Chuyện nghề ít biết của những người bảo vệ già Dù chẳng được đào tạo chuyên nghiệp, tuổi đời giờ cũng ở cái ngưỡng 60 hơn, công việc biết bao vất vả, buồn lo, trách nhiệm nặng nề, quyền lợi lại khiêm tốn… nhưng họ vẫn gắn bó với nghề bảo vệ. Không chỉ là công việc để mưu sinh, mà nhiều người chọn nghề này như một duyên nợ… Muôn vàn trăn trở Hàng tháng đều đặn nhận 6,7 triệu đồng tiền lương hưu với trợ cấp thương binh và nạn nhân chất độc da cam, vậy mà ông Hùng Thế Bảo, 68 tuổi chẳng để mình nghỉ ngơi. Vốn không ưa nhàn rỗi, đã hơn 10 năm nay, ông Bảo làm bảo vệ cho một cơ quan gần nhà với mức lương chưa đến 1,4 triệu đồng. “Phòng làm việc” của ông Bảo chỉ chừng chục mét vuông, kê vừa đủ cái tủ, chiếc giường nhỏ và một cái bàn, tất cả đều đã cũ. Chiếc quạt cây chạy ù ù chẳng đủ xua đi cái nóng bức, ngột ngạt. Ông Bảo vừa lau mồ hôi, vừa cười trừ: “Nóng quá, cũng đã có ý kiến xin cơ quan lắp cho cái điều hòa, họ đồng ý nhưng bảo tiền điện mình phải tự trả. Lương bảo vệ được hơn triệu, nếu phải trả tiền điện thì còn đâu. Nên thôi, đành chịu vậy!”. Với ông Bảo, công việc bảo vệ tài sản cố định trong cơ quan không vất vả lắm nhưng khoản trông giữ xe lại rất mệt. Xe cơ quan chẳng ghi vé bao giờ nên phải tự nhớ xe nào của ai, để ý số lượng xe đến, quản lý số lượng xe về để bàn giao lại cho ca trực tiếp theo. Cẩn thận là vậy mà vẫn bị những tình huống dở khóc dở cười. Có trường hợp báo mất xe, chuẩn bị gọi công an mới nhớ ra là cho bạn mượn. Trường hợp khác, gửi rửa xe ở quán nhưng quên, lại báo mất xe, công an lập xong biên bản mới tẽn tò nhớ ra. Ông Bảo lắc đầu: “Cái bệnh hay quên cán bộ nhân viên mắc nhiều lắm. Quên khóa cửa phòng, quên tắt điện, dập cầu dao... mình phải đi kiểm tra và nhắc nhở suốt. Đêm cũng chẳng được ngủ trọn giấc, nửa đêm phải tỉnh, đi kiểm tra các phòng, nếu mà bị cậy phá mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Phòng thường được trang bị ti vi, kém hơn thì một chiếc rađiô, nên nhiều người vẫn nghĩ công việc của bảo vệ nhàn hạ, được ngồi trong phòng xem ti vi, nghe đài, mà không biết rằng họ chẳng bao giờ được thoải mái tận hưởng những phút "nhàn nhã" ấy mà chốc chốc lại phải đảo mắt, quan sát, để ý và đi kiểm tra. Chưa kể đến những ca trực đêm là những lúc bảo vệ phải đối mặt với nhiều khó khăn, luôn trong tâm lý phải giám sát gắt gao, phải có những biện pháp phòng ngừa, xử lý
những tình huống trộm cướp hay phá hoại tài sản nhiều khi đe dọa tới tính mạng. Người bảo vệ là giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm tài sản và bảo vệ con người. Công việc vất vả, trách nhiệm lớn nhưng tiền lương nhận được lại chưa thật thỏa đáng. Không có mức lương quy định nào cho nghề bảo vệ nên mỗi nơi một khác tùy theo tính chất công việc cũng như thỏa thuận đôi bên. Trung bình lương bảo vệ chỉ khoảng 2 triệu đồng, thậm chí có nơi chỉ hơn 1 triệu, ở một số doanh nghiệp tư nhân mới được từ 3 đến 4 triệu. Với mức lương “ít ỏi” như vậy, phải là người có tâm, hoặc vì cuộc sống mưu sinh khó khăn mới chấp nhận gắn bó với nghề.
