Việc điện toán hóa báo Phong Hóa Ngày Nay:
Những ý nghĩ lãng mạn giữa một ngày mùa đông Phạm Phú Minh Một ngày đông năm ngoái, 2011, chúng tôi ba người: Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Trọng Hiền và Phạm Phú Minh gặp nhau ở Little Saigon, Nam California, và rủ nhau đi ăn phở. Bạn bè mỗi người một ngã, lâu lâu được gặp nhau là một dịp rất vui, nhớ hôm đó ra khỏi tiệm phở nhìn bầu trời đầy ánh nắng rực rỡ dù buổi sáng còn khá lạnh, tôi bất giác nhớ đến câu văn của Nhất Linh trong bài học ngày xưa, bài Giấc Mộng Từ Lâm: "Hôm ấy về mùa đông mà trời nắng, gió thổi lá dâu phất phới, lòng tôi nhẹ nhàng, vui vẻ làm sao! Cái vui như chan chứa trong tâm can tưởng không bao giờ có thể hết vui được nữa." Sau bài học của năm đầu trung học ấy tôi nghiệm thấy nơi mình thỉnh thoảng cũng có tâm trạng vui như Nhất Linh đã tả, nhất là trong những ngày cuối đông, gần Tết. Từ kinh nghiệm này tôi nghĩ nỗi vui không duyên cớ như vậy vốn có sẵn nơi mỗi người, gặp đúng cảnh tương ứng thì nó hiện ra, và khi nó đến thì chúng ta có một cảm giác rất kỳ diệu, "chan chứa trong tâm can tưởng không bao giờ có thể hết vui được nữa" như Nhất Linh đã phát giác và truyền lại cho chúng ta. Nhưng tôi cũng để ý, càng rời xa tuổi trẻ thì những niềm vui như vậy càng thưa dần. Suốt mười mấy năm tù sau 1975 tôi chỉ gặp nó một lần khi đứng bên bờ sông Mã nhìn thấy những "nét xuân sơn" xa xa bên kia sông. Và cũng hiếm hoi như thế, tôi đã gặp lại niềm vui rất trẻ trung ấy vào lúc tuổi đã ngoài bảy mươi, khi đi chơi với Giang và Hiền trong tâm trạng thênh thang vào một sáng mùa đông năm ngoái. Hôm ấy hình như không ai muốn chia tay sau khi ăn sáng, nên rủ nhau lên thành phố Carson để thăm phòng triển lãm tranh của trường đại học Dominguez Hills, nghe nói có một số tranh của các nhà danh họa Việt Nam, rồi về chơi nhà Hiền cách đó không xa. Chúng tôi những người già trên dưới bảy mươi đi chơi với nhau trong tâm trạng những cậu học sinh trong lòng có một nỗi vui tưởng không bao giờ dứt trong một ngày mùa đông mà trời nắng của những năm tháng xa xưa. Các bức tranh của Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... xem được ở phòng triển lãm hôm đó dường như kéo chúng tôi về khí hậu văn hóa của Hà Nội thời trước. Trên đường về nhà, Hiền nói về công việc đang làm của mình, là sưu tầm tài liệu trên báo Phong Hóa và Ngày Nay để viết một cuốn sách về ông bố của mình, là họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, người trong nhiều năm giữ mục Y Phục Phụ Nữ trên hai tờ báo này, đã sáng tạo nên không biết bao nhiêu là kiểu quần áo mới mẻ cho phụ nữ Việt Nam trong buổi giao thời giữa cũ và mới của thập niên 1930. Và cho biết thêm tất cả những số báo Phong Hóa Ngày Nay mà Hiền đang có đều ở dạng điện tử, thông tin này làm lóe lên trong đầu tôi một ý tưởng: tại sao không điện toán hóa tất cả báo Phong Hóa Ngày Nay, rồi phổ biến bằng cách đưa vào đĩa, như công trình tuyệt vời mà Viện Việt Học ở Nam California đã làm với toàn bộ báo