc theo và đối diện với đường phố. Cơ cấu thành phố như thế có thể thấy ở gần như tất cả các thành phố cũ và nhất là trong những năm vừa qua lại giành được chỗ đứng trong các dự án mới ở những thành phố châu Âu. Skarpnäck [46] - một thành phố mới nhất của Thuỵ Điển ở phía Nam Stockholm (xem trang 92) - là một trong những ví dụ về sự phát triển lí thú nhất này, nơi mà các đường phố và quảng trường lại trở thành những yếu tố chính được tất cả các chức năng khác bao quanh. Tập hợp hay phân tán ở tỉ lệ trung bình.
Ở tỉ lệ trung bình - trong quy hoạch địa điểm xây dựng người và các hoạt động được phân tán khi các toà nhà được bố trí rất xa nhau với những khu lối vào và nhà ở được định vị xa nhau. Mô hình này là chung trong các khu nhà cho từng gia đình truyền thống và những khối căn hộ tách rời theo chủ nghĩa Chức năng. Trong cả hai trường hợp này đều xảy ra tình trạng có tối đa vỉa hè và đường nối với những khu mở quá rộng kéo theo sự giảm bớt các hoạt động ngoài trời. Trái lại, người và các hoạt động có thể được tập hợp lại bằng cách bố trí các nhà và những bộ phận chức năng sao cho hệ thống các không gian công cộng càng gọn càng tốt và sao cho cự li đi bộ và những trải nghiệm của giác quan càng ngắn càng tốt. Nguyên tắc này có thể thấy trong hầu như tất cả các khu vực trước năm 1930 và trong số lượng ngày càng tăng những dự án xây dựng mới đây nhất. Dưới dạng đơn giản nhất và được chuẩn bị tốt nhất thì cũng có thể thấy nó ở những thành phố nhỏ, nơi mà tất cả các nhà đã được tập hợp chung quanh một quảng trường.
Thành phố là một quảng trường.
San Vittorino Romano ở ngay bên phía Đông thành phố Roma và thành phố Telc ở Czechoslovakia là những ví dụ sớm nhất về hình thức xây dựng này. Các trường hợp tương tự hiện đại bao gồm những dự án cụm nhà ở và nhiều dự án nhà chung cư mới đây ở Scandinavia. 87
Thành phố là một đường phố.
Thành phố là một đường phố (Arnis, Bắc Đức)
ĐƯỜNG PHỐ GÓI GỌN NHỮNG NGƯỜI THUÊ
CÁC CHỦ NHÂN
SÂN THƯỢNG CÓ MÁI
CAO ÁP
VƯỜN HOA
BÓNG DÂM/ CÁCH NHIỆT MÀN CHE
KHÔNG CÁC KHÍ ĐƠN VỊ ƯỚT
ỐNG CÁP
TRƯỜNG HỌC NHÀ TRẺ CƠ QUAN CỬA HÀNG
Thành phố là một đường phố. Tất cả các đơn vị được bố trí dọc theo đường phố có lợp kính (Gårdsåkra, Eslöv, - Thuỵ Điển. 1980 - 82. KTS Peter Broberg).
Nguyên tắc tổ chức này có thể tìm thấy qua lịch sử, từ các trại của bộ lạc cổ truyền đến những khu hiện đại. Những nhà, các lối vào, những lều bạt, v.v. được tập hợp chung quanh không gian công cộng và sự đi dạo từ chỗ này sang chỗ khác cũng giống như bạn bè quanh bàn. Các dự án xây dựng hướng vào quanh quảng trường có đặc điểm là có số cư dân hạn chế. Khi dân số trở nên nhiều 88
Nhấn mạnh sự sống chung được phản ánh trong việc bố trí nhà ở. Nhà ở hợp tác Sættedammen ở Bắc Copenhagen (1970). [48]. Mặt bằng tỉ lệ 1: 2000. (Các KTS T. Bjerg và P. Dyreborg).
thì không đủ chỗ cho mọi người chung quanh quảng trường - nếu quảng trường vẫn có kích thước để có thể thấy được sự tập hợp các hoạt động. Thành phố là một đường phố.
Trong hoàn cảnh này, đường phố có những ngôi nhà thấp chạy dọc theo trở thành một hình thức tổ chức tự nhiên như kết quả lôgic của việc hạn chế sự vận động của con người và một hệ thống của cảm giác hướng ra phía trước và theo phương nằm ngang. Khi các hoạt động được tập hợp dọc theo đường phố, dù chỉ là bằng cách đi dạo một đoạn ngắn, cá nhân có thể thiết lập cái đang diễn ra trong khu vực ấy. Nguyên tắc xây dựng này có thể thấy được dưới dạng đơn giản nhất ở thành phố đã xây dựng quanh một đường phố đơn độc. Các làng truyền thống đã phát triển dọc theo đường phố chính đã được nhắc đến. Gårdsåkra [Gorđxokra] ở Eslöv [Exliôv] tại Thuỵ Điển do KTS Peter Broberg thiết kế [13] là ví dụ mới đây nhất về thành phố được xây dựng theo nguyên tắc này. Ở đây tất cả nhà ở, các lối vào, trường học, các nhà công cộng, những nhà xưởng hợp nhất và các cơ quan văn phòng đều được tập hợp dọc theo đường phố. Nguyên tắc tạo ra cơ cấu tuyến tính đã làm cho người ta trong trường hợp này có thể lợp kính cho đường phố để bảo đảm việc bảo vệ quanh năm khỏi sự tác động của khí hậu. Cơ cấu địa điểm xây dựng hướng về đường phố súc tích cũng đã được sử dụng ở các khu vực nhà ở mới đây của Scandinavia, nơi mà “thành phố” trở thành một đường phố với những nhà dọc theo nó.
Thành phố với các đường phố và quảng trường.
Những dự án xây dựng lớn cần nhiều đường và quảng trường hơn với cơ cấu phân biệt nhiều hơn bao gồm các đường phố chính, các đường phố phụ và những quảng trường chủ yếu, các quảng trường thứ yếu như ta thấy ở những thành phố cũ. 89
Các thành phố với những đường phố và những quảng trường: Skarpnäk [Xkarpneck], Stockholm. Thành phố mới Skarpnäk [Xkarpneck] ở phía Nam Stockholm của Thụy Điển xây dựng năm 1982 - 88 gồm những dự án nhà tư và nhà công cho 10000 người ở. Những không gian ở độ cao đường phố được dành cho các cơ quan văn phòng, nhà xưởng và những phương tiện công cộng. (Văn phòng Quy hoạch thành phố Stockholm, các KTS Leif Blomquist và Eva Henström)
Bên trái: Giản đồ khái niệm và mặt bằng thành phố 1:12500. Bên dưới: Đường phố chính Skarpnäck.
90
Xu hướng dứt khoát của những mô hình cách xa các khu ngoai ô lỏng lẻo và hướng về đô thị chặt chẽ với những đường phố và quảng trường có thể được phân biệt rõ ràng trong các chính sách quy hoạch đương đại ở châu Âu (Đồ án dự thi cho La Villette, Paris, 1976. KTS Leon Krier [30]).
Nguyên tắc đó thỉnh thoảng cũng thấy ở các khu vực ngoại ô và những dự án xây dựng theo chủ nghĩa Chức năng. Song nói chung, ở kiểu pha loãng và lan ra như thế, “các đường phố” đã trở thành những con đường và “các quảng trường” đã trở thành những khu vực mở rộng lớn khó phân loại, hoàn toàn không có người. Bằng cách đó, các hoạt động cá nhân bị phân tán về thời gian và trong không gian, bởi vì con đường vào quá cỡ và không cần thiết bị tăng lên gấp đôi và bị trải rộng ra. Không phải việc thiếu giao thông đi bộ và người dân đã ngăn cản sự thiết lập những không gian công cộng thân tình hơn và được sử dụng tốt hơn, mà việc quyết định có nhiều con đường và đường đi bộ phân tán thay cho mạng lưới đường phố tập trung hơn như ta thấy ở các thành phố cũ đã làm điều đó. Trong toàn bộ lịch sử cư trú của loài người, các đường phố và quảng trường đã từng là những yếu tố cơ bản mà tất cả các thành phố đã được tổ chức quanh chúng. Lịch sử đã chứng minh những ưu điểm của các đường phố ấy đến mức mà đối với đa số người, các đường phố và các quảng trường tạo thành bản chất thực sự của hiện tượng “thành phố”. Mối quan hệ đơn giản ấy và việc sử dụng các đường phố và quảng trường một cách hợp lí - đường phố dựa trên cơ sở mô hình tuyến tính theo sự vận động của con người và quảng trường dựa trên cơ sở khả năng của mắt có thể quan sát một khu vực - trong những năm mới đây lại tiếp tục. Các đồ án thiết kế cho nghiên cứu lí luận của Leon Krier [29, 30, 31], các khu đô thị mới của Rob Krier ở Berlin [34], Thành phố mới Almere ở Hà Lan và những thành phố mới ở Scandinavia như khu Skatudden ở Helsinki và New Town Skarpnäck gần Stockholm [46] chỉ rõ sự hồi sinh thú vị của những nguyên tắc đã được thử thách về các thành phố xây dựng quanh những đường phố và quảng trường. 91
Tập hợp hay phân tán về không gian. Nói chung, quy mô của các không gian ở những thành phố cũ có mối tương quan tốt với các giác quan của con người và nhiều người sử dụng các không gian ấy. Trong những cộng đồng xây dựng tương đối mới đây quả thật hiếm có sự xử lí đủ cẩn thận về quy mô của không gian. Tuy nhiên, có thể thấy có nhiều trường hợp ngoại lệ của quy tắc chung đó.
Ở trên, bên trái: Marken, Hà Lan Bên trái: Bề rộng trung bình của các đường phố ở Venice là 3m (9ft). Chiều rộng đó cho phép sự lưu thông của bộ hành là 30 45 người/phút. Dưới: Đường phố ngoại ô rộng 24m (72 ft) ở Toronto (thủ phủ tỉnh Ontario ở Canada). Không gian đó tạo ra khoảng trống có vẻ như không thể bắc cầu giữa các nhà.
92
Tập hợp hoặc phân tán ở tỉ lệ nhỏ.
Ở tỉ lệ nhỏ - trong thiết kế những không gian ngoài trời và các mặt tiền kế cận - cần làm việc với việc quy hoạch chi tiết và cẩn thận những yếu tố tạo ra và hỗ trợ cuộc sống giữa các công trình kiến trúc. Các chức năng và các hoạt động cá nhân phải được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp và phân bố mặt tiền đường phố phù hợp với giá trị của nó như những nơi hấp dẫn và phù hợp với tính chất quan trọng đối với chức năng của không gian ngoài trời. Trên cơ sở bán kính hoạt động được giới hạn cho cá nhân và tầm giác quan bình thường, việc thiết kế mỗi foot [fut] (ft. bằng 12 in. tức là bằng 0,3048m) đường phố hay là mặt tiền và mỗi ft2 cho không gian là điều cực kì quan trọng.
Tập hợp hay phân tán không gian.
Ở tỉ lệ nhỏ các hoạt động phân tán về không gian có thể đạt được bằng việc xác định những khu vực quá cỡ cho một số người và một số hoạt động. Đường phố đi bộ rộng 20m, 30m và 40m (65ft, 100ft và 135ft) hoặc quảng trường dài và rộng trong khoảng từ 40 hoặc 50 đến 60m (135 hoặc 170 đến 205ft), trong đồ án thiết kế nhà ở có kích thước bình thường, là những ví dụ về vấn đề này. Không chỉ là cự li xa giữa những người từ đầu này đến đầu kia trong không gian như thế, mà khả năng của những người đó vừa đi bộ vừa trải nghiệm những gì đang diễn ra ở cả hai đầu quảng trường bị mất đi phần nào. Trái lại, có thể cố gắng tập hợp các sự kiện bởi xác định kích thước của cả đường phố và quảng trường một cách thực tế trong mối quan hệ với tầm giác quan và số người có thể sẽ sử dụng những không gian ấy. Khoảng cách thông thường giữa các quầy hàng ở chợ và trong cửa hàng bách hoá là 2 đến 3m (6 đến 9 ft), kích thước đó đủ để có thể đi bộ được, mua bán ở cả hai phía và nhìn rõ hàng hoá ở cả hai phía. Ở Venice bề rộng trung bình của đường phố là đúng 3m (9ft) kích thước đó là đủ chỗ cho người đi bộ lưu thông từ 40 đến 50 người/phút. Cường độ của sự trải nghiệm cũng tăng lên khi kích thước giảm thường khích lệ thêm cho việc xác định quy mô của không gian một cách cẩn thận. Ở không gian nhỏ hầu như bao giờ cũng thú vị hơn, nơi có thể nhìn thấy cả tổng thể, cả chi tiết - thật vẹn cả đôi đường. Venice và những nơi khác có đường phố rất hẹp sẽ không cần thiết được sử dụng như mô hình trực tiếp cho các đường phố mới, nhưng chúng nhấn mạnh một sự thật là nhiều không gian trong những thành phố hiện đại của chúng ta đã rộng lớn quá mức. Như thể là các nhà quy hoạch và các kiến
Chợ đường phố ở Singapore. Ở khắp nơi trên thế giới khoảng cách giữa các quầy hàng của chợ là từ 2 đến 3m (6 đến 9 ft).
93
trúc sư có xu hướng mạnh mẽ, bất cứ khi nào do dự thì thêm một số không gian, điều này cho thấy họ không chắc chắn trong việc xử lí thích đáng kích thước nhỏ và quảng trường nhỏ. Bất cứ khi nào do dự, hãy bớt đi một chút không gian. Những không gian nhỏ trong các không gian lớn.
Không gian nhỏ trong không gian lớn
Trên: Những hàng cây đưa ra một tỉ lệ ấm cúng trong cảnh quan rộng mở. Bên phải: Trong không gian đường phố rộng của Rambla ở Barcelona, các cây và đình tạ tạo ra không gian đi bộ hấp dẫn.
94
Ở các nước Bắc Âu, khí hậu đặt ra những vấn đề nan giải có liên quan đến việc xác định quy mô của các không gian ngoài trời. Những không gian nhỏ với các toà nhà cao cũng có nghĩa là các không gian tối và không có ánh nắng. Ở Nam Âu, có bóng râm và ánh sáng dịu là hợp lí và tiện nghi, nhưng ở miền Bắc cả ánh sáng và nắng đều là những phẩm chất được đánh giá cao. Dù sao cũng nên biết kết hợp mong muốn có ánh sáng và ánh nắng với không gian có kích thước bình thường mà trong đó người ta có thể tụ họp. Xây nhà giật cấp là một trong những khả năng; khả năng khác là tạo ra các không gian nhỏ trong những không gian lớn. Các không gian đường phố với
những hàng cây chứng minh giá trị của các nguyên tắc về những không gian nhỏ trong các không gian lớn. Có thể so sánh, những sân trước ở mặt tiền của các nhà xếp thành dãy sẽ bảo đảm cho cả các không gian rộng, đầy ánh nắng và những đường phố thân tình, hẹp một cách hợp lí. Tập hợp hay phân tán dọc theo mặt tiền.
Thiết kế mặt tiền (mặt đứng của nhà) và các khu vực kế cận cũng tạo những khả năng cho sự tác động đến việc tập trung các hoạt động và cường độ của sự trải nghiệm của những người đi ngang qua trên vỉa hè. Sự tập trung các hoạt động phụ thuộc vào những khu chủ động trao đổi và ở sát nhau giữa đường phố và mặt tiền và phụ thuộc vào cự li ngắn giữa lối vào và các chức năng khác có góp phần vào việc kích hoạt môi trường công cộng. Những toà nhà lớn có mặt tiền dài và một số lối vào có nghĩa là có sự phân tán các sự kiện một cách hữu hiệu. Trái lại, nguyên tắc này có những đơn vị nhà hẹp và nhiều cửa ra vào.
Tập hợp hay phân tán dọc theo mặt tiền trên đường phố
Nếu các hoạt động được tập hợp thay và phân tán ở đường phố, chỉ những lối vào các toà nhà lớn, các doanh nghiệp, ngân hàng và văn phòng được bố trí một cách tự nhiên dọc theo mặt tiền đối diện với khu vực công cộng. Cuộc sống đường phố giảm sút một cách nghiêm trọng khi các đơn vị nhỏ tích cực được thay thế bằng những đơn vị lớn. Ở nhiều nơi có thể thấy cuộc sống ở các đường phố đã kém đi một cách nghiêm trọng như thế nào, vì những trạm gas, các cửa hàng buôn bán ôtô, những bãi đỗ xe đã tạo ra các lỗ hổng và chỗ trống trong cơ cấu thành phố, hay là khi những đơn vị thụ động như cơ quan văn phòng và ngân hàng hoạt động.
Những đơn vị hẹp và nhiều cửa ra vào là những nguyên tắc quan trọng cho việc tập trung các sự kiện (Đảo Java, Amsterdam, Hà Lan)
95
Tập hợp hay phân tán dọc theo mặt tiền. Khi các nhà hẹp, chiều dài của đường phố ngắn thì cự li đi bộ được giảm bớt và cuộc sống đường phố được nâng cao. (Đồ án dự thi để mở rộng Røras, Na Uy)
Mặt tiền đường phố hẹp có nghĩa là giữa các lối vào có cự li ngắn và các lối vào ở nơi đa số sự kiện gần như bao giờ cũng diễn ra.
96
Trái lại, có những ví dụ về việc quy hoạch cẩn thận, ở đó các lỗ hổng chỗ trống không được chấp nhận, nơi mà những đơn vị lớn được bố trí đằng sau hoặc ở trên các đơn vị nhỏ dọc theo mặt tiền. Chỉ có những lối vào tất cả các chức năng và các hoạt động thú vị nhất mới chiếm không gian ở mặt tiền. Nguyên tắc này được thể hiện ở rạp chiếu phim chẳng hạn, nơi mà chỉ có lối vào với phòng bán vé và quảng cáo bố trí ở đường phố, trong khi bản thân phòng khán giả thì được khéo bố trí khuất đâu đó ở đằng sau. Đó cũng là giải pháp tiêu chuẩn khi ngân hàng và văn phòng được bố trí trên đường phố. Để chống lại vấn đề mặt tiền ảm đạm buồn tẻ, nhiều thành phố của Đan Mạch đã thông qua bộ luật xây dựng để hạn chế việc bố trí ngân hàng và cơ quan văn phòng ở độ cao đường phố. Những thành phố khác của Đan Mạch đã cho phép ngân hàng và cơ quan văn phòng bố trí rất thành công trên đường phố, nhưng chỉ cho đoạn mặt tiền đường phố đó không vượt quá 5m (15 ft). Không có gì đáng ngạc nhiên, ở tất cả các trung tâm mua sắm mới ở ngoại thành có thể thấy người ta cho phép mỗi đơn vị có thể có mặt tiền đường phố ngắn nhất. Biết là người đi bộ nói chung không muốn đi bộ quá xa, những người thiết kế “trung tâm mua sắm” như thế đã sử dụng mặt tiền hẹp một cách hợp lí sao cho có chỗ cho càng nhiều cửa hàng càng tốt cự li ngắn nhất có thể trên đường phố. Sử dụng nguyên tắc bố trí những lô đất hẹp và sâu vào phía trong có sử dụng thận trọng không gian mặt tiền sẽ tránh được vấn đề “lỗ hổng” và “đất đầu thừa đuôi thẹo” ở bất cứ nơi nào nhà ngoảnh ra vỉa hè và đường đi bộ. Điều đó cũng đúng ở
Trên đường phố, chiều dài của mặt tiền phải được xác định cẩn thận. Nhịp điệu thường thấy ở các đường phố cửa hàng ở khắp nơi trên thế giới là 15 - 25 đơn vị/100m. (Đường phố của khu phố cổ ở Stockholm, Sverige - Thuỵ Điển).
97
Tập hợp ở một cấp hay phân tán ở nhiều cấp.
Trung tâm thành phố ở Coventry, England (Anh). Bộ hành có xu hướng chỉ sử dụng tầng trệt mà thôi.
Ở đường phố với những nhà thấp, mọi thứ có thể thấy được tới chỗ mắt có thể nhìn tới. Ở khu nhà cao tầng thì chỉ ở mức tầng trệt mới nằm trong thị trường (phần không gian mà mắt có thể bao quát được).
98
các khu dân cư. Những ví dụ về mặt bằng địa điểm xây dựng có thể thấy ở nhiều dự án nhà xếp thành hàng truyền thống và ở nhiều dự án xây dựng như Siedlung Halen ở Berne của Thuỵ Sĩ (xem minh hoạ ở trang 86) và nhiều khu dân cư mới đây hơn ở Java, Borneo và các đảo Sporenburg ở Harbor của Amsterdam Tập hợp trên một cấp hay phân tán trên nhiều cấp.
Ngoài những sự lựa chọn đã nói trên cho việc tập hợp hay phân tán các sự kiện, cũng có khả năng tập hợp hoặc phân tán trên một cấp hoặc nhiều cấp hơn. Vấn đề này rất đơn giản. Các hoạt động diễn ra trên cùng một cấp độ có thể được trải nghiệm trong phạm vi hạn chế của giác quan trong bán kính từ 20 đến 100m (65 đến 330 ft) phụ thuộc vào cái có thể được nhìn thấy và trong tình trạng dễ vận động đây đó giữa các hoạt động. Nếu cái gì đó xảy ra ở cấp độ chỉ là cự li gần thì các khả năng trải nghiệm sẽ giảm xuống rất nhiều. Trèo lên cây bao giờ cũng là một cách trốn tốt. Vấn đề này ít dễ thấy hơn khi cái gì đó xảy ra trên cấp độ thấp nhất - người ta thường có thể có sự khái quát hơn đầy đủ từ vị trí cao hơn - nhưng sự tham gia và tương tác thì vẫn còn khó về mặt tự nhiên và tâm lí học. Hiệu quả với sự chú ý đến việc sử dụng các không gian công cộng được nâng cao có thể thấy rõ trong những nghiên cứu của William H. Whyte từ thành phố New York [51]. “Đường nhìn là quan trọng. Nếu người ta không nhìn thấy không gian, họ sẽ không sử dụng nó”. Và về không gian trũng, ông viết: :"Một không gian mở sẽ không bao giờ trũng trừ phi có một lí do thuyết phục. Với hai hoặc ba trường hợp
Phân tán ở nhiều cấp độ (Quang cảnh đường phố Los Angeles)
99
Tập hợp ở một cấp hoặc phân tán ở nhiều cấp. Sự tiếp xúc đầy ý nghĩa với các sự kiện tầng trệt chỉ có thể từ mấy tầng đầu ở nhà nhiều tầng. Giữa tầng 3 và tầng 4 sự giảm khả năng rõ rệt đối với việc tiếp xúc với tầng trệt có thể quan sát được. Ngưỡng khác tồn tại giữa tầng 5 và tầng 6. Bất cứ cái gì và bất cứ ai ở trên tầng 5 đều không có liên kết đến các sự kiện tầng trệt. Nhìn lên D
Từ D nhìn xuống
Nhìn lên C
Từ C nhìn xuống
Nhìn lên B
Từ B nhìn xuống Ngưỡng
Ngưỡng lớn Ngưỡng
Nhìn lên A
100
Từ A nhìn xuống
ngoại lệ đáng chú ý, các quảng trường trũng trừ phi có một lý do thuyết phục là những không gian chết”. Vì thế, về nguyên tắc, cố gắng tập hợp các hoạt động bằng cách bố trí hoạt động này trên hoạt động kia ở những cấp khác nhau là một ý tưởng tồi. Trạm canh có thể được bố trí ở trên cao, nhưng không có những hoạt động mà người ta muốn tập hợp. Nếu người ta vẫn cố tình làm như vậy thì kết quả thường là đáng thất vọng bởi vì các chức năng được bố trí cách nhau 50 đến 100m (170 đến 330ft) dọc theo đường phố có quan hệ qua lại một cách dễ dàng hơn so với những chức năng được bố trí đúng 3m (10ft) ở phía trên hoặc 3m (10ft) ở bên dưới chức năng khác. Những kinh nghiệm đó có thể được chuyển một cách đầy ý nghĩa sang thảo luận về nhà thấp đối lập nhà cao. Nhà thấp dọc theo đường phố hài hoà với con đường mà dân cư đi lại trên đó và trên tầm hoạt động của các giác quan chứ không phải nhà cao tầng.
Những nhà thấp dọc theo đường phố hài hoà với con dường mà dân cư đi lại và tầm hoạt động của các giác quan (Quang cảnh đường phố, Singapore)
101
Tập hợp ở một cấp hay phân tán ở nhiều cấp - “những thành phố ngầm dưới đất” và “những lối đi trên cao”.
