Thọ khổ thì dứt khổ Hưởng phước thì hết phước (Pháp Sư Hư Vân - HT Tuyên Hoá) Lời chia sẻ: 1. Chỉ một chút đau khổ thế gian, con người đã than thở oán trách. Làm được chút phước thiện đã cho là quá nhiều, tu được chút trí huệ đã cho là hơn người... Những đau khổ mà ta phải đối diện chính là quả hiện tại mà do nhân quá khứ ta đã gây tạo, có thể là đời này hoặc vô lượng đời trước, chứ chẳng phải do ai gây ra, tất cả là chính bản thân ta gây tạo nên bây giờ phải chịu nghiệp báo này. Khi khổ đau đến, ta vượt qua và chuyển hoá được, thì cũng là nhân xấu ta gây tạo thành nghiệp xấu đã hết, khổ đó không đến đòi nợ ta nữa, nhưng trả chưa xong thì sẽ còn phải trả cho hết. Hết nợ thì mới ung dung tự tại.
Thường con người, khi phước báu đến, tài lộc và may mắn đến thì sung sướng và hạnh phúc. Khi được cho tặng hay được miễn phí điều gì thì cho là may mắn. Hiểu đạo thì sẽ thấy, những thứ ta hưởng, không phải do ai cho tặng, không phải tự nhiên xuất hiện, tất cả là quả báo tốt đẹp do nhân tốt ta gieo trồng kiếp này hoặc vô lượng kiếp trước. Nếu ta xài, dĩ nhiên phước này sẽ tiêu hết, không còn. Do đó, người tu đạo, thấy khổ không oán thán, thấy lợi lộc không động tâm. Và muốn mau chóng viên thành đạo quả thì phải sẵn sàng nhận chịu quả khổ, để khổ mau hết; và cũng thật tiết kiệm phước đức, không xài phung phí phước đức của mình, như khi thọ dụng đồ ăn uống không được bỏ thừa, đồ dùng không lãng phí... 2. Khi nghe hiểu thì dễ nhưng thực hành trong cuộc sống là 1 điều không dễ dàng, khi gặp trở ngại, đau khổ, người ta la mình thì mình có giận và vượt qua ko? Tu là tự sửa mình để thoát khỏi đau khổ, ta nhận thấy 1 điều ở bản thân là mình đã giảm được nhiều đau khổ khi thực hành theo lời Phật dạy, không còn dễ giận hờn, dễ tổn thương như ngày xưa, vì chỉ có tự tâm mình làm đau khổ mà thôi, mình cứ theo thói quen nghĩ là hoàn cảnh, người khác làm mình đau khổ và hoán hận,...thật không dễ dàng để từ bỏ mọi thứ theo ta nhiều đời nhiều kiếp. Cuộc sống trôi qua rất nhanh và đời người ngắn như hơi thở. Hãy ngồi yên tĩnh và theo dõi hơi thở của mình vì nó rất mong manh, hơi thở đã đứt thì mọi thứ ko còn nữa
Buông xả được nhẹ thân, hướng vào tâm từ bi sẽ thấy chuyển hoá được nhiều. Nghĩ vậy mà thực hiện thấy khó quá. Dẫu ý thức được là không muốn vác đá cả đời trong lòng. Cảm thấy hạnh phúc và vui khi bị ai la mắng, nói sai về mình, nói xấu mình,...thật không dễ khi đối diện, mình phải soi chiếu ở bản thân nhiều thì mới buông bỏ. Cố gắng thực hành điều này, vì gặp ở cuộc sống nhiều, đôi lúc tập trung niệm NAM MÔ A DI DA PHAT thấy cũng có kết quả. Khi mà cảm nhận an lạc trong mọi hoàn cảnh thì hạnh phúc nào bằng. 3. Đạo Phật gian nan, không mất lòng tin, gặp khó khăn hay đau khổ, không oán thán. Làm việc tốt nhưng gặp việc không như ý, không oán thán, tránh sự thọ hưởng phước, phước báu có được hồi hướng cầu Đạo vô thượng bồ đề. Hình như biết mình đang thực hành lời trí huệ nên công việc đến nhiều hơn :) và mình đón nhận với thái độ an vui hơn, phải thọ khổ thì mới hết khổ, muốn được sung sướng thì phải hết khổ. Hạnh phúc vì mình còn đủ sức khoẻ và điều kiện để trả nợ. Không lãng phí phước đang được hưởng, từ nước uống cũng phải uống hết, đồ ăn ráng ăn cho hết, không hao phí khăn giấy, giấy mực,... mọi thứ tưởng là đang xài của chung, nhưng thực sự cũng từ phước mình có mà ra.
4. Có lúc ta muốn bỏ hết mọi thứ, nhiều lần thắc mắc "Tại sao mình phải đi làm? Tại sao giờ này mình lại ngồi ở cái chỗ này đây?" Ah, tu là chuyển hoá chứ ko phải là đè nén. Tự nhủ mình nên đón nhận cái khổ, cái phiền não, một món nợ mà trong nhiều đời do chính mình gieo. Mau mau trả để bớt cái khổ, bớt được nợ, chuyển cái khổ thành cái vui, thành động lực để tiến tu. Phước lạc thế gian nếu ko nhìn nhận ra thì sẽ dễ thọ dụng và lãng phí. Nếu cái phước đó hồi hướng cho đại chúng để công tác Phật sự, khoá tu...đc thêm viên mãn, mọi ng cùng đc an lạc thì đó mới ko lãng phí. Tiết kiệm đồ vật của đại chúng, của Tam Bảo, để phước đức mỗi người ko bị hao, khiến Đạo tràng tinh tấn, phước huệ đều đc tròn đầy. 5. Ta tự nghiệm ra rằng việc thực hành lời dạy trên vào cuộc sống không đâu xa mà rất gần trong cuộc sống, công việc hàng ngày... cốt yếu là vận dụng lời dạy ấy một cách hiệu quả nhất để việc huân tập càng có ý nghĩa. Ví dụ trong công việc, trước đây ta thường rất dễ nổi sân khi không vừa ý hoặc có ai đó làm mình không vui, không hài lòng và đặc biệt là thường bị đồng nghiệp sai việc vặt mà lý ra không phải trách nhiệm mình làm. Khi đã hiểu ra thì ta đã cố gắng thay đổi chút ít, từng ngày, không dám nhận mình không còn nổi sân nhưng thay vào đó ta đã tìm cách dung hòa với đồng nghiệp và thọ cái "khổ" một cách hoan hỷ nhất có thể để hai bên đều vui vẻ mà công việc vẫn thuận lợi, tiến triển tốt đẹp.
Công đức, phước báu nhiều, chúng ta nên san sẻ và hồi hướng cho tất cả, để ai ai cũng được một ít và gieo thiện duyên lành cho họ thay vì ta cứ ôm khư khư hưởng một mình, cũng chẳng lợi lạc gì. Vì ta quan niệm, một bát cơm ngon nếu chỉ ăn và độc thoại một mình, thật là vô vị và buồn biết bao.