8 minute read
Chuyển đổi số và tầm quan trọng đối với doanh nghiệp
Chuyển đổi số và tầm quan trọng
THU HUYềN
Advertisement
Đối với Doanh nghiệp
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, và trở thành chiến lược của nhiều doanh nghiệp bởi khả năng mang lại hiệu quả trong việc cải thiện năng suất lao động, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng…
Chắc hẳn các cụm từ như chuyển đổi số, số hóa, ứng dụng số hóa đã không còn xa lạ trong vài năm gần đây, thậm chí từ năm 2021 chuyển đổi số còn được coi là chìa khóa để phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ khái niệm về chuyển đổi số và phân biệt được sự khác nhau giữa các khái niệm trên.
Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại. Nó không chỉ tái tạo lại những phương pháp truyền thống mà còn có thể sáng tạo những phương pháp mới để đáp ứng những kỳ vọng thay đổi của thị trường.
Như vậy, chuyển đổi số sẽ không thể mang lại sự thay đổi đột phá nếu nó chỉ xảy ra ở một vài bộ phận đơn lẻ của doanh nghiệp mà phải diễn ra trên cả hệ thống nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn, từ bộ phận marketing đến sales, từ hành chính, văn thư đến kế toán, tài chính…., từ các cấp lãnh đạo cho đến cán bộ nhân viên đều phải hiểu và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Giới phân tích nhận định, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, đó không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu để doanh nghiệp có thể thực sự đứng vững trước thời cuộc.
Năm công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy chuyển đổi số là trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Blockchain.
sự kháC nhau giữa Chuyển đổi số và số hóa, ứng Dụng số hóa
Có thể nói, số hóa và ứng dụng số hóa chỉ là một phần quá trình của chuyển đổi số. Trong đó, số hóa được coi là bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số, mô tả việc chuyển đổi các thông tin, quy trình, dữ liệu, tài liệu từ dạng vật lý (giấy) sang định dạng số. Tại doanh nghiệp, số hóa có thể dễ dàng nhìn thấy dưới các hình thức như: scan tài liệu giấy và lưu chúng dưới dạng file mềm; chuyển đổi báo cáo giấy sang file kỹ thuật số như PDF; chuyển đổi checklist bằng
giấy sang checklist bằng ứng dụng; ghi âm thuyết trình hay cuộc gọi…
Ứng dụng số hóa chỉ các hoạt động ứng dụng các công nghệ số và dữ liệu đã được số hóa trước đó để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu suất công việc và giảm bớt thời gian cần thiết để thao tác công việc đã có từ trước; từ đó, đạt được các mục tiêu như tăng doanh thu của công ty hoặc nâng cao hiệu quả của các quy trình (như truy cập và lưu thông tài liệu). Các ví dụ về ứng dụng số hóa tại doanh nghiệp có thể kể đến như: phân tích số liệu thu thập bằng các thiết bị có liên kết với Internet để tìm các doanh thu mới; tải bản PDF của một báo cáo quan trọng lên ổ đĩa đám mây của công ty và chia sẻ nó với các nhóm liên quan để cho phép họ sử dụng dữ liệu trong công việc hàng ngày…
Nếu số hóa và ứng dụng số hóa được xem là bước đầu tiên và bước thứ hai, thì chuyển đổi số chính là bước thứ 3, là cấp độ cao nhất để giúp doanh nghiệp có thể bứt phá trong thời đại thương mại 4.0. Ví dụ: Mô hình vận hành đầu tiên của Netflix là cho phép khách hàng thuê video bằng cách chọn trực tuyến, sau đó, chuyển đĩa băng đó đến thẳng hộ gia đình của họ bằng đường bưu điện. Sau đó, doanh nghiệp này đã chuyển từ việc cho thuê đơn lẻ từng đĩa DVD thành đăng ký thuê trực tuyến và trả phí theo tháng. Bước đi này của Netflix đã tạo nên nhiều sự tiện lợi cho khách hàng, giảm thiểu hoàn toàn các khoản phí do trả muộn, đồng thời, quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp cũng được tinh gọn hơn. Ngày nay, với máy học và các công nghệ Big Data, Netflix còn có thể gợi ý những loại phim dựa vào lịch sử xem phim của người dùng, để cải thiện các trải nghiệm của khách hàng. Tương tự như vậy, nền tảng đầu tiên của Amazon là chuyển các quyển sách sang ebook, đến giờ với việc ứng dụng máy học (machine learning) Amazon đã trở thành một platform thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, FPT Telecom là 1 trong những câu chuyện chuyển đổi số điển hình. Công ty đã tiến hành phân công công việc tối ưu dựa vào năng lực, thời gian, vị trí địa lý của từng nhân viên dựa trên nền tảng AI cho 6.500 nhân viên kỹ thuật. Sau 12 tháng, giải pháp này đã giúp công ty tiết kiệm 65 tỷ đồng chi phí vận hành và nhân sự, tăng 27,6% năng suất lao động. FPT Telecom cũng ra mắt ứng dụng HiFPT cho phép khách hàng dễ dàng liên hệ, theo dõi, lựa chọn dịch vụ, từ đó cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh số.
Tầm quan Trọng Của Chuyển đổi số đối với Doanh nghiệp Trong Thời đại hiện nay
Chuyển đổi số đang dần trở thành chiến lược và mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp bởi khả năng mang lại hiệu quả to lớn trên nhiều khía cạnh, từ quy trình vận hành, mô hình hoạt động, chất lượng dịch vụ cho đến nhân sự, khách hàng…
Thứ nhất, trải nghiệm khách hàng là yếu tố dễ nhận thấy nhất trong cả quá trình chuyển đổi số, vì yếu tố này rất dễ đánh giá bằng cách sử dụng những phản hồi của khách hàng. Trong môi trường ngày càng cạnh tranh giữa các sản phẩm dịch vụ trên thị trường, khách hàng có xu hướng đòi hỏi ngày một tăng đối với trải nghiệm khách hàng. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới, sáng tạo hơn mà còn cung cấp các tương tác và trải nghiệm có ý nghĩa (ví dụ cá nhân hóa trải nghiệm) làm hài lòng khách hàng và thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu.
Thứ hai là trải nghiệm của nhân viên. Chuyển đổi số giúp nhân sự trong doanh nghiệp có thể tiếp cận các ứng dụng và thiết bị mới, hiện đại nhất mà còn có quyền truy cập vào lượng dữ liệu khổng lồ để theo dõi tất cả các loại chỉ số, như hiệu quả của quy trình, tỷ lệ chuyển đổi kênh, dữ liệu khách hàng, sự hài lòng của khách hàng và nhiều chỉ số khác. Chính những dữ liệu này sẽ phục vụ công việc tốt hơn, từ đó giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy khả năng sáng tạo của nhân viên.
Thứ ba, chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí. Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp doanh nghiệp tự động hóa các tác vụ và quy trình mà trước đây được thực hiện theo cách thủ công và rất tốn thời gian, ví dụ: Thu thập dữ liệu khách hàng, quản lý tài chính, quản trị công việc, nhân sự, lập báo cáo…, qua đó giúp tiết kiệm thời gian và lưu thông công việc nhanh chóng, giúp các cấp lãnh đạo dễ dàng trong việc ra quyết định hay sáng tạo ra các giá trị, chiến lược mới cho doanh nghiệp. Với rất nhiều lợi ích như vậy, chuyển đổi số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, cần thiết trong việc giúp doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh trên thị trường. Giai đoạn 2021-2025 được coi là giai đoạn của chuyển đổi số tại Việt Nam, không chỉ tại các cấp Bộ, ngành, địa phương mà còn đối với mọi doanh nghiệp. Do vậy, mỗi doanh nghiệp đều cần coi đây là vấn đề sống còn trong kỷ nguyên 4.0 nếu không muốn bị tụt lại phía sau.