5 minute read
Xu hướng phát triển hoạt động thẻ tại các ngân hàng Việt
Xu hướng phát triển hoạt động thẻ
TạI các ngân hàng VIệT
Advertisement
ngUyễn LiêM
Với sự phát triển của các hình thức thanh toán mới và xu hướng tiêu dùng không tiền mặt của người dân, thị trường thẻ tại Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Theo đó, việc phát triển hoạt động thẻ sẽ tập trung vào đổi mới chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm khách hàng.
XU hướng Thanh Toán Trong hoẠT đỘng bán Lẻ
Trong thời đại ngày nay, các công nghệ số đã và đang có ảnh hưởng rất lớn đến các phương thức thanh toán trên thị trường. Có 2 xu hướng chính được dự báo sẽ tác động đến bức tranh hoạt động thanh toán trong tương lai gần. Thứ nhất là xu hướng phát triển mạnh của e-wallet (ví điện tử) và thanh toán QR. Hiện nay, có 2 hình thức ví điện tử đang tồn tại song song. Ví điện tử dùng để lưu trữ thẻ cho phép khách hàng số hóa tất cả các thẻ của mình lên ứng dụng (ví dụ: SamsungPay, Apple Pay,…) lưu trữ dưới dạng số (digital). Ví điện tử nạp tiền để sử dụng (ví dụ: Momo, ZaloPay, Moca) cho phép người dùng đăng ký tài khoản ví, liên kết đến một tài khoản/thẻ ngân hàng để nạp tiền và sau đó thanh toán từ tiền trên ví. Trong khi đó, hình
thức thanh toán QR - khi người dùng thanh toán bằng cách quét mã vạch QR mà không cần sử dụng tiền mặt khi mua sắm online hoặc mua sắm tại cửa hàng - là một hình thức thanh toán đang phát triển rất mạnh hiện nay.
Xu hướng thứ hai là thương mại di động (M-commerce) và giao dịch thời gian thực. Với sự bùng nổ của thiết bị di động cá nhân và công nghệ viễn thông, thương mại di động, hay còn gọi là M-commerce, là một mô hình kinh doanh cho phép các công ty và cá nhân phân phối hàng hoá và dịch vụ trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua các thiết bị không dây cầm tay như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Cùng với đó là sự phát triển của giao dịch thời gian thực để chỉ những nền tảng hoặc mạng lưới thanh toán mà giao dịch diễn ra gần như tức thì. Từ khâu khởi tạo, ghi nợ, ghi có tài khoản/thẻ đến thanh quyết toán đều chỉ mất vài giây.
Bên cạnh các xu hướng đang dần hình thành và tăng tỷ trọng trong thanh toán, việc ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí cũng là lựa chọn của nhiều tổ chức và ngân hàng. Việc áp dụng Open API, API sẽ giúp đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tiếp cận các tệp khách hàng khác nhau với chi phí tài chính và nhân lực hợp lý, thời gian phát triển sản phẩm được rút ngắn đáng kể. Các ứng dụng Biometric, AI, Big Data, Blockchain sẽ giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng. Một số quốc gia và các tổ chức lớn như Paypal, Visa, MasterCard đã nghiên cứu và hướng tới việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong giao dịch.
Thị Trường Thẻ TiềM năng Lớn
Với sự tác động của các hình thức thanh toán mới, thẻ tín dụng được dự báo vẫn duy trì vai trò; thẻ ghi nợ có xu hướng giảm ở thị trường phát triển nhưng vẫn giữ đà tăng ở thị trường đang phát triển, đặc biệt tại Việt Nam. Theo đó, việc phát triển các loại thẻ trong thời gian tới tập trung vào đổi mới chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm khách hàng. Các ngân hàng sẽ tập trung phát triển quy mô và chất lượng thẻ tín dụng. Tỷ lệ thẻ tín dụng/dân cư tại Việt Nam mới chỉ khoảng dưới 10%, rất thấp so với khu vực và thế giới. Số lượng thẻ ghi nợ (debit) vẫn chiếm đa số thẻ đang lưu hành.
Các loại thẻ sẽ phát triển theo hướng mở rộng công nghệ thanh toán và trải nghiệm khách hàng. Đối với thẻ vật lý, các ngân hàng sẽ ứng dụng công nghệ sinh trắc học trên chip của thẻ hoặc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để sản xuất thẻ, phát triển thanh toán không chạm (contactless). Thẻ phi vật lý sẽ phát triển gắn liền với quy trình phát hành ngay (instant issuance) để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Thẻ phi vật lý là loại thẻ không hiện hữu bằng hình thức vật chất, tồn tại dưới dạng điện tử và chứa các thông tin trên thẻ, được tổ chức phát hành thẻ phát hành cho chủ thẻ để giao dịch trên môi trường internet hay các ứng dụng di động. Thẻ phi vật lý có thể được tổ chức phát hành thẻ in ra thẻ vật lý khi chủ thẻ có yêu cầu.
Bên cạnh đó, hình thức thẻ được mã hóa (tokenization) sẽ phát triển cùng sự phát triển của các hình thức ví điện tử (ví lưu trữ, ví nạp tiền), các phương tiện thanh toán khác gắn liền với khái niệm IOT (internet vạn vật) như Mobile, kính, nhẫn…
Cùng với đó, xu hướng số hóa merchant mạnh mẽ, đặc biệt với các merchant nhỏ và vừa, sẽ hỗ trợ thị trường chấp nhận thanh toán tiếp tục khởi sắc, tạo điều kiện để phát triển các tính năng gia tăng đáp ứng hình thái thẻ vật lý và phi vật lý. Thẻ vật lý sẽ được phát triển các công nghệ đọc thẻ mới như NFC, MST để chuyển dịch sang thanh toán không tiếp xúc. Thẻ phi vật lý sẽ phát triển các công nghệ thanh toán QR, tap to phone để đáp ứng thanh toán mobile.
Với tiềm năng lớn như vậy, thị trường thẻ sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho các ngân hàng tại Việt Nam nếu các nhà băng có thể kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để tạo ra hệ sinh thái thanh toán thẻ, giúp khách hàng dễ dàng thanh toán một cách đồng bộ, liền mạch, từ hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến, cho đến nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ hành chính công. Xây dựng được hệ sinh thái đầy đủ, tiện ích và trải nghiệm liền mạch là vấn đề mang tính sống còn để ngân hàng duy trì và thu hút khách hàng.