Y NGHIA CUA NGHI THUC CAU AN

Page 1

Ý nghĩa của Nghi thức cầu an Thích Nhật Từ thichnhattu@yahoo.com I. Giới thiệu tổng quát Nghi thức cầu an này được chúng tôi biên soạn hoàn tất vào năm 1994 và lần đầu tiên được chùa Giác Ngộ ấn tống vào năm 1998. Nghi thức này là một tuyển tập các bài kinh quen thuộc trong hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông, dạy về các phương pháp hành trì để tạo sự an lạc và hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Toàn bộ nghi thức được phiên dịch và biên soạn theo một văn phong thuần tiếng Việt, không có các yếu tố Mật tông, như các nghi thức tụng niệm của các Giáo hội Phật giáo trước đây và hiện nay. Nội dung của nghi thức chú trọng đến tinh thần "niệm pháp" trong kinh tạng nguyên thủy, nhằm giúp cho người đọc trực tiếp cảm nhận lời vàng của đức Phật bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, để hiểu sâu lời Phật hơn và dễ dàng áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. II. Cấu trúc và ứng dụng của Nghi thức cầu an Nghi thức này được phân chia thành ba phần rõ ràng. Phần thứ nhất là phần vào khóa lễ. Phần này bao gồm 6 tiết mục như nguyện hương, tán thán Phật và quán tưởng, đảnh lễ ba ngôi báu, tán dương chi, phát nguyện thọ trì kinh và tán dương giáo pháp. Phần thứ hai là phần chánh kinh. Phần này là một tuyển tập gồm 11 bài kinh, phần lớn được chọn lọc từ kinh tạng nguyên thủy, ngoài bài kinh đầu tiên là phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm thứ 25 trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Phật giáo Đại thừa. Các bài kinh còn lại như kinh Giáo Hóa Người Bệnh, kinh Các Pháp Quán Niệm, kinh Dụ Ngôn Bọt Nước, kinh Quán Niệm Hơi Thơ, kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, kinh Biết Sống trong Hiện Tại, Kinh Từ Tâm, kinh Phước Đức, kinh Cư sĩ Tại Gia và kinh Thiện Sanh, đều nhấn mạnh đến các phương pháp thiền chánh niệm và tỉnh giác, cách nhìn thực tại đúng với bản chất của chúng, để giúp hành giả tự an trú vào trong sự an lạc và giải thoát cho chính mình. Ở đây yếu tố cầu nguyện, van xin vốn phản ánh một trạng thái tâm lý ỷ lại, nương tựa vào tha lực, đã được loại bỏ, và thay vào đó, là tinh thần giác ngộ của tự bản thân, thông qua bản đồ hướng dẫn của Phật trong các kinh.

1


Phần thứ ba là phần sám nguyện và hồi hướng. Phần này bắt đầu bằng bài kinh ngắn, tóm thâu tinh túy của kinh Đại Bát-nhã của Phật giáo Đại thừa: Bát-nhã tâm kinh. Mặc dù chỉ có 260 chữ, nhưng bài kinh này tập trung các pháp tu căn bản của Phật giáo đại thừa, giúp hành giả diệt trừ tất cả các khổ đau trong cuộc đời bằng phương pháp quán chiếu năm yếu tố hình thành nên con người là không có một thực thể hay ngã thể. Từ đó, với trí tuệ duyên khởi, hành giả thấu suốt mọi sự vật hiện tượng theo một cách thức tương tự. Kế đến là phần niệm Phật. Đây là phần dành riêng cho những người tu Tịnh độ ở nước ta. Các mục còn lại trong phần này là đảnh lễ các đức Phật, quán chiếu các nguyên lý của thực tại, đọc sám nguyện, hồi hướng công đức, phục nguyện và nương tựa ba ngôi báu. Nhìn chung nếu nội dung các bài kinh trong nghi thức cầu an này xoáy vào trọng tâm các phương pháp quán chiếu và thiền định thì phần vào khóa lễ và hồi hướng có yếu tố của một pháp tu tịnh độ. Nói khác hơn, nghi thức này tổng hợp hai pháp tu chính trong Phật giáo là thiền và tịnh độ. Yếu tố Mật tông được xem là yếu tố ngoại nhập về sau không được giới thiệu trong nghi thức này. Về phương diện ứng dụng, khóa lễ kinh cầu an chủ yếu được tụng vào các dịp cầu an bệnh nhân, cầu tai qua nạn khỏi, cầu gia đạo bình an, cầu quốc thới dân an, cầu mưa hòa gió thuận, hay tụng vào những dịp khánh hỷ, lễ an vị Phật, lễ khai trương, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ tân gia, lễ sinh nhật, lễ đáo tuế, lễ cầu thọ, lễ chúc thọ v.v... Kinh cầu an, ngoài nghi thức dẫn nhập và phần sám nguyện và hồi hướng, gồm có 11 kinh mang nhiều nội dung khác nhau, nhằm đáp ứng cho nhiều tình huống hay căn cơ và đối tượng khác nhau. Tùy theo tính chất của từng khóa lễ mà người thọ trì nên chọn tụng kinh nào cho thích hợp. Ví dụ, đối với khóa lễ cầu an gia đạo, cầu quốc thới dân an, cầu mưa hòa gió thuận vào các buổi sáng, trưa, chiều hay tối định kỳ thì nên tụng theo thứ tự từ Kinh thứ nhất cho đến Kinh sau cùng, sau đó tiếp tục tụng lại từ đầu. Nghĩa là cứ mỗi khóa lễ, ngoài phần dẫn nhập và phần kết thúc, ta tụng một bài Kinh chính. Trong khóa lễ kế tiếp, ta tụng bài Kinh kế tiếp. Mười một bài kinh khác nhau có thể được luân phiên tụng niệm cho mười một thời kinh. Đối với khóa lễ cầu nguyện thế giới hòa bình, nước nhà hưng thạnh thì nên tụng một trong bốn Kinh sau đây: Kinh Từ Tâm, Kinh Phước Đức, Kinh Thiện Sanh hay Kinh Người Cư Sĩ Tại Gia.

