8 minute read

Triển vọng ngành ô tô và cơ hội của ngân hàng

Triển vọng ngành ô tô

Và Cơ hộI Của ngân hàng

Advertisement

Phòng nCKT - Viện Đào Tạo & nghiên Cứu

Trong 30 năm qua, ô tô là một ngành quan trọng đóng góp tích cực cho quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam. Tiềm năng phát triển ngành ô tô là rất lớn nhờ định hướng, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; cũng như nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển nhanh, thu nhập người dân, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và còn nhiều dư địa phát triển.

Thị Trường ô Tô Tại việT nam

Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp (DN) sản xuất lắp ráp ô tô và 259 DN công nghiệp hỗ trợ ô tô, với tổng công suất 630 nghìn xe/năm. Bốn nhà sản xuất lắp ráp xe lớn là Thaco, Toyota, Hyundai và Ford hiện chiếm khoảng 75% thị phần toàn ngành; từ năm 2017, hãng Vinfast được thành lập và tham gia vào thị trường. Các DN phụ trợ, sản xuất phụ tùng Việt Nam mới chỉ đáp ứng ở mức độ đơn giản, khả năng cung ứng các loại thiết bị phức tạp/cao cấp như phụ tùng ô tô, chất bán dẫn, động cơ ô tô… còn hạn chế. Do đó, ngành ô tô Việt Nam hiện chỉ tham gia ở khâu lắp ráp cuối cùng, có giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô; các linh kiện, phụ tùng chính, có giá trị cao của ô tô phần lớn vẫn phải nhập khẩu.

Thị trường xe Việt Nam chủ yếu là xe lắp ráp trong nước, với tổng số xe tiêu thụ đạt 378 nghìn xe năm 2020, tương đương 60% quy mô sản lượng ngành. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của ngành trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8%/ năm. Năm 2021, do còn nhiều khó khăn, các hãng xe gia tăng khuyến mại, giảm giá để thúc đẩy doanh số tiêu thụ; nhờ đó, doanh số toàn ngành 6 tháng đầu năm 2021 hồi phục khá tốt, đạt hơn 166 nghìn xe, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó là xe ô tô nhập khẩu, đặc biệt từ các nước ASEAN khi mức thuế xuất nhập khẩu giảm về 0% từ năm 2018. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 105 nghìn ô tô nguyên chiếc, với tổng giá trị 2,3 tỷ USD, giảm 15% về số lượng và 22% về giá trị so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2021, khi ưu đãi cho xe lắp ráp trong nước đã hết hiệu lực, lượng xe nhập khẩu đã tăng trở lại, đạt 78 nghìn chiếc, giá trị 1,79 tỷ USD, tăng 92,1% về lượng và 94,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi từ Indonesia và Thái Lan (chiếm 80% tổng lượng xe nhập khẩu).

Triển vọng và Thách Thức

Thuận lợi lớn nhất là định hướng, cơ chế, chính sách của Nhà nước tiếp tục ưu tiên phát triển ngành ô tô trong dài hạn. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 về Chiến lược phát triển ngành ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 về quy hoạch phát triển ngành ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển ngành ô tô trở thành ngành công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Việt Nam đang bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%/năm; GDP bình quân đầu người đến 2025 đạt khoảng 5.000 USD; đến năm 2030 là 7.500 USD. Việt Nam cũng thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới; đến 2030,

Quy mô thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn nhỏ

tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng 55 - 60% dân số Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến rất gần tới thời điểm “vàng” - thời điểm bùng nổ về nhu cầu mua ô tô giai đoạn 2021 - 2025, tương tự như Malaysia năm 1998, Trung Quốc năm 2008, Thái Lan năm 2006, Indonesia năm 2010, Philippines năm 2013. Do vậy, nhu cầu ô tô được dự báo sẽ tăng cao trong giai đoạn tới.

