6 minute read
Tài chính bền vững, xu hướng tất yếu và cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam
TàI chÍnh Bền Vững
Xu hướNg tất yếu
Advertisement
VÀ cơ hộI cho cÁc NgÂN hÀNg VIệt Nam
PHương AnH - ngọC AnH (tổng hợp)
Trong bối cảnh trái đất nóng lên, thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan, biến đổi khí hậu đang là chủ đề “nóng” được toàn thế giới quan tâm. Khi nhận thức về biến đổi khí hậu ngày càng được nâng cao thì vai trò của tài chính bền vững cũng được chú trọng như một đòn bẩy, thúc đẩy các hành động vì khí hậu và giải quyết các thách thức về tính bền vững.
Tăng Trưởng vượT bậc Trên Thị Trường qUốc Tế
Ủy ban Châu Âu định nghĩa tài chính bền vững là quá trình cân nhắc tích hợp những yếu tố môi trường (environmental), xã hội (social) và quản trị (governance) - gọi tắt là ESG - khi đưa ra quyết định đầu tư trong lĩnh vực tài chính. Sự tích hợp này giúp gia tăng các khoản đầu tư dài hạn vào các hoạt động và các dự án kinh tế có tính bền vững. Tài chính bền vững đã trở thành một phong trào được dẫn dắt bởi các cơ quan quản lí, các nhà đầu tư và các nhà quản lí tài sản và ngân hàng trên toàn cầu.
Giống như các danh mục sản phẩm tài chính thông thường, danh mục sản phẩm tài chính bền vững cũng rất phong phú, đa dạng, bao gồm các công cụ vốn, công cụ nợ, công cụ chia sẻ rủi ro, các khoản viện trợ không hoàn lại, công cụ hỗn hợp và các công cụ tài chính thay thế. Trong đó, trái phiếu/khoản vay Xanh - Green Bond/Loan chiếm đa số, đặc biệt là tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng.
Tài chính bền vững là xu thế diễn ra rất mạnh mẽ trong 2 năm gần đây trên thị trường nợ toàn cầu. Tổng giá trị thị trường nợ (trái
phiếu và khoản vay) bền vững từ năm 2007 đến hết tháng 6/2021 đạt 3.100 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt 824 tỷ USD và năm 2021 vượt 1.000 tỷ USD. Hơn 30 nghìn tỷ USD (tương đương với một phần ba tài sản toàn cầu) hiện đang được quản lý cùng với những cân nhắc về ESG. Tại châu Á - Thái Bình Dương, tài chính bền vững cũng được triển khai rất mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực trái phiếu xanh với tổng số phát hành gần 50 tỷ USD vào năm 2019. Trung Quốc dẫn đầu khu vực với gần một nửa số lượng phát hành, trong khi Đông Nam Á và Hàn Quốc là thị trường phát triển nhanh nhất ở khu vực này. Cùng với đó, xu hướng tín dụng xanh đã được nhiều ngân hàng tập trung triển khai, đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp các nước đang phát triển như Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng carbon thấp và giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
TiềM năng pháT TriỂn Trong Tương Lai
Tại Việt Nam, vào tháng 09/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố bản Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cho thấy nỗ lực đáng kể của cơ quan giám sát, quản lí ngân hàng trong quá trình hội nhập xu thế chuyển đổi ESG.
Chính phủ và các cơ quan quản lí ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam như NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng đang tích cực chuẩn bị các quy định, hướng dẫn về tín dụng và trái phiếu bền vững. Tháng 4/2021, SSC đã hợp tác với IFC, CBI (Climate Bond Initiatives) và một số tổ chức khác, chính thức giới thiệu sổ tay “Hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững”.
Bắt kịp với xu thế vận động phát triển của thị trường tài chính thế giới và khu vực, trong thời gian qua BIDV rất tích cực trong việc tài trợ cơ sở hạ tầng xanh, bền vững tại Việt Nam, triển khai các hoạt động ngân hàng liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Cụ thể, BIDV đã và đang triển khai các gói tín dụng xanh để tài trợ cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành phát thải carbon thấp và các lĩnh vực kinh doanh khác giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đến cuối quý 3/2021, BIDV đã tài trợ cho gần 1200 dự án xanh với tổng giá trị tài trợ khoảng 2,5 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng xanh của BIDV cũng rất đáng kể, bình quân từ năm 2018 đến năm 2021 là khoảng 67%/năm.
Ngoài ra, với năng lực tài chính, mạng lưới và uy tín của ngân hàng, BIDV hiện là đối tác lâu dài của nhiều tổ chức quốc tế trong việc ủy thác vốn tài trợ cho các dự án bền vững với tổng số tiền tài trợ lên đến gần 400 triệu USD. Tháng 5/2021, BIDV và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký kết Thỏa ước tín dụng Hạn mức tín dụng xanh SUNREF (bao gồm khoản vay dài hạn trị giá 100 triệu USD và khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 300.000 EUR cho BIDV) để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chỉ ra rằng các doanh nghiệp sử dụng tài chính bền vững và tài chính xanh có giá trị cổ phiếu tốt hơn và khả năng chống chịu tốt hơn trong đại dịch. Các nhà phát hành trái phiếu xanh châu Á cũng cải thiện điểm số hiệu quả môi trường trung bình hơn 30% trong hai năm sau khi phát hành trái phiếu. Có thể thấy, tài chính bền vững và tài chính xanh không chỉ là công cụ để giải quyết một cách hiệu quả các thách thức về tính bền vững mà còn mang lại rất nhiều lợi ích dài hạn cho bản thân doanh nghiệp và tổ chức. Hiện nay, tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, việc triển khai tài chính bền vững vẫn còn rất nhiều tiềm năng khai thác cho các ngân hàng thương mại. Đón đầu xu hướng này, BIDV hướng tới trở thành ngân hàng tiên phong tại Việt Nam tích hợp các tiêu chí ESG trong hoạt động ngân hàng và triển khai giao dịch tài chính bền vững phục vụ khách hàng.
BIDV và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký kết Thỏa ước tín dụng Hạn mức tín dụng xanh SUNREF
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11/2021 tại Glasgow, 147 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.