Lối đi trên cao và ban công lối vào phân tán người và các sự kiện, trong khi cầu thang lối vào lôi kéo các cư dân lại với nhau ở trên đường phố. Trên: Bố trí nhà ở, Edinburg (Scotland). Dưới: Khu dân cư ở Montréal, Quebec (Canada)
102
Sự phân tán người và các sự kiện một cách không mong muốn sẽ diễn ra khi có những đường đi song song thay cho hệ thống đường phố chặt chẽ là vấn đề đã được đưa ra thảo luận. Các hình thức của sự phân tán không mong muốn có thể thấy được khi những mạng lưới đường đi bộ ngầm toàn diện dưới đất hoặc những lối đi trên cao được thiết lập và các đường vào được bố trí thành nhiều lớp, lớp này trên lớp kia. Lối đi trên cao ở những trung tâm thành phố cũng như ở các khu dân cư là một ý tưởng có thể bị ngờ vực trong cả hai tình huống. Nếu việc tập hợp các sự kiện và người là điều mong muốn, một giải pháp tốt hơn có thể được tìm thấy chẳng hạn như ở các khu nhà ở 3 tầng tại Montréal (Canada). Tất cả các hoạt động và các cư dân đều do những ban công và cầu thang dẫn xuống tầng 1. Hơn nữa, mặt tiền đường phố sinh động, truyền cảm hứng đã được tạo ra, cũng như những cơ hội tốt để ở lại ngoài trời cũng có trực tiếp ngay trước mặt các nhà ở tư nhân.
III.2. Hoà nhập hay Cô lập
Tiếp xúc “bề mặt” có phân biệt.
Sự hoà nhập có hàm ý rằng các hoạt động khác nhau được nhiều người cùng tham dự. Sự cô lập có hàm ý một sự tách biệt của các chức năng và các nhóm người không giống nhau. Hoà nhập các hoạt động và các chức năng trong và chung quanh những không gian công cộng thu hút người ta hoạt động cùng nhau và truyền cảm hứng cho nhau. Hơn nữa, sự pha trộn các chức năng và các kiểu người khác nhau giúp người ta có thể giải thích xã hội xung quanh được cấu tạo như thế nào và hoạt động như thế nào. Với sự quan tâm đến vấn đề này, không phải sự hoà nhập một cách hình thức các toà nhà và những chức năng của thành phố, mà là sự hoà nhập thực sự các sự kiện với những người khác nhau trên quy mô rất nhỏ - điều quyết định mức độ cảm nhận khi tiếp xúc sẽ đơn điệu hay thú vị. Điều quan trọng không phải là các nhà máy, những nhà ở, các chức năng dịch vụ, v.v. có được đặt gần nhau trên bản vẽ của kiến trúc sư, là việc mà những người làm việc và sống ở đó có sử dụng hay không chính các không gian công cộng ấy ngoài những hoạt động hằng ngày.
Những mô hình quy hoạch cho hoà nhập và cô lập.
Sự phát triển từ thành phố gắn kết thời Trung Cổ với các hoạt động gần gũi, đến thành phố theo chủ nghĩa Chức năng cho thấy những khả năng pha trộn và tách biệt người và sự kiện trong mối liên hệ với quy hoạch vật chất. Ở các thành phố cũ thời Trung Cổ, giao thông đi bộ cho phép một cơ cấu thành phố mà các thương gia và những người thợ thủ công, người giàu và người nghèo, người trẻ và người già đều cần sống và làm việc sát bên nhau. Những thành phố như thế là hiện thân của những lợi thế và những cái bất lợi của một cơ cấu thành phố định hướng hoà nhập. Có thể thấy, trái lại, cơ cấu quy hoạch thành phố theo chủ nghĩa Chức năng thể hiện sự tách biệt những chức năng khác nhau. Kết quả là thành phố được chia thành các khu vực đơn chức năng. 103
Hoà nhập - một trường đại học ở thành phố.
Khu dân cư rộng liên tục với những nhóm dân cư đồng dạng, các khu công nghiệp đơn điệu chán ngắt và những thành phố giả, rộng lớn tương tự được xây dựng quanh một chức năng đơn lẻ hoặc một nhóm người, chẳng hạn như một tổ hợp nghiên cứu, một khu đại học, một làng hưu trí, là tất cả các ví dụ về những khu đơn chức năng như thế. Trong những khu vực này, một nhóm người đơn lẻ, công ăn việc làm đơn lẻ, nhóm xã hội đơn lẻ ít nhiều bị cách biệt với các nhóm khác trong xã hội. Có lẽ điểm có lợi là một quá trình quy hoạch hợp lí, cự li ngắn hơn giữa những chức năng tương tự và tính hiệu quả lớn hơn, nhưng cái giá là làm giảm sự tiếp xúc với xã hội xung quanh, môi trường nghèo hơn và đơn điệu hơn. Sự lựa chọn một trong những mô hình quy hoạch ấy là chính sách quy hoạch được phân biệt rõ hơn, khi các quan hệ xã hội và những lợi thế thực tế được đánh giá từ chức năng này đến chức năng khác và sự tách biệt chỉ được chấp nhận khi những bất lợi của sự tập hợp nhiều hơn lợi thế một cách rõ ràng. Chẳng hạn như chỉ có một số ít những hoạt động công nghiệp gây phiền toái nhất là không thích hợp cho sự hoà nhập với sự cư trú. Hoà nhập ở tỉ lệ lớn.
104
Ở tỉ lệ lớn, có thể thực hiện một cố gắng nhất quán để pha trộn tất cả các chức năng không chống đối nhau hoặc không gây phiền cho nhau.
Mặt bằng thành phố định hướng hoà nhập có thể thực hiện điều đó bởi sự mô tả các hướng phát triển hoặc những khu sẽ được mở rộng vào các thời điểm khác nhau, chứ không phải bởi những chức năng khác nhau, định rõ các phần phát triển cho năm 2005 đến 2010, đến 2015 thay cho việc định ra những khu dân cư, khu công nghiệp và khu dịch vụ công cộng. Thành phố là một trường đại học và ngược lại.
Mặt bằng thành phố định hướng hoà nhập cũng có thể là thành phố mà các chức năng lớn của nó được sử dụng như một cơ hội làm cho nhiều đơn vị nhỏ hợp thành bối cảnh rộng hơn - đô thị. Chẳng hạn, các mặt bằng đô thị sử dụng trường đại học mới như một dịp để bố trí một số khá lớn nhà ở và doanh nghiệp trong cơ cấu thành phố hoà nhập - một thành phố đại học với những nhà ở và những doanh nghiệp. Các cơ cấu thành phố hoà nhập cũ vẫn còn tồn tại sát bên những khu mới đơn chức năng làm cho người ta có thể nghiên cứu cả hai nguyên tắc quy hoạch. Trường đại học Copenhagen được bố trí chủ yếu là ở trung tâm thành phố cũ. Toà nhà chính nằm ở chính giữa, còn các trường phổ thông và trường cao đẳng thì được rải ra chung quanh, và các khoa được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau làm cho người ta thấy như không gian trở nên có ý nghĩa thiết thực. Các đường phố (của thành phố này) là một bộ phận của trường đại học và hoạt động như những hành lang trong và hành lang ngoài làm nhiệm vụ nối tiếp.
105
Cô lập - khu trường đại học.
Khu trường đại học Kĩ thuật, Copenhagen. Tổ chức xung quanh lô đất đỗ xe trung tâm
Khu Trường đại học Kĩ thuật. Mặt bằng tỉ lệ 1: 20 000
Để so sánh. Toàn bộ khu nội thành Copenhagen Mặt bằng tỉ lệ 1:20000.
106
Chắc chắn, trường đại học được bố trí rải rác khắp thành phố là nguyên nhân của nhiều cái bất lợi đối với cơ quan như một đơn vị hành chính. Nhưng với những người tham gia, sự tiếp xúc gần với thành phố tạo ra vô số khả năng cho việc sử dụng thành phố và tham gia vào đời sống của thành phố. Và đối với thành phố, sự bố trí trường đại học như thế có nghĩa là sự đóng góp có giá trị về năng lượng, đời sống và các hoạt động. Đối nghịch là một cơ sở giáo dục cao cấp được thiết kế “hợp lí” - khu Trường đại học Kĩ thuật Đan Mạch ở phía ngoài Copenhagen. Kế hoạch giáo dục được hệ thống hoá,
Ba chức năng của thành phố phải cùng tạo thành cơ sở cho một thành phố sinh động nếu như khái niệm quy hoạch là để tạo ra các thành phố thay cho các khu đơn chức năng tách biệt. Trên cao, bên trái: Khu nhà cao tầng 7000 dân được bao quanh bởi khu vực đỗ xe và các bãi cỏ. Dưới, bên trái: Tổ hợp Phát thanh và truyền hình Quốc gia Đan Mạch. Một nghìn rưởi người được bao quanh bởi khu vực đỗ xe và khu bãi cỏ xanh không có người ở. Công việc ở đây là bộ phận hành chính và sản xuất các chương trình truyền hình. Dưới, bên phải: Trường cao đẳng Sự phạm có 1500 sinh viên được cách biệt tương tự.
107
Hoà nhập ở tỉ lệ nhỏ.
Trên: Hoà nhập nhóm trẻ và nhóm già trong một khu nhà ở. Bốn trăm căn hộ và những ngôi nhà nhỏ xung quanh nhà và trung tâm dịch vụ cho những người cao tuổi (A), trung tâm chăm sóc ban ngày, vườn trẻ và các tiện ích cho thanh niên (B, C và D). (Khu đô thị trang tân Solbjerg Have ở Copenhagen, 1978 - 81. Các KTS. Fællestegnestuen)
108
các đường nối từ khoa này đến khoa kia được tổ chức hợp lí. Mặt khác, “thành phố này” có rất ít hoạt động. Không có cơ sở cho nhiều hoạt động hiệu quả. Chỉ có một ít quán cà phê và quầy bán sách báo, bởi những người sử dụng khu vực này chỉ là sinh viên và giảng viên. Việc giảng dạy cho các nhà kĩ thuật chuyên môn hoá quá sâu, giáo dục không đồng đều được thực hiện trong những điều kiện tốt nhất có thể - môi trường chuyên môn hoá quá sâu, không đồng đều - vì sự nối tiếp trực tiếp hằng ngày giữa môi trường học tập và xã hội nói chung đã bị cắt đứt. Hoà nhập ở tỉ lệ nhỏ.
Loại bỏ các khu đơn chức năng là điều kiện tiên quyết cho việc hoà nhập mọi người và các hoạt động khác nhau. Nếu những khả năng ấy không thể thực hiện được thì công việc quy hoạch và thiết kế ở tỉ lệ trung bình và tỉ lệ rất nhỏ sẽ là các nhân tố quyết định. Chẳng hạn như các trường có thể được bố trí ở giữa khu phát triển nhà ở và vẫn được tách biệt một cách hữu hiệu khỏi môi trường xung quanh bằng những hàng rào, tường và bãi cỏ. Nhưng các trường cũng có thể được thiết kế như một bộ phận không thể thiếu được của nơi ở. Chẳng hạn như những lớp học có thể được bố trí xung quanh các đường phố chung của thành phố mà lúc đó được dùng như những hành lang và sân chơi. Quán cà phê trên quảng trường được dùng như quán ăn tự phục vụ của trường, vì thế thành phố trở thành một bộ phận của quá trình giáo dục. Chức năng thương mại và các chức năng khác của thành phố có thể được bố trí tương tự dọc theo đường phố hoặc trên bản thân khu vực công cộng sao cho ranh giới giữa những chức năng khác nhau và giữa những nhóm người khác nhau được xoá nhoà. Mỗi hoạt động đều có cơ hội hoà cùng với hoạt động khác. Các trung tâm thành phố ở Dronten và Eindhoven của KTS F.van Klingeren ở Hà Lan [11] minh hoạ cho nguyên tắc quy hoạch này và những khả năng của nó. Trung tâm thành phố trở thành quảng trường có mái che với các trang thiết bị thể thao, màn ảnh chiếu phim, khán đài, ghế ngồi, v.v. sao cho nó có thể được sử dụng theo nhiều cách. Về nguyên tắc, các chức năng của quảng trường hoàn toàn giống như một quảng trường truyền thống. Thương mại, bóng đá, mít tinh chính trị, các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, hoà nhạc, nhà hát, các cuộc biểu diễn, cà phê vỉa hè, triển lãm, trò chơi và nhảy múa đều có thể cùng tồn tại ở quảng trường đó. Kết quả tiếp theo ở cấp độ cao hơn, diễn ra trong các hoạt động đa dạng khác nhau của 109
Giao thông hoà nhập hoặc giao thông cô lập. Các phương thức giao thông tách biệt khác nhau dẫn đến kết quả trong các hệ thống đường và đường đi bộ buồn tẻ.
110
Khi toàn bộ giao thông là đi bộ như ở Venice, thì sự tách biệt giao thông ra khỏi những hoạt động khác của thành phố sẽ không bao giờ trở thành vấn đề.
đông đảo cư dân thành phố so với các hoạt động thông thường ở các thành phố khác của Hà Lan. Hoà nhập cũng là yêu cầu then chốt trong nhiều dự án cải thiện ở những khu dân cư nhiều tầng đơn điệu được xây dựng trong thập niên 1960. Trong dự án đổi mới như thế ở Thuỵ Điển một số nhà kiểu căn hộ trước đây đã được cải tạo thành nhà công nghiệp nhẹ, cơ quan văn phòng và nhà ở cho người cao tuổi, làm cho khu vực này trở nên đa dạng hơn nhiều. Chính sách hoà nhập này đã đạt được kết quả thật đáng lưu ý. Phòng sinh hoạt chung như một mô hình.
Ví dụ về phòng sinh hoạt chung trong nhà có thể dùng như một mô hình cho sự hoà nhập của các hoạt động trong một tỉ lệ nào đó của đô thị. Ở phòng sinh hoạt chung tất cả các thành viên trong gia đình có thể bận rộn với các hoạt động riêng khác nhau, nhưng vẫn có nhiều hoạt động cùng nhau.
Giao thông hoà nhập hay giao thông cô lập.
Trong tất cả các hoạt động đã diễn ra ở phạm vi công cộng thì giao thông vận chuyển người và hàng trên đường từ chỗ này đến chỗ khác là hoạt động có tính toàn diện nhất. Ở mô hình giao thông bình thường, trên các đường phố hỗn hợp có chia thành giao thông bằng ôtô, bằng xe đạp và đi bộ, dẫn đến sự trải rộng rõ rệt và phân cách người và các hoạt động. Khi những người tham gia giao thông được phân tán hơn nữa thông qua một hệ thống đường khác biệt, mỗi 111
Bốn nguyên tắc quy hoạch giao thông. Los Angeles (Mĩ) Hoà nhập giao thông về mặt giao thông tốc độ cao. Hệ thống giao thông đơn giản, không khó khăn với độ an toàn thấp. Đường phố không thích hợp cho bất cứ loại hình giao thông nào ngoài giao thông ôtô. Radburn (Mĩ) Hệ thống tách biệt giao thông năm 1928 được đưa vào Radburn, New Jersey: một hệ thống phức tạp, đắt tiền, kéo theo nhiều đường và đường đi bộ song song và nhiều đường chui. Khảo sát các khu dân cư cho thấy rằng nguyên tắc này (về lí luận đã xuất hiện để cải thiện sự an toàn giao thông) hoạt động tồi trong thực tế bởi vì người đi bộ thích đi theo con đường ngắn hơn so với đường an toàn hơn nhưng dài hơn.
Delft (Nederland - Hà Lan) Hoà nhập giao thông về mặt giao thông tốc độ chậm. Đưa vào năm 1969, hệ thống này đơn giản, không khó khăn, an toàn, duy trì đường phố như một không gian công cộng quan trọng cho tất cả. Khi xe phải được lái đến nhà, hệ thống hoà nhập này tốt hơn nhiều so với hai hệ thống trên.
Venice (Italia) Thành phố đi bộ. Sự chuyển biến từ giao thông tốc độ cao sang giao thông tốc độ thấp ở ngoại ô thành phố hoặc khu vực này. Hệ thống giao thông đơn giản và không khó khăn, với độ an toàn khá cao và có cảm giác an ninh hơn nhiều so với bất cứ hệ thống nào khác.
112
loại giao thông có đường riêng, thì sự tách biệt ấy là đủ. Việc lái xe trở nên buồn tẻ hơn, đi bộ buồn tẻ hơn và sống dọc theo những đường và đường phố ấy trở nên buồn tẻ hơn, bởi vì một số người đáng kể tham gia giao thông bây giờ bị cô lập khỏi các hoạt động khác của thành phố. Thay cho những hệ thống đường phố có phân biệt, có thể vạch ra những cách khác trong việc sử dụng ôtô và các phương tiện giao thông nhanh khác. Chẳng hạn như một tỉ lệ lớn hơn các chuyến đi cá nhân có thể chuyển từ hệ thống ôtô sang mạng lưới kết hợp của các hệ thống vận tải công cộng, đi bộ và đi xe đạp. Tính chất quan trọng của một hệ thống giao thông hoà nhập đối với cuộc sống của thành phố có thể được quan sát ở những thành phố mà giao thông chủ yếu là đi bộ. Ở châu Âu có một số thành phố cũ, trong cuộc sống của thành phố giao thông không bao giờ phân rõ thành giao thông bằng ôtô và đi bộ. Thực tế là có một số thành phố đi bộ như ở miền đồi Italia, các thành phố bậc thang ở Nam Tư, các thành phố đảo của Hi Lạp, nhất là thành phố Venice ở Italia có vị trí đặc biệt trong số những thành phố đi bộ. Đó là những thành phố phải nói là lớn, có dân số hơn 250000 người nhưng lại là một ví dụ giải quyết thấu đáo nhất vấn đề giao thông đi bộ. Ở Venice hàng nặng được vận tải trên các kênh đào, trong khi hệ thống đường đi bộ vẫn hoạt động như mạng lưới giao thông quan trọng nhất của thành phố. Ở đây cuộc sống và giao thông cùng tồn tại sát bên nhau trong cùng một không gian hoạt động đồng thời như không gian để lưu lại ngoài trời và kết nối quan hệ. Trong bối cảnh đó giao thông không đặt ra các vấn đề an ninh, khói thải, tiếng ồn, rác, nên vì thế không bao giờ phải tách biệt sự làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi, giải trí và quá cảnh. Venice là chỗ sinh hoạt chung với các quá trình hoà nhập được mở rộng đến quy mô thành phố. Cũng khái niệm đó giải thích thói quen của người dân Venice đến muộn tại các cuộc gặp mặt được thu xếp trước, bởi vì người ta chắc chắn gặp bạn bè và người quen hoặc ngừng nhìn một cái gì đó trong khi đi bộ khắp thành phố này. Chuyển sang giao thông tốc độ chậm tại ranh giới của thành phố.
Nguyên tắc giao thông chính ở Venice là việc chuyển từ giao thông tốc độ nhanh sang giao thông tốc độ chậm ở ranh giới của thành phố chứ không phải ở cửa trước như nó trở thành thói quen thông thường qua nhiều năm ở đa số nơi sử dụng ôtô. 113
Ở đâu mà ôtô phải được đến gần lối vào nhà thì giải pháp tốt nhất là nguyên tắc "Woonerf” của Hà Lan, lúc bấy giờ các đường phố sẽ cung cấp chỗ cho giao thông bằng ôtô tốc độ chậm, bộ hành và xe đạp. Các đường phố được ghi đầy đủ theo cách có chỉ rõ tình trạng chính của chúng chủ yếu như những khu vực “giao thông mềm”. Tốc độ giao thông sẽ giảm nữa bởi những đoạn đường dốc thấp và những cản trở khác. Ảnh trên: Đường phố Hà Lan trước và sau khi chuyển đổi thành đường phố “Woonerf”.
114
Nguyên tắc ôtô rời khỏi ranh giới của thành phố hoặc ở góc khu dân cư rồi đi bộ 50 đến 100, đến 150m (170 đến 330, đến 500ft) về nhà gần đây đã trở nên phổ biến ở các khu dân cư của châu Âu. Đó là sự phát triển tích cực cho phép giao thông địa phương hoà nhập trở lại với các hoạt động khác ở ngoài trời. Sự hoà nhập giao thông khu vực với đi bộ.
Sự cố gắng hoà nhập giao thông khu vực bằng ôtô với đi bộ cũng là sự phát triển tích cực. Nguyên tắc này đã được đưa vào đầu tiên ở Hà Lan, nơi mà các khu vực được thiết kế hoặc được phục hồi cho giao thông bằng ôtô tốc độ chậm. Ở các khu vực Woonerf, ôtô được phép đến gần cửa trước, nhưng các đường phố đều được thiết kế rõ ràng như những khu vực đi bộ mà xe ôtô buộc phải chạy với tốc độ chậm giữa khu vực nghỉ ngơi đã ổn định và khu vực chơi ngoài trời. Xe ôtô là khách trong lãnh địa của bộ hành. Khái niệm giao thông ôtô hoà nhập với đi bộ có những lợi thế đáng kể so với giao thông cô lập. Dù là những khu vực hoàn toàn không có ôtô vừa có mức độ an toàn giao thông cao hơn, vừa có thiết kế tốt hơn và có kích thước tốt hơn cho việc ở lại ngoài trời và giao thông đi bộ nên có giải pháp tối ưu, khái niệm về sự hoà nhập giao thông của Hà Lan trong nhiều trường hợp cũng có sự lựa chọn rất có thể được chấp nhận trong số các phương án lựa chọn, là giải pháp tốt thứ hai.
Sự hoà nhập giao thông và ở lại ngoài trời.
Bất chấp các khu vực dân cư được xây dựng theo nguyên tắc Venice với sự chuyển tiếp từ giao thông tốc độ nhanh sang giao thông tốc độ chậm ở ranh giới thành phố hay theo nguyên tắc Woonerf của Hà Lan với các đường phố đa năng cho giao thông bằng ôtô tốc độ chậm, cũng như cho giao thông bằng xe đạp và đi bộ, điều quan trọng là phải có sự cố gắng để hoà nhập giao thông và các hoạt động có liên quan đến việc ở lại ngoài trời. Khi giao thông bao gồm bộ hành hoặc ôtô tốc độ chậm thì những luận chứng cho sự tách biệt khu vực ở lại ngoài trời và khu vực vui chơi ra khỏi những khu vực cho giao thông đã mất đi căn cứ vững chắc của chúng. Việc giao thông đến nhà và từ nhà trong gần như tất cả các trường hợp bao trùm tất cả những hoạt động ngoài trời trong khu dân cư là lí do tốt cho việc tìm kiếm để hoà nhập càng nhiều hoạt động khác với giao thông. Đối với những người đi qua, đối với trẻ em vui chơi và đối với những sinh hoạt quanh nhà, một chính sách hoà nhập giao thông sẽ giúp cho các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. 115
Nhiều hoạt động - vui chơi, ở lại ngoài trời, trò chuyện - sẽ bắt đầu khi người ta thực sự bị lôi cuốn với một cái gì đó nữa hoặc ở một nơi nào đó trên đường. Ở lại ngoài trời và đi qua là những hoạt động không có giới hạn với giới tuyến rõ ràng. Ranh giới của chúng có tính chất co giãn; việc người tham gia vào các hoạt động cũng vậy. Các loại hoạt động khác nhau có xu hướng mạnh mẽ đan xen vào nhau nếu chúng được phép làm như thế.
116
III.3. Hút vào hay Đẩy ra
Hút vào hay đẩy ra.
Các không gian công cộng trong thành phố và trong những khu dân cư có sức hấp dẫn (hút vào) và dễ tới được nên vì thế khuyến khích người và các hoạt động vận động từ môi trường riêng tư đến môi trường công cộng. Ngược lại, các không gian công cộng có thể được thiết kế sao cho khó đi vào đó về mặt tự nhiên và về tâm lí.
Hút vào - sự chuyển tiếp trôi chảy giữa các khu công cộng và riêng tư.
Trong những sự việc khác, môi trường công cộng hút vào hay đẩy ra là vấn đề môi trường công cộng được bố trí như thế nào trong mối quan hệ với môi trường riêng tư và vùng biên được thiết kế như thế nào giữa hai khu vực. Giới tuyến rõ ràng như người ta thấy ở các khu dân cư có nhà nhiều tầng, nơi người ta hoặc hoàn toàn ở trong nhà và các tầng gác riêng tư hoặc hoàn toàn ở khu vực công cộng bên ngoài trên cầu thang, ở thang máy, hay trên đường phố - trong nhiều tình huống sẽ làm cho họ khó vào được môi trường công cộng nếu không cần thiết phải vào. Mặt khác ranh giới linh động (co giãn) dưới dạng những vùng chuyển tiếp không hoàn toàn riêng tư mà cũng không hoàn toàn là công cộng, thường sẽ có thể hoạt động như những mắt xích nối, làm dễ dàng hơn cả về mặt vật chất và về mặt tâm lí cho cư dân và cho các hoạt động đi tới đi lui giữa không gian riêng tư và không gian công cộng, giữa trong và ngoài. Vấn đề rất quan trọng này sẽ được xem xét một cách chi tiết hơn trong phần sau (xem trang 189).
Hút vào - để có thể thấy cái gì đang diễn ra.
Để có thể thấy cái gì đang diễn ra trong không gian công cộng cũng có thể là một yếu tố của sự hút vào. Nếu trẻ em có thể thấy đường phố hoặc sân chơi từ nhà của chúng, chúng cũng có thể theo dõi cái gì sẽ xảy ra và thấy ai chơi ở ngoài trời. Như thế thì chúng thường hay có động cơ để đi ra ngoài trời và chơi, khác với những đứa trẻ không thể trông thấy cái gì đang diễn ra bởi vì chúng sống ở nơi quá cao hoặc quá xa. 117
Hút vào - chuyển tiếp dần dần từ trong nhà đến ngoài trời.
Chuyển tiếp dần dần giữa không gian công cộng và không gian riêng tư giúp cư dân tham gia hoặc tiếp tục sự tiếp xúc chặt chẽ với cuộc sống và các sự kiện trong không gian công cộng ấy.