2


Đối với khóa lễ cầu an cho bệnh nhân ta có thể lần lượt tụng các Kinh sau đây: Kinh Hạnh Nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm, Kinh Giáo Hóa Người Bệnh, Kinh Các Pháp Quán Niệm, Kinh Dụ Ngôn Bọt Nước, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, Kinh Biết Sống trong Hiện Tại hay Kinh Người Cư Sĩ Tại Gia. Đối với khóa lễ an vị Phật hay lễ khai trương hay lễ khánh thành thì tụng Kinh Từ Tâm và Kinh Phước Đức. Đối với khóa lễ cầu an cho cơ quan, xí nghiệp, hội đoàn và chợ thì nên tụng một trong các Kinh sau đây: Kinh Thiện Sanh, Kinh Từ Tâm, Kinh Phước Đức hay Kinh Người Cư Sĩ Tại Gia. III. Tóm tắt nội dung và ý nghĩa của các kinh trong Nghi thức cầu an 1. Kinh hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm Tên của bài kinh này do chúng tôi đặt lại cho phù hợp với nội dung và chủ đề chính của Kinh. Tên gọi thông thường của bài kinh này là Phẩm Phổ Môn, hay kinh Phổ Môn, kinh Quán Thế Âm. Bài kinh này là phẩm thứ 25 trong kinh Hoa Sen Chánh Pháp (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Phần văn xuôi được tuyển chọn từ bản dịch của cố HT Thích Thiện Thanh. Phần kệ trùng tụng được trích từ bản dịch của thiền sư Nhất Hạnh. Nội dung của Kinh giới thiệu về hạnh ban bố niềm vui không sợ sệt (vô úy thí) của bồ-tát Quán Thế Âm, người phát đại nguyện cứu độ tất cả chúng sanh đang chịu nhiều đau khổ trong đời. Bài kinh mang ý nghĩa ẩn dụ rất cao, theo phong cách của các kinh điển Đại thừa. Do đó, người đọc kinh không nên chấp chữ quên ý và đừng tưởng những gì nêu trong kinh là diễn tả các sự kiện thật. Nói cách khác, yếu tố cầu nguyện van xin không phải là mục tiêu chính của kinh. Phương pháp tu tập quán chiếu (Quán) cuộc đời (Thế) mới là chính yếu. Nhờ quán chiếu cuộc đời theo phương thức duyên khởi và vô ngã, hành giả tự độ thoát chính mình khỏi các đau khổ đang hoành hành. Ngoài ra, kinh này còn nói lên tình thương bao la của một vị bồ-tát qua phương pháp độ sanh với 32 ứng thân khác nhau, phù hợp với căn cơ và đối tượng của người tu tập. Hình ảnh 32 ứng thân gợi chúng ta tinh thần nhập thế đa dạng của bồ-tát vì sự nghiệp duy nhất là đem lại an lạc và hạnh phúc cho chúng sanh. Triết lý ứng thân này còn cho thấy muốn độ sanh có hiệu quả, người hành đạo phải hiểu rõ tâm lý và hành vi của đối tượng. Hiểu biết căn tánh của chúng sanh là cách tốt nhất để thể hiện tính khế lý và khế cơ trong độ sanh của một vị bồ-tát nhập thế để cứu độ đời.

