Câu chuyện cuối tuần kỳ 41- 50

Page 1

41. THẬT RA CHÚNG TA ĐỀU GIỐNG NHAU Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen. Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ: “Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?” Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu. Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai: “Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!” Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp: “Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?” Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da trắng ấy sẽ trả lời thế nào. Người mẹ nói : “Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?” “Vâng! Đúng ạ!” “Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?” Đứa bé nghĩ ngợi một lúc : “Đúng thế ạ ! Toàn là màu đen hết.” “Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ,


đúng thế không?” “Vâng!” Con trai đột nhiên ngộ ra và nói : “Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.” Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ : “Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều! ” Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói : “Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành tựu khác…”.


42. CÁI CHẾT

Đức Phật đã nói rằng trong tất cả những mùa khác nhau để cày cấy, mùa thu là mùa tốt nhất, trong tất cả những loại nhiên liệu để đốt, thì phân bò là tốt nhất, và trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất. Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất định. Nếu chúng ta thực sự đương đầu với sự việc, chúng ta không biết được cái gì sẽ tới trước – ngày mai hay cái chết. Chúng ta không thể hoàn toàn quả quyết rằng người già sẽ chết trước và người trẻ còn ở lại phía sau. Thái độ thực tế nhất mà ta có thể nuôi dưỡng là hy vọng điều tốt đẹp nhất nhưng chuẩn bị điều tồi tệ nhất. Nếu điều xấu nhất không xảy ra thì mọi sự đều tốt đẹp, nhưng nếu nó xảy ra, nó sẽ không tấn công chúng ta bất ngờ. Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất vì không ai trong chúng ta biết được khi nào mình chết. Mỗi ngày chúng ta biết tin về cái chết trong báo chí hay cái chết của một người bạn, của người nào đó mà ta biết mang máng, hay của một người thân. Đôi khi chúng ta cảm thấy mất mát, đôi lúc chúng ta hầu như vui sướng, nhưng một cách nào đó, chúng ta vẫn còn bám chặt vào ý tưởng rằng điều đó sẽ không xảy ra cho ta.


Chúng ta nghĩ rằng mình được miễn trừ đối với sự vô thường, và vì thế chúng ta trì hoãn sự tu hành tâm linh (nó có thể chuẩn bị cho chúng ta trước cái chết), và cho rằng ta sẽ còn thời gian trong tương lai. Khi thời điểm không thể tránh khỏi xảy tới, điều duy nhất chúng ta phải mang đi là niềm hối tiếc. Chúng ta cần phải đi vào sự thực hành ngay lập tức để dù cái chết có tới sớm thế nào chăng nữa, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng. Khi cái chết đến, không điều gì có thể ngăn cản nó. Dù bạn có loại thân thể nào, dù bạn có thể trơ trơ đối với bệnh tật thế nào chăng nữa, cái chết sẽ chắc chắn giáng xuống. Khi chúng ta đi tới ngày cuối cùng của đời mình, điều tối quan trọng là đừng có ngay cả một day dứt của sự hối tiếc, hoặc điều tiêu cực mà chúng ta kinh nghiệm khi hấp hối có thể ảnh hưởng tới sự tái sinh kế tiếp của ta. Phương cách tốt nhất để làm cho cuộc đời có ý nghĩa là sống theo con đường của lòng bi mẫn. Nếu bạn nghĩ tưởng về cái chết và sự vô thường, bạn sẽ bắt đầu làm cho cuộc đời bạn có ý nghĩa. Bạn có thể cho rằng vì sớm muộn gì bạn cũng phải chết thì không cần cố gắng nghĩ về cái chết vào lúc này, bởi nó sẽ chỉ khiến bạn ngã lòng và lo lắng. Nhưng sự tỉnh giác về cái chết và lẽ vô thường có thể có những lợi lạc to lớn. Nếu tâm thức chúng ta bị vướng mắc bởi cảm tưởng rằng mình không bị lệ thuộc vào cái