Trên: Sân trước bán tư của nhà trong một dãy nhà. Bên phải: Những vùng chuyển tiếp dần dần trong khu dân cư nhà nhiều tầng - nhưng chỉ cho tầng trệt (Almere, Hà Lan). Đường phố như sự hút vào (Saint Paul Baie, Quebec).
118
Nhiều ví dụ nhấn mạnh mối quan hệ giữa cái có thể trông thấy và mong muốn được tham gia cũng có thể được tìm thấy trong các hoạt động của người lớn. Những câu lạc bộ thanh niên và các trung tâm cộng đồng với những cửa sổ trên đường phố có nhiều thành viên hơn các câu lạc bộ ở những phòng của tầng hầm, bởi vì những người qua đường được truyền cảm hứng để tham gia vào đó vì nhìn thấy cái gì đang diễn ra và ai đang tham gia. Nhân thể có thể thấy là các thương gia bao giờ cũng biết rằng bố trí đúng ở chỗ người qua lại và có cửa sổ hướng ra đường phố là hết sức quan trọng. Bằng cách cũng giống như thế, quán cà phê vỉa hè hấp dẫn khiến nhiều người trực tiếp tham gia. Hút vào - con đường ngắn và có thể quản lí được.
Một sự hút vào cũng có thể là một vấn đề về con đường ngắn và có thể quản lí được giữa môi trường riêng tư và môi trường công cộng. Nhiều ví dụ minh hoạ ảnh hưởng lớn của những nhân tố như cự li, chất lượng đường và phương thức giao thông vận tải của sự nối tiếp giữa người với người và giữa các chức năng khác nhau. Các trẻ nhỏ ít khi di chuyển nhiều hơn 50m (170ft) từ trước cửa nhà của chúng để chơi. Trẻ em thường hay chơi với trẻ em láng giềng nhiều hơn với trẻ em sống ở xa hơn một chút. Một điều phổ biến là gia đình và những người bạn sống gần nhau gặp nhau nhiều hơn so với người quen sống ở xa hơn. Tình trạng tiếp xúc không chính thức như “tạt vào thăm” dễ diễn ra khi người ta sống gần nhau. Điều đó lại có thể có ảnh hưởng tích cực đến các hình thức tiếp xúc khác. Thư viện công cộng cũng đã lưu ý đến mối quan hệ trực tiếp giữa cự li và người mượn sách. Những ai sống gần thư viện nhất và ai có thể dễ dàng đến thư viện nhất cũng sẽ mượn nhiều sách nhất.
Sự thay đổi động cơ - chuyến đi như là nguyên cớ.
Trong số các điều kiện được đáp ứng phần nào ở các không gian công cộng là nhu cầu tiếp xúc, nhu cầu hiểu biết và nhu cầu cho sự kích thích. Những cái đó thuộc về nhóm các nhu cầu về tâm lí. Hiếm khi thoả mãn những nhu cầu đó được định hướng mục tiêu và có chủ tâm, như các nhu cầu cơ bản hơn như ăn, uống, ngủ, v.v. Chẳng hạn như người lớn ít khi đi đến thành phố với ý định rõ rệt về sự thoả mãn nhu cầu kích thích hoặc nhu cầu tiếp xúc. Bất chấp mục đích thực sự có thể có, người ta đi ra ngoài vì lí do hợp lí, đáng tin cậy - đi mua sắm, đi dạo, đi hít thở không khí trong lành, đi mua báo, đi rửa xe, v.v. 119
Hút vào - đi đến một nơi nào đó.
Không chú ý đến trang thiết bị để chơi và trang trí đẹp đẽ dành cho nó, bãi chơi về cơ bản vẫn là nơi gặp gỡ. Bãi chơi có thể phát sinh ở nơi trẻ em có thể thường hay đến và trang thiết bị cho việc chơi tạo ra những cơ hội cho việc dùng thời gian một mình trước khi những đứa trẻ khác đến và các trò chơi thú vị hơn có thể bắt đầu.
Có lẽ là sai nếu nói chuyến đi mua sắm là lí do để tiếp xúc và kích thích, bởi vì rất ít người đi ra ngoài sẽ chấp nhận một sự thật là nhu cầu cho sự tiếp xúc và kích thích đóng một vai trò nào đó trong kế hoạch mua sắm của họ. Việc là những người lớn làm việc ở nhà trung bình phải dùng nhiều hơn gần ba lần thời gian để đi mua sắm so với những người làm việc 120
ở ngoài nhà, và việc các chuyến đi mua sắm được phân bố đều nhau trong tuần, thậm chí mỗi tuần chỉ đi mua sắm một lần có lẽ là dễ dàng hơn, làm cho người ta có thể thừa nhận rằng đối với nhiều người thì việc đi mua sắm hằng ngày không chỉ là vấn đề để mua đồ dùng. Đặc điểm chung là các nhu cầu tự nhiên và tâm lí cơ bản được thoả mãn đồng thời, những nhu cầu cơ bản và dễ định rõ thường dùng để giải thích và làm động cơ cho việc thoả mãn cả hai nhóm nhu cầu. Trong bối cảnh đó, việc đi mua sắm vừa là một chuyến đi mua sắm, vừa là cái cớ, hay là một dịp để tiếp xúc và kích thích. Hút vào - đi đến một nơi nào đó.
Sự gắn bó này của các động cơ nhấn mạnh tầm quan trọng của nơi đến trong môi trường công cộng: những cái và những chỗ mà cá nhân có thể tìm kiếm một cách tự nhiên và dùng đó là động cơ và sự khuyến khích đi ra ngoài. Nơi đến có thể là những chỗ đặc biệt, điểm canh gác, chỗ ngắm mặt trời lặn hoặc có thể là cửa hàng, trung tâm cộng đồng, những trung tâm thể thao, v.v. Ở nông thôn, với giếng công cộng và nhà tắm giặt, còn có thể thấy các tiện nghi sinh hoạt như những chất xúc tác chi phối tất cả các tình huống tiếp xúc không chính thức. Những lí do ấy thậm chí được hệ thống hoá như ở San Vittorino Romano (xem trang 88), nơi mà theo truyền thống những cái xô được để lại bên giếng nên bao giờ cũng có thể “đi ra và lấy cái xô” nếu có người nào đó nói quẳng đi. Ở Nam Âu các quầy rượu cũng đóng một vai trò quan trọng với tư cách là những điểm đến. Người ta đi đến quầy rượu để uống một li rượu vang, nhưng chắc chắn cũng là để gặp gỡ bạn bè. Ở những nơi khác trên thế giới thì các quán rượu, hiệu thuốc và quán cà phê cũng được dùng với mục đích như những điểm đến và duyên cớ. Tại các khu dân cư mới, thùng thư, quầy bán sách báo, tiệm ăn, cửa hàng và những khu thể thao phải đảm đương vai trò duyên cớ cho cá nhân được có mặt và ở lại trong môi trường công cộng ấy. Đối với trẻ em, sân chơi là chỗ có thể đến luôn luôn. Trong thực tế, vai trò này là một trong những chức năng quan trọng nhất của sân chơi. Tuy nhiên, ngay cả đa số sân chơi cũng chỉ được sử dụng hạn chế nên trẻ em chơi ở những chỗ khác sân chơi ấy trong phần lớn thời gian ở ngoài trời của chúng, sân chơi vẫn có chức năng quan trọng là nơi gặp gỡ, nơi mở đầu các hoạt động khác của trẻ em. 121
Hút vào - làm cái gì đó. Làm cái gì đó. Bên trái: Mảnh vườn hoa nho nhỏ trong khu nhà nhiều tầng ở Anh. Dưới: Ngày duy tu bảo dưỡng ngõ trong khu dân cư ở Hà Lan. Tất cả các thế hệ đều tham gia và buổi liên hoan của những người láng giềng thường kết thúc ngày hoạt động nhóm.
Dù các đứa trẻ khác có chơi ngoài trời hay không, bọn trẻ bao giờ cũng có thể đi đến sân chơi và ở đây bao giờ cũng có cái gì đó để làm - như là một sự khởi đầu. Hút vào làm cái gì đó.
122
Cũng như việc trẻ em sử dụng sân chơi như là chỗ để đi đến và sử dụng trang thiết bị chơi cho đến khi các trò khác có thể bắt đầu, vườn hoa và công việc làm vườn chẳng hạn, có thể phục vụ cho cũng mục đích đó rất tốt cho những nhóm lứa tuổi khác.
Khi thời tiết tốt và thật thú vị khi ở ngoài trời một lúc thì mảnh vườn sẽ cung cấp một hoạt động đầy ý nghĩa, có cái gì đó để làm. Nếu mảnh vườn được bố trí ở nơi có người đi qua hoặc ở nơi nhìn rõ các hoạt động khác thì việc làm vườn thường hay kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động xã hội và hoạt động khác. Một việc hữu ích được kết hợp với một việc có thể thú vị. Nghiên cứu các hoạt động ở sân trước của các nhà một cách chặt chẽ hơn [21] cho ta thấy rằng trong nhiều trường hợp có những sự phối hợp các mục đích một cách tinh tế như thế và công việc làm vườn được dùng làm lí do cho việc có mặt ở ngoài trời. Có thể nhận thấy rằng nhiều người - ít ra là các cư dân cao tuổi - dành thời gian nhiều hơn cho công việc làm vườn hơn so với thời gian thực tế cần cho việc xén tỉa cây cảnh.
Nếu có việc gì đó để làm thì rồi ở đó cũng có thể có điều gì đó để nói. Những hoạt động thiết yếu, tự chọn và xã hội gắn chặt với nhau bằng vô số cách tinh tế.
123
Điều này nhấn mạnh điều quan trọng là ở không gian công cộng trong khu dân cư không chỉ có các cơ hội cho đi bộ và ngồi, mà còn có những cơ hội cho hành động, có những cái để làm, có các hoạt động bị cuốn hút vào. Điều này phải được bổ sung tốt nhất là bằng những cơ hội cho các hoạt động nhỏ hằng ngày ở nhà như gọt vỏ khoai tây, khâu vá, các công việc sửa chữa, làm việc để vui chơi theo sở thích, dùng bữa, ở trong không gian công cộng.
Nếu có cơ sở vật chất cho những hoạt động bình thường ở nhà như công việc sửa chữa, làm việc để vui chơi theo sở thích, nấu ăn, dùng bữa, ở trong không gian công cộng của khu dân cư thì cuộc sống giữa các công trình kiến trúc có thể trở nên phong phú hơn nhiều. Trên: Bắc Toronto. Dưới: Brooklyn, New York.
124
III.4. Mở rộng hay Che kín
Mở rộng hay che kín.
Tiếp xúc qua trải nghiệm giữa cái đang diễn ra trong môi trường công cộng và cái đang diễn ra trong nhà ở, cửa hàng, nhà máy, xưởng sửa chữa và nhà công cộng kế cận có thể quy định sự mở rộng đã đánh dấu và làm giàu khả năng trải nghiệm theo cả hai hướng. Mở rộng cho sự trao đổi kinh nghiệm hai chiều không chỉ là vấn đề kính và cửa sổ, mà còn là vấn đề cự li. Những thông số chính xác của trải nghiệm giác quan của con người góp phần vào việc quyết định một sự kiện mở rộng hay được che kín. Thư viện có các cửa kính lớn với khoảng lùi 10 đến 15m (33 đến 50ft) và thư viện có những cửa sổ ở ngay trên chỉ giới đường phố minh hoạ cho hai tình huống. Trong trường hợp thứ nhất có thể nhìn thấy toà nhà với các cửa sổ; còn trong trường hợp sau thì thấy thư viện trong khi sử dụng.
Chính sách quy hoạch phổ biến.
Điều đáng lưu ý là trên thực tế triển khai các dự án xây dựng mới ít sự kiện và chức năng được tổ chức để mắt có thể thấy được. Nhiều hoạt động bị che kín, trong khi hình như không có bất cứ nguyên cớ rõ ràng nào. Bể bơi, trung tâm của thanh niên, bãi chơi đánh ki hoặc phòng đợi vẫn thường bị che kín. Trong trường hợp khác, sự suy xét tính hiệu quả đóng vai trò quan trọng. Học sinh không thể nhìn ra cửa sổ nên có thể không bị nhìn thấy để không bị quấy rầy. Với sự chú ý đến năng suất, các công nhân của nhà máy phải tự xoay xở với ánh sáng huỳnh quang và âm nhạc qua hệ thống truyền thanh. Các nhân viên văn phòng ở những cao ốc có thể nhìn ra các đám mây nhưng không phải ở đường phố, v.v. Chỉ ở đâu có sự rộng mở thoải mái cho công chúng tiếp cận thì ở đó thương mại có thể phát triển, theo đó là các hoạt động của con người.
Chính sách quy hoạch thay thế.
Cả việc che chắn con người và cả các hoạt động một cách vô ý hoặc tỉnh táo đều có vấn đề trong đa số trường hợp. Đáng lẽ chính sách quy hoạch phải dựa trên cơ sở đánh giá từng trường hợp đặc điểm, tình hình riêng và những lợi thế, 125
Mở rộng hay che kín.
Bên trái: Tuy cửa hàng này mở cửa bảy ngày trong mỗi tuần nhưng không mở hướng ra vỉa hè bất cứ lúc nào (Adelaide, Australia)
Dưới: Đang có sự đóng góp cho môi trường đường phố: kính (thuỷ tinh) giữa bể bơi và vỉa hè. (Vesterbro, Copenhagen, Đan Mạch).
126
Mở rộng hoặc che kín trong khu dân cư.
“Nhà cửa tôi là lâu đài của tôi”.
Bên phải: Ở các khu dân cư mới của Scandinavia đã có nhiều cố gắng để mở rộng nơi cư trú và tăng thêm phạm vi ảnh hưởng và quan sát tốt các đường phố đi vào bằng lối bancông, sân trước và mái hiên có kính che. (Sibeliusparken, 1984 - 86, Copenhagen. Các KTS: Fællestegnestuen).
những bất lợi cho những người tham gia. Phân biệt một cách tinh tế giữa cái mở rộng và cái khép kín thông thường sẽ là điều tự nhiên. Từ khu ở của người hưu trí hoặc bệnh viện nhìn các hoạt động diễn ra trong các không gian công cộng có thể là có lợi, nhưng ngược lại thì không đúng. Có lẽ một số phòng trong trường mẫu giáo nên mở về phía đường phố, chứ không phải những nơi khác; bể bơi công cộng hoặc sân chơi cầu lông thì có lẽ nên bố trí dưới độ cao đường phố nhiều để cho những người nhìn qua các cửa sổ không quấy rầy hoạt động vì cửa sổ được bố trí ở trên cao, v.v. Làm cho đời sống công cộng có nét riêng tư.
Trong những năm gần đây người ta thấy có xu hướng đáng chú ý là tạo ra những không gian có vẻ như không gian công cộng ở trong các toà nhà tư, các khu mua sắm, v.v. Những khu mua bán có vòm cuốn có tính riêng tư cắt qua những khu đô thị, những hệ thống đường phố ngầm dưới đất 127
Làm cho đời sống công cộng có nét riêng tư. Số lượng đang tăng nhanh của những khu mua bán có dãy vòm cuốn, sân bên trong nhà, trung tâm mua bán, quảng trường chợ và những cái có vẻ như không gian công cộng làm loãng bớt cuộc sống ở các đường phố và quảng trường công cộng kế cận. “The Commons” trên thực tế khá riêng tư và khá bị kiểm soát.
128
“Hội chứng phomat Thuỵ Sĩ”. Mê cung khu mua bán có vòm cuốn của tư nhân với những đường đan chéo nhau trong các khối đô thị. (Perth, Tây Australia).
Quảng trường bên trong tao nhã phục vụ cho các kiểu chọn lọc của “cuộc sống công cộng”.
và các “quảng trường” đồ sộ bên trong của khách sạn là những ví dụ. Xu hướng này nhìn theo quan điểm của người khai thác đất đai có thể tạo ra những phối cảnh rất thú vị, nhưng theo quan điểm của thành phố thì kết cục hầu như bao giờ cũng là sự phân tán người và sự khép kín một cách có hiệu quả đối với người và các hoạt động, hệ quả là làm trống rỗng các không gian công cộng của con người và những cái hấp dẫn thú vị. Như vậy thành phố sẽ trở nên ít nhộn nhịp hơn, buồn tẻ hơn và nguy hiểm hơn khi thay vì cũng những chức năng công cộng ấy đáng ra phải là những không gian mở, bây giờ bị khép kín và thành phố không như một tổng thể sống động nữa. Tổ chức giao thông công cộng hoặc giao thông cá nhân.
Về những khả năng nhìn người đang vận động, nhìn những người đang đi được nhìn cái gì đang diễn ra thì xu hướng chuyển từ giao thông đi bộ sang giao thông bằng ôtô không mang ý nghĩa tích cực.
Một bức tường để trống hoàn toàn trong thành phố (Tổ hợp khách sạn, Los Angeles).
129
Tổ chức giao thông công cộng hoặc giao thông cá nhân. Mô hình hoạt động và đỗ xe
Nếu cho là cần lái xe riêng đến sát cạnh nhà thì các hoạt động trong không gian công cộng nói chung sẽ giảm đáng kể.
Trong các khu dân cư nơi mà ôtô được để cách xa nhà một chút (chứ không phải sát ngay bên cạnh nhà) thì đi qua láng giềng để đến xe hoặc từ xe về sẽ tạo thành một phần quan trọng và thú vị của mỗi chuyến đi
1. Khi xe để cạnh lối vào thì chỉ tìm thấy xe ở trên đường phố. 2. Khi xe để ở lề đường thì sẽ thấy cả người và xe ở trên đường phố. Cơ hội lớn hơn cho sự tiếp xúc với láng giềng trở thành hiện thực. 3. Khi xe để ở cuối đường, giao thông đi bộ thay cho giao thông bằng xe. (Theo tài liệu nghiên cứu đường phố ở Melbourne [21]).
130
Dân cư ở những thành phố đi bộ có thể đi khắp cả thành phố của mình; còn ở các thành phố giao thông bằng ôtô thì chỉ có ôtô chạy trên các đường phố. Chắc chắn, người và các sự kiện có mặt ở trên những xe ôtô, nhưng nhìn từ vỉa hè thì bức tranh vừa là mảnh vụn quá nhỏ, vừa quá ngắn gọn để có thể thấy ai đang vận động và cái gì đang diễn ra. Sự vận động của người như thế trở thành giao thông bằng ôtô. Nhiều xe ôtô, sự vận động, sự thay đổi và nhiều cái nhìn thoáng qua của người tuy thế vẫn có thể có sự hấp dẫn nào đó vì thể hiện bởi những chiếc ghế dài dọc theo đường phố ở chỗ ngã tư, và xu hướng thích đi bộ trên các đường phố giao thông bằng ôtô hơn trên những đường vắng ngắt. Nhưng niềm vui thú được theo dõi xe cộ cũng có giới hạn và chỉ có ở nơi không có cái gì khác đáng giá hơn để trải nghiệm. Điều đó có thể thấy chẳng hạn như ở các thành phố Italia có các quảng trường và không có các quảng trường. Nếu ở đây có một quảng trường hoạt động tốt thì người ta tụ họp ở đây, nhưng nếu ở đây không có quảng trường và không có cuộc sống thành phố thì bấy giờ các góc đường phố ở chỗ ngã tư giao thông sẽ trở thành những chỗ gặp nhau, nơi mà ít nhất cũng có cái gì đó để nhìn. Ngược lại tình huống đó là các thành phố đi bộ cũ như Venice, nơi có niềm vui thú được trải nghiệm về sự vận động của dân cư và hàng hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc đọc và giải thích thành phố đã kết hợp như thế nào và làm việc như thế nào. Khi một cặp vợ chồng mới cưới rời nhà thờ, họ không lên chiếc xe Limousin màu đen sang trọng, mà tiếp tục đi bộ suốt thành phố cùng với đoàn khách đám cưới theo sau. Khi các nhạc công đi làm việc, họ đi bộ suốt thành phố với những nhạc cụ dưới cánh tay, và khi người ta diện bộ cánh đẹp nhất của mình trên đường đi dự tiệc hoặc đến nhà hát - họ cũng đi bộ. Trong bối cảnh đó xu hướng có giá trị nhất trong những dự án xây dựng nhà ở trong thời gian vừa qua là bãi đỗ xe cách nhà ở 100 đến 200m (300 đến 660ft). Trên các đường phố trong những khu như thế có dân cư tập trung đông hơn cùng nhiều điều kiện tiêu khiển giải trí và cơ hội gặp gỡ thân mật thường xuyên với những người láng giềng cũng tăng lên. Mối đe doạ phá hoại các công trình văn hoá và tội phạm cũng giảm. Kết quả khả quan nữa của giao thông là: mở rộng hơn là che kín hoặc giấu đi ở những hệ thống đường tách biệt hay ở các đường vào ngầm dưới đất và phương tiện đỗ xe. 131
Chương IV Không gian đi bộ, chỗ ở lại. Quy hoạch chi tiết
IV.1. Không gian đi bộ. Chỗ ở lại IV.2. Đi bộ IV.3. Đứng IV.4. Ngồi IV.5. Nhìn, Nghe và Trò chuyện IV.6. Nơi thú vị về mọi mặt IV.7. Lề mềm 132
IV.1. Không gian đi bộ. Chỗ ở lại
Bao lâu các không gian công cộng được sử dụng một lần là một vấn đề, nhưng điều quan trọng hơn là chúng có thể được sử dụng như thế nào.
Những mục trước đã trao đổi về các cách tập hợp người và những chức năng đúng lúc đúng nơi và cách hoà nhập, thay vì thu hẹp - phải mở rộng các hoạt động thông qua quy hoạch thành phố và quy hoạch địa điểm xây dựng. Như vậy, mức độ hoạt động chủ yếu có ảnh hưởng đến vấn đề có bao nhiêu người thực tế có đến. Nhưng bản thân mức độ hoạt động và số lượng các sự kiện không nói lên chất lượng của môi trường công cộng. Con người và các sự kiện được tập hợp đúng lúc và đúng nơi là điều kiện tiên quyết cho một cái gì đó xảy ra, song điều quan trọng hơn là những hoạt động nào được phép phát triển. Chỉ tạo ra các không gian cho phép người ta đến và đi là chưa đủ. Những điều kiện thuận lợi cho sự chuyển động trong không gian và nán lại trong không gian cũng phải tồn tại, cũng như các điều kiện để tham gia vào một phạm vi rộng của những hoạt động xã hội và những hoạt động giải trí. Trong bối cảnh đó, chất lượng của những mảng độc đáo của môi trường ngoài trời đóng một vai trò rất quan trọng. Thiết kế các không gian độc đáo và những chi tiết, đến cả bộ phận cấu thành nhỏ nhất là các yếu tố quyết định.
Chất lượng của các hoạt động ngoài trời và của không gian ngoài trời.
Như đã thảo luận ở phần trước của cuốn sách này, điều quan trọng là phải lưu ý các loại hoạt động khác nhau ở ngoài trời đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi chất lượng của không gian ngoài trời, và đặc biệt là thật chính xác đối với các chức năng tự chọn, giải trí một cách rộng rãi và các hoạt động xã hội có cơ hội phát triển ở nơi chất lượng như thế được cải thiện. Ngược lại, một điều đã được lưu ý là chính những hoạt động đó có xu hướng biến mất như thế nào ở nơi chất lượng bị suy giảm. Ở mục này, nơi mà đối tượng không phải là số lượng các sự kiện, mà là tính chất và nội dung của cuộc sống ngoài trời, điều quan trọng là những hoạt động này làm cho nó đặc 133
Cuộc đấu tranh vì chất lượng sẽ thành công hay thất bại ở quy mô nhỏ. Xử lí các chi tiết là một nhân tố rất quan trọng trong tính thích hợp cho việc sử dụng các không gian công cộng. Khi thể hiện chi tiết một cách cẩn thận, các không gian ngoài trời sẽ có khả năng có cơ hội tốt cho sự hoạt động và trở nên phổ biến. Nếu việc chi tiết hoá làm không cẩn thận hoặc không đầy đủ thì cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ thất bại. Bên trái: Khu nhà ở , Milton Keynes, Anh. Dưới: Khu nhà ở, Sandvika, Thuỵ Điển (KTS Ralph Erskine)
biệt hấp dẫn và có đầy ý nghĩa trong không gian công cộng cũng là những hoạt động nhạy cảm nhất đối với chất lượng của môi trường vật chất. Cuộc đấu tranh vì chất lượng sẽ thành công hay thất bại ở quy mô nhỏ. 134
Các quyết định ở cấp độ quy hoạch thành phố và quy hoạch địa điểm xây dựng có thể thiết lập cơ sở cho sự sáng tạo những không gian ngoài trời hoạt động tốt. Tuy nhiên, chỉ thông qua sự cân nhắc kĩ càng ở cấp độ quy hoạch chi tiết
mà các khả năng tiềm tàng của nó có thể được công nhận. Hoặc, nếu công việc như thế bị sao lãng thì tiềm năng có thể bị lãng phí. Mục tiếp theo bàn đến một số yêu cầu về chất lượng của môi trường ngoài trời một cách chi tiết hơn: một số là những yêu cầu chung và một số khác là các yêu cầu có tính đặc thù hơn, liên quan đến những hoạt động cơ bản đơn giản như đi bộ, đứng và ngồi, cũng như nhìn, nghe và trò chuyện. Những hoạt động cơ bản này được sử dụng như điểm xuất phát bởi vì chúng là một phần của gần như toàn bộ các hoạt động khác. Nếu những không gian hấp dẫn người ta đi bộ, đứng, ngồi, nhìn, nghe và trò chuyện thì chính bản thân điều đó là chất lượng quan trọng, song nó cũng có nghĩa là phạm vi rộng của những hoạt động khác - chơi, thể thao, các hoạt động cộng đồng, v. v. sẽ có cơ sở tốt để phát triển. Điều này một phần, vì có nhiều phẩm chất áp dụng chung cho tất cả các hoạt động và một phần những hoạt động cộng đồng đầy đủ hơn, rộng hơn có thể phát triển một cách tự nhiên từ nhiều hoạt động nhỏ hằng ngày. Các sự kiện lớn tiến hoá từ nhiều sự kiện nhỏ. Trẻ em, người lớn và người cao tuổi.