3


Cần nhấn mạnh rằng triết lý độ sanh trong kinh này mang tính ẩn dụ cao. Ở đây không có một vị bồ-tát Quán Thế Âm thật để cứu độ chúng ta theo phương thức cầu gì được nấy. Bởi vì điều này trái với nguyên lý nhân quả và nghiệp báo mà đức Phật đã giảng dạy. Sự cứu độ của kinh này là pháp tu Quán Thế Âm. Kinh giới thiệu đến 5 loại âm thanh của cuộc đời, đó là, tiếng Nhiệm Mầu (Diệu Âm), tiếng Quan Âm (Quán thế âm), tiếng Phạm (Phạm âm), tiếng hải triều (Hải triều âm) và tiếng siêu việt thế gian (Siêu việt thế gian âm). Đối lại năm âm thanh này là năm pháp quán chiếu hay thiền định: quán chân thật (chân quán), quán thanh tịnh (thanh tịnh quán), quán trí tuệ rộng lớn (quảng đại trí tuệ quán), quán cứu khổ (bi quán) và quán ban tình thương (từ quán). Chính nhờ nương vào năm pháp quán chiếu này, hành giả tự giải thoát chính mình ra khỏi mọi khổ ách của cuộc đời. Quán chân thật là quán bản chất của mọi sự vật hiện tượng theo nguyên lý duyên khởi, tùy thuộc, vô ngã và vô thường. Nhờ quán chiếu pháp này, hành giả thoát được các chấp mắc về ngã và pháp. Quán thanh tịnh nhằm giúp hành giả có cái nhìn lạc quan và tích cực về thế giới đau khổ này. Nói cách khác bản chất cuộc đời vốn không có nhơ và sạch. Do chấp mắc, chúng ta cho là nhơ uế. Phương pháp quán đời thanh tịnh nhằm giúp chúng ta xóa bỏ sự chấp mắc sai lạc trên. Quán trí tuệ rộng lớn là pháp quán rất cần thiết với mọi người. Ngoại diên của trí tuệ và vô bờ bến. Do đó, ảnh hưởng của trí tuệ đối với cuộc sống của chúng ta cũng không có giới hạn. Nói cách khác, với hành trang của trí tuệ, cuộc hành trình của chúng sanh trong cõi ta-bà sẽ là cuộc hành trì đầy an lạc và hạnh phúc. Trí tuệ là đầu mối của sự giải thoát. Quán cứu khổ (bi quán) và quán ban vui (từ quán) là hai pháp quán thể hiện tình thương bao la, vô ngã và vị tha đối chúng sanh. Với pháp quán này, hành giả đã từng bước trở thành một vị bồ-tát cứu độ cho chính mình và cứu độ chúng sanh thoát khỏi đau khổ. Nói rõ hơn, khi tu tập 5 pháp quán đó mỗi chúng ta là một bồ-tát Quán Thế Âm cứu chính chúng ta và tha nhân ra khỏi nhà lửa của ba cõi. 2. Kinh giáo hóa người bệnh Bài kinh này được Thiền sư Nhất Hạnh dịch từ Tăng Nhất A Hàm, phẩm Thi Thường, thứ 51, kinh số 8, có tham khảo và phối dịch với kinh Anathapindilovda (Trung Bộ Kinh thứ 143) và Giáo Hoá Bệnh kinh, kinh thứ 26 của Trung A Hàm. Bài kinh kể lại cuộc thăm bệnh của tôn giả Xá-lợi-phất và A-nan-da đối với cư sĩ Cấp Cô Độc. Trước sự đau đớn về thể xác của Cấp Cô Độc, tôn giả Xálợi-phất đã hướng dẫn ông tu pháp quán tam bảo, để khẳng định niềm tin chân chánh đối với Phật Pháp và Tăng. Niềm tin này nhằm xác quyết cuộc 4


đời phụng sự tam bảo và cứu giúp người cơ hàn và cô độc của ông là đúng và có quả báo thiện to lớn. Kế đến tôn giả Xá-lợi-phất đã dạy ông quán sát: (1) sáu giác quan, (2) sáu đối tượng của giác quan, (3) sáu thức, (4) sáu yếu tố hình thành nên thế giới vật chất, (5) năm hợp thể tạo nên con người, (6) chuỗi thời gian ba đời. Tất cả những thứ này không phải là ta, ta không bị giới hạn trong chúng. Tất cả nương vào nhân duyên mà hình thành, phát triển và hoại diệt để tiếp tục hình thành nên cái khác. Bản chất của các pháp không đến không đi, không sanh không diệt, không có tự tánh riêng biệt. Đó là pháp quán tính "không" của các pháp. Một khi hành giả nhận chân được rằng không có một ngã thể bất biến trong con người và thế giới thì đâu là chủ thể của cảm thọ? Cấp Cô Độc vừa thực hành và vừa cảm động rơi nước mắt, vì tính hiệu năng của phương pháp. Khi thực hành pháp quán này, Cấp Cô Độ cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng. Ngay khi hai tôn giả Xá-lợi-phất và A-nan-đa từ giã ra về thì Cấp Cô Độc qua đời và sanh về cõi trời thứ 33. 3. Kinh mười pháp quán niệm Đây là bản dịch tiếng Việt theo thể văn vần của cố HT Hộ Tông từ Kinh Tăng Chi bộ, (A.V.108-60; KS. V. 74-77); được tuyển từ Kinh Nhật Tụng, hệ Nam Tông, trang 107-124. Bản dịch này tương ứng với bản dịch của HT Thích Minh Châu ở Kinh Tăng Chi III, 401-405. Kinh này kể lại bệnh tình đau đớn của thầy tỳ-kheo Gi-ri-ma-nan-đa. Tôn giả A-nan-đa thương xót mới bạch Phật, xin Phật chỉ bày cách khắc chế các cảm thọ đau khổ của thân xác. Đức Phật đã dạy 10 pháp quán niệm, đó là: (1) quán vô ngã, (2) quán vô thường, (3) quán bất tịnh, (4) quán bệnh khổ, (5) quán từ bỏ, (6) quán ly tham, (7) quán tịch tịnh, (8) quán yểm ly, (9) quán các hành, (10) quán hơi thở ra vào. Tôn giả A-nan-đa đã vâng lời Phật dạy trùng tuyên lại mười pháp quán niệm trên cho thầy Gi-ri-ma-nan-đa. Thầy này đã chuyên tâm thực tập các pháp quán niệm và an trú trong niềm an lạc của tâm thức, quên đi các cảm giác đau khổ của thân xác. 4. Kinh dụ ngôn bọt nước Bản kinh này do cư sĩ Phan Khắc Nhượng chuyển thơ từ kinh Tương Ưng V, bản dịch của HT Thích Minh Châu, Đại tạng Kinh Việt Nam. Bài kinh này được đức Phật giảng cho các vị tỳ-kheo nhân đi ngang qua sông Hằng, nhìn thấy các bọt nước trồi lên mặt sóng rồi bổng chốc vở tung và tan biến. Đức Phật dạy mọi người nên quán sát tổ hợp gồm năm yếu tố (ngủ uẩn) tạo nên sắc thân và tâm thức của con người cũng vô thường, chóng vánh và vô 5


ngã như bọt nước. Năm tổ hợp tạo nên con người là (1) thân thể, (2) cảm thọ, (3) ý niệm hóa, (4) sự vận hành, và (5) thức phân biệt. Đức Phật đã dùng 5 hình ảnh để sánh ví tính vô thường và vô ngã của hợp thể con người tâm vật lý. Thân thể con người như bọt nước, có đó rồi tan biến đó. Cảm thọ (đau khổ, hạnh phúc và trung tính) như các bong bóng nước khi trời mưa rơi xuống đất, tạm bợ, thay đổi, không dừng. Ý niệm hóa của con người cũng như rán trời, như mây tụ tán. Sự vận hành hay sự sống của chúng sanh cũng như thân cây chuối, tưởng chắc thật nhưng vốn không có lỏi bên trong. Thức phân biệt như sự ảo thuật, vốn không có thật. Đức Phật khẳng định rằng ai tu tập quán chiếu về tổ hợp tâm vật lý vô thường và vô ngã nhất định sẽ thoát khỏi các sự sai đắm đời sống năm dục lạc thấp kém, hướng tâm đến thiền vị cao hơn, xã bỏ các chấp mắc về ngã và pháp, chứng đạt sự an lạc và giải thoát. 5. Kinh quán niệm hơi thở Bài kinh này do thiền sư Nhất Hạnh dịch và xuất bản trong nghi thức tụng niệm của Làng Mai. Bài kinh được đức Phật giảng dạy tại vườn cây Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Nội dung của kinh nhằm giới thiệu 16 cách quán niệm hơi thở ra và vào, trong sự chánh niệm và tỉnh giác. 16 cách quán niệm hơi thở đó là: 1. Thở vào / ra một hơi dài, người ấy biết: ta đang thở vào / ra một hơi dài. 2. Thở vào / ra một hơi ngắn, người ấy biết: ta đang thở vào / ra một hơi ngắn. 3. Ta đang thở vào / ra và có ý thức về toàn thân ta. 4. Ta đang thở vào / ra và làm cho toàn thân an tịnh. 5. Ta đang thở vào / ra và cảm thấy mừng vui. 6. Ta đang thở vào / ra và cảm thấy an lạc. 7. Ta đang thở vào / ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. 8. Ta đang thở vào / ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. 9. Ta đang thở vào / ra và có ý thức về tâm ý ta. 10. Ta đang thở vào / ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc. 11. Ta đang thở vào / ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định. 12. Ta đang thở vào / ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát, tự do. 13. Ta đang thở vào / ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. 6


14. Ta đang thở vào / ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. 15. Ta đang thở vào / ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. 16. Ta đang thở vào / ra và quán chiếu về sự buông bỏ. Đức Phật khẳng định 16 pháp quán niệm hơi thở này có mối liên hệ mật thiết với bốn pháp quán niệm. Nhờ chánh niệm và tỉnh giác trong hơi thở ra vào, hành giả an trú trong (1) pháp quán thân trong thân, (2) quán cảm thọ trong cảm thọ, (3) quán tâm ý như tâm ý, (4) quán đối tượng tâm ý trong trạng thái vượt thoát mọi tham đắm ở đời. Thông qua việc thành tựu bốn lãnh vực quán niệm, 16 pháp quán niệm hơi thở này cũng dẫn đến thành tựu bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đó là: chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ lạc xuất thế, khinh an, định, hành xã và giác ngộ. Như vậy phương pháp quán niệm hơi thở ra vào trong chánh niệm tỉnh giác không chỉ có công năng khắc chế các cảm thọ đau khổ của thân xác mà còn hướng đến sự giải thoát ngay hiện tại và bây giờ. 6. Kinh bốn lãnh vực quán niệm Kinh này là bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh từ kinh Niệm Xứ, Trung A Hàm 98, bản Hán của Tăng Già Đề Bà (Gautama Sanghadeva, 317-420 AP), có tham khảo các bản Pàli tương đương là kinh Nhất Nhập Đạo thuộc Tăng Nhất A Hàm 12, do Dharmanandi, 317-420 AD, dịch. Bốn lãnh vực quán niệm là (1) pháp quán thân trong thân, (2) quán cảm thọ trong cảm thọ, (3) quán tâm thức như tâm thức, (4) quán đối tượng tâm ý như đối tượng tâm ý. Quán thân trong thân là thái độ chính niệm tỉnh giác trong từng cử chỉ vận hành của thân như đi, đứng, nằm, ngồi, ngước lên, cuối xuống, duỗi ra, co vào, thở ra vào và bản chất duyên khởi và vô ngã của tổ hợp tâm vật lý v.v… để đối trị các tâm niệm xấu ác, bất thiện bằng các tâm niệm an lạc và lợi ích. Pháp quán này còn bao gồm các pháp quán khác như quán vô ngã, vô thường, bất tịnh, thi ma để từ bỏ các tham đắm về ngủ dục lạc thấp kém. Quán thọ trong các cảm thọ là trạng thái chánh niệm và tỉnh giác trong từng cảm giác hạnh phúc, đau khổ hay trung tính, để làm chủ các giác quan, hướng tâm đến sự an trụ hỷ lạc siêu thế. Quán tâm thức như tâm thức là trạng thái chánh niệm và tỉnh giác trong từng tâm lý thiện và ác của chúng ta. Khi tâm bị tham, sân, si, bỏn xẻn, kiêu mạn 7


v.v. . . chế ngự thì phải nhận thức rõ chúng để khắc chế chúng bằng các tâm lý đối nghịch là rộng lượng, hoan hỷ, sáng suốt, ban cho, khiêm hạ v.v… Sự khắc chế tâm ý như vậy là một quá trình sàn lọc và thanh tẩy, từ xấu thành tốt, từ bất thiện thành thiện và do đó từ phàm phu tục tử thành thánh. Quán đối tượng tâm ý như đối tượng tâm ý là thái độ chánh niệm và tỉnh giác trong từng ảnh niệm của các giác quan sau khi tiếp xúc với các cảnh trần của chúng. Phải nhận chân những hình ảnh, khái niệm, ý niệm lưu lại trong tâm tư: cái nào là thiện, bất thiện, cái nào là nội kết và tháo mở, cái nào đã phát sanh, chưa phát sanh, cái nào đã tiêu diệt và chưa tiêu diệt. Trên cơ sở đó, hành giả từ bỏ các cảm giác xấu, tháo mở các nội kết của tâm, phát triển các tâm niệm, khái niệm, ý niệm thiện và có lợi cho sự tu tập. Bốn pháp quán niệm này là con đường mà các đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đã đang và sẽ đi qua, có công năng đem lại hỷ lạc khắp châu thân, tâm niệm, thanh lọc các cấu uế của tâm, hướng đến tuệ giác. Người an trụ trong bốn lãnh vực quán niệm này sẽ có thể chứng được thánh quả hay trí tuệ cứu cánh ngay hiện đời. 7. Kinh biết sống trong hiện tại Bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh mang tên là Kinh người biết sống một mình. Chúng tôi đổi lại tên kinh theo chủ đề của nó là kinh biết sống trong hiện tại. Kinh này gồm 2 phần: phần I dịch từ kinh số 1071, Tạp A Hàm và phần II dịch từ Bhaddekaratta Sutta, thuộc Majjhima Nikàya, 131. Phần một là cuộc đối thoại giữa đức Phật và vị tỳ-kheo tên là Thượng Tọa chuyên tu hạnh sống một mình. Vị tỳ-kheo này hành trì và ca ngợi hạnh sống một mình trong khất thực, ăn uống, đi đứng nằm ngồi và trong tu tập thiền quán. Đức Phật một mặt ca ngợi về hạnh viễn ly đó, mặt khác dạy phương pháp sống có ý nghĩa tích cực và lợi ích lớn hơn. Đó là cách sống chánh niệm và tỉnh giác trong hiện tại. Nói cách khác, sống một mình mà không có chánh niệm và tỉnh giác thì không có lợi ích gì cả. Người sống chánh niệm trong từng phút giây của hiện tại sẽ xa lìa các tham đắm, từ bỏ mọi lo âu, hối hận, sầu khổ, cắt đứt mọi ràng buộc của cuộc đời, an trụ vào thánh trí, giải thoát. Phần hai là phần đức Phật giải thích một cách chi tiết về hạnh sống trong hiện tại. Sống trong hiện tại là thái độ sống tỉnh thức trong từng tích tắc của thời gian, không tìm về quá khứ, không hướng vọng tương lai. Nó còn là thái độ sống tinh tấn trong chánh pháp ngay bây giờ và tại đây, không trông chờ một cái gì khác. Khi tâm không vướng bận về quá khứ, hành giả sẽ thoát 8