chết, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghiêm túc trong sự thực hành của mình và chẳng bao giờ tiến bộ trên con đường tâm linh. Sự tin tưởng rằng bạn sẽ không chết là chướng ngại to lớn nhất cho tiến bộ tâm linh của bạn. Bạn sẽ bị trói chặt vào danh vọng, của cải và sự thành đạt. Khi suy nghĩ quá nhiều về cuộc đời này, ta có khuynh hướng làm việc cho những gì mình yêu quý – những thân quyến và bằng hữu của chúng ta – và ta nỗ lực để làm vui lòng họ. Rồi khi có ai làm điều tổn hại cho họ, lập tức chúng ta liệt những người này là kẻ thù của mình. Một số người nhận xét rằng thực hành Phật giáo dường như nhấn mạnh tới sự đau khổ và tính chất bi quan. Điều này thật sai lầm. Thực hành Phật giáo thực sự cố gắng để chúng ta có được một sự an lạc vĩnh cửu – là điều không thể suy lường nổi đối với một tâm trí bình thường – và diệt trừ những đau khổ một lần cho mãi mãi. Bạn sẽ nhận ra rằng sự thành đạt và những hoạt động của đời này không có bản chất và không quan trọng. Như vậy, sự làm việc cho lợi lạc lâu dài của bản thân bạn và những người khác sẽ có vẻ quan trọng nhiều hơn nữa. Bởi chẳng sớm thì muộn bạn phải bỏ lại mọi sự sau lưng, thì tại sao không từ bỏ nó ngay bây giờ ?


Một nửa đời người bị tiêu mất trong việc ngủ, và phần lớn thời gian còn lại chúng ta bị phóng tâm bởi những hoạt động thế gian. Khi ta già đi, sức mạnh thể chất và tinh thần giảm sút, và mặc dù chúng ta có thể mong muốn thực hành, nhưng đã quá muộn bởi chúng ta sẽ không có năng lực để thực hành Pháp. Điều trọng yếu là vào lúc hấp hối, tâm phải ở trong một trạng thái tốt lành. Nó là cơ may cuối cùng mà chúng ta có, và là một dịp may không nên bị bỏ qua. Mặc dù chúng ta có thể sống một cuộc đời rất xấu xa, nhưng vào lúc hấp hối ta nên làm một nỗ lực vĩ đại để nuôi dưỡng một trạng thái đức hạnh (an bình) trong tâm. Nếu chúng ta có thể phát triển một lòng bi mẫn hết sức mạnh mẽ và tràn đầy năng lực vào lúc chết, thì có hy vọng rằng ở đời sau chúng ta sẽ tái sinh trong một đời sống thuận lợi. Nói chung, sự quen thuộc đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Khi bệnh nhân sắp chết thì việc để cho người hấp hối cảm thấy ham muốn hay oán giận là điều bất hạnh. Ít nhất, nên cho người bệnh ngắm nhìn hình ảnh các vị Phật và Bồ Tát khiến họ có thể nhận ra các Ngài, cố gắng phát triển đức tin mạnh mẽ nơi các Ngài, và chết trong một tâm trạng tốt lành. Cái chết là một tiến trình mà ai cũng phải kinh qua dù sớm hay muộn, nhưng tiếc thay lại hiểu về nó rất mơ hồ và đôi khi đành xuôi tay nhắm mắt mà hoàn toàn không chuẩn bị gì cho hành trình để về đến bến bờ an vui hạnh phúc hơn.