Những yêu cầu có tính đặc thù của trẻ em về môi trường ngoài trời được xem xét theo nhóm tuổi khác nhau. Những bàn luận sau đây nhấn mạnh các yêu cầu về chất lượng nói chung và thêm vào đó là những yêu cầu của người lớn và người cao tuổi ở các không gian ngoài trời. Thứ tự ưu tiên này dựa trên cơ sở nhu cầu cấp thiết để xem xét các hoạt động ngoài trời và những nhu cầu của các nhóm tuổi khác. Hơn nữa, sự hỗ trợ các hoạt động ngoài trời của những người lớn và của những người cao tuổi được coi là hỗ trợ có thể hình dung được tốt nhất cho các hoạt động của trẻ em và môi trường mà chúng lớn lên ở trong đó.
135
136
IV.2. Đi bộ
Đi bộ.
Đi bộ là loại giao thông đầu tiên và chủ yếu, một cách giải quyết thành công vấn đề, nhưng cũng tạo ra khả năng không chính thức và không phức tạp để có thể hiện diện trong môi trường công cộng. Người ta đi bộ để làm việc vặt, để ngắm nhìn môi trường xung quanh hoặc lúc đi bộ diễn ra cả một hay ba quá trình. Hành động đi bộ thường là việc cần thiết nhưng cũng có thể chỉ là cái cớ cho sự hiện diện - “Tôi sẽ chỉ đi bộ”. Nói chung tất cả các hình thức giao thông bằng chân đều là những yêu cầu được xác định bởi tự nhiên và sinh lí học trong môi trường tự nhiên.
Phạm vi đi bộ.
Đi bộ đòi hỏi phải có không gian. Cần làm sao để đi bộ có thể được tự do hợp lí, không bị rối loạn, không bị xô đẩy và không có quá nhiều sự thao diễn. Vấn đề ở đây là xác định rõ mức độ dung thứ của con người đối với sự can thiệp đã gặp phải trong khi đi bộ làm cho không gian đó trở nên đủ hẹp và giàu trải nghiệm, hãy còn đủ rộng để có chỗ cho thao diễn. Ở mỗi người, mỗi nhóm người và mỗi hoàn cảnh yêu cầu về không gian khác nhau rất nhiều. Mối quan hệ này được minh hoạ bởi những quan sát cuộc tản bộ truyền thống buổi chiều trên quảng trường ở Ioanninna (một thành phố ở miền Bắc Hi Lạp). Vào khoảng chiều tối, khi cuộc tản bộ bắt đầu thì một số ít người gồm chủ yếu là bố mẹ cùng con nhỏ và những người cao tuổi đi bộ lui tới trên quảng trường. Dần dần, khi trời bắt đầu tối, mỗi lúc một nhiều người rời khỏi quảng trường, thoạt tiên là trẻ em rồi sau đó là những người cao tuổi. Về sau, khi đám đông người tăng lên, nhiều người lớn trạc tuổi trung niên và những người khác đã rút lui khỏi cảnh ồn ào náo nhiệt của thành phố . Vào quãng giữa buổi tối, khi quảng trường đã tụ tập đông nhất thì thực tế chỉ có tầng lớp thanh niên của thành phố tiếp tục tản bộ lui tới thành những đám đông. 137
Xác định kích thước của đường phố.
Trong bối cảnh mà mức độ tụ tập có thể được xác định dễ dàng thì giới hạn trên cho mật độ có thể chấp nhận được trên đường phố và trên vỉa hè đi bộ hai chiều sẽ vào khoảng 10 đến 15 người đi bộ trong một phút trên một mét (3⅓ft) của chiều rộng đường phố. Như vậy tương ứng với dòng bộ hành khoảng một trăm người trong một phút trên đường phố đi bộ rộng 10m (33ft). Nếu mật độ tăng hơn nữa thì thấy xu hướng rõ ràng là chia giao thông đi bộ thành hai dòng song song ngược chiều nhau. Khách bộ hành vì vậy cần đi phía bên phải của đường phố để được thông suốt thì sự tự do đi lại ít nhiều bị mất. Người ta không nhìn được xa, mà đi bộ thành hàng, người này sau người kia. Tình trạng quá đông đúc cũng rất hay xảy ra. Nếu dòng người đi bộ hạn chế thì đường phố có thể tương đối hẹp. Những đường phố nhỏ ở các thành phố cũ, cũng như hành lang trong nhà, thường rộng hơn 1m (3⅓ft) và đường đi bộ ở nông thôn thường rộng hơn 30cm (1ft).
Đường đi cho xe lăn.
Các yêu cầu đặc biệt cho không gian là do đòi hỏi của giao thông cho xe lăn: xe nôi, xe lăn, xe đẩy hàng mua sắm, v.v. Sự quan tâm đến loại giao thông này nói chung buộc phải có kích thước dôi ra nhiều hơn so với điều vừa mới nói trên. Những nhu cầu về không gian như thế nào có thể có ý nghĩa đối với xe nôi đã được chứng minh khi Strøget đường phố chính ở Copenhagen - đã cải tạo từ đường phố hỗn hợp (giao thông bằng ôtô và vỉa hè chật ních người đi bộ) thành đường phố đi bộ với khu vực của người đi bộ rộng gấp bốn lần. Trong khi số người đi bộ đã tăng lên trong năm đầu tiên khoảng 35%, số xe nôi đã tăng 400%.
138
Vật liệu lát và điều kiện của bề mặt đường phố.
Giao thông đi bộ khá nhạy cảm đối với vỉa hè và những điều kiện của bề mặt đường. Sỏi cuội, cát, sỏi mềm và bề mặt đất gồ ghề trong đa số trường hợp là không thích hợp, đặc biệt là cho những người đi bộ khó khăn. Những điều kiện của bề mặt đường bất lợi cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông đi bộ nói chung. Người ta tránh vỉa hè và mặt đường lát ướt và trơn, khi có nước, tuyết và mỗi lần tuyết băng tan. Việc đi bộ đặc biệt bất tiện trong các tình huống như thế.
Cự li đi bộ - cự li tự nhiên, cự li trải nghiệm.
Đi bộ là một đòi hỏi tự nhiên nhưng có giới hạn về cự li mà con người có thể đi bộ được. Theo nhiều tài liệu khảo sát, cự li đi bộ có thể chấp nhận được cho đa số người trong hoàn cảnh hằng ngày bình
139
Cự li tự nhiên so với cự li trải nghiệm.
Cự li đi bộ có thể chấp nhận được là một vấn đề chủ quan. Chất lượng của đường quả là quan trọng như chiều dài của nó.
140
thường là khoảng 400 đến 500m (1300 đến 1600ft)[6]. Đối với trẻ em, người già và người tàn tật, cự li đi bộ có thể chấp nhận được thường ít hơn nhiều. Điều rất quan trọng để xác định cự li có thể chấp nhận được trong tình huống nhất định không chỉ là cự li tự nhiên, mà còn cả cự li trải nghiệm mở rộng nhiều. Sự kéo dài 500m (1600ft) nhìn như một đường thẳng, không được bảo vệ và con đường nhỏ buồn tẻ được trải nghiệm như rất dài và gây mệt nhọc, khi mà cũng chiều dài ấy có thể được trải nghiệm như một cự li rất ngắn nếu như con đường được nhận biết theo từng quãng. Chẳng hạn như đường phố có thể uốn khúc một chút nên không gian bị khép lại và cự li phải đi bộ không trông thấy ngay được, miễn là cuộc đi bộ diễn ra trong điều kiện bên ngoài tốt. Cự li đi bộ, vậy là một sự tác động qua lại giữa chiều dài của đường phố và chất lượng của đường, cả hai đều được quan tâm đến việc bảo vệ và khích lệ trên đường. Đường đi bộ.
Sự thật là việc đi bộ gây mệt nhọc làm cho người đi bộ tự nhiên thấy rất có ý thức về việc chọn đường đi của họ. Người ta miễn cưỡng chấp nhận sự sai lệch lớn so với hướng chính đã xác định nên nếu như mục tiêu trong tầm nhìn thì họ có xu hướng đi thẳng về phía trước. Bất cứ lúc nào đi bộ người ta cũng thích đi đường thẳng và đường tắt. Chỉ những vật chướng ngại rất lớn như giao thông nguy hiểm, quá nhiều hàng rào,v.v. có lẽ mới có thể làm gián đoạn khuôn mẫu ấy. Sự mong muốn thật rõ ràng như thế nào về việc mình đi theo con đường ngắn nhất đã được minh hoạ bằng nhiều lần theo dõi. Trong công trình khảo sát quảng trường ở Copenhagen (xem trang 144), người ta thấy người đi bộ đi qua quảng trường theo đường chéo mặc dù điều đó có nghĩa là họ đã đi ngang qua khu vực trũng ở giữa quảng trường sử dụng hai đoạn cầu thang ngắn. Tại Campo ở Siena (xem trang 42), quan sát mô hình đối chiếu, mặc dù điều đó có nghĩa là trên đoạn dài 135m (400ft) người đi bộ thoạt tiên phải đi bộ 3m (10ft) xuống dốc rồi sau đó đi 3m (10ft) lên. Ở các đường phố buôn bán người ta có xu hướng đi theo đường ngắn nhất thay vì đường an toàn nhất. Chỉ khi nào ở những nơi giao thông bằng ôtô rất đông đúc, những nơi đường phố rất rộng, hoặc nơi mà những lối qua đường cho người đi bộ được bố trí rất tốt thì ở đó việc sử dụng lối qua đường cho người đi bộ mới có hiệu quả. 141
Đường đi bộ.
Khu vực trũng
Khảo sát đường đi bộ trên quảng trường ở Copenhagen. Hầu như mọi người đều đi theo đường ngắn nhất qua quảng trường: chỉ có xe đẩy và xe nôi mới đi đường vòng tránh khu vực trũng.
Các nhà quy hoạch thường ưu tiên cho các góc phải nhưng người đi bộ thì không Giữa, bên trái: Khu dân cư ở Hà Lan Dưới, bên trái: Mô hình đi dạo trong ngày có tuyết ở quảng trường Toà thị chính Copenhagen, Đan Mạch.
142
Sự kết hợp của giao thông bằng ôtô tấp nập, các rào chắn và sự qua đường khó khăn dẫn đến những đường vòng khó chịu và những hạn chế bất hợp lí cho giao thông đi bộ. Tình trạng ở Kongens Nytorv (một quảng trường lớn ở Trung tâm Copenhagen) minh hoạ cho vấn đề này. Người đi bộ buộc phải đi quanh chu vi quảng trường và nhiều đảo lớn nhỏ trong không gian này. Cảnh quan đi bộ của quảng trường trong thập niên 1970 bao gồm 48 đảo mà bộ hành phải đi giữa chúng, trái ngược với tình trạng mà ta trông thấy trên tấm ảnh cũ - nơi mà bộ hành đi qua quảng trường này một cách tự nhiên và ung dung ở mọi hướng. Cự li đi dạo và đường đi bộ.
Mặc dù, khi đi bộ có thể có cảm giác mệt mỏi khi nhìn thấy nơi đến nằm ở xa, nhưng sẽ còn cảm thấy mệt mỏi hơn và không thể chấp nhận được nếu ta bị bắt phải đi những tuyến
Cảnh đi bộ, Kongens Nytorv, Copenhagen, 1905.
Cảnh đi bộ, Kogens Nytorv, Copenhagen, 1971. Người đi bộ bị giam cầm bởi 48 “đảo đi bộ”.
143
Đường đi dạo trong không gian rộng mở.
Khi đường đi bộ được bố trí ở rìa không gian mở thì người đi bộ có thể được hưởng sự tiện lợi cả đôi đường: một mặt là sự gần gũi, mạnh mẽ và chi tiết; mặt khác là cảnh đẹp của toàn bộ không gian mở. Đường đi bộ được bố trí ở giữa không gian phần nhiều không cung cấp chi tiết, mà cũng không mở rộng tầm nhìn.
144
đường khác so với tuyến đường trực tiếp để đến được nơi vẫn ở trong tầm nhìn đó. Chuyển sang quy hoạch thực tế, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế cẩn thận những đường đi bộ khi điểm đến không ở trong tầm nhìn, mà vẫn phải đảm bảo hướng chính đi tới nơi đến. Việc thiết kế này cần chú trọng đến những tuyến đường trực tiếp hơn là cự ly gần, khi nơi đến ở trong tầm nhìn. Không gian thuận lợi cho đi bộ.
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất về hệ thống đường đi bộ hoạt động tốt là tổ chức việc đi bộ theo cự li ngắn nhất giữa các điểm đến tự nhiên trong khu vực. Khi những vấn đề về bố trí đường giao thông chính đã được giải quyết, tuy nhiên, điều trở nên quan trọng là bố trí và thiết kế các mắt xích riêng trong mạng lưới sao cho toàn bộ hệ thống trở nên hấp dẫn.
Chuỗi không gian.
Như đã trao đổi, người ta tránh quy hoạch những đường đi bộ thẳng, dài. Những đường phố uốn khúc hoặc gián đoạn làm cho việc đi bộ trở nên thú vị hơn. Hơn nữa, các đường phố uốn khúc thường tốt hơn những đường phố thẳng trong việc cản gió. Mạng lưới đi bộ với các không gian đường phố và các quảng trường nhỏ thường sẽ có hiệu quả tâm lí làm cho cự li đi bộ có vẻ như ngắn hơn. Lộ trình đã được chia nhỏ một cách tự nhiên thành những quãng đường có thể quản lí được. Người ta sẽ tập trung vào sự chuyển động từ quảng trường này đến quảng trường tiếp theo hơn là tập trung vào việc xem đường đi bộ thực tế dài bao nhiêu. Khi các đường đi bộ ở giữa những công trình kiến trúc thì các đoạn đường phố sẽ có kích thước tỉ lệ với số người sử dụng trong tương lai sắp tới nên những người đi bộ chuyển động trong không gian ấm cúng được xác định rõ ràng và không “trôi dạt đây đó” trong một khu vực rộng lớn, nửa trống không. Khi một số đoạn đường hẹp, cũng dễ tạo ra sự tương phản không gian đáng giá. Nếu đường phố rộng 3m (10ft), trái lại không gian sẽ rộng 20m (65ft), sẽ giống như một quảng trường. Cảm nhận một không gian rộng lớn sẽ dồi dào hơn khi người ta bước vào không gian đó từ một không gian nhỏ: khi có chuỗi không gian và sự tương phản giữa nhỏ và lớn. Tuy nhiên, nên quy hoạch như một tổng thể là lấy theo tỉ lệ con người, điều bắt buộc là các không gian nhỏ phải thật sự nhỏ, nếu không thì những không gian lớn sẽ dễ trở nên quá lớn. 145
Đường đi bộ trong không gian mở.
Đối với không gian lớn thì tiện lợi nhất là đi dọc theo rìa thay vì đi ngang qua một bề mặt rộng hoặc đi bộ xuống giữa bề mặt. Chuyển động ở rìa của không gian tạo ra khả năng trải nghiệm đồng thời cả không gian lớn và cả những chi tiết nhỏ của mặt tiền đường phố hoặc ranh giới không gian dọc theo lối mà người ta đi bộ. Một mặt, người ta trải nghiệm khu đất mở hoặc quảng trường, mặt khác, ở rất gần, là góc rừng cây hoặc mặt đứng của toà nhà. Đi bộ dọc theo góc của không gian cho ta hai trải nghiệm khác nhau thay vì một trải nghiệm, và vào lúc trời tối hoặc thời tiết xấu có thể chuyển động dọc theo mặt đứng nhà bảo vệ, theo lệ thường, là một lợi thế gia tăng. Nguyên tắc của đường đi bộ được bố trí dọc theo rìa của một không gian rộng lớn có thể cho phép chiêm ngưỡng những hình thức đặc biệt tao nhã trong nhiều quảng trường thành phố ở Nam Âu, nơi mà giao thông đi bộ được dẫn qua những dãy vòm thấp dọc theo chu vi quảng trường. Ở đây người ta dạo bộ trong các không gian ấm cúng, thú vị - nơi họ được bảo vệ khỏi bị gió và thời tiết xấu, họ có thể được hưởng cảnh đẹp của không gian lớn từ giữa các cột. Thái cực ngược lại được thể hiện bởi nhiều đường nhỏ được bố trí trong cái gọi là vành đai cây xanh ở các khu dân cư. Nằm ở giữa không gian thành những dải nhỏ một cách đơn điệu tạo nên “cảnh quan” giống nhau ở mỗi bên.
Sự khác nhau về cấp độ (độ cao)
Cũng như các đường vòng, sự khác nhau về cấp độ thể hiện một vấn đề rất thực tế đối với những người đi bộ. Tất cả các chuyển động lớn đi lên hoặc đi xuống đều đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, đòi hỏi hoạt động bổ sung của cơ bắp và có sự gián đoạn trong nhịp điệu đi bộ. Rút cuộc là người ta có xu hướng tìm cách vượt qua hoặc né tránh chỗ có thay đổi (độ cao). Trong những ví dụ đã nói trên về quảng trường ở Copenhagen (trang 144) và quảng trường Campo ở Siena, sự bất lợi của việc thay đổi cấp độ được đối trọng bởi chiều dài của đường vòng, nhưng trong các tình huống khác - nơi mà sự khác nhau về cấp độ là lớn hơn hoặc khó hơn, đường vòng ngắn, hoặc mạo hiểm hơn dễ được chọn hơn là đi bộ lên hoặc xuống. Ola Fågelmark ở Trường đại học Kĩ thuật tại thành phố Lund ,Thuỵ Điển đã phân tích giao thông đi bộ từ bến đỗ xe buýt ở một phía của đường phố buôn bán tấp nập đến trung tâm mua sắm ở phía bên kia đường. Trong số ba sự lựa chọn có thể có là: đi 50m (160ft) đường vòng qua chỗ qua đường dành cho bộ hành, đi thẳng qua đường phố, hoặc đi qua
146
Cầu thang.
đường phố bằng đường hầm dành cho người đi bộ với hai đoạn bậc cầu thang lên xuống - 83% những người đi bộ đã chọn đường vòng và chỗ qua đường dành cho bộ hành, 10% khách bộ hành đi thẳng qua đường phố và chỉ còn 7% khách bộ hành chọn đường hầm và các bậc cầu thang. Trong trường hợp giao thông đi bộ hướng lên cầu vượt cho bộ hành thì hầu như bao giờ cũng cần dựng hàng rào để khuyến khích các khách bộ hành sử dụng cầu ấy. Những khó khăn ở các trung tâm thành phố nhiều tầng và các siêu thị, về chức năng cũng nhấn mạnh sự miễn cưỡng của những người đi bộ phải xuất phát từ giao thông theo phương nằm ngang đơn giản nếu họ không được phục vụ bởi giao thông vận tải bằng thang cuốn không phức tạp. Thậm chí như vậy cũng có thể là khó khăn. Khách hàng ở tầng trệt của cửa hàng bách hoá bao giờ cũng nhiều hơn ở các tầng khác. Những vấn đề có thể so sánh được đang tồn tại trong các nhà ở nhiều tầng, nơi mà cầu thang thường là rào cản thực tiễn và tâm lí quan trọng. Trong khi người ta ít khi quan tâm đến việc di chuyển từ phòng này đến phòng khác trên cùng một tầng nhà thì người ta hay miễn cưỡng di chuyển đến phòng mà người ta phải lên hoặc xuống. Trong nhà ở nhiều tầng thường có vấn đề bảo đảm việc sử dụng các tầng khác nhau một cách hợp lí như nhau, và nói chung thì tầng dưới 147
Dốc thoải. Cầu thang và các bậc cầu thang dường như được các nhà quy hoạch yêu quý hơn, chứ không phải là những người sử dụng yêu quý. Bên trái: Đường nhỏ trong vườn hoa ở Trường Kiến trúc cảnh quan Ossnabrück, Đức. Tự do lựa chọn giữa dốc thoải và cầu thang ở Byker, Newcastle, Anh.
148
cùng được sử dụng thường xuyên nhất. Khi đã đi xuống, người ta lại miễn cưỡng đi lên. Không có gì chứng minh rõ về cầu thang là rào cản bằng những vật bao giờ thường nằm đây đó trên cầu thang trong nhà chờ được mang lên hoặc xuống vào “một lúc nào đó”. Sự khác nhau về độ cao là một sự rắc rối rất thực tế. Ở không gian ngoài trời có những lý do để hoặc là hoàn toàn tránh sự thay đổi về cấp độ, hoặc ít nhất là thiết kế các mối liên kết sao cho chúng vừa dễ và có tính khả thi về mặt tâm lí, vừa có thể sử dụng được. Trong việc thiết kế các mối liên kết theo phương thẳng đứng có thể xử lí được, cũng những quy tắc chung ấy được áp dụng cho việc tạo ra các mối liên kết theo phương nằm ngang có thể chấp nhận được. Điều quan trọng là sự liên kết ấy được cảm thấy dễ dàng và không rắc rối. Dốc lên ngắn thoai thoải và đường xuống dốc từ từ thì đi lại ít khó khăn hơn so với đường dốc cao và dài. Cầu thang dài, dốc đứng làm cho người ta cảm thấy mệt mỏi, trong khi nhiều nhịp cầu thang ngắn với các chiếu nghỉ cầu thang thì so với đường phố có các quảng trường nhỏ, có thể xử lí được tốt hơn về mặt tâm lí. Thang Tây Ban Nha ở Roma minh hoạ cho nguyên tắc này một cách tao nhã. Giao thông đi bộ dẫn từ độ cao này tới độ cao khác thì đi xuống sẽ dễ hơn đi lên. Điều này có thể được lưu ý với mối thiện cảm đối với việc sử dụng đường hầm hơn là cầu - ít nhất là đoạn bắt đầu bằng việc đi xuống. Tuy nhiên, nếu vấn đề giao thông được giải quyết theo cách này thì thích hơn, dẫn người đi bộ đi trên hoặc đi dưới đường giao thông ôtô theo phương nằm ngang càng nhiều càng tốt, chẳng hạn như với những cầu cuốn hơi cong hoặc đường hầm dễ đi để cho hướng đi và cả nhịp điệu đi bộ đều không bị gián đoạn. Dốc thoải hơn là cầu thang.
Trong tình huống giao thông đi bộ phải dẫn đi lên hoặc đi xuống thì dốc thoải tương đối bằng phẳng nói chung được ưa chuông hơn cầu thang. Dốc thoải cũng cho phép người ta đẩy xe nôi và lái xe lăn dễ dàng hơn. Vì vậy, quy tắc chính cho giao thông đi bộ và sự khác nhau về độ cao là bất kì khi nào có thể thì hãy tránh sự thay đổi về độ cao. Nếu cần hướng khách bộ hành đi lên hoặc xuống thì nên dùng dốc thoải chứ không phải cầu thang.
149
150
IV.3. Đứng
Đứng.
Cả hoạt động đi bộ và ngồi đều có tính tổng hợp hơn và đòi hỏi nhiều hơn về môi trường vật chất so với hoạt động đứng. Tuy nhiên, hoạt động đứng sẽ được khảo sát chu đáo, bởi vì nó chứng minh một cách rất rõ ràng một số mô hình về các hoạt động quan trọng đặc trưng cho rất nhiều hoạt động tĩnh tại trong các không gian công cộng. Lẽ tự nhiên, điều quan trọng là có thể đứng trong không gian công cộng, nhưng từ chủ đạo là ở lại.
Dừng lại trong chốc lát.
Hầu hết hoạt động đứng là bản chất đúng theo chức năng: dừng lại trước đèn đỏ, dừng lại để ngắm cái gì đó, dừng lại để ấn định một cái gì đó. Những sự dừng lại phần lớn là rất ngắn ngủi này không bị tác động nhiều bởi môi trường tự nhiên. Người đi bộ dừng lại khi cần làm như thế: trước sự kiềm chế, dọc theo mặt tiền đường phố hoặc bất cứ nơi nào cần thiết.
Đứng để trò chuyện gì đó.
Hành động đứng để trò chuyện gì đó thuộc về nhóm hoạt động ít nhiều cần thiết. Các trạng thái trò chuyện phát triển khi những người quen gặp nhau và cuộc chuyện trò diễn ra tại nơi họ gặp nhau. Về nguyên tắc, đó là hoạt động cần thiết bởi vì tránh cuộc tiếp xúc với người quen là bất lịch sự. Không ai biết trước được cuộc trò chuyện sẽ dài hay ngắn bởi vậy cũng không ai trong số những người tham gia đàm thoại có thể đề xuất chuyển cuộc gặp gỡ đến một chỗ đứng thích hợp, các nhóm người đàm thoại có thể được thấy ở bất cứ nơi đâu mà người ta gặp gỡ - trên cầu thang, gần cửa ra vào cửa hàng hoặc ở giữa một không gian ít nhiều độc lập về thời gian và địa điểm.