Dù có tuổi nhưng những người bảo vệ này vẫn luôn tận tụy với công việc.
Thầy Lại Đức Kế - Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: “Nhà trường trả lương cho bảo vệ hệ số 2,5, được hơn 2,8 triệu đồng trong khi nhiều nơi chỉ trả ở bậc lương thấp nhất 1,5. Tuy vậy, mức đó so với
thực tế công việc của bảo vệ trong trường là còn thấp. Nhưng không có biên chế cho bảo vệ, nhà trường phải tự cân đối ngân sách để trả lương nên dù muốn trả mức lương xứng đáng hơn cũng rất khó khăn”. Không chỉ lương thấp mà rủi ro cũng nhiều. Khi xảy ra mất cắp tài sản, mọi trách nhiệm đều đổ lên đầu bảo vệ. Mất những cái lặt vặt như bóng đèn, dây điện, quạt hay phích nước… thì số tiền đền còn nhỏ chứ để mất xe hay những thiết bị đắt tiền, bảo vệ phải đền có khi mấy tháng lương. Đồng nghiệp cũ của ông Bảo là ông Hoàng Tấn Phát, 63 tuổi, đã có 21 năm gắn bó với cơ quan. Trong từng ấy năm, ông Phát luôn cố gắng làm tốt công việc của mình, vậy mà vẫn bị "tai nạn" nghề nghiệp. Ngày cơ quan chỉ có một bảo vệ, mẹ vợ mất, ông xin nghỉ 2 ngày, để người khác làm thay. Đúng hai hôm đó cơ quan xảy ra mất cắp tài sản trị giá 3 triệu đồng. Ông cũng bị quy trách nhiệm, phải bồi thường một nửa, trong khi lương ông chỉ hơn một triệu. Ấm ức nhưng ông Phát vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, bỏ tiền túi ra đền. Từng làm Trưởng ban tuyển quân của thành đội, sau chuyển sang buôn quặng, làm ăn thuận lợi mua được cả ô tô chở hàng, vậy mà ông Phát lại chấp nhận đi làm bảo vệ, với mức lương khởi đầu 170 nghìn đồng (năm 1995). Ông ngậm ngùi: “Vì là cơ quan vợ, vợ cũng tác động nhiều nên mới nhận lời. Gắn bó đến nay đã 21 năm mà khi xin nghỉ chẳng được một chế độ gì. Bởi mình chỉ là nhân viên hợp đồng, làm công ăn lương mà thôi...” Ông Bùi Ngọc Minh (63 tuổi) làm bảo vệ một trường học cấp 3 trong thành phố cũng cùng chung nỗi ngậm ngùi như thế. Ông cười buồn kể, tháng trước, một lớp học trên tầng 3 cháy nổ thiết bị loa đài gây hỏa hoạn. Sự cố xảy ra vào cuối buổi chiều, lớp học lại khóa cửa. Đã được học công tác phòng cháy chữa cháy nên ông nhanh chóng ngắt cầu dao tổng, phá khóa phòng học. Khi cánh cửa phòng bung ra, khói đen sặc sụa, lửa bùng dữ dội, ông không ngần ngại ôm hai bình cứu hỏa lao vào đám cháy. Lúc đi ra, mặt mũi, quần áo ám khói đen kịt. Ông Minh vì trách nhiệm không quản nguy hiểm lao vào dập tắt đám cháy. Nhưng "lãnh đạo chẳng được một lời hỏi thăm, động viên. Họ coi đó là việc đương nhiên mình phải làm, là trách nhiệm của bảo vệ nên không có gì phải ghi nhận". Với 33 năm trong nghề, từng làm bảo vệ trong nhà máy, xí nghiệp nhà nước, nay chuyển sang làm cho khách sạn tư nhân, ông Đỗ Việt Tiến (60 tuổi) lại có tâm sự khác: “Làm cho khách sạn, công việc không vất vả như làm trong nhà máy, tiền lương cũng cao hơn, nhưng phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp. Chẳng mấy khi được câu chào hỏi lịch sự của khách mà lắm khi lại bị mấy thanh niên đáng tuổi con tuổi cháu nó xẵng giọng quát, ăn nói khó nghe. Bức xúc lắm nhưng vẫn phải nhịn.
