6 minute read
Thị trường liên ngân hàng: Bức tranh quý III và triển vọng quý IV/2021
THỊ TRƯỜNG LIÊN NGÂN HÀNG:
Xu hướng giảm đồng loạT Trong quý iii
Advertisement
Bức tranh quý III và triển vọng quý IV/2021
Đỗ Thế Tùng
Trong quý III/2021, thị trường liên ngân hàng đã chứng kiến bước giảm của cả ba biến số chính: tỷ giá USD/VND, lãi suất VND và lãi suất Trái phiếu Chính phủ. Diễn biến dịch bệnh trong nước phức tạp hơn dự kiến là nhân tố lớn nhất tác động lên sự thay đổi của chính sách điều hành, cung - cầu ngoại tệ, chênh lệch huy động vốn - tín dụng, cân đối ngân sách. Bước sang quý IV, khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại, dự kiến các biến số sẽ có xu hướng ổn định...
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND duy trì đà giảm 1% trong quý III về quanh mức thấp nhất kể từ năm 2017. Theo đó, VND là một trong những đồng tiền hiếm hoi trên thế giới tăng giá so với đồng USD trong quý III, cùng với đồng CNY của Trung Quốc. Trong bức tranh ảm đạm của kinh tế vĩ mô Việt Nam do tác động của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, sự vươn lên của sức mạnh đồng nội tệ trong nước là một điểm nhấn đáng chú ý.
Yếu tố tác động lớn nhất vào đà giảm mạnh của tỷ giá trong nước bắt nguồn từ điều chỉnh chính sách mua ngoại tệ kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại. Đầu tháng 8, NHNN đã chuyển từ mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng sang mua ngoại tệ giao ngay tại mức tỷ giá mua mới 22.750. Động thái này đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường liên ngân hàng khi vô hình chung thiết lập một ngưỡng “chặn” dưới mới cho tỷ giá. Có thể thấy, vai trò điều
Nguồn: Refinitiv, VBMA, Ban KDVTT tổng hợp
hành của NHNN ngày càng được thể hiện rõ nét theo hướng linh hoạt và bám sát thị trường hơn với những điều chỉnh gần đây. Qua đó, tỷ giá không chỉ biến động theo một chiều mà có thể linh hoạt tăng giảm, tùy thuộc vào bối cảnh nội tại trong nước cũng như quốc tế.
Cung cầu ngoại tệ duy trì thặng dư trên tổng thể cũng là điểm nhấn đáng chú ý góp phần hỗ trợ tỷ giá. Mặc dù các nguồn cung cơ bản như cán cân thương mại, FDI kém thuận lợi do yếu tố dịch bệnh (thể hiện qua con số thâm hụt thương mại 1 tỷ USD hay giải ngân FDI giảm tới 22% so với cùng kỳ), cung cầu ngoại tệ được bù đắp bởi các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, ước tính đạt khoảng 4 tỷ USD (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ), hay các giao dịch M&A, vay nợ nước ngoài lớn như FE Credit, Novaland, SHBFinance… (ước tính khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD).
Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất VND giảm khá mạnh khoảng 30-40 điểm, với kỳ hạn chính Overnight-1 tuần về quanh mức 0,6 - 0,8%. Chính sách tiền tệ của NHNN theo định hướng nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế thể hiện qua các giải pháp như đồng thuận kêu gọi 16 ngân hàng giảm lãi suất, ban hành Thông tư 14 để kéo dài thời hạn trả nợ cho khách hàng đến giữa năm 2022. Ngoài ra, thanh khoản trên hệ thống cũng trở nên dồi dào hơn nhờ dòng tiền đáo hạn thanh toán của giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn về NHNN trong 6 tháng đầu năm 2021, ước tính khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, cân đối huy động vốn - tín dụng cũng được cải thiện rõ nét do tăng trưởng tín dụng chậm lại và chậm hơn mức tăng của huy động vốn (ước tính khoảng 0,1-0,2%) do ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa giãn cách khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hạn chế hơn. Theo đó, nhiều ngân hàng thương mại đã có cơ sở để điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động nhằm giảm bớt áp lực chi phí đầu vào khi thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.
Nguồn: Refinitiv, Ban KDVTT tổng hợp
Trên thị trường Trái phiếu Chính phủ (TPCP), mặt bằng lãi suất thứ cấp các kỳ hạn chính có xu hướng giảm nhẹ về quanh mức 2,14% với kỳ hạn 10 năm và 2,4% với kỳ hạn 15 năm. Nguồn cung sơ cấp ổn định khi áp lực phát hành của Kho bạc Nhà nước là không quá lớn do thu chi ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm ghi nhận thặng dư cao hơn mức cùng kỳ các năm trước. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư vẫn có xu hướng tăng tích cực với kỳ vọng về xu hướng nới lỏng chính sách của cơ quan điều hành và cải thiện về thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Mặc dù vậy, tâm lý thị trường đã chuyển dịch thận trọng hơn trong các phiên cuối tháng 9 trong bối cảnh lãi suất TPCP Mỹ bật tăng mạnh sau phiên họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Triển vọng ổn định Trong quý iv
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trở lại khi các thành phố lớn tiến hành mở cửa, áp lực lạm phát tăng nhẹ song vẫn trong tầm kiểm soát, thị trường ngoại hối - tiền tệ liên ngân hàng dự kiến sẽ có xu hướng ổn định trong quý IV/2021.
Trên thị trường ngoại hối, áp lực tăng cho tỷ giá trong nước được đánh giá không lớn. Một mặt, cân đối cung cầu ngoại tệ dự kiến sẽ thuận lợi khi các nguồn cung cơ bản như cán cân thương mại, giải ngân FDI hồi phục dần theo quá trình mở cửa của nền kinh tế. Mặt khác, niềm tin vào giá trị của đồng nội tệ đang ngày càng lớn dần sau giai đoạn tăng giá mạnh của VND trong suốt giai đoạn vừa qua, làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ hay đô la hóa trong nước.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng được dự báo sẽ có xu hướng đi ngang là chủ đạo trước khi có đợt tăng nhẹ vào cuối năm. Chính sách tiền tệ của NHNN được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì nới lỏng do nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đây là động lực chính giúp duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp mặc dù có thể xuất hiện đợt tăng nhẹ vào cuối năm do nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt gia tăng và hoạt động tín dụng sôi động trở lại theo chu kỳ.
Đối với lãi suất TPCP, rủi ro dần gia tăng với các yếu tố bất lợi từ thị trường quốc tế như đà tăng của lãi suất TPCP Mỹ hay xu hướng tăng của giá cả hàng hóa khiến áp lực lạm phát trở nên kéo dài và khó kiểm soát hơn dự kiến. Ngoài ra, áp lực vay trong nước trong thời gian tới dự kiến sẽ lớn hơn khi vay nước ngoài từ vốn ODA ưu đãi đang gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch công bố gần đây, Kho bạc Nhà nước dự tính phát hành tổng cộng 135 nghìn tỷ đồng TPCP trong quý IV/2021, qua đó nâng tổng kế hoạch phát hành cả năm thêm 23 nghìn tỷ đồng, lên mức 373 nghìn tỷ đồng - giá trị lớn nhất từ trước đến nay. Mặc dù vậy, lãi suất được dự báo khó đảo chiều tăng mạnh trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn theo định hướng nới lỏng và thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng. Theo đó, mặt bằng lãi suất TPCP dự kiến đi ngang trong quý IV.