Câu chuyện cuối tuần kỳ 26 - 30

Page 1

26. CỌNG RƠM QUÍ GIÁ hay BÍ QUYẾT LÀM GIÀU Có một chàng thanh niên từ lúc nhỏ đã mang mộng ước sau này sẽ trở thành triệu phú, khi lớn lên anh đi chu du mọi miền, thăm hỏi nhiều người ở đủ mọi ngành nghề để tìm học cho được bí quyết làm giàu. Anh đã đi qua nhiều thành phố, thế nhưng mỗi người lại chỉ cho anh một kiểu cách khác nhau, đôi khi những phương thức này còn mâu thuẫn khiến anh không học hỏi được những bí quyết của họ. Nhiều năm trôi qua, không những anh không kiếm được tiền, mà của cải mang theo đi đường càng lúc càng vơi dần, cho đến một hôm nọ thì túi anh không còn một đồng tiền, anh phải lang thang đầu đường xó chợ. Một hôm, khi đi ngang qua một thiền viện thờ phụng đấng Quán Thế Âm, anh ta được mọi người cho biết là đấng Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Đại Bi là một vị Bồ Tát luôn giúp kẻ khốn cùng. Chàng thanh niên đứng trước Phật đài khấn nguyện, anh thành tâm cầu xin đức Quán Thế Âm giúp cho anh tìm được phương thức làm giàu, vì đó là mộng ước duy nhất trong đời của anh. Trước lời khấn nguyện chân thành này, Quán Thế Âm đã động lòng nên hiển linh chỉ bảo cho anh ta: “Muốn giàu có thật ra không phải là một điều khó khăn, từ thiền viện này bước ra, bất kỳ gặp được vật gì đáng giá hoặc vô giá trị con cũng đừng bao giờ bỏ phí. Bất kỳ gặp được người nào từ già đến trẻ, con cũng phải luôn luôn nghĩ đến họ và giúp đỡ họ tận tình. Nếu làm được như vậy thì mộng


ước của con sẽ thực hiện được dễ dàng. Không riêng chỉ một mình con, tất cả mọi người trên đời nếu làm được như vậy cũng sẽ trở thành giàu có ngay”. Chàng thanh niên nghe lời của Quán Thế Âm dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng. Chiếu theo lời của Ngài dạy bảo thì phương thức làm giàu này đâu có gì khó khăn. Anh chàng lạy tạ tượng Bồ Tát và hăm hở bước ra. Trong lúc hấp tấp anh ta vấp phải bực thềm té nhào đầu. Lồm cồm bò dậy, tay lại vớ nhầm một cọng rơm dưới đất, anh định vứt bỏ đi, thế nhưng chợt nhớ lại lời Bồ Tát dặn cho nên anh cẩn thận nắm cọng rơm trong tay rồi tiếp tục ra đi. Một lúc sau, có một con ong bay ngang vướng vào cọng rơm của anh đang cầm. Nghe con ong reo vo ve cũng vui tai, nên anh cứ để yên mà không chịu gỡ ra. Đi đến một ngã ba đường, anh trông thấy một người phụ nữ cố gắng dỗ dành một đứa bé đang khóc thét trên tay của bà. Chàng thanh niên bước tới quơ cọng rơm qua lại trước mặt đứa bé để tạo sự chú ý. Đứa bé thấy có con ong vướng trên cọng rơm kêu vo ve nên hiếu kỳ nhìn vào đó mà ngưng khóc. Nhớ lời của Quán thế Âm Bồ Tát dặn, người thanh niên tặng cọng rơm có mang con ong trên đó cho đứa bé. Đứa bé khoái trá nhe răng cười toe toét. Người đàn bà là mẹ đứa bé lúc nãy đã tìm đủ cách mà không làm cho đứa bé ngưng khóc được, bà ta mừng rỡ vì chàng thanh niên đã giúp bà tránh được khá nhiều phiền phức nên mở chiếc giỏ đi chợ lôi ra ba trái quít chín đỏ tặng cho anh ta để thay


thế lời cảm ơn. Tiếp tục lên đường, đi được một đỗi, chàng thanh niên thấy một người buôn vải đang ngồi thở dốc bên đường. Đó là một chàng lái buôn vì khát nước nên mệt lả người. Động lòng trắc ẩn, chàng thanh niên tặng cho ông ta ba trái quít mà anh đang cầm trên tay. Cảm động trước tấm lòng tốt này, người lái buôn sau khi lấy lại sức đã mang tặng cho anh một xấp vải rất đẹp để đổi lấy ba trái quít của anh. Cầm lấy xấp vải, chàng thanh niên cảm thấy vui vui vì đã làm được vài điều tốt mà lại được người ta đền bù xứng đáng. Đi thêm một đỗi anh ta thấy có một con ngựa bị đau nằm lăn dưới đất, người chủ cỡi con ngựa đứng bên cạnh đang rầu rĩ không biết phải làm sao? Chàng thanh niên thấy con ngựa gầy gò tội nghiệp cho nên mới đề nghị với người chủ đổi con ngựa lấy xấp vải trên tay của anh. Hơi lưỡng lự một chút, người chủ con ngựa bằng lòng vì thấy rằng con vật có vẻ như không thể nào đứng dậy được nữa. Chàng thanh niên chạy đến bờ sông mượn chiếc thùng múc nước về đổ cho ngựa uống. Anh vuốt ve con vật tỏ vẻ thương yêu, không ngờ vài phút sau đó thì con ngựa đứng dậy được. Thì ra con vật chỉ vì khát nước và mệt lả người cho nên mất sức chứ chẳng bệnh hoạn gì cả. Khi con ngựa đã hoàn toàn bình phục, anh ta cỡi con ngựa tiếp tục lên đường. Đi đến trước một tòa nhà kia thì có một ông già trong nhà chạy ra


chận anh lại và năn nỉ mượn đỡ con ngựa. Ông ta cho biết có việc cần kíp cần phải đi xa. Nhớ lời Quán Thế Âm Bồ Tát căn dặn, anh ta vui vẻ nhận lời. Ông già cho biết ông là chủ nhân của căn nhà, ông đề nghị với chàng thanh niên là hãy ở tạm lại căn nhà cho đến khi nào trở về thì ông sẽ trả ơn. Trong trường hợp ông không trở lại thì anh ta sẽ làm chủ căn nhà và luôn cả đất đai rộng lớn chung quanh. Không đợi chàng thanh niên trả lời, ông ta nhảy tót lên lưng ngựa dông tuốt. Chàng thanh niên đành phải ở lại trông nom căn nhà. Căn nhà này có đầy đủ tiện nghi, lương thực, tiền bạc nhưng lại không có người vì ông già vừa rời khỏi là người giữ hương hỏa cuối cùng. Đợi hết ngày này qua tháng nọ vẫn không thấy ông già trở lại, chàng thanh niên “bất đắt dĩ” trở thành chủ nhân căn nhà và đất đai rộng lớn chung quanh. Trải qua nhiều năm anh ta sống một cuộc đời thật đầy đủ về vật chất, lúc đó anh ta mới sực nhớ lại lời dạy của Quán Thế Âm Bồ Tát. Thì ra người đã chỉ đường cho anh trở thành triệu phú nhờ vào lòng thương người, sự quan tâm, tánh bao dung và chỉ đơn giản có vậy mà thôi. Đa số con người sống trong cõi đời ai ai cũng muốn mưu cầu cho mình một cuộc sống thật đầy đủ. Những người đã giàu sang thì lại muốn tinh thần và sức khoẻ của họ cũng được dồi dào. Thế nhưng rất khó mà định nghĩa được thế nào là giàu cho đủ với lòng mong


ước của con người. Theo định nghĩa của nhà Phật, giàu có không thể đo lường bằng số lượng ít nhiều của tiền bạc, mà là căn cứ vào sự rộng rãi, từ tâm bố thí của bạn. Những người có thể cho đi những gì họ có mới có thể gọi là giàu. Những người lúc nào cũng khư khư giữ lấy cho riêng mình thì dù tiền bạc của họ có chất đầy kho đi nữa thì cũng chỉ được xem là người rất nghèo nàn về mặt từ tâm mà thôi. Vì vậy con đường chân chính để chỉ dẫn bạn tìm đến sự sung túc không phải để tìm nhiều của cải vật chất, không phải để tìm sự thành công trên danh lợi, mà là quí trọng mỗi một món đồ vật trên tay của bạn, quan tâm đến từng người mà bạn gặp gỡ, lúc nào cũng có thể giúp đỡ cho kẻ khác, bố thí cho kẻ khác. Thế nào mới gọi là một con người có lòng dạ Bố Thí. Đó là một con người biết tạo duyên, tạo phúc, giúp đỡ những người khốn cùng, dù là với người chỉ lần đầu gặp gỡ. Đó mới chính là sự bố thí cao cả, cho ra mà không bao giờ tiếc rẻ, nên nhớ một điều, cho mà còn tiếc, chứng tỏ rằng bạn chưa phải là một ngưới rộng lượng, giàu có lòng nhân. Bí quyết để làm giàu chẳng qua là biết Tạo Duyên, Tạo Phúc và Bố Thí. Tạo duyên, tạo phúc khiến cho chúng ta cảm thấy lòng dạ được quang minh lỗi lạc. Bố thí khiến bạn thực sự trở thành một người giàu có, sự giàu có tinh thần mà không một triệu phú nào trên thế gian này có thể so sánh được.


27. BA BỨC TƯỢNG VÀNG Xa xưa, có một sứ thần nước nhỏ cống nạp cho một nước lớn ba tượng hình người bằng vàng ròng. Quốc vương của nước lớn vui mừng tột độ, nhanh chóng nhận quà cống nạp của quốc gia nhỏ bé kia. Thế nhưng sứ thần cống nạp vật quý lại... đưa ra một câu hỏi khiến Quốc vương phải suy nghĩ rất nhiều ngày cũng không thể nghĩ ra được câu trả lời. Nội dung câu hỏi là: 'Trong ba tượng hình người bằng vàng kia, tượng nào có giá trị nhất?'. Quốc vương nước lớn đã nghĩ ra mọi biện pháp như tiến hành cân đong cả ba bức tượng nhưng trọng lượng của chúng hoàn toàn giống nhau. Tiếp theo Quốc vương còn mời những người thợ chạm khắc nổi tiếng kinh thành vào để đánh giá độ tinh xảo của bức tượng nhưng cũng không tìm được câu trả lời. 'Nên làm thế nào đây?' Nhà vua nghĩ. 'Ta không thể thoả lòng nhận cống vật mà không có câu trả lời được, vương quốc nhỏ bé đó sẽ chê cười vương quốc của ta'. Cuối cùng, có một vị đại thần đã cáo quan về quê từ lâu xin tiếp kiến nhà vua và nói: 'Thần đã có câu trả lời'


Vị đại thần già này lấy ba gọng cỏ dài, ở tượng vàng đầu tiên, ngài xuyên ngọn cỏ đó vào bên tai phải, lập tức ngọn cỏ lại lộ ra từ bên tai trái của bức tượng. Hành động này được lặp lại cho hai bức tượng còn lại. Điều khác biệt là sau khi xuyên ngọn cỏ từ phía tai phải, đầu ngọn cỏ lại xuất hiện ở miệng của bức tượng thứ hai. Ở bức tượng cuối cùng, ngọn cỏ đã rơi vào trong bụng bức tượng mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào. Sau khi việc 'kiểm định' đã xong, vị đại thần già quay lại phía sứ giả và nói: 'Bức tượng thứ ba là đáng giá nhất'. Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, vị sứ giả gật đầu mỉm cười và cúi lạy vị đại thần đáng kính đó. Chắc ai cũng thắc mắc: 'Cuối cùng câu trả lời sẽ là như thế nào?' Thật đơn giản, câu trả lời của vị đại thần nằm ở kết quả 'kiếm định' này. Khi giải thích cho nhà vua về hành động của mình, vị đại thần đã nói: 'Ông trời chỉ cho chúng ta hai cái tai để nghe và một cái miệng để nói. Sở dĩ như vậy là yêu cầu chúng ta nghe nhiều hơn nói. Một người có giá trị thực sự không thể 'Vừa kịp nghe đã kịp nói' như bức tượng thứ hai, cũng không phải là người 'Từ tai nọ xọ tai kia' như bức tượng thứ nhất. Một người có giá trị là một người biết lắng nghe và suy ngẫm, không cần nói nhiều, không cần khuyếch trương, đó chính là yếu tố cơ


bản nhất của để tạo nên một người hiểu biết'.

28. THUẬN THEO TỰ NHIÊN, LÀ MỘT LOẠI HẠNH PHÚC Có một kẻ lang thang, đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, anh ta vô cùng ngưỡng mộ. Kẻ lang thang nói: - Tôi có thể đổi chỗ ngồi với Ngài một lát không? Bồ Tát trả lời: - Chỉ cần anh không mở miệng. Kẻ lang thang ngồi lên Đài Sen. Trước mắt của anh là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này điều kia. Anh vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng. Một ngày, một phú ông đến. Phú ông: - Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt. Nói xong ông dập đầu, đứng dậy, ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát. Sau khi phú ông đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người


nghèo nói: - Cầu Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ. Cầu xong ông dập đầu, đứng dậy, nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo thốt lên: - Bồ Tát quả thật hiển linh rồi. Ông cầm túi tiền ra đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát. Lúc này, một người ngư dân đi vào. Ngư dân cầu xin: - Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió. Đoạn dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị phú ông túm chặt. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi. Phú ông cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi. Kẻ lang thang không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to: - Dừng tay! Rồi đem chân tướng nói ra cho họ. Tranh chấp nhờ đó mà đã yên. Lúc này Bồ Tát mới nói: - Ngươi cảm thấy làm vậy là đúng chăng? Ngươi hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang đi! Ngươi mở miệng tự cho mình rất công bằng,


nhưng, người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân; người giàu không có cơ hội tu đức hạnh; người ngư dân ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển. Nếu ngươi không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu; người giàu tốn chút tiền nhưng giúp người khác mà tích được đức; ngư dân cũng vì dây dưa không cách nào lên thuyền, tránh được mưa gió, có thể còn sống sót. Kẻ lang thang im lặng ra khỏi chùa… Rất nhiều sự tình, nó thế nào, chính là như thế đó. Để nó tiến triển theo tự nhiên, kết quả sẽ tốt hơn. Khi đối mặt với sự việc, ai có thể biết rõ kết quả gì sẽ xảy ra chứ? Yên lặng theo dõi diễn biến, chính là một loại năng lực! Thuận theo tự nhiên, là một loại hạnh phúc! Câu chuyện ngụ ngôn trên nhằm nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp. Không ai có thể ban phước giáng họa cho ta, mà chính bản thân mình làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Mỗi người hãy tự suy gẫm đạo lý chân thật từ nơi tâm mình, làm ác cũng do mình, làm thiện cũng do mình, chính vì vậy quả tốt hay xấu đều do mình tạo lấy, làm gì có ai ban phước giáng họa mà cầu khẩn van xin? Vậy mà đại đa số lúc nào cũng thích cầu xin hơn là tu tập, tâm biếng nhác, tâm tham lam làm cho chúng ta


trở thành tín đồ của mê tín.

29. TẠI SAO MỌI CON SÔNG ĐỀU CHẢY THEO MỘT ĐƯỜNG THẲNG Trong giờ học, một vị thiền sư chỉ vào một bản đồ và hỏi: “Các dòng sông trên hình ảnh này có đặc điểm gì?”. Các môn đồ trả lời: “Chúng luôn lượn vòng thay vì chảy theo một đường thẳng”. Vị thiền sư lại tiếp tục hỏi: “Tại sao như vậy? Nói cách khác, tại sao những con sông này không đi thẳng mà cứ phải đi đường vòng?”. Mọi người bắt đầu thảo luận: “Vì khi đi đường vòng, sông sẽ được kéo dài nên chứa được nhiều nước hơn. Hoặc nhờ thế mà khi lũ mùa hè kéo đến, nước sông sẽ không bị dâng quá cao và tràn ra ngoài”. Một người khác lại nói: “Bởi vì con sông trải dài nên lưu lượng nước trên mỗi khúc sông tương đối thấp, áp lực dưới đáy sông cũng giảm đi. Điều này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ bờ sông,…” “Tất cả mọi người nói đều đúng”, vị thiền sư nói, “còn bản thân tôi thì cho rằng sông không đi đường thẳng mà phải đi đường vòng,


đơn giản chỉ vì đi đường vòng là chuyện bình thường, đi đường thẳng mới là chuyện khác thường. Bởi trên hành trình của mình, các con sông sẽ phải gặp nhiều và đa dạng trở ngại, có cái vượt qua được, có cái không. Nên con sông chỉ có thể đi vòng để tránh các chướng ngại. Mục đích cuối cùng là hòa vào biển khơi”. Ông thiền sư đột nhiên trầm mặc hơn: “Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy. Khó khăn, trắc trở trong cuộc sống là chuyện bình thường. Không bi quan, tuyệt vọng, không thở dài, buồn phiền hay bỏ cuộc mới là thái độ sống đúng đắn. Như dòng sông kia không khuất phục trước gian nan, thử thách, luôn kiên trì tiến về phía trước, tiến về biển khơi bao la”. Không có con đường dễ dàng trong mọi hành trình, gian nan và thử thách chính là thước đo ý nghĩa của điểm đến, chỉ cần kiên trì vượt qua, chúng ta sẽ đến được nơi cần phải đến.

30. “TA TRỒNG HOA KHÔNG PHẢI ĐỂ TỨC GIẬN” Một lão hòa thượng ở ngôi chùa nọ rất yêu quý một chậu hoa lan thanh nhã, ông thường đích thân nhổ cỏ tưới nước, bắt sâu cho nó.


Cây hoa lan dưới sự chăm sóc tận tình của ông, trông vô cùng khỏe mạnh, trổ ra những bông hoa rất đẹp. Có một lần, lão hòa thượng ra ngoài, liền giao chậu hoa này cho tiểu hòa thượng trông coi giúp. Tiểu hòa thượng rất có trách nhiệm, chuyên tâm coi sóc chậu hoa giống như lão hòa thượng vậy, những cành hoa khỏe mạnh ngày một lớn lên. Một ngày kia, tiểu hòa thượng sau khi tưới nước cho cây hoa lan xong liền đặt nó lên bệ cửa sổ, rồi ra ngoài làm việc, bất ngờ trời nổi cơn giông, gió lớn khiến chậu hoa ngã xuống đất vỡ tan tành. Tiểu hòa thượng vội chạy đến, nhìn thấy cành lá dập nát khắp mặt đất thì không khỏi đau lòng, cũng rất sợ lão hòa thượng trách mắng. Tuy nhiên, mấy ngày sau, khi lão hòa thượng trở về, tiểu hòa thượng vẫn kể lại toàn bộ câu chuyện về chậu hoa kia và chuẩn bị chịu trách phạt, nhưng lão hòa thượng đã không nói gì cả. Tiểu hòa thượng cảm thấy hết sức bất ngờ, bởi đó dù sao cũng là hoa lan mà lão hòa thượng yêu quý nhất. Lúc đó, lão hòa thượng mỉm cười nói rằng: “Ta trồng hoa lan, không phải là để tức giận”. Chỉ một câu đơn giản như vậy, nhưng đã nói ra thái độ nhân sinh rộng lượng của ông.


Chúng ta làm việc không phải vì để tức giận, chúng ta yêu quý lẫn nhau cũng không phải là vì để tức giận. Những thứ ta đã bỏ tâm nhưng không cách nào vãn hồi được thì cũng không cần phải oán trách, hối hận làm gì. Lúc có được hãy cố gắng trân quý, lúc mất đi hãy bình thản đối mặt, chỉ cần không thẹn với lòng mình là được rồi. Bạn nếu uất hận, cuộc sống đâu đâu cũng đều là sự uất hận. Bạn nếu cảm ơn, cuộc sống đâu đâu cũng đều là sự cảm ơn.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.