THỜI KHOÁ TU TẬP
1.
TRÌ TỤNG 108 BIẾN CHÚ ĐẠI BI
2.
TRÌ TỤNG 108 BIẾN CHÚ LĂNG NGHIÊM
3.
TỤNG KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
4.
SÁM HỐI KINH VẠN PHẬT
5.
NIỆM PHẬT
Mọi thông tin liên hệ email: shurangama2013@gmail.com
1. Thời trì 108 biến Chú Đại Bi - Thời gian: 14h00 đến 16h30 ngày thứ 7 hàng tuần Ý nghĩa của Đại Bi: Căn cứ câu "Bi năng bạt khổ", bất cứ ai gặp phải mọi cảnh khổ nạn, nếu thành tâm tụng Chú Ðại-bi đều có thể được bình an, chuyển hung thành cát. Trì tụng Ðại-bi Chú không những được tự tại, mà các điều cầu mong còn được thành tựu; có thể tránh được khổ ách tai nạn và được vui sướng an lạc; vượt qua mọi hiểm nghèo, tới chỗ bình an vô sự. Làm sao có thể xa lìa khổ ách? Phải tụng Ðại-bi Chú. Làm sao thoát khỏi hiểm nghèo? Phải trì tụng Ðại-bi Chú. Chớ có coi Ðại-bi Chú là tầm thường hay đơn giản. Nếu quả trong đời quá khứ và hiện tại không có căn duyên tốt lành thì ngay đến cả cái tên của Chú Ðại-bi cũng chưa được nghe. Những lợi ích của công phu trì tụng Ðại-bi Chú, nói ra không thể hết được. Phàm ai đã trì tụng Ðại-bi Chú thì tuyệt đối chẳng bị đọa vào ba đường ác. Phàm ai ngu si mà trì tụng Ðại-bi Chú, sẽ thành kẻ trí huệ. Thần Chú Ðại-bi lại có thể trị tám vạn bốn ngàn loại tật bệnh của thế gian. Ai bị bệnh nan y, cho đến các y sĩ, Tây y hay Ðông y phải bó tay, nhưng nếu thành tâm trì tụng Ðại-bi Chú cũng nhất định chẳng uống thuốc mà được khỏi bệnh. Thần hiệu của Ðại-bi Chú thật không thể nghĩ bàn!
2. Trì 108 biến Chú Lăng Nghiêm (Pháp ngữ của Hòa Thượng Tuyên Hóa) Tôi lại muốn bảo với các vị lời nói thật lòng liên quan đến Kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm chính là một dạng xá lợi của Phật, chân thân của Phật. Kinh Lăng Nghiêm là một bộ Kinh đại diện cho toàn thể Phật Giáo, nếu không có Kinh Lăng Nghiêm thì sẽ không có Phật Giáo, cho nên Đức Phật mới tuyên nói trước là vào thời pháp diệt, thời Chánh pháp diệt tận, Kinh Lăng Nghiêm sẽ diệt trước, sau khi Kinh Lăng Nghiêm hoàn toàn diệt rồi, thì những Kinh khác mới lần lượt diệt theo. Cho nên những người đệ tử Phật chúng ta nếu muốn hộ trì Phật Giáo, trước phải hộ trì Kinh Lăng Nghiêm, đến khắp nơi giảng Kinh Lăng Nghiêm, thuyết Kinh Lăng Nghiêm, phiên dịch Kinh Lăng Nghiêm, đọc Kinh Lăng Nghiêm. Đồng thời, điều chánh yếu là phải trì tụng Chú Lăng Nghiêm. Chú Lăng Nghiêm là vua trong các chú, cũng là chú dài nhất trong các chú. Chú này liên quan đến sự hưng suy của toàn Phật Giáo, trên đời nếu không còn một người nào biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì thế giới này sẽ nhanh chóng bị hủy diệt, vì trên đời không còn có Chánh Pháp nữa.
3. Tụng Kinh Thủ Lăng Nghiêm Bộ kinh này giải thích tường tận về giáo lý của Phật Ðà liên đến tâm thức. Gồm có nhiều sự phân tích về nơi trú của tâm, giải thích cội nguồn vũ trụ, bàn luận đặc biệt về hành nghiệp, diễn đạt tất cả pháp giới hiện hữu, và cắt nghĩa về năm mươi ấm ma mà thường kiến chúng ta bị mê lầm trên đường tầm cầu giác ngộ. Ngoài ra, trong kinh này, hai mươi lăm vị thánh giải thích những phương pháp mà các ngài tu tập để chứng quả giác ngộ. Quyển I: Tôn giả A Nan đưa ra bẩy chỗ của tâm. Ðức Phật chỉ rõ những điều sai lầm của từng chỗ và giải thích cội gốc của chân và giả. Quyển II: Ðức Phật giải thích về biệt nghiệp và cộng nghiệp, và Ngài chỉ bày tâm bằng cách chỉ ra mười khía cạnh khác nhau của kiến tánh. Quyển III: Ðức Phật miêu tả tường tận về khả năng của tất cả các căn, thức, và mọi động lực trong ngoài căn bản vũ tru. Ngài giải thích muôn vật đều không thật thể và không hiện hữu bằng nhân duyên, cũng không tự sanh khởi. Quyển IV: Ðức Phật thuyết về sự hình thành của thế giới, sự hiện hữu của chúng sanh hữu tình, và vòng luân hồi của nghiệp báo. Quyển V: Hai mươi lăm vị thánh giải thích về phương thức tu hành siêu thoát sanh tử của các Ngài.