Có khi gặp bọn say rượu, chúng lè nhè gây sự, mình không khéo là bị đòn oan.” Công việc bảo vệ thường chia theo ca kíp, nhưng số giờ làm việc ít cũng phải 12 tiếng một ngày. Tan ca về đến nhà, họ chỉ muốn lên giường đi ngủ để có sức cho ca trực tiếp theo. Áp lực về thời gian làm việc ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, tôi có ý dò hỏi nhưng đa phần họ đều lảng tránh, nghĩ đó là chuyện tế nhị, ngại không nói. Chỉ có ông Tiến là chịu mở lòng: “Già rồi, chuyện kia còn mặn mà gì nữa. Nhưng vợ chồng vẫn còn tình cảm, quan tâm lẫn nhau. Những đêm gió rét phải trực, nằm quấn hai cái chăn mà vẫn thấy lạnh, lại thương vợ ở nhà bị xoang với cước chân cước tay chắc chẳng ngủ được”.
Một “phòng làm việc” cơ sở vật chất còn thiếu thốn của bảo vệ.
Niềm an ủi Nghề bảo vệ đặc thù là vậy những tưởng gò bó và nhàm chán vậy mà những người bảo vệ già họ vẫn biết cách tìm thấy niềm vui cho mình.
Đó có khi chỉ đơn giản là những cuộc xôm tụ đầu giờ làm. Cán bộ, nhân viên thỉnh thoảng ghé phòng bảo vệ uống nước chè, hút thuốc lào, nhân thể “ăn cơm rau muống bàn chuyện quốc tế”, kết thúc mỗi cuộc tranh luận luôn là những tràng cười không ngớt, bắt đầu một ngày làm việc mới đầy hứng khởi. Hay cũng có khi chỉ là những ứng xử tôn trọng, thiện cảm của các cán bộ, nhân viên, một cái gật đầu chào, một nụ cười, đôi ba lời hỏi thăm có thể chỉ là xã giao thôi cũng đủ khiến những bảo vệ già cảm thấy ấm lòng. Chị Dương Thu Hiền làm việc tại UBND huyện Phổ Yên chia sẻ: “Mấy bác bảo vệ chỗ mình vui vẻ, cởi mở, có trách nhiệm và chẳng mấy khi gây khó dễ cho ai. Cơ quan cũng không phân biệt bảo vệ hay lao công, họ đều là nhân viên của cơ quan, lễ tết đều được thưởng, hè đến đều được đi nghỉ mát với cơ quan, cho cả vợ con và các cháu đi cùng”. bảo vệ ở đâu cũng có nhiều chuyện để kể, nhưng có lẽ bảo vệ trường học là "nhiều chuyện" hơn cả. Hồi đầu, mới về trường ngày nào cũng phải đương đầu với lũ “nhất quỷ nhì ma” luôn có lắm trò khiến ông Minh phát hoảng. Nhưng lâu dần, có kinh nghiệm, biết lựa tình huống mà xử lý. Có lần bắt được nhóm học sinh nam hút thuốc trong nhà vệ sinh, chúng nó năn nỉ xin tha rồi hối lộ ông bao thuốc lá đầy nguyên. Ông nào có hút thuốc lá, chỉ bắn thuốc lào thôi. Nhưng lần đầu nên ông tha, chứ lần sau có hối lộ cả cân thuốc lào ông cũng đem “nộp” cho Ban giám hiệu. Nói về những niềm vui trong nghề, ông Minh tâm sự thật lòng: lũ học trò chính là động lực để ông gắn bó với nghề. Ông bảo: “Không nghịch không phải học sinh, mình muốn nhắc nhở thì phải mềm mỏng, bảo ban theo kiểu cha chú. Chứ thái độ hách dịch, là chúng nó phản ứng ngay, thậm chí nhiều đứa cá biệt nó chửi thẳng vào mặt mình, chẳng nể nang gì. Nhưng đừng nghĩ là chúng nó hư hỏng cả. Chỉ là học sinh nó ưa ngọt, nhẹ, mình