Đứng trong chốc lát.
Để dừng lại trong khoảng thời gian dài hơn thì có một tập hợp quy định khác được áp dụng. Ở nơi mà hành động diễn biến từ sự dừng lại trong thời gian ngắn, không câu nệ nghi thức đến chức năng ở lại thực sự, khi người ta dừng lại để chờ đợi cái gì đó hoặc chờ đợi ai đó, để được hưởng môi 151
Khu vực để ở lại - tác dụng của phần rìa (lề). Bên phải: Khảo sát một quảng trường thành phố ở Ascoli Piseno (Italia): Những người đứng có xu hướng tụ tập ở quanh rìa quảng trường. Có thể thấy người ta đứng dọc theo các mặt chính của toà nhà, dưới mái cổng, trong hõm tường và tiếp sau các cột.
Dưới: Những chỗ đứng và ở lại tại thành phố Ascoli Piseno và trên đường phố ở Amsterdam, Hà Lan.
152
trường xung quanh hoặc để nhìn cái đang diễn ra thì vấn đề tìm chỗ tốt để ở lại sẽ phát sinh. Khu vực để ở lại - tác dụng của phần rìa (lề).
Khu vực phổ biến để đứng nằm dọc theo những mặt chính của các nhà trong một không gian hoặc trong khu vực chuyển tiếp giữa không gian này với không gian tiếp theo, nơi có thể thấy cả hai không gian trong cùng một lúc. Trong công trình nghiên cứu về các khu vực được ưa thích để ở lại trong những khu giải trí, nhà xã hội học Derk de Jonge đã lưu ý đến tác dụng của phần rìa có tính chất đặc trưng [25]. Những phần rìa rừng cây, bãi biển, bờ sông hồ, các nhóm cây hoặc khoảng trống giữa đám cây đều là những khu vực được ưa thích để ở lại, trong khi các khu vực đất đai bằng phẳng rộng mở hoặc những khu vực bãi biển, bờ sông hồ không được sử dụng cho đến khi phần rìa đã bị chiếm hết. Sự quan sát đối chiếu được tiến hành ở các không gian thành phố, nơi mà những khu vực dừng lại được ưa thích cũng nằm dọc theo bờ các không gian hoặc phần rìa các không gian trong không gian lớn. Sự giải thích rõ ràng cho việc người ta thích đứng ở phần rìa là đứng ở phần rìa của không gian sẽ tạo cơ hội tốt nhất cho việc quan sát. Sự giải thích bổ sung được Edward T. Hall trao đổi trong cuốn sách The Hidden, Dimension (Khía cạnh bị che khuất) của ông [23], trong đó mô tả việc ở phần rìa khu vực có cây hoặc gần mặt nhà sẽ giúp cá nhân và nhóm người giữ được khoảng cách với những người khác như thế nào. Ở phần rìa khu vực có cây hoặc gần mặt nhà, người ta ít bị lộ diện hơn so với khi xuất hiện ở giữa không gian. Người 153
Nếu phần rìa có tác dụng thì phần không gian cũng vậy
Đường phố nhà ở, Brooklyn, New York
ta không ở trên đường của bất kì ai hoặc bất cứ cái gì đó. Người ta có thể nhìn, nhưng không bị nhìn thấy quá nhiều và lãnh địa cá nhân được giảm xuống bằng hình bán nguyệt trước mắt cá nhân. Khi phía sau của người ta được bảo vệ thì những người khác chỉ có thể tiếp cận phía trước, nên dễ theo dõi và phản ứng, chẳng hạn như, bằng cách biểu hiện trên vẻ mặt không thân thiện đối với việc xâm phạm không mong muốn đến lãnh địa cá nhân.
Những hoạt động phát triển từ phần rìa hướng ra giữa.
Khu vực rìa tạo nhiều lợi thế thực tế và tâm lí rõ ràng như là chỗ để nán lại. Hơn nữa, khu vực dọc theo mặt nhà là khu vực ở lại ngoài trời hiển nhiên đối với cư dân và các chức năng của những toà nhà xung quanh. Nó dễ chuyển chức năng ra khỏi nhà đến khu vực dọc theo mặt nhà. Chỗ tự nhiên nhất để nán lại là bậc ngưỡng cửa mà từ đó có thể đi xa hơn vào không gian hoặc vẫn đứng. Cả về mặt tự nhiên và mặt tâm lí, vẫn đứng thì dễ hơn di chuyển vào không gian ấy. Người ta bao giờ cũng có thể di chuyển xa hơn sau đó nếu muốn. Vì vậy có thể kết luận rằng các sự kiện phát triển từ bên trong, từ rìa hướng ra giữa không gian công cộng. Trẻ em tụ tập quanh cửa chính trong một thời gian cho đến khi chúng bắt đầu chơi thành nhóm và chiếm lĩnh toàn bộ không gian. Những nhóm tuổi khác cũng thích bắt đầu ở cửa chính của họ hoặc dọc theo mặt nhà, từ đó họ có thể đi vào không gian hoặc lại vào nhà hay chỉ ở lại đó.
154
Trong cuốn sách A Pattern Language (Ngôn ngữ khuôn mẫu) của mình [3] Christopher Alexander đã tổng kết những trải nghiệm có liên quan đến tác dụng của phần rìa và khu vực rìa trong không gian công cộng: “Nếu phần rìa mà thất bại, thì không gian không bao giờ trở nên sinh động”. Khu vực để ở lại - nửa bóng râm.
Bóng râm dưới tán các ngọn cây cao ở phần rìa của khu cây xanh là không gian có chất lượng thích hợp với những hoạt động tĩnh tại - cơ hội được che khuất một phần trong nửa bóng râm trong khi đồng thời lại có cả cảnh đẹp của không gian. Dãy cột, mái hắt (bằng vải bạt hoặc chất dẻo gắn vào tường trên cửa ra vào hoặc cửa sổ được căng ra để che mưa nắng), rèm hoặc mành che nắng dọc theo mặt nhà trong không gian thành phố tạo ra những khả năng tương đối hấp dẫn để người ta nán lại và để quan sát trong khi phần còn lại không quan sát được. Đối với cư dân, những chỗ hõm vào của mặt nhà, lối vào, cổng vòm, mái hiên và cây trồng ở sân trước cũng nhằm phục vụ mục đích đó. Mặc dù có sự bảo vệ nhưng ở đó vẫn có tầm nhìn đẹp.
Các chỗ đứng là những chỗ dựa.
Trong các khu vực để ở lại, người ta lựa chọn cẩn thận những chỗ để đứng ở các nơi thụt vào, ở góc, ở cửa ra vào hoặc gần những cột, gốc cây, cột đèn đường phố, hoặc những chỗ dựa tương đối tự nhiên xác định được nơi nghỉ ngơi trên quy mô nhỏ.
Có cái gì đó để tựa vào, đặt các vật ở gần nhau. Quảng trường Campo ở Siena (Italia)
155
Các thành phố tốt để ở lại ngoài trời phải có những nhà với mặt đứng không đều.
Những cọc thấp bên lề đường hoặc chỗ đứng tránh xe cộ có thể thấy ở nhiều quảng trường thành phố phía Nam châu Âu được chú ý nhằm hỗ trợ cho việc ở lại lâu hơn. Chúng được sử dụng để đứng trở lại, để đứng gần đó, để chơi quanh đó và đặt các đồ vật bên cạnh. Tại quảng trường Campo ở Siena, gần như tất cả các hoạt động đứng tập trung vào những cọc thấp bên lề đường mà người ta bố trí ngay ở mép của hai khu vực của quảng trường. 156
Những chỗ dựa bên trong nhà và ngoài trời.
Lợi ích tương đối của những chỗ dựa, chỗ có thể nán lại trong không gian công cộng hoặc trong môi trường xa lạ là rất rõ và cần thiết. Chẳng hạn, chúng phải được bố trí để dễ nhận thấy trong sảnh của khách sạn hay tiệm ăn để có thể nán lại trong giai đoạn đầu của bữa tiệc trong khi bữa tiệc chưa chính thức bắt đầu. Sự quan sát tương tự như thế có thể được tiến hành trong giai đoạn mở đầu của tình huống chơi, trong đó trẻ em thường ở lại gần bàn ghế hoặc các đồ chơi khác nhau. Ngược lại, trong công viên và bãi cỏ mở gần nhà ở, người ta thường thấy khó khăn trong việc đi ra ngồi trên bãi cỏ nếu như ở đây “không có gì để ngồi sát ngay bên cạnh”.
Các thành phố tốt cho việc ở lại phải có những nhà với mặt đứng không đều.
Tóm lại, có thể nói rằng thiết kế chi tiết đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng ở lại trong không gian công cộng. Nếu các không gian tan hoang và trống rỗng - không có ghế băng, không có cột, không có cây cỏ, v.v. - và nếu các mặt nhà không có những chi tiết thú vị như hốc tường, lỗ hổng, cổng ra vào, cầu thang, v.v. - thì rất khó có thể tìm được chỗ để dừng lại. Hay nói một cách khác: Các thành phố tốt cho việc ở lại phải có những nhà với mặt đứng không đều và có các loại điểm tựa trong không gian ngoài trời.
Những hốc tường là chỗ phổ biến mà người ta đứng trong đó, tạo ra tình trạng hấp dẫn nửa công cộng/nửa riêng tư. Người ta có mặt một phần và có thể rút lui vào bóng râm nếu muốn có tính riêng tư hơn.
157
158
IV.4. Ngồi
Các khu vực của thành phố hoạt động tốt tạo nhiều cơ hội cho việc ngồi.
Điều đặc biệt quan trọng là nhấn mạnh các thiết bị ngồi tốt có ý nghĩa gì trong tất cả những loại không gian công cộng trong thành phố và trong các khu vực dân cư. Chỉ khi nào những cơ hội cho việc ngồi tồn tại thì mới có thể ở lại trong một thời gian nào đó. Nếu các cơ hội này có ít hoặc xấu, người ta sẽ chỉ đi qua mà không ở lại. Điều đó có nghĩa là không chỉ những cuộc ở lại ở nơi công cộng ngắn, mà cả nhiều hoạt động ngoài trời hấp dẫn và đáng giá cũng đều bị ngăn cản. Sự tồn tại những cơ hội tốt cho việc ngồi mở đường cho nhiều hoạt động có sức hấp dẫn lớn nhất trong không gian công cộng: ăn, đọc, ngủ, đan, chơi, đánh cờ, tắm nắng, nhìn người khác, trò chuyện, v.v. Những hoạt động này có tính chất sống còn đối với chất lượng của không gian công cộng trong thành phố hoặc trong khu dân cư đến nỗi khả năng có được hoặc thiếu cơ hội có chỗ ngồi tốt phải được coi là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của môi trường công cộng trong khu vực nhất định. Để cải thiện chất lượng của môi trường ngoài trời trong khu vực bằng cách đơn giản nhất hầu như bao giờ cũng có ý tưởng mới để tạo ra nhiều cơ hội hơn và tốt nhất cho việc ngồi.
Chỗ tốt để ngồi.
Hành động ngồi đề ra một số yêu cầu chung quan trọng về vị trí riêng biệt, khí hậu và không gian. Những yêu cầu chung đó được xem xét chi tiết hơn trong mục cuối. Một số yêu cầu đặc thù có liên quan đến vị trí ngồi và tương đối giống không gian tạo điều kiện cho hoạt động đứng. Tuy nhiên, các yêu cầu này được tăng cường bởi vì hành động ngồi đòi hỏi nhiều hơn so với những hình thức dừng lại và đứng trong thời gian ngắn ngủi và có tính chất tình cờ. Hoạt động ngồi nói chung chỉ diễn ra ở nơi các điều kiện bên ngoài thuận lợi và những vị trí ngồi được chọn một cách cẩn thận hơn nhiều so với vị trí để đứng. 159
Chọn chỗ ngồi. Các ghế dài được bố trí ở giữa những không gian công cộng hướng về bức tranh kiến trúc thú vị, nhưng chắc chắn là ít người đến hơn so với ở không gian được che chắn. Những chỗ phổ biến nhất để ngồi có thể tìm thấy ở rìa không gian mở, nơi mà sau lưng người ngồi đã được bảo vệ, tầm nhìn không bị cản trở và khí hậu thuận lợi nhất.
160
Như một quy tắc chung, chỉ có những người sản xuất các ghế băng là có lợi khi những ghế băng bị xếp tuỳ tiện nhưng tản ra một cách ngẫu nhiên trong không gian công cộng
Chọn chỗ ngồi.
Tác dụng của phần rìa đã được bàn đến trước đây cũng có thể thấy được trong mối quan hệ với việc người dân chọn chỗ ngồi. Chỗ để ngồi dọc theo mặt tiền của các nhà và ở ranh giới không gian được thích hơn so với khu vực ngồi ở giữa không gian và cũng như khi đứng, người ta có xu hướng tìm điểm tựa từ những chi tiết của môi trường tự nhiên. Các chỗ ngồi trong hốc tường, ở cuối ghế băng hoặc ở những chỗ được xác định tốt và các chỗ ngồi mà phía sau lưng người ngồi được bảo vệ được ưa thích hơn so với chỗ được xác định không chính xác. Một số công trình nghiên cứu đã minh hoạ các xu hướng đó một cách chi tiết hơn. Trong công trình nghiên cứu “Chỗ ngồi ưa thích trong tiệm ăn và quán giải khát” của mình, Nhà xã hội học Derk de Jonge đã thấy rằng những chỗ ngồi trong tiệm ăn có phía sau lưng hoặc bên sườn người ngồi là tường và có thể thấy rõ toàn cảnh khu vực thì được ưa thích hơn chỗ ngồi khác [26]. Đặc biệt, chỗ ngồi bên cửa sổ có thể nhìn rõ cả không gian ngoài trời cũng như không gian trong nhà được ưa thích. Những người ngồi trong các tiệm ăn sẽ khẳng định rằng nhiều khách hàng, cả từng người riêng lẻ và cả nhóm người, đều dứt khoát từ chối ngồi vào bàn ở giữa phòng nếu còn có chút khả năng kiếm được chỗ ngồi dọc theo tường.
Bố trí chỗ ngồi.
Việc bố trí chỗ ngồi đòi hỏi phải có quy hoạch cẩn thận. Có những ví dụ ở khắp mọi nơi về sự bố trí chỗ ngồi một cách ngẫu nhiên, tuỳ tiện và ít suy nghĩ. Chẳng có gì lạ khi thấy ghế băng cải tiến khéo léo được đặt “lềnh bềnh” thoải mái trong không gian công cộng. Điều đó đã xảy ra bởi vì những nguyên tắc kiến tạo coi thường các nhân tố tâm lí sơ đẳng hoặc do kết quả của tình trạng “sợ khoảng trống” trên bản vẽ thiết kế, kết cục là các không gian ấy thường chất đầy “ghế” đứng tự do như thể chúng tạo nhiều cơ hội cho việc ngồi, nhưng thực tế chỉ là những chỗ ngồi rất không tốt. 161
Chỗ ngồi chủ yếu
Những thành phố được thiết kế tốt có các cơ hội có chỗ ngồi tốt được bố trí cẩn thận có những điểm thuận lợi nhất (Aberdeen, Scotland)
Những chỗ tốt để ngồi và nghỉ ngơi rõ ràng là vấn đề của các ghế băng và mời gọi người ngồi. Không phải bất cứ loại ghế nào cũng làm được điều đó (Các ghế băng ở Jönköbing, Thuỵ Điển và ở Los Angeles)
Việc bố trí chỗ ngồi phải là kết quả của sự phân tích thấu đáo chất lượng không gian và chức năng của vị trí. Mỗi ghế băng hoặc khu vực tốt nhất nên có chất lượng riêng tư cục bộ và phải được bố trí ở nơi có không gian nhỏ trong không gian lớn, có hốc tường, ở góc chẳng hạn, nơi có sự ấm cúng và an toàn, hơn nữa có vi khí hậu tốt thì càng tốt. 162
Hướng và tầm nhìn.
Hướng và tầm nhìn đóng vai trò quan trọng trong việc chọn chỗ ngồi. Khi người ta chọn chỗ ngồi trong môi trường công cộng thì hầu như bao giờ cũng thích những lợi thế mà địa điểm có được - một chỗ riêng biệt, không gian, khí hậu, nhìn thấy bất cứ cái gì đang diễn ra và tốt nhất là chỗ ngồi đó hội tụ được tất cả các điểm này. Như đã nói ở trên, cơ hội để nhìn thấy các sự kiện trong khu vực là nhân tố nổi bật nhất trong việc chọn chỗ ngồi, nhưng các nhân tố khác chẳng hạn như Mặt Trời và hướng gió cũng có liên quan. Những chỗ ngồi được bảo vệ tốt, có tầm nhìn không bị che khuất các hoạt động xung quanh bao giờ cũng phổ biến hơn so với những chỗ có ít lợi thế và nhiều bất lợi hơn.
Các hình thức ngồi.
Tập hợp thứ ba và bình thường hơn về yêu cầu đối với chỗ ngồi có liên quan đến các hình thức ngồi. Những yêu cầu biến đổi cho các nhóm người khác nhau. Trẻ em và thanh niên thường chỉ đề ra những yêu cầu phải chăng về hình thức ngồi và trong nhiều tình huống chấp nhận ngồi hầu như ở bất cứ nơi đâu: ở trên sàn, trên đường phố, trên cầu thang, bên rìa đài phun nước và trên những chậu hoa. Đối với những nhóm người này thì tình huống góp phần quan trọng hơn so với chỗ ngồi. Các nhóm người khác có những yêu cầu lớn hơn về hình thức ngồi. Đối với nhiều người, chỗ ngồi đơn giản (ghế băng hoặc ghế tựa) là nhu cầu thiết yếu để ngồi. Đối với nhiều người cao tuổi, đặc biệt, chỗ ngồi tiện nghi và có tính thực tiễn là điều quan trọng. Chỗ phải dễ ngồi xuống và đứng lên, cũng như thoải mái ngồi lại trong thời gian dài.
Chỗ ngồi chủ yếu.
Vì vậy, không gian công cộng được trang bị tốt phải có nhiều cơ hội để ngồi nhằm gây được cảm hứng cho tất cả các nhóm người sử dụng và tạo cơ hội cho họ lưu lại. Chỗ ngồi chủ yếu (những ghế dài và những ghế tựa) phải được cung cấp, một phần cho những loại đối tượng người sử dụng có yêu cầu nhiều hơn, một phần cho các tình huống nơi nhu cầu ngồi bị hạn chế. Khi có đủ không gian thì người ta thích nhất là chỗ bố trí tốt nhất và chỗ ngồi thoải mái nhất. Yêu cầu chung là một số lượng thích đáng những chỗ ngồi chủ yếu phải được cung cấp và bố trí ở các vị trí được lựa chọn cẩn thận, chính xác về mặt chiến lược - những chỗ mà tạo cho người sử dụng càng nhiều lợi thế càng tốt. 163
Chỗ ngồi thứ yếu.
Chỗ ngồi thứ yếu.
164
Để bổ sung cho những chỗ ngồi chủ yếu, cần nhiều cơ hội cho các chỗ ngồi thứ yếu phụ trợ dưới hình thức những cầu thang, bệ, bậc thang, tường thấp, hốc tường, v.v. là trong thời gian yêu cầu ngồi đặc biệt kéo dài. Các bậc là loại đặc biệt phổ biến bởi vì chúng được dùng như những điểm quan sát.
Cảnh quan ngồi. Theo quy tắc các cầu thang, chi tiết mặt đứng nhà và tất cả các loại ghế đô thị tạo ra rất nhiều cơ hội thứ yếu, phụ trợ cho việc ngồi. Bên phải: Cảnh quan ngồi bên Nhà hát Ca kịch Sydney (Sydney Opera House) và Quảng trường Pioneer Courthouse (Portland, Mĩ).
Thiết kế không gian dựa trên cơ sở tác động tương hỗ giữa số lượng tương đối hạn chế chỗ ngồi chủ yếu và số lượng lớn những chỗ ngồi thứ yếu cũng có lợi thế làm cho có vẻ như các chức năng là hợp lí trong thời kì chỉ có số người sử dụng không nhiều. Ngược lại, nhiều ghế băng và ghế tựa trống vắng, như người ta thấy trong thời kì mùa xấu ở quán cà phê vỉa hè và khách sạn nghỉ dưỡng, có thể dễ dàng tạo nên ấn tượng thất vọng là chỗ đã không được chấp nhận hoặc đã bị bỏ rơi. “Cảnh quan ngồi” - trang bị ghế cho thành phố đa mục đích.
Một loại đặc biệt của chỗ ngồi thứ yếu có thể được cung cấp dưới dạng “cảnh quan ngồi” - những yếu tố đa mục đích trong không gian thành phố chẳng hạn như bố trí cầu thang lớn được sử dụng như một điểm ngắm cảnh, một đài kỉ niệm, một đài phun nước có đáy rộng trên bậc cao hoặc một yếu tố không gian lớn nào đó được thiết kế để phục vụ nhiều mục đích đồng thời. Thiết kế ghế ngồi cho thành phố đa mục đích và các chi tiết mặt đứng nhà với những khả năng sử dụng đa dạng là 165
một nguyên tắc thường được đề nghị vì nó là kết quả ở các yếu tố của một thành phố thú vị hơn và cho phép có sự khác nhau nhiều trong việc sử dụng không gian công cộng của thành phố. Venice là nơi đáng lưu ý về điểm này bởi vì tất cả các trang bị ghế và những thứ khác như cột cờ, đèn đường, tượng, v.v. cũng như nhiều nhà đều được thiết kế sao cho cũng có thể ngồi ở đó. Cả thành phố là nơi có thể ngồi được. Các ghế băng cách nhau 100m (300ft) để nghỉ ngơi.
Cách 100m (300ft) có đặt một ghế băng. Xin mời ngồi!
166
Bên cạnh các cơ hội chủ yếu và các cơ hội thứ yếu cho việc ngồi mà ít nhiều được thiết kế cho hoạt động ngồi nghỉ ngơi giải trí, cũng có nhu cầu đáng kể về những ghế băng để nghỉ ngơi được đặt cách nhau đều đặn suốt cả thành phố. Trong cuộc trao đổi với dân cư của nhiều bộ phận khác nhau ở Copenhagen, sự thiếu chỗ cho những người cao tuổi có thể ngồi là một trong các vấn đề, thường xuyên được nhắc tới nhiều nhất. Theo kinh nghiệm tốt, những chỗ thích hợp để ngồi cho thành phố tốt hoặc cho môi trường cư trú (khu dân cư) phải được bố trí cách đều nhau, chẳng hạn cách nhau 100m (300ft).
IV.5. Nhìn, Nghe và Trò chuyện
Nhìn - vấn đề cự li.
Cơ hội để nhìn người khác, như đã bàn ở trên, là vấn đề cự li giữa người quan sát và đối tượng được quan sát. Nếu các đường phố quá rộng và những không gian quá lớn, sẽ mất đi phần nào cơ hội để từ một chỗ có thể nhìn ra không gian và những sự kiện đang diễn ra. Việc nhìn nhận này và cảm nhận giác quan về một quang cảnh lớn và đa dạng đã được đánh giá cao trong đa số các tình huống. Vì thế thường thì nên xác định kích cỡ các không gian công cộng lớn sao cho ranh giới của không gian ấy phù hợp với những giới hạn của thị trường (phần không gian mà mắt có thể nhìn thấy bao quát) đối với những hoạt động xã hội. Bằng cách đó, có chỗ cho nhiều hoạt động, tất cả đều nằm trong tầm nhìn của mỗi người sử dụng không gian này. Để đạt được điều đó, có lúc nên kết hợp một số thị trường xã hội, chẳng hạn như, cự li tối đa cho việc nhìn các sự kiện (70 đến 100m, tức là 230 đến 330ft) kết hợp với cự li tối đa để nhìn sự biểu hiện trên gương mặt (20 đến 25m, tức là 65 đến 80ft) là một việc làm sáng suốt. Trong cuốn sách “Quy hoạch địa điểm” [37] của mình, Kevin Lynch cho kích thước của không gian khoảng 25m (82ft) là thoải mái và có kích thước tốt trong bối cảnh xã hội. Ông cũng chỉ rõ quy mô không gian ấy lớn hơn 110m (360ft) hiếm khi thấy trong những không gian đô thị tốt. Thật khó mà có sự trùng hợp ngẫu nhiên là chiều dài và chiều rộng của đa số các quảng trường thành phố Trung Cổ ở Nam Âu là gần hoặc dưới hai con số đó.
Nhìn - vấn đề thị trường và sự khái quát.
Khả năng nhìn cũng là vấn đề nhìn toàn cảnh và thị trường (phần không gian mà mắt có thể nhìn bao quát được), của những đường nhìn không bị che khuất. Ở các nhà hát và rạp chiếu phim, ghế ngồi khán giả thường được thiết kế dưới dạng khán đài vòng cung và trong giảng đường có bục giảng thì những người nghe được ngồi cao dần lên để mọi người đều có thể trông thấy diễn giả. 167
Nhìn. Các khán giả thuộc mọi lứa tuổi sẽ có thể nhìn thấy cái gì đang xảy ra. Cửa sổ có kích thước cho trẻ em trong vườn trẻ và cửa sổ cho hành khách nhỏ tuổi trên phà.