Quyển VI: Bồ Tát Văn Thù chọn lựa pháp môn 'Nhĩ Căn Viên Thông' của Bồ Tát Quán Thế Âm là phương pháp thích hợp nhất cho chúng sanh trong thế giới của chúng ta. Gồm có những lời giải thích về Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối (những lời dạy rõ ràng về bốn hạnh thanh tịnh). Quyển VII: Làm thế nào để lập Bồ Ðề đạo tràng, chú Thủ Lăng Nghiêm và diệu dụng, và mười hai loài chúng sanh. Quyển VIII: Bao gồm sự giải thích về năm mươi cảnh giới của Bồ Tát đạo trên đường đến giác ngộ, và làm sao chúng sanh bị đọa xuống địa ngục và trôi lăn trong các loài ma, súc sanh, người, trời, a tu la, và nhiều tầng trời khác nhau. Quyển IX + X: Phần cuối cùng của Kinh miêu tả phơi bày năm mươi cảnh giới ma liên quan đến ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức); Không những là một hướng dẫn vô giá cho hành giả Phật giáo, sách còn cống hiền một mô hình phân loại tất cả các kinh nghiệm tâm linh, của cả Phật tử và những người không phải là Phật tử. Cần thiết cho những người học thiền hoặc mong muốn có thầy hướng dẫn về những cảnh giới hành giả có thể rơi vào khi chấp hoặc kiêu ngạo về khả năng thần thông. Mười ấm ma cho mỗi uẩn dược giải thích rõ ràng, là "một trợ giúp vô giá để tránh những cạm bẫy tà sư, tà giáọ...".
4. Kinh VẠN PHẬT (Kinh Phật Thuyết Phật Danh) Phật nói ra một vạn một ngàn một trăm vị Phật, tuy có vị trùng danh, nhưng chẳng trùng Phật, chúng ta đọc hết bộ kinh này, như đến được cảnh giới Phật, thật là một bộ kinh tối-thượng đại-thừa, phước đức vôlượng vô-biên. Muốn cầu Thánh quả, trước sám tội khiên, ba nghiệp trong sạch, mới lên đường giác. Tưởng thấy chúng ta lâu khốn trong ngục sinh tử, tội ác chứa đầy, của Pháp công-đức tiêu hết không còn. Quân chủ MaVương cứ thế lực lớn, nếu chẳng phải oai thần chư Phật, không do đâu giải đặng. Lại nữa sinh chẳng gặp thời, mắt chưa thấy thân tướng hảo đứng ngồi thần biến, tai chưa nghe tiếng Phạm sâu xa nói các dạy răn, gặp kiếp rốt này phiền não càng lừng, khổ nạn ngày thêm, nháy thở gần cái đau ba đường, sát-na lắm cái bi muôn kiếp, mỗi khi lặng nghĩ, thần kinh ý khiếp. May đặng gặp hồng-danh chư Phật này, gọi là tờ đại-xá mở khám ngục, thuyền lành cứu kẻ biển chìm. Thích-Ca Như-Lai miệng vàng rành rạnh khuyên dạy quy mạng như thế, há chẳng khẩn đảo đầu thành.
5. NIỆM PHẬT VÌ SAO CẦN PHẢI NIỆM PHẬT
(Trích khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa)
Lúc bình thường tại sao cần phải niệm Phật? Vì bình thường niệm Phật là để chuẩn bị cho khi lâm chung. Tại sao không đợi đến lâm chung mới niệm Phật? Vì hằng ngày niệm Phật chính là để huân tập hạt giống Phật vào trong tâm của bạn. Nếu bạn niệm mãi thì trải qua thời gian, hạt giống đó lớn dần lên trong mảnh đất tâm của bạn và đưa bạn đến kết quả giải thoát giác ngộ. Nếu bình thường bạn không niệm Phật thì bạn không biết gieo hạt giống Phật vào mảnh đất tâm của mình. Khi lâm chung, thần trí rối loạn thì làm sao nghĩ đến Phật mà niệm được chứ. Tại sao vậy? Vì hiện tại không thường xuyên niệm Phật. Do đó, hằng ngày cần phải niệm Phật, lạy Phật, tu pháp môn Tịnh độ. Được như thế thì hiện tại được bình an, khi lâm chung không bị hôn mê tán loạn lại được tự tại vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Tại sao phải vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc? Bởi vì đức Phật A Di Đà khi chưa thành Phật tên là Tỳ kheo Pháp Tạng đã phát ra 48 lời nguyện, trong đó có một lời nguyện “Sau khi tôi thành Phật, chúng sanh trong khắp mười phương nếu niệm danh hiệu của tôi A Di Đà Phật, tôi nhất định tiếp dẫn họ về cõi nước của tôi, tương lai thành Phật… Chúng sanh trong cõi nước tôi đều hóa sanh từ hoa sen, nên thân thể thanh tịnh không bị nhiễm ô”. Với đại nguyện rộng lớn của Phật A Di Đà như thế, nên tất cả chúng sanh ai ai cũng tu “pháp môn niệm Phật”, vì đây là pháp môn hợp với mọi trình độ căn cơ và rất dễ tu.