khỏi những cảm giác vui buồn của những kinh nghiệm hạnh phúc hay đau khổ trong quá khứ. Khi tâm không hướng đến tương lai, hành giả sẽ không bị các cảm giác "sẽ thế nào? sẽ ra sao? sẽ làm sao? v.v…" chi phối, khống chế. Tâm hành giả sẽ trở nên thơi thái, an tịnh, không bị buộc ràng. Nhờ an trú một cách có chánh niệm vào hiện tại, hành giả sẽ nhận chân được rằng các hợp thể tâm vật lý như thân thể, cảm thọ, nhận thức, sự vận hành và thức phân biệt đều không phải là ngã, không thuộc về ngã và chúng ta không lệ thuộc vào chúng. Nhờ quán chiếu như vậy, hành giả an lạc và giải thoát hiện đời. 8. Kinh tâm từ Đây là một bài kinh được chuyển thơ từ kinh Tăng Chi III, 11-14, bản dịch của HT Thích Minh Châu, năm 1988. Bản kinh chứa tải nhiều giá trị đạo đức rất cao, nhất là hạnh ban rãi tình thương đến con người và các loài động vật một cách không phân biệt. Tình thương hay từ bi trong Phật giáo là một thứ tình thương siêu vượt khỏi giới tính, thân sơ, bạn thù, ta người. Nó là một thứ tình thương vượt biên giới của tình cảm và tâm lý nhị nguyên. Tình thương như vậy chỉ có thể phát xuất từ một tấm lòng bao la, vô ngã, không vị kỷ, để cứu giúp tất cả chúng sanh đang đau khổ. Đức Phật khẳng định rằng người tu tập và phát triển tâm từ như vậy sẽ hưởng được an lạc hiện đời và về sau. Về phương diện hiện tại, người tu tâm từ sẽ có giấc ngũ an lành, không có mộng mị khiếp đảm. Khi đi đứng và lúc nằm ngồi, tâm tư luôn thắm nhuần an lạc. Người tu tâm từ như vậy sẽ được mọi người đem lòng kính mến và tin phục, hộ trì, giúp đỡ. Về phương diện đời sau, người có tâm từ sẽ được sanh về cảnh giới tốt. Nếu sanh làm người thì không có kẻ thù, không bị ai hiềm khích, hảm hại, sống trong sự an lành và hạnh phúc. Nói chung hạnh từ tâm không chỉ làm thanh tịnh thân tâm hành giả mà còn có tác dụng chuyển hóa cuộc đời đau khổ, phân chia, tranh chấp, hiềm hận, thù hằn, thành an lạc, không phân chia, không tranh chấp, không hiềm hận và không thù hằn. Nói cách khác nơi nào có tình thương vô ngã nơi đó có hình bóng của hòa bình, an lạc và giải thoát. 9. Kinh phước đức Kinh này là bản kinh ngắn do Thiền sư Nhất Hạnh dịch từ Mahamangala Sutta,Sutta Nipata II. Nội dung của kinh đề cập đến 10 phương pháp tạo nên một đời sống hạnh phúc cho mình và tha nhân và nói chung cho toàn thể nhân loại.

9


Phương pháp thứ nhất là lánh xa môi trường xấu, thân cận bậc hiền đức, tôn kính và cầu học ở bậc đạo đức. Phương pháp thứ hai là tận dụng cuộc sống hiện tại để gieo trồng các hạt giống lành mạnh và đạo đức. Phương pháp thứ ba là ổn định nghề nghiệp chân chánh, sống cuộc đời thanh bần đạo đức, lời nói ôn hòa, ái kính. Phương pháp thứ tư là hiếu kính mẹ và cha, thương yêu và bảo hộ gia đình bằng sức mạnh của đôi tây và trí khôn chân chính, hợp pháp. Phương pháp thứ năm là sống cuộc đời thanh liêm, chính trực, không khuất phục gian tà, biết mở lòng thương, giúp đỡ người nghèo khó và thân bằng quyến thuộc. Phương pháp thứ sáu là từ bỏ vĩnh viễn các hành vi xấu ác và phi pháp, không đam mê rượu chè, hút sách, cờ bạc, ăn chơi sa đọa, sống tinh cần và làm việc lành trong từng phút giây của cuộc sống. Phương pháp thứ bảy là biết khiêm cung, lễ độ, kính trên nhường dưới, biết tiết kiệm để phòng hờ về sau, biết ân và trả ơn người đã giúp và dạy dỗ mình và không bỏ quên việc học đạo, trao dồi đạo đức và trí tuệ. Phương pháp thứ tám là biết kiên trì, nhẫn nại trước gian khó, thân cận và học hỏi các bậc thầy, phục thiện khi sai lầm và trau dồi phẩm cách, đạo đức cho hoàn thiện hơn. Phương pháp thứ chín là sống chánh niệm và tỉnh giác trong từng hơi thở, ra sức học chánh pháp không mệt mỏi, để thể chứng an lạc và giải thoát. Phương pháp thứ là giữ tâm bất động trước các ngọn gió khen chê, vui buồn, được mất, thành bại của cuộc đời; giữ tâm an nhiên trong đời như hoa sen trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Sống trong đời ô trược nhưng tỏa ra thanh tịnh và giải thoát. 10. Kinh cư sĩ tại gia Kinh này do Thiền sư Nhất Hạnh dịch từ kinh Ưu Bà Tắc, số 128, thuộc Trung A Hàm, có tham khảo Anguttara Nikàya, III. 211. Bản dịch nguyên thủy mang tựa đề "kinh Người Áo Trắng." Chúng tôi đổi lại thành "Kinh Cư sĩ tại gia" cho phù hợp với bản dịch chữ Hán và nội dung của kinh hơn. Kinh này đức Phật dạy cho tôn giả Xá-lợi-phất, cư sĩ Cấp Cô Độc và 500 vị Phật tử khác. Nội dung kinh giới thiệu nếp sống đạo đức thanh cao của người Phật tử tại gia, trong việc góp phần kiến tạo một con người gương mẫu, một gia đình hạnh phúc, một đất nước an bình và thịnh vượng và một thế giới an lạc, không còn chiến tranh. Nếp sống đạo đức đó bao gồm 5 nguyên tắc đạo đức và bốn pháp quán tưởng song hành với bốn tâm cao thượng. Trước nhất về năm nguyên tắc đạo đức. Nguyên tắc thứ nhất là người Phật tử từ bỏ sự giết chóc, buông bỏ khí giới, tu tập tình thương đối với con người và loài vật và sinh thái. Nguyên tắc thứ hai là từ bỏ sự trộm cướp, không cho mà lấy, các hình thức bóc lột, tham nhủng, biến của công thành của riêng 10