Nhìn là vấn đề quang cảnh đẹp và những tuyến nhìn không bị che khuất.
Quảng trường Nhà thờ Lớn ở Strasbourg, Pháp.
Madrid, Tây Ban Nha.
168
Các nguyên tắc đối chiếu được sử dụng cho lợi thế trong không gian thành phố để tạo cho mỗi người những điều kiện tối ưu cho việc nhìn cái đang diễn ra trong không gian ấy. Về mặt này, những quảng trường của thành phố Trung Cổ có nhiều ví dụ về 1 thiết kế thích hợp. Các quảng trường của thành phố Italia thường có những khu vực đi bộ cao hơn hai hoặc ba bậc so với khu vực giao thông đường ôtô. Ở Campo trong thành phố Siena (xem trang 42), nguyên tắc ấy được sử dụng dưới hình thức tao nhã nhất của nó. Toàn bộ quảng trường được xây dựng như khán đài rộng có các dãy ghế ngồi cho khán giả - hình một vỏ sò với những chỗ để đứng và ngồi ở phía trên cùng, dọc theo mặt đứng của rìa chiếc vỏ sò ấy. Sự trang bị đó cung cấp những khả năng tối ưu cho việc đứng và ngồi trong khu vực rìa, bên những cọc bên lề đường hoặc ở chỗ đứng tránh xe cộ, và ở các quán cà phê vỉa hè. Những chỗ để đứng này rất tao nhã, phía sau lưng người đứng đều được bảo vệ và có cái nhìn toàn cảnh toàn bộ khu vực đô thị. Nhìn - vấn đề ánh sáng.
Những khả năng nhìn cũng là vấn đề ánh sáng thích đáng chiếu vào các đối tượng cần được xem. Ở một mức độ nào đó, những không gian công cộng hoạt động vào buổi tối, việc cung cấp ánh sáng là vô cùng quan trọng. Chiếu sáng cho các chủ thể xã hội là việc quan trọng đặc biệt: chiếu sáng người và các gương mặt. Vì quan tâm đến cả cảm giác chung về niềm vui thích và sự an toàn, cả khả năng nhìn thấy người và các sự kiện, sự chiếu sáng khu vực đi bộ cần được đầy đủ và được định hướng tốt trong mọi lúc. Chiếu sáng tốt hơn không nhất thiết có nghĩa là ánh sáng chói chang hơn, cuộc sống đô thị náo nhiệt hơn. Chiếu sáng tốt hơn có nghĩa là mức sáng đầy đủ chiếu vào hay phản xạ tới các bề mặt nằm ngang - mặt, tường, tín hiệu đường phố, thùng thư, v.v. ngược với chiếu sáng những đường phố có giao thông bằng ôtô. Ánh sáng tốt hơn cũng có nghĩa là ánh sáng ấm áp và thân thiện.
Nghe.
Mỗi lần đường phố giao thông bằng ôtô được cải tạo thành đường phố đi bộ thì các khả năng nghe người khác đã được khôi phục lại. Tiếng ồn của ôtô được thay thế bằng tiếng bước chân đi, tiếng nói, tiếng nước chảy, v.v. Lại có khả năng trò chuyện, nghe nhạc, trẻ em chơi. Trên những đường phố không có ôtô chạy này và ở các thành phố đi bộ cũ, kết quả nghiên cứu cho thấy cơ hội cho việc nghe quan trọng và 169
Nghe và trò chuyện.
Trò chuyện ở thành phố đi bộ (Venice) và ở trên đường xe chạy (Copenhagen)
Số đo tiếng ồn từ đường xe chạy và đường phố đi bộ. Mức ồn trên đường phố đi bộ bằng và khá thấp: 50dB.
có giá trị như thế nào trong việc nâng cao chất lượng môi trường chung và cho tình trạng sức khoẻ về thể xác, về tinh thần của người dân. Tiếng ồn chống lại sự trò chuyện. 170
Khi tiếng ồn của bối cảnh vượt quá khoảng 60dB, điều thường xảy ra trong trường hợp các đường phố có giao thông hỗn hợp (vừa có giao thông bằng ôtô, vừa đi bộ) là gần như
không thể trò chuyện bình thường được. Do đó ít thấy người ta trò chuyện ở các đường phố nhộn nhịp và khi cần thì sự trò chuyện như thế gặp khó khăn rất lớn. Khi ấy, để thông tin cho nhau chỉ còn những câu ngắn đã trù tính trước và phải hét to lúc tiếng ồn giao thông lắng xuống. Để có cuộc trò chuyện trong các điều kiện như thế, người ta phải đứng riêng ra, sát vào nhau và nói ở cự li ngắn khoảng 5 đến 15cm (2 đến 6 in). Những người lớn và các trẻ em có thể nói với nhau trong những điều kiện ấy chỉ khi nào người lớn hướng xuống trẻ em, một tình huống mà trên thực tế có nghĩa là sự liên lạc giữa người lớn và trẻ em tất cả chỉ biến mất khi mức ồn tăng lên quá cao. Trẻ em không thể hỏi về cái mà chúng nhìn thấy và chúng không được giải đáp. Chỉ khi nào tiếng ồn của bối cảnh nhỏ hơn 60dB thì mới có thể tiến hành đàm thoại và mức ồn phải giảm xuống đến 45 - 50dB cho người nghe hầu hết tiếng to khác và những âm thanh dịu dàng, bước chân đi, bài ca, v.v. một phần của tình huống xã hội đầy đủ [1]. Nghe người nói và nghe âm nhạc.
Ấn tượng lớn nhất đối với việc đứng lúc mới đến ở cầu thang ngoài nhà ga xe lửa ở Venice không phải là những kênh đào, những nhà, người, và không có xe ôtô, mà là tiếng người. Hiếm khi có thể nghe tiếng người trong các thành phố khác của châu Âu. Đối với những người đi dạo khắp mạng lưới đường phố đi bộ sẽ có những trải nghiệm có thể so sánh được và đặc biệt có khả năng nghe âm nhạc, nghe hát, nghe hét to và các bài diễn thuyết tạo ra cuộc đi bộ thú vị và phong phú. Âm nhạc đường phố tự phát ở Copenhagen có sự hồi sinh đáng nhớ sau khi có của các đường phố đi bộ, và âm nhạc đường phố hôm nay là một trong những cái hấp dẫn lớn nhất của thành phố này. Festival Jazz hằng năm được trình diễn trên các đường phố và các quảng trường của thành phố giờ đây trở thành một trong những điểm nổi bật nhất về văn hoá. Trước đây, khi chưa tổ chức các không gian đi bộ, thật khó nghe được tiếng người và âm nhạc trong thành phố.
Trò chuyện.
Những cơ hội cho việc trò chuyện với người khác có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của các không gian ngoài trời. Có thể phân biệt thành ba loại trò chuyện khác nhau ở ngoài trời, mỗi loại có những yêu cầu khác nhau về môi trường: trò chuyện với những người cùng đi, trò chuyện với những người quen khi gặp, và cuối cùng, có thể trò chuyện với những người lạ. 171
Trò chuyện với những người cùng đi.
Các điều kiện tiên quyết cho việc trò chuyện với những người đi cùng (các bạn bè, những người trong gia đình, v.v.) đã được mô tả trong các đoạn trước. Những cuộc trò chuyện này được diễn ra trong khi đi bộ, khi đứng hoặc ngồi. Bề ngoài có vẻ là không có các yêu cầu đặc biệt có liên quan đến địa điểm hoặc tình huống ngoài yêu cầu có mức ồn thấp thích hợp. Đa số các cuộc trò chuyện trong không gian công cộng đều rơi vào loại này - đó là cuộc trò chuyện của chồng và vợ, mẹ và con, bạn với bạn trong khi đi bộ trong thành phố.
Trò chuyện với những người quen khi gặp nhau.
Loại trò chuyện khác diễn ra khi các bạn và những người quen gặp nhau. Nó có sự phụ thuộc nhiều với mức độ nhất định vào địa điểm và tình huống. Người ta dừng lại để trò chuyện ở nơi họ gặp nhau. Trò chuyện với bạn bè và những người láng giềng “đi ngang qua” thuộc về loại này. Việc ở lại ngoài trời lâu hơn trong khu vực được kéo dài, có cơ hội lớn hơn cho bạn bè và hàng xóm gặp gỡ và trò chuyện. Sự tiếp xúc có thể hết sức đa dạng, từ việc chào hỏi ngắn, đến trao đổi vài nhận xét, đến nói chuyện gẫu dài tới khi thoả mãn. Phát triển sự trao đổi ở nơi cuộc gặp gỡ đã diễn ra - khi đi qua hàng rào, ở cổng vườn hoa, ở trước cửa chính vào nhà. Có hay không những điều kiện để có thể nán lại bên ngoài nhà ở cho thời gian dài hơn một chút xuất hiện để có nhân tố quyết định trong việc phát triển đàm thoại.
Trò chuyện với những người lạ.
Loại thứ trò chuyện thứ ba tương đối ít gặp hơn trong không gian công cộng, bao gồm sự trò chuyện giữa những người chưa biết nhau. Nó có thể bắt đầu khi những người tham gia dễ dàng, nhất là khi họ làm cùng một việc chẳng hạn như đứng hoặc ngồi bên cạnh nhau hoặc khi cùng tham gia một hoạt động nào đó. Về việc trò chuyện giữa những người có biết nhau và những người không biết nhau, Erving Goffmann đã viết trong Behavior in Public Places (Cách ứng xử ở những nơi công cộng) [22]: Người ta có thể nói, như một quy tắc chung là, những người đã quen trong bối cảnh xã hội cần có lí do để không đến hẹn gặp mặt nhau, trong khi những người không quen nhau thì cần có lí do để gặp nhau.
Có cái gì đó để trao đổi.
Các hoạt động chung và những trải nghiệm chung cũng như các sự kiện bất ngờ hoặc khác thường phục vụ cho sự khởi xướng và tạo ra cuộc trò chuyện. Trong cuốn The Social Life
172
Có cái gì đó để trao đổi (Từ việc chuẩn bị cho Hội hoá trang hằng năm ở Copenhagen).
of Small Urban Spaces (Cuộc sống xã hội của các không gian đô thị nhỏ) [51] William H. Whyte sử dụng thuật ngữ triangulation (tam giác đạc) để mô tả hiện tượng này, chẳng hạn như trong mối quan hệ tương hỗ giữa những người biểu diễn trên đường phố và các khán giả. Các khán giả A và B trao đổi những nụ cười hoặc bắt đầu trò chuyện khi thích thú những kĩ xảo và tài năng của diễn viên làm trò tiêu khiển trên đường phố. Một hình tam giác đã hình thành, và quá trình nhỏ bé nhưng rất thú vị đã bắt đầu phát triển. Cảnh quan đàm thoại.
Thiết kế những chỗ để ngồi và để đứng và vị trí tương đối của chúng có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ hội cho trò chuyện. Trong The Hidden Dimension (Khía cạnh bị che khuất) [23] Edward T. Hall trao đổi một số công trình nghiên cứu và quan sát có liên quan đến việc bố trí ghế băng và khả năng đàm thoại. Việc đặt các ghế băng như ở phòng đợi của nhà ga xe lửa là tiêu biểu, trong đó các ghế băng được xếp lưng tựa vào nhau hoặc có khoảng cách lớn về không gian giữa chúng, đã cản trở việc trò chuyện hoặc làm cho không thể trò chuyện được. Ngược lại, những ghế tựa được đặt gần nhau xung quanh bàn như ở quán cà phê vỉa hè đã giúp cho việc mở đầu cuộc trò chuyện dễ dàng hơn. Cảnh đàm thoại tốt có thể được tìm thấy ở các buồng của toa xe lửa truyền thống của châu Âu. Trong sự tương phản, cách bố trí chỗ ngồi trong máy bay và trong nhiều xe buýt và xe lửa mới làm nản chí các cuộc trò chuyện. Ở đây hành 173
khách ngồi người này sau người kia và chỉ nhìn thấy phía sau đầu của hành khách cùng đi tàu. Khả năng ngồi đối diện với người bạn khó tính cùng đi đường bị loại bỏ, nhưng đa số cơ hội bắt đầu cuộc trò chuyện hữu nghị trong chuyến đi cũng biến mất. Trong quy hoạch thành phố và không gian công cộng của khu dân cư, những người thiết kế phải cố gắng đặt các ghế băng cho phép chọn hành động nhiều hơn so với cách bố trí “lưng quay lưng” hoặc “mặt đối mặt” không phức tạp đã nói trước đây. Chẳng hạn như, các ghế băng hình cong hoặc những ghế băng được xếp theo hình thước thợ sẽ cho phép chọn hành động một cách có giá trị. Khi ngồi trên các ghế xếp thành góc vuông thì có phần dễ bắt đầu trò chuyện hơn nếu cả hai phía đều quan tâm đến việc làm như thế. Nếu không muốn trò chuyện thì cũng dễ dàng hơn cho việc thoát khỏi tình huống không mong muốn. Cảnh đối thoại như thế đã là nguyên tắc chỉ đạo cho KTS Ralph Erskine - người đã sử dụng nó một cách rộng rãi trong các đồ án thiết kế nhà ở của ông. Hầu như tất cả những ghế băng trong các không gian công cộng của ông đều được bố trí hai với hai, đặt thẳng góc bên một cái bàn, giúp người ta cũng có thể mang công việc hoặc đồ ăn nhẹ ra nơi công cộng. Như vậy, khu vực ngồi hỗ trợ nhiều chức năng khác chứ không chỉ là chỗ ngồi.
Các ghế băng được xếp thẳng góc với nhau sẽ dễ dàn xếp một cuộc trò chuyện. Bên phải: Cảnh quan đàm thoại (KTS Ralph Erskine).
174
IV.6. Nơi thú vị về mọi mặt
Nơi thú vị về mọi mặt.
Tính phổ biến đặc trưng cho tất cả các hoạt động tự chọn, hoạt động nghỉ ngơi giải trí và hoạt động xã hội là chúng chỉ diễn ra khi những điều kiện bên ngoài (để dừng lại và di chuyển đây đó) tốt, khi có tối đa lợi thế và tối thiểu sự bất lợi về mặt vật chất, về mặt tâm lí và về mặt xã hội, và khi trong mọi mặt đều thú vị trong môi trường.
Vấn đề bảo vệ.
Sự thú vị của địa điểm tuỳ thuộc một phần vào việc bảo vệ khỏi mối nguy hiểm và tổn hại vật chất, chủ yếu là bảo vệ khỏi sự không an toàn do sợ tội phạm và giao thông bằng ôtô.
Bảo vệ khỏi tội phạm.
Khi tội phạm phổ biến, việc bảo vệ là sự quan tâm nổi trội nhất, là nhân tố có vị trí đặc biệt trong cách xử lí các vấn đề quy hoạch của Jane Jacobs trong nhiều thành phố của Mĩ [24]. Jacobs đã xem xét mối quan hệ giữa mức hoạt động và độ an toàn trên đường phố. Nếu có nhiều người trên đường phố thì có sự bảo vệ lẫn nhau đáng kể, và nếu sôi nổi thì sẽ có nhiều quan sát đường phố từ các cửa sổ của họ bởi vì họ thấy ý nghĩa và thú vị khi theo dõi các sự kiện. Hiệu quả mà “sự theo dõi đường phố” có thể có về an toàn có thể được minh hoạ bởi số liệu thống kê tai nạn của thành phố đi bộ Venice - nơi mà thực tế không có một ca chết đuối nào trên rất nhiều kênh đào của nó. Do giao thông chậm và dẫn đến mức hoạt động cao trên và dọc theo các con kênh thì bao giờ cũng có một số trong những người qua đường (ngẫu nhiên) hoặc trong số những ai nhìn từ các cửa sổ của họ sẽ nhìn thấy khi tai nạn xảy ra và như vậy là có thể can thiệp. Trong cuốn “Không gian có thể bảo vệ được (Defensible space) [40] Oscar Newman giới thiệu một tài liệu bao quát đã nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của các hoạt động đường phố, của những cơ hội ở lại ngay lập tức trước mặt nhà ở, và các cơ hội tốt cho việc quan sát những không gian công cộng, làm giảm tội phạm và phá hoại các công trình văn hoá trong khu vực nhất định. 175
Bảo vệ khỏi giao thông bằng ôtô. Sự sợ hãi giao thông ôtô luôn luôn ám ảnh là một trong những vấn đề gây sức ép mạnh nhất trong các phố mà giao thông bằng ôtô là chủ đạo.
Cái giá phải trả cho sự sợ hãi là hạn chế trẻ em dưới 6 tuổi trên những đường phố giao thông xe cộ ở Australia. Khó mà có đứa trẻ nào đó được phép đi chơi rong một cách tự do trên vỉa hè của những đường phố buôn bán, trong khi ở các đường phố đi bộ hầu như không có trẻ em nào bị hạn chế đi dạo tay cầm tay bố mẹ mình.
a) Đường phố đông xe 1, Melbourne; b) Đường phố đông xe 2, Melbourne; c)Đường phố đi bộ, Melbourne; d) Đường phố đi bộ, Sydney.
176
Quan sát các khu vực công cộng một cách tự nhiên là một nhân tố trong bối cảnh đó. Điều cũng quan trọng như thế là sự quan tâm tự nhiên và cảm giác tinh thần trách nhiệm được tạo ra khi các cư dân có những khu vực ngoài trời mà họ sử dụng một cách thoải mái và khi những đường đi vào và các khu mở đều được liên kết rõ ràng với những nhà riêng hoặc các nhóm cư dân dưới dạng những khu đất chung được xác định một cách chính xác, chứ không phải như các con đường không được định rõ và chưa được tận dụng triệt để của đất vành đai trắng. Bảo vệ khỏi giao thông bằng ôtô.
Bảo vệ khỏi giao thông bằng ôtô là một nhu cầu khác về an toàn. Nếu yêu cầu đó không được thoả mãn đầy đủ thì sẽ có sự hạn chế nhiều cả về phạm vi và cả về tính chất của những hoạt động ngoài trời. Trẻ em phải được tay cầm tay đi dạo với người lớn. Những người già rất sợ đi qua đường phố. Thậm chí đi dạo trên vỉa hè cũng không thể cảm thấy hoàn toàn an toàn. Các nhà quy hoạch phải lưu tâm rằng cảm giác có nguy cơ và tình trạng không rõ ràng thay vì nguy cơ thực tế theo thống kê đã đóng vai trò quyết định trong tình huống nhất định. Điều này hàm ý rằng cần phải làm việc cẩn thận với cả sự an toàn giao thông thực tế và cả cảm giác an toàn về mặt giao thông. Cuộc điều tra về các đường phố giao thông bằng ôtô và các đường phố đi bộ đã minh hoạ cảm giác của con người được bảo vệ như thế nào trong hai loại đường phố ấy và những khách bộ hành có sự phòng ngừa về an toàn đã được tăng cường đặc biệt ở các đường phố giao thông bằng ôtô. Trong tổng số trẻ em đến 6 tuổi trên các vỉa hè của những đường phố bình thường có giao thông bằng ôtô thì có 86% trẻ em đi dạo tay cầm tay người lớn. Trên các đường phố đi bộ, hình ảnh con người hầu như ngược lại, và 75% trẻ em đã được phép chạy quanh đây đó một cách thoải mái. Mặc dù tình trạng không có xe cộ tham gia giao thông có thể thấy ở các khu vực đi bộ là rất nhiều, giải pháp tốt nhất về mặt an toàn và cảm giác an ninh có thể được ghi nhận rằng các nguyên tắc Woonerf của Nederland (Hà Lan) về giao thông xe chạy chậm trên những đường phố phần lớn là đi bộ và đi xe đạp thể hiện sự cải thiện đáng kể so với tình trạng chung thấy được trên các đường phố (của những thành phố lớn).
Bảo vệ khỏi thời tiết khó chịu.
Tạo ra một nơi thú vị cũng là vấn đề về bảo vệ khỏi thời tiết khó chịu. Các loại điều kiện thời tiết không mong muốn khác nhau rất nhiều ở mỗi khu vực khác và mỗi nước. 177
Các vấn đề thời tiết.
Gió là vấn đề rất lớn trong không gian ngoài trời. Khi gió thổi thì khó giữ được thăng bằng, giữ ấm và tự bảo vệ mình.
Mưa không gió không phải là vấn đề lớn. Áo mưa hoặc ô được giúp để bảo vệ đầy đủ.
Thật dễ tự bảo vệ mình một cách hợp lí chống lại cái lạnh lâu dài khi không kèm theo gió hoặc mưa như trút. Một ngày nắng, sáng sủa, không gió nói chung được coi là một ngày đẹp trời, bất chấp nhiệt độ. Trên: Một ngày mùa đông có băng giá, có nắng và thời tiết lặng gió trên quảng trường ở Copenhagen. Tất cả các ghế băng chan hoà ánh nắng đều có người ngồi.
178
Mỗi vùng có những điều kiện khí hậu riêng của mình và các mô hình văn hoá làm cơ sở cho những giải pháp trong mỗi trường hợp riêng. Sự bảo vệ khỏi nắng và nóng đóng vai trò quan trọng ở Nam Âu trong những tháng hè, trong khi các vấn đề của Bắc Âu lại hoàn toàn khác. Sự trao đổi sau đây nhấn mạnh tình trạng ở Bắc Âu, đặc biệt là ở Scandinavia - nơi mà không có gì đáng ngạc nhiên, sự bảo vệ về khí hậu là đối tượng được xử lí một cách đặc biệt. Các vấn đề ở Canada và những phần đất rộng lớn của Mĩ và Australia không khác nhau nhiều so với ở Bắc Âu và Trung Âu. Khí hậu và các mô hình hoạt động ngoài trời.
Ở Scandinavia mối tương quan giữa khí hậu và các hoạt động ngoài trời đã được đề cập trong công trình nghiên cứu về những hoạt động trên đường phố đi bộ ở Copenhagen vào giai đoạn từ tháng 01 đến tháng 7 [18]. Trong suốt thời kì này, từ mùa đông đến mùa hè, số khách bộ hành đã tăng gấp đôi và số người đứng đã tăng gấp ba như là kết quả của sự dừng lại dài và xảy ra nhiều hơn. Cũng trong thời gian đó, những sự thay đổi trong tính chất của các hoạt động có liên quan đến việc đứng đã được quan sát, như dừng lại để ăn, uống và ngắm cảnh đã tăng lên về số lượng. Những cuộc trình diễn, trưng bày triển lãm và các hoạt động khác mà trên thực tế vốn không tồn tại trong suốt mùa đông đã đóng vai trò to lớn trong toàn bộ mô hình hoạt động vào những tháng ấm nhất. Cuối cùng, các hoạt động ngồi mà ở nhiệt độ zero tuyệt đối trong thời kì lạnh nhất đã tăng vút lên khi nhiệt độ xung quanh những ghế băng riêng lên tới khoảng 10oC (50oF). Nói tóm lại, trong tháng 01 (ở nhiệt độ + 2oC/36oF) hoạt động của người được phân bố khoảng 30% đứng và 70% chuyển động, trong khi vào tháng 7 (ở nhiệt độ + 20oC/68oF) đa số hoạt động (55%) là đứng. Các đường phố đi bộ đã có sự thay đổi tinh tế thành những đường phố sử dụng chủ yếu là để đứng và ngồi. Sự nghiên cứu những điều kiện khí hậu và tiện nghi ở San Francisco do Peter Bosselmann tiến hành [5] đã phát hiện sự tương tự thú vị giữa tình hình ở San Francisco và tình hình ở Scandinavia: Phần lớn thời gian người ta cần có nắng trực tiếp ở ngoài trời và bảo vệ khỏi gió để được thoải mái. Trong tất cả các ngày, trừ những ngày ấm áp nhất, các công viên và quảng trường bị gió quét hoặc có bóng râm che thì hầu như vắng 179
Bảo vệ về mặt khí hậu và quy hoạch địa điểm.
Mặt bằng địa điểm có thể cải thiện hoặc làm xấu hơn rất nhiều các điều kiện khí hậu địa phương. Gió có xu hướng đi đường vòng trên khu nhà thấp, xây dày đặc, nhưng bị cuốn hút, hướng xuống thấp và được tăng cường do có toà nhà cao được bố trí độc lập.
Ở khu vực xây dựng khá nhiều nhà thấp, số giờ có thể ở lại ngoài trời trong năm có thể dễ tăng gấp đôi so với khu đất mở xung quanh.
Khí hậu xung quanh các toà nhà phát triển theo chiều cao nói chung khá nghiêm trọng so với ở khu đất xung quanh được khai thác. Khu nhà ở cao tầng ở miền Nam Thuỵ Điển: Các tấm chắn gió phải được bố trí khắp nơi quanh các hộp cát để ngăn cát và trẻ em tránh cát bay.
tanh, trong khi những công viên và quảng trường có nắng chiếu và được che chắn gió thì được tận dụng triệt để. Trong khảo sát của mình về cuộc sống xã hội ở những không gian đô thị nhỏ của New York, William H. Whyte [51] cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ chống các bất lợi tiêu cực của khí hậu để bảo đảm những điều kiện có thể chấp nhận được cho các hoạt động ngoài trời. 180
Khả năng thực hiện quanh năm việc bảo vệ chống những điều kiện khí hậu xấu.
