Câu chuyện cuối tuần kỳ 36- 40

Page 1

36. CHUỘT CẮN KHỐ RÁCH Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một ngày kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, luôn luôn giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh. Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân. Đêm tới khi ngủ, máng khố trên vách, thường bị chuột chui ra cắn rách, phải xin bá tánh chút vải thừa thay khố nhiều lần. Thấy vậy, thương người tu hành, người làng đến biếu thầy một con mèo để đuổi bầy chuột. Từ khi có mèo, chuột hết cắn phá khố của thầy nhưng thầy lại phải lo thức ăn thêm cho mèo. Một phú nông trong làng có lòng liền biếu thầy một con bò để thầy vắt sữa nuôi mèo. Có bò có sữa rồi, thầy lại phải lo nuôi bò. Dân làng có lòng tốt lại biếu thầy một đám ruộng màu mỡ để thầy canh tác, có cỏ nuôi bò. Chẳng mấy lúc, được mùa, cả bò lẫn mèo đều sinh sản thêm, thầy phải nhờ dân làng phụ lực cày cấy. Không bao lâu, chốn thanh tịnh xưa kia trở thành một nông trại rộng lớn giàu có. Lúc ấy tiền bạc không thiếu, thầy mới có ý định phá bỏ chùa


nghèo cũ, xây chùa mới. Bá tính mới nghe đã dốc lòng, ùn ùn góp công góp của cúng dường để lấy phước. Chẳng mấy chốc thầy đã xây dựng một ngôi chùa mới nguy nga tráng lệ, tượng lớn, cửa cao, trong ngoài sơn son thếp vàng như chốn cung đình của Vua Chúa. Quá giàu, lại thêm đa đoan công việc, tính toán kinh doanh, đêm đêm thầy bù đầu với những con số thu chi, không còn dốc tâm cũng như không còn thời gian để tu học nữa. Ngày nay thầy đã trở thành một nhà triệu phú. Chỉ có bộ áo cà sa bên ngoài cho biết thầy là một tu sĩ. Một ngày kia sư phụ trở về. Mới đến rẻo đất cũ, vị sư phụ đã thất kinh rụng rời, hồn phi phách lạc. Người đâu còn thấy túp lều cỏ đơn sơ ngày xưa lúc mình ra đi. Trước mặt đã là một ngôi đền tráng lệ, khách thập phương lui tới chiêm bái. Ngựa xe dầy đặc, ồn ào không kém gì chốn phồn hoa trần tục. Thấy sư phụ chống gậy, tay nải trở về, thầy hân hoan ra đón, cặn kẽ trình bày lại những chuyện đổi thay tuần tự theo thời gian, hy vọng được sư phụ khen ngợi, xiễn dương công đức của thầy. Sư phụ nín lặng hồi lâu, rồi thở dài mà nói rằng: - Từ một cái khố rách chuột cắn, con đã lầm đường đi một bước quá xa đến cái lâu đài này, ngược với những điều gì ta đã dạy con


tu học nhằm để giải thoát và giúp người giải thoát. Chùa lớn nguy nga thì phải lo tu bổ coi sóc, tín đồ đông thì ồn ào, hỗn tạp, được phước thì thời giờ đâu nữa mà tu học?! Chỉ vì một sự việc rất nhỏ mà đôi khi nó sẽ dấn đến những sự việc lớn bất ngờ mà chính bản thân ta cũng không ngờ tới. Bài học cuộc sống cho chúng ta là hãy biết dừng lại và cảm nhận, cảm nhận mục tiêu ban đầu và quãng đường ta đang đi, cảm nhận kết quả mà ta đã đạt…

37. VÀNG HAY THAU? Ngày xửa ngày xưa, bên Ai Cập có một vị hiền triết tên là ZunNun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông: "Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một tí, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?". Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: "Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng


trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng". Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó. Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì có thể xảy ra? Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: "Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả". Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: "Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán nhưng chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu".


Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: "Thưa ngài, những lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thì gấp cả ngàn lần so với cái giá của những con buôn ở chợ". Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói: "Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bề ngoài. Những lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn. Cần có con tim để nhìn vào cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác mà chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái mà ta nghĩ là vàng hóa ra là đồng thau, nhưng thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật".


38. HỐI LỖI THOÁT KHỔ Lúc đức Phật còn tại thế thường hay có nhiều vị vua chúa, đại thần đến thỉnh mời Ngài cho họ được cúng dường. Đó là vì Thế Tôn từ bi, muốn cho chúng sinh nào cũng có thể gieo trồng phúc điền. Một hôm, đức Phật nhận lời mời của Long Vương, đưa 500 vị đệ tử đến long cung cho Long Vương được dịp cúng dường. Long cung của Long Vương thật là huy hoàng tráng lệ, ngay trước cung điện có một cái ao nước, nước ao thanh tịnh trong mát, người nào có nhân duyên uống được một giọt nước ao này liền có thể biết được mọi sự việc đã xảy ra trong nhiều kiếp trước của mình. Thọ cúng dường xong, đức Phật đứng bên bờ ao bảo 500 vị đệ tử mỗi người hãy kể lại chuyện kiếp xưa của mình. Lúc ấy có một vị tôn giả tên gọi là La Bi Đề đứng dậy kể rằng: – Bạch Thế Tôn! Một trong những đời trước của con, khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, người con Phật nào cũng vô cùng buồn thương. Rất nhiều người cư sĩ tại gia muốn báo đáp ân sâu của Như Lai liền phát tâm xây cất một ngôi bảo tháp 7 tầng với một


ngôi chùa lớn để thờ phụng thánh tượng của Như Lai và cũng để cho rất đông các vị xuất gia có nơi trú ngụ. Do đó, mỗi ngày các vị cư sĩ phát đại tâm ấy đều hội họp nhau chuyên chú vào kế hoạch xây cất công trình vĩ đại này. Lúc ấy con sống trong một thôn làng gần đó, thấy họ nhiệt liệt thành tâm trong việc xây chùa lập tháp như thế, thì trong tâm khởi lên một niệm vô minh phiền não, đã không tán thán công đức của họ mà còn ganh tị với họ nữa. Niệm ác trong tâm đã manh nha thì miệng không ngừng nói những lời ác độc, mắng họ ngu si, hủy báng công đức của họ. Vì lẽ đó nghiệp tội đã định, khổ báo đã hình thành. Không lâu sau con qua đời, đọa xuống địa ngục, bị ngọn lửa phiền não đốt cháy cả thân thể. Con kêu khóc, cầu cứu nhưng chẳng ai thương hại, chẳng ai giải cứu cho con. Nỗi đau đớn lúc ấy thật tưởng chừng như không sao chịu nổi! Có lẽ vì sự đau đớn quá khốc liệt như thế nên con đột nhiên sinh khởi tâm tàm quý, hối hận. Nhờ một niệm thiện tâm hối cải ấy nên các khổ báo bi thảm của địa ngục đã kết thúc mau lẹ. Tuy bỏ được cái khổ địa ngục, nhưng con phải sinh ra làm một người thấp lùn, xấu xí, ai thấy cũng ghét bỏ, xa lánh, thậm chí còn


không tiếc lời chửi rủa. Con phải mang thân xấu xí như thế qua mấy kiếp mới xả bỏ được. Rồi trong một kiếp sau đó, may mắn gặp lúc đức Như Lai Ca Diếp ra đời, nhưng tuy con đã thoát được thân người xấu xí khó coi, lại phải sinh làm thân quạ. Trong các loài chim thì quạ là giống chim thường bị người ta ghét bỏ nhất, vì tiếng kêu của nó rất khó nghe, lại còn có rất nhiều người mê tín cho rằng chỗ nào có quạ tới thì chỗ ấy sẽ có chuyện không lành xảy ra. Vì thế, hễ thấy con là người ta phỉ nhổ, rủa mắng, bay đi tới đâu con cũng bị đối xử tàn nhẫn như thế. Tuy vậy, nhờ lúc đang chịu khổ báo trong địa ngục con đã có căn lành phát khởi một niệm hối cải, biết được lỗi lầm của mình trong quá khứ, nên mỗi ngày con đều ngừng lại ở con đường có Như Lai đi qua, bay lượn ở giữa các lùm cây, từ xa ngóng nhìn Như Lai và chúng đệ tử rất đông của Ngài. Ngài du hành hóa độ ở chỗ nào cũng có con bay theo ở phía sau nghe Phật pháp, và còn hướng dẫn cho các loài chim khác lễ bái Như Lai nữa. Với sự tinh cần đó, con nguyện cầu Như Lai từ bi cho phép con sám hối. Không lâu sau, nương nhờ sức từ bi của Như Lai, con thoát được thân quạ, lại sinh vào loài người. Trong kiếp này con không đọa


lạc nữa vì đã gặp được đức Phật Thích-ca Mâu-ni, xuất gia học đạo. Tôn giả La Bi Đề kể xong câu chuyện đời trước của ngài, tất cả các vị tỳ-kheo có mặt trong pháp hội đều vô cùng hoan hỉ vì đã được nghe một bài học sâu xa về nhân quả. “Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy điều thiện nhỏ mà bỏ qua”. Người Phật tử phải luôn giữ gìn miệng lưỡi, giữ gìn tâm ý, không để rơi vào điều ác. Một lời nói thiện, một niệm tâm thiện đều có công đức không thể nghĩ bàn. Câu chuyện kiếp xưa của Tôn giả La Bi Đề thật xứng đáng là một bài học cho tất cả mọi người suy gẫm.

39. THÀNH CÁT TƯ HÃN VÀ CON CHIM ƯNG Chuyện kể vào buổi sáng nọ, Thành Cát Tư Hãn và các thuộc hạ của ông đi săn. Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu quý. Đã đến trưa mà không săn


được gì cả, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi phải cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm, cỡi ngựa đi một mình. Trong sức nóng của mùa Hè, ông khát nước nhưng mọi dòng suối đều khô cạn. Thế rồi, ông ngạc nhiên nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông. Ông lấy ra chiếc cốc bằng bạc ra hứng dòng nước ấy. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và ngay khi ông đưa chiếc cốc lên môi thì con chim ưng bay lên giật chiếc cốc rồi ném nó xuống đất. Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu quý nên ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên lau sạch bụi và lại hứng nước. Khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công làm đổ nước. Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, vừa canh chừng dòng nước, vừa để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông hứng vừa gần đầy cốc thì con chim ưng lại lần thứ ba bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn với một nhát kiếm đã đâm thủng lồng ngực con chim. Dòng nước kia đã khô cạn. Thành Cát Tư Hãn leo lên tảng đá để tìm nguồn suối khác. Ông kinh ngạc khi thấy có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi. Thành Cát Tư Hãn quay hối hận vô cùng đến ngay con suối lúc


nãy ôm xác của con chim ưng mang về trại. Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng. Trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ: “Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không vừa lòng, người đó vẫn cứ là bạn của anh”. Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ : “Bất cứ phản ứng nào được thực hiện trong cơn giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại”.

40. HÓA GIẢI THÙ HẬN Người ta nói tức giận là lấy sai lầm của người khác trừng phạt chính mình. Cứ mãi nhớ đến những hận thù đó thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bạn. Suốt ngày bạn sẽ dằn vặt bản thân, bạn sẽ tìm mọi cách để trả thù lại người ta nhưng càng suy nghĩ càng khiến cho bạn cảm thấy nặng nề. Tiểu hòa thượng đi lấy nước, trên đường về bị rắn cắn. Sau khi về chùa xử lý xong vết thương, tiểu hòa thượng tìm thấy một thanh tre rất dài, định đi đánh rắn. Huệ Thanh pháp sư thấy vậy bèn đến hỏi chuyện. Tiểu hòa thượng kể câu chuyện đó cho


Huệ Thanh pháp sư, pháp sư hỏi câu chuyện xảy ra ở đâu, tiểu hòa thượng nói là ở bãi cỏ phía Bắc chùa. Huệ Thanh hòa thượng hỏi tiếp: “Vết thương của con còn đau không?” Tiểu hòa thượng trả lời rằng đã không còn đau nữa. “Nếu không còn đau nữa tại sao con vẫn muốn đi đánh rắn?” “Bởi vì con ghét nó!” “Nó cắn con, con liền ghét nó, vậy con giẫm lên nó, nó cũng ghét con và sẽ cắn con. Hai bên vì ghét mà thành thù, nhưng con là người, con nên từ bỏ suy nghĩ thù hận trước.” Tiểu hòa thượng không phục: “Nhưng con không phải thánh nhân, trong lòng không thể không có thù hận được.” Huệ Thanh pháp sư cười nói: “Không phải thánh nhân không có thù hận mà là có thể hóa giải thù hận.” Tiểu hòa thượng nói: “Lẽ nào con coi bị rắn cắn như bị quả thông rơi vào đầu hay là đang đi giữa đường bị mưa ướt thì sẽ trở thành thánh nhân? Nói như vậy thì làm thánh nhân quá dễ dàng.” Huệ Thanh đại sư lắc đầu: “Thánh nhân không chỉ biết hóa giải thù hận của bản thân mà họ cũng biết cách hóa giải thù hận của đối phương nữa con ạ”. Tiểu hòa thượng lặng người, đứng ngây ra nhìn Huệ Thanh pháp sư. Pháp sư nói: “Con người có ba cách đối diện với sự thù hận. - Cách thứ nhất là ghi nhớ thù hận, cũng giống như con đặt một


hòn đất vào trong lòng, cuộc đời con sẽ sống trong nỗi đau mà thù hận mang lại. - Cách thứ hai là nhanh chóng quên đi thù hận, trả lại cho bản thân sự vui vẻ, cũng giống như đập vỡ hòn đất và trồng hoa trên đó. - Cách thứ ba là chủ động hòa giải với kẻ thù, tháo gỡ nút thắt mâu thuẫn, cũng giống như tặng một đóa hoa cho họ. Có thể làm được theo cách thứ ba thì đã chạm rất gần tới cảnh giới của thánh nhân rồi.” Tiểu hòa thượng gật đầu. Tiểu hòa thượng đã chọn cách thứ ba, cậu không những quên đi hận thù mà còn tự xây lên một con đường đá nhỏ từ chỗ cậu đi qua, từ đó, không ai dẫm vào rắn và cũng không có ai còn bị rắn cắn nữa. Ai đó đã lấy đi của bạn một thứ gì đó quý giá, ai đó đã lỡ xúc phạm bạn, ai đó vô tình đã làm bạn đau. Bạn cảm thấy tức giận, bạn cảm thấy lòng hận thù trong mình dâng cao. Nhưng người ta nói tức giận là lấy sai lầm của người khác trừng phạt chính mình. Cứ mãi nhớ đến những hận thù đó thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bạn. Suốt ngày bạn sẽ dằn vặt bản thân, bạn sẽ tìm mọi cách để trả thù lại người ta nhưng càng suy nghĩ càng khiến cho bạn cảm thấy nặng nề. Tâm hồn bạn sẽ chẳng khi nào được thanh thản. Vậy tại sao bạn không thử học cách quên đi mọi hận


thù và dám tha thứ cho những gì người khác đã làm khiến bạn tổn thương . Cuộc sống sẽ đẹp hơn, nhẹ nhõm hơn nếu bạn biết quên đi thứ cần phải quên.


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.