43. TỐT HƠN HẾT HÃY THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH Ngày xưa, có một nhà vua trị vì vương quốc nọ rất thịnh vượng. Một hôm, ông quyết định vi hành đến những miền đất xa xôi của đất nước. Khi trở về cung điện, ông than phiền chân ông rất đau đớn vì lần đầu tiên đi một chuyến dài ngày như thế trên những con đường rất gồ ghề và lởm chởm đá vụn. Nhà vua ban lệnh cho mọi người phải phủ da thuộc lên khắp các con đường của vương quốc. Rõ ràng việc này cần hàng triệu bộ da bò và sẽ tiêu phí rất nhiều tiền của. Một hầu cận thông minh, dũng cảm tâu với nhà vua: - Sao bệ hạ lại dùng tiền một cách không cần thiết như thế? Sao bệ hạ không đo cắt một miếng da vừa với chân mình? Nhà vua rất ngạc nhiên nhưng rồi ông chấp thuận gợi ý của người hầu cận để cho làm một đôi giày cho riêng mình. Bài học vô giá từ câu chuyện này là: Để thế giới này trở thành một nơi hạnh phúc với mọi người, tốt hơn hết hãy thay đổi chính mình chứ đừng thay đổi thế giới.


44. HỌC CÁCH ĐI ĐỨNG Một vị ẩn sĩ cùng các đệ tử của mình họp mặt ở nhà khách. Ông quyết định rằng những người nào qua được kỳ sát hạch cuối cùng thì sẽ cho “tốt nghiệp” và xuống núi. Vị ẩn sĩ trầm ngâm một chút rồi nói: “Hôm nay các con cùng với thầy đi dạo vườn hoa. Hễ ai biết phải đi đứng ra sao cùng người trên thì đã nắm vững được lẽ sống ở đời rồi”. Khi ông bước ra vườn, các đệ tử nhìn nhau rồi nhất loạt đi thụt lùi phía sau. Đi được một đoạn thì người thầy dừng lại. Ông quay lại nhìn học trò và nói: Đi như thế này thì thầy là người mở đường cho các con sao? Nghe vậy, các đệ tử hoảng hồn, họ vội vàng chạy lên phía trước. Đi được một đoạn, vị ẩn sĩ dừng lại và nói: Ái chà! Đi đứng như vậy thì ta là người tùy tùng mất thôi. Các đệ tử dừng lại, nhìn nhau và suy nghĩ một lúc. Họ quyết định đi ngang hàng với thầy của mình. Đi được một lúc thì vị ẩn sĩ dừng lại và nói: Thầy và trò sao lại đi ngang hàng với nhau, làm như vậy coi không được. Nghe đến đây, các đệ tử không dám đi nữa, họ đứng nép một bên và xin thầy chỉ bảo phải đi đứng ra sao. Lúc này vị ẩn sĩ nói: Đi đứng ra sao không quan trọng. Chỉ cần lòng mình thanh thản là được. Các con phải biết đi trước, khi cần


gánh lấy khó khăn và trách nhiệm. Hãy đi sau mọi người, khi được hưởng quyền lợi hay danh vọng. Nên đi ngang hàng với những người nghèo khổ, họ đang cần các con giúp đỡ. Đừng nên nhìn xung quanh để quyết định mình đi đứng ra sao. Bây giờ, các con hãy ra đi với tấm lòng rộng mở và quảng đại, thế là đủ.

45. KHÔNG LÃNG PHÍ ĐỒ VẬT Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu không thể thiếu chiếc áo (y). Người xuất gia tu hành ăn mặc giản dị, sống cuộc sống bình thường, tuy Đức Phật vì phương tiện mà mùa đông cho thêm áo, nhưng không phải là lí do để mưu cầu tích trữ. Đức Phật quy định mỗi người chỉ có thể giữ 3 y, nếu có Phật tử nào cúng thêm, thì phải đem cúng dường lại cho vị khác có y bị rách hoặc chưa đủ y. Lần kết tập kinh điển thứ nhất, khi Tôn giả A Nan thay mặt 500 vị Tỳ kheo tiếp nhận 500 bộ y do những cung nữ của vua Ưu Điền thành tâm cúng dường. Vua Ưu Điền sau nghe sự việc này cảm thấy lạ, thế nhưng vẫn nói đùa: “Nhận nhiều y như thế Tôn giả A


Nan không phải thành một người buôn áo quần sao.” Thấy hiếu kì, nhà vua bèn đến gặp Tôn giả A Nan, đồng thời thị sát xem 500 bộ y chạy đi đâu. Sau đây là cuộc đối thoại giữa vua và tôn giả A Nan. Tôn giả A Nan nói: “Tâu Đại Vương, 500 bộ y đã chuyển đến cho 500 vị Tỳ kheo có y bị rách.” Vua: “Vậy thì, thưa Tôn giả A Nan, còn 500 bộ y rách kia làm thế nào?” Tôn giả A Nan: “Tâu Đại vương, dùng để làm ra trải giường.” Vua: “Vậy thì, thưa Tôn giả A Nan, còn những ra trải giường cũ thì làm thế nào?” Tôn giả A Nan: “Tâu Đại vương, dùng để làm gối.” Vua: “Vậy thì, thưa Tôn giả A Nan, những chiếc gối cũ kia làm thế nào?” Tôn giả A Nan: “Tâu Đại vương, dùng để làm đệm ngồi.” Vua: “Vậy thì, thưa Tôn giả A Nan, còn những đệm ngồi cũ thì làm thế nào?” Tôn giả A Nan: “Tâu Đại vương, dùng để làm khăn lau chân." Vua: “Vậy thì, thưa Tôn giả A Nan, còn những khăn lau chân cũ thì làm thế nào?” Tôn giả A Nan: “Tâu Đại vương, dùng để làm khăn lau nhà." Vua: “Vậy thì, thưa Tôn giả A Nan, còn những khăn lau nhà cũ thì làm thế nào?”


Tôn giả A Nan: “Tâu Đại vương, những chiếc khăn lau nhà sau khi đã hư mục thì dùng để trộn với đất bùn làm nền nhà." Vua Ưu Điền sau khi nhận thấy các Tỳ kheo không lãng phí đồ vật, nhà vua không những lấy làm kính phục mà còn phát tâm cúng thêm 500 bộ y nữa cho Tôn giả A Nan và tăng chúng. Sự tôn quí của Tăng chúng đó là khi họ có thể như pháp, như luật thực hành lời Đức Phật đã dạy, do đó mà toả ra cái đức của người tu hành.

46. KHÔNG CÓ MÁY ĐỂ TÍNH TOÁN ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA CON NGƯỜI Câu chuyện dưới đây được một người kỹ sư Ấn Độ chứng kiến trong chuyến đi của mình và kể lại trên mạng xã hội. Đó là vào một buổi tối tại khách sạn Sabrina, thành phố Malappuram, bang Kerala, Ấn Độ… Hôm ấy, sau cả một ngày dài dự buổi họp, anh Kumar bước vào khách sạn Sabrina để ăn tối. Ngay khi phần ăn của anh được đưa tới, anh cảm nhận được hai đứa trẻ “đói ăn” ở bên ngoài cửa đang đưa những ánh mắt “thèm khát” nhìn về phía mình. Đó là hai đứa


trẻ suy dinh dưỡng đi lang thang nhặt rác để kiếm sống. Chúng nhìn thấy những món ăn trên bàn mà “thèm đến chảy nước miếng”… Kumar quay về phía hai đứa trẻ rồi đưa tay vẫy vẫy để chúng lại gần mình. Nhìn thấy vậy, cậu bé liền nắm tay em gái mình đi tới. Kumar hỏi hai anh em: “Các cháu muốn ăn gì nào?” Hai đứa trẻ không nói gì, cậu bé chỉ vào đồ ăn của Kumar đang để trên bàn ăn còn cô bé thì chỉ mở to đôi mắt nhìn anh như thể không tin vào tai mình. Kumar chọn cho hai anh em cậu bé hai phần cơm giống như của mình. Ngay khi thức ăn vừa được đặt trước mặt hai đứa trẻ, cậu bé dường như không thể chịu đựng thêm được sự đói khát mà lập tức ăn ngay. Nhưng cô em gái thì ngược lại, cô bé nắm lấy tay anh trai mình và nói rằng chúng cần phải đi rửa tay trước. Sau khi rửa tay xong, hai anh em cậu bé nhanh chóng ăn hết phần thức ăn của mình. Kumar ngồi nhìn hai đứa trẻ ăn mà không động đũa nhưng trong lòng cảm thấy rất ấm áp. Đợi cho hai anh em cậu bé ăn xong, cúi chào bước đi rồi Kumar mới bắt đầu ăn phần cơm của mình. Sau khi ăn xong, Kumar yêu cầu được tính và thanh toán tiền. Sau đó anh đi rửa tay và quay lại bàn của mình để nhận hóa đơn. Nhưng ngay khi anh nhìn vào tờ hóa đơn, anh đã cảm thấy ngạc


nhiên bởi trên đó không có bất kỳ số tiền nào mà chỉ là một dòng chữ khiến anh rất cảm động! Anh Kumar cũng đã hỏi về nhân viên tính tiền này nhưng không nhận được thông tin gì.

“Chúng tôi không có máy để tính toán được giá trị của con người. Mong mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với anh!” Anh Kumar không quen biết ai ở khách sạn, cũng không biết nhân viên tính tiền nào đã thực hiện nghĩa cử đẹp đó, nhưng anh biết rằng cuộc sống sẽ không thể thiếu được những câu chuyện đậm tình người như vậy.

Việc làm của anh Kumar đã chứng minh rằng thế giới này của chúng ta cần nhiều hơn nữa tình yêu thương con người. Hơn nữa, sau khi bạn làm việc thiện, việc tốt, bạn cũng sẽ vô tình hướng người khác đến với việc hành thiện!

47. ĐUỔI THEO HẠNH PHÚC Một hôm trời mưa to ... heo con không ra ngoài đường chơi được nữa lúi húi chạy vào nhà ... loanh quanh bên heo mẹ . Heo con hỏi : Mẹ ơi mẹ! ... Hạnh phúc là gì hả mẹ? Heo mẹ trả lời : Hạnh phúc là cái đuôi của con.


Heo con ngoáy đầu lại nhìn cái đuôi và đuổi theo nó, đuổi mãi đuổi mãi heo con mệt quá thở .. phù phù ... Heo con thở hổn hển và hỏi heo mẹ ... Mẹ ơi sao con không đuổi theo được hạnh phúc hả mẹ? Heo mẹ mỉm cười đáp: SAO CON KHÔNG CHẠY LÊN PHÍA TRƯỚC ĐỂ HẠNH PHÚC PHẢI THEO CON mà lại cứ tốn công đuổi theo nó vậy.

48. TỈNH DẬY Thế gian này có quá nhiều chuyện phiền não, vì vậy, rất nhiều người đi gặp Phật Tổ cùng hỏi về một vấn đề: “Con nên làm thế nào, mới không còn những điều phiền muộn?” Phật Tổ cho đáp án đều như nhau: “Chỉ cần buông tay, con sẽ thôi không phiền não nữa.” Có một người thanh niên, cho rằng mình thông minh tỏ ý không phục, bèn đi gặp Phật Tổ và hỏi: “Trên thế gian này có hàng ngàn hàng vạn người, thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn điều phiền não. Nhưng, Người cho họ giải pháp đều hoàn toàn như nhau, vậy đó chẳng khác gì buồn cười lắm hay sao?” Phật Tổ không nổi giận, chỉ hỏi ngược lại chàng thanh niên:


“Buổi tối con ngủ có thường hay nằm mơ không?” “Đương nhiên là có!” Chàng trai trả lời. “Vậy, mỗi buổi tối nằm mơ, giấc mơ đều như nhau không?” Phật Tổ lại hỏi. “Đương nhiên là khác nhau rồi!” Chàng trai trả lời. “Con ngủ hàng ngàn hàng vạn lần, thì sẽ mơ hàng ngàn hàng vạn lần giấc mơ.” Phật Tổ mỉm cười nói: “Nhưng cách kết thúc giấc mơ, đều như nhau cả, đó là: TỈNH DẬY!”

49. ĐỨC PHẬT CÓ HAY KHÔNG?

Có một người nọ đến tiệm hớt tóc quen để cắt tóc, cạo râu. Trong lúc hai bàn tay thoăn thoắt làm việc, bác thợ luôn miệng trò chuyện rôm rả với thân chủ. Những mẩu chuyện đầu Ngô mình Sở dẫn dắt thế nào mà bỗng dưng họ lại sa đà qua đề tài tâm linh, thần học.., rồi xoay qua chủ đề: Đức Phật có hay không? Thợ hớt tóc vừa đưa một đường kéo ngọt xớt tỉa chỏm tóc lòa xòa trước trán thân chủ vừa phán một câu chắc nịch: “ Làm gì có ông Phật trên đời !”


Vốn là một người sống tâm linh, thế nên khách không khỏi phật ý, bèn vặn lại: “Tại sao bác nói thế?” Bác thợ nói luôn một mạch: “Thì cứ ra phố mà xem. Nhiều trẻ em phải lang thang kiếm sống. Lắm người già yếu còn phải còng lưng dầm mưa dãi nắng bán rong. Bao kẻ không nhà đêm đêm vẫn mượn vỉa hè nằm co ro lăn lóc. Chưa kể là vào các bệnh viện nào cũng thấy chen chúc và đầy dẫy nghịch cảnh đau lòng... Nếu quả thật trên đời này có một ông Phật từ bi luôn thương xót chúng sinh, thì cớ sao những mảnh đời khổ ải đó lại không được Ngài cứu vớt?!” Ông khách làm thinh. Khi trả tiền xong, khách bước ra khỏi tiệm hớt tóc và bắt gặp bên kia đường một người râu tóc lùm xùm, thậm thượt, rõ là đã lâu ngày không hớt không cạo. Khách liền quày trở vào tiệm nói lớn: - “Bác thấy đó, trên đời này làm gì có thợ hớt tóc!” Bác thợ sửng sốt: “Nói vậy mà nghe được à! Thế tôi là ai? Ai vừa mới hớt tóc cho anh ở đây?” Ông khách kéo bác thợ cắt tóc ra cửa, chỉ sang bên kia đường: “Đấy! Thợ hớt tóc không hề có, vì nếu có thì người kia đã không phải


để râu tóc lùm xùm, thậm thượt như vậy.” “Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn luôn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm thì dẫu có đông có nhiều chăng nữa, thợ hớt tóc cũng đành bó tay.” Khách mỉm cười: “Chính xác! Đức Phật cũng vậy mà thôi. Ngài luôn luôn đưa tay ra chờ đợi chúng ta nhưng chúng ta không chịu tìm đến mà nắm lấy tay Ngài. Chúng ta luôn tìm đủ cách phủ nhận Đức Phật và kiêu ngạo với tài hèn sức mỏng của mình. Đó là nguyên do sâu xa của mọi nỗi đau khổ trên thế gian này!” Thế thường, nhân gian ''cầu được, ước thấy'' thì mới tin vào Phật, cầu không toại nguyện thì bảo Phật không thiêng, không có Phật. Kỳ thật, Đức Phật xuất hiện trong cõi đời đâu phải để cho con người đem lòng dục của mình ra mà trắc nghiệm sự tồn tại của Ngài. Muốn biết Phật có ''cứu vớt '' hay không, bạn nên thực thi theo giáo Pháp của Phật, cái gọi là: '' bàn tay Ngài luôn đưa ra'' đó chính là giáo Pháp. Giáo Pháp đó như tấm bản đồ, bạn theo đó mà đi thì sẽ thoát khổ và tự thân cảm nhận hạnh phúc, bạn không còn tự biến mình thành nô lệ cho dục vọng và cho đối tượng mà bạn cầu xin.


50. CÂU CHUYỆN VỀ SỰ LẠC QUAN Bert và John Jacobs là người đồng sáng lập hãng sản xuất áo phông Life is Good trị giá 100 triệu USD. Họ là 2 thành viên nhỏ tuổi nhất trong một gia đình trung lưu có 6 người con ở Boston (Mỹ). Hai anh em Bert và John Jacobs luôn duy trì được tinh thần lạc quan nhờ thói quen của mẹ họ mỗi bữa tối là hỏi các con về những điều thú vị trong ngày. Bước ngoặt xảy ra khi cả hai đang học tiểu học, bố mẹ của họ suýt mất mạng trong một tai nạn xe hơi. Mẹ họ chỉ bị gãy vài chiếc xương, nhưng người bố thì nặng hơn khi mất khả năng cử động tay phải. Sự căng thẳng và thất vọng từ những đợt vật lý trị liệu đã biến ông trở thành một người nóng nảy và hà khắc, ông la mắng rất nhiều. Cuộc sống đương nhiên không hề hoàn hảo chút nào. Rất nhiều khó khăn đã xảy ra. Tuy nhiên, mẹ họ tin rằng cuộc sống vẫn tốt đẹp. Vì vậy, mỗi tối, khi gia đình quây quần bên bàn ăn, bà lại hỏi 6 đứa con về những điều tốt đẹp xảy đến với chúng trong ngày hôm đó. "Đúng như lời mẹ nói, chúng đã thay đổi không khí trong căn phòng. Tất cả mọi người đều hào hứng kể về những gì hay nhất, vui vẻ nhất hay kỳ lạ nhất trong ngày". Những "bài tập luyện" hằng ngày như vậy đã giúp họ không trở


thành nạn nhân của tâm lý chán nản. Thay vì phàn nàn về bài tập về nhà, họ sẽ cười đùa về mái tóc ngớ ngẩn của một người bạn cùng lớp hoặc một dự án đơn giản tiến hành ở trường. "Sự lạc quan là điều mà gia đình chúng tôi luôn có, ngay cả khi chúng có nhỏ nhoi đến đâu" Việc lớn lên cùng một người mẹ vô tư hát hò trong bếp, kể những câu chuyện sinh động và đóng đủ các thể loại nhân vật trong truyện trẻ em dù đang phải trải qua hoàn cảnh rất tồi tệ đã dạy cho hai anh em một bài học quan trọng: Hạnh phúc không phụ thuộc vào hoàn cảnh. "Bà đã chỉ cho chúng tôi thấy sự lạc quan là một sự lựa chọn dũng cảm bạn phải đương đầu hằng ngày, đặc biệt khi đứng trước nghịch cảnh". Cách nhìn tích cực về cuộc sống đó đã truyền cảm hứng để họ tạo nên Life is Good. Công ty này hiện được định giá 100 triệu USD, mục đích là lan tỏa sức mạnh của sự tích cực cùng khẩu hiệu "Cuộc sống không hoàn hảo, cũng không đơn giản gì. Nhưng nó vẫn luôn tươi đẹp". Vì câu hỏi hằng ngày vào mỗi bữa tối của mẹ đã giúp họ rất nhiều trong cuộc sống, hai người hiện tại cũng yêu cầu nhân viên làm điều tương tự khi mọi người ngồi lại với nhau. Họ luôn nói: "Hãy nói với tôi điều gì tốt đẹp đi" và kết quả rất khả quan. "Nó mang lại nhiều ý tưởng mới, giúp công ty phát triển đồng thời tạo ra nền tảng thành công, thay vì quá chú tâm vào các thách thức".


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.