cứ lựa lời bảo ban là chúng nó đều nghe.” Mỗi khi nói chuyện về học sinh, mắt ông Minh thường ánh lên nhiều niềm vui. Lũ học trò qua lại phòng bảo vệ chẳng đứa nào quên chào hỏi ông. Bởi ông tuy không phải là thầy cô giáo, nhưng lại gần gũi lũ nhỏ. Nhiều học sinh, thầy cô chủ nhiệm còn không nắm rõ hoàn cảnh, tính cách nhưng ông lại biết, vẫn thường tâm sự, động viên, có khi còn khéo léo nói với thầy cô để hiểu và giúp đỡ các em. Thế nên nhiều em ra trường rồi còn viết thư cảm ơn. Cuối khóa có lễ tri ân thầy cô, các em cũng không quên mua hoa tặng ông, còn kéo vào chụp ảnh kỉ yếu, hay năn nỉ đóng clip cùng với vai diễn khi là phụ huynh, khi lại là ông bảo vệ chuyên đi bắt học trò... Cũng là bảo vệ một trường học cấp 3 nhưng ông Nguyễn Hữu Hùng (61 tuổi) lại nổi tiếng là một ông bảo vệ cực “rắn”. Học sinh nào vi
phạm nội quy, quy chế nhà trường ông đều nghiêm khắc, không tha, cho dù học sinh có ghét mà đặt biệt danh “Lão già khó tính”. Khắt khe là vậy, nhưng ông Hùng lại sống rất tình cảm. Với ông, làm nghề tài sản mất có thể đền được, nhưng danh dự con người mất thì khó đền lại! Câu chuyện về cậu học sinh lớp 12, xảy ra đã mấy năm rồi, ông vẫn giấu kín, giờ mới chia sẻ nhưng tuyệt không tiết lộ thông tin gì về cậu học trò. Chỉ biết, ngày đó, trong trường thỉnh thoảng mất xe đạp. Ông phải rình suốt một tuần mới bắt được cậu học trò đang tuồn xe ra ngoài. Cậu ta quỳ lạy, van xin ông tha, cậu nói ăn cắp xe đạp không phải để bán lấy tiền ăn chơi mà để có tiền ôn thi tốt nghiệp và luyện thi đại học. Nhà cậu ta nghèo, bố mất sớm, bà nội già yếu, mẹ bán rau không đủ tiền trang trải, chị gái phải nghỉ học đi làm thuê thêm thắt với mẹ để cho cậu đi học. Kể đến đây, ông Hùng đượm giọng: “Lúc đấy, nó nói thật hay nói dối mình cũng chẳng kiểm chứng được, nhưng mình lại tin nó. Nhưng đắn đo mãi mới đồng ý tha vì nghĩ: tha cho nó liệu nó có “ngựa quen đường cũ”? Đem nó nộp cho hiệu trưởng, chắc chắn mình sẽ được khen thưởng nhưng còn tương lai của nó, bị đuổi học chắc lại cũng đi làm thuê như chị”. Chuyện tưởng như đã vào quên lãng, thế mà, thật bất ngờ, mấy năm sau, cậu học sinh lại tìm đến ông cảm ơn, nhờ có ông ngày ấy rộng lượng cậu mới có ngày hôm nay. Giờ cậu đã là một giảng viên trường đại học vì tốt nghiệp bằng giỏi và được trường giữ lại. Với ông, đó là kỉ niệm xúc động nhất trong suốt hơn 10 năm làm “Lão già khó tính”.
Tâm tư của một học sinh gửi bác bảo vệ của trường.
Nghề bảo vệ với những người có tuổi chỉ bình dị với những vui buồn như thế. Dẫu vất vả, nhọc nhằn, nhiều nỗi niềm riêng nhưng họ vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho công việc, với một tâm niệm: mình giống như “hậu phương” phải vững chắc để những người nơi “tiền tuyến” vững vàng “tay súng”.