8 minute read
Những sản phẩm dịch vụ số hóa “Made in BIDV”
TRANG YẾN
Advertisement
Từ năm 2015, Ban Định chế Tài chính (ĐCTC) tiếp nhận nhiệm vụ phát triển sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng ĐCTC. Với sự đồng hành của Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT), trong thời gian qua, Ban đã ra mắt một loạt các chương trình phần mềm, sản phẩm dịch vụ (SPDV) bắt nhịp xu hướng số hóa ngành tài chính ngân hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các khách hàng, khẳng định vị thế hàng đầu của BIDV trong việc cung cấp SPDV số cho khách hàng ĐCTC.
Song hành tạo nên những sản phẩm hành chính công ưu việt
Là ngân hàng đi đầu trong việc thực thi các chủ trương, chính sách về cải cách, đổi mới, phát triển nền kinh tế trên cơ sở quy định của pháp luật, BIDV đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thu chi Ngân sách Nhà nước, thu chi bảo hiểm xã hội là Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình, quy trình phối hợp thu chi gắn với ứng dụng công nghệ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của các ngành. Sự phối hợp tham gia chặt chẽ của Trung tâm CNTT trong quá trình này đã giúp cho việc cung cấp các SPDV hành chính công ngày một phát triển, củng cố uy tín của BIDV với các cơ quan quản lý nhà nước.
Năm 2015, khi Ban ĐCTC nhận nhiệm vụ phát triển sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng ĐCTC, chương trình phần mềm thu hộ Ngân sách Nhà nước đã trở thành “tấm áo chật”, các yêu cầu đổi mới, cải cách của ngành tài chính được đáp ứng một cách chắp vá, không đồng bộ, phụ thuộc vào nhà thầu. Để đảm bảo tính chủ động trong việc phát triển, cung cấp dịch vụ, Ban ĐCTC và Trung tâm CNTT đã quyết tâm tự xây dựng phần mềm mới, do BIDV làm chủ toàn bộ.
Nghiệp vụ thu hộ NSNN khá phức tạp, có nhiều yêu cầu đặc thù, ban đầu việc xây dựng phần mềm gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng với sự phối hợp sát sao, sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình Tài chính công đã ra đời, thay thế hoàn toàn cho chương trình của nhà thầu cũ. Sau hơn 5 năm song hành, Ban ĐCTC và Trung tâm CNTT đã mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho nghiệp vụ thu chi hộ Ngân sách Nhà nước tại BIDV: Dịch vụ được cung cấp đa kênh 24/7, nhiều tính năng tiện ích cho khách hàng và cán bộ tác nghiệp, tỉ lệ xử lý tự động cao, tốc độ xử lý ngày càng được cải thiện, giảm thiểu tối đa thời gian cũng như sai sót đối với cán bộ tác nghiệp; giúp BIDV đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Ngay năm đầu triển khai chương trình phần mềm mới (2016), số lượng giao dịch
thu Ngân sách Nhà nước qua BIDV đã đạt hơn 2,7 triệu giao dịch tăng 143% so với năm 2015. Năm 2020, BIDV đã chạm mốc 4,6 triệu giao dịch và 330 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 394% và 309% so với năm 2015.
Nhờ uy tín ghi dấu với cơ quan quản lý nhà nước, khi có kế hoạch điện tử hóa công tác thu chi hộ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tin tưởng lựa chọn BIDV là một trong các ngân hàng đầu tiên phối hợp triển khai. Tuy nhiên, do Bảo hiểm xã hội mới bắt đầu công tác hiện đại hóa hệ thống nên phải triển khai theo cách thức vừa nghiên cứu vừa đưa ra yêu cầu. Hiểu được đặc thù này của đối tác, Trung tâm CNTT đã sẵn sàng phối hợp với bộ phận nghiệp vụ xây dựng phần mềm theo mô hình Agile (phương thức phát triển phần mềm linh hoạt, được ứng dụng với mục tiêu là đưa sản phẩm đến tay người dùng càng nhanh càng tốt), là mô hình còn tương đối mới tại BIDV. Với sự phối hợp chặt chẽ, chỉ trong hai năm 2019 và 2020, BIDV đã trở thành ngân hàng tiên phong triển khai các cấu phần thu bảo hiểm xã hội trên các kênh thanh toán trực tuyến 24/7 qua BIDV e-Banking, Cổng giao dịch điện tử Bảo hiểm xã hội và tự động hóa việc quyết toán thu, trả lãi tiền gửi cho Bảo hiểm xã hội.
Đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng nướC ngoài
Nhóm công ty bảo hiểm, tài chính tiêu dùng có yếu tố nước ngoài chịu sự quản lí, giám sát chặt chẽ của quản lí vùng; yêu cầu về SPDV đa dạng, tiện ích với tiêu chuẩn kết nối điện tử hiện đại, luôn cập nhật công nghệ mới, an toàn bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là nhóm khách hàng đòi hỏi SPDV mang tính “tailor-made” rất cao. Với sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của Trung tâm CNTT, Ban ĐCTC đã cung cấp các SPDV có hàm lượng tự động hóa, số hóa cao cho nhóm khách hàng này; trở thành mũi nhọn cạnh tranh của BIDV trên thị trường. Trong đó, có thể kể đến dịch vụ thu hộ đa kênh và gạch nợ online qua kết nối điện tử MFT (Managed file transfer) cho Manulife, qua kết nối webservice cho AIA, qua kho dữ liệu thanh toán hóa đơn cho Metlife và qua SFTP (Secure File Transfer Protocol) cho HD Saison; chi hộ đa kênh qua webservice cho FE Credit…
Nhóm khách hàng là ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam lại có mô hình quản lý tương đối “cứng” với các yêu cầu chỉnh sửa về mặt hệ thống ứng dụng. Khi cung cấp dịch vụ thanh toán đa phương cho các đối tác này, yêu cầu tiên quyết là BIDV phải “tự chuyển đổi” để tương thích với các hệ thống core-banking khác nhau. Với các giải pháp tiên tiến hiện đại và vô cùng linh hoạt như: vừa kết nối webservice vừa kết nối API, ký số bằng chứng thư số công cộng hoặc chứng thư số của BIDV cung cấp; đồng thời không ngừng cải tiến về tính năng, tốc độ xử lý, tải năng hệ thống … BIDV đã chinh phục và ký kết triển khai dịch vụ với các ngân hàng toàn cầu “khó tính” nhất như: DB, Citibank, JP Morgan, MUFG, KEB HanaBank,…
Học hỏi để làm chủ các dịch vụ cho thị trường chứng khoán
Nghiệp vụ ngân hàng lưu ký giám sát là nghiệp vụ đặc thù, có yêu cầu phức tạp, đòi hỏi cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật cao. Năm 2019, khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra yêu cầu dịch vụ mới, chương trình phần mềm mua của nhà thầu khi đó không thể đáp ứng, đòi hỏi BIDV phải thay thế phần mềm mới. Tuy nhiên, chi phí mua phần mềm rất đắt đỏ, chưa kể các chi phí nâng cấp chỉnh sửa sau này. Mặc dù, tại thời điểm đó BIDV chưa có cán bộ nghiệp vụ, kỹ thuật phát triển dịch vụ chứng khoán nhưng Trung tâm CNTT vẫn ủng hộ đề xuất của Ban ĐCTC về việc tự xây dựng và làm chủ chương trình phần mềm này. Chương trình thực hiện theo mô hình Agile; nhóm cán bộ đầu mối đã luôn sát cánh từng bước tìm hiểu nghiệp vụ, kỹ thuật, thậm chí cán bộ Trung tâm CNTT còn sẵn sàng “nằm vùng” tại chi nhánh Hà Thành để quan sát công việc giao dịch hàng ngày. Sau hơn 1 năm, hệ thống chương trình phần mềm ngân hàng lưu ký giám sát (BIDV eTrust) đã ra đời - thời gian xây dựng tương đương với thời gian nếu thuê nhà thầu chuyên nghiệp thực hiện - là “trái ngọt” của sự hợp tác giữa ĐCTC và Trung tâm CNTT. Cùng với dịch vụ thu chi hộ điện tử đa kênh, BIDV @ securities, thanh toán bù trừ chứng khoán; dịch vụ ngân hàng lưu ký giám sát đã giúp hoàn thiện danh mục SPDV cung cấp cho thị trường chứng khoán, khẳng định vai trò ngân hàng dẫn dắt thị trường của BIDV. Mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Ban ĐCTC và Trung tâm CNTT được xây dựng và phát triển từ khi Ban ĐCTC nhận nhiệm vụ phát triển sản phẩm, là quãng thời gian rất ngắn so với chặng đường 30 năm hoạt động CNTT tại BIDV. Nhưng có thể nói, trong quãng thời gian này, Trung tâm CNTT đã ghi được dấu ấn sâu đậm trong các kết quả mà Ban ĐCTC đạt được về công tác phát triển sản phẩm.