tự chôn nó... Đóng những hôm qua lại, chúng đã bước mau về cõi chết. Để cho gánh nặng của ngày mai đè thêm vào gánh nặng hôm qua và hôm nay thì kẻ mạnh nhất cũng phải quỵ. Đóng chặt tương lai cũng như đóng chặt dĩ vãng lại. Tương lai là hôm nay... Không có ngày mai. Ngày vinh quang của ta là ngày hôm nay. Sự phung phí năng lực, nỗi ưu tư sẽ làm cho ta lảo đảo, nếu ta cứ lo lắng về tương lai... Vậy đóng kỹ những bức vách trước và sau đi, và luyện lấy tập quán "Đắc nhất nhật quá nhật nhất". Như vậy có phải bác sĩ Osler muốn khuyên ta đừng nên gắng sức một chút nào để sửa soạn ngày mai không?. Không. Không khi nào. Trong đoạn cuối bài diễn văn đó, ông nói rằng, cách hay hơn hết và độc nhất để sửa soạn ngày mai là đem tất cả thông minh, hăng hái của ta tập trung vào công việc hôm nay. Ông lại khuyên các sinh viên mỗi buổi sáng, mới thức vậy, đọc kinh "Lạy cha": "...Xin Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ..." Các bạn nhớ trong câu kinh đó chỉ xin cơm cho đủ ngày một thôi, chứ không phàn nàn về cơm ôi mà hôm qua đã phải nuốt đâu nhé. Mà cũng không xin: "Chúa thương con với. Mới rồi đã hạn hán dữ, mà còn có thể hạn hán được nữa - làm sao con có gạo ăn mùa thu tới đây được? - hoặc nếu mất việc thì con làm sao có gạo mà ăn?". Không, câu kinh đó chỉ cầu xin được cơm ăn cho đủ từng ngày mà thôi. Vì chỉ có cơm hôm nay mới là thứ cơm ta có ăn được. Hồi xưa, một triết gia, túi không có một xu, thơ thẩn trong một miền núi đá mà dân cứ sống rất vất vả. Một hôm, nhân thấy một đám đông quây quần chung quanh mình, trên một ngọn đồi, ông bèn đọc một diễn văn mà nhân loại đã trích lục nhiều hơn hết từ trước tới giờ. Trong diễn văn có câu này được lưu truyền muôn thuở: "Đừng lo tới ngày mai vì ngày mai ta phải lo tới công việc của ngày mai. Ta chỉ lo tới hôm nay thôi cũng đủ khổ rồi". Tôi xin nhắc bạn: Câu đó khuyên đừng "lo" tới ngày mai chứ không phải là đừng "nghĩ". Bạn cứ nghĩ tới ngày mai, cứ cẩn thận suy nghĩ, dự tính, sửa soạn đi, nhưng đừng lo lắng gì hết. Trong chiến tranh vừa rồi, các nhà chỉ huy tối cao của quân đội ta luôn luôn dự tính cho ngày mai và cả những ngày còn xa hơn nữa, nhưng họ không bao giờ vì vậy mà ưu tư cả. Đô đốc E.J.King chỉ huy hải quân Huê Kỳ nói: "Tôi đã đưa những khí giới tốt nhất cho những quân tài cán nhất và đã