v.v… Đồng thời phát triển tâm rộng lượng, ban giúp tài sản, vật chất và tình thương cho người khác. Nguyên tắc thứ ba là từ bỏ quan hệ tình cảm phi pháp và bất chánh. Tôn trọng và bảo vệ hạnh phúc lứa đôi của kẻ khác. Nguyên tắc thứ tư là xa lìa các hình thức nói dối, nói lời độc ác, nói lời gây chia rẽ, nói lời vô ích; đồng thời phát triển lời chân thật, từ ái, hài hòa, xây dựng đoàn kết và có ích cho người nghe. Nguyên tắc thứ năm là từ bỏ các hình thức uống rượu, hút thuốc, sử dụng các kích thích tố có hại cho sức khỏe và tâm trí. Đồng thời góp phần tuyên truyền một đời sống lành mạnh. Để có được bốn tâm cao thượng là tâm thương người và vật, tâm cứu khổ ban vui, tâm hoan hỷ và tâm xã bỏ mọi chấp thủ, người Phật tử nên tu bốn pháp quán niệm sau đây. Quán niệm thứ nhất là quán tưởng với chánh kiến rằng đức Phật là bậc giác ngộ viên mãn, đạo đức và trí tuệ toàn vẹn, là bậc thầy nương tựa và học hỏi của nhân loại và chư thiên. Nhờ quán tưởng như thế, hành giả an trụ vào tâm cao thượng thứ nhất là tâm từ. Bởi lẽ trí tuệ và đạo đức của đức Phật là để phục vụ cho sự an lạc và lợi ích cho con người. Quán niệm thứ hai là quán tưởng với chánh kiến rằng lời Phật dạy (chánh Pháp) rất thực tiễn, đem lại lợi ích hiện tại và tương lai, được người trí khen ngợi và học hỏi, có khả năng hướng thượng. Nhờ quán niệm như vậy, hành giả an trú vào tâm cao thượng thứ hai là tâm bi. Nói cách khác, giáo pháp của đức Phật có công năng thanh tẩy ác, bồi dưỡng thiện, giúp cho chúng sanh hết khổ được vui. Quán niệm thứ ba là quán tưởng với chánh kiến rằng đoàn thể quý thầy cô tu tập Phật đạo là đoàn thể thanh tịnh, với quyết tâm đạt được thánh quả, thành tựu đạo đức, thiền định và trí tuệ, có khả năng cứu giúp cuộc đời, đáng được cung kính, cúng dường và noi gương học hỏi. Nhờ quán sát như vậy, hành giả an trụ được tâm cao thượng thứ ba là hoan hỷ. Nói cách khác, cung kính và hỗ trợ sự tu học và làm Phật sự của quý thầy cô xuất gia là một hạnh tùy hỷ hay hoan hỷ với các thành tựu về đạo đức và trí tuệ. Quán niệm thứ tư là quán tưởng với chánh kiến rằng giới luật của Phật là hoàn hảo, có khả năng giúp chúng ta an trụ vào đạo đức của Như Lai. Nhờ quán tưởng như vậy, hành giả an trụ được tâm cao thượng thứ tư là tâm xả, xả bỏ tất cả các chấp thủ về bản thân như ngã và thế giới như thường còn. Nói tóm lại, người tu tập và tuyên truyền 5 nguyên tắc đạo đức, bốn pháp quán tưởng Phật, Pháp, Tăng và Giới luật và bốn tâm cao thượng sẽ từng bước sống an lạc và hạnh phúc ở đời này. Người như vậy là người xây dựng tịnh độ tại nhân gian, biến đau khổ thành an lạc. 11. Kinh thiện sanh

11


Kinh này do cư sĩ Phan Khắc Nhượng phỏng dịch theo thể thơ từ bản tiếng Anh, có tham khảo Trường A Hàm I, 555-547, ĐTKVN và đối chiếu kinh Thọ Giáo Thi-Ca-La-Việt, Trường Bộ II, 529-548, ĐTKVN. Nhân sự kiện bà-la-môn Thi-ca-la-việt đảnh lễ sáu phương vào mỗi buổi sáng mà không hiểu ý nghĩa của việc mình làm, đức Phật đã giảng dạy về các mối quan hệ đạo đức xã hội, thông qua sáu phương. Phương đông tượng trưng cha mẹ. Phương nam tượng trưng cho thầy cô giáo. Phương tây tượng trưng cho đạo vợ chồng. Phương bắc tượng trưng cho bạn bè. Phương trên tượng trưng cho các bậc tu hành. Phương dưới tượng trưng cho quan hệ chủ thợ. Về quan hệ giữa cha mẹ và con cái đức Phật dạy 5 nguyên tắc đạo đức cho cha mẹ và 5 nguyên tắc đạo đức cho con cái. Phàm làm cha mẹ phải thương yêu con cái theo 5 nguyên tắc đạo đức: (1) ngăn chận con làm việc ác, (2) khuyên dạy con làm việc thiện, (3) tạo dựng nghề nghiệp chân chánh cho con, (4) xây dựng gia đình xứng đáng cho con, (5) truyền trao gia tài cho con đúng thời. Ngược lại phần làm con phải đối xử với cha mẹ theo năm cách: (1) nuôi dưỡng mẹ cha, (2) làm tròn bổn phận, (3) giữ gìn danh dự và truyền thống gia đình, (4) bảo vệ tài sản thừa tự, (5) chu toàn tang lễ cho cha mẹ. Về đạo vợ chồng, đức Phật dạy mỗi bên cũng có 5 bổn phận như nhau. Chồng đối với vợ phải: (1) trọng nể vợ, (2) chung thủy với vợ, (3) tin tưởng khả năng của vợ, (4) giao quyền hạn cho vợ, (5) sắm nữ trang cho vợ. Ngược lại, người vợ phải đối xử với chồng theo 5 cách: (1) làm tốt trách nhiệm, (2) cư xử tốt đối với bên nội và bên ngoại, (3) chung thủy thương yêu chồng, (4) giữ gìn và bảo quản tài sản gia đình, (5) siêng năng và khéo léo trong giao tế. Về đạo bằng hữu, đức Phật dạy năm điều sau đây: (1) giúp đỡ bạn, (2) nói lời từ ái với bạn, (3) vì lợi ích của bạn, (4) xem bạn như mình, (5) thành thật và giữ lời hứa với bạn. Ngược lại người bạn cũng nên đối xử với ta như sau: (1) không để bạn sa ngã, (2) không làm cho bạn sợ hãi (3) bảo vệ bạn hoạn nạn, (4) giúp bạn trong gian khó, (5) ca ngợi tánh tốt của bạn. Về đạo chủ thợ, đức Phật dạy như sau. Chủ phải đối với thợ: (1) giao công việc cho thợ đúng với khả năng và sức khỏe, (2) trả lương và tặng quà thích đáng, (3) chăm lo sức khỏe, khi thợ bị bệnh, (4) chia xẻ thức ăn cho thợ, (5) cho thợ nghỉ ngơi hợp lý. Ngược lại, thợ cũng phải đối với chủ: (1) dậy trước chủ, (2) ngủ sau chủ, (3) hài lòng với những gì chủ cho, (4) làm tốt công việc được giao, (5) giữ gìn danh giá và uy tín của chủ.

12


Về đạo cư sĩ và tu sĩ, đức Phật dạy như sau. Người cư sĩ phải xử sự với người tu sĩ: (1-3) từ ái bằng lời nói, ý nghĩ và việc làm đối với người tu, (4) cung kính và chào đón tu sĩ, (5) cúng dường và ủng hộ tu sĩ. Ngược lại, người tu cũng đối lại: (1) khuyên cư sĩ từ bỏ ác, (2) khuyến khích cư sĩ làm việc thiện, (3) trải lòng từ ái đối với cư sĩ, (4) dạy cho cư sĩ những gì chưa được học hỏi, (5) hiệu chỉnh và thanh tịnh những gì chưa hoàn thiện ở cư sĩ, (6) chỉ dạy cho cư sĩ cách tái sanh về cõi trời. Trên nền tảng các mối quan hệ đạo đức như vừa nêu, kinh này được xem là giường mối đạo đức của gia đình và xã hội. IV. Kết luận Với 11 bài kinh căn bản của hai truyền thống Nam tông và Bắc tông, nghi thức cầu an không chỉ là lời kinh giúp cho người bệnh vượt qua được cơn đau đớn và hành hạ về thân xác trong lúc đau ốm, mà còn chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc của Phật giáo về cách quán tưởng và nhìn đời đúng với bản chất duyên khởi, vô ngã, vô thường của mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này. Nghi thức cầu an này còn cung cấp cho người đọc tụng những tấm bản đồ tu tập thiền định, an tịnh thân tâm, xây dựng hạnh phúc và an lạc cho mình và người khác ngay bây giờ và tại đây. Một nghi thức giàu tính đạo đức, trí tuệ và thiền định như vậy rõ ràng không chỉ là kim chỉ nam cho người bệnh mà còn là phương châm không thể thiếu đối với tất cả những người khỏe mạnh về thể chất nhưng chưa phát triển toàn diện về tinh thần. Nghi thức cầu an do đó đã trở thành thức ăn tinh thần và thuốc bổ dưỡng cho sự sống đạo đức của tất cả chúng ta và tha nhân hôm nay và mai sau.

13


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.