ĐỀ ÁN
DIỄN ĐÀN MÔ PHỎNG NGHỊ VIỆN TRẺ Viet Nam Youth Parliament (VNYP) 10/11/2016
Thời gian dự kiến: 15 tuần Địa điểm dự kiến: Hà Nội
1. Tóm Tắt Dự Án Dự án Diễn Đàn Nghị Viện Trẻ (VNYP) hướng tới xây dựng một diễn đàn chính thống và chuyên nghiệp dành cho giới trẻ để học tập, tìm hiểu về hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để những công dân Việt Nam trẻ nâng cao năng lực, kỹ năng nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cấp thiết của giới trẻ hiện nay. Hoạt động chính của VNYP sẽ bao gồm các buổi tập huấn, thảo luận nhóm, tranh luận, thuyết trình, các hoạt động ngoại khoá và một phiên họp toàn thể dựa trên hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Đối tượng thụ hưởng của dự án là sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Mục tiêu của dự án là giúp cho thế hệ trẻ nhận thức được quyền và nghĩa vụ công dân của mình, đồng thời tham gia tích cực hơn vào hoạt động xây dựng chính sách và luật pháp của đất nước.
2. Tính Khả Thi Của Dự Án Nâng cao tính hiệu quả của việc ban hành và thực thi luật, chính sách luôn là một vấn đề quan trọng trong công tác điều hành Nhà nước. Một thực trạng tồn tại ở Việt Nam là số lượng không nhỏ các luật và chính sách còn tỏ ra thiếu hiệu quả, không giải quyết được nhiều vấn đề của xã hội. Nhìn chung, sự thiếu hiệu quả của chính sách có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong các nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và thiếu quan tâm của công chúng. Dự án VNYP được thành lập với mong muốn đóng góp giải quyết một phần của vấn đề, tập trung vào nhóm dân số lớn nhất hiện nay của Việt Nam: thế hệ trẻ. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2011, 42% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 15 đến 25, chiếm tỉ lệ trọng áp đảo trong cơ cấu dân số cả nước. Để những chính sách của nhà nước được xây dựng và thực thi có hiệu quả, việc huy động sự đóng góp của nhóm dân số này là rất cần thiết. Việc hoạch định và thực thi các chính sách của Nhà nước nếu không thể phản ánh mong muốn và đáp ứng nhu cầu của giới trẻ sẽ gây lãng phí thời gian và các nguồn lực khác của quốc gia. Giới trẻ, dù trong hình thức xã hội nào, luôn là động lực của tiến bộ và phát triển. Vì vậy, những công việc chung của đất nước luôn cần sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, giới trẻ Việt Nam còn ít quan tâm tới việc đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách của đất nước. Thực trạng này xuất phát từ ba nhóm nguyên nhân chính: thiếu kiến thức và kỹ năng về chính sách và pháp luật; tâm lý thờ ơ, bàng quan trước những vấn đề của đất nước; và việc thiếu một diễn đàn /kênh thông tin chính thống để giới trẻ được nói lên tiếng nói của mình, đóng góp vào quá trình hình thành chính sách. Thứ nhất, giới trẻ Việt Nam hiện đã được trang bị tương đối đầy đủ các kiến thức về các ngành nghề nhưng vẫn còn thiếu kiến thức, kĩ năng cần thiết về chính sách công và các hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội - cơ quan đại diện của Nhân dân. Vì vậy, việc xây dựng một diễn đàn chính sách giúp nâng cao nhận thức của giới trẻ về chính sách và pháp luật là rất quan trọng và cần thiết. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho những công dân trẻ nói lên tiếng nói của mình và đóng góp các ý tưởng và kiến thức
trong việc cải thiện tính hiệu quả của các chính sách đối với giới trẻ nói riêng và của đất nước nói chung. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng dẫn tới sự thiếu quan tâm của giới trẻ là tâm lý tự ti rằng các kiến nghị và hành động của họ sẽ không được chú ý. Sự thờ ơ với các vấn đề chính trị xã hội trong nước của giới trẻ hiện nay là đáng báo động. VNYP sẽ trở thành một nền tảng giúp thế hệ trẻ Việt Nam củng cố sự hiểu biết, niềm tin và động lực trong việc tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội. Những người trẻ cũng sẽ hiểu hơn về những khó khăn trong công tác quản lý xã hội để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc, qua đó có những đóng góp mang tính xây dựng hơn. Một nguyên nhân khác hạn chế những đóng góp của giới trẻ vào quá trình hoạch định chính sách là việc thiếu các hình thức, kênh trao đổi hợp pháp, chuyên nghiệp và quy củ để người trẻ bày tỏ quan điểm của mình. Ở Việt Nam hiện nay, đã có một số tổ chức đại diện của giới trẻ như Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhưng chưa có một diễn đàn chính thống dành riêng cho thanh niên và tập trung vào việc khuyến khích thanh niên đóng góp cho chính sách của Nhà nước. Một số hoạt động khác của Quốc hội như tiếp xúc cử tri hay lấy ý kiến góp ý dự thảo luật chưa thuận tiện và chưa thực sự phù hợp với các điều kiện riêng biệt của giới trẻ (đặc biệt là sinh viên) như thời gian, cách thức tổ chức, địa điểm. Công tác truyền thông và quan hệ công chúng cũng chưa được chú trọng ở mức cần thiết để tạo được tiếng vang, sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Vì vậy, một diễn đàn như dự án VNYP nếu được gây dựng thành công sẽ làm phong phú thêm các hoạt động của Quốc hội hướng tới thế hệ trẻ, đồng thời giúp định hướng họ góp ý một cách hợp pháp, tích cực, và có tính xây dựng vào công tác hình thành và ban hành chính sách của Nhà nước. VNYP được kì vọng sẽ là diễn đàn chính sách chính thống đầu tiên dành cho giới trẻ. Trong tương lai, VNYP sẽ trở thành kênh thông tin hai chiều giữa Quốc hội và giới trẻ Việt Nam. Dự án sẽ tập hợp những vấn đề thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng để giới trẻ xây dựng đề xuất chính sách góp ý cho chương trình nghị sự của Quốc hội. Ở chiều ngươc lại, VNYP cũng là một phương tiện để Quốc hội phổ biến các giá trị của mình tới giới trẻ được nhanh chóng và sâu sắc hơn. Thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai không xa sẽ là những nhà lãnh đạo của đất nước và sẽ có trách nhiệm trong việc hoạch định chiến lược phát triển của quốc gia. Việc nâng cao năng lực và ý thức để những công dân trẻ chuẩn bị sẵn sàng cho các nhiệm vụ trọng đại là rất cần thiết. Vượt trên các mục tiêu cụ thể trước mắt, tầm nhìn của VNYP là đóng góp một phần vào nhiệm vụ quan trọng đó.
3. Mục Tiêu Của Dự Án Mục tiêu trước nhất của VNYP là giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, về hoạt động của Quốc hội, về các quyền và nghĩa vụ tham gia vào quá trình xây dựng luật và chính sách của công dân. Các thành viên của dự án sẽ hiểu biết thêm về tầm quan trọng của các hoạt động lập pháp trong quản lý và điều hành đất nước, được khuyến khích tham gia tích cực và thực chất vào các hoạt động bầu cử, tiếp xúc cử tri, góp ý dự thảo luật và các hoạt động khác. Xa hơn nữa, VNYP có mục tiêu cơ bản là khuyến khích giới trẻ Việt Nam quan tâm hơn đến các vấn đề của đất nước, tham gia tích cực vào việc giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Các đối tượng tham gia dự án sẽ được trang bị các kĩ năng và nền tảng kiến thức cần thiết để phát huy khả năng của mình, trở thành những công dân có trách nhiệm và trong tương lai không xa họ có thể trở thành cán bộ trực tiếp tham gia vào các hoạt động điều hành của Nhà nước. Nói một cách ngắn gọn, VNYP sẽ hoạt động
như một diễn đàn dành cho sinh viên, giúp các bạn trẻ nêu lên quan điểm cá nhân đồng thời đóng góp ý kiến vào quá trình giải quyết các vấn đề của đất nước.
4. Các Hoạt Động Chính Của Dự Án Sinh viên đại học, cao đẳng được lựa chọn sẽ tham gia vào một quá trình tập huấn gồm 03 giai đoạn. Hoạt động chính của giai đoạn đầu tiên là các buổi tập huấn kiến thức chung cho tất cả các 200 học viên. Nội dung tập huấn trải rộng từ chức năng, nhiệm vụ và quy trình làm việc của Quốc hội tới các vấn đề chính trị xã hội quan trọng của quốc gia. Ở giai đoạn này, dự án cũng sẽ tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng mềm, các chuyến thăm quan thực tế tới các cơ quan Nhà nước, và các chuyến tình nguyện phục vụ cộng đồng. Các hoạt động này được thực hiện đồng thời, có mục đích truyền cảm hứng và giáo dục các thành viên về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân. Các thành viên cũng được trang bị những kỹ năng cơ bản và kiến thức tổng quát về hệ thống pháp luật và hoạt động hoạch định và thực thi chính sách tại Việt Nam. Giai đoạn thứ hai là các buổi thảo luận sâu và các hoạt động nhóm. Mục tiêu chính của giai đoạn này là tạo cơ hội cho các thành viên áp dụng các kỹ năng và kiến thức đã học từ bước thứ nhất vào việc giải quyết và thảo luận các vấn đề quan trọng đối với giới trẻ. Hoạt động chính trong giai đoạn này là những buổi tọa đàm với các chuyên gia và các cuộc tranh luận giữa sinh viên trong đó các chuyên gia sẽ đóng vai trò cố vấn. Tuy các chuyến thăm quan thực tế sẽ được tiếp tục tiến hành đan xen, ở giai đoạn này học viên sẽ tập trung vào nhiều hoạt động chuyên sâu để thảo luận các vấn đề chung của đất nước. Sinh viên tham gia sẽ được chia thành 08 nhóm, mỗi nhóm sẽ tập trung nghiên cứu, thảo luận 01 chủ đề cụ thể. Những chủ đề này được lựa chọn theo khảo sát các đối tượng tham dự và dựa trên góp ý của các cố vấn. Một số chủ đề quan trọng sẽ được đưa vào chương trình như kinh tế, giáo dục, y tế, năng lượng/môi trường, giao thông vận tải/cơ sở hạ tầng, đối ngoại, khoa học công nghệ, và các vấn đề xã hội khác. Giai đoạn kết thúc của hoạt động đào tạo là phiên họp toàn thể được xây dựng theo mô hình Quốc hội Việt Nam với quy trình giản lược hơn, tập trung vào hoạt động thảo luận trả lời chất vấn và biểu quyết thông qua nghị quyết. Hoạt động chính của phiên họp toàn thể sẽ là các thảo luận xung quanh các vấn đề xã hội cấp bách mà giới trẻ Việt Nam đang quan tâm. Mục tiêu của phiên họp là thông qua một dự thảo chính sách trong đó trình bày những nghiên cứu, phân tích vấn đề và đưa ra giải pháp. Tất cả thành viên sau đó sẽ bỏ phiếu tán thành hay không tán thành dự thảo. Dự thảo hoàn chỉnh sẽ được gửi đến cơ quan đại diện của Quốc hội như một kiến nghị chính thức từ giới trẻ Việt Nam. Tóm lại, VNYP đặt mục tiêu tổ chức được các hoạt động chính như sau: ●
Tập hợp nhóm khoảng 100 sinh viên từ các trường đại học tại Hà Nội để tham gia vào chuỗi sự kiện tập huấn kéo dài 15 tuần.
●
Tổ chức 01 buổi tập huấn cho 100 học viên, phổ biến kiến thức về bản chất của nghị viện, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và một số các cơ quan của Quốc hội, và vai trò của đại biểu Quốc hội.
●
Tổ chức 03 buổi tập huấn các kĩ năng mềm bao gồm phân tích chính sách, diễn thuyết, truyền thông, làm việc nhóm và tư duy phản biện.
●
Tổ chức 03 chuyến đi thăm quan thực tế, bao gồm 02 chuyến thăm tới các cơ quan Nhà nước tại Hà Nội (Toà nhà Quốc Hội và Mặt trận Tổ quốc), 01 hoạt động tình nguyện phục vụ cộng đồng.
●
Tổ chức 08 buổi tọa đàm chuyên sâu với chuyên gia về 08 chủ đề quan trọng của đất nước. Các chuyên gia sẽ giúp các nhóm phát triển các đề xuất chính sách để trình bày tại phiên họp toàn thể vào giai đoạn cuối của dự án.
●
Tổ chức 01 phiên họp toàn thể với sự tham gia của toàn bộ thành viên dự án.
●
Thành lập mạng lưới các câu lạc bộ Nghị Viện Trẻ tại các trường đại học để phát triển phong trào và đặt nền móng cho hoạt động của các năm sau.
5. Kết Quả Mong Muốn VNYP hy vọng sẽ làm tăng số lượng người trẻ quan tâm tìm hiểu về các vấn đề thời sự và xây dựng chính sách của đất nước, biến VNYP thành một kênh chính thống và một công cụ nâng cao năng lực cho các bạn trẻ để đóng góp ý kiến của mình cho quá trình hoạch định, xây dựng, thực thi các chính sách và chương trình xã hội cụ thể của Việt Nam. VNYP sẽ trở thành một cầu nối quan trọng giữa Quốc hội và thế hệ trẻ, thông qua đó góp phần làm cho các chính sách đề cập hiệu quả đến các vấn đề giới trẻ quan tâm và phải đối mặt. Các bạn trẻ sẽ có thái độ tích cực hơn với các hoạt động của Quốc hội, tích cực đóng góp các ý kiến mang tính xây dựng. Điều này sẽ làm tăng uy tín, ảnh hưởng của Quốc hội đối với giới trẻ nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung. VNYP 2017 được kì vọng sẽ là mô hình diễn đàn trẻ hoàn chỉnh tạo nền tảng cho các dự án tương tự trong những năm tiếp theo.
6. Tính Bền Vững Của Dự Án Qua 15 tuần tập huấn, dự án được tổ chức truyền thông chuyên nghiệp sẽ có sức lan toả rộng rãi tới thanh niên, sinh viên trên toàn quốc. Đồng thời, sau khi dự án VNYP kết thúc, các đối tượng tham gia sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc đóng góp ý kiến vào các hoạt động của Quốc hội, từ đó sẽ có thêm động lực để đóng góp nhiều ý kiến hơn với các nội dung sâu sắc hơn. Với kiến thức và kĩ năng đã tiếp thu được thông qua các hoạt động của dự án, các bạn trẻ tham gia tuyên truyền rộng rãi tới bạn bè và người thân, động viên họ tham gia vào quá trình xây dựng chính sách. Các đại biểu Quốc hội tham gia vào dự án có thể giúp kết nối những nguồn hỗ trợ khác từ nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước cho hoạt động của VNYP nói riêng và các hoạt động của giới trẻ Việt Nam nói chung. Đặc biệt, phương án hợp tác với các cơ quan tổ chức về thanh niên sẽ rất khả thi.
7. Kế Hoạch Triển Khai Dự Án Giai đoạn 1 (Tháng 11/2016 – Tháng 12/2016) ●
Xây dựng đội ngũ điều hành dự án o o o o o
Tuyển chọn thành viên cho ban điều hành dự án Tuyển chọn cộng tác viên, tình nguyện viên Thành lập đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, xây dựng cơ cấu và cách thức làm việc Xây dựng kế hoạch chiến lược toàn diện của dự án Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết cho từng ban chức năng (nội dung, thiết kế, tổ chức sự kiện, tài chính…)
●
Truyền thông/Quan hệ công chúng o Xây dựng cổng thông tin điện tử chính thức, trang Facebook và kênh Youtube của dự án o Xây dựng quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng o Lên kế hoạch quảng bá tới những cơ sở giáo dục tiềm năng o Trả lời các thắc mắc liên quan đến các hoạt động của dự án
●
Tuyển chọn các thành viên tham gia dự án o o o o
Xác định các trường đại học có tiềm năng trong khu vực Hà Nội Kết hợp với các trường để khuyến khích sinh viên tham gia VNYP Mở đơn đăng kí tham dự qua các kênh truyền thông Duyệt đơn đăng kí, sắp xếp học viên vào các nhóm, và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2 (Tháng 01/2017 – Tháng 02/2017) ● ● ● ●
Dự án chính thức khởi động, tổ chức họp báo, lễ khai mạc, và tổ chức buổi giới thiệu định hướng cho những người tham gia. 01 buổi tập huấn về các hệ thống nghị viện trên thế giới và tại Việt Nam (Quốc hội Việt Nam, chức năng và cách thức làm việc). 03 buổi tập huấn kĩ năng mềm tập trung vào kỹ năng phân tích chính sách 02 chuyến thăm quan thực tế tới các cơ quan chính phủ tại Hà Nội và các chương trình công tác phục vụ lợi ích cộng đồng.
Giai đoạn 3 (Tháng 03/2017) ● ●
01 chuyến công tác cộng đồng. 08 buổi toạ đàm chuyên sâu với các chuyên gia kết hợp tổ chức các cuộc tranh biện giữa các bạn trẻ tham dự về các chủ đề như kinh tế, giáo dục, y tế, năng lượng/môi trường, giao thông vận tải/cơ sở hạ tầng, đối ngoại, khoa học công nghệ, và các vấn đề xã hội khác.
Giai đoạn 4 (Tháng 04/2017) ● ●
Phiên họp toàn thể mô phỏng phiên họp chính thức của Quốc hội và lễ bế mạc. Khảo sát về phản hồi của người tham dự và ban cố vấn.