6 minute read

Bước tiến quan trọng trong triển khai Khung quản trị dữ liệu toàn hàng tại BIDV

TìNH NGuyễN

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự bùng nổ của dữ liệu và tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, việc vận hành và gia tăng năng lực quản lý dữ liệu ngày càng trở nên cấp thiết nhằm đáp ứng mục tiêu: vừa tuân thủ các quy định, vừa gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.

Advertisement

Là một trong những ngân hàng thương mại có cơ sở dữ liệu lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, cùng với tốc độ tăng dữ liệu nhanh chóng trong quá trình chuyển đổi số, BIDV phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến chất lượng dữ liệu và công tác kiểm soát dữ liệu an toàn. Điều này đòi hỏi BIDV phải kịp thời thiết lập, hoàn thiện và vận hành khung quản trị dữ liệu tại ngân hàng. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay BIDV đã đặt những nền móng vững chắc cho việc vận hành khung quản trị dữ liệu, đặc biệt là sự hoàn thiện về mặt cơ cấu tổ chức tại Trụ sở chính trong hoạt động quản trị dữ liệu.

khung quản trị Dữ liệu theo thông lệ quốC tế

Khái niệm tài sản dữ liệu (Data Assets) đã dần quen thuộc trong các tổ chức hiện nay. Tài sản dữ liệu là bất kỳ thực thể nào có chứa dữ liệu, bao gồm các cơ sở dữ liệu, tài liệu, trang web… của tổ chức. Để quản lý các tài sản dữ liệu của tổ chức một cách chủ động, hiệu quả, đảm bảo tính chính xác, tin cậy và gắn với trách nhiệm giải trình của các đơn vị, cá nhân liên quan,... cần phải tổ chức quản trị dữ liệu một cách bài bản. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc xây dựng, triển khai khung quản trị dữ liệu logic và hợp lý giữa ba yếu tố: Con người - Quy trình - Công nghệ.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn của ngành và thông lệ tốt nhất trong các tổ chức tài chính toàn cầu lớn (như BCBS 2391, mô hình DCAM2, hướng dẫn của CBIRC3 về quản trị dữ liệu), khung quản trị dữ liệu của tổ chức được xác định gồm sáu thành phần

chính như sau: (i) Quyền sở hữu và tổ chức: Xác định cấu trúc tổ chức quản trị dữ liệu trên toàn ngân hàng, các cấp thẩm quyền, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan chính. (ii) Nguyên tắc / Chính sách / Quy trình / Tiêu chuẩn: Thiết lập ở cấp độ toàn hàng các chính sách và tiêu chuẩn, tuân thủ, các phương thức phê duyệt và các thói quen để thực hiện các quy trình quản trị dữ liệu, đảm bảo việc ra quyết định là đúng thẩm quyền ở tất cả các cấp của tổ chức. (iii) Kiến trúc dữ liệu và siêu dữ liệu: Xác định các nguyên tắc phân loại dữ liệu, miền dữ liệu, siêu dữ liệu và dữ liệu nghiệp vụ quan trọng trên phạm vi toàn ngân hàng để thực thi các quy trình, nhằm đảm bảo các thông tin về dữ liệu được kiểm soát, ý nghĩa của dữ liệu là chính xác, rõ ràng, và việc sử dụng dữ liệu là nhất quán, minh bạch, an toàn và bảo mật. (iv) Quản lý chất lượng dữ liệu: Thiết lập các năng lực về thiết kế quy tắc chất lượng dữ liệu, đo lường, quản lý vấn đề, phân tích nguyên nhân gốc và khắc phục dữ liệu để đảm bảo dữ liệu phù hợp với mục đích của nó. (v) Quản lý thay đổi và Văn hóa dữ liệu: Thiết lập các chương trình đào tạo và truyền thông trên phạm vi toàn hàng để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quản trị dữ liệu, cũng như nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, từ đó đảm bảo rằng các năng lực được đưa vào hoạt động của ngân hàng cần phải phù hợp với các mục tiêu và ưu tiên của đơn vị nghiệp vụ và toàn ngân hàng. (vi) Công cụ và Công nghệ: Thiết lập các năng lực cho phù hợp với các yêu cầu kiến trúc của hoạt động kinh doanh, dữ liệu và công nghệ trên toàn ngân hàng để nâng cao tính tự động hóa trong công tác quản trị dữ liệu và quản lý chất lượng dữ liệu.