Sự trỗi dậy của một số doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn thời gian gần đây (như Vinfast, Trường Hải…) với chiến lược đầu tư bài bản, đầu tư quy mô lớn dài hạn, ứng dụng khoa học công nghệ cao và bắt kịp xu hướng phát triển xe điện tương lai cũng góp phần tạo bước tiến lớn cho ngành sản xuất ô tô trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Mặc dù vậy, đến nay ngành ô tô Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng và còn một số tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, quy mô thị trường còn nhỏ và kém hấp dẫn so với nhiều thị trường ô tô trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Doanh số toàn ngành mới đạt 390 nghìn xe các loại, trong khi để đầu tư hiệu quả, mỗi dòng xe cần doanh số tối thiểu là 60 nghìn sản phẩm/năm.

Thứ hai, trình độ, công nghệ sản xuất ô tô của Việt Nam còn nhiều hạn chế; trong khi yêu cầu đòi hỏi trình độ sản xuất cao, hiện đại, hoạt động vận hành cần được thực hiện tự động hóa bằng robot thay vì sử dụng lao động giản đơn. Các sản phẩm ô tô hoàn thiện cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khắt khe về kiểu dáng, an toàn, khí thải tại các nước phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô Việt Nam khoảng 15 - 20%, thấp hơn so với mức 84% tại Thái Lan, 75% tại Indonessia, 80% tại Malaysia. Ngoài ra, linh kiện Việt Nam nội địa hóa được có giá thành cao gấp 2-3 lần so với Thái Lan và Indonesia, dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, hạ tầng giao thông còn hạn chế, quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không đồng đều, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư dành cho giao thông chưa nhiều; do vậy hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện giao thông, gây quá tải, ùn tắc tại nhiều thành phố lớn.

Thứ tư, áp lực cạnh tranh với sản phẩm ô tô thương hiệu quốc tế khi thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0% và thuế nhập khẩu xe từ EU với lộ trình cắt giảm thuế 7% mỗi năm và sẽ giảm về 0% trong vòng 10 năm tới (đến năm 2030).

Thứ năm, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm và vốn. Nhiều DN Việt Nam mới tham gia thị trường chưa có đủ kinh nghiệm và năng lực quản lý như các hãng xe nước ngoài. Bên cạnh đó, yêu cầu vốn phát triển doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô là rất lớn và dài hạn trong khi năng lực vốn của DN nội địa còn rất hạn chế. Theo tính toán, nguồn vốn để thành lập DN lắp ráp ô tô có quy mô 50 nghìn xe/năm có thể lên tới 5 nghìn tỷ đồng, chưa kể chi phí khấu hao, vận hành và bù lỗ trong thời gian đầu thành lập.

Tiếp vốn cho chuỗi giá Trị ngành

Như vậy, tiềm năng khai thác ngành ô tô là rất lớn trong trung và dài hạn. Do đó, khi kinh tế phục hồi tốt hơn và quy mô thị trường đủ lớn (đạt từ 800 nghìn đến 1 triệu xe/ năm), các ngân hàng có thể xem xét gia tăng tín dụng cho chuỗi giá trị ngành ô tô. Trong đó, cần tiếp cận và khai thác thị trường sâu hơn khi ngành ô tô đủ điều kiện để bước vào giai đoạn phát triển ổn định hơn, kết hợp bán chéo sản phẩm như bảo hiểm, quản lý tài sản....

Về sản phẩm dịch vụ, các ngân hàng cần hoàn thiện cơ chế cho vay mua ô tô theo hướng gia tăng khả năng kiểm soát khoản vay, hoàn thiện chính sách cho vay đa dạng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và thị trường; đồng thời, từng bước nghiên cứu thiết kế gói sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho ngành ô tô (gồm cả bảo hiểm) theo chuỗi giá trị từ sản xuất - thương mại - tiêu dùng ô tô và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành. Các nhà băng cũng cần nghiên cứu gia tăng hàm lượng sử dụng dịch vụ ngân hàng số phục vụ đối tượng khách hàng sản xuất, thương mại ô tô và khách hàng cá nhân, hộ gia đình mua ô tô thông qua tăng cường kết nối với các đại lý, hãng sản xuất xe trong nước và quốc tế.

This article is from: