Câu chuyện cuối tuần kỳ 31- 35

Page 1

31. NHÂN QUẢ, THIỆN ÁC NHÂN VÀ QUẢ NỐI TIẾP NHAU QUAY TRÒN, ÁC ẮT SINH ÁC, THIỆN ẮT SINH THIỆN! Ở một vương quốc nọ có một vị vua độc ác và bất công đến nỗi tất cả mọi người đều cầu mong cho ông ấy chết đi hoặc bị truất ngôi. Nhưng, bỗng một ngày, vị vua ấy khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi thông báo ông ấy sẽ thay đổi. "Sẽ không còn bạo lực, không còn bất công nữa", vị vua hứa, và ông đã giữ đúng lời hứa của mình. Khắp nơi đều ca ngợi ông là một vị vua hiền hòa và công tâm. Một hôm, vị đại thần thân cận nhất của nhà vua lấy hết can đảm, hỏi cái gì có thể làm thay đổi trái tim tàn bạo của ngài. Vị vua trả lời: "Khi ta đang phi nước đại trong cánh rừng, ta nhìn thấy một con cáo đang bị truy đuổi bởi một con chó săn. Con cáo may mắn trốn thoát trong hố của mình, nhưng nó đã bị cắn vào chân và có lẽ sẽ bị tàn tật cả đời. Sau đó, ta đến một ngôi làng và lại gặp con chó săn ấy. Nó đang gầm gừ với một người đàn ông. Nhanh như cắt, người đàn ông nhặt một hòn đá to và ném vào chân con chó, khiến chân nó bị gẫy. Anh ta bỏ đi, vừa đi được một đoạn không xa thì bị một con ngựa đá hậu vào người. Anh ta lăn mấy vòng, đập đầu gối xuống đất và vỡ đầu gối. Chắc chắn anh ta sẽ tàn tật cả đời! Nhưng chưa dừng lại ở đó, con ngựa sau


khi gây thương tích cho anh chàng kia, đã phi nước đại chạy mất. Bỗng nó bị sa chân vào một cái hố gần đó và gãy chân. Xâu chuỗi tất cả những gì ta nhìn thấy, ta nhận ra một điều rằng: Ác sẽ đem lại ác, nếu ta tiếp tục sống cuộc đời tàn bạo, chẳng sớm thì muộn ta cũng bị chết bởi cái ác." Vị quan đó ra về, vui mừng nghĩ thời cơ để lật đổ ngai vàng đã đến. Vừa đi vừa mải mê suy nghĩ, ông không để ý đến bậc cầu thang trước mặt, trượt chân, ngã gãy cổ. Cuộc sống là những chuỗi nhân-quả, trong nhân có quả, trong quả có nhân; nhân nào quả nấy... "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác" - câu răn dạy của ông cha từ nghìn năm nay chưa bao giờ hết giá trị. Chỉ có điều thời gian tiến triển từ nhân thành quả có khi nhanh khi chậm. Có cái nhân từ đời này, đến đời sau mới thành quả... Vậy nên, đừng vội mừng khi làm điều ác mà chưa thấy "báo"; chỉ là chưa đến ngày thành "quả". Sống ở đời, cốt ở chữ "hiền"!

32. THẾ NÀO LÀ DỤC VỌNG? Một người đàn ông tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc gặp một vị thiền sư ở ẩn, hy vọng sẽ tìm được lời giải cho những nghi hoặc trong lòng.


- "Con người thường thất bại vì chính dục vọng của bản thân, vậy xin thiền sư cho biết, thế nào là dục vọng?", người đàn ông hỏi. Thiền sư nhìn anh ta, nói: "Anh hãy quay về đã, trưa mai lại tới đây, nhưng nhớ là không được ăn uống bất cứ thứ gì". Dù không hiểu dụng ý của thiền sư, nhưng người đàn ông vẫn làm theo. Ngày hôm sau, anh ta quay lại. "Anh hiện giờ chắc đang đói ngấu, khát cháy cổ đúng không?", thiền sư hỏi. "Vâng, giờ nếu được thì con có thể ăn cả nửa con bò, uống hết bảy vại nước". Thiền sư bật cười, "vậy hãy theo ta". Hai người đi một quãng đường xa, khá lâu sau mới đến một vườn cây trái sum suê. Thiền sư đưa cho người đàn ông một chiếc bao tải, nói: "Bây giờ anh hãy hái những quả táo tươi ngon nhất ở đây, chúng là của anh, nhưng nhớ là phải mang về tới thiền viện mới được phép ăn". Thiền sư quay về trước. Mãi đến khi trời tối hẳn, mới thấy người đàn ông vác một bao tải nặng đầy táo mang về. Bước đi nặng nhọc, mồ hôi ướt đầm toàn thân, anh ta mệt mỏi đặt bao táo xuống trước mặt thiền sư. "Giờ anh có thể ăn rồi", thiền sư nói. Người đàn ông dường như không đợi được thêm, lập tức vồ lấy hai quả táo, cắn từng miếng to nhồm nhoàm nhai. Trong phút chốc, hai quả táo đã bị anh ta ăn sạch sẽ. Ăn xong, người đàn ông đứng vuốt bụng nhìn thiền sư nghi hoặc. "Giờ anh còn đói, khát không", thiền sư hỏi. "Không, giờ có cho ăn


tiếp con cũng không ăn được nữa". "Vậy thì anh bỏ công vất vả, vác cả bao tải táo mà mình không thể nào ăn hết về đây để làm gì?" Thiền sư chỉ vào chiếc bao tải đầy táo, hỏi. Người đàn ông ngay lập tức ngộ ra. Con người là vậy, thực ra nhu cầu chỉ có "hai trái táo", nhưng rồi vẫn cố giành lấy những thứ vốn không cần thiết, chỉ là dục vọng. Ra đời hai tay trắng. Lìa đời trắng hai tay. Sao mãi nhặt cho đầy. Túi đời như mây bay...

33. "HÓA RA, MÌNH CŨNG LÀ MỘT NGƯỜI GIÀU CÓ” Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi: - Chàng trai, sao trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à? - Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. - Chàng trai buồn bã nói. - Nghèo ư, cháu là một người giàu có đấy chứ.


- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo. - Giả như ta chặt một ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng vàng, cháu có đồng ý không? - Không ạ. - Giả như ta chặt của cháu một bàn tay, ta trả cháu 30 đồng vàng, cháu đồng ý không? - Không bao giờ. - Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng vàng, cháu thấy thế nào? - Cũng không được. - Vậy, ta trả cháu 3.000 đồng vàng để cháu trở thành một ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không? - Đương nhiên là không. - Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30.000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào? - Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có. Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không hiểu thực ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Bạn hãy xem: Bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười: "Hóa ra, mình cũng là một người giàu có”.


34. CÁCH BUÔNG BỎ ĐƠN GIẢN NHẤT Một bữa nọ, hai thầy trò cao tăng ngồi nói chuyện với nhau. Đệ tử: Thưa thầy đạo Phật khuyên người ta buông bỏ, cái gì cũng buông, buông bỏ hết mọi thứ đúng không? Sư Phụ: "Không đúng” Đệ tử: Vậy tại sao thường hay nói buông bỏ tất cả. Sư Phụ: "Buông bỏ tất cả để làm gì?” Đệ tử: Đúng thế, đệ tử cũng thấy rất e ngại! Cảm giác Phật Pháp khiến người ta có cái nhìn theo xu hướng tiêu cực. Có một vài người hỏi đệ tử: Nếu tất cả đều đặt xuống và buông bỏ hết, vậy tiền từ đâu mà có? Quần áo và thực phẩm từ đâu ra? Đều không lao động làm việc gì hết. Vậy thì thế giới này không phải là sụp đổ rồi sao? Sư Phụ: Mọi sự đều buông bỏ hết sẽ dẫn đến sụp đổ, cái gì cũng không buông bỏ thì cũng sụp đổ. Đệ tử: Như vậy phải làm thế nào? Sư Phụ: "Thay thế và hoán đổi”. Đệ tử: Xin thỉnh Sư Phụ minh thị chỉ rõ cho con. Sư Phụ: Con có thể khiến người ăn mày cam tâm tình nguyện buông bỏ chấp mê vào những đồng tiền đang nắm chặt trong tay họ không?


Đệ tử: Không buông bỏ, họ ôm giữ chặt. Sư Phụ: Con có thể dùng hòn sỏi đổi về số tiền trong tay người ăn mày không? Đệ tử: "Không được”. Sư Phụ: Tại sao vậy? Đệ tử: "Vì tiền đáng giá hơn”. Sư Phụ: Vậy nếu dùng vàng để đổi thì sao. Đệ tử: "Thế thì được”. Sư Phụ: Tại sao? Đệ tử: Vì vàng đáng giá hơn. Sư Phụ: "Vì thế, cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán đổi. Nguyên nhân khiến người ta buông bỏ không được là vì không giành được thứ tốt hơn. Khi dùng thức ăn chay thay cho thức ăn mặn, con sẽ buông bỏ được con dao giết mổ. Dùng bố thí thay cho đòi hỏi, yêu sách con sẽ buông bỏ được tham lam. Dùng tín ngưỡng thay cho trống rỗng con sẽ buông bỏ được lạnh lẽo cô đơn. Dùng trí tuệ thay cho ngu dốt, si mê con sẽ buông bỏ được chấp mê. Dùng chính niệm thay cho tạp niệm, con sẽ buông bỏ được vọng niệm.


Dùng tùy hỷ, hảo tâm thay cho tật đố, con sẽ buông bỏ được ưu phiền. Dùng nhẫn nhục thay cho oán giận, báo oán con sẽ buông bỏ được sân hận, hận thù. Dùng từ ái thay cho tham ái, con sẽ buông bỏ được tâm bệnh. Không hiểu được vấn đề bắt đầu khởi lên từ đâu sẽ không minh bạch biết rõ để buông bỏ. Muốn buông bỏ được gì đó, đầu tiên cần hiểu được là nó bắt đầu khởi lên từ đâu. Tu hành không phải là buông bỏ, mà là để hiểu được lẽ hoán đổi”.

35. PHÉP THỬ BA LỚP LỌC Thời Hy Lạp cổ đại có ông Socrates nổi tiếng là một nhà hiền triết uyên thâm lỗi lạc. Ngày nọ, một người quen đến tìm gặp nhà hiền triết vĩ đại nói rằng, ‘Này, ngài có biết người ta đồn đại gì về bạn ngài không?’ ‘Gượm đã’, Socrates đáp. ‘Trước khi ngài kể chuyện về bạn tôi, hãy dành chút thời gian và lọc những gì ngài định kể. Tôi gọi đây là phép thử Ba lớp lọc. Lớp lọc đầu tiên là Sự thật. Ngài có tin chắc rằng những điều ngài sắp kể cho tôi nghe đây hoàn toàn là


sự thật hay không?’ ‘Uhm..không hẳn…’ vị khách đáp, ‘thật ra tôi chỉ nghe người ta kể lại mà thôi, vả lại…’ ‘Được rồi’ Socrates nói tiếp. ‘Vậy là ngài không biết chuyện đó thật hay không. Bây giờ, hãy thử lọc lần hai, lớp lọc Thiện ý. Chuyện ngài định kể cho tôi nghe về bạn tôi có phải là chuyện tốt đẹp hay không?’ ‘Umn ..không hắn, mà là ngược lại kìa…’ ‘Vậy là’, Socrates nói tiếp, ‘ngài muốn kể cho tôi nghe chuyện xấu về bạn tôi, mà ngài lại không chắc chuyện đó có thật hay không. Thế nhưng biết đâu ngài vẫn qua được bài thử đấy, vì còn một lớp lọc nữa – lớp lọc Hữu ích. Chuyện ngài sắp kể về bạn tôi có ích đối với tôi không?’ ‘Không, không hề’. Socrates kết luận, ‘nếu ngài muốn kể cho tôi nghe một chuyện không có thật, cũng chẳng tốt đẹp mà thậm chí còn chẳng ích lợi, thì kể mà làm gì?Và liệu tôi sẽ nghe và tin chăng?

Khi đứng trước một sự vật sự việc do người khác kể, đừng vội tin nó, mà hãy dùng phép thử lọc 3 lớp để tìm ra chân lý. Đó chính là một kinh nghiệm sống.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.