Trong những năm vừa qua, sự công nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa khí hậu, sự tiện nghi và các mô hình hoạt động đã lan rộng nhanh chóng trong khu vực thương mại, nơi mà những trung tâm mua sắm, các cửa hàng lớn, những khu sảnh của khách sạn, các nhà ga đường sắt và những nhà ga cuối tuyến bay được kiểm soát an toàn về điều kiện khí hậu như một điều tất nhiên. Một điều tương tự được thấy trong khu dân cư, nơi mà trong một số chỗ đã có cố gắng để tạo ra các không gian công cộng nhằm mục tiêu sử dụng quanh năm. Sự quan tâm đến việc tạo ra những điều kiện cải thiện chất lượng trong các không gian khác của đô thị cũng đã tăng lên trong những năm vừa qua. Các ấn phẩm và những cuộc hội thảo do Tổ chức “Livable Winter Cities” (Các thành phố mùa đông thích hợp với cuộc sống) của Canada và Scandinavia khởi xướng là những ví dụ [42]. Tuy nhiên, các ví dụ tốt khác thì vẫn còn cực kì hiếm. Phải rất lâu nữa mới có tiêu chuẩn để thấy những điều kiện khí hậu không thuận lợi đúc kết từ việc quy hoạch không thận trọng.
Bảo vệ khỏi những điều kiện khí hậu trong quy hoạch thành phố và quy hoạch địa điểm.
Nhiều vấn đề có thể tránh được nếu được nghiên cứu và triển khai một cách cẩn thận ở cấp quy hoạch thành phố và quy hoạch địa điểm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các nhân tố khí hậu khó chịu nhất. Ở Scandinavia, vấn đề chính bao giờ cũng là gió và cái mát mẻ kèm theo làm cho quy hoạch địa điểm có ý thức về khí hậu có tầm quan trọng sống còn. Ở Đan Mạch, các ngôi nhà truyền thống trong những thành phố cũ đều thấp, được xây ghép với nhau dọc theo các đường phố hẹp, với những sân trong đằng sau các toà nhà cao. Khi gió Tây gặp những công trình thấp này, phần lớn gió thổi theo lối trên các công trình đó. Đồng thời, nắng được chú ý và khai thác, bởi vì các nhà đều thấp và các không gian ngoài trời thì nhỏ và được hướng về phía Mặt Trời. Ở những thành phố này khí hậu địa phương tốt hơn nhiều so với vùng nông thôn mở xung quanh và số giờ mỗi năm người ta có thể ở ngoài trời thoải mái là nhiều hơn nhiều. Về mặt khí hậu, những thành phố này “đã di chuyển” được hàng trăm kilomet xuống phía Nam do thiết kế thích hợp. Trong những dự án xây dựng mới chẳng hạn, khu vực nhà ở cho từng gia đình được trải rộng và nhất là quanh các toà nhà ở cao tầng thì khí hậu xấu hơn rất nhiều. Khí hậu trong các khu vực ngoài trời ngay trước mặt những toà nhà cao tầng xấu hơn nhiều so với khu đất mở xung quanh. Điều đó 181
đặc biệt đúng đối với các toà nhà cao tầng phải chịu gió mạnh ở độ cao 20, 30 và 40m so với mặt đất và hướng gió đi xuống bề mặt làm cho mọi thứ và mọi người phải chịu cái rét căm căm và gió bay ra khỏi những hộp cát. Nếu như khí hậu ngoài trời và các cơ hội ở lại ngoài trời trong thành phố nhỏ truyền thống của Đan Mạch có thể so sánh được với những khả năng xung quanh các toà nhà cao tầng mới thì chẳng có gì lạ khi thấy “mùa hè” (hay là mùa ngoài trời) trong dự án xây dựng nhà thấp liên kết, dài hơn hai tháng so với những toà nhà cao tầng gần đó [44], và thành phố nhà thấp có thể có gấp đôi số giờ ngoài trời hằng năm so với thành phố nhà cao tầng. Trong nhiều thành phố Mĩ và Canada, những điều kiện gần như Bắc cực đã được tạo ra do sự sắp đặt không thận trọng và thiết kế chi tiết các toà nhà cao tầng. Trong công trình nghiên cứu Mặt Trời, Gió và Tiện nghi [5], ngoài việc chỉ rõ tác động của bóng không mong muốn, Peter Bosselmann đã nêu tám ví dụ về sự xấu đi của khí hậu do gió xung quanh những toà nhà cao tầng, trong đó có hiệu ứng ống, hiệu ứng góc và hiệu ứng khoảng trống. William H. Whyte [51] viết về các điều kiện ở New York đã chỉ rõ những kết cục. Bây giờ đã xác minh rõ là các toà nhà tháp rất cao đứng riêng có thể tạo ra những luồng gió rất mạnh hút xuống các sườn của chúng. Điều đó hoàn toàn không ngăn cản việc xây dựng những toà nhà tháp như thế với kết cục có thể đoán trước được là một số không gian sẽ không thể cư trú được thường xuyên. Chống những điều kiện khí hậu bất lợi trong quy hoạch chi tiết.
182
Như trên đã nói, cả quy hoạch thành phố và quy hoạch địa điểm đều có thể cải thiện hoặc làm xấu khí hậu địa phương nên sẽ tạo được tình trạng chung tốt hơn hoặc xấu hơn. Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng đối với sự thoải mái ngoài trời và những cơ hội để ở lại ngoài trời là vi khí hậu trong các khu vực ấy và trên bản thân những con đường đi bộ khí hậu trên và quanh ghế băng, nơi mà người ta muốn ngồi, hoặc khí hậu trên các vỉa hè, nơi người ta muốn đi dạo. Như vậy, điều quan trọng đối với các nhà quy hoạch là tổ chức những con đường đi bộ và các khu vực ở lại ngoài trời một cách tối ưu trong mối quan hệ với những nhân tố vi khí hậu riêng của mỗi nơi. Hơn nữa, những cố gắng phải được làm trên quy mô nhỏ để cải thiện tình hình bằng cách tạo ra tường chắn gió, cây hoặc hàng rào chắn gió và các khu vực có bao che cẩn thận.
Bằng những cách đơn giản, thông thường có thể tạo ra bầu không khí thú vị ngay ở chỗ cần thiết nhất.
Trải nghiệm thời tiết.
Mối quan hệ giữa các hoạt động của thành phố và thời tiết không phải được chuẩn bị một cách thoả đáng cho sự bảo vệ chống những điều kiện khí hậu không thú vị thông qua một phía. Bảo vệ để chống các tác động của khí hậu xấu là việc tốt, nhưng cũng cần có những cơ hội trải nghiệm thời tiết tốt và thời tiết xấu, những thay đổi theo mùa, v.v. nhất là khi có thể vì một cá nhân mà quyết định cho bản thân mình khi anh ta muốn làm như thế. Bất luận thế nào, trải nghiệm thời tiết thú vị khi có điều kiện cũng tốt.
Hưởng những mặt tốt của thời tiết.
“Chó dại và người Anh ra đi giữa nắng chính ngọ”. Hoàn toàn có thể hiểu được, người Anh đặc biệt yêu Mặt Trời. Người Scandinavia cũng thế. Sự yêu thích nắng như thế cũng có thể thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới - với tỉ lệ nào đó về mùa Xuân và mùa Thu. Mong muốn có thể hưởng những mặt tốt của thời tiết làm cho nó có tính chất quan trọng đối với việc xử lí các vấn đề về bảo vệ khí hậu một cách thận trọng. Ở Anh và Scandinavia, mùa Đông tối và mùa Hè ngắn với cây cối tươi tốt sau đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa các cư dân, Mặt Trời và tán lá cây xanh. Nếu có thể hưởng ánh nắng và cây xanh chỉ trong một thời kì ngắn thì sự thôi thúc làm như thế là rất lớn. 183
Ngày đầu Xuân (Edinburgh, Scotland)
Việc tôn thờ Mặt Trời là rất phổ biến trong những tháng đầu Xuân. Khi trời nắng rất nhiều thanh niên và người già sẽ tắm nắng. Mong muốn được tắm nắng phản ánh rõ trong việc chọn những đường đi bộ và trong việc bố trí người trong không gian; những người Bắc Âu tự động chọn chỗ dưới ánh nắng, thậm chí ở nhiệt độ mà người Italia chẳng hạn đã tìm đến bóng râm từ lâu. Sự quan tâm đến cây thân gỗ và cây nhỏ hơn, cây bụi một cách tận tâm đầy cảm kích có thể được ghi nhận như là một đặc điểm của người dân ở các nước Bắc Âu. Sau nửa năm, người ta đã vô cùng vui sướng khi những cây thân gỗ trụi lá nẩy lộc đâm chồi và đặc biệt đánh giá cao sự thay đổi theo mùa sau đó của hoa, cây bụi và cây thân gỗ. Ở các nước ấy, với mùa Đông dài và mùa Hè ngắn, cây cối tươi tốt, các vườn hoa và cuộc sống trong mối tiếp xúc chặt chẽ với đất sẽ đóng vai trò lớn hơn nhiều so với trường hợp ở Trung Âu và Nam Âu. Trong quy hoạch đô thị ở các nước này, cây xanh luôn đóng vai trò nổi bật. Giống như hầu hết các quảng trường của Scandinavia, quảng trường Anh thường có những cây thân gỗ, cây bụi, thảm cỏ và bồn hoa, trái ngược với quảng trường Nam Âu là nơi người ta thường không bố trí cây.
Kết luận
Sự bảo vệ tốt chống lại thời tiết xấu, phương cách hưởng thụ thời tiết tốt Khí hậu Bắc Âu và bản sắc văn hoá riêng kết hợp với nhau tạo nên một khu vực của thế giới có đặc trưng trong việc đồng thời bảo vệ khí hậu tốt trong điều kiện thời tiết xấu bằng cách hướng tới ánh nắng và các nhân tố khí hậu tích cực khi thời tiết tốt. Sự đánh giá tỉ mỉ có thể so sánh được và thiết kế chi tiết phải được ứng dụng cho những phần khác của thế giới, bắt đầu với các điều kiện khí hậu khu vực và những mô hình văn hoá địa phương. Điều này ít khi là
184
một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng bao giờ cũng là một nhiệm vụ quan trọng bởi vì ở hầu như tất cả các cấp, chất lượng của địa điểm có sự kết hợp chặt chẽ với điều kiện khí hậu để trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Có được một chỗ thú vị là vấn đề chất lượng thẩm mĩ.
Trải nghiệm những cái hấp dẫn ở trong không gian nhất định cũng là vấn đề thiết kế không gian, vấn đề chất lượng của những trải nghiệm có được bởi môi trường tự nhiên dù là chỗ đẹp hay không. Trong những thế kỉ xa xưa vấn đề liên quan đến thị giác và hình ảnh của thành phố, của không gian đô thị đã là đối tượng của rất nhiều tác phẩm. Trong số đó, Camillo Sitte với tác phẩm nổi bật City Planning According to Artistic Principles (Quy hoạch thành phố theo những nguyên tắc nghệ thuật) viết năm 1889 [45] có đưa ra luận cứ có sức thuyết phục cho việc liên kết giữa chất lượng kiến trúc, sự trải nghiệm những cái hấp dẫn và việc sử dụng thành phố.
Ý thức về địa điểm.
Gordon Cullen đã chi tiết hoá khái niệm “ý thức về địa điểm” trong cuốn sách “Townscape (Cảnh quan đô thị) [10] của ông. Ông chỉ rõ sự biểu hiện thị giác đặc trưng tham gia như thế nào vào việc tạo ra cảm giác có ý thức về địa điểm và thông qua cái đó gây cảm hứng cho dân cư có mặt trong không gian. Cảm giác về chất lượng không gian đặc trưng trong các thành phố đi bộ cũ, chẳng hạn như ở Venice và nhiều quảng trường thành phố nổi tiếng của Italia, thể hiện qua cuộc
185
Ở lại lâu dài có nghĩa là đường phố sinh động. Mặc dù hoạt động “đến rồi đi” chiếm hơn 50% tổng số các hoạt động diễn ra trên 12 đường phố được khảo sát (hình 1), những hoạt động tại chỗ là các hoạt động đem cuộc sống lại cho đường phố.
sống trong không gian, khí hậu và chất lượng kiến trúc bổ sung cho nhau để tạo ra ấn tượng tổng thể không thể nào quên được. Khi tất cả các nhân tố cùng hội tụ như trong những ví dụ trên, cảm giác thoải mái về thể xác và tâm lí dẫn đến kết quả: cảm giác không gian này phải là nơi hoàn toàn thú vị.
Đồ thị cho thấy tần số và thời gian diễn ra của tất cả các loại hoạt động ngoài trời trên 12 đường phố nhà ở tại Waterloo và Kitchener, Ontario.
1. Số hoạt động ngoài trời
2. Thời gian trung bình diễn ra các hoạt động
3. Tổng số phút diễn ra hoạt động trên 12 đường phố A. Tương tác B. Ở lại C. Làm cái gì đó D. Chơi E. Khu vực tản bộ bên trong F. Đến và đi bằng chân G. Đến và đi bằng xe ôtô
186
Vì thời gian diễn ra của các hoạt động, hoạt động tại chỗ chiếm 90% toàn bộ thời gian trên các đường phố (hình 3)
Dưới: Quảng trường đường phố đặc trưng ở Toronto. Các nhà sát nhau vừa phải và có cổng nửa chung nửa riêng ngoảnh ra đường phố.
IV.7. Lề mềm
Có thể ở lại ngay các toà nhà hay chỉ có thể đến rồi đi.
Mục cuối này sẽ xem xét một cách đầy đủ những khu vực ở lại thoải mái như thế nào khi bố trí ở phía công cộng của các toà nhà và có ảnh hưởng đến cuộc sống giữa những công trình kiến trúc. Tất nhiên, các điều kiện cho đi bộ đến những toà nhà và từ những toà nhà đều tốt và thoải mái là điều quan trọng, nhưng đối với phạm vi và tính chất của cuộc sống giữa các công trình kiến trúc thì những điều kiện cho các hoạt động ngoài trời kéo dài thời gian sẽ đóng vai trò quyết định. Công trình khảo sát đã được tiến hành vào mùa hè năm 1977 về những hoạt động đường phố trên 12 đường phố nhà xếp dãy và nhà xây ghép vào ở Kitchener và Waterloo (ở phía Nam Ontario, Canada) đã minh hoạ vấn đề này [20]. Công trình khảo sát bao gồm các đoạn của 12 đường phố, mỗi đoạn dài 100 thước Anh (mỗi thước Anh bằng 0,9144m gọi là yard, viết tắt là yd.). Hồ sơ được lập có ghi bao nhiêu hoạt động và các loại hoạt động gì đã diễn ra ở cổng vòm, ở sân trước nhà và trên bản thân đường phố trong suốt các ngày thường trong tuần. Hơn nữa, thời gian diễn ra từng sự kiện riêng cũng được ghi chép. Khi xem xét có bao nhiêu sự kiện đã diễn ra trên 12 đường phố (hình 1), người ta có thể thấy những hoạt động nào đòi hỏi đến và đi bằng chân hoặc bằng ôtô gồm 52% tổng số các hoạt động. Khi thời gian trung bình diễn ra các hoạt động cá nhân được xem xét (hình 2), có thể thấy những hoạt động “đến và đi” chính xác là những hoạt động diễn ra trong thời gian rất ngắn, trong khi các hoạt động tại chỗ khác nhau như ở lại, làm cái gì đó hoặc hoạt động vui chơi là những hoạt động được kéo dài hơn (Đối với hoạt động “đến và đi”, thời gian mà các khách bộ hành và những người lái xe ôtô có mặt trên đường phố là được tính đến - nói cách khác, thời gian dùng để đi bộ rời khỏi khu vực ấy hoặc thời gian mà những người lái xe ôtô dùng để đi bộ đến xe và từ xe của mình). Bức tranh chân thật về cuộc sống giữa các công trình kiến trúc ở những 187
đường phố chỉ được thể hiện rõ khi số hoạt động được kết hợp với thời gian trung bình diễn ra các hoạt động cá nhân (hình 3). Nếu số hoạt động và thời gian diễn ra hoạt động được kết hợp thì có thể thấy rằng nhiều hoạt động “đến và đi” chỉ chiếm hơn 10% một chút cho tổng thời gian ngoài trời, trong khi các hoạt động tại chỗ chiếm gần 90%. Chủ đề này đã được xem xét trước, nhưng được nhấn mạnh ở trong đoạn này thêm một lần nữa. Một số hoạt động lâu dài sản sinh ra một cách chính xác nhiều cuộc sống giữa những công trình kiến trúc cũng như nhiều cơ hội cho sự gặp gỡ giữa những người láng giềng, cũng như nhiều hoạt động ngắn. Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp các khả năng tốt cho sự dừng lại và ở lại bên phía công cộng của những nhà ấy. Nhu cầu về các không gian như thế được nhấn mạnh hơn nữa khi người ta nhìn kĩ hơn về kiểu hoạt động sẽ biến mất nếu chỉ những hoạt động “đến và đi” ngắn hạn được phép diễn ra. Từ xuất phát điểm này sẽ xem xét tiếp một loạt nhân tố vật chất mà có thể là quan trọng cho phạm vi và tính chất của các hoạt động ngoài trời xung quanh những kiểu khác nhau của nhà ở. Một số trong những nhân tố quan trọng nhất có thể được tổng kết thành ba điểm chính sau đây: - Dễ tiếp cận đi vào và đi ra; - Những khu vực ở lại tốt ngay trước mặt các nhà; - Làm cái gì đó, làm việc với cái gì đó ngay trước những mặt nhà ấy. Các toà nhà nhiều tầng - nhiều hoạt động đến và đi, nhưng ít những hoạt động tại chỗ.
188
Điều quan trọng là dễ đi vào và đi ra khỏi các nhà ở. Nếu khó đi từ trong nhà ra ngoài trời - chẳng hạn, nếu cần sử dụng cầu thang bộ và thang máy để đi vào và đi ra - số lần ra ngoài trời sẽ giảm xuống một cách dễ nhận thấy [19, 39]. Các cư dân trong những toà nhà nhiều tầng di chuyển đây đó, tất nhiên là đến tầng nhà mà họ đang ở. Điều đó tạo ra sự giao thông “đến và đi” tổng hợp, nhưng nhiều hoạt động tĩnh khác ở ngoài trời - nhất là các hoạt động ngắn hạn và tự phát - ít nhiều kết thúc bởi vì quả là phiền toái khi phải đi xuống và đi ra khu vực công cộng. Những khu vực ngoài trời ở vùng xung quanh các toà nhà nhiều tầng không có tính cách con người trong hầu hết các trường hợp do sử dụng đặc biệt mà bản thân hình thức cư trú gây ra. Những khu vực ấy có tính chất công cộng nhiều hơn. Các khả năng chơi khác nhau đã được xác lập cho trẻ em,
Chi tiết hoá nghèo nàn và sự liên kết lỏng lẻo bên trong nhà/ngoài trời làm giảm rất nhiều việc sử dụng không gian ngoại thất trong nhiều khu vực nhà ở nhiều tầng. Nói chung phải có nhiều quyết tâm và nỗ lực để khắc phục các chướng ngại vật được xây gắn vào. (Quang cảnh ngày chủ nhật, khu Tây Copenhagen).
nhưng như là nguyên tắc, ở đây không có rất nhiều cái cho người lớn. Ở đây những ghế băng có thể được cố định và có khả năng diễn ra việc đi dạo, nhưng ngoài ra không có gì hơn. Các cư dân thực tế sẽ bỏ việc sử dụng ghế, dụng cụ và đồ chơi của mình - đơn giản là vì có quá nhiều phiền toái trong việc đưa các vật đến và đưa ra khỏi đây trong mọi thời điểm. Trong những điều kiện ấy thì các hoạt động ngoài trời trở nên cực kì bị hạn chế cả về số lượng và cả về tính chất. Các công trình kiến trúc thấp - nhiều hoạt động tại chỗ “chảy” vào và ra.
Những nhân tố này giải thích tại sao hoạt động ngoài trời trước các công trình kiến trúc nhiều tầng thường rất bị hạn chế như thế, mặc dù trong thực tế có rất nhiều người ở trong những toà nhà này. Các cư dân đến rồi đi, nhưng nhiều hoạt động bổ sung có thể diễn ra mà không bao giờ có cơ hội phát triển. Xung quanh những nhà ở thấp tầng có lối vào thẳng nối liền với không gian ngoài trời, các sự kiện trong nhà ở và xung quanh nhà ở có những cơ hội để “chảy” vào và ra. Trái ngược tình trạng ở các toà nhà nhiều tầng, ở đây không cần người dân phải có nhiều quyết định và sự chuẩn bị để đi khỏi đây. Thật dễ “vọt ra” ngay để xem cái gì đang diễn ra ở ngoài trời, uống một tách càphê ngay ngoài ngưỡng cửa nếu có nghỉ chốc lát, v.v. Công trình khảo sát các đường phố gồm những nhà xếp thành dãy có sân trước ở Melbourne, Australia [21] cho thấy 46% trên tổng số những lần ở lại ngoài trời tại phía 189
Có thể ở lại bên các nhà hoặc chỉ là đến rồi đi. Hai đường phố song song ở Copenhagen. Trên: Đường phố có lề cứng, chỉ thích hợp cho việc đến và đi diễn ra thời gian ngắn Hình giữa và dưới: Đường phố có lề mềm, các hoạt động diễn ra nhiều gấp ba lần trong suốt một ngày bình thường so với hoạt động diễn ra trên đường phố nói trên [19].
190
Dòng chảy vừa phải của cuộc sống giữa các không gian chung và riêng (Đảo Sporenburg, Amsterdam, Hà Lan)
công cộng của các nhà chỉ diễn ra chưa đến một phút. Suốt cả ngày những cư dân này đã đi qua đi lại giữa các nhà ở, sân trước và vỉa hè. Đúng là dễ đi ra và do vậy cũng dễ đi vào lại nếu không có ai để trò chuyện hoặc không có gì muốn làm. Trong những điều kiện ấy, tất cả các hình thức ở lại ngoài trời đều được tạo những cơ hội tốt hơn đáng kể để phát triển. Sự kiện lớn hơn có thể phát triển một cách tự phát, với điểm xuất phát điểm chỉ là các cuộc đến chơi ngoài trời chốc lát. Liên kết các hoạt động trong nhà và các hoạt động ngoài trời - về mặt chức năng và về mặt tâm lí học.
Nhiều chi tiết trong thiết kế của nhà ở, của khu vực ngoài trời và của bản thân lối vào có thể là quan trọng đối với việc sử dụng không gian ngoài trời. Những nhà ở thấp là chưa đủ. Mặt bằng của nhà ở phải được thiết kế sao cho các hoạt động trong nhà này có thể "trôi chảy" thoải mái ra ngoài. Chẳng hạn, điều đó có thể hàm ý rằng phải có các cửa đi thẳng từ phòng bếp, khu vực ngồi ăn hoặc phòng sinh hoạt chung của gia đình đến khu vực ngoài trời ở bên công cộng của nhà. Khu vực ngoài trời, do đó cũng phải được bố trí sát ngay bên cạnh các phòng trong nhà ở. Bản thân lối vào phải được thiết kế sao cho càng dễ đi qua càng tốt cả về mặt chức năng và về mặt tâm lí học. Những hành lang giữa, các cửa đi định làm thêm và đặc biệt là những thay đổi về độ cao (tầng cấp) giữa trong nhà và ngoài trời cần phải được tránh. Các hoạt động trong nhà và những hoạt động ngoài trời như một quy tắc chủ yếu phải có cùng một độ cao. Chỉ lúc đó mới dễ cho các sự kiện chảy vào và ra. 191
Sân trước nửa riêng, ở Australia.
Ở những khu vực cũ hơn của các thành phố Australia như Melbourne, hầu như tất cả các nhà đều có sân trước nửa riêng với kích thước đầy đủ. Sân trước tạo cơ hội tốt cho việc ở lại và những vườn hoa rất nhỏ cũng chờ đợi người thỉnh thoảng chăm sóc. Những nhân tố này có sự đóng góp cho cuộc sống đường phố nhiều mặt và sinh động khác thường [21].
192
Ở một nơi nào đó để nghỉ lại ngay trước mặt nhà.
Một trong những lí do tại sao có tương đối ít hoạt động diễn ra trước mặt nhà trong nhiều khu vực nhà ở, chắc chắn là do thiếu những chỗ thích hợp để ở lại ngoài nhà, ở những nơi nên có chúng một cách tự nhiên nhất - từ lối vào hoặc ở những chỗ khác dễ đi vào cũng như dễ đi ra.
Những chỗ để ngồi ở gần cửa ra vào.
Ghế băng ngay cạnh cửa ra vào được bảo vệ khỏi bị mưa và gió, cùng với cảnh đẹp của đường phố, là cách đơn giản nhưng rất rõ ràng để ủng hộ cuộc sống giữa những công trình kiến trúc. Cửa ra vào được sử dụng nhiều lần trong ngày trong tất cả các tháng của năm. Nếu ở đây có một chỗ chào mời và thích hợp cho việc ngồi, kinh nghiệm cho thấy rằng nó sẽ được sử dụng rất nhiều.
Sân trước nửa riêng - những cơ hội tốt cho các hoạt động tại chỗ.
Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc có thể được hỗ trợ hơn nữa nếu các cơ hội cho việc ở lại ngoài trời có được dưới dạng sân trước được bố trí trong vùng tiếp giáp giữa nhà ở và lối vào. Sự có mặt của những sân trước như thế giữa nhà ở và đường phố có thể có ý nghĩa đối với các hoạt động ngoài trời và cuộc sống đường phố được minh hoạ trong công trình nghiên cứu đã nói trước đây được thực hiện ở Melbourne năm 1976 [21]. Dạng nhà ở truyền thống trong những khu vực cổ hơn của các thành phố Australia là các nhà thấp xếp thành hàng, có vòm cổng và sân trước nhỏ hướng về phía đường phố đi vào và sân sau riêng bên ngoài ở ngay sau nhà. Dạng nhà ở này có cả sân trước và sân sau tạo ra sự tự do có giá trị trong việc lựa chọn giữa việc ở lại phía công cộng của nhà và phía có tính chất riêng tư. Từ công trình nghiên cứu của Australia bao gồm 17 đường phố nhà xếp dãy, những sân trước đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động ở các không gian đường phố và những hoạt động ở lại ngoài trời và trò chuyện giữa những người láng giềng có các điều kiện thuận lợi đặc biệt được tán thành như kết quả trực tiếp của sự tồn tại các không gian nửa riêng ở ngoài trời trước mặt nhà ở. Trong những hoạt động được khảo sát ở bên công cộng của các nhà có 69% là các cuộc trò chuyện, 76% là tất cả những hoạt động thụ động ở ngoài trời (đứng hoặc ngồi) và 58% là các hoạt động tích cực ở ngoài trời (người ta làm cái gì đó - chẳng hạn như làm vườn) đã diễn ra ở cổng vòm, ở sân trước hoặc ở trên hàng rào giữa sân trước và vỉa hè. 193
Các khu vực nhà ở truyền thống của Toronto, Canada có đặc điểm ở chỗ những nhà thành phố có không gian sát với nhau, tất cả đều có cổng vòm tạo cơ hội ngồi thoải mái trước nhà ở. Bãi đỗ xe được hạn chế ở sân sau.
Khi các nhà mới được đưa vào khu vực cũ hơn, không gian bãi đỗ xe và gara phần nhiều tạo thành ranh giới ngăn cách đường phố. Bằng cách đó, các đường phố bị huỷ hoại, biến thành vành đai trắng hoàn toàn thiếu sức sống của đường phố.
Một số lớn những quan sát chi tiết hơn từ công trình nghiên cứu ở Melbourne nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sân trước đối với các cơ hội ở lại ngoài trời. Ở đâu sân trước nửa riêng có kích thước hợp lí và được thiết kế thuận tiện ở ngay trước nhà ở thì những cơ hội hiển nhiên cho việc sắp xếp các khu vực nghỉ ngơi thường xuyên, có hiệu quả với những mái nhà, tường chắn gió, ghế tựa tiện nghi, đèn, v.v. sẽ xuất hiện. Hơn nữa, trong các sân trước nửa riêng này có thể đưa được bàn ghế, những dụng cụ, radio, báo chí, ấm cà phê và các đồ chơi ra ngoài trời và để chúng ở đó đến lúc cần đến chúng vào lần sau. Công trình nghiên cứu này cũng minh hoạ tầm quan trọng của những chi tiết thiết kế. Sân trước cần có kích thước và thiết kế sao cho thích hợp với việc tạo lập không gian nghỉ ngơi tốt. Đa số sân trước ở Melbourne rất tốt về mặt này. Những nhà được bố trí cách vỉa hè ba đến bốn mét là quá đủ để bảo đảm kích thước chắc chắn cho sự riêng biệt của những người ngồi trước nhà, nhưng đồng thời cũng vừa đủ gắn chặt với đường phố để có thể tiếp xúc với các sự kiện diễn ra tại đó. 194
Những hành rào thấp ở phía đường phố quy định ranh giới rõ ràng cho khu vực nửa riêng ra phía đường phố cũng như tạo ra chỗ tốt để đứng nhìn ngắm đường phố một cách dễ dàng hoặc để tán gẫu với những người láng giềng. Một nửa các cuộc trò chuyện trên những đường phố đã nghiên cứu được diễn ra với một người tham dự ngồi cúi nghiêng về phía hàng rào. Tầm quan trọng của thiết kế chi tiết sân trước trở nên sáng tỏ khi người ta so sánh sân trước với vườn hoa đằng trước trong những khu vực khác. Ở Mĩ, Canada, Australia và nhiều nước châu Âu, trong các khu vực ngoại ô những nhà được tách riêng đều lùi cách vỉa hè 6 đến 8m. Sân trước được dùng để đỗ xe và làm bãi cỏ thoáng đãng, không có hàng rào ở phía đường phố. Với khoảng lùi 6 đến 8 m, cự li đến đường phố là quá lớn để có thể có sự tiếp xúc giữa khu vực gần nhà và những sự kiện diễn ra trên đường phố. Và ở đây không có hàng rào để đứng sát vào khi cư dân muốn nhìn xung quanh hoặc trao đổi cái gì đó với những người láng giềng. Đối với ngoại ô, phải ghi nhớ thêm rằng nếu các nhà quá phân tán thì không có những người láng giềng đi qua. Trong trường hợp đó cần bàn thêm về việc các nhà có sân trước nhà. Sân trước nửa riêng - có cái gì đó để làm (có điều gì đó để trò chuyện).
Các sân trước với không gian nghỉ ngơi và mảnh vườn nhỏ cũng có chất lượng quan trọng khác, trong đó bao giờ cũng có nhiều việc vặt đầy ý nghĩa để làm nếu người ta muốn ở lại trong một thời gian trước nhà. Đó là những việc chẳng hạn như tưới nước cho cây hoa, quét cổng vòm, cắt cỏ, sơn hàng rào - cũng có thể là các hoạt động đầy ý nghĩa - những việc hợp lí để làm trong khi người ta ở ngoài - và những lời giải thích hoặc lý do cho sự nán lại thêm ở ngoài trời. Sự nghiên cứu các sân trước ở Melbourne đã chứng minh rõ rằng làm vườn và duy tu bảo dưỡng nhà có thể nhân gấp đôi sự thú vị. Tưới nước cho cây hoa, quét vỉa hè, v.v. thường kéo dài hơn mức cần thiết. Nếu những người láng giềng đến gần, công việc sẽ được ngừng lại một cách vui vẻ để nhường chỗ cho việc tán gẫu một chút qua hàng rào. Rồi khi ai đó làm cái gì đó thì bao giờ cũng có một điều gì đó để nói: “Hoa hồng của bạn năm nay thật là đẹp”. Nghiên cứu khu vực những nhà xếp thành dãy có sân trước nửa riêng ở Canada, Australia và Scandinavia nhấn mạnh rằng thậm chí khu vực ngoài trời rất nhỏ được bố trí trực tiếp 195
Sân trước nửa riêng Galgebakken, Copenhagen. Ở Galgebakken, khu vực phát triển nhà ở công cộng Nam Copenhagen được xây dựng trong năm 1972 - 74, mỗi nhà ở có một sân trước nửa riêng và một sân sau riêng. Các xe ôtô đỗ ở góc khu vực. Toàn bộ giao thông bên trong đều là đi bộ (Các KTS A. & J. Ørum Nielsen, Storgaard và Marcussen).
Mặt bằng địa điểm tỉ lệ 1: 15000.
Bên trái: Mặt cắt và mặt bằng ngõ vào, biểu đồ giải thích và ảnh cho thấy mặt phía riêng. Dưới: Sân trước nửa riêng hướng về ngõ vào. Các sân trước hữu dụng giúp cho khu phát triển nhà ở này có 35% hoạt động ngoài trời nhiều hơn so với các dự án nhà ở mới [A] có thể so sánh được. (Xem cả trang 38).
196
trước nhà cũng có thể được sử dụng nhiều hơn nhiều so với khu vực nghỉ ngơi lớn hơn nhưng khó tiếp cận. Điều này không có nghĩa là những khu vực cho thể thao, các bãi cỏ xanh và những công viên thành phố bằng cách nào đó là thừa, mà có nghĩa là trong tất cả các trường hợp phải là các khu vực và các nguồn được đặt sang một bên để cung cấp những khu vực nghỉ ngơi “ngay lập tức”. Mấy mét của quảng trường được thiết kế tốt sát bên nhà ở sẽ gần như thường hữu ích nhiều hơn và được sử dụng nhiều hơn so với các khu vực cách xa hơn. Lề mềm trong những khu vực nhà ở mới.
Chính sách nhà ở công cộng mới đây ở Australia lại đưa vào khái niệm nhà thấp có sân trước nửa riêng - một khái niệm đã có tác động tốt trong 150 năm và đến nay vẫn còn hiệu lực. Những ví dụ minh hoạ cho chính sách ít có hiệu quả trước đây có thể thấy ở thông tin cơ sở (Melbourne).
Thừa nhận tính chất thường rất ngẫu hứng và không cố định của các hoạt động ngoài trời và những điều kiện vật chất có liên quan đến đường nét bên ngoài lẽ tự nhiên sẽ hữu ích nhiều cho việc quy hoạch tất cả các hình thức khu vực nhà ở mới. Một số luận cứ quan trọng nhất ủng hộ việc giữ mật độ hợp lí của nhà và mức độ thấp hợp lí có thể thấy được ở đây. Nếu như trẻ em được bảo đảm có những cơ hội tối ưu cho việc vui chơi và tiếp xúc với những trẻ em khác và nếu các nhóm dân cư bổ sung không chỉ được bảo đảm có những cơ hội tốt cho sự trải nghiệm và tiếp xúc, mà còn có nhiều khả năng nghỉ ngơi ngoài trời thì điều quan trọng là các sự kiện cho phép tuôn chảy vào nhà và ra khỏi nhà. Và điều quan trọng là những chỗ để nghỉ ngơi cũng như các cơ hội để tham gia hoạt động là có, ngay trước mặt nhà. Bằng cách này những sự kiện nhỏ ngẫu hứng có cơ hội phát triển. Từ rất nhiều sự kiện nhỏ, những sự kiện lớn hơn có thể phát triển. Ở Scandinavia, nơi mà các hoạt động nghỉ ngơi ngoài trời có tầm quan trọng đặc biệt bởi vì mùa hè ngắn, sự quan tâm đến các hình thức nhà ở mật độ thấp đang phát
197
Sân trước nửa riêng, Byker, Newcastle upon Tyne, Anh. Byker, Newcastle upon Tyne, 1969 - 80 (KTS Ralph Erskine). Bên phải: Bancông, hốc tường gần lối vào, chiếc ghế băng rất bé, vườn hoa nhỏ, “với cánh tay duỗi hết cỡ”, “từ cửa sổ nhà bếp” của láng giềng - những chi tiết đơn giản nhưng cực kì hữu ích. Dưới: Nếu lề của không gian công cộng có tác dụng thì không gian cũng thế. Vùng lề được thiết kế cẩn thận: cái sân thượng nhỏ, vườn hoa bé, cái ghế băng gần cửa ra vào và mành che giữa các đơn vị láng giềng.
triển, trong khi sự quan tâm đến những nhà ở nhiều tầng và những nhà ở riêng cho từng gia đình đang suy giảm. Các dự án xây dựng kiểu cụm nhà mật độ thấp tạo thành một phần chủ yếu của sản phẩm xây dựng nhà ở tại Đan Mạch. Những cơ hội cho việc ở lại ngoài trời tại phía công cộng của các kiểu nhà ở này đã được phát triển đáng kể so với những dự án nhà xếp dãy của các thời kì sớm trước đây. 198
Dự án nhà ở công cộng Krocksbäck đã xây dựng trong những năm giữa thập niên 1960 ở Malmö (Sverige) là một trong nhiều dự án đổi mới rộng rãi trong những năm giữa thập niên 1980. Đã có những nỗ lực đặc biệt có liên quan đến việc cải thiện không gian ngoại thất, lối vào, khu vực tầng trệt tiếp theo các toà nhà.
Galgebakken với khoảng 700 nhà xếp theo dãy để cho thuê đã được xây dựng vào những năm giữa thập niên 1970 ở phía Tây Copenhagen là một trong những ví dụ tốt nhất thuộc loại này của những dự án xây dựng nhà ở mới [12]. Các nhà ở được sắp xếp thành những nhóm từ 10 đến 20 gia đình, quanh ngõ vào rộng 3m (10ft). Giữa đường phố và các nhà có bố trí sân trước (nửa riêng sâu vào trong 4m (13ft). Sân trước được cư dân tự sắp xếp và trồng cây, đã chứng tỏ cũng rất quan trọng đối với những hoạt động ngoài trời. Dù tất cả các nhà đều có cả sân sau riêng và sân trước nửa riêng, trẻ em vẫn chơi ở sân trước dọc theo ngõ vào và hầu hết các hoạt động ngoài trời bổ sung đều diễn ra ở đây. Công trình nghiên cứu về những hoạt động ngoài trời từ những năm 1980 - 81 chứng tỏ rằng các cư dân sử dụng sân trước nhiều gấp đôi so với sân sau [19] (cũng xem cả trang 38). Thiết kế tỉ mỉ tương ứng của vùng chuyển tiếp, giữa bên trong và bên ngoài (trong nhà và ngoài trời) có thể thấy trong các dự án xây dựng nhà ở của Ralph Erskine tại Thuỵ Điển
Bên phải: Khối nhà trước khi cải thiện. Dưới: Khối nhà sau khi cải thiện. Dưới, bên phải: Khu vực lối vào và sân trước nửa riêng.
199
Lề mềm - trong tất cả các loại khung cảnh.
và Anh. Ghế băng bên cửa ra vào nhà, sân trước với nền đất cao nho nhỏ trước nhà xếp thành dãy và không gian nghỉ ngơi trực tiếp ngay trước cầu thang trong nhà ở nhiều tầng là những yếu tố thiết kế quan trọng góp phần tạo ra chất lượng cao của các dự án xây dựng nhà ở này. Lề mềm - các dự án xây dựng đang tồn tại.
200
Các nguyên tắc mà hiện nay đang được sử dụng rộng rãi trong xây dựng những khu vực nhà ở mới sẽ tự nhiên trở thành có thể áp dụng được để cải thiện các toà nhà hiện có. Trong những nhà thấp tách biệt, các thường có khả năng làm mềm các lề bằng cách thiết lập những khu vực nghỉ ngơi được thiết kế tốt trước mặt các nhà.
Ở nhiều cấp cũng có những khả năng cải thiện các điều kiện cho việc ở lại ngoài trời ngay cạnh những nhà nhiều tầng hiện có, dù là các điều kiện đi vào khó khăn giữa trong và ngoài ở một mức độ nào đó sẽ giới hạn việc sử dụng thực tế những cơ hội mới được cung cấp. Chẳng hạn như các sân trước nửa riêng với những chỗ nghỉ ngơi, những khu vực vui chơi và các vòng hoa có thể được thiết lập trước cửa vào đến mỗi cầu thang, cho các cư dân trên đoạn bậc cầu thang đặc biệt ấy. Ở nhiều chỗ, sự cải thiện như thế đã được thực hiện ở các khu vực nhà ở nhiều tầng hoàn toàn mới, chẳng hạn như ở những dự án xây dựng nhà nhiều tầng Krocksbäck và Rosengarden được xây dựng trong thập niên 1960 ở Malmö, Thuỵ Điển và đã cải thiện rộng rãi trong đầu thập niên 1980 trở đi. Trong dự án này và các dự án khác có thể so sánh được, đã có những nỗ lực để phân biệt các toà nhà ở với những khu vực lớn lộn xộn là chia rõ ràng thành các đơn vị nhỏ hơn. Sự phân chia ấy được ủng hộ bằng việc thiết kế ba hoặc bốn loại không gian công cộng khác nhau, định rõ là thuộc toàn bộ dự án xây dựng, thuộc một số toà nhà, thuộc lối vào cầu thang riêng hoặc thuộc các căn hộ tầng trệt. Trong cả hai dự án công việc đã hoàn thành để tạo cho những khu vực sát ngay bên cạnh các nhà có tính chất được xác định tốt hơn và thân tình hơn để cải thiện những cơ hội dừng bước và ở lại đúng ở nơi có cơ hội lớn nhất cho khu vực ngoài trời được sử dụng. Lề mềm - trong mọi loại khung cảnh.
Những nguyên tắc thiết kế nhằm phát triển các hoạt động tĩnh ngoài trời ở cấp nhà ở là có thể áp dụng cho rất nhiều sự xếp đặt nhà khác nhau và cho các chức năng đô thị. Bất cứ nơi đâu người ta đi bộ đến và từ các sự kiện của thành phố hoặc ở đâu mà các sự kiện trong nhà có thể có lợi từ những cơ hội đến ngoài trời, chắc chắn cần thiết lập mối liên kết tốt giữa bên trong nhà và ngoài trời kết hợp với những chỗ nghỉ ngơi tốt ở trước mặt nhà. Việc mở rộng các cơ hội như thế cho việc ở lại ngoài trời chính xác là ở nơi những hoạt động diễn ra hằng ngày chắc chắn có là đóng góp giá trị cho những sự kiện đã định và cho cuộc sống giữa các công trình kiến trúc trong dự án xây dựng, trong phạm vi láng giềng và trong thành phố.
201
Thư mục tham khảo
1. Abildgaard, Jørgen, and Jan Gehl. “Bystøj og byaktiviteter” (Noise and Urban Activities). Arkitekten (Danish) 80, no. 18. (1978): 418-28. 2. Asplund, Gunnar, et al. Acceptera. Stockholm: Tiden, 1931. 3. Alexander, Christopher, Sara Ishikawa, and Murray Silverstein. A Pattern Language. New York: Oxford University Press, 1977. 4. Appleyard, D., and Lintell, M. “The Environmental Quality of City Streets.” Journal of the American Institute of Planners, JAIP, vol. 38, no. 2. (March 1972): 84-101. 5. Bosselmann, Peter, et al. Sun, Wind, and Comfort: A Study of Open Spaces and Sidewalks in Four Downtown Areas. Berkeley: University of California Press, 1984. 6. Bostadens Grannskab. Statens Planverk, report 24. Stockholm, 1972. 7. “Byker.” Architectural Review 1080 (December 1981): 334-43. 8. Collymore, Peter. The Architecture of Ralph Erskine. London: Granada, 1982. 9. Crime Prevention Considerations in Local Planning. Copenhagen: Danish Crime Prevention Council, 1984. 10. Cullen, Gordon. Townscape. London: The Architectural Press, 1961. 11. “De Drontener Agora.” Architectural Design 7 (1969): 358-62. 12. “Galgebakken.” Architects’ Journal, vol. 161, no. 14 (April 2, 1975): 722-23. 13. “Gårdsåkra.” (Nya Esle, Esløv). Arkitektur (Swedish), vol. 83, no. 7 (1983): 20-23. 14. Gehl, Ingrid. Bo-miljø (Living Environment-Psychological Aspects of Housing). Danish Building Research Institute, report 71. Copenhagen: Teknisk Forlag, 1971. 15. Gehl, Jan. Attraktioner på Strøget. Kunstakademiets Arkitektskole. Studyreport. Copenhagen, 1969. 16. Gehl, Jan. “From Downfall to Renaissance of the Life in Public Spaces.”In Fourth Annual Pedestrian Conference Proceedings. Washington, D.C.: U.S. Government Printing Office, 1984, 219-27. 17. Gehl, Jan. “Mennesker og trafik i Helsingør” (Pedestrians and Vehicular Traffic in Elsinore). Byplan 21, no. 122 (1969): 132-33. 18. Gehl, Jan. “Mennesker til fods” (Pedestrians). Arkitekten (Danish) 70, no. 20 (1968): 429-46. 19. Gehl, Jan. “Soft Edges in Residential Streets.” Scandinavian Housing and Planning Research 3, no. 2, May 1986: 89-102. 20. Gehl, Jan. “The Residential Street Environment.” Built Environment 6, no. 1 (1980): 51-61. 21. Gehl, Jan, et al. The Interface Between Public and Private Territories in Residential Areas. A study by students of architecture at Melbourne University. Melbourne, Australia, 1977. 22. Goffman, Erving. Behavior in Public Places: Notes on the Social Organization of Gatherings. New York: The Free Press, 1963. 23. Hall, Edward T. The Hidden Dimension. New York: Doubleday, 1966. 24. Jacobs, Jane. The Death and Life of Great American Cities. New York: Random House, 1961. 25. Jonge, Derk de. “Applied Hodology.” Landscape 17, no. 2 (1967-68): 10-11. 26. Jonge, Derk de. Seating Preferences in Restaurants and Cafés. Delft, 1968. 202
27. Kao, Louise. “Hvor sidder man på Kongens Nytorv?” (Sitting Preferences on Kongens Nytorv). Arkitekten (Danish) 70, no. 20 (1968): 445. 28. Kjærsdam, Finn. Haveboligområdets fællesareal. Parts 1 and 2. Part 1 published by: Den kongelige Veterinær og Landbohøjskole, Copenhagen, 1974. Part 2 by: Aalborg Universitetscenter, ISP, Aalborg, 1976. 29. Krier, Leon. “Houses, Palaces, Cities.” Architectural Design Profile 54, Architectural Design 7/8 (1984). 30. Krier, Leon. “The Reconstruction of the European City.” RIBA Transactions 2 (1982): 36-44. 31. Krier, Leon, et al. Rational Architecture. New York: Wittenbom, 1978. 32. Krier, Rob. Urban Space. New York: Rizzoli International, 1979. 33. Krier, Rob. “Elements of Architecture.” Architectural Design Profile 49, Architectural Design 9/10 (1983). 34. Krier, Rob. Urban Projects 1968-1982. IAUS, Catalogue 5. New York: Institute for Architecture and Urban Studies, 1982. 35. Le Corbusier. Concerning Town Planning. New Haven: Yale University Press, 1948. 36. Lyle, John. “Tivoli Gardens.” Landscape (Spring/Summer 1969): 5 – 22. 37. Lynch, Kevin. Site Planning. Cambridge, Mass.: MIT Press, 1962. 38. Lövemark, Oluf. “Med hänsyn til gångtrafik” (Concerning Pedestrian Traffic). PLAN (Swedish) 23, no. 2 (1968): 80-85. 39. Morville, Jeanne. Planlægning af børns udemiljø i etageboligområder (Planning for Children in Multistory Housing Areas). Danish Building Research Institute, report 11. Copenhagen: Teknisk Forlag, 1969. 40. Newman, Oscar. Defensible Space. New York: Macmillan, 1973. 41. Planning Public Spaces Handbook. New York: Project for Public Spaces, Inc., 1976. 42. Pressman, Norman, ed. Reshaping Winter Cities. Waterloo, Ontario: University of Waterloo Press, 1985. 43. “Ralph Erskine.” Mats Egelius, ed. 2, Architectural Design Profile 9, Architectural Design 11/12 (1977). 44. Rosenfelt, Inger Skjervold. Klima og boligområder (Climate and Urban Design). Norwegian Institute for City and Regional Planning Research, Report 22. Oslo,1972. 45. Sitte, Camillo. City Planning According to Artistic Principles. New York: Random House, 1965. 46. “Skarpnäck.” Arkitektur (Swedish) 4 (1985): 10-15. 47. “Solbjerg Have.” Architectural Review 1031 (January 1983): 54-57. 48. “Sættedammen.” Architects’ Journal, vol. 161, no. 14 (April 2, 1975): 722-23. 49. “Tinggården.” International Asbestos Cement Review, AC no. 95 (vol. 24, no. 3, 1975): 47-50. 50. “Trudeslund.” Architectural Review 1031 (January 1983): 50-53. 51. Whyte, William H. The Social Life of Small Urban Spaces. Washington D.C.: Conservation Foundation, 1980. 203
Minh hoạ được sử dụng Ảnh: Aerodan (trang 84 dưới, 106 trên cùng, 107). Jan van Beusekom (142 trên, bên trái). Esben Fogh (138 bên phải) Ảnh C (58 trên cùng) Lars Gemzoe (10 dưới cùng, 20 trên cùng, 29, 40, 73 trên bên phải, 126 trên cùng, 142 dưới, 151 bên phải, 178 dưới, 186 giữa và dưới cùng). Sarah Gunn (130 trên cùng) Lars Gotze (49) Jesper Ismael (68) Các nhà nhiếp ảnh khác: (24 dưới cùng, 40 dưới, 88 trên, 90 trên, 118, 128 dưới, 136, 180 trên, 198 dưới). Jan Gehl: Tất cả những ảnh khác. Bản vẽ và biểu đồ: D. Appleyard và M. Lintell (trang 35), Le Corbousier (44), Christoffer Millard (42), Oscar Newman (62, 62), Dự án cho các không gian công cộng (36).
204
CUỘC SỐNG GIỮA NHỮNG CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC
Chịu trách nhiệm xuất bản BÙI HỮU HẠNH
Người dịch:
KTS. LÊ PHỤC QUỐC
Biên tập :
PGS.TS.KTS. NGUYỄN QUỐC THÔNG
Chế bản:
NGUYỄN HỮU TÙNG
Sửa bản in:
NGUYỄN QUỐC THÔNG LÊ PHỤC QUỐC
Trình bày bìa:
HS. NGUYỄN HỮU TÙNG
In 1000 cuốn, khổ 16 x 24cm. Tại xưởng in Nhà xuất bản Xây dựng. Giấy chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản số......... In xong và nộp lưu chiểu tháng 10 năm 2009 205