Trong các thành phần trên, việc thiết lập một cấu trúc tổ chức toàn diện, thiết lập vai trò và trách nhiệm rõ ràng trong tổ chức quản trị dữ liệu là yếu tố mang tính nền tảng, là cơ sở quan trọng để có thể triển khai thành công quản trị dữ liệu trong một tổ chức.

những BướC đi vững ChắC trong quản trị Dữ liệu tại BiDv

Để thiết lập nền tảng ban đầu vững chắc cho việc triển khai các sáng kiến, các chương trình hành động nhằm nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, BIDV đã lựa chọn PwC là đối tác tư vấn thực hiện dự án “Tư vấn xây dựng Khung quản trị dữ liệu toàn hàng”. Đến nay, dự án đã hoàn thành việc triển khai lộ trình quản trị dữ liệu, trong đó xác định các sáng kiến về thiết kế và đưa vào vận hành khung quản trị dữ liệu.

Tháng 11/2020, BIDV đã chính thức thành lập Trung tâm Phân tích kinh doanh và Quản trị dữ liệu tập trung - đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm triển khai khung quản trị dữ liệu toàn hàng tại BIDV. Trên cơ sở kết quả từ Dự án, BIDV đã dần xây dựng và ban hành khung chính sách quy định về quản trị dữ liệu, bao gồm: Nghị quyết phê duyệt định hướng hoạt động quản trị dữ liệu giai đoạn 2021 - 2025, Hướng dẫn tạm thời về quản trị dữ liệu, Sổ tay hướng dẫn hoạt động quản trị dữ liệu.

Ngày 25/6/2021, BIDV đã chính thức thành lập Hội đồng Quản lý dữ liệu, ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng trên cơ sở đồng thuận cao của các đơn vị liên quan chủ yếu đến dữ liệu tại ngân hàng. Đây là cơ quan tham mưu cho Tổng Giám đốc và quyết định những nội dung được Tổng Giám đốc phân cấp về quản trị dữ liệu. Hội đồng này lần đầu tiên được thành lập tại BIDV, chịu trách nhiệm kiểm soát và thực thi các chính sách quản trị dữ liệu toàn hàng - đánh dấu sự hoàn thiện về mặt cơ cấu tổ chức để BIDV có thể triển khai khung quản trị dữ liệu theo thông lệ và có hiệu quả.

Với sự ra đời của Hội đồng Quản lý dữ liệu, BIDV kỳ vọng sẽ giải quyết được các bài toán cấp bách về dữ liệu như làm sạch, làm giàu dữ liệu, bảo mật dữ liệu, quản lý dữ liệu chủ,… Đây cũng là nền tảng quan trọng để vận hành khung quản trị dữ liệu hiệu quả, thông suốt, góp phần nâng cao chất lượng dữ liệu để có thể biến dữ liệu thành “vàng”, hướng tới mục tiêu đưa BIDV trở thành ngân hàng dẫn đầu tại Việt Nam trong quản trị và phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động kinh doanh, công tác quản trị điều hành và quản trị nội bộ, để thích ứng và cạnh tranh tốt trong kỷ nguyên số.

1 Các nguyên tắc tổng hợp và báo cáo dữ liệu rủi ro theo Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng 2 Mô hình đánh giá năng lực quản lý dữ liệu của Hội đồng quản lý dữ liệu doanh nghiệp - EDM 3 Ủy ban quy định bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc

This article is from: