8 minute read

Tìm giải pháp khôi phục nền kinh tế trong tình hình mới

Chính phủ và các địa phương tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch

LƯƠNG PHƯƠNG (tổng hợp) Dịch bệnh Covid-19 đã trải qua đợt bùng phát lần thứ 4 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Với sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt và tích cực của toàn Đảng, toàn dân, đến nay dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Trong tình hình mới, cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ, Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các Hội nghị, Tọa đàm nhằm tìm các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và từng bước khôi phục nền kinh tế. Đại diện Ban Lãnh đạo BIDV đã tham gia các chương trình này để trực tiếp tiếp cận những định hướng, chỉ đạo; đồng thời cũng đã có những ý kiến đề xuất để công tác triển khai được hiệu quả.

Advertisement

Chính phủ đối thoại Cùng doanh nghiệp

Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương. Hội nghị thảo luận về những giải pháp để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa chống dịch thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân. Một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lây lan ảnh hưởng, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Ngoài ra, còn có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo các Nghị quyết khác của Chính phủ như: chính sách về thực hiện linh hoạt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách tài khóa khác; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh...

Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ đang, sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”.

QuốC hội tham vấn Chuyên gia để phát triển kinh tế xã hội

Ngày 27/9, Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về

kinh tế - xã hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Diễn đàn là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý bày tỏ quan điểm chuyên sâu, độc lập, mang tính xây dựng của mình, nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng cuối năm 2021, cả năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022 đạt chất lượng, bền vững.

Liên quan đến chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, Quốc hội đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp hỗ trợ theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế, xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế; hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp…

Về giải pháp liên quan đến đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng muốn giải ngân đầu tư công hiệu quả thì trước hết phải chuẩn bị tốt đầu tư công, thực hiện giao vốn, đây là vấn đề quan trọng cho giai đoạn tới. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn để tăng thu ngân sách và thu hút được nhiều nhà đầu tư để tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả hơn.

Các chuyên gia cũng đề xuất với Quốc hội về sự cần thiết phải có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp. Trong đó, cần đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chuyển sang tăng trưởng xanh, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế; rà soát tăng cường năng lực quản trị quốc gia và năng lực thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời, chúng ta vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Với sự chung sức đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức.

ngành ngân hàng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn Cho doanh nghiệp

Ứng phó với diễn biến dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn chủ động điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, NHNN cũng sát sao chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đối với mỗi ngành nghề khác nhau, NHNN đều kịp thời họp bàn đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Cuối tháng 8/2021, NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Và ngay trong ngày 28/9 vừa qua, NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, trong đó có các hãng hàng không. Trước tình hình đó, Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí,...

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN -thì tổng dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm, với số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng và doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc BIDV - cũng chia sẻ: lãi suất cho vay với các doanh nghiệp hàng không là rất thấp, nếu cộng thêm các chi phí như bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc… thì margin là âm. Ông Trần Long cũng kiến nghị NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách tài trợ cho các hãng hàng không đang lỗ liên tục và chưa xác định rõ được khả năng trả nợ trong tương lai. Đây là khó khăn của ngân hàng khi tiếp tục cấp vốn, duy trì và gia tăng hạn mức cho các hãng hàng không.

Ngành Ngân hàng, huyết mạch của nền kinh tế, đang góp một vai trò quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển đất nước trong trạng thái bình thường mới. Trong tiến trình ấy, với trách nhiệm là một trong những Ngân hàng thương mại Nhà nước có bề dày hoạt động và uy tín trong cộng đồng khách hàng, BIDV đang nỗ lực cùng ngành ngân hàng và cả nước vượt qua đại dịch.

This article is from: