Câu chuyện cuối tuần kỳ 51- 60

Page 1

51. TUỔI THỌ CỦA CHÚNG SINH KÉO DÀI BAO LÂU? Ngày nọ, khi các đệ tử khất thực trở về, đức Phật có hỏi các đệ tử: “Này các đệ tử! Các người hàng ngày vất vả mang bát khất thực là vì điều gì?”. Chúng đệ tử nghe xong liền chắp hai tay, cung kính: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng con là vì bồi bổ sức khoẻ, nuôi dưỡng sắc thân để mong cầu được sự giải thoát thanh tịnh cho sinh mệnh chúng con”. Đức Phật nhìn các đệ tử bằng ánh mắt trong suốt, trầm tĩnh hỏi: “Vậy các đệ tử hãy cho ta biết, sinh mệnh thọ được bao lâu?”. “Bạch Đức Thế Tôn! Sinh mệnh của chúng sinh hữu tình thông thường kéo dài mấy chục năm ạ”. Một đệ tử đáp một cách rất tự tin. Đức Phật lắc đầu: “Con hoàn toàn chưa hiểu được chân tướng của sinh mệnh”. Một người khác thấy vậy liền nghiêm trang trả lời: “Sinh mệnh con người giống như cỏ hoa, mùa xuân nảy lộc đâm chồi tươi non mơn mởn, mùa đông cành khô cây héo lại hoá thành cát bụi”.


Đức Phật mỉm cười: “Con có thể xét đến mức ngắn ngủi của sinh mệnh, nhưng đối với sự liễu giải của Phật Pháp, vẫn hạn chế ở vẻ bề ngoài”. Một đệ tử khác: “Bạch đức Thế Tôn! Sinh mệnh giống như loài phù du, sớm sinh tối diệt, cùng lắm chỉ dài như một đêm thôi ạ!”. “Con đã quan sát sâu hơn đối với hiện tượng sớm nở tối tàn của sinh mệnh, đối với Phật Pháp như vậy đã nhận thức vào phần cơ thịt nhưng vẫn chưa đến cùng sự việc”. Đức Phật trả lời. Với các gợi ý của đức Phật, chúng đệ tử ngày càng chăm chú lắng nghe, có người nói: “Bạch đức Thế Tôn, kỳ thực sinh mệnh chúng ta không khác gì so với sinh mệnh của giọt sương mai. Trông lung linh đẹp đẽ, nhưng chỉ cần ánh nắng chiếu rọi thì nó sẽ tiêu tan khô kiệt trong chớp mắt”. Đức Phật mỉm cười không nói. Chúng đệ tử ngày càng tranh luận sôi nổi không ngớt. Bỗng một đệ tử thanh thoát: “Bạch đức Thế Tôn, đệ tử cho rằng, sinh mệnh con người chỉ dài trong một hơi thở”. Lời vừa dứt, mọi người đều kinh ngạc, tất cả nhìn về phía đức


Phật đợi chờ sự khai thị của Đức Thế Tôn. “Đúng rồi, đúng rồi! Tuổi thọ của sinh mệnh chỉ dài như một hơi thở. Chỉ có nhận thức về sinh mệnh như vậy mới thực sự trải nghiệm được tinh tuý của sinh mệnh. Này các đệ tử! Các người chớ nên thảnh thơi lười biếng, cho rằng sinh mệnh rất dài giống như sương mai, như kiếp phù du, như cỏ hoa, hay dài như vài chục năm của kẻ phàm tục. Tuổi thọ của sinh mệnh chỉ như một hơi thở mà thôi! Phải trân trọng mỗi phút giây của sinh mệnh, mỗi phút giây phải không ngừng phấn đấu, không ngừng tinh tấn tu tập!”

52. VÒNG TRÒN CUỘC SỐNG Một buổi chiều nắng đẹp, người đàn ông nọ ra biển câu cá. Ông ta nằm thư giãn trên bãi biển, cắm cần câu trên cát trắng sợi dây câu dài vươn tít ra ngoài xa, bập bềnh với sóng xanh. Ông lim dim mắt tận hưởng nắng chiều ấm áp... Đúng lúc đó, một nhà doanh nghiệp trẻ từ đằng xa đi tới. Nhìn thấy người đi câu, anh ta bèn lại gần để trò chuyện: - Bằng cách này ông chẳng thể kiếm được nhiều cá đâu! Lẽ ra ông nên làm việc thì tốt hơn.


Người đi câu ngước nhìn lên: - Vậy ư? Nếu tích cực làm việc thì tôi sẽ được những gì nào? - Ông sẽ có tiền và có thể mua được tấm lưới lớn, bắt được nhiều cá hơn - Thương nhân trẻ tuổi đáp. - Rồi sau đó? - Ông sẽ kiếm được thêm nhiều tiền từ đó và có thể mua một chiếc tàu. Sản lượng đánh bắt cá sẽ càng cao thêm. - Tôi còn có thể nhận được những gì nữa? - Người đi câu cười. Nhà doanh nghiệp bắt đầu khó chịu với câu hỏi của người đi câu: - Ông sẽ có thể mua được tàu đánh cá to hơn nữa và thuê người làm cho ông. - Rồi sau đó? - Ông có thể xây dựng cả một đội tàu đánh cá lớn, đi vòng quanh thế giới và để người lao động đánh bắt cá cho ông. Một lần nữa người đi câu hỏi: - Thế lúc đó tôi được gì? Thương gia đỏ mặt vì giận dữ, hét toáng: - Chẳng lẽ ông không hiểu? Lúc đó ông trở nên giàu có tới mức ông không bao giờ phải động chân động tay làm việc để kiếm sống nữa. Ông có thể ngồi cả ngày trên bãi biển xinh đẹp này và thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn. Ông sẽ không còn một lo lắng nào trên đời nữa. Người câu cá vẫn mỉm cười, nhìn chàng thương gia trẻ với vẻ


thương hại: - Thế cậu thấy tôi đang làm gì đây? Chúng ta thường mơ đến những thứ lớn lao mà không nghĩ rằng hiện tại chính là thứ tốt đẹp nhất. Hạnh phúc thực sự đến khi bạn biết cách hưởng thụ nó, không phải chỉ khi có tiền mới có thể hưởng thụ.

53. SỨC MẠNH CỦA LỜI ĐỘNG VIÊN Một đàn ếch đi ngang qua một khu rừng và hai con ếch bị rơi xuống một cái hố. Khi thấy cái hố quá sâu những con ếch còn lại bèn nói với hai con ếch kia rằng chúng sẽ phải chết. Hai con ếch mặc kệ những lời bình luận và cố hết sức nhảy ra khỏi cái hố. Đàn ếch nhao nhao bảo chúng đừng vô ích, hãy chấp nhận cái chết không thể tránh khỏi. Cuối cùng, một con ếch nghe theo lời của đàn ếch. Nó gục xuống chết vì kiệt sức và tuyệt vọng. Con ếch còn lại vẫn dồn hết sức lực còn lại tiếp tục nhảy lên. Đám ếch trên bờ lại ầm ĩ la lên bảo nó hãy nằm yên chờ chết. Con ếch nọ lại càng nhảy mạnh hơn nữa. Và thật kỳ diệu, cuối


cùng nó cũng thoát ra khỏi cái hố sâu. Đàn ếch xúm lại: 'Không nghe chúng tôi nói à?' Chúng cứ hỏi mãi trong sự ngạc nhiên, lúng túng của con ếch nọ. Cuối cùng sự thật cũng được một con ếch già hé lộ rằng con ếch vừa thoát khỏi cái hố kia bị điếc và nó cứ nghĩ là những con ếch khác hò reo đang cổ vũ cho nó! Có một bài học từ câu chuyện này : Lời nói có sức mạnh khủng khiếp. Một lời động viên dành cho người đang trong cơn khủng hoảng có thể mang đến sức mạnh bất ngờ để vượt qua nghịch cảnh. Một lời tiêu cực với người đang khủng hoảng có thể giết chết họ. Vì vậy hãy cẩn thận với lời nói của bạn. Hãy nói những lời mang đến niềm tin và sức sống cho những ai đi ngang qua cuộc đời bạn. Sức mạnh của ngôn từ! Vâng đôi lúc thật khó mà hiểu được sức mạnh kỳ diệu của một lời động viên khích lệ. Bất cứ ai cũng có thể có những lời cướp đi tinh thần chiến đấu, nghị lực sống của một người đang trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Nhưng chỉ có những người đặc biệt, những người thật sự 'biết sống đẹp' mới có thể dành thời gian, tấm lòng để khích lệ người khác.


54. CHĂN BÔNG SƯỞI ẤM CHO NGƯỜI HAY LÀ NGƯỜI SƯỞI ẤM CHO CHĂN BÔNG? Trong một ngôi chùa cũ nát, tiểu hòa thượng chán nản thất vọng nói với lão hòa thượng:“Trong cái chùa nhỏ bé này chỉ có hai hòa thượng chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác với chúng ta. Họ cho chúng ta tiền hương khói càng ngày càng ít đến thê thảm”. Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư Phụ nói, con e là không thể”. Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe, tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên… Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt to hỏi: “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?”. Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói: “Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!”.


Lão hòa thượng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm đi”. Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn chui vào trong chăn ngủ. Một giờ sau, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?”. Tiểu hòa thượng trả lời: “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy!”. Lão hòa thượng nói: “Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?”. Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Sư phụ, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ!”. Lão hòa thượng hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?”. Tiểu hòa thượng nghĩ nghĩ một lát rồi nói: “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái”. Trong bóng tối, lão hòa thượng hiểu ý cười cười: “Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bông? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một


cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó “cái chăn bông” dày kia cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp sao? Ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt, còn có thể là trong mơ được sao?” Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết. Bắt đầu từ ngày hôm sau, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên. Tiểu hòa thượng cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng trước sau gì đều giữ vững thái độ nho nhã và lễ độ đối xử với mọi người. Mười năm sau… Chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi chùa có diện tích hơn 10km, có rất nhiều hòa thượng, khách hành hương tới không ngớt. Tiểu hòa thượng cũng đã trở thành vị sư trụ trì. Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là đang nằm trong chăn bông, người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm chăn bông thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta. Ngủ…đắp…cả một đời, vậy mà hôm nay mới biết… Hóa ra mối quan hệ giữa người và chăn bông là như vậy, thật là có đạo lý phải không?


55. ĐỪNG ĐỢI ĐẾN LÚC CHẾT MỚI CHO ĐI/ BÀI HỌC CỦA SỰ “CHO ĐI” Câu chuyện về con lợn và con bò. Con lợn hiếm khi được người ta để ý đến, trong khi người ta rất quý con bò. Điều này làm lợn rất khó chịu. Nên có lần, lợn hỏi bò: “Tại sao mọi người yêu quý cậu, đối xử với cậu tử tế và nghĩ rằng cậu hào phóng chỉ vì hàng ngày cậu cho người ta sữa? Như tớ đây thì sao? Tớ cho mọi người hết: thịt để làm nhiều món, cả da, cả tim gan, cả lông cứng… Thế mà không một người nào biết ơn tớ! Tại sao vậy?”. Và con bò đã trả lời rằng : “Có thể tại vì tớ cho khi tớ vẫn còn sống”. Sự cho đi có ý nghĩa và giá trị chính là ở thời điểm và cách cho. Nếu bạn mong muốn có được sự tôn trọng, yêu thương, tiền bạc ngay hôm nay, vậy tại sao bạn lại đợi đến lúc chết mới cho đi? Chính là vì cách bạn lựa chọn để trở thành ai trong cuộc đời này, cách bạn chọn đối xử với những người xung quanh và với những điều xảy đến với bạn. Đừng đòi hỏi quá nhiều cho bản thân khi chúng ta chưa biết cho đi nhiều hơn. Đừng vội hỏi con đường ta đang đi mang đến điều gì cho ta, hãy sống và làm cho “con đường” của mình thành công rực rỡ hơn để khi quay nhìn lại, ta sẽ không hối tiếc về những gì mình đã đi qua.


56. VỀ ĐÂU KHI GIÔNG BÃO Có ai còn thực sự đứng giữa trời giông bão mà lầm thầm tự hỏi câu này không? Chắc chắn là không rồi. Mưa, mà đang ở ngoài sân thì sẽ chạy ngay vào nhà, đang ở ngoài đường thì tìm ngay mái hiên, hàng quán nào mà núp. Bão, thì dời ngay tới nơi khác, an toàn. Với giông bão bên ngoài, không cần phải suy nghĩ, chắc ai cũng nhanh nhẹn, cũng thông minh mà hành động như thế. Nhưng lạ thay, với những cơn bão trong tâm hồn, sao chúng ta lại thường làm ngược lại? nghĩa là, thay vì núp mưa, tránh bão thì lại lao thẳng vào mưa bão cho thân thể tả tơi, bầm dập? Trong sinh hoạt đời thường, những bất toại ý, những bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm thường đưa tới lộng ngữ; và khi đã mất tự chủ, mất ái ngữ thì cơn cuồng nộ dễ dàng bật lên như giông bão. Rồi khi cơn bão tâm linh bùng lên, chúng ta thường lao vào bão qua những ngọn gió đen của bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm đó. Ta cứ điên cuồng xoáy vào những lời, những việc mà kẻ kia đã làm ta đau khổ, buồn giận. Ta cứ gầm thét với chính ta “Sao lại đối với tôi như thế? Sao lại nói với tôi như thế? Sao lại phỉ báng, khinh khi tôi như thế? Sao lại … Sao lại ….”


Thái độ đó chính là bão vừa nổi, ta lập tức lao ngay vào trung tâm cơn bão! Làm sao mà ta chẳng bị nhận chìm, chẳng tả tơi, bầm dập!? Sao ta không tìm nơi trú ẩn cơn bão tâm linh, như vẫn thường nhanh nhẹn và thông minh trốn cơn giông bão của trời đất? Về đâu, khi giông bão? chính là câu hỏi cho cơn bão tâm linh. Kinh nghiệm, sách vở cũng như lời giảng dạy của minh-sư, của thiện- tri-thức vẫn nhắc nhở, nhưng có lẽ chúng ta chưa thực tập đủ nên khi hữu sự thì cái tâm sân hận lại kéo ta vào ngay cơn bão đang sẵn cuồng nộ, ngả nghiêng, tuy chúng ta đều đã biết, đáng lẽ phải lập tức quay về với hơi thở chánh niệm. Chỉ chú tâm vào hơi thở, không gì khác nữa. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Hãy theo dõi bước đi của hơi thở để thấy khi ta thở vào, bụng ta phồng lên, khi ta thở ra, bụng ta xẹp xuống. Hãy theo dõi bụng và hơi thở như theo dõi con ếch bên bờ giếng. Ta “nhìn” được hơi thở của con ếch mà ít khi chịu nhìn hơi thở của chính ta! Chỉ hụt mất một vài hơi, liệu ta còn đó để mà giận, mà hờn hay không? Hơi thở quan trọng như thế nên các bậc thầy thường dùng nó để dẫn dắt chúng ta trở về chánh niệm.


Nhưng Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đã biết, chúng sinh trong cõi ta-bà này vô minh và cường nghạnh lắm! Hoặc không biết cách tránh, hoặc biết mà không tin, cho rằng chỉ làm cho thỏa lòng là đúng nhất. Chính vì thế mà phương pháp tìm nơi trú ẩn khi bão tới, rất đơn giản, nhưng chốn ta-bà càng lúc càng tơi tả cuồng phong! Riêng kẻ vô minh là tôi, ngoài hơi thở, vừa tìm thêm cho mình một khí giới nữa để đóng tất cả cửa ngõ lục căn khi giông bão ập tới. Đó là, lập tức niệm 4 tiếng “A Di Đà Phật”. Không cần biết phải trái, đúng sai gì, khi thấy cơn buồn giận nổi lên, hãy đóng ngay lục căn bằng tiếng niệm “A Di Đà Phật”. Tất nhiên, trong khi niệm, ta vẫn đang thở, nhưng tiếng niệm Phật trong lúc cấp bách đó có sức mạnh vũ bão của thanh gươm bén lóe lên, may ra mới kịp chặn đứng giông bão. Khi lục căn đã đóng, gió mưa không thổi tốc được vào nhà, trong khi tiếng niệm Phật còn âm vang, có nghĩa là ta đã vào trú được nơi an toàn. Tiếp tục niệm Phật để mưa tạnh, gió yên, khi ấy, hãy về với hơi thở đã điều hòa để quán chiếu những gì làm ta buồn, ta giận, cũng chưa muộn. Lúc đó hãy phán đoán phải trái, đúng sai.


Tới đây, ta đã làm chủ được ta, ta đã đẩy xa cơn bão, ta phải biết mỉm cười vì cơn bão hung hãn kia đã không quật ngã được ta. Phải biết mỉm cười với mình trong ý nghĩ “Cơn bão nào rồi cũng qua!” Với ý nghĩ đó, mọi sự phải trái, đúng sai đều không đáng kể vì mọi sự ấy cũng như cơn bão thôi. Sẽ qua hết, trừ BẢN LAI vì: “Bản lai vô nhất vật Hà xứ nhạ trần ai” (*) Bản chất đích thực của Bản Lai vốn trong suốt, tưởng như chẳng là gì, thì lấy chỗ đâu cho bụi bám? Vạn pháp quy KHÔNG. Chỉ một câu niệm Phật đủ đưa ta về an trú trong chánh niệm. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

57. TRONG CÁI RỦI CÓ CÁI MAY

Ngày xưa có một ông vua có rất nhiều cận thần thân tín. Tuy nhiên ông ta tỏ ra đặc biệt yêu mến một người trong số họ bởi người này rất thông minh, giỏi giang và luôn luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích. Một ngày nọ, nhà vua bị một con chó cắn vào ngón tay và vết


thương ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà vua liền hỏi người cận thần rằng đó có phải một điềm xấu hay không. Người cận thần trả lời: “Đó là điều tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được, thưa đức vua”. Cuối cùng, ngón tay của nhà vua bị hoại tử nặng và cần phải cắt bỏ. Nhà vua liền hỏi lại người cận thần: “Hẳn đây là một điềm xấu?”. Một lần nữa, người cận thần vẫn trả lời như cũ: “Tốt hay xấu rất khó để nói, thưa đức vua”. Nhà vua tức giận tống giam người cận thần của mình. Vào một ngày nhà vua đi săn trong rừng. Ông khấp khởi mừng thầm khi mải mê đuổi theo một con nai rồi ngày càng dấn sâu hơn vào rừng rậm. Cuối cùng nhà vua nhận thấy mình bị lạc. Điều tồi tệ hơn là ông bị thổ dân bắt lại làm vật tế thần. Nhưng họ bất ngờ nhận ra rằng nhà vua thiếu mất một ngón tay. Ngay lập tức họ thả nhà vua ra vì ông ta không phải là một người đàn ông hoàn hảo và không phù hợp để dâng cúng - Tế Thần. Sau đó nhà vua đã tìm được đường về cung điện. Nhà vua hiểu ra lời nói của người cận thần năm xưa: “Tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được”. Nếu không bị mất một ngón tay, nhà vua có thể đã bị giết. Ngay lập tức, nhà vua


truyền lệnh thả người cận thần của mình và xin lỗi anh ta. Nhưng người cận thần không có vẻ gì oán trách nhà vua khi bị tù đày. Trái lại, người cận thần nói: “Đó không hẳn là điều tồi tệ khi đức vua giam thần lại”. “Tại sao?”, nhà vua hỏi. “Bởi nếu đức vua không giam thần lại, thần sẽ được đi theo trong chuyến đi săn. Nếu người dân bản địa nhận ra rằng nhà vua không thích hợp cho việc cúng tế, họ sẽ sử dụng thần để dâng lên vị thần của họ”. Đôi khi chúng ta luôn cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ. Khi điều đó xảy ra, không có gì là sai khi chúng ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng. Nhưng một khi bạn bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, hãy thử nhìn chúng dưới một góc độ khác, có thể bạn sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như bạn nghĩ và đôi khi là cơ hội để bạn có được điều tốt hơn. Có những điều tưởng chừng như thuận lợi ban đầu lại có kết thúc tồi tệ và ngược lại. Không có gì thực sự xác định được là xấu hay tốt. Hay chăng chỉ là vấn đề mà chúng ta nhìn nó theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.


Nói cách khác, trong cái rủi có cái may, và điều quan trọng nhất là không bao giờ được từ bỏ hy vọng. Vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng (Where there's life, there's hope). Thế giới này vẫn luôn có một nơi tốt đẹp và cuộc sống vẫn muôn màu.

58. TỔN THƯƠNG NGƯỜI KHÁC LÀ TỔN THƯƠNG CHÍNH MÌNH Một đêm nọ, một chú rắn bò vào một xưởng mộc trong lúc đang đi kiếm mồi. Bác thợ mộc vốn tính hơi bừa bộn đã để lại một số dụng cụ trên sàn nhà trong đó có một chiếc cưa. Khi rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nho nhỏ. Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, rắn ta quay phắt lại và cắn bổ thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu. Bị đau khiến rắn càng thêm tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã “chết rồi”. Sắp chết vì bị thương, rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật


mạnh trước khi bò đi. Sáng hôm sau, bác thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình. P/S: Đôi khi, trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác, chúng ta chỉ làm tổn thương chính mình mà thôi. Hãy khoan hồng, tha thứ – Biết thiện thì theo, tới đâu thì tới!

59. NGHĨ XẤU LÀ TỰ HẠI MÌNH Trong thân thể con người 70% là nước. Theo tiến sĩ Masaru Emoto thì nước chịu ảnh hưởng và biến thái theo tình cảm và ý nghĩ của con người. Thí dụ một người cầm trong tay một ly nước lọc và nghĩ tưởng đến “tình thương”, sau đó đem ly nước đó ra làm đông đặc và chụp hình thì thấy nó cho ra những tinh thể nước rất đẹp với cấu trúc cân đối, màu sắc trong sáng. Cũng cùng một ly nước đó, nhưng người cầm khởi lên ý nghĩ xấu ác như thù ghét, ganh tị thì tinh thể biến dạng trở nên méo mó hỗn độn, màu sắc u ám. Thí dụ khác, không cần phải có người cầm ly nước với ý nghĩ mà chỉ cần viết xuống mảnh giấy một câu tốt lành như “tình thương” rồi để ly nước lên trên, cũng cho ra kết quả chẳng khác gì người cầm ly nước. Từ đó cho thấy những tư tưởng, ý niệm dù hình thức nào, trong ý nghĩ hay chữ viết cũng đều tỏa ra năng


lượng và rung động ảnh hưởng đến tính chất của nước. Một ly nước với những tinh thể tươi đẹp, cân đối thì khi uống vào chắc chắn sẽ nuôi dưỡng và truyền năng lượng tốt vào cơ thể. Một ly nước với những tinh thể hỗn độn, méo mó thì chắc chắn sẽ làm cho cơ thể bệnh hoạn. Thưở xưa, trong các Thiền viện ở Nhật Bản, người nấu ăn cho đại chúng là người đứng hàng thứ hai sau vị trụ trì. Bởi vì nấu ăn cho đại chúng là một việc rất quan trọng, phải là người có nhiều lòng từ bi, biết lo lắng cho sức khỏe của họ, chứ không cần phải là người biết nấu ăn ngon. Bởi vì nấu ăn ngon mà tâm toát ra nhiều phiền não, tham, sân, ngã mạn, ganh tị thì những tư tưởng xấu ác này sẽ thấm vào nước, vào đồ ăn, và sẽ làm hại sức khỏe của đại chúng. Trên đây là nói về nước và thức ăn từ bên ngoài. Nhưng nước bên trong cơ thể con người như máu, đờm, dãi, mật, tủy, v.v… cũng chịu ảnh hưởng của ý nghĩ, và tình cảm của đương sự. Như ta thấy, chỉ cần khởi ý nghĩ một tâm niệm xấu ác đã làm biến chất một ly nước bên ngoài, huống chi là nước ngay bên trong cơ thể của con người nghĩ. Vậy thì khi mình khởi lên những ý nghĩ xấu ác như tức giận, lo âu, sợ hãi, thù ghét, ganh tị, v.v… có phải là mình đang tự đầu độc mình không?! Cổ nhân thường nói “ngậm máu phun người, trước dơ miệng


mình”. Ý đó cũng nói khi muốn làm dơ kẻ khác thì mình đã tự làm dơ mình trước. Khi nổi sân, mắng chửi người khác, lúc đó trong người ta tim đập mạnh, huyết áp tăng, mặt mày xây xẩm. Nếu chẳng may ta có bệnh cao huyết áp thì có thể bị đứt mạch máu. Do đó mới có câu “tức hộc máu mà chết”. Nếu không chết hộc máu vì sân thì từ tim mạch cũng bị hư hoại dần và sẽ có ngày trụy tim mà chết. Nếu chúng ta biết thương mình thì hãy tập giữ gìn tâm ý, đừng nghĩ xấu ác đối với kẻ khác. Vì nghĩ xấu kẻ khác chính là tự hại mình, tự đầu độc mình. Nếu lỡ nghĩ xấu thì phải nhanh trí sửa lại, vì ta là chủ của sự suy nghĩ kia mà.

60. CÓ LÀM CÓ CHỊU Lúc đức Thích-ca Mâu-ni trụ tại thành Vương-xá, một hôm có một người lái buôn tên gọi là Phất Ca Sa muốn đi mua hàng hóa, nên sáng sớm đi đến thành La Phiệt, nhưng vừa tới cổng thành thì đã bị một con trâu húc chết. Chủ con trâu thấy thế, sợ nếu giữ con trâu hung ác này lại thì về sau thế nào cũng sẽ xảy ra chuyện không lành, bèn đem con trâu đi bán với một giá rẻ mạt.


Người chủ mới mua trâu xong bèn dắt trâu về nhà. Đi được nửa đường gặp một con sông, ông muốn cho trâu uống nước. Không ngờ trâu chẳng những không uống nước mà còn nổi tính hung bạo dữ dằn, thình lình dùng sừng húc người này chết tươi. Người nhà của nạn nhân thấy thế nổi giận, đem con trâu ra giết, rồi đem thịt ra chợ bán. Có một người nông phu tham giá rẻ, mua đầu trâu về, lấy dây cột sừng trâu lại rồi xách về nhà. Ấn Độ là một nước nhiệt đới, vô cùng nóng bức. Người nông phu đi được một đoạn đường thì vừa nóng vừa khát, bèn treo đầu con trâu lên một cành cây rồi ngồi dưới gốc cây này nghỉ ngơi. Quái lạ thay, sợi dây cột đầu con trâu mắc lên cành cây bỗng dưng vô cớ đứt đoạn, khiến đầu con trâu rơi xuống, trúng ngay đầu người nông phu khiến ông này bị trọng thương mà chết ngay tại chỗ. Chỉ trong vòng một ngày mà con trâu này đã giết chết ba người. Vua Tần Bà Sa La nghe tin này rất lấy làm lạ, biết rằng bên trong phải có nguyên do gì đây. Ông bèn dẫn một số đại thần, đem hoa quả hương đèn tới núi Linh Thứu lễ Phật rồi thỉnh Ngài thuyết giải cho nghe.


Đức Phật kể cho vua Tần Bà Sa La nghe rằng: – Thuở xưa có ba người lái buôn đi qua nước láng giềng làm ăn mua bán. Họ muốn để dành tiền nên chiều hôm ấy, thay vì đi tìm nhà trọ thì lại ghé đến nhà một bà lão xin mướn một căn phòng. Hai bên thỏa thuận giá cả xong, họ ở lại nhà bà lão ngủ qua đêm ấy. Sáng hôm sau, bà lão có việc phải đi ra ngoài, ba người thừa cơ hội bà vắng mặt lẻn trốn đi mất. Về tới nhà thấy thế, bà lão tức giận vô cùng, đuổi theo họ đòi tiền. Ba người phải gánh vác hành lý nặng nề nên đi chưa được xa đã bị bà lão bắt kịp. Họ thấy bà lão già cả, dễ ức hiếp, nên nặng lời nhục mạ chưởi mắng bà. Bà lão không làm gì được họ, phẫn uất mà nói: – Mấy người chỉ là một phường vô lại, thấy tôi già cả nên mới ức hiếp nhục mạ tôi. Nhưng hành động này của mấy người thế nào cũng có ngày trả báo. Kiếp này tôi không làm gì mấy người được, nhưng kiếp sau, dầu tôi có sinh ra làm người hay dầu có mất thân người đi nữa, tôi cũng quyết sẽ báo thù. Tôi sẽ giết hết cả ba người, có thế mới hả được niềm căm hận này. Đức Phật thuyết câu chuyện nhân duyên ấy xong liền nói tiếp: – Con trâu hung ác chỉ trong một ngày giết hại ba mạng người chính là bà lão thuở trước. Ba người lái buôn đã khinh miệt bà lão trong kiếp xưa, kiếp này đã lần lượt bị trâu húc chết trong vòng


một ngày. Tội phúc như chiếc bóng đi theo mỗi người, nếu mình khinh miệt người khác mà làm việc trái với lương tâm, thì cũng chỉ có mình tự chịu lấy quả báo đau khổ về sau mà thôi!


Turn static files into dynamic content formats.

Create a flipbook
Issuu converts static files into: digital portfolios, online yearbooks, online catalogs, digital photo albums and more. Sign up